Khám phá Hang động mới ở Bắc Kạn
Một hang động mới với hệ thống nhũ đá, thạch thủy tự nhiên nhiều màu sắc huyền ảo chưa từng thấy vừa được phát hiện ngay trong lòng núi đoạn qua đèo Áng Toòng (xã Xuất Hóa, thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn).
Nhóm PV Tuổi Trẻ đã đi tìm hiểu và thật sự ngỡ ngàng vì vẻ đẹp của nó...
Một vòm động với những nhũ đá tuyệt đẹp - Ảnh: Việt Dũng
Một dải thạch nhũ đẹp lạ lùng - Ảnh: Khiết Hưng
Hang động này hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách ưa mạo hiểm bởi hệ thống các ngóc ngách vô cùng hiểm trở, chui xuống tận đáy sông Cầu...
Ngỡ ngàng
Ông Nguyễn Duy Nghĩa - phó trưởng phòng quản lý di tích và danh thắng Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn, một trong những chuyên gia đầu tiên khảo sát hang động - dẫn chúng tôi đến cửa hang và “bàn giao” cho anh Nông Văn Lễ - người dân tộc Tày, ở xã Xuất Hóa, thị xã Bắc Kạn, một thanh niên bản địa thông thạo địa hình hang - dẫn tiếp xuống “âm ti”.
Theo ông Nghĩa, hang được phát lộ ngày 28-7-2011. Sau khi nổ mìn phá đá trên đoạn đèo Áng Toòng để thi công làm quốc lộ 3B (từ quốc lộ 3 đi huyện Na Rì), các công nhân đã phát hiện một động đá hun hút ăn sâu vào lòng núi. Sửng sốt bởi vẻ đẹp kỳ ảo của hệ thống những thạch vân, nhũ đá tuyệt đẹp, một số công nhân đã tiến vào tìm hiểu. Biết tin, một vài thợ chuyên săn tìm vàng ở địa phương cũng đã nhanh chân tìm đến “khai phá” hang động với mục đích tìm vàng.
Mạo hiểm leo xuống một hang động âm sâu xuống lòng đất - Ảnh: Việt Dũng
Lễ bảo chính anh là người đầu tiên dám chui xuống mò mẫm từng ngóc ngách tối um trong hang để khám phá những hang động với những thạch nhũ, thạch thủy tuyệt đẹp, những đụn nước đùn lên từ dưới các khe đá, nước rỉ ra từ những vách đá bên trên...
Do chưa được bảo vệ, một số thạch nhũ, thạch thủy đã bị phá hủy và có người mang những tảng nhũ ra ngoài bán kiếm vài ba triệu đồng... Cũng chính vì thế, đơn vị thi công đã tạm san đất đá lấp gần kín cửa hang. Nhưng với những gì được chứng kiến, chúng tôi vẫn sững sờ.
Ngay từ cửa hang là một động lớn khá rộng rãi, vòm núi cao cùng những thạch nhũ đẹp huyền ảo do vẫn còn ánh sáng tự nhiên le lói hắt vào. Xung quanh động có ít nhất ba cửa hang lớn và rất nhiều cửa hang nhỏ chỉ đủ một người chui lọt tỏa đi khắp các hướng.
Lễ buộc đoạn dây thừng to dài 50m xuống và từ đó chúng tôi bắt đầu khám phá một trong những ngách mà theo anh dài khoảng 350m, chênh chếch lao sâu xuống đáy sông Cầu với độ cao chênh lệch so với bên ngoài khoảng 60m. Đã khám phá nhiều hệ thống hang động, trong đó có Pu Sam Cáp - “đệ nhất hang động Tây Bắc” ở Lai Châu, nhưng phải thừa nhận chúng tôi vẫn bị choáng ngợp vì vẻ đẹp đến ngỡ ngàng.
Càng vào sâu trong ngách, nhiều đoạn phải bò trườn qua các khe đá, nhiều đoạn lại phải bám dây tụt tít xuống. Đá trong hang không trơn trượt dù rất ướt, nhiều tảng vẫn còn “tuyết” xốp do “mồ hôi đá” tiết ra ngưng lại. Vào sâu được nửa đường, một số thành viên đã chào thua bởi mức độ mạo hiểm. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đến điểm cuối cùng, được cho đẹp nhất trong hang.
Đó là một động có khoảng vòm rộng hơn 20m, vòm trần cao 7m với hệ thống đá trắng và nhiều hình dáng tạo hình tự nhiên khác nhau. Trên lưng chừng vách hang có nhiều hồ treo, giếng trời với những “túi nước” mát lạnh, trong vắt luôn được bổ sung bởi những giọt nước tí tách nhỏ từ các thạch nhũ xuống, khi chụp lên ảnh cực đẹp.
Đặc biệt có rất nhiều thạch nhũ tự nhiên như những chiếc lá mỏng xếp chồng lên nhau, khi dùng ngón tay búng nhẹ tạo ra âm thanh không khác gì đàn đá. Lễ bảo đây chưa phải là điểm cuối cùng, bởi xung quanh vẫn còn rất nhiều ngóc ngách chưa biết dẫn đi đâu, tới đâu...
Leo xuống đoạn hang động đầu tiên - Ảnh: Việt Dũng
Hứa hẹn đầy tiềm năngTheo ông Nghĩa, sau khi phát hiện hang động, tỉnh đã tiến hành khảo sát ban đầu và có biện pháp bảo vệ, tránh tình trạng người dân đập phá các thạch nhũ. Tại hang đá thứ hai, lòng hang có đoạn rộng, đoạn hẹp, đi lại khó khăn do có một giếng trời sâu gần 20m tại điểm đầu của hang. Tuy nhiên, qua được đoạn này mới thưởng thức hết vẻ đẹp huyền ảo của thiên nhiên.
Kết quả khảo sát ban đầu của các đơn vị chức năng thuộc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cho thấy hang động khá kỳ lạ, chứa nhiều loại đá khác nhau như đá xanh, đá vôi, trong khi những hang đá thường thấy ở VN chỉ có một loại đá. Chính vì thế, thạch vân, thạch nhũ trong hang chứa nhiều màu sắc khác nhau, từ nhũ vàng đến trắng trong, trắng đục tạo thành những mảng màu rực rỡ, huyền ảo.
Càng đi sâu vào lòng hang, các loại thạch nhũ càng nhiều, đặc biệt có loại thạch thủy như nhựa trắng đang chảy và thạch nhũ dạng sợi như những dây đá màu trắng dài hàng mét từ vòm hang rủ xuống. Trên vách hang, nhiều đoạn nhũ tạo thành những hình thù lạ mắt, thể hiện sự kỳ lạ của thiên nhiên. Đáng chú ý, lòng hang không có chút bùn đất và đáy hang có những mảng thạch vân hình xoáy ốc, được thiên nhiên khéo léo sắp xếp như một bức tranh thủy mặc.
Ông Nghĩa cho biết chưa dám so sánh trên quy mô cả nước vì còn cần sự đánh giá của các cơ quan chuyên môn cấp quốc gia, nhưng tại Bắc Kạn thì có thể nói đây là hang động đẹp và kỳ lạ nhất từ trước tới nay. Ngay sau khi khảo sát, ông đã có một báo cáo gửi Sở Văn hóa - thể thao và du lịch để cơ quan này báo cáo UBND tỉnh.
Theo đánh giá của ông Nghĩa, vị trí, địa thế của hang rất có tiềm năng du lịch, nhất là du lịch mạo hiểm bởi hang chỉ cách trung tâm thị xã chưa đầy 15km. Trong hang động không khí đủ thoáng, đảm bảo đủ oxy cho nhiều người, có nhiều ngách hẹp dẫn đến các hang khác và có thể tạo thành một hệ thống hang động hoàn mỹ, hấp dẫn du khách.
Cũng theo ông Nghĩa, hiện UBND tỉnh Bắc Kạn đã có công văn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục khảo sát để có biện pháp bảo vệ, phát huy món quà quý của thiên nhiên này.
ĐỨC BÌNH - TUẤN THÀNH - MINH QUANG
Đất nước con người gắn liền nhau bởi văn hóa và phong tục, có mấy bài nói về những đặc sắc dân tộc thiểu số vùng Bắc Kạn, LH sưu tầm thêm cho bạn đọc biết về những nét đẹp văn hóa của xứ sở này.
Chú thích
(hm... cho rõ ràng tên vùng , ahèm in case ai muốn nói láy thì nói cho vui thôi, vô thưởng vô phạt hén )
Bắc Kạn là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Phía bắc giáp tỉnh Cao Bằng, phía đông giáp tỉnh Lạng Sơn, phía nam giáp tỉnh Thái Nguyên và phía tây giáp tỉnh Tuyên Quang. Dân số tỉnh theo điều tra dân số ngày 01/04/2009 là 294.660 người, là tỉnh ít dân nhất cả nước.
- Người Tày chiếm: 54%
- Người Dao: 16,8%
- Người Kinh: 14%
- Người Nùng: 9%
- Người Mông: 5,5%
- Người Hoa: 0,4%
- Người Sán Chay: 0,3%.
Đôi khi tên tỉnh cũng được viết là Bắc Cạn, tuy nhiên tên Bắc Kạn được coi là chính thức và tỉnh Bắc Kạn đều có con dấu khắc chữ "Bắc Kạn" để chỉ đơn vị tỉnh.
Lịch sử Bắc Kạn Theo các nguồn sử liệu, Bắc Kạn thời thượng cổ là phần đất của nước Xích Quỷ, sau được tách ra thành vương quốc Thụy Đến. Khi Nhà nước Văn Lang ra đời, các Vua Hùng chia nước thành 15 bộ, vùng đất Bắc Kạn thuộc bộ Vũ Định. Dưới thời Bắc thuộc, đời Hán, đất Bắc Kạn thuộc huyện Long Biên. Đến đời Đường, Bắc Kạn thuộc huyện Tân Xương, Châu Phong.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã chấm dứt một ngàn năm Bắc thuộc, tập đoàn phong kiến Việt Nam ra đời. Phát huy tính tiên phong trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, các triều đại phong kiến Việt Nam đã từng bước hoàn chỉnh bộ máy quản lý nhà nước, khẳng định chủ quyền lãnh thổ của nước Đại Việt. Đời nhà Lý chia nước thành 24 lộ, địa giới Bắc Kạn thuộc các lộ Cảm Hoá, Vĩnh Thông, Hạ Nông. Đến đời nhà Trần chia nước làm 12 lộ, 4 trấn và 14 huyện, Bắc Kạn nằm trong trấn Thái Nguyên. Khi nhà Minh xâm lược Việt Nam, chúng chia nước ta làm 15 phủ, 31 châu, 31 huyện, trấn Thái Nguyên đổi thành phủ Thái Nguyên gồm 11 huyện, Bắc Kạn nằm trong địa phận 3 huyện Cảm Hoá, Vĩnh Thông, Long Thạch.
Kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, vua Lê Thái Tổ lập lại chủ quyền, bờ cõi vẫn như cũ. Đến thời Lê Thánh Tông - năm Quang Thuận thứ 7 (năm 1466), bản đồ nước ta chia thành 12 đạo thừa tuyên, phủ Thái Nguyên đổi thành thừa tuyên Thái Nguyên. Đến năm Quang Thuận thứ 10 (năm 1496), Vua Lê Thánh Tông đổi thừa tuyên Ninh Sóc thành Thái Nguyên thừa tuyên gồm 3 phủ, 8 huyện, 7 châu. Bắc Kạn nằm trong phần đất phủ Thông Hoá.
Đến thời Nguyễn, năm Gia Long nguyên niên (năm 1802), vua Nguyễn Thế Tổ đổi Thái Nguyên thừa tuyên thành trấn Thái Nguyên. Năm Minh Mạng thứ 12 (năm 1831), vua Nguyễn Thánh Tổ đổi trấn Thái Nguyên thành tỉnh Thái Nguyên. Đất Bắc Kạn nằm trong tỉnh Thái Nguyên, về cơ bản vẫn thuộc phủ Thông Hoá. Có thể nói, dưới chế độ phong kiến, Thái Nguyên, trong đó có phần đất Bắc Kạn được coi là "miền quan yếu", có vị trí quan trọng về chính trị, quân sự ở phía Bắc Kinh thành Thăng Long.
Thực dân Pháp xâm lược, sau khi đánh chiếm và đặt bộ máy cai trị trên địa phận tỉnh Thái Nguyên, chúng đã nhiều lần thay đổi đơn vị hành chính. Theo nghị định ngày 20-8-1891 và nghị định ngày 9-9-1891 của Toàn quyền Đông Dương, khu vực Bắc Kạn thuộc hai đạo quan binh. Phần phía Đông và Nam thuộc tiểu quân khu Thái Nguyên, đạo quan binh I. Phần phía Bắc thuộc tiểu quân khu Lạng Sơn, đạo quan binh II. Ngày 11-4-1900, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định lấy phần đất phủ Thông Hoá lập ra tỉnh Bắc Kạn gồm các châu Bạch Thông, Chợ Rã, Cảm Hoá (sau đổi thành Na Rì), Thông Hoá (sau đổi thành Ngân Sơn). Tiếp đó, ngày 25-6-1901, Toàn quyền Đông dương lại ra nghị quyết tách tổng Yên Đĩnh thuộc huyện Phú Lương tỉnh Thái Nguyên nhập vào châu Bạch Thông. Năm 1916, theo nghị định của Thống sứ Bắc Kỳ tách một số tổng của châu Bạch Thông, Chợ Rã và tổng Định Biên Thượng của châu Định Hoá tỉnh Thái Nguyên lập thành châu Chợ Đồn. Vào thời gian đó, tỉnh Bắc Kạn có 5 châu, 20 tổng và 103 xã.
Để đẩy mạnh công cuộc khai thác, bóc lột thuộc địa một cách có hệ thống trên quy mô lớn, thực dân Pháp đã tăng cường sức mạnh bộ máy cai trị. Vì thế, phong trào kháng Pháp đã diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc, trong đó đồng bào các dân tộc ở Bắc Kạn cũng có nhiều đóng góp tích cực. Năm 1904, đồng bào Dao ở hai xã Tân Sơn, Cao Sơn (Bạch Thông) nổi dậy chống chính sách s¬u thuế nặng nề của đế quốc, phong kiến. Năm 1914, ngay tại thị xã Bắc Kạn, các tù nhân yêu nước cùng với binh lính khố xanh có tinh thần dân tộc do Lý Thảo Long cầm đầu đã nổi dậy phá nhà lao, phá kho vũ khí của địch để trang bị cho nghĩa quân. Đây là cuộc nổi dậy có tiếng vang, thúc giục lòng yêu nước, tinh thần quật khởi của nhân dân trong vùng. Điều đặc biệt mới mẻ trong phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX ở Bắc Kạn, Thái Nguyên là đã có sự tham gia của giai cấp công nhân. Trong những năm 1920 - 1925, do chính sách khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp, Bắc Kạn trở thành một trong những địa phương đứng đầu về công nghiệp khai thác mỏ ở Bắc Kỳ, đồng thời là nơi tập trung nhiều công nhân, góp phần không nhỏ cho sự ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho nhiều người yêu nước tới hoạt động. Trong đó, Phạm Hồng Thái - một trong những nhân vật bất tử của cách mạng Việt Nam, người đã ném tạc đạn mưu sát Toàn quyền Đông dương Méclanh ở Sa Diện (Quảng Châu) - đã từng là công nhân khai thác mỏ ở Bắc Kạn, Thái Nguyên.
Theo cuocsongviet
“Pang” - Một phong tục đẹp trong đời sống của người Tày, Nùng ở vùng cao phía Bắc
Không biết tự bao giờ, đồng bào Tày, Nùng ở vùng núi cao phía Bắc trong những ngày vui, đám hiếu, hỉ, đám rước… đã có tục “Pang”. Đó là một nét văn hóa đặc sắc mang tính cộng đồng cao của cư dân vùng núi.
“Pang” theo chiết tự tiếng Tày có nghĩa là “gửi”. Phần lớn người Tày, Nùng khi trong bản có gia đình cưới xin, ma chay, lễ lạt… đều tự động mang gạo, gà, rượu đến góp với gia chủ. Điều này đã trở thành một mĩ tục thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong đời sống sinh hoạt và trở thành nét văn hóa đặc sắc giàu tính nhân văn của bộ phận cư dân Tày, Nùng. Xuất phát của mĩ tục này có lẽ từ sự thiếu thốn về vật chất và hơn cả là sự quan tâm giúp đỡ biểu hiện cho sự đoàn kết yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Những sản vật mang đến góp cho gia chủ được gia chủ ghi chép vào một cuốn sổ, để đến khi nhà người khác có việc sẽ mang đến gửi trả đầy đủ và đóng góp thêm nếu có điều kiện. “Pang” đã đi vào đời sống sinh hoạt của người Tày, Nùng từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác bởi đơn giản nó là một mĩ tục và là một phần không thể thiếu trong văn hóa ứng xử trong cộng đồng Tày, Nùng.
Nhiều đôi đến được với nhau, thành vợ, thành chồng, nhiều gia đình khó khăn có tiền lo ma chay lễ lạt, lo đầy tháng, cúng giỗ… đều nhờ vào mĩ tục này. Không cần ai nhắc, không cần ai bảo, mỗi người trong cộng đồng Tày, Nùng tự ý thức cần phải đóng góp để việc làng, việc bản được diễn ra suôn sẻ, để phần nào bớt được gánh nặng về vật chất cho gia chủ. Người có của, người có công cứ vậy kéo đến giúp sức. Ai có gì mang nấy, có khi là con gà, chai rượu, đôi khi là yến gạo, chục trứng, người không có của thì góp công dựng rạp, bếp núc dọn dẹp, mượn đồ, xào nấu…
Trước khi có việc gia chủ thông báo với bà con họ hàng, chòm xóm trước vài ngày còn với cưới xin có câu “slắng lẩu cẩu vằn” nghĩa là báo trước chín ngày vừa đủ để nhớ, không quên, và cũng đủ thời gian cho khâu chuẩn bị. Và cũng chính thời gian này gia chủ nhận được sự giúp đỡ bằng hiện vật, bằng sức lao động. Người trong bản cùng chung tay dựng rạp, lấy củi, làm mặt bằng… gia chủ lúc này chỉ còn phải lo những cái chính như mua sắm, làm lễ, rồi mời họ hàng, đón thầy Mo, thầy Tào.
Với mỹ tục này của đồng bào Tày, Nùng, cuộc sống, tình cảm của những người trong bản, trong họ tộc càng trở nên khăng khít hơn, và “Pang” đã kéo họ đến gần nhau hơn, bởi vậy tính cộng đồng của các cư dân vùng núi phía Bắc rất cao. Đó là nét văn hóa đặc sắc cần được gìn giữ và phát huy.
Theo dulichchudu24
Phuối pác, phuối rọi: dân ca Tày, Nùng
Trong kho tàng văn hoá dân gian của người Tày, Nùng, gần gũi hơn cả và phản ánh sắc nét nhất đời sống tình cảm và tư tưởng của người Tày, Nùng phải kể đến thể loại dân ca sinh hoạt trong đó có phuối pác, phuối rọi.
Phuối pác, phuối rọi là những lời nói có vần, có điệu của nam nữ thanh niên Tày, Nùng thường dùng hàng ngày. Đây là lối nói tự do, sáng tạo thường được diễn ra khi gặp nhau trên đường, ở chợ hay trong lễ hội… Đó cũng là một hình thức thể hiện tình cảm, nó là những lời ướm hỏi trêu ghẹo tình tứ thể hiện những sắc thái tình cảm trong tình yêu. Được thời gian gọt rũa những lời phuối pác, phuối rọi ngày càng cô đọng bóng bẩy và mềm mại một chất thơ lãng mạn.
Phuối Pác là nơi thể hiện tình yêu trai gái. Nội dung chính của các bài hát này là lòng yêu lao động, tình yêu trai gái, tuỳ tài năng và cảm xúc của người hát mà làn điệu bài bản các thể hát đó được biến hoá, sáng tạo không ngừng. Phuối pác là thể dân ca hát đối đáp, có làn điệu nhưng không ngân nga như lượn, thường được dùng nhiều nhất trong 2 trường hợp: khi mới gặp nhau và lúc tạm biệt nhau
- Chàng ơi, nón cọ hay nón bạc
Nón chàng đội hai người được không
Đội được,em xin đi cùng đường.
- Anh cũng mong trồng chuối đầy vườn
Để dễ dàng lấy là ngày tết
- Chớ lừa nhau đặt lờ trên cây
Biết bao giờ mới được gặp cá
- Anh xa em, anh ăn cơm với cá
Em xa anh, em chan nước mắt thay canh.
- Thương nhau, nước đựng sàng không chảy
Không thương nhau, nước đựng chậu còn trôi.
- Trời ơi, sao không loạn
Để đôi ta dồn bản lại với nhau!
……
Phuối rọi dịch nôm na là “nói chuỗi”- Đúng hơn là một chuỗi câu nói có vần, có điệu, rất gần với thi ca để diễn tả tình cảm hay để biểu đạt tâm tư, nỗi niềm của người này với người khác mà chủ yếu là mang nội dung giao duyên nam nữ:
Chết thì chết em cũng không buông anh về
Buông anh như buông muối xuống nước
Buông muối còn được cấn lẫn cát
Buông anh như thể buông trăng rằm
Buông trăng còn tháng gặp một lần
Buông anh thì anh đi mãi mãi !
Sẽ khó có thể miêu tả được hết diện mạo văn hoá dân gian của dân tộc Tày, Nùng. Nó vô cùng phong phú về thể loại, đồ sộ về khối lượng, đa dạng về sắc thái biểu cảm. Dân ca tự muôn đời đến muôn đời vẫn vậy, nó tươi thắm cho đời người dịu lại, nó tô mềm đi những sắc cạnh của cuộc đời, làm cho cuộc đời thêm hương sắc mặn nồng. Tất cả hơi thở của cuộc sống đều được cất lên thành tiếng hát lời ca, giản dị mà rung động lòng người.
Hát Páo dung - dân ca của người Dao Tiền
Cùng với việc sáng tạo ra những bộ trang phục truyền thống cầu kỳ và lạ mắt, người Dao Tiền ở Bắc Kạn còn có làn điệu hát Páo dung rất mượt mà.
Hát Páo dung của người Dao Tiền có nhiều thể loại như: Hát giao duyên, hát răn dạy, hát mời rượu và hát tiễn đưa. Các làn điệu Páo dung đều có cùng nội dung đề cao tinh thần lao động sáng tạo, đạo đức, lẽ sống, cách ứng xử, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu đôi lứa.
Hát giao duyên là để trai gái tìm hiểu nhau, Tình yêu trong hát giao duyên của trai gái người Dao Tiền vừa sâu sắc vừa tế nhị, kín đáo. Xưa kia lễ giáo phong kiến và mê tín dị đoan ràng buộc tình yêu đôi lứa, nhiều đôi yêu nhau không đến được với nhau vì vậy họ an ủi, trách thương qua lời hát, họ khát khao tự do yêu đương vượt lên trên lễ giáo phong kiến. Các cuộc hát giao duyên diễn ra sôi nổi với những làn điệu khác nhau, lời hát thường được ứng khẩu tại chỗ, trong hát giao duyên còn có loại hát đối đáp giữa nam và nữ đã có vợ, có chồng. Mục đích chính của các cuộc hát này là để thưởng thức tài nghệ của nhau nên nội dung hát thường là ca ngợi sản xuất, ca ngợi thiên nhiên, hỏi thăm sức khoẻ và công việc đồng áng.
Hát răn dạy cũng là một thể loại độc đáo của Páo dung. Nội dung chủ yếu của bài hát là để khuyên dạy con cháu và mọi người không làm việc xấu, nhắc nhở con cái ghi sâu công ơn sinh thành của cha mẹ, chăm chỉ học hành, đỗ đạt. Ngoài ra khi có cuộc vui trong gia đình, bạn bè, dòng họ thì người Dao Tiền cũng tổ chức hát.
Hiện nay hát Páo dung vẫn được bà con người Dao Tiền gìn giữ. Tuy nhiên hiện nay chỉ có lớp người cao tuổi mới biết sáng tác và hát Páo dung, giới trẻ người Dao Tiền ít hát và ít học hát những làn điệu Páo dung, vì thế số người biết hát làn điệu Páo dung ngày càng ít. Vì vậy việc bảo tồn và phát huy làn điệu Páo dung là một trong những nội dung cần được bảo tồn trong kho tàng bản sắc văn hoá phi vật thể của các dân tộc hiện nay. Qua đó cũng là để động viên, cổ vũ tinh thần thi đua yêu nước, tinh thần lao động sản xuất của bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Lượn - nét văn hoá đặc trưng của dân tộc Tày
Lượn là một bộ phận thuộc loại hình nghệ thuật dân ca sinh hoạt của người Tày. Lượn có nhiều tiểu loại, ngoài hai loại cơ bản là lượn cọi và lượn slương, người Tày còn có lượn Then, lượn nàng Hai, lượn khắp,… Trong cái nhìn đối sánh với dân tộc Kinh, lượn là lối hát giao duyên có thể tương tự như lối hát quan họ ở Bắc Ninh, loại dân ca này có giai điệu vang xa tha thiết, lay động lòng người, gợi cảm giác bâng khuâng, thương nhớ. Người Tày coi lượn như một nhu cầu tinh thần không thể nào thiếu được: “Khắp mọi luỹ làng của người Tày, Nùng không mấy khi vắng tiếng Sli, giọng lượn. Chỉ trừ giấc ngủ và bữa ăn của họ - Sli, lượn vang lên từ trong mọi nhà, ra khắp bản mường…ngoài đồng, ngoài rẫy, ngoài chợ, ngoài đường. Không chỉ thanh niên mà người già, người trẻ đều thích nghe Sli, lượn”…
Đã có một thời tiếng lượn ngập tràn làng bản, đồi núi hoà vào tận tâm hồn, huyết mạch đồng bào:
- Nửa đêm Nàng ới cháy lòng
Khiến em dừng đường kim đường vá
Khiến anh vở giữa trang ngừng đọc
- Tiếng Then thành tiếng Then phơi phới
Tiếng cọi thành tiếng cọi thiết tha
Về hình thức sinh hoạt diễn xướng, đặc trưng của lượn là đối đáp, đối ca và nối tiếp ca.
Đối đáp là một trong những hình thức sinh hoạt phổ biến của lượn. Hiểu một cách đơn giản nhất đối đáp là một bên “đối” và một bên đáp trả lại. Một bên - thường là “khách” - bao giờ cũng ca ngợi hết những thứ, những vật… của bên “chủ”. Bên “chủ” sẽ đáp lại bằng những lời lẽ khiêm tốn, lịch sự, không dám nhận lời khen của “khách”. Xét về hình thức, lối hát này không có những khác biệt lắm so với những cuộc hát ví, hát phường vải, phường cấy,… của người Kinh.
Bên cạnh đối đáp là đối ca. Đối ca phổ biến ở lượn slương sau nữa là lượn then. Ở lượn slương thường là tập thể bên nam bên nữ, mỗi bên có khi có đến hai chục người hoặc hơn nữa. Nam, nữ ngồi thành hai hàng theo chiều dài của gian nhà sàn quay mặt vào nhau. Sau những lời mời lịch sự của chủ nhà, lời tuyên bố lý do của bên chủ và vài nghi thức đơn giản khác, hai bên nam nữ bắt đầu “đối ca”. Đối ca có thể đối về đề tài lượn, đối về nội dung của bài lượn hoặc chỉ đối có tính chất hình thức, đối hoa, đối mùa, tháng,… có khi thay nhau lượn những khổ lượn khác nhau.
“Nối tiếp ca” là một hình thức nữa của sinh hoạt diễn xướng lượn. Có hai loại nối tiếp ca. Thứ nhất là nối tiếp ca theo đúng nghĩa đen của thuật ngữ này. Nghĩa là bên nam, bên nữ lần lượt thay nhau hát lên những bài lượn về một đề tài nào đó. Có những câu chuyện chia làm nhiều đoạn nhỏ, mỗi bên lần lượt hát lên từng đoạn như nối tiếp nhau cho đến hết câu chuyện.
Loại “nối tiếp ca” thứ hai là hai bên cùng hát tiếp nối - chắp nối các “đường lượn” với nhau, các đường lượn ấy thì rất nhiều tuỳ theo từng cặp, những tốp ca thuộc nhiều hay ít.
Có thể nói lượn đã trở thành một thực thể trong đời sống tinh thần, một thành phần có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu bộc lộ tình cảm của những người dân Tày yêu thích ca hát. Thông qua lượn mà tiếng hát, lời ca ngân lên mọi lúc, mọi nơi, trong bản ngoài mường, trở thành một phần không thể thiếu được trong đời sống tinh thần người Tày. Nét đẹp văn hoá của đồng bào Tày qua hát lượn cần được giữ gìn, lưu truyền và phát triển để không bị mai một theo thời gian.
Tục ngữ - nơi thể hiện những kinh nghiệm sống quý báu của đồng bào Mông
Cùng với chiều dài lịch sử, dân tộc Mông sớm có một nền văn học dân gian phong phú, đa dạng phản ánh đời sống văn hoá cũng như tâm tư nguyện vọng của cộng đồng. Các thể loại văn học dân gian của dân tộc Mông cũng giống các dân tộc khác đó là: truyền thuyết, thần thoại, cổ tích và đặc biệt là thơ ca dân gian với rất nhiều thể loại trong đó Tục ngữ là thể loại chiếm số lượng khá lớn.
Tục ngữ của người Mông phản ánh những tri thức và kinh nghiệm sống của dân tộc trong lịch sử. Trong đời sống và tư duy, tục ngữ thể hiện những kinh nghiệm sản xuất, cách thức ứng xử và các mối quan hệ xã hội. Đằng sau nỗi buồn, sự vất vả lo lắng cũng như những phấn khởi trong lao động là kho tàng tri thức quý báu của đồng bào về kinh nghiệm và ứng xử trong đời sống hàng ngày.
Đặc điểm của tục ngữ nói chung và tục ngữ Mông nói riêng là ngắn gọn, xúc tích, tuy chứa đựng những nội dung tương đối lớn nhưng hình thức mỗi câu lại rất nhỏ “ép chặt thành từng từ như ép ngón tay thành quả đấm…, dè sẻn từng tiếng làm cho lời nói cô đọng giàu ý nghĩa”. Tục ngữ có tính bền vững, ổn định, là những câu ngắn gọn, dễ nhớ, dễ truyền khẩu, ít dị bản, là lời ăn tiếng nói của nhân dân. Tục ngữ Mông rất phong phú về ý nghĩa, cái cụ thể thường gắn liền với cái khái quát và ngược lại:
- “Một tay vỗ không kêu
Ba tay vỗ vang rừng”
- “Nước to dễ sang đò
Người đông dễ làm ăn”
Có câu tục ngữ mang ý nghĩa biểu tượng, ẩn dụ “Bò có đường bò cày/ Ngựa có đường ngựa đi” Trong văn học dân gian Mông, tục ngữ là một hiện tượng độc đáo; câu văn ngắn gọn mà phản ánh được nhiều ý muốn diễn đạt, có nghệ thuật, như một chân lý:“Nói ít nhớ lâu/ Nói nhiều quên mau”. Tục ngữ ngắn gọn nhưng không khô khan. Có thể tìm thấy trong kho tàng tục ngữ của người Mông những hình ảnh đẹp đẽ, những cách nói ví von sinh động “Có súng không bắn chim Bồ các/ Có sức không đánh người ăn củ mài”. Trong cuộc sống đồng bào luôn đề cao các phẩm chất lao động: “Tiền bạc trên đá/ Không làm khó nhọc thì không có tiền” .
Trong gia đình cha mẹ là tất cả đối với con cái. Có cha mẹ còn tất cả, mất mẹ cha thì gia đình đổ vỡ, cảnh nhà tan hoang. Tục ngữ đã nói rất sâu sắc và thấm thía:
- “Có bố mẹ, than thân không ra nước mắt
Mất bố mẹ, khóc than đến chết ngất”
- “Công mẹ đẻ, ơn cha thương
Ta mới lớn thành người anh đrâu Mông
Công mẹ sinh, ơn cha dưỡng
Mình mới lớn nên người gầu Mông”
Và mặc dù: “Củi cong khó đun/ Người già khó chiều” nhưng tuổi già luôn được đề cao, bởi họ là những người có kinh nghiệm sống: “Gừng già gừng càng cay/ Người già hiểu điều hay”. Phụng dưỡng và kính yêu cha mẹ là đạo lý muôn đời nên người xưa nhắn nhủ: Mình cư xử với mẹ cha ra sao - Về sau con cái cũng đối xử với mình như vậy
Anh em ruột trong gia đình là tình máu mủ ruột thịt không bao giờ lìa bỏ. Đồng bào Mông cũng rất trân trọng những tình cảm ấy và nói bằng những hình ảnh rất riêng, rất thật:“Anh em cãi nhau không bỏ ma”
Trong xã hội Mông, cùng với các mối quan hệ khác trong gia đình, tình cảm vợ chồng được đề cao: “Tình yêu tốt một thời/ Vợ chồng tốt một đời”. Vì thế đồng bào thường khuyên con cháu mình: “Hàm răng đẹp đôi khi cũng cắn phải lưỡi/ Vợ chồng hòa hợp đôi khi cũng có dỗi hờn”.
Trong các mối quan hệ xã hội, quan hệ nam nữ cũng được đề cao ở tục ngữ Mông: Phản ánh khát vọng yêu đương, ca ngợi tình yêu thủy chung... Trong vấn đề lựa chọn bạn đời, người Mông đề cao những phẩm chất: Chăm làm, tháo vát, chung thủy của người bạn đời: “Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/ Trai khỏe không biết làm rẫy cũng hèn”.
Tục ngữ là “lời nói hay” có nhiều giá trị, một hình thức giao tiếp quan trọng. Do đó trong ứng xử hàng ngày đồng bào rất coi trọng lời nói: “Biết nói người ta yêu, người ta quý/ Vụng nói người ta ghét, người ta giận”. Và khuyên nên: “Nghĩ trước nói sau”. Từ những hình ảnh trong thực tế nâng lên tầm khái quát và vận dụng vào cuộc sống như là một bài học về lối sống có văn hóa: “Chặt cây phải xem cành khô/ Nói năng cần nhìn trên dưới”.
Từ những quan sát trong thực tiễn đồng bào Mông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về quy luật biến đổi của thời tiết: “Trời xanh thì nắng/ Mây đen thì mưa”. Trong trồng trọt, đồng bào Mông đã để lại những kinh nghiệm quý báu thiết thực: “Trồng ngô chọn chân đồi/ Trồng lúa chọn cuối khe”. Về kỹ thuật làm đất: “Nương không cày không xốp/ Người không khuyên không tỉnh”. Kinh nghiệm gieo trồng: “Gieo ngô sớm đơm cỏ/ gieo ngô muộn đựng mưa”.
Có thể thấy trong cuộc sống của người Mông, lĩnh vực nào có kinh nghiệm ở đó có tục ngữ. Đó không chỉ là những kinh nghiệm quan sát được mà cả những kinh nghiệm được nhìn nhận suy ngẫm từ các giác quan bên trong tinh tế và nhạy cảm của con người. Tục ngữ phản ánh khá đầy đủ những đức tính người dân lao động như cần cù, kiên trì, tinh thần lạc quan, óc thực tế, tình yêu thương, ý thức đề cao về cái đẹp tâm hồn, về danh dự, lòng chung thủy. Tục ngữ góp phần làm phong phú, sinh động và tô đậm bản sắc văn hoá Mông.
“Phong Slư” - thư tình của người Tày
“Phong slư” là những bức thư tình, một thể thơ hết sức đặc sắc của trai gái Tày. Bức thư này viết bằng chữ Nôm Tày trên nền vải sa tanh đỏ. “Phong slư” nói về cung bậc tình cảm của những người đang yêu. Khi là tiếng nói thủ thỉ tâm tình. Lúc hóa thành dòng thác nhớ nhung tha thiết.
Thường thì trai, gái Tày tự mình viết “Phong slư” là chính, nhưng cũng có nhiều người không biết chữ thì đành nhờ những ông “Slấy sli” viết hộ. “Slấy sli” là người trí thức bình dân sống trong cộng đồng Tày. “Phong slư” do “Slấy sli” viết, ghi lại những tâm tình thầm kín của trai gái Tày. Viết xong bài thơ, mới được một nửa công việc. Người ta còn phải tô vẽ minh họa thêm con chim én ngậm thư. Hoặc chim bồ câu bay qua cánh đồng hoa. Hoặc vẽ hai con rồng chầu mặt trăng. Chầu lâu đến nỗi rồng hóa thành sông suối, chảy bạc cả rừng xanh. Mà trăng vẫn xa mãi mãi. Tình người sao chẳng thể gần nhau. Có lá “Phong slư” dài hàng mét. Người nhận được treo nó lên như tranh, ở nơi phòng ngủ của riêng mình.
“Phong slư” được gửi đi, khi nhận lại, người con trai, con gái Tày lại đem “Phong slư” đó đến nhờ một “Slấy sli” đọc, “Slấy sli” thường ngâm ngợi những bức thư đó theo một giai điệu tha thiết. Vì vậy, bức thư có tính chất cá nhân ấy thông qua “Slấy sli” trở thành một loại dân ca mang tính cộng đồng. Họ tự nguyện trả công cho ông “Slấy sli” con gà, ống gạo nếp. Hoặc túm bánh coóc mò. Mà mấy ông nhà thơ bình dân chẳng hề đòi hỏi.
Tình yêu nam, nữ thể hiện trong “Phong slư” thường là tình yêu trong xa cách, trắc trở, tan vỡ. Bởi vậy tiếng hát, giai điệu “Phong slư” thường buồn da diết. Tuy nhiên không hề bi luỵ kêu than mà vẫn luôn sáng lên những ước mơ lãng mạn, nhân văn.
“Hãy tu thân chờ nhau bên ấy
Dẫu là không lấy được cũng cam
Yêu nhau để khắp mường được thấy
Tiếng thơm sẽ trọn vẹn mai sau
Tới trăm năm khi về âm phủ
Ta rủ nhau về chốn mường hơn”
Ngày xưa, “Phong slư” dùng để ngâm là chủ yếu. Họ ngâm vào bất cứ chỗ nào và bất cứ lúc nào. Tình yêu của họ như hơi thở. Nhớ người yêu là ngâm “Phong slư”. “Nếu lòng này không nói ra được là tóc ốm tám tháng và mắt đói một năm”. Nỗi nhớ người yêu chảy ra từ mười đầu ngón tay, xuống đến gót chân. Nỗi nhớ không còn đường đi. Nỗi nhớ buộc phải ra đằng miệng. Ngày nay nhiều người dùng “Phong slư” để hát lượn. Hoặc nói thơ. Giống như đọc thơ có diễn cảm của người Việt. Từ lâu đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Tày.
“Phong slư” không có mùa. Như tình yêu của con người quanh năm ngày tháng. Chỉ khi nào tự cấu vào da thịt mình, không còn cảm giác đau, khi đó mới ngừng yêu.
“Phong slư” phục vụ cho tình yêu lứa đôi, nhưng “Phong slư” cao hơn cuộc sống, nên có yếu tố hư ảo mang theo tính tao nhã, thanh cao. Vì vậy “Phong slư” vẫn tồn tại trong đời sống tình cảm của người Tày như một nét đẹp trong văn hoá độc đáo thẫm đẫm phong vị trữ tình. Trong cái rừng âm thanh về tình yêu đó, nổi bật lên một tiếng nói rất đạo đức, rất phù hợp với quan niệm tình yêu của nhân dân lao động cần được phát huy trong cuộc sống ngày nay, đó là tiếng nói của một tình yêu chung thuỷ sắt son, chung thuỷ cả trong "kiếp sau" nữa.
Vũ Thuý
[b]