BÊN LỀ CUỘC ĐỜI-1-Hôm nào cũng thấy ông ngồi đó. Cùng một thời điểm, cùng một chỗ, bên cạnh cửa sổ, nơi góc khuất của một cái quán nhỏ ven đường.
Ông đi một mình, ngồi đó cũng luôn chỉ một mình. Áo bỏ trong quần, giày luôn có vớ, mũ lưỡi trai đơn giản, kính đeo mắt sẫm màu. Trang phục tuy hơi cũ kỹ, nhưng luôn tươm tất, sạch sẽ. Tất cả như toát ra cái vẻ phong trần pha lẫn lịch lãm, phóng khoáng chan hòa cùng nghiêm cẩn. Từ xa, người ngoại cuộc cũng có thể nhận ra nơi ông có một cái dáng vẻ đăm chiêu, trĩu nặng ưu tư. Có lẽ ông có tâm sự gì đó rất buồn, nhưng nét buồn ấy luôn ẩn khuất sâu vào bên trong, chỉ đôi lúc thoáng ẩn thoáng hiện ra ánh mắt.
Bình thường thì ông rất hay cười, chỉ là mỉm cười, nhếch nhẹ môi cười thôi, và trong cái cười ấy vẫn chất chứa một nỗi buồn gì đó sâu thăm thẳm. Những lúc không cười, khuôn mặt người già ấy mang một dáng vẻ nghiêm nghị, mà kẻ khác luôn phải tôn trọng… Giống hệt như trường hợp một con sư tử già, tuy đã mất hết móng vuốt và sức mạnh, nó vẫn hàm chứa một nét uy nghi, không thể xem thường hay giỡn mặt.
Thường thì ông hay uống một tách cà phê đen, pha phin, ít đường, đậm đặc… Và trong lúc chờ những giọt đắng giọt sầu ấy nhỏ xuống từng giọt, từng giọt một, ông thường hay uống một tách trà… Nước thật sôi, trà thật ít… Hai cái “của khỉ” ấy phối hợp với nhau, hòa tan lẫn nhau làm thành một thứ trà loãng, nóng hổi. Ấy là người chỉ cần nước nóng, không cần trà. Có lẽ ông bị bệnh tim cũng nên. Người bệnh tim hay uống trà kiểu đó: Cho có hơi trà, và để đỡ nhớ mùi vị trà. Giống như người bắt buộc phải đi xa Hồ Gươm, nhìn ao cá ở miền quê mà nhớ về hồ Hoàn Kiếm vậy.
Hôm tôi làm quen với ông lão ấy, câu đầu tiên tôi bắt chuyện cũng là câu nói liên quan đến tách cà phê:-“Bố già ạ, chiều tối rồi mà bố uống cà phê đen đặc sánh như thế thì làm sao bố ngủ?” Ông lão ngước mắt nhìn tôi, kín đáo quan sát thật nhanh xem cái kẻ tò mò tọc mạch này thuộc loại nào, dạng nào, thành phần nào trong xã hội, rồi ông thủng thẳng nói:
-“Ừ. Đúng vậy. Sẽ rất khó ngủ với kẻ nào muốn ngủ!”
-Thế bố thuộc tuýp người lao động lấy đêm làm ngày à? Hay thuộc tuýp khoái thức đêm hơn khoái ngủ?
-Không hẳn thế… Nhưng đã lâu rồi, hễ uống cà phê thì tớ không ngủ, mà không uống thì… vẫn cứ thức!
-Lạy Chúa tôi! Thế bố làm gì cho hết đêm? Có một điều lạ là cả đêm lẫn ngày đều có cùng 12 tiếng như nhau, nhưng ngày thì qua rất nhanh, còn đêm thì lại dài đăng đẳng.
-Xem ra cậu còn trẻ mà cũng có nhiều trải nghiệm thực tế về những đêm dài của kiếp người đấy. Thế là tốt!
-Con cũng đã từng có những đêm thức trắng, nên con hiểu. Cảm giác chờ sáng ấy kinh khủng lắm. Nhưng bố làm gì cho hết đêm nào? Bố làm việc về đêm ư? Hay thương con nhớ cháu?
-Hỏi nhiều thế để làm gì? Nếu cậu có nhã hứng thì cứ ngồi xuống, uống với tớ vài chén rượu. Tất nhiên tiền bia rượu thì cậu phải trả! Tớ chỉ mời ngồi, mời uống, nhưng cậu là người trả tiền. Thích nói chuyện thì tớ mời ngồi, thế thôi. Nói chuyện mà kẻ đứng người ngồi, cứ phải ngóc cổ lên như nói chuyện với Mỹ thế này chán lắm.
Tôi cười hề hề, tính tôi thích những người rành mạch, rõ ràng, đâu ra đấy, thà mất lòng trước khỏi mất lòng sau như thế. Tôi ngồi xuống, nói:
-Con khoái bố rồi đấy! Trả thì trả. Không hề gì… Bố cứ thoải mái đi.
-Ô hay! Đời tớ lúc nào mà chẳng thoải mái cơ chứ. Cậu là nhà báo, đúng không? Phóng viên lấy tin chạy rong hay biên tập viên ngồi ê đít ở bàn giấy?
Tôi trố mắt nhìn ông lão, bụng bảo dạ:-“Trời! Trời! Lại còn chơi chữ EDIT (biên tập) với ê đít, ê mông nữa kìa! Tay này gớm thật! Mới nói qua nói lại có mấy câu, đã đọc ra vanh vách nghề nghiệp của mình rồi”. Mà nào tôi có trang bị những công cụ, đồ nghề, vật dụng thường dùng của cánh nhà báo “chuyên nghiệp” như kính cận, áo gi lê sát nách lắm túi, máy ảnh, máy quay phim, điện thoại smartphone hiện đại, bút ghi âm, microphone, laptop gì đâu cơ chứ. Tôi không muốn khoe mẽ kiểu “Ta là nhà báo đây!” như thói thường đương thời. Kinh nghiệm sống lỗ mỗ của tôi cũng đủ để hiểu những kẻ phải “trang bị cho ra vẻ” ấy luôn là những kẻ rỗng tuếch, chân tài thực lực đều không có, nên cáo mới phải mượn cái vỏ bọc của da hùm. Nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn, Quang Đạt đầu cạo trọc lóc như kiểu quân phiệt Nhật Bổn xa xưa, nhưng có phải hễ cứ anh “bắng nhắng” nào gọt đầu bóng lưỡng như đít bình vôi thì cũng đều là nhạc sĩ cả đâu? Vì thế, dáng vẻ tôi, các trang bị đi kèm của tôi luôn rất đỗi bình thường, thế mà ông lão này tinh mắt nhận ra ngay. Đáng nể thật! Ông nói thêm:
-Cà phê thì tớ đã trả tiền trước. Xong cả rồi… Cậu chỉ phải lo phần bia bọt của cậu.
-Bố chu đáo lắm! Nhưng nói thật là con muốn “nhâm nhi” với bố vài ly. Bố thấy sao?
-Được! Cậu cứ việc uống vài ly của cậu. Còn tớ thì sẽ uống “vài chung” của tớ!
Nói xong, ông lão lần mò trong bọc, lôi ra một cái chung nhỏ và một cái chai con con, bên trong chứa một thứ nước mầu nâu sanh sánh:
-Rượu đấy! Để uống một mình! Và cũng để mời khách, nếu thực sự có người muốn “thi ẩm”! Nhưng “kẻ muốn thi ẩm” thời nay có lẽ… hiếm!
-Con không thuộc loại “ngưu ẩm” đâu…
-Cậu cứ tự nhiên. Nói “ngưu ẩm” e rằng tội nghiệp cho… con trâu! Nó chỉ uống nước, chứ có uống bia bọt bao giờ?
Tôi quay sang gọi người phục vụ, bảo đem ra sáu lon bia Heineken, hai cái ly cao có đá, và một dĩa mồi nhỏ: Mực xào nấm rơm. Tôi rót bia đầy hai ly, mời ông lão:-“Xin mời bố… Con mời thật tình, nhưng nếu bố chê bia không uống, thì chút nữa, con… uống tất!”. Ông lão cũng mở nắp chai, rót ra một chung rượu nâu sánh, ông nói:-“Mời cậu!”
Một già, một trẻ, kẻ nâng ly bia, người nâng chung rượu, uống với nhau những ly rượu làm quen đầu tiên… Chúng tôi đã quen biết với nhau như thế đó. Và bạn biết không? Có những con người, tình cờ trong đời được quen biết nhau, chỉ tình cờ thôi, chỉ một lần thôi, nhưng trọn đời sẽ là KHÔNG UỔNG CHÚT NÀO.