Chuyện nhà thơ Phùng Quán
Ngô Minh
8. Những ngày “cụng ly với thần chết’’
“Cung ly với thần chết” là chữ của nhà thơ Phùng Quán, trong lúc bạo bệnh rất đau đớn vẫn đùa vui với bạn bè qua điện thoại, trong những ngày cuối đời vào tháng 1- 1995. Quả thật với anh, cái chết nhẹ như lông hồng. Một thế hệ độc giả từng cầm súng đã biết về một Phùng Quán thơ “Yêu ai cứ bảo là yêu/ ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu …”. Một Phùng Quán văn với tiểu thuyết Vượt Côn Đảo viết lúc 21 tuổi, xuất bản ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, như là một hiện tượng văn học cách mạng. Vượt Côn Đảo đã biến anh từ một thiếu sinh quân Thùy Dương, vác mã tấu theo Vệ Quốc đoàn năm 14 tuổi, trở thành nhà văn quân đội nổi tiếng. Tìm hiểu những ngày tháng cuối cùng của nhà văn, ta càng hiểu thêm tính cách Phùng Quán, càng thêm yêu quý cuộc đời và văn chương anh.
Một nỗi khổ tâm lớn nhất của Phùng Quán là vì bệnh nặng, không còn được uống rượu. Từ ngày bác sĩ bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội cho biết anh bị bệnh xơ gan cổ trướng, phải kiêng rượu, anh bảo: “Không được uống rượu nữa thì còn gì là Phùng Quán!”. Có lần buồn quá, anh “tuyên bố”: “Nếu chắc chắn bị thần chết xử tử vì ung thư gan thì có bao nhiêu rượu đều mang ra cùng uống hết với bạn bè”. Nhưng anh lại mong sống thêm với vợ con, với bạn, với thơ, nên anh rất nghiêm túc kiêng rượu. Anh không uống, nhưng bạn bè đến thăm anh vẫn bảo vợ mang rượu ra đãi bạn. Anh ngồi chạm cái ly không với mọi người để nghe âm thanh quen thuộc, rồi nhìn bạn uống rượu để khỏi thèm. 50 năm rượu và thơ, có rượu Phùng Quán đọc thơ mới sang sảng, cuốn hút, lay động lòng người. Bây giờ không rượu, anh vận hết nội công còn lại để đọc thơ “phục vụ” mọi người, nhưng dường như giọng đọc mười phần chỉ còn năm bảy. Nỗi khổ thứ hai của Phùng Quán là không còn được ngồi vào bàn viết văn nữa, vì cái bụng bị xơ cứng. Thế nên, anh đã tự thiết kế cho mình một cái bàn đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử loài người. Đó là cái bàn chổng ngược. Tức là mặt bàn nằm sấp, úp xuống, chân bàn treo ngược lên, giấy kẹp vào mặt bàn. Anh nằm ngửa, giơ tay lên trời mà viết. Phùng Quán 30 năm phải viết “văn chui”, đến khi được quyền viết, được quyền in tên mình thì không còn mấy thời gian nữa nên anh thèm viết lắm. Và bằng cái bàn viết ấy, anh đã viết xong phần một, bản thảo kịch bản phim kể chuyện về một bà mẹ nuôi bộ đội ở chiến khu Hòa Mỹ (Thừa Thiên- Huế) có cả một bầy con nuôi là hàng binh người Đức, Nhật, Algiérie, Maroc, v.v… cứ sau mỗi trận đánh, lại quây quần bên người mẹ Việt Nam để lo cho mẹ từ chiếc cối giã trầu. Anh phát triển kịch bản này từ truyện tranh Chiếc cối giã trầu bằng thép đã in mấy năm trước. Trước khi vĩnh biệt thế gian ba ngày, Phùng Quán đã trao tập bản thảo ấy cho đạo diễn điện ảnh, nghệ sĩ nhân dân Huy Thành.
Về cái bàn viết này, anh viết thư cho gia đình một người bạn ở xa, kể chuyện rất hay và tếu: Anh bị “chứng bệnh xơ gan cổ trướng’’ (Tên bệnh mà như tên minh tinh điện ảnh Đài Loan). Hiện nay, anh rất đẹp trai. Một lão trượng râu tóc bạc trắng, mang cái bụng sắp đến ngày khai hoa mãn nguyệt… Nhất là vẫn còn đọc được thơ (Tuy lực thơ có sút kém). Và viết được văn. Ngồi viết bị tức bụng thì anh nằm viết. Bởi vậy văn anh bây giờ toàn câu văn chỉ thiên … Nghe tin anh ốm, bạn bè đến thăm đông như hội: “Phùng Quán mà cũng ốm kia à?’’. Xưa nay, các bạn đặt anh vào hạng lim, thép, trời vật không chết. Nếu phải chết thì các bạn sẽ được chứng kiến cái chết của người chiến sĩ – nghệ sĩ, “Trông chết cười ngạo nghễ’’! Nhờ ốm mà anh biết Hà Nội mình nhan nhản Hoa Đà, Biển Thước, Tuệ Tĩnh, Lãn Ông… rượu nó bỏ anh, vì từ khi anh lâm bệnh, rượu thấy anh mất phong độ của bậc ẩm giả. Cuộc đời vui quá, không buồn được!
Thời gian này, anh thường viết thư gửi cho vợ chồng người bạn tên là Nguyễn Đặng, Việt kiều ở Mỹ cũng bằng cái bàn chổng ngược ấy. Anh bạn ấy đã phô tô gửi về lại để chị Bội Trâm đặt lên “Chòi ngắm sóng”, lưu giữ bút tích của anh Quán. Trong những bức thư viết trong những ngày “cụng ly với thần thần chết” ấy, nhà văn Phùng Quán bày tỏ quan điểm của mình về văn chương, chức phận, hạnh phúc và nỗi bất hạnh của người cầm bút, với một giọng văn rất dí dỏm:
Hồ Tây sáng sớm lạnh, ngày…
Anh ngồi bên cửa sổ nhìn ra Hồ Tây đầy sương mù… bỗng nhớ câu thơ của Nguyễn Du “Gió lạnh cả thế gian thổi thốc vào một người đơn độc” (Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân)
Ở đây các nhà thơ phải bỏ tiền ra in thơ. Mà họ có giầu gì cho cam. Phải giành dụm từng đồng, bớt xén tiền ăn của cả nhà, có khi đến mấy năm mới in được tập thơ. Mà in rồi chỉ đem đi tặng cũng đủ hết hơi. Thì ra trên thế gian này, thơ văn sinh ra để làm vất vả cho người…
Rất cảm ơn hai em đã đọc hết Tuổi thơ dữ dội của anh và cả Trăng Hoàng Cung. Nói cho đúng ra, anh chỉ mới viết sơ sơ. Sợ độc giả chịu không thấu, nếu viết hết sự thật, thì cả Remarque cũng phải lè lưỡi. Sách anh vốn viết cho con nít đọc, mà trở thành cuốn sách của người già. Mấy người già cùng thế hệ với anh họ ham đọc cuốn đó lắm. Anh sẽ in tặng hai vợ chồng phim Tuổi thơ dữ dội, 2 tập, dài 155 phút, đã được quay màn ảnh rộng. Hôm chiếu ở cổ thành Quảng Trị, năm 1990, cả ngàn người ngồi xem khóc như trong một đám tang lớn, làm anh phát hoảng. Lượm và Mừng, hai nhân vật trong đó chính là một phần đời anh. Anh cũng đang định viết tiếp. Thật ra là “viết lại’’ vì cách đây 15 năm anh đã viết xong cả 4 tập Chiến tranh và Hòa bình của anh, mà Tuổi thơ dữ dội là phần I. Anh để tất cả vào cái hòm gỗ, hồi anh ở Nghi Tàm. Mối đã xông mất ba phần. Phần I là mối chưa kịp xông, nên còn. Hôm đó, anh đã khóc như con nít, vì tiếc cái công trình anh đã làm trong 15 năm.
Trong một bức thư khác, Phùng Quán viết:
Anh phải thông báo ngay là anh vẫn đang nằm ở nhà, vừa cười vừa nốc cạn ca đầy, cốc vơi thứ nước dược liệu cỏ cây trị bệnh như thần! Anh hy vọng sẽ khỏi. Cỏ cây của cả đất nước lẽ nào không cứu nổi một nhà thơ?
Thư trước anh nhắc chuyện “Thơ và cống rãnh’’ là để hai em biết thêm một khía cạnh về quan niệm thi ca của anh mà anh thường phát biểu chống lại quan niệm ‘“Con chim ngứa cổ hót chơi’’. Với anh thì lời khen tặng sang trọng về thi ca là của nhà văn Đan Hích nói về Andersen: “Ông ta là người có khả năng kỳ diệu. Bất kỳ cống rãnh nào cũng mò thấy được ngọc trai’’. Hiện nay anh đang bị một cú ‘nốc ao’, và trọng tài đang đếm đến sáu…!”
Hồ Tây, sáng…
Nhìn chữ anh viết chắc hai em biết anh cũng chưa đến nỗi nào. Anh vẫn đi lại, tiếp khách, cười đùa, đọc thơ với cái bụng A Di Đà. Cơm, cháo, sữa uống rải rác trong ngày. Bác sĩ gan nổi tiếng vẫn thường chăm sóc anh… Anh là nhà thơ của dân đen, của những người mốc cống, quét rác… Trong đám này có rất nhiều lang vườn. Họ đòi được chữa trị cho anh. Họ mang tới những rễ cây đào được trên các đỉnh núi tai mèo, và các thứ lá hai bên các đầm nước mặn. Anh cho sắc lên uống tất, vừa uống vừa cười: “Tôi chơi luôn cả Thiên Đường lẫn Địa Ngục!’’ Anh nói với họ: “Nếu không may tôi phải giả từ cuộc sống, thì điều hạnh phúc là thi thể của tôi được các bàn tay hôi mùi nước cống, mùi phân rác, mùi thuốc nổ, bồng bỏ vào căn hộ bằng gỗ tạp’’.
Nhiều bạn thơ, trí thức trách cứ anh: “Nhà Phùng Quán có nhiều tạp khách!’’ Họ đâu biết, chính nhờ những tạp khách đó mà anh trở thành nhà thơ. Hai em ạ, anh không được Thượng Đế ban cho ân sủng tìm thơ trong sự tinh khiết, đầy mầu sắc và hương thơm, giữa các vì sao và bầu trời…Thượng đế nghiêm khắc nói với anh: “Ngươi phải úp mặt xuống cống rãnh cuộc đời, trên các ao máu chiến trận không bao giờ khô cạn, trong khói đắng nghẹt của thuốc nổ… mà tìm lấy thơ’’. Và anh đã phải thực hiện lời nguyền của Thượng Đế, từ lúc tuổi thơ cho đến nay, chương cuối cùng của cuộc đời anh…
Ôi, Phùng Quán, nhà văn trọn đời viết ngay viết thẳng từ dòng đầu đến dòng cuối! Anh đã có những ngày tháng cuối đời ung dung, ngạo nghễ cụng ly với thần chết.
Ngô Minh
(vanchuongphuongnam)