Bài viết mới | Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 06:59
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:17
KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45
KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30
SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22
Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22
NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20
KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08
Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54
Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10
7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10
Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21
Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52
Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28
Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13
Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07
Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36
Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09
Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46
Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06
Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04
DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19
Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37
Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34
TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17
CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05
Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04
Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41
Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16
|
Âm Dương Lịch |
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
|
|
| Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng | |
| |
Tác giả | Thông điệp |
---|
Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng Wed 23 Jun 2021, 11:55 | |
| TỰ LỰC VĂN ĐOÀN - VĂN HỌC VÀ CÁCH MẠNG
Thuỵ Khuê
Hiện nước ta giầu mạnh lên là tốt, nhưng không thể tiếp tục lối sống ấu trĩ về văn hóa mãi được, kiểu một cuốn sách có vài câu phê bình chủ tịch Hồ Chí Minh như cuốn Một cơn gió bụi của học giả Trần Trọng Kim, in ra là bị tịch thu liền. Tôi cho đó không những biểu dương sự ấu trĩ tinh thần mà còn là sự tụt hậu sâu xa; cũng như không thể cung cấp cho sinh viên những loại tài liệu về Tự Lực Văn Đoàn, qua bộ sách quý hóa của giáo sư Thanh Lãng dưới đây.
Thanh Lãng và Bản lược đồ Văn Học Việt Nam
Thanh Lãng là giáo sư Đại học Văn khoa, tiến sĩ văn chương Pháp, một trong những giáo sư văn khoa hàng đầu ở miền Nam; ảnh hưởng của ông rất lớn vì ông dạy các đại học văn khoa Huế, Sài Gòn, từ 1957 đến 1975, ngoài việc giảng dạy ông còn viết nhiều sách nghiên cứu.
Bộ sách Bảng lược đồ văn học Việt Nam, hai tập, của ông được dùng ở Đại học Văn khoa và là một trong những cuốn sách được xem là “khuôn mẫu” cho người nghiên cứu. Tự Lực Văn Đoàn nằm trong Bảng lược đồ văn học Việt Nam, quyển hạ, phần Văn Học thế hệ 1932 (1932-1945), Chương I: Đặc tính chung của thế hệ 1932.
Năm 1972, khi in bộ sách Phê bình văn học thế hệ 1932, ông đưa phần này lên đầu, có sửa chữa đôi chút và phân chia tiểu đoạn rõ ràng hơn, nhưng vẫn giữ nguyên nội dung câu chữ. Hiện nay, phần viết này lại được đưa lên mạng Chim Việt Cành Nam. Vì vậy chúng tôi thấy cần phải nhìn lại quan điểm của giáo sư Thanh Lãng về Tự Lực Văn Đoàn.
Chọn năm 1932 làm khởi điểm cho một nền văn học mới, Thanh Lãng viết:
Thực vậy, chung quanh những năm 32, nhiều biến cố quan trọng đã xẩy ra, giúp vào việc sửa soạn và xô đẩy, hầu như một cách ức bách, sự thành hình một hướng đi mới, một lối sống mới, một lối hành động mới, một lối cảm xúc mới, một lối suy tư mới… một lối viết mới với những nhà lãnh đạo mới.
Lý do rất phức tạp, thuộc đủ mọi chiều hướng: chính trị, kinh tế, xã hội, văn học, tâm lý…”[5]
Ông kể ra bốn lý do chính đã đưa đến sự đổi mới này:
1- Những biến động chính trị: Việt Nam Quốc Dân Đảng nổi lên và bị đán áp. Nhiều đảng phái mới ra đời. Đáng kể hơn cả là Đông Dương Cộng Sản Đảng.
2- Việc vua Bảo Đại hồi loan.
3- Những cải cách của nội các Bảo Đại.
4- Lối sống xé rào của vị vua trẻ.
Về điểm số 1: sự đổi mới văn học là do những biến động chính trị, không cần bàn vì ông có lý hay không, không quan trọng. Nhưng ba điểm sau, cần phải bàn lại.
Sự đổi mới phát xuất từ khi vua Bảo Đại về nước?
Để chứng minh rằng gốc gác của việc canh tân là do lòng mong muốn của chính phủ Pháp, ông dẫn lời Albert Sarraut, cựu Toàn quyền Đông Dương, lúc đó là Bộ Trưởng Thuộc Địa, khi tiễn vua Bảo Đại lấy tầu về nước, ở Marseille, nói:
Tâu Hoàng Thượng, Hoàng Thượng sẽ gánh một gánh rất nặng nề, là phải làm một vị Đế vương tân thời, song phải tuân theo cổ tục, Ngài phải làm cho một nước cổ hóa ra một nước kim… ” (Sđd, trang 599).
Và ông cho rằng, việc vua về nước đã làm thay đổi mọi sự, đặc biệt nhà vua đã thay đổi nội các:
Nội các cũ gồm các quan già bị bãi bỏ và theo đạo dụ chỉ ngày mồng 2 tháng 5 năm 1933, vua Bảo Đại công bố thành phần một nội các mới gồm những vị Thượng Thư rất trẻ: Ngô Đình Diệm, Bộ Lại, ba mươi mốt tuổi; Phạm Quỳnh, Bộ Quốc Dân Giáo Dục, bốn mươi tuổi, Hồ Đắc Khải, Bộ Tài Chánh, ba mươi tám tuổi, Bùi Bằng Đoàn, Bộ Tư Pháp, bốn mươi sáu tuổi, Thái Văn Toản, Bộ Công Tác, bốn mươi bẩy tuổi” (trang 602).
Ông cũng cho rằng việc vua Bảo Đại hồi loan làm cho lòng dân khắp nơi hoan hỷ, và đã có ảnh hưởng lớn về mặt chính trị:
Thật vậy, không những người Pháp làm ra mặt hoan hỉ, không những người dân đơn sơ tỏ ra vui mừng vì có được một vị vua đầu tiên văn minh tân tiến, mà cả đến dư luận báo chí toàn quốc đều tỏ nỗi hân hoan và hiên ngang trong dịp vua Bảo Đại hồi loan (…)
Ấy khía cạnh và ảnh hưởng chính trị của việc vua Bảo Đại hồi loan là như vậy.
Đến như việc canh cải học chánh, sửa đổi đường lối giáo dục, vua Bảo Đại cũng có nhiều ý kiến đáng lưu ý, gây được nhiều dư luận thuận lợi cho nhà vua (trang 602-603).
Sau khi trích dẫn dài rộng bài viết trên Văn học tạp chí số 4 tháng 8 và 9- 1932, ca tụng việc ngự giá hồi loan và để chứng minh cho việc vua Bảo Đại được toàn dân ủng hộ, ông viết tiếp:
Tuần báo Phong Hóa cũng có nhiều bài nói về việc vua Bảo Đại hồi loan, nhất là việc loan truyền những chỉ dụ của nhà vua đối với công cuộc canh tân xứ sở.
Tất cả cái chủ trương của vua Bảo Đại cũng như của Pháp lúc ấy là hô hào canh tân, xây dựng một nước Việt Nam mới, cởi bỏ được cái tập tục cũ. (trang 605).
Sau việc ngự giá hồi hương, Thanh Lãng nói đến những cải cách của nhà vua.
Những cải cách của nội các Bảo Đại
Để chứng tỏ nhà vua thực hiện việc cải cách, ông trích lời huấn dụ ngày 10-9-32 của Bảo Đại:
Ta sẽ tuyển dụng cũng như thời xưa là do thí khảo, đề mục luân lý kinh văn và cũng có khoa học về chính trị phép luật tân thời, hễ ai được thắng phân số là trúng tuyển. (…)
… nhân có chánh phủ Bảo hộ đã tổ chức học vụ hay tốt, đặt thầy có mô phạm tân thời, cứ cơ sở vững bền ấy, ta sẽ sửa lại bộ Học sẽ gọi bằng bộ Quốc dân Giáo dục, để biểu minh chú ý.
Ta muốn sắp đặt việc giáo dục của quốc dân theo nền vững bền gia đình giáo dục và luân lý đời xưa.” (trang 604-605).
Bài dụ rất dài, nhưng chúng tôi tạm trích dẫn vài câu như vậy, để độc giả thấy cái tinh thần hổ hỡi của giáo sư Thanh Lãng khi viết những dòng trên đây.
Những dòng này, nếu giáo sư Thanh Lãng viết cuối năm 1932 (vua Bảo Đại về nước tháng 9-1932) thì còn hiểu được, nhưng ông viết ở Sài Gòn, năm 1966-67, thì thật không thể hiểu nổi.
Toàn dân vui mừng và tin tưởng khi vị vua trẻ về nước là điều tự nhiên. Nam Phong số 186 (tháng 7-1933) Số đặc biệt để nghênh giá đức Bảo Đại Hoàng Đế, có những cái tựa hết sức gợi cảm: Vị quốc vương tân thời thứ nhất của nước Nam; Đô thành Huế là trung tâm điểm của chính trị Pháp-Việt. Triều đình mới; Triều đình mới của Việt Nam hoạt động; Những lời chỉ dụ của Hoàng Đế; Các báo Pháp ca tụng đức Bảo Đại…
Nhưng những lời lẽ “phúng dụ” này không sống lâu hơn vài tháng. Những niềm tin cũng theo nhau chết yểu: Phong Hóa đăng tin vua về nước vài tháng rồi tịt. Nam Phong sau số đặc biệt, cũng ngừng luôn. Bởi vì người Pháp có cho vua làm những điều ông mong muốn đâu?
Chỉ hơn một năm sau, sự thực phũ phàng lộ rõ: Người Pháp chỉ đưa vua về để làm bù nhìn. Họ nói miệng chứ không cho vua tự ý cải cách bất cứ điều gì. Rút cục, nhà vua chỉ xin được họ nới rộng việc canh giữ cụ Phan Bội Châu và đặt tên lại cho bộ Học là Bộ Quốc dân Giáo dục mà thôi, bởi vì về việc học, chánh phủ Bảo hộ đã tổ chức học vụ hay tốt, đặt thầy có mô phạm tân thời” rồi.
Năm 1995, khi chúng tôi phỏng vấn giáo sư Hoàng Xuân Hãn, người đã từng kèm toán vua ở Paris, ông ngậm ngùi nhắc lại chuyện ông về thăm vua năm 1934, ông nói với vua: “Những người thanh niên Việt Nam nhiều người nhìn vào Ngài về cải cách này, cải cách kia, thì phải làm cái gì, chứ mà ai cũng để ý tới, nhất là thanh niên Việt Nam. Ông chỉ giả lời tôi một câu, lúc ấy ông chỉ nói: Làm thì làm với ai? Làm với ai? Rồi năm 1942, ông về Huế, lại đến thăm vua lần nữa: “Thấy bộ ông ấy buồn lắm. Trông thấy ông ấy buồn lắm và ông ấy không dám nói một cái gì hết cả!”[6] Đó mới là sự thực.
Nếu giáo sư Thanh Lãng đã nhìn thấy Tất cả cái chủ trương của vua Bảo Đại cũng như của Pháp lúc ấy là hô hào canh tân, xây dựng một nước Việt Nam mới, cởi bỏ được cái tập tục cũ” thì thực là ông quá ngây thơ hoặc ông quá nông cạn. Năm 1932, học giả Phạm Quỳnh cũng đã tin như thế, ông bỏ Nam Phong để về Huế làm Thượng thư, rồi cũng không làm được gì cả, nhưng ông ở lại Huế, có lẽ vì không nỡ để vua một mình. Ông Ngô Đình Diệm chỉ ở lại ít lâu, biết mình không có thực quyền, cũng đã từ chức. Vì thế khi Nhật đảo chính Pháp, trao lại chính quyền cho Bảo Đại, nhà vua đã mời hai học giả Trần Trọng Kim và Hoàng Xuân Hãn về Huế, lập chính phủ. Hoàng Xuân Hãn kể lại: “Ông Bảo Đại đã nói với cụ Kim cũng như với tôi là: “Từ trước đến giờ các anh muốn nước Việt Nam độc lập, bây giờ có cơ hội thì lại chối, mình không chịu [nhận] độc lập, thế rồi sau này nói thế nào [với quốc dân]?” Vì câu ấy, mới convaincre [thuyết phục] được cụ.”[7] Xem như vậy, người Pháp chưa hề có ý định để cho ta độc lập dù họ có lập ra mấy chính phủ mới cũng thế thôi. Chỉ đến khi chính phủ Trần Trọng Kim ra đời, với những nhà trí thức chân chính, trong bốn tháng, đã làm được những việc cải cách thực sự, nhất là về giáo dục.
Vậy mà giáo sư Thanh Lãng viết về chính phủ Trần Trọng Kim như thế này: “Chính phủ Trần Trọng Kim đã nhờ vào thế lực của Nhật, lật được ách thống trị của Pháp để tuyên bố độc lập, nhưng nền độc lập của chánh thể Trần Trọng Kim không được ai để ý, thậm chí có người còn không biết đến” (trang 637). Cách viết của Thanh Lãng là như thế, đầy những lỗi “tầy đình”: Chính phủ Trần Trọng Kim lật được ách thống trị của Pháp? Lật như thế nào? Bao giờ?
Lối sống xé rào của vị vua trẻ
Để chứng minh “công lao” của nhà vua trong việc “cải cách”, giáo sư Thanh Lãng viết:
Bởi vì vua Bảo Đại, như ta thấy, tỏ ra rất ham cải cách, bỏ các thói tục cổ hủ như tục lạy lục. Lần đầu tiên, một nhà vua Việt Nam đã dám du tuần khắp nước một cách bình dị như vua Bảo Đại. Cũng lần đầu tiên, một vua Việt Nam lấy có một vợ mà người vợ ấy vừa là con gái bình dân, vừa là người công giáo, một tôn giáo dầu sao vẫn chưa được triều đình, nhất là hoàng tộc ưa thích. Vua Bảo Đại đã hành động theo sở thích chứ không hành động theo lễ giáo, hay tập tục cũ, dưới sự thúc bách của hoàng tộc” (trang 632).
Và ông đưa ra một kết luận xanh rờn:
Đi trước cả Khái Hưng, Nhất Linh trong Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Bảo Đại đã tranh đấu thành công cho việc tự do kết hôn, cho chế độ, độc thê, mà nhất là trong việc đánh thẳng vào chế độ đại gia đình. Bảo Đại đã chủ trương tự do cá nhân trước cả Tự Lực Văn Đoàn” (trang 632-632).
Giáo sư Thanh Lãng đã lầm lộn một hành động cá nhân với sự tranh đấu cho một xã hội: vua Bảo Đại lấy một vợ là chuyện riêng của ông ấy, vả lại ông đi Pháp từ lúc 9 tuổi, được vợ chồng ông cựu công sứ Charles nuôi, thấm nhuần văn hóa Pháp, thì chuyện lấy một vợ chẳng có gì là lạ. Chỉ khi nào nhà vua ra được đạo dụ cấm đa thê, thì lúc đó ông mới cải tiến xã hội Việt Nam. Ông làm vua, đã không có quyền cai trị dân tộc mình, mà lại còn không được tự do lấy vợ nữa, thì sống làm gì? Giáo sư Thanh Lãng có nghĩ đến điều đó chăng?
Tệ hại nhất là ông giáo sư còn cho rằng: vua Bảo Đại đã làm tất cả mọi việc trước Tự Lực Văn Đoàn: “Bảo Đại đã tranh đấu thành công cho việc tự do kết hôn, cho chế độ, độc thê, mà nhất là trong việc đánh thẳng vào chế độ đại gia đình. Bảo Đại đã chủ trương tự do cá nhân trước cả Tự Lực Văn Đoàn.”
Không! Vua Bảo Đại đã bị Pháp bó chân bó tay từ năm 1933 rồi. Việc xã hội Việt Nam cải tiến, không hề nhờ Bảo Đại, mà phần lớn là nhờ tiểu thuyết của Khái Hưng, Nhất Linh, nhờ văn trào phúng của Hoàng Đạo, văn nghị luận của Hoàng Đạo, tranh hý họa của Nguyễn Gia Trí, những người ấy đã hy sinh cả cuộc đời để theo đuổi cuộc tranh đấu này. Nếu Thanh Lãng không nhìn ra, thì cũng đừng bội bạc xoá bỏ.
Nhưng tác hại sâu xa nhất là việc Thanh Lãng hiểu lầm, hoặc cố ý xuyên tạc chủ trương của Phong Hóa Ngày Nay. Trong phần giới thiệu bộ mặt của nền văn học mới, tất cả nhận định của ông về báo Phong Hóa, đều xoay quanh một điểm: Phong Hóa hạ bệ tất cả.
(còn tiếp)
|
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng Fri 25 Jun 2021, 10:56 | |
| TỰ LỰC VĂN ĐOÀN - VĂN HỌC VÀ CÁCH MẠNG
Thuỵ Khuê
Phong Hóa hạ bệ tất cả
Để giới thiệu Phong Hóa, câu đầu Thanh Lãng viết rất nồng nhiệt:
Trước khi được đặt dưới quyền điều khiển của Nguyễn Tường Tam, tuần báo Phong Hóa của ông Phạm Hữu Ninh, ngay từ số 1 ra tháng Juin 1932, cũng đã có một nội dung khác hẳn các báo đương thời cả về văn cũng như về ý tưởng. Trần Khánh Giư (Khái Hưng) là cây bút cốt cán, giữ nhiều mục quan trọng trên Phong Hóa suốt từ số 1 cho đến số 14.
Nhưng từ số 14 ra cuối tháng Septembre 1932, khi mà Nguyễn Tường Tam đứng ra điều khiển tờ báo này với sự cộng tác thường xuyên của Khái Hưng, Tú Mỡ, Tứ Ly (Hoàng Đạo)… thì báo Phong Hóa quả là trái bom nổ giữa làng báo” (trang 610).
Sau lời giới thiệu “hoành tráng” đó, giáo sư Thanh Lãng bắt đầu công phá. Trước hết, ông nhắc lại công lao của Nam Phong:
Thực vậy, trong suốt mười mấy năm trường, Nam Phong hầu như giữ công việc của một Viện Hàn Lâm. Điều gì Nam Phong viết ra đều là hay, văn Nam Phong viết ra là đẹp, ý kiến Nam Phong bàn là được tôn trọng, luật lệ Nam Phong đặt ra mọi người tuân theo, chữ Nam Phong chế ra mọi người đều dùng. Người ta coi Nam Phong như bậc thầy” (trang 611).
Ông ca tụng Nam Phong như vậy, để tung ra câu kế tiếp:
Vậy mà năm 1932, vừa bắt đầu ra đời, tuần báo Phong Hóa đã đánh thẳng vào Nam Phong, đánh các người lãnh đạo Nam Phong, đánh chính báo Nam Phong, đánh ngay cả chủ trương về tư tưởng và nghệ thuật của nhóm Nam Phong bênh vực, tức là quốc dân bênh vực có trên hai chục năm.” (trang 611)
Không thể tuyên bố như thế về một tờ báo, dù là tờ Nam Phong, nhất là người đó lại là một giáo sư đại học về văn chương. Bởi vì chính sự suy nghĩ và suy xét, không cho phép ta công kênh bất cứ một tờ báo nào lên hàng thầy của một dân tộc cả. Mà đại học là ngưỡng cửa mở cho sinh viên vào suy nghĩ, suy luận, trước khi công nhận bất cứ điều gì. Đành rằng Nam Phong có những giá trị không thể chối cãi được, nhưng không ai có thể nói rằng: Điều gì Nam Phong viết ra đều là hay, văn Nam Phong viết ra là đẹp, ý kiến Nam Phong bàn là được tôn trọng, luật lệ Nam Phong đặt ra mọi người tuân theo.
Việc định tội ở đây rất rõ ràng: Sau khi kể công trời biển của Nam Phong, Thanh Lãng giáng một đòn chí tử: Đánh vào Nam Phong, đánh vào các lãnh đạo của Nam Phong, tức là đánh vào quốc dân bởi vì Nam Phong là thầy quốc dân! Một thứ lập luận như vậy, làm sao có thể chấp nhận được ở thời buổi tự do dân chủ, tự do báo chí.
Sự cấm phạm thượng, là nguyên tắc của hai chế độ: quân chủ chuyên chế và độc tài toàn trị. Việt Nam đã có kinh nghiệm nhỡn tiền: sau bao nhiêu năm (miền Bắc từ 45, cả nước sau 75) bị cấm cười, các nhà văn hài hước bị tuyệt chủng, bây giờ nếu muốn gây giống lại, thì phải cho in tác phẩm của Hoàng Đạo, chủ soái của loại văn hài hước châm biếm này.
Tôi không nghĩ giáo sư Thanh Lãng chịu ảnh hưởng Vua Chúa hay Xít-Ta-Lin; là linh mục nên có lẽ ông bị ảnh hưởng của Giáo hội nhiều hơn. Thái độ của ông nhắc ta nhớ lại thời kỳ Giáo hội Trung cổ cấm cười, sách hài hước bị khoá trái trong phòng cấm của thư viện, tẩm thuốc độc, kẻ nào to gan dám lẻn vào đọc lén sẽ bị đầu độc chết cứng mà Umberto Eco miêu tả trong Le nom de la rose (Tên đoá hồng). Giáo sư Thanh Lãng đậu tiến sĩ văn chương Pháp, tất ông cũng đã đọc qua Rabelais. Từ thế kỷ XVI, Rabelais đã đem cả mọi tầng lớp trí thức, quý tộc, vua chúa, cha cố, ra chế giễu, đặc biệt ông coi những giáo sư đại học Sorbonne là bọn sâu bọ rắn rết cả. Vậy giáo sư Thanh Lãng cũng cấm à?
Tôi đã đọc Nam Phong và Phong Hóa và không thấy chỗ nào Phong Hóa đánh ngay cả chủ trương về tư tưởng và nghệ thuật của nhóm Nam Phong bênh vực, như giáo sư Thanh Lãng viết, bởi vì Nam Phong chẳng bênh vực một chủ trương tư tưởng và nghệ thuật nào cả.
Còn lãnh đạo tờ Nam Phong thì chỉ có Phạm Quỳnh, mà Phong Hóa (tức Tứ Ly và Nguyễn Gia Trí, đàn em) có viết hay vẽ tranh chế giễu Phạm Quỳnh, cũng chỉ bông đùa, có khi dùng Phạm Quỳnh làm ô dù che giấu những bài khác đánh thẳng vào bọn quan lại bồi Tây thứ thiệt. Họ thừa hiểu công lao Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh đối với nền văn chương quốc ngữ, và họ luôn luôn thầm kính trọng. Trái lại, họ hay đùa nhả với Nguyễn Tiến Lãng, “lãnh tụ” Nam Phong sau khi Phạm Quỳnh vào Huế, vì Nguyễn Tiến Lãng cùng tuổi với họ (sinh năm 1909) là con rể Phạm Quỳnh, lại chuyên viết văn tiếng Tây (vì ông Lãng viết tiếng Việt rất dở), lại thích viết truyện sầu thảm u buồn (Eurydice), được toàn quyền Robin (người đã ra lệnh thả bom Cổ Am) cấp học bổng vào trường Albert Sarraut, rồi năm 1934 làm bí thư cho Robin, v.v… ngần ấy thứ đủ cho họ lấy Nguyễn Tiến Lãng ra làm bung xung, chế giễu.
Giáo sư Thanh Lãng, là người hiếm hoi có đủ bộ Phong Hóa, từ những năm 60, nhưng dường như ông chỉ đọc những chỗ “chửi”, như ta sẽ thấy ở dưới, để thốt ra những lời như vậy.
Điểm ông chú ý ở đây, không phải là văn chương Tự Lực Văn Đoàn, không phải sự khai sáng văn chương quốc ngữ của họ, cũng không phải sự tranh đấu chống thực dân, đòi tự do dân chủ của họ, mà ông chỉ chú ý trích dẫn những câu họ chế giễu các cụ, ví dụ trong báo Xuân, có những câu:
– Mừng cụ Hoàng Tăng Bí tăng phúc, tăng lộc, tăng thọ, tăng bí.
– Mừng cụ Nguyễn Văn Vĩnh đầu năm học xem tử vi, cuối năm xem thầy số.
– Mừng cụ Huỳnh Thúc Kháng dùng chữ Nho nhiều bằng năm bằng mười năm ngoái.
…
Để buộc tội họ là “công kích cá nhân” (trang 614).
Sau khi giới thiệu Phong Hóa với những lời láng mượt: “Tuần báo Phong Hóa là luồng gió mới, làm xáo trộn tất cả trật tư xã hội, thổi tung những lớp bụi bặm phủ đầy trên lâu đài văn hóa cũ một lần nữa bay mù trời” (trang 611). Ông tấn công ngay: “Phong Hóa bắt đầu mở chiến dịch khiêu khích, hạ bệ hai lãnh tụ của hai cơ quan ngôn luận lớn nhất của thế hệ trước, tức Đông Dương tạp chí và Nam Phong tạp chí” (trang 612).
Và Thanh Lãng đã dành 14 trang sách khổ lớn (từ trang 612 đến 624) để trích dẫn và kể tội Phong Hóa đã “phạm thượng”, đã “chửi “người đi trước như thế nào. Ông còn nhấn thêm:
Những điều mà Phong Hóa đánh đấm chẳng phải đánh đấm vu vơ đâu. Nó nằm trong chủ trương, đường lối của cả nhóm. Một bản tuyên ngôn của Tự Lực Văn Đoàn đã nói lên điều nhận định của tôi” (trang 622), rồi ông cho in lại cả bản Tuyên ngôn và bản Tôn chỉ của Tự Lực Văn Đoàn để “chứng tỏ” điều đó. Hai văn bản này (đã in trong chương Sự thành lập Tự Lực Văn Đoàn, phần I), những người viết về Tự Lực đều biết, chưa thấy ai coi đó là văn bản chủ trương việc “đánh đấm” ai cả.
Phản ứng của Nguyễn văn Vĩnh
Thanh Lãng luôn luôn dùng những chữ khuếch đại để xác định “tội trạng” của Phong Hóa:
Từ bao nhiêu lâu, khắp từ Nam chí Bác, dư luận đâu đâu cũng có Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh là hai ông tổ của văn học thế hệ 1913-1932. Vậy mà Phong Hóa số 14, 22 Sept. 1932, đã đặt vè để chế giễu hai ông chủ bút Đông Dương và Nam Phong tạp chí. (trang 612). Như vậy, đối với thế hệ cũ, chẳng riêng gì con người họ bị bêu xấu, cơ quan ngôn luận của họ bị chế diễu mà chính cả đường lối của họ từng được cả quốc dân ca ngợi nay cũng bị nhạo báng” (trang 619).
Thực quả linh mục Thanh Lãng không biết cười. Ông kém xa Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, những người bị Phong hóa chế giễu. Phan Khôi, trên Phong Hóa số 26 (16-12-1932) trong bài Cái địa vị khôi hài trên văn đàn, không những bênh vực tiếng cười mà còn nói rõ công dụng giáo hóa của tiếng cười, chúng tôi đã trích dẫn kỳ trước. Nguyễn Văn Vĩnh cũng không giận mà còn bênh vực Phong Hóa trên Annam nouveau như sau:
Báo ấy đã tả những tính cách buồn cười và nhiều khi vẽ phác ra bằng những nét bút rất có ý nhị. Họ chỉ hơi ác thôi. Nhưng không hề gì, mà chính chúng tôi đây cũng vui lòng để họ riễu cợt, vì khoa hài hước có quyền làm thế, nhất là ở xứ này, ở một dân tộc thích chế nhạo như dân tộc ta. (Annam nouveau, 9-6-35)
Khi Nguyễn Văn Vĩnh từ trần, Phong Hóa số 186 (8-5-1936) loan tin: Về dịp ông Nguyễn Văn Vĩnh tạ thế các báo hàng ngày nghỉ một kỳ và các tuần báo ra chậm một ngày để tỏ lòng thương tiếc. Và có bài viết sau đây:
Ông Nguyễn Văn Vĩnh đã tạ thế
Ông mất ở bên Lào, trong khi đang theo đuổi trong các rừng rậm cái công việc của một người đi tìm vàng.
Tại sao ông lại rời bỏ Hà Nội và tờ báo “Annam mới” sang bên đó làm việc ấy, người ta đã biết rõ rồi. Người ta còn bàn luận nhiều và than thở về sự thất bại trong các công việc của ông nữa.
Nhưng sự thất bại đó không làm gì. Cái mục đích của cuộc đời ông Vĩnh không phải ở sự thành công. Nếu như một người khác, chỉ yêu cầu một điạ vị chắc chắn và an nhàn thì ông Vĩnh đã thừa có thể. Nhưng ông Vĩnh là một người ưa hoạt động, đời ông là một cuộc đời hoạt động cho đến cùng, nên đối với cái kết quả của các việc, ông không quan tâm đến.
Ông là người Annam đầu tiên hiểu rằng cuộc đời an nhàn mà các cụ ta xưa mong ước, là một cuộc đời đáng chán, đáng buồn. Ông đầu tiên hiểu rằng chỉ có hoạt động, thì một cuộc đời mới có ý vị và đáng sống, chỉ sự hoạt động mới làm cho con người ta trở nên có giá trị và giúp ích cho mọi người.
Đời ông đã sống, tuy có thất bại trong công việc làm ăn, nhưng vẫn là một cuộc đời đầy đủ muôn phần. Ông chết đi chúng ta mất một người đáng trọng, đáng kính, mất một cái “nghị lực hoạt động” là sự đáng quý nhất trong đời bây giờ.
Chúng ta lại mất một nhà văn và một nhà báo nữa. Những công việc ông đã làm trong văn chương và báo giới, chúng tôi không cần nhắc lại. Chúng tôi chỉ nói rằng ông là người An-nam đầu tiên đã đoán biết cái sức mạnh vô cùng của báo chí, cái sức mạnh vô cùng của chữ quốc ngữ- đã dùng hai cái lợi khí đó để truyền bá tư tưởng mới cho đồng bào.
Chúng ta lại nên biết nữa rằng, tuy có nhiều sự cám dỗ mãnh liệt, mà ông vẫn trung thành với nghề nghiệp cho đến tận bây giờ.
Một sự như thế cũng đáng để cho ta phải nên phục ông rồi.
Huống chi thất bại mà không ngã lòng, có tuổi mà không chán nản, ông thực đáng làm gương cho bọn thiếu niên ta nữa.
Ông mất đi đó là một tin buồn chung cho mọi người biết nghĩ.
Chúng tôi ngậm ngùi thương tiếc kính viếng ông, và xin có lời trân trọng chia buồn cùng tang quyến.
Tự Lực Văn Đoàn
Bài này chắc Tứ Ly viết, vì Tứ Ly là người chế giễu ông Vĩnh nhiều nhất, nhưng cũng hiểu ông Vĩnh sâu xa nhất, Tứ Ly đã nhận diện được những nét chính trong tư tưởng và hành động của Nguyễn Văn Vĩnh:
– Thành công không phải là mục đích cuộc đời của Nguyễn Văn Vỉnh.
– Đời ông là hoạt động cho đến cùng, còn kết quả không quan trọng.
– Ông là người Việt đầu tiên hiểu rằng cuộc đời an nhàn của các cụ, là đáng chán, đáng buồn.
– Ông là người Việt đầu tiên hiểu rằng chỉ có hoạt động, mới làm cho con người có giá trị.
– Ông là người Việt đầu tiên đã nhìn thấy sức mạnh vô cùng của báo chí, của chữ quốc ngữ. và đã dùng hai lợi khí đó để truyền bá tư tưởng mới cho đồng bào.
– Thất bại mà không ngã lòng, có tuổi mà không chán nản, ông thực đáng làm gương cho bọn thiếu niên.
Ngoài Tứ Ly, mấy ai thấy rõ Nguyễn Văn Vĩnh như thế? Những nhận định này đã có và sẽ có trong những bài viết của Tứ Ly, như một thứ chân lý sống và tranh đấu cho tuổi trẻ. Tứ Ly hiểu Nguyễn Văn Vĩnh một cách sâu sắc hơn Thanh Lãng rất nhiều, bởi Thanh Lãng chỉ đưa ra được những lời tôn vinh huê dạng và rỗng nghiã.
Về việc chế giễu Tản Đà, Thanh Lãng cũng viết những câu thái quá:
Nhưng chẳng hiểu tại sao Phong Hóa lại như có thù riêng gì với thi sĩ Tản Đà! Trong suốt mấy tháng cuối năm 32 đầu năm 33. Chẳng mấy số báo mà Phong Hóa buông tha nhà thơ sông Đà núi Tản” (trang 616). “Họ chửi ông đủ điều, họ làm thơ họa vận để rêu ruốc ông” (trang 617), rồi Thanh Lãng chép lại bài thơ Tứ Ly họa thơ Tản Đà để “rêu ruốc”. Sự thật thì Tản Đà làm thơ mắng mỏ Phong Hóa trước, rồi Tứ Ly mới họa lại! (PH số 29).
Khi bàn về thơ mới cũng lại moi tội Phong Hóa:
Phong Hóa đánh thơ cũ bằng cách đánh thẳng vào Tản Đà được coi là linh hồn, là hiện thân của thơ cũ. Hầu như chẳng có mấy số mà Phong Hóa không có bài chế diễu nhà thơ sông Đà núi Tản, mà chế diễu một cách tàn nhẫn. (trang 670).
Việc Tản Đà tôi đã nói trong bài trước rồi, chỉ xin nhắc lại: Tản Đà không giận mà còn có vẻ khuyến khích việc chế giễu này, đôi khi thấy lâu lâu “nó” không trêu mình cũng buồn, nên thi sĩ làm thơ khiêu khích “nó” trước, để “nó” trả lời cho vui.
Lối viết của Thanh Lãng rất một chiều: thấy Nhất Linh bị buộc tội “bốc” người nhà, bị đánh hội đồng vì đã viết bài giới thiệu thơ Thế Lữ, Thanh Lãng cũng nện thêm. Hoặc ông không nhắc gì đến vụ Thạch Lam bị Phan Trần Chúc đăng tin úp mở đổ tội “ăn cắp cravate bị cảnh sát bắt”, vụ này ầm ĩ lên, khiến Hội nhà báo phải họp “đại hội đồng” để hòa giải cuộc bút chiến giữa Tân Việt Nam (Phan Trần Chúc) và Ngày Nay (Thạch Lam và Thế Lữ); hội đồng tuyên bố Phan Trần Chúc có lỗi, có cả biên bản của Trần Huy Liệu và Nguyễn Trọng Trạc (Ngày Nay số 83 (31-10-37).
Vậy việc bút chiến là đặc tính chung của báo chí thời đó, có lẽ cũng để bán báo nữa. Khi họ cãi nhau thì bên tám lạng bên nửa cân, chẳng ai chịu thua ai cả. Nhưng Thanh Lãng chỉ chăm chú bới lông tìm lỗi của Phong Hóa.
(còn tiếp)
|
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng Thu 08 Jul 2021, 12:17 | |
| TỰ LỰC VĂN ĐOÀN - VĂN HỌC VÀ CÁCH MẠNG
Thuỵ Khuê
Không phân biệt thể loại văn chương
Thanh Lãng viết một câu rất đáng chú ý:
Nhưng điều đáng chú ý là sự ra đời của mấy truyện như Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, Tôi kéo xe của Tam Lang. Từ cách xây dựng truyện đến cách đặt vần đề, cách mô tả tâm lý các truyện mà nhất là lời văn dễ dãi, linh động; ba tác phẩm này như vạch ra một vạch lớn phân đôi hai thế hệ trước (13-32) và thế hệ sau (32-45) (trang 625)
Như vậy, Thanh Lãng coi ba tác phẩm Hồn bướm mơ tiên, tiểu thuyết (1932), Kép Tư Bền, truyện ngắn (1935) và Tôi kéo xe, phóng sự (1932, in 1935) đều là truyện cả, bởi vì ông không phân biệt được các thể loại khác nhau và các nhà văn khác nhau.
Tam Lang viết phóng sự, phóng sự thuộc loại tài liệu sống của nhà báo. Còn truyện ngắn và tiểu thuyết là sản phẩm của nhà văn. Vậy không thể coi cả ba thể văn này đều là truyện được.
Phóng sự có thể sống động rất hay, nhưng chưa phải là cái hay của một tiểu thuyết, bởi vì nhà phóng sự chưa quán xuyến được mặt hậu của chữ nghiã, tức là chưa liên lạc được chữ nghiã với tư tưởng nằm sau chữ nghiã, nói rõ hơn: nhà phóng sự chỉ mô tả những gì xẩy ra, nhà văn qua những sự việc mô tả, nói lên những bộ mặt khác của xã hội và con người. Thạch Lam cũng bắt đầu bằng viết phóng sự. Trường hợp điển hình là Vũ Trọng Phụng, ông bắt đầu bằng phóng sự, nhưng chỉ từ khi ông viết Giông tố và nhất là kiệt tác Số đỏ, ông mới trở thành nhà văn đích thực, nhà văn lớn. Bởi vì qua Xuân tóc đỏ và những nhân vật khác trong truyện, ông đã vẽ nên toàn diện xã hội Việt Nam lai căng, đạo đức giả, đồi trụy dưới thời Pháp thuộc. Tiếc rằng Thanh Lãng cũng như Phạm Thế Ngũ, khi viết về Vũ Trọng Phụng đều không kể đến Số đỏ. Những nhà viết phóng sự hay như Tam Lang, Trọng Lang không bao giờ vượt qua được ngưỡng cửa nhà báo để trở thành nhà văn.
Về nhà văn, cũng không thể so sánh Nguyễn Công Hoan với Khái Hưng, vì Nguyễn Công Hoan là nhà văn viết truyện hiện thực đường thẳng (réalisme linéaire), nghiã là tác phẩm không có nghiã kép, đọc đâu hiểu đấy, còn Khái Hưng là nhà văn có nhiều tầng tư tưởng, những tác phẩm hay của ông thường ẩn ý nghiã triết học, có thể đọc nhiều cách, mỗi cách đọc đưa đến một cách hiểu khác. Hồn bướm mơ tiên là một kiệt tác và là tác phẩm tiểu thuyết quốc ngữ đa diện đầu tiên của nước ta.
Khi Thanh Lãng lấy Hồn bướm mơ tiên, Kép Tư Bền và Tôi kéo xe, ba tác phẩm thể loại khác nhau, có giá trị nghệ thuật và tư tưởng khác nhau, để làm mốc vạch phân đôi hai thế hệ (1912-32) và (1932-45) vì ông cho đó là ba cuốn truyện giống nhau từ cách xây dựng truyện đến cách đặt vấn đề, là ông chưa thấu rõ bản chất văn chương. Trong chương viết về tiểu thuyết sau đó, ông cũng đưa tất cả những cuốn phóng sự vào mục tiểu thuyết, thậm chí với Vũ Trọng Phụng, ông đưa hết phóng sự mà không đưa Số đỏ vào.
Vì không phân biệt được thể loại, cho nên Thanh Lãng đã coi những mục tản mạn, tin vặt, hài hước, cãi cọ, trên Phong Hóa là những bài phê bình, như ta sẽ thấy dưới đây.
Không hiểu thế nào là phê bình
Trong chương II tựa đề Lịch sử phê bình thế hệ 1932, Thanh Lãng chia văn học ra làm bốn khối, A, B, C, D, và ông xếp: Khối A là khối bị cho là cựu học, khối B là Tự Lực Văn Đoàn, Khối C là khối đối lập, phản công Phong Hóa, và Khối D là khối duy vật.
Theo ông: “Văn phê bình từ 1932 đến cuối năm 1934 là văn phê bình của hai khối A và khối B, tức phê bình của tất cả các nhà văn không thuộc nhóm Phong Hóa với các nhà văn của khối Phong Hóa tức Tự Lực Văn Đoàn” (trang 645).
Vẫn lối ngoa ngữ, ông viết: “Hầu hết các nhà văn tên tuổi của thế hệ trước đều bị khối Phong Hóa chế diễu, toàn bộ các báo, ngoại trừ báo Phong Hóa, đều bị khối Phong Hóa bêu xấu” (trang 645).
Vì ông không phân biệt được các thể loại khác nhau cho nên ông đã đưa Tự Lực Văn Đoàn vào khối phê bình B, và vào phần Lịch sử phê bình.
Nhưng Tự Lực Văn Đoàn làm gì có phê bình? Thỉnh thoảng Khái Hưng, Nhất Linh viết bài tựa sách, đâu có thể gọi là phê bình? Ông khen “Thế Lữ viết truyện hay, soạn kịch cũng khéo, phê bình có tài” (trang 645). Nhưng Thế Lữ chỉ làm đạo diễn và diễn viên chứ có viết kịch bao giờ đâu? Thế Lữ giữ mục điểm sách, điểm báo chung với Thạch Lam trên Phong Hóa, hai người này thân nhau, Thạch Lam cũng hay viết tào lao, còn Thế Lữ vì xấu tính, hay moi những nhà thơ cùng trang lứa với ông như Lưu Trọng Lư, Phạm Huy Thông, Nguyễn Vỹ… ra chỉ trích và thường tìm sách dở để chê bai, thì đâu có thể gọi là phê bình?
Nhưng đáng ngại hơn là luận điệu xuyên tạc của Thanh Lãng:
Lập trường [của Tự Lực] không phải là cái thứ lập trường hòa hoãn, nước đôi. Họ muốn tiến tới bất cứ giá nào, dầu phải tàn nhẫn, phải đập phá, chải chém giết. Mà thực họ đã tàn nhẫn với tất cả cái gì mà họ coi là cũ, họ đập phá hết tất cả cái gì mà họ cho là ngáng trở bước đi tới của họ, và lắm khi họ chẳng ngại đổ máu để giật phần thắng lợi” (trang 648).
Thật lạ lùng cái giọng “máu mê” của vị linh mục khi viết về một Văn Đoàn! Với một tiền đề như vậy, tất nhiên ta đã thấy rõ quan niệm của Thanh Lãng về Tự Lực.
Ông muốn kể tội họ “gây gổ và tuyên chiến với các nhà văn lão thành“, nhưng vì vẫn không phân biệt được thể loại và giá trị các tác phẩm, nên ông viết:
Trong những mục hoặc như mục Mực Tầu Giấy Bản hoặc như Từ Nhỏ đến Nhớn, hoặc như Bàn Ngang, hoặc như Từ Cao đến Thấp hoặc như Giòng nước ngược, hoặc như Cuộc Điểm Báo, thật là nơi dụng võ thường xuyên của các cây bút như Tứ Ly, như Nhị Linh, Tam Linh, Tứ Linh tức Nhất Linh, như Tú Mỡ, như Thạch Lam, như Lê Ta tức Thế Lữ.
Chẳng có một số Phong Hóa nào mà chẳng có một vài nhà văn, nhất là các nhà văn thuộc thế hệ trước, chẳng bị đem ra chế diễu. Lối phê bình của Phong Hóa qua các mục nói trên, về các nhà văn đàn anh, thường là lối phê bình châm chọc, chế diễu, thường thuộc đời tư hơn là lập trường văn nghệ.” (trang 648-649)
Ông lầm, không ai coi các mục ông kê khai trên đây là phê bình cả, đó chỉ là những mục thường thức, mục đích chính là tóm tắt những thông tin trong tuần, nói phiếm, bàn ngang, có khi kể chuyện ngồi lê đôi mách, thường thấy trên các báo, thỉnh thoảng cãi cọ, bút chiến, cốt lấp đầy chỗ trống, để giải trí và câu độc giả, cả thơ trào phúng của Tú Mỡ cũng vậy.
Còn Mực tầu giấy bản là tập hồi ký Khái Hưng viết về những năm học chữ Nho của mình, ký tên Nhị Linh, không ăn nhằm gì đến chuyện phê bình.
Về phê bình, Khái Hưng viết rất rõ trong bài Cùng ông Nguyễn Công Hoan:
Tôi thưa ngay cùng ông rằng tôi không phải là một nhà phê bình. Về tiểu thuyết thì đừng nói phê bình nữa, đến ngồi bàn tán xuông với anh em bạn thân, tôi cũng không từng dám khen tác phẩm này, chê tác phẩm kia. Là vì tôi cũng viết tiểu thuyết, viết tiểu thuyết như ông, như Nhất Linh, như Lan Khai, như cô Đoàn Tâm Đan, như ông Hồ Biểu Chánh. Tội lắm kia, mình khen thì anh em cho là khen mát, mà mình chê thì họ lại cho là ghen tỵ, nhất đối với một tác phẩm đã may mắn được công chúng hoan nghênh” (Phong Hóa số 177, 6-3-1936).
Võ Phiến không được sáng suốt như thế, ông đã viết bộ Văn Học miền Nam, nói xấu nhiều người nên bị Nguyễn Văn Trung, trên báo Khởi Hành “bắt” rút bộ Văn Học miền Nam về!
Rồi Thanh Lãng lại nhầm tuồng cổ với phê bình khi ông chứng minh Tự Lực đã “đánh đấm” các vị tiền bối như thế nào, ông đánh vào vở Tuồng cổ tân thời của Tứ Ly với những lời lẽ hết sức nặng nề: “Nhưng không ở đâu Hoàng Tăng Bí và Nguyễn Khắc Hiếu được mô tả một cách tồi tàn, gàn dờ, quê kệch, nhất là đê hèn như trong vở tuồng “Tuồng cổ tân thời” (Phong Hóa số 38, 39, 40, 41, 42).” Không thích cười là quyền của ông nhưng gán những chữ tồi tàn, gàn dở, quê kệch, đê hèn để bảo Tuồng cổ tân thời mô tả Hoàng Tăng Bí và Nguyễn Khắc Hiếu là quá tệ, bởi vì một giáo sư văn chương đánh giá sai một tác phẩm đã là kém rồi, bằng những chữ quá trớn như vậy là rất đáng ngại.
Sau khi “tiêu diệt” vở kịch Tuồng cổ tân thời của Tứ Ly, ông kê khai một danh sách dài các bài “chửi” trên Phong Hóa, với lời giới thiệu:
Để thêm tài liệu ta có thể tìm đọc những bài chửi Dương Bá Trạc (Phong Hóa số 120), chửi Nguyễn Tiến Lãng (Phong Hóa số 105, 137) chửi ông Lê Diễm ở báo Tân Thiếu niên (Phong Hóa số 112, chửi Thái Phỉ ở Ngọ Báo (Phong Hóa, số 110), chửi Nguyễn Khắc Hiếu… v.v… “ (trang 653). Cái danh sách này kéo dài từ trang 653 đến trang 655. Chúng ta vẫn đang ở trong phần Lịch sử phê bình thế hệ 1932.
Trong phần thứ ba ông dành cho khối C, tức là khối phản công Phong Hóa, lần này “đầy đủ” hơn, tức là ông dành toàn diện 8 trang sách khổ lớn từ 655 đến trang 663; vừa ghi danh sách vừa trích dẫn cẩn thận những đoạn các báo này “chửi” Phong Hóa, mà ông cho là đích đáng lắm. Chúng ta vẫn đang ở trong phần Lịch sử phê bình thế hệ 1932.
Không hiểu tại sao giáo sư Thanh Lãng lại mất thì giờ làm công việc này, thay vì tìm ghi danh sách những số báo có truyện ngắn, truyện dài, kịch, thơ, xã luận… có giá trị trên Phong Hóa, để độc giả dễ dàng tìm biết mà đọc, thì ông lại chỉ ghi danh sách những bài “chửi”, chỉ cho học trò đọc những chỗ chửi.
Hàng trăm truyện ngắn của Khái Hưng chưa ai ghi lại đầy đủ, sao ông không làm việc ấy?
Thực chưa từng thấy ai coi phê bình văn học là những lời “chửi” như vậy, và lại có thể có một lối viết văn học sử nào kỳ quặc như thế cả.
Nhưng tệ hại nhất là ông cho rằng Phong Hóa bị đóng cửa vì có nhiều tờ báo mới ra đời, họ “liên hiệp lại để phản công Phong Hóa. Phải chăng vì vậy mà Phong Hóa phải chết để đầu thai dưới một tên khác “Ngày Nay”?? (trang 656). Lời độc này là giọt nước tràn ly, chứng tỏ khi thực dân bắt Phong Hóa phải đóng cửa, ông sửa lại là Phong Hóa bị báo chí phản công đánh chết. Vô tình hay hữu ý, ông đã nhắm mắt vỗ tay hành động của thực dân, vì ông căm thù văn chương trào phúng như các giáo sĩ thời trung cổ?
(còn tiếp)
|
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng Sat 10 Jul 2021, 09:37 | |
| TỰ LỰC VĂN ĐOÀN - VĂN HỌC VÀ CÁCH MẠNG
Thuỵ Khuê
Tú Mỡ và sự vu khống Nguyễn Tường Tam
Tự Lực Văn Đoàn không những chỉ bị bôi nhọ trong sách giáo khoa đại học của Thanh Lãng ở miền Nam, mà sự vu khống Nhất Linh còn được xuất cảng ra ngoài.
Có người cho rằng Nhất Linh hâm mộ Hitler. Một trong những người tung tin đó là Tú Mỡ.
Việc này khá trầm trọng, không thể bỏ qua.
Trước hết, chúng tôi xin lưu ý độc giả đến cái dấu ấn của Tự Lực Văn Đoàn.
Tự Lực Văn Đoàn in dấu ấn này lần đầu tiên trên Phong Hóa số 56 (21-7-1933), nhưng không giải thích gì cả, từ Phong Hóa số 89 (16-3-34) trở đi, dấu ấn được in trên tựa báo Phong Hóa.
Dấu ấn Tự Lực Văn Đoàn và Annam xuất bản cục, PH số 56 (21-7-1933), trang 2.
Tựa báo Phong Hóa kể từ số 89 (16-3-1934)
Đến Phong Hóa số 87 (2-3-34), trong mục Cuộc điểm báo và điểm sách mùa xuân của Nhất-Nhị-Linh (Nhất Linh và Khái Hưng), hai ông phản đối bìa cuốn sách Tuổi xuân với ngày xuân “dám” ghi bốn chữ: “Tiên phong Văn Đoàn“, tức là “dám” bắt chước Tự Lực Văn Đoàn, nhân thể kể luôn “tội” cuốn Tân quốc dân:
Nói đến Tiên phong Văn Đoàn lại nhớ đến cuốn Tân quốc dân. Ngoài bìa có đặt một cái dấu ấn na ná như cái dấu của Tự Lực Văn Đoàn: cũng chỉ có con chim và mấy ngấn nước. Chỉ khác có một tý là con chim ở cuốn Tân quốc dân, có lòi thêm cái đuôi. Chẳng trách thiên hạ vẫn thường nói, bắt chước lòi đuôi“[8].
Nhờ câu này, ta mới biết: dấu ấn Tự Lực Văn Đoàn vẽ con chim và mấy ngấn nước.
Có người “nhìn ra” là chim ó (diều hâu) tuy hình này không xác định chim gì cả.
Có kẻ tưởng đó là dấu chữ thập có móc (croix gammée) hay chữ vạn của đảng Hiller, trong số đó có Phòng nhì Pháp, ý này giúp họ có thêm lý do hạ thấp giá trị Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Dấu ấn Tự Lực Văn Đoàn và Croix gammée của Đức quốc xã Nhưng tệ nhất là mấy lời Tú Mỡ viết về Nhất Linh trong bài Trong bếp núc của Tự Lực Văn Đoàn. Bài hồi ký này được rất nhiều sách in lại, hoặc trích dịch, vì hai lý do:
– Tú Mỡ là một trong những thành viên Tự Lực Văn Đoàn từ đầu.
– Tú Mỡ đã từng nhận là rất thân với “anh Tam”, nên những điều Tú Mỡ “nhận định” về “anh Tam” sau đây, hoàn toàn tin được, ông viết:
Bị lôi cuốn vào guồng Việt Nam Quốc Dân Đảng, anh Tam muốn đóng vai lãnh tụ. Tôi thấy trước đây anh có đọc “Mein Kamf” của Hít-le và giờ đây anh muốn bắt chước Hít-le từ y phục, cử chỉ đến đầu óc quốc xã.[9]
Ảnh hưởng tai hại của câu này rất rộng lớn, đặc biệt trong cuốn Đại Việt, indépendance et révolution au Việt Nam, L’échec de la troisième voie (1938-1955)- Đại Việt, cách mạng và độc lập ở Việt Nam, Sự thất bại của con đường thứ ba (1938-1955) của François Guillemot[10] trong đó, tác giả đã dùng “thông tin” của Phòng nhì Pháp, phối hợp với lời viết trên đây của Tú Mỡ, để “xác định” ba lần: Nguyễn Tường Tam là “người sùng bái chủ nghĩa Đức quốc xã” (fervent admirateur du nazisme)! (ở các trang 68, 78 và 90) trong quyển sử của ông.
Về thông tin của Phòng nhì Pháp, François Guillemot dựa vào bản báo cáo của Phòng nhì đề ngày 29-1-1949[11]. Bản báo cáo này có câu:
Đảng Đại Việt gồm những phần tử thân VNQDĐ ngày trước và những thành viên hoạt động nhất là các Ô. Nguyễn Tường Tam, thời đó sùng bái chủ nghiã Đức quốc xã, hiện lãnh đạo Việt Nam QDĐ hải ngoại ở Quảng Đông, Nguyễn Tường Long, người em vừa mới mất ở Quảng Đông, Nguyễn Gia Trí, họa sĩ…[12]
Những “thông tin” này của Công an Pháp viết tháng giêng 1949, không có gì mới cả, trừ sự sai lầm: Nguyễn Tường Tam thời đó sùng bái chủ nghiã Đức Quốc xã, thời đó là thời nào?
Tuy nhiên, François Guillemot đã dựa vào những “thông tin” này để đưa ra nhận định sau đây về Nguyễn Tường Tam:
Là nhà văn nổi tiếng và nhà bỉnh bút có tài, tuy nhiên nhân vật phức tạp này là người thất bại trong chính trị. Việc Công an truy lùng và trình bày ông, thời đó, như một người “sùng bài chủ nghĩa Đức quốc xã”, có thể cho chúng ta chìa khoá để hiểu sự thất bại của nhà văn về mặt ý thức hệ. Dường như, đối với chúng ta, khúc ngoặt theo chủ nghiã quốc gia xã hội năm 1940 của ông, sẽ như một vết sẹo trên hành trình chính trị của ông. Sự tham gia này lần theo thời gian trở thành cơn ác mộng khó xoá. Cái “lỗi lầm tuổi trẻ” này phát xuất, từ một trí thức không những sành sỏi mà còn thơ mộng và lý tưởng, sẽ là một gánh nặng”[13]
Và trong chú thích số 40, Guillemot đặt thêm câu hỏi: “Sự hòa nhập Đại Việt Dân Chính năm 1945 trong lòng Việt Nam Quốc Dân Đảng phải chăng có mục đích bí mật để sửa sai những bước đầu tai hại trong chính trị?»[14]
Như vậy, theo lập luận của François Guillemot, việc Nguyễn Tường Tam “sùng bái chủ nghĩa Đức quốc xã” đã dẫn đến sự thất bại chính trị của đảng ông. Việc “sùng bái” này, có lúc được xác định vào năm 1940, có lúc được coi là “lỗi lầm tuổi trẻ”.
Chữ hay được người ta dùng nhất là “thời ấy“ (à l’époque, cette époque). Vậy cái thời ấy là thời nào, ta cần phải xét lại cho rõ.
Việc mật thám Pháp không đọc Phong Hóa và Ngày Nay, còn hiểu được, nhưng tại sao sử gia François Guillemot không kiểm chứng lại? Ông đã viết một cuốn sách lịch sử công phu, rất có giá trị về Đại Việt-Quốc Dân Đảng, mà lại cho rằng một trong những lãnh tụ của đảng này sùng bái chủ nghĩa Đức quốc xã, dẫn đến sự thất bại của đảng này, chỉ qua “thông tin” lười biếng của Phòng nhì Pháp và lời viết vu vơ của Tú Mỡ, mà không đọc trực tiếp Phong Hóa và Ngày Nay để kiểm chứng thực hư thế nào.
Bởi vì, dù chỉ đọc lướt qua, ta cũng có thể thấy những tranh hài hước hay những bài viết chống Hitler, có tựa đập vào mắt. Và “cái thời đó“, thời mà phòng nhì Pháp cho rằng Nguyễn Tường Tam sùng bái Chủ nghĩa Đức quốc xã, là những thời sau đây:
1- Năm 1934, Phong Hóa số 104 (29-6-34), trang 4, đăng bài: Hit-Le tướng công Y- Ta-li phó hội, của Lê Ta (Thế Lữ) chế giễu Hitler đi phó hội sang Ý gặp Mussolini, bài văn hài hước viết theo lối Đông chu liệt quốc và Tam quốc chí.
2- Ngày Nay số 11 (7-5-35) trang 3, đăng bức ảnh Trên sân khấu Âu Châu, giễu Tướng Hitler đóng tuồng, dưới đề: Ảnh chụp khi Hitler đang khoa đao và hò hét như một ông tướng Tầu.
Hitler, Ngày Nay số 11, 7-5-1935, trang 3 3- Ngày Nay số 32 (1-11-36) có dịch một đoạn bài viết của Drieu de la Rochelle trong báo Marianne, giới thiệu một thứ trường dạy cầm đầu (Une école de chefs) trong “nước Đức mới”: Kể rằng “nước Đức mới” lập ra không biết bao nhiêu cơ quan huấn luyện thanh niên như: Thanh niên đoàn Hitler (Jeunesse de Hitler), Tự ý lao động (Volontaires du travail), Trại tập làm việc… để luyện cho thanh niên có thân thể cường tráng và có tinh thần kỷ luật.
Đó là bài duy nhất, không công kích Hitler, Ngày Nay in với dụng ý cổ động thanh niên nên rèn luyện thân thể theo đúng cẩm nang “10 điều tâm niệm” của Hoàng Đạo đã bắt đầu đăng trên Ngày Nay hai tháng trước, từ số 25 (3-9-1936).
4- Ngày Nay số 53 (4-4-37) có tranh bìa ký Ritg TRAN AG (Nguyễn Gia Trí) chế giễu Hitler và thực dân: vẽ Hitler đem hoa đến cầu hôn cô Mỵ Nương Đông Dương của thực dân Pháp.
Bià Ngày Nay số 53 (4-4-1937) của Ritg (Nguyễn Gia Trí) 5- Ngày Nay số 108 (1-5-38), trong mục Chính trị và đảng phái, Hoàng Đạo viết bài Chủ nghĩa Phát xít, phân tích cặn kẽ đường lối chính trị độc tài của Mussolini.
6- Ngày Nay số 109 (8-5-38) vẫn trong mục Chính trị và đảng phái, Hoàng Đạo viết bài Chủ nghiã quốc gia xã hội, phân tích và kết án không nhân nhượng chủ nghiã Hitler và chính sách xâm lược của Đức quốc xã.
Hai bài chính luận này Hoàng Đạo, lý thuyết gia Tự Lực Văn Đoàn, viết tháng 5-1938, trong thời kỳ Nguyễn Tường Tam thành lập đảng Hưng Việt; sau đổi thành Đại Việt Dân Chính. Chủ trương của đảng này là tiếp tục tư tưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học, theo chủ nghiã duy dân của Tôn Dật Tiên, không dính dáng đến chủ nghiã Quốc gia xã hội của Hitler. Những điều này sau sẽ đăng công khai trên các báo: Ngày Nay kỷ nguyên mới, Việt Nam và Chính Nghiã.
7- Ngày Nay số 154 (25-3-39), trang nhất có tranh hài hước: Cuộc bảo hộ nước Tiệp Khắc trong trí tưởng tượng của người Annam, không ký tên, chế giễu Hitler xâm nhập Tiệp Khắc.
Ngày Nay số 154 (25-3-1939)
8- Ngày Nay số 167 (24-6-39), trang 12, in bài Ông Hitler đã làm những người Anh thân Đức tỉnh ngộ, lược dịch một bài báo trên Paris Match, nói về tình trạng một số tờ báo Anh như tờ Times trước thân Đức, bây giờ đã đổi giọng chống Đức và một số chính khách Anh, như ông Montaga Norman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng hay Hầu tước Lothian, Đại sứ Anh ở Washington, cùng một số người tai mắt và quý tộc Anh, trước theo Đức, nay đã “tỉnh ngộ”, có người đã phải xin lỗi.
9- Ngày Nay số 201 (2-3-40) có bài thơ trào phúng Diêm vương kén tướng của Tú Mỡ, ví Hitler như Diêm vương, sai hung thần, ác tướng đem quân lên chinh phục cõi trần:
Đem võ lực ra oai tác ác, Cử binh đi cướp nước tranh quyền. Hoàn cầu đang hưởng bình yên, Bỗng đâu binh lửa dấy lên đùng đùng…
Bài thơ Diêm vương kén tướng của Tú Mỡ, Ngày Nay số 201 (2-3-1940) Tú Mỡ cộng tác liên tục với Phong Hóa và Ngày Nay từ những ngày đầu. Nhưng dường như ông không đọc các bài viết và tranh chống Hitler trên hai tờ báo này. Ngày 12 tháng 8 năm 1968 ông “nhớ” và viết rằng Nguyễn Tường Tam sùng bái Hiler![15]
Có lẽ vì quá ngây thơ, thấy Nhất Linh đọc Mein Kamf, nên Tú Mỡ–khi phải tìm tội Nhất Linh–đã vội gán cho bạn nhãn hiệu Hitler. Bởi Tú Mỡ đã từng nói: “Anh Tam là người đã tạo ra Tú Mỡ vậy.”[16], nên bài hồi ký Trong bếp núc của Tự Lực Văn Đoàn, dù có những giai thoại sai lầm, vẫn được người ta tin và trích dẫn, trong đó có sử gia François Guillemot, đã đưa việc này vào cuốn sử có giá trị mà ông đã bỏ nhiều năm nghiên cứu về Đại Việt và Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Sự vu khống Nhất Linh Nguyễn Tường Tam sùng bái chủ nghĩa Đức quốc xã là một vết nhơ, không những cho Nhất Linh và Tự Lực Văn Đoàn mà còn cho cả các phong trào cách mạng dân tộc nữa.
Thụy Khuê
(còn tiếp)
|
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng Sat 10 Jul 2021, 09:47 | |
| Thụy Khuê _____________________________________________
[1] Theo chú thích của Nxb Thăng Long, khi tái bản bộ Nhà văn hiện đại ở Sài Gòn năm 1960, trang 904.
[2] Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập ba, Anh Phương ấn quán, Sài Gòn, 1965, Đại Nam chụp in lại, trang 430.
[3] Vu Gia, Nhất Linh đời văn đời người (trích), in lại trong Nhất Linh cây bút cột trụ của Tự Lực Văn Đoàn, Nxb Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2000, trang 74-75.
[4] Trương Bảo Sơn Những kỷ niệm riêng với Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (in trong cuốn Nhất Linh người nghệ sĩ, người chiến sĩ, Thế Kỷ, Cali, 2004, t. 69).
[5] Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt Nam, quyển hạ, Ba thế hệ của nền văn học mới (1862-1945) Nxb Trình Bày, Sài Gòn, 1967, phần Văn Học thế hệ 1932 (1932-1945), Chương I: Đặc tính chung của thế hệ 1932 trang 589.
[6] Thụy Khuê, Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp, Nxb Văn Nghệ, Cali, 2002, trang 128.
[7] Thụy Khuê, Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp, Nxb Văn Nghệ, Cali, 2002, trang 160.
[8] Cuộc điểm báo và điểm sách mùa xuân, của Nhất-Nhị-Linh (PH số 87(2-3-1934).
[9] Tú Mỡ, Trong bếp núc của Tự Lực Văn Đoàn, Hồi ký của Tú Mỡ, Tạp chí Văn Học, Hà Nội, số 5-6 năm 1988 và số 1 năm 1989.
[10] Nhà xuất bản Les Indes savantes, Paris, 2012.
[11] Bản báo cáo này lưu trữ trong hồ sơ CAOM, GGI 65492 của Haut Commissaire de France en Indochine, Direction de la Police et de la Sureté fédérales, Secret, Les partis nationalistes vietnamiens (Cao Uỷ Pháp ở Đông Dương, Nha Giám đốc Cảnh sát Công an trung ương, Mật, hồ sơ Những đảng phái quốc gia Việt Nam.
[12] “Le Đại Việt était composé d’anciens sympathisants VNQDĐ et ses membres les plus agissants furent MM. Nguyễn Tường Tam, à l’époque fervent admirateur du nazisme et actuellement chef du VNQDĐ d’outre-mer à Canton, Nguyễn Tường Long, frère du précédent et récemment décédé à Canton, Nguyễn Gia Trí, artiste peintre… ” (sđd trang 68).
[13] “Ce personnage complexe, écrivain renommé et chroniqueur de talent, a cependant un raté dans sa vie politique. La Sureté qui le présentait à cette époque comme “un fervent admirateur du nazisme”, nous donne peut être la clé de l’échec de l’écrivain sur le plan idéologique. Il nous semble que le virage national-socialiste qu’il prit en 1940 resta comme une cicatrice sur son parcours politique. Cette engagement était devenu au fil du temps comme un mauvais rêve difficile à effacer. Cette “erreur de jeunesse” émanant pourtant d’un intellectuel averti, mais aussi romantique et idéaliste, pesa sans doute d’un lourd fardeau” (sđd, trang 90).
[14] “La dissolution du ĐVDC en 1945, au sein du QDĐ a-t-elle pour objet secret, la correction d’un début en politique plutôt compromettant?” (sđd, trang 90).
[15] Trong tập hồi ký Trong bếp núc của Tự Lực Văn Đoàn, in lại trên Tạp Chí Văn Học, Hà Nội, số 5-6 năm 1988 và số 1 năm 1989.
[16] Cuộc Phỏng vấn các nhà văn, của Lê Thanh, Nxb Đổi Mới, Hà Nội, 1943, trang 134-144. |
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng Wed 14 Jul 2021, 12:27 | |
| TỰ LỰC VĂN ĐOÀN - VĂN HỌC VÀ CÁCH MẠNG
Thuỵ Khuê
Sự hình thành nền văn học quốc ngữ
Muốn hiểu Tự Lực Văn Đoàn đã làm được những gì cho nền văn học quốc ngữ, ta phải xem lại tình trạng nền văn học này, trước khi có Tự Lực Văn Đoàn, sau đó mới có thể trả lời câu hỏi: Tự Lực Văn Đoàn đã làm được gì cho nền văn học quốc ngữ.
Ai cũng biết, tiếng Việt là tiếng nói của dân tộc từ thời tiền sử đến ngày nay. Tiếng Việt còn được gọi là Quốc âm. Để ghi lại quốc âm, ta có hai cách: hoặc dùng chữ Nôm (mượn dạng chữ Hán) hoặc dùng chữ Quốc ngữ (mẫu tự La tinh).
Văn tự chính thức được dùng trong nước từ xưa vẫn là chữ Hán đến đầu thế kỷ XX.
Chữ nôm, bắt đầu có từ cuối đời Lý, đến đầu đời Trần (thế kỷ XII) được Hàn Thuyên phổ biến; trở nên thịnh hành đầu đời Lê, với Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi và Hồng Đức Quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông. Chữ nôm đã từng được làm văn tự chính thức dưới thời nhà Hồ (thế kỷ XV) và nhà Tây Sơn (thế kỷ XVIII), nhưng sang nhà Nguyễn, chữ Hán trở lại địa vị chính thống.
Văn chương chữ nôm bắt đầu thịnh hành với Nguyễn Trãi (1380-1442), đạt đỉnh cao nghệ thuật với Nguyễn Du (1766-1820), nhưng hầu như toàn bộ sáng tác chữ nôm của ta là những áng văn vần. Đó là tình trạng của nhiều nước, không riêng gì Việt Nam. Có lẽ vì văn vần dễ nhớ, người biết chữ hay không biết chữ cũng có thể thuộc được.
Khi Pháp xâm chiếm nước ta, Nam Kỳ trở thành thuộc địa trước tiên. Năm 1867, Pháp chiếm xong Nam Kỳ. Năm 1878 chữ quốc ngữ trở thành văn tự chính thức, sau tiếng Pháp. Năm 1915 là năm cuối cùng có thi Hương ở Bắc, và năm 1918, khoa thi Hương cuối cùng ở Huế.
Pháp chủ trương loại bỏ chữ Hán để thay dần bằng chữ Pháp, học trò bậc tiểu học, mỗi tuần học 2 giờ chữ Hán, 12 giờ Pháp văn, không được học chữ Nôm, phải học chữ quốc ngữ.
Chữ quốc ngữ, dùng ngữ tự La tinh, đối vối người Pháp dễ nhận mặt chữ, dễ “đọc” và dễ học hơn chữ nôm, đã được các nhà truyền giáo dòng Tên Bồ Đào Nha và các thầy giảng người Việt đặt ra từ thế kỷ XVII.
Trần Văn Chi, người đã đọc Gia Định Báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, cho biết:
“Tên gọi chữ quốc ngữ [thấy] lần đầu tiên vào năm 1867 trên Gia Định Báo. Tiền thân của tên gọi này là chữ Tây quốc ngữ. Về sau từ Tây bị lược khỏi tên gọi để chỉ còn lại là chữ quốc ngữ, có nghĩa là văn tự tiếng Việt“[1].
Chữ Tây quốc ngữ, bốn tiếng này cho chúng ta hiểu rõ sâu xa nguồn gốc thứ chữ mà dân ta bị ép buộc phải học, và tại sao các nhà văn hóa thời ấy, dù chống lại thứ chữ “ngoại lai” này, nhưng họ vẫn phải xây dựng nó thành “chữ nước ta”, như lời giải thích của Phạm Quỳnh, phát biểu ở Pháp năm 1922, mà chúng ta sẽ thấy ở dưới.
Theo linh mục Đỗ Quanh Chính, giáo sĩ Francesco de Pina là người Âu đầu tiên nói thạo tiếng Việt, ông theo cách ghi tiếng Nhật của các giáo sĩ Dòng Tên ở Nhật, để viết tiếng Việt theo mẫu tự la tinh a, b, c… Từ năm 1620, các tu sĩ dòng Tên tại Hội An đã soạn thảo một cuốn sách giáo lý bằng “chữ Đàng Trong”. Chính Francesco de Pina đã dạy Alexandre de Rhodes tiếng Việt khi ông này đến Đà Nẵng tháng 12/1624. Ngày 15/12/1625 Francesco de Pina bị chết đuối ở Vịnh Đà Nẵng, thi hài ông được đem về chôn tại Đà Nẵng. Alexandre de Rhodes, dựa vào tư liệu de Pina để lại và dùng hai bộ tự điển của Amaral và Barbosa để soạn bộ Tự điển Việt Bồ La (Roma, 1651). Vẫn theo linh mục Đỗ Quang Chính, hai văn bản bằng quốc ngữ, sớm nhất, của người Việt, được biết đến là của thầy Văn Tín, và thầy Benito Thiện với Lịch Sử Nước Annam 1659)[2].
Nói như vậy, không có nghĩa là các giáo sĩ người Âu và các thầy giảng người Việt đã soạn xong thứ chữ quốc ngữ mà chúng ta dùng ngày nay.
Chữ quốc ngữ của các nhà truyền giáo còn phôi thai, nghèo nàn, thô thiển, chỉ dành cho giáo sĩ người Âu mới đến Việt Nam học để giảng đạo, không đủ chữ để diễn tả việc đời, việc người, thiếu những danh từ văn chương, khoa học, triết học. Cho nên ban đầu, dù không muốn học thứ chữ “ngoại lai” ấy, dân ta vẫn bắt buộc phải xây dựng một nền quốc văn bằng quốc ngữ để thay thế cho nền văn học Hán-Nôm đã bị sa thải, như đã nói ở trên.
Việc xây dựng chữ quốc ngữ thành một ngôn ngữ toàn diện, bình dân và bác học như ngày nay, là nhờ công lao của người Việt, những học giả, nhà văn như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký… trong những năm cuối thế kỷ XIX, và Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh nối tiếp đầu thế kỷ XX, chính họ đã góp phần hình thành và xây dựng chữ quốc ngữ hiện đại với những mốc đầu tiên:
1876 xuất hiện bài ký Chuyến đi Bắc Kỳ của Trương Vĩnh Ký, hai năm trước khi chữ quốc ngữ trở thành văn tự chính thức ở trong Nam.
1887 tiểu thuyết Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản ra đời.
1895 phát hành Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, cuốn từ điển đầu tiên bằng chữ quốc ngữ của Việt Nam (soạn từ 1889 đến 1893, in 1895).
Bởi vì Nam kỳ phải dùng chữ quốc ngữ trước, nên người Việt trong Nam phải tập viết quốc ngữ trước. Trong giai đoạn đầu, Trương Vĩnh Ký – Huỳnh Tịnh Của đã có công khai phá, sửa cách viết quốc ngữ của các giáo sĩ dòng Tên cho chính xác hơn. Trương Vĩnh Ký soạn sử, viết truyện cổ tích, bằng thứ chữ quốc ngữ bình dân, thuần Việt, để ai cũng có thể học và hiểu nhanh chóng. Huỳnh Tịnh Của soạn từ điển. Về mặt sáng tác, Nguyễn Trọng Quản đi tiên phong với tập truyện vừa Truyện thầy Lazaro Phiền, in năm 1887.
Giáo sư Nguyễn Văn Trung là người đầu tiên đã khám phá ra Nguyễn Trọng Quản (Truyện thầy Lazaro Phiền do Vương Hồng Sển cung cấp cho ông) và báo chí, văn chương quốc ngữ phát xuất từ miền Nam, trong bộ Hồ Sơ Lục Châu Học, soạn trong thập niên 1980-90, viết xong cuối năm 1990. Bản in ronéo bộ sách này được chuyền tay hơn 20 năm trong giới nghiên cứu, nhiều người sử dụng nhưng không đề xuất xứ. Mãi tới năm 2015, mới được in thành sách (nhà xuất bản Trẻ). Sự khám phá của Nguyễn Văn Trung đã làm thay đổi toàn diện quan niệm văn học sử từ trước đến giờ. Bởi vì, trước đó, các nhà nghiên cứu–phần lớn là người Bắc–đã bỏ qua mảng văn học quan trọng này và xác định Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách (viết 1922, in 1925) là tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên.
Trương Vĩnh Ký (1837-1898)
Học giả Trương Vĩnh Ký xứng đáng với danh vị nhà trí thức đầu tiên đã xây dựng nền móng cho Việt học bằng chữ quốc ngữ. Vừa là nhà văn, nhà biên khảo, nhà phê bình, uyên bác cả Hán học lẫn Tây học, ông đã giữ địa vị bắc cầu giữa quá khứ Hán Nôm và nền văn học quốc ngữ. Ngoài việc làm từ điển Pháp-Việt, Việt-Pháp, viết sách sử ký, địa dư, sách về ngữ học, chú trọng đến các vấn đề mẹo, luật trong tiếng Việt, tiếng Pháp; Trương Vĩnh Ký còn phiên âm, phiên dịch, chú giải những sách cơ bản từ chữ Nôm, chữ Hán sang chữ quốc ngữ. Ông đã phiên âm: Việt Nam quốc sử diễn ca, Kiều, Lục Vân Tiên, Phan Trần, Gia huấn ca, vv… Và phiên dịch: Minh Tâm Bửu Giám, Tam Tự Kinh, Trung Dung, Đại Học, v.v…
Về văn, Trương Vĩnh Ký khai sinh lối viết “bạch thoại”, tự nhiên và sống động như lời nói, khác hẳn với lối văn biền ngẫu của người đương thời, mà sau này Hồ Biểu Chánh, Vương Hồng Sển chịu ảnh hưởng và đưa vào văn học.
Tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, do chính quyền thuộc địa sáng lập ở Nam Kỳ năm 1865 là tờ Gia Định Báo, do Ernest Potteaux đứng tên, Trương Vĩnh Ký làm chánh tổng tài và Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút. Với sự cộng tác của Tôn Thọ Tường, Trương Minh Ký. Sau này người ta buộc tội Trương Vĩnh Ký và Phạm Quỳnh “phản quốc” vì họ làm báo cho Tây. Chúng ta nên biết trong thời kỳ ấy, không có tờ báo nào là không do Tây “làm chủ” vì chỉ Tây mới được quyền đứng tên chủ báo và được chính phủ thuộc điạ công nhận. Nếu Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh không làm báo cho Tây, thì chúng ta không có nền văn học quốc ngữ như ngày nay.
Sang thế kỷ XX, báo chí trong Nam bắt đầu với tờ Nông Cổ Mín Đàm của Canavaggio, với Lương Khắc Ninh chủ bút, số 1 ra ngày 1-8-1901. Trong số 1 này, bắt đầu đăng bản dịch Tam Quốc Chí của Trương Vĩnh Ký. Nông Cổ Mín Đàm phát hành với số lượng nhỏ vào những năm đầu. Theo lời rao in trên số 96 (2-7-1903) thì Nông Cổ Mín Đàm có 350 người mua. Tiếp đến là Đại Việt tân báo (1905) của Ernest Babut do Đào Nguyên Phổ chủ bút. Rồi Lục tỉnh Tân văn (1909) của Pierre Jeantet, do Trần Nhất Thăng, Trần Chánh Chiếu… thay phiên nhau làm chủ bút.
Điều đáng chú ý là sự phát triển của báo chí và văn học quốc ngữ, đi cùng với ý nguyện viết lịch sử và tiểu thuyết lịch sử. Bài viết bằng chữ quốc ngữ sớm nhất còn lưu lại của Benito Thiện năm 1659 ở ngoài Bắc là bài Lịch Sử Nước Annam. Rồi năm 1822, trong Nam có truyện Annam Đàng Trong Đàng Ngoài của T. Bỉnh. Sau đó Trương Vĩnh Ký viết một loạt sách sử bằng tiếng Pháp cho học trò các trường Bảo hộ, đến năm 1915 xuất hiện trường thiên tiểu thuyết lịch sử Gia Long Tẩu Quốc của Tân Dân Tử.
Phải chăng việc phát triển sách lịch sử ở thời kỳ văn học quốc ngữ phôi thai, chính là khuynh hướng yêu nước, xuất hiện dưới hình thức gián tiếp, của các nhà văn hóa đương thời?
Giai đoạn sau, từ 1915 trở đi, sự phát triển nền văn học quốc ngữ xẩy ra một cách toàn diện trên mọi thể loại: Thi ca, tiểu luận, phê bình và tiểu thuyết[3].
Trương Vĩnh Ký
Khi Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của qua đời vào những năm cuối cùng thế kỷ XIX (Huỳnh Tịnh Của mất năm 1897, Trương Vĩnh Ký mất năm 1898) nền văn học quốc ngữ, mà hai ông đã góp phần xây dựng những viên gạch đầu tiên, sẽ khởi sắc trong những thập niên đầu thế kỷ XX, với những tên tuổi mới như Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Tản Đà, Phạm Quỳnh….
Về tiểu thuyết, Hồ Biểu Chánh trong Nam, rồi tiếp đến Tự Lực Văn Đoàn ngoài Bắc là những “tác nhân” chính đã đổi mới và hoàn chỉnh nền văn chương quốc ngữ như chúng ta có hiện giờ.
Hồ Biểu Chánh Hồ Biểu Chánh (1885-1958)
Từ những thế kỷ trước, chúng ta đã có những bài văn, những tác phẩm, gọi là truyện ký hay truyện kỳ, như Lĩnh Nam Chích Quái, Việt Điện U Linh, rồi đến những truyện nôm viết bằng thơ như Trê Cóc, Trinh Thử … đến Hoa Tiên, Song Tinh, Kiều, Lục Vân Tiên, v.v… hoặc tiểu thuyết lịch sử như Nam Triều công nghiệp diễn chí, Hoàng Lê nhất thống chí…
Đầu thế kỷ XX xuất hiện nhiều lịch sử tiểu thuyết ở trong Nam, như Phan Yên Ngoại Sử của Trương Duy Toản (1910), Hoàng Tố Oanh Hàm Oan của Trần Thiên Trung tức Trần Chánh Chiếu (1910), Gia Long Tẩu Quốc của Tân Dân Tử (1915) v.v…
Năm 1912, Hồ Biểu Chánh viết Ai làm được, tác phẩm tiểu thuyết làm thay đổi hẳn cục diện văn chương, trên ba bình diện:
1- Đây là cuốn tiểu thuyết hư cấu hiện đại đầu tiên và có lẽ cũng là cuốn tiểu thuyết quốc ngữ viết theo lối Tây phương đầu tiên của thế kỷ XX. Bởi vì tất cả những tác phẩm trước đây đều viết theo lối kể truyện của Tầu. Vẫn biết Nguyễn Trọng Quản là người viết tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên theo lối Tây, nhưng tác phẩm của ông chỉ có giá trị mở đầu, chữ quốc ngữ của ông còn thô sơ, và ông vẫn thuật lại một truyện do người khác kể lại cho ông. Phải tới Hồ Biểu Chánh, chúng ta mới có tiểu thuyết gia hiện đại đích thực, với thứ ngôn ngữ sống động hàng ngày, với sự mô tả đầy biến hóa. Nhờ lượng viết đồ sộ, 64 cuốn tiểu thuyết, với nhiều chủ đề khác nhau, một mình Hồ Biểu Chánh đã vẽ nên toàn thể bộ mặt xã hội miền Nam dưới thời Pháp thuộc và sau này, mà ở Bắc không một tiểu thuyết gia nào làm được. Có nghĩa rằng chỉ một mình Hồ Biểu Chánh có khả năng miêu tả mọi loại người giầu nghèo, sang hèn, lương thiện, trộm cắp, mọi giai tầng quý tộc, trưởng giả, cùng đinh, đói khổ, mọi loại dân từ thành thị đến thôn quê… ở miền Nam, trong khi những nhà văn Bắc thường chỉ chuyên về một hạng người nào đó, một giai tầng nào đó, như Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam thường là loại người có học, trung lưu, thành thị; Trần Tiêu, Ngô Tất Tố chiếu vào đời sống người dân quê; Vũ Trọng Phụng, vào hạng người trụy lạc thành thị, Nguyễn Hồng, vào thế giới trộm cắp, v.v… tất cả những tác phẩm của họ chập lại mới tạo nên toàn thể bộ mặt xã hội miền Bắc.
2- Hồ Biểu Chánh là nhà văn tiên phong trong tiểu thuyết hiện thực xã hội, ông đã tạo dựng một phong cách tiểu thuyết xã hội hiện thực, lối Nam, khác hẳn tiểu thuyết hiện thực xã hội lối Bắc của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, sau này.
Theo sự kê khai của Hồ Biểu Chánh trong cuốn hồi ức Đời của tôi về văn nghệ (bản đánh máy), thì trong toàn bộ 64 cuốn tiểu thuyết của ông, có 11 cuốn cảm tác theo tiểu thuyết Pháp, một cuốn theo tiểu thuyết Nga.
Tác phẩm của ông, dù có dựa trên sườn truyện của Hector Malot hay Victor Hugo, nhưng chúng đã rất xa nguyên bản để tạo ra không khí xã hội, ngôn ngữ và tính chất Việt Nam.
Cùng thời với Hồ Biểu Chánh, ở Bắc, Phạm Duy Tốn viết những truyện ngắn theo lối Tây phương: Bực Mình (1914), Sống Chết Mặc Bay (1918), Con Người Sở Khanh (1919) và Hoàng Ngọc Phách viết tiểu thuyết Tố Tâm (1925). Nhưng Phạm Duy Tốn, chỉ có một truyện Sống Chết Mặc Bay (1918) là đích đáng. Còn Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, cũng chỉ có giá trị nhất thời, vì lối văn biền ngẫu và cốt truyện sầu thảm, nên 10 năm sau đã bị coi là cổ hủ.
3- Cho đến bấy giờ, nước ta chỉ có truyện kể (récit) nghĩa là người viết kể lại một câu chuyện đã nghe được, hay chuyện của chính mình. Ở đây không nói đến trường hợp xưng tôi trong tiểu thuyết mới, chữ tôi đó có nghĩa bản thể, nghiã là nhà văn chỉ viết những cảm nhận có tính cách bản thể của mình, bởi vì họ đã từ bỏ vai trò thượng đế, nên không thể “vào vai” người khác được. Còn chữ tôi mà ta nói đến ở đây, là cái tôi bình dân dễ hiểu của tất cả mọi người.
Hồ Biểu Chánh là người khai phá lối viết hư cấu, hiện đại, trong lối viết này, nhà văn bỏ hẳn lối kể chuyện cổ điển, để nhập vào các nhân vật, để sự mô tả, và ngôn ngữ của nhân vật nói lên câu chuyện và những gì xẩy ra chung quanh.
Từ 1922 đến 1932, Hồ Biểu Chánh đã in được 18 cuốn tiểu thuyết.
Khi Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng ra đời năm 1932, tức là 20 năm sau Ai làm được, văn xuôi quốc ngữ Việt Nam đã đạt tới mức trưởng thành. Bởi vì Hồn bướm mơ tiên không chỉ là một cuốn tiểu thuyết hiện thực mà còn đa chiều, ẩn giấu ý nghiã triết học trong đời sống con người, tu cũng như tục. Hồn bướm mơ tiên trở thành một giá trị văn học có tầm vóc lớn, về mặt bút pháp cũng như tư tưởng.
Con đường tìm kiếm của Hồ Biểu Chánh
Hồ Biểu Chánh kể lại con đường khai phá này trong hồi ký như sau:
Năm 1906 ra khỏi nhà trường, nhận thấy các ấn quán ở Sàigòn mướn người dịch truyện Tàu và thơ chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ đặng in mà bán. Từ thành thị ra thôn quê, nhơn dân đua nhau mà đọc. Có vài tờ tuần báo cũng được người ta chú ý.
Thầm nghĩ, người mình mà biết chuyện bên Tàu không bổ ích cho bằng biết truyện trong nước mình. Tính viết chuyện văn vắn cho đăng vào mấy tờ tuần báo để đồng bào đọc thử. Viết khó khăn hết sức, vì thiếu nho học nên không tìm ra lời mà tả trí ý cho người ta thông cảm được. Phải học chữ Nho. Trót ba năm, nhờ vài ông bạn lớn tuổi ban đêm làm ơn dạy giùm cho đọc được sách Tàu.
Năm 1910, lựa những chuyện hay trong Tình Sử và Kim Cổ Kỳ Quan dịch ra Quốc văn nhan đề “Tân soạn cổ tích” đặng tập viết cho suông. Cũng viết theo thể văn “Thượng lục hạ bát” thành một chuyện dài nhan đề “U tình lục” chuyện tình của người trong nước mình. Hai quyển nầy được mấy bạn hùn tiền in thử thì không ai chê.
Lúc đó cụ Trần Chánh Chiếu cho xuất bản quyển “Hoàng Tố Oanh hàm oan” là tiểu thuyết đầu tiên trong Lục tỉnh, truyện tình tả nhơn vật trong xứ và viết theo điệu văn xuôi. Đọc quyển nầy, cảm thấy viết truyện dùng văn xuôi dễ cảm hóa người đọc hơn, bởi vậy năm 1912, đổi xuống làm việc tại Cà Mau mới viết thử quyển “Ai làm được” là quyển thứ nhứt viết văn xuôi tại Cà Mau với nhơn vật cũng ở Cà Mau”[4].
Hồ Biểu Chánh tập viết quốc ngữ từ năm 1906.
Ông sinh ngày 1-10-1885. Từ 8 đến 12 tuổi, học nhữ nho. 13 tuổi, học trường Tiểu học tổng Vĩnh Lợi, rồi lên trường tỉnh Gò Công, trường trung học Mỹ Tho (1902-1903), trường Pháp Chasseloup-Laubat (1904-1905). Năm 1905 ông đậu bằng thành chung.
Nhỏ học chữ Nho, lớn học chữ Tây, vẫn chưa đủ; năm 1906, khi quyết định viết văn quốc ngữ, Hồ Biểu Chánh vẫn phải học thêm chữ Nho và dịch sách chữ Hán ra quốc ngữ, trước khi viết văn. Đến năm 1912, ông mới viết tiểu thuyết đầu tiên Ai làm được. Hồ Biểu Chánh và Khái Hưng đều học trường Pháp, hành trình cùng học chữ nho của họ, có gì rất giống nhau.
Nguyễn Văn Vĩnh
Phạm Quỳnh
Phạm Duy Tốn (còn tiếp)
|
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng Thu 15 Jul 2021, 09:52 | |
| TỰ LỰC VĂN ĐOÀN - VĂN HỌC VÀ CÁCH MẠNG
Thuỵ Khuê
Phạm Quỳnh (1892-1945)
Miền Bắc bị Pháp chiếm sau, nên việc học quốc ngữ chậm hơn. Năm 1907, Nguyễn Văn Vĩnh vừa đi Pháp về, được mời làm chủ bút tờ Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Bắc kỳ, do F. H. Schneider—một nhà kinh doanh ngành in người Pháp gốc Đức—sáng lập. Năm 1910, Nguyễn Văn Vĩnh vào Nam làm chủ bút Lục Tỉnh Tân Văn. Rồi đến năm 1913, ông lại trở ra Hà Nội làm chủ bút Đông Dương Tạp Chí, vẫn do Schneider sáng lập.
Phan Khôi xuất hiện từ 1907 trên Đăng Cổ Tùng Báo.
Tới 1917, Phạm Quỳnh ra làm chủ bút tờ Nam Phong với sự cộng tác của Nguyễn Bá Trác và Phan Khôi. Được hai năm, vì bất đồng ý kiến với Phạm Quỳnh, Phan Khôi bỏ Nam Phong vào Sàigòn viết cho Lục Tỉnh Tân Văn.
Tản Đà xuất hiện lần đầu năm 1913 trên Đông Dương Tạp Chí. Năm 1916, in thi tập đầu tiên: Khối Tình Con. Năm 1921, chủ trương tạp chí Hữu Thanh.
Năm 1917, Phủ Toàn quyền quyết định ra báo Nam Phong, với ba phần: Pháp văn, Hán văn và Quốc ngữ; Nguyễn Bá Trác phụ trách phần Hán văn và Phạm Quỳnh phần Quốc ngữ.
Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh là hai nhà dịch thuật và biên khảo, đã xây dựng nền móng văn học quốc ngữ ở miền Bắc trên hai tờ Đông Dương và Nam Phong tạp chí.
Cùng thời điểm đó, Phạm Duy Tốn viết truyện ngắn Sống chết mặc bay in trên Nam Phong số 18 (tháng 12-1918), tác phẩm quốc ngữ hiện đại đầu tiên, ở Bắc.
Theo Phạm Quỳnh, tuy chính quyền thuộc địa chủ trương “mở mang” quốc ngữ, nhưng, sự phục hưng tiếng Việt qua quốc ngữ không được người Pháp biết đến, kể cả những người đã “Việt hóa” nhất, họ chỉ học tiếng Việt cốt để nói dăm ba câu chuyện hàng ngày, chứ họ không cần biết đến văn chương, văn hóa Việt Nam. Chính quyền thuộc địa vẫn ngầm giữ ý định sẽ thay thế Hán văn bằng Pháp văn, và họ định cho học trò học tiếng Pháp từ lớp vỡ lòng, gạt hẳn tiếng Việt ra ngoài, như đối với các thuộc địa Châu Phi.
Năm 1922, thừa dịp được toàn quyền Maurice Long cử sang Pháp diễn thuyết tại các trường lớn, Phạm Quỳnh (cùng đi với Nguyễn Văn Vĩnh) đã đọc bốn bài diễn văn bảo vệ quốc âm, thỉnh nguyện chính quyền Pháp giữ lại tiếng Việt trong các trường tiểu học.
Những bài diễn thuyết này được đăng báo ở Pháp trước, rồi in trên Nam Phong phần Pháp văn và sau này in lại trong cuốn Những bài tiểu luận Pháp-Việt mới (Nouveaux essais franco-annamites), nxb Bùi Huy Tín, Huế, 1938.
1. Ngày 25-5-1922, Phạm Quỳnh bắt đầu với bài Sự tiến hóa của tiếng An-nam (L’évolution de la langue annamite)[5], đọc tại Trường Sinh ngữ Đông phương (École des Langues Orientales vivantes) Paris, ông đã nói về tình trạng ngôn ngữ ở Việt Nam (xin tóm tắt những ý chính):
Trải ngàn năm bị Tầu đô hộ, văn chương Việt Nam chia làm hai loại: bác học (chữ Hán) và bình dân (chữ Nôm). Tiếng nói dân tộc bị coi thường, chữ Nôm bị khinh rẻ. Nhưng đến đầu thế kỷ XIX, Nguyễn Du, một đại văn hào xuất hiện, đưa thứ ngôn ngữ thông tục lên hàng kiệt tác với Truyện Kiều. Công Nguyễn Du đối với quốc âm cũng giống như công của Ronsard, Rabelais đối với tiếng Pháp. Chữ quốc ngữ, do các linh mục Tây Phương đặt ra với mục đích truyền giáo, nhờ Trương Vĩnh Ký và Paulus Của cải thiện, được truyền bá rộng rãi ở Nam Kỳ, cuối thế kỷ XIX.
Rồi ông kể đến tác dụng của Tân thư:
Khoảng 1900, sau khi Tầu thua Nhật, người Tầu bắt đầu du học Âu Mỹ; khi về nước, họ đã dịch đủ loại sách Tây phương, từ Darwin, Kant, đến Rousseau, Montesquieu, Voltaire, Diderot, sang chữ Hán. Đó là những Tân thư. Các nhà nho Việt đọc Tân thư và dịch lại những danh từ khoa học, kỹ thuật, triết học, mà người Hoa đã dịch sang chữ Hán.
Sau cùng ông nói đến việc làm của thế hệ Tây học:
Khi lớp người Tây học (chúng tôi) bắt đầu dịch các sách Tây Phương sang tiếng Việt, thì đã có sẵn kho danh từ Hán-Việt do các bậc đàn anh, dịch từ chữ Hán sang.
Và ông nhấn mạnh:
“Chữ quốc ngữ hiện đại hình thành và giàu mạnh, là nhờ sự cộng tác chặt chẽ giữa hai phái Nho học và Tây học”.
Tiếp đó, ông giải thích sự hình thành chữ quốc ngữ hiện đại, như sau:
Nói là mượn tiếng Tầu thì cũng không đúng hẳn: Thực ra, để tạo ra chữ mới, tiếng Việt cũng như tiếng Cao Ly, Nhật, quan thoại, đều mượn chữ Hán, hệt như người Âu mượn chữ La tinh, Hy lạp. Khi các bạn viết: électro-dynamique thì cũng giống như chúng tôi dùng từ Hán-Việt vậy. Tại sao phải dùng từ Hán-Việt? Ví dụ intuition dịch là trực giác, trực là thẳng, giác là thấy, dễ hiểu hơn là phiên âm thành anh-tuy-di-on hay giải nghĩa dài dòng sang tiếng Việt. Nhưng có những tiếng có thể dịch thẳng sang tiếng Việt, như l’aréoplane thành tầu bay hoặc automobile phiên âm thành ô tô; la gare thành nhà ga. Về tên riêng, chúng tôi phiên âm tên Napoléon thành những từ Hán Việt Nã Phá Luân, bởi ba chữ này có âm vang chiến đấu; Washington thành Hoa Thịnh Đốn vì âm vang thanh nhã hợp với đất kinh thành.[6]
2. Ngày 31/5/1922 ông diễn thuyết ở Ecole Nationale de la France d’Outre-Mer, thường được gọi là Trường Thuộc địa (Ecole Coloniale) với đề tài: Sự tiến hóa về đường tinh thần của người Việt Nam từ khi nước Pháp đặt Bảo hộ (L’évolution intellectuelle et morale des Annamites depuis l’établissement du Protectorat français). Trường Thuộc địa là trường dạy những người Pháp sẽ sang Việt Nam làm công chức trong chính quyền thuộc địa.
Phạm Quỳnh nói cho “các quan cai trị tương lai” biết rằng: nếu các bạn muốn thành công thì nên học tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa Việt. Mọi sự đàn áp đều đưa đến hậu quả khôn lường.
Nước Pháp đến nước chúng tôi đã nửa thế kỷ. Chuyện đã rồi, chúng tôi đành phải chịu.
“Nhưng đối với lớp đàn anh chúng tôi, thì chẳng qua quý quốc cũng chỉ là một giống “xâm lược” mà thôi”. “Trừ là một dân tộc hèn mạt suy đốn, chứ có bao giờ người dân một nước lại giương tay ra đón lấy kẻ ngoại quốc đến cưỡng chiếm nước mình”.
Và ông nhấn mạnh:
“Sự căm thù khiến chúng tôi coi việc học tiếng Pháp và học vần quốc ngữ do người Tây phương đem lại là một cái nhục”.
Nhưng dần dần, sĩ phu của chúng tôi cũng phải thừa nhận sự yếu kém của nước mình, và họ đã tìm đọc những tư tưởng tiến bộ của J.J. Rousseau, Montesquieu qua những cuốn Tân thư của Trung Hoa, từ đó phát xuất phong trào Đông Du. Họ muốn trông cậy vào Tầu, Nhật để đuổi Pháp ra khỏi xứ sở, mà biến cố 1908 [Trung kỳ dân biến] là cao điểm.
Ông kết luận bài diễn văn hết sức khôn khéo:
Chúng tôi là một dân tộc cổ kính có một nền văn hóa lâu đời, ngày nay muốn hội nhập vào thế giới hiện đại, nhưng dứt khoát không muốn từ bỏ nền văn minh, cái quá khứ mà tổ tiên đã để lại qua nhiều thế kỷ. Chúng tôi muốn là chính mình. Muốn giữ lấy bản sắc của mình, giữ lấy cái quốc hồn quốc tuý của dân tộc mình.
Vì sự tình cờ của lịch sử, chúng tôi phải chịu sự bảo hộ của nước Pháp. Chúng tôi muốn được nước Pháp giúp đỡ trong công cuộc cải cách, bởi nước Pháp là một cường quốc, thông qua lịch sử, luôn luôn góp phần vào công cuộc tranh đấu giải phóng con người.
3. Ngày 5/7/1922, Phạm Quỳnh diễn thuyết ở Hội Ái hữu Đông phương (Société française des amis de l’Orient) với đề tài: Thi ca Việt Nam (La poésie annamite).
Bài này giới thiệu hai mảng thi ca quan trọng nhất của Việt Nam là ca dao và Truyện Kiều. Vào đề, ông nói ngay:
Thi ca của dân tộc nào là đặc biệt của dân tộc ấy, không thể dịch ra tiếng nước khác được. Dịch tức là diệt. Mà muốn dịch, lại phải thông thạo cả hai thứ tiếng. Tôi có thể tự hào biết rõ tiếng nước tôi, nhưng làm sao tôi biết hết những tinh vi trong tiếng Pháp, vậy tôi dịch phải sai nhiều lắm. Muốn thưởng thức thơ nước tôi, các bạn chỉ có cách học tiếng Việt.
Sau đó ông dịch một số câu ca dao và giải thích những cái hay tuyệt vời không thể dịch sang tiếng Pháp được, ví dụ hai chữ chiều chiều dịch thành soir soir thì làm sao nói được nỗi buồn với dư âm day dứt tiềm ẩn trong âm thanh chiều chiều.
Ông tìm mọi cách để thuyết phục chính quyền Pháp một lần nữa: đừng bắt học trò Việt Nam phải học tiếng Pháp từ nhỏ như học trò ở các thuộc điạ Châu Phi, bởi vì nước chúng tôi có một nền văn chương chữ Nôm kiệt xuất qua ca dao và truyện Kiều, và tôi đã mang sang Pháp một bản dịch truyện Kiều của Nguyễn Văn Vĩnh đây này, các ông xem đi, tôi khuyên các sinh viên sinh ngữ, ngoài tiếng Việt hàng ngày, nên học văn chương Việt Nam, học thêm chữ Nho, để hiểu những danh từ Hán-Việt và hiểu tiếng Việt.
“Muốn thưởng thức thơ nước tôi, các bạn chỉ có cách học tiếng Việt.”
4. Ngày 22/7/1922, Phạm Quỳnh diễn thuyết tại Hội Hàn Lâm Luân lý Chính trị học (Académie des Sciences morales et politiques) đề tài: Một vấn đề giáo dục giống nòi. Nước Pháp phải giáo hóa người An Nam như thế nào? (Un problème d’éducation des races. Comment doit-être faite l’éducation des Annamites par La France?). Đây là bài quan trọng nhất, bàn thẳng vào chính sách giáo dục của Pháp ở Việt Nam, từ những dòng đầu, ông đã nhắc khéo đến vị thế, quyền lực và sự uyên bác của các vị Hàn lâm:
“Toà Hàn Lâm của Đại Pháp, là nơi tẩu trạch[7] những ngài học vấn uyên thâm, khôn ngoan tài trí của quý quốc…“[8]
Tiếp đó, ông nhận xét tình hình: Chúng tôi đã bị Pháp đô hộ hơn 40 năm nay. Bởi yếu thế về chính trị, nên đã không “đủ sức chống lại một kẻ xâm lược vừa giỏi vừa mạnh hơn nhiều”. Chúng tôi thua trận vì: “nước chúng tôi là gốc ở một cái văn minh rất cổ ở Á Châu, trong bao nhiêu thế kỷ tựa hồ như cách biệt với thế giới bên ngoài”.
Trước Hàn Lâm Viện Pháp, Phạm Quỳnh xác định một lần nữa: Pháp là kẻ xâm lược, sau nông nỗi mất nước buổi đầu, những phần tử ưu tú của đất nước chúng tôi mới nhận thức được sự yếu kém về học thuật của mình, muốn được thấm nhuần “cái học thuật và cái văn minh nhân đạo” của nước Pháp. Chúng tôi là một dân tộc bị áp bức, trông chờ nước Pháp -cái nôi của nhân quyền và giải phóng con người–giúp đỡ, học hỏi để trở thành một nước tân tiến.
Tóm lại: chúng tôi rất mong được giáo hóa, nhưng quý quốc định giáo hóa chúng tôi như thế nào? Sau khi bãi bỏ nền giáo dục cổ truyền của chúng tôi, dường như quý quốc chưa tìm được giải pháp nào ổn thoả.
Nếu chúng tôi là một dân tộc vô văn hóa, hay một dân tộc mới, vừa xuất hiện trên mảnh đất tân bồi nào đó, không có quá khứ, không có lịch sử, thì việc “giáo hóa” có thể đơn giản là “Tây hóa” cho thành người Pháp.
Nhưng dân Việt Nam chúng tôi, không thể ví như tờ giấy trắng được. Dân tộc chúng tôi là một quyển sách cổ (un vieux parchemin) đầy những chữ viết bằng một thứ mực không phai, đã mấy mươi thế kỷ nay; không có thuốc gì xoá hẳn được thứ chữ ấy đi. Không ai có quyền tự do muốn viết gì vào đấy thì viết được. Quyển sách cổ ấy, có thể đóng theo kiểu mới cho hợp thời trang, nhưng không thể đem in một thứ chữ nước ngoài lên trên các dòng chữ cũ được.
Giả thử có một ngày bao nhiêu trẻ con An Nam đều biết nói mấy câu tiếng Tây “ba rọi” (petit nègre), nhưng lại quên tiếng nước mình, vì không còn được dậy ở trường nữa, thì đó có phải là thời tiến bộ của nước tôi không?
Hiện nay, chưa có nghị định nào bắt người An Nam phải học thuần tiếng Pháp cả, nhưng chữ An Nam chỉ có một địa vị rất nhỏ ở cuối bậc tiểu học mà thôi. Thử hỏi chính phủ Pháp có thể trông cậy vào những người An Nam học ở bên Tây, đỗ kỹ sư, tiến sĩ, mà quên cả tiếng mẹ đẻ, thì đối với dân mình, chỉ là những người xa lạ, làm sao có thể truyền bá cái văn minh Tây phương cho họ được?
Vậy nền giáo dục của chính phủ Bảo hộ, muốn có kết quả tốt thì phải đào tạo được những người Việt Nam chân chính, vừa có cái học thái tây, vừa biết giữ gìn ngôn ngữ, phong tục của nước mình. Vì dân tộc tôi mà tôi tha thiết mong các danh sư của Viện Hàn Lâm Pháp soi xét vần đề này[9].
Bốn bài diễn văn của Phạm Quỳnh đọc năm 1922 tại Paris đã có tác dụng. Chính phủ Pháp bỏ ý định cho trẻ con học toàn tiếng Pháp từ lớp vỡ lòng.
Phạm Thế Ngũ viết: “Đến năm 1924, vì nhiều nguyên nhân chính trị, và cũng vì chiến dịch vận động của Phạm Quỳnh, người Pháp lần đầu ở Bắc và Trung, lập ra một bậc Ấu học ở Việt Nam trong ba năm hoàn toàn học bằng tiếng Việt để thi lấy bằng Sơ học yếu lược.(…)
Phạm Quỳnh coi đó là một thắng lợi trong công cuộc vận động giáo dục, thực hành chủ nghĩa quốc gia về đường văn hóa. Cũng như một thắng lợi khác nữa của ông là việc mở một khoa “Ngôn ngữ và văn chương Hán-Việt” ở trường Cao đẳng mà ông đã được cử phụ trách giảng dậy, một thứ mầm mống của Đại học văn khoa sau này”[10].
Như vậy, Phạm Quỳnh có công thuyết phục Pháp lập bậc tiểu học tiếng Việt. Nhờ ông, Pháp đã giữ lại tiếng Việt ở bậc tiểu học, cái công đó không phải là nhỏ.
Tóm lại, sau Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, đến phiên Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh, xây dựng, phát triển và phổ biến chữ quốc ngữ.
Nam Phong quay lại những giá trị của Nho học, Phật học, dịch những sách chữ Nho có giá trị như Vũ Trung Tuỳ Bút, và bắt đầu giới thiệu triết học Tây phương. Danh từ triết học được mở rộng với Nam Phong thập niên 1920-1930. Năm 1942, Hoàng Xuân Hãn cho in từ điển Danh Từ Khoa Học, chúng ta mới tương đối có đủ chữ quốc ngữ để dùng trong học thuật.
Về mặt sáng tác, Nam Phong số 18 (tháng 12-1918), đã đăng truyện vừa Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn, với cái tít: Một lối văn mới, cùng lời giới thiệu trân trọng của Phạm Quỳnh. Sống chết mặc bay là truyện ngắn hiện đại đầu tiên ở miền Bắc, viết theo lối hiện thực tả chân. Nhưng Phạm Duy Tốn viết ít, và ông mất sớm (ngày 25-2-1924) vì bệnh lao, nên lối văn rất mới của ông chưa kịp phát triển, chưa tạo được một phong trào, trong khi đó giọng điệu lãng mạn, than mây khóc gió, phát triển, nở rộ trên Nam Phong và làm chủ văn đàn miền Bắc.
(còn tiếp)
|
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng Fri 16 Jul 2021, 10:36 | |
| TỰ LỰC VĂN ĐOÀN - VĂN HỌC VÀ CÁCH MẠNG
Thuỵ Khuê
Tuyết Hồng lệ sử
Trên Nam Phong, từ số 77 (tháng 11-1923) đến số 84 (tháng 10-1924), Phạm Quỳnh cho đăng Tuyết Hồng lệ sử của Từ Trẩm Á, do Mai Khê dịch, một truyện tình đầy nước mắt, được Đoàn Hiệp “người sao lục” giới thiệu như một truyện mới (xẩy ra đầu năm 1909), văn mới. Đây là cuốn nhật ký của người thanh niên tên Mộng Hà, Từ Trẩm Á “tình cờ” có được, nên gửi đến độc giả.
Nhật ký bắt đầu từ tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1909), Mộng Hà được một người bạn giới thiệu cho một chỗ dạy học tại trường của Thạch Si. Chàng lại được cụ Thôi đề nghị cho ở trọ nếu chàng nhận kèm đứa cháu tên Bằng Lang, 8 tuổi. Mẹ Bằng Lang là Bạch Lê Ảnh, con dâu cụ Thôi, goá chồng, trẻ, đẹp, giỏi thơ văn.
Rồi “ngày xuân lần lữa, én lại oanh về, ngọn gió lơ phơ, giọt mưa lấm tấm, trông ra cây lê thì hoa đã rụng đầy vườn: đa tình ta lại cười ta, yêu hoa là tính, thương hoa là tình”, Mộng Hà bắt chước Giả Bảo Ngọc trong Hồng Lâu Mộng, nhặt những cánh hoa rụng đem chôn. Lê Ảnh, nép sau dậu cây, sụt sùi nước mắt. Hai tâm hồn đồng điệu gặp nhau trở thành tri kỷ. Họ trao đổi thơ từ, ngâm vịnh. Nhưng Lê Ảnh biết mình không thể lấy được Mộng Hà[11], bèn làm mối chàng cho Quân Thiến, cô em chồng, cũng trẻ đẹp, tài hoa, không kém. Quân Thiến chỉ muốn sống tự do, không thích ràng buộc gia đình, nhưng phải nghe lời chị dâu và cha. Lê Ảnh thấy sự hy sinh của mình vô ích, còn làm em chồng đau khổ, nàng thổ huyết chết, để lại thư tuyệt mệnh cho Mộng Hà và Quân Thiến. Đọc thư chị dâu, Quân Thiến thổ huyết chết theo, chưa kịp cưới. Mộng Hà cũng định chết theo, nhưng người anh khuyên chàng nên đi du học, giúp nước. Truyện Tuyết Hồng lệ sử chấm dứt ở đây. Trước Tuyết Hồng lệ sử, Từ Trẩm Á đã viết truyện Ngọc lê hồn, với đoạn kết: Mộng Hà, trong khi đi xung trận để bảo vệ tổ quốc, bị thương nặng, nằm trên một cánh đồng, gặp một người đi ngang, chàng rút tập nhật ký của mình trao lại và nhờ phổ biến, rồi mới chết. Người này trao lại cho Từ Trẩm Á.
Tuyết Hồng lệ sử văn chương trau chuốt, có rất nhiều thơ (dịch) hay. Lối văn biền ngẫu xen lẫn tả thực, có chỗ hấp dẫn. Tuy nhiên nằm trong lối sáng tác cổ điển, có những giả tạo đến độ kỳ khôi: yêu nhau đến chết như thế, sao không đem nhau đi trốn cho rồi, hơi đâu “hy sinh” cho mệt xác. Mà hy sinh cho người yêu lấy em chồng, ra vào gặp nhau, làm sao “hy sinh” nổi. Rồi bất cứ gì cũng khóc, cũng ốm liệt giường, cũng thổ huyết chết.
Lúc đó người ta thích đọc loại truyện như vậy, đó là cái gu thời đại, Tuyết Hồng lệ sử là sách gối đầu giường cho một thế hệ nam nữ. Cái tai hại là thất tình mua sách đọc rồi thi nhau đi tự tử.
Hoàng Ngọc Phách
Nhất Linh
Tố Tâm và Nho Phong
Năm 1922, Hoàng Ngọc Phách viết Tố Tâm (in 1925), cũng là một truyện tình đẫm lệ thời thượng: Tố Tâm-Đạm Thủy yêu nhau tha thiết nhưng, Đạm Thuỷ đã trót hứa hôn. Mẹ Tố Tâm bệnh nặng, bắt con gái phải lấy chồng trước khi bà chết. Tố Tâm vâng lời. Bà mẹ chữa khỏi bệnh, còn nàng, một tháng sau khi về nhà chồng, thổ huyết chết, để lại những bức thư tình đớn đau tuyệt vọng.
Tố Tâm viết hay, câu văn cổ nhưng cấu trúc truyện chặt chẽ, cũng là cuốn tiểu thuyết gối đầu giường của thanh niên thời ấy. Trong một thời gian dài, Tố Tâm được coi là tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Việt Nam, không đúng, vì Hồ Biểu Chánh đi trước Hoàng Ngọc Phách.
Năm 1924, Nguyễn Tường Tam viết Nho Phong (in năm 1926), cùng lối viết như Tố Tâm, nhưng không có chết chóc. Nho Phong bút pháp mới hơn, nhưng không hay bằng Tố Tâm. Lê Nương trong Nho Phong là người đàn bà, đã cam phận, đã chịu đựng, đã hy sinh. Tuy nàng có trổi dậy, chống lại cuộc hôn nhân dàn xếp, chứ không chịu trận như Tố Tâm; nhưng cuối cùng nàng vẫn mong sự “vinh qui bái tổ muộn màng” của một thời đại đã qua. Nhất Linh cho Nho Phong là cổ, nên sau này ông không in lại. Trên Phong Hóa số 15 (29/9/1932), Đông Sơn (Nhất Linh) đã thẳng tay đưa ma Nho phong cùng với những tác phẩm than khóc khác trong bức tranh trào phúng Một đám ma vui.
Đông Hồ
Tương Phố
Linh Phượng của Đông Hồ
Nam Phong số 128 (tháng 4- 1928), đăng Linh Phượng, tập lệ ký của Lâm Trác Chi tức Đông Hồ với lời giới thiệu ân cần của Thượng Chi (Phạm Quỳnh).
Đông Hồ Lâm Tấn Phác (1906-1969), sống ở Hà Tiên, là một trong những người tha thiết cổ võ cho quốc ngữ, thường gửi bài cho Nam Phong. Ông là người Nam nhưng viết văn tiếng Bắc, văn ông gọn và mới. Linh Phượng là tên vợ và cũng là tên bài lệ ký viết về người vợ mới chết, gửi đăng ngay, nên có sức nóng bốc ra từ chữ. Lệ ký này đớn đau mà khô ráo vì lệ không rơi ra ngoài. Mặc dù bài văn có nhiều cái chết, nhưng không giả tạo, tác phẩm mộc mạc, chân thành, ít thấy trong số văn thơ than khóc thời bấy giờ. Ông kể lại từ lúc vợ chớm bệnh đến lúc chết, đám tang, chôn cất, thăm mộ, bằng môt giọng tự nhiên, không làm văn và cũng không khóc than thảm thiết. Vợ mất ngày 19-4-1928, nàng lấy chồng năm 1921, sinh con gái đầu lòng Mỹ Tuyên, rồi sinh thêm hai lần nữa, con trai, đều chết. Đứa bé sau vừa chết 20 ngày thì mẹ cũng chết theo.
Tôi thay quần áo cho nàng. Than ôi! Từ ngày về với tôi–năm 18 tuổi, năm nay 25 tuổi–bảy năm nay tôi chưa hề biết thay áo chải đầu cho lần nào. Bây giờ tôi biết thay áo, chải đầu cho thì nàng đã chẳng còn rồi.
Bài lệ ký Linh Phượng, chân thật, giản dị, tự nhiên, có lẽ vì vậy nên độc giả thời ấy cho là tầm thường, không nổi tiếng như Giọt lệ thu của Tương Phố.
Giọt lệ thu, Tương Phố
Tương Phố (1896-1973), tên thật là Đỗ Thị Đàm, sinh tại Bắc Giang, nguyên quán Hưng Yên, trước học trường Nữ Hộ sinh, Hà Nội rồi bỏ dở, sau học trường Nữ Sư phạm. Theo những gì bà viết trong Giọt lệ thu, ta được biết: Năm 17 tuổi (1915), bà kết duyên với TVD [Thái Văn Du, em quan Thượng thư Thái Văn Toản]. Năm 1916, vừa mới sinh con trai đầu lòng, chồng lên đường sang Pháp học y khoa ở Marseille. Con vừa đầy tháng, bà bế con ra Bắc sống với cha. Cuối năm 1919, chồng bị bệnh phổi, phải trở về Huế, chưa gặp lại vợ con, đã mất ngày 25-7-1920.
Bài Giọt lệ thu ở dưới đề: Viết ở sông Thương mùa thu năm Quý Hợi (1923). Năm 1925, bà tái giá với quan tuần phủ Phạm Khắc Thành. Năm 1928, bà gửi bài Giọt lệ thu cho Nam Phong, được đăng trên số 131 (tháng 7-1928), với lời giới thiệu ưu ái của Thượng Chi (Phạm Quỳnh). Tương Phố trở thành “ngôi sao” trên nền thơ hồi ấy.
Giọt lệ thu là một bài văn xen lẫn thơ, viết theo lối Tuyết Hồng lệ sử, kể lại câu chuyện tình của bà, mở đầu như sau:
Trời thu ảm đạm một mầu Gió thu hiu hắt thêm rầu lòng em Trăng thu bóng ngả bên thềm Tình thu ai để duyên em bẽ bàng!
Anh ơi! thu về như gợi mối thương tâm. Mỗi độ thu sang, em lại vò lòng than khóc. Nghĩ năm có một lần thu, nhưng thu năm nay đi, năm sau còn trở lại; hỏi ba sinh hương lửa, thời ân ái kia dễ mấy kiếp hẹn hò nhau? Chẳng hay cơ trời dâu bể vì đâu, chăn gối vừa êm, lửa hương mới bén, sắt cầm dìu dặt ngón đàn, bỗng ai xô lộn bình tan gương vỡ cho người dở duyên! Than ôi! minh dương đôi ngả, gió mây hội ấy, anh đi đi mãi, năm tháng thường về, người không dấu vết. Em muốn tìm anh, tìm chẳng thấy…
Thơ Tương Phố hay, cái hay cổ điển. Văn bà chải chuốt, đối xứng. Thơ văn của bà chưa thoát khỏi những mẫu mực của thế kỷ XIX.
Năm 1930, bà gửi bài Tái tiếu sầu ngâm đăng trên Nam Phong số 147 (tháng 2-1930), trong mục văn uyển, bài này làm sau khi tái giá, diễn tả phận mình, gái goá, con côi, phải lấy chồng [làm quan nhưng có lẽ già và khó] để có chỗ nương thân, nhưng không tìm được hạnh phúc:
E dè buổi gió chiều mưa, Con côi mẹ goá, dễ nhờ nương đâu? Bước đi âu cũng thương nhau, Dừng chân đứng lại cơ mầu dở dang. Dây loan chắp nối đoạn tràng, Ngâm câu “tái tiếu” hai hàng lệ sa!
Năm 1931, bà gửi bài Khúc thu hận, đăng trên Nam Phong số 164 (tháng 7-1931), thuộc dòng thơ ai oán, khóc than thân phận bẽ bàng:
Kể từ độ phong trần lạc bước Mười lăm năm mặt nước cánh bèo Gieo lòng theo ngọn thủy triều Lênh đênh thôi cũng mặc chiều nưóc sa! Con măng sữa này đà mười sáu, Chốn hầu môn nương náu đức dầy, Sách đèn cơm áo bấy nay, Vì con nuốt hết chua cay cuộc đời!
(Bệnh viện Nam thành, thu năm Tân vị, 1931)
Có nhiều chỗ khó hiểu trong đời bà: Năm 1916, khi chồng đi du học, tại sao bế con ra Bắc ngay mà không ở lại nhà chồng, như phong tục hồi ấy? Rồi khi chồng bị lao, trở về nước cuối năm 1919, mãi đến giữa năm 1920, mới mất, tại sao bà không đưa con về Huế thăm chồng? Bà có chuyện lục đục với nhà chồng chăng, hay vì lý do gì khác? Năm 1925, bà tái giá. Im lặng trong ba năm. Không hiểu tại sao, bài Giọt lệ thu lại được gửi đi năm 1928, có phải vì bài Linh Phượng của Đông Hồ đã thúc đẩy?
Dù sao chăng nữa, sự than van cách biệt Nam-Bắc với chồng khi còn sống, dường như giả tạo, tự mình gây ra, bởi vì nếu muốn, bà đã giải quyết được. Vậy ta có thể coi cái chết của người chồng chỉ là cái cớ để Tương Phố làm thơ, mùa thu hay khóc lóc đều giả tạo. Thơ Tương Phố nối tiếp truyền thống Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, bằng chữ quốc ngữ, đưa ra mối sầu của người goá phụ khóc chồng.
Trong buổi giao thời ấy, văn thơ quốc ngữ còn bị giam trong vần điệu, bị chi phối bởi những hình ảnh sáo mòn, tình cảm giả tạo.
Tự Lực Văn Đoàn đã phiêu lưu trên con đường học tập viết văn quốc ngữ, quyết đánh đổ niêm luật trong thơ, sự đối xứng trong văn, chôn những chết chóc triền miên, diệt những sướt mướt trong tư tưởng đương thời, chủ trương đổi mới ngôn ngữ, thành lập một nền văn chương quốc ngữ hiện đại và trong sáng cho tiếng Việt: Sự khác biệt sâu xa giữa Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách (1925) và Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng (1932), cho thấy bước tiến khổng lồ mà Tự Lực Văn Đoàn đã thực hiện được, ngay từ năm đầu tiên xuất hiện.
(Còn tiếp)
Thụy Khuê
[1] Trần Văn Chi, Gia Định Báo, in trong Kỷ yếu và triển lãm hội thảo Trương Vĩnh Ký do Ban tổ chức xuất bản tại Cali, năm 2019.
[2] Theo Đỗ Quanh Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn, 1972.
[3] Theo bài Sự hình thành và phát triển nền văn học quốc ngữ trong thế kỷ XX của Thụy Khuê, in trên báo Văn Học số 165-166 (tháng 1 và 2 năm 2000), California, viết theo tài liệu trong Lục Châu Học của Nguyễn Văn Trung.
[4] Trích hồi ký Đời của tôi về văn nghệ của Hồ Biểu Chánh, bản đánh máy.
[5] Nam Phong, phụ lục tiếng Pháp, số 69 (3/1923) và số 70 (4/1923).
[6] Để biết thêm về Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác và Nam Phong, xin xem Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc, chương 22: Vụ án Nam Phong, nxb Tiếng Quê Hương, Hoa Kỳ, 2012. In trên mạng: thuykhue.free.fr
[7] Tẩu trạch là chỗ đất thấp có nước và cỏ, chữ của Phạm Quỳnh, bản tiếng Pháp ông viết sanctuaire (chính điện, hay thánh địa).
[8] Trích theo bản dịch sang tiếng Việt của Phạm Quỳnh, in trong Nam Phong số 71 (5/1923).
[9] Ở đây cũng vậy, chúng tôi chỉ tóm tắt những ý chính trong bài diễn thuyết ở Viện Hàn Lâm của Phạm Quỳnh, Những đoạn in nghiêng là nguyên văn tiếng Pháp, chúng tôi dịch sang tiếng Việt.
[10] Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, quyển 3, Anh Phương Ấn quán, 1965, Sài Gòn, Đại Nam, Hoa Kỳ chụp in lại, trang 150.
[11] Vì nàng là goá phụ, đã có con.
|
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng Mon 19 Jul 2021, 10:03 | |
| TỰ LỰC VĂN ĐOÀN - VĂN HỌC VÀ CÁCH MẠNG
Thuỵ Khuê
Đổi mới ngôn ngữ và tư tưởng
Từ câu văn trong Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes[1]:
Ta cầu cũ[2] [cùng] đức chúa blời [trời] giúp sức cho ta biết tó tưầng [tỏ tường] đạo chúa lạ nhuầng [nhường] nào, vì bậy [vậy] ta phải hay ở thế nầy chẳng có ai sóũ [sống] lâu; vì chưng kẻ đến bảy tám mươi tuẩi [tuổi] chẳng có nhềo [nhiều][3]
đến câu văn quốc ngữ ngày nay, không ai chối cãi được công lao của các thầy giảng người Việt những thế kỷ trước, của Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh và các học giả cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong những bước đầu xây dựng và phát triển nền văn học quốc ngữ.
Tuy nhiên, ta cũng phải công nhận lối viết “gió chiều hoa sớm, bể ái chứa chan, phượng họa loan ca, tình thơ bát ngát” của Tuyết Hồng lệ sử, Giọt lệ thu… vì được Nam Phong phổ biến, đã “làm chủ văn đàn”, khiến những người viết văn làm thơ thập niên 1920-1930, phần lớn đều rập theo “con đường bi thảm” ấy.
Sự khóc than trở thành “lẽ sống”, là “nỗi đau thời đại”. Câu văn biền ngẫu (đối xứng) là mẫu mực của cái đẹp. Cũng vì lẽ đó mà Tự Lực Văn Đoàn chế giễu Nam Phong, bởi nơi đây tập trung những ngòi bút nho học, chưa thoát khỏi câu văn cổ điển, là điểm phát xuất lối văn bi thảm, ảnh hưởng sâu sắc Trà hoa nữ (La dame aux camélias) (1848) của Alexandre Dumas fils và Tuyết hồng lệ sử (1909) của Từ Trẩm Á.
Tóm lại, Nam Phong vừa quảng bá học thuật (triết học Đông Tây) và phát triển chữ quốc ngữ, lại vừa kìm hãm sự đổi mới, vì học giả Phạm Quỳnh, người chủ chốt, viết một thứ quốc ngữ nặng từ Hán Việt, và các cộng tác viên Nam Phong vẫn còn chuộng văn biền ngẩu. Tình trạng mâu thuẫn này được chính các nhà văn, dịch giả trong Nam Phong giải thích như sau:
Trả lời phỏng vấn của Lê Thanh, Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục (người dịch bộ Luận ngữ và bộ Mạnh Tử cùng với Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, trên Nam Phong) cho biết về nội bộ tờ báo:
Khi ấy, ông Phạm Thượng Chi đứng chủ nhiệm kiêm chủ bút; về Hán văn có ông Tiêu Đẩu [Nguyễn Bá Trác], sau khi ông này vào kinh làm việc, có ông Sở Cuồng [Lê Dư] vào thay; ông Đông Châu [Nguyễn Hữu Tiến] làm việc dịch thuật Hán Văn, còn tôi, ngoài việc dịch thơ đăng vào mục “Văn uyển” chuyên về mặt văn chương, viết những bài nghị luận về văn học, triết lý, viết những mục du ký, hài văn…[4]
Sau đó, Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục cho biết quan điểm của ông về cách viết tiếng Việt:
Tiếng Nam ta cũng như tiếng Tầu, là tiếng độc âm, cái đặc sắc của nó là sự đối ngẫu trong câu văn. Mình sao nhãng sự cân đối là mình bỏ mất cái đặc sắc của văn chương mình”[5]
Trúc Khê (Ngô Văn Triện), một nhà văn trẻ hơn, người đã dịch Ngọc Lê Hồn của Từ Trẩm Á sang quốc ngữ, kể lại lối viết của ông hồi ấy:
Thế mà nay trời bầy vân cẩu, đất đổi tang thương, nhà tan một khắc, mình giạt đôi phương… văn tiểu thuyết của tôi hồi trước viết kỳ cục đến thế! Vì tôi đã dịch cuốn tiểu thuyết Ngọc Lê Hồn của Từ Trẩm Á, nên chịu ảnh hưởng lối văn của nhà văn sĩ này.
Và ông cho biết thêm: Mãi đến năm 1938, khi ra Hà Nội, đọc được những tiểu thuyết mới, ông mới viết các cuốn Nát ngọc, Hồn về, Trăm lạng vàng, khác hẳn lối văn ngày trước[6].
Tuy nhiên có một trường hợp đặc biệt mà chúng ta không thể quên, là học giả Trần Trọng Kim và Việt Nam sử lược, cuốn lược sử đầy đủ và trung thực nhất vì ông dựa vào hai bộ chính sử của nước ta là Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện, khác với một số người viết sau ưu tiên dựa vào sách của các sử gia thực dân như Maybon, Taboulet, Thomazi… để đưa ra một số điểm được cho là “mới”, nhưng sau khi khảo sát, thì đó chỉ là những sự ngụy tạo lịch sử.
Điểm quan trọng mà chúng tôi muốn nói ở đây là học giả Trần Trọng Kim đã viết Việt Nam sử lược ngay từ năm 1916[7] (in năm 1918), không những đây là quyển sử đầy đủ đầu tiên của nước ta viết bằng quốc ngữ[8] mà ông còn viết với thứ chữ quốc ngữ hiện đại, bỏ hẳn lối văn biền ngẫu, vì thế Việt Nam sử lược mới có thể đến được với toàn dân và ở lại lâu dài đến thế; rất đáng buồn là hiện nay, chúng ta vẫn chưa có cuốn sử lược nào trung thực có thể thay thế được.
Trước tình trạng đó, một vần đề cấp thiết được đặt ra: cần phải đổi mới ngôn ngữ và văn chương. Nhưng phải đổi mới như thế nào? Thực hiện sự đổi mới không dễ dàng, bởi vì cả thành trì cũ vẫn còn ngự trị trong đầu óc người viết và người đọc.
Chủ trương đổi mới của Khái Hưng
Khái Hưng mở đầu phong trào đổi mới trên Phong Hoá, với bài xã luận Một câu hỏi, ký tên Trần Khánh Giư, in trên Phong Hóa số 3 (30-6-1932), trực tiếp đặt câu hỏi: tại sao không cho con gái đi học? Ông lên án chế độ cũ, không cho con gái đi học để dễ đàn áp. Bởi “Có học mới biết xét đoán mà hấp thụ lấy một lý tưởng hoàn mỹ. Có học mới biết lựa chọn cái hay, ruồng bỏ cái dở, có học mới biết so sánh”. Bài đầu tiên của Khái Hưng trên Phong Hoá bênh vực phụ nữ, phản ảnh tư tưởng đổi mới xã hội từ nguồn cội của ông. Trước Khái Hưng, Phan Khôi đã nêu vấn đề này trên Phụ Nữ Tân Văn từ giữa năm 1929, vì vậy, có sự đồng tình giữa hai nhà văn, và họ còn gặp nhau ở một điểm nữa, đó là việc xây dựng nền thơ mới, như ta sẽ thấy, trong một chương sau.
Chủ trương đổi mới ngôn ngữ của Khái Hưng, bắt đầu bằng sự đào thải căn bệnh “buồn khổ” trước, rồi mới thay đổi cách viết câu văn sau.
1- Đào thải bệnh sầu não, tự tử
Ảnh hưởng các vụ tự tử tràn lan trên sách truyện thời ấy, con người lấy tự tử làm phương tiện giải thoát, rồi trở thành mốt thời thượng.
Trên Phong Hóa số 6 (21-7-1932), Khái Hưng viết bài “Các vở kịch và cái nạn phụ nữ quyên sinh” ký tên Phong Hóa, chỉ trích một vở kịch đang được trình diễn, lấy tự tử làm vũ khí bảo vệ danh dự người phụ nữ, bởi vì, theo lập luận thời ấy, nếu không “dùng” tự tử thì “vở kịch sẽ không thể là vở bi kịch được. Bi kịch phải có tự tử”. Khái Hưng nhắc lại đoản thiên tiểu thuyết Cái rổ bông của Tchya: “Lê Sinh chẳng muốn sống, ra hồ Hoàn Kiếm tự tử. Bỗng thấy trong đám cỏ có cái rổ bông đựng một đứa con mới đẻ: sự chết gặp sự sống. Lòng thương nhân loại, cái nhân loại bé nhỏ, hèn yếu, khốn nạn như vừa lọt vào trong trái tim của anh chán đời“, làm thí dụ. Và ông kết luận: “Vậy trước khi quyên sinh, ta hãy tìm xem có đứa hài nhi nào để cứu không, có còn chỗ thương nào để buộc cho nhân loại không, ta sẽ thấy rằng dẫu ta sống đến mấy trăm tuổi, các việc ta nên làm vẫn chưa hết“.
Trong bài xã luận “Đừng âu sầu phiền não” in trên Phong Hoá số 10 (18-8-32), mở đầu cho chiến dịch “tiễu trừ sầu não” của Tự Lực Văn Đoàn, Khái Hưng ký tên Phong Hóa, viết:
Cái bệnh khóc lóc lướt mướt, phiền não âu sầu vẫn là cái bệnh chung của con nhà ngâm vịnh. Nhất là bọn ngâm vịnh dở dang ở nước ta gần nay lại càng quá lắm. Động cầm bút viết thơ là thấy rung rủng những ôi! những thôi! những sầu, những thảm. Nào than thân thì: “Trần thế lòng ta chán sạch rồi”, nào than tình thì “nhớ tình nhân lệ sầu như sương”, nào than phong hóa suy đồi, than quốc hồn tiêu diệt thì bao giờ cũng phải lôi mấy câu sáo rích ra, những “ôi! dân hai mươi triệu, nước bốn nghìn năm”, những “ôi, con rồng cháu tiên, chồi Hồng mầm Lạc!
Hơn một tháng sau, trên Phong Hóa số 14 (22-9-1932) trong bài tiểu luận viết về Thơ ký tên Văn Lực, Khái Hưng chủ trương bỏ tất cả những hình thức sáo mòn, sao chép thơ cổ điển.
Rồi Phong Hóa số 15 (29-9-1932) đưa ra chủ đề “chôn” sầu thảm, để nhấn mạnh và phụ họa với những điều Khái Hưng đã viết trên Phong Hoá số 10, Việt Sinh (Thạch Lam) viết bài xã luận Sầu thảm nhiều rồi và Đông Sơn (Nhất Linh) vẽ tranh hài hước Một đám ma vui, tất cả tập trung đánh vào thành trì cái cũ, cái chết chóc, thi đua tự tử.
2- Đổi mới văn chương
Khái Hưng, mở đầu mục Văn Học trên Phong Hóa số 14 (22-9-1932), bằng bài tiểu luận viết về Thơ, ký Văn Lực, chủ trương bỏ hết niêm luật gò bó trong thơ cổ điển, bỏ tất cả những thành ngữ sáo mòn: “Tả người mỹ nữ thì bao giờ cũng phải: nghiêng nước nghiêng thành, nhạn sa cá nhẩy, xanh như liễu, gầy như mai, làn thu thủy nét xuân sơn. Tả thời gian thì phải: vùn vụt như tên bay, bóng ngựa qua cửa sổ. (…) Sự giản tiện nhất cho ta là phê một chữ “bỏ”. Bỏ luật, niêm, đối, bỏ điển tích, sáo ngữ. Nghiã là tóm tắt: Đừng bắt trước [chước] cổ nhân. Thơ ta phải mới: mới văn thể, mới ý tưởng”.
Trên Phong Hóa số 15 (20-9-1932), mục Văn học có bài Quốc văn nó đi như sao… Văn Lực [Khái Hưng] viết về đề tài quốc văn: Ông đặt vấn đề cần phải đổi mới văn chương, với câu hỏi: Tại sao ta ít sách? Và ông trả lời, vì hai lẽ:
1- Ngày trước văn tầu, các cụ thích, các cụ viết. Ngày nay văn tây, ta học. Ta học để lấy mảnh bằng. Còn văn ta? Ta bỏ. Ta khinh. Chán!
2- Thiếu ý sáng kiến, lối văn mới ta không có (…) ta viết bá láp, lăng nhăng. Hoặc ta theo người xưa: lòng thòng.
Còn ý tưởng? Càng tệ. Càng cũ. Không mấy khi giám bước ra ngoài lũy tre trí thức nước Lỗ (Khổng Mạnh) và nước Sở (Lão Tử).
Quốc văn muốn giầu phải có nhiều lối. Nhiều lối mới. Lối cũ nào không hợp thời: ta “phích”!
Lại có tư tưởng mới.
Mới lên.
Nào chúng ta dúng tay vào việc. (Phỏng theo lối văn Hoàng Tích Chu).
Văn Lực
Đọc đoạn văn trên, với lối viết câu một chữ, hai chữ, ba chữ… ta tưởng là văn Mai Thảo. Không! Đó là văn Khái Hưng và ông còn ghi rõ, ông viết phỏng theo lối văn Hoàng Tích Chu.
Điều này chứng tỏ Khái Hưng thích lối văn mới của Hoàng Tích Chu, và ông sẽ nối tiếp con đường này, sau khi Hoàng Tích Chu qua đời, để đặt nền móng cho một nền văn chương quốc ngữ mới, gọn gàng, trong sáng, trên Phong Hóa.
Nguyễn Mạnh Tường
Khái Hưng
(còn tiếp)
|
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng Wed 21 Jul 2021, 10:46 | |
| TỰ LỰC VĂN ĐOÀN - VĂN HỌC VÀ CÁCH MẠNG
Thuỵ Khuê
Nhất Linh phỏng vấn Nguyễn Mạnh Tường
Không phải tình cờ mà Nguyễn Mạnh Tường ở trong số rất ít người đã suy nghĩ về cách đổi mới văn chương quốc ngữ.
Ông sinh ngày 16-9-1909 tại phố Hàng Đào, Hà Nội và mất ngày 13-6-1997, tại phố Tăng Bạt Hổ, Hà Nội. Trước tiên ông là người nổi tiếng học giỏi. Năm 1925, 16 tuổi, ông đậu tú tài triết học hạng ưu, được học bổng sang Montpellier du học. Trong thời điểm Nhân Văn Giai Phẩm, ông nổi tiếng với bài “Qua những sai lầm trong cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo”, diễn thuyết ứng khẩu trong 6 tiếng tại Mặt trận tổ quốc ngày 30-10-1956, sau viết lại thành văn bản. Đây là bài chính luận sâu sắc nhất, phân tích những sai lầm trong cải cách ruộng đất ở thôn quê, cải tạo tư sản và quản lý mậu dịch ở thị thành, chỉ ra nguồn cội sai lầm đến từ chế độ chính trị không dân chủ và đề nghị thay đổi: thực hiện thể chế nhà nước pháp quyền dưới chế độ dân chủ.
Trở lại thập niên ba mươi, năm 1927, Nguyễn Mạnh Tường đỗ cử nhân văn chương, năm 1930, đậu cử nhân Luật. Tháng 5-1932, ông bảo vệ luận án tiến sĩ Luật, đề tài: Cá nhân trong xã hội Viêt Nam cổ – Tổng luận Luật Hồng Đức[9]. Tháng 6-1932, bảo vệ luận án tiến sĩ Văn chương, bài chính là Giá trị bi kịch trong tuồng của Alfred de Musset[10] và bài bổ túc: An Nam trong các tác phẩm của Jules Boissière[11].
Tháng 9-1932, Nguyễn Mạnh Tường về nước, cùng lúc với Bảo Đại. Pháp muốn ông làm Thượng thư, nhưng ông từ chối, nên bị làm khó dễ. Ba tháng sau ông quay trở lại Pháp[12] và đi Âu Châu trong 5 năm, đến năm 1936, mới trở về Hà Nội[13].
Nguyễn Tường Tam sang Pháp du học trong khoảng 1927-1930. Sau khi đỗ cử nhân Vật Lý, ông trở về Hà Nội cuối năm 1930. Nguyễn Mạnh Tường về Hà Nội tháng 10-1932, sau khi đã đến Sài Gòn và diễn thuyết về văn chương ở đây.
Được tin, Nguyễn Tường Tam đến thăm bạn cũ:
Ông Nguyễn Mạnh Tường là người Annam đầu tiên đỗ bằng văn khoa tiến sĩ, lại là người đỗ luật khoa tiến tiến sĩ còn trẻ nhất từ xưa tới nay (…)
Tôi đến thăm ông, nửa là tình bạn, nửa lấy tư cách nhà báo – đến thăm ông để ôn lại cuộc đời lý thú còn cùng nhau học một tỉnh [Montpellier], trọ một nhà, để gợi những sự vui buồn trước, những kỷ niệm đáng ghi trong quãng đời niên thiếu.
Mới đầu không định phỏng vấn, chỉ chuyện trò, rồi thành câu chuyện, vì thế, trên Phong Hóa số 16 (6-10-1932) có bài Nói chuyện với ông Nguyễn Mạnh Tường, ý chính dựa trên hai câu hỏi:
– Tại sao ông lại chọn Alfred de Musset làm đề tài cho luận án văn chương?
Nguyễn Mạnh Tường trả lời (xin tóm tắt): Đề tài luận án văn chương và luận án luật khoa của tôi có mối liên lạc với nhau, cùng chủ đích làm sao cho người Annam và người Pháp hiểu nhau hơn. Tôi chọn Musset là tác giả tiêu biểu cho văn chương Pháp và tôi đem cái hay trong luật của ta [luật Hồng Đức] giới thiệu với người Pháp. Tôi còn làm thêm một luận án nữa về thi sĩ Jules Boissière, để tỏ rằng Pháp “cũng có người hiểu ta, mến ta, mà cái tình người một nước đối với người nước khác có thể gây nên những áng văn chương tuyệt tác như vậy”.
Câu hỏi chính thứ nhì:
– Về đây, ông muốn làm trạng sư hay dạy học?
Nguyễn Mạnh Tường trả lời, đại ý:
– Tôi muốn dạy học và viết sách để truyền bá tư tưởng, trong khi chờ đợi sách ra thì tôi diễn thuyết.
Bài nói chuyện này đã “gợi ý” cho Khái Hưng viết bài “chất vấn” ông nghè Nguyễn Mạnh Tường trong số báo kế tiếp và bài trả lời của Nguyễn Mạnh Tường tạo thành cuộc đối thoại về vấn đề đổi mới quốc văn.
Khái Hưng trao đổi với Nguyễn Mạnh Tường
Trên báo Phong Hoá số 17 (13-10-1932), trong mục Văn Học, Văn Lực (Khái Hưng) viết bài Để còn hỏi ông nghè Nguyễn Mạnh Tường, chất vấn Nguyễn Mạnh Tường về vấn đề: Phải đổi mới văn học, nhưng đổi mới bằng cách nào?
Trước hết, Khái Hưng trở lại sự đổi mới trong văn học Pháp, ông viết:
Từ thế kỷ XVI, Ronsard đã cải cách thi ca Pháp, đặt ra nhiều điệu mới, thế kỷ XVII, Corneille, Racine, Molière chấn chỉnh bi kịch và hài kịch, đều lấy văn Hi-La ra làm mẫu. Vậy nếu ta cũng thử đem Pháp văn mà bổ khuyết cho quốc văn, thì ông nghĩ sao?
Sau khi duyệt lại nền văn thơ cổ điển của ta, Khái Hưng nhận thấy rằng: Văn thơ ta rập theo lối Trung Hoa, đã trở thành quy củ, có những ưu điểm và khuyết điểm nhất định, nhưng có một điều: Pháp văn từ thời Montaigne (thế kỷ XVI) đến nay đã biến chuyển rất nhiều, nhưng nếu đem văn chương nước ta, thời Lý Thường Kiệt (thế kỷ XI), thời Lê Thánh Tôn (thế kỷ XV), ra so sánh với thơ Nguyễn Khuyến, sẽ thấy chữ nghiã dùng không khác nhau một ly.
Và ông đưa ra ba câu hỏi:
– Ta không chịu cải cách, vì thiếu sáng kiến hay vì sợ cái mới?
– Ta có nên dựa vào văn Tầu và văn Tây để xây dựng một nền văn chương giầu có hơn không?
– Bao giờ ta mới có một nền quốc văn xứng đáng?
Nguyễn Mạnh Tường trả lời ba câu hỏi của Khái Hưng trong hai bài Bàn về quốc văn, in trong mục Văn Học (PH số 18, 20-10-32 và số 19, 27-10-32), ông đi trực tiếp vào vấn đề:
– Quốc văn có nên dùng các văn chương ngoại quốc, nhất là văn Pháp và Trung Hoa làm mẫu chăng?
– Tôi trả lời không ngần ngừ: nên lắm. Văn minh của loài người có bắt chước mới có tiến.
Ông lập luận tiếp: Bất cứ dân tộc nào, nền văn minh nào, cũng chỉ có thể tiến bộ nhờ những kinh nghiệm học hỏi của những dân tộc khác. Bắt chước, là sự cần thiết của nhân loại. Nhưng khó khăn là phải biết bắt chước như thế nào? Về văn chương, bắt chước là phỏng theo các lối văn, các cách viết mới, thích hợp với sự cần thiết của dân tộc. Bắt chước không có nghiã là viết y hệt như tiếng Pháp, tiếng Hoa, mà phải viết chữ Annam, và viết như thế nào? Những nhà văn cổ điển của Pháp bắt chước La-Hy, nhưng họ đã uốn theo nề nếp phong tục của dân Pháp. Nhà văn Việt Nam có thể theo ý tưởng của nhà văn Pháp, Trung Hoa, nhưng đừng viết nguyên văn chữ Pháp, chữ Tầu, mà phải viết chữ Annam, và đem cái ý tưởng Pháp, Hoa ấy, hòa quyện trong tâm hồn Việt Nam, mới được.
– Bao giờ ta mới có được nền quốc văn đích đáng?
– Cái đó tôi không biết được. Có lẽ phải đợi hai thế kỷ.
Rồi ông phân tích: Các nhà văn Pháp đã bắt đầu bắt chước từ khi bị La Mã chinh phục. Trong suốt thời Trung Cổ, các nhà văn Pháp chỉ viết văn bằng tiếng La Tinh. Đến thời Phục Hưng, cuộc canh tân của nhóm Thất hiền[14] cũng bị ít nhiều thất bại. Phần lớn công trình trước tác của Ronsard không ai hiểu nổi. Phải đợi đến thế kỷ XVII mới thực sự có một nền văn chương Pháp.
– Trong thời kỳ xây dựng nền quốc văn thì văn chương bình phẩm [phê bình] quan trọng như thế nào?
– Văn bình phẩm có tầm quan trọng của nó, vì nó có thể kiến chỉnh [xây dựng và chỉnh đốn] cái sở thích của công chúng và dẫn đạo sự bắt chước của nhà văn. Nhà bình phẩm chỉ cho nhà văn cách bắt chước thế nào, thì được vẻ tân kỳ, đặc biệt, tránh khó hiểu và thích hợp với tri thức Annam. Nhưng trở nên một nhà bình phẩm cũng không phải dễ dàng, phải có kiến thức sâu rộng. Nhà văn cũng vậy, phải biết nhiều, học rộng. Có học mới có thể viết được.
Điều tôi muốn khuyên các văn sĩ tương lai là đừng quên việc dịch văn. Dịch văn là một cách tập viết văn rất công hiệu. Muốn hiểu một áng văn, cách tốt nhất là đem dịch áng văn ấy sang tiếng Việt. Dịch, không những là cố hiểu, và còn phải chuyển điều mình đã hiểu sang quốc văn. Văn chương Pháp phần lớn nhờ vào các dịch giả của thế kỷ XVI. Amyot, lưu danh trên văn đàn Pháp, chỉ là một dịch giả mà thôi. Và tôi [Nguyễn Mạnh Tường], tôi dám chắc rằng ông Nguyễn Văn Vĩnh sẽ là một nhà dịch văn đáng ghi tên trong lịch sử văn chương nước Nam. Tôi muốn nói thêm một điều nữa, là chỉ nên bắt chước cái lối viết mà thôi, còn ý tứ, tư tưởng, trong bài văn, là phải của mình. Một phần lớn văn chương của Ronsard không lưu truyền cho hậu thế, bởi vì không những ông ta bắt chước văn thể, mà lại còn sao chép y hệt tư tưởng của cổ nhân. “Nhiều người cho rằng có một nền văn chương cổ điển và một nền văn chương lãng mạn. Lầm. Chỉ có độc nhất một nền văn chương: ở tay người viết, viết ra, viết cho người đọc, đọc, mà thôi”. Nếu có khác nhau là ở chỗ: “nhà cổ điển ngắm kẻ khác để tả người, còn nhà lãng mạn thì tự ngắm mình để tả người”.
Tiếc rằng, sau hai bài viết này, Nguyễn Mạnh Tường trở lại Âu Châu 5 năm, nên không góp phần vào việc đổi mới ngôn ngữ và xây dựng nền văn chương quốc ngữ, trong giai đoạn chủ yếu này. Khi ông về nước năm 1936, Tự Lực Văn Đoàn đã hầu như hoàn tất “sứ mạng” đổi mới.
Hoàng Tích Chu
Hoàng Tích Chu và cuộc đổi mới ngôn ngữ
Hoàng Tích Chu (1897-1933) là nhà báo, ông là người đã thực hành việc đổi mới ngôn ngữ ở miền Bắc, sau Phạm Duy Tốn.
Hoàng Tích Chu được coi là “ông tổ văn mới“[15]; kém Khái Hưng một tuổi; đã đi Pháp hai lần để học nghề làm báo. Là anh của họa sĩ Hoàng Tích Chù (1912-2003) và kịch tác gia Hoàng Tích Linh (1919-1990), người đã tham gia Nhân Văn Giai Phẩm.
Hoàng Tích Chu cho rằng: nói tiếng Việt là một chuyện, nhưng khi phải viết tiếng Việt thành một câu văn quốc ngữ lại là chuyện khác. Ông kể lại chuyện: Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh đều tập viết quốc ngữ bằng cách dịch chữ Pháp và chữ Hán. Phạm Quỳnh dùng nhiều chữ Hán, nên câu văn nặng nề. Nguyễn Văn Vĩnh dịch thoát ý, dùng nhiều tiếng thuần Việt nên câu văn nhẹ nhàng, sáng sủa hơn.
Hoàng Tích Chu cũng tập viết quốc ngữ bằng cách viết hai cuốn sách khi ông ở Pháp từ 1923 đến 1926.
Từ 1921 Hoàng Tích Chu đã viết cho Nam Phong và báo Khai Hóa của Bạch Thái Bưởi. Năm 1923, ông vào Sài Gòn xuống tầu làm phụ bếp, qua Hồng Kông, Thượng Hải rồi sang Pháp học toán để sinh sống, và học nghề báo trực tiếp bằng cách đọc báo hàng ngày. Ông học được ở Pierre Bertrand lối viết ngắn, gọn và ông nhận thấy “báo giới nước Pháp trọng nhất người viết giỏi mục việc vặt, viết được việc vặt tức là viết được thời sự, viết được các bài đại luận”.
Trong thời gian ở Pháp ông viết hai cuốn sách: Quân chủ với Âu Châu sau trận chiến tranh năm 1914 và Tự do ngôn luận trong hồi cách mệnh nước Pháp. Viết xong hai cuốn sách này, ông thấy mình viết văn dễ dàng hơn. Sách đem về in ở Sài Gòn, Hoàng Tích Chu kể lại: “Diệp Văn Kỳ đã bình phẩm trên Đông Pháp thời báo là nó “cộc”, vì có khi một câu chỉ có một, hai, ba chữ. Ông lại chê là nó “vụn”, vụn vì mỗi câu một ý”.
Năm 1926, ông về nước cùng với Đỗ Văn[16]. Năm 1927, ông trở lại Pháp, nghe các buổi diễn thuyết về nghề báo và dự các buổi thuyết giảng ở đại học. Năm 1929, trở về nước, ông được mời làm chủ bút Hà Thành Ngọ Báo của Bùi Xuân Học, ông lập mục “Câu chuyện hàng ngày” và thực hiện sự cải tổ quốc ngữ, chủ trương viết văn trong sáng, ngắn gọn, nhưng độc giả đã quen với lối văn dài dòng, cân đối, không thích, viết thư chỉ trích. Một làn sóng chống lối văn Hoàng Tích Chu nổi lên. Ông bị xỉ vả là “văn cộc”, “văn chó mửa”, chẳng ra Tầu cũng chẳng ra Tây. Thục Điểu (Ngô Tất Tố) là một trong những người kịch liệt đả kích. Nhưng Phan Khôi hết sức ủng hộ[17].
Tháng 11-1929, Hoàng Tích Chu, Phùng Bảo Thạch và Tạ Đình Bính (cha Tạ Trọng Hiệp) bỏ Hà Thành Ngọ Báo, sáng lập Đông Tây tuần báo, tờ báo đổi mới đầu tiên trên đất Bắc. Thành công. Ngày 28-5-1932, Đông Tây ra hàng ngày, nhưng chỉ hai tháng sau, thì bị đình bản (25-7-1932). Hoàng Tích Chu cộng tác với Thời Báo, đến số 20, lại bị cấm.
Phong Hóa mời Hoàng Tích Chu
Phong Hóa số 14 ra đời, tháng 9 năm 1932, hai tháng sau khi Đông Tây của Hoàng Tích Chu bị đình bản.
Khái Hưng, Nhất Linh, mời Hoàng Tích Chu cộng tác, nên mới có bài Những việc chính cần biết trong tuần lễ này của Thiện Căn, in trên Phong Hóa số 14 (22-9-32), mà tôi đoán chắc là của Hoàng Tích Chu. Sau đó, trên Phong Hóa số 19 (27-10-32) còn có vở hài kịch D.P.T.M.N.T.U.T.A.H.T.T.H. hay là hội Ausecourfem của H.T.C. và trên Phong Hóa số 22 (18-11-32) lại có hài kịch Mọt đục cứt sắt của H. Thiện Căn. Tiếp đến Phong Hóa số 25 (9-12-32) có bài Cụ Lý Toét đi xem hội chợ (Cát-Tót, Juillet) của HTC.
Trừ khi có ai chứng minh được HTC là tên người khác, tôi chắc chắn đó là tên của Hoàng Tích Chu, vì ở thời ấy, không mấy ai viết được tiếng Việt, mới và hay như vậy.
Ba tác phẩm này cho phép ta xác định lối viết và sự cách tân quốc ngữ của Hoàng Tích Chu. Và có thể quả quyết cả Khái Hưng lẫn Nhất Linh đều chịu ảnh hưởng của Hoàng Tích Chu.
Nhất Linh đi Pháp du học sau Hoàng Tích Chu, ông cũng đã “học” nghề làm báo ở Pháp bằng cách đọc báo Pháp như Hoàng Tích Chu.
Nhất Linh đem cái hài hước của báo Pháp vào Phong Hóa nhưng ông chưa nghĩ đến việc đổi mới ngôn ngữ. Khái Hưng chủ xướng việc đổi mới ngôn ngữ nhưng chưa nghĩ đến việc đem tranh hài hước vào báo Phong Hoá. Hai nhà văn này luôn luôn đi đôi và bổ sung cho nhau.
Việc đổi mới ngôn ngữ trên Phong Hoá là do Khái Hưng tìm tòi và chủ xướng, ông chịu ảnh hưởng của Hoàng Tích Chu. Ngoài ra, Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, và Thế Lữ, đều phải tự học để có thể viết bất cứ mục nào cũng được, theo đúng nguyên tắc làm báo của Hoàng Tích Chu: “người viết giỏi mục việc vặt, viết được việc vặt tức là viết được thời sự, viết được các bài đại luận”.
Chỉ cần so sánh văn Khái Hưng trên Phong Hóa số 1 (16-6-1932) với văn ông trên Phong Hóa số 14 (22-9-1932), ta đã thấy có chuyển biến sâu xa, đến Phong Hóa số 20 (4-11-1932), với Hồn bướm mơ tiên lần đầu xuất hiện, Khái Hưng đã sáng tạo cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn, khai sáng một ngôn ngữ văn chương mới lạ, hoàn toàn thoát khỏi lối văn biền ngẫu, đẫm nước mắt, thời ấy.
Kịch hài hước của Hoàng Tích Chu
Phong Hóa số 19 (27-10-1932) đăng một hài kịch, có tên bí hiểm và dài lòng thòng:
D.P.T.M.N.T.UT.A.H.T.T.H. hay là hội Ausecourfem. Vở kịch, được đề Kịch Phong Hóa là một cách giới thiệu trang trọng, với minh họa của Mac (chắc Nguyễn Gia Trí).
Các nhân vật trong vở kịch này có một nét đặc biệt: toàn bọn “râu quặp”, có vợ thuộc loại “sư tử cái”, hai dấu hiệu này, sẽ trở thành “muôn thủa” như Tú Bà và Sở Khanh.
Bẩy vị tu mi, họp kín trong một phòng hội đồng, lập hội, đặt tên là “Đông Pháp Tu Mi Nam Tử Úy Thê Ái Hữu Tương Tế Hội” (nói vắn tắt là hội sợ vợ). Nhưng phải giữ bí mật, nên họ phải viết tắt D.P.T.M.N.T.U.T.A.H.T.T.H.
Trong bài diễn văn khai hội, vị chủ tịch tương lai, viện dẫn nhiều trường hợp vĩ nhân kim cổ không thoát khỏi cảnh ngộ bị vợ sư tử đàn áp:
… Để đến nỗi vị đế vương thay trời trị nước, mà về đến tư cung cũng xếp cả uy quyền dưới chân hoàng hậu, tay đại tướng cầm vạn mã thiên binh, nơi chiến trường hét ra lửa, mà về nơi trướng gấm phòng loan, cụp hết oai phong lẫm liệt trước mắt phu nhân. Chuyện xưa còn ghi chép: Trụ Vương mất nước, Từ Hải bỏ mình, cũng chỉ vì sợ vợ. Ôi! nghĩ đến mà tủi, mà nhục, đáng khóc ra huyết! Cử tọa gạt nước mắt rồi vỗ tay.
Hoàng Tích Chu, không những chỉ dùng chữ thuần Việt, mà còn đem cái cười, cái châm biếm vào đời sống, làm đảo lộn trật tự Khổng Mạnh, vén màn cho ta thấy cái khôi hài của nước mắt, sự hèn mọn của quyền uy. Trong một xã hội bị áp bức, người dân không có quyền cười. Tha hồ khóc lóc, than van thả cửa, nhưng cười là trái phép, thường bị kiểm duyệt, bị cấm, nhất là cái cười này lại chiếu vào các bậc vua chúa, anh hùng.
Trên Phong Hóa số 22 (18-11-1932) có hài kịch Mọt đục cứt sắt của H. Thiện Căn. Số báo 22 này dùng toàn lực tấn công vào các ông nghị. Vở kịch có bốn vai: Bá Phú, đại phú ở Hà Nội; Tư Lợi, bạn bòn tiền của Bá Phú; Chủ bút báo Con Đỉa, bổi bút và thằng nhỏ con ở của Bá Phú.
Tư Lợi và Chủ Bút đến dụ Bá Phú bỏ tiền ra ứng cử nghị viên thành phố. Mọt đục cứt sắt đánh thẳng vào sự lừa bịp trong bầu cử: Chủ bút báo Con Đỉa dụ Bá Phú ra tranh cử: Y sẽ viết dùm chương trình tranh cử (Bá Phú vô học) với các mánh khóe mị dân, hứa hẹn hão, cốt sao dụ được người ngu tin cậy bỏ phiếu cho mình. Y sẽ cò mồi, viết bài tán tụng công đức Bá Phú và viết bài đánh phe đối thủ. Khi đã trúng nghị viên rồi, thì tha hồ ăn đút lót, làm giầu. Mọt đục cứt sắt không chỉ vén màn lên hài kịch bầu cử dân biểu thời thuộc địa, mà dường như đã nói lên bộ mặt trái của tất cả những cuộc bầu cử, kể cả ở các nước dân chủ ngày nay.
Hoàng Tích Chu là người mở đầu cho lối viết châm biếm hiện đại mà Hoàng Đạo sẽ là người nối tiếp.
Chân dung Lý Toét của Hoàng Tích Chu
Phong Hóa số 25 (9-12-1932) có bài Cụ Lý Toét đi xem Hội chợ của HTC, đăng cùng trang 7 với bài Ba Ếch đi xem Hội chợ của Nhất Linh. Đây là lần đầu tiên nhân vật Lý Toét -đã có hình vẽ trên Phong Hóa từ số 14 (22-9- 32) số 15 (29-9-1932) và số 16 (6-10-1932)- nhưng chưa có tên, nay mới biết tên là Lý Toét. Không những có tên mà còn được mô tả cả tính tình, ngôn ngữ và hoàn cảnh xã hội. (Lý Toét và Xã Xệ sẽ có một chương riêng).
Hoàng Tích Chu mô tả Lý Toét như vầy:
Đã hai năm nay, cụ Lý Toét có ra Hà Nội một lần để xem “Cát Tót” [14 Juillet]. Nay nhân dịp hội chợ, bác cả Toe, con giai cụ, lại nhắn cụ ra chơi dối già, một lần nữa (…)
Lúc vào cửa, cụ Lý Toét bị chen, trên đầu thì xổ cả khăn, tung cả búi tóc, dưới chân thì họ séo tụt cả giầy, khốn đốn mới qua được cái cửa quay. (…) Bới lại cái “búi chấy”, quấn lại cái khăn lượt mầu nước dưa cho chỉnh, cụ lý đi nghênh ngáo mọi nơi. Mỗi hàng một vẻ, lộng lẫy, rực rỡ như động tiên, cụ chẳng biết nên xem đâu trước, đâu sau, ngơ ngẩn cả người như mán về đồng bằng vậy. (…) Đi qua dan hàng máy hát, réo rắt dọng hát chèo, sen tiếng nhị, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng thanh la, nghe rõ mồm một. Cụ ngây cả người không biết tiếng hát ở đâu mà ra. Một lát thấy im. Trong cửa hàng có một người ra rút cái giây, kéo một cái hộp đen treo ở giữa cửa xuống, rồi nghí ngoáy một lúc, lại rút cái giây treo cái hộp lủng lẳng lên, rồi lại nghe thấy tiếng hát sẩm. Cụ lẩm bẩm: “Họ có phép quỷ thuật”.
Đến trước cái cửa kính một hiệu kia, cụ thấy rõ ràng một ông tây mũ áo chỉnh tề, ngồi chễm chọe, sung quanh mình bầy la liệt nào vải, nào nhiễu, nào dạ đủ các thứ mùi. Cụ hỏi bác cả Toe: “Quan lớn đây chừng là chủ hiệu này? Bác cả đáp: “Đó là một người gỗ, mặt bằng sứ, mắt bằng thuỷ tinh, để mặc áo”. Bấy giờ cụ mới mở mắt to tướng, có ý nhìn kỹ, thì quả không thấy “quan lớn cậy cựa”.
Vừa rồi, không có tiếng người mà có tiếng hát. Bây giờ rõ ràng người hẳn hoi, lại không phải người thật.
Ai còn biết đường nào mà mò.
Không những Hoàng Tích Chu mô tả hình dạng, y phục, tâm lý Lý Toét, tạo ra bức hình mẫu cho những họa sĩ chuyên nghiệp hay nghiệp dư dựa vào để vẽ tranh Lý Toét sau này, mà ông còn đưa cả ngày Cát-Tót [14 Juillet] thiêng liêng của mẫu quốc ra làm trò cười: đối chất cái quê mùa (chân thật) của Lý Toét với cái văn minh (giả dối) của Tây phương: Máy hát có tiếng hát mà không có người. Người bầy ra tủ kính lại là người giả!
Sự “nghĩ thầm” trong bụng của Lý Toét, trước những “sản phẩm tiến bộ” của Tây phương như máy hát, người mẫu, do Hoàng Tích Chu “nghĩ ra”, được thực hiện trên bức tranh dưới đây, vẽ Lý Toét ra tỉnh đứng trước cái máy nước công cộng, trên Phong Hóa số 48 (26-5-1933), đó là bức tranh Lý Toét đầu tiên, có ghi tên, tranh này không ký, nhưng có nhiều khả năng là của Nguyễn Gia Trí.
Ngay từ lúc bước chân vào cửa hội chợ Cát-Tót, Lý Toét đã bị khốn đốn, tơi bời trên đầu thì xổ cả khăn, tung cả búi tóc, dưới chân thì họ séo tụt cả giầy. Tả nỗi khốn khổ bị dẫm đạp của người dân Việt khi bước chân vào cửa Cát-Tót (tức cửa Đại Pháp) như thế là kín đáo nhất hạng. Tả cái văn minh mẫu quốc như thế là tuyệt cú mèo.
Tiếc thay, nhiều người không hiểu, cho rằng Phong Hoá cốt đưa cái cười ra để cho dân chúng tiêu khiển, quên việc đấu tranh giành độc lập. Ngược lại, chất hài hước thâm thúy, đặc biệt trong bài đầu tiên mô tả chân dung Lý Toét của Hoàng Tích Chu, sẽ là kim chỉ nam, hướng dẫn các họa sĩ vẽ Lý Toét sau này, nhất là Nguyễn Gia Trí đã biến sự hài hước thành một vũ khí lợi hại chống Pháp.
Nhất Linh, trong bài Lịch sử Lý Toét, Ba Ếch và Xã Xệ, đăng trên Ngày Nay số 198 (3-2-1940) cho biết: “Tên Lý Toét thấy xuất hiện năm 1930 trong báo Tiếng Dân mà người đưa ra tên Lý Toét lại là Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu”. Tiếp đó, ông viết: “Đầu tiên là Tứ Ly đem [tên] Lý Toét vào Phong Hóa (số 35 ngày 24-2-1933) trong bài Cuộc chợ phiên của Phong Hóa tổ chức“. Không hiểu sao Nhất Linh lại không nhắc đến bài Cụ Lý Toét đi xem Hội chợ của Hoàng Tích Chu, trên Phong Hóa số 25? Nhất Linh quên hay ông chỉ muốn dành riêng Lý Toét cho những thành viên của Tự Lực Văn Đoàn? Bởi vì, dù Tú Mỡ có đưa tên Lý Toét trên báo Tiếng Dân, năm 1930, thì chỉ là sự tình cờ, trùng tên, vì lúc đó chưa hề có nhân vật Lý Toét. Còn bài của Hoàng Tích Chu (trên PH số 25 này) đăng cùng trang và song song với bài viết của Nhất Linh về Ba Ếch, là có chủ đích xác định chân dung hai nhân vật hài hước chính trên báo Phong Hóa (lúc đó chưa có Xã Xệ).
Riêng bài Cuộc chợ phiên của Phong Hóa của Tứ Ly (trên PH số 35) là một phóng sự hài hước về hội chợ do Phong Hóa tổ chức, mượn Lý Toét, Ba Ếch làm cớ để chế giễu nhiều người, chủ yếu là Phạm Quỳnh và ban biên tập Nam Phong, với các cụ nhà nho như Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Trọng Thuật…
Sau cùng, chủ trương đổi mới ngôn ngữ và tư tưởng của Tự Lực Văn Đoàn, không chỉ có tính cách thuần tuý văn chương mà còn ngụ ý nghiã chính trị nữa.
Năm 1930 là năm đầy thảm họa cho các tổ chức cách mạng chống Pháp cả tư sản lẫn vô sản.
Ngày 16-2-1930, thống sứ Robin ra lệnh cho máy bay dội 57 trái bom, tàn phá làng Cổ Am để trừng phạt việc dân chúng nổi dậy giết tri huyện Vĩnh Bảo Hoàng Gia Mô, đồng thời tiêu diệt “trọn ổ” các yếu nhân Việt Nam Quốc Dân Đảng đã tổ chức vụ nổi dậy này.
Ngày 17-6-1930, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí bị chém ở Yên Bái.
Hai sự kiện này không thể không gây ấn tượng kinh hoàng trong lòng người Việt nói chung, Khái Hưng và Nhất Linh nói riêng.
Nên 28 năm sau, khi thành lập tạp chí Văn Hóa Ngày Nay ở Sài Gòn, không phải tình cờ mà Nhất Linh chọn số 1, ra ngày 17-6-1958, đúng ngày giỗ Nguyễn Thái Học và 12 liệt sĩ.
Vì vậy, năm 1932, khi đánh vào thành trì “khóc lóc, tự tử” hèn yếu của thanh niên bằng tiếng cười và lối văn trong sáng, Tự Lực Văn Đoàn, không chỉ muốn mua vui, cũng không hề có ý định làm cho người đọc quên chuyện mất nước, mà họ đã có chủ ý cách mạng từ đầu: muốn kiến tạo một tầng lớp thanh niên có khí phách, theo chân Nguyễn Thái Học.
(Còn nữa)
Thụy Khuê
[1] In lần đầu năm 1651, tại La Mã.
[2] Chữ cũ [cùng] còn dấu huyền (-) chồng lên trên dấu ngã (~) nữa, nhưng nhà in không có sẵn hai dấu chồng nhau như thế nên phải bỏ khuyết một dấú (chú thích của Phạm Quỳnh).
[3] Trích theo bài Khảo về quốc ngữ, của Phạm Quỳnh, Nam Phong số 122, trang 333.
[4] Cuộc phỏng vấn những nhà văn của Lê Thanh, Nxb Đổi Mới, Hà Nội 1943, trang 55-56.
[5] Cuộc phỏng vấn những nhà văn của Lê Thanh, Nxb Đổi Mới, Hà Nội 1943, trang 63.
[6] Cuộc phỏng vấn những nhà văn của Lê Thanh, trang 81.
[7] Trần Trọng Kim trả lời phỏng vấn của Lê Thanh, trong Cuộc phỏng vấn những nhà văn của Lê Thanh, Nxb Đổi Mới, Hà Nội 1943, trang 17.
[8] Trước đó có hai cuốn Cours d’histoire d’annamite của Trương Vĩnh Ký, bằng tiếng Pháp, rất sơ lược, in năm 1875 và 1877.
[9] Nguyên văn tiếng Pháp: L’Individu dans la vieille cité annamite -Essai de synthèse sur le Code de Lê.
[10] Nguyên văn tiếng Pháp Essai sur la valeur dramatique du théâtre d’Alfred de Musset.
[11] Nguyên văn tiếng Pháp: L’Annam dans la littérature française, Jules Boissières. Jules Boissières là công chức cao cấp trong chính quyền thuộc địa, làm phụ tá cho toàn quyền Paul Bert, có đầu óc ôn hòa, chủ trương hợp tác Pháp-Việt, ông mất tại Hà Nội năm 1897, sau Paul Bert một năm, ở tuổi 34.
[12] Theo Nguyễn Văn Hoàn trong bài Kỷ niệm về thầy Nguyễn Mạnh Tường, báo Hồn Việt, tháng 10-2009, mạng Vietstudies.
[13] Nguyễn Mạnh Tường được các đại học Âu Châu mời đi thăm Âu Châu trong 5 năm, diễn thuyết và viết sách. Năm 1936, ông trở về Hà Nội, dạy Pháp văn ở trường Bảo Hộ và trường Cao đẳng Công chính. Năm 1940, ông ngừng dậy học, mở văn phòng Luật sư. Tháng 10-1945, chính phủ Hồ Chí Minh lập Đại Học Văn Khoa, ông được mời dậy Văn chương Tây phương. Tháng 4-1946, ông tham gia hội nghị Đà Lạt cùng nhiều trí thức khác, Nguyễn Tường Tam làm trưởng phái đoàn. Tháng 10-1956, sau bài diễn thuyết Những sai lầm trong cải cách ruộng đất ông bị đuổi khỏi đại học, đói khát, sống nhờ sự giúp đỡ của học trò, bè bạn và những người không quen biết trong gần ba mươi năm. Ông là tác giả khoảng 16 tác phẩm Pháp-Việt. (Xem Nhân Văn giai phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc, Chương 23, Nguyễn Mạnh Tường, nxb Tiếng Quê Hương, 2012, Hoa Kỳ. Hay mạng: thuykhue.free.fr).
[14] Thất hiền là nhóm Pléiade, 7 nhà thơ Pháp thế kỷ XVI, gồm: Ronsard, Bellay, Jodelle, Belleau, Baïf, Peletier, Tyard, chủ trương đổi mới ngôn ngữ và thi ca Pháp, đưa văn chương Pháp ra khỏi vòng lệ thuộc tiếng La tinh.
[15] Theo Chương Đài, Hoàng Tích Chu, ông tổ văn mới, báo Tràng An, Huế, ra ngày 30-10-1936.
[16] Đỗ Văn là một trong những người đầu tiên sang Pháp học cách trình bầy sách báo và trở nhành nhà trình bày sách báo nổi tiếng thời bấy giờ.
[17] Tất cả những chi tiết trên đây đều lấy ở bài Một dịp cho tôi nói về lối văn Hoàng Tích Chu của Hoàng Tích Chu, do Lại Nguyên Ân sưu tầm, hiệu đính và giới thiệu trên Talawas.
(còn tiếp)
|
| | | Sponsored content
| Tiêu đề: Re: Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng | |
| |
| | | |
Similar topics | |
|
Trang 3 trong tổng số 8 trang | Chuyển đến trang : 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 | |
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |