Bài viết mới | Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Today at 19:40
7 chữ by Tinh Hoa Today at 05:26
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 06:59
KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45
KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30
SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22
Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22
NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20
KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08
Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54
Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10
Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21
Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52
Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28
Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13
Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07
Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36
Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09
Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46
Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06
Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04
DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19
Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37
Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34
TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17
CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05
Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04
Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41
Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16
|
Âm Dương Lịch |
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
|
|
| Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính | |
| |
Tác giả | Thông điệp |
---|
Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: TÔ LỊCH GIANG THẦN Sat 06 Feb 2010, 00:05 | |
| TÔ LỊCH GIANG THẦN Khi xưa có người tên là Tô Lịch, làm quan Lịch ở huyện Long Đỗ, nhà ở cạnh con sông nhỏ. Nhà ấy ba đời nhân nhượng ở chung với nhau, được cất lên đỗ khoa Hiếu liêm, và được vinh hiển cả nhà, vì thế ở làng đặt là làng Tô Lịch.
Đến thời vua Mục Tôn nhà Đường, Lý Nguyên Gia sang làm Đô hộ, lập dinh phủ ở trong thành Long Biên. Nguyên Gia thấy cửa bắc thành ấy, có con sông chảy ngược, sợ người ta sinh ra bụng làm phản, muốn cắm phủ chỗ khác, mà đắp ra thành La Thành.
Khi sắp xây thành, lập dinh ở cạnh sông Tô Lịch, rót rượu dâng khấn, xin ông Tô Lịch làm thành hoàng ở thành ấy.
Đêm nằm mơ thấy thần bảo rằng: - Sứ quân sai tôi làm chủ thành này, ví dù tôi dạy dỗ được dân, để cho biết giữ đạo trung hiếu, thì phải lập miếu mà thờ tôi.
Nguyên Gia xin vâng lời. Từ đấy dân gian an nghiệp, không ai sinh ra bụng phản nghịch. Nguyên Gia mới đắp ra thành nhỏ để ở, và lập miếu để thờ Tô Lịch.
Khi Nguyên Gia mới đắp thành có thầy tướng bảo rằng: - Tôi xem tướng ông không đắp nổi thành to đâu, sau năm mươi năm nữa, tất có một người họ Cao, đóng đô lập phủ ở đây, mới đắp nổi được.
Đến thời vua Ý Tôn nhà Đường, nước Nam Chiếu làm phản, vua Đường sai Cao Biền làm Tiết độ sứ. Cao Biền nhân thế giữ phủ Giao Châu, tự xưng là Cao Vương.
Cao Biền thông hiểu thiên văn, địa lý, xem xét hình thế, nhân chỗ thành nhỏ của Nguyên Gia, đắp rộng thêm ra gọi là Đại La thành, chu vi 8.000 bộ.
Mé bắc thành ấy có con sông, tự sông Lư (sông Cái) chảy vào mé tây bắc, rồi chảy xuống phía nam, vòng quanh La Thành, rồi lại đổ vào sông Cái. Mỗi năm đến tháng sáu mùa mưa nước sông tràn lên mông mênh. Có một khi Cao Biền ngồi thuyền chơi trong sông, bỗng thấy một ông cụ già, đầu bạc phơ phơ, râu mày trắng xóa hình dung kỳ dị, đang bơi tắm ở trong sông, cười nói vui vẻ lắm. Biền lấy làm lạ, hỏi tên họ, thì nói là họ Tô tên Lịch, hỏi chỗ ở thì nói là ở trong sông. Nói đoạn, vỗ tay cười ầm cả lên, rồi tự nhiên trời đất tối sầm, ông cụ ấy biến mất.
Cao Biền biết là thần, nhân thế gọi sông ấy là sông Tô Lịch.
Lại một buổi sớm, Cao Biền đứng ở cửa đông nam La Thành, trông ra sông Tô Lịch, thấy trong sông nổi cơn gió to sóng đánh bồn cồn, mây kéo mù mịt; rồi có một người dị dạng, đứng trên mặt nước, cao hai trượng, mình mặc áo vàng, đầu đội mũ đỏ, tay cầm một cái hốt [xcvii] vàng, có bóng thấp thoáng như mây phủ, mãi đến lúc mặt trời mọc cao ba trượng mà chưa tan. Cao Biền lấy làm lạ, muốn dùng thuật trấn áp, đêm hôm ấy, chiêm bao thấy ông thần bảo rằng: “Ta là tinh đất Long Đỗ, thần linh xứ này, ở đây đã lâu. Nay thấy người đến đây, cho nên ta mừng mà hiện ra, can gì phải trấn áp ta?”. Biền tỉnh dậy sợ hãi, lập tức đặt đàn cúng cấp, rồi dùng những vàng bạc đồng sắt làm bùa, cúng ba đêm ngày, rồi mới chôn bùa để yểm.
Đêm hôm ấy mưa gió sấm sét, có tiếng quỉ thần hò hét quát tháo kinh thiên động địa. Một lát, những bùa vàng, bạc, đồng, sắt bật cả lên trên mặt đất, tan ra như gió, rồi bay tản vào trong không khí mất cả.
Cao Biền lấy làm lạ lắm, than rằng: - Ở xứ này có thần thiêng như thế ta nên về Tàu, chớ có ở đây mà sinh vạ về sau.
Tự đấy, Cao Biền có ý muốn về, mới tôn thần Tô Lịch làm Đô phủ thành hoàng thần quân.
Đến thời vua Thái Tổ nhà Lý, thiên đô lên thành Thăng Long. Thần Tô Lịch có thác mộng vào lạy mừng. Vua lấy làm lạ, hỏi họ tên, thì cũng nói rõ họ tên là thế. Vua lại hỏi rằng: “Thần có giúp cho trẫm giữ mãi cơ nghiệp trăm nghìn năm không?”. Thần thưa rằng: “Xin bệ hạ hưởng phúc nghìn muôn năm, thì tôi cũng được hưởng trăm năm hương hoả”. Vua tỉnh dậy, ngày mai sai sứ đến tế ở đền ấy, tôn làm Đô quốc thành hoàng đại vương. Đến thời nhà Trần, lại phong “Bảo quốc định bang đại vương”. Đền thờ ở làng Đông Tác, huyện Thọ Xương (Bây giờ thuộc về thành phố Hà Nội)._________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: BẠCH MÃ THẦN Sat 06 Feb 2010, 20:46 | |
| BẠCH MÃ THẦN Khi Cao Biền ở trấn nước Nam, giữ phủ xưng vương, đắp rộng thêm thành La Thành. Đắp xong, một buổi trưa, đứng ngoài cửa đông ngóng xem, bỗng nhiên mưa gió ầm ầm, rồi có một đám mây ngũ sắc, tự dưới đất bốc lên, khí sáng ánh ra tứ phía. Lại thấy có một người ăn mặc đường bệ, cưỡi con cầu long (rồng chưa có sừng) nửa vàng nửa đỏ, tay cầm hốt vàng, đứng trong đám mây, có bóng thấp thoáng lên xuống, lâu lâu thì tan mất.
Cao Biền lấy làm lạ lùng, nghi là ma quỉ, muốn thiết đàn cúng cấp, dùng phép trấn áp.
Đêm hôm ấy, nằm mơ thấy thần lại bảo rằng:
- Xin ông chớ nghi tôi, tôi là thần chính khí ở đất Long Đỗ này, chớ không phải ma quái nào. Tôi thấy ông mới đắp xong cái thành, cho nên mừng mà hiện ra đấy thôi.
Cao Biền tỉnh dậy, hội các quan lại bảo rằng: - Ta không trị nổi được xứ này hay sao? Sao mà lắm ma quỉ hiện ra thế, hoặc là điềm gở gì đây chăng?
Chúng xin thiết đàn, bày hình tượng thần ấy, rồi dùng nghìn cân sắt, làm bùa trấn yểm.
Cao Biền nghe lời lập đàn cúng bái, rồi chôn nghìn cân sắt để yểm. Hôm sau, trời đất tối tăm mù mịt, mưa gió ầm ầm, rồi có tiếng sét đánh vào chỗ yểm bùa, sắt tan vụn bay đi mất cả. Biền thấy vậy sợ hãi, mới lập đền ở trong phố để thờ thần ấy. Về sau, vua Lý Thái Tổ thiên đô lên Thăng Long, mơ thấy thần lại mừng. Vua tỉnh dậy, sai các quan đem lễ đến tế, phong làm Thăng Long thành hoàng đại vương.
Bấy giờ vua mở ra chợ cửa đông, cho dân buôn bán, miếu thờ ngài ở bên cạnh đường, thường có hỏa tai, cháy lây cả một dãy phố, chỉ miếu của ngài là không động gì đến. Mỗi khi nhà vua làm lễ nghênh xuân, thường vẫn cúng trong miếu ấy.
Triều nhà Trần, ở phố ấy ba lần có hỏa tai, mà không lần nào động đến miếu; và một lần có sét đánh cũng không việc gì.
Thái sư là Trần Quang Khải có đề một bài thơ rằng:
Xưa nghe lừng lẫy tiếng anh linh, Ma cũng ghê mà quỉ cũng kinh. Ngựa lửa ba phen thiêu chẳng tới, Roi lôi một trận đánh không chênh.
Chỉ tay đè nén trăm loài quỉ, Quát tiếng trừ tan mấy vạn binh. Nhờ đội oai thần xua giặc Bắc, Khiến cho non nước lại thanh bình.
Trần triều phong là: “Thuận dụ phu ứng đại vương”. Đền ở phường Hà Khẩu huyện Thọ Xương, gọi là thần Bạch Mã (Bây giờ tức là đền Bạch mã ở phố Hàng Buồm)._________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: SÓC THIÊN VƯƠNG Tue 09 Feb 2010, 00:24 | |
| SÓC THIÊN VƯƠNG Về thời vua Đại Hành nhà Lê, quan Khuông Việt Thái sư là Ngô Cảnh Chân thường hay chơi ở làng Bình Lỗ, ưa phong cảnh chỗ ấy vui đẹp, mới làm một cái am để ở. Một đêm đến canh ba, mơ thấy một ông thần mặc áo vàng giáp sắt, tay tả cầm một ngọn thương vàng, tay hữu cầm một hòn ngọc, có vài mươi người lính hầu, mặt mũi hung tợn, trông như quỉ sứ.
Ông thần ấy bảo với Thái sư rằng: - Ta là Côn sa môn thiên vương đây, đầy tớ ta là thần Dạ xoa cả đấy. Thượng đế sai ta sang xứ bắc, coi giữ nhân dân. Ngươi có duyên với ta, cho nên ta lại đây nói chuyện với ngươi.
Thái sư giật mình đứng dậy, nghe trong núi có tiếng quát tháo ầm ầm, trong bụng lấy làm sợ hãi. Hôm sau vào núi xem thì thấy một cây cổ thụ, cành lá rườm rà, và có đám mây đẹp phủ trên ngọn cây. Thái sư sai thợ đẵn cây ấy, đem về tạc tượng ông thần như dáng trong mộng, rồi lập đền ở trên núi để thờ.
Trong năm Thiên Phúc thứ nhất (980), có quân nhà Tống vào cướp nước. Vua Đại Hành sai Thái sư cầu khẩn ở đền thần Côn sa môn. Bấy giờ quân nhà Tống đóng ở làng Tây Kết, chưa kịp đánh nhau với quân nhà Lê, quân Tống bỗng thấy một người ở dưới sông Bạch Đằng nhảy lên đứng trên mặt nước, cao hơn 10 trượng, xỏa tóc trừng mắt, quân Tống khiếp sợ tan chạy, phải lui về giữ trên thượng lưu. Lại gặp cơn phong ba to, thuyền bè chìm đắm mất nhiều, vua Đại Hành thừa thế đốc quân lên đánh, bắt được Chuyển vận sứ là Nhân Bảo, vì thế quân Tống phải tan.
Vua thấy thần Côn sa môn anh linh làm vậy, sai sửa sang thêm đền đài cho đẹp, rồi phong làm Sóc Thiên Vương, để trấn phương bắc. Đền ấy ở núi Vạn Linh, huyện Kim Hoa tỉnh Bắc Ninh.
Đến thời nhà Lý, lại lập đền thờ ở mé đông hồ Tây, phong làm phúc thần, để trấn phương bắc, và để có việc kì đảo cho tiện (tức là đền ở làng Nhật Tảo bây giờ)._________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: LIỄU HẠNH CÔNG CHÚA Wed 10 Feb 2010, 01:27 | |
| LIỄU HẠNH CÔNG CHÚA Về đời vua Anh Tôn nhà Lê (1557) ở về thôn Vân Cát, xã Yên Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, có một người gọi là Lê Thái Công, tiên tổ tích đức đã ba đời, đến đời Lê Thái Công cũng hay làm phúc. Ngoài 40 tuổi, sinh được một người con trai. Cách năm sau, Thái bà có mang được vài tháng thì phải bệnh, ưa những đồ hương hoa, người nhà cho là ma làm, mời thầy phù thủy cúng cấp mà bệnh lại nặng thêm.
Đến đêm hôm trung thu có người xin vào chữa bệnh cho Thái bà. Thái công mời vào, người ấy cầm cái búa ngọc, lên đàn niệm câu thần chú rồi ném búa xuống đất. Thái công ngồi cạnh ngã ngay xuống mơ mơ màng màng, thấy có hai người lực sĩ đưa đi. Đường đi khuất khúc, đến một nơi nhà vàng cửa ngọc, lực sĩ đưa đi qua chín từng cửa, rồi đến chốn cung đường, thì đứng lại ở dưới hè. Trông lên trên thấy có một vị áo mũ đường hoàng, hai bên văn võ cầm hốt đứng chầu, nghi vệ rất thịnh. Sực có một người con gái mặc áo đỏ, bưng chén ngọc dâng rượu thọ, lỡ tay rơi chén, sứt mất một góc. Tả ban có một viên mở ngay sổ ra biên vài chữ, rồi thấy hai người sứ giả và vài chục người thị nữ xúm lại dắt nàng mặc áo đỏ tự cửa nam đi ra. Mé trước có một cái biển vàng, trên có hai chữ “Sắc giáng”, giữa có hai chữ “Nam nam”, còn các khoản dưới thì mập mờ không rõ.
Thái công hỏi người lực sĩ rằng: - Đó là việc gì thế?
Lực sĩ nói: - Đây là bà tiên chúa thứ hai tên là Quỳnh Hoa chuyến này chắc là phải đầy xuống trần.
Nói đoạn, lực sĩ đưa Thái công về đến nhà thì tỉnh dậy, mà Thái bà đã sinh ra một người con gái, nhân thế đặt tên là Giáng Tiên.
Khi nàng Giáng Tiên lớn lên, nhan sắc lạ thường, Thái công cho ở tĩnh một nhà học hành. Nàng ấy thông minh, mà lại tài nghề âm nhạc, thường làm ra ca từ bốn mùa, lựa vào khúc đàn để chơi.
1. XUÂN TỪ (ĐIỆU XUÂN QUANG HẢO) Cảnh như vẻ, khéo ai bày? Hoa đào mỉm miệng liễu giương mày. Bướm nhởn nhơ bay, oanh vàng líu lo trong bụi, én đỏ ríu rít trên cây. Buồng xuân dìu dặt mối tình ngây, đề thơ này!
2. HẠ TỪ (ĐIỆU CÁCH PHỐ LIÊN) Trời đất nhiều phần nóng nẫu. Đầu cành rức giọng ve, bãi cỏ vang tiếng chẫu; vò võ quốc kêu sầu, eo éo oanh hót ngẫu. Dường bảo nhau: “Chúa xuân về rồi thôi cũng hảo!”. Cảnh sắc dường kia, ngao ngán cầm lòng khôn đậu. May đâu, thần Chúc dong gảy một khúc nam huân, hương sen thoảng đáo, một trận gió bay, sạch lòng phiền não.
3. THU TỪ (ĐIỆU BỘ BỘ THIỀM) Mặt nước trong veo non tựa ngọc, gió vàng hây hẩy khua khóm trúc. Hoa lau muôn dặm trắng phau phau, cây cối vẻ hồng pha vẻ lục. Cung thiềm sáng quắc ả Hằng ngủ, dạo bước thềm giao tình rạo rạc. Chi bằng đến thẳng dưới giậu hoa cúc thơm, thảnh thơi dạo đàn gảy một khúc.
4. ĐÔNG TỪ (ĐIỆU NHẤT TIỄN MAI) Khí đen mờ mịt tỏa non sông, hồng về nam xong! Nhạn về nam xong! Gió bắc căm căm tuyết mịt mùng! Tựa triện ngồi trông, tựa triện đứng trông. Sưởi lò mặt vẫn giá như đồng, ngồi chẳng yên lòng, nằm chẳng yên lòng! Dậy xem phong cảnh lúc trời đông, hoa quên lạnh lùng! Người quên lạnh lùng!
Một khi Thái công dạo chơi sau vườn, nghe thấy khúc đàn ấy, trong bụng buồn rầu, nhân có ông bạn quen họ Trần ở cùng một làng, mới cho làm con nuôi ông ấy, và làm riêng một nhà lầu ở sau vườn Trần công cho con gái ở.
Cạnh nhà Trần công có một nhà quan, tuổi già chưa có con trai, nhân đêm trăng ra chơi vườn đào, bắt được đứa con trai ở dưới gốc đào, vì thế đặt tên là Đào lang. Đào lang mặt mũi tuấn tú. Trần công thấy Giáng Tiên tư chất khác phàm và lại nết na, có ý muốn kết duyên cho Đào lang. Hai bên cha mẹ thuận lòng, mà hai người cũng tốt duyên phải lứa, mới gả cho nhau. Từ khi cưới về, Giáng Tiên một lòng hiếu thuận. Năm sau, sinh được một mụn con trai, cửa nhà thêm vui vẻ.
Ngày tháng thắm thoát, chợt đã ba năm. Hôm mồng ba tháng ba, Giáng Tiên tự nhiên vô bệnh mà mất, bấy giờ mới hai mươi mốt tuổi. Ba nhà sầu thảm vô cùng.
Thái bà đau xót đêm ngày khóc lóc. Một bữa đang khóc thì thấy con về ôm lấy mẹ mà nói rằng: - Mẹ ôi! Con ở đây, mẹ khóc gì thế?
Thái bà mở choàng mắt ra trông quả là con, cả nhà xúm lại hỏi han. Tiên Chúa nói rằng: - Con là Đệ nhị tiên cung phải đầy xuống trần, nay đã hết hạn, lại phải lên chầu Thượng đế. Cha mẹ có âm công, đã vào sổ tiên, mai sau cũng được đoàn tụ, không can gì phải lo sầu.
Nói đoạn thì lại biến mất.
Chàng Đào lang từ khi uyên bay, trăm phần sầu não. Một đêm đang ngồi ngâm thơ giải phiền, sực thấy Tiên chúa đến, chàng kia níu lấy kể lể nỗi đoạn sầu khổ. Tiên chúa khuyên giải hết điều rồi lại biến mất.
Tự bấy giờ đi mây về gió, chơi xem phong cảnh các nơi. Một hôm, đến tỉnh Lạng Sơn, trông thấy có ngọn chùa trên núi, mới lên xem cảnh, rồi ra nghỉ mát dưới gốc cây thông, gẩy đàn ngâm hát. Xảy có Phùng Khắc Khoan (Trạng Bùng) đi sứ về qua, hai bên đối đáp với nhau.
Phùng công đọc trước một câu rằng:
- Tam mộc sâm đình; tọa chước hảo hề nữ tử.
Tiên chúa ứng thanh đối rằng:
- Trùng sơn xuất lộ; tẩu lai sứ giả lại nhân.
Phùng công lại đọc rằng:
- Sơn nhân bằng nhất kỉ; mạc phi tiên nữ lâm phàm.
Tiên chúa lại đọc rằng:
- Văn tử đái tràng cân; tất thị học sinh thị trướng.
Phùng công thấy vậy, muốn hỏi lai lịch thì đã biến mất rồi, chỉ thấy gỗ nằm ngổn ngang, hình ra bốn chỗ: “Mão khẩu công chúa” [xcviii], và có một cây gỗ dựng viết bốn chữ “Thủy mã dĩ tẩu” [xcix]. Phùng công đoán ý tứ các chữ ấy, biết là Liễu Hạnh công chúa nhờ mình khởi công sửa sang chùa ấy, mới xuất tiền cho dân sửa sang.
Lại một khi Phùng công đem bạn lên chơi hồ Tây, cũng gặp Tiên chúa, xướng họa liên ngâm với nhau. Về sau Tiên chúa hiển thánh ở đèo Ngang phố Cát tỉnh Thanh Hóa, hiện ra làm con gái đẹp bán nước, những kẻ đùa bỡn chết hại rất nhiều. Triều đình nghi là yêu quái, sai thầy phù thủy và Trịnh Hoàng Thúc đem quân đi tiễu. Quan quân bắn vào trong núi, tàn phá đền đài. Được vài tháng dân xứ ấy dịch tễ, lập đàn cầu khấn, thì mới biết là Tiên chúa hiển thánh; tâu lên triều đình, vua sai sửa sang lại đền miếu, phong làm Mã vàng công chúa. Sau lại có công giúp nước phá giặc Mán, được phong làm Chế thắng bảo hòa điệu đại vương lập đền trên núi Sùng Sơn đến giờ vẫn còn anh linh.
_________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: Re: Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính Thu 11 Feb 2010, 01:51 | |
| CHƯƠNG THỨ VII: CÁC VỊ TIÊN TÍCH
TỪ THỨC Từ Thức người ở Hóa Châu (Thanh Hóa). Trong thời Quang Thái, đời vua Thánh Tôn nhà Trần, nhân có chân ấm sinh, được làm Tri huyện Tiên Du (Bắc Ninh). Cạnh huyện có ngọn chùa to, trong chùa có một cây mẫu đơn, mỗi khi mùa xuân hoa nở khách bốn phương đến chùa xem hoa đông như hội, nhân thế gọi là hội xem hoa.
Tháng hai năm Đinh tị (1396), chính giữa hôm hội, có một cô ả nhan sắc mĩ miều, mới độ 15, 16 tuổi, son phấn điểm nhạt mặt mũi tươi dòn. Đến xem hoa nhỡ tay vịn gẫy mất một cành, bị nhà chùa bắt giữ lại. Từ Thức xẩy đi qua trông thấy, hỏi cơn cớ đầu đuôi, rồi cổi áo cẩm bào chuộc cho ả ấy đi.
Từ bấy giờ ai cũng khen là quan huyện nhân đức, nhưng chỉ vì tính hay uống rượu ngâm thơ, tờ bồi việc quan bỏ đọng cả lại, lắm phen bị quan trên quở mắng.
Từ Thức than rằng:
- Ta không thể nào vì vài đấu thóc lương mà buộc mình vào trong đám danh lợi được mãi, thôi thì một mái chèo bơi về tìm nơi nước biếc non xanh, cho thỏa chí ta còn hơn.
Lập tức cổi ấn giao trả quan trên rồi đi. Tính Từ Thức ưa chơi những chốn khe đỗng [c] trong huyện Tống Sơn, mới về làm nhà ở huyện ấy, mỗi khi nhàn đi chơi, sai một thằng nhỏ đeo một bầu rượu, cắp một cái đàn và mang một quyển thơ. Đi đến chỗ nào thích ý, thì ngồi chơi đánh chén, hoặc gảy đàn. Phàm chỗ nào có nước non lạ lùng, như núi Chính Trợ, đỗng Lục Vân, sông Lãi, cửa Nga, thì tất tìm đến chơi và có thơ đề vịnh.
Một khi dậy sớm, trông ra cửa Thần Phù, cách vài mươi dặm, có khí mây năm vẻ, kết lại như hình cái hoa sen. Mới sai bơi thuyền đến tận chỗ ấy, thì thấy có núi rất đẹp. Đỗ thuyền trèo lên núi thì thấy khí núi xanh biếc, cao vòi vọi ước nghìn trượng.
Nhân đề một bài thơ rằng:
Đầu cành thấp thoáng bóng kim ô, Hoa đỗng vui mừng đón khách vô. Cạnh suối nào là người hái thuốc? Quanh nguồn chỉ có gã bơi đò. Xênh xang ghế mát cầm ba khúc. Đủng đỉnh thuyền câu rượu một vò. Ướm hỏi Võ Lăng chàng đánh cá, Làng Đào đâu đó cách chừng mô?
Đề xong bài thơ nhìn xem phong cảnh một hồi, bỗng thấy trong sườn núi đá, có một cái hang, cửa hang tròn và rộng độ một trượng, thử vào hang xem ra làm sao, vừa đi được vài bước, thì cửa hang bỗng dưng đóng sập lại, trong hang tối mù mịt, không còn biết đường nào mà đi. Từ Thức chắc là chết ở chỗ ấy, nhưng cũng cứ đi liều xem ra sao, mới quờ tay sờ sệt vào sườn đá mà đi, trước còn loanh quanh đi trong khe nhỏ, dần dần thấy có bóng sáng, trông lên thấy núi cao chót vót, đá mọc lởm chởm, mới cố leo vịn lên thì đường đi đã hơi rộng.
Khi lên đến đỉnh núi, thì lại thấy mặt trời sáng sủa, trông ra bốn bề, cùng có lâu đài cung điện, cửa nhà trang hoàng, cây cối tươi tốt, tựa hồ một cảnh chùa chiền.
Từ Thức lấy làm lạ lùng, ngắm nhìn phong cảnh, rồi thấy hai ả con gái nhỏ mặc áo xanh, bảo với nhau rằng: - Chú rể mới nhà ta đã đến kia kìa!
Nói thế, đoạn trở vào trong nhà báo tin, rồi lại ra báo với Từ Thức rằng: - Phu nhân cho chúng tôi ra mời người vào chơi.
Từ Thức theo hai đứa con gái đi vào, qua một dãy tường gấm, vào cửa sơn son, thấy đôi bên cung cấm, vàng bạc sáng quắc, có chữ đề rằng: “Quỳnh hư chi điện. Giao quang chi các” [ci]. Khi trèo lên gác thì thấy một bà tiên mặc áo lụa trắng, ngồi trên giường thất bảo. Cạnh giường có đôi kỷ gỗ đàn hương, bà tiên mời Từ Thức ngồi trên kỷ và bảo rằng: - Ngươi vốn hay chơi cảnh lạ, có biết đây là chốn nào không?
Từ Thức thưa: - Tôi tuy dong chơi giang hồ đã nhiều, nhưng không biết ở đây lại có tiên cảnh, xin bảo cho tôi được rõ.
Bà tiên cười nói rằng: - Ngươi biết đâu được chỗ này! Đây tức là hang thứ sáu trong 36 đỗng núi Phi Lai; núi ấy đi khắp các mặt bể, chân không bén đến đất, chỉ theo chiều gió mà hợp tan thôi. Ta tức là Địa tiên núi Nam nhạc, gọi là Ngụy phu nhân đây. Vì thấy ngươi có cao nghĩa, cho nên mới đón đến chơi.
Nhân bảo con hầu gọi một người con gái ra. Từ Thức trông ra thì chính là người con gái đánh gẫy cành hoa mẫu đơn khi trước. Bà tiên trỏ vào con gái bảo với Từ Thức rằng: - Con em tên nó là Giáng Hương, khi trước xem hoa phải cái ách nạn, nhờ ngươi cứu cho, ta vẫn còn hàm cái ân ấy, nay muốn cho nó kết duyên với ngươi để báo ân.
Lập tức đêm hôm ấy, truyền sai đốt đèn mỡ phụng, trải chiếu vẩy rồng, cho làm lễ thành thân.
Hôm sau các tiên đến ăn mừng, kẻ cưỡi li vàng (tựa rồng mà không sừng), người cưỡi câu đỏ (loài rồng) đến hội. Bà tiên mở tiệc trên gác Giao quang, nào là rèm ngọc trướng điều, nào là đệm hoa ghế bạc. Các tiên ngồi riêng một bên tả, còn mé hữu thì Từ Thức ngồi.
Trong khi ăn yến, đủ thứ sơn hào hải vị, chả phụng nem công, thơm tho ngào ngạt, toàn những vị dưới trần không có bao giờ. Lại có đàn sáo bát âm rất là vui vẻ.
Chiều tối tiệc tan, các tiên đâu về đấy. Từ Thức ở lại đấy được một năm, có ý nhớ nhà, nhân một khi thong thả bảo với nàng Giáng Hương rằng: - Tôi vốn đi chơi, xa xôi đã lâu, khó đè nén được bụng trần, lại tưởng nhớ đến quê cũ, xin cho tôi hãy về thăm nhà một chút. Giáng Hương có ý ngần ngừ, không nỡ ly biệt.
Từ Thức lại nói rằng: - Cho tôi về chơi ít ngày tháng, bảo với anh em cho biết, rồi sẽ lại lên đây.
Giáng Hương khóc mà nói rằng: - Thiếp không dám vị tình vợ chồng mà ngăn trở bụng quân tử, chỉ vì cõi trần bé nhỏ, ngày tháng ít oi, nếu có về chăng nữa, chỉ sợ cây cối cửa nhà không được còn như trước nữa đâu.
Nàng ấy mới nói với phu nhân. Phu nhân than rằng: - Không ngờ gã ấy còn vướng víu trong đám bụi hồng, làm chi mà phải ngậm ngùi như thế?
Phu nhân mới cho một cỗ xe cẩm vân, sai ngồi lên xe ấy mà về. Giáng Hương cũng viết một phong thư buộc kỹ đưa cho, dặn về nhà hãy mở ra mà xem.
Từ Thức cáo biệt, ngồi lên trên xe, đi vừa chớp mắt đã đến nhà. Về đến nơi thì phong cảnh đã khác xưa, nhân dân thành quách, không có gì là giống khi trước, chỉ còn hai bên khe núi thì vẫn còn nguyên.
Từ Thức đem họ tên mình, hỏi thăm các cụ già trong làng, thì có một người nói rằng: - Tôi từ lúc còn nhỏ, có nghe cụ tổ ba đời nhà tôi cũng tên họ như thế, sa vào hang núi đã hơn 80 năm nay rồi.
Từ Thức buồn rầu lắm, muốn lại ngồi xe đi lên, thì xe đã hoá làm chim loan bay đi mất rồi. Mở bức thư ra xem thì có câu rằng: “Trong mây kết bạn loan hoàng, duyên xưa đã hết; trên bể tìm người tiên tử, hội khác khôn cầu”, mới biết là lời ly biệt. Về sau, Từ Thức mặc áo khinh cừu, đội cái nón nhỏ, vào núi Hoàng Sơn ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa), không biết lên tiên hay là đi mất._________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: TÚ UYÊN Fri 12 Feb 2010, 01:21 | |
| TÚ UYÊN Thời nhà Lê, ở làng Bích Câu (tức là làng Yên Trạch bây giờ, Hà Nội), có một người học trò, tên là Tú Uyên, vốn người tài mạo, cha mẹ mất sớm, nhà nghèo, chỉ chăm việc học hành.
Có một hôm, chùa Ngọc Hồ mở hội, Tú Uyên đi xem. Đến chiều trở về qua chùa Tiên Tích (ở phố cửa Nam) trông thấy một người con gái đẹp lắm, đang đứng ở dưới gốc cây đu. Tú Uyên lại gần hỏi chuyện, rồi hai người vừa đi vừa đối đáp với nhau, đến chỗ đình Quang Minh thì người con gái ấy biến mất, mới biết là tiên.
Tú Uyên đứng ngẩn ra một lúc, mới trở về nhà. Từ đấy đêm ngày tưởng nhớ, phải bệnh tương tư thuốc nào chữa cũng không khỏi. Một hôm, nhớ đến sự bói thẻ, mới đến đền Bạch Mã xin thẻ, rồi nằm mộng ở đấy. Đêm thần báo mộng rằng: “Sáng sớm mai, ra cổng cầu Đông sông Tô Lịch thì gặp”. Tú Uyên mừng lắm, sực tỉnh dậy thì trời đã rạng đông; vội vàng chạy ra đấy, đứng thơ thẩn độ một vài giờ, không thấy gì, toan trở về, thì gặp một ông cụ bán bức tranh. Tú Uyên cầm mở ra xem, thấy người tố nữ vẽ trong tranh, giống như người mình gặp khi trước. Mua đem về, treo ở cạnh buồng học, từ bấy giờ mới giải phiền.
Tú Uyên mỗi khi đến bữa cơm ăn, cũng đặt hai cái bát hai đôi đũa, mời người tố nữ trong tranh, như hai vợ chồng thực. Một hôm, mời thì hình như tủm tỉm cười muốn nói. Hôm sau, đi học về, thấy mâm cơm dọn sẵn, nghĩ không biết thế nào, ăn thì toàn những mùi ngon vật lạ cả. Hai ba hôm cùng luôn như thế. Bữa sau, giả cách đi học, đứng rình dòm vào trong nhà, thấy người trong tranh hiện ra đang điểm trang. Tú Uyên rón rén bước vào, hỏi rằng: - Duyên sự làm sao, thì nói cho tôi được biết.
Nàng ấy mới nói rằng: - Thiếp ở trên cung tiên tên là Giáng Kiều, vì nhà chàng có phúc đức lớn, nên gặp nhau từ khi ấy. Sau lại thấy chàng thương nhớ, cho nên chúa tiên cho thiếp xuống kết duyên với chàng.
Nói vừa xong, rút trâm trên mái đầu, hóa phép hiện ra nhà cửa, lâu đài, đầy tớ, đồ đạc, rồi làm cỗ bàn, mời các bạn tiên xuống ăn cưới. Từ đấy kết duyên làm vợ chồng.
Tú Uyên tự bấy giờ ham mê về tửu sắc, cả ngày chỉ uống rượu say sưa, bỏ sự học hành. Trong ba năm trời, Giáng Kiều khuyên ngăn mãi mà vẫn không nghe. Mỗi khi say rượu rồi thì lại chửi mắng ỏm tỏi. Nàng ấy giận lắm mới biến đi. Tú Uyên tỉnh rượu, thấy vợ bỏ mình mà đi, mới hối lại, bực mình muốn tự vẫn. Bỗng thấy nàng ấy ở đâu lại về. Tú Uyên nửa mừng nửa thẹn, lấy lời từ tạ, hai vợ chồng lại vui vẻ tử tế như xưa.
Không bao lâu, sinh được một người con trai, đặt tên là Trân Nhi. Đến sau, con học hành thông minh, đã sắp nên người, nàng ấy bảo với chồng rằng: - Ở hạ giới này, một đời người chỉ được bảy tám mươi tuổi mà thôi, kể ra không được là bao nhiêu. Vả lại trong sổ tiên cũng có tên chàng, thì ta đưa nhau lên ở trên cung tiên là hơn.
Liền đưa cho Tú Uyên một viên thuốc và một đạo bùa. Một lát thì có hai con hạc xuống đón, hai vợ chồng mỗi người cưỡi một con, ngoảnh lại dặn con rằng: - Con hãy ở đây, bao giờ thi đỗ thì tao xuống đón.
Nói đoạn, bay cả lên trời. Dân làng ấy vì thế lập miếu ngay chỗ nhà cũ ông ấy để thờ, gọi là đền Tú Uyên._________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: PHẠM VIÊN Sat 13 Feb 2010, 21:36 | |
| PHẠM VIÊN Phạm Viên người làng An Bài huyện Đông Thành tỉnh Nghệ An. Đời ông tổ Phạm Viên hiền lành phúc hậu, gặp được người Tàu để cho ngôi mộ, đoán rằng: “Ngôi này phát một đời Tiến sĩ, một đời thành tiên”.
Đời con ông cụ ấy là Phạm Chất đỗ Tiến sĩ về thời vua Trần Tôn nhà Lê, làm đến Tả thị lang. Phạm sinh ra hai con, con cả là Phạm Tán, con thứ là Phạm Viên.
Phạm Viên lớn lên, 18 tuổi mà vẫn biếng học, chỉ ham sự chơi bời. Ông bố chửi mắng thì Phạm Viên nói rằng: - Người ta quí thích chí là hơn, phú chí 80 năm chẳng qua cũng là một giấc mộng hoàng lương [cii] mà thôi.
Từ đấy bỏ nhà đi, vào núi Hồng Lĩnh hái thuốc. Đi cùng kiệt 3 ngày, vào đến rừng sâu, gặp một cụ già chống cái gậy trúc, mặc áo thầy tu, Viên biết là người lạ, quì xuống trước mặt, kể lể sự mình. Cụ già đem Phạm Viên về, đi nửa thôi đường, thấy có vài gian nhà tranh cụ già dắt vào trong nhà ấy. Vào đấy thì chỉ thấy trên bàn có một quyển sách con, bên cạnh có một vò nước, còn thì không có gì cả và cũng không có một người đầy tớ nào.
Phạm Viên ở đấy, cụ già thỉnh thoảng múc cho một gáo nước, bảo phải uống hết, lại cho một cái túi, bảo rằng: - Về cứ mở túi ra mà xem, tự khắc biết.
Nói xong, cụ già và cửa nhà biến mất cả. Phạm Viên trở ra tìm lối về, cứ trông về phía mặt trời mọc mà đi. Một lát đến đầu làng, về đến nhà thì đã được 12 năm rồi.
Bấy giờ Phạm Viên đã 30 tuổi, họ hàng làng mạc ai cũng lấy làm kỳ, nhưng không ai biết Phạm Viên đã thành tiên. Phạm Viên ở nhà, có khi ngủ đến 10 ngày mới dậy, có khi 2, 3 tháng mới ăn một thìa cháo. Quan Thị lang vẫn gọi Phạm Viên là thằng rồ.
Phạm Viên có bà cô ngoài 70 tuổi, không có con cái, Phạm Viên cho bà cụ 21 đồng tiền và dặn rằng: - Nếu có mua gì, chỉ mua 20 đồng, còn để dành lại một đồng, tự nhiên lại có 20 đồng khác, có thể đủ dùng được trọn đời.
Bà cụ nghe lời ấy, quả nhiên cứ mua buổi sáng thì buổi chiều lại đủ 21 đồng tiền. Được một năm, bà ấy mất, món tiền ấy cũng biến đi.
Thường một khi đến chơi núi Ngọc Sơn, nằm trọ trong nhà hàng, bảo với mụ già nhà hàng rằng: - Ở gần đây sau có hỏa tai, ta cho mụ một lọ rượu này, khi nào thấy cháy, thì lấy rượu vẩy vào, kẻo gió to thì cháy mất cả.
Tháng năm, quả nhiên là có hỏa tai, bấy giờ đương mùa gió nồm, không tài nào cứu được. Mụ già nhớ đến lời Phạm Viên cầm lọ rượu rảy vào đám lửa, tự nhiên trời mưa xuống như trút nước, lửa phải tắt ngay, nước mưa sặc những mùi rượu ba ngày chưa tan mùi.
Lại một khi Phạm Viên đi qua huyện Hoằng Hóa thấy một người già ngoài 70 tuổi còn phải đi xin ăn, Phạm Viên thương tình, cho một cái gậy dặn rằng: - Hễ đi đến chợ nào thì cắm cái gậy bên cạnh đường, không phải van gì, tự nhiên người ta phải lấy tiền cắm vào đầu gậy, cứ đủ 100 đồng thì nhổ đem đi chỗ khác.
Ông già kia y lời ấy, quả được dư ăn thừa mặc, khi ông già ấy chết thì cái gậy cũng biến mất.
Phạm Viên thường dạy một người học trò, chỉ học hai chữ “cát cao” nghĩa là gàu múc nước. Người học trò xin học chữ khác, Phạm Viên bảo rằng: - Ngày sau phú quí, chỉ hai chữ ấy đủ rồi, can gì phải học nhiều cho mệt?
Về sau, người ấy phải đi lính, canh thuyền, xảy khi chúa Trịnh đi chơi, bắt khai các đồ trong thuyền. Đến cái gầu múc nước, không ai biết biên chữ gì. Bấy giờ cả quan Tham tụng là Hà Tôn Mục ở đấy, cũng không nhớ chữ gì là cái gầu.
Người ấy nhân canh ở đấy mới nói rằng: - Khi trước tôi đi học, còn nhớ được hai chữ cát cao là cái gầu múc nước.
Quan Tham tụng cho là người học rộng, tâu với chúa Trịnh, vì thế được cất làm quan lục phẩm.
Đến năm Phạm Viên 40 tuổi, ông thân sinh đang được vua chúa yêu dùng, làm quan tại kinh. Phạm Viên ở nhà, một hôm bỗng dung sai người nhà sắm sửa đồ thờ, may áo chế sắm gậy trúc. Được vài ngày, quả nhiên có tin quan Thị lang mất tại kinh.
Phu nhân làm ma, toan đem xuống thuyền, để đi đường hải đạo về Nghệ. Phạm Viên không nghe, sắm đủ minh tinh nhà táng, áo quan võng vì, và đủ các đồ nghi vệ đi đường, xin đến gà gáy thì rước ma đi bộ từ Thăng Long về Nghệ. Ai cũng cười là người gàn. Không ngờ đi tự gà gáy, mới đến lúc mặt trời mọc, đã về đến đầu làng An Bài, chúng bấy giờ mới tin Phạm Viên có phép tiên.
Tống táng đâu đấy, Phạm Viên từ mẹ lại đi. Được năm năm thì phu nhân mất. Chiều hôm cất ma xong, Phạm Viên về khóc ở trước mồ, rồi để một hòm ở lại đấy mà đi. Sáng hôm sau, người nhà trông thấy mở hòm ra xem, thì thấy đủ cả trâu bò lợn gà, và các thứ giò nem bánh trái, không biết bao nhiêu mà kể. Lại có 500 quan tiền, 100 cân bạc. Trên mặt hòm đề rằng: “Của cô ai tử là Phạm Viên kính tế”.
Từ đấy trở đi, hoặc khi có người gặp ở Thăng Long, hoặc khi có người gặp ở cửa bể Thần Phù. Trong năm Bảo Thái, có ông Trương Hữu Điền mở trường học ở Hà Nội, có người ăn mặc lam lũ vào làm văn, chỉ chớp mắt xong bài văn rồi biến mất. Ông kia xem văn rồi nói rằng: “Văn chương này cách cục nhà tiên, lại ông Phạm Viên đùa ta đây!”. Biến hóa không biết đâu mà lường được._________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: TỪ ĐẠO HẠNH Sun 14 Feb 2010, 22:53 | |
| TỪ ĐẠO HẠNH Từ Lộ tự Đạo Hạnh, người làng An Lãng (tức là làng Lãng) huyện Vĩnh Thuận (Hoàn Long), làm thầy cúng ở chùa Tiên Phúc, núi Phật Tích (tức là chùa Thầy ở Sơn Tây). Khi xưa thân phụ Từ Đạo Hạnh là Từ Vinh làm Tăng quan đô sát triều nhà Lý, thường vào chơi làng An Lãng, mới làm nhà ở đấy, lấy con gái họ Lăng, sinh ra Đạo Hạnh.
Đạo Hạnh lúc còn bé hay chơi bời, nhưng vẫn có chí, cùng với Phí Sĩ, Phan Ất, Lê Hoàn kết bạn, đêm thì cố công đọc sách, ngày thì đàn sáo đánh bạc làm vui. Cha thường vẫn trách mắng là biếng học, nhưng sau biết cứ đến đêm thì chăm học lắm, từ bấy giờ mới không nói gì nữa.
Về sau Đạo Hạnh thi khoa Bạch liên đỗ Tăng quan. Không bao lâu cha là Từ Vinh dùng tà thuật phản ông Diên thành hầu. Diên thành hầu nhờ thầy phù thủy là Đại Điên dùng phép đánh chết, quẳng xuống sông Tô Lịch. Thây ông Từ Vinh trôi qua cầu Yên Quyết, đến bên nhà ông Diên thành hầu, bỗng nhiên đứng lên trỏ tay vào trong nhà, suốt ngày hôm ấy không đi. Diên thành hầu mời Đại Điên đến. Đại Điên đến nơi quát rằng:
- Thầy chùa giận không để cách đêm, dù sống dù chết, cũng là một giấc mộng mà thôi.
Nói dứt lời thì thây ngã xuống trôi đi. Từ Đạo Hạnh muốn báo thù cho cha, rình khi Đại Điên đi chơi, muốn đón đường đánh, bỗng nghe trên không có tiếng ngăn rằng: “Chớ! Chớ!”. Vì thế bỏ gậy mà chạy về.
Đạo Hạnh nghĩ lấy làm tức giận lắm muốn sang nước Ấn Độ học phép, nhưng đi qua núi Kim Sỉ, hiểm trở lắm phải trở về. Đạo Hạnh mới vào trong hang núi Phật Tích, kết thành hội Bạch Liên, để học phép Ngũ giáo. Ngày nào cũng tụng kinh “Đại bi tâm” và niệm câu thần chú “Bà la ni”, cứ tụng 18 vạn lần mới thôi.
Một hôm thấy thần báo mộng rằng:
- Đệ tử tức là Tứ trấn thiên vương đây, cảm công đức của thầy tụng kinh cho nên lại hầu, tùy thầy muốn sai khiến gì tôi xin vâng lệnh.
Đạo Hạnh biết là đạo pháp mình đã thành rồi, có thể phục thù được cho cha, mới đến đầu bến sông Yên Quyết, cầm cái gậy ném xuống sông. Nước sông chảy xuôi mà gậy thì trôi ngược, trông tựa con rồng, đi mãi đến cầu Tây Dương mới thôi.
Đạo Hạnh mừng nói rằng: - Phép ta hơn Đại Điên nhiều rồi!
Đạo Hạnh mới dùng phép tàng hình đến thẳng chỗ Đại Điên ngồi chơi, bảo rằng: - Mày còn nhớ việc ngày trước không?
Đại Điên ngẩng đầu lên trông, không thấy gì. Đạo Hạnh cầm gậy đánh, Đại Điên vì thế thành bệnh mà chết.
Đạo Hạnh báo xong thù rồi, từ bấy giờ tan hết oán cũ, sạch hẳn lòng trần, mới đi chơi khắp nơi rừng núi, hỏi tìm ấn chứng. Nghe có Kiều Trí Huyền tinh thông đạo phép, đến hầu tận nơi, hỏi thế nào là chân tâm.
Có câu kệ rằng:
Lâu nay vẫn đám hồng trần, Vàng còn chẳng biết, biết chân tâm nào! Xin cho trỏ bảo làm sao? Cho tìm thấy rõ kẻo nao lòng người. Từ Trí Huyền cũng đọc một câu kệ đáp lại rằng:
Năm âm bí quyết là vàng, Trông ra đầy mắt rõ ràng thuyền tâm. Bồ đề đạo phật u thâm, Muốn tìm tới đó muôn tầm chẳng xa!
Đạo Hạnh thấy câu kệ như vậy, chưa hiểu ý tứ ra làm sao, mới đến hỏi ông Pháp Phạm Sùng Vân rằng: - Thưa ông thế nào gọi là chân tâm?
Sùng Vân nói: - Cái gì chẳng phải là chân tâm?
Đạo Hạnh bấy giờ mới tỉnh ra, lạy từ ông ấy rồi trở về. Từ bấy giờ pháp lực lại càng tấn tới, nội là rắn độc trong núi, hùm dữ trên rừng, cũng có phép sai khiến được cả.
Có một thầy tăng nói rằng: - Khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ngồi, đó là phật tâm.
Đạo Hạnh đọc câu kệ rằng:
Có thì có tự mảy may, Không thì cả thế gian này cũng không. Thử xem bóng nguyệt dòng sông, Ai hay không có, có không là gì?
Bấy giờ vua Lý Nhân Tôn chưa có con, có người ở Thanh Hóa ra tâu rằng: - Ở ngoài bãi bể, có đứa con trai lên 3 tuổi, tự xưng là Hoàng tử, gọi là Giác Hoàng. Nhà vua có những sự gì, y cũng biết cả.
Vua sai sứ đến xem tận nơi, quả nhiên có đứa trẻ ấy, mới đem về kinh, cho ở trong chùa Báo Thiên. Vua thấy đứa trẻ ấy thông minh thần dị lắm, muốn nuôi làm con.
Các quan can rằng: - Nó tuy linh dị, nhưng tất phải thác sinh vào trong cung cấm mới được.
Vua nghe lời, thiết tuần chay to bảy đêm ngày, để cho nó làm phép đầu thai.
Đạo Hạnh nghe chuyện làm vậy, bảo riêng với chị rằng:
- Đây tất là Đại Điên, muốn đầu sinh vào cửa nhà vua để báo thù đây, kẻ kia dùng tà thuật, làm hoặc [ciii] người ta đã nhiều, tôi sao nỡ ngồi nhìn mà không cứu, để nó làm càn hay sao?
Mới bảo chị ăn mặc giả nhà sư, cầm giấu vài quả ấn pháp sư, giắt lên mái nhà chỗ đàn chay. Cúng được ba hôm, Giác Hoàng phải bệnh, bảo với người ta rằng: - Khắp cả thế giới, chỗ nào cũng chăng lưới sắt, không có đường nào mà đầu thai được.
Nói xong thì mất. Vua sai tìm các nơi có bùa bèn gì không, thì bắt được mấy quả ấn kết lại, có tên Từ Đạo Hạnh. Vua giận lắm, sai bắt Đạo Hạnh vào lầu Hưng Khánh đánh trượng, rồi hội các quan lại nghị án.
Xảy có Sùng hiền hầu đi qua, Đạo Hạnh kêu rằng: - Xin ngài rủ lòng thương mà cứu cho tôi, tôi sẽ xin đầu thai vào cung để báo ơn ấy.
Sùng hiền hầu gật đầu. Đến lúc hội nghị, Kim hầu xin đem Đạo Hạnh chính pháp. Sùng hiền hầu cười nói rằng: - Giác Hoàng nếu có thần lực, thì dù Từ Lộ giải chú thế nào cũng không việc gì. Nay vì thế mà phải chết, thì Giác Hoàng còn kém Từ Lộ xa lắm. Tôi thiết tưởng bắt tội hắn, thà rằng cho hắn thác sinh còn hơn, xin bệ hạ nghĩ cho.
Vua nghe lời, tha tội cho Đạo Hạnh. Đạo Hạnh trở ra, vào hầu nhà riêng Sùng hiền hầu, nhân thấy phu nhân đang tắm, đến sát tận nơi đứng xem. Phu nhân giận lắm, bỗng thấy một đứa trẻ con chạy vào trong thùng tắm, phu nhân kinh hãi, nói chuyện với chồng. Sùng hiền hầu đã biết rồi, không trách hỏi gì đến. Từ đấy phu nhân có mang.
Đạo Hạnh dặn Sùng hiền hầu rằng: - Khi nào phu nhân sắp ở cữ, thì phải bảo cho tôi biết trước.
Đến khi phu nhân ở cữ, trở dạ đã lâu mà chưa sinh được, Sùng hiền hầu sai người ruổi mau đến bảo Đạo Hạnh.
Đạo Hạnh vội vàng tắm gội thay áo, dặn học trò rằng: - Bụng ao ước của ta vẫn chưa thỏa, nay lại thác sinh vào cửa đế xương, tạm làm thiên tử 23 năm. Nếu khi nào thân kiếp sau ta thác đi, thì mới thực là chìm vào bể sâu, không bao giờ sinh diệt được nữa.
Học trò nghe câu ấy, ai nấy cùng rỏ nước mắt. Đạo Hạnh mới an ủi học trò vài câu, rồi lột xác ra mà hóa. Người làng lấy làm lạ, để cái xác ấy vào trong khám phụng thờ.
Giờ ngọ Đạo Hạnh nhập tịch, đến giờ mùi thì phu nhân sinh ra đứa con trai, đặt tên là Dương Hoán, bấy giờ là tháng sáu năm Bính thân niên hiệu Hội Trường Đại Khánh thứ bảy (1116).
Dương Hoán lên hai tuổi, thông minh lắm, vua yêu mến nuôi ở trong cung cho làm con, rồi lập lên làm Hoàng thái tử. Khi vua mất, thái tử lên ngôi, tức là vua Thần Tôn, đó là kiếp sau ông Từ Đạo Hạnh.
Khi xưa Đạo Hạnh mới vào chùa Thiên Phúc, thấy có một vết chân người ở trong hang đá. Đạo Hạnh lấy bàn chân in vào thì vừa bằng nhau, tục truyền hang ấy tức là chỗ Đạo Hạnh lột xác.
Mỗi năm mồng bảy tháng ba, thiên hạ đến chùa ấy lễ bái đông như hội. Thây Đạo Hạnh đến mãi lúc nhà Minh sang cướp quân sĩ đốt mất, về sau dân đấy lại tô tượng để thờ như xưa.
_________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: NGUYỄN MINH KHÔNG Mon 15 Feb 2010, 23:50 | |
| NGUYỄN MINH KHÔNG Người làng Ðàm Xá, phủ Tràng An (Nam Ðịnh) tên là Nguyễn Chi Thành. Lúc nhỏ đi học, xẩy gặp Từ Ðạo Hạnh, mới theo học Ðạo Hạnh hơn 40 năm [civ]. Ðạo Hạnh khen là người có chí, cho ấn quyết và đổi tên gọi là Minh Không thiền sư cho ở riêng một chùa Quốc Thanh.
Khi Ðạo Hạnh sắp hóa [cv], bảo Minh Không rằng: - Ngày xưa phật Thế tôn ta, đạo quả đã tròn trặn, mà còn có báo kim tảo, huống chi lâu nay phép đạo suy mòn, thì ta giữ mình làm sao cho xiết được. Kiếp sau ta ở thế gian, giữ ngôi nhân chủ, chắc là không khỏi được bệnh nợ, ngươi nên nghĩ nghĩa thầy trò, đến bấy giờ phải cứu cho ta. [cvi]
Ðến khi Ðạo Hạnh hóa rồi, Minh Không trở về quê nhà, cày cấy làm ăn, trụ trì hơn 20 năm, không cầu tiếng tăm với đời.
Năm Thiên Chương Bảo Tự thứ tư đời vua Thần Tôn (1136), vua bỗng sinh ra một bệnh kỳ dị, thuốc chữa thế nào cũng không khỏi. Tinh thần phiền loạn, tiếng gào hét kinh người (tục truyền vua hóa ra hổ). Các thầy thuốc, có hàng nghìn muôn người, nhưng không ai biết chữa ra cách làm sao.
Minh Không nghe tin làm vậy, mới chống gậy đến chỗ trẻ con chơi, cho chúng nó ăn quà và dạy chúng nó hát rằng: - “Tập tành vông, có ông Nguyễn Minh Không chữa được Hoàng thái tử”.
Dần dần đám trẻ nào cũng hát câu ấy, tiếng đến tai triều đình. Triều đình sai sứ đi hỏi thăm mà tìm được Minh Không. Minh Không thấy sứ giả đến triệu mình, mới thổi một nồi cơm con, cho bọn chở thuyền cùng ăn.
Sứ giả nói rằng: - Bọn chở thuyền đông lắm, có một niêu cơm con thế kia, thì ăn làm sao?
Minh Không nói: - Hãy cứ ăn đi, lúc nào thiếu sẽ hay.
Minh Không mới sai dỡ cơm ra rá, thì càng dỡ càng nhiều, hàng mấy trăm người ăn mà vẫn không hết. Chúng cùng ngạc nhiên lấy làm lạ. Ðến lúc ăn xong, Minh Không bảo các quan chở thuyền rằng: - Các anh hãy ngủ đi một lát, đợi lúc nào có nước thủy triều lên sẽ đi.
Chúng nghe lời, nằm ngủ cả trong thuyền, một lát tỉnh dậy thì thuyền đã ngược đến Kinh đô rồi, ai nấy mừng rỡ cho là phép tài.
Minh Không đến Kinh, các thầy thuốc cùng các thầy phù thủy đang túc trực cả trên điện, mỗi người dùng một cách chữa bệnh cho vua, mà vẫn chưa thầy nào kiến hiệu. Trông thấy Minh Không đến, ăn mặc quê mùa cộc kệch, chúng ai cũng khinh bỉ, không thèm chào hỏi đến. Minh Không lấy một cái đanh dài 5, 6 tấc, đóng lên cột, nói to lên rằng: - Hễ ai rút được cái đanh này ra, thì mới chữa được bệnh hoàng đế.
Nói hai ba câu, không ai thèm trả lời. Minh Không mới lấy hai ngón tay trái sẽ nhổ ra, cái đanh ấy bật ngay ra ngoài.
Minh Không đến tận trước mặt vua, thét to lên rằng: - Ðại trượng phu đã phú quí mà làm đến thiên tử, sao lại còn cuồng loạn như thế?
Vua sợ hãi run lật bật, Minh Không sai lấy cái vạc to, đổ nước hòa thuốc vào đun lên, đun sôi một trăm dạo, Minh Không lấy tay khoắng vào trong vạc thuốc hai ba lượt rồi múc ra tắm cho vua, tắm xong thì vua khỏi bệnh. [cvii]
Vua khỏi rồi, phong Minh Không làm quốc sư, thưởng cho vài trăm nóc nhà, cho lấy thuế mà ăn.
Ðến năm Ðại Ðịnh thứ hai Minh Không mất, bấy giờ đã bẩy mươi sáu tuổi. Minh Không mất rồi thiêng lắm, nhiều sự hiển linh. Phàm dân xã cầu mưa đảo nắng rất nghiệm. Các chùa ở huyện Giao Thủy, huyện Phả Lại, có tô tượng Minh Không để thờ cả._________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: TRẦN LỘC Tue 16 Feb 2010, 23:38 | |
| TRẦN LỘC Lúc nhà Lê trung hưng, việc binh cách mới yên, sinh lắm yêu quái, dân gian khổ sở. Bấy giờ người làng An Đông, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, tên là Trần Lộc, có phép phù thủy. Một bữa, Trần Lộc đi qua trái núi Na Sơn, đang lúc mùa hè nắng nực mới nghỉ mát ở dưới rặng tre. Sực ngẩng đầu trông lên trên núi, thấy có một ông cụ già đầu bạc phơ, đang đứng dựa cạnh sườn đá ngóng xem rừng rú, rồi cầm nón vẫy Trần Lộc lên.
Trần Lộc xắn áo trèo lên, chiều tối mới đến đỉnh núi, cúi đầu lạy ông cụ ấy.
Ông cụ ấy bảo rằng: - Bụng thầy mến đạo lắm, trời cũng chứng cho rồi, sai ta xuống cho thầy mấy bài quyết đây.
Nói đoạn, giao cho ấn quyết, rồi lại ghé vào tai dặn rằng: - Đây là phép phật Thượng phương đây, nên nhận lấy mà phải siêng năng tế độ cho đời.
Nói xong thì biến. Trần Lộc ngẩng lên trời lạy tạ rồi trở về. Từ đấy thí nghiệm phù phép nổi tiếng cao tay bùa bèn. Mới tự xưng mình là Phật tổ như lai; hai con gọi là tả hữu tôn thánh; học trò lớn gọi là tiền quân tôn thánh; học trò khác gọi là bồ tát, kim cương, minh sư, chia làm ba hạng: thượng thừa, trung thừa, hạ thừa.
Trần Lộc nghe tin ở núi Mỏ Diều (thuộc về Ninh Bình) có con yêu tinh, thường hại những người đi đường, mới đến núi ấy để trừ nó. Con yêu ăn mặc ra dáng con gái trong cung, giữ trên đầu núi để cự nhau với Tổ sư ba ngày. Tổ sư giận lắm bắt một cái quyết Bài sơn, sạt một góc núi. Con yêu hóa ra con quạ, bay lên trên trời. Tổ sư lại bắt luôn mấy cái quyết bắn theo, con yêu tinh phải quyết, sa xuống đất chết.
Lại ở nước ta về mặt tây nam có 12 cửa bể, mỗi cửa bể có một thần sóng, chỗ nước cồn như núi rồi đổ xuống, thuyền bè đi qua hại nhiều. Tổ sư sai học trò bắn chết chín thần sóng, còn sót ba thần chưa trừ xong, xảy có việc phải vào coi Sùng Sơn, mới bỏ sót lại.
Bấy giờ vua Thần Tôn phải bệnh kỳ quái, có người cho là nhân quả kiếp sau vua Lý Thần Tôn, các quan lấy làm lo lắng. Đại nguyên súy là Thanh vương đã phải xin ngài nhường ngôi cho thái tử, để ở riêng một cung mà trị bệnh. Vài năm không thuốc nào khỏi. Nghe tin Tổ sư cao tay phù chú, sai sứ đón ra để trị bệnh. Tổ sư vì tây nam có nhiều yêu khí, không thể đi được, sai học trò là Pháp bộ kim cương đi thay. Kim cương vào cung, vỗ ngực niệm chú, hơn một tháng thì Thượng hoàng khỏi bệnh, mới cho lập riêng một trường nội đạo, để cho vinh hiển.
Kim cương trở về, đi qua làng Bố Vệ, trong làng đang họp uống rượu. Kim cương vô ý, đứng tiểu tiện ngay trước cửa đình, bị tuần làng ấy bắt trói lại, van vỉ mãi mới được tha. Kim cương trở đi, ngoảnh lại bắt một cái phộc quyết [cviii], tự dưng già trẻ ở trong đình ôm cả vào cột, như người bị trói, giằng gỡ ra thế nào cũng không được. Cả làng kinh hãi, đuổi theo tìm Kim cương thì không thấy đâu.
Việc ấy đến tai vua, vua biết là tự Kim cương, sai người vào nói với Tổ sư, Tổ sư bắt Kim cương phải giải cái quyết ấy rồi thu cả lấy các pháp bảo của Kim cương học được, chỉ cho vài quyết trừ tà mà thôi.
Đạo nội trường mới có từ đấy. _________________________ |
| | | Sponsored content
| Tiêu đề: Re: Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính | |
| |
| | | |
Similar topics | |
|
Trang 5 trong tổng số 6 trang | Chuyển đến trang : 1, 2, 3, 4, 5, 6 | |
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |