Bài viết mới | Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 06:59
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:17
KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45
KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30
SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22
Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22
NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20
KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08
Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54
Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10
7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10
Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21
Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52
Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28
Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13
Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07
Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36
Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09
Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46
Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06
Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04
DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19
Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37
Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34
TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17
CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05
Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04
Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41
Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16
|
Âm Dương Lịch |
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
|
|
| Tác giả | Thông điệp |
---|
nhanbkvn
Tổng số bài gửi : 1612 Registration date : 16/07/2012
| Tiêu đề: *_Dường Vào Hang Cọp Sun 17 Mar 2013, 20:04 | |
| Thông tin ebookTên truyện: Đường Vào Hang Cọp Tác giả: Hà Châu Thể loại: Văn học trong nước Nhà xuất bản: Tuổi Hoa Năm xuất bản: 1962 Tủ sách: Tuổi Hoa - Hoa Xanh Số quyển / 1 bộ: 1 Hình thức bìa: Bìa mềm ---------------------------------- Chương 01
Tôi sinh trưởng ở một thôn trang hẻo lánh. Cha mẹ tôi giữ việc canh nhà cho một điền chủ giầu có trong vùng. Tôi thuộc vào lứa con đầu tiên mẹ tôi sinh ra. Lứa ấy mẹ tôi sinh hạ một mách năm đứa: ba đực, hai cái. Theo lời mẹ tôi thuật lại - bởi vì dù thuộc vào hàng súc vật, loài chó chúng tôi cũng có cách diễn tả riêng - thì khi mẹ tôi nằm ổ, dưới chân một cây rơm đằng cuối vườn, gia đình chủ tôi hay tin lấy làm mừng rỡ lắm. Vừa nghe anh nhỏ chăn trâu, lúc ấy rút rơm về cho trâu ăn, reo lên: - Ơ hơ! Con Bông đẻ! Cả nhà chủ tôi, từ ông chủ bà chủ, đến cô gái và hai cậu con trai đều vui vẻ tuốn ra sân. Ông chủ tôi đi đầu luôn miệng hỏi: - Đâu? Con Bông nằm đâu? Bông là tên mẹ tôi. Tên ấy được ông bà chủ đặt ra do bộ lông óng ả mẹ tôi mang trên mình. Phải công nhận rằng mẹ tôi có bộ lông thật đẹp, trắng mịn màng từ hai tai xuống cuối đuôi, khác hẳn với bộ lông ngắn và cứng, luôm nhuôm màu tro của cha tôi. Anh nhỏ chăn trâu nghe ông chủ hỏi, chỉ vào ổ mẹ tôi nằm: - Thưa chủ, con Bông nằm đây! - Nó sinh được mấy con? - Dạ, lúc nhúc một đàn! Con chưa rõ là bao nhiêu! Lúc ấy cha tôi cũng có ở đó, ngồi chồm hổm bên cạnh mẹ tôi. Thấy đông người kéo tới, cha tôi vểnh tai nhếch mép lên gầm gừ, sẵn sàng hộ vệ cho vợ con. Nhưng khi nhận ra ông chủ với giọng nói oai quyền của ông truyền ra: - Vện! Khôn nhé! Ông đây, ông đến thăm con mày đây! Thì cha tôi cụp tai xuống, ve vẩy đuôi, ra dấu phục tòng. Mẹ tôi cũng ngước mắt nhìn, và khi nhận biết đó là những người chủ nuôi có quyền trên số phận của cả nhách chó mẹ tôi sinh ra, liền lặng lẽ liếm trên mình từng đứa chúng tôi cho sạch sẽ. Đó là cách mẹ tôi lau rửa cho chúng tôi. Cứ liếm xong mỗi đứa, mẹ tôi lại nhẹ nhàng lấy mõm hất ra cho nhà chủ coi. Ông chủ đỡ lấy từng đứa một, bưng trên tay cho mọi người cùng xem. Bắt đầu là chị tôi. Ông khen chị tôi có bộ lông đẹp, trắng bông như của mẹ tôi. Ông nói: - Con này giống mẹ, cũng lại là con Bông đây. Con gái chủ vuốt ve chị tôi và xuýt xoa bảo cha: - Xinh thật! Ba cho con để con nuôi ba nhé. Ông chủ gật đầu cười: - Ừ, ba cho để sau này con lấy chồng, ở riêng, nó theo coi nhà cho con luôn. Cô con gái nghe bố nói như thế có vẻ ngượng nên cô quay đi giấu mặt vào vai mẹ. Ông chủ vạch mõm chị tôi ra coi lưỡi, gật gù tiếp: - Con “Bông con” này rồi khôn lắm. Lưỡi có đốm đen như con mẹ. Nhưng phải biết cách dạy cho nó ngoan, nhất là khi lớn lên phải để ý kiếm cho nó một con đực thật tốt đừng để nó đi hoang. Giống chó cũng như con người, đi hoang không hay bao giờ. Cô con gái ông chủ liền cam kết với bố: - Con sẽ dạy nó thành một con chó thuần thục, biết vâng lời. Nó sẽ không ra khỏi cửa nếu con không cho phép. Và đến khi nó tới tuổi, con sẽ chọn cho nó một… đứa như con Vện nhà ta! Như quý vị đã biết: Vện là cha của chúng tôi! Sở dĩ mẹ tôi hay thuật lại cặn kẽ đoạn này vì mẹ tôi có ý cho chúng tôi biết: Chúng tôi là những đứa con thuộc giòng giống tốt. Và nếu bây giờ tôi có dài giòng về chuyện chị tôi cũng là cốt ý khoe với quý vị rằng chúng tôi không thuộc vào loại chó hoang mà người ta thường ghét bỏ và xử tệ. Sau chị tôi đến anh hai tôi - ấy là kể theo thứ tự trước sau khi chúng tôi chui từ bụng mẹ ra. Anh hai tôi có bộ lông lai giống của cả bố lẫn mẹ, vừa trắng vừa có điểm những đốm màu tro. Khi ông chủ túm gáy anh hai tôi giơ lên thì cả hai cậu con trai ông đều reo cùng một lượt: - A, con này “đơ cu-lơ!” Bà chủ cười ngặt nghẽo: - Đơ cu-lơ là cái giống gì? Cậu lớn nói: - Dạ, nó vá hai màu! Cậu nhỏ tiếp: - Đơ cu-lơ là hai màu má à. - Thì sao không gọi nó là con Vá? Ông chủ xem tướng anh tôi rồi gật gù: - Ừ, con Vá này khá đấy. Nó sẽ thuần thục giống con mẹ, và kiệt-hiệt giống con bố. Lưỡi đốm, mõm đen, chân có huyền đề. Thứ này coi nhà, săn chuột thì phải biết! Cả hai cậu con trai đều reo: - Để nuôi! Để chúng con nuôi! Ông chủ vui vẻ gật đầu: - Ừ, để nuôi! Rồi ông cúi xuống túm lấy anh ba tôi. Bàn tay ông vừa đụng tới, anh đã co rúm cả bốn vó lại, rãy rụa… Ông chủ cười: - Con này mõm ngắn, cẳng lớn, lông lại luôm nhuôm giống bố, tiếc rằng có một vệt trắng trước ngực nên gọi nó là con Vằn. Tướng này không hay lắm. Chỉ dữ thôi. Dữ mà không khôn thì có ngày nó đớp què cẳng cả người trong nhà. Ông đặt anh tôi xuống, nói lửng: - Để đó rồi coi! Lời nói sau cùng của ông chủ làm mẹ tôi thắt ruột se gan lại. Số phận của anh ba tôi, căn cứ vào câu nói lưỡng ấy có thể là một ngày kia sẽ được tẩm mùi riềng mẻ, nếu quả thật lời tiên đoán của ông chủ mà đúng. Loài chó chúng tôi khi đã không giúp ích được gì lại còn gây tai vạ ra nữa thì còn có biện pháp nào ngon lành hơn là đem đi làm thịt? Cho nên khi đến lượt tôi, mẹ tôi lại càng lo lắng hơn nữa. Tôi chẳng có vẻ gì đáng được người ta chú ý. Bộ lông của tôi nhem nhuốc như màu đất thó, đuôi tôi ngắn ngủn, thè lè có một mẩu. Đối với chúng tôi, khấu đuôi rất là quan hệ. Nó biểu lộ tình cảm của chúng tôi khi vui buồn, tức giận, cũng như khi cần làm duyên làm dáng. Thế mà, ác hại thay, tôi lại mất ngay khấu đuôi từ thuở mới lọt lòng. Nhưng trong cái rủi thường lại có cái may. Mẩu đuôi dị dạng của tôi khi được ông chủ khám phá ra đã làm mọi người cười rộ. Mới nhắc tôi lên, ông đã nói: - Ô, con này cụt đuôi! - Chó cộc! Chó cộc! - Gọi luôn nó là con Cộc! Ha, ha! Giữa sự vui vẻ của cả nhà, ông chủ quên ước đoán về đức tánh của tôi luôn. Ông thả tôi xuống, cười nói: - Thôi, cho con Cộc này xuống, để xem em nó thế nào? Em tôi không có tướng gì đặc biệt. Bộ lông của nó cũng nhem nhuốc màu đất như tôi. Nó lại bé bỏng nhất đàn nên không được sự chú ý của chủ tôi mấy. Ông chỉ giơ lên xem qua rồi bảo: - Chó cái! Con này nhỏ mình. Chắc nó sinh ra sau cùng. Tâm lý người ta đối với con út thường vẫn có sự nhân nhượng, nên dù em tôi xấu xí, bé bỏng, nó cũng được ông chủ tỏ vẻ dung túng. Ông chúm môi thổi nhẹ vào mõm nó, cười bảo: - Phải mầy là con út không, Cún? Lợi dụng lúc ông chủ vui vẻ, anh nhỏ chăn trâu chắp tay thưa: - Dạ, thưa chủ, con Cún đó, xin chủ cho tôi. Không nghĩ ngợi, ông chủ gật đầu: - Ừ, được! Cho mày con Cún đó, nhưng nó còn nhỏ quá, để chờ cho nó thôi bú đã. Vả đã có con nào mở mắt đâu? Lúc ấy chúng tôi chưa mở mắt thật, bò lổn ngổn lăn lóc như những củ khoai! Nhưng tên chúng tôi thì đã được đặt ra rồi và số phận của anh em tôi cũng gần như được định đoạt xong. Chị “Bông con” sẽ theo cô chủ đi lập một gia đình khác. Anh Vá chắc sẽ nối nghiệp cha tôi ở lại. Anh Vằn chưa biết sẽ ra sao, còn tùy theo tính nết của anh sau này. Tương lai anh có vẻ đen tối, nhưng biết đâu - phải, biết đâu được, anh chẳng tạo cho mình một tương lai sáng sủa hơn cái nghiệp “riềng mẻ” như mẹ tôi hằng lo lắng! Em Cún tôi, sẽ theo anh chăn trâu sống cảnh nghèo hèn. Tuy vậy, trong cảnh thanh bần, chưa chắc gì em tôi đã khổ. Tôi nghe nói những người nghèo thường giàu lòng vị tha, và khi chọn em tôi là con chó xấu xí bé bỏng nhất bọn, hẳn người chủ nghèo của nó cũng mong được nó bầu bạn chia sẻ cảnh sống hẩm hiu của mình, mà không nỡ tàn tệ với nó. Riêng tôi mới thực phân vân. Cuộc đời của tôi bông lông vô định, hai ba lần đổi chủ và cũng vài ba phen suýt chết vì tính khí huênh hoang xuẩn động của tôi. Bây giờ mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn không khỏi rùng mình. |
| | | nhanbkvn
Tổng số bài gửi : 1612 Registration date : 16/07/2012
| Tiêu đề: Re: *_Dường Vào Hang Cọp Sun 17 Mar 2013, 20:05 | |
| Chương 02
Tôi nhớn lên như thổi. Chẳng bao lâu, chỉ chừng ít tháng tôi đã chạy nhông khắp chốn. Trang trại của chủ tôi rất rộng, sân, vườn, bờ bụi, mặc sức cho anh chị em tôi tung hoành. Quãng đời “chó con” của chúng tôi thật sung sướng. Ngày ngày chúng tôi chỉ việc ăn no rồi lăn kềnh ra ngủ. Ngủ chán chúng tôi lại rủ nhau ra sân đuổi quanh gốc rạ, hoặc vật nhau, đùa rỡn ủng oẳng. Còn đang tuổi ăn chơi chúng tôi chẳng phải lo việc gì. Tuy nhiên mỗi đứa chúng tôi cũng đã bắt đầu tập theo một cách sống riêng. Chị “Bông con” được cô chủ gọi đến luôn. Cô hay bắt chị theo ra bờ ao để cô tắm rửa cho, hoặc phải theo cô xuống dưới vườn. Trong lúc cô ngồi tựa mình bên một gốc cây đọc sách, hoặc mơ màng nhìn đám mây bay, thì chị tôi cũng phải chầu bên cạnh, ghếch mõm lên đùi cô, để bàn tay cô lơ đãng vuốt ve trên bộ lông óng mượt của chị. Anh Vá được hai cậu con trai ông chủ kêu lại, bắt tập luyện theo ý muốn của họ. Anh phải nhảy thẳng mình cố vươn cao tới tầm tay họ giơ lên, hoặc xoải người ra chộp lấy một vật ở tay họ phóng ra rồi trả về chỗ cũ. Đôi khi anh còn phải lội xuống nước, tập bơi theo họ. Anh Vằn thì luôn luôn theo sát mẹ tôi. Từ khi mẹ tôi nằm ổ, và bị chúng tôi nhay tọp cả bầu vú sữa thì mẹ tôi gầy yếu một cách đáng thương. Mẹ tôi đi đứng lẩy bẩy nên thường hay nằm thở một chỗ. Anh Vằn, vì vậy cũng chỉ nằm buồn bên cạnh. Ngoài những lúc vui đùa với chúng tôi, hình như mẹ tôi cũng không muốn cho anh tôi đi đâu cả. Một hôm thấy anh Vá đang tập dượt với hai cậu con ông chủ, anh Vằn cũng ngứa cẳng chạy lại, nghiêng mõm đứng xem. Ý chừng thấy cái trò anh Vá làm không khó gì, - phải, có gì là khó nếu chỉ có việc rình xem chủ ném một vật gì rồi nhảy tới ngoạm lấy? - nên anh cũng muốn thử phô tài. Cậu trai nhặt một hòn sỏi ném ra, rơi gần chỗ một chị gà đang bới đất tìm sâu. Giật mình, chị gà kêu quác một tiếng bỏ chạy, làm anh Vằn tưởng đâu hòn sỏi đã hoá thành gà, nên anh chồm mình đuổi theo, trong lúc anh Vá đã nhặt được hòn sỏi đem về. Tình thế sẽ trở nên nguy ngập, nếu mẹ tôi không vội vàng can thiệp. Nghe chị gà quang quác nhộn cả một góc vườn lại thấy đứa con đần độn của mình đang hăm hở đuổi theo, mẹ tôi phải vội chạy đón đầu đuổi anh trở lại. Nghĩ thật đáng buồn cho anh. Em Cún được anh chăn trâu săn sóc một cách kín đáo. Đến bữa ăn anh nhắc nó ra một chỗ riêng đem phần cơm anh ăn dở cho nó. Anh vuốt ve nó và bảo: - Khôn nghe Cún! Tập ăn rau đậu đi cho quen. Tao nghèo không mấy khi có thịt cá cho mày ăn đâu. Chịu khó sống nghèo với tao vậy, nghe không? Chỉ có tôi chẳng ai dòm ngó đến cả. Tôi cũng không mấy bận tâm về điều ấy. Tính tôi như vậy, bông lông đến đâu hay đó. Được thể tôi càng rộng cẳng nhởn nhơ với cái tuổi trẻ non dại của tôi. Trong khi các anh chị em tôi tập sống theo hoàn cảnh riêng, rèn luyện thành những con chó tốt, thì tôi tự do lang thang, sục sạo đi tìm những cảnh sống mới lạ chung quanh. Tôi tò mò đứng xem ông Trâu nhai cỏ, hai cánh mũi to tướng thở phì phì nghe đến khiếp… Tuy tướng mạo ông to lớn dữ dằn như thế mà tính nết ông rất hiền lành. Tôi làm quen với ông và thường theo ra đồng xem ông cày ruộng. Tôi nhảy rỡn quanh ông, kêu lên những tiếng gâu gâu vui vẻ. Tới bờ ruộng, khi ông đủng đỉnh bước xuống đám bùn ngập nước tôi đứng nhìn ông một chập rồi mới cắm cổ chạy về. Tôi chui vào bờ bụi quanh vườn rình xem những chị gà “cục cục” tranh ăn, tranh nói bên anh gà trống. Những anh gà trống rất có vẻ ta đây, hay vươn cổ vỗ cánh bành bạch với dáng điệu coi đời bằng nửa con mắt! Thấy thế là tôi nhảy xổ ra phá các anh chơi, đuổi các anh chạy cong đuôi. Không phá các anh gà, thì tôi đi chọc tức các chú lợn ủn ỉn. Chà! Các chú mắt híp bụng phệ này chỉ có ăn với ở bẩn không loài nào bằng. Ụt ịt, ụt ịt, các chú đi lặc lè không nổi. Thấy họ đi mà sốt ruột Muốn bắt họ đi nhanh, tôi cắn vào đuôi họ làm họ kêu lên eng éc. Đàn lợn thuộc vào một nguồn lợi của nhà chủ, nên khi nghe tiếng kêu cấp cứu đó, bà chủ thường hiện ra, chỉ dọc ngọn roi vào tôi mà quát: - Cộc! Tôi sững người lại, lấm lét nhìn bà. Bà vung roi lên đe doạ: - Con nầy hư quá! Mày muốn chết đó, phải không Cộc? Tôi vội vàng lủi ngay, tìm chỗ kín nằm ẩn và đánh một giấc ngủ ngon lành. Tỉnh dậy, đói bụng tôi lần xuống nhà bếp tìm ăn. Thức ăn ở đây không thiếu. Tất cả cơm thừa canh cặn của nhà chủ đều được duôn vào một chậu sành dành làm phần ăn cho chúng tôi. Chúng tôi mặc sức ăn no mà vẫn không hết, thường phải trút bớt sang nồi cám lợn. Cuộc sống thanh nhàn no ấm như thế kéo dài suốt một thời kỳ thơ ấu của tôi. Tôi đang sung sướng nhởn nhơ bỗng một hôm nghe tiếng ông chủ đứng trên hè gọi xuống: - Cộc! Cộc! Tôi vội vàng chạy lại. Ông nắm gáy tôi đứng trước một người khách lạ mà nói: - Thưa, nó đây! Thầy giáo xem có ưng, tôi xin biếu để thầy giáo nuôi. Ông khách lạ ngắm tôi mỉm cười. Trông ông có vẻ hiền từ nhưng nghiêm nghị. Trước mặt ông, tôi vừa muốn nằm mọp xuống, vừa muốn bỏ chạy đi. Nhưng ông đã gọi: - Cộc! Lại đây xem nào! Ông đặt tay lên đầu tôi, vỗ về ra vẻ ưng thuận. Linh tính báo cho biết đời tôi sắp có sự thay đổi. Tôi sẽ phải từ giã cha mẹ, anh em để sống theo một hoàn cảnh mới. Tự nhiên tôi ngoắt mình bỏ chạy. Ra ngoài, tôi vội nép vào lòng mẹ tôi mà rít lên ai oán. Mẹ tôi, có lẽ đã hiểu từ lâu rằng: những đứa con bà sinh ra trước sau rồi cũng mỗi đứa đi một ngả. Đó là luật chung của Thượng Đế cho cả mọi loài, không riêng gì loài chó chúng tôi. Cho nên mẹ tôi lặng lẽ cúi xuống liếm trên mình tôi cho đến khi có tiếng cậu con trai ông chủ điền gọi: - Cộc! Con Cộc đâu rồi? Thì mẹ tôi buồn bã đứng lên, quay đi chỗ khác để mặc cậu quàng vào cổ tôi chiếc dây thòng lọng. Cuộc biệt ly buồn chảy nước mắt. Tôi lết hai chân sau xuống đất cố ngoảnh cổ lại nhìn lần cuối nơi tôi được diễm phúc sinh ra. Qua chuồng trâu, ông trâu còn ngoài ruộng chưa về. Các anh chị gà chạy rạt ra xa ngơ ngác đứng nhìn theo. Anh chị em tôi thì chạy theo tôi, kêu ủng oẳng. Gia đình chủ cũ đưa tôi ra tới cổng. Tôi nhìn họ với đôi mắt bi thảm, nhưng tất cả, lạ lùng thay con người, đều vui vẻ bảo tôi: - Về với thầy giáo cho ngoan nhé! Coi chừng kẻo ăn đòn đó nghe Cộc! |
| | | nhanbkvn
Tổng số bài gửi : 1612 Registration date : 16/07/2012
| Tiêu đề: Re: *_Dường Vào Hang Cọp Sun 17 Mar 2013, 20:05 | |
| Chương 03
Chủ mới tôi là một nhà mô phạm. Trẻ con trong vùng đều là học trò của thầy. Cả những anh đã lớn như hai cậu con trai ông chủ điền, xưa kia cũng đã từng cắp sách tới trường thầy thụ huấn. Bởi vậy thầy giáo được mọi người trong vùng kính nể. Ở với thầy, tôi không được tự do bông lông như trước, tuy cũng thong dong nhàn hạ. Thầy giáo sống cô độc một mình. Trong nhà ngoài thầy ra không còn có bóng người thứ hai. Có thêm bóng tôi ra vào, cảnh nhà bớt quạnh quẽ, và thầy cũng đỡ buồn. Ngay hôm mới về, thầy đã bắt tôi vào khuôn phép, dạy tôi cách đi đứng nằm ngồi cho nghiêm chỉnh, lại tập cho tôi biết cách chào lạy khi có khách quen tới thăm. Mỗi lần có ai đến, thầy bảo: - Cộc! Chào đi! Thì tôi phải đứng hai chân sau lên, để hai chân trước chụm lại trên ngực tỏ ý cung kính. Đối với các anh học trò nhỏ, tôi được phép giơ chân phải ra cho họ bắt, theo lối chào kiểu mới bây giờ. Kiểu chào này làm các anh khoái vô cùng. Thường khi tới trường, mon men qua cửa nhà thầy, nếu thấy tôi ngồi gác ngoài cửa, các anh đều tranh nhau chìa tay ra: - Bông-dua Cộc! Thoạt đầu, giữ đúng được phép tắc ấy, tôi thấy khó khăn quá. Tôi đã quen tính bông lông từ trước nên chẳng thể nào ép mình dễ dàng được. Nhưng thầy giáo rất nghiêm khắc, vả chiếc roi mây của thầy làm tôi đâm tởn không dám trái ý thầy bao giờ. Tập mãi rồi cũng quen, và khi đã thành thói quen thì không còn gì khó khăn nữa. Tôi trở thành danh giá nhờ ảnh hưởng của thầy giáo, và nhờ sự sửa dạy của thầy. Ai cũng khen tôi là con chó nết na, phép tắc. Cái đuôi cụt ngủn của tôi, không dè bây giờ lại làm tôi phân biệt với các đuôi chó khác. Thấy tôi, người ta đều bảo: - À, con Cộc! Con Cộc của thầy giáo. Tôi hãnh diện với danh hiệu ấy, và để tỏ mình xứng đáng là gia súc của một nhà giáo được kính nể khắp vùng, tôi chỉ quanh quẩn ở bên thầy. Thực tình tôi cũng không được phép đi đâu ngoài khu vực của nhà trường. Tầm mắt nghiêm khắc của thầy giáo luôn luôn kiểm soát hành động của tôi. Nhiều khi nằm ngóng trước hiên, thấy các bóng chó nhởn nhơ đằng xa, tôi những muốn phóng mình chạy theo chúng. Nhưng chỉ mới nhổm người lên, thầy giáo đã lừ mắt: - Cộc! Muốn chết đòn hả? Tôi lại đành nằm xuống, thui thủi với nỗi buồn chán ngán. Cũng may, tôi còn có các anh học trò nhỏ. Các anh rất tốt, thường cho tôi dự vào các trò chơi của họ. Vào giờ chơi, các anh đến gọi tôi: - Cộc! Cộc! Rồi các anh chạy cho tôi đuổi, reo vang cả một góc sân. Kể cũng đỡ buồn và đỡ cuồng cẳng. Khi các anh vào lớp, tôi trở về chỗ hiên nhà nằm nghe các anh ê a học tập. Tiếng thước gõ nhịp trên mặt bàn của thầy giáo nghe cành cạch, vang vang, như khuyến khích các anh mà cũng như đe nẹt cả tôi nữa. Đến giờ tan học, các anh ùa ra như đàn chim sổ lồng. Tôi cũng nhổm lên mừng rỡ. Các anh đi qua, nhao nhao: - Chào Cộc! - Bông-dua Cộc! Và họ không quên thưởng cho tôi, kẻ mẩu bánh, người miếng đường trước khi tạm biệt. Cuộc đời cứ thế trôi qua, tuy đối với tôi không mấy hứng thú, song cũng không thiếu vẻ êm đềm thanh thản. Nhưng đời tôi chưa phải chấm hết ở đây. Tôi còn trải qua một lần đổi chủ nữa. Mà lần này mới nên truyện.
* * *
Một hôm, vào ngày chủ nhật thầy giáo đương ngồi chấm bài trong nhà, tôi ghếch lên hai chân trước nằm lơ mơ ngoài đầu hiên, chợt nghe có tiếng còi điện, rồi một chiếc xe hơi từ đường cái ngoặt vào, lừ lừ đỗ trước sân nhà. Giật mình, tôi nhảy bổ ra, sủa hoáng lên, trong lúc thầy giáo chạy ra mừng rỡ: - Ô kìa, cô chú về chơi! Hướng về tôi, thầy mắng: - Cộc! Người nhà đấy, đi vào! Tôi len lén theo chân vợ chồng người khách lạ từ trên xe hơi xuống. Đó là vợ chồng người em rể của thầy tôi, nhân ngày nghỉ về thăm. Có lẽ từ ngày đi lấy chồng, cô em gái của thầy tôi bây giờ mới có dịp đến thăm anh ở chốn trường sở hiu quạnh này, nên cái gì cô cũng lấy làm lạ. Cô cười nói vui vẻ, và sự có mặt của cô làm tươi tỉnh nét mặt vốn dĩ khắc khổ của người anh. Nhân lúc hàn huyên, thầy giáo kêu tôi lại, muốn khoe những đức tính của tôi, thầy bảo tôi chào. Tôi đứng nghiêm bằng hai chân sau, hai chân trước chắp trên ngực. Cả hai vợ chồng người em đều trầm trồ khen ngợi, nhất là người vợ, người em gái của thầy tôi. Cô cười thích thú hỏi: - Tên nó là Cộc hở anh? Thầy tôi mỉm cười gật đầu. - Sao anh đặt cho nó cái tên kỳ quặc thế? - Tại nó cụt đuôi! Lúc ấy cô em gái mới để ý đến cái đuôi ngắn ngủn của tôi. Cô cười khanh khách: - Ừ nhỉ, ra nó cụt đuôi thật! Cô gọi tôi: - Cộc, lại đây. Chào cô đi xem nào! Tôi chào. Cô lại tiếp, chỉ tay sang phía người chồng: - Lại chào ông bác sĩ nữa! À, thì ra chồng cô làm bác sĩ. Ông bác sĩ, chắc tôi phải chào theo lối mới để ông biết tôi cũng văn minh. Tôi đến trước mặt ông, chìa chân trước ra. Thầy giáo lừ mắt: - Cộc, hỗn nào. Chào thế kia chứ? Nhưng ông bác sĩ đã vui vẻ nắm lấy chân tôi lắc lắc, trong lúc người vợ cười ngặt nghẽo: - Khôn thật. Con chó khôn thật. Cô bảo thầy tôi: - Anh cho chúng em con chó ấy đi! Và cô chạy đến vuốt ve tôi: - Về ở với chúng tao Cộc nhé. Thầy giáo nhìn tôi lưu luyến. Nhưng rồi thầy nói: - Nếu cô chú thích, thì đem nó về mà nuôi…
* * *
Tôi từ giã thầy giáo ngay buổi chiều hôm đó. Vào khoảng 5 giờ chiều vợ chồng ông bác sĩ sửa soạn xe để trở về Sàigòn. Tôi quanh quẩn bên chân thầy giáo, nửa muốn ở lại nửa muốn đi. Từ lâu sống bên thầy, thực lòng tôi chẳng muốn bỏ thầy. Thầy tuy nghiêm khắc nhưng đối với tôi không phải là thiếu tình thương. Vả sự nghiêm khắc của thầy chẳng đã giúp ích nhiều cho tôi đó sao? Nếu không nhờ thầy đe nẹt, dạy dỗ, làm sao tôi có thể trở thành một con chó nết na, tinh khôn được? Hơn nữa, trong nếp sống thanh đạm khắc khổ của thầy tôi vẫn được nuôi nấng đầy đủ, ăn uống no nê. Nhưng, nhìn chiếc xe hơi lộng lẫy, và sự tươi trẻ hiện rõ trên nét mặt vợ chồng ông bác sĩ, thú thực tôi bị cám dỗ rất nhiều. Chiếc xe hơi mở ra trước mắt tôi một chân trời mới, với viễn ảnh một cuộc sống phóng túng nơi đô thị. Tôi ngước nhìn thầy giáo. Dường như thầy cũng cảm động trước giờ ly biệt, nên đưa tay vỗ nhẹ trên đầu tôi. Tôi rít lên khe khẽ, tỏ ý quyến luyến thầy. Vợ chồng ông bác sĩ đã lên xe. Người vợ thấy tôi có ý nhắc: - Anh Giáo cho con Cộc đi với chúng em chứ? Thầy tôi liền ôm tôi lên, lặng lẽ đặt vào sau xe. Nhìn thầy đứng một mình dưới sân tôi muốn nhảy xuống, nhưng chiếc xe đã rồ máy, và từ từ leo lên đường cái. Tôi bàng hoàng nhìn trở lại, chỉ kịp thấy thầy đứng vẫy tay ở giữa sân. Ngôi trường học và nếp nhà hiu quạnh của thầy mờ chìm vào lớp bụi mịt mù phía sau xe. |
| | | nhanbkvn
Tổng số bài gửi : 1612 Registration date : 16/07/2012
| Tiêu đề: Re: *_Dường Vào Hang Cọp Sun 17 Mar 2013, 20:06 | |
| Chương 04
Xe ông bác sĩ về tới nhà thì thành phố đã lên đèn. Dưới ánh sáng chói loà của bóng điện, cảnh vật trở nên lộng lẫy khác thường. Tôi chưa quen với ánh sáng điện nên cứ hấp him cặp mắt mà nhìn mọi sự. Tất cả đều làm tôi bỡ ngỡ khiến tôi trở nên rụt rè sợ hãi. Nhà ông bác sĩ không rộng lớn lắm, nhưng sang trọng, ngoài có cổng sắt đóng kín và có chỗ cất xe ở bên trong. Khi xe đậu trước cửa phòng khách cho bà bác sĩ xuống, bà mở cửa xe bảo tôi: - Xuống đi, Cộc! Người em gái của thầy giáo về đến nhà là trở lại địa vị của bà bác sĩ giầu có. Giọng bà nghe kiêu căng, hách dịch khác lúc nói chuyện với thầy tôi. Tôi co rúm người trên xe chưa dám xuống thì bà đã gọi: - Vú già đâu? Một người đàn bà đứng tuổi, mặc áo cánh trắng chạy đến. Bà bác sĩ nói: - Vú cho con chó này xuống. Nó khôn lắm không cắn đâu mà sợ. Dẫn nó xuống bếp, xem nó có đói thì cho nó ăn. Từ nay tôi giao con Cộc này cho vú chăm nom đấy. - Thưa bà, tên nó là Cộc? - Phải! Vú già nắm lấy gáy tôi, miệng dỗ dành: - Khôn nhé Cộc! Xuống bếp tao cho ăn. Tôi lết hai chân sau để vú lôi đi. Giá tôi được ở lại với bà bác sĩ có lẽ tôi còn yên tâm hơn nhiều. Người vú già này, được lệnh chăm nom tôi đã tỏ ý bất nhẫn ngay tự lúc đầu. Trong lúc lôi tôi xuống bếp, và biết bà bác sĩ đã quay trở vào không để ý đến tôi nữa, bàn tay vú đã xiết mạnh trên da gáy của tôi. Đau quá tôi vùng vằng, thì bị ngay vú rút guốc ra quật phủ đầu một cú vào mông tưởng đến bại cẳng. Tôi ác cảm ngay với vú từ đó. Nhưng hôm đầu, còn bỡ ngỡ sợ sệt, tôi đành chịu. Chiều ấy tôi nhịn đói, đứng ngẩn ngơ một lát, thừa lúc vú già không để ý, tôi lẩn vào một chỗ kín nằm ẩn. Tôi mong ngủ đi một giấc nhưng cả đêm hôm ấy tôi không tài nào chợp được mắt, luôn luôn tôi giật mình vì những tiếng động lạ. Càng về khuya, tiếng xe cộ chạy nghe càng rõ. Sau này quen đi, và phân biệt ra từng thứ động âm của thành phố tôi mới yên bụng. Hôm đầu nghe tiếng nổ bành bạch vang động trong đêm khuya do động cơ của các thứ xe gắn máy phát ra tôi chẳng còn hồn vía nào cả. Nằm khoanh tròn run rẩy một chỗ, tôi nhớ đến miền quê tôi sinh trưởng, tới nếp trường với các anh học trò dễ mến, và tới thầy giáo đáng kính của tôi. Tôi tiếc sự sống thanh nhàn ở đó, và muốn quay trở về. Tôi mon men tìm lối ra cổng. Nhưng chiếc cổng sắt nhà ông bác sĩ đã khép kín, khoảng cách của những chấn song sắt chỉ vừa lọt cái mõm của tôi, không thể lách cả mình ra được. Tôi thử tìm cách chui lòn phía dưới, cố dùng hai chân trước đào một lỗ hổng. Nền đất láng xi măng, móng tôi cào xuống chỉ thêm đau buốt chẳng ăn thua gì. Tôi đành quay vào vừa mệt mỏi vừa thất vọng. Lúc chiều không ăn, bây giờ bụng tôi cồn cào vì đói. Tôi đi tìm ăn, nhưng cửa bếp đã đóng kín. Nhà thành phố ít khi mở cửa khi người ta ngủ, trừ một vài cửa sổ có chấn song sắt phía trên lầu. Quanh quẩn ngoài sân chẳng tìm ra thức gì ăn tôi đành tới chậu nước rửa uống tạm một hơi cho đỡ khô cổ. Rồi chui nằm dưới gầm xe chập chờn trong một giấc ngủ đầy mộng mị. Sáng hôm sau, tôi bừng mắt tỉnh dậy khi nghe tiếng gọi: - Ếu Cộc! Ếu Cộc! Tôi nhảy bổ ra, chạm ngay cẳng vú già. Vú lầu bầu: - Con quái! Tao tìm mày hết hơi. Mau lên bà chủ gọi. Bà chủ kêu tôi thật. Tôi cũng mong được gặp bà chủ, vì ít ra ở bên bà tôi còn có chút an ủi. Dù sao bà cũng là người có liên hệ tình nghĩa với thầy giáo tôi. Chính bà tỏ ý ưa thích tôi và nài xin cho tôi về ở với bà. Tôi lần theo hơi bà và gặp bà ở phòng ăn. Chà, cái phòng ăn sang trọng, thơm tho quá. Mùi thức ăn bốc hơi ngào ngạt làm tôi rỏ rãi. Thấy tôi, bà chủ vẫy: - Cộc! Lại đây. Bà bắt tôi chào, rồi thích thú gọi: - Vú già! - Dạ. - Vú lại đây mà xem này! Cộc, chào đi, Cộc! Trước đôi mắt gườm gườm của vú già tôi ngồi im không nhúc nhích, dù bà chủ nhắc bảo đôi ba lần. Tôi nhìn bà với ý muốn nói: Tôi rất kính trọng bà, sẵn sàng tuân theo lời bà, nhưng tôi không thể chào cái người vú già đáng ghét kia đã gây ác cảm với tôi ngay tự buổi đầu. Để ngỏ ý ấy, tôi cố ve vẩy khấu đuôi ngắn ngủn của tôi và tiến lại phủ phục dưới chân bà. Không ngờ bà chủ bất mãn hất tôi ra, gắt: - Tao bảo mày chào chứ tao có mượn mày liếm chân tao đâu? Cùng lúc ấy tôi bỗng thấy một vật từ cao phóng xuống cào cắn trên lưng tôi khiến tôi đau nhói lăn lộn đi mất mấy vòng. Định thần lại, tôi mới biết đứa vừa tấn công tôi là một gã mèo tam thể khá lớn. Giống mèo giả hình và giống chó thô lỗ chúng tôi ít khi thân thiện được với nhau. Thừa dịp tôi mới chân ướt chân ráo tới, hắn đã đánh phủ đầu tôi trước. À, gớm thật, quân này đểu! Tôi phải nhay cho hắn một trận, để hắn biết tay tôi, mà chừa cái thói đánh lén đi. Tôi nhảy đến và một trận quần thảo xảy ra. Gã mèo cũng vào tay cứng cựa toàn dùng những miếng hiểm độc phản công. Luôn luôn gã chụm bốn chân chờ tôi xông đến mới phóng lên cao đánh xuống. Gã tránh đòn cũng rất tài, nên gã chưa hề hấn gì mà tôi đã bị cào sước mõm! Thế mà bà chủ cuống cuồng lên, sợ tôi cắn chết gã. Bà kêu thất thanh: - Vú già! Kìa đuổi con Cộc đi, không nó cắn chết con Mi-nu bây giờ. Vú già quay cán chổi quật tôi một cái nên thân, miệng quát: - Xuống nhà! Muốn chết hả? Tôi thui thủi đi xuống, lần vào nhà xe, nằm thừ ra và chua chát thấy rằng, ở nhà này tôi chẳng sung sướng gì. Chưa chi tôi đã có ác cảm với hai nhân vật: vú già và gã mèo tam thể. Vú già không muốn bận về tôi. Có tôi, tức là thêm việc cho vú. Còn gã mèo, gã sợ tôi chiếm mất ảnh hưởng của gã trong nhà này. Xưa nay gã vẫn được bà chủ yêu quí, được bà đặt cho cái tên rất kêu là Mi-nu, và thường được bà ôm ẵm vuốt ve. Lợi dụng sự hậu đãi của chủ, gã dám coi mình như một con vật quan trọng, tự do nhảy lên bàn ăn, và thản nhiên leo lên ghế sa-lông nằm ngủ. Vú già thấy gã được bà chủ chiều chuộng đã không dám động đến, còn nịnh bợ gã là chú Miu! Chú Miu, lẽ tự nhiên không thể sống chung hoà bình với tôi được. Và gã đã tỏ ra có ưu thế hơn tôi. Bà chủ không ưa thích tôi lắm, điều ấy tôi rất buồn mà thú thật như vậy. Bây giờ tôi mới hiểu rằng bà xin tôi về chỉ vì thích được xem cái trò ngồi thẳng hai chân sau, hai chân trước chắp trên ngực khi bà hô: “Chào đi!” Ngoài cái trò ấy - có thể giúp bà tiêu khiển và thoả mãn tính khoe khoang của bà với các bạn hữu - tôi chẳng còn gì đáng cho bà chú ý. Ông bác sĩ không mấy khi có nhà. Ông chẳng màng đến tôi vì còn bận biết bao công việc. Ngày ông bận đi bệnh viện. Tối ông bận đưa bà đi chơi. Ông đem tôi về cũng chỉ vì muốn chiều một ý thích của vợ. Như vậy, ở nhà này liệu tôi có thể giúp ích được việc gì? Tôi nghĩ đến khả năng chuyên môn của loài chúng tôi: canh gác nhà cửa cho chủ. Nhưng ở thành phố, nhất là những nhà sang trọng như nhà ông bác sĩ, công việc ấy không cần thiết. Chiếc cổng sắt luôn luôn đóng kín. Ai muốn vào phải đứng bên ngoài bấm chuông. Đêm hôm cũng chẳng sợ gì trộm đạo. Nếu có nuôi chó, thì cũng chỉ làm cảnh mà thôi. Giống chó nuôi làm cảnh phải có tài nịnh bợ. Mà cái trò mơn trớn chủ thì ở nhà này gã mèo đã tranh phần rồi. Tự xét thấy mình vô dụng, tôi nghĩ đến kế yên thân. Tôi định bụng từ nay cứ việc ăn no ngủ kỹ, tìm một chỗ kín đáo khoanh tròn người lại cho đỡ vướng. Nhưng cuộc đời, dù là đời chó, cũng không thể chỉ có ăn với ngủ. Ăn chán rồi nằm, tôi đâm ra bồn chồn vớ vẩn. Tôi nhớ đến đời sống phóng khoáng ở nhà quê. Ở đấy chủ nuôi tôi, dù nghiêm khắc nhưng cũng đã thương tôi thật tình. Các anh trò nhỏ có thiện cảm với tôi, và những buổi vui đùa bên họ làm sao quên được. Tôi muốn trở về. Tôi nhớ thầy giáo với các anh trò nhỏ vô cùng! Tôi rắp tâm tìm dịp để trốn. Ra khỏi nơi đây tôi sẽ phóng thẳng một mạch không cần ngoái cổ lại. Để ý, tôi biết chiếc cổng sắt nhà ông bác sĩ thường được mở ra vào những lúc nào. Ban ngày không thiếu gì dịp. Nhưng thuận tiện nhứt có lẽ về đêm. Ông bà bác sĩ sau bữa cơm tối hay đi chơi tới quá khuya mới về. Biết thế nên hôm định trốn tôi nằm chực sẵn ở cổng, chờ xe ông bà chủ chạy ra tôi cũng lỏn ra theo.
* * *
Trời tối nên vú già không hay biết gì hết. Chiếc xe vừa ra lọt, vú đã đóng cổng quay vào. Tôi nép mình ngoài bờ tường nhìn ngơ ngác. Chiếc xe ông bà chủ lướt nhanh, ánh đèn đỏ phía sau xe chấp chới trên mặt đường rồi mất hút đằng đầu phố. Tôi cũng men theo lối ấy. Vừa đi, tôi vừa đánh hơi tìm phương hướng và để đánh dấu quãng đã đi qua, cứ mỗi cột đèn tôi đều đứng lại, ghếch chân tiểu vào đó một chút. Nhưng tới đầu phố, các cột đèn bỏ đường thẳng vây tròn quanh một bồn bông rồi chia sang bốn năm ngả. Tôi chẳng còn biết lối nào nên theo. Vừa toan băng qua một đường ngang, tôi bỗng hoảng hồn nghe “két” một tiếng và người tôi văng hắt trở lại. Chỉ suýt nữa tôi bị một chiếc xe cán phải, nếu nó hãm không kịp. Cũng may tôi mới đụng vào chiếc cản phía đầu mũi nên chỉ bị một phen thất đảm. Tôi cắm cổ chạy trở về. Tới cổng nhà, tôi ngồi lại để thở, chờ cho đỡ run. Rồi tôi đổi hướng, lần về cuối phố. Tôi lại ngẩn ngơ trước một ngã ba. Bấy giờ tôi mới hiểu rằng đường thành phố chia ra nhiều ngõ ngách không như ở nhà quê, thẳng băng một chiều. Tôi đâm ra phân vân, bối rối không biết làm cách nào tìm được lối về với thầy tôi! Tuy vậy tôi vẫn chưa nản. Đứng nghiêng ngó hồi lâu tôi chợt thấy có bóng chó thấp thoáng trong một ngõ tối. Tôi đuổi theo, bắt kịp bóng ấy dưới chân cột đèn. Đó là một ả chó cái mũm mĩm, khấu đuôi chổng ngược ve vẩy như một bông lau. Cái đuôi ấy cụp lại khi tôi đến gần và mắt ả nhìn tôi ra vẻ ngạc nhiên. Tôi vồn vã: - Chào bác! Ả không chào lại, chỉ ngửi quanh người tôi rồi nheo mũi quay đi. Tôi lẵng đẵng theo: - Này, bác đi đâu đấy? Cho tôi hỏi thăm một chút được không? Ả ngúng nguẩy cái đuôi: - Hỏi gì? - Lối này có đi ra thành phố được không bác nhỉ? Ả lại khủng khỉnh đáp: - Không biết. Đến một đống rác, ả chợt ngừng lại bảo tôi: - Này, khôn hồn thì chuồn đi. Thằng Xồm kia rồi! Tôi chưa kịp hiểu gì, thì một bóng chó vạm vỡ xồ ra. Mặt gã ngắn ngủn, mõm vuông và đặc biệt có những sợi lông đen che rũ xuống cằm. Vừa toan cất nhời chào, hỏi thăm đường, tôi đã bị gã đả ngay cho một miếng. Bị vố thất thần, tôi ngã bổ chửng. Nhưng tôi quật mình lại được ngay. Tôi gầm gừ nhìn gã. Gã cũng nhe nanh nhìn tôi. Thoạt đầu tôi đã có ý bỏ chạy, tránh sự gây lộn vô cớ. Nhưng quay lại, tôi thấy ả kia đang ngồi chồm hổm dưới cột đèn. Hình như ả ngồi đó chờ xem cuộc tranh tài giữa hai đứa chúng tôi. Quả nhiên cuộc cắn lộn không thể tránh. Chúng tôi quần nhau một trận nên thân. Gã xồm coi bộ gió hung hăng thế, nhưng sức lực chẳng dẻo dai bằng tôi được. Mới có một chập hắn đã thở hổn hển, bị tôi vật ngửa ra, nhay cho mấy miếng nên thân. Gã lùi dần, ngã xuống một đường rãnh gần đấy, lấm bê bết và bỏ chạy. Thắng gã, tôi cũng bị đau. Còn đang tập tễnh, ả kia đã chạy lại xun xoe: - Có sao không? Tôi vênh mõm huênh hoang: - Chẳng mùi gì. Tôi coi hắn bằng cái muỗi tép! Ả có vẻ phục tôi ghê gớm, liếm vào một vết sước ở lưng tôi bảo: - Thằng ấy dữ lắm. Thế nào nó cũng trả thù. Tôi ngán nó quá. Tôi ngần ngại hỏi: - Nhưng tại sao tự nhiên nó lại đả tôi nhỉ? - Tại nó thấy đi với tôi đấy! Tôi ngớ ra nhìn ả, và tôi cũng chợt hiểu. Đuôi ả phe phẩy: - Thôi về đi, không nó kéo cả bọn ra bây giờ. Tôi đành quay trở lại. Tới cổng sắt nhà ông bác sĩ tôi dừng lại. Ả hỏi: - Ở đây à? Chắc mới đến phải không? - Vâng. - Đâu thế? - Dưới quê lên. - Hèn nào! Tên đằng ý là gì nhỉ? - Người ta gọi tôi là Cộc! Thế còn bác tên gì? - Loulou! Nhưng đừng gọi tôi là bác nữa nhé. - Tại sao? - Nghe nó quê mùa thế nào ấy. Tôi ngượng ngồi im. Tôi thấy mình quê mùa thật bên cạnh ả Loulou đỏng đảnh này. Ả tiếp: - Gọi bằng “đằng ý ơi” nghe hay hơn, không có thì cứ gọi là Loulou thôi. Loulou là tên tây của người ta đấy! - Thế à? - Ừ. Nhưng này, đằng ý có muốn đi chơi nữa không? - Đi đâu bây giờ? Nhỡ lại gặp bọn thằng Xồm thì sao? - Ừ nhỉ! Thôi để tối mai vậy. Loulou sẽ đưa đằng ý đến nhập bọn với tụi thằng Bob. - Cũng lại tên tây à? - Ừ. Bob, Toto và Mimi. - Bọn nào thế? - À, bọn ở ngõ trên. Hách lắm! Đằng ý chẳng còn sợ gì bọn thằng Xồm nữa. - Thế…. đằng ý cũng ở phe này à? - Loulou quen cả hai phe, nhưng bây giờ đằng ý về phe nào, tớ theo phe ấy. Nhớ tối mai đấy nhé. Ả chào rồi quay đi. Tôi ngẩn ngơ nhìn theo cái đuôi như bông lau và quên hẳn chuyện tìm đường trốn về với thầy giáo.
|
| | | nhanbkvn
Tổng số bài gửi : 1612 Registration date : 16/07/2012
| Tiêu đề: Re: *_Dường Vào Hang Cọp Sun 17 Mar 2013, 20:07 | |
| Chương 05
Từ đấy, tối nào tôi cũng lẻn ra đi chơi với con Loulou. Tôi theo nó nhập vào bọn ở ngõ trên, và trở thành một tay du đãng có hạng. Hôm ra mắt anh em, tôi gặp bọn họ đang tụ tập trên một mảnh đất trống. Khoảng đất này chẳng hiểu vì lý do nào mà người ta còn để hoang, chưa chịu cất nhà, chỉ rào rậu sơ sài chung quanh. Các mãnh chó liền lấy đó làm nơi hò hẹn. Loulou dẫn tôi đến giới thiệu với cả bọn: - Đây là anh Cộc, mới đến khu này và cũng vừa chơi nhau với thằng Xồm. Anh Cộc đả nó một trận chạy có cờ đấy! Nghe Loulou giới thiệu như thế, bọn họ, tất cả có ba mống, liền vây quanh lấy tôi. Một gã cao nhất mà Loulou giới thiệu với tôi là Bob cất giọng lừng khừng hỏi: - Có đúng thế không, chú mày? Bob là một gã lai giống, cẳng cao lêu đêu và giọng sủa nghe ồm ồm. Cổ hắn có đeo một vòng da, dáng điệu rõ ra vẻ một tay anh chị. Gã vừa hỏi xong đột nhiên đưa mõm độp tôi một miếng. Tôi tránh được ngay. Nhưng tránh khỏi gã, tôi đụng luôn phải mãnh chó thứ hai: gã Toto. Cả hai tìm cách áp đảo tôi ở hai bên trong lúc mống chó thứ ba, ả Mimi ngồi nhìn thích thú bên cạnh con Loulou. Tôi hiểu ngay đây là cuộc thử sức và đã kinh nghiệm về trận ẩu đả với tên Xồm, tôi giữ thế thủ ngay. Không thể để họ tấn công vào hai bên sườn, tôi nhảy vọt về phía trước, rồi quay lại đối diện với họ. Rồi tôi đánh bên phải, đỡ bên trái lung tung một hồi. Hai gã tấn công tôi bỗng dừng lại, ve vẩy đuôi: - À, khá lắm. Người anh em khá lắm! Vào tay chiến cừ đấy. Người anh em có thể nhập bọn với cánh này được. Đồng ý không? - Đồng ý! Đồng ý! - Chúng ta sẽ chống nhau với bọn thằng Xồm không cho chúng nó bén mảng tới khu này… - Đồng ý! Đồng ý! - Và chúng ta sẽ sang hẳn đất chúng nó gây chiến… - Đồng ý! Hoan hô! Tôi chẳng tỏ thái độ gì. Thực ra thì con Loulou đã đồng ý, hoan hô thay tôi. Tôi bị nó lôi cuốn, chiếc đuôi bông lau của nó ngả về phía nào tôi theo phía ấy. Cứ tối đến, cái đuôi ấy phất phới ngoài cổng nhà ông bác sĩ, chờ tôi lẻn ra là cắm cổ chạy thẳng một mạch đến khu đất hoang. Chúng tôi nhập bọn đùa rỡn ở đấy, rồi chờ cho sự sinh hoạt của thành phố dịu bớt, đường phố thưa vắng bóng người là chúng tôi kéo nhau ra, lang thang các ngả, hoặc săn đuổi cắn lộn với phe khu dưới. Có lần chúng tôi kéo nhau xuống hẳn chỗ bãi rác là nơi tụ tập của bọn thằng Xồm cắn lộn. Có khi lại dụ chúng lọt vào khu mình để tấn công. Thường thường các mãnh chó đực chúng tôi hay nấp một chỗ vắng, để hai ả Mimi và Loulou đi vơ vẩn dụ địch. Vô phúc anh nào lớ ngớ đuổi theo là chúng tôi nhảy ra nhay cho một trận bở vía. Chúng tôi ham mê cắn lộn, và huênh hoang tự đắc, tưởng chừng như ngoài việc cắn lộn ấy ra chẳng còn gì đáng vui nữa! Một đêm, chúng tôi kéo nhau vào khu thằng Xồm. Chẳng may lại đúng vào đêm người ta đã họp nhau trừng phạt chúng tôi. Bị mất ngủ nhiều lần vì sự phá phách, cắn lộn ầm ĩ của chúng tôi rồi, người ta không thể nhẫn nại mãi nữa. Bởi vậy giữa lúc cả hai phe đương say mê hăng hái ẩu đả thì người ta, ở các nhà, lặng lẽ mở cửa ra đi, mang theo gậy gộc và quây lại thành một vòng vây. Khi chúng tôi biết được, buông nhau ra bỏ chạy thì những đầu gậy đã tới tấp thi nhau quật xuống. Tiếng gậy đập hụt xuống mặt đường chan chát hoà lẫn với tiếng ăng ẳng của những đứa bị trúng đòn. Bị vây trong trận đòn hội chợ ấy tôi mê người lên chạy thục mạng, cũng may tôi thoát được mà không hề hấn gì. Riêng mãnh Bob bị phang què cẳng. Còn mãnh Toto thì rách mất một tai.
* * *
Sau trận đòn ấy chúng tôi tởn mất một dạo, không dám nho nhoe nữa. Phần vì hai tướng Bob và Toto bị đánh đến mang thương tích phải chờ cho lành. Phần tôi cũng lấy làm hối. Hôm vây đánh chúng tôi, người ta vừa quật vừa la: - Đánh chết cái giống chó hoang nầy đi. May mà tôi không bị đập chết hôm ấy. Nhưng cái tiếng chó hoang thì tôi đã bị người ta gán cho rồi! Chó hoang! Chao ôi, không có gì nhục nhã cho bằng. Tôi, đứa con thứ tư của một giòng giống tốt, mang danh là “con Cộc của Thầy giáo” và hiện thời được nuôi nấng trong một nhà thế gia mà bị coi là chó hoang sao? Bởi vậy, tôi đã định bụng thôi từ nay không ra đám đất hoang vu tụ tập lếu láo nữa. Bụng tuy muốn thế, song chỉ được vài hôm, nhìn thấy cái đuôi phất phới của con Loulou ngoe nguẩy ngoài cổng sắt, tôi lại lẻn ra theo nó. Nó cho biết tin tức về mấy đứa kia. Chưa đứa nào dám ló dạng khỏi nhà. Còn Loulou, nó bị đói vì chủ phạt không cho ăn. Đêm bị vây đánh, nó sợ quá chạy thẳng về nhà cào cửa sồn sột. Ông chủ phải thân hành ra mở và biết nó đi chơi đêm về, ông đá cho nó một cái nên thân. Hôm sau nó bị nhốt ngay từ chiều. Nhưng quen thân rồi, nó chịu không nổi cứ kêu rít và cào cửa đòi ra làm mọi người trong nhà mất ngủ. Bực quá người ta đánh cho nó một trận lê lết, rồi bắt nhịn ăn, bảo rằng: - Con này cơm no rửng mỡ, hư thân mất rồi. Cứ cho nó nhịn đi vài bữa xem sao! Bị đói, nó nằm so một chỗ, rồi thừa dịp không ai để ý lẻn đến tìm tôi. Nó bảo: - Đói quá anh Cộc ạ. Anh đưa tôi đi ăn đi. Tôi ngẩn ra nhìn nó: - Đi đâu bây giờ? - Thì cứ đi, rồi kiếm! Nó đưa tôi tới các thùng rác. Ở thành phố mỗi nhà thường có một chiếc thùng chứa mọi thứ thừa thãi. Cứ tối đến người ta đem để sẵn ngoài lề đường chờ sáng hôm sau có xe rác tới dọn. Con Louou ẩy đổ xuống một thùng. Rác bẩn đủ thứ vãi ra tung toé. Nó vục mõm vào tìm bới. Toàn những cuộng rau già với ít vỏ trái cây không thể nào nhá được, tôi hiểu ngay cách tìm ăn của nó. Tuy không đói nhưng vì con Loulou, tôi cũng lần lượt bới từng thùng rác. Dưới ánh đèn khuya trên mặt đường thanh vắng, chỉ thỉnh thoảng mới có vài người qua lại, và ít xe cộ lướt nhanh, hai chúng tôi đúng như hai bóng chó đói đi hoang. Ở những thùng rác chẳng có gì béo bở, chúng tôi lần mò đi mãi. Tới một cái chợ, đánh hơi có mùi thức ăn, chúng tôi lần vào. Trong khi con Loulou ra liếm những mảnh lá gói bánh, tôi sục sạo vào trong quán chợ, bắt gặp mấy bóng chó khác cũng đang đánh hơi tìm kiếm. Đó là những bóng chó gầy guộc, bộ lông sơ sác có chỗ rụng cả đám, trơ lằn da xám nhăn nheo. Thấy tôi họ hơi ngạc nhiên, nhưng rồi cũng chẳng cần để ý. Họ còn phải lo cho cái bụng xẹp lép của họ. Quanh quẩn một lát tôi thấy họ châu vào nhau gầm gừ. Chắc họ đang định tranh cướp món gì đây. Tôi nhảy lại, sủa hực lên. Họ tránh rạt ra để lộ một khúc xương lớn còn dính ít thịt ôi ở hai đầu. Tôi xông vào đánh đuổi họ đi. Thấy tôi khoẻ mạnh vạm vỡ, họ không dám chống cự chỉ gằm ghè rồi lảng. Tôi cướp lấy khúc xương tha lại cho con Loulou. Đêm ấy, mải đi kiếm ăn, tôi quên cả thời khắc. Khi về tới nhà, xe ông bác sĩ đã nằm gọn trong sân. Và hai cánh cổng cũng đã khoá chặt. Tôi không dám cào cổng cũng không dám kêu, vì dù có đánh tiếng chưa chắc gì vú già ngủ phía nhà trong đã nghe thấy. Con Loulou cũng không dám về. Nó ở lại bên tôi nằm gậm lục cục cả đêm. Sáng hôm sau khi vú già ra quét cổng vú gặp tôi nằm mẹp ở đấy. Khúc xương con Loulou còn bỏ lại bên cạnh. Vú sửng sốt nhìn tôi rồi giơ cán chổi lên: - Con quái! Ra mày lẻn nhà đi cả đêm qua? Tôi kịp tránh được một cán chổi, rồi hoảng hốt chui tọt vào trong. Tôi lủi vào nhà xe định trốn. Chẳng may, vì cuống quá tôi đâm vào chân ông bác sĩ, giữa lúc ông đứng mở cửa xe. Cúi nhìn, ông kêu ầm lên. Hai ống quần ông bị người tôi quệt vào lấm bê bết. Thì ra đêm qua vì bới các thùng rác người tôi lấm bẩn như mới dưới cống chui lên. Ông quát: - Vú già… - Dạ! - Sao vú để con Cộc bẩn thỉu thế này? - Bẩm ông, nó đi cả đêm mới về đấy ạ. Ông bác sĩ trợn ngược mắt: - Hả? Nó đi cả đêm mà vú không hay biết gì cả! Ông đùng đùng chạy lên nhà. Có tiếng ông cằn nhằn trong phòng ngủ. Rồi bà bác sĩ ló đầu ra: - Vú già! - Dạ? - Vú trông nom nhà cửa thế à? Cổng ngõ vú đóng làm sao mà con Cộc đi hoang cả đêm? - Dạ… thưa… - Còn “thưa dạ” cái nỗi gì. Lôi con Cộc ra tắm rửa cho nó đi! - Dạ! - Và đánh cho nó một trận! Tôi bị một trận đòn thù - vâng, đúng là một trận đòn thù - vì chưa bao giờ vú già uất hận như sáng hôm ấy. Bị cả hai ông bà chủ mắng như tưới nước vào mặt vú nện cho tôi một trận bò lê bò càng. Tôi không dám kêu, chỉ rít lên đau đớn dưới những lằn roi. Bởi kêu nữa vú sẽ dận đầu tôi xuống nước, và còn đánh mạnh hơn. Vú lại cất phần cơm, bắt tôi nhịn đói luôn. Hình phạt ấy tuy âm thầm mà thật ác nghiệt. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là đói và cái đói nó hành hạ ruột gan ra sao. Bực hơn nữa trong lúc tôi phải nhịn ăn thì con Miu ngồi tận trên cao lại nhởn nhơ với đĩa cơm đầy ắp thịt cá. Nó ăn nhỏ nhẻ, chậm chạp, và nhìn tôi rỏ rãi ở phía dưới với đôi mắt khinh khỉnh. Vú già còn nhiếc thêm: - Cho mày biết thân! Cứ đói lả ra là hết phè phỡn. Và vú dậm chân: - Cút sang nhà xe mà nằm. Tôi lủi thủi đi ra lòng đầy uất hận. Nằm bên nhà xe tôi ấm ức tính chuyện bỏ đi. Lần này thì tôi đi thật. Không ai thiết tôi, tôi cũng chẳng cần ai cả. Ngay tối hôm ấy tôi lại lẻn cổng chuồn ra. Lần này vú già đã để ý nên trông thấy. Vú đuổi theo tôi, kêu: - Cộc. Về ngay! Nhưng tôi ngoái cổ lại đợp cho vú một miếng vào tay rồi chạy thẳng. Con Loulou đã đợi tôi ở đầu phố. Tôi cho nó biết ý định của tôi. Nó tán thành ngay, và cũng bỏ nhà theo tôi luôn. Chúng tôi lần vào khu đất hoang nghe ngóng, chờ đợi bọn thằng Bob. Vẫn chưa có mãnh nào ra đây. Có lẽ vết thương của chúng nó chưa lành, hoặc bị chủ nuôi nhốt lại. Tôi bàn với con Loulou lấy ngay chỗ đất hoang này làm nơi trú ngụ. Còn ăn, chúng tôi đến chầu ở các tiệm cao lầu kiếm những miếng ăn thừa người ta vứt ra, hoặc vào chợ nhặt nhạnh cũng đủ đỡ lòng. Cùng lắm thì đã có các thùng rác! Chúng tôi sống nhởn nhơ phóng túng như thế mới được vài ngày, thì xảy ra một việc bất ngờ: tôi bị bắt!
* * *
Buổi sáng hôm ấy, một thầy Cảnh binh dẫn hai người cầm thòng lọng vào tảo thanh khu chúng tôi ở. Qua khoảng đất trống, thấy bóng chúng tôi, họ ập vào. Con Loulou nhỏ người chui lọt ra được một lỗ rào gần nhất chạy thoát. Tôi lúng túng bị một chiếc thòng lọng thít chặt vào cổ rồi bị lôi đi, ném vào một chiếc xe đậu sẵn gần đó. Trong xe, đã có mấy mống bị nhốt. Tôi nhận ra có cả thằng Xồm ủ rũ ngồi bên. Thêm vài mống nữa thì đầy, người ta đẩy xe đi. May thay chiếc xe lọc cọc lăn qua cửa nhà ông bác sĩ, đúng lúc vú già ra lấy thùng rác. Thấy chiếc xe bắt chó đi ngang, vú tò mò đứng lại nhòm. Tôi kêu lên đánh tiếng cho vú biết. Thấy tôi, vú hoảng hốt giơ hai tay lên trời: - Con Cộc! Con Cộc bị bắt rồi bà ơi! Tôi chỉ nghe có thế. Chiếc xe vẫn lọc cọc đưa chúng tôi về trại giam. Trước khi bị nhốt vào trại, mỗi đứa chúng tôi đều được khám nghiệm cẩn thận và buộc vào cổ một biển số. Ở đây chúng tôi cũng được ăn uống tử tế nhưng chẳng có mãnh nào muốn ăn. Lo sợ đã làm chúng tôi quên đói, vì khi vào đây chúng tôi mới được biết rằng: Sau hai ngày, nếu những chó bị bắt không có ai tới nhận, sẽ bị kể vào loại chó hoang vô chủ, và sẽ được đưa vào sở thú cho cọp ăn thịt. Khi được biết điều ấy tôi không đứng vững nữa. Các tướng bị bắt vào đây cũng như tôi đều phục vị một chỗ, giương đôi mắt lờ đờ nhìn ra ngoài. Thỉnh thoảng có vài mãnh chó được chủ nuôi đến nhận lãnh ra, nhảy cẫng lên vì mừng. Tôi mong mỏi được thấy bà bác sĩ hay vú già đến giải thoát cho tôi. Nhưng hy vọng mong manh ấy chỉ làm cho tôi thêm thất vọng. Đã gần qua hai ngày tôi vẫn nằm rũ trong trại giam. Ánh nắng tan dần ngoài cửa trại. Rồi bóng tối tràn đến phủ trùm trên trại giam như chôn vùi tôi đi.
* * *
Sáng hôm sau, các mống chó còn lại được lôi ra, ném lên xe. Người phụ trách đưa chúng tôi đi thản nhiên nói: - Đi vào sở thú thôi, các con ơi! Chúng con đến ngày tận số rồi, nên vào đó để chúa sơn lâm hoá kiếp cho! Chuyến xe cuối cùng đưa chúng tôi tới miệng tử thần thực là buồn thảm. Nằm trên xe nghe tiếng vòng bánh lăn lộc cộc trên đường mà lòng tôi se thắt. Tôi nhắm nghiền hai mắt lại và những hình ảnh cuộc đời tôi hiện ra rõ rệt. Tôi nhớ đến một thôn trang xanh mát bóng cây. Nơi đó tôi đã sống những ngày êm đẹp bên cạnh cha mẹ, anh em. Tôi nhớ đến chị Bông con, đến anh Vá, anh Vằn và con em Cún. Tôi nhớ đến thầy giáo và các anh học trò nhỏ của tôi. Rồi thì quãng đời hư đốn ở tỉnh thành - vâng quả là hư đốn, - bây giờ tỉnh ra thì đã muộn rồi, dù có hối hận hay than trách cũng không kịp nữa! Chiếc xe đã vào cửa thảo cầm viên. Một tiếng à-uôm vang động khu vườn, làm chúng tôi ngã chúi vào nhau. Thấy xe chúng tôi đến, chúa sơn lâm vươn vai đứng dậy, lượn quanh các hàng song sắt có vẻ như sốt ruột. - À-Uôm! Chúng tôi hầu như đã tiêu hết sinh khí không còn đủ sức run rẩy nữa. Người tôi rũ liệt, mềm oặt như mớ thịt mềm, đến nỗi khi bị một cánh tay thò vào túm cổ lôi ra, tôi tưởng như tôi đã chết rồi! Bỗng một chiếc xe hơi xịch đến, và có tiếng nói cấp bách: - Ấy ông ơi! Khoan đã! Tôi nhận ra giọng nói của bà bác sĩ. Bà chỉ vào tôi: - Con chó này của tôi. Tôi đến lĩnh nó về. Có giấy đây! Bà chìa ra một tấm giấy trắng, có ghi chữ và đóng dấu đỏ. Tôi được hạ xuống, đặt dưới chân bà bác sĩ. Tôi hồi lại dần dần và khi bà mở cửa xe hơi tôi cuống cuồng nhảy vội ngay lên.
* * *
Câu chuyện của tôi kể đến đây là chấm dứt. Tôi chẳng còn gì đáng thuật lại nữa, bởi vì sau chuyến chết hụt vừa rồi tôi cạch đến già. Con đường đi vào miệng cọp không xa xôi gì, và thực tình tôi chẳng muốn phải trở lại con đường ấy nữa. Miệng cọp đỏ lòm với những răng nanh nhọn hoắt hả ra như một vực thẳm. Rơi vào đó là tiêu mất xác. Về được đến nhà, hoàn hồn rồi mới thấy phúc mình quả hãy còn lớn. Đến trưa, ông bác sĩ ở bệnh viện về. Thấy tôi nằm mọp ở nhà xe, ông hỏi vú già: - Con Cộc được về rồi à? - Bẩm ông, bà con mới lãnh nó về sáng nay. Xuýt nữa thì nó bị chôn vào bụng cọp. Người ta đã đưa nó vào sở thú… Nghe vú già nhắc lại tôi thấy còn sởn lông. Ông bác sĩ nhìn tôi bảo: - Mày hư quá Cộc ạ. Không có tao xin cho thì mày chết rồi! Lúc ấy tôi mới biết phúc tinh của tôi là ông bác sĩ. Tôi lết lại chân ông, rít lên khe khẽ tỏ vẻ biết ơn. Ông vỗ trên đầu tôi cười: - Từ nay thì chừa nhé! Quay lại, ông còn dặn vú già: - Vú coi chừng nó cẩn thận đấy. Bà không bằng lòng nuôi nó nữa. Để chúa nhật tôi đưa trả nó về cho ông Giáo! Nghe nói, tôi mừng quá. Tôi sẽ được về với thầy tôi, với các anh học trò nhỏ ngoan ngoãn! Chắc thế nào khi nghe biết truyện này, thầy tôi cũng nhân đó mà rút ra được nhiều lời khuyên dạy cho đám học trò nhỏ. Riêng tôi ngay từ bữa ấy có cần đến ai phải canh chừng nữa đâu? Dù bọn thằng Bob có đến rủ rê, chiếc đuôi bông lau của con Loulou có ve vẩy ngoài cổng tôi cũng dửng dưng quay vào. Chao ôi! Giá chúng nó biết được như tôi. Giá chúng nó hiểu rõ số phận của những con chó hoang hư đốn sẽ thế nào nhỉ! Con đường đưa tới miệng cọp có xa lắm đâu?
HÀ CHÂU 1962
HẾT
|
| | | Sponsored content
| Tiêu đề: Re: *_Dường Vào Hang Cọp | |
| |
| | | |
Similar topics | |
|
Trang 1 trong tổng số 1 trang | |
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |