Những diễn biến chính của Cuộc Thảm sát Thiên An Môn 1989
Tác giả
Thông điệp
Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
Tiêu đề: Những diễn biến chính của Cuộc Thảm sát Thiên An Môn 1989 Tue 04 Jun 2019, 08:05
Những diễn biến chính của Cuộc Thảm sát Thiên An Môn 1989
Điều gì đã khiến xảy ra vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989?
Ngày 15 tháng 4, 1989, cựu Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang đã qua đời vì một cơn đau tim. Được biết đến là một nhà lãnh đạo ủng hộ cải cách dân chủ, một số lượng lớn người dân Bắc Kinh và sinh viên đại học đã tổ chức một lễ tang lớn cho ông.
Từ tang lễ đó, hàng trăm ngàn sinh viên và người dân đã chiếm Quảng trường Thiên An Môn để biểu tình thúc đẩy cải cách dân chủ.
Chính xác thì những gì đã xảy ra vào mùa xuân 30 năm trước? Làm thế nào mà cái chết của Hồ Diệu Bang lại dần dần trở thành một phong trào biểu tình đòi tự do dân chủ kết thúc một cách đẫm máu?
Đây là những diễn biến chính của Phong trào Sinh viên năm 1989 sau được biết đến nhiều hơn với tên Cuộc Thảm sát Thiên An Môn.
Diễn biến nổi bật của Phong trào Sinh viên năm 1989 Ngày 15 Tháng Tư: Hồ Diệu Bang qua đời
Hồ Diệu Bang, cựu Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc, qua đời ở tuổi 73 vì bệnh tim. Nhiều sinh viên đại học bắt đầu tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn để bày tỏ lòng thương tiếc và sự không hài lòng trước tốc độ cải cách chậm chạp của Trung Quốc.
Hồ Diệu Bang, được coi là một nhà cải cách trong đội ngũ lãnh đạo Đảng, được giới trí thức và sinh viên quý trọng, nhưng ông đã bị buộc phải từ chức năm 1987.
Từ 17 đến 21 Tháng Tư: Các cuộc biểu tình lan rộng
Số người tập trung tại Bắc Kinh đã tăng lên hàng ngàn vào ngày 17/4. Sinh viên từ Đại học Bắc Kinh và Đại học Nhân dân ngồi trước Đại lễ đường Nhân dân. Họ ở đó để đệ trình kiến nghị lên chính phủ để yêu cầu đánh giá lại ông Hồ Diệu Bang và thúc giục chính phủ đẩy nhanh tiến độ cải cách dân chủ. Các cuộc biểu tình dần lan sang các thành phố khác trên cả nước.
Đến ngày 19/4, một cuộc biểu tình ngồi xuống được tổ chức trước Tân Hoa Môn, cổng chính của trụ sở chính phủ trung ương.
Ngày 22 Tháng Tư: Lễ tang Hồ Diệu Bang
Bắc Kinh tổ chức một lễ tang cấp nhà nước cho Hồ Diệu Bang. Các sinh viên vượt qua hàng rào phong tỏa Quảng trường Thiên An Môn, cố gắng đệ đơn kiến nghị và yêu cầu một cuộc họp với Lý Bằng, thủ tướng khi đó của Trung Quốc, nhưng bị từ chối.
Các cuộc biểu tình lớn cũng nổ ra ở Tây An và thành phố Trường Sa, ở Hồ Nam trước khi chuyển thành bạo loạn.
Ngày 23 Tháng Tư: Thành lập Hội Sinh viên
Sinh viên từ hơn 20 trường đại học ở Bắc Kinh tuyên bố thành lập một hiệp hội sinh viên tạm thời, bắt đầu một cuộc đình công vô thời hạn chống lại sự kiểm soát tin tức của chính phủ.
Ngày 26 Tháng Tư: Bài xã luận gay gắt
Tờ báo nhà nước, Nhân dân Nhật báo, xuất bản một bài xã luận có tựa đề 'Sự cần thiết cho một lập trường rõ ràng chống lại tình trạng hỗn loạn', cáo buộc "Có rất ít người có động cơ thầm kín" đang lợi dụng sinh viên để gây hỗn loạn.
Bài xã luận đã gọi phong trào của sinh viên là "sự hỗn loạn " và "một âm mưu có kế hoạch". Bài xã luận khiến những người biểu tình tức giận và càng thêm nhiều người tham gia vào các cuộc biểu tình. Từ ngày 27 đến 29 Tháng Tư: Sinh viên yêu cầu đối thoại
Một ngày sau khi bài xã luận được xuất bản, các sinh viên từ các trường đại học khác nhau đều xuống đường. Hội liên hiệp sinh viên tạm thời được tổ chức lại thành Liên đoàn tự trị của sinh viên Bắc Kinh, do Ngô Nhĩ Khai Hy (Wu'er Kaixi) lãnh đạo.
Hội Sinh viên đưa ra "ba yêu cầu" và "bảy cuộc đối thoại" yêu cầu các nhà chức trách "công khai thừa nhận hội sinh viên là một tổ chức hợp pháp" và "rút lại bài xã luận ngày 26 Tháng 4".
Yuan Mu, khi đó là Phát ngôn viên của Hội đồng Nhà nước và một số quan chức chính phủ khác đã tổ chức một cuộc đối thoại mở với 45 sinh viên từ 16 trường đại học ở Bắc Kinh, nhưng lãnh đạo sinh viên Vương Đan (Wang Dan) và Ngô Nhĩ Khai Hy tuyên bố rằng không công nhận cuộc đối thoại đó.
Ngày 3 và 4 Tháng Năm: Bài phát biểu hòa giải của Tổng bí thư
Thêm nhiều sinh viên tham gia các cuộc biểu tình trước lễ kỷ niệm 70 năm của Phong trào Ngũ Tứ (phong trào sinh viên kháng nghị Hòa ước Versailles và 21 điều của Nhật Bản vào 4/5/1919). Triệu Tử Dương, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc đó được coi là một nhà cải cách cải mở, ủng hộ đối thoại với sinh viên.
Ông đã có hai bài phát biểu bày tỏ sự cảm thông với sinh viên, nói rằng nó "hợp lý" khi sinh viên quan tâm đến vấn đề tham nhũng.
Các sinh viên đại học đã diễu hành đến quảng trường Thiên An Môn vào thứ Năm để công bố "Bản Tuyên ngôn Ngũ Tứ Mới", kêu gọi thực thi dân chủ. Ngoài Bắc Kinh, sinh viên ở Thượng Hải, Nam Kinh và Quảng Châu cũng xuống đường, kêu gọi chính phủ nói chuyện với sinh viên.
Ngày 13 Tháng Năm: Tuyệt thực
Mặc dù tình hình đã dịu bớt, một số nhà lãnh đạo sinh viên có ảnh hưởng vẫn kêu gọi các hành động cực đoan hơn để tiếp tục các cuộc biểu tình.
Hàng trăm sinh viên, do lãnh đạo sinh viên Sài Linh (Chai Ling) dẫn đầu, bắt đầu một cuộc tuyệt thực vô thời hạn tại Quảng trường Thiên An Môn chỉ hai ngày trước chuyến thăm của nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev tới Trung Quốc.
Ngày 15 và 16 Tháng Năm: Một chuyến thăm xấu hổ
Mikhail Gorbachev đến Bắc Kinh dự hội nghị thượng đỉnh Xô-Trung đầu tiên kể từ khi xảy ra vụ xung đột giữa hai nước. Chuyến thăm của ông dự kiến chính thức chấm dứt sự thù địch kéo dài ba thập kỷ. Nhưng vì các sinh viên đang chiếm đóng Quảng trường Thiên An Môn nên lễ đón phải diễn ra tại sân bay Bắc Kinh. Điều này dường như là một sự xấu hổ lớn cho giới cầm quyền.
Sau cuộc họp, Triệu Tử Dương nói với truyền thông quốc tế rằng tất cả các vấn đề quan trọng ở Trung Quốc "cần [Đặng Tiểu Bình] quyết định".
Ngày 18 Tháng Năm: Thủ tướng hội đàm với lãnh đạo sinh viên
Lý Bằng, Thủ tướng Trung Quốc lúc đó được coi là một người cứng rắn, đã gặp Vương Đan, Ngô Nhĩ Khai Hy và các đại diện sinh viên khác trong Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 18/5. Ông Lý yêu cầu các sinh viên ngừng tuyệt thực và không tụ tập tại quảng trường.
Nhưng các sinh viên yêu cầu chính quyền phải thay đổi cách diễn đạt trong bài xã luận của Nhân dân Nhật báo và thừa nhận rằng phong trào sinh viên là một "phong trào yêu nước dân chủ". Cả hai bên đã không thể đi đến một thỏa thuận.
Ngày 19 Tháng Năm: Triệu Tử Dương gặp sinh viên
Triệu Tử Dương hứa với các sinh viên rằng "Đảng và chính phủ sẽ không bao giờ tìm cách trả thù" và kêu gọi sinh viên ngừng tuyệt thực vào ngày 17/5. Nhưng các sinh viên từ chối. Khi các cuộc biểu tình leo thang, Triệu Tử Dương đã đến thăm các sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn và cũng kêu gọi chấm dứt tuyệt thực. Ông đi cùng với Ôn Gia Bảo, người sau này trở thành Thủ tướng Trung Quốc. "Chúng tôi ở đây, nhưng đã quá muộn," ông Triệu nói với đám đông.
Đây là lần xuất hiện trước công chúng cuối cùng của Triệu Tử Dương.
Ngày 20 Tháng Năm: Quân đội xuất hiện
Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố thiết quân luật và một lượng lớn binh sĩ đã được điều động đến Bắc Kinh. Tuy nhiên, rất đông dân chúng bao vây các xe tăng, nhiều người dựng rào chắn trên đường phố. Ngày 24 Tháng Năm đến 1 tháng Sáu: Căng thẳng leo thang
Các cuộc biểu tình kéo dài sang tuần tiếp theo. Sự bất đồng ngày càng tăng giữa các sinh viên về việc có nên tiếp tục chiếm lĩnh quảng trường hay nên rời đi. Chính quyền Trung Quốc đang xem xét triển khai quân sự để dẹp người biểu tình và chấm dứt tình trạng hỗn loạn ở thủ đô. Ngày 2 Tháng Sáu: "Tuyên ngôn tuyệt thực"
Giảng viên Đại học Sư phạm Bắc Kinh Lưu Hiểu Ba, ca sĩ nổi tiếng Đài Loan Hầu Đức Kiến, và hai người nổi tiếng khác tuyệt thực tại quảng trường Thiên An Môn để ủng hộ cuộc biểu tình của sinh viên. Họ tuyên bố "Tuyên ngôn Tuyệt thực ngày 2/6" và sẽ kéo dài 72 giờ.
Trong lúc đó, lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản tán thành quyết định chấm dứt "bạo loạn phản cách mạng" bằng vũ lực.
Ngày 3 Tháng Sáu: Đêm đẫm máu
Vào buổi tối, một lượng lớn binh sĩ Quân đội Nhân dân Trung Hoa (PLA) với xe tăng và xe bọc thép bắt đầu tấn công người biểu tình. Một số quân lính nổ súng bằng đạn thật, giết chết và làm bị thương nhiều người dân không vũ trang. Một số binh lính cũng bị người biểu tình tấn công.
Ngày 4 Tháng Sáu: Sốc và tức giận
Sau một đêm đẫm máu, Quảng trường Thiên An Môn đã được dọn sạch. Tiếng súng vẫn văng vẳng đâu đó ở Bắc Kinh cả ngày. Các cuộc biểu tình rầm rộ thể hiện sự đồng lòng với các sinh viên nổ ra ở nhiều thành phố như Hồng Kông và Ma Cao.
Cho đến nay, vẫn chưa rõ bao nhiêu người đã chết vì chính phủ Trung Quốc từ chối cung cấp tài liệu thông tin liên quan đến vụ việc.
Ngày 13 Tháng Sáu: Cuộc di tản
Chính phủ Trung Quốc công bố danh sách 21 nhà lãnh đạo sinh viên bị truy nã. Nhiều nhà lãnh đạo sinh viên phải sống lưu vong thông qua một chiến dịch giải cứu đặc biệt ở Hồng Kông, được gọi là Chiến dịch Chim Vàng.
Sau sự kiện ngày 4/6/1989, các quan chức Trung Quốc đã mô tả nó như là một "cuộc bạo loạn phản cách mạng" và do đó đã bắt giữ và đàn áp những người liên quan đến phong trào. Nhiều lãnh đạo sinh viên phải di tản lưu vong sang các nước phương Tây.
Sự đàn áp của chính phủ Trung Quốc đối với phong trào sinh viên đã bị nhiều nước trên thế giới chỉ trích. Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ đã quyết định áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt chẽ truyền thông báo chí, không cho phép đưa tin về sự kiện này. Sách giáo khoa cũng không hề đề cập.
Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
Tiêu đề: Re: Những diễn biến chính của Cuộc Thảm sát Thiên An Môn 1989 Wed 05 Jun 2019, 08:03
Thiên An Môn 30 năm sau
Ngô Nhân Dụng June 3, 2019
Quảng trường Thiên An Môn ngày 18 Tháng Năm, 1989, khi hàng ngàn sinh viên và công nhân biểu tình đòi tự do dân chủ. (Hình: Getty Images)
Một bức tượng của Lưu Hiểu Ba vừa được dựng lên tại Praha, thủ đô Cộng Hòa Tiệp, để kỷ niệm 30 năm cuộc tàn sát Thiên An Môn.
Lưu Hiểu Ba, nhà văn được giải Nobel Hòa bình, là một trong “Tứ Quân Tử,” những giáo sư đã tới ủng hộ, cố vấn cho các sinh viên tuyệt thực phản kháng và giúp tải thương khi xe tăng quân đội Cộng Sản Trung Quốc bắt đầu bắn vào các sinh viên tay không, ngày 4 Tháng Sáu năm 1989.
Cuộc tàn sát Thiên An Môn là một vết nhơ trong lịch sử Trung Quốc. Cả thế giới kinh tởm hành động dã man này. Nhưng chế độ cộng sản vẫn từ chối không nhìn nhận tội lỗi.
Cộng sản Trung Quốc nay đã tỏ ra “ôn hòa” hơn, không gọi cuộc biểu tình, tuyệt thực của sinh viên và công nhân trong hai tháng của năm 1989 là “nổi loạn,” chỉ gọi là “hỗn loạn.” Một số cựu sinh viên, trong số 150 người trốn thoát nhờ một tổ chức sinh viên ở Hồng Kông, đã được trở về thăm quê hương.
Nhưng Trung Cộng vẫn không cho phép ai được biết sự thật về biến cố thảm khốc này, không bao giờ hối lỗi.
Một phóng viên đài BBC mới đi phỏng vấn nhiều người ở Trung Quốc, đưa cho họ coi đoạn phim chàng thanh niên tiến tới chặn xe tăng, nhưng hầu hết mọi người, nhất là giới trẻ, chưa thấy hình ảnh đó bao giờ. Đảng Cộng Sản sợ sự thật. Vì không ai có thể chấp nhận một chế độ đem xe tăng tới bắn vào những thanh niên vô tội. Những thanh niên này chỉ có một “tội” là chống đám cường hào tham nhũng đang đục khoét nước Trung Hoa.
Hồng Kông là nơi duy nhất trên thế giới còn kỷ niệm Thiên An Môn mỗi năm. Năm 2009 số người tham dự lên tới 150,000, các năm 2012, 2014 đã lên 180,000. Nhưng trong lục địa, những chữ như “phong trào sinh viên” hay tên “Triệu Tử Dương” đều bị kiểm duyệt khi đưa lên mạng.
Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) là Tổng Bí Thư năm 1989 và đã đi ra quảng trường Thiên An Môn gặp gỡ các sinh viên. Ông đồng ý với nhu cầu chống tham nhũng họ nêu ra. Ông ta bị cất chức, rồi bị quản thúc đến lúc chết. Năm 1997, Triệu Tử Dương đã viết thư yêu cầu đảng cộng sản nói sự thật và chấm dứt buộc tội các sinh viên, “Nhân dân không bao giờ quên dù chúng ta cứ tiếp tục che đậy,” ông nói.
Ông Triệu Tử Dương, Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc bước ra quảng trường Thiên An Môn gặp gỡ các sinh viên, ngày 19 Tháng Năm, 1989. (Hình: Getty Images)
Nhưng Trung Cộng không thể nào cho người dân biết sự thật Thiên An Môn. Bởi vì công nhận sự thật đó có nghĩa là họ cũng đồng ý với các lý tưởng mà các sinh viên nêu lên: Tự Do và Dân Chủ. Lật ngược những lời vu cáo những sinh viên can đảm đó, hàng ngàn người đã chết, tức là đồng ý với lý tưởng của họ. Nghĩa là phải thay đổi chế độ, nhập vào trào lưu dân chủ hóa của thế giới. Sau đó, không thể nào đoán chuyện gì sẽ xảy ra!
Bởi vì chế độ Cộng Sản ở Trung Quốc hiện nay cũng không khác chế độ Cộng Sản trước đây 30 năm: Độc tài Đảng Trị. Nhiều người giàu có hơn, nhưng tham nhũng còn tăng nhanh hơn Tổng Sản Lượng Nội Địa!
Nhưng sự thật Thiên An Môn sẽ làm lung lay hai thứ “cột trụ” của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, là Đặng Tiểu Bình và Quân Giải Phóng! Đặng Tiểu Bình đang được tôn thờ như thần tượng! Quân đội cộng sản sẽ tự thấy nhục nhã khi người dân biết họ đã bắn chết hàng ngàn sinh viên tay không tấc sắt.
Đảng Cộng Sản biết rằng mở cửa cho tự do dân chủ tức là chịu có ngày đảng hết nắm quyền. Tập Cận Bình vẫn còn nhắc đi nhác lại cho các đảng viên nghe “Bài học Xô Viết sụp đổ” chỉ vì Gorbachev muốn thí nghiệm tự do dân chủ, dù với mục đích bảo vệ quyền hành của đảng.
Đảng Cộng Sản muốn xóa dấu vết của những vũng máu tại Thiên An Môn, nhưng người dân Trung Quốc không bao giờ quên. Mới tháng trước, một nhà tranh đấu, Trần Binh (Chen Bing) đã bị tuyên án ba năm rưỡi tù vì vào năm 2016 anh đã kêu gọi đồng bào tưởng nhớ Biến Cố Lục Tứ (Ngày 4 Tháng Sáu) bằng các nhãn hiệu gắn trên chai nước ngọt.
Nỗ lực xóa ký ức của ngày Lục Tứ có khi gây tai hại cho đảng Cộng Sản. Năm 2007 trên tờ Thành Đô Vãn Báo ở tỉnh Tứ Xuyên người ta thấy một trang quảng cáo với những lời ca ngợi hội “Các Bà Mẹ Thiên An Môn,” một tổ chức của các bà mẹ kiên cường hỏi “Các con tôi đâu rồi? Cho tôi biết sự thật!”
Một cô thư ký trong ban quảng cáo của tờ báo chịu đăng và nhận tiền quảng cáo. Vì cô chưa được nghe nói đến cuộc tàn sát đó bao giờ! Trong trường thầy cô không dậy, ở nhà bố mẹ không dám nói, báo chí không bao giờ đả động tới! Cô cứ tưởng Thiên An Môn là nơi xảy ra một vụ hầm mỏ sập đổ làm chết người, vào ngày 4 Tháng Sáu, và “Các Bà Mẹ Thiên An Môn” chỉ khiếu nại đòi bồi thường!
Hàng ngàn người Hong Kong thắp nến tưởng niệm biến cố Thiên An Môn. (Hình: Getty Images)
Guồng máy truyền thông dối trá của đảng Cộng Sản còn huấn luyện cho các thanh niên không biết gì về vụ thảm sát biết đặt câu hỏi ngược lại nếu có ai nhắc đến tội ác ngày 4 Tháng Sáu của đảng. Họ hỏi: “Các anh chị lại nghe đài, đọc báo Tây phải không? Làm sao anh biết đó là sự thật?” Miếng võ “Tin bịa đặt phản động” Fake News được sử dụng khắp nơi để che giấu sự thật! Nhiều người Trung Hoa đã sống, đã chứng kiến cuộc tàn sát, bây giờ cũng ngần ngại không muốn kể cho con cháu mình nghe!
Chiến dịch che giấu của Trung Cộng gây tai hại cho chính họ. Khi các thanh niên biết sự thật, qua mạng internet, họ sẽ thất vọng về đảng nặng nề hơn. Khi nhìn thấy cảnh tham nhũng, bất công còn đang diễn ra trước mắt, khi nhớ lại các sinh viên thời 1989 mang lý tưởng hào hùng như thế nào, giới trẻ Trung Quốc bây giờ sẽ xấu hổ khi thấy họ thật ra chỉ là phường “Giá áo, túi cơm,” chỉ lo cơm áo gạo tiền, không xứng đáng làm một người Trung Quốc!
Nhiều nhà tranh đấu dân chủ ở Trung Quốc bây giờ vẫn chọn số điện thoại tận cùng bàng bốn con số “8964.” Họ có cách nhắc nhở lẫn nhau!
Dân Hồng Kông và Đài Loan được biết về “Biến cố Lục Tứ” sẽ không bao giờ tin tưởng vào những hứa hẹn của chế độ cộng sản Trung Quốc. Cựu tổng thống Đài Loan, ông Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou,) một người được coi là “thân Bắc Kinh trong vấn đề thống nhất,” cũng nói rằng việc thống nhất sẽ không thành nếu sự thật về vụ Thiên An Môn không được làm sáng tỏ.
Triệu Tử Dương trước khi chết có lần đã cảnh cáo đảng rằng chế độ độc tài bưng bít sự thật sẽ khiến cho chính nó không bao giờ được nghe nói sự thật, không thể tự thay đổi, từ đó sẽ tự hủy diệt.
Một chế độ như vậy không tạo được cơ hội cho sáng kiến, phát minh, là những điều kiện tối cần cho tiến bộ. Chế độ đó, trong 30 năm qua, đã càng ngày càng tham nhũng, lạm quyền nhiều và nặng nề hơn. Sẽ đến lúc người dân Trung Hoa thất vọng và họ sẽ đòi biết sự thật!
_____ * 8964: năm 89 tháng 6 ngày 4
Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
Tiêu đề: Lưu Hiểu Ba Fri 07 Jun 2019, 09:32
Lưu Hiểu Ba
Lưu Hiểu Ba (tiếng Trung: 刘晓波, bính âm: Liú Xiǎobō) (sinh 28 tháng 12 năm 1955, mất 13 tháng 7 năm 2017) là một nhà hoạt động nhân quyền và trí thức Trung Quốc. Ông từng là Chủ tịch của Trung tâm Văn Bút Quốc tế độc lập của Trung Quốc từ năm 2003. Vào ngày 8 tháng 12 năm 2008, Lưu Hiểu Ba bị bắt giam vì hậu quả của việc ông tham gia viết Hiến chương 08. Ông bị bắt chính thức vào ngày 23 tháng 6 năm 2009, vì bị nghi có dính líu tới việc "xúi giục chống phá nhà nước." Ông bị buộc cùng tội danh vào ngày 23 tháng 12 năm 2009, và bị kết án 11 năm tù và hai năm bị tước quyền chính trị vào ngày 25 tháng 12 năm 2009. Lưu Hiểu Ba thi hành án tù tại Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh. Vào ngày 26 tháng 6 năm 2017, ông đã được cấp cứu sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối và qua đời vào ngày 13 tháng 7 năm 2017 tại bệnh viện.
Giải Nobel Hòa bình năm 2010 được trao cho ông bất chấp áp lực từ chính quyền Trung Hoa ngăn cản việc trao giải cho ông. Người phát ngôn Chính quyền Bắc Kinh nói với phóng viên rằng ông Lưu Hiểu Ba vào tù vì vi phạm pháp luật, và rằng trao giải Nobel Hòa bình sẽ mang đến thông điệp sai trái. Ông được ủy ban giải Nobel hòa bình trao giải vì "cuộc đấu tranh trường kỳ bất bạo động vì quyền con người ở Trung Quốc". Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho rằng giải thưởng dành cho Lưu Hiểu Ba là "sự công nhận rằng thế giới ngày càng đồng thuận trong việc cải thiện quyền con người". Phát ngôn viên của chính phủ Đức Steffen Seibert tuyên bố Trung Quốc nên thả Lưu Hiểu Ba để ông ta có thể tham gia lễ nhận giải. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Bernard Kouchner cũng hoan nghênh giải thưởng và cũng kêu gọi Trung Quốc thả ông Lưu.
Lưu Hiểu Ba là công dân đầu tiên của Trung Quốc được trao giải thưởng Nobel khi vẫn còn sống ở trong nước. Ông cũng là người thứ 3 được trao giải thưởng này khi còn ở trong tù hay bị giam giữ sau Carl von Ossietzky (1935) của Đức và bà Aung San Suu Kyi (1991) của Miến Điện. Ông cũng là người thứ hai (người đầu tiên là Ossietzky) đã bị từ chối không cho người đại diện đi nhận giải dùm và chết trong trại giam.
Lưu Hiểu Ba là một nhà hoạt động nhân quyền kêu gọi cuộc bầu cử dân chủ, ủng hộ các giá trị tự do, ủng hộ việc phân rõ quyền hạn và kêu gọi chính phủ chịu trách nhiệm về việc làm sai trái của mình. Giữa năm 1988 và 1989, ông được thỉnh giảng tại nhiều trường đại học ngoài Trung Quốc, bao gồm Đại học Columbia, Đại học Oslo và Đại học Hawaii.
Năm 1989, Lưu Hiểu Ba đang ở Hoa Kỳ thì ở Trung Quốc diễn ra cuộc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn. Ông đã quyết định quay trở lại Trung Quốc để tham gia phong trào. Sau này, Lưu Hiểu Ba được coi là một trong "bốn lãnh đạo chính trong vụ Thiên An Môn" đã đứng ra thuyết phục hàng trăm sinh viên rời quảng trường, nhờ vậy họ được cứu sống.
Từ năm 1989 đến nay, ông đã bị kết án tù và lao động khổ sai bốn lần vì các hoạt động chính trị hòa bình của mình, bắt đầu với việc tham gia cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989. Khi ông không ở trong tù, ông cũng thường xuyên bị theo dõi và quản thúc tại gia trong thời gian nhạy cảm. Tháng 6 năm 1989 sau cuộc biểu tình Thiên An Môn, Lưu Hiểu Ba bị giam trong nhà tù an ninh nghiêm ngặt Qincheng, và bị kết án về tội "tuyên truyền và kích động phản cách mạng ". Trong tháng 10 năm 1996, ông phải chịu ba năm cải tạo lao động về tội "gây rối trật tự công cộng" vì đã chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Khi ông được thả tự do vào năm 1999, báo chí đưa tin rằng chính phủ xây dựng một trạm canh gác bên cạnh nhà của ông, điện thoại và kết nối internet của ông đã bị ngắt. Vào tháng 1 năm 2005, sau cái chết của cựu Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương, người đã đồng cảm với cuộc biểu tình của các sinh viên trong năm 1989, Lưu Hiểu Ba đã ngay lập tức bị quản thúc tại gia trong hai tuần trước khi biết tin về cái chết của ông Triệu.
Những bài viết về Quyền Con người của Lưu Hiểu Ba đã nhận được sự công nhận rộng rãi từ quốc tế. Năm 2004, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới vinh danh Báo cáo Nhân quyền của ông, trao giải Fondation de France cho ông như là một người bảo vệ tự do báo chí.
Trong năm 2007, Lưu Hiểu Ba đã bị giam giữ và thẩm vấn trong một thời gian ngắn về các bài báo ông viết được xuất bản trực tuyến trên các trang web bên ngoài Trung Quốc đại lục. Từ tháng 12 năm 2009, ông bị bắt và chịu án tù 11 năm và hai năm bị tước quyền chính trị vì tội "xúi giục chống phá nhà nước", hậu quả của việc ông tham gia viết Hiến chương 08. Còn vợ ông, bà Lưu Hà thì bị quản thúc từ năm 2010.
Ngày 26 tháng 6 năm 2017, ông được chuyển từ nhà tù sang nhà thương sau khi được chẩn đoán ung thư gan giai đoạn cuối trong tháng 5 năm 2017.
Ông Lưu tuy nhiên đã không qua khỏi chứng bệnh và từ trần vào ngày 13/7/2017. Trung Quốc sau đó bác bỏ các chỉ trích của cộng đồng quốc về việc không cho phép nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của nước này, Lưu Hiểu Ba được chữa trị căn bệnh ung thư gan ở nước ngoài. Họ nói rằng đây là vấn đề nội bộ và các nước khác "không có thẩm quyền để đưa ra những bình luận không đúng đắn." Trước đó,Đức, một trong những quốc gia cân nhấc là một lựa chọn cho ông Lưu, hối hận rằng việc di chuyển đã không diễn ra, Ngoại trưởng Sigmar Gabriel nói:"Trung Quốc có trách nhiệm trả lời một cách nhanh chóng, công khai và rõ ràng vì sao không phát hiện ra bệnh ung thư này sớm hơn,". Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cũng nói Trung Quốc đã "sai" khi từ chối cho ông Lưu đi nước ngoài. Giới bình luận cho rằng Bắc Kinh có thể đã không muốn ông Lưu rời khỏi Trung Quốc vì e ngại ông sẽ 'tiết lộ các thông tin' về thời gian ông bị giam giữ, theo truyền thông quốc tế.
Lễ tưởng niệm ở Việt Nam
Một lễ tưởng niệm ông Lưu Hiểu Ba được tổ chức tại nhà của Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học của Việt Nam, ở TP. HCM. Một nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam bà Sương Quỳnh đưa thông tin trên mạng xã hội cho hay bà đã bị một nhóm người 'theo dõi' và 'hành hung' trên đường về nhà sau khi dự lễ tưởng niệm. Ông Tương Lai cho biết buổi tưởng niệm là để tỏ lòng ngưỡng mộ ông Ba: "Lưu Hiểu Ba là một tù nhân lương tâm vĩ đại, ông bị nhà cầm quyền bắt nhiều lần và bản án của ông là một bản án khắc nghiệt. Đến khi ông bị ung thư, người ta cũng không cho ông đi chữa trị. Vì sao? Vì người ta sợ uy tín và biểu tượng đấu tranh của ông ta."
Lễ trao giải Nobel Hòa Bình cho Lưu Hiểu Ba
Theo thông tin từ Oslo, tại lễ trao giải trong ngày thứ Sáu ngày 10/12, 19 quốc gia không tham dự, trên tổng số 194 các quốc gia toàn thế giới, là: Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Colombia, Tunisia, Ả Rập Saudi, Pakistan, Serbia, Iraq, Iran, Việt Nam, Afghanistan, Venezuela, Philippines, Ai Cập, Sudan, Ukraine, Cuba và Morocco.
Trong buổi lễ trao giải sáng 10/12/2010 tại Oslo, do ông Lưu Hiểu Ba vẫn bị giam và thân nhân của ông bị quản thúc hoặc công an giám sát nên ban tổ chức đã chọn một động thái biểu tượng. Trước chiếc ghế trống, chủ tịch ủy ban Nobel Thorbjoern Jagland nhắc lại rằng: "Ông Lưu Hiểu Ba không làm điều gì sai trái. Ông chỉ hành xử quyền công dân của mình mà thôi". Chủ tịch Ủy ban kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho giải Nobel hòa bình 2010 và đặt bằng chứng nhận và huy chương Nobel Hòa bình lên chiếc ghế để trống.
Chủ tịch Ủy ban Nobel, ông Jagland nhấn mạnh giải thưởng không phải là hành động chống Trung Quốc. "Giải thưởng này ca ngợi người dân Trung Quốc," "Đây không phải là hành động phản đối, đây là tín hiệu cho Trung Quốc thấy rằng trong tương lai, phát triển kinh tế cần đi đôi với cải tổ chính trị, hậu thuẫn những người tranh đấu cho nhân quyền."
"Giải thưởng Nobel Hòa bình thuộc về giá trị nhân quyền phổ quát, không phải là tiêu chuẩn của Tây phương."
(Wikipedia tiếng Việt)
Sponsored content
Tiêu đề: Re: Những diễn biến chính của Cuộc Thảm sát Thiên An Môn 1989
Những diễn biến chính của Cuộc Thảm sát Thiên An Môn 1989