Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 18:23

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Fri 26 Apr 2024, 16:41

Thi tập "Chỉ là...Tình thơ" by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:56

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:51

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:46

LỀU THƠ NHẠC by Thiên Hùng Wed 24 Apr 2024, 11:55

Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Thiên Hùng Wed 24 Apr 2024, 11:48

Trụ vững duyên thầy by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:34

Mái Nhà Chung by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:33

THIỀN TUỆ (diệt trừ đau khổ) by mytutru Tue 23 Apr 2024, 00:07

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 09:57

Nhận dạng phụ nữ giàu có by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:36

Bức tranh gia đình by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:09

Mẹo kho thịt by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 07:29

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 23:01

Trang Họa thơ Phương Nguyên 2 by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 22:56

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 21 Apr 2024, 06:38

Mức thù lao không ai dám nghĩ đến by Trà Mi Wed 17 Apr 2024, 11:28

KHÔNG ĐỀ by Phương Nguyên Wed 17 Apr 2024, 11:00

Cách xem tướng mạo phụ nữ ngoại tình, không chung thủy by mytutru Tue 16 Apr 2024, 11:59

Ở NHÀ MỘT MÌNH by Phương Nguyên Tue 16 Apr 2024, 09:59

HÁ MIỆNG CHỜ SUNG by Phương Nguyên Sun 14 Apr 2024, 13:29

Trang thơ vui Phạm Bá Chiểu by phambachieu Fri 12 Apr 2024, 15:48

Những Đoá Từ Tâm by Việt Đường Fri 12 Apr 2024, 15:32

Chết rồi! by Phương Nguyên Fri 12 Apr 2024, 13:57

ĐÔI BÀN TAY NGHỆ NHÂN by mytutru Thu 11 Apr 2024, 17:43

THẬN TRỌNG SIÊU LỪA by mytutru Wed 10 Apr 2024, 20:33

Không đánh, không mắng, không phạt, không có học sinh ưu tú by Trà Mi Wed 10 Apr 2024, 11:45

KHÓ NGỦ by Phương Nguyên Wed 10 Apr 2024, 01:46

MỘT CHÚT BUỒN by Phương Nguyên Tue 09 Apr 2024, 15:33

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5
Tác giảThông điệp
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10556
Registration date : 23/11/2007

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 5 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân   Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 5 I_icon13Sat 15 Jul 2023, 13:52

Phương Nguyên đã viết:
Ai Hoa đã viết:
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân.

Người dịch: Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Khắc Hanh

QUYỂN III
__________________________________

HỒI THỨ MƯỜI BẢY

__________________________________

VÒNG MA CHƯỚNG, ỠM Ờ TRÊU MÁ PHẤN
CHỐN YÊN HOA, MAY MẮN GẶP ANH HÙNG


Ngũ Tử Tư là tay anh hùng, thế mà đến bước đường cùng còn phải thổi sáo kiếm ăn, huống chi Thúy Kiều là thân gái mềm yếu. Sợ vạ đi trốn mà trốn đến lúc tiến không thể được, lùi cũng không xong, lại đông có tròng, tây có bẫy, dù “ chắp cánh cũng không thể bay thoát, như én lạc đàn, như vượn mất tổ, phải thui thủi ngậm đắng nuốt cay, chịu ép dưới tay người.

Tình cảnh ấy thật đáng thương đáng xót, dù gan sắt đà, đọc đến đoạn này cũng không thể không thương không khóc. May nhờ đọc đến đoạn sau, thấy nàng bỗng gặp người kì dị đất Thái Nguyên, khiến nàng được hả giận, chừng ấy mới phá buồn làm vui mà cười rằng: “Dù việc ấy là hành vi trái ngược, nhưng cũng chỉ đủ làm nổi bật sự đắc ý của người anh hùng bị khốn khổ vậy”...


Đây hãy tạm gác chuyện Thúy Kiều trốn ở am Chiêu Ẩn. Nhắc lại sáng hôm ấy, hai thị nữ Xuân Hoa và Thu Nguyệt ngủ dậy, thấy cửa lầu mở rộng, lại có để mấy hàng chữ, chạy vào trong phòng tìm Thúy Kiểu thì không thấy người, chỉ có chiếc giường không mà thôi, vội vàng ra báo cho Hoạn thư biết.Hoạn thư nói:

-Con a đầu này mau chân thật, để nó trốn mất rồi! Vậy chúng mày thử xem mất những vật gì!

Hai thị nữ báo rằng không thấy chuông vàng, khánh bạc, đèn châu và đỉnh báu, đáng giá chừng hơn hai trăm lạng. Hoạn thư nghe vậy liền sai người đi lùng tìm, một mặt sai người đi dán chiêu đề tìm bắt.

Hồi này Thúc sinh đương ở Huệ Sơn đọc sách, chợt được tin báo, trong bụng đã rõ, song chưa biết Thúy Kiều có chạy được thoát không, nên trong lòng áy náy không yên, liền trở về nhà. Dọc đường thấy giấy chiêu đề đã nhan nhản dán khắp mọi nơi liền sai mấy gia đinh tâm phúc đi bóc hết những giấy chiêu đề ấy đi, rồi về nhà nói với Hoạn thư:

- Trạc Tuyền không biết trốn đi đâu nhỉ?

Hoạn thư nói:

- Thiếp đã sai người đi theo dõi lùng bắt!

Thúc sinh nói:

- Nó là người bên nhà nhạc phụ, nếu nhà họ Thúc ta đứng tên đi bắt, người ngoài biết nó là hạng thị nữ thì còn ra gì nữa. Phương chi, đàn bà con gái đã bỏ nhà đi, khó bề giữ được thanh sạch. Nay bắt về, để thì coi không nhã, mà giết đi thì thêm tội. Cứ ý tôi thì mặc cho nó đi đâu thì đi, ta đừng hỏi đến nữa là xong.

Hoạn thư nghe nói, biết việc Thúy Kiều trốn đi là do mưu kế của chồng. Nay nếu truy cứu ráo riết, e phương hại đến tình nghĩa vợ chồng. Huống chi kẻ tình địch đã đi rồi, lòng cũng đã hả, liền tiếp lời nói:

- Cậu bàn phải lắm! Thôi! Bảo người đi nhặt hết giấy chiêu đề về, bất tất đi lùng tìm làm gì nữa!

Vì thế mà Thúy Kiều ở am Chiêu Ẩn quá nửa năm được yên ổn vô sự.

Một hôm trong am mở đại hội Vu Lan, thiện nam tín nữ đến khá đông, trong đó có nhiều vị phu nhân và tiểu thư vợ con nhà sĩ hoạn. Thúy Kiều giả cách ốm không xuống lầu.

Một vị phu nhân họ Thường vào phòng Giác Duyên, thấy chuông vàng khánh bạc, thì ngạc nhiên hỏi:

- Vật này từ đâu đến đây? Chỉ trong gác Quan Âm nhà họ Thúc mới có vật trân bảo này. Nghe nói vật quý này do nước ngoài gửi tặng quan Lại bộ họ Hoạn, rồi Hoạn tiểu thư đem về nhà chồng cúng dàng thờ Phật, cả vùng ai cũng cho là vật báu chẳng ngờ chùa ta cũng có. Nếu thế thì vật báu nhà họ Thúc cũng chưa đủ gọi là của lạ.

Giác Duyên thoạt nghe kinh hãi, hàm hồ trả lời cho qua.

Khi hội hè đã xong, Giác Duyên mới đem câu chuyện ấy nói lại cho Thúy Kiều nghe. Thúy Kiều thất kinh nói:

-Thôi! Việc hỏng rồi, biết làm sao đây!

Giác Duyên vội hỏi là duyên cớ gì, Thúy Kiều nói:

- Những vật này thật là của họ nhà Thúc, bây giờ em không thể còn giấu diếm sư huynh...

Bèn đem đầu đuôi câu chuyện mình trước đây thuật kỹ môt lượt cho Giác Duyên nghe. Giác Duyên nghe nói sợ hãi rụng rời. Thúy Kiều nói:

-Sư huynh chớ lo, em có kế này khả dĩ che được mắt họ, nhưng em không thể yên thân ở đây được nữa rồi. Trước hết hãy xin sư huynh tìm giúp cho em một chỗ yên thân đi đã, sau rồi sư huynh tìm hiệu thợ đồng thuê đúc theo kiểu chuông và khánh này, rồi đem mạ vàng và bạc để thờ trong phòng. Nếu họ nghe phong phanh có đến tra xét, thì thấy kiểu chuông khánh của quý phủ đẹp, đã theo kiểu đúc theo, chớ không phải là của thật, tự khắc họ phải chịu thôi.

Giác Duyên nói:

- Mưu hay lắm! Còn em thì chỗ nhà bà mẹ nuôi của chị là họ Bạc có thể ở được. Vậy em đổi thay quần áo để rồi sang bên ấy!

Thúy Kiều nói:

-Em không có quần áo thường tục thì làm thế nào?

Giác Duyên nói:

-Để chị đi sắm cho.

Giác Duyên liền đến cửa hàng quần áo, mua mấy bộ đem về. Thúy Kiều thay mặc nữ trang, còn quần áo nhà chùa thì để lại cho Giác Duyên cả. Nhân khi đêm tối, Giác Duyên liền đưa Thuý Kiều đến nhà họ Bạc.

Nguyên mụ Bạc này là một tay côn đồ trong hạng đàn bà, thấy nhan sắc Thúy Kiều, lại nghe nói là lánh nạn đến thì trong lòng nẩy ra ý bất lương, thường thường bịa chuyện để doạ nạt. Thúy Kiểu khiếp sợ đã sẵn, không khỏi đâm ra hoảng hốt, nên thổ lộ hết để cùng mụ bàn tính. Mụ Bạc nói:

- Tôi tưởng chốn này quyết không thể ở lâu, chỉ có một cách đi lấy chồng xa thì mới yên thân được. Song, người ở xa, biết họ là hạng thế nào, lấy họ liệu có tin cậy được hay không? Chi bằng tiện đây, tôi có người cháu tên là Bạc Hạnh, đã hai tám tuổi, bộ dạng coi cũng thanh nhã, còn chưa lấy vợ, lâu nay buôn bán ở Châu Thai bên tỉnh Chiết Giang hiện nay về đây mua hàng. Tính kế bây giờ, thì chi bằng cô lấy quách hắn cho rồi, rồi về ở Chiết Giang mới là cái kế yên thân toàn vẹn được! Chẳng hay ý cô ra sao?

Thúy Kiều nghĩ thầm: “Nếu không đi thì ở đây không phải là nơi kết cục, nếu đi thì không biết bụng dạ người ấy ra sao?”. Bỗng thấy một ngưòi đàn ông vào, nói là mời thím ra nói chuyện. Bạc bà ra đón hắn chuyện trò. Thúy Kiều đưa mẳt nhìn trộm một cái, thấy anh chàng ăn mặc kiểu Tô Châu, bộ dạng cũng coi được. Duy mặt mũi có vẻ gian trá, chưa chắc đã không phải là hạng người hiểm độc vô tình.

Người ấy đi rồi, mụ Bạc trở vào nói:

- Cô Vương đã nhìn rõ hắn chưa? Chính là cháu tôi đấy! Cô mà ưng ý, tôi sẽ mời sư phụ Giác Duyên đến bàn tính. Nếu không ưng thì tuỳ ý cô!

Thúy Kiều cúi đầu, không nói sao cả. Mụ Bạc đoán chừng Thúy Kiều bằng lòng, liền đi tìm Giác Duyên kể lại việc trước. Giác Duyên theo mụ Bạc về gặp Thúy Kiều, Thúy Kiều thi lễ xong, Giác Duyên hỏi:

- Câu chuyện bà Bạc nói đó, ý em nghĩ thế nào?

Thúy Kiều rưng rưng nước mắt nói:

- Việc ấy thì em cũng không biết nghĩ ra thế nào? Nếu em không đi thì chỗ này cũng không thể ở lâu được, mà đi xa thì khốn nỗi đàn bà con gái, hành động lại bị người ta kiềm chế. Cái việc bà Bạc bàn kể ra thật đáng thẹn, khó bề ưng thuận, mà vì lẽ bất đắc dĩ lại không tiện chối thẳng đi. Không biết chị dạy em nên như thế nào?

Giác Duyên nói:

-Chị cũng không nỡ xa em, nhưng em ở đây vẫn coi là một việc tạm bợ... Âu là theo cháu bà Bạc đi hẳn nơi xa đi, cho thoát khỏi cái đất nguy hiểm này. Có điều hắn mà sánh với em thì cố nhiên là không được bằng em.

Thúy Kiều nói:

- Cái đó thì cũng đành thôi! Có điều, em coi anh ta bộ dạng có vẻ giảo quyệt, tựa hồ không phải hạng người trung hậu. Chỉ sợ lại coi em như món hàng lạ, thế là em lại rơi vào tay con quỳ Dạ Xoa rồi vậy.

Mụ Bạc đỡ lời, nói:

- Cháu tôi là người trung hậu. Cô có ngại thì bảo hắn viết một tờ giấy cam đoan cho cô là được.

Thúy Kiều nói:

-Cái đó cũng không cần! Miễn là anh ta đối trời phát thệ suốt đời không phụ nhau, thì tôi sẽ theo anh ta đi.

Mụ Bạc nói:

- Cái đó tôi nói một lời là được. Nhưng còn lễ vật thì cô muốn độ bao nhiêu?

Thúy Kiều nói:

- Thân tôi đã thuộc về anh ấy, dù có lấy tiền thì rồi cũng trở vế nhà anh ây. Có điều, tôi không có của hồi môn, chỉ cần anh ấy đưa cho hai mươi lạng bạc, để tạ bà năm lạng và năm lạng gửi về bên am làm tiền dầu đèn cúng Phật, còn mười lạng thi sắm giúp tôi bộ chăn màn là đủ.

Mụ Bạc liền đi tìm Bạc Hạnh nói cho biết việc ấy. Bạc Hạnh mừng lắm, liền đi mua ngay giấy tiền, hương, nến đem đến. Rồi đặt bàn đốt nến thắp hương, làm lễ trời đất, thề rằng: “Nếu Bạc Hạnh này phụ tình Vương Thúy Kiều, không cùng nàng sum họp đến già thì cam chịu chết đâm chết chém". Thề xong, Bạc Hạnh đi ra thu xếp hai mươi lạng bạc, bốn bộ quần áo và một đôi thoa xuyến, sai tiểu đồng đưa đến. Mụ Bạc tiếp nhận trao lại cho Thúy Kiểu. Thúy Kiểu nghĩ việc khẩn cấp đành phải chịu thu nhận, đưa năm lạng bạc tạ ơn mụ Bạc, gửi Giác Duyên năm lạng để làm tiền dầu đèn và đưa mười lạng nhờ Giác Duyên đi sắm giúp bộ chăn màn.

Sau đó Thúy Kiều tắm gội, trang sức xong một chốc thì kiệu hoa nhà họ Bạc đến đón. Thúy Kiều từ giã mụ Bạc và Giác Duyên, rồi lên kiệu về nhà Bạc Hạnh. Hai người làm lễ trời đất xong, cùng nhau vào trong phòng. Bạc Hạnh nói:

-Đội ơn nàng không chê, chịu lấy kẻ hèn này, xin cùng nàng trọn đời đoàn tụ!

Thúy Kiều khóc nói:

-Việc hôm nay thật là bất đắc dĩ, xin chàng giữ trọn thuỷ chung, chớ bỏ thiếp, ấy là thiếp được nhờ lắm rồi!

Bạc Hạnh nói:

-Lời thề luôn vẳng bên tai, tôi đâu dám phụ lòng!

Bèn cầm khăn lau ráo nước mắt cho Thúy Kiều, rồi dắt nhau vào giường, thành đôi chồng vợ.

Hôm sau, Bạc Hạnh thuê thuyền cùng Thúy Kiều khởi hành, qua Chiết Giang, rồi thẳng vê Châu Thai. Khi thuyền cập bến. Bạc Hạnh đưa Thúy Kiều vào nghỉ ở quán trọ và dặn rằng:

-Nương tử hãy tạm ở quán trọ, tôi về trước thu xếp nhà cửa, rồi sẽ đến đón!

Bạc Hạnh đi ra, chừng nửa ngày mới đưa một người cùng về, nói với Thúy Kiều:

- Người đến với tôi đây là bạn buôn cùng mở cửa hiệu, vậy nàng nên ra chào khách đi!

Thúy Kiều từ trong phòng bước ra, thấy người ấy mày rậm mắt to, trạng mạo coi như là kẻ cướp, bèn vái chào, rồi quay ngay trở vào, hỏi Bạc Hạnh:

- Nhà cửa ra thế nào rồi?

Bạc Hạnh nói:

- Đã lâu tôi không đến, có người láng giềng sang ở nhờ. Họ hẹn đêm nay thu xếp dọn đi để ngày mai cho ta trở về!

Người bạn giục nhà quán sửa soạn tiệc rượu chào mừng Bạc Hạnh, mời cả chủ quán dự tiệc vui. Ba người ăn uống mãi tới canh hai mới giải tán.

Bạc Hạnh về phòng, Thúy Kiều nói:

- Anh bạn ây, coi tướng như kẻ cướp.

Bạc Hạnh nói:

- Anh ta sinh trưỏng ở vùng bể, mới ra hình dạng thế thôi. Nàng đừng sợ, rồi đây về cửa hàng, trông qua mấy lần rồi cũng sẽ quen mắt thôi. Bây giờ ta với nàng đi ngủ thôi.

Thì ra Bạc Hạnh vốn là tay chỉ chuyên buôn người, đóng bộ khách hàng đi mua con gái, hoặc con hầu vợ lẽ người ta, giả danh làm vợ, rồi đưa về bến, để ở tạm quán trọ, tự khắc có người bán giúp. Người mặt đen râu xồm kia là một tay trong phường bán thịt buôn người, nhận lời với mụ khách đến xem mặt hàng, rồi bàn nhau bàn định số tiền mua là hai trăm bốn mươi lạng bạc. Số này về Bạc Hạnh hai trăm, còn về chủ quán và trung gian bốn mươi lạng.

Hôm sau ngủ dậy, ăn cơm sáng xong, Bạc Hạnh nói với Thúy Kiều:

- Tôi về hiệu trước, cho kiệu đến đón nàng. Còn hành lý, tôi sẽ sai người đến lấy. Nàng cứ ngồi kiệu về hiệu là được.

Nói xong ra đi.

Thúy Kiều bụng bảo dạ: “Anh chàng này mới kỳ quái làm sao! Bộ dang vội vàng, chắc là lập mưu lừa mình. Xem bộ dạng hình như định tống mình đi đâu đấy. Mình phải thu xếp y phục hành lý vào một rương, đem luôn trong kiệu, dù có xảy việc gì không may cũng tiện bề phòng thân”.

Nghĩ rồi liền thu nhặt những y phục và các vật dụng của mình chứa vào một rương, còn chăn màn thì bọc làm một bó. Thu xếp vừa xong thì phu kiệu đã đến.Thúy Kiều bảo phu kiệu đặt cái rương và bó chăn màn vào trong kiệu.

Phu kiệu nói:

- Ông Bạc dặn rằng những chăn màn và đồ hành lý không cần đem theo chút nào.

Chủ quán cũng nói:

-Ồng Bạc dặn hãy để những đồ vật ấy ở quán tôi đây, lần khác sẽ đến lấy về!

Thúy Kiều càng ngờ, bèn nói:

- Đây là những vật tuỳ thân của tôi, tự nhiên phải tuỳ ý tôi, không ai ngăn trở được hết!

Bèn giục phu kiệu cứ đặt hành lý vào kiệu, rồi từ biệt chủ quán lên đường. Đi hàng nửa ngày mới đến trước một ngôi nhà và dừng lại ở đó.

Thúy Kiều để ý không trông thấy Bạc Hạnh ra đón, chỉ thấy một mụ chừng ngoài ba mươi tuổi chạy đến bên kiệu, nói:

- Cô Vương! Mời cô vào trong này ngồi.

Thúy Kiểu nhìn mụ, thây bộ dạng quả là một mụ đầu lầu xanh, tự biết nghiệp chướng chưa dứt, khó bề trốn thoát, nên đáp lại ngay.

- Xin mẹ đưa giúp hành lý vào nhà cho con!

Người đàn bà đó bèn đem đồ đạc, gọi Thúy Kiều theo. Thúy Kiều xuống kiệu, theo mụ vào nhà, thấy bên trong có mấy cô gái đứng đó thì lòng càng phát nghi. Vào tới nhà trong, liền nói:

-Xin mời mẹ ngồi lên cho con bái kiến!

Mụ kia vui mừng nói:

- Con ơi không cần lạy.

Thúy Kiều sụp mình lạy bốn lạy.

Thì ra mụ này chính là mụ khách, mụ ta liền hỏi:

-Tại sao con biết là người ta bán con?

Thúy Kiều nói:

-Con thấy hành động của hắn rất là khác thường cho nên đã biết. Chẳng biết mẹ đã mua con hết bao nhiêu lạng bạc?

Mụ khách nói:

-Hai trăm bốn mươi lạng!

Thúy Kiều thở dài nói:

-Lời gấp mười rồi đấy!

Mụ khách gạn hỏi đầu đuôi. Thúy Kiều kể lại một lượt. Mụ khách nói:

-Hắn dụng tâm đến như thế, may mà con có kiến thức mang được hành lý theo về. Nay mẹ cũng không làm khó dễ gì cho con vậy con phải cố gắng giúp mẹ làm ăn.

Thúy Kiều nói:

- Như thế đủ thấy nghiệp chướng của con chưa hết nên lại vào đây. Thôi con cũng không mơ tưởng hão huyền nữa.

Mụ khách nghe thấy Thúy Kiều nói vậy, lấy làm vừa ý bằng lòng lắm.

Còn Bạc Hạnh nắm được số tiền tránh đi nơi khác. Đợi cho Thúy Kiều đi khỏi mới trở về quán trọ, thấy những đồ dạc hành lý của Thúy Kiều đã đem đi rồi thì dẫm chân nói:

-Thật là lợi mụ khách, bốn mươi lạng bạc đồ quần áo trang sức!

Ý muốn đến nhà mụ khách đòi, lại sợ gặp Thúy Kiều sẽ xảy ra việc lôi thôi nên đành chịu, bèn thu xếp hành lý trở về Vô Tích.

Lại nói, Thúy Kiều lại rơi vào chốn lầu xanh, tự than mệnh bạc. Hồi trước đã được tòng lương, chịu bao nỗi lầm than khổ ải, nay lại rơi vào chốn cũ lầu xanh, há chẳng là số mệnh hay sao? Số mệnh đã nhất định phải như thế nên cũng không mơ tường hão huyền gì nữa. Từ buổi bắt đầu tiếp khách, chẳng qua là mấy người cầu vui ở mình thì mình cũng mượn người khiển hứng, lời ca suốt sáng, trận cười thâu đêm, tiếng tăm lừng lẫy một vùng.

Hồi ấy có một tay hảo hán họ Từ, tên Hải, hiệu Minh Sơn,vốn người đất Việt, tâm tính khoáng đạt,độ lượng lớn lao, coi phú quý như lông hồng, nhìn người đời tựa cỏ rác, và lại anh hùng rất mực tinh thông lược thao. Lúc thiếu thời cũng có học tập khoa cử, vì không đỗ đạt mới bỏ đi làm nghề buôn, của cải dư dật, lại thích kết giao bè bạn. Nghe nói Thúy Kiều là trang tài sắc, lại có tính tình hào hiệp khảng khái, Từ Hải bèn đến thăm chơi. Mụ khách biết Từ Minh Sơn là tay hảo hán, nay bỗng thấy chiếu cố đến nhà mình, vội gọi Thúy Kiểu ra tiếp.

Bốn mắt nhìn nhau đều có phần trìu mến. Minh Sơn nói:

- Nghe đồn khanh ở đây đã một năm rồi mà chưa một lần ai được lọt vào mắt, có phải thế không?

Thúy Kiều nói:

-Người ta đồn vậy là quá đáng. Thiếp tìm người gửi của, trông mặt đặt tên, cho nên không khinh suất mà uỷ thác can trường cho phường tục tử thì có đấy. Còn như trong con mắt mà không kể gì kẻ ngu người hiền thì tha thứ làm sao được?

Minh Sơn nói:

-Nếu như thế thì khanh cũng như câu thơ cũ đã nói: "Can trường nào biết ai cùng gửi - khiến người lại nhớ Bình Nguyên Quân". Phỏng như bỉ nhân đây, muôn phần liệu có được một giống như Bình Nguyên Quân không?

- Anh hùng đại độ, chàng đáng là bậc dị nhân ở đất Thái Nguyên, chớ Bình Nguyên Quân cũng không khoáng đạt đến như thế!

Minh Sơn cười, nói:

- Khanh xem xét anh hùng trong chốn trần ai, chớ có nhận lầm nhé!

Thúy Kiều nói:

- Đôi mắt biết anh hùng này của thiếp há không nhận đúng được.

Minh Sơn nói:

-Hay lắm! Từ Hải này hôm nay gặp được người tri kỉ rồi đây!

Liền bảo chủ nhà đặt tiệc rượu cùng Thúy Kiều ăn uống chuyện trò, rồi lưu lại nghỉ đêm. Thúy Kiều bèn đem việc chung thân của mình ra phó thác cho Từ. Từ cũng khảng khái coi đó là trách nhiệm của mình.

Hôm sau, Từ đưa ra hai trăm lạng vàng làm tiền chuộc mình cho Thúy Kiều và tìm thuê một nơi cho Thúy Kiều ở, lại mượn một thị nữ để hầu hạ. Thúy Kiều nói:

- Sao chàng không đưa thiếp về quê nhà mà còn gây thêm bếp núc ở đây?

Từ Minh Sơn nói:

- Khanh nói như thế, có thể nói là không bằng nàng Chuyển Ngọc rồi. Chuyển Ngọc đòi mười vị triều quan làm mối mới chịu lấy Hách sinh, thì ta đây há lại không thể đem mười vạn binh đến đón nàng à? Bây giờ hãy ở tạm đây, chỉ trong vài ba năm ta sẽ đón nàng vu quy với những đao to, búa lớn, gươm tuốt, cung giương, hậu ủng, tiền hô, muôn quân ngàn ngựa, tức là cái lúc Từ Hải này đắc chí đó. Lúc ấy nàng sẽ rót rượu ở vùng Đông Nam để mừng cho ta. Chứ như nay, ta chỉ trơ trọi một mình, thì đưa nàng nào
biết về đâu?

Thúy Kiều nghe nói mới vỡ lẽ. Từ Hài bèn dựng một toà nhà để cùng ăn ở với Thúy Kiều. Vợ chồng đoàn tụ chừng nửa năm, Từ Hải liền từ biệt Thúy Kiều ra đi.

Không biết sau khi đi thế nào, xin xem hồi sau phân giải.

Đúng là hồng nhan đa truân

hồng nhan nì cũng hong hiền đâu! :tongue:

_________________________
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 5 Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10556
Registration date : 23/11/2007

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 5 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân   Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 5 I_icon13Fri 13 Oct 2023, 13:55

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân.

Người dịch: Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Khắc Hanh

QUYỂN IV
__________________________________

HỒI THỨ MƯỜI TÁM

__________________________________

VƯƠNG THÚY KIỂU, KIỂM GIẾT PHƯỜNG VÔ NGHĨA
TỪ MINH SƠN, VÀNG TẶNG KẺ CÓ ƠN


Vương phu nhân làm việc báo đền, có thể nói là ân oán phân minh. Duy đối với Thúc sinh chưa hề vạch rõ cái tội “ngồi nhìn khoanh tay không cứu” là có chút sai lầm mà thôi. Ý hẳn phu nhân nghĩ cũng không chấp cái người đần độn, yếu đối, vô tài mà chỉ biết cảm cái ơn
thương hồi trước.

Vương phu nhãn đã biết cảm sự yêu thì ngày nay còn yêu ai hơn Từ Minh Sơn. Từ Minh Sơn đã yêu phu nhân, có lẽ nào phu nhân lại không yêu Từ Minh Sơn. Phu nhân đã yêu Từ Minh Sơn thì tất yếu muốn bảo toàn Từ Minh Sơn. Nếu cứ khuyến khích cho suốt đời làm giặc thì đâu phải là kế bảo toàn?

Vì thế mà Vương phu nhân ân cần khuyên bảo Từ Minh Sơn ra hàng.

Giả sử bọn đương cục mà biết suy bụng ta ra bụng người, đổi đãi như bọn Tiêu, Vương đời Hán thì có phụ gì người ra hàng đâu. Cho nên, dù không thể dự đoán được công việc đến cùng, song khuyên hàng là việc chính đáng, chớ không phải là việc lầm lẫn. Ta không nên bàn tán chuyên thành bại ở đây...


Lại nói, Thúy Kiều thấy Từ Minh Sơn đi luôn ba năm tuyệt nhiên không có tin tức gì cả. Một ngày kia bỗng có tin quân giặc kéo đến rất đông, nhân dân trong vùng đểu chạy trốn hết. Bọn người nhà đều giục Thúy Kiều nên rời chỗ ở. Thúy Kiều nói:

-Ta đã ước hẹn với Từ Minh Sơn là dù gặp cơn binh lửa cũng không tiện bỏ chốn này đi. Các ngưòi muốn đi thi cứ đi, bằng không thì sống chết cùng với nhau.

Bọn người nhà không dám ở lại, đều dắt nhau bỏ đi.

Cách ít lâu, bỗng có toán quân đông ước vài nghìn và hơn mười vị tướng, thình lình kéo đến, vây quanh ngôi nhà, rồi hô lớn:

- Vương phu nhân có ở đây không? Chúng tôi phụng mệnh Từ Minh Sơn thiên tuế đến đón phu nhân!

Thúy Kiều nghe xong, liền bước ra nói:

-Chính ta!

Bọn tướng tá và binh sĩ đều quỳ cả xuống, nói:

- Kính trình phu nhân! Tướng sĩ chúng tôi xin làm lễ bái kiến!

Phu nhân nói:

-Xin cảm tạ các vị! Chẳng hay đại vương hiện nay ở đâu?

Các tướng nói:

- Trình phu nhân! Đại vương hiện đóng quân ở thành Đại Hoang chờ đợi phu nhân.

Phu nhân nói:

- Nếu vậy ta sẽ khởi hành ngay!

Các tướng bẩm rằng:

-Xin phu nhân hãy khoan cho, xe loan sẽ đến đón bây giờ.

Vương phu nhân liền hạ lệnh:

-Dân cư miền này đều là láng giềng của ta, các ngươi không được cướp giết, gian dâm, kẻ nào trái lệnh sẽ bị chém đầu răn làm gương!

Hiệu lệnh truyền ra, ba quân nghiêm túc phụng hành cho nên cả vùng không bị tai hoạ gì. Đó đều là ơn đức của Vương phu nhân cả.

Lát sau, một viên đại tướng đưa xe loan và bọn cung nữ đến, vào nhà yết kiến phu nhân, vòng tay xá một xá, nói:

- Kính trình phu nhân! Tiểu tướng mình mang giáp trụ, không thể toàn lễ, xin phu nhân xá tội.

Kế đó bọn cung nữ khấu đầu nói:

- Chúng con phụng lệnh đại vương, kính đón phu nhân!

Phu nhân nói:

-Hãy đứng dậy!

Bọn quân sĩ nghênh tiếp cũng đều rập đầu chào.

Mọi việc xong xuôi, các tướng nói:

- Loan giá đã chỉnh tề, xin rước phu nhân thay đổi y phục để lên xe.

Cung nữ dâng mũ ngọc, áo đỏ. Phu nhân thay đổi xong, bọn cung nữ đỡ ngồi lên xe loan, tiền hô hậu ủng, bắt đầu khởi hành. Đi luôn trong ba ngày mới gần đến thành Đại Hoang, liền gặp mấy chục quân thám mã theo tới hộ vệ.

Bọn quân hộ vệ nói to:

- Kíp báo đại vương biết là phu nhân đã tới!

Bọn thám mã phóng ngựa chạy như bay. Một lát liền nghe súng nổ rền trời, trong thành có xí kéo lên phấp phối, trống nhạc khua vang, tiếp đến hàng ngũ những đội quân mang đủ đao, thương, kiếm, kích lần lượt kéo ra.

Thúy Kiều nhìn thấy trên ngựa tiêu diêu có một vị đầu đội mũ tam sơn, mình mặc bào đại hồng, đeo đai bích ngọc, mang ủng thêu, mặt trắng, mày thanh, đầu hùm, hàm én, thì ra chẳng ai khác, đó chính là Từ Minh Sơn.

Minh Sơn tiến tới đón Thúy Kiều và hỏi:

-Phu nhân, bữa nay tôi nghênh đón phu nhân tòng lương so với Hách sinh đón Chuyển Ngọc thì như thế nào?

Thúy Kiều nói:

-Hách sinh đón Chuyển Ngọc chẳng qua chỉ mượn sự vinh quang của mười vị quan triều, chớ đại vương đón thiếp ở đây là ở sức mình, không có cái thẹn làm đuôi trâu vậy.

Minh Sơn nói:

- Phu nhân thật hiểu lòng ta!

Liền đó đón về dinh. Minh Sơn lại nói:

-Cách biệt ba năm, một sớm tái ngộ, năm xưa hàn vi, giờ đây phú quý, tuy không xẻ cõi chia bờ, nhưng cũng đánh thành bạt lũy, uy vũ hơn người.

Nhân câu chuyện này, phu nhân bèn khuyên Minh Sơn chớ nên đốt phá nhà của dân, gian dâm phụ nữ và giết hại già trẻ.

Minh Sơn y lời. Từ đó mỗi khi đại quan đến đâu liền hạ lệnh nghiêm cấm việc gian dâm và cướp giết. Việc đó đều là do công ơn của phu nhân.

Một hôm, Thúy Kiều kể lại việc cũ ở Lâm tri cho Minh Sơn nghe. Minh Sơn nói:

-Điểu đó có khó gì! Tôi sẽ điểm năm nghìn quân sai đi quét sach vùng Lâm Tri để báo cái thâm thù ấy cho phu nhản.

Phu nhân nói:

- Tội nhân chỉ có mấy tên Mã Bất Tiến, mụ Tú và Sở Khanh mà thôi! Chớ nên làm hại lây đến người khác.

Minh Sơn y lời, liền hạ lệnh điểm năm nghìn quân tiến đánh Lâm Tri, trước hết gọi kiện tướng Sử Chiêu ra dặn:

-Ngươi đem bọn thám tử đến Lâm Tri trước do thám nơi ăn ở và cách hành động của bọn Mã Bất Tiến, rồi bí mật nấp sẵn ở đó, đợi đại binh đến, sẽ đón bắt cho hết. Nếu để chạy thoát tên nào nhất định sẽ thi hành quân lệnh!

Sử chiêu vâng lệnh ra đi.

Lại sai kiện tướng Lôi Phong cầm một chiếc lệnh tiễn tới cắm ở trước cửa nhà họ Thúc, nhưng không được làm kinh động già trẻ. Lôi Phong phụng lệnh mà đi. Lại sai đại tướng Biện Báo lĩnh năm nghìn quân đến thẳng Vô Tích bắt mụ đố phụ Hoạn thị, Kế thị, gia nhân hai nhà Thúc, Hoạn và Bạc bà, Bạc Hạnh, cùng Giác Duyên ở am Chiêu Ẩn. Hết thảy mọi người đều bắt sống về nộp, không được để thoát tên nào. Hẹn trong một tháng sẽ về hội họp tại Lâm Tri. Biện Báo lĩnh binh mã đi.

Sau đó Từ Hải chọn định một ngày tốt, ước hội nhất tề ra quân. Tới ngày hôm đó, Từ Hải nói với Thúy Kiếu:

-Việc ra quân bữa nay là vì phu nhân mà xuất phát, ấy là lúc phu nhân báo thù đây. Vậy xin phu nhân hãy làm lễ thệ sự, sau đó bỉ nhân sẽ phát binh.

Vương phu nhân liền rót rượu làm lễ thệ sư. Các tướng đều quỳ cả xuống. Phu nhân đọc lời chúc rằng:

“Hoàng thiên hậu thổ soi xét lòng này, non cao sông dài chứng giám ý tôi: Vương Thúy Kiều này vì cha bán mình, gặp bọn Mã Bất Tiến, Sở Khanh, Tú Bà, Bạc bà, Bạc Hạnh, Kế thị và Hoạn thị hãm hại, nay nhờ uy linh Từ công ra quân báo thù. Vậy trên xin cáo với trời đất thần linh, rồi mới xuất phát. Ba quân, các ngươi chớ ngại vất vả, hãy vì ta hăng hái ra sức”.

Đọc xong, tưới rượu xuống đất. Ba quân đều hô lớn:

-Chúng tôi nguyện vì phu nhân làm hết sức mình!

Những tiếng phẫn nộ nổi lên, non lay, biển động. Từ Hải ra lệnh khởi hành. Chừng mấy ngày sau tiến đến địa đầu Lâm Tri liền nổ ra một phát súng lệnh rồi tiến đánh. Tại đây tuy có mấy trăm quân quan, nhưng địch sao nổi đại quân ấy, nên đều bò chạy hết. Vì thế, trong khoảng một ngày, quân họ Từ đã tiến sát phủ thành Lâm Tri. Quan phủ và cư dân thảy đều trốn hết.

Từ Hải truyền lệnh đóng quân tại một khu đất không. Vừa cắm trại xong liền thấy kiện tướng Sử Chiêu giải bọn Mã Bất Tiên đến thỉnh công. Từ Hải cũng truyền hãy tạm giữ cả lại một nơi. Lại có kiện tướng Lôi Phong đem cha con nhà họ Thúc đến yết kiến. Từ Hải lệnh đưa vào doanh bên, tiếp đãi tử tê.

Sau đó đại tướng Biện Báo vào trại, bẩm:

-Tiểu tướng phụng mệnh đại vương tróc nã bọn Hoạn, Thúc đều đã đưa về đây. Duy có Thúc Thủ văng nhà nên chưa bắt được, vậy xin thỉnh tội!

Từ Hải nói:

-Thúc Thủ đã ở đây rồi, hãy đưa phạm nhân ra giữ ở một nơi.

Biện Báo vâng lệnh lui ra. Từ Hải sai mời phu nhân tới dinh và nói:

-Hiện những phạm nhân ở Lâm Tri, Vô Tích đều bắt cả về đây. Bây giờ phu nhân xử trí ra sao?

Phu nhân nói:

- Thiếp chịu ơn cha con họ Thúc và bà già ở Hoạn phủ cùng ni cô Giác Duyên, muốn trước đền ơn, rồi sau mới báo oán.

Từ Hải nói:

-Phải lắm!

Từ Hài gật đầu khen phải. Bèn truyền mời cha con họ Thúc, bà già ở Hoạn phủ và Giác Duyên cho vào yết kiến.

Giây lát Lôi Phong đưa cha con Thúc sinh và Biện Báo đưa Giác Duyên cùng bà già ở Hoạn phủ vào trại. Bốn người sợ hãi run rẩy, đều quỳ cả xuống kêu van xin tha cho khỏi chết. Từ Hải nói:

-Xin mời bốn vị đứng lên, đừng có sợ hãi! Các vị đã có ơn với phu nhân, đều được tha chết.

Phu nhân gọi:

-Thúc sinh! Tôi là Vương Thúy Kiểu đây! Hồi trước chàng cứu tôi khỏi chết thì nay tôi để cha con chàng được toàn tính mệnh. Còn vợ chàng là Hoạn thị, tôi đã bắt về đây. Nhất định sẽ báo cái tội ác ngày xưa.

Liền gọi quân lấy ra một nghìn lạng bạc trắng và trăm tấm vóc lụa, tiễn cho Thúc sinh ra về và dặn thêm ràng:

-Chàng muốn thấy vợ mình thì tới gian phòng phía đông, còn được gặp mặt một lần chót.

Thúc sinh nghe xong mới biết là Thúy Kiều báo oán, liền quỳ lạy nói:

-Kính bẩm phu nhân! Con vợ ngu xuẩn của tôi dù muôn lần chết cũng là đáng tội. Xong Thúc Thủ này đã được phu nhân ân xá, vậy đối với vợ tôi, cũng xin rộng lòng từ bi, mở cho một con đường sống.

Phu nhân cười, nói:

-Chàng muốn tôi tha hắn, thế sao hồi trước, khi thấy hắn hành hạ tôi, chàng không hề nâng đỡ chút nào?

Thúc sinh nói:

-Gác Quan Âm viết kinh, phu nhân quên rồi à?

Thúy Kiều ngẫm nghĩ giây lát rồi nói:

- Ờ, thì cũng nhớ một chút ấy! Thôi thì ta sẽ trả chàng sống, lát nữa sẽ đến mà lĩnh người về. Cho chàng tạm lui.

Thúc sinh ra, bảo cha về nhà trước, còn mình thì đến gian phòng phía đông tìm gặp Hoạn thư, thì đã thấy mẹ con Hoạn thị và bọn Hoạn Ưng, Hoạn Khuyển đểu có ở cả đó. Hoạn thị xa trông thấy chồng, bèn vội nói với mẹ là Kế thị:

-Mẹ ơi! Người đến kia chẳng phải chàng Thúc là gì.

Kế thị nhân ra quả là con rể, bèn vội vàng gọi:

- Chàng Thúc ơi! Mau tới đây!

Thúc sinh chạy tới nơi. Mọi người thấy đều khóc nức nở.

Hoạn thị hỏi:

-Sao cậu cũng có ở đây?

Thúc sinh nói:

-Chỉ tại mợ làm luỵ đến tôi.

Lại dẫm chân, nói:

- Mợ a! Cái việc Hoa nô cùa mợ vỡ tung ra rồi.

Hoạn thị thoạt nghe, nhất thời nghĩ không ra đầu đuôi, bèn hỏi:

-Thế nghĩa là làm sao?

Thúc sinh nói:

- Có gì đâu! Vương Thúy Kiều giận mẹ con mợ ghen ghét nàng và hành hạ nàng, bây giờ nàng đã lấy Từ đại vương nên phát binh bắt mợ để trả thù ấy. Tôi vì hồi đó không biết gì cả, nên được khỏi chết. Còn bọn các ngươi đều mình làm mình chịu, thì bây giờ còn biết làm sao?

Hoạn thị nghe rõ câu chuyện, bất giác hoảng hồn, tưởng như leo trên ngọn núi bị trượt chân, liền dẫy lên đành đạch, nói:

- Thôi hỏng rồi! Hỏng rồi! Tính mạng của ta thế là xong! Ngày nay hối thì đã muộn. Cậu ơi! Cậu đã cùng nàng có ơn, sao không nói một câu để cứu nhau với!

Rồi thị chảy nước mắt ròng ròng.

Thúc sinh nói:

-Người Ngô kẻ Việt cùng thuyền còn chiếu cố lẫn nhau, huống hồ là chồng vợ! Tôi đã năn nỉ kêu van ở bên ấy, được nàng thuận mở cho một lối sống và hẹn tôi lát nữa đến lĩnh người. Nhưng sự hành hạ thì e không tránh khỏi được đâu!

Thúc sinh nói chưa dứt lời liền nghe trong quân cố lệnh cho dẫn những phạm nhân vào.

Lại nói Vương phu nhân, khi thấy cha con họ Thúc đã đi rồi, liền xuống ghế lấy tay kéo Giác Duyên và bà già hỏi:

-Giác Duyên sư huynh có nhận ra Trạc Tuyền không? Bà có nhận ra Hoa nô không?

Hai người đều đứng sững nhìn ngơ ngác. Phu nhân nói với Giác Duyên:

-Tôi từng đưa chuông vàng khánh bạc đến am, chẳng lẽ sư huynh quên rồi à?

Lại nói với bà già:

-Tôi là người đã từng bị Kế thị đánh đòn hai mươi gậy, rồi giao cho thêu thùa với bà, không lẽ bà quên rồi à?

Giác Duyên nhìn kỹ mới nhận ra, liền nói:

- Em còn sống đó à? Thế mà hồi trước Bạc Hạnh về, lại nói với chị là em không quen thủy thổ, đã chết rồi, khiến cho chị thương nhớ mãi chị có đặt bàn thờ và tụng kinh sám hối siêu thoát cho em. Nào ngờ em là lệnh bà ở đây, thật đáng mừng lắm. Mừng lắm!

Bà già cũng gật đầu nói:

-Té ra chị Vương bên nhà họ Thúc. Tôi thường vẫn nhớ đến chị, không biết lưu lạc đi đâu, không ngờ chị vẫn mạnh giỏi như thế này.

Phu nhân nói:

- Hôm nay định mời bà đến, để xin báo ơn!

Từ Hải nói tiếp:

-Phu nhân lúc nào cũng nhớ đến ơn hai vị đã từng che chở cho. Bữa nay gặp đây, thật là thoả lòng mong nhớ.

Liền hối tả hữu lấy hai trăm lạng vàng và bốn nghìn lạng bạc, chia một nửa đưa tặng Giác Duyên và một nửa đưa tặng bà già để báo đền ơn xưa.

Hai ngưòi nhận lấy và tạ ơn.

Phu nhân truyền quân đặt thêm ghế ngồi và nói:

-Xin mời hai vị hãy tạm ngồi chơi đây với tôi, để xem ngày nay tôi báo thù!

Hai người bèn ngồi vào phía dưới.

Bỗng nghe một tiếng trống hiệu, rồi thấy tên quân mang cờ xanh bước ra gọi:

-Có lệnh đưa những phạm nhân thứ nhất vào.

Tức thời Biện Báo điệu bọn Hoạn thị, Kế thị, Hoạn Ưng, Hoạn Khuyển, Bạc bà và Bạc Hạnh vào quỳ xuống.

Phu nhân nói:

-Mụ Bạc đưa người vào cạm, Bạc Hạnh mua người lương thiện bán vào lầu xanh. Làm theo lời thể, Bạc Hạnh bị tội băm vằm, xương thịt đổ nuôi gia súc, còn mụ Bạc thì bị chém đầu.

Quân đao phủ tuân lệnh, liền lôi mụ Bạc ra chém đầu, còn Bạc Hạnh thì dùng chiếu quấn quanh cả thân thể như bó củi, ngoài dùng dây thừng buộc chặt. Kế đó hai người giữ chặt, rồi một người cầm mác đâm nhừ từ chân đến đầu làm cho tội nhân đứt thành trăm mảnh. Đang là một con người nguyên vẹn, tức khắc biến thành một đống thịt nát. Những người xung quanh trông thấy đều ghê sợ rùng mình sởn ốc. Quân báo đã xỉa xong. Thúy Kiều truyền trộn xương thịt ấy vào với rơm cỏ để cho ngựa ăn.

Kế đó, gọi đến Hoạn thị, Hoạn thị sợ mất hồn, mất vía, chỉ dập đầu kêu van, xin tha cho khỏi chết.

Phu nhân nói:

-Hoạn tiểu thư! Mưu kế của chị thật là cao diệu! Chị thật là nhẫn tâm! Phàm xử sự phải nên dành ra một lối, để mai sau còn dễ thấy nhau. Nay tôi gặp chị, hẳn là chị không thể sống!

Hoạn thị dập đầu lia lịa nói:

-Kính bẩm phu nhân! Tội tiện thiếp thật đáng muôn chết, chỉ xin phu nhân nhớ lại hồi viết cung trạng và viết kinh, rồi bỏ đi mà không truy cứu. Thiếp không phải là không biết tôn kính phu nhân, song thế không cùng đứng chung được, không thể cắt ái chia ân, đến nỗi gây nên tội lỗi, cúi xin phu nhân tha thứ.

Phu nhân cúi đầu ngẫm nghĩ giây lát rồi nói:

-Thật ra ta muốn nhai thịt ngươi, cắt da ngươi cho hả nỗi giận ngày xưa. Sở dĩ người còn được sống, là khi ta bỏ đi, ngươi không đuổi bắt là cũng có ý tháo cũi sổ lồng. Nhưng cái tội sống của ngươi thì không thể nào tránh được. Ta hãy hỏi ngươi, việc bắt cóc ta ở Lâm Tri là tự đứa nào? Phải mau mau khai thật, sẽ được giảm bớt tội lỗi một đôi phần!

Hoạn thị lại dập đầu nói:
-Thi hành kế sách tuy là Hoạn Khuyển và Hoạn Ưng nhưng sai khiến là do tiện thiếp. Chúng chẳng qua chỉ theo lệnh mà làm, nếu nay bắt chúng chịu tội thay thiếp, thì lòng thiếp sao yên!

Phu nhân nói:

- Ừ, ngươi cũng còn là kẻ biết nhận tội mình đấy!

Liền sai quân đao phủ đem Hoạn Ưng, Hoạn Khuyển ra chém để làm gương răn bọn đứa ở lếu láo. Đao phủ dạ một tiếng, liền lôi hai tên ra để chém đầu. Phu nhân lại sai tả hữu lôi Kế thị ra đánh đòn ba mươi roi. Tả hữu tuân lệnh, nhất tề động thủ. Hoạn thị vội vàng ôm lấy Kế thị và nói:

-Xin cho tiện thiếp thay mẹ chịu đòn!

Bà già cũng lật đật quỳ xuống, nói:

- Kể tội tình của chủ tôi, cố nhiên không thể tha thứ được nhưng lão nô xin thay mạng cho chủ.

Phu nhân nói:

-Gắn bó với nhau như thế kể cũng có tình có nghĩa thật. Như thế cũng là may đời cho mụ già kia. Thôi, cho bà đưa mụ ấy ra!

Bà già bái tạ phu nhân, rồi vực Kế thi ra khỏi trại. Kế thị đã sáu mươi tuổi, lại là một vị nhất phẩm phu nhân, chưa hề qua sự khổ sở như thế bao giờ. Từ hôm bị bắt ở Vô Tích đã bị chịu vô hạn khổ sở, lại thêm chiến tranh làm cho khiếp hãi và thấy cửa quân chém giết người như cỏ rác, tuổi cao khiếp đẩm, nên sợ quá mà chết. Bà già phải ngồi canh xác Kế thị ở cửa trại.

Vương phu nhân thấy bà già đã đưa Kế thị ra khỏi, liền sai cung nữ lột quần áo Hoạn thị, treo lên xà nhà, hai người cung nữ nắm hai tay, rồi phía sau, hai người cầm roi ngựa nhất tề động thủ. Một người vút từ trên xuống, một người vút từ dưới lên, đánh cho Hoạn thị như cá rơi than nóng, lươn phải nước sôi, kêu rên rầm trời, mình quay như chong chóng, khắp mình không còn chỗ nào lành lặn.

Cung nữ bẩm đã đánh đủ trăm roi. Phu nhân sai lôi Hoạn thị ra ngoài trại, giao cho Thúc sinh lĩnh nhận. Tả hữu vâng Ịênh, thả Hoạn thị xuống, rồi lôi ra ngoài, gọi Thúc sinh đến nhận. Thúc sinh luôn ngỏ lời cảm tạ. Khi trông thấy Hoạn thị thì chỉ thấy còn chút hơi thoi thóp. Thúc sinh bùi ngùi than:

- Mợ ơi! Chỉ vì thủ đoạn của mợ quá cao mới đến nỗi mình làm tội lấy mình như vậy!

Bèn một mặt thu liệm thi thể Kế thị và một mặt dìu Hoạn thị về nhà, an dưỡng nửa năm mới khỏi. Chuyện ấy không nói nữa.

Lại nói đến Sử Chiêu giải bọn Mã Bất Tiến, Tú bà và Sở Khanh vào trại. Phu nhân hỏi:

- Mụ Tú! Mụ có nhận ra ta là ai không?

Tú bà run rẩy, nói:

- Bẩm phu nhân! Gái đĩ này không nhận được ạ!

Phu nhân nói:

- Cho mụ ngửa mặt lên, xem ta là ai?

Quân hầu quát tháo, nắm tóc mụ Tú bà kéo ngửa mặt lên.Chừng ấy mụ mới nhận được Vương Thúy Kiều, liền luôn miệng kêu van:

- Gái đĩ này tội đáng muôn lần chết, xin phu nhân tha mạng cho!

Phu nhân cười, nói:

-Mày muốn sống à? Lời thề “đốt đèn trời” kia làm sao tiêu tan đi được?

Bèn truyền quân tẩm dầu thông vào mình Tú Bà, đầu cấm xuống đất, chân trở lên trời, đốt làm cây đèn để đền thề xưa. Còn Mã Bất Tiến thì dùng găm căng người ra, lột hết da, rút hết gân, xẻ từng tay chân để ứng lời thề của nó.

Lại nấu một vạc dầu nhựa thông lẫn với vỏ cây gai cho chảy tan ra, một bên để một thùng nước lã, lột sạch quần áo Sở Khanh, một người tưới nhựa thông sôi lên mình Sở Khanh, một người tưới nước lã vào. Quân sĩ vâng lệnh, bắt bọn chúng xuống. Tú bà bị đốt như một cây sáp lớn, phía dưới để lòi đầu ra. Mã Bất Tiến thì bị căng ra trên một cái giàn. Sở Khanh bị nhựa bọc cứng đờ như sắt. Phu nhân bảo đốt cây sáp người lên. Quân sĩ thắp lửa ở dưới chân Tú bà. Lửa bén cháy, Tú bà kêu la thảm thiết.

Phu nhân nói:

-Mày cũng biết đau, sao đối với người ta, mày lại tha hồ thẳng tay vùi dập!

Mụ Tú chết ngất đi, không thể trả lời.

Phu nhân hạ lệnh:

-Rút gân thằng Mã Bất Tiến, xẻ xác nó ra!

Lại sai quân sĩ bóc những vỏ cây gai dính ở trên mình Sở Khanh. Quân sĩ vâng lệnh, đem dao nhọn nhằm chỗ nhiều gân trên mình Mã Bất Tiến mà cắt da ra, đoạn dùng cái móc sắt móc vào đầu gân, cố sức lôi. Mã Bất Tiến đau quá chết tươi. Rút luôn ba bốn gân như thế, thân thể của Mã Bất Tiến tức thời bị xé tung ra. Phu nhân truyền quân đem ném xuống biển cho cá ăn để báo cái tội bạc ác.

Sở Khanh tuy bị nhựa thông và cỏ cây gai dính chặt vào da nhưng trong ruột vẫn sống, mà bên ngoài động đậy không được. Quân sĩ lại gần, nhằm chỗ nào có vỏ cây gai thì nắm giật lại. Da Sở Khanh bị nhựa thông nóng làm cho nát nhừ, nên chỉ sẽ giật một cái là lại kéo theo xuống cả một mảng. Chỉ một chốc lát, bóc sạch mình Sở Khanh, chỉ còn lại hình dạng một cục máu nhày nhụa. Sở Khanh tuy bị bóc da nhưng vẫn thở. Lại bảo tưới nước vôi lên mình Sở Khanh. Chỉ một lát, lập tức nổi lên những cái bỏng lớn, phút chốc nát thành máu mủ, thịt rơi xương khô mà chết.

Phu nhân đứng dậy, ngỏ lời cảm tạ Từ Hải:

-Moi thâm thù vô hạn của thiếp, nhờ uy trời của đại vương, một sớm rửa sạch. Thiếp dù gan óc lấy đất cũng không đủ để báo đền được ơn nặng này!

Từ Hải nói:

-Giữa đường thấy việc bất bình liền nổi can qua, ấy là bản tính của bọn tôi đó! Nàng nay đã trả được thù, trong lòng tưởng cũng đã hơi dịu. Tôi còn định muốn cho nàng được gặp lại cha mẹ thì tôi mới thật là mãn nguyện.

Phu nhân ba bốn lần ngỏ lời cảm tạ. Kế đó, Giác Duyên đứng dậy cáo từ. Phu nhân hỏi:

- Đạo huynh đi chuyến này định trụ trì ở đâu?

Giác Duyên nói:

-Chị định qua bên Việt Thuỷ!

Phu nhân nói:

- Xa nhau chuyến này, chẳng biết mai sau có còn được gặp nhau nữa không?

Giác Duyên nói:

-Gặp nhau nữa không xa đâu. Chỉ trong vòng năm năm mà thôi!

Phu nhân nói:

-Thế thì đạo huynh thật là bậc người thông tuệ!

Giác Duyên nói:

-Thật thì chị không biết gì đâu. Chị có gặp đạo cô Tam Hợp, được nghe nhiều điều kỳ diệu. Người hiểu thấu mọi việc lành dữ, lại biết việc tương lai, có bảo rằng, trong khoảng năm năm sẽ còn được gặp nhau lần nữa. Ban đầu chị chưa tin, nay gặp em nhân dịp báo thù, lại ở chốn quân quan, tưởng việc trước đã đúng thì việc sau tất rồi cũng đúng. Nghe nói người hiện ở bến Việt Thuỷ nên chị định qua đó tìm người!

Phu nhân dặn:

- Nếu chị gặp người, xin nhớ hỏi giúp em cho biết kết cục!

Giác Duyên xin vâng. Phu nhân phái quân sĩ theo đi hộ tống Giác Duyên, đến nơi yên ổn mới được trở lại. Giác Duyên ân cần cảm tạ, rồi đi.

Từ Hải hạ lệnh mở tiệc khao quân, làm lễ rửa oan cho phu nhân. Quân sĩ đều được ban thưởng, uống rượu mừng công luôn trong ba ngày.

Qua ngày thứ tư, Từ Hải truyền nổ súng nhổ trại, kéo quân trở về Đại Hoang. Sau đó luôn phái quân đi đánh phá các miền lân cận, quân uy ngày càng lừng lẫy.

Quan Đốc phủ được tin, bèn phái Tham tướng Bốc Tế và Du kích Cừu Nhiêu dẫn một vạn quân tới nghênh tiếp. Quân hai bên bỗng gặp nhau giữa đưòng. Từ Hải nói với phu nhân:

-Quân ta tới đâu, chưa từng có một người nào dám nghênh địch. May sao, bây giờ ta gặp toán quan quân này, để tôi thân ra tham chiến với chúng một trận, đặng làm nổi khí thế anh dũng của quân ta!

Ba hồi trống hiệu vừa dứt, hai trận đối nhau. Minh Sơn tế ngựa ra trước trận, nạt lớn:

-Bọn quân quan! Thằng nào mạnh thì ra đây, thằng nào hèn thì đừng có ra!

Bốc Tế, Cừu Nhiêu thấy Từ Hải oai phong lẫm lẫm, sát khí bừng bừng, khoa búa nhảy ngựa rong ruổi trước trận tiền như thiên thần xuống hạ giới, sao ác sát tới phàm trần. Bốc Tế thấy vậy bảo Cừu Nhiêu:

-Chú là Du kích tướng quân nên xông lên trước đi.

Cừu Nhiêu nói:

-Ông là Chủ tướng sao lại đẩy tôi lên trước?

Hai người, kẻ đun, người đẩy không ai dám nghênh dịch. Minh Sơn thấy bộ dạng như vậy, liền lớn tiếng quát:

- Quân lính như vậy mà cũng đòi tới đây giao chiến? Bớ tướng sĩ! Mau theo ta thẳng xông vào doanh trại.

Liền thúc ngựa múa búa, thét một tiếng lớn, tưởng như sét nổ thinh không, phi ngựa lên trước, đâm thẳng Cừu Nhiêu. Cừu Nhiêu không dám đánh đòn, liển hối Thủ bị là Không Hỗn ứng chiến. Không Hỗn không biết làm sao, đành phải giơ thương giục ngưạ xông lên. Minh Sơn quát:

- Tên khốn khiếp này ra mà chịu chết!

Không Hỗn rùng mình một cái ngã nhào xuống ngựa. Minh Sơn sấn tới chém làm hai đoạn, rồi vẫy quân đánh bừa vào. Bốc Tế và Cừu Nhiêu cắm cố chạy trốn, không dám chậm trễ. Quan quân rối loạn, bị quân Minh Sơn đuổi giết, thây phơi khắp nội, máu chảy thành ngòi. Quân sĩ thừa thắng, ruổi dài thẳng tiến, không đầy ba ngày chiếm luôn năm huyện, quân oai lừng lẫy khắp nơi.

Chợt có tin báo đại binh của Đốc phủ đã đến, Minh Sơn mới hạ lệnh thu quân, về trại nói với Phu nhân:

- Lâu nay tôi vẫn thường nghĩ là Trung Quốc không có người tài, song không ngờ chúng lại đốn mạt quá đến thế. Tôi mà biết sớm thì xuất binh đã lâu!

Phu nhân nói:

- Đại vương uy vũ không phải người thường, song thiếp nghĩ giáp binh của triều đình cũng không phải hoàn toàn hư nhược. Có điều là thái bình đã lâu, tướng suý không tập gươm giáo, không quen chiến đấu. Một khi nghe tiếng chiêng trống, thấy oai sát phạt thì thảy đều rụng rời chân tay, không dám đua tranh đối địch. Tuy trên miếu đường hiếm tay hào kiệt, nhưng trong rừng núi vẫn có anh hùng. Thiên hạ đã khổ lâu về nạn can qua, thế tất có cuộc chiêu mộ thì trong nơi rừng sâu núi thẳm, há không có những bậc kỳ tài đứng dậy ứng mộ ư? Đại vương uy danh lừng lẫy xa gần, người ta nghe thấy đều khiếp vía. Thiếp lại nghĩ là đại vương không nên lo là không có uy. Thiếp chỉ lo sau khi đại thắng mà nấy lòng kiêu. Tướng đã kiêu tất quân sẽ lười; quân đã lười thì thua được khó bề nắm vững.Thiếp xin đại
vương gặp việc nên cẩn thận, sẵn mưu kế để thành công, liệu sức địch hãy tiến, được thắng càng phải lo toan, thì sự nghiệp bá vương mới có thể thành được.

Minh Sơn cả mừng, nói:

- Phu nhân bàn phải lắm!

Bèn truyền lệnh ba quân chỉnh đốn đội ngũ, nghiêm minh hiệu lệnh, kẻ nào dám vượt trước lùi sau, chụm đầu ghé tai hoang mang nhớn nhác, tuần đêm không cẩn, do thám không thực, sẽ đều phải chiếu theo quân pháp nghiêm trị. Mệnh lệnh ban ra, ba quân thảy đều nghiêm túc. Từ đó binh thế lại càng mạnh mẽ.

Bỗng có tin báo Đốc phủ sai người đến chiêu hàng. Từ Hải bảo bắt trói đưa vào. Quân hầu vâng lệnh, giây lát điệu vào môt ông già, cho quỳ ở trước án. Từ Hải hỏi:

-Ngươi là người thế nào mà dám vào hang hùm vuốt râu cọp? Nói phải lẽ ta sẽ tha cho, bằng không thì phải biết lưỡi gươm ta có thể băm thịt ngươi đấy.

Ông già run rẩy nói:

- Kính bẩm đại vương! Tôi họ Hoa tên Nhân. Đã lâu, quan Đốc phủ biết tiếng đại nhân là tay anh hùng hào kiệt đời nay, khôn xiết kính mến, ý muốn vì triều đình mà chiêu hàng. Chỉ vì không chọn được người đi thông hiếu, đã toan sai một viên thuộc tướng đi, lại sợ chọc giận đại vương, nhân thấy tôi sinh trưởng đất này, dưới quyền che chở của đại vương, đội ơn đã nhiều, nên mới sai tôi đến trước bẩm hầu đại vương rõ là đại vương đóng quân ở đây, tuy tiếng dậy một thời, song cũng chưa phải là kết cục. Chi
bằng đại vương trên thuận lòng trời. dưới thương mạng dân, quy thuận triều đình, sẽ được chia đất phong hầu, hiển vinh tổ tông, phong thê ấm tử chẳng là hay lắm ru? Tội gì không muốn sinh mà muốn sát, lấy loạn thay cho an, để sau này muôn đời bàn luận. Xin đại vương nghĩ điểu ấy cho!

Từ Hải cả giận nói:

-Hà, thằng giặc già này lại dám đến dẫn dụ ta ư? Ta ở ngoài vòng cương toả, tuy chưa mở rộng bờ cõi cũng mặc sức xưng vương bá. Mi lại xui ta đầu hàng cam tâm làm hạng chó săn, vẫy đuôi xin xỏ, để chịu những sự chọc tức của bọn quan văn ấy à? Tên này nói năng mới đáng giận làm sao? Quân bay! Mau xẻo lưỡi tên giặc già này đi!

Bọn quân đao phủ dạ ran, liền túm tóc Hoa Nhân lôi ra định hành hình. Vương phu nhân vội ngăn lại, bảo quân đao phủ hãy khoan, rồi thong thả nói với Từ Hải:

- Trình đại vương! Hai nước tranh hùng không giết sứ giả. Hàng hay không hàng là quyền ở ta, có can gì đến sứ giả? Nếu giết sứ giả, e rằng người thiên hạ sẽ chê đại vương thiếu lượng bao dung. Huống chi Hoa Nhân vâng mệnh người trên đến đây, chỉ có công chứ không có tội. Vậy giết hắn là không lành, mà còn làm lấp đường của kẻ đến sau. Thiếp thường nghe những bậc làm nên việc lớn phải có lượng cả bao dung thiên hạ. Nay mới có một Hoa Nhân đến mà không cho sống trở về, chẳng là sự tỏ cái lòng nhỏ hẹp của mình ư? Xin đại vương tha chết cho hắn, cho ăn uống, rồi thả cho về, để hắn tuyên dương ân uy đức dũng của ta, khiến quân địch đã khiếp sợ oai ta, lại cảm phục ân đức ta nữa. Thế là để sống một người vô dụng mà truyền bá sâu rộng uy đức của ta, chẳng là được lợi nhiều hơn sao?

Từ Hải liền ngỏ lời cảm tạ, nói:

- Phu nhân bàn phải lắm!

Bèn truyền quân cởi trói cho Hoa Nhân và bảo:

-Lẽ thì ta giết mi cho Đốc phủ biết oai cùa ta. Song may được phu nhân đây nói rằng mi là kẻ vô dụng, không cần phải bẩn đến đao búa của ta, nên ta tha cho mi, để mi trở về nói với Đốc phủ rằng, đầu hàng là một việc lớn, không thể lấy miệng lưỡi dẫn dụ được đâu. Nếu muốn ta hàng, trừ phi chiến thắng nổi ta, trừ phi ta thế cùng lực kiệt thì mới nói đến chuyện ấy được.

Nói xong, ban cho rượu thịt. Hoa Nhân khấu tạ ra về, thuật lại những lời Từ Hải nói cho Đốc phủ nghe.
Đốc phủ nghe xong, sắc mặt có vẻ lo. Hoa Nhân nói:

-Xin Đốc phủ cứ yên tâm, ta còn có cơ hội khả dĩ toan tính được!

Đốc phủ hỏi:

- Cơ hội gì?

Hoa Nhân nói:

- Giặc Từ tuy chưa trị nổi ngay, song Vương thị là vợ yêu của nó. Con xét lời nói hình như có ý muốn quy hàng. Nếu ta bắt được một đường liên lạc với thị ấy thì có thể mượn tay chị ta mà giết tên giặc kiệt hiệt ấy được.

Đốc phủ nói:

- Đã có cơ hội như thế, ta không nên bỏ lỡ!

Bèn trọng thưởng Hoa Nhân và cho lui về.

Kế đó, Đốc phủ triệu tập các tướng lĩnh, hỏi:

-Ta muốn sai một người sang dụ Từ Hải về hàng, ai dám đi đây?

Liền có viên Trung quân họ La bước ra, nói:

- Bẩm! Ty chức xin đi!

Đốc thủ cả mừng, nói:

-Trung quân đi thì hay lắm, nhưng cần phải khéo tuỳ cơ. Ta nghe Từ Hải khoẻ mà nhiều mưu trí, thiện chiến lại được lòng quân. Sở dĩ ta chưa sai tướng lĩnh đi dụ hàng mà sai Hoa Nhân đi là vì hắn sinh trưởng ở đây, đã có biết Từ Hải, mong rằng hắn có thể gặp người nào quen biết, nhân đó tìm được lối hở tiến vào để thi hành mưu kế của ta. Nay cứ lời hắn nói thì Vương thị, vợ Từ Hải có ý quy hàng, mà Vương thị lại là người được Từ Hải rất mực tin yêu, thế thì khả dĩ nhờ người đàn bà này mà có thể thành công được. Ta thu xếp sẵn đây ba nghìn vàng, mười vạn bạc, mười tấm gấm hoa, hai vòng đai ngọc, mười đấu hạt châu, bốn mươi đôi sừng tê, hai bào gấm, một mũ dát châu và một chiếc màn nhung để ông đem sang, dụ Từ Hải về hàng, hứa với hắn là triều đình sẽ ban tước vị, chồng quý vợ vinh, phúc lộc trọn đời. Ngoài ra, lại chọn hai thị nữ hầu hạ Vương thị để tìm cách khuyên mụ về hàng. Ta nghe nói mụ trước ở Bắc Kinh, vì cha mà phải bán mình vào nơi ca xướng, lưu lạc đến Lâm Tri, tấm lòng nhớ nhung cha mẹ quê hương rất nặng. Ta đem ý ấy dặn hai thị nữ tuỳ thời khêu gợi lòng mụ thì công việc đại khái có thể thành được đến tám, chín phần mười!

Đốc phủ truyền kén lấy mấy thị nữ có tài để sang trại Từ Hải thi hành kế sách. Kén chọn được hai người, một người tên là Tuyên Nghĩa, con một tội nhân can việc án mạng, một người tên là Dụ Ân, vợ một tội nhân bị kết án treo cổ. Hai thị này tình nguyện liều mình sang trại địch thi hành kế sách để chuộc tội cho cha và chồng. Đốc phủ ưng chuẩn, tức thời truyền tha chồng và cha của hai người kia ra, lại cấp cho áo xiêm và hai trăm lạng bạc để sang trại địch sử dụng. Người cha và người chồng xin với Đốc phủ cho phép đi theo tiễn con và vợ, Đốc phủ cũng ưng cho.

La trung quân dẫn hơn mười tên quân tinh tráng cùng hai thị nữ Tuyên Nghĩa và Dụ Ân đi thẳng đến đại doanh họ Từ. Đi luôn vài ngày, khi gần tới nơi, bỗng gặp toán quân tuần tiễu chặn đón, quát hỏi:

- Quan quân nào mà dám xông vào tới đây?

La trung quân nói:

- Tôi là La Trung quân, thuộc hạ của quan Đốc phủ, vâng lệnh Đốc phủ đến để xin vào yết kiến đại vương!

Quân tuần tiễu liền đi thông báo. Từ Minh Sơn hỏi:

- Chúng đến nhiều hay ít người?

Quân tuần tiễu bẩm:

- Chỉ có một viên tướng và quân tùy tùng chừng hơn mười người, lại có kèm theo một cỗ xe!..

Minh Sơn nói:

- Chúng lại tính dùng lợi để dụ ta hàng đây!

Liền truyền quân đặt một chiếc vạc dầu chờ sẵn, rồi sai người ra gọi La Trung quân vào. La Trung quân vào tới nơi thấy trong trại gươm đao san sát, giữa sân có một vạc dầu sôi, hai bên có chừng năm trăm quân đao phủ dàn hầu, Từ Minh Sơn chễm chệ ngồi tại phía trên, tay chống thanh gươm dài, hai mắt đăm đăm nhìn thẳng xuống La Trung quân. La Trung quân vái dài một cái nói:

-La mỗ xin bái kiến!

Minh Sơn làm bộ cả giận hỏi:

-Tên này là tên nào, dám vô lễ như vậy? Quân bay! Tóm cổ hắn quăng vào vạc dầu mà nấu đi.

La Trung quân hoảng sợ, vội vàng đặt gối quỳ xuấng kêu van:

- Xin đại vương tha chết cho!

Minh Sơn cười nói:

-Sao anh dám to gan đến đây làm thuyết khách. Giết anh chỉ thêm bẩn gươm ta. Thử nói ta nghe, nếu có lý, ta sẽ tha cho tội chết.

La Trung quân đã sợ thất thần, lặng thinh một chốc rồi mới nói:

-Bẩm đại vương! Đốc phủ tôi bấy nay vẫn ngưỡng mộ cao nghĩa của đại vương, sai tiểu tướng dâng chút lễ mọn chúc thọ đại vương và hai tên thị nữ để hầu hạ phu nhân.

Vương phu nhân đứng bên nói:

-Nếu vậy, người này là viên quan mà Đốc phủ sai đưa tặng lễ vật. Đại vương nên lấy lễ mà đối đãi với người ta!

Minh Sơn cười, vừa đỡ La Trung quân dậy vừa nói:

-Tôi đùa Trung quân một chút thôi, việc gì mà sợ hãi như thế?

Bèn cùng La Trung quân thi lễ, rồi mời ngồi, hỏi:

-Trung quân đến đầy, có việc gì dạy bảo?

La Trung quân nói:

-Bẩm đại vương! Đốc phủ nghe đại vương là bậc hào kiệt, muốn cùng giao hiếu. Nay sai tiểu tướng đưa dâng ba nghìn vàng, mười vạn bạc, mười tấm gấm hoa, hai vòng đai ngọc, một đấu hạt châu, bốn mươi đôi sừng tê, hai bào gấm, một mũ dát châu, một chiếc màn nhung và hai thị nữ. Xin đại vương vui lòng nhận cho!

Minh Sơn nói:

-Tôi cùng Đốc phủ xưa nay không hể quen biết, mà nay cho lễ vật quá hậu này, tất nhiên còn có việc gì. Xin Trung quân cứ nói thẳng cho biết?

Trung quân nói:

-Đốc phủ dặn tôi trân trọng kính thưa đại vương là: việc làm giặc cướp tất nhiên không phải là kế lâu dài và ở ngoài vòng vương hoá cũng không phải là kế trường cửu. Huống nay vận hội nhà vua đương lúc hưng thịnh, nhiều tay anh hùng cùng đến ủng hộ. Lấy cái to rộng của thiên hạ, lấy cái đông đúc của chúng dân để đánh dẹp một miền cũng không phải là việc khó. Nhưng, thánh triều thể hiếu sinh, đã hạ sắc dụ chiêu an và Đốc phủ cũng suy tấm lòng nhân, cốt việc vỗ về thoả thuận. Dám xin đại vương cải tà quy chính, về làm bức thành đồng cho nhà vua để cùng hưởng phú quý và cùng dài lâu với núi sông, mong đại vương lưy ý cho!

Minh Sơn nói:

-Đa tạ hậu ý của Đốc phủ và lời chỉ bảo sáng suốt của Trung quân. Song việc này không phải nhỏ, quan hệ rất lớn. Nếu không chu đáo, ắt là khó toàn thân mệnh. Vậy xin mời Trung quân hãy tạm trở về mà hậu lễ này tôi cũng không dám nhận!

Trung quân nói:

-Việc quy thuận chưa thể quyết định được ngay, điều này tiểu tướng không dám cố nài. Còn như lễ mọn của Đốc phủ thì xin vui lòng nhận cho!

Minh Sơn nói:

-Nhận lễ vật của họ làm sao cho tiện?

Vương phu nhân nói:

-Họ đưa lễ đến, ta nhận cũng không can gì, mà khước từ thì ta cố ý khinh. Chi bằng ta cứ nhận lễ, rồi lấy vật báu đáp lại thì có hề chi?

Minh Sơn cho là phải, liền giục tả hữu ra thu nhận lễ vật. Tả hữu vâng lệnh ra ngoài, giây lát đem vào dâng những bạc, vàng ngọc, gấm và hai thị nữ mặc đồ cung trang lộng lẫy bước lên khấu đầu.

Minh Sơn truyền cho hai thị nữ vào trại sau hầu hạ phu nhân, đoạn lấy hai viên dạ minh châu, bốn đôi san hô gửi về đáp tạ Đốc phủ và đưa tặng La Trung quân một trăm lạng vàng, một nghìn lạng bạc. Còn những quân sĩ đi theo thì thưởng cho mỗi người mười lạng bạc. La Trung quân ân cần cảm tạ rồi từ biệt. Còn hai thị nữ thì vào khấu đầu yết kiên Vương phu nhân.

Không biết hai thị nữ nói năng những gì, xin xem hồi sau phân giải.



_________________________
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 5 Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10556
Registration date : 23/11/2007

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 5 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân   Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 5 I_icon13Wed 22 Nov 2023, 07:55

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân.

Người dịch: Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Khắc Hanh

QUYỂN IV
__________________________________

HỒI THỨ MƯỜI CHÍN

__________________________________

CHIÊU AN GIẢ, MINH SƠN BỎ MẠNG
ĐOẠN TRƯỜNG THỰC, THÚY KIỀU LIỀU MÌNH


Từ Minh Sơn đáng lẽ không chết vì quy hàng mà lại chết vi quy hàng chỉ là vì không phòng bị đó thôi. Đã không phòng bị mà Vương phu nhân còn khuyên bỏ giáp ngồi chờ là tại làm sao? Không phải là Minh Sơn không lo đến điều ấy, nhưng mà còn có lòng trời kia. Đại khái cái nạn lầm than cùa dân chúng miền đông nam đến đây là hết, cái vận hùng bá của Minh Sơn đến đây là hết, mà cái số kiếp của Vương phu nhân cũng đến đây là hết, cho nên Minh Sơn không hề nghi ngờ, để đến nỗi một phút bị tiêu tan. Nếu theo việc người mà bàn thì cải tà quy chính, dù chết như còn, Vương phu nhân nào có làm hại Minh Sơn. Nhưng lập mưu giết kẻ về hàng, khiến triều đình mang tiếng thất tín, thật là bọn đương sự đã làm hại Vương phu nhân vậy.

Minh Sơn là tay giặc lợi hại và việc dùng binh không hiểm gian dối, mà giết đi thì cũng có thể được. Còn Vương phu nhân bị hãm trong đảng giặc, lại hết sức khuyên giặc quy hàng, như thế không phải là giặc nữa, mà lại là công thần. Có điều là đàn bà không tiện phong thưởng thì nên cho trở về quê nhà, cho cốt nhục được đoàn viên, há chẳng phải là việc nhân chinh ư? Có sao lại ép duyên thổ tù, tính kế cho nàng Tây Phi chơi Ngũ Hồ. Ấy rõ ràng là đưa nàng vào chỗ chết, so với việc giết Minh Sơn còn thảm khốc hơn. Sau đó người đương sự kia cũng bất đắc kỳ tử. Ôi! Ai bảo là việc người không có liên quan đến đạo trời vậy!


Lại nói, hai thị nữ Tuyên Nghĩa và Dụ Ân vào trại sau, bái kiến Vương phu nhân, thuật lại ý chiêu hàng của quan Đốc phủ và khuyên:

- Nếu phu nhân khuyên được đại vương ra hàng thì chồng quý vợ vinh, mặc áo gấm về làng, làm bậc mệnh phụ triều đình há chẳng là vẻ vang lắm ư? Nếu ở ngoài vòng vương hoá thì được thua chưa chắc bề nào! Phu nhân vốn là bậc hiếu nữ, nay lại muốn vì nước nhà ra sức khuyên nhủ được đại vương quy thuận để nhà vua khỏi phải lo lắng, cứu nhân dân khỏi cảnh lầm than thì công đức ấy không gì to lớn bằng. Trước là hiếu nữ nay là trung thần, tất được tâu lên nhà vua nêu danh khen thưởng. Vinh quy đất cũ, cha con được đoàn viên, sống được giầu sang, thác được thờ phụng. Xin phu nhân lấy việc quân quốc làm trọng, lấy sinh dân làm quan tâm, sớm chiều toan tính cố gắng cho được thành công!

Phu nhân cúi đầu lặng thinh, nghĩ thầm: ‘Triều đình là tôn, sinh dân là  trọng, báo ơn riêng là nhỏ, phụ một người là khinh. Vả chăng, làm giặc là điều không thuận, theo giặc đáng phải giết...”. Nghĩ đi nghĩ lại phân vân.

Chợt thấy Minh Sơn lui vào trại sau, nói đến việc dụ hàng, phu nhân nói:

- Ý đại vương thế nào?

Minh Sơn nói:

-Thà làm mỏ gà, chớ làm đuôi trâu, không hàng là hay hơn. Không hàng thì có ba điều tiện và hàng thì có năm điều hại. Đánh thành chiếm đất, không ai gò bó được mình, là một điều tiện; vàng bạc, đàn bà con gái tùy ý ta muốn, là hai điều tiện; thắng thì thẳng ruổi tiến lên, không thắng thì cuốn giáp lui về, là ba điều tiện. Còn hàng thì phải nhận các mệnh nhà vua, quan có phép quan, hơi sai lầm một chút sẽ bị vấn tội, là một điều hại; hàng thì phải chịu sự sai khiến của bọn quan văn, hơi không vừa lòng thì họ đàn hặc mình ngay, là hai điều hại; không hàng thì uy phúc ở ta, mà hàng thì chịu sự điều động đó đây, cái thế ở họ, là ba điều hại; binh quyền ở ta, nhà vua cũng không thể coi thường, hàng thì không còn binh quyền nữa, một lực sĩ có thể bắt mình, là bốn điều hại; những miền sông biển bị quân ta tàn sát, hầu hết quan phủ huyện và nhân dân thảy đều oán giận, hàng thì bọn ấy đều muốn báo thù ta làm năm điều hại. Đem sự hung hiểm của năm điều hại mà so sánh với sự thuận tiện của ba điều tiện thì chắc chắn không nên hàng!

Phu nhân nói:

-Ý kiến đại vương kể cũng phải! Song đem năm điều hại ấy mà xử trí cho thích hợp từng hoàn cảnh thì cũng chưa hẳn không có lợi. Nhận chiếu lệnh nhà vua mà không nhận trách nhiệm quan thú, thì vấn tội vào đâu được? Chịu chức quan của nhà Đại Minh nhưng không chịu sự sai khiến của bọn họ thì đàn hặc nỗi gì? Chịu làm thần tử triều đình mà không lìa khỏi nơi hiểm yếu, thì cái thế đó đâu ở họ? Danh nghĩa tuy là quy thuận, nhưng thân mình không vào nơi miếu đường, thì lực sĩ làm gì bắt được?
Đóng quân không động, bỏ giáp đợi thời, thế vẫn ở ta, kẻ nào muốn báo thù phỏng có được chăng? Cứ ý thiếp nghĩ thì chẳng những không có năm hại, mà có năm lợi nữa kia! Huống chi, những quân bất lương không phải là hạng người có thể thân cận lâu với họ được, mà giặc cướp chỉ là một việc làm bất đắc dĩ, thì còn quyến luyến mãi ở đó làm gì? Vả tổ phụ của đại vương và thiếp xưa kia cũng đều đã chịu ơn bình thành của nhà vua, vậy mà ngày nay tàn phá bờ cõi, giết hại sinh dân, cướp vàng lụa của họ, làm cho nhà vua lo lắng, ăn nuốt không xuống, quan Tể phụ đau xót, mắt nhìn không yên, thường thường ngỏ ý muốn chiêu an cũng chỉ là thể theo đức
lớn hiếu sinh của trời và cầu được vô sự làm vinh đó thôi! Nếu vạn nhất nhà vua nổi giận, hiệu triệu sáu quân để tiến đánh thì đại vương phỏng có thể giữ được cái thế tất thắng hay không? Còn như việc muốn đồ vương định bá, không có đủ Đức, Vị và Thời, không có đủ Nhân, Trí và Dũng, thì cũng không thể được. Đức, Vị và Thời, ba cái đó đều có ở triều đình; còn Trí, Nhân, Dũng thì chưa hoàn toàn ở phía đại vương. Chỉ khư khư một chút thắng lợi vể mặt giáp binh mà muốn mưu đồ việc lớn thì tất không thể thành được. Thiếp lại thường nghe nói, người thức thời ấy là bậc tuấn kiệt, nếu nhân lúc này là lúc quân đương thịnh, lại nhân dịp họ chiêu an mà mình ra
hàng, tất nhiên được chức trọng quan cao, suốt đời cùng hưởng phú quý, ấy là thượng sách đó!

Minh Sơn nghe xong bèn quả quyết nói:

-Phu nhân bàn có lẽ lắm! Nay Đốc phủ đã hai lần sai người sang dụ, chưa thấy ta ngỏ ý quy hàng. Vậy nay hãy tiến quân thế tất họ lại sai người đến chiêu dụ.

Bèn hạ lệnh tiến quân.

Lại nói, La Trung quân về yết kiến Đốc phủ, thuật lại những lời Minh Sơn và Vương phu nhân nói cùng việc dâng minh châu và san hô lên.

Đốc phủ nói:

- Hắn tuy không hàng, song đã nhận lễ vật, ấy là có ý muốn thông hiếu, Cần được người nào tài giỏi, đi trần thuyết lợi hại một lần nữa mới thành công được.

Bỗng có tin báo đại quân Từ Minh Sơn ruổi dài tiến mạnh, châu thành sợ không thể giữ vững, gấp rút xin cho viện binh đến cứu.

Một viên mạc tân trong dinh Đốc phủ tên là Lợi liền nói:

-Kẻ học trò bất tài này xin phụng mệnh Đốc phủ đi thuyết Minh Sơn quy hàng!

Đốc phủ cả mừng, liền sai Lợi sinh đi. Trước hết phi ngựa báo tin cho Minh Sơn biết. Minh Sơn đã có ý quy hàng, liền hạ lệnh dừng quân lại để chờ.

Lợi sinh đến cửa đại trại. Quân cờ lam vào báo tin. Minh Sơn truyền lệnh mời vào.

Lợi sinh thi lề bái kiến xong, Minh Sơn mời ngồi, rồi hỏi:

- Bữa nay tiên sinh quá bộ đến tệ trại, tất có câu chuyện gì hay chỉ giáo?

Lợi sinh nói:

-Tiểu sinh đã lâu được nghe cao danh của đại vương, vẫn mong một phen bái kiến. Trước đây chỉ vì không có vật gì làm lễ ra mắt nên chưa dám đến tay không. Bữa nay định dâng món phú quý làm lễ ra mắt, chẳng hay đại vương có vui lòng chấp nhận cho chăng?

Từ Minh Sơn nói:

- Đội ơn tiên sinh có nhã ý đem phú quý đến cho, cô há lại không vui lòng nghe lời tiên sinh chỉ giáo!

Lợi sinh nói:

- Người khác đưa phú quý đến, tất đại vương tiến lên một bước. Còn tiểu sinh dâng phú quý đây thì chỉ cần đại vương lùi một bước.

Từ Minh Sơn nói:

-Xin tiên sinh cho nghe ý nghĩa việc lùi bước là thế nào?

Lợi sinh nói:

- Lùi bưóc không có cách gì khác, chỉ có quy hàng mà thôi! Quy hàng thì có vinh mà không có nhục, phú quý không kể sao chọ hết.

Minh Sơn nói:

- Cô nghĩ quy hàng có nhiều điều bất tiện, cho nên còn trù trừ chưa quyết.

Lợi sinh nói:

- Xin hỏi, bất tiện như thế nào?

Minh Sơn nói:

- Cô nay cầm quân ở ngoài vòng thanh giáo của nhà vua quả đã lâu. Nay một sớm vể hàng, địa vị không quá chức tổng binh, tước lộc không hơn nhị phẩm. Tuy tiếng gọi là được vua phong nhưng về danh phận thì không khỏi kém trước, ấy là một điều bất tiện. Nhà vua trọng văn khinh võ, quy hàng tất bị bọn quan văn khinh rẻ. Huống chi, ngày thường họ oán cô rất sâu, chắc đâu họ không mưu hại, ấy là hai điều bất tiện. Bọn tướng sĩ theo cô lâu năm, phóng túng đã quen, nay quy hàng thì thế nào cũng bị giảm sút quân uy, chia sẻ lực lượng, hoặc còn điều cô đi nhận chức nơi khác. Nghĩ người quen thói tung hoành như cô thì chịu sao nổi được sự kiềm chế của bọn họ, ấy là ba điều bất tiện!

Lợi sinh cười nói:

-Đại vương quá lo xa nên mới thấy mình như là không tiện, chớ như ý tiểu sinh nghĩ thì lại rất tiện! Hiện nay giặc cướp hoành hành, nhà vua đã có chiếu chỉ ai bình định được giặc cướp sẽ phong chức hầu vạn hộ. Nay đại vương chịu bó giáp quy hàng, rồi đi tiễu trừ bọn giặc cướp thì sẽ được phong hầu ngay, như thế có khác gì xưng cô xưng quả? Nhà nước tuy trọng văn, nhưng đại vương đâu phải như bọn tập ấm vô dụng kia! Đại vương có binh quyền trong tay, họ muốn cầu thân còn chưa thể được, dám đâu còn nghĩ đến sự mưu hại? Quân của đại vương là của đại vương, phân tán hay không là do ý muốn của mình, họ lao lung sao được! Nếu đại vương chịu hàng, tiểu sinh sẽ đem ngay những ý kiến này bẩm cùng Đốc phủ, tâu lên nhà vua, xin cho đại vương ba điều đó đã, rồi sau sẽ bàn đến việc quy hàng. Đại vương nghĩ sao?

Từ Minh Sờn cả mừng nói:

- Được như lời bàn của tiên sinh thì cô xin hàng!

Liền hốỉ tả hữu lấy ra năm trăm lạng vàng và một nghìn lạng bạc đưa tặng Lợi sinh. Lợi sinh nói:

-Đa tạ hậu ý của Đại vương! Từ chối thì mang tội bất kính, vậy xin bái lĩnh. Tiểu sinh về gặp Đốc phủ sẽ bẩm rõ ý kiến của Đại vương, đính ước ba điều ấy, rồi sẽ trở sang phúc báo cho Đại vương rõ.

Minh Sơn nói:

- Tiểu sinh toan tính cho mỗ thật là chu tất!

Lợi sinh cáo biệt, trở về yết kiến Đốc phủ, thuật lại kỹ càng ý kiến của Minh Sơn. Đốc phủ nói:

- Như thế thì tiếng là quy thuận, mà thực thì vẫn chống đối. Sau này, vạn nhất có điều gì bất như ý, lòng hung ác lại nổi lên thì tội ấy ai chịu? Cho nên việc này ta nghĩ chưa được tiện lắm!

Lợi sinh nói:

- Khó mà gặp được thời cơ như thế này. Nay Minh Sơn có hàng trăm vạn quân, nếu cùng hắn đối địch, chưa biết thua được về ai. Nay ta đã theo đuổi chiêu dụ đến ba lần, lại được Vương thị ở trong nói vào nên hắn mới ưng thuận quy hàng. Nếu ta không nhận mấy điểu ước ấy, tất nhiên hắn cho là những lần chiêu dụ trước cũng là tìm cách lung lạc hắn đó thôi. Rồi hắn hẹn quân cả tám đường tới đánh ta thì thật là một điều hại lớn. Chi bằng ta tương kế tựu kế, cứ ưng cho hắn ba việc ấy, sai quan sang cùng hắn định việc minh ước, hẹn người đem quân đến đón hắn tới hàng. Tới kỳ, ta bên ngoài dàn bày cỗ nhạc, mà bên trong thì ẩp nấp đại binh, thừa lúc hắn không phòng bị mà đánh, thì có thể bắt sống Minh Sơn được! Kế của tiểu sinh là như thế, chẳng rõ ý kiến của Đại nhân thế nào?

Đốc phủ cả mừng nói:

-Tiên sinh bàn kế ấy, thật là phúc lớn cho nước nhà!

Bèn cử viên Thông phán là Quyền Nghi và Du kích là Nữu Hiệp cùng Lợi sinh lại sang trại Từ để định minh ước. Từ Minh Sơn truyền mời vào.

Mọi người thi lễ xong, Quyền Nghi nói:

-Kẻ thư sinh phụng mệnh Đốc phủ sang định minh ước, chẳng hay đại vương còn có cao kiến gì nữa không?

Minh Sơn nói:

- Tôi có ba việc đã nhờ Lợi tiên sinh về trình giúp với Đốc phủ, chẳng rõ Đốc phủ có ưng thuận cho không?

Quyền Nghi nói:

- Đốc phủ gửi lời trình cùng đại vương là ba điều ấy đều tiện lắm, không có trở ngại gì. Đại vương quy hàng, tự nhiên sẽ được danh cao chức trọng; nếu còn có nơi nào chưa chịu thần phục, sẽ còn nhờ uy vũ của đại vương để trấn áp và chiêu dụ nữa. Đại vương muốn làm quan tại triều đình thì Đốc phủ sẽ dâng sớ tấu trình, còn nếu muốn ở ngoài làm bình phong phía đông nam thì Đốc phủ tự nhiên cũng sẽ hết sức bảo tấu!

Minh Sơn nói:

- Kẻ cuồng phu ở ngoài vòng cương toả, vốn không quen chạy vạy theo các quan văn võ thiên triều, được làm bầy tôi bôn ba ở nơi ven biển là đủ rồi.

Liền đó, mọi người uống máu ăn thề, mở tiệc mừng vui linh đình, rồi giải tán.

Từ Minh Sơn lui vào trại sau, nói với Vương phu nhân:

-Lúc mới bàn tới việc quy hàng, tôi thấy là bất tiện lắm. Sau nghe nàng khuyên mãi mới thi hành, nay lại thấy tiện lợi lắm. Ta chịu sắc phong của vua nhà Minh, thế là xoá bỏ sự thù hẳn với nước cha mẹ. Ta cầm quân ở ngoài thì không sợ bị bọn quan văn lăng nhục, ngoài khả dĩ đắc chí, trong sẽ cùng thuận tình. Nếu không được những lời giải thích hợp lý của phu nhân thì Từ Hải này không thể nghĩ tới thế được.

Phu nhân nói:

- Đó là phúc của vua, may của nước nhà, oai của Đại vương, đức của Đốc phủ, công của tướng sĩ, chớ thiếp có giúp sức được gì?

Minh Sơn mừng rỡ, truyền tả hữu đặt tiệc ăn mừng, khao thưởng tướng quân và truyền dụ ý nghĩa của việc quy hàng sẽ được tước lộc cùng được vinh quy làng xóm v.v... Quân sĩ thảy đều hoan hô vang dậy, mất hết chí chiến đấu, ai nấy chỉ lo thu thập hành trang và tính toán đến việc trở về gia đình. Từ đó không ai nghĩ đến việc chỉnh lý y giáp và khí giới. Canh phòng không nghiêm, đội ngũ không chỉnh, tinh kỳ không thứ tự, tuần sát không cẩn mật. Hàng ngày cùng nhau uống rượu làm vui, chụm đầu ghé tai chuyện trò, không còn vẻ chỉnh túc như quân doanh hồi trước nữa.

Minh Sơn cũng cho là mình đã quy thuận triều đình, không cần phải nghiêm túc binh ngũ nữa, nên hàng ngày cũng cung Vương phu nhân tha hồ yến tiệc vui vẻ.

Quân do thám dò la biết được tình hình này, liền báo về cho Đốc phủ biết. Đốc phủ nói:

-Hắn tin ở lời nói suông mà không phòng bị, ấy là mua lấy cái chết rồi đó!

Bèn sai Du kích Trương Năng dẫn năm nghìn quân từ phía đông đánh vào. Tham tướng Lý Thiên dẫn năm nghìn quân từ phía tây đánh tới. Tổng binh Âm Mưu dẫn năm nghìn quân nấp theo phía sau đội quân đón hàng, xông thẳng vào doanh, chém lấy đầu Minh Sơn. Còn Vương thị là người có công với triều đình, kẻ nào giết lầm chị ta sẽ bị phạt tội chết không tha.

Trương, Lý, hai tướng dẫn quân đi trước. Kế đó, Đốc phủ hạ lệnh nổi trống nhạc rộn rã, kéo theo một lá cờ vàng lớn có đề bốn chữ: “Đại thiên chiêu phủ”, còn đội quân đánh úp doanh trại thì đi lẫn vào trong đám quân chiêu hàng đó. Tướng sĩ thẩy đều hãng hái, hùng dũng.

Đốc phủ sai Lợi sinh sang trước gặp Minh Sơn, nói rõ cho biêt công việc nghênh hàng. Minh Sơn mừng lắm, liền sai quân bầy hương án để nghênh tiếp, song lại có ý nghi ngại, nói với phu nhân:

-Phải chăng bên trong họ có điều dối trá. Hay là ta cử chỉnh tề quân đội đề phòng bất trắc xảy ra. Ý phu nhân thê nào?

Phu nhân nói:

-Họ đến đón tiếp mình quy hàng, nếu ta dàn bày quân đội thì lại gây mối nghi ngờ. Chi bằng cứ tỏ lòng thành khẩn của ta, khiến người phụ trách việc chiêu an được yên lòng tâu lên trên.

Minh Sơn rất lấy làm phải, bèn hạ lệnh cho quân sĩ mở rộng cửa trại, ăn bận áo mỏng đai rộng, bỏ hết mọi đồ nai nịt đợi cuộc nghênh hàng. Lại nhờ Lợi sinh trở về báo cho Đốc phủ biết Đốc phủ cả mừng, thúc xe tiến lên.

Quân Từ thấy quan quân trống nhạc vang trời, phía giữa kéo lên lá cờ hiệu "Đại thiên chiêu phủ", bèn vào báo tin cho chủ tướng biết. Minh Sơn cùng phu nhân ra ngoài cửa trại trông xem. Vừa thoáng thấy tình hình, Minh Sơn liền thất kinh nói với phu nhân:

- Thôi! Hỏng rồi, trúng kế của họ rồi! Đây không phải là quân nghênh hàng, mà là kế đánh úp. Phu nhân trông kìa, chúng đầy vẻ sát khí và tướng sĩ đều ra mặt giận dữ.

Liền truyền lệnh ba quân chuẩn bị chiến đấu. Nhưng, quân sĩ ban đầu nghe tin quân đến nghênh hàng đã từng cuốn giáp bó gươm, không hề dự bị gì đến việc chiến đấu, nay đột nhiên được lệnh này, người có ngựa thì không có yên, người có gươm lại không có giáp, ai nấy hoảng hốt cuống quít cả lên.

Minh Sơn nai nịt không kịp, hối quân dắt ngựa đến thì ngựa đã cởi yên, làm sao cho kịp, vội gọi khiêng búa đến. Búa khiêng chưa kịp, quân triều đình đã đến. Chợt nghe một tiếng súng hiệu nổ vang. Âm Mưu thúc quân nhất tề đánh vào. Minh Sơn không kịp lên ngựa, tay không một tấc sắt, vội quay lại chạy về phía sau, cướp được một cây đao dài của quan quân, hăng hái đánh bộ, chặn lấy Âm Mưu. Hai tướng, một ngựa, một dưới bộ, đấu nhau kịch liệt chừng hơn mười hiệp. Minh Sơn lia một nhát đao
trúng vó ngựa Âm Mưu, con ngựa bị thương nhảy chồm lên hất Âm Mưu ngã ngựa. Minh Sơn xông đến định chém Âm Mưu thì Trương Năng chợt đến, cứu thoát Ầm Mưu, đoạn đón lấy Minh Sơn giao chiến. Đấu đến hơn mười hiệp, Minh Sơn thấy mình đã bị mấy mũi thương, nhưng không hể sợ hãi gì cả. Kế đó đội quân Lý Thiên tiến đến, hiệp lực giáp công. Minh Sơn quay lại lùi chạy, Lý Thiên đuổi theo. Bỗng Minh Sơn dừng bước,chém trở lại một đao trúng bụng, Lý Thiên nhào ngay xuống ngựa chết liền. Trương Năng sấn đến, đồng thời Âm Mưu cũng tế ngựa áp vào trợ chiến.

Cây đao trong tay Minh Sơn lúc này đã bị gãy. Từ bèn một tay túm lấy đầu tóc một tên quân làm khí giới, xung phong nghênh chiến, đánh bừa ra phía ngoài, khoẻ mạnh không ai đương nổi. Âm Mưu thấy địch thủ đã khoẻ lại bền bỉ chiến đấu bèn truyền lệnh cho đội quân cung nỏ vây quanh bắn bừa vào. Minh Sơn hai tay xách hai người xông xáo trong đám tên bay, vẫn không chịu khuất phục. Cuộc chiến như vậy kéo dài chừng một giờ. Minh Sơn khắp mình trúng tên, cơ hồ không hờ chỗ nào. đau đớn vô cùng, dần dần không thể gượng được, vụt kêu to lên rằng:

-Phu nhân làm hại ta! Phu nhân làm lỡ ta rồi!

Đoạn thở dài mấy tiếng rồi chết, nhưng thi thể vẫn cứ đứng sững không ngã ra. Giờ lâu, bọn quân sĩ mới dám đến gần, còn nghe thấy tiếng thở thì vội lui lại hàng mười bước, thấy thi thể vẫn không nhúc nhích, chừng ấy mới biết là chết thật, bèn báo cho Âm Mưu và Trương Năng biết.

Hai tướng đến. thấy quang cảnh như vậy liền hối quân xô đẩy cho ngã xuống, nhưng thi thể như đá tạc, như đồng đúc, không sao xô ngã được.

Giữa lúc này, Thúy Kiều bị một toán quân điệu đến, thấy Minh Sơn chêt đứng không nhào, liền khóc và nói:

-Người ấy là tay anh hùng, vì nghe lời tôi cố khuyên quy hàng, đến nỗi chết oan, oán khí không tan, nên chết mà còn đứng đấy. Để tôi lạy khấn an ủi vong linh.

Rồi liền đến trước tử thi sụp lạy và khấn rằng:

-Đại vương ơi! Thiếp thật đã làm hại Đại vương. Song không dám sống sót một mình, để phụ đức lớn của Đại vương!

Khấn xong buông tiếng khóc lớn. Minh Sơn bỗng mở choàng đôi mắt, lệ tuôn như mưa, kế đó cái thây cũng đổ xuống liền. Thúy Kiểu dập đầu xuống đất để liều chết, song bị bọn quân sĩ cứu được khỏi chết.

Trận này, quan quân trừ được tay đầu sỏ hung dữ của địch, tướng sĩ có chết mất ít nhiều, song dẹp yên được giặc cướp. Tướng sĩ kéo về dâng công. Đốc phủ vời Thúy Kiều đến, hỏi:

-Công này sở dĩ thành được, thật là nhờ ở nàng. Vậy nay nàng có muốn gì không?

Thúy Kiều nói:

- Từ Hải lầm vì quá nghe lời của Phủ gia, đến nỗi bại vong. Mong đại nhân thương cái điểm thành khẩn ấy mà cho một nắm đất chôn lấp thi hài. Ý nguyện của tôi như thế là đủ.

Nói đến đây, nghẹn ngào không nói tiếp được nữa. Đốc phủ thấy vậy cũng động lòng thương, liền hạ lệnh đem thi thể Minh Sơn mai táng.

Sau đó, Đốc phủ truyền đặt tiệc đại hội các tướng ở nha môn để mừng công. Quân sĩ đểu được khao thưởng. Rượu ngà ngà say, Đốc phủ nói với các tướng:

-Ta nghe Vương Thúy Kiều thạo hồ cầm, giỏi tân thanh. Ngày nay mừng công, nên để nàng phải đàn hầu rượu giúp thêm cuộc vui cho bữa tiệc.

Các tướng đểu đồng ý. Đốc phủ liến cho vời Thúy Kiều đến. Thúy Kiều không dám không tuân, rưng rưng châu lệ, cầm lấy cây đàn, nghĩ nay nhớ trước, bèn gảy ngay khúc Oán bạc mệnh do mình soạn ra. Lúc này trong lòng đau đớn biểu lộ ra tiêng đàn, như nghẹn ngào thổn thức, khiến cho người nghe trong bữa tiệc thấy đều buồn bã.

Thúy Kiều đàn xong, Đốc phủ hỏi:

- Khúc đàn gì mà khiến người nghe thê thảm vậy?

Thúy Kiều nói:

- Đó là khúc Oán bạc mệnh do tôi tự soạn hồi còn thơ ấu. Nay sự việc xảy đến, quả ứng với lời thuở xưa ấy. Nhìn ngày nay mà nhớ ngày xưa, việc đời thịnh suy ngờ đâu đến thế, nên lòng này lại càng đau đớn bồi hồi.

Đốc phủ nói:

-Ta xem tài sắc của nàng, há thiếu gì người thương yêu, hà tất quyến luyến tên giặc chết ấy làm gì?

Thúy Kiều cúi đầu không nói gì cả, hai hàng nước mắt chảy xuống ròng ròng.

Lúc này Đốc phủ chếnh choáng hơi men, lòng dục đã động, liền bước xuống thềm, giơ tay vừa lau nước mắt cho Kiều, vừa nói:

-Khanh chớ quá ưu phiền, ta với khanh bách niên giai lão...

Rồi tiện tay cầm chén rượu đùa ép Thúy Kiều uống và nói:

-Rượu này là ơn mưa móc đây! Há nàng không chịu vì ta mà nở một nụ cười à?

Thúy Kiểu trừng trừng nhìn Đốc phủ giây lát, rồi nói:

-Vợ tên tội phạm vong mạng này đâu dám hầu hạ đại nhân!

Thúy Kiều lúc này hai hàng lệ tuôn trong vắt như rợn sóng, một khoé thu ba tưởng như thu hồn tao nhân mặc khách, khiến cho Đốc phủ càng thêm quyến luyến, bèn cầm chén rượu cố nài Thúy Kiều uống. Thúy Kiều cúi đầu mà uống. Các tướng lĩnh đều đứng dậy nâng chén chúc thọ Đốc phủ. Đốc phủ vừa dắt tay Thúy Kiều vừa nhận rượu uống, mất hết cả phong độ một ông quan. Cuộc rượu kéo mãi đến tận khuya rồi mới tàn.

Sáng sớm hôm sau tỉnh dậy, Đốc phủ nhớ lại sự việc Thúy Kiều đêm qua thì hối hận, thầm nghĩ: “Việc này há phải là việc làm của một ông quan đại thần. Nếu ta thu dùng người đàn bà này thì có phương hại đến khuôn phép nhà quan. Nếu thả nàng đi thì lại là thất tín. Âu là giết quách làm mất tích đi cho rồi.” Bỗng nghĩ lại: “Nhờ nàng mới bình định được quân giặc, ai mà không biết. Kẻ có công to mà bị giết thì lấy gì để thu phục lòng người thiên hạ? Để thì không nên, giết cũng không nỡ, thì tính thế nào cho phải đây”. Nghĩ ngợi hồi lâu, bỗng gật đầu nói:

-Thôi thế này là hơn, ta đem nàng thưởng cho một quan nhân. Đã làm mất tích mà không sát hại đến tính mạng nàng thì còn ai dị nghị ta được.

Bèn lên công đường, vời Thúy Kiều đến bảo:

-Nàng có công dẹp giặc, ta tha tội chết. Nay định gả nàng cho một viên quân trưởng Vĩnh Thuận. Vậy nàng nên theo hắn kết duyên trọn đời.

Thúy Kiều vừa khóc vừa nói:

-Tôi mệnh bạc chót đã lầm lỡ lấy phải Minh Sơn. Vì việc lớn nước nhà, dỗ chồng quy phục, thành ra bị giết. Nay chỉ xin đại nhân mở lòng tha, cho tôi được trở về quê để thoả cái ý muốn quy thuận trước kia. Còn gả người cho quân trưởng thì không phải ý nguyện của tôi vậy.

Đốc phủ nói:

-Ta nghĩ nàng có công, tha cho tội chết, lại cho sánh duyên cùng viên quân trưởng thì có phụ gì nàng đâu!

Bèn chiếu danh sách những viên quân trưởng Vĩnh Thuận xem người nào chưa có vợ thì gả Thúy Kiều cho và bảo kéo quân về.

Viên quân trưởng Vĩnh Thuận liền dẫn Thúy Kiều cùng đi. Thúy Kiều rưng rưng nước mắt, bất đắc dĩ đành phải theo viên quân trưởng xuống thuyền mà đi. Quân lính đi theo liền làm tiệc mừng tù trưởng.

Thuyền đậu trên sông Tiền Đường. Mọi người ăn uống đến đêm, rồi ai nấy về thuyền mình nghỉ ngơi. Tù trưỏng bảo Thúy Kiều:

- Nàng đi nghỉ thôi.

Thúy Kiều nói:

- Hãy ngồi một chốc đã:

Viên tù trưỏng thấy nàng muôn vàn sầu thảm, không chút vui mừng, nên cũng không dám cưỡng ép. Thúy Kiều quyết ý tự tử, nhưng chỉ sợ lại người cứu lên thì không ra sao, nên mượn cớ lần lữa ngồi đến canh ba. Chợt thấy một trái núi băng từ ngoài cửa bể lừng lững trôi vào, ầm ầm dữ dội như sấm động, tưởng chừng xa vài trăm dặm cũng còn nghe tiếng. Thúy Kiều hỏi:

- Tiếng gì thế?

Tù trưởng nói:

- Tiếng ấy người ta gọi là “trào tín”.

Thúy Kiều nghe hai tiếng “trào tín” liền sực nhớ ra, hỏi:

- Nếu thế thì đây là sông Tiền Đường phải không?

Tù trưởng nói:

- Phải, chính sông Tiền Đưòng đấy!

Thúy Kiều nghĩ thầm: “Thôi! Đây là nơi kết quả của ta rồi! Cái hẹn mười lăm năm trước của Lưu Đạm Tiên ở đây đây!”. Quay đầu nhìn lại, vừa khéo trong thuyền có sẵn bút nghiên, bèn cầm ngay bút đề bài thơ rằng:

Hẹn ước mười lăm năm trước,
Hôm nay mới đến Tiền Đường
Trăm tuổi quang âm thắm thoắt,
Một đời thân sự “kê vàng”
Tiếng sóng giục người mau bước,
Từ đây hết kiếp đoạn trường!


Đề xong kêu lớn:

- Từ Minh Sơn đãi ta hậu. Ta vì việc nước đã giết oan người! Giết một tù trưởng này để lấy một tù trưởng khác, ta còn mặt mũi nào mà đứng ở đời! Nay xin đành một thác đế tạ Minh Sơn vậy!

Nói dứt lời liền văng mình nhảy xuống dòng sông. Tù trưởng vội vàng tới cứu nhưng không thể được. Quân sĩ đều thất kinh tỉnh dậy cả, nhưng giữa lúc sóng triều đương mạnh, đứng cũng chẳng vững thì còn cứu vớt người sao được. Mọi người lúng túng mãi đến sáng, tù trưởng đành phải đưa bài thơ tuyệt mệnh của Thúy Kiều đem báo cho Đốc phủ biết.

Đốc phủ riêng lòng vừa hối vừa thẹn, song việc đã rồi, đành căn dặn địa phương tìm vớt thi thể để mai táng. Việc không nói nữa.

Đây nhắc lại Giác Duyên, từ ngày ở Lâm Tri cách biệt Thúy Kiều, liền vân du miền đất Việt, tìm gặp Tam Hợp đạo cô để theo học phép tu luyện, nhân nhớ tới Thúy Kiều có nhờ hỏi việc trọn đời xem thế nào, bèn nhân lúc nhàn rỗi hỏi đạo cô:

-Vương Thúy Kiều có chút tình cũ vối đệ tử, không biết nàng vì nhân duyên nào mà vướng phải ác báo như vậy?

Tam Hợp đạo cô nói:

-Phàm người sinh trên đời, tu đức thì gặp phúc, vướng tình thì chịu khổ. Thúy Kiểu nhân vì tình ái mới thành cảnh khổ; cho nên chốn nhà nàng không thể ở lâu mà đất đoạn trường lại thường dẫn thân tới. Nợ yên hoa chịu khổ hai phen, tội kỳ tất từng qua một án. Trong đám đao binh làm bạn với vương ma, hùm sói, dưới làn sóng nước làm mồi cho thủy tộc cá tôm, như vậy mới tiêu trừ được kiếp số ấy.

Giác Duyên cả kinh nói:

-Nếu như vậy thì cuộc đời Thúy Kiều còn gì nữa!

Tam Hợp đạo cô nói:

-Chị hãy khoan lo, còn may mà! Ban đầu nàng tuy mê mệt vì tình, nhưng không phạm loạn dâm, sau gặp khổ nạn, hiếu thảo một lòng. Nay lại không nghĩ cái ân gần gũi nhỏ mọn mà biết trọng đại nghĩa triều đình. Vì thế công đức lớn lao đã làm cho nợ cũ tiêu tan mà kết nên duyên mới. Chị đã có tình cũ với nàng thì nên đến sông Tiên Đường, đợi khi nàng tiêu kiếp liều mình, sẽ bơi một chiếc bè mà đón, để nối lại nguyền xưa. Âu cũng là một hạt giống trong ruộng phúc đó!

Giác Duyên nghe xong, cả mừng nói:

-Đệ tử kính tuân lời dạy bảo của sư phụ, nhưng không biết đến chỗ nào để nối lại mối tình ấy?

Tam Hợp đạo cô nói:

- Chị bất tất tìm nàng, tự nàng sẽ tìm đến thôi!

Giác Duyên nghe nói, liền đến bên sông Tiền Đường dựng am Vân Thuỷ rồi ở luôn đó, mua chiếc thuyền nhỏ, dùng tơ mộc kết thành một chiếc lưới, lại mướn hai tay thuyền chài, tự mình đôn đốc họ giăng lưới suốt đêm ngày.

Đêm ấy, khi Thúy Kiều nhảy xuống dòng sông, vừa khéo rơi ngay vào lưới của Giác Duyên. Hai tay chài đã sẵn lòng cứu người, thoáng thấy có người sa vào lưới liền vội vã kéo lên trên thuyền. Trong khi ấy thuyền đã theo dòng nước trôi đi xa vài dặm. Giác Duyên mở lưới, đỡ Thúy Kiều ra, lấy quần áo khô thay đổi cho nàng. Thúy Kiều nằm trong thuyền vẫn còn hôn mê chưa tỉnh, hoảng hốt thấy Đạm Tiên đến bảo rằng:

-Em đợi chị ở đây đã lâu, không biết là chị vì bán mình cứu cha, lòng hiếu cảm động đến trời; khuyên người quy thuận, bảo vệ dân lành, lòng trung thấu đến nhật nguyệt, vả từ trước đã trải hết những cơn khổ nhục, ngày nay lại tiêu hết kiếp nạn. Từ đây chị sẽ được hưởng phúc lộc về mình, tình duyên như ý. Hội Đoạn trường hôm trước đã được xoá tên, thơ Đoạn trường nay xin trả lại. Thế là em trông đợi suông đã mười mấy năm rồi!

Nói đoạn, đưa mấy bài thơ Đoạn trường khi trước trao trả cho Thúy Kiều. Thúy Kiều đang định hỏi nữa thì nghe bên tai có tiếng người gọi:

-Trạc Tuyền! Mau tỉnh! Mau tỉnh!

Thúy Kiểu mở mắt trông thấy Giác Duyên ngồi bên, bèn hỏi:

-Em đã nhảy xuống sông chết rồi, sao lại còn gặp đạo huynh. Phải chăng là em đang mơ màng ở nơi âm phủ?

Giác Duyên thấy Thúy Kiều tỉnh rồi, thì đổi ra vẻ vui mừng nói:

-Em chớ có nghi ngờ! Em trầm mình nhưng chị đã cứu được em đây!

Thúy Kiều nghe xong mới gượng ngồi dậy, hỏi:

- Em trầm mình là do tính cương liệt nhất thời, mà sao sư huynh lại biết?

Giác Duyên nói:

-Vì hồi trước em có dặn chị hỏi giúp Tam Hợp đạo cô về việc chung thân của em, thì người bảo rằng nay em nợ kiếp trước đã tiêu và duyên sau sắp nối, nên dặn chị cắm thuyền tại đây để đợi cứu em!

Thúy Kiều nói:

- Nếu vậy thì chị là cha mẹ tái sinh của em rồi! Có một điều chiếc thuyền nhỏ này giấu mình sao được, chỉ sợ Đốc phủ dò biết thì sao?

Giác Duyên nói:

-Em chớ lo! Chị đã dựng sẵn một am ở bên sông để làm nơi cho em giấu mình.

Bèn bảo nhà chài nhân lúc đêm tối chèo thuyền về trước am, rồi lén dắt Thúy Kiều vào đó ẩn náu, không để một người nào được biết.

Thực là

Lòng như chim sổ lồng,
Thân tựa hoa lại nở.


Xin xem hồi sau phận giải tiếp.



_________________________
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 5 Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10556
Registration date : 23/11/2007

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 5 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân   Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 5 I_icon13Thu 11 Jan 2024, 14:24

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân.

Người dịch: Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Khắc Hanh

QUYỂN IV
__________________________________

HỒI THỨ HAI MƯƠI

__________________________________

KIM THIÊN LÝ ĐAU BUỒN LÀM LỄ CHIÊU HỒN
VƯƠNG THÚY KIỀU VUI VẺ NGUYỀN ƯỚC CŨ


Mối tình bẩm sinh của con người vốn có nông có sâu. Người tình nông không thể sâu, cũng như người tình sâu không thể nông vậy. Thúc sinh thấy Thúy Kiều sông bị đoạ đầy không phải là không khóc khóc mếu mếu, nhưng khóc chết đấy mà không vì nhau bày mưu tính kế. Cũng không phải không yêu thương mà không bày kế tính mưu, mà chính là vì gốc tình vốn trồng nông cạn, cho nên chỉ có biết khóc, tức là nước đầm đào hoa sâu nghìn thước đó thôi. Ngoài ra không biết có đường nào lén trời xuống đất, đành chỉ ngồi mà nhìn theo số mệnh, phó thắc mặc trời.

Còn Kim Trọng, khi từ Liêu Dương trở lại thì Thúy Kiều đã gương vỡ bình rơi, nhà vàng vắng bóng, khóc lớn một trận, hai trận; đau thương nửa năm, một năm; rồi đến cũng phải tạm nguôi nguôi dần, huống chi còn có Thúy Vân nối cuộc thề bồi. Thế là Thúy Kiều tuy vắng nhưng người thay thế Thúy Kiều còn đây, gần thì thân, xa thì nhạt, phải chăng đó là thường tình. Thế mà Kim sinh trước thì Lâm Thanh, sau thì Lâm Tri, hỏi rồi lại hỏi, tìm rồi lại tìm, như không biết có tan rồi có hợp. Đến khi tin loạn vừa yên, liền không từ khó nhọc lặn lội mà đi thăm dò tin tức ở Tiền Đường. Bỗng nghe tin chết mà bày tế chiêu hển, như không biết có tử sinh cách trở. Đó là một mối tình vô cổ vô kim, há phải đâu như cái tình nươc đầm đào hoa có thể so sánh được muôn một! Ấy vì thế mà tôi bỉ báng chàng Thúc vậy!

Rốt cuộc là chết rồi lại sống, tan rồi lại hợp, bất ngờ mà được đoàn viên, khiến kẻ tình thâm cuối cùng không bị rơi vào vòng khuyết hãm, vui sướng biết chừng nào!

Có người cho rằng, đất đã nghiêng về phía tây bắc mà cứ bảo là sống chết như nhau, một mực hoang đường, thì tội của tác giả còn trên Trang Tử; còn tôi lại cho rằng, trời đất đầy đặn ở phía đông nam, mỗi chữ là một viên đá ngũ sắc, thì cồng của tác giả cũng không đến nỗi kém Nữ Oa vậy!...


Đây không nói việc Thúy Kiều theo Giác Duyên ở am Vân Thuỷ nữa. Lại nói, Kim Trọng theo cha đến Liêu Dương, thu xếp việc tang cho ông chú và tiền vốn trong cửa hàng, quanh quẩn hết bốn tháng trời mới trở về Kinh. Kim Trọng về đến nhà tức khắc đến hiên Lãm Thúy để tìm Thúy Kiều.

Lúc này Thúy Kiều đã đi được bốn tháng rồi. Mà nhà họ Vương cũng đã dọn đi ở nơi khác.

Kim Trọng tìm tới, nhòm ngó tuyệt nhiên không thấy bóng dáng người nào qua lại, bèn hỏi người láng giềng gần đó. Người ấy đem việc họ Vương bị tai vạ và Thúy Kiểu bán mình, thuật lại kĩ càng một lượt cho Kim Trọng nghe. Kim Trọng cả sợ, thất sắc, liền tìm đến nhà họ Vương, thấy tường thấp nhà nhỏ, không còn bộ dạng ngày xưa. Kim Trọng không nén được nữa bèn lên tiếng gọi:

-Vương huynh có nhà không?

Vương Quan chạy ra, thấy Kim Trọng liền hỏi:

-Anh Kim về từ bao giờ? Xin mời anh vào chơi trong nhà!

Kim Trọng theo Vương Quan vào phòng khách. Thi lễ xong, Vương Quan ngó vào phía trong gọi:

-Anh Kim từ Liêu Dương về đây rồi! Mau đun nước pha trà nhé!

Những người trong nhà nghe câu nói ấy, tự nhiên bỗng khóc ầm cả lên. Kim sinh vội lại gần, hỏi vì sao, thì Vương Viên ngoại, Vương bà đều nói:

-Câu Kim ơi! Con gái chúng tôi bạc mệnh, gặp cơn gia biến đã bán mình cứu cha, không thể giữ vẹn được hôn ước. Lúc sắp bước chân ra đi, có ân cần dặn lại chúng tôi đưa con em nó thay lời thề ước và nói rằng, kiếp này không được cùng cậu nên duyên chồng vợ, thì nguyện kiếp sau sẽ nối lại thề xưa.

Ông bà Viên ngoại nói đến đây lại nức nở khóc ầm lên. Ban đầu Kim Trọng còn e ngại vợ chồng Vương Viên ngoại không biết việc kín của mình, nay thấy nói rõ ra rồi, chàng liền bấm bụng dậm chân, va đầu, đập trán, khóc ầm lên, kêu một tiếng “vợ”, lại oán một tiếng “trời”. Càng nghĩ càng khóc, càng khóc càng thương, khóc cho đến khi miệng ứa máu tươi, ngất đi rồi lại tỉnh, tỉnh rồi lại khóc. Ban đầu Vương Viên ngoại cũng khóc thảm thiết, sau thấy Kim Trọng khóc đến như thế, đành phải cố nhịn, quay sang khuyên Kim Trọng rằng:

-Ván đã đóng thuyền, khóc cũng vô ích, chỉ thêm khổ não cho lòng mình thôi!

Kim Trọng nghiến răng mà nói:

-Không lẽ vợ con lưu lạc phương xa, con lại chịu thôi đi à? Mai đây con sẽ sai người sang Lâm Thanh dò hỏi, nêu biết vợ con ở đâu, dù cho tan nhà tốn của thế nào cũng phải làm cho trăng khuyết lại tròn mới thôi. Còn như tấm lòng cao nghĩa của cô Hai, không phải con không nhất mực ưng thuận, song không nỡ phụ tấm nhiệt tình của cô cả!

Vương bà bèn lấy ra những kỷ niệm và thư từ lưu biệt của Thúy Kiều để lại, trao cả cho Kim Trọng. Kim Trọng đọc mỗi câu thì lại nghẹn ngào khóc lên một tiếng. Mọi người thấy vậy, không ai không chảy nước mắt.

Hôm sau Kim Trọng dọn một tòa nhà riêng, đón cả gia quyến họ Vương sang ở và nhờ Vương Viên ngoại viết một phong thư, rồi sai gia nhân đi sang Lâm Thanh dò la tin tức Thúy Kiều. Gia nhân đi hơn một tháng trở vể nói rằng ở đó không hề có Mã giám sinh nào cả. Kim Trọng lại càng gào khóc không ngớt.

Kim ông sợ con quá thương thành bệnh, bèn đưa sính lề hỏi Thúy Vân, rồi chọn ngày lành làm lễ thành hôn. Tuy trai tài gái sắc rất là tương đắc, song mỗi khi nhắc đến Thúy Kiểu thì Kim Trọng lại đầm đìa châu lệ. Năm ấy Kim Trọng và Vương Quan cùng đi dự kì khảo hạch thí sinh, đều được đậu cả. Vương Quan nhớ ơn Chung Sự bèn đến bái tạ. Chung Sự tình nguyện gả con gái cho Vương Quan, từ đó hai nhà thành thông gia.

Cũng năm ấy, Kim Trọng và Vương Quan đều trúng hương bảng. Hai người lại rủ nhau thân thành đến Lâm Thanh dò la nhưng cũng không có tin tức gì cả.

Qua ba khoa, Kim Trọng đỗ Tiến sĩ, liền phải ở nhà chịu tang cha, đến khi mãn phục thì được truyển đi nhậm chức huyện lệnh Lâm Tri, bèn đưa cả gia quyến phó nhậm.

Một hôm Thúy Vân nói với Kim Trọng:

-Đêm qua thiếp nằm mơ thấy chị, hay là ở đây ta tìm được tin tức gì chăng?

Kim Trọng chợt nghĩ ra, nói:

-Phu nhân không nói thì tôi cơ hồ lầm lạc mất. Lâm Tri, Lâm Thanh chỉ khác nhau có một chữ, biết đâu không phải là nhớ lầm? Vậy để mai tôi đến công đường sẽ hỏi bọn nha dịch xem ra làm sao?

Thúy Vân khen phải. Hôm sau Kim Trọng lên công đường gọi hết thẩy nha dịch lên hỏi:

-Mười ba năm trước, ở đây có một viên giám sinh họ Mã cưới thiếp là Vương Thúy Kiểu từ Bắc Kinh đưa về, chẳng hay hiện giờ tình hình ra sao?

Bọn nha dịch nghe hỏi không biết đáp lại ra sao cả. Trong bọn có một người nói:

-Bẩm quan lớn, việc mười ba năm trước thì chúng con đều là người sinh sau, không sao biết được. Quan lớn muốn hỏi những việc cũ ấy, trừ phi hỏi bác Đô Lai Đắc thì mới biết rõ!

Kim Trọng hỏi:

- Đô Lai Đắc là ai?

Nha dịch bẩm:

-Bác ấy là trưởng nha dịch ở huyện ta, làm việc ở cửa quan đây đã lâu năm, nay già yếu, về nghỉ ở nhà.

Kim Trọng nghe xong liền cho người đi gọi Đô Lai Đắc. Đô Lai Đắc thấy quan đòi, không biết có việc gì, liền đến ngay huyên đường bái kiến. Kim Trong hỏi:

- Đô Lai Đắc, ta muốn tra hỏi về việc mười ba năm trước đây, có viên giám sinh họ Mã cưới thiếp là Vương Thúy Kiều từ Bắc Kinh đưa về. Việc ấy bác có biết rõ không?

Đô Lai Đắc nói:

- Bẩm quan lớn! Quan lớn muốn hỏi việc đó thì con đây biết rất rõ. Mã giám sinh tên chính là Mã Bất Tiến, bình sinh là một tay nghiện rượu hám sắc, tiêu xài mất hết gia nghiệp, sau gặp một mụ đầu tên gọi Tú bà. Đôi bên tằng tịu, bèn theo mụ Tú làm kẻ giúp trông nom việc nhà cho mụ ta, chuyên đi lừa dối con nhà lương thiện, giả danh cưới thiếp rồi đưa về bắt làm đĩ, không phải chỉ có một lần mà thôi. Mười ba năm trước, hắn đóng giả phú ông đến Bắc Kinh cưới được người con gái tên là Vương Thúy Kiều. Nàng này nhan sắc xinh đẹp, thông minh, thành thạo hồ cầm, giỏi tân thanh. Họ Mã đưa nàng về nhà bắt ra tiếp khách, không dè nàng tính khí cương liệt, liền thủ dao đâm cổ tự vẫn, phải chạy chữa suốt một ngày đêm mới cứu được nàng tỉnh lại. Sau hắn dùng mưu “nhử hổ lìa rừng”, câu kêt với tên vô lại là Sở Khanh, lừa nàng chạy trốn rồi giữa đường bắt nàng điệu về, lột hết xiêm áo, treo lên dầm nhà, đánh mấy trăm roi. Nàng đau đớn quá đành phải làm đĩ. Ba năm sau lấy cậu Tú tài họ Thúc, lại bị vợ cả là Hoạn thư bắt cóc về Vô Tích, chịu trăm điều cực khổ. Nàng chịu không nổi, đành bỏ trốn đi nơi khác. Rồi không rõ thế nào, kết duyên với một ông tướng giặc. Hai năm trước đây, ông tướng kéo quân về đất Lâm Tri này, theo lệnh nàng, đã băm vằm tên Mã Bất Tiến, lột da tên Sở Khanh, đốt sông mụ Tú bà, đánh đòn Hoạn thị, chém Hoạn ưng, Hoạn Khuyển và băm xả Bạc Bà, Bạc Hạnh. Còn cha con họ Thúc thì được tha. Một nhà sư và một bà già thì được hậu tạ. Nàng thật là một người đàn bà có nghĩa, có ân. Còn tình hình về sau ra sao nữa thì con không được rõ!

Kim Trọng hỏi:

- Ông tướng ây họ tên là gì?

Đô Lai Đắc nói:

-Bẩm quan lớn! Việc này nên hỏi ông Tú họ Thúc. Hiện ông ấy mở cửa hàng bán gấm vóc tại đây. Gọi ông ta đến hỏi tự khắc biết rõ.

Kim Trọng nghe xong liền lấy lá danh thiếp, sai người đem đến cửa hàng gấm vóc mời Thúc Tú tài đến hỏi chuyện. Thúc sinh thấy việc quan mời liền thay mặc lễ phục đến huyện đường bái kiến. Kim Trọng mời Thúc sinh vào nhà trong, cùng nhau thi lễ xong, mời ngồi rồi hỏi:

-Vương Thúy Kiều và tôi là chỗ con cô con cậu, vì cha mắc nạn, bị kẻ gian lừa dối, hiện nay có một nha dịch đã thuật lại việc nàng rất là rõ ràng. Nhưng còn viên tướng mà nàng theo về đây thì không biết tên họ là gì, nghe nói tôn huynh biết rõ nguồn gốc việc ấy, nên mời đến để hỏi.

Thúc Thủ nói:

-Bẩm quan lớn! Môn sinh vì liên luỵ đến việc người vợ cả nên phải ở trong quân doanh của ông tướng lâu hơn, thừa dịp hỏi thăm một tên quân, mới biết ông tướng họ Từ tên Hải, tự Minh Sơn, quê đất Việt, tài kiêm văn võ, khoẻ trùm ba quân, cùng lệnh biểu muội tình cờ gặp gỡ, liền bỏ tiền chuộc mình cho, đón ở một nơi. Rồi ông ta ra đi, trong ba năm trở thành một đám giặc lớn, mới đưa mười vạn quân về đón lệnh biểu muội làm phu nhân. Quân giặc đến đâu thắng đó, hiện đương đóng quân ở vùng Mân, Triết. Nghe đồn Đôc phủ đã mấy lần chiêu hàng, nhưng họ Từ không nghe. Nhờ được lời khuyên của phu nhân nên ông ta mới ước thúc ba quân, cấm không được giam dâm phụ nữ, không được giết càn, không được đốt nhà, không được đào mồ cuốc mả... Vì thế nhân dân nửa miền đông nam đã được đội ơn Vương phu nhân nhiều lắm. Ngoài ra thế nào nữa thì chưa rõ!

Kim Trọng nghe xong, rơm rớm nước mắt, tiễn Thúc Tú tài ra về, rời trở vào thuật lại kỹ lưỡng cho vợ và cả nhà họ Vương nghe. Mọi người đều đau lòng xót ruột, khóc thương thê thảm. Vì ở nơi nhậm sở, nên không dám lên tiếng khóc to, đành phải âm thầm sùi sụt mà thôi.

Kim Trọng nghĩ ngợi đã toan từ chức để đi tìm, song nghĩ lại đã mấy năm binh đao loạn lạc, việc giết người như rác, quân doanh nghiêm mật, làm sao mà chen mình vào được! Chẳng biết làm thế nào, đành chỉ bồi hồi tưởng nhớ. Tưởng nhớ không nguôi lại cùng Thúy Vân, lúc thì ngâm những bài thơ lưu biệt của Thúy Kiều, khi thì đem cây hồ cầm của Thúy Kiều ra đàn một khúc, cũng có lúc lại đốt chút hương thừa của Thúy Kiều. Khi ngâm xong thơ, đàn xong khúc và hơi hương đưa ngào ngạt thơm bay bỗng cảm thấy như Thúy Kiểu lảng vảng đâu đây và đang nói năng thỏ thẻ. Đó chính là cái tinh thần ngưng kết trong thơ lưu biệt nên đã hiện ra ngoài như
vậy.

Kim Trọng từ đó lúc nào cũng như si như dại, như mộng như say. Qua ba năm, được lệnh đổi đi nhậm chức huyện lệnh Nam Bình, tỉnh Phúc Kiến. Năm ấy Vương Quan thi đậu Giáp bảng, được truyển đi nhậm chức tri phủ Dương Châu. Hai người bàn tính với nhau: hạn kỳ còn sớm, nghe tin thế giặc ở vùng Tiền Đường đã yên. Vậy chúng ta hãy qua miền Chiết Giang dò hỏi tin tức Thúy Kiều đã, rồi sau sẽ đi nhậm chức cũng chưa muộn.

Anh em bàn tính với nhau xong, trình qua cha mẹ biết. Vương Viên ngoại, Vương bà thảy đều vui mừng, kế đó cùng nhau nhất tề khởi hành sang vùng Chiết Giang.

Đến Hàng Châu thuê một ngôi nhà trọ ở lại. Hỏi dò cặn kẽ mới biết rằng, Minh Sơn đã chết, Thúy Kiều có công to, nhưng không được khen thưởng, lại bị gán cho viên tù trưởng Vĩnh Thuận. Canh ba đêm nọ, nàng đã nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử. Kim Trọng nghe được tin này buông tiếng khóc lớn. Mọi người cũng đều gào khóc thảm thương, bèn sửa soạn lễ vật đến bờ sông Tiền Đường, thiếp lập bàn thờ bài vị, tế viếng Thúy Kiều.

Kim Trọng rót ba chén rượu, ý muốn có bài văn tế, xong vì quá đỗi xót thương, không thể làm được, bèn ca bài chiêu hồn của Tống Ngọc để viếng.

Hồn ơi trở lại hồn ơi!
Phương đông há phải là nơi ấn hình?
Người cao ngàn thước đáng kinh!
Nó đương nghễu nghện đứng rình hồn kia.
Mặt trời mười cái nóng ghê!
Vàng tôi ra nước, đá thì ra than!
Chúng quen chịu đựng khỏi bàn,
Hồn mà tới đó tiêu tan tức thì.
Về thôi, thôi hãy về đi,
Đừng nên ở đó làm chi nữa mà.
Hồn ơi trở lại với ta,
Phương nam hồ dễ ở mà được lâu.
Răng đen mình vẽ đủ màu,
Bắt người giết thịt cùng nhau tế thần.
Xương thì làm mắm ăn dần!
Hồ tình ngàn dặm, rết trăn đầy đường.
Chín đầu giống mãng xà vương,
Bất thần gặp nó, nó thường nuốt tươi!
Dùng dằng chi nữa hồn ơi?
Thôi đừng luyến tiếc cái nơi ấy mà.
Hồn ơi trở lại cùng ta,
Phương tây ngàn dặm cát sa mù trời.
Đầm sâu sấm dậy vang tai,
Chẳng tan cũng chẳng thảnh thơi được nào.
Mong gì thoát đến nơi nào,
Đồng không mông quạnh xiết bao hãi hùng.
Kiến to gấp tượng mấy vòng!
Hồ to sánh với sâu bồng thấm chi.
Lúa ngô ngũ cốc có gì,
Thấy bờ cỏ dại chúng thì tranh ăn.
Tìm ra giọt nước khó khăn,
Mênh mông bát ngát nương thân chốn nào?
Về đi nao, về đi nao,
Kẻo nơi ổ giặc bước vào nguy thay.
Hồn ơi mau trở lại đây,
Bắc phương nào phải chốn hay mà hồn?
Núi băng từng dãy chon von,
Tuyết bay ngàn dặm vẫn còn mông lung.
Ở sao được chốn lạnh lùng,
Lên trời hết lối, hồn không liệu mà.
Hùm beo chín cửa rình mò!
Giơ nanh múa vuốt chực vồ người nhai.
Chín đầu thêm giống quái thai!
Muôn cây cổ thụ một ngày bẻ trơn.
Sói lang trố mắt căm hờn,
Chạy đi chạy lại nhơn nhơn bắt người!
Treo rồi đẩy xuống giếng khơi,
Lại đem giết thịt tế trời cầu yên.
Hồn ơi hãy trở lại miền,
Sợ nơi nguy hiểm khó yên được mà.
Hổn ơi trở lại cùng ta.
Kìa nơi âm phủ xuống mà làm chi.
Thổ công, thổ bá cùng kì.
Mình dài chín khúc, lê thê đôi sừng!
Hai tay đẫm máu gồ lưng,
Đuổi người rầm rập chưa từng nghỉ chân.
Giống này như thể trâu lăn,
Đầu hùm ba mắt thèm ăn thịt người.
Về đi thôi, về đi thôi,
Ở lâu sợ nữa mang tai hoạ liền.
Hồn ơi trở lại mau lên,
Nhằm nơi cửa Sính băng miền lối xưa.
Ông đồng bà cốt đương chờ,
Ao xiêm gấm vóc lượt là sáng choang.
Chiêu hồn lễ đã săn sàng,
Tiệc vui bày đó, canh trường đợi ai?
Dầu lan, đèn sáp sáng ngời,
Tương tư kết mối hồn thời có hay?
Đồng tâm hương bén những ngày,
Mong cùng cố cựu tỉnh say đôi lời.
Về đi thôi, về đi thôi,
Nhà xưa chốn cũ hồn ơi quay về [28]



_________________________
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 5 Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10556
Registration date : 23/11/2007

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 5 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân   Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 5 I_icon13Wed 21 Feb 2024, 07:44

Đọc xong bài chiêu hồn, mọi người đều kêu gào, khóc than rấm trời. Bỗng một vị sư ni đi qua, trông lên bài vị thấy đề tên Thúy Kiều, liền phì cười nói:

- Vương Thúy Kiểu là bà con thế nào với các vị mà các vị lại khóc thương đến như vậy? Khóc nhầm rồi đó!

Mọi người nghe nói thay đều kinh ngạc. Kim Trọng nói:

-Nàng là vợ tôi!

Vương Quan nói:

- Thúy Kiều là chị tôi!

Vương Viên ngoại nói:

-Thúy Kiều là con gái tôi! Nay nó gieo mình xuống sông chết rồi, chúng tôi là chỗ ruột thịt thì khóc nó. Sao mà lại nói khóc nhầm?

Ni cô lại cười, nói:

-Thúy Kiều tuy đã gieo mình xuống sông, nhưng lại có người cứu được, thế mà các vị còn khóc cô ta. Vậy chẳng là khóc nhầm hay sao?

Mọi người thoạt nghe vừa kinh, vừa mừng, vội vàng hỏi:

-Câu chuyện sư phụ vừa dạy, có thật đúng thế không?

Ni cô nói:

-Người xuất gia đâu dám nói chuyện không thực!

Kim Trọng vội hỏi luôn:

-Nếu quả cô ta còn sống thì hiện giờ ở đâu?

Ni cô nói:

-Hiện ở trong am phía trước kia!

Mọi người nghe xong mừng rỡ khôn xiết, đều xúm vào thi lễ ni cô và nói:

-Muôn vàn lần mong sư phụ đưa chúng nó đến gặp, ơn to này không bao giờ dám quên!

Ni cô nói:

- Không những các vị muốn gặp nàng, mà nàng cũng đương mong được gặp các vị. Vậy xin mời các vị cùng đi với tôi!

Mọi người vui mừng, cũng không ngồi kiệu cưỡi ngựa gì nữa, liền theo ni cô đi bộ men theo bờ sông, vòng qua một vùng lau sậy thì đến trước am. Mọi người nhất tề ùa vào trong am, thấy Giác Duyên ngó vào phía trong, gọi:

-Em Trạc Tuyền! Gia quyến em đều đến cả đây. Em mau ra gặp mặt.

Ni cô gọi chưa dứt lời thì Thúy Kiểu đã chạy ngay ra, thấy cha mẹ, em gái, em trai và cả Kim Trọng đều đứng cả ở trong am, bèn vội vã bước tới lăn vào lòng Vương Viên ngoại và Vương bà khóc ầm lên, nói rằng:

- Con mẹ khổ lắm! Cứ tưởng kiếp này không còn gặp nhau, ai ngờ lại có ngày nay.

Vương Viên ngoại và Vương bà ôm chặt lấy con, nói:

- Con ơi! Cứ tưởng con vì cha đã chịu đầy đoạ chết rồi, ngò đâu con hãy còn sông. Khổ con quá!

Vương Quan, Thúy Vân cùng sấn cả đến. Người nắm cánh, kẻ lôi tay gọi chị líu tíu. Kim Trọng không tiện đến gần, chỉ đứng một bên, vẻ mặt tươi cười hớn hở. Hồi lâu, Thúy Kiều mới đứng dậy, lại lạy chào cha mẹ, lạy tạ Kim Trọng rồi cùng Thúy Vân, Vương Quan và Chung thị nhất nhất chào hỏi nhau. Khi mọi người ngồi xuống, Thúy Kiều mới đem việc mình từ trước, kể lại kỹ càng cho mọi người nghe. Nói đến lúc khổ, ai nấy đều đau buồn; nói đến việc báo thù, ai nấy đều sảng khoái. Vương Viên ngoại hỏi:

- Những việc con kể đó, cha đều nghe rõ cả rồi. Duy còn việc con gieo mình xuống sông tự vẫn thì ai cứu con?

Thúy Kiều nói:

-Thưa cha, chính là Giác Duyên đạo huynh đây đã mua thuyền và kết lưới, ngày đêm ở mặt sông, mới cứu được con thoát chết!

Vương viên ngoại nói:

-Nếu thế thì người là cha mẹ tái sinh của con rồi...

Liền quay lại phía Giác Duyên sụp lạy. Vương bà, Kim Trọng, Vương Quan, Thúy Vân cũng đều sụp xuống lạy cả. Giác Duyên vội vàng đáp lễ. Lạv xong, mọi ngưòi đứng dậy. Vương viên ngoại liền bảo gọi người mang kiệu đến đề đưa Thúy Kiều về nhà trọ. Vương bà nói:

-Hãy khoan! Con có mặc toàn đồ nhà chùa, sợ làm cho người ta ngờ vực.

Liền bảo Thúy Vân đưa quần áo mang theo cho Thúy Kiều thay. Thúy Kiều vội từ chối nói:

-Thưa cha mẹ! Con trải nhiều cảnh khổ, ngày nay được gặp cha mẹ đã là may mắn muôn phần. Nhưng thân này bây giờ đã ngoài vòng thế tục, chỉ nên hầu sư huynh ở đây tu hành là đủ.

Giác Duyên nói:

-Em nói thế là sai mất rồi. Em mang đạo phục chỉ là tòng quyền mà thôi, làm gì ở đây với chị được.

Vương bà nói:

- Con đừng nói nhiều nữa. Dù cho con tức thời thành Phật ngay, mẹ cũng không thả con ra đâu.

Thúy Kiều nói:

-Theo cha mẹ về, cố nhiên là phải. Song nghĩ đến ân sâu nghĩa nặng của sư huynh đây thì bỏ về sao nỡ?

Kim Trọng nói:

- Điều ấy có khó gì? Chỉ cần ta đón cả sư huynh cùng về, rồi dựng riêng một am cung phụng người thì việc gì chả được?

Thúy Kiều nói:

- Được như thế thì mới phải.

Bèn mời Giác Duyên cùng về. Giác Duyên nói:

-Xin đa tạ tấm lòng quý hoá ấy, nhưng mà cùng đi ngay bữa nay thì chưa thể được. Để bần tăng thu xếp đồ đạc trong am cho xong, rồi bữa mai sẽ đến nơi ở của quý vị.

Thúy Kiều nghe xong, chừng ấy mới vui vẻ thay đổi y phục, theo cha mẹ vế thành. Về đến nhà trọ, Kim Trọng giục người nhà sửa soạn tiệc rượu ăn mừng. Thúy Vân nói vói cha mẹ:

- Con có việc muốn thưa cùng cha mẹ!

Vương Viên ngoại hỏi:

-Con có việc gì?

Thúy Vân nói:

-Chàng Kim và em con đều đi làm quan, mỗi người ở một nơi, không thể cùng đi với nhau được. Vậy việc này cần phải liệu lý cho sớm, không thể để chậm.

Vương Viên ngoại hỏi:

-Liệu lý việc gì chớ?

Thúy Vân nói:

-Con sánh duyên với chàng Kim là vì chị con bán mình làm việc hiếu, không thể giữ vẹn lời thề mới bảo con nối cuộc nhân duyên ấy. Nay may rằng chị con lại được sống trở về, lời thề trước còn đây, ngày nay nếu không sớm cho đôi bên hoàn thành ước cũ, thì còn đợi đến bao giờ?

Vương Viên ngoại nói:

- Con bàn phải lắm. Vậy nên chọn ngày tốt làm lễ thành thân!

Vương Quan nói:

-Đang lúc đi đường, bất tất chọn ngày. Hôm nay gặp nhau tức là ngày tốt. Vậy xin lấy ngay tiệc rượu này làm lễ hợp cẩn cho vợ chồng anh chị con. Cha mẹ tính thế nào?

Vương Viên ngoại nói:

- Phải đấy!

Kim Trọng nghe xong rất là vui mừng. Thúy Kiều vội vàng nói:

-Việc thề xưa tuy có, nhưng vật đổi sao dời, chuyện cũ phó cho dòng nước chảy, nói tới làm chi nữa?

Kim Trọng nói:

-Hiền thê nói vậy sai rồi! Lời thề đã đem sự sống chểt ra để đảm bảo, nay tuy thế thời thay đổi nhưng tình này đâu đổi thay. Nay hiền thê bảo cho trôi theo dòng nước là có ý gì?

Thúy Kiều nói:

-Thiếp dám đâu nói vậy. Ân ái vợ chồng, ai chẳng muốn. Nhưng người con gái theo chồng tất phải lấy sự trinh tiết làm đầu, ví như trăng lúc tròn đầy, hoa khi phong nhị. Nay thiếp bất hạnh, gặp phải cảnh bách chiết thiên ma khiến cho hoa đã tàn rồi, trăng đã khuyết rồi! Thế mà lại định muối mặt, vấn mớ tóc tàn để làm tân thân sánh cùng quân tử. Thế thì, thiếp chẳng thẹn
với lòng mình sao? Kế sách ngày nay là, chỉ có ăn chay trường, thêu tượng Phật để an ủi nỗi thương tâm của cha mẹ. Chàng nếu có chí tình thì cho thiếp được làm người bạn đứng ngoài thế tục, thế là được rồị. Còn việc kia thật khó vâng lời.

Kim Trọng nói:

-Hiền thê nói lời đó, lại càng lầm to. Đại phàm, trinh tiết của người con gái, cũng có khi không thất thân mà trinh tiết, cũng có khi thêm bị nhục mà vẫn trinh tiết. Bởi thế, có khi thường, có khi biến. Hiền thê mà thân bị nhục, là bởi gặp biến cố phải làm theo điều biến, tuy thân ở chốn bùn nhơ mà không nhiễm bẩn. Nay gặp lại nhau, có thể nói là hoa tàn lại nở, trăng khuyết lại tròn. Hiền thê sao lại hồ nghi như vậy mà nỡ nhìn Tiêu lang hững hờ qua đưòng?

Vợ chồng Vương Viên ngoại đều nói:

- Con rể nói phải lắm, con khước từ sao được?

Vương Quan và Thúy Vân cũng ra sức khuyên nhủ. Thúy Kiếu trầm ngâm hồi lâu rồi nói:

-Chàng Kim chí thành như vậy, cha mẹ và các em cũng một lòng quyết như vậy, thiếp có cố từ không tránh khỏi mang tiếng õng ẹo. Nhưng nghĩ kỹ lại, việc đuốc hoa không dám trái lời và phận gối chăn cũng xin tuân lệnh. Song riêng việc mây mưa non Vu đỉnh Giáp thì thân này đã như vật tàn tạ, nếu còn coi như đoá hải đường mơn mởn để ướm thử thì việc ấy đã làm thẹn thiếp, làm nhục thiếp. Thiếp quyết không sao tuân lệnh được.

Kim Trọng vui mừng, nói:

-Được vui lễ đuốc hoa, chung bể chăn gối, thì tôi đã mãn nguyện lắm rồi, còn dám cầu mong gì hơn nữa!

Vương Viên ngoại, Vương bà nghe con gái nói chỉ coi là câu chuyện thể diện bên ngoài, nên cũng không hề lưu ý, liền bảo sửa soạn đuốc hoa, trải chiếc nệm hồng, để hai vợ chồng cùng vào hành lễ. Kim Trọng thấy thế liền đứng lên trên chiếc nệm hồng, Thúy Vân đỡ Thúy Kiều bước tới. Thúy Kiều không chối từ nữa cũng bước vào chiếc nệm cùng Kim Trọng làm lễ tế trời đất. Lễ xong, mọi người dìu hai vợ chồng vào phòng ngủ. Chờ cho hai vợ chồng uống rượu hợp cẩn xong, rồi mới lui ra ngoài.

Kim Trọng thấy mọi người lui ra hết, mới khêu tỏ ngọn đèn bạc, lại ngắm kỹ Thúy Kiều, thấy đôi mắt mơ màng, má hây hây đỏ như bông thược dược sương nồng, đoá hoa đào mưa đượm, sẽ sàng nới dây lưng và cởi chiếc áo cánh lụa cho nàng, rồi cùng vào màn loan. Kim Trọng định bụng vỗ về âu yếm, đến lúc tình nồng rồi sẽ đi đến một tham vọng khác. Không dè Thúy Kiều đối với sự ân tình thì như keo sơn, nhưng hễ nghe tới chuyện giao hoan thì lại cự tuyệt. Kịp khi thấy Kim Trọng vật nài mãi không thôi, bèn nói thẳng ra rằng:

- Nghĩ tấm thân tàn của thiếp đây, đáng nhẽ nên chết từ lâu mới phải! Vì thấy chàng có lòng đặc biệt yêu thiếp, nên thiếp đành liều trơ trẽn để chiều lòng chàng. Nếu không đi đến chỗ bướm ong lơi lả, để cho thiếp được quên tình thì còn hơi có thể mở mặt mở mày đối với người quân tử. Chớ mà đem việc thiếp chịu nhục để làm nhục thiếp thì ấy không phải là chàng yêu
thiếp, mà là thù thiếp đấy, thiếp còn cảm gì lòng chàng? Nếu cho rằng thú vui không thể thiếu, đường con cái còn phải cầu, thì đã có em thiếp thay thế, hà tất cứ phải coi cái thân bạc mệnh của thiếp này là có hay không. Vả, cái trinh của thiếp sau khi chịu nhục chỉ còn lại một chút xíu này, nếu chàng cứ cố tình làm ô nhục nốt chỗ chút xíu ấy thì thiếp đành phải tan xương nát thịt, chứ không còn dám dự vào việc nâng khăn sửa túi nữa!

Kim Trọng nghe xong, bất giác kinh ngạc nói:

- Té ra hiền thê không phải là con gái đàn bà, mà chính là một bậc hào kiệt. Nay nàng đã tự đặt mình vào hàng liệt phụ nghìn xưa thì Kim Trọng này không còn dám đòi hỏi xằng xiên gì nữa.

Thúy Kiều thoạt nghe, vội vã ngồi dậy, mặc lại xiêm áo chỉnh tề, rồi hướng vào Kim Trọng vừa sụp xuống lạy, vừa nói:

-Thiếp xin đa tạ tấm lòng tri kỷ của chàng!

Kim Trọng cũng vội vã khoác áo nhảy xuống, vừa ôm lấy Thúy Kiều, vừa nói:

- Sao nàng lại làm ra bộ trịnh trọng đến như thế?

Hai người trò chuyện rất là ăn ý, lại gọi thị nữ bầy tiệc rượu, ngồi đối diện cùng nhau uống. Kim Trọng nói:

- Nhớ lại hồi mới gặp nàng, được nghe đàn khúc hồ cầm, cho tới nay những tiếng du dương vẫn còn như văng vẳng ở bên tai. Nay may lại được gặp nhau, xin lại cho tôi nghe một khúc nên chăng?

Liền bảo thị nữ đem hồ cầm ra, rồi đưa cho Thúy Kiều. Thúy Kiều đón lấy, thở than nói:

-Hồi trước thiếp ham thích vật này, không biết vì nó đã làm khổ mình. Ngày nay lại gặp chàng mới rõ tiếng đàn này là tiếng đàn cấu, nhưng hối thì đã muộn rồi. Cuộc tái ngộ hôm nay tức là người xưa gặp lại bạn xưa. Xin vì chàng mà gẩy một khúc này.

Bèn khua động dây đàn, lại theo lòng nảy khúc. Ban đầu dồn dập hối hả, dần dần êm ái hiền hoà, bỗng uyển chuyển dịu dàng như hơi xuân ấm, thơm tựa hoa nở, đẹp như én liệng, trong tựa trăng sáng. Càng nghe tai càng lọt, càng ngẫm lòng càng say, hồn phách bay bổng, tâm thần phiêu diêu. Kim Trọng lắng nghe tới chỗ thích thú, bất giác tấm tắc khen rằng:

-Xưa nghe tiếng đàn âu sầu ủ dột, nay nghe tiếng đàn hớn hở vui tươi. Có lẽ nàng đã tới ngày khổ tận cam lai rồi đây!

Thúy Kiều đàn xong, nói:

-Chàng có chức trách việc quan, thiếp có khuôn phép đàn bà. Từ nay về sau không thể nghe được nữa đâu.

Kim Trọng nói:

-Nghệ thuật cao diệu đến như vậy, bảo quên sao được!

Thúy Kiều nói:

-Chàng không quên thiếp thì thiếp xin trình bày một nghệ thuật khác để đổi vị cho chàng!

Bèn bảo thị nữ đem bút nghiên ra, rồi đề luôn mười bài thơ. Thơ rằng:

1.Nhớ xưa gặp quân tử,
Không biết là có sống.
Mới biết nhi nữ tình,
Tức là nhi nữ tính.

2. Chiều chàng trăm việc thuận,
Chỉ tránh sự lần khân.
Sợ đem tình yêu dấu,
Lạc vào đường tà dâm.

3.Đem thân hứa với chàng,
Mà sao lại đôi điệu ?
Khôn nỗi vạ bất thường,
Vội vàng phải theo hiếu.

4.Bán mình vì cứu cha,
Thân hèn nào đếm xỉa.
Nếu để chết thân này,
Biết tiết, không biết nghĩa.

5.Trôi dạt bấy nhiêu năm,
Lưu ly khôn xiết kể?
Chết không có tiếng tăm,
Chết có gì cao quý.

6.Phong trần đã trải nhiều,
Nào phải thích cường bạo.
Nếu không tạm theo chiều,
Thù sâu sao thể báo?

7.Khuyên hàng là chính đạo,
Giết hàng là bất nhân.
Thiếp làm, ấy chính đạo,
Ngờ đâu ra lẫn lầm?

8.Lòng người nào ai biết?
Người chết, thật vì thiếp.
Vì thế, sông Tiền Đường,
Một chết cho vẹn tiết.

9.Bạc mệnh tự cam tâm,
Đoạn trường nợ trả hết.
Đa tạ Phật từ bi,
Thân này chưa phải chết.

10.Ngày nay gặp lại chàng,
Không biết là có chết.
Xin chàng sớm định tình,
Trước sau cho giống hệt.


Thúy Kiều viết xong trao cho Kim Trọng nói:

-Đây là tình của thiếp, xin chuyển mối tình của chàng cho sát với tình của thiếp.

Kim Trọng xem xong, nói:

-Tình của nàng đây là chân tình, là chí tình và là tình trinh liệt, tôi đâu dám còn nẩy ra cái tình lả lơi nữa. Xin hiền thê hãy cứ quên mình đi cũng được.

Thúy Kiều cả mừng. Hai người lại cùng vào màn nằm, chuyện trò vui vẻ trăm chiều, tuyệt nhiên không hể nhắc đến chuyện mây mưa nữa. Sáng hôm sau, vợ chồng dậy, cùng ra bái kiến mẹ cha. Kim Trọng đem việc hôm trước nói cho Thúy Vân nghe. Thúy Vân kể lại cho cha mẹ biết. Mọi người thấy thế đểu tấm tắc khen ngợi.

Thúy Kiều nhớ tới Giác Duyên, nói với Kim Trọng sai người đi đón. Hồi lâu có người trở về thưa:

- Cửa am mở rộng, không thấy bóng dáng sư phụ Giác Duyên đâu cả, chỉ thấy trước bàn thờ Phật, dưới lư hương có để tờ thiếp này, con xin đem để trình quan biết!

Kim Trọng đón lấy tờ thiếp, đưa mọi người cùng xem. Trong thiếp có đề mấy câu rằng:

Pháp môn chung thuỷ vẹn đôi đàng,
Chúc vợ chồng em sống thọ khang.
Muốn hỏi thân này đâu đó tá?
Thường theo chiếc hạc chốn mây ngàn.


Mọi ngưòi nghe xong, đều than thở, nói:

-Té ra Giác Duyên là vị tiên cô. Chỉ ân hận là hôm trước vội vàng, chưa thù tạ được ơn Người.

Mọi người phàn nàn mãi không thôi!

Sau đó Kim Trọng, Vương Quan còn lưu lại vài ngày để du ngoạn phong cảnh Tây Hồ, rồi vì hạn kỳ gấp rút, không dám ở lại lâu nữa. Kim Trọng cùng Thúy Kiều, Thúy Vân đi Nam Bình, Phúc Kiến phó nhậm. Còn Vương Quan thì cùng Chung thị đi Dương Châu. Vương Viên ngoại và Vương bà vì mới gặp Thúy Kiều, không nỡ xa nhau, nên đều tiễn đến nhậm sở, ở lại chơi một năm, rồi trở về nhậm sở Vương Quan.

Qua ba năm, hai người làm quan thanh liêm chính trực, Kim Trọng thăng chức Ngự sử, Vương Quan thăng chức Phó sứ Hồ Quảng.

Vương Quan vì cha mẹ già, không nỡ lìa xa, bèn xin từ chức để ở nhà phụng dưỡng. Sau này Thúy Vân, Chung thị đều sinh con trai nối dõi thư hương. Kim Trọng một chồng hai vợ không phân lớn bé, khi chăn gối, lúc cầm thi, gia đình rất là vui vẻ, mãi cho tới nay câu chuyện vẫn còn truyền tụng.

_________________________
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 5 Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 5 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân   Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân - Page 5 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» TRUYỆN KIỀU CÓ TRƯỚC ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH, VÀ LÀ CỦA VIỆT NAM ???
» Bên Cầu Dệt Lụa - Thanh Nga (NSƯT), Thanh Sang - tuyệt phẩm cải lương xưa
» Câu Truyện Mơ Trong Giấc Mộng-Truyện ngắn Nhất Linh
» Có một Sài Gòn từng thanh lịch, duyên dáng và thanh lịch
» Truyền Thuyết Truyện Cổ
Trang 5 trong tổng số 5 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: TRÚC LÝ QUÁN :: Tài Liệu-