Tổng số bài gửi : 749 Registration date : 15/04/2011
Tiêu đề: Re: Hồn Quê nơi Đất Khách Thu 02 Feb 2012, 23:03
Chúc Xuân - AVT
Không cần phải giới thiệu dài dòng, chắc chắn mọi người đều biết AVT là tên của một ban tam ca trào phúng đã đi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam với tính chất châm biếm và hài hước, nhiều khi xen lẫn với một sự mỉa mai của nó. AVT đã trở thành một tên tuổi thật gần gũi với mọi người bằng những nhạc phẩm lột tả được hết mọi khía cạnh của cuộc sống hằng ngàytrong nhiều hoàn cảnh khác biệt của xã hội. Những lời ca dí dỏm trong những nhạc phẩm do AVT trình bầy đã mang lại niềm vui cho mọi người từ suốt gần 50 năm qua đã đóng góp khá nhiều vào kho tàng văn hóa dân gian cũng như đã trở thành một lọai văn chương truyền khẩu rất phổ thông.
Năm 1958, trong danh sách công tác của Tiểu Đoàn 1 Chiến Tranh Chính Trị có một ban tam ca do 3 anh tân binh mới nhập ngũ tên Anh Linh, Vân Sơn và Tuấn Đăng chuyên trình bầy những bản nhạc vui nhộn. Họ lấy 3 chữ đầu của tên mình để ghép lại thành AVT để đặt tên ban. Người đứng ra thành lập ban AVT chính là nhạc sĩ Anh Linh mà không phải là nhạc sĩ Lữ Liên như không ít người lầm tưởng. Anh Linh là một người có căn bản nhạc lý vững vàng nên từng có thời gian được cử thay thế giáo sư âm nhạc Phạm Nghệ làm trưởng ban Ca của Đại Đội Văn Nghệ Trung Ương, tức Biệt Đòan Văn Nghệ Trung Ương sau đó. Ông đã sáng tác được khoảng 20 bài, trong đó có một số bài phổ từ thơ của thi sĩ Hà Thượng Nhân và Nhất Tuấn (tác giả thi tập nổi tiếng trong thập niên 60 “Chuyện Chúng Minh”).
Việc hình thành tên ban tam ca AVT đã được nhạc sĩ Anh Linh kể lại với những chi tiết lý thú đến từ một sự tình cờ. Khởi thủy, ban tam ca sau này được gọi là AVT gồm có 3 người là Anh Linh, Tuấn Đăng và Vân Sơn thường được giới thiệu mỗi khi xuất hiện trên sân khấu là Tam Ca Anh Linh, Vân Sơn và Tuấn Đăng. 3 người đều hát thường trực ở phòng trà Anh Vũ với những tiết mục vui nhộn của họ.
Một hôm, ban giám đốc thuê người kẻ một tấm biểu ngữ rất lớn để giăng ngang đường Trần Hưng Đạo, gần phòng trà Anh Vũ trên đường Bùi Viện nhằm giới thiệu bộ 3 này mà họ muốn gọi là ban Kích Động Nhạc Anh Vũ. Đúng vào lúc những người kẻ chữ vừa viết xong hai chữ A và V mầu đỏ và chữ NH mầu xanh thì Anh Linh tình cờ đi tới. Anh hỏi thì được biết họ viết chữ ANH VŨ. Anh Linh nói ngay là ban tam ca của anh không phải tên là Anh Vũ như ban giám đốc đã thuê họ viết. Nhưng thấy mấy người thợ đã lỡ viết như vậy nên chợt nhớ ra ban kích động nhạc của mình đã có sẵn tên Anh Linh, Vân Sơn nên bảo viết thêm chữ T ( chữ đầu của tên Tuấn Đăng ) và bỏ 2 chữ NH kia đi. Vì thế nên có tên AVT.
Trong thời gian AVT hát nhạc ngọai quốc ở phòng trà Anh Vũ, họ luôn được khán giả yếu cầu hát nhiều lần nên chủ phòng trà thêm cho AVT một danh hiệu nữa là ban AVT Đăng-Linh-Sơn khi được giới thiệu. Nhưng MC lại cố ý đọc là “AVT Darlingson” cho khán giả ngọai quốc dễ hiểu! Tiền thù lao cho AVT sau đó đã phá kỷ lục khi họ được trả đến 1000 đồng một người, trong khi “cát sê” trả cho quái kiệt Trần Văn Trạch chỉ có 700! Vì AVT có lần được khán giả yêu cầu “bis” đến 7 lần. Ba người vừa vào hậu trường thay áo đi về thì lại phải mặc vào để ra trình diễn thêm trong khi khán giả giả tiếp tục hò hét vang rền! Đó thật là một kỷ niệm nhớ đời cho Anh Linh, Vân Sơn và Tuấn Đăng. Giọng ca của 3 thành viên AVT này rất đều. Họ có thể lên cao tới “nốt” Sol cao và xuống đến Sol thấp. Theo nhận xét của nhạc sĩ Lữ Liên thì giọng của Vân Sơn trội hơn cả so với 2 người khác trong ban. Hình ảnh đặc biệt của AVT là lúc trình diễn họ đều mặc quốc phục với khăn đóng, áo dài và tự đàn lấy để hát. Trước khi chuyển qua sử dụng những nhạc khí dân tộc thì Anh Linh chơi guitar, Vân Sơn chơi trống và Tuấn Đăng sử dụng contre-bass. Những tiết mục linh động và tươi vui của AVT thật sự đã mang lại cho sinh hoạt phòng trà thời đó thêm rất nhiều sống động.
Qua đầu thập niên 60, vào lúc AVT cần những sáng tác mới để trình bầy, nhạc sĩ Lữ Liên có ý định thử nghiệm khi muốn hướng phần trình diễn của AVT về một thể loại mới lạ. Ông đã trích một đọan trong bản Thất Nghiệp Ca của ông (sáng tác cho Đòan Văn Nghệ Vịet Nam) đặt tên là Tam Nghiệp, mô tả 3 chàng Thợ Nhuộm, Thợ Sửa Khóa và Thầy Bói để AVT thực nghiệm vào dịp Tất Niên trong một chương trình văn nghệ do quân đội tổ chức tại rạp Tống Nhất. Chương trình này có mục đích ủy lạo các chiến sĩ xuất sắc khắp 4 vùng chiến thuật trở về tham dự, dưới sự chủ tọa của tổng thống Ngô Đình Diệm cùng nhiều tướng lãnh cao cấp khác. Nhưng sắp đến ngày ra mắt thì thình lình có giấy gọi Anh Linh theo học khóa sĩ quan vào năm 1962. Lập tức Hoàng Hải được đưa vào tập dượt để thay thế. Sau này khi Lữ Liên gia nhập AVT, nhạc phẩm Tam Nghiệp có được sửa đổi đôi chút với những nghề Thợ Sửa Xe Máy (do Lữ Liên diễn tả), nghề Tẩm Quất với Vân Sơn và Tuấn Đăng với nghề thợ mộc.
Với bài Tam Nghiệp gốc, một sáng tác của Lữ Liên, trích từ tác phẩm Thất Nghiệp Ca của ông, lần đầu tiên khán giả được thưởng thức một nhạc phẩm trào phúng với những âm điệu cổ truyền cùng những lời ca dí dỏm và nghệ thuật trình diễn sống động. Tất cả những khán giả hôm đó, phần lớn là anh em binh sĩ, được dịp cười hả hê. Nhất là lúc Vân Sơn hứng lên múa trống, tung dùi và Tuấn Đăng nhảy lên cây “Contre-basse” để solo theo nhịp kích động khiến khán giả cổ võ muốn sập rạp.
Và kể từ đó AVT bắt đầu bước vào một khúc quanh quan trọng với phần trình bầy những nhạc phẩm trào phúng, sát với đời sống thường ngày trong xã hội. Với sự tán thưởng nồng nhiệt của khán giả. Sau thời gian này, Lữ Liên lại đặt cho AVT một số bài mới như Ông Nội Trợ, Trắng Đen, Dậy Thì, vv... Tất cả những nhạc phẩm này đã khiến tên tuổi AVT càng này càng lên cao Ngoài những sáng tác của nhạc sĩ Lữ Liên, nhạc sĩ Anh Bằng cũng sáng tác cho ban tam ca này một nhạc phẩm nổi tiếng khác có tựa đề là Huynh Đệ Chi Binh, thêm vào đó là một sáng tác của Duy Nhượng là bài Ai Lên Xe Bus...
Từ đó, ban AVT đã trở thành một tam ca nhạc đắt giá tại các phòng trà ca nhạc và vũ trường cũng như các Đại Nhạc Hôi cùng các đài Phát thanh và Truyền Hình. Nói cho đúng, AVT đã trở thành một hiện tượng trong sinh họat ca nhạc tại Việt Nam với một khuynh hướng thể hiện chưa từng có trước đó. Như vậy có thể khẳng định là AVT đã giữ vai trò độc tôn bằng hình thức tam ca trào phúng.
Sau những bài hát trào phúng được nhắc tới ở trên là đến một lọat những bài khác được nhạc sĩ Lữ Liên sáng tác cho ban AVT trình bầy như Ba Bà Mẹ Chồng, Cờ Người, Em Tập Vespa, vv... Đó là những nhạc phẩm đã lót đường cho ban AVT thăng tiến rất nhanh. Ngoài những lời lẽ châm biếm trong những bài hát trước đó, người nghe còn cảm thấy rất thích tú với những bài hát được Lữ Liên sáng tác với hình thức lời thanh mà ý tục, tương tự những thi phẩm nữ sĩ Hồ Xuân Hương, trong đó có tác phẩm Cờ Người đã được phổ nhạc hoàn toàn mang chất AVT độc đáo...
Trong khoảng thời gian từ 60 đến 64, AVT đã được 2 hãng đĩa Sóng Nhạc và Việt Nam mời thu đến 20 đĩa nhạc và băng nhạc. Và AVT còn nhận lời trình diễn cho các phòng trà ca nhạc và vũ trường lớn ở Sài Gòn như Queen Bee, Quốc Tế, Bồng Lai, vv...
Đăng chơi đàn đoản và Lữ Liên sử dụng đàn nhị tức đàn cò. Tới khoảng thời gian 1966-67, chính phủ Việt Nam theo đuổi chương trình trao đổi văn hóa với các nước Á Châu, AVT với thành phần trên đã theo Đoàn Văn Nghệ Việt Nam của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ di trình diễn tại rất nhiều quốc gia như Lào, Cao Miên, Phi Luật Tân, Thái Lan, Tân Gia Ba, Mã Lai, Nhật Bản, vv...
Sang đến năm 1968 thì “Ban Tam Ca Trào Phúng AVT” đi vào một thời kỳ có thể gọi là cực thịnh với những chuyến lưu diễn tại rất nhiều quốc gia Âu Châu.
Theo lời yêu cầu của các đồng bào Việt Nam tại Pháp, chính phủ Việt Nam đã gửi một phái đoàn văn nghệ hùng hậu gồm đầy đủ các bộ môn thi, ca, vũ, nhạc, kịch, vv... dưới sự dìu dắt của nhạc sĩ Hoàng thi Thơ cùng các vũ sư Lưu Hồng và Trịnh Toàn sang Âu Châu trình diễn lần thứ nhất. Lần ra mắt ở rạp Maubert Mutualité Paris, Lữ Liên đã sáng tác một số bài dành riêng cho AVT như Chúc Xuân, Vòng Quanh Chợ Tết, Tiên Sài Gòn, Gái Trai Thời Đại, Lịch Sử Mái Tóc Huyền, Mảnh Bằng, 3 Ông Bố Vợ, vv... để trình diễn trước một số khán giả kỷ lục. Còn một số đông khán giả phải đứng ở ngoài vì hết chỗ.
Trong lần ra mắt đáng ghi nhớ đó, AVT mặc sức vẫy vùng. Mỗi câu hát là một chuỗi cười và tiếng vỗ tay vang dội. Giữa mỗi bài hát đều có phần solo nhạc. Tiếng nhạc khí Việt Nam thánh thót, véo von như chim hót khiến khán giả im lặng cơ hồ như nín thở để thưởng thức. Đến phần kết thúc mỗi bài hát thì tiếng vỗ tay vang lên như sấm động. Nhất là trong tiết mục AVT trình tấu cũng bằng Tỳ Bà, Nhị Huyền và Đàn Đỏan hai nhạc khúc bất tử của Johan Strauss là Le Beau Danube Bleu và Les Flots Du Danube. Khán gỉa đã vỗ tay không ngừng khi chấm dứt. AVT phải dắt tay nhau ra cám ơn khán giả 3 lần! Vãn hát, khán giả đã tràn lên sân khấu vây quanh các nhạc sĩ để khen ngợi. Nhất là các khán giả người địa phương muốn xem tận mắt từng cây đàn của AVT đã sử dụng.
Lần trình diễn đó của AVT đã gây chấn động cả Paris. Đi đến đâu người ta cũng nhắc tới AVT. Đó có thể coi như thời kỳ huy hoàng nhất của ban ta ca trào phúng này. Sau đêm trình diễn ở rạp Maubert và sau khi nghỉ một ngày, bộ ba Lữ Liên, Vân Sơn và Tuấn Đăng sang diễn một xuất ở Thụy Sĩ và một xuất ở Luân Đôn. Sau đó họ lại về Pháp để trình diễn một xuất ở dưới miền nam.
Rồi sau đó, phái đoàn lại tiếp tục đi trình diễn tại Maroc, Algérie, Tunisie, vv... Nơi nào họ cũng gặt hái được những thành công rực rỡ trước khi trở về Việt Nam. Đó là chưa kể AVT còn có dịp sang trình diễn tận nước Cộng Hòa Trung Phi trong thời kỳ lãnh đạo của tổng thống Bokassa.
Một thời gian ngắn sau biến cố tháng 4 năm 75,Vân Sơn đã nhảy xuống sông Thị Nghè tự tử Một thành viên từ những ngày đầu của ban AVT là Tuấn Đăng hiện nay vẫn hoạt động ở Sài Gòn. Hàng đêm anh hát và đàn tại một quán có tên là Tiếng Dương Cầm trong khu cư xá sĩ quan Chí Hòa. Còn Anh Linh, người sáng lập ra AVT, từ khi qua Mỹ theo diện HO đến nay, là ca đoàn trưởng của một giáo xứ ở San Jose.
Một thời gian ngắn sau khi sang đến Mỹ, ban Tam Ca Trào Phúng AVT Hải Ngọai đã được thành lập do ý kiến của nhạc sĩ Lữ Liên cùng với những thành viên khác là Ngọc Bích và Vũ Huyến. Đến năm 1977 thì Trưởng Duy vào thế Ngọc Bích. Năm 1988: thành phần AVT được tăng cường thêm nữ nghệ sĩ Thúy Liệu. Năm 1992: AVT có một sự thay đổi với Hoàng Long vào thay thế cho nhạc sĩ Vũ Huyến. Năm 1994, vào dịp Xuân Giáp Tuất trung tâm Giáng Ngọc tung ra cuốn video đầu tiên của AVT tại hải ngọai. Dựa theo một áng thơ tuyệt tác của nữ sĩ Hồ Xuân hương, nhạc sĩ Lữ Liên lần đầu tiên trình diễn chung với 2 nữ nghệ sĩ Thúy Lan và Thúy Hương để trình bầy nhạc phẩm Đánh Đu, với phần nhạc do Lữ Liên tự đảm trách, nhạc sĩ Ngọc Bích hòa âm và sử dụng Keyboard.
Ở trên là những chi tiết người viết thu thập được phần lớn từ ông Lữ Liên trong thời kỳ ông còn minh mẫn.
ST
Lữ Hoài
Tổng số bài gửi : 749 Registration date : 15/04/2011
Tiêu đề: Re: Hồn Quê nơi Đất Khách Mon 06 Feb 2012, 00:51
Cây Trúc Xinh Quan Họ Bắc Ninh
(Quan họ, một loại hình Dân ca truyền thống của người Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, xứ Kinh Bắc xưa (Bắc Ninh), đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của Thế giới năm 2009)
Liền anh : Cây(i) trúc xinh tang tình là cây trúc mọc Qua (i) lối nọ như bờ ao Chị Hai xinh(i) tang tình là chị Hai đứng đứng, đứng nơi nào (qua lới như) cũng xinh .. đứng, đứng nơi nào (qua lới như) cũng xinh .. Liền chị: Cây(i) trúc xinh tang tình là cây trúc mọc Cây trúc mọc bên sân đình Anh ba xinh(i) tang tình anh ba đứng Đứng , đứng một mình trông dáng xinh càng xinh(i) Đứng , đứng một mình trông dáng xinh càng xinh(i) Liền anh: Cây(i) trúc xinh tang tình là cây trúc mọc Qua (i) lối nọ như bờ ao Chị Hai xinh(i) tang tình là chị Hai đứng Đứng , đứng một mình trông dáng xinh càng xinh Đứng , đứng một mình trông dáng xinh càng xinh Liền chị: Cây(i) trúc xinh tang tình là cây trúc mọc Cây trúc mọc bên sân đình Anh ba xinh(i) tang tình anh ba đứng: Đứng , đứng một mình trông dáng xinh càng xinh Liền anh & Liền chị Đứng , đứng một mình trông dáng… xinh… càng… xinh
Beautiful Bamboo Trees Northern folk song
1. Beautiful bamboo trees growing by the pond Lady Hai (Chị 2) is so beautiful wherever she is
2. Beautiful bamboo trees growing by the village temple Chị 2 is so beautiful even if she is standing alone
3. Beautiful bamboo trees growing in the heavy rain I am so much in love with Chị 2, but she ignores me so heartlessly.......
Dân ca Việt Nam rất phong phú & đa dạng và hình như tất cả những cái hay, cái đẹp đều dồn vào chủ đề Tình yêu. Đọc những bài Dân ca về chủ đề này, ta cảm thấy Ông cha ta ngày xưa có những lối tỏ tình với nhau thật tế nhị, kín đáo và thanh lịch làm sao... Cái đẹp nhất, thú vị nhất, cái mà lớp trẻ bây giờ khó lòng tìm lại được là những tình cảm yêu đương thời đó bao giờ cũng gắn với tình yêu thiên nhiên, hòa nhập vào thiên nhiên, gắn liền với những cảnh vật xung quanh như cây đa, giếng nước, mái đình...như chúng ta thường thấy thấp thoáng đâu đó ở những làn điệu quan họ Bắc Ninh (Cây trúc xinh, Trèo lên trái núi Thiên Thai..); như trong Lý năm canh, Lý vọng phu (dân ca Trung bộ); Lý cây bông, Lý xăm xăm (dân ca Nam bộ) ... Một điểm thú vị khác là những tình cảm yêu đương, hờn giận, nhớ nhung của những đôi trai gái thường được họ thể hiện một cách tế nhị, kín đáo, ví von theo kiểu: “Thuyền về có nhớ bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”, và những lời ngụ ý đẹp đẽ: “Nhớ ai đứng tủi ngồi sầu/ Mình về sương tuyết bao lâu mà mòn”, hay cách dùng những điệp ngữ miêu tả tâm trạng nhớ nhung đến mức độ nóng ruột : “Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ/ Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai !”.
Một nét dễ nhận thấy thêm là trong cách tỏ tình của Ông cha ta ngày xưa ở mỗi vùng, miền đều có nét đặc trưng riêng của nó. Ví dụ, trai gái miền Bắc thường tỏ tình với nhau một cách bóng gió, xa xôi, tế nhị, kín đáo, ví von: Trong đêm trăng thanh, trên con thuyền giữa sông nước mênh mang...người con trai hát rằng: “Ngồi rằng ngồi tựa mạn thuyền/ Trăng in mặt nước, càng nhìn non nước càng xinh”, hay: “Trúc xinh trúc mọc bờ ao/ Chị hai xinh chị hai đứng nơi nào cũng xinh”... Khi vào đến miền Trung, họ có lời tỏ tình với nhau không úp mở nhưng cũng tế nhị và kín đáo không kém: “Một yêu tóc bỏ đuôi gà”, rồi hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám yêu ...đến cuối thì : “Chín yêu em đứng một mình/ Mười yêu đôi mắt đưa tình đợi ai”. Vào đến miền Nam thì càng bộc trực hơn... Quả là một nghệ thuật tỏ tình diễm lệ và thuộc hàng “cao thủ” đáng khâm phục...!
NNS
Lữ Hoài
Tổng số bài gửi : 749 Registration date : 15/04/2011
Tiêu đề: Re: Hồn Quê nơi Đất Khách Wed 15 Feb 2012, 23:45
Kể về Tân nhạc tại miền Nam trước 1975 mà bỏ qua cặp vợ chồng song ca Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết thì quả là một thiếu sót. Người miền Nam bấy giờ rất mê nhạc. Cải lương thì có Thanh Nga, tuồng cổ thì có Phùng Há, vọng cổ thì có Út Trà Ôn... Tuy vậy lớp trẻ lại thích Tân nhạc hơn. Chính quái kiệt Trần văn Trạch là người cải tiến các show diễn. Ông đề nghị thêm phần biểu diễn Tân nhạc vào trước các buổi chiếu phim, về sau lại tổ chức các chương trình Đại nhạc hội. Cũng chính ông là người giới thiệu cặp "danh ca miền Trung" Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết trước công chúng Sài Gòn. Cặp danh ca này nổi tiếng với khán thính giả miền Nam từ đó, với các bản dân ca hay tình ca, trên các sân khấu nhạc hội hay qua làn sóng phát thanh. Những đĩa nhạc của họ bán chạy như tôm tươi và có sức lan tỏa rộng trong quần chúng nghe nhạc. Với thế hệ đi trước, Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết là hai giọng ca dân dã, thật gần gũi với Quê hương, tự nhiên mà truyền cảm, rất "Vietnamese - native" như những món cơm hến, bún bò Huế...
Trong "Múc Ánh Trăng Vàng": Hỡi cô tát nước bên đàng, Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi. (Oh you, sweet lassie scooping water by the road Why are you pouring away the golden moonlight?)
Nguyên là 2 câu thơ trong bài "Trăng Quê" của nhà Thơ "Bàng bá Lân" đã dần dần đi vào lòng người để trở thành một trong những câu Ca dao trữ tình hay.
TRĂNG QUÊ
Trời cao,mây bạc,trăng tròn Đê than hiu quạnh,tre buồn nỉ non Diều ai gọi gió véo von Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng Hỡi cô tát nước bên đàng Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi ?
Ý nghĩa của câu thơ tuy đơn giản nhưng trữ tình đầy " ẩn dụ" để nói lên sự quan tâm và ưu ái của chàng trai đối với cô thôn nử đang tát nước bên đường, một sự ca tụng vẽ đẹp của người con gái mà chàng để ý tuy mông lung, ẩn ý nhưng không kém phần duyên dáng, hàm ý....làm quen
Nói đến cặp Nghệ sĩ nức tiếng Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết pre-1975 ở miền Nam chả ai mà không biết đến. Từ nhỏ đã mê hát, lúc ra Huế học trung học, Nguyễn Hữu Thiết được một giáo sư người Pháp dạy xướng âm. Sau năm 1945, ông hoạt động Văn nghệ ở chiến khu Tuyên Hóa (Quảng Bình) thời Chiến tranh chống Pháp và năm 1948 kết hôn với Ngọc Cẩm. Cuối năm 1953, ly khai, về Sài Gòn và trở thành một đôi song ca ăn ý. Ông là cha của 2 nghệ sỹ Hồng Danh và Hồng Hạnh trưởng thành ở miền Nam sau 1975. Ông mất cuối năm 2002, thọ 75 tuổi, tại nhà riêng 20/C16, đường Hai Bà Trưng (Trần Quốc Toản cũ), Quận 10, SaiGon.
Không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực ca hát, Nguyễn Hữu Thiết còn là một Nhạc sĩ sáng tác. Từ tác phẩm đầu tay Đợi con về (viết năm 1946), cho đến nhạc phẩm cuối cùng Anh nhớ về thăm mẹ (2002) là một quãng thời gian hơn nửa thế kỷ miệt mài trong Nghệ thuật, với những ca khúc đã trở nên quen thuộc và được công chúng ưa thích như: Chàng là ai?, Nàng là ai?, Ai đi ngoài sương gió, Gởi người tôi yêu, Giọt mưa chiều hay nước mắt em?, Tìm mãi thương yêu, Tình trao xuân nữ, Mưa chiều nhớ nhau…
Hà Đình Nguyên viết về Nguyễn Hữu Thiết & Ngọc Cẩm như sau:
Hát những bài hát yêu nước giữa Sài Gòn Khoảng đầu thập niên 1950, khi các rạp chiếu bóng ở Sài Gòn còn đang thịnh hành kiểu hát phụ diễn (hát trước giờ chiếu phim) thì có một đôi uyên ương từ Huế vào và ngay lập tức tạo nên sự “bùng nổ” trên sân khấu. Chàng vóc người cao dong dỏng, ôm guitar thùng và chất giọng trầm ấm thiên phú hòa vào tiếng hát lảnh lót, thoảng nhẹ như gió của nàng. Làng giải trí Sài Gòn xôn xao bởi họ không hát nhạc Tây (lời Pháp hoặc đặt lời Việt) như nhiều ca sĩ bấy giờ mà dân Sài Gòn lần đầu tiên nghe được những bài hát yêu nước do chính người Việt sáng tác. Đó là những Lời người ra đi, Sơn nữ ca (Trần Hoàn), Bà mẹ quê, Bà mẹ Gio Linh (Phạm Duy), ... và cả những ca khúc trữ tình, thấm đẫm phong vị làng quê như Gạo trắng trăng thanh, Trăng rụng xuống cầu (Hoàng Thi Thơ)…
Thời ấy, báo chí Pháp ngữ và Việt ngữ ở Sài Gòn hầu như ngày nào cũng viết bài, đăng ảnh của đôi uyên ương này. Rồi những hãng đĩa ghi âm vào cuộc. Chỉ tính 2 ca khúc Gạo trắng trăng thanh và Trăng rụng xuống cầu (Hoàng Thi Thơ) do hãng đĩa Asia phát hành trên khắp Đông Dương đã bán được hàng triệu đĩa (con số này vẫn là kỷ lục cho đến nay). Đến nỗi một hãng ghi âm khác đã đề nghị tặng Nguyễn Hữu Thiết chiếc xe hơi Consul mới cáu để ông chuyển qua ghi âm cho hãng này.
Nguyễn Hữu Thiết sinh năm 1927 tại Phan Thiết (quê gốc Triệu Phong, Quảng Trị). Từ nhỏ đã có năng khiếu ca hát, nên khi theo học bậc trung học ở Huế và được bà giáo sư âm nhạc người Pháp tận tình dạy bảo ông rất vững về nhạc lý. Khi Cuộc chiến chống Pháp bùng nổ thì Nguyễn Hữu Thiết đang theo học ban Tú tài, ông bỏ học ôm đàn cùng bạn bè (Nguyễn Hữu Ba, Phạm Duy, Bùi Công Kỳ…) tham gia phong trào Văn nghệ yêu nước ở Huế. Khi chiến tranh lan đến Huế, Nguyễn Hữu Thiết đã cùng nhóm bạn bè văn nghệ này kéo nhau lên chiến khu Tuyên Hóa (Quảng Bình) tiếp tục phục vụ kháng chiến. Chính tại đây, ông gặp lại cô ca sĩ Ngọc Cẩm (sinh năm 1931, quê Phú Vang, Huế) mà trước đây họ đã từng mến mộ nhau trong những ngày tháng sinh hoạt văn nghệ ở Huế. Họ chính thức kết hôn vào năm 1948, lễ cưới diễn ra ngay trong chiến khu. Cuối năm đó, đôi uyên ương còn theo đoàn quân tình nguyện ra tận các chiến khu ở Tuyên Quang, Thái Nguyên… Tuy nhiên, đến cuối năm 1953 do sức khỏe của Ngọc Cẩm không cho phép theo đuổi cuộc kháng chiến trường kỳ nên cấp trên đã cho phép vợ chồng họ được trở về hoạt động ở Liên khu 4. Đầu năm 1954, họ trở về Huế.
Những ngày ở Huế, đôi uyên ương Nguyễn Hữu Thiết - Ngọc Cẩm lao vào khổ luyện, quyết tâm tạo cho mình một phong cách song ca thật độc đáo. “Gia tài” quý hiếm của họ chính là những ca khúc yêu nước, nặng tình Quê hương... mà trước đây đã từng theo họ rong ruổi trên bước đường phục vụ chiến đấu. Các ca khúc này được họ thổi vào những vùng tạm chiếm (từ quân Pháp) như một luồng gió mới và được công chúng say sưa đón nhận. Tuy nhiên, mảnh đất Thần kinh vốn chật hẹp, hầu như không đủ chỗ để đôi uyên ương này vẫy vùng, múa hót và thế là họ đưa nhau vào Sài Gòn. Và như đã kể ở trên, người Sài Gòn đã đón nhận họ một cách nồng nhiệt.
“Hiện tượng” Nguyễn Hữu Thiết - Ngọc Cẩm Trên sân khấu ca nhạc Sài Gòn vào nửa cuối thập niên 1950, có đến ba cặp uyên ương gồm: Mạnh Phát - Minh Diện, Châu Kỳ - Mộc Lan và Nguyễn Hữu Thiết - Ngọc Cẩm. Mỗi cặp đều có nét đặc sắc riêng, nhưng cặp Nguyễn Hữu Thiết - Ngọc Cẩm hoạt động “rầm rộ” hơn cả. Ngoài “hiện tượng” ghi âm hai bài hát Gạo trắng và Trăng rụng (thời đó, người mua thích gọi tắt như vậy), còn có sự ra đời của Ban dân ca Nguyễn Hữu Thiết (Ban Hương Giang) hát ở đài phát thanh với sự cộng tác của nhiều ca sĩ tài danh: Thái Thanh, Mai Hương, Thanh Thúy, Tuyết Hằng, Thanh Tuyền… Nhạc công có: Nghiêm Phú Phi (piano), Y Vân (contre bass), Nguyễn Hiền (flute), Đan Thọ, Nguyễn Quý Lãm, Đặng Văn Hiền (violon), Xuân Lôi, Xuân Tiên (saxo)… Không chỉ hoạt động văn nghệ ở Sài Gòn, họ còn lập ra Đoàn ca múa nhạc tạp kỹ Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết để đi lưu diễn ở nhiều tỉnh trong nước và ở cả Lào, Campuchia. Thường có mặt trong đoàn này là Ban hợp ca Thăng Long, kỳ nữ Kim Cương, quái kiệt Trần Văn Trạch, các nghệ sĩ Bảy Xê, Ba Vân, Bích Sơn, Bích Thuận, vũ bộ Mỹ An…
Hoạt động âm nhạc của Nguyễn Hữu Thiết - Ngọc Cẩm không chỉ có “bề nổi” làm người ta chú ý mà chính sự chung thủy, bền bỉ sát cánh bên nhau của hai ông bà mới khiến cho công chúng quý trọng, nể phục. Tiếng hát của họ quyện vào nhau từ thời còn son trẻ cho đến lúc ông bước qua ngưỡng “cổ lai hy”, được người khác dìu lên sân khấu, ngồi vào chiếc ghế gỗ. Bà vẫn đứng hát bên cạnh ông nhưng giờ đây không chỉ có hai giọng hát mà hòa vào làn hơi ấy còn có tiếng hát của nữ ca sĩ Hồng Hạnh - cô con gái yêu của họ.
Nguyễn Đỗ viết về Bàng Bá Lân: Múc ánh trăng vàng.
Tôi vẫn thường nghe thầy cô tôi dạy văn chương truyền khẩu, ca dao là những câu thơ, lời nói mộc mạc hay văn hoa của người dân thường hay các văn nhân thi sĩ phản ảnh đúng hay tạo cảm xúc cho người nghe được truyền đi truyền lại và trở thành vốn liếng chung của mọi người. Các thầy cô trưng dẫn hai câu thơ của thi sĩ Bàng Bá Lân làm ví dụ:
Hỡi cô tát nước bên đàng Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.
Quả thực không có gì vinh dự cho người nào bằng những lời nói, câu văn, câu thơ được chấp nhận như một tài sản quý báu của dân tộc như bài Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt hay bài Hịch Tướng Sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô Đại Cáo của Lê Lợi hay hai câu thơ trên của Bàng Bá Lân.
Nhà thơ Bàng Bá Lân nguyên họ Nguyễn Xuân, mới đổi sang họ Bàng được ba đời nay, sinh năm 1912, tại phố Tân Ninh, phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc giang, chánh quán làng Đôn Thư, phủ Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Sau 1945 di cư vào Sài Gòn, dạy học ở các trường tư thục, tiếp tục sáng tác văn thơ; có thời gian làm chủ bút kiêm chủ nhiệm nguyệt san Bông Lúa (Sài Gòn 1956).
Tác phẩm đã xuất bản gồm các tập thơ "Tiếng thông reo (1934)", Xưa (chung với Anh Thơ năm 1941), Tiếng võng đưa (1957), Vào thu (1969). Ông cũng là nhà biên khảo và dịch thuật, đã xuất bản: Việt văn bình giảng (1962), Vài kỷ niệm về các thi văn sĩ hiện đại (2 tập, 1962 –1963), Người vợ câm (1969), Vực xoáy (1969), Phương pháp giáo dục mới (1971), Thầy giáo làng (1971), bốn cuốn sau là văn dịch. Báo chí và đài phát thanh cũng từng là khung cảnh cho hoạt động Văn nghệ của ông. Chưa nói đến một nghề có lẽ đã nuôi sống ông nhiều hơn: nghề nhà giáo. Từ trường Dũng Lạc (Hà Nội) đến các trường Văn Lang, Cộng Hoà, Hoàng Việt, Lê Bảo Tịnh ở Sài Gòn, nhiều thế hệ học sinh đã thích thú nghe ông giảng văn bình thơ và còn giữ mãi kỷ niệm về ông. Ông còn là nhà nhiếp ảnh nghệ thuật, từng triển lãm và được nhiều giải thưởng trong nước và ở nước ngoài. Thơ ông gắn liền với làng quê sông núi gây nhiều ấn tượng và cảm xúc lâu dài cho người đọc. Bàng Bá Lân mất năm 1988.
Trở lại vấn đề hai câu thơ của Bàng Bá Lân đã đi vào ca dao, tôi nghe đã lâu nhưng lúc đó cũng không tò mò thắc mắc hỏi xem nguồn gốc từ bài thơ nào, nên bây giờ muốn tìm hiểu cũng không có dữ liệu cụ thể ngoài một bài viết của một người đồng hương ở Bắc Giang với Bàng Bá Lân. Tôi xin trích nguyên văn ở đây để mọi người cùng tham khảo, biết đâu chừng các anh chị có thể tìm ra được nguyên bản của Bàng Bá Lân.
" Hãy trả thơ về cho Bàng Bá Lân! Hai câu thơ của nhà thơ Bắc Giang: Bàng Bá Lân; và nguyên văn của nó chắc chắn là: "Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi" chứ không phải "Múc ánh trăng vàng đổ đi". Năm 1972, một anh bạn rủ tôi đến thăm nhà thơ Bàng Bá Lân ở một cái hẻm lớn trên đường Công Lý, Sài Gòn. Hôm ấy là Chúa nhật, ông không phải lên lớp (ông dạy ở Đại học Văn khoa Sài Gòn). Thực ra, trước khi gặp ông, tôi cũng đã biết đến ông, một nhà thơ tiền chiến quê Bắc Giang, ông nói với tôi là đồng hương. Tôi còn biết ông phụ trách một tiết mục trên đài truyền hình Sài Gòn hồi đó. Tiết mục mà ông phụ trách là trưng ra nhiều bức hình tư liệu về đời sống, sinh hoạt của mọi tầng lớp dân chúng ở miền Bắc trước năm 1955 như: xe thồ, đi dân công, chống lụt ở vùng chiêm trũng… Ông có vóc người trung bình, nhanh nhẹn, trang phục bình dân, giản dị. Ông nói chuyện với chúng tôi về thời sự, kinh tế, rồi văn học, văn chương truyền miệng, thơ… Ông thuộc rất nhiều, giọng đọc thơ rất hay. Ông đọc từ thơ Tiền chiến đến thơ Đường, thơ Pháp. Nghe ông đọc, như bị thôi miên. Chờ khi ông ngừng nghỉ một lát, tôi mới nói chen vào, rằng trong Ca dao Việt Nam tôi rất thích hai câu: "Hỡi cô tát nước bên đàng Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi". Tức thì nhà thơ ngắt lời tôi. Ông bảo hai câu thơ đó là trích trong một bài thơ lục bát gồm 12 câu của ông. Rồi ông đọc liền một mạch cả bài thơ đó. Nhưng ông sửa lại câu 8 mà tôi vừa dẫn trên là: "Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi" Và ông giải thích: Người ta không thể "múc ánh trăng vàng" mà là "múc trăng vàng" ở dưới nước. Khi cái gầu của cô gái trong câu Ca dao, dìm xuống nước thì mặt trăng tan vỡ ra trong nước, hòa với nước, sóng sánh cùng với nước. Thế là cô gái múc nước tát lên ruộng cao cũng đồng thời múc luôn cả vầng trăng tan vỡ trong đó. Trường hợp này cũng tương tự trong bài thơ "Nhớ rừng" của Thế Lữ. Bài thơ có câu: "Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan". Ở đây con hổ không hề đứng ngửa mặt lên trời để uống ánh trăng trong không khí mà là uống trăng tan trong dòng suối sau khi đã "say mồi". Nghe nhà thơ giảng nghĩa như vậy, chúng tôi từ chỗ ngỡ ngàng đến khâm phục. Hai câu thơ trên là của nhà thơ Bắc Giang: Bàng Bá Lân; và nguyên văn của nó chắc chắn là: "Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi" chứ không phải "Múc ánh trăng vàng đổ đi". Mãi về sau này cũng có một vài người lên tiếng công nhận hai câu Ca dao trên là của Bàng Bá Lân, trong đó có Giáo sư Huyền Viêm có bài đăng trên "Kiến thức ngày nay". Tuy nhiên, chưa có ai chỉ rõ sự khác nhau giữa: "Múc ánh trăng vàng" và "Lại múc trăng vàng" như vừa nêu trên. Theo thiển nghĩ của chúng tôi, sở dĩ có sự lầm lẫn trên là do tam sao thất bản. Rằng, quyển "Ca dao tục ngữ Việt Nam" của tác giả Vũ Ngọc Phan có in hai câu ca dao trên được xuất bản sau năm 1955 ở miền Bắc, còn tác giả của nó tức là nhà thơ Bàng Bá Lân lại di cư vào Nam từ năm 1954. Vì thế nhà thơ không được đọc quyển sách biên khảo của Vũ Ngọc Phan, không thấy sự nhầm lẫn đáng tiếc kể trên để lên tiếng cải chính. Từ đó đến khi ông mất (1988), tôi chưa hề được gặp lại nhà thơ Bàng Bá Lân. Thỉnh thoảng gặp vài người bạn cố tri có lòng yêu mến văn chương, tôi lại đem tâm sự trên kể cho họ nghe. Suốt thời gian dài ấy, tôi cứ lòng dặn lòng bất cứ khi nào có dịp tôi sẽ đưa niềm tâm sự đó lên mặt báo. Rằng, nếu chưa làm được điều này thì tôi còn day dứt chưa yên. Rằng, món nợ tinh thần với nhà Thơ đồng hương vẫn chưa trả được. Bắc Giang, tháng 6/2007 Hoàng Chí Quang 06 Lê Lợi, T.T Chũ Lục Ngạn, Bắc Giang "
Bài viết của ông Hoàng Chí Quang về lời giải thích của nhà thơ Bàng Bá Lân rất có lý. Người ta không thể "múc ánh trăng vàng" mà là "múc trăng vàng" ở dưới nước. Khi cái gầu của cô gái trong câu ca dao, dìm xuống nước thì mặt trăng tan vỡ ra trong nước, hòa với nước, sóng sánh cùng với nước, tạo một hình ảnh rất nên thơ và thực tế. Múc ánh trăng vàng đã hay, nhưng múc trăng vàng hay hơn và càng sinh động hơn. Sự chuyển hóa có lẽ là tam sao thất bản hay truyền miệng nhau nên mất đi phần nào tính nguyên thủy của hai câu thơ. Thiết tưởng đã đến lúc chúng ta cần phục hồi hai câu thơ tuyệt vời kia, trả về nguyên chủ là Bàng Bá Lân đã viết hai câu thơ thật hay đó.
Hỡi cô tát nước bên đàng Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi Bàng Bá Lân
Bài này vừa đăng lên, anh Tuấn Tú cũng là người yêu chuộng thơ và thích làm thơ đã bổ sung thêm với bài Trăng Quê, được 6 câu không biết tại sao mất hai câu đầu và bốn câu cuối theo như bài viết của Hoàng Chí Quang đã viết ở trên.
TRĂNG QUÊ Trời cao, mây bạc, trăng tròn, Dế than hiu-quạnh, tre buồn nỉ-non Diều ai gọi gió véo-von, Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu-dàng… - Hỡi cô tát nước bên đàng! Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?
Trích trong tập Thơ Tình Bàng Bá Lân
Anh chị em nào có thể truy tìm được trọn bài thơ Trăng Quê xin hãy viết lên đây cho đầy đủ bộ nhé! Cũng là duyên nợ văn chương với nhà thơ Bàng Bá Lân đã sáng tác được những câu thật hữu cảnh hữu tình, êm ái dịu dàng đi vào lòng dân tộc một cách tuyệt vời.