Bài viết mới | Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 01:16
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:03
KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Yesterday at 16:45
KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30
SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22
Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22
NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20
KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08
Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54
Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10
7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10
Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21
Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52
Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28
Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13
Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07
Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36
Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09
Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46
Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06
Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04
DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19
Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37
Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34
TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17
CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05
Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04
Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41
Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16
|
Âm Dương Lịch |
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
|
|
| Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính | |
| |
Tác giả | Thông điệp |
---|
Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: NGUYỄN XÍ Thu 21 Jan 2010, 00:00 | |
| NGUYỄN XÍ Nguyễn Xí người làng Sái Xá, huyện Chân Phúc, tỉnh Thanh. Thân phụ Nguyễn Xí gặp buổi cuối đời nhà Trần, trong nước loạn lạc, không muốn ra làm quan, tu ở chùa làng, gọi là Hòa Nam thiền sư. Mỗi đêm đến gà gáy thì thức dậy đánh chuông, đốt hương tụng kinh.
Có hàng thịt lợn ở cạnh chùa, hễ cứ nghe tiếng chuông thì thức dậy giết lợn. Một hôm, nhà hàng thịt mua lầm phải con lợn cái chửa, định để sáng mai thì làm thịt bán hàng. Đêm hôm ấy, nhà sư nằm mơ thấy một người đàn bà đến kêu khóc rằng: - Xin ông đêm hôm nay đừng đánh chuông vội, cứu lấy tám, chín mạng cho mẹ con tôi.
Nhà sư ngạc nhiên không biết sự gì, nhưng cũng nghe lời không đánh chuông vội. Nhà hàng thịt vì thế dậy trưa, thì con lợn cái đã đẻ ra 8 con. Nhà sư thấy vậy lấy làm kỳ, mới mua cả đàn lợn ấy thả vào trong núi.
Được vài tháng, nhà sự phải hổ bắt mất, nó cắn chết bỏ dưới sườn núi. Sáng mai, người nhà đi tìm thấy mối đùn đất lấp lên thành mồ rồi. Có người biết địa lý, xem hình thế chỗ ấy, cho là được ngôi hổ táng.
Con ông sư ấy là Nguyễn Xí, bấy giờ đã 17 tuổi, vốn có sức khỏe hơn người, tập nghề võ đã giỏi, nhưng vì nhà nghèo khó, phải ra tỉnh Thanh bán dầu kiếm ăn.
Một hôm đi qua huyện Lam Sơn, trời đã tối, xung quanh không cửa nhà nào, chỉ có một ngọn miếu thờ thần, mới vào nghỉ trong miếu ấy. Đến canh ba, phảng phất nghe có tiếng xe ngựa rầm rầm, và nghe có tiếng bảo ông thần trong miếu rằng: “Hôm nay trên thiên đình hội các bách thần định lập thiên tử nước Nam, việc ấy quan hệ to, mời ngài đi với tôi nhân thể”. Ông thần trong miếu nói rằng: “Tôi dở có quí khách dưới trần trọ đây, không sao đi được, ông có được nghe điều gì, xin về bảo cho tôi được biết”. Cuối canh tư lại nghe có tiếng về báo rằng: “Thiên đình đã định xong ngôi Hoàng đế nước Nam rồi, tức là người ở Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên họ Lê tên Lợi. Thượng đế cho đến giờ thân, ngày thân, tháng thân thì khởi binh, mười năm mới yên xong thiên hạ”.
Nguyễn Xí nghe rõ ràng các câu ấy, gà gáy thức dậy, tìm đến làng Lam Sơn, hỏi thăm và nhà Lê Lợi, kể rõ lại những việc nghe thấy chuyện như thế. Lê Lợi bấy giờ đã có 300 thủ hạ, sắp sửa muốn ra dẹp loạn, nghe thấy nói, lập tức khởi binh ngay tháng bảy năm ấy.
Nguyễn Xí theo giúp Lê Lợi đánh nhau với quân nhà Minh, xông pha trong đám mũi tên hòn đạn, đánh đến đâu quân Tàu tan ra đến đấy. Trong 10 năm trời, lập lên rất nhiều công trạng. Đến khi thiên hạ bình định, Lê Thái Tổ cho Nguyễn Xí là sáng nghiệp đệ nhất công thần, và phong làm Nguyễn quốc công, cho quốc tính gọi là họ Lê.
Nguyễn Xí làm quan trải ba triều: Thái Tổ, Thái Tôn, Nhân Tôn, khi có giặc giã thì đi dẹp, khi thường thì lại vào túc vệ trong cung cấm. Khi vua Nhân Tôn bị Nghi Dân cướp ngôi (con cả vua Thái Tôn, phải bỏ không được lập), Nguyễn Xí đem binh dẹp loạn, giết được bọn đồ đảng của Nghi Dân là Phạm Đồn, Phan Ban rồi bỏ Nghi Dân đi đón Bình nguyên vương lập lên, tức vua Thánh Tôn. Nguyễn Xí vì có công ấy lại được tiến lên làm chức Thái úy, Cương quốc công.
Bấy giờ Nguyễn Xí có 12 con, cũng được phong tước làm quan tại triều, quyền thế hách dịch nhất thời ấy. Vua thấy lồng lẫy quá, sai đào con sông Cấm giang ở làng Sái Xá, để triệt long mạch làng ấy, thân long chảy ra huyết ba ngày.
Một hôm, năm con làm quan trung úy, cùng chết một ngày, từ bấy giờ con cháu sa sút._________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: PHẠM TỬ NGHI Thu 21 Jan 2010, 00:06 | |
| PHẠM TỬ NGHI Tử Nghi người làng Vĩnh Niệm, huyện An Dương, tỉnh Hải Dương, sức khỏe như thần.
Tử Nghi thường đắp một con đường dài ở trên mặt đê, đôi đầu đắp ụ cao 5 thước, rồi vác gậy chạy lên mặt đê, cứ đến chỗ ụ cao thì đánh một cái, ụ lại sạt xuống như đất phẳng.
Khi sau đến kinh thành Thăng Long, trông thấy hàng trăm người lính đang kéo thuyền rồng ở trên mặt đất xuống sông, mà kéo không nổi.
Tử Nghi cười nói rằng: - Khéo những đồ bị thịt kia! Có một cái thuyền như thế xúm xít vào kéo mà không nổi, thì làm trò gì được?
Chúng tức giận, kẻ nghiến răng, người trợn mắt, toan xúm vào đánh, thì Tử Nghi lại nói rằng: - Vậy thì các anh để đấy, chỉ một mình ta kéo cho mà xem.
Chúng thấy nói vậy, bỏ cả đi ra, bắt Tử Nghi phải kéo thuyền, nếu kéo không xong thì sẽ hay. Tử Nghi vén tay áo, dùng hết sức bình nhật, chỉ một tay lôi tuột chiếc thuyền rống xuống sông. Chúng ai nấy lắc đầu le lưỡi, chịu ông ta là có sức khỏe gấp nghìn người.
Bấy giờ nhà Mạc mới lên, nghe có người hùng dũng làm vậy cử làm đại tướng, cho lên trấn thủ mặt Thượng du. Tử Nghi ở trấn vài năm, dẹp tan đám giặc cỏ, có tiếng lừng lẫy đến cả Bắc triều [lxxi]. Về sau nhân dẹp giặc, phá lây đến các tỉnh ven Tàu; Tàu đưa hịch sang trách đến triều đình nước Nam. Tử Nghi đến dinh quan Tổng đốc Quảng Đông, xin chịu tội để cho yên tâm vua nước mình.
Người Tàu đem Tử Nghi ra hành tội, rồi bỏ đầu lâu và thây vào một cái hòm, che một cái lọng, thả xuống sông cho trôi về nước Nam. Trôi tự Nam Quan về mãi đến giang phận làng Vĩnh Niệm, thì đứng lại không trôi nữa, rồi đêm báo mộng cho dân làng ấy phải ra vớt về mai táng, và phải lập đền phụng tự.
Dân làng sáng mai ra vớt, lập miếu thờ ngay bên cạnh sông, từ đấy linh ứng lắm. Về sau, hiển linh bảo các làng ở ven sông, cho nên tự Nam Quan về mãi đến Hải Dương, Sơn Nam nội chỗ nào có bến, là cũng phải lập miếu thờ cả.
Lịch triều phong tặng làm Linh ứng đại vương thần._________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: ĐINH VĂN TẢ Fri 22 Jan 2010, 01:36 | |
| ĐINH VĂN TẢ Về đời Lê trung hưng, ở làng Hàm Giang, tỉnh Hải Dương, có người tên là Đinh Văn Tả, sức vóc mạnh mẽ, tính khí hung hăng. Lúc còn nhỏ, chơi bời với lũ côn quang, chúng bầu lên làm đàn anh cả.
Cạnh làng có một con sông to rộng hơn một dặm, ngày ngày ra tắm, bơi vòng tự bên này sang bên kia, chơi bời luyện tập.
Một hôm, họp bằng bối [lxxii] uống rượu bên cạnh bờ sông, nghe bên kia sông, có tiếng chiêng trống tế thần. Anh em đố nhau lội được qua sông sang ăn trộm cái chiêng của làng kia đem về.
Đinh Văn Tả nói: - Khó gì việc ấy mà phải đố.
Bấy giờ đang đêm, Văn Tả lập tức lội xuống sông, vòng sang bên kia, lẻn vào đình, ăn trộm được cái chiêng đem ra, lại lội xuống bơi về. Khi ra đến giữa dòng sông, khua chiêng vang cả lên làng bên kia nghe tiếng, mới biết là mất trộm, tìm thuyền đuổi theo thì không kịp.
Về sau, nhân có tội phải giam trong ngục Đông Môn. Khi ấy, triều đình đương có việc dụng binh, chúa Trịnh sai các tướng võ tập bắn ở lầu Ngũ Long. Văn Tả và tên lính canh ngục đứng xem thấy không mấy người bắn trúng bia, cười mà nói rằng: - Bia rành rành thế kia, mà bắn không trúng, sao mà họ hèn làm vậy?
Các tướng đứng bắn, nghe tiếng giận lắm, đưa súng cho Văn Tả và bảo rằng: - Anh nói khoác làm gì thế, súng đây, anh thử bắn đi này!
Văn Tả không thèm cầm súng nhỏ, xin mượn khẩu súng to, cắp lên trên mang tai, bắn ra ba phát, vỡ ba cái đích. Các người kia ai cũng chịu là tài; rồi lại sai bắn thử lần nữa xem làm sao, thì bắn phát nào tin phát ấy, mười phát đậu chục. Việc ấy lên đến tai chúa Trịnh, mới tha tội, cho theo đi đánh giặc.
Bấy giờ chúa Trịnh đang chống nhau với Nguyễn ở trong Nam hà. Một bữa quân Bắc đóng ở trên núi, quân Nam đột nhiên đến vây đánh, quân Bắc bị thua tan chạy mất cả, chỉ còn một mình Đinh Văn Tả phục trong bụi rậm, chờ khi quân Nam đuổi theo, ở trong bụi bắn ra, quân Nam tưởng có nhiều quân mai phục phải lui về; quân Bắc thừa thế quay lại đánh, quân Nam phải chạy. Tự bấy giờ nổi tiếng. Về sau, lại lập được nhiều công chiến trận, chúa Trịnh phong cho làm quận công. Văn Tả nộp trả bằng sắc không nhận, chỉ xin rút trong sổ án từ ra mà thôi, nhưng chúa Trịnh cũng cứ phong cho.
Đến thời vua Hi Tôn, dư đảng nhà Mạc là Mạc Kính Vũ, vẫn còn chiếm giữ trên xứ Cao Bình. Vua sai Văn Tả thống lĩnh đại binh đi đánh, phá vỡ quân nhà Mạc. Kính Vũ phải chạy sang Long Châu, mới trừ hết được đảng nhà Mạc. Tự đấy làm quan đến cực phẩm hàng võ.
Đến năm 80 tuổi phải bệnh nặng, Chúa Trịnh thân đến tận nhà hỏi thăm, hỏi rằng: - Như ngươi thì trong bụng còn muốn ao ước điều gì nữa không?
Thưa rằng: - Tôi nhờ ơn nhà chúa, làm vinh hiển đến thế này; mà lại được thọ đến 80 tuổi thì trong bụng cũng đã mãn nguyện rồi; nhưng chỉ còn ao ước một chút, giá thử đang lúc tôi chưa chết, mà chúa phong cho tôi làm phúc thần, thì tôi nhắm mắt đi, không còn điều gì hối hận nữa.
Chúa Trịnh lập tức sai người thảo sắc, phong ngay tại trước chỗ giường nằm. Văn Tả tạ ơn chúa rồi mất. Con cháu nhà ấy, về sau ai cũng có tài làm tướng kế thế [lxxiii] 18 đời được phong quận công, đến mãi về đời Đinh Tích Nhưỡng về cuối nhà Lê, vẫn còn lừng lẫy. Tục ngữ có câu: “Đánh giặc họ Đinh” tức là chi họ ấy._________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: VÕ TÁNH Fri 22 Jan 2010, 02:02 | |
| VÕ TÁNH Võ Tánh tổ tiên thuở trước là người Phúc An, thuộc tỉnh Biên Hòa, sau dời đến Bình Dương.
Tánh là người khảng khái, trí dũng hơn người, nhà giàu, không chịu thần phục Tây Sơn; mới xin với mẹ bỏ của ra chiêu dụ hào kiệt, khởi nghĩa binh ở Phù Viên (thuộc Gia Định); rồi kéo đến Định Tường chiếm giữ Khổng Tước Nguyên (thuộc Tân Hòa), tụ đồ đảng đến hàng vạn người, hiệu là đạo quân Kiến Hòa, tự xưng làm Tổng nhung, hễ quân giặc đi qua đất ấy, thì đánh giết sạch. Quân giặc thường bảo nhau rằng: “Gia Định tam hùng [lxxiv], Võ Tánh là một, chớ có phạm vào mà chết”.
Năm Mậu thân, Tánh đem cả bộ thuộc đến bái yết đức Thế Tổ [lxxv] ở dưới hành tại [lxxvi]. Đức Thế Tổ cả mừng, cho Tánh làm Tiền phong doanh khâm sai Tổng nhung chưởng cơ; rồi lại gả em là Trưởng công chúa Ngọc Du (con gái đức Hưng Tổ, em đức Thế Tổ) cho.
Khi ấy tướng Tây Sơn là Thái bảo Phạm Văn Tham giữ thành Sài Gòn, Tánh đem quân vây đánh, Tham cùng quẫn xin hàng, dẹp yên được vùng Gia Định.
Năm Quí sửu, Tánh được thăng làm Khâm sai chưởng Hậu quân doanh Bình sơn tham thặng tướng quân, theo đức Thế Tổ ra đánh thu phục Phú An.
Năm Giáp dần, Tánh phụng mệnh trấn thủ thành Diên Khánh (bây giờ là Khánh Hòa). Trần Quang Diệu (tướng Tây Sơn) đem hết cả quân vào vây, Tánh kiên thành cố thủ, khi ấy trong thành thiếu lương, quân sĩ rất kham khổ, Tánh lấy lời trung nghĩa khích khuyến, tướng sĩ đều cố sức đánh, giặc không thể nào phá được. Mùa hạ năm Ất mão, đức Thế Tổ đại cử quân thủy, bộ ra cứu viện. Tánh nghe tin có viện binh đến, thân đốc tướng sĩ đương đêm mở cửa thành ra đánh, quân giặc tan chạy. Đức Thế Tổ úy lạo khen Tánh rằng: “Tên Diệu là kềnh địch mà ngươi hãy giữ vững được thành này, có gặp gió to mới biết được cỏ cứng thật!”. Bèn phong cho Tánh tước Quận công.
Tánh tuổi trẻ, mà lại là bậc thân quí, lập được nhiều công chiến trận, nên có kiêu căng. Tiền quân Tôn Thất Hội thường chê Tánh là người thiển hiệp [lxxvii] và bảo rằng: “Cậy mình quí mà không xét đến kẻ sĩ, là lỗi quan Phiêu Kỵ họ Hoắc [lxxviii], nay ngươi có bớt kiêu đi, thì mới giữ trọn được tiếng hay”. Tánh nghe lời cảm tạ, từ đấy nén bớt kiêu khí, đều được lòng tướng sĩ.
Năm Kỷ mùi, Tánh hộ giá đức Thế Tổ ra thân chinh, hạ được thành Qui Nhơn. Đức Thế Tổ vào thành úy lạo, đổi tên là thành Bình Định, lưu Tánh cùng Lễ bộ Ngô Tòng Châu ở lại trấn thủ.
Mùa đông năm ấy, Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng lại đem hai đạo quân vào vây Bình Định. Tánh nghe biết thế giặc đương mạnh, chửa có thể đánh được bèn thu quân giữ thành. Đức Thế Tổ nghe tin báo, đại cử thủy, bộ chư quân ra cứu viện.
Tánh kiên thành cố thủ, tùy phương chống chế, quân lịnh nghiêm minh, khích lệ tướng sĩ đều liều chết mà đánh, lớn nhỏ cả thảy hơn vài mươi trận, không thua trận nào.
Hoặc có kẻ khuyên Tánh vượt vòng vây mà lén ra. Tánh không nghe, bảo rằng: “Ta phụng mệnh giữ thành này, thì ta nên thề cùng với thành cùng sống thác. Nếu bỏ thành mà lẩn trốn lấy một mình, thì còn mặt mũi nào trông thấy chúa thượng nữa?”
Khi ấy quan quân đến cứu viện đã non hai năm trời, đánh mãi không tài nào giải vây được. Đức Thế Tổ sai người lặn nước từ cửa bể lẻn vào, bảo Tánh bỏ thành mà ra hội với quan quân, Tánh nhất định xin cố thủ, sai người cầm tờ mật biểu ra tâu rằng: “Nay quân giặc tụ vây cả ở thành này, thì ngoài Phú Xuân hẳn không hư [lxxix], xin đem quân thừa hư ra đánh lấy Phú Xuân, chẳng khác gì đổi ngôi lấy vàng; dẫu chết một mạng tôi, mà đổi lấy được Phú Xuân, cũng phải.”
Đức Thế Tổ được tờ mật biểu, ngài mới quyết ý đem quân do đường thủy kéo ra. Đêm hôm ấy đốt lửa ở núi Độc Sơn làm hiệu, Tánh thấy hỏa hiệu, lại mở cửa thành ra đánh, giết được vài tên tướng giặc.
Khi ấy trong thành hết cả lương thực, quân sĩ phải giết voi, ngựa mà ăn, mà cũng không ai có lòng phản bội gì cả. Tánh sợ rằng thành hãm, thì tướng sĩ chết hại nhiều, bèn đưa thư ra bảo Diệu rằng: “Phận sự ta làm chủ tướng, thì điều liều chết ở dưới cờ. Còn như các tướng sĩ không có tội gì, không nên giết hại”. Lạo bảo các tướng rằng: “Ta uống thuốc độc, nhảy vào lửa, đàng nào cũng chết. Nhưng ta không muốn cho giặc trông thấy mặt, ta đành chết vào lửa mà thôi”. Mới sai quân lấy củi khô chất đầy ở dưới lầu Bát giác, và để thuốc súng vào giữa.
Một hôm buổi sớm, Hiệp trấn Ngô Tòng Châu sang hỏi Tánh xem định kế gì? Tánh trỏ lầu Bát giác mà rằng: “Kế tôi đành chịu thác ở đó mà thôi!” Lại bảo Tòng Châu rằng: “Tôi là võ tướng không lẽ cùng sống với giặc được; ông là văn quan giặc nó không nỡ giết nào, nên liệu mà tự toàn lấy mình”.
Tòng Châu cười mà nói rằng: “Dù văn, dù võ, ai cũng một lòng trung ái cả, chớ có phân biệt chi? Tướng quân hay liều mình với nước, tôi lại không hay tận trung với vua hay sao?”. Nói rồi lui về dinh, uống thuốc độc mà chết.
Tánh than rằng: “Ông này lại hơn ta một chước!”, liền thân đến liệm táng cho Tòng Châu tử tế. Cách hai hôm sau, Tánh mặc triều phục lên lầu hội các tướng bảo rằng: “Ta nhờ có các tướng đồng tâm mới giữ được thành mà chống nhau với giặc. Nhưng nay lương cạn, lực cùng, giữ cũng không được nữa, thôi thì ta liều mình thác, chớ không làm khổ tướng sĩ mãi nữa.” Các tướng nghe nói ai cũng thương xót, đứng chung quanh lầu mà khóc. Tánh khoa tay bảo các tướng lui ra, rồi sai Phó tướng Nguyễn Văn Biện châm lửa. Biện cũng khóc mà chạy. Tánh bấy giờ đang hút thuốc lá, lấy tàn ném xuống đống thuốc súng, lửa tức thì bốc lên mà thác. Thống binh Nguyễn Tấn Huyện ở ngoài chạy vào, cũng nhảy vào lửa mà chết theo, hôm ấy là ngày 27 tháng 5 năm Tân dậu.
Diệu đem quân vào thành, trông thấy cũng rỏ nước mắt, sai làm lễ niệm táng tử tế. Còn các tướng sĩ trong thành, không giết hại người nào cả. Nhưng bọn tướng sĩ sau đều lẻn về, không có một người nào chịu ở theo giặc.
Đức Thế Tổ nghe tin Võ Tánh, Ngô Tòng Châu tử tiết, thương khóc than rằng: “Toàn tiết như thế dẫu Trương Tuấn, Hứa Viễn ngày xưa, cũng không hơn được!”
Gia Long nguyên niên [lxxx], sai lập đền thờ ở nền cũ lầu Bát giác, truy tặng Tánh làm Dực vận công thần Thái úy Quốc công; Châu làm Tán trị công thần Thái tử Thái sư Quận công; Huyện được tặng làm Chưởng cơ. Năm Minh Mệnh thứ 12, truy phong Tánh làm Hoài Quốc công; Châu làm Ninh hòa Quận công, đều được phối hưởng ở nhà Thái miếu._________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: NGUYỄN VĂN THÀNH Tue 26 Jan 2010, 00:30 | |
| NGUYỄN VĂN THÀNH Nguyễn Văn Thành trạng mạo khôi ngô, tính thâm trầm, cương nghị. Chăm đọc sách, giỏi võ nghệ. Tổ tiên trước ở Thừa Thiên, cha là Hiền dời vào ở Gia Định.
Đời vua Duệ Tôn triều Nguyễn, Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc khởi binh cướp Bình Thuận. Hiền mộ quân hương dũng theo đi đánh giặc, khi ấy Thành cũng ứng mộ theo cha, đóng quân ở Cầu Giang. Tống Phúc Hợp sai Hiền đem vài nghìn quân đi tải lương, Thành cũng theo đi. Lúc đang đi nửa đường, quân lính già nửa mắc đội thóc, không kịp phòng bị thì có quân giặc đổ ra đánh chẹn ngang đường. Hiền thấy quân giặc kéo ập đến, liền vẫy Thành lui tránh đi. Thành lẻn ra đàng sau trận, sai những quân đội thóc, giơ sào lên làm giáo, treo áo lên làm cờ, vòng ra đàng trên Sa Đỗng, vừa đánh trống vừa reo mà kéo lên. Giặc ngỡ là có viện binh kéo đến, phải tháo lui dần. Quan quân thừa cơ lại đánh được toàn thắng. Phúc Hợp khen Thành còn trẻ tuổi mà có trí khôn, thưởng cho 10 lạng bạc, và một cặp áo sa.
Đến sau, Hiền bị tử trận. Đức Duệ Tôn cho Thành làm cai đội, Thành đi chiêu tập được hơn 800 quân tráng dũng, theo Đỗ Thành Nhân thu phục được Sài Gòn. Năm Ất tị, Thành theo đức Thế Tổ sang Xiêm ở thành Vọng Các, lại giúp Xiêm đánh phá được Diến Điện, khi ấy vua Xiêm muốn giúp binh, Đức Thế Tổ họp các tướng lại bàn. Thành tâu rằng: “Quân Xiêm tàn ngược, không nên nhờ họ giúp nữa; nếu nhờ binh lực của họ mà được thành sự, rồi tất có lo về sau. Không gì bằng hãy tĩnh để đợi thời”.
Năm Đinh mùi, Thành phụng mệnh đi đón Hà Hỉ Văn, bị bạt phong dạt vào Hà Tiên, tuyệt lương. Thành giả làm thuyền giặc đi tuần, vào cửa bể cướp lương. Khi về đến nơi hành tại ở Cù lao Cổ Cốt, Thế Tổ biết chuyện cướp lương quở trách Thành, truyền tống giam, sau cho tùng chinh [lxxxi]. Khi quan quân thất lợi trận đánh ở Mỹ Tho, có kẻ xui Thành trốn về làng mà ở. Thành bảo rằng: “Vua, tôi nghĩa cả, dù sống, chết cũng phải giữ lấy; còn như sự thành, bại là tại trời, ta liệu trước sao được. Vả lại nhân phải khiển trách mà đi, nhân lúc bại trận mà trốn, đó là kẻ tiểu nhân phản phúc, ta không thèm làm”. Bèn cùng với lũ Hỉ Văn 17 người vượt bể đi theo đức Thế Tổ. Một hôm gặp bão to gẫy cả cột buồm, bạt phong dạt vào cửa Bản Phố. Thành chạy vào trong làng, mượn được thuyền, nhờ được lương, lại vượt bể vào Long Xuyên, sau nghe tin đức Thế Tổ đóng ở Ba Lai, bèn theo đến nơi xin đi chiêu tập quân nghĩa dũng để đánh giặc.
Năm Quí sửu, đức Thế Tổ ra thân chinh Qui Nhơn cho Thành làm Khâm sai Bình Sơn Tiền tướng quân đem bộ binh đi trước, đến đâu giặc đều tan vỡ cả. Khi ấy nghe tin Thái úy giặc là Nguyễn Văn Hưng đem quân tự Phú Xuân vào cứu viện Qui Nhơn, Thành bèn đem quân đến Thạch Tân án ngữ, năm trận đánh, quân giặc đều phải lui cả. Thành lại do đường bộ kéo đến đóng Phú An. Bấy giờ ai cũng sợ rằng quân giặc đuổi theo, Thành nói rằng: “Trong Qui Nhơn, ngoài Thuận Hóa, dẫu là thân thích, mà thực là cừu thù, chẳng qua mượn tiếng vào cứu viện, mà kỳ thực là định nuốt nhau. Nhạc còn tự cứu không xong nữa là đi đuổi theo người”.
Sau Nhạc quả nhiên phải lũ Hưng bức tử, lời Thành nói không sai.
Năm Đinh tị, Thành phụng mệnh trấn thủ Diên Khánh, khi ấy có bọn giặc khách tàu ô thường làm trở ngại ngoài bể. Thành dụng mẹo bắt được, đường bể mới yên.
Năm Kỷ mùi, Võ Tánh trấn thủ Qui Nhơn, bị quân giặc vây, Thành phụng mệnh điều khiển các đạo bộ binh ra cứu viện, phá tan các đồn giặc. Quân giặc phải lui giữ Chủ Sơn, Thành đánh mãi không vỡ, sau Thành dò được con đường tây nam, có thể đánh tập hậu được, bèn vẽ hình thế dâng biểu xin thêm quân.
Đức Thế Tổ sai Tống Viết Phúc, Lê Văn Duyệt đem thêm quân đến Thị Dã, đều theo tiết chế Thành. Thành bèn lưu Duyệt đóng quân án ngữ ở Thị Dã, mà Thành thì đem quân qua núi Bột Khê, hơn hai trăm dặm đường, cứ rấn cơn mưa mà đi, vòng qua Đăng Trại đến sau lưng đồn giặc phóng hỏa đốt trại. Mặt trước Lê Văn Duyệt thừa thắng đánh ập vào. Quân giặc tan chạy.
Trận này, Thành và Duyệt cùng làm đại tướng, cưỡi voi cầm cờ, trỏ bảo các tướng. Thành tính hay rượu, lúc sắp vào trận, cầm hồ rót uống, lại rót một chén đưa cho Duyệt, bảo rằng: “Uống chén này lại càng hăng hái thêm lên”. Duyệt cười mà rằng: “Có nhát thì mới phải mượn rượu, chớ như trong con mắt tôi chẳng cho quân giặc vào đâu, cần gì phải mượn rượu”. Thành có ý thẹn, bởi thế căm giận Duyệt.
Khi ấy, Thế Tổ sắp khỏi trận hỏa công ở cửa bể Thị Nại, bèn mật báo Thành đem bộ binh đêm đánh chận giặc, để cho quân giặc mải chống giữ, thì mặt quân thủy đánh xông vào. Võ Văn Dũng phải bỏ thủy đồn mà chạy.
Khi Thế Tổ đem thủy quân ra đánh Phú Xuân, lưu Thành đóng quân ở Vân Sơn, để chống nhau với giặc. Lại sai đem ấn sắc đến nơi quân thứ phong cho Thành tước Quận công.
Thành cùng Duyệt hội quân hai mặt đánh thành Bình Định. Diệu, Dũng hết lương ăn, đương đêm bỏ thành lẻn qua đường rừng trốn chạy. Thành chiêu hàng dư đảng được 3.000 người, phụng mệnh ở lại trấn thủ.
Thành học sách vở thông thái, am hiểu chính thể, trong hàng chư tướng, đức Thế Tổ trọng Thành hơn cả, không cứ việc lớn, việc nhỏ, thường hỏi đến Thành để quyết định.
Tháng bảy năm Nhâm tuất đức Thế Tổ định xong Bắc thành, triệu Thành cho làm Tổng trấn, cả thảy 11 trấn đều thuộc về cả.
Năm Gia Long thứ bảy, Bắc thành bốn trấn nổi giặc, giả danh tôn Lê. Thành làm khúc hát “Điểm mê” để hiểu dụ. Dân gian có người làm khúc “Tố khuất”, đổ tội quan lại nhũng nhiễu, cho nên nổi giặc. Thành sức các địa phương quan đi hiểu dụ khắp mọi nơi, và sai các tướng tiến tiễu, đều dẹp yên cả.
Năm thứ mười, Thành phụng mệnh sung chức Tổng tài sửa lại luật lệ, định thành 20 quyển, 398 điều, tâu xin in cả để thi hành.
Năm thứ mười ba, gặp tang đức Thừa thiên hoàng hậu (sinh ra ông hoàng tử Cảnh), đức Thế Tổ muốn để ông hoàng tử đệ tứ (đức Minh Mệnh) làm thừa tự, vào chủ tế. Thành ngại rằng lòng văn tế khó xưng hô, đức Thế Tổ bảo rằng: “Con phụng mệnh cha, để mà tế mẹ danh chính ngôn thuận, can gì mà không nên”. Nhưng Thành vẫn có ý bất mãn. Sau có khi đương buổi triều, đức Thế Tổ hỏi Thành rằng: “Nay hoàng tôn Đán (con ông hoàng tử Cảnh) còn nhỏ, trong hàng các con, nên lập ai là phải?”. Thành thưa rằng: “Đích tôn thừa trọng mới là chính lễ. Nay bệ hạ muốn chọn người khác, biết con chẳng ai bằng cha, chúng tôi không dám dự đến việc đó”.
Từ đấy Thành vào triều kiến, thường tâu xin lập ngôi chừ nhị [lxxxii], đức Thế Tổ nín lặng. Thành lại càng nghi sợ.
Con Thành là Thuyên đỗ cử nhân khoa Quí dậu, hay làm văn thơ, giao thông tân khách, nghe thấy Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Đức Nhuận là người Thanh Hóa, hay chữ có tiếng, mới làm một bài thơ sai tên môn hạ Nguyễn Trương Hiệu cầm ra mời vào chơi. Hiệu đem bài thơ ấy đưa cho Hình bộ Thiêm sự Nguyễn Hựu Nghi. Nghi vốn oán Thành, xui Hiệu cầm bài thơ ấy mách Lê Văn Duyệt. Duyệt với Thành hai người vốn không hòa với nhau, mới cầm bài thơ vào triều mật tâu: “Thuyên làm thơ có ý bội nghịch [lxxxiii]”. Đức Thế Tổ cũng không hỏi chi. Sau Hiệu cứ giữ bài thơ ấy làm chứng, đón Thành đi chầu về, nắm áo đòi tiền hối lộ. Thành bất đắc dĩ phải bắt Hiệu và Thuyên tống ngục, liền vào chầu tâu vua, Thế Tổ cho là chứng cớ chưa rõ, tha tội cho Thuyên, mà Thành vẫn tại chức như cũ.
Sau có kẻ hạch Thành bất pháp [lxxxiv]. Lễ bộ bác Thành không được dự tế Nam giao. Đức Thế Tổ lại sai Lê Văn Duyệt xét lại án ngươi Thuyên. Thuyên phải thú phục. Thành sợ hãi xin chịu tội. Quần thần đều xin đem Thành tống ngục. Đức Thế Tổ nói rằng: “Thành dẫu có tội, nhưng cứ lễ đãi kẻ đại thần, phải nên xử một cách riêng”. Bèn sai thu cả ấn sắc của Thành, cho về ở nhà. Quần thần lại tâu: “Cha con Thành, cứ phép nên xử tử”. Gặp khi ấy ngoài Bắc thành kết án Lê Duy Hoán mưu phản, đệ vào kinh để Hình bộ xét lại. Duy Hoán lại chiêu xưng là tự Thuyên xui làm phản. Đình thần xin bắt Thành và cả các con giam ở nhà Thị trung quân xá. Các đình lại tra hỏi Thành có làm phản không? Thành thưa rằng: Không. Khi Thành trở ra, bảo quan Thống chế Hoàng Công Lý rằng: “Thế là thành án rồi, vua bắt tội chết, tôi không chết, không phải là trung thần”. Rồi liền uống thuốc độc mà chết, thọ 60 tuổi. Khi ấy có tên lính thư lại nhặt được tờ biểu trần tình của Thành để lại, Hoàng Công Lý đem dâng lên, trong tờ biểu có câu rằng: “Sớm rèn tối luyện, kết thành tội cực ác cho cha con tôi, không còn kêu oan vào đâu chết mà thôi”. Đức Thế Tổ xem tờ biểu, thương tình sa hai hàng lụy, rồi phán Lễ bộ xuất tiền kho làm ma tử tế.
Thành có tài lược kiêm cả văn, võ, lâm trận dùng binh, định mưu trước rồi mới đánh, cho nên ít khi thua, huân lao rất to. Còn như mưu mô việc miếu đường [lxxxv], Thành điều trần được nhiều việc, đều thứ đệ [lxxxvi] thi hành cả, thực là có mưu xa kinh lý việc nước.
Năm Minh Mệnh thứ mười bốn, nghịch Ngôi khởi loạn ở thành Phiên An, vì có tên Hàm (con Thành) tùng ngụy [lxxxvii], xuống chiếu bắt cả lũ con Thành giết sạch. Đến năm Tự Đức mới lại được truy phục chức tước._________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: LÊ VĂN DUYỆT Tue 26 Jan 2010, 23:58 | |
| LÊ VĂN DUYỆT Lê Văn Duyệt tổ tích nguyên người Quảng Nghĩa, cha là Toại, thiên cư vào ở Định Tường, sinh được 4 trai, Duyệt là con trưởng. Khi sinh ra vốn người ái nữ, hình thể ngắn ngủi, nhưng có tài tinh nhanh, sức khỏe mạnh. Khi 14, 15 tuổi, thường than rằng: “Sinh ở đời loạn, mà không hay kéo cờ giống trống làm đại tướng để lưu công danh ở sử sách, thì không phải là tài trai”.
Năm Canh tí, đức Thế Tổ lên ngôi vua tại Gia Định, Duyệt mới 17 tuổi, được sung vào làm Thái giám nội dinh, sau được thăng làm cai cơ, quản hai đội quân thuộc nội, theo hầu đức Thế Tổ sang Xiêm La.
Năm Đinh mùi, đức Thế Tổ về thu phục Gia Định, Duyệt thường đi theo chiến trận, cùng chư tướng bàn luận việc binh, đức Thế Tổ thấy vậy lấy làm trọng, thung dung hỏi rằng: “Ngươi cũng biết việc binh à?”. Duyệt thưa rằng: “Biết”. Đức Thế Tổ nói: “Binh cơ là việc lớn, ngươi sao nói khinh dị làm vậy?”. Duyệt thưa: “Sơn tặc là quân vô đạo không bao lâu nữa cũng tự diệt mà thôi. Nay ta lấy người nhân mà đánh kẻ bạo, thế như chẻ tre, tôi không cho gì làm khó cả”.
Nhân xin mộ binh theo về cánh Tả quân, rồi phụng mệnh ra đánh Qui Nhơn, được thăng làm thuộc nội vệ úy, theo về quân Thần sách.
Năm Kỷ mùi, đức Thế Tổ sai Duyệt và Tống Viết Phúc đem quân ra án ngữ Bình Đề. Khi ấy đức Thế Tổ nghe tin có mấy vạn quân Tây Sơn kéo vào đánh, ngài sai Trung sứ ra hỏi tình trạng, Duyệt cùng Viết Phúc tâu rằng: “Có hai chúng tôi ở đây, chẳng lo sợ gì giặc.” Lại trỏ núi trước mặt nói rằng: “Đây là chốn hai chúng tôi cùng liều sống thác với giặc đó.” Trận ấy quả nhiên thu phục được Qui Nhơn.
Năm sau, tướng Tây Sơn lại vào vây Qui Nhơn, quan quân ra cứu viện chỉ lênh đênh ngoài bể, không đánh vào được cửa bể Thị Nại, đức Thế Tổ muốn dùng chước hỏa công, bèn sai Duyệt cùng Võ Di Nguy đem thủy quân xông vào đánh, quân giặc ở trên đồn bắn xuống như mưa, Di Nguy bị đạn ngã lăn xuống nước. Duyệt cũng không đoái lại nhìn chi, chỉ gia sức xông vào mà đánh. Đức Thế Tổ thấy tướng sĩ chết hại nhiều, ba lần cho tên tiểu sai truyền dụ bảo Duyệt tạm lui quân. Duyệt nhất định xin liều chết mà đánh, bảo tên tiểu sai rằng: “Tôi xin cứ tiến vào, chớ không lui”. Liền thúc quân xông vào cửa bể, thuận gió tung lửa ra đốt hết thuyền giặc. Trận này ở sử cho là một trận võ công đệ nhất, khi ấy là 19 tháng giêng năm Tân dậu.
Bấy giờ các tướng khuyên đức Thế Tổ đem quân ra đánh úp Phú Xuân, nhưng ngài còn dùng dằng chửa quyết, Duyệt tâu rằng: “Việc binh quí hồ thần tốc, mưu mô cốt phải quả quyết. Nay đóng quân mãi ở đây, thời mỏi mệt mà vô công; tiến ra lấy được Phú Xuân, thời thành Bình Định này không phải đánh mà tức khắc giải vây; đó là một chước đánh cờ thí xe vậy”. Đức Thế Tổ nghe lời, quả nhiên thu phục được Phú Xuân.
Năm Nhâm tuất, Gia Long nguyên niên, Duyệt được thăng làm Khâm sai chưởng Tả quân doanh Bình sơn tướng quân, tước quận công, cùng Lê Chất đem binh bộ đi tiên phong, dẹp yên Bắc hà.
Khi ấy có vua Chân Lạp là Nặc Chân phải Xiêm La đánh đuổi, chạy sang Gia Định. Đức Thế Tổ cho Duyệt vào làm Tổng trấn Gia Định, để điều đình xử trí việc Xiêm, Lạp, và đưa Nặc Chân về nước. Duyệt tâu xin đắp thành Nam Vang (Pnôm Pênh), thành Lư Yêm để lưu quân bảo hộ Chân Lạp.
Trước kia Duyệt vốn là tì tướng, thường phải theo tiết chế Nguyễn Văn Thành. Lúc lâm trận, tính Thành hay trì trọng [lxxxviii] mà Duyệt thì quả cảm hăng hái, thường lập được công to, uy danh lừng lẫy cũng bằng Thành. Nhưng Thành ghét Duyệt là người quyến giới, bởi thế hai người không hòa với nhau.
Khi ấy có người Thanh Hóa là Nguyễn Hựu Nghi trước làm môn khanh Nguyễn Văn Thành, vì phải quở trách, trốn sang làm môn hạ Duyệt. Nghi lại sai tên Nguyễn Trương Hiệu sang theo hầu Thuyên là con Thành, để rình xem Thuyên làm những điều gì. Sau Hiệu lấy được một bài thơ đem đưa cho Nghi. Nghi nói với Duyệt rằng: “Con Thành là Thuyên làm thơ chiêu dụ người đồng quận, lời rất bội nghịch”. Duyệt tin lời Nghi, mật đem bài thơ ấy tâu vua, việc án Thuyên gây ra từ đó.
Năm Minh Mệnh nguyên niên, Duyệt lại vào trấn thủ Gia Định, dẹp yên giặc sư Kế ở Chân Lạp.
Năm Minh Mệnh thứ 13, Duyệt thấy ngoài Bắc thành chia thành tỉnh, bãi chức Tổng trấn; chỉ duy thành Gia Định còn có Duyệt cho nên chưa bãi. Duyệt nghĩ mình già yếu, dâng sớ xin từ chức, vua không cho.
Ngày 30 tháng 7 năm ấy (1832), Duyệt mất, thọ 69 tuổi. Duyệt làm việc hay tự chuyên, dụng hình hay quá lạm. Nhưng một lòng báo quốc, phấn chấn chẳng nghĩ chi đến mình, vậy nên được lòng kẻ tướng sĩ, đem quân đi đánh, không thua trận nào.
Thủy chung bốn lần đi dẹp giặc mán Vách đá ở Quảng Nghĩa, quân mán rợ đều khiếp sợ uy phong, hễ kéo quân đến thì giặc mán đều tan trốn cả.
Khi ra kinh lược Thanh, Nghệ, những kẻ đào phạm [lxxxix] ở Bắc thành cùng kẻ thổ tù ở mặt thượng đạo đều về đầu thú.
Hai lần trọng trấn Gia Định, hưng lợi, trừ hại, dẹp giặc, yên dân, uy danh lừng lẫy, người Xiêm khiếp sợ, hễ khi nào có sứ bộ sang, thì người Xiêm lại hỏi thăm rằng: “Lê công có được mạnh khỏe không?”.
Duyệt mất rồi, thành Gia Định đổi tên là Phiên An, đặt ra Tổng đốc, Bố chính, Án sát, Lãnh binh. Khi ấy Bố chính là Bạch Xuân Nguyên sách nhiễu tham lam, tự xưng là phụng mật chỉ truy xét việc riêng của Duyệt, sai bắt lũ Lê Văn Khôi [xc] là bộ hạ Duyệt để tra hỏi. Khôi sợ phải tội, mưu làm phản; đêm hôm 18 tháng 5 năm Minh Mệnh thứ 14, Khôi ngầm dụ đảng lính Bắc Thuận [xci] 27 người vào thành giết Bố chính Bạch Xuân Nguyên và Tổng đốc Nguyễn Văn Quế, chiếm giữ thành Phiên An. Quan quân đánh mãi không phá được, đến năm Minh Mệnh thứ 16 mới dẹp yên. Đức Minh Mệnh truy trách là tại Duyệt nuôi lũ phỉ đảng để gây nên vạ. Các quan nội các đều dâng sớ kể tội Duyệt. Đình thần nghị xử kết án Duyệt đáng tội trảm 7 điều, tội giảo 2 điều. Sau xử án Duyệt phải truy đoạt quan tước, cuốc phẳng mộ địa, dựng bia đề tám chữ: “Quyền yêm Lê Văn Duyệt thụ pháp xứ”. Con nuôi và cháu là Hán, Yên, Tề đều phải xử tử.
Mộ Duyệt ở Gia Định, từ đấy thường khi trời tối, đêm khuya, trong mộ hình như có tiếng quỉ khóc, hoặc tiếng người, tiếng ngựa ồn ào, nhân dân ở đấy không ai dám đến gần. Đến sau sai quan địa phương bỏ cái bia dựng ngày trước đi, và cho con cháu được xây mộ lại, thì tiếng khóc ban đêm mới thôi._________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: Re: Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính Thu 28 Jan 2010, 00:20 | |
| CHƯƠNG THỨ VI: CÁC VỊ THẦN LINH ỨNG
SỬ ĐỒNG TỬ Về đời vua Hùng Vương thứ ba, vua có một người con gái tên là Tiên Dong, mới 18 tuổi, nhan sắc xinh đẹp, không muốn lấy chồng, chỉ thường hay đi chơi các sông núi xem phong cảnh. Vua yêu nàng ấy, mặc ý cho đi chơi không cấm. Mỗi năm trong tuần tháng hai tháng ba, bơi thuyền chơi ở mạn sông làng Chử Xá (tức là làng Chử Xá, huyện Văn Giang bây giờ).
Ở làng ấy có một người tên là Sử Cù Vân và người con là Sử Đồng Tử [xcii]. Hai cha con thiên tính từ hiếu, gặp khi nhà phải hỏa tai, của cải hết sạch cả, chỉ còn một cái khố vải, cha con thay đổi nhau, ai đi đâu thì đóng. Đến khi Cù Vân phải bệnh, dặn con rằng: - Tao mà chết đi rồi, thì cứ táng trần cho tao, còn cái khố đấy để cho mày.
Cù Vân mất, Sử Đồng Tử không nỡ để cha chết truồng, lấy khố quàng cho cha rồi mới chôn. Còn mình thì trần truồng, đói rét khổ sở, ngày ngày đứng náu hình bên sông, chờ có thuyền buôn qua lại thì xin, hoặc là câu cá bán để hộ thân.
Một hôm, nàng Tiên Dong bơi thuyền đến chơi bến làng Chử Xá, chiêng trống om xòm, đàn sáo rầm rĩ, cờ tàn rợp đất, lính tráng rất đông. Sử Đồng Tử trông thấy sợ hãi ẩn vào trong bãi lau sậy, cào cát lên nép mình xuống dưới, rồi lại lấy cát trùm lên trên.
Tiên Dong bơi thuyền đến bến ấy, nhìn trông phong cảnh vui đẹp, mới lên bãi cát đứng xem, thấy chỗ ấy sạch sẽ, giăng màn tứ vi [xciii] trên bãi cát để tắm. Tiên Dong vào màn, cổi áo xiêm tắm táp một hồi lâu, dội nước trôi cát. Sử Đồng Tử trồi lên. Tiên Dong trông thấy giật mình, nhìn ra biết là người con trai, mới gọi hỏi cơn cớ làm sao, thì Đồng Tử cũng thú thật cả đầu đuôi làm vậy.
Tiên Dong bảo rằng: - Ta nguyên không muốn lấy chồng, nay sự đã thế này, tất là Nguyệt Lão xe duyên đây.
Mới sai Đồng Tử tắm táp, ban cho quần áo, đem xuống thuyền ăn yến vui vẻ. Người trong thuyền ai cũng cho là sự kỳ dị.
Đồng Tử nhất định xin từ, không dám lấy. Tiên Dong bảo rằng: - Thiếp với chàng là tự trời xe duyên, can gì mà từ.
Đồng Tử từ mãi không được phải nghe. Từ bữa ấy hai người kết làm vợ chồng. Có người về tâu với vua Hùng Vương, vua nổi giận nói rằng: - Tiên Dong không biết tiếc danh giá, chơi bời đường xá, lấy kẻ nghèo hèn, còn mặt mũi nào mà nhìn đến ta!
Tiên Dong vì thế sợ hãi không dám về, mới cùng với Đồng Tử lập ra phố xá buôn bán với dân. Buôn bán mỗi ngày một thịnh, dần dần thành ra một làng. Các khách buôn bán ngoại quốc qua lại, ai cũng coi bà Tiên Dong làm chủ cả vùng ấy.
Có một người lái buôn bảo với Tiên Dong rằng: - Nếu được trăm cân vàng, cho người đi với tôi ra ngoài bể, buôn những đồ quí, sang năm tất được lãi gấp mười.
Tiên Dong mừng rỡ, bảo với Sử Đồng Tử rằng: - Vợ chồng ta là tự trời dắt lại, cơm ăn áo mặc cũng là tự trời cho, vậy thì chàng nên đem vàng ra bể mà buôn.
Sử Đồng Tử đem vàng đi với người lái buôn ra ngoài bể, đến núi Quỳnh Lãng, trông lên trên núi có một am nhỏ. Đồng Tử trèo lên xem phong cảnh. Trong am có nhà một nhà sư còn trẻ, tên là Phật Quang, thấy Đồng Tử có cách điệu thần tiên, muốn truyền phép cho Đồng Tử. Đồng Tử ở liền ngay đấy học đạo. Được hơn một năm, Đồng Tử trở về, Phật Quang tặng cho một cái gậy, một cái nón, và dặn rằng: - Phép linh thông ở cả cái gậy và cái nón này.
Đồng Tử vâng lĩnh từ về, đem đạo Phật về dạy Tiên Dong; Tiên Dong tỉnh ra, mới bỏ cửa hàng buôn, hai vợ chồng rủ nhau đi học đạo. Một hôm đi xa, trời đã tối mà chưa đến chỗ dân cư, mới tạm chống gậy và che cái nón ở dọc đường để nghỉ. Canh ba đêm hôm ấy, bỗng dưng hiện ra thành quách, lầu ngọc, điện châu, kho, tàng, dinh, phủ, vàng bạc, châu báu, giường, sập, màn, trướng, lại có tiểu đồng, ngọc nữ, tướng sĩ thị vệ, hầu hạ xung quanh.
Sáng ngày mai, ai ai trông thấy cũng lấy làm lạ lùng kinh hãi, tranh nhau mang hương hoa ngọc thực đến dâng. Lại có đủ văn quan, võ tướng, chia quân canh giữ các cửa thành, tựa một hồ nước.
Vua Hùng thấy chuyện làm vậy, cho là làm loạn, sai quan quân đến đánh. Khi quan quân sắp đến nơi, chúng tâu xin đem binh ra cự.
Tiên Dong cười nói rằng: - Việc nầy không phải tại ta làm ra, bởi tự trời xui nên thế. Ta dù sống chết đã có trời, dám đâu cự nhau với cha? Ta chỉ thuận theo lẽ phải, mặc ý cha ta ghết chết cũng cam tâm.
Khi quan quân tiến đến, đóng ở châu Tự Nhiên (bây giờ gọi là Khoái Châu phủ), còn cách bên này một con sông. Trời đã tối, quân chưa kịp sang sông. Đến nửa đêm, bỗng nhiên trời nổi giông gió bay cát đổ cây, rồi thì cả một khu bà Tiên Dong ở, cửa nhà, người, giống súc vật, trong một lúc bay cả lên trời; chỉ còn bãi đất không ở lại trong đầm mà thôi. Bởi thế bãi ấy gọi là bãi Tự Nhiên, đầm ấy gọi là đầm Nhất Dạ (một đêm).
Dân ở đấy thấy sự lạ lùng, mới lập miếu để thờ. Về sau, vua Triệu Việt Vương đóng binh trong đầm, cự nhau với quân nhà Lương. Tướng nhà Lương là Trần Bá Tiên đánh mãi không được. Đến lúc Bá Tiên trở về, ủy cho tì tướng là Dương Sàn vây đánh, Triệu Việt Vương thiết đàn trong đầm cầu khấn, xin thần giúp cho. Bỗng thấy một ông thần (tức là Sử Đồng Tử) cưỡi rồng xuống đàn, bảo rằng: - Ta tuy đã lên trời, nhưng uy linh vẫn còn ở đây, ngươi có lòng thành cầu đến ta, vậy ta xuống giúp.
Nói đoạn nhổ một cái vuốt chân rồng, trao cho Triệu Việt Vương và dặn rằng: - Ngươi lấy cái vuốt rồng này, cắm lên chỏm mũ đâu mâu thì đi đến đâu, giặc phải tan đến đấy.
Nói vừa dứt lời, rồng bay vụt lên trời biến mất. Triệu Việt Vương nghe lời, cắm vuốt rồng lên trên chỏm mũ, tự bấy giờ sức khỏe mạnh hơn trước, thanh thế mỗi ngày một to, mới đem quan đánh nhau với Dương Sàn, chém được Dương Sàn tại trước trận, quân nhà Lương phải tan chạy hết về Tàu._________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG Fri 29 Jan 2010, 00:59 | |
| PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG Về đời vua Hùng Vương thứ sáu, thiên hạ thái bình, dân gian giàu có; vua không triều cống với nhà Ân bên Tàu. Vua nhà Ân thấy vậy, giả tiếng đi tuần thú, muốn đem quân sang cướp nước Nam.
Vua Hùng Vương lo sợ, vời quần thần vào hỏi mẹo đánh giữ, có người phương sĩ [xciv] thưa rằng: - Bệ hạ nên kêu khấn với Long quân, thì ngài sai thiên tướng xuống giúp mới xong.
Vua nghe lời, lập đàn làm chay, cúng cấp ba ngày cầu khấn. Bỗng đâu trời nổi cơn giông, sấm sét ầm ầm, mưa như trút nước. Rồi có một ông cụ già, cao lớn 9 thước, mặt mũi to lớn, đầu bạc râu trắng, ngồi ở ngã ba đường cái, vừa cười vừa nói, ngâm hát múa mênh.
Ai trông thấy cũng cho làm lạ, mới tâu vua. Vua thân hành ra mời ông cụ ấy đến chỗ đàn làm chay, dâng cơm rượu thết đãi. Ông cụ ấy không ăn uống và cũng không nói năng câu gì.
Vua hỏi rằng: - Sắp có giặc Bắc xâm phạm nước Nam, được thua thế nào, xin cụ bảo cho.
Ông cụ lâu mãi mới nói rằng: - Sau ba năm nữa, giặc Bắc tất kéo đến đây. Nhà vua nên tìm khắp cả thiên hạ, mà cầu lấy người kỳ tài, phá được giặc, thì nên chia đất phong tước cho người ta, truyền mãi vô cùng. Nếu được người giỏi phá giặc không khó gì nữa.
Nói đoạn, bay vụt lên trời biến mất.
Vua lấy làm lạ, mới tuân lời ấy, sai sứ đi khắp trong nước cầu người tài. Bấy giờ ở làng Phù Đổng, huyện Võ Ninh (bây giờ là Võ Giàng), có một ông nhà giàu, ngoại 60 tuổi, chỉ sinh được một người con trai lên ba tuổi chưa biết nói, mà chỉ nằm ngửa, không ngồi đứng lên được. Khi sứ giả đi cầu người tài, đến làng ấy, người mẹ cười nói bỡn con rằng: - Đẻ được một chút con trai, chỉ biết ăn uống, ngồi đứng không được, thì đánh thế nào được giặc, để mà lĩnh thưởng của vua, đền công sinh dưỡng cho cha mẹ.
Người con nghe vậy, bỗng nhiên biết nói, bảo mẹ gọi sứ giả lại đây. Mẹ lấy làm lạ lùng, bảo với láng giềng. Người láng giềng thấy lạ chuyện, xui người nhà thử gọi sứ giả xem ra làm sao.
Khi sứ giả đến, trông thấy người còn bé, hỏi rằng: - Tiểu nhi kia, gọi ta đến làm gì?
Tiểu nhi ngồi dậy, bảo với sứ giả rằng: - Sứ giả trở về cho mau, tâu với vua, đúc cho ta một con ngựa sắt cao 18 thước; một thanh kiếm dài 7 thước; và một cái nón sắt, đem lại đây cho ta. Giặc đến trông thấy ta, tự nhiên phải sợ mà chạy, vua can gì phải lo?
Sứ giả mừng lắm, về tâu với vua. Vua mừng rỡ bảo quần thần rằng: - Đây là Long vương cứu ta đây! Năm ngoái ông cụ già nói chuyện, quả nhiên không sai, các ngươi chớ hồ nghi gì nữa!
Vua lập tức sai thợ rèn đúc ngựa sắt, kiếm sắt đến, sai người đem lại đưa cho tiểu nhi. Sứ giả sắp đến, mẹ ở nhà lo lắm, chỉ sợ con nói xằng thì vạ lây đến cả nhà.
Tiểu nhi cười ầm lên nói rằng: - Mẹ cứ kiếm rượu thịt cho nhiều, cho tôi ăn uống, còn việc đánh giặc, mẹ không phải lo.
Tiểu nhi tự bấy giờ mỗi ngày một lớn, cơm ăn áo mặc tốn lắm. Mẹ tuy nhà giàu mà cũng không đủ nuôi cho ăn, hàng xóm láng giềng phải tư cấp giúp thêm; nào kẻ đỡ tiền thóc, người dâng rượu thịt, mà ăn vẫn không được no; vải lụa nhiều thế nào cũng mặc không đủ; cửa nhà ở cũng không vừa, phải ken cỏ lau lớp một cái nhà to để ngài ở.
Khi giặc Ân kéo đến núi Châu Sơn (thuộc về huyên Tiên Du) thì sứ giả đem ngựa kiếm đến nhà giao cho ngài. Ngài vươn vai đứng lên, cao hơn 2 trượng, ngẩng mặt lên trời, gầm lên vài mươi tiếng, rồi rút thanh kiếm cầm trên tay quát lên rằng: - Ta là thiên tướng nhà trời đây!
Lập tức đội nón nhảy lên ngựa tế đi. Ngựa hét ra lửa mà chạy như bay, chỉ chớp mắt đã đến chỗ quân đóng. Ngài trở gươm đi trước, quan quân kéo theo sau, tiến sát đến trại giặc. Giặc bày trận ở dưới chân núi Châu Sơn, ngài xông vào trận đánh giết một hồi lâu, gẫy mất cả kiếm, mới vớ lấy tre ở bên cạnh đường cầm cả tảng tre mà quật vào đám giặc. Quân giặc tan nát tựa hồ đất lở ngói tan, tranh nhau lạy phục xuống đất, kêu rằng: - Lạy ngài, ngài là thần tướng trên trời, chúng tôi xin chịu hàng cả.
Khi đánh đến núi Ninh Sóc, thì giặc đã tan hết cả rồi, ngài mới cởi áo bỏ đấy, rồi cưỡi ngựa bay lên trời. Đến bây giờ vẫn còn dấu người, ngựa ở trên núi.
Vua nhớ, không biết lấy gì báo được, mới phong ngài làm Phù Đổng thiên vương lập miếu thờ ngay ở vườn nhà khi trước, ban cho dân một trăm mẫu ruộng tự điền [xcv] bắt phải bốn mùa cúng tế.
Từ đấy, giặc Bắc không dám sang xâm phạm nữa. Bốn phương nghe chuyện làm vậy, đâu đâu cũng hòa hiếu với nước Nam.
Đến đời nhà Lý, gia phong làm Sung Thiên thần vương. Bây giờ vẫn còn thờ ở làng Gióng, mà tượng thì tô ở trên núi Vệ Linh, mỗi năm đến tháng tư dân làng ấy mở hội to lắm.
Những tre ngài nhổ lên đánh giặc bây giờ thành rừng ở huyện Gia Bình, gọi là tre Đằng Ngà.
Chỗ con ngựa thét ra lửa, cháy mất một làng, cho nên bây giờ làng chỗ ấy gọi là làng Cháy._________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: TẢN VIÊN SƠN THẦN Sat 30 Jan 2010, 01:18 | |
| TẢN VIÊN SƠN THẦN Núi Tản Viên thuộc về huyện Phúc Lộc (bây giờ là huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây), có ba tầng cao chót vót hình như cái tán, cho nên gọi là núi Tản Viên.
Tục truyền thần núi ấy khi xưa là dòng dõi vua Lạc Long. Nhà nghèo, vào rừng kiếm củi, chặt một cây cổ thụ, hôm sau lại có sao Thái Bạch xuống cứu cây ấy sống lại, rồi cho ngài một cái gậy và dặn rằng: “Gậy này có phép cứu được bách bệnh cho người ta, hễ ai ốm đau chỉ cầm gậy gõ vào chỗ đau là khỏi, vậy ta cho ngươi để cứu dân độ thế”. Ông ấy nhận cái gậy, từ đấy bỏ nghề kiếm củi, đi chữa bệnh cho người đau. Có một hôm, đi qua bờ sông thấy lũ trẻ chăn trâu, đánh chết một con rắn. Ông ấy trông trên đầu con rắn có chữ vương, biết là rắn lạ mới cầm gậy gõ vào đầu con rắn, thì con rắn ấy sống lại bò xuống sông mà đi mất.
Được vài hôm, bỗng có một người con trai đem đồ vàng, ngọc, châu báu đến nói rằng: - Thưa ông, tôi là Tiểu long hầu, con vua Long vương bể Nam. Bữa trước, tôi đi chơi trên trần, chẳng may bị bọn trẻ con đánh chết, nhờ có ông mới được sống, vậy tôi có của này đến tạ ơn ông.
Ông ấy nhất định không lấy, Tiểu long hầu mới cố mời ông ấy xuống chơi dưới bể, đưa ra một cái ống linh tê, để ông ấy rẽ nước đi xuống. Long vương thấy ngài xuống chơi, lấy làm mừng lắm, mở tiệc thết đãi ba ngày, rồi đưa tặng những của quí lạ, ông ấy cũng nhất định không lấy gì cả. Long vương mới biếu một quyển sách ước, ông ấy nhận sách đem về, giở ra xem, muốn ước phép nào cũng được. Từ bấy giờ cứu được cho dân nhiều lắm, mà các phép thần thông biến hóa không thần thánh nào theo kịp.
Khi ngài đã thành thần rồi, đi qua cửa bể Thần Phù lên mạn ngược, tìm chỗ nào cao ráo phong quang và được thói dân thuần hậu thì mới ở. Khi đến Thăng Long, xem dân tình ăn ở phù hoa, không bằng lòng mới bỏ mà lên huyện Phúc Lộc, thấy chỗ ấy có núi Tản Viên, ba từng núi xòa xòa hình như cái tán, phong cảnh vui vẻ, thần mới hóa phép làm một con đường về phía nam núi, thẳng tự bến Phan Tân đến Tản Viên. Đường quá cánh đồng làng Vệ Đỗng và làng Nham Toàn hóa phép hiện ra lâu đài để nghỉ ngơi. Lại qua cánh đồng Thạch Bạn, Vân Mộng, rồi lên mãi từng núi cao nhất để ở.
Thần tự khi ở núi ấy, thường thường ra chơi sông Tiểu Hoàng xem cá. Chỗ nào có phong cảnh đẹp cũng đến chơi. Chơi đến đâu lại hiện ra đền đài đến đấy để nghỉ ngơi. Các làng trông thấy chỗ nào có dấu đền đài, thì lại lập đền miếu để thờ.
Bấy giờ, vua Hùng Vương có người con gái tên là Mị Nương, nhan sắc rất đẹp, thần núi và vua thủy cùng hỏi xin lấy làm vợ. Vua Hùng Vương nói rằng: - Một thuyền quyên không có lẽ sáng được hai anh hùng, vậy thì ngày mai, ai đem được đủ đồ lễ đến trước thì ta gả cho.
Sáng ngày mai, thần Tản Viên đem những đồ vàng bạc châu báu, cùng là giống chim quí thú lạ lại dâng [xcvi]. Vua Hùng Vương y ước gả cho, thần mới đón nàng Mị Nương về ở trên đỉnh núi Tản Viên.
Vua Thủy đem đồ lễ đến sau, thấy thần núi đã rước dâu về rồi, tức giận lắm, mới làm ra mưa to gió lớn, và dâng nước lên để đuổi theo cướp về.
Thần núi thấy vậy, làm ra lưới sắt, chắn ngang đường thượng lưu huyện Từ Liêm. Vua thủy lại đi đường khác, tự sông Lý Nhân vào sát chân núi Quảng Oai, men bờ lên cửa sông Hát Giang, rồi ra sông Lư, vào sông Đà để đánh mé sau núi Tản Viên. Lại mở ra các sông nhỏ để đem nước vào đánh mé trước núi. Đi qua các làng Cam Giá, Đông Lân, Cổ Nhạc, My Xá, đi đến đâu xoáy nước xuống thành vực, để làm chỗ các giống thủy tộc ở, rồi tiến nước lên đánh nhau với thần núi. Thần núi thì bảo dân xung quanh đấy đan phên chắn nước và dùng cung nỏ bắn xuống; lại sai các loài hùm, beo, voi, gấu, bẻ cây cối vận đá ném xuống sông. Mỗi phen đánh nhau, mưa gió sấm chớp ầm ầm, trời đất mù mịt. Đánh nhau xong rồi, thì thấy những loài cá, ba ba, thuồng luồng, chết nổi cả trên mặt sông. Từ đấy hai thần thù nhau, mỗi năm đánh nhau một chuyến.
Thần núi linh ứng lắm. Phàm khi nào đảo mưa cầu tạnh, cũng thường ứng nghiệm. Ai nhờn nhỡ đến thì có tai nạn ngay. Mỗi khi tạnh trời, thần thường hiện hình chơi các nơi khe suối, có đám mây phủ như hình tán quạt.
Khi nước Nam nội thuộc nhà Đường, Cao Biền sang làm Đô hộ, muốn trấn yểm các nơi linh tích; bắt đứa con gái 17, 18 tuổi chưa có chồng, cho ăn đồ hoa quả, mặc áo xiêm lịch sự, đặt lên ngồi trên ngai, giết trâu bò tế bái để cho thần phụ vào người con gái ấy, rồi rình khi cất nhắc chân tay, thốt nhiên chém đi. Thường hay dùng thuật ấy để trấn áp bách thần. Khi Biền dùng mẹo ấy cúng thần Tản Viên, thì thần cưỡi ngựa trắng ngồi trên đám mây nhỏ vào cỗ tế mà đi.
Cao Biền than rằng: - Linh khí nước Nam còn thịnh vượng lắm, không tài nào mà trừ được!
Thần có phép lạ, biến hóa không biết đâu mà lường. Quan Hàn lâm là Nguyễn Sĩ Cố về thời nhà Trần phải đi dẹp giặc, đi qua đền ngài, đem lễ vào khấn, rồi đề một bài thơ rằng:
Non ngất, thần thiêng lẫm liệt thay! Động lòng đã thấu tới cao dày. Mị nương cũng hiển oai linh lắm, Xin giúp thư sinh một chuyến này.
_________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: LÝ ÔNG TRỌNG Fri 05 Feb 2010, 00:28 | |
| LÝ ÔNG TRỌNG Về cuối thời vua Hùng Vương, ở làng Thụy Hương (tục gọi là làng Chèm), huyện Từ Liêm, có một người họ Lý tên Thân, hiệu là Ông Trọng, cao 2 trượng 6 thước, khỏe mạnh tuyệt trần. Thuở còn hàn vi, nhân có sự giết người, đáng phải tội chết. Vua thấy người cao lớn lực lưỡng, không nỡ giết. Đến đời vua An Dương Vương, vua Thủy Hoàng nhà Tần đem binh sang xâm nước Nam. An Dương Vương xin hàng, rồi đem Lý Ông Trọng sang cống bên Tàu. Thủy Hoàng được Ông Trọng mừng lắm coi như của rất quí trong đời, dùng ngay làm Tư vệ hiệu úy.
Đến khi Thủy Hoàng đem binh đi đánh dẹp thiên hạ, thì sai Ông Trọng trấn thủ đất Lâm Thao, để phòng quân rợ vào quấy nhiễu. Ông Trọng hùng dũng, tiếng lừng lẫy một vùng, rợ Hung Nô không dám bén mảng đến cửa ải. Thủy Hoàng mới phong thêm cho Ông Trọng làm Phụ tín hầu.
Về sau, Ông Trọng cáo lão về nước nhà hưu dưỡng. Không được bao lâu, rợ Hung Nô thấy vắng Ông Trọng lại vào quấy nhiễu các sứ biên thùy, Thủy Hoàng nhớ đến Ông Trọng, sai người sang vời, thì bấy giờ người đã mất rồi.
Sứ giả về tâu lại, Thủy Hoàng phàn nàn thương tiếc vô cùng, mới đúc tượng Ông Trọng bằng đồng, đặt ở ngoài cửa Tư Mã cung Hàm Dương. Trong bụng để rỗng, có máy vặn cho chân tay động đậy được. Thường khi sai vài chục người chui vào trong tượng đồng vặn máy cho rung động, người rợ Hung Nô qua lại, tưởng là Ông Trọng còn sống, không dám vào quấy nhiễu nữa.
Đến đời nhà Đường, Triệu Xương sang làm Đô hộ nằm mơ thấy một người to tát cao lớn, đến chơi bàn giảng nghĩa sách Xuân Thu, Tả truyện. Hỏi tên họ thì nói là Lý Ông Trọng ở làng Thụy Hương. Triệu Xương tỉnh dậy ngày mai hỏi thăm đến chơi tận làng ấy, tra hỏi sự tích, rồi lập miếu ngay tại khu nhà cũ ông ấy để thờ. Khi sau Cao Biền sang đánh nước Nam Chiếu, Ông Trọng hiển linh giúp Cao Biền phá giặc thành công. Cao Biền mới sai sửa sang lại đình đài, tạc gỗ tô tượng, gọi là đền “Lý hiệu úy”.
Từ bấy giờ trở đi, thường linh ứng lắm, dân xã có việc gì cầu đảo đến cũng nghiệm. Lịch triều cũng phong tặng làm Linh ứng thượng đẳng thần. Vì ở làng Chèm cho nên tục gọi là Thánh Chèm._________________________ |
| | | Sponsored content
| Tiêu đề: Re: Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính | |
| |
| | | |
Similar topics | |
|
Trang 4 trong tổng số 6 trang | Chuyển đến trang : 1, 2, 3, 4, 5, 6 | |
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |