Bài viết mới | Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 21:37
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:17
KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45
KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30
SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22
Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22
NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20
KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08
Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54
Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10
7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10
Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21
Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52
Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28
Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13
Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07
Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36
Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09
Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46
Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06
Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04
DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19
Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37
Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34
TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17
CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05
Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04
Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41
Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16
|
Âm Dương Lịch |
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
|
|
| BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN | |
| |
Tác giả | Thông điệp |
---|
Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN Tue 17 Oct 2023, 07:21 | |
| BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 L. M. Cao Văn Luận 1. Lý do nào thúc đẩy tôi viết Hồi Ký?
Sau khi Tổng Thống Ngô Đình Điệm bị giết, những biến chuyển chính trị và quân sự dồn dập xảy ra trên đất nước Việt Nam làm cho tôi nghĩ rằng Ông Diệm không phải là một nhân vật không thể thay thế được. Nhưng ít ra Ông cũng là một nhân vật cần thiết cho đất nước Việt Nam trong một giai đoạn nào đó. Nguyên nhân thất bại của Ông Diệm, của những giấc mơ, những cố gắng, những kế hoạch của Ông Diệm có lẽ là ở chỗ Ông, hay ít ra vài người quanh Ông và thân thiết với Ông không chịu hiểu rằng sự cần thiết của Ông Diệm đối với đất nước Việt Nam chỉ là một sự cần thiết trong một giai đoạn đặc biệt nào đó thôi. Khi giai đoạn lịch sử đó qua đi, thì sự cần thiết đó cũng không còn. Đáng lý Ông Diệm và chế độ phải biết thay đổi nhanh chóng để thích ứng với những đòi hỏi của một giai đoạn lịch sử mới, hoặc là phải biết lùi ra khỏi chỗ đứng Ông đã chiếm giữ trong giai đoạn mà sự có mặt của Ông cần thiết cho đất nước.
Với tư cách một người gần gũi, có thể nói là thân thiết với Ông Diệm mà lại không phải lệ thuộc quá nhiều vào quyền hành và sự chỉ huy của Ông tôi đã được nhìn những cố gắng, những thành công, những thất bại và những sai lầm của Ông. Trước những tin tức, những lập luận, những xuyên tạc quanh Ông Diệm và chế độ tôi cảm thấy cần phải viết lại những hiểu biết, những nhận xét, những chứng kiến của tôi về những việc làm cũng như về đời sống, tư cách của Ông để sau này nếu những người nào muốn tìm hiểu sự thật về giai đoạn lịch sử (mà sự có mặt của Ông Diệm là cần thiết và quan trọng) có thêm một soi sáng, một nhận định không có ác ý, không thiên vị.
Những hoàn cảnh đặc biệt, những may mắn lạ lùng đã cho phép tôi gặp gỡ và nhiều lúc tham dự, hợp tác với những nhân vật đã làm nên lịch sử Việt Nam trong 30 năm qua. Luôn luôn tôi đã tham dự vào những biến cố lịch sử này với tư cách một nhân chứng hơn là một kẻ trong cuộc, nhưng lại là nhân chứng đứng ở một vị thế nhìn thấy nhiều việc mà nhiều người không thấy được. Người tìm hiểu lịch sử càng có được nhiều nguồn tin, nhiều tài liệu bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Thiên hồi ký của tôi hy vọng là một trong những nguồn tin và tài liệu đó.
Tôi đã nhiều lần có dự định ghi lại những điều mình nhìn thấy, chứng kiến, tham dự trong mấy chục năm qua. Nhưng luôn luôn tôi phải đình hoãn công việc đó, vì những việc làm cấp bách, những bận rộn trong nhiều nhiệm vụ. Sau khi Ông Ngô Đình Diệm mất, tôi có lần đã nghĩ rằng bây giờ là lúc tôi có thể yên ổn ngồi lại viết thiên hồi ký dự định từ lâu. Nhưng những biến cố dồn dập lại làm cho tôi hồi hộp theo dõi, và một lần nữa hoãn việc ghi chép, với hy vọng rằng những biến cố đó sẽ giúp tôi hiểu thêm vai trò và sự cần thiết của Ông Diệm trong giai đoạn 10 năm qua.
Thời gian trôi qua cũng giúp cho tôi, và dân chúng Việt Nam có thể nhìn Ông Diệm với một tầm nhìn khách quan và vô tư hơn. Những kẻ một lần gắt gao chỉ trích bài bác Ông Diệm và những việc làm của Ông, đã có dịp tự đặt câu hỏi: Sự thanh toán Ông Diệm và chế độ Ông Diệm phải chăng là một sai lầm tai hại và nguy hiểm? Những hỗn loạn chính trị, những thất bại quân sự sau ngày 1/11/1963 đã trả lời cho câu hỏi đó. Tôi nhớ Đại Sứ Nolting, Đại Tướng Harkins đã viết ra, hoặc trả lời những cuộc phỏng vấn xác nhận điều đó, những người đã góp tay thanh toán Ông Diệm và chế chế độ Ông Diệm ít có ai lấy làm hãnh diện về việc làm của họ.
Cuối năm 1969 những người bạn trẻ đến gặp tôi, bàn bạc với tôi về sự cần thiết và nên ghi chép lại những điều tôi đã thấy trong những năm qua, trong một thiên hồi ký càng vô tư bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Tôi đồng ý, và với sự góp tay của những người bạn trẻ đó, tôi đã thực hiện thiên hồi ký khi đăng báo đã mang một nhan đề có lẽ hơi khoe khoang:‘’Hồi ký lột mặt nạ lịch sử’’.
Tôi không đồng ý về cái tên gọi gán cho thiên hồi lý nhỏ bé và khiêm tốn của tôi. Vậy nên khi sửa chữa lại, bổ khuyết thêm để in thành sách, tôi xin chọn một tên gọi khác ‘’Bên giòng lịch sử 1940-1965’’.
Đó là tất cả những lý do lớn nhỏ đã thúc đẩy tôi thực hiện thiên hồi ký này. Tôi không hy vọng tất cả những mong ước của tôi đặt vào thiên hồi ký có thể thành tựu. Tôi cũng không dám tin rằng thiên hồi lý này soi sáng được những biến cố lịch sử phức tạp trong mấy chục năm qua. Tôi chỉ muốn góp vào những tài liệu lịch sử một vài hiểu biết riêng của tôi, và giúp cho những kẻ muốn tìm hiểu lịch sử một lối nhìn riêng. |
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN Wed 18 Oct 2023, 06:35 | |
| BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 L. M. Cao Văn Luận 2. Những cái mốc trong lịch sử
Về những ngày niên thiếu của tôi, cũng như của những đứa trẻ Việt Nam vào thời buổi đó, tôi chỉ còn nhớ được cái không khí thanh bình, yên ổn, nhưng là một thứ thanh bình và yên ổn đe dọa, đau xót, nhục nhã. Tôi ra đời tại Hà Tĩnh, năm 1908. Đó cũng là năm mà nhiều cuộc nổi loạn phát khởi ở Tỉnh tôi và nhiều nơi khác. Khi tôi bắt đầu có trí khôn thì thỉnh thoảng tôi nghe được những lời bàn tán, xầm xì, những nét mặt đầy lo sợ quanh tôi, nhưng tôi không thể hiểu được điều gì rõ ràng. Những thanh niên, những trai tráng bị bắt đi lính cho Pháp rồi không mấy ai trở về. Sau này tôi được biết họ được gọi đi lính thợ, được gởi sang Pháp dự thế giới chiến tranh thứ nhất. Có lẽ để đập tan tinh thần phản kháng và cách mạng trong Tỉnh Hà Tĩnh, nhà nước Bảo Hộ đã bắt rất nhiều thanh niên trong Tỉnh tôi.
Tôi sinh ra trong một gia đình Công Giáo lâu đời. Cho nên khi những người xung quanh nhận thấy tôi học hành dễ dàng thì ý nghĩ đầu tiên của họ là gửi tôi vào Chủng Viện. Vào năm lên 13 tuổi, năm 1921, tôi vào học tại Tiểu Chủng Viện Xã Đoài. Thời đó, Xã Đoài chỉ có một vài lớp đầu bậc Trung Học và vì đó ít lâu sau tôi được gởi vào học tại trường các Thầy Dòng La San ở Huế là Trường Pellerin. Sau khi thi đậu bằng Thành Chung, tôi lại được gửi ra Hà Nội theo học Đại Chủng Viện Xuân Bích vào năm 1933. Tôi đã đậu hai phần Tú Tài. Sáu năm sau tôi được thụ phong Linh Mục vào năm 1939.
Sau những cuộc nổi dậy khắp nơi của người Việt Nam chính phủ Pháp muốn tỏ ra cởi mở hơn, cho thi hành một chính sách văn hóa tương đối tiến bộ. Ngoài việc mở thêm những trường cho các Tỉnh Huyện, nhà nước Bảo Hộ còn cấp nhiều học bổng cho sinh viên ưu tú. Một số các học bổng này được dành cho một ít Tu Sĩ Công Giáo. Tôi may mắn được cấp một học bổng du học tại Đại Học Đường Sorbonne. Vào mùa Thu năm 1939, tôi lên đường sang Ba Lê.
Mặc dầu thế chiến thứ hai đã bùng nổ, nước Pháp bị Đức chiếm đóng, nhưng nhờ là Tu Sĩ, nên tôi không gặp một trở ngại lớn lao nào trong đời sống hay trong công việc học hành. Từ 1939 đến 1942 tôi theo học Triết và Văn Chương, đậu Cử Nhân năm 1942. Sau đó tôi học ở Trường Á Đông Sinh Ngữ và tốt nghiệp ở Trường này năm 1945.
Trong những năm chiến tranh, mặc dầu tôi không có dịp tham dự trực tiếp vào những biến cố lịch sử trọng đại, nhưng tôi cũng có dịp gặp gỡ những người Việt Nam trong giới sinh viên học sinh, giới lính thợ, lính khố đỏ và một số người Việt Nam sang Pháp từ Đệ Nhất Thế Chiến rồi ở lại Pháp luôn và nhập quốc tịch Pháp.
Trước lễ Giáng Sinh năm 1940, tôi đến thăm một Linh Mục Thừa Sai ở Đường Du-Bac, số 128. Vị Linh Mục này đã sống ở Viễn Đông lâu năm, và trong lần đến thăm này, tôi đã được gặp một thiếu phụ Pháp giàu lòng từ thiện đang tổ chức những cuộc thăm viếng, giúp đỡ những người Việt Nam đi lính trong quân đội Pháp bị quân Đức bắt làm tù binh. Thấy tôi là người Việt Nam, bà De Seize ngỏ ý yêu cầu tôi theo bà đến thăm những người lính Việt Nam bị giam giữ trong các trại tù binh ở Laval. Tôi nhận lời và những ngày nghỉ lễ sau đó, tôi cùng bà De Seize thường đến trại tù binh Laval thăm viếng những người lính Việt Nam. Công việc của tôi chẳng có gì quan trọng. Tôi làm cái nhiệm vụ thông ngôn giữa những người Việt Nam và những nhà hảo tâm Pháp, đôi lúc viết giùm và gửi thư về quê hương cho những người không biết đọc biết viết. Tôi cũng đến thăm những tù binh Việt Nam được điều trị tại các bệnh viện khắp Ba Lê.
Lúc bấy giờ một số sinh viên Việt Nam cũng tổ chức những nhóm sinh viên thăm viếng và an ủi những thương bệnh binh Việt Nam tại các bệnh viện. Một lần tôi gặp Trần Hữu Phương trong một bệnh viện. Từ sự quen biết đến chỗ thân thiết thật dễ dàng, nhanh chóng giữa những người Việt Nam xa Tổ Quốc, cùng chung lý tưởng. Cũng từ đó, tôi có ý nghĩ phối hợp các hoạt động của các sinh viên Việt Nam tại Ba Lê, và đem chuyện đó ra bàn với Trần Hữu Phương.
Chúng tôi tập hợp các tổ chức sinh viên Việt Nam tại Pháp và các Việt kiều thành một hội duy nhất, lấy tên là Hội Liên Hiệp những người Đông Dương tại Pháp (Fédération Des Indochinois de France), với vị Chủ Tịch đầu tiên là Trần Hữu Phương, cùng các hội sáng lập như Trần Đức Thảo, Phạm Huy Thông, hai anh em Hoàng Xuân Mãn, Hoàng Xuân Nhị (em Hoàng Xuân Hãn).
Số sinh viên tham dự trên 300 người. Những Việt kiều ở Pháp và Ba Lê trên nguyên tắc đều là hội viên, tuy nhiên chỉ có một số ở Ba Lê tham gia những sinh hoạt thường xuyên của hội. Nhân danh Hội Liên Hiệp những người Đông Dương tại Pháp, chúng tôi ra một bản tuyên ngôn đòi chính phủ Bảo Hộ Pháp phải trao trả độc lập cho Việt Nam. Sở dĩ chúng tôi quyết định ra tuyên ngôn nói trên, vì vào đầu năm 1945, sau khi quân Đồng Minh thắng quân Đức, Ba Lê được giải phóng, có hai sinh viên Việt Nam ký tên vào một Bản Tuyên Ngôn cam kết trung thành với mẫu quốc Pháp. Tôi còn nhớ tên những người Việt Nam ký vào bản tuyên ngôn nhục nhã này, nhưng thiết tưởng không nên nhắc đến làm gì. Tuyên Ngôn đòi độc lập của chúng tôi được dịch ra nhiều thứ tiếng và được phổ biến khắp nước Pháp. Một vài báo ở Pháp và Âu Châu có đề cập đến tuyên ngôn của chúng tôi.
Chính phủ Pháp lập tức bắt giam một số lãnh tụ sinh viên đồng thời cũng là lãnh tụ Hội Liên Hiệp những người Đông Dương tại Pháp như các anh Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Mãn, Hoàng Xuân Nhị, Phạm Huy Thông. Nếu không phải là Tu Sĩ, được sự che chở của Tòa Tổng Giám Mục Ba Lê chắc chắn tôi đã không thoát khỏi tù tội.
Những sinh viên bắt giam tại khám đường La Santé, nơi đã từng giam giữ Nguyễn Ái Quốc (Hồ chí Minh), Nguyễn Thế Truyền, Phan Chu Trinh ngày trước. Với tư cách và bộ áo một Tu Sĩ, tôi có lý do chính đáng để tham viếng những người bị bắt giam. Do đó anh em trong hội cử tôi giữ nhiệm vụ liên lạc, tiếp tế và giúp đỡ các anh em. Tôi tìm đến bà De Seize nhờ bà tiếp tay, vì tôi biết lúc này thế lực của bà khá lớn. Trước đây bà từng giúp đỡ những tổ chức kháng chiến chống Đức, dĩ nhiên bây giờ nước Pháp đánh đuổi được quân Đức, những nhân vật kháng chiến đang giữ nhiệm vụ quan trọng trong chính quyền Pháp đương thời. Bà De Seize quen biết với vị Đại Tá Giám Đốc khám đường La Santé, bà đã dẫn tôi đến giới thiệu thẳng với ông này, với những lời lẽ thành thực và nồng nhiệt. Nếu tôi nhớ không lầm thì hình như ông này tên là Paul Arnoux, từng làm chánh sở mật thám tại Đông Dương dưới thời quan Toàn Quyền Decoux. Ông có một trí nhớ phi thường. Những phạm nhân quan trọng một lần qua mắt ông đủ để ông nhớ mãi. Sau này để xác nhận Hồ chí Minh và Nguyễn Ái Quốc chỉ là một, chính quyền Pháp đã nhờ đến ông đi nhìn mặt Hồ chí Minh. Cái chi tiết làm cho ông Arnoux cam đoan Nguyễn Ái Quốc Hồ chí Minh, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn sinh Cung, Nguyễn văn Ba, Lão Woong, bác Trần chỉ là một người, là cái tai của họ Hồ.
Điều làm tôi ngạc nhiên lúc đầu là Đại Tá Arnoux tỏ ra rất cởi mở, niềm nở, ca ngợi những nhà cách mạng Việt Nam, tỏ ra rất kính phục Trần Đức Thảo. Ông cho hành động ái quốc của sinh viên Việt Nam là đúng, và tỏ ý tiếc rằng vì nhiệm vụ phải giam giữ họ. Bàn về chính trị, ông tỏ ý mong muốn chính phủ Pháp cho thi hành một chính sách thuộc địa tiến bộ và tự do hơn. Ông phê bình một điểm về tình hình chính trị Việt Nam thời bấy giờ, mà cho đến nay, trong tình thế này, tôi thấy vẫn còn khá đúng. Ông nói rằng Việt Nam có nhiều nhân vật ái quốc lỗi lạc như Nguyễn Ái Quốc, Phan Chu Trinh, Trần Đức Thảo, thật xứng đáng được hưởng một nền độc lập thật sự vững chắc, không chỉ có vài nhân vật lỗi lạc, mà là phải có một lớp trí thức đông đảo và một lớp dân chúng trung bình tiến bộ. Ông lo ngại Việt Nam không có lớp người cần thiết đó. Tôi nghĩ một lúc rồi trả lời rằng dưới con mắt của người Pháp thì nhận xét của ông đúng lắm, nhưng quan niệm của người Việt Nam và Á Đông thì khác hơn đôi chút. Cái thước đo sự trưởng thành ý thức của người Pháp và người Việt Nam không giống nhau. Dân Việt Nam không phải vì không biết đọc biết viết và không biết đi bầu mà có thể coi họ như những người dân bán khai mọi rợ. Vả lại cần phải tạo những điều kiện trưởng thành dân trí từ từ. Và không một thế lực nào có thế lấy cái cớ dân Việt Nam chưa hội đủ những tiêu chuẩn trưởng thành dân trí để thay họ cai trị đất nước họ. Nếu như nước Pháp có lòng khai hóa cho dân Việt Nam, thì cứ trao trả độc lập, giúp phương tiện và điều kiện cho dân Việt Nam trưởng thành dần dần để giữ vững nền độc lập đó còn hơn là cứ giữ tiếp tục chính sách bảo hộ mãi.
Sau câu chuyện, Đại Tá Arnoux cho người dẫn tôi xuống phòng giam Trần Đức Thảo. Quan nhiều hành lang, nhiều lần cửa sắt, tôi được dẫn đến một phòng đợi. Sau hàng cửa sắt, tôi thấy Trần Đức Thảo đứng nhìn ra nháy mắt ra hiệu cho tôi. Thảo nói với lính gác rằng tôi là Linh Mục Tuyên Úy của các Việt kiều, và nhân danh nhân quyền, đòi hỏi được nói chuyện trực tiếp với tôi về chuyện linh hồn. Thảo phản đối việc phải nói chuyện với một Linh Mục Tuyên Úy qua lưới sắt. Lính gác lên phòng giám đốc xin lệnh rồi trở xuống cho phép tôi và Trần Đức Thảo nói chuyện thẳng với nhau trong phòng đợi. Tôi trao cho Thảo ít quần áo, đồ ăn và những tin tức thời sự.
Vụ bắt bớ này làm cho Hội Liên Hiệp những người Đông Dương tại Pháp tan rã. Vì thế vào mùa Đông năm 1945, khi nhận được một Bản Tuyên Ngôn của năm Giám Mục Việt Nam đòi hỏi nước Pháp phải trao trả độc lập cho Việt Nam, chúng ta dựng lên một tổ chức mới lấy danh hiệu là Hội những người Công Giáo Việt Nam tại Pháp (Association des catholiques Vietnamiens de France) để có danh nghĩa và lý do phổ biến cái tuyên ngôn hay thông điệp này. Chúng tôi cho dịch và in thông điệp, rồi nhờ những Hội Hướng Đạo Pháp phổ biến đến nhiều thành phố lớn khắp nước Pháp. Một số lãnh tụ của Hội lại bị mật vụ Pháp bắt giam, trong đó tôi nhớ rõ nhất là anh Nguyễn Hy Hiền. Nhưng lần này nhờ sự can thiệp của Tòa Tổng Giám Mục Ba Lê và giới Công Giáo Pháp đang có nhiều ảnh hưởng trong chính quyền thời bấy giờ, các anh em được trả tự do nhanh chóng. Bản Thông Điệp ký tên các Giám Mục Lê Hữu Từ, Nguyễn Bá Tòng, có những lời lẽ ôn hòa, nhưng rắn rỏi, có lã làm cho Pháp lo ngại hơn những lời chỉ trích, chửi bới. Mặc dầu gặp khó khăn, chúng ta quyết định triệu tập một đại hội những Việt kiều tại Pháp để phổ biến thông điệp. Ông Trương Công Cừu lúc đó lo phần tổ chức. Tôi thì đi liên lạc với một số chính khách, nhân sĩ Pháp có khuynh hướng tiến bộ như Dân Biểu Boutoien, bạn thân của Hồ chí Minh, Linh Mục Chaillet, Chủ Nhiệm Tạp Chí Le Témoignage Chretien.
Lúc đến tiếp xúc với Cha Chaillet để mời ông thuyết trình trong Đại Hội, Cha Chaillet đã cho tôi xem một vài tài liệu chứng minh rằng phong trào Việt Minh hiện đang bị chi phối bởi cộng sản và những lãnh tụ Việt Minh phần đông là những đảng viên cộng sản cốt cán. Theo tài liệu này, đảng cộng sản quốc tế và Pháp chỉ thị cho các đảng viên tích cực yểm trợ cho phong trào Việt Minh. Cha Chaillet cũng trưng ra những bằng chứng về những lãnh tụ Việt Minh như Hồ chí Minh, Phạm văn Đồng, Nguyễn lương Bằng, Trần huy Liệu, Võ nguyên Giáp là những đảng viên cộng sản lâu năm và đang hành động theo kế hoạch chung của cộng sản quốc tế. Cha Chaillet hỏi tôi khi đã biết việc này tôi còn quyết định đòi độc lập nữa không.
Tôi không ngần ngại trả lời rằng chúng tôi tuy không biết tường tận, nhưng cũng đoán được phong trào Việt Minh do cộng sản chi phối. Nhưng đa số dân Việt Nam thì tin tưởng phong trào Việt Minh là một phong trào cách mạng ái quốc và tách riêng việc đòi độc lập cho Việt Nam, dù do ai chủ xướng, cũng là một hành động xứng đáng. Người Công Giáo Việt Nam có thể không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản, nhưng lại ở cái thế bắt buộc phải ủng hộ việc đòi hỏi độc lập cho đất nước mình. Công Giáo Việt Nam đã mang tiếng là rước Pháp vào, là theo Pháp phản quốc, nay cách biện hộ tốt nhất là phải cùng với toàn dân Việt Nam đòi hỏi độc lập. Hơn nữa người Công Giáo Việt Nam là những công dân Việt Nam, phải làm những nghĩa vụ công dân cạnh những nghĩa vụ tín đồ Công Giáo.
Cha Chaillet gật gù, đồng ý thuyết trình trong Đại Hội. Tôi không nhớ hết nội dung bài thuyết trình của Cha Chaillet. Nhưng đại cương, Cha nói rằng theo đà tiến bộ và tiến hóa của nhân loại, đến lúc những quốc gia nhược tiểu đảm trách sứ mạng cai trị đất nước họ và những quốc gia văn minh thì có trách nhiệm phải tạo những điều kiện và phương tiện thuận lợi để những quốc gia nhược tiểu cựu thuộc địa trở thành những quốc gia độc lập thân hữu trong một cộng đồng thế giới hòa bình. Đại Hội đã nồng nhiệt tán dương bài thuyết trình của Cha Chaillet.
Sau Đại Hội, Tổng Giám Mục Ba Lê cho mời tôi lên. Tôi được gặp Linh Mục Tổng Thư Ký Tòa Tổng Giám Mục. Vị này cho tôi xem một Tuyên Ngôn ký tên 50 Tu Sĩ Việt Nam cam kết trung thành với nước Pháp, cùng những tài liệu chứng minh phong trào Việt Minh do cộng sản chi phối. Tôi hỏi lại vị Linh Mục này rằng Cha có nghĩ là 50 Linh Mục ký tên vào cái Tuyên Ngôn kỳ cục kia có đủ tư cách đại diện cho hơn triệu giáo dân Việt Nam hay không, nhất là trên phương diện chính trị. Vị Linh Mục làm một cử chỉ có thể coi như lối trả lời không biết. Tôi còn nêu nghi vấn là có thể số tên các Tu Sĩ ghi dưới Tuyên Ngôn kia không có sự đồng ý của các Tu Sĩ đó, một số những chữ ký có thể là giả mạo. Hơn nữa hiện nay có trên 1500 Linh Mục Việt Nam, hàng ngũ giáo phẩm Việt Nam chưa hề có một thứ đại hội nào đề cử 50 Linh Mục kia đứng ra lên tiếng thay thế cho họ. Tôi cũng nêu tên những vị Linh Mục nhiều uy tín mà tôi biết, không hề có tên trong Bản Tuyên Ngôn đó. Vị Linh Mục Tổng Thư Ký Tòa Tổng Giám Mục Ba Lê tỏ ra thông cảm và cho biết rằng ông sẽ không phổ biến rộng Bản Tuyên Ngôn này, và khuyên tôi dù sao cần thận trọng trong các hoạt động liên quan đến chính trị.
Trong những trang vừa qua, tôi phải viết về cái tôi rất nhiều, không phải vì tôi muốn được chú ý, được ca tụng, quan trọng hóa cá nhân mình. Nhưng chỉ vì tôi muốn trình bày rằng nhờ những hoàn cảnh và cơ hội đặc biệt, tôi đã có dịp tiếp xúc, kết thân, đôi lúc cộng tác với những nhân vật chính trị sau này sẽ làm thay đổi tình thế Việt Nam, đóng góp vào việc làm nên lịch sử Việt Nam.
Ba Lê thời bấy giờ không những chỉ là Thủ Đô nước Pháp mà còn là thủ đô đế quốc Pháp, là nơi tập trung và gặp gỡ những nhà cách mạng sau này sẽ làm sụp đổ đế quốc thực dân Pháp. Thời bấy giờ phần lớn những nhân vật đó đang hoạt động trong bóng tối, đang ở giai đoạn qui tụ lực lương, chiêu hiền đãi sĩ và do đó họ sẵn sàng kết thân với mọi người Việt Nam có chút học vấn và tài năng. Gặp gỡ họ, tìm đến với họ và đôi lúc giúp đỡ họ không phải là chuyện khó. Hơn nữa những người Việt Nam ở Ba Lê lúc đó ít nhiều ở trong tình trạng khốn quẩn, bị theo dõi, bị bắt bớ và do đó rất dễ có thiện cảm với nhau, rất dễ thương yêu đùm bọc nhau.
Bấy nhiêu hoàn cảnh, điều kiện đặc biệt đó đã giúp tôi chứng kiến hoặc tham dự vào nhiều biến cố trọng đại sau này, chuẩn bị cho tôi bước vào cái chỗ đứng mà tôi phải chiếm giữ sau này bên cạnh những nhân vật lịch sử Việt Nam. |
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN Tue 24 Oct 2023, 08:41 | |
| BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 L. M. Cao Văn Luận 3. Hy vọng và Tỉnh mộng của người Việt Nam ở Pháp
Tôi còn nhớ rõ ngày hôm đó, ngày Lễ Thánh Louis 25.8.1944. Hôm trước vài toán quân Đồng Minh đã lẻ tẻ tiến vào Thành Phố Ba Lê và tàn quân Đức đã rút khỏi Ba Lê. Vị Tướng Đức chỉ huy quân khu Ba Lê hình như không muốn giao tranh để tránh cho Ba Lê khỏi bị tàn phá. Những toán quân kháng chiến Pháp bắt đầu nổi lên, săn đuổi những đám tàn quân Đức khắp các ngõ đường. Khu tôi ở, Institut Catholique tương đối yên tĩnh. Nhưng tiếng súng nhỏ từ xa vọng lại, các Cha, các Thầy từng toán vài người tụm lại bàn tán, kháo tin. Tất cả đều lạc quan. Từ lúc biết được quân Đồng Minh đã bổ bộ lên Normandie, chúng ta biết chắc sớm muộn quân Đức cũng bại trận.
Điều lo lắng nhất của mọi người là quân Đức phòng thủ Ba Lê sẽ không chịu rút êm và sẽ chiến đấu liều lĩnh, quân Đồng Minh bắt buộc phải dùng những phương tiện lớn, như họ đã quen dùng ở nhiều nơi. Như vậy thành phố lịch sử này, với bao nhiêu di tích lịch sử vô giá, sẽ thành tro bụi.
Nhưng rồi một chuyện bất ngờ đã xảy ra. Sáng sớm ngày 25.8.1944, đài phát thanh của lực lượng giải phóng do Tướng De Gaulle lãnh đạo loan tin đoàn quân thiết giáp Pháp, do Tướng Leclerc cầm đầu, sẽ tiếp thu Ba Lê. Lộ trình đoàn quân giải phóng Pháp không được loan báo vì lý do an ninh. Nhưng ai cũng đoán được những con đường lớn mà đoàn quân thiết giáp của Tướng Leclerc sẽ đi qua. Chẳng hạn khu Arc de triomphe, Champs Élysée, Nhà Ga chính v.v…
Chẳng hiểu nhờ một nguồn tin đặc biệt nào, các Cha các Thầy ở Institut Catholique biết rằng đoàn thiết giáp của Tướng Leclerc sẽ vào cửa Porte D’Orléans. Tôi là một trong số những người hăng hái đến đứng chờ ở đó. Sự chen lấn làm tôi lùi lại phía sau đám đông. Tôi nhớ rõ, đang tìm chỗ cao để nhìn đoàn thiết giáp cắm đầy những lá cờ Pháp những bó hoa của dân chúng Pháp ném mừng, thì một người quen hốt hoảng chạy lại lôi tôi lên hàng đầu.
Đám đông dạt ra người nhường lối cho tôi qua, khi người lôi tôi đi hét to: ‘’Tránh đường, tránh đường, Cha đi xức dầu’’. Lúc đó tôi mới hiểu vì sao tôi được lôi ra hàng đầu. Hình ảnh mà tôi ghi nhận được khi bước ra khỏi rừng người là đoàn thiết giáp của Tướng Leclerc đã đi chậm lại. Tôi chợt hiểu nguyên nhân khi nhìn vào lề đường và mặt đường.
Một bà phước đã chồm lên hôn một binh sĩ trên thiết giáp lúc chiếc thiết giáp đang di chuyển với tốc độ tuy không nhanh lắm, nhưng cũng khoảng 10 cây số giờ. Bà đã bị kéo ngã, bánh xích sắt của thiết giáp đã nghiến lên bà, tôi mường tượng cảm thấy rằng ánh mắt bà phước còn long lanh, nhấp nháy, má bà còn ấm khi tôi đặt tay lên đó. Tôi làm phép xức dầu thánh và cầu nguyện ngắn ngủi cho bà.
Tai nạn này làm tôi bùi ngùi. Sao mới vui đó, hớn hở đó, mà nay đã nhắm mắt. Trong khu vực quanh xác bà phước, những tiếng reo hò yếu đi đôi chút. Trên mặt đường, vũng máu còn đọng lại. Đoàn thiết giáp chuyển bánh về hướng Ga chính, với tốc độ chậm mà đều. Từ năm năm nay, đây là lần đầu tiên tôi cùng dân chúng Pháp được thấy hình ảnh sức mạnh của nước Pháp.
Tôi cũng chung nỗi hân hoan với dân chúng Pháp. Nhưng rồi tôi chợt nghĩ sức mạnh này có thể dày xéo lên dân tộc tôi và tôi đã cúi mặt một lúc. Cuộc vui không còn vui được đối với tôi, và tôi đã bỏ về trước đám đông tản mác, trong lúc đoàn thiết giáp của Tướng Leclerc vẫn còn kéo dài, những tiếng reo hò vẫn vang dội, những bó hoa vẫn được tung lên ngập đường.
Tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn, suy nghĩ nhiều chuyện. Tôi thoáng nhớ đến những cuộc khởi nghĩa trong và sau thế chiến. Và kết quả của nó như thế nào thì mọi người đã biết. Ban nhiêu người Việt Nam thất bại và bị lưu đày thì lịch sử đã ghi. Tôi cũng đã biết được hiện nay ở nước nhà đang có một phong trào khởi nghĩa nhen nhúm, chưa biết do ai cầm đầu và có khả năng, đường lối như thế nào.
Nhưng tôi lo sợ cho họ, cho dân tộc mình. Dù đã bại trận, nhưng sức mạnh quân sự của nước Pháp cũng còn thừa đè bẹp mọi cuộc nổi loạn của dân tộc Việt Nam.
Trong các Việt kiều và sinh viên Việt Nam tại Pháp những người lúc bấy giờ tin tưởng rằng sau chiến thắng nước Pháp sẽ có một chính sách cởi mở hơn đối với các thuộc địa.
Họ dựa vào bài diễn văn của Tướng De Gaulle đọc tại Brazzaville 30.1.1944. Lúc tôi có vẻ ngờ vực điều đó, một vài người ca tụng De Gaulle nồng nhiệt, cam đoan rằng Tướng De Gaulle là người khôn ngoan, sáng suốt đã từng chịu cái khổ nhục của một kẻ mất nước, chiến đấu để giải phóng tổ quốc mình, ắt hẳn sẽ thông cảm được những đòi hỏi độc lập của dân tộc Việt Nam.
Họ trích đọc nguyên văn cho tôi nghe vài đoạn hứa hẹn quan trọng trong bài diễn văn đó. Chẳng hạn cái đoạn nói rằng nước Pháp có nhiệm vụ phải làm cách nào để các dân tộc tại các lãnh thổ thuộc địa tiến bộ dần đến trình độ có thể tự quản trị. Lại có đoạn chỉ thị cho các quan Toàn Quyền và Cao Ủy các lãnh thổ Pháp quốc hải ngoại phải nghiên cứu và áp dụng những cải tổ cần thiết thích hợp với tình thế mới và nếu cần không do dự trong việc cải tổ cơ cấu cai trị.
Tôi cũng rất muốn hy vọng như họ. Nhưng tôi hiểu rõ người Pháp và nước Pháp hơn họ. Người Pháp có thể nói là rất tốt, rất hồn nhiên, cởi mở dân chủ văn minh.
Nhưng đối với các nước nhược tiểu thì nước Pháp có chính sách riêng của nó, chính sách mà nhiều người Pháp có thể không đồng ý, nhưng vẫn được thi hành.
Nước Pháp đã được giải phóng nhanh chóng. Quân Đức phòng thủ Ba Lê đầu hàng mà không chiến đấu. Thành Phố Ba Lê không bị tan nát vì bom đạn trong lúc giao tranh.
Các di tích lịch sử Ba Lê vẫn được bảo toàn. Có tin đồn rằng sở dĩ Ba Lê tránh được cảnh điêu tàn là nhờ sự trung gian của một bậc thẩm quyền trong Giáo Hội. Cho đến nay điều này vẫn còn là bí mật lịch sử. Không ai hiểu được tại sao. Hình như Đức Tổng Giám Mục Thành Ba Lê đóng một vai trò quan trọng trong vụ này. Cho nên sau khi Ba Lê được giải phóng, mặc dù nhiều người chỉ trích ngài đã theo chính phủ Vichy và Đức, Tướng De Gaulle triệt để ra lệnh tôn trọng ngài, và một chủ nhật Tướng De Gaulle đã dự lễ do ngài hành lễ.
Thực ra cho đến nay không ai hiểu nguyên nhân nào đã xui Tướng Đức Von Choltitz đầu hàng một cách dễ dàng mà không chiến đấu.
Lịch sử chỉ ghi rằng Tướng Choltitz đã đầu hàng sau một cuộc thương thuyết mau chóng với ông Nordling, Đại Sứ Thụy Sĩ mà chưa chiến đấu và chưa gây cho Ba Lê một cảnh tàn phá nào.
Những cuộc vui của dân chúng Pháp những ngày sau chiến thắng càng làm cho tôi bùi ngùi.
Nước Pháp chỉ bị chiếm đóng vài năm. Nước Việt Nam tôi đã bị nô lệ mấy chục năm. Nếu được độc lập dân tộc Việt Nam vui sướng đến mực nào. Tôi không bao giờ quên được điều mơ ước đó. Thực ra cái mơ ước cho Việt Nam được độc lập, tự do và tiến bộ đã làm tôi phải bỏ dở luận án Tiến Sĩ.
Tôi không ân hận gì lắm, mặc dầu đôi lúc hơi tiếc. Nghĩ cho cùng thì lấy thêm vài bằng cấp không chắc gì đã có ích cho tôi, cho sự hiểu biết của tôi bằng những hoạt động chung với anh em sinh viên Việt Nam và các Việt kiều ở Pháp. Tôi hiểu tôi là một Linh Mục, nhưng là một Linh Mục Việt Nam. Tôi có bổn phận với Chúa, với Giáo Hội nhưng tôi cũng có bổn phận với tổ quốc, với dân tộc.
Tuy ngờ vực sự thành tâm của Pháp trong những hứa hẹn thi hành một chính sách cởi mở và tiến bộ đối với các thuộc địa, tôi vẫn chưa tắt hy vọng, vẫn chờ một phép lạ, và vẫn muốn nghĩ rằng những hoạt động của anh em sinh viên và Việt kiều, góp thêm vào những cuộc đấu tranh tại nước nhà sẽ giúp ích cho việc tranh thủ độc lập.
Cho nên tôi vẫn tiếp tục qua lại với các tổ chức sinh viên và Việt kiều như trước. Mọi người đều nuôi một ý thức khẩn trương và hăng hái hoạt động, có điều họ không nắm rõ chiều hướng hoạt động. Chỉ có một việc làm cụ thể nhất mà chúng tôi cố gắng là tập hợp, liên kết và tổ chức những sinh viên và Việt kiều trong khu vực Ba Lê, hy vọng gây được một thanh thế.
Những hoạt động của tôi và các sinh viên Việt kiều tại khu Ba Lê trong thời gian này thì có nhiều người biết, nên tôi thiết tưởng không nhắc đến nhiều làm gì.
Tôi chỉ xin kể lại một vài câu chuyện mà tôi cho là có ý nghĩa đặc biệt đã ghi đậm hơn vào trí nhớ tôi. Chẳng hạn mấy lần gặp gỡ với cựu Hoàng Đế Duy Tân, tức là Thái Tử Vĩnh San. |
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN Fri 27 Oct 2023, 09:36 | |
| BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 L. M. Cao Văn Luận 4. Vua Duy Tân và Phong Trào ‘’Cờ Tự Trị’’ tại Pháp
Vào mùa Đông năm 1944 ít lâu trước Lễ Giáng Sinh, một buổi tối tôi đang ngồi đọc sách trong phòng thì có tiếng gõ cửa. Tiếng gõ cửa hơi lạ. Một số những bạn bè thỉnh thoảng tìm tôi vào buổi tối gõ cửa khác, quen thuộc, mà tôi nhận ra. Thực ra lúc bấy giờ những tiếng gõ cửa vào ban đêm chưa làm tôi lo sợ, những hoạt động của tôi và bạn bè còn rất giới hạn và chưa có gì nguy hiểm.
Tôi đứng lên, mở cửa. Trước ngưỡng cửa hiện ra một người đàn ông Việt Nam khoảng 40 hay 45 tuổi, cao lớn, hơi gầy, tai lớn, khoác chiếc áo lạnh dày, khuôn mặt ông hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Tôi cố moi trong trí nhớ xem có người quen biết nào lâu năm không gặp lại, nay đến tìm tôi, nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy một nét quen thuộc nào. Tôi nhìn người đàn ông lạ chờ đợi. Ông ta chậm chạp cởi chiếc áo khoác, máng lên móc. Bấy giờ tôi thấy bên trong, ông mặc quân phục Pháp, mang cấp bậc Chuẩn Úy bộ binh Pháp.
Sau ngày nước Pháp được giải phóng, những người lính Việt Nam mang cấp bậc sĩ quan Pháp khá nhiều. Cho nên quân phục và cấp bậc không làm cho tôi nhớ lại điều gì.
Có thể đây là một người vừa từ các trại tù binh Đức được giải thoát. Có thể từ đoàn quân thuộc địa Pháp được đem vào giải phóng mẫu quốc.
Người đàn ông lạ tự giới thiệu:
– Thưa Cha, tôi là Vĩnh San.
Tôi lẩm bẩm, và trong đầu óc cố moi móc ra những cái tên Hoàng phái:
– Vĩnh San…Vĩnh San…
– Xin lỗi ngài, trong Hoàng phái có quá nhiều chi, nào là Bửu, Vĩnh… nên tôi không nhớ…
Người tự xưng là Vĩnh San mỉm cười:
– Thưa Cha, có lẽ nếu tôi nói đến một cái tên thứ hai của tôi thì Cha sẽ nhớ lại được. Thưa Cha, ngày xưa tôi là Hoàng Đế Duy Tân.
Tôi giật mình, nhìn người đàn ông hơi kỹ hơn, rồi do lòng kính phục tự nhiên mà bao nhiêu năm ôm ấp huyền thoại về một vị Vua trẻ tuổi, anh hùng đã tạo ra, tôi quì phục xuống theo nghi lễ triều yết:
– Hân hạnh được ra mắt ngài.
Nhưng cựu Hoàng Duy Tân, hay Thái Tử Vĩnh San vội vàng đỡ tôi dậy, cười tươi tắn, và kéo tôi vào ghế ngồi đối diện nhau:
– Xin Cha đừng nhắc nhiều đến chuyện cũ. Tôi đến đây chính ra để thưa với Cha những chuyện hiện tại, nhờ Cha giúp cho về vài chuyện hiện tại.
– Nếu có thể giúp được việc gì tôi xin sẵn sàng, nhưng xin hỏi ngài một câu: Làm sao ngài biết tôi, biết địa chỉ tôi mà đến tìm?
– Cha khiêm tốn quá không để ý đó thôi. Danh tiếng Cha trong giới Việt kiều ở hải ngoại đâu cũng biết. Khi đến Ba Lê, đã có người giới thiệu với tôi rằng nếu muốn đi vào giới Việt kiều ở đây, thì hãy tìm gặp Cha Cao Văn Luận. Tôi tìm gặp Cha cũng vì chuyện đó.
– Xin lỗi ngài, cho tôi hỏi thêm một câu để thỏa tính tò mò: Hiện nay tình trạng của ngài ra sao?
Cựu Hoàng Duy Tân châm thuốc hút, nhìn mơ màng trả lời:
– Bây giờ thì như Cha thấy, tôi là một Chuẩn Úy trong quân đội Pháp. Ngay sau lúc nghe tin Tướng De Gaulle lập lực lượng kháng chiến FFI (Forcés France caises de l’Intérieur) tôi đang bị giam ở đảo La Réunion lập tức xin gặp quan Toàn Quyền Pháp ở đó, và yêu cầu được gia nhập lực lượng kháng chiến chống quốc xã Đức và họ cho tôi đến Madagascar. Lời yêu cầu của tôi được thỏa mãn. Có lẽ vì họ muốn dùng tôi để lôi cuốn mấy ngàn Việt kiều ở Madagascar và dân Việt Nam ở nước nhà về phe kháng chiến chống Đức. Tôi được mang cấp bậc Chuẩn Úy, như ngài thấy. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta giúp nước Pháp trong hoạn nạn, hay ít ra tỏ lòng hào hiệp với nước Pháp trong lúc đó, thì có thể gây cho họ sự kính nể đối với ta, về sau họ phải nghĩ lại nhiều hơn khi tái chiếm Đông Pháp.
– Có thể hành động của ngài đúng nhưng chuyện về sau chưa biết thế nào.
– Đành vậy. Chuyện về sau thì bây giờ tôi đang lo đây. Lúc rời Madagascar, các Việt kiều, các sinh viên Việt Nam du học ở Pháp thì không có cách nào hay hơn là tìm gặp Cha. Cha rất được kính nể và quen biết rất nhiều trong giới Việt kiều ở đây.
Tôi có phần cảm động vì sự tin tưởng của các Việt kiều, cũng như của Cựu Hoàng Duy Tân, tôi thú nhận là từ khi sang Ba Lê, một phần lớn thì giờ của tôi đã được dành để tiếp xúc, sinh hoạt, hoạt động với các anh em sinh viên Việt Nam du học, các Việt kiều, các lính thợ ở lại Pháp sau Đệ Nhị Thế Chiến. Những Việt kiều tại Ba Lê, tôi đã tụ tập họ vào một hội Việt kiều Công Giáo Ba Lê, và sau này trở thành Giáo Xứ Việt Nam tại Ba Lê. Tôi không hiểu được tư tưởng, mưu định của Nhà Vua. Trong câu chuyện trao đổi đêm hôm Vua Duy Tân chỉ nói những chi tiết, những giai thoại về đời sống Việt kiều ở Madagascar. Tôi cũng chưa dám hỏi kỹ lưỡng, vì nghĩ rằng nếu người ta muốn nói thì không cần hỏi cũng nói, nếu muốn giấu thì hỏi họ lại càng giấu kín.
Câu chuyện trở lại việc Vua Duy Tân muốn tiếp xúc với các Việt kiều, các đoàn thể Việt Nam ở Pháp. Tôi thưa với ngài:
– Chuyện đó thì tôi có thể giúp ngài được. Tôi xin đề nghị là ngài nên tìm một cơ hội gặp chung một số sinh viên, trí thức ưu tú trước, sau đó tùy nhận xét của ngài, tùy mối thiện cảm của ngài gây ra được, ngài sẽ tiếp xúc riêng với từng người thì tiện hơn.
Vua Duy Tân gật gù, tán đồng ý kiến đó:
– Mọi việc xin nhờ Cha thu xếp.
Tôi hỏi địa chỉ ông ta và hẹn một tuần sau sẽ mời ông đến tham dự một buổi tiếp tân khiêm tốn do các hội đoàn Việt kiều tổ chức để đón mừng ông. Tiễn ông Vua cũ mà tôi chỉ nhớ qua những huyền thoại, ra khỏi cửa, lòng tôi bùi ngùi thương nhớ. Cuộc nổi loạn của Vua Duy Tân tuy thất bại, nhưng tiếng vang đã thức tỉnh dân chúng Việt Nam, đã nuôi dưỡng được ý chí quật cường của dân tộc trong bấy lâu nay. Trong lần gặp gỡ này, tôi chưa hiểu được Vua Duy Tân có còn là vị Vua anh hùng ngày xưa, dám đem ngai vàng thách đố với một cuộc phiêu lưu vô vọng.
Tôi chỉ ghi nhớ một việc khá rõ trong câu chuyện đêm hôm đó: Vua Duy Tân muốn trở lại hoạt động chính trị. Theo chiều hướng nào thì tôi chưa được biết. Nhưng tôi nghĩ cái chí nguyện đó rất đáng kính phục và giúp đỡ.
Mỗi người phải được một cơ hội để làm lại, để đem những khôn ngoan, kinh nghiệm học được trong thất bại, trong gian khổ, thử thách một lần nữa. Vì những ý nghĩ như vậy, tôi khá hăng hái lo việc tập họp các sinh viên trí thức Việt Nam tại Ba Lê và các Việt kiều ưu tú. |
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN Thu 02 Nov 2023, 07:06 | |
| BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 L. M. Cao Văn Luận 5.Những bí ẩn từ ‘’Lon’’ Chuẩn Úy đến ‘’Lon’’ Đại Tá của ông Vua Cách Mạng
Tôi kể chuyện lại với bạn Trần Hữu Phương, Trương Công Cừu và các anh em trong hội L’Amicale Des Annamites de France. Tất cả đồng ý tổ chức tại trụ sở của hội một buổi tiếp tân đơn giản chào mừng cựu Hoàng Duy Tân. Việc thu xếp, chuẩn bị chẳng có gì đáng nói. Chúng tôi thông báo rỉ tai cho nhau, và đến ngày đó, khoảng 30 người có mặt tại trụ sở. Một một người được đề cử liên lạc với Vua Duy Tân và hẹn giờ, ngày địa điểm, đón ngài đến hội.
Khi hay tin Vua Duy Tân đã đến Ba Lê và muốn gặp anh em, nhiều người có vẻ hồi hộp, hy vọng, dựng lên khá nhiều giấc mộng. Nhưng cũng có một số nhún vai: Cái gì đã qua nên cho nó qua luôn, kể cả những triều đại Vua Chúa. Nhưng tất cả cũng vui vẻ muốn gặp lại Vua Duy Tân ít ra là vì cảm phục, tò mò, nếu không phải là vì hy vọng vào tương lai.
Tôi nghĩ rằng cần phải giúp cho mọi người một cơ hội, cho nên ngoài việc triệu tập cuộc họp mặt giới hạn tại trụ sở hội L’Amicale Des Annamites de France tôi còn loan truyền tin Vua Duy Tân đến Ba Lê trong giới Việt kiều ở Pháp. Tôi phải nhìn nhận là huyền thoại về Vua Duy Tân vẫn còn đẹp lắm, vẫn còn được nhiều người say mê.
Trong câu chuyện, tôi thoáng nghe các Việt kiều kể lại với nhau cảm tưởng của họ, lòng kính phục của họ về cuộc khởi nghĩa thất bại, và sự thương xót của họ về số phận tù đày của Nhà Vua. Có lúc tôi cũng như một vài anh em lạc quan và mơ mộng, ước mong rằng cái tên Vua Duy Tân, uy tín và danh tiếng của ngài có khả năng tập họp được những người Việt Nam yêu nước ở Pháp, ở hải ngoại và tại nước nhà.
Lúc bấy giờ tôi đã phong phanh nghe tin về những hoạt động của đảng cộng sản Đông Dương, về những tên tuổi vang rền như Tôn đức Thắng, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn lương Bằng. Một chế độ quân chủ lập hiến tiến bộ sẽ bảo đảm cho Việt Nam không trôi vào một chế độ cộng sản, mà với tư cách người Công Giáo tôi không thể chấp nhận được. Tôi hy vọng thật mong manh. Mấy mươi năm tù đày, sống dưới sự kiềm tỏa của Pháp, không biết tâm tính của Vua Duy Tân có thay đổi gì không. Không có gì bảo đảm rằng vị Vua trẻ tuổi dám đề xướng cách mạng, dám hy sinh ngai vàng hồi còn là cậu thanh niên 16 tuổi, vẫn còn sống trong người đàn ông trên 40 tuổi, mang cấp bậc chuẩn úy trong quân đội Pháp.
Nhưng tôi không lúc nào hối hận hay do dự trong việc giúp đỡ Vua Duy Tân, vì theo tôi sự giúp đỡ không có tính cách ràng buộc và dấn thân mà chỉ có giá trị đưa ra một cơ hội, với nhiều chọn lựa. Nếu sự chọn lựa về sau của nhà Vua không phù hợp với ý hướng, mong ước của tôi, thì tôi vẫn có thể rút lui, và chỉ làm nhân chứng mà thôi.
Tôi thoáng hiểu rằng Vua Duy Tân muốn dựa vào nước Pháp. Điều đó có thể là một cái thế bắt buộc đối với Việt Nam và Đông Pháp. Nước Pháp không thể nào để mất Đông Pháp. Việc thu xếp với nước Pháp cho Việt Nam có một chỗ đứng thích hợp, xứng đáng là điều cần thiết, miễn là chỗ đứng không quá thiệt thòi nhục nhã và giữ vẹn những khả năng, những cơ hội để tiến bộ, dành thêm những chủ quyền quốc gia.
Tôi suy nghĩ cũng khá nhiều về tương lại, về số phận đất nước và nhất là về những đe dọa đè nặng lên số phận đó trong lịch sử những phong trào khởi nghĩa. Khuôn mặt một minh chủ rất cần thiết, đó là điều dĩ nhiên. Nhưng ai sẽ là minh chủ xứng đáng để qui tụ quần thần, tả hữu, toàn dân.
Trong giới khuynh tả, cộng sản, hình như một thứ minh chủ đã bắt đầu xuất hiện, một cụ già thường được gọi là Bác, một con người bí mật mà mỗi khi nói đến nhiều người dù bất đồng chính kiến cũng phải cảm phục. Nhưng trong giới người Việt Nam yêu nước, khuynh hữu, bảo hoàng, thì chưa có một vóc dáng minh chủ nào hiện rõ. Có ba vị Vua đôi lúc được nhắc đến Bảo Đại, Hàm Nghi, Duy Tân.
Đến buổi tiếp tân, anh em sinh viên và Việt kiều đến đủ trước giờ. Vua Duy Tân đến, tươi cười bắt tay mọi người. Một số như Phạm Huy Thông, Võ Văn Thái, Trần Hữu Chương, Trần Đức Thảo xúm lại hỏi về quá khứ.
Cựu Hoàng lắc đầu, vẻ mặt trầm ngâm, như thẹn thùng, như đau xót:
– Xin các anh em hãy cho những việc đã qua được đi qua luôn. Chúng ta nên nói những chuyện hiện tại. Bây giờ chúng ta nên làm gì?
Các anh em chờ đợi. Vua Duy Tân ngừng một phút, cho mọi người chăm chú hơn rồi nói tiếp:
– Quân Đồng Minh sẽ thắng ở Thái Bình Dương. Phát xít Nhật sẽ bại trận ở Á Châu, cũng như Đức Ý đã bại trận ở Âu Châu. Và nước Pháp với binh hùng tướng mạnh sẽ trở lại Việt Nam. Chúng ta cần phải chọn lựa một thái độ. Chống Pháp hay thân Pháp. Hiện nay tại nước nhà một phong trào cộng sản đang nổi lên, liên kết với phong trào cộng sản quốc tế. Chúng ta lại phải cần hợp tác với Pháp để chống lại phong trào cộng sản. Chúng ta vẫn đòi độc lập, tuy nhiên cũng đành chấp nhận một số những điều kiện của người Pháp.
Một người thắc mắc hỏi thêm:
– Thưa ông…
Mọi người vẫn gọi Vua Duy Tân là ông, và đó là ý muốn của ông, ông không muốn được gọi là Đức Vua hay Hoàng đế bệ hạ chi cả. Vậy một người hỏi:
– Thưa ông, hợp tác với Pháp cũng được, nhưng hợp tác như thế nào? Theo cương vị nào?
Vua Duy Tân do dự một lúc. Nét mặt ông có vẻ băn khoăn, rồi cuối cùng Nhà Vua trả lời:
– Người Pháp đang cần sự hợp tác của chúng ta để tái chiếm Đông Pháp. Họ có thể chấp nhận cho ta thành một quốc gia tự trị trong Liên Hiệp Pháp.
Thiết tưởng điều đó cũng không trái với quyền lợi quốc gia. Dần dà chúng ta đòi thêm quyền hành về cho chúng ta. Trước binh lực hùng hậu của Pháp, và hậu thuẫn của Đồng Minh Tây phương. Chúng ta biết làm gì hơn? Chống Pháp. Chúng ta đã thấy những tấm gương chống Pháp, và tôi đây là nạn nhân của một lối chống Pháp nóng nảy vụng về. Rồi đất nước chúng ta sẽ phải chịu một cảnh chiến tranh tàn khốc mà kết quả chưa biết là thắng hay bại.
Nhiều người vẫn chưa hài lòng về những câu trả lời của Vua Duy Tân, nhưng phần lớn e ngại không muốn bộc lộ. Bữa tiệc trà kết thúc, và có thể nói mọi người ra về với cả băn khoăn. Tôi có phần thất vọng. Ở Vua Duy Tân, tôi không thấy tài năng hay đức độ. Tuy nhiên trước con người dày dạn, da sạm đen, tai rộng, mặt nở nang tôi thấy kính nể vài phần.
Trước khi chia tay, tất cả mọi người đứng chung chụp vài tấm hình kỷ niệm. Có lẽ ngày nay không còn ai có một bức hình này, vì có một lúc mọi người tự coi là ở cái thế bắt buộc phải chối mọi liên hệ với Vua Duy Tân. Điều này tôi xin kể sau.
Khoảng hơn hai tuần, có lẽ vào cuối năm 1944, Vua Duy Tân trở lại gặp tôi và các anh em Việt kiều, sinh viên. Lần này, tôi thấy ông thay đổi nhiều. Trước hết là y phục. Ông mặc quân phục sang trọng, đúng một thẳng nếp và lại là loại quân phục dạo phố. Ở cầu vai ông mang có cấp hiệu Đại Tá bộ binh Pháp. Tôi linh cảm như có một sự thay đổi trọng đại hơn ở Vua Duy Tân, trọng đại gấp mấy lần sự thay đổi hình thức y phục.
Vua Duy Tân cho biết rằng, ông được người Pháp giúp đỡ thành lập một đạo quân toàn người Việt Nam, với mục đích sẽ đi tiền phong trong cuộc hành quân tái chiếm Đông Pháp. Hiện nay đạo quân này do ông cầm đầu, và tuyển mộ được một tiểu đoàn. Tiểu đoàn này được đem sang đóng ở Constance, bên Đức.
Phần lớn quân số tiểu đoàn này là những lính thợ, lính khố đỏ, và một số ít người Việt Nam gia nhập kháng chiến ở Madagascar và các thuộc địa khác. Tôi bắt đầu thấy rõ mưu mô của người Pháp. Họ muốn dùng Vua Duy Tân như một lá bài. Chính Vua Duy Tân biết điều đó, nhưng lại chấp nhận hợp tác với người Pháp.
Pháp đã để lộ ý định chia Việt Nam làm ba quốc gia tự trị trá hình, riêng biệt: Nam Việt, hay Cochinchine, thành một vương quốc do Vua Duy Tân cai trị. Trung Việt, hay Annam, sẽ trao cho Bảo Đại, và hình như miền Bắc, thì do áp lực của Mỹ, Pháp phải dành cho các đảng phái cách mạng. Tôi không được biết lúc bấy giờ người Pháp có nghĩ đến chuyện giao miền Bắc cho Hồ chí Minh hay không.
Vua Duy Tân đề xướng ra phong trào cờ Tự Trị, dự định tổ chức các Việt kiều ở Pháp thiện cảm với ông thành một đảng. Tôi thấy quá rõ là nỗ lực của ông sẽ thất bại, sẽ không qui tụ được bao nhiêu người. Những thành phần ưu tú thấy ông đã quá dễ dãi với Pháp, bắt đầu xa lánh ông.
Tuy nhiên cái huyền thoại ngày xưa của ông cũng lôi cuốn được một số nhỏ, phần lớn là lớp lính thợ, lính khố đỏ hay Việt kiều gốc lính thợ ở lại lập nghiệp trên đất Pháp.
Tôi cũng xin kể ra cái tình trạng của các Việt kiều ở Pháp trong thời gian này, để hiểu rõ hơn vì sau Vua Duy Tân không qui tụ được đông đảo Việt kiều. Lúc bấy giờ Việt kiều tại các xưởng máy được đối xử thua thiệt vô cùng so với thợ thuyền Pháp đồng khả năng và nhiệm vụ. Lương của họ có thể chỉ bằng 1 phần 3. Muốn được đối xử và hưởng quyền lợi ngang hàng như thợ thuyền Pháp, thì người Việt Nam ở Pháp lúc bấy giờ có một cách gần như là duy nhất: Gia nhập Tổng Liên Đoàn Lao Động Pháp (CGT). Lúc đó và cho đến bây giờ, Tổng Liên Đoàn Lao Động Pháp chi phối vào trong tổ chức này thì kể như đã trở thành cảm tình viên của đảng cộng sản Pháp.
Tôi và các Cha hiểu rõ tình trạng này, riêng tôi cố gắng hoạt động trong giới thợ thuyền Việt kiều ở Pháp khuyên họ gia nhập Liên Đoàn Công Nhân Công Giáo.
Về quyền lợi, nếu gia nhập Liên Đoàn Công Nhân Công Giáo (CFTC), Việt kiều cũng sẽ được hưởng đồng đều như người Pháp, nhưng vì người Việt Nam thích a dua, và thấy đã có nhiều Việt kiều vào CGT, họ cũng gia nhập luôn cho tiện.
Tôi nghe nhiều người đồn rằng phong trào Cờ Tự Trị của Vua Duy Tân gặp nhiều trở ngại từ một tổ chức chính trị Việt Nam ở Pháp, có lẽ chi nhánh đảng cộng sản Đông Dương. Trong các trại lính Việt Nam ở Pháp, những đảng viên Cờ Tự Trị có thể bị thủ tiêu rồi chôn ngay trong trại lính. Nhiều trường hợp như vậy xảy ra mà các sĩ quan Pháp không có cách gì khám phá và trừng phạt thủ phạm, vì những người chung quanh quá sợ sự khủng bố, không bao giờ tố cáo.
Sau lần gặp gỡ Vua Duy Tân nói trên, tôi không còn gặp gì ông nữa. Tôi có hay tin ông sắp về nước, và trước khi về được người Pháp cho mượn máy bay quân sự Pháp sang Algérie thăm Vua Hàm Nghi đang bị giam lỏng ở đó. Một buổi sáng tôi đang đọc sách trước phòng thì một anh sinh viên Việt Nam đến gõ cửa, trao cho tôi một tờ báo Pháp. Tiếng anh run cảm xúc:
– Thưa Cha, Vua Duy Tân tử nạn rồi.
Tôi cũng giật mình hỏi lại:
– Tử nạn làm sao?
Anh sinh viên chỉ tờ báo. Tôi đứng lật tờ báo ra đọc. Chỉ là một tường thuật ngắn ngủi tai nạn máy bay trên đường từ Pháp sang Algérie. Nạn nhân được chú ý nhất trên máy bay là Vua Duy Tân. Tờ báo cũng đăng mấy dòng tiểu sử của nhà Vua, và ca ngợi lòng trung thành với Pháp quốc của ông.
Tôi không hiểu rõ chuyện gì xảy ra. Trong thời kỳ nước Pháp vừa được giải phóng, những cuộc thủ tiêu, ám sát ngay trong hàng ngũ Pháp cũng là chuyện thường bữa. Nhiều tin đồn cho rằng máy bay không bị tai nạn kỹ thuật, mà bị phá hoại. Trong quân đội Pháp, ở mọi ngành, đều có những đảng viên cộng sản và cũng có một số lính thợ, lính gác Việt Nam. Rất có thể một trái bom nổ chậm có đồng hồ đã được gài sẵn trong máy bay, và khi máy bay ra giữa Địa Trung Hải thì bom nổ.Từ Pháp sang Algérie, máy bay chỉ bay qua biển. Một chiếc máy bay bị nạn rơi trên mặt biển mênh mông thì còn dấu tích gì nữa. Giả thuyết thứ nhất được nhiều người nói đến là cộng sản đã thủ tiêu Vua Duy Tân, vì nhận thấy uy tín của ông sẽ gây trở ngại cho họ hơn là những nhân vật như Bảo Đại, Hàm Nghi. Vua Duy Tân là một yếu tố bất ngờ trong ván bài của cộng sản. Họ không chắc hẳn Vua Duy Tân ngoan ngoãn đầu hàng người Pháp, hay là Vua Duy Tân còn có mưu mô nào.
Giả thuyết thứ hai được nhắc đến lúc bấy giờ thì do những người thiện cảm với Vua Duy Tân, đưa ra. Giả thuyết này nói rằng chính Pháp hãm hại Vua Duy Tân, vì nhận thấy ngài tuyên bố hợp tác ngoài mặt, nhưng thâm tâm đã cí dự tính lúc được lên ngôi, sẽ tuyên cáo với quốc dân một nền độc lập hoàn toàn, đặt người Pháp trước một việc đã rồi rất khó xử.
Cho đến nay bí mật về cái chết của Vua Duy Tân vẫn còn hoàn toàn, và xem chừng lịch sử không còn chịu vén lên một lần nào nữa. Sau cái chết của Vua Duy Tân, phong trào Cờ Tự Trị do ông sáng lập sống leo lét thêm vài tháng nữa rồi tan rã dần, không thấy ai nhắc lại nữa. Đất nước bắt đầu những biến chuyển lớn và câu chuyện Vua Duy Tân bị quên lãng mau chóng. Thỉnh thoảng nhớ lại, tôi vẫn bùi ngùi, thắc mắc. Bao nhiêu năm tù đày đã không dạy khôn được cho Vua Duy Tân hay sao? Sự hợp tác với Pháp mà Vua Duy Tân chọn là tự tâm hay chỉ là chiến thuật, là thủ đoạn, là một lối hoãn binh chi kế? Có lẽ vì nhận xét vội về Vua Duy Tân cho nên trong những tháng cuối cùng đời ông, tôi đã không tìm dịp làm thân và gặp gỡ nhiều. Ông cũng không thân với một ai mà tôi được biết ở Ba Lê. Lúc bấy giờ tôi lại chưa hề có ý nghĩ là những lời nói, những ý kiến của tôi có thể giúp ích gì cho Vua Duy Tân. Tôi chưa có một dự tính nào về một vai trò cho mình trong lịch sử Việt Nam, hay cạnh những người có hy vọng làm lịch sử Việt Nam. Đôi lúc tôi tự hỏi nếu tôi giảng giải, khuyên ngăn, đưa ý kiến thì Vua Duy Tân có thay đổi kế hoạch không, và lúc đó, lịch sử Việt Nam sẽ được viết lại như thế nào? Một triều đại Duy Tân có khá hơn một triều đại Bảo Đại không? Đôi lúc nghĩ tôi không khỏi cảm thấy ân hận đã bỏ lỡ cơ hội, có lẽ vì sự ân hận do việc này gây ra, mà sau này có đôi lúc tôi làm việc có phần hăng hái, đối với một vài người làm chính trị và làm lịch sử. Có lẽ vì vậy nên về sau tôi thẳng thắn và nhanh miệng hơn. |
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN Thu 09 Nov 2023, 08:18 | |
| BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 L. M. Cao Văn Luận 6. Trung thành với mẫu quốc…
Sang năm 1945, nước Pháp sau những niềm hân hoan chính trị thù nghịch bắt đầu mâu thuẫn. Tướng De Gaulle thấy khó làm được việc gì, đã tự ý rút lui, và ông Bidault thuộc đảng MRP lên làm Thủ Tướng. Chủ trương của ông Bidault cũng như của đảng này, và có thể nói là của tất cả các đảng chính trị Pháp, là phải giữ các thuộc địa, vì có thuộc địa thì nước Pháp mới được liệt vào hàng cường quốc trên thế giới.
Trong số các thuộc địa của Đông Pháp được coi là quan trọng nhất vì những lý do dễ hiểu: Vị trí chiến lược của Đông Pháp, cách riêng Việt Nam trên thế giới, quyền lợi của Pháp ở Đông Pháp rất nhiều và rất lớn, vốn liếng Pháp bỏ ra ở Việt Nam kể ra khá lớn, và Pháp muốn có thì giờ nhiều hơn để thu lời về gấp trăm ngàn lần vốn.
Trong thời gian này tôi có tiếp xúc với một vài nhân vật chính trị Pháp, hoặc là những lãnh tụ trong các chánh đảng, hoặc là các dân biểu. Ở ai, tôi cũng nghe họ nói đến quyền lợi nước Pháp là trên hết, và không thể nào suy suyển cái quyền lợi tối thượng đó, vì những sự đấu tranh gành độc lập dù rất chính đáng của các nhược tiểu.
Bài diễn văn của Tướng De Gaulle tuy chẳng hứa hẹn gì nhiều cho các xứ thuộc địa, vậy mà các đảng phái chính trị cũng lo ngại là đã hứa hẹn quá nhiều, và họ không muốn nhắc lại nữa. Họ coi những hứa hẹn đó chỉ là thủ đoạn trong lúc hoạn nạn, để tranh thủ dân thuộc địa khỏi nổi lên phản lại Pháp, nay Pháp đã mạnh, không cần giữ lời hứa. Hơn nữa Tướng De Gaulle đã ra đi.
Một lãnh tụ trong đảng MRP của ông Bidault đã nói chuyện với tôi khá lâu và thành thật. Ông biết tôi đang chú ý đến những phong trào đấu tranh ở nước nhà. Người Pháp có sự thành thật rất dễ thương. Họ có thể tách rời những thiện cảm riêng tư với lòng ái quốc của người Pháp.
Kẻ mà tôi nói trên đây, tỏ ra rất thông cảm những lo âu, những mong muốn của tôi, và có lẽ vì thế, vì không muốn cho tôi rơi vào những tính toán ngây thơ, đã không cho tôi biết về những kế hoạch của Pháp đối với Đông Pháp và các thuộc địa.
Cách riêng đối với Đông Pháp, thì chủ trương của đảng MRP và hầu hết các đảng chính trị Pháp lúc bấy giờ, là phải chiếm lại bằng mọi giá. Những cuộc thương thuyết với Anh, Mỹ, Trung Hoa hiện đang diễn ra trong hậu trường để chuẩn bị cho cuộc tái chiếm Đông Pháp. Những quan Toàn Quyền, những lực lượng tái chiếm đã được chỉ định.
Phương lược tiếp thu Đông Pháp cũng đã được thỏa thuận với Anh, Mỹ và Trung Hoa. Tuy nhiên người Pháp cũng hiểu rằng chẳng có gì bất biến, vì vậy rất có thể vì áp lực từ phía Mỹ, Trung Hoa, và vì những cuộc tranh đấu của dân chúng Đông Pháp, Pháp có thể bằng lòng cho Việt Nam một nền tự trị rất hạn chế, nhưng trước khi cho tự trị, Pháp đã mưu mô chia Việt Nam ra làm ba hay bốn quốc gia riêng biệt, tình trạng Lào, Cao Miên, thì Pháp cho là không cần thay đổi. Họ quan niệm rằng một khi giải quyết được vấn đề Việt Nam, tức là giải quyết được cả Đông Pháp. Lào là một dân tộc dễ dãi, tinh thần quốc gia còn non yếu, ý thức chính trị không được vững vàng, dân số thưa thớt, đất đai thì rộng quá. Chẳng những họ không nghĩ đến chuyện chống Pháp đòi độc lập, mà không chừng họ còn mời Pháp ở lại lâu hơn, nếu họ hiểu rằng không có Pháp thì đe dọa lớn nhất đối với họ là khối dân Việt Nam bên kia dãy Trường Sơn.
Tôi nói cho vị lãnh tụ đảng MRP biết rằng những tính toán của nước Pháp chưa chắc gì đã tốt đẹp và có lợi cho nước Pháp. Rất có thể vì ham hố, muốn giữ cả, mà rồi theo như tục ngữ Việt Nam, lại phải ‘’ngã về không’’.
Ông ta cũng có những lo ngại như vậy, nhưng ông ta cho biết vì tự ái dân tộc, nước Pháp không thể để uy thế của mình suy suyển một chút gì, nhất là mới sau chiến thắng.
Bất cứ chánh phủ nào không giải quyết vấn đề thuộc địa một cách khôn khéo, thích hợp, sẽ bị đổ lập tức. Nếu trả độc lập ngay cho các thuộc địa, thì dễ dàng quá, nhưng sẽ làm cho nhiều đảng đối lập vịn vào cớ đó chê chính phủ yếu, đầu hàng, phản quốc, và lật đổ chính phủ này trong 24 tiếng đồng hồ.
Trong thời gian đầu năm 1945, nhiều biến cố dồn dập. Các sinh viên và Việt kiều linh cảm được sẽ có những biến cố trọng đại xảy đến cho dân tộc Việt Nam đều nao nức muốn làm một cái gì, nhưng cái gì phải làm thì họ chưa hiểu rõ. Việc đầu tiên mà tôi khuyên họ nên làm là tập họp các Việt kiều sinh viên lại trong một đoàn thể có tổ chức, có sinh hoạt. Công việc này đang được xúc tiến thì chúng tôi hay tin hai sinh viên Việt Nam được Bộ Pháp Quốc Hải Ngoại, tức là Bộ Thuộc Địa gọi lên, và ít hôm sau trên đài phát thanh Pháp, trên đài phát thanh Viễn Đông, trên một số báo chí Pháp, một tuyên ngôn mệnh danh là của những Việt kiều, sinh viên Việt Nam du học ở Pháp được phổ biến.
Tuyên ngôn này, nhân danh những Việt kiều ở Pháp, những sinh viên Việt Nam du học ở Pháp, nhận thấy rằng những người Việt Nam ở Pháp, cũng như cả dân tộc Việt Nam rất lấy làm hân hoan thấy nước Pháp trở lại địa vị cường quốc trên thế giới, chúc tụng nước Pháp chiến thắng quốc xã Đức, cầu mong cho nước Pháp và đồng minh đánh đuổi phát xít Nhật khỏi Việt Nam và Đông Pháp. Vậy nhân danh những Việt Nam sinh viên Việt Nam ở Pháp, và thay cho dân tộc Việt Nam, tuyên bố trung thành với nước Pháp, sẵn sàng đem Việt Nam vào Liên Hiệp Pháp.
Khi bản tuyên ngôn này được phổ biến, mọi giới Việt kiều sinh viên đều phẫn nộ và muốn phải hành động, phải lên tiếng. Lập tức Hội Federation Des Indochinois De France được thành lập, với một ban chấp hành gồm 12 ủy viên. Bửu Hội làm Chủ Tịch, Trần Hữu Phương Tổng Thư Ký, các ủy viên khác thì cũng toàn là những sinh viên mà tôi quen thân, như Trần Đức Thảo, Phạm Huy Thông, Hoàng Xuân Mãn.
Công việc đầu tiên, là ra một tuyên ngôn bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp và Anh, phủ nhận tuyên ngôn của hai sinh viên kia, và không chấp nhận trở lại tình trạng thuộc địa của Pháp, đòi cho Việt Nam phải được độc lập trật tự. Tuyên ngôn này lời lẽ rắn rỏi, lập luận vững chắc, và đọc lên người Việt Nam nào cũng phải cảm động, vì từng tiếng, từng dòng hàm chứa cả linh hồn yêu nước của anh em sinh viên, Việt kiều. Sau khi bàn luận, Trần Đức Thảo có nhiệm vụ soạn tuyên ngôn, tuyên ngôn được in ra, nhân danh hội Federation Des Indochinois, và được gửi đi các Sứ Quán ngoại quốc, các Tòa Lãnh Sự, đại diện cơ quan báo chí khắp nước. Nó làm cho chính phủ Pháp có vẻ bối rối, và tức giận. Chỉ mấy hôm sau thì chúng tôi hiểu rõ phản ứng của chính phủ Pháp: Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Mãn, Phạm Huy Thông bị bắt giam vào nhà lao Prison De La Santé.
Tôi được Tòa Tổng Giám Mục Ba Lê can thiệp nên không bị bắt giam. Ngay vài hôm sau, tôi có tìm cách vào thăm Trần Đức Thảo và mang quần áo, thức ăn cho các anh em trong nhà lao Prison De La Santé. Đây cũng là nơi trước kia có lần đã giam giữ Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền, Phan Chu Trinh.
Sau vụ bắt bớ này Hội Federation Des Indochinois không hoạt động công khai được nữa. Tôi lại tập hợp các Việt kiều Công Giáo thành một hội mới là Association Des Catholiques Vietnamiens De France, gọi tắt là ACVNF, sẽ là nguồn gốc của Giáo Xứ Việt Nam tại Ba Lê sau này.
Tôi không nhớ rõ là vào tháng nào, nhưng khoảng mùa Thu năm 1945, có thể đầu tháng 9, Bộ Thông Tin Pháp trao cho chúng tôi một bản thông điệp của 5 vị Giám Mục Việt Nam (có các Đức Cha Nguyễn Bá Tòng, Lê Hữu Từ…) đòi nước Pháp phải trao trả độc lập cho Việt Nam, và kêu gọi những thành phần dân chúng Pháp tiến bộ hãy ủng hộ sự đòi hỏi chính đáng này, để tránh cho hai nước cái cảnh trở nên thù nghịch nhau. |
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN Tue 14 Nov 2023, 08:18 | |
| BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 L. M. Cao Văn Luận 7.Cộng sản Pháp và nền độc lập ở Việt Nam
Tin Nhật đầu hàng, và chính phủ Việt Nam tuyên bố độc lập cũng đã đến tai chúng tôi. Người Pháp, trên tư cách một người, thì tôi thấy có rất nhiều người thiện cảm với phong trào đòi độc lập của Việt Nam. Khi nhận được thông điệp của các Giám Mục Việt Nam, tôi in ra khoảng một trăm ngàn bản, nhờ các hướng đạo sinh Pháp đi phát ở các nhà thờ tại Ba Lê, khu phụ cận và những Tỉnh quanh Ba Lê.
Sau khi thông điệp này được phổ biến vài hôm thì một số anh em trong ACVNF bị bắt, trong đó có Nguyễn Hy Hiền, nhưng chỉ vài ngày là được thả, có lẽ nhờ có sự can thiệp bên trong của Tòa Giám Mục Ba Lê.
Tôi nhận thấy tình thế đã khẩn trương lắm rồi, và phải cố gắng làm cho những người có trách nhiệm trong chính phủ Pháp suy nghĩ kỹ hơn trước khi quyết định điều gì về Việt Nam.
Có lẽ chúng tôi đã hành động vì tuyệt vọng thì nhiều hơn. Chúng tôi rất ít hy vọng những hoạt động của chúng tôi có thể thay đổi chiều hướng lịch sử. Tuy nhiên chúng tôi không thể nào ngồi yên nhìn lịch sử bi thảm diễn ra.
Tôi tổ chức một buổi họp mặt, hay gọi là hội nghị, một cuộc hội thảo gì cũng được. Ngoài anh em sinh viên, Việt kiều, tôi còn mời nhiều nhân vật Pháp, và những người bạn Pháp có thiện cảm với Việt Nam.
Trong số này tôi nhớ có Dân Biểu hạt là ông Borthien, thuộc đảng Xã Hội Pháp, nổi tiếng là rất tiến bộ và chủ trương trả độc lập cho Việt Nam, ông là bạn thân của Hồ chí Minh. Cha Chaillel, Chủ Nhiệm tạp chí Temoignage Chrétien thì được mời thuyết trình.
Cha Chaillel đã ngần ngại lâu trước khi nhận lời. Lúc tôi ngỏ ý mời Cha thuyết trình quanh vấn đề nước Pháp với nền độc lập của Việt Nam, thái độ của người Công Giáo đối với vấn đề chính trị v.v…, ông tỏ ra trầm ngâm, đi bách bộ trong phòng riêng của ông mấy vòng rồi ông rút ở một hộc tủ khóa ra một tập hồ sơ khá dày, trao cho tôi.
– Cha đã biết những điều này chưa?
Dĩ nhiên là tôi chưa biết, vì tôi chưa đọc những hồ sơ tài liệu này bao giờ. Tôi đọc vội. Đó là những báo cáo và những chỉ thị của trung ương đảng cộng sản Pháp, cho các phân bộ đảng tại Pháp và Đông Pháp.
Nội dung chỉ thị nói rằng hiện nay ở Việt Nam, một phong trào cộng sản đang nổi lên đòi độc lập, phong trào này hành động theo đường lối cộng sản quốc tế. Vậy thì những đảng viên nòng cốt của cộng sản Pháp phải kín đáo nhưng tích cực giúp đỡ phong trào cộng sản Việt Minh.
Tập tài liệu có chỗ nêu rõ tên những lãnh tụ cộng sản như Hồ chí Minh, Trần huy Liệu, Nguyễn lương Bằng, Phạm văn Đồng và những lý lịch, thành tích của họ, nhằm chứng minh rằng họ là đảng viên cộng sản trung kiên, có đảng tịch lâu năm, và đáng tin cậy lắm.
Trong năm 1945, các Việt kiều và sinh viên Việt Nam tại Pháp chưa biết chia rẽ là gì. Niềm hân hoan, hãnh diện dân tộc đã phủ lên mọi bất đồng chính kiến có thể có. Cộng sản cũng chưa để lộ tính chất tàn bạo của nó. Tại Pháp chắc chắn đã có những tổ chức của đảng cộng sản Đông Dương, nhưng chưa công khai ra mặt, chưa nhân danh cộng sản để lên tiếng. Mọi người Việt Nam lưu lạc tại Pháp chỉ biết một điều: Nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Nhưng bắt đầu từ năm 1946, những mầm mống chia rẽ bắt đầu. Ngay trong nội bộ những đoàn thể Việt kiều và sinh viên Việt Nam mà tôi đã góp công gây dựng nên, cũng bắt đầu xuất hiện sự chia rẽ. Một vài anh em đặt chính kiến lên trên tình đồng bào… Trong những cuộc gặp mặt, nhiều anh em không đến. Một lần, hai lần không đến thì có thể cho là tình cờ, là bận rộn, nhưng năm mười lần không đến thì chỉ có thể là cố tình.
Lại có một số anh em công khai lên tiếng biện hộ cho chính kiến của họ. Những cuộc tranh luận thoát ra khỏi khuôn khổ của sự thảo luận, của sự học hỏi, mà trở thành những cuộc cãi vã lớn tiếng đầy thù hằn thường xuyên xảy ra giữa các tổ chức Việt kiều và sinh viên. Chỉ trong ít lâu thì hầu hết những tổ chức Việt kiều và sinh viên Việt Nam tại Pháp mà chúng tôi gây dựng nên không còn hoạt động đều đặn, thường xuyên nữa, mà chỉ hoạt động tùy hứng, tùy nhu cầu, nghĩa là khi có việc thì anh em vẫn còn họp mặt lại với nhau được.
Cái ngày đánh dấu sự cáo chung của tình đoàn kết, có thể là ngày phái đoàn Phạm Văn Đồng sang Ba Lê. Tôi không thấy lịch sử nói đến phái đoàn này. Tôi nhớ là vào độ mùa Xuân 1946, như là cuối tháng ba, đầu tháng tư thì phải. Nhất định là sau cái gọi là thỏa ước 6 tháng ba giữa Sainteny và chính phủ Việt Minh.
Phái đoàn Phạm văn Đồng, trên danh nghĩa là phái đoàn quốc hội Việt Nam thăm viếng thiện chí nước Pháp. Phái đoàn gồm có Phạm văn Đồng, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn tấn gi Trọng, Hoàng minh Giám, và một số người tôi không nhớ tên hết.
Báo chí, tin tức Pháp chẳng nói gì đến chuyến viếng thăm của phái đoàn Phạm văn Đồng, tuy nhiên các Việt kiều đã được thông báo bằng điện tín không phải từ nước nhà, mà hình như là từ một tổ chức công chức ở Pháp. Tôi được cử dẫn đầu những anh em sinh viên, Việt kiều ra phi trường Orly đón tiếp phái đoàn Phạm văn Đồng.
Tôi ngạc nhiên vì phi trường không có vẻ gì là sắp đón tiếp một phái đoàn quốc hội của một quốc gia, dù là quốc gia nhỏ bé. Phòng khách nơi mà phái đoàn sẽ đến trước tiên vẫn không khác gì ngày thường. Chính phủ Pháp hình như chẳng cử nhân vật nào quan trọng ra đón tiếp, và cũng chẳng có nghi lễ đón tiếp chi đáng kể cả.
Lúc phi cơ đến, chúng tôi được báo tin, và ra sân phi cơ đậu đứng chờ. Đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một phái đoàn công du của một chính phủ Việt Nam độc lập. Dĩ nhiên là tất cả chúng tôi hồi hộp và tò mò. Phạm văn Đồng từ phi cơ bước xuống, nhìn rộng trước mặt, rồi tia nhìn của ông dừng lại trên phái đoàn Việt kiều.
Ông mặc một bộ âu phục màu sẫm, khoác áo lạnh kéo cổ lên tận cằm. Sau ông là Hoàng minh Giám, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn tấn gi Trọng và vài ba nhân viên vô danh.
Ông Phạm văn Đồng được một vài nhân viên thuộc bộ ngoại giao Pháp ra đón tiếp tận thang máy bay.
Hình như nhân viên cao cấp nhất ở ngạch Thơ Ký Bộ Ngoại Giao Pháp. Ông hơi cau mày, mặt xám lại một lúc, và bắt tay người Pháp rất nhanh rồi tiến ngay đến phía chúng tôi. Lúc này thì mặt ông có vẻ tươi vui, cởi mở. Ông lên tiếng chào hỏi chúng tôi bằng tiếng Việt, nhờ một anh em, hình như là Trần Đức Thảo, giới thiệu từng người cho ông.
Ông dừng lại nói chuyện với tôi khá lâu, hỏi han những công việc của anh em sinh viên và Việt kiều. Khi phái đoàn đi đến các nhóm Việt kiều đứng hơi xa tôi một chút, thì Nguyễn Mạnh Hà đi chậm lại, và đến nói nhỏ với tôi:
– Con có chuyện quan trọng muốn thưa với Cha. Tối con sẽ đến.
Phái đoàn Phạm văn Đồng được các nhân viên Bộ Ngoại Giao Pháp mời lên một chiếc xe ca, loại xe buýt thông thường, có những dãy ghế ngang thường dùng chở khách đi Tỉnh, và được đem về một khách sạn hạng ba. Sự khinh miệt của chính phủ Pháp đối với phái đoàn quốc hội Việt Nam đầu tiên thật là rõ ràng.
Tối hôm đó, tôi chờ Nguyễn Mạnh Hà. Lúc bấy giờ tôi đã rời khỏi Institut Catholique, và dọn đến ở trong khu 70 Arondissement. Ông có vẻ nghiêm trọng, lo âu. Ông đưa cho tôi mấy tập báo Cứu quốc và Hồn Công Giáo cùng một ít tài liệu về Việt Nam. Ông cho biết, đúng như những điều tôi đã biết sơ qua, chính phủ Việt Minh, từ trên xuống dưới đều là những nhân vật cộng sản cốt cán.
Một vài chính khách quốc gia được đem vào trong chính phủ vì áp lực của Tướng Tàu Lữ Hán trước đây, và nay đang bị Võ nguyên Giáp tìm cách thanh toán dần, nếu không thì bao vây và tước hết quyền hành. Ông cũng kể cho tôi nghe tình trạng Việt Nam và những tin đồn nói về những vụ thanh toán ở Thái Nguyên, Cao Bằng giữa Việt Minh và các đảng phái quốc gia.
Ông tỏ ra lo lắng và buồn phiền, vì nhận thấy tương lai nước nhà nhiều rối rắm. Ông hiểu nhiều về nước Pháp nên ông cũng lo sợ rằng nền độc lập của Việt Nam không bền vững được. Lúc ông sang Pháp thì quân Leclerc đã vào Hà Nội và đã bắt đầu có những đụng chạm giữa quân Pháp và quân tự vệ Việt Minh ở vài nơi tại Hải Phòng và Hà Nội.
Nhiều lúc ông được cụ Hồ dùng làm thông ngôn, mặc dầu cụ Hồ rất thông thạo tiếng Pháp. Đó là thói quen của cụ. Những lúc không muốn nói vội vàng, muốn nhiều thì giờ để suy nghĩ, thì cụ làm như không hiểu tiếng Pháp để cho thông ngôn dịch qua lại hai lần. Nhờ đó ông cũng được biết những xích mích, dằng co giữa cụ Hồ và quan Cao Ủy Pháp Argenlieu.
Theo ông thì Sainteny được cụ Hồ tin cậy hơn đôi chút, và Sainteny cũng tỏ ra hiểu biết tình cảnh Việt Nam, thông cảm những khó khăn của chính phủ Việt Minh. Tướng Leclerc cũng được cụ Hồ kính nể lắm. Ông kể một mẫu chuyện về sự khôn ngoan khéo léo của Tướng Leclerc khi vào Hà Nội.
Ông đã tươi cười bắt tay Võ nguyên Giáp, khi Giáp ra đón tiếp và chào ông bằng câu mở đầu: Nhân danh những người kháng chiến Việt Nam, tôi xin chào mừng người đồng chí kháng chiến Pháp nơi ông. Leclerc còn tỏ ra khéo léo hơn, khi ông đề nghị với Võ nguyên Giáp về việc thành lập một tiểu đoàn hỗn hợp Pháp-Việt để canh gác và dàn chào cho ông. Tiểu đoàn hỗn hợp này sẽ gồm một phần người lính Pháp, và 3 phần lính Việt. Như vậy vì vấn đề lễ nghi, thể diện các đơn vị lính tự vệ Việt Minh sẽ được cung cấp quân phục chỉnh tề, võ trang những loại súng tối tân hơn, y như lính Pháp vậy.
Nguyễn Mạnh Hà còn cho tôi biết là kẻ có nhiều quyền hành lại không phải là Jean Sainteny, hay Leclerc mà là D’Argenlieu, một Thầy Tu Dòng Trappe khó tính, ít hiểu biết về Việt Nam, và say sưa với danh dự, uy quyền của nước Pháp.
Ông tiên đoán sớm muộn những xích mích giữa người Pháp và chính phủ Việt Minh không thể nào tránh được, và chưa biết sẽ biến chuyển đến mức độ nào, có giới hạn được trong vòng phải chăng và có thể dàn xếp được không.
Mấy hôm sau, Phạm văn Đồng tổ chức một buổi tiếp tân dành cho các Việt kiều. Ngoài những sinh viên, Việt kiều mà tôi quen biết, tôi nhận thấy có một số lạ mặt. Phạm văn Đồng ngồi cạnh tôi, và nói chuyện rất cởi mở. Có lẽ lo sợ những cuộc cãi vã vì chính kiến, ông đã không đề cập gì nhiều đến các vấn đề chính trị mà chỉ nói những chuyện thông thường. Ông nói chuyện có duyên, cởi mở, vui vẻ.
Phái đoàn Phạm văn Đồng ở lại Pháp đâu vào khoảng vài ba tuần lễ mà thôi. Về những hoạt động của phái đoàn này, tôi nghe phong phanh rằng họ sang Pháp để chuẩn bị cho một cuộc thăm viếng nước Pháp của cụ Hồ. Phạm văn Đồng và các nhân viên phái đoàn tiếp xúc nhiều với các tổ chức Việt kiều ở Ba Lê.
Riêng ông thì hình như gặp gỡ các Dân Biểu Pháp thuộc khuynh hướng xã hội và cộng sản như Paul Rivet Jean Rous là những bạn của cụ Hồ.
Lúc tiễn đưa phái đoàn Phạm văn Đồng về nước, tôi và các Việt kiều cũng ra tận phi trường. Phạm văn Đồng có vẻ buồn phiền hơn lúc đến, và sự đưa tiễn của chính phủ Pháp lần này cũng chẳng long trọng gì hơn lúc đến. Tôi nhận thấy có thêm vài dân biểu cộng sản, vài người Pháp có thiện cảm với cụ Hồ.
Phái đoàn đưa tiễn của chính phủ Pháp thì cũng vẫn là những Thư Ký Bộ Ngoại Giao. Và các xe ca đã chở Đồng trước đấy, nay cũng chở ông và phái đoàn trở lại phi trường.
Lúc lên khỏi thang phi cơ, quay lại vẫy tay chào các Việt kiều, hình như Phạm văn Đồng cười chua chát cay đắng. Mắt ông đăm đăm và dáng người có vẻ mệt mỏi, chịu đựng, nhẫn nhục.
Từ đây sự chia rẽ vì chính kiến, chủ nghĩa bắt đầu trở nên trầm trọng và lộ liễu trong hàng ngũ Việt kiều, sinh viên ở Pháp.
Trần Đức Thảo ít tới lui với anh em, và hình như đã thiên hẳn sang phía cộng sản không biết từ lúc nào. Tôi thấy như vậy cũng hết ham sinh hoạt với các đoàn thể Việt kiều. Tôi có nghĩ đến chuyện về nước, cùng với các Cha như Cha Mai, Cha Lập, nhưng vì thấy tình hình Việt Nam chưa ngã ngũ ra sao cả, nên hơi ngần ngại.
Những tin tức về Việt Nam thì thật là thiếu sót, mơ hồ, thư từ ở Việt Nam gửi sang cũng rất thưa hiếm. Lâu lắm tôi mới nhận được một lá thư của các Cha từ địa phận Vinh. Tôi cảm thấy băn khoăn thật nhiều, và không biết quyết định như thế nào. Các sinh viên, trí thức, một số lẻ tẻ về nước, số còn lại thì chăm chú vào việc sinh sống.
Pháp chuẩn bị quân đội để can thiệp và tái chiếm Đông Pháp. Những cuộc cãi vã, tranh luận trong nội bộ đảng cộng sản Pháp về Việt Nam lọt ra ngoài, cho thấy rằng cộng sản Pháp không hoàn toàn ủng hộ phong trào cộng sản Việt Minh. Một đoạn hồi ký của Maurice Thorez lãnh tụ cộng sản Pháp, bạn thân và đồng chí của Hồ chí Minh viết rằng ông hy vọng cờ tam tài sẽ bay phấp phới khắp Liên Hiệp Pháp, ông không hề nghĩ là đảng cộng sản Pháp chủ trương từ bỏ địa vị của Pháp ở Đông Pháp. Chính phủ Pháp cũng có hai khuynh hướng.
Khuynh hướng thứ nhất thì cho Việt Nam tự trị rộng rãi và thực sự trong một Liên Hiệp Pháp được sửa đổi. Khuynh hướng thứ hai chủ trương phải tái lập uy quyền của đế quốc Pháp như cũ và nếu cần thì bằng quân đội.
Tại Nam bộ, quân Pháp đã thay thế quân Anh, và đang có những âm mưu lộ liễu thành lập một nước Nam Kỳ tự trị.
Những cuộc thương thuyết với chính phủ Tưởng Giới Thạch diễn ra ở Trùng Khánh, Côn Ninh, để nhắm hòa giải áp lực và sự can thiệp của Tàu vào Việt Nam, và về phía này hình như Pháp cũng đang thành công.
Những tin tức trên, thêm những tiết lộ của Nguyễn Mạnh Hà, của Cha Chaillet làm cho tôi băn khoăn rất nhiều.
Lại nói đến Nguyễn Mạnh Hà, những tiết lộ, tâm sự của ông làm cho tôi nghĩ rằng không thể nào theo cộng sản thực tình được. Cả bây giờ tôi cũng còn như vậy. Ông là người trí thức, là người Công Giáo chân thành, lại sinh trưởng trong một gia đình khá giả. Cho nên khó mà trở thành người cộng sản cuồng nhiệt. Có lẽ hoàn cảnh nào đó đã bắt buộc ông phải hợp tác với cộng sản.
Ít lâu sau khi phái đoàn Phạm văn Đồng rời Pháp, tôi nghe tin nói rằng cụ Hồ đã đích thân sang Ba Lê để thương thuyết với chính phủ Pháp về vấn đề quyền tự trị, nền thống nhất của Việt Nam, và vai trò Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp. Tin này được loan đi từ giới cộng sản Pháp. |
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN Wed 15 Nov 2023, 10:45 | |
| BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 L. M. Cao Văn Luận 8. Ba lần gặp gỡ Hồ chí Minh
Tôi chưa được thấy mặt, hay thấy hình ảnh gì của chủ tịch Hồ chí Minh. Những hình ảnh đăng trên các báo Pháp từ tháng 9 năm 1945 đều là những tấm hình cũ, mà một vài báo Pháp xin được của sở Mật Vụ Hải Ngoại Pháp. Khi thì tôi thấy một thanh niên gầy ốm, cao lêu nghêu, khi thì một cụ già khoảng 50. Không có gì bảo đảm cho tôi những hình ảnh đó là của chủ tịch Hồ chí Minh.
Như mọi người Việt Nam ở Pháp thời bấy giờ, tôi rất tò mò muốn biết mặt cụ Hồ, con người dù sao thì cũng đã dành độc lập cho Việt Nam, và đang tranh đấu với Pháp để giữ lấy nền độc lập mong manh đó.
Ở Pháp vào đầu năm 1946, thỉnh thoảng có tin đồn cụ Hồ sẽ sang Ba Lê, làm cho những anh em Việt kiều hồi hộp chờ đợi, nhưng rồi báo lại cải chính rằng cụ chưa sang Ba Lê lần này.
Vào cuối tháng tư, tôi được biết Pháp và Việt Minh đã ký kết một thỏa ước tạm thời, giao quyền cai trị Trung và Bắc bộ cho chính phủ Hồ chí Minh, còn Nam bộ thì giữa tình trạng không giải quyết, do Pháp quản trị, chờ một cuộc trưng cầu dân ý. Thỏa ước này được gọi là thỏa ước 6 tháng 3. Tôi cũng được biết Hội Nghị Đà Lạt ngày 24.3.1946 giữa Võ nguyên Giáp và Pierrer Mesemer đã không đem lại kết quả gì.
Những điều này tôi chỉ được biết tin qua báo chí, qua một vài bản tin mà lúc bấy giờ một ổ chức thông tin không chính thức của Việt Minh ở Ba Lê phân phát.
Rồi qua những nguồn tin không xuất xứ, loan truyền trong giới Việt kiều ở Ba Lê, cũng như trong giới chính trị thân cộng, tôi biết chắc rằng cụ Hồ sang Ba Lê.
Tôi và anh em Việt kiều, sinh viên hồi hộp chờ đợi và chuẩn bị đón tiếp.
Chúng tôi chưa ai nghĩ đến những bất đồng vì vấn đề chính kiến, tư tưởng, tôn giáo. Mọi người hãnh diện có một chính phủ độc lập, có một lãnh tụ dám đương đầu với người Pháp. Theo tin từ các báo, thì tôi nghe nói rằng ngày 30 tháng 5 năm 1946, cụ Hồ từ Sài Gòn lên phi cơ đi Ba Lê, cùng với Tướng Salan và ông Jean Sainteny.
Đến ngày 1 tháng 6, đài phát thanh Pháp Á, và đài phát thanh Pháp loan tin Nam bộ tách rời và thành lập chính phủ Nam kỳ tự trị, do ông Bác Sĩ Nguyễn Văn Thinh làm Thủ Tướng. Tôi và anh em Việt kiều thấy đau nhói trong tim, ngẩn ngơ trước cái tin khó tin. Điều mong ước của mọi người Việt Nam, sau độc lập, và kèm theo độc lập là thống nhất.
Tôi đã hiểu thế nào là sự nhục nhã của người Việt Nam phải chịu sự chia cắt, người Trung kỳ, Bắc kỳ vào Nam kỳ phải có thông hành. Có lẽ chính sự phản bội và sai lời này của người Pháp làm cho lộ trình của cụ Hồ đã không ghé Ba Lê ngay như mọi người mong chờ mà ghé Biarritz. Tôi không hiểu có anh em Việt kiều nào có thể ra đón cụ Hồ ở phi trường Biarritz không, nhưng trong số người tôi quen biết thì không có ai đi.
Cụ Hồ ở lại Biarritz khá lâu. Ngày nào anh em Việt kiều cũng đến cho tôi hay một vài tin, phần lớn thuộc loại tin đồn. Một số trong các tin này nhắc đến sự chia xót, đau khổ của cụ Hồ, mô tả cụ như một con người anh hùng gặp vận bỉ, một cụ gì đang than khóc cho số phận đất nước.
Tôi không tin mà cũng chẳng ngờ chi, chỉ chờ đợi được gặp cụ Hồ, chờ đợi tình thế hiện rõ hơn. Trong khoảng thời gian này, một chính phủ mới được thành lập, chính phủ Bidault, thuộc đảng MRP.
Như tôi đã nói trước, đây là một chính phủ thực dân thực sự, mặc dầu trong chính phủ này có một vài bộ trưởng cộng sản, hay thân cộng sản, như ông Charles Tillon, Bộ Trưởng Không Quân. Tôi hiểu rõ cộng sản Pháp không sẵn sàng trao trả độc lập chân chính và toàn vẹn cho Việt Nam, như nhiều người mong. Cộng sản Pháp và thực dân Pháp vẫn có thể đi đôi với nhau không có chi mâu thuẫn. Sự chờ đợi của tôi và các anh em Việt kiều kéo dài gần cả tháng. Vào ngày 20.6.1946 chúng tôi hay tin cụ Hồ sẽ từ Biarritz lên Ba Lê đúng sáng 22.6. Hầu hết anh em Việt kiều sinh viên, trí thức Việt Nam ở Ba Lê đều tụ họp lại với nhau bàn chuyện lập phái đoàn đón rước cụ Hồ. Tôi được chọn cầm đầu phía những người Công Giáo Việt Nam ở Pháp và các Tu Sĩ Việt Nam du học, vì tôi là Chủ Tịch Hội Tu Sĩ Việt Nam du học ở Pháp, gồm 30 Tu Sĩ, Linh Mục.
Việt kiều ở Ba Lê lúc bấy giờ khá đông. Tôi được biết ngoài phái đoàn của chúng tôi, còn những phái đoàn Việt kiều khác, trong đó chẳng hạn có phái đoàn Việt kiều thợ thuyền, gồm những người cộng sản hay thân cộng sản, đi riêng.
Lúc chúng tôi đến phi trường Le Bourget thì nơi sân máy bay đậu đã dày đặc người. Phái đoàn Việt kiều của chúng tôi đứng nhập chung vào những phái đoàn Việt kiều khác, có phái đoàn chỉ gồm 15 người, có phái đoàn đến non trăm người. Có lẽ thấy phái đoàn chúng tôi có trật tự, lại gồm mấy Linh Mục, nên những người tổ chức lễ đón tiếp sắp cho chúng tôi đứng lên đầu.
Tôi nhận thấy chính phủ Pháp lần này đón tiếp cụ Hồ một cách long trọng. Tất cả mặt tiền phòng khách danh dự phi trường đều treo cờ Pháp chen kẽ. Có lính vệ binh và giàn kèn sắp hàng trước chúng tôi. Đứng riêng và xa trước mặt chúng tôi độ trăm thước, có phái đoàn chính phủ Pháp, trong đó tôi thấy vài Tướng Lãnh, Bộ Trưởng. Ông Moutet là Bộ Trưởng Bộ Pháp Quốc Hải Ngoại, hay bộ thuộc địa. Chúng tôi chờ non một tiếng đồng hồ thì nghe lính Vệ Binh Cộng Hòa và lính kèn hô chuẩn bị. Họ đứng nghiêm mà mọi người ngẩng mặt nhìn lên trời. Lúc bấy giờ số phi cơ lên xuống phi trường Bourget cũng không nhiều lắm. Chúng tôi nghe tiếng phi cơ nổ lớn dần, rồi một phi cơ hai động cơ là là hạ cánh trên phi đạo, chậm chạp chạy về sân đậu trước mặt chúng tôi. Dàn kèn trổ bài quốc ca Việt Nam trước, bài Marseillaise sau. Tôi rơm rớm nước mắt. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, trong đời tôi, tôi được chứng kiến một quốc trưởng Việt Nam được đón tiếp theo đúng nghi lễ ngoại giao. Cũng là lần đầu tiên tôi nghe bài quốc ca Việt Nam. Nhiều anh em Việt kiều quanh tôi sụt sịt khóc. Có những người Việt Nam sống ở Pháp lâu năm từ 1918 đến nay, hầu như quên tiếng Việt Nam, cũng không cầm được xúc động. |
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN Tue 21 Nov 2023, 08:09 | |
| BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 L. M. Cao Văn Luận 9.Lần gặp gỡ thứ nhất giữa tôi và cụ Hồ: Số phận người Công Giáo trong số phận Việt Nam
Cụ Hồ xuất hiện, đứng yên trên cửa phi cơ. Tôi không hiểu nhờ đâu mà tôi biết được đó là cụ Hồ. Có lẽ nhờ dáng người đặc biệt của cụ, nhờ những mô tả trước đây chăng hoặc là nhờ cụ là người Việt Nam đầu tiên hiện lên trên bậc thang trước cửa phi cơ. Cụ Hồ đưa tay vẫy chào mọi người, rồi chậm rãi bước xuống. Sau cụ là ông Jean Sainteny, rồi đến các nhân vật Việt Nam mà tôi không biết rõ.
Phái đoàn chính phủ Pháp tiến ra tận chân thang máy bay chào đón cụ Hồ. Chúng tôi vẫn đứng yên, tuy nhiên có một vài đại diện Việt kiều ôm bó hoa bước ra, đi về phía cụ Hồ. Ánh mắt cụ Hồ sáng lên, nhìn vào đám Việt kiều, và tiến ngay đến phía mấy đại diện ôm bó hoa. Cụ Hồ có cử chỉ thân mật tự nhiên, cụ ôm bó hoa, và ôm luôn người tặng hoa, mắt chớp chớp như muốn khóc.
Tôi tin là cụ cảm động thật, chớ không phải nhờ tài đóng kịch. Cụ làm cái việc duyệt hàng quân danh dự rất nhanh, cho xong, rồi đi thẳng đến đám Việt kiều. Tôi không hiểu vì đâu mà cụ đến ngay trước mặt tôi trước tiên, rồi tiếp đến các Cha bên cạnh. Cụ bận bộ quần áo kaki vàng sẫm màu, cổ cao và thẳng theo lối cổ áo lính Tàu. Cụ bắt tay tôi thật chặt, tươi cười.
Nguyễn Mạnh Hà theo sát sau cụ, giới thiệu một số Việt kiều với cụ. Cụ hẹn sẽ gặp lại tôi và anh em Việt kiều. Lúc nói chuyện với tôi, cụ Hồ có những cử chỉ mà tôi không quên được. Tôi bận áo chùng, ngoài khoác áo lạnh có hàng nút xuống tận chân. Cụ Hồ khi thì đặt tay lên vai tôi, khi mân mê những chiếc nút trước ngực tôi. Cụ nghe tôi nói tiếng Nghệ Tĩnh, cụ cũng nói toàn giọng Nghệ Tĩnh.
Ai mà không cảm động khi nghe tiếng nói quê hương mình, giọng nói làng mạc mình? Và tôi không cần chối là tôi đã cảm động thật tình, mặc dầu những câu chuyện trao đổi ngắn ngủi trên phi trường Bourget sáng 22-6 chẳng có ý nghĩa gì đặc biệt.
Nguyễn Mạnh Hà dừng lại, nói nhỏ với tôi:
– Cha nên tìm dịp lên gặp cụ chủ tịch, khuyên cụ bỏ cái việc đòi lập giáo hội tự trị.
Hà nháy tôi và hẹn sẽ gặp lại sau. Cụ Hồ có vẻ vui thích khi đi tiếp xúc với các Việt kiều. Cụ để mặc những người Pháp trong phái đoàn chính phủ Pháp đứng ngơ ngẩn, hay lẽo đẽo theo sau cụ.
Cụ chẳng có vẻ gì vội vàng, trái lại như cứ muốn nói chuyện mãi với người Việt Nam. Chỉ có ông Jean Sainteny là đi theo cụ từ đầu đến cuối. Lúc bắt tay khắp hết các Việt kiều, cụ quay trở về phía phái đoàn chính phủ Pháp, và đi vào phòng khách danh dự của phi trường.
Chúng tôi vẫn chưa về vội, đứng lại cho đến lúc cụ Hồ cùng với phái đoàn Pháp lên xe rời phi trường. Lúc ngồi trên xe, cụ còn nhoài người ra vẫy tay chào chúng tôi, và ra dấu hẹn gặp lại.
Vài hôm sau, Nguyễn Mạnh Hà đến gặp tôi kể lại cho tôi nghe những chuyện xảy ra bên nước nhà, liên quan đến đạo Công Giáo. Ông cho tôi biết chính phủ Việt Minh đang có chủ trương đòi tách rời Giáo Hội Việt Nam ra khỏi Tòa Thánh Vatican lập giáo hội Việt Nam tự trị, thay thế tất cả các Giám Mục Pháp, các Linh Mục Pháp, bằng những Giám Mục Việt Nam, Linh Mục Việt Nam. Nguyễn Mạnh Hà khuyên tôi nên xin gặp cụ chủ tịch trình bày cho cụ biết điều đó không được. Tôi đồng ý và lên Hotel Royal là nơi cụ Hồ và phái đoàn Việt Nam ở, xin yết kiến. Tôi nhận thấy lần này chính phủ Pháp đón tiếp cụ Hồ xứng đáng với một vị quốc trưởng Việt Nam hơn. Trước cửa Hotel Royal treo hai lá cờ lớn, một lá cờ tam tài Pháp và một lá cờ đỏ sao vàng. Chính phủ Pháp còn cử một tiểu đội gác danh dự trước cửa khách sạn sau này. Khi tôi vào, thì có một người Việt Nam tiếp tôi, ghi vào phiếu lời yêu cầu xin gặp, danh tính tôi, và lý do xin gặp. Tôi chỉ nói vắn tắt: Xin gặp cụ chủ tịch. Người Thư Ký không cho biết bao giờ được cụ Hồ tiếp, nhưng niềm nở hẹn sẽ có thiếp mời đến tận nhà tôi sau.
Đâu chừng hai hôm sau thì có một người đem thiếp mời hẹn giờ được tiếp kiến đến cho tôi. Tôi đã suy nghĩ và sắp xếp trong đầu óc những gì sẽ thưa với cụ Hồ. Tôi nghĩ đến số phận Giáo Hội Việt Nam một phần. Nhưng nghĩ nhiều hơn đến số phận đất nước Việt Nam.
* Buổi nói chuyện lần thứ nhất với Hồ Chí Minh.
Tôi đến Hotel Royal trước giờ hẹn vài phút. Tôi được dẫn vào một phòng khách sang trọng, được mời ngồi đối diện với một cánh cửa thứ hai, khác với cánh cửa vào phòng khách. Ít phút sau cánh cửa trước mặt tôi mở ra, cụ Hồ và một người như là Thư Ký của cụ, bước vào. Cụ Hồ đứng yên một lúc khá lâu, mắt nhìn đăm đăm về phía tôi, có vẻ như ngạc nhiên, ngơ ngác. Rồi cụ mỉm cười, đưa tay ra hiệu mời ngồi. Cụ chậm rãi đi ra phía tôi và bắt tay tôi. Tôi vẫn đứng trước mặt cụ, mặc dù sau khi bắt tay tôi, cụ đã ngồi xuống ghế, ngẩng nhìn tôi như chờ đợi.
Sau những câu chào mừng, chúc tụng, tôi vào đề ngay:
– Thưa cụ Chủ Tịch, cụ sang Pháp công cán cho nước nhà. Với tư cách riêng và tư cách Tuyên Úy các Việt kiều Công Giáo ở Pháp, tôi xin đến chào cụ cầu chúc cụ làm tròn sứ mệnh đòi lại độc lập cho nước nhà.
Cụ Hồ gật gù, mỉm cười, đưa tay mời tôi ngồi xuống lần nữa, nhưng tôi xin phép được đứng. Cụ nhìn tôi mỉm cười thật tươi tắn:
– Tôi rất vui mừng gặp Linh Mục, và xin nói cho Linh Mục biết bây giờ tại nước nhà, mọi tầng lớp, mọi thành phần, mọi giai cấp, không phân biệt tôn giáo, cùng đoàn kết sau lưng chính phủ tranh đấu cho một mục đích duy nhất là giành lại độc lập và thống nhất cho xứ sở. Lúc Nhà Sư có chuyện vui buồn gì, thì cũng mời Cố Đạo đến dự. Khi Cố Đạo có chuyện gì cũng mời Sư đến chia sẻ. Nhưng mà tôi phải nói thiệt với Linh Mục rằng bên Đạo Công Giáo chưa được tự lập. Trong toàn cõi Việt Nam có 15 địa phận thì chỉ có 2 địa phận được hai vị Giám Mục Việt Nam cai quản, còn các địa phận kia thì do các Giám Mục ngoại quốc coi sóc. Tôi nghĩ các Linh Mục trẻ như Linh Mục phải cùng với chính phủ ta, tranh đấu đòi lại quyền tự trị cho các địa phận đạo ở Việt Nam. Linh Mục nghĩ sao?
Tôi đã được Nguyễn Mạnh Hà cho biết đường lối của chính phủ Việt Minh đối với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, cho nên không ngạc nhiên khi nghe cụ Hồ nói như vậy. Tôi bình tĩnh thưa:
– Thưa cụ Chủ Tịch, đây là điều mà tôi muốn thưa với cụ Chủ Tịch hôm nay. Tôi có nghe ở bên nước nhà có phong trào đòi lập giáo hội tự trị. Thưa cụ, những người Công Giáo Việt Nam chúng tôi cũng muốn tự lập theo một nghĩa nào đó. Chúng tôi đều mong cho các địa phận Việt Nam có đầy đủ những Giám Mục đều là người Việt Nam. Đó cũng là đường lối mà Vatican luôn luôn chủ trương theo đuổi. Thưa cụ, chúng tôi không thấy có gì phải phản đối, nếu những người Công Giáo Việt Nam muốn tự đảm nhiệm lấy sự cai quản việc đạo trong nước mình. Nhưng thưa cụ, tôi thiết nghĩ cách tiến đến sự tự lập cho Giáo Hội Việt Nam phải được suy xét và thực hiện đúng cách. Tiện đây, cụ Chủ Tịch đã ghé nước Pháp, nếu cụ Chủ Tịch muốn cho công việc mau chóng, thuận tiện, cụ Chủ Tịch có thể ghé qua Vatican xin gặp Đức Giáo Hoàng hoặc nếu cụ Chủ Tịch bận, thì cử một phái đoàn đại diện sang La Mã, thương thuyết với Tòa Thánh một hiệp ước (Concordat) giữa chính phủ và Tòa Thánh, yêu cầu Tòa Thánh tấn phong thêm các Giám Mục Việt Nam và thỏa thuận với chính phủ về mọi việc bổ các Giám Mục cai quản các địa phận Việt Nam.
Cụ Hồ có vẻ không hài lòng lắm:
– Đó không phải là việc của chính phủ. Việc của chúng tôi là làm sao cho các giáo dân Việt Nam đừng có đi cầu kinh với các Cố Đạo Pháp vì làm như vậy thì có vẻ còn chịu nô lệ Pháp, trong lúc cả nước đứng lên giành độc lập với người Pháp.
Tôi hơi bất mãn vì cái quan niệm cứng nhắc của cụ Hồ:
– Thưa cụ Chủ Tịch, người Công Giáo đi cầu nguyện ở đâu, có ai xướng kinh thì cũng chỉ cầu nguyện với Chúa, chớ không hề có chuyện cầu nguyện với người Pháp. Vả lại theo tinh thần Công Giáo, thì chúng tôi coi mọi người giống nhau, các Linh Mục ngoại quốc, hay Linh Mục Việt Nam, về phần đạo không có gì đặc biệt cả. Nếu chúng tôi còn phân biệt người Pháp với người Việt trong việc đạo, thì Tòa Thánh sẽ cho rằng người Công Giáo Việt Nam còn ấu trĩ, thiếu kỷ luật đạo, và sẽ không thể xúc tiến việc trao quyền cai quản các địa phận và các họ đạo cho các Giám Mục và các Linh Mục Việt Nam được.
Có lẽ cụ Hồ nhận ra đề tài này có thể gây rắc rối, mất lòng, nên vội lánh sang chuyện khác. Cụ hỏi tôi tình hình các Việt kiều, sinh viên ở Pháp, việc học hành của tôi. Lúc này cụ thân mật, cởi mở, vui tính. Cụ hẹn sẽ mời tôi, các Cha và Việt kiều sinh viên đến dự một bữa tiệc.
Tôi nhận thấy câu chuyện này không có kết quả như ý tôi mong muốn. Tôi không tìm được một lời hứa ở cụ Hồ sẽ thay đổi chủ trương, nên tôi cũng không muốn nhắc lại nữa. Tôi xin kiếu từ, và khi tiễn tôi ra cửa phòng khách, cụ Hồ vui vẻ bắt tay tôi, đặt tay lên vai tôi mân mê những nút áo chùng trước ngực tôi nói những câu chuyện ở nước nhà, làm như là thân mật với tôi lắm.
Cuộc tiếp xúc lâu dài đầu tiên giữa tôi và cụ Hồ làm cho tôi lo lắng và buồn rầu khá nhiều. Tôi vừa kính phục cụ Hồ là một nhà cách mạng, một vị lãnh đạo quốc gia có tài, nhưng tôi cũng lo lắng cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, cho tương lai xứ sở Việt Nam. Những quan niệm hẹp hòi và sai lầm về việc đạo có thể gây ra những xung đột nguy hiểm giữa người Công Giáo và phong trào Việt Minh, cũng như có thể gây nên những phản ứng bất lợi trên quốc tế cho chính phủ Việt Minh. Tôi linh cảm được những giai đoạn đen tối sắp đến cho Giáo Hội Việt Nam cũng như cho đất nước Việt Nam. Tôi không một lúc nào cầu mong cho người Pháp đặt lại quyền bảo hộ ở Việt Nam, nhưng tôi mong ước Pháp và chính phủ Việt Minh có thể đi đến một sự thỏa thuận chung, trong đó số phận người Công Giáo Việt Nam không bị thiệt thòi. Tôi cũng rất lo sợ những người Công Giáo có tinh thần hẹp hòi sẽ gây nên những xung đột tai hại với phong trào Việt Minh, đang được coi như một phong trào toàn dân, và một lần nữa, bị hiểu lầm là đi ngược với quyền dân tộc. |
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN Mon 27 Nov 2023, 06:48 | |
| BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 L. M. Cao Văn Luận 10.Cụ Hồ khuyên tôi: Chú còn trẻ, đẹp trai, Không lấy vợ uổng quá
Tôi ra về mang nhiều lo âu. Tôi chưa biết gì nhiều về cụ Hồ chí Minh nhưng có điều tôi nhận thấy ngay. Cụ Hồ là một con người cứng rắn, cuồng nhiệt, cương quyết, đã định làm gì thì dù bao nhiêu trở ngại cũng san bằng làm cho kỳ được. Sự mềm dẻo khéo léo của cụ Hồ chỉ ở bề ngoài, chỉ là một lối chinh phục cảm tình người đối thoại, thâm tâm cụ, không bao giờ cụ vì nghe người đối thoại hợp lý mà thay đổi quyết định của cụ. Tôi thán phục, nhưng sợ hãi con người như thế.
Tôi mơ hồ thấy con đường mà cụ Hồ sẽ đưa đẩy dân tộc Việt Nam, Giáo Hội Việt Nam vào: Chiến tranh, mâu thuẫn, thanh toán lẫn nhau, đàn áp và sát hại những thiểu số chống đối, trong đó có Đạo Công Giáo.
Tôi cũng đã được biết qua tin tức, lịch sử của những phong trào cộng sản ở Nga, Mễ Tây Cơ, Tây Ban Nha, Nam Tư v.v…và không một nơi nào sự thành lập một chế độ cộng sản đem lại một điều gì tốt đẹp hơn cho người Công Giáo.
Tôi là một Linh Mục Công Giáo, tôi không thể nào đồng ý với một người chủ trương biến Việt Nam thành một quốc gia cộng sản. Nhưng tôi là người Việt Nam, và lúc này điều cấp thiết là phải đòi lại độc lập từ tay người Pháp, và nếu tôi không góp công sức thì cũng không nỡ lòng nào chống lại, dù bằng lời nói, bất cứ một thế lực chính trị nào đang mưu đòi Độc Lập cho đất nước.
Những ngày sau đó tôi không ngớt suy nghĩ về số phận đất nước mình. Tôi theo dõi qua tin tức, qua những câu chuyện với các Việt kiều, đôi lúc với Nguyễn Mạnh Hà, những hoạt động ở Ba Lê của cụ Hồ. Có những Việt kiều ngưỡng mộ cụ Hồ thực tình, hay là được đảng cộng sản tổ chức thì không biết, nhưng ngày nào cũng ra đứng trước Hotel Royal chờ được nhìn mặt cụ Hồ một lần rồi trở về.
Những ai ra vào khách sạn này họ đều nhớ nhẵn mặt. Nhờ đó những câu chuyện với họ, tôi được biết sơ lược rằng người Pháp không thực tâm thương thuyết với cụ Hồ. Cụ buồn và bất mãn, không dự những cuộc họp ở Fontainebleau.
Nhờ những người sốt sắng theo dõi các hoạt động của cụ Hồ và quanh cụ Hồ, tôi biết được rằng trong thời gian ở Ba Lê, cụ Hồ đã tiếp xúc với các lãnh tụ cách mạng Phi Châu, như lãnh tụ du kích quân Algérie sau này là ông Ferhat Abbas. Điều này không có gì khó hiểu, vì ai cũng biết cụ Hồ là tác giả cuốn ‘’Le Proces De La Colonisationd Francaise’’ mà Nguyễn Thế Truyền đề tựa.
Ông Ben Gourison, sau này Thủ Tướng Do Thái, lúc bấy giờ Chủ Tịch một Hội Ái Hữu Do Thái Pháp, cũng đến nói chuyện với cụ Hồ vài lần. Những nhân vật đến thường nhất là ông Paul Bernard, Giám Đốc Ngân Hàng Đông Pháp. Tôi nghĩ rằng cụ Hồ không quên được những vấn đề thiết thực của đất nước: Vấn đề kinh tế.
Từ lúc tôi gặp cụ Hồ và nói chuyện với cụ được khoảng bốn hôm thì tôi và vài Cha khác nhận được thư mời dự một buổi tiếp tân. Hỏi ra tôi được biết những Việt kiều khác như Trương Công Cừu, Trần Hữu Phương, Võ Văn Thái cũng nhận được thiếp mời như tôi. Nói là một buổi tiếp tân thì hơi quá đáng, đây chỉ là một bữa ăn thân mật, những người được mời phần nhiều tôi có quen, gồm tất cả khoảng non 30 người.
Tôi và Cha Lập, Cha Tiến đến với nhau cùng một lúc. Một vài anh em Việt kiều đã đến trước, và đang đứng trong phòng khách. Một lát thì thấy cụ Hồ bước ra, bắt tay mọi người, tôi trà trộn với mọi người, trong phòng khách, nói chuyện phiếm. Tôi phải công nhận cụ Hồ là một người hiểu biết rộng rãi.
Vấn đề gì cụ cũng có thể nói chuyện sơ qua và tỏ ra hiểu biết, chăm chú nghe chuyện. Những anh em Việt kiều được mời hôm ấy gồm toàn phần lớn những nhà trí thức, những sinh viên đã tốt nghiệp, nghĩa là thành phần Việt kiều ưu tú ở Pháp.
Dù mọi người kính nể cụ Hồ, nhưng trong câu chuyện, đôi lúc cố ý, đôi lúc vô tình, họ không khỏi nêu lên những vấn đề khó khăn, có thể làm cho người được hỏi lâm vào thế kẹt.
Tôi chưa lúc nào thấy cụ Hồ bị kẹt như thế. Vả lại cụ có lối đánh trống lảng tài tình. Vấn đề gì cụ thấy khó trả lời thỏa mãn người đối thoại, cụ lập tức nói sang chuyện khác, nói đến một vấn đề khác thật hấp dẫn, làm cho người nêu lên câu hỏi khó quên mất câu hỏi của họ.
Khoảng nửa giờ sau, những khách mời đến đầy đủ, và cũng vừa đúng giờ ghi trong thiếp mời, tức đâu khoảng 12 giờ trưa, cụ Hồ mời mọi người sang phòng ăn. Hiện nay Hotel Royal vẫn còn, có lúc còn được gọi là Hotel Royal-Monceau, và phòng tiếp tân tại nơi này vẫn không thay đổi gì nhiều, bàn ăn là một bàn chữ nhật lớn.
Cụ Hồ cầm tay tôi dẫn đến chiếc ghế bên trái cụ, và chỉ cho Cha Lập ngồi bên phải, Cha Hoàng Trọng Tiến ngồi đối diện.
Những anh em khác được cụ sắp xếp ngồi vào bàn. Từ lúc gặp các anh em Việt kiều cho đến lúc ngồi vào bàn ăn, cụ Hồ chỉ nói những chuyện lặt vặt, thứ chuyện mà người ta gọi là chuyện phiếm, không đâu vào đâu cả.
Nhưng trong mọi câu nói cụ Hồ thường khuyên anh em Việt kiều tham gia vào công cuộc đấu tranh đòi độc lập.
Lúc vào bàn ăn, cụ Hồ chẳng hề dùng cái lối đọc diễn văn long trọng. Cụ ngồi ngay vào bàn ăn, và lúc nâng ly rượu đầu, cụ nói giọng thật là nồng nàn, thành thật:
– Chính phủ bên nước nhà đang theo đuổi mục tiêu tranh thủ độc lập, đem hạnh phúc lại cho toàn dân. Nhưng muốn đem hạnh phúc cho toàn dân, thì phải thực hiện xã hội chủ nghĩa. Giả sử mà Chúa Giêsu sinh ra đời vào thời đại này, trước sự đau khổ của người đời như lúc này, mà Chúa muốn cứu vớt, thì chắc là cũng phải theo xã hội chủ nghĩa.
Tôi và các Cha mỉm cười vì cái lối so sánh kỳ cục của cụ Hồ, tôi trả lời cụ:
– Thưa cụ Chủ Tịch, về việc tranh thủ độc lập, thì mọi người Việt Nam Công Giáo hay không Công Giáo đều sẵn sàng tham gia. Nhưng về việc thực hiện xã hội chủ nghĩa, thì chúng tôi thiết nghĩ có nhiều người không đồng ý rằng đó là giải pháp duy nhất để đem hạnh phúc lại cho con người.
Cụ Hồ vỗ vai tôi, cười:
– Cha lại tuyên truyền rồi.
Có lẽ lúc đó tôi còn trẻ, nên tôi có hơi long trọng trong câu chuyện một cách quá đáng. Tôi không cười, thưa lại:
– Thưa cụ Chủ Tịch, tôi đâu có ý tuyên truyền. Tôi nói ra ai nghe thì nghe, ai không thì thôi, tôi chẳng bao giờ chủ trương bắt những người không nghe theo lời nói của mình vào trại tập trung cả.
Cụ Hồ chỉ khẽ cau mày:
– Đạo Công Giáo chỉ được nước binh nhà giàu, về với nhà giàu. Nhà giàu chết thì giật chuông inh ỏi, làm lễ mồ long trọng, còn nhà nghèo chết thì im hơi lặng tiếng. Như vậy làm sao Chúa biết linh hồn nhà nghèo vừa thoát khỏi xác mà đến rước về thiên đàng?
Tôi lại càng nghiêm hơn nữa, và nhất định phải cãi lại cụ Hồ.
– Thưa cụ Chủ Tịch, Đạo Công Giáo chẳng hề bênh nhà giàu bao giờ. Chúa Giêsu ra đời trong gia đình nghèo khó, giảng đạo cho người nghèo trước. Nhưng sở dĩ có những người Công Giáo nghèo, những người giàu, là vì Đạo Công Giáo là một thành phần xã hội, sống trong một xã hội, và xã hội đó có kẻ giàu người nghèo. Nếu xã hội có giai cấp thì Đạo Công Giáo phải chấp nhận, nhưng không phải là tán đồng hoàn toàn đâu. Đạo chủ trương mọi người ngang hàng, bình đẳng trước Thiên Chúa không phân biệt giai cấp chi cả.
Cụ Hồ làm thinh một lúc, mặt lúc ấy hơi nghiêm, nhưng cụ tươi cười ngay, đổi sang câu chuyện khác, giọng nửa bông đùa nửa thành thật:
– Các chú còn trẻ và đẹp trai cả sao không chịu lấy vợ đi? Các chú không lấy vợ, xã hội, đất nước thiệt thòi biết bao nhiêu?
Lúc này tôi dùng giọng bông đùa để trả lời cụ:
– Xin lỗi cụ chủ tịch, thế tại sao cụ không lấy vợ để làm lợi cho xã hội? Chúng tôi độc thân nhưng sự độc thân của chúng tôi không làm thiệt hại gì cho xã hội, cũng như độc thân của cụ chủ tịch vậy mà.
– Tôi độc thân được, nhưng các chú còn trẻ, độc thân sao nổi. Trông thấy hoa, sao khỏi muốn hái được.
– Thưa cụ, bây giờ cụ đã già, nhưng trước kia cụ cũng trẻ như chúng tôi, mà cụ vẫn độc thân được, thì chúng tôi cũng có thể độc thân được, chúng tôi cũng có thể trông thấy hoa mà không muốn hái vì bận theo một lý tưởng khác.
Thấy tôi cãi hơi hăng, cụ Hồ cười rồi bắt sang chuyện khác.
Trần Hữu Phương ngồi ở cuối bàn cất tiếng hỏi:
– Thưa cụ, cụ người ở đâu, xin cho chúng tôi được biết?
Cụ Hồ trả lời:
– Tôi người Việt Nam.
– Việt Nam nhưng là Tỉnh nào?
Tôi nhìn về phía Trần Hữu Phương và nói:
– Anh Phương thật ngớ ngẩn, giọng của cụ là đặc giọng Nghệ An, anh còn hỏi làm gì nữa.
Mọi người cười ồ lên và bữa tiệc được tiếp tục trong bầu không khí vui vẻ đầm ấm cho đến hai giờ chiều mới tan.
|
| | | Sponsored content
| Tiêu đề: Re: BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN | |
| |
| | | |
Similar topics | |
|
Trang 1 trong tổng số 5 trang | Chuyển đến trang : 1, 2, 3, 4, 5 | |
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |