Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 06:59

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:17

KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45

KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22

NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20

KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08

Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54

Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10

7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10

Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07

Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36

Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09

Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46

Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06

Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04

DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19

Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37

Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34

TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17

CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05

Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41

Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 *_Ghềnh Đá Cheo Leo

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Ghềnh Đá Cheo Leo Empty
Bài gửiTiêu đề: *_Ghềnh Đá Cheo Leo   *_Ghềnh Đá Cheo Leo I_icon13Sun 17 Mar 2013, 20:09

*_Ghềnh Đá Cheo Leo GHENH_DA_CHEO_LEO

Thông tin ebook
Tên truyện: Ghềnh Đá Cheo Leo
Tác giả: Thanh Hiền
Thể loại: Văn học trong nước
Nhà xuất bản: Tuổi Hoa
Năm xuất bản: 1973
Tủ sách: Tuổi Hoa - Hoa Xanh
Số quyển / 1 bộ: 1
Hình thức bìa: Bìa mềm

----------------------------------

Chương 01

Vào năm 1945, giữa mùa Thu của bầu trời thanh quang, chiếc xe ngựa dừng lại trước xóm làng Thanh Hải. Một thiếu phụ trẻ đẹp bước xuống xe và dắt theo cậu bé mảnh dẻ, ngơ ngác, mệt nhọc, khoảng chừng 6 tuổi, dầu cậu đã thực sự lên 7. Người thiếu phụ thật hiền dịu, ảm buồn trong chiếc áo dài đen, mặt nhợt nhạt tựa tàu lá dừa đang ve vẩy trên mái tóc như chào đón hai người khách mới đến thăm viếng Thanh Hải. Những gói hành trang chất bên lối đi nói lên rằng hai mẹ con người thiếu phụ này không phải về nơi đây để nghỉ mát một vài ngày hay một tuần lễ, nhưng có lẽ hàng tháng, hàng năm.
Thực vậy, khi mới đặt chân tới đây, nàng đã hỏi thăm nhà người quen làm nghề chài lưới. Nàng được người bà con dành cho căn phòng rộng rãi, thoáng khí, tràn ngập nắng mai và hướng về biển rộng. Như một cô chim mái xoắn xít dệt tổ ấm nuôi con, nàng thiếu phụ mau mắn trang trí căn phòng thật xinh xắn, ấm cúng với những chiếc màn gió đầy hoa tươi thắm, với chiếc giường trải khăn trắng êm, với chiếc bàn xếp đặt sách vở gọn gàng đẹp mắt.
Cuộc sống của nàng nơi đây đã quen thuộc, thích thú, thanh thoát. Nàng đã hoà mình nhanh chóng giữa những người dân hồn nhiên đầy thân tình. Hàng ngày nàng đi dạo, hoặc dắt con đi chơi trên bãi cát và dưới những tàn cây rũ bóng mát. Hai mẹ con nàng đã dạn dĩ với nắng biển, với những làn gió mịt mù bụi nước, với muôn tiếng sóng gào thét tự ngoài xa, và với nhiều nắng biển chờn vờn da thịt ửng hồng.
Rồi những buổi chiều khi nước thủy triều rút xuống, nàng ngồi trên bãi cát nhìn đứa con bé bỏng, ốm yếu chạy theo chúng bạn ra thật xa đuổi bắt còng còng, mò tôm cá trong những vũng nước đọng, hoặc ngồi xuống múc cát ướt xây lâu đài cổ kính; có lúc nàng chạy ra xem con đùa giỡn, mỉm cười và nhắn nhủ con đừng nghịch bẩn. Cho tới lúc trời xẩm tối và gió thổi mạnh, nàng tới choàng áo cho con và dắt con về ngủ. Về tới nhà, nàng tắm rửa cho con, thay quần áo, dọn cơm, kể chuyện và khi đứa con thiếp ngủ trong lòng rồi, nàng âu yếm đặt con xuống giường, hôn nhẹ lên mái tóc.
Còn lại mình nàng đơn chiếc trong căn nhà yên tĩnh và mặc cho gió biển lùa vào thổi mạnh dồn dập, nàng ngồi trước bàn đọc sách hoặc cầm bút viết nhật ký hàng giờ, không biết mỏi mệt. Nàng thả hồn say đắm, tuôn trào những tư tưởng thầm lặng, những sợ hãi, những hy vọng, những yêu thương ngập tràn tâm hồn trên những trang giấy trắng tinh.
Nếp sống của hai mẹ con thiếu phụ Ngọc Hạnh tại làng quê Thanh Hải là thế đó. Những người dân ngư phủ ở đây chưa hiểu biết số phận của hai mẹ con nàng ra sao cả, và họ cũng chẳng mong muốn gì hơn là cần mẫn làm việc. Những người dân chất phác này họ lam lũ hơn là tò mò. Đàng khác, thực ra cũng không có gì bí ẩn và dị thường trong cuộc sống của người thiếu phụ trẻ trung này.

Chương 02

Bất cứ những ai quen biết, thân thuộc cặp vợ chồng Ngọc Hạnh trong những năm đầu tiên của cuộc sống hôn nhân, đều phải nhìn nhận đây là một tổ ấm thật hạnh phúc. Đôi vợ chồng trẻ này sinh trưởng trong những gia đình lễ giáo. Của hồi môn của họ không gì quý giá hơn là một tuổi trẻ lương thiện và một tình yêu chân thành được tạo dựng trên một niềm kính trọng lẫn nhau.
Sau khi đã trải qua những ngày lận đận xây tổ uyên ương lúc ban đầu, họ đang dần dần bước vào cuộc sống đầy đủ, thảnh thơi.. Với họ, những đức tính tốt giá trị hơn giầu sang của cải. Tuy nhiên cả hai thứ đều giúp họ tạo nên một cuộc sống tươi vui, xứng đáng.
Trước hết, người chồng được thâu nhận làm trong một hãng buôn lớn tại Huế. Và nhờ cần mẫn, hoạt động, lanh lợi, chàng đã mở được một trương mục riêng tại ngân hàng trong một thời gian ngắn. Bên cạnh chàng, cô vợ thật duyên dáng và đảm đang mọi việc nội trợ. Với mức sống đó, với giá trị đó, hai vợ chồng sống rất đằm thắm, yêu thương. Cuộc đời mỉm cười với họ. Họ sinh hạ được những đứa con kháu khỉnh: hai trai, một gái. Cả ba đều ngoan ngoãn dễ thương. Nhưng than ôi, một cơn sóng gió bất hạnh đã nổi dậy giữa cuộc sống phẳng lặng của họ.
Cho tới lúc sáu tuổi, cô chị cả vẫn lớn mạnh như một chồi cây vươn sức sống và sau đó bắt đầu nhợt nhạt, héo tàn, mệt nhoài và chỉ trong vòng mấy tháng sau cô đã kiệt sức, tắt thở. Hai năm sau cậu con trai thứ hai cũng vụt tắt như người chị cả. Lúc ấy cậu cũng được sáu tuổi và người ta, cả khoa học lẫn tình yêu thương đành chịu bó tay đứng nhìn cậu vĩnh biệt cõi đời.
Trong ba đứa con, chỉ còn lại một mình bé Hùng.. Và bây giờ người ta cảm nhận thấy niềm kinh hãi gia tăng trên nét mặt của đôi vợ chồng trẻ bất hạnh sau khi định mệnh đã tước đoạt mất hai đứa con yêu. Họ hoảng hốt mỗi lần nhận thấy những dấu hiệu đầu tiên của căn bệnh. Bé Hùng cũng tàn héo như cây hoa thiếu nước, và căn bệnh biến chuyển thật mau lẹ. Họ đã tìm kiếm tất cả các bác sĩ và thầy thuốc nổi danh khắp nơi để chạy chữa cho con và sau cùng chẳng còn bậc danh y nào để họ tìm đến nữa.
Tuy nhiên trong khu vực hai vợ chồng trẻ này sống có một bác sĩ không danh tiếng lắm, nhưng ông hành nghề thật chăm chỉ và liêm chính. Họ đã chạy tới cầu cứu ông trong cơn nguy biến và ông đã tới. Ông rất hiền hậu, gương mặt hơi sầu buồn, cặp mắt đăm chiêu. Ông lắng tai nghe người vợ nức nở khóc trong lúc thuật lại tình trạng bệnh hoạn của đứa con nhỏ, Sau khi khám bệnh xong, ông ngồi vào bàn trầm ngâm suy nghĩ… rồi ông bắt đầu nói:
- Tôi biết ở dưới trần gian này có một vị danh y độc nhất có thể chữa khỏi được con của anh chị. Anh chị có hay biết không?
Người vợ sửng sốt, cuống quít hỏi dồn:
- Thưa bác sĩ, ai thế? Tên ông ta là gì ạ?
Bác sĩ bình thản trả lời:
- Hẳn không phải là tôi rồi. Và hầu như trước hết, các căn bệnh phải tìm tòi ông chữa trị đã, nhưng rất tiếc phần đông người ta đã không đi tới thăm bệnh ông..
- Dạ, thưa bác sĩ, xin bác sĩ làm ơn cho chúng tôi biết tên và địa chỉ để chúng tôi tới tìm kiếm ông.
Người vợ sáng mắt, hy vọng, kêu cứu:
- Thưa bác sĩ, tôi sẽ lên đường tìm ông dù mãi tận chân trời xa tắp.
Bác sĩ nghiêm nét mặt như truyền lệnh cho người thiếu phụ:
- Vậy chị hãy lên đường ngay không phút giây trì hoãn. Chị đừng chờ đến ngày mai, nội ngày hôm nay chị hãy khởi hành. Vị danh y tôi muốn nói đến, không ai xa lạ cả, đó là thiên nhiên. Chị hãy ra đi trao phó con chị cho thiên nhiên. Nếu chị còn ở lại nơi đô thị này, tôi quả quyết với chị rằng trong một thời gian nữa, không xa đâu, đứa con của chị sẽ nối gót anh chị nó. Chị hãy tránh khỏi cuộc sống tù hãm ngột ngạt của thành thị đang giết chết dần mòn đứa con của chị. Chị hãy đi xa khỏi Huế và tìm về bờ biển, nơi ấy con chị sẽ tìm gặp được sức sống là không trung bao la, là khí trời thanh thoát, là mặt trời ấm áp và là những chân trời bát ngát của biển cả. Chị tập luyện cho con chị làm quen với bãi cát, dấn mình thấm nước muối của đại dương. Và một khi sức mạnh của con chị tái sinh, chị hãy để cậu chạy nhảy tự do như gà tơ giữa đồng cỏ xanh tươi. Rất may ở ven biển không thiếu trẻ con nô đùa, chị hãy để cậu trà trộn, hoà mình vào lũ trẻ ấy đùa chơi thả cửa trên bãi cát. Chị đừng che chở cậu tránh nắng tránh mưa. Hãy để mặc cậu ăn uống ngủ nghỉ tuỳ thích. Chẳng cần phải thuốc men và thầy thuốc nào cả. Thiên nhiên tài khéo hơn các viện bào chế. Chỉ mình thiên nhiên tạo nên phép lạ và kỳ diệu.
Dặn dò xong, ông đứng dậy cáo biệt ra về.
Ngọc Hạnh nhớ tới Thanh Hải, một làng chài lưới có người thân thuộc. Thế là ngay trưa hôm đó, nàng lấy vé xe lửa đi Đà Nẵng. Và cũng chiều hôm đó từ Đà Nẵng, nàng thuê xe ngựa hướng về miền cửa biển, nơi đây sự sống và thần chết sẽ giành giật nhau mạng sống của đứa con trai nàng..

Chương 03

Sự sống đã thắng trận nơi đây. Chỉ trong một vài tuần lễ, như một thân cây đang khô héo dần mòn trên mảnh đất khô cằn của thị xã và được đem đi trồng miền đất phì nhiêu, thân cây ấy bắt đầu tươi dậy và hứa hẹn mùa nở hoa xinh thắm trong những ngày tháng tới: bé Hùng đã thực sự tái sinh. Nhựa sống đang lưu thông như khởi đầu một công việc huyền diệu. Người ta nhìn thấy nhựa sống ấy chuyển vận dưới làn da mát lịm, tươi hồng. Cặp môi bớt đi mầu nhợt nhạt và đôi mắt ánh chiếu lên ánh sáng vươn dậy của tuổi thơ. Và chính Ngọc Hạnh, nàng cũng đang tái sinh. Nàng viết thư về cho chồng:

Anh thân yêu,
… Anh có thể ngờ rằng em chẳng còn là một người mẹ hạnh phúc sao? Hình như bầu trời đang trao trả hạnh phúc cho em và trao trả luôn cả hai đứa con đã chết của chúng mình. Chúng sống lại trong bé Hùng và mỗi lần ôm ấp bé Hùng, em như cảm thấy em đang ôm cả ba đứa trong lòng em…

Nhận được thư của vợ, người chồng vui sướng, và chỉ một vài ngày sau đó, chàng rời Huế vào Đà Nẵng thăm vợ con. Chàng ở lại Thanh Hải gần một tuần lễ và chỉ trong mấy ngày đó cũng đủ thời gian để chàng làm quen với khung cảnh của những người thân yêu nhất cuộc đời đang sống. Gia đình đoàn tụ. Chân trời hạnh phúc bừng sáng. Chàng theo chân hai mẹ con bước trên khắp vùng bãi biển. Chàng chăm chú mỉm cười nhìn hai người đang vui sống.
Mới trong vòng vài tháng, bé Hùng đã tìm lại và gặp gỡ sức sống tràn trề: thiên nhiên đã hoàn thành tác phẩm sự sống. Vào đầu tháng mười, Ngọc Hạnh đã viết thư về Huế:

… Nó không còn là đứa trẻ nữa, nó là thằng giặc. Đâu đâu người ta cũng trông thấy nó, cũng nghe tiếng nó reo hò. Nó là hiện thân của niềm vui, của ồn ào, của chuyển động trong làng. Bây giờ nó không đi nữa, cũng chẳng chạy nữa, nhưng nó bay. Nó không ăn nữa, nhưng nó nghiến ngấu. Người ta nhận thấy trong thân hình nó, cả đến mái tóc nó đang chứa đựng một sức sống sôi bỏng, vùng dậy. Anh hãy mau mau gửi quần áo thêm cho nó, rách tươm hết cả rồi. Anh có tin thế không? Chỉ còn có vùng trời biển cả là thành công lắng dịu nó, cản ngăn nó. Thực sự biển cả đã ru nó vào cơn mê quay cuồng. Khi biển cả rút xuống, mặt nó buồn nản. Lúc nước dâng lên, nó vỗ tay reo hò. Nó yêu thích biển cả như nó đã hiểu được chính biển cả đã cứu vãn mạng sống nó. Cho tới lúc này chẳng còn gì hấp dẫn nó cả. Anh có biết được nó mộng ước gì không? Đất liền không còn cung ứng đủ sức sống cho nó nữa. Phiêu du trên biển cả, chính là tham vọng của nó đấy, anh ạ. Anh có biết không, sáng nay nó báo tin cho em là bác Trọng đồng ý cho nó đi theo xuống thuyền ra biển đánh cá! Em không ưng thuận. Em chỉ bằng lòng cho nó đặt chân xuống thuyền lúc đã cập bến và buộc dây.
Vào phút giây viết thư cho anh này, nó đang ngủ. Rất tiếc anh không có ở đây để nhìn ngắm nó đẹp dường nào. Má nó ửng hồng như trái đào tơ mịn, thật tươi thắm, thật an bình. Và anh có thể tưởng tượng rằng, lúc thức dậy, nó chính là một sức sống bão tố nổi dậy.

Chương 04

Vào buổi trưa thượng tuần tháng 11, một buổi trưa yên tĩnh, vắng vẻ. Các ngư phủ đều ở ngoài biển đánh cá. Đàn bà con gái đang cặm cụi trên ruộng muối hoặc trồng trọt trong vườn rau. Chỉ còn lại chừng mười mấy chú bé chưa được sử dụng vào việc gì. Thế là thừa lúc vắng bóng người lớn, chúng trở thành chủ nhân của bãi biển. Tất cả đều trong khoảng 7, 8 tuổi, ngoại trừ Thành là lớn nhất lên 13 tuổi, với tư cách là đứa lớn nhất và có một số kinh nghiệm về biển cả, người ta đã giao phó cho nó trông nom những đứa bé kia.
Dù tiết trời đang tiến vào mùa lạnh, nhưng ngày hôm đó tiết trời thật nóng nực, không một cành cây đong đưa trước gió. Mặt trời gay gắt như muốn nghiến ngấu thiêu đốt một vùng bãi biển.
Ngọc Hạnh tìm đến ngồi dưới bóng dừa trải rộng suốt miền bờ biển. Bé Hùng nằm khoan khoái bên mẹ.. Ngọc Hạnh cất tiếng hát nhè nhẹ như dìu con vào giấc ngủ trưa.. Chính trong lúc nàng dỗ con ngủ là lúc nàng cũng buồn ngủ. Hai mi mắt nặng trĩu khép dần cặp mắt nàng lại. Bé Hùng đã giả vờ ngủ trong lúc chính nàng đã ngủ thật sự.
Mặc khí trời nóng bức, lũ trẻ vẫn nô đùa hồn nhiên trên bãi cát. Những tiếng cười ròn rã từ chỗ đám trẻ vọng lại làm bé Hùng không tài nào ngủ được. Chờ đến lúc Ngọc Hạnh thở đều đặn, bé Hùng rón rén lách mình và lủi dần như chú mèo con.. Nó lao mình về phía đám trẻ bạn đang vui chơi. Nó say mê thích thú xin bè bạn cho nhập cuộc.
Sau một lúc đùa giỡn thoả thích, chúng rủ nhau ra bến thuyền chơi mặc những lời cấm đoán của người lớn, vùng này là nơi “cấm địa” từ lâu. Bé Hùng đang do dự vì sợ trái lời má thì lũ bạn tinh quái đã hối thúc:
- Ê Hùng đi chơi luôn mày, mau lên.
Nhìn lên bầu trời trong xanh rộng mở, tai nghe những tiếng cười nói rộn rã của lũ bạn mời gọi tham gia vào cuộc phiêu lưu, bé Hùng chới với yếu ớt trả lời:
- Không được đâu, má tao cấm đến đó rồi!
Thành Cồ khiêu khích:
- Bộ ngoan dữ. Đồ nhát như thỏ đế. Chúng tao có làm hại gì mày đâu mà mày sợ!
Các đứa khác hùa theo:
- Đi đi Hùng. Đứa nào không đi là hèn.
Trước những lời khiêu khích rủ rê đầy quyến rũ, bé Hùng đứng ngây người, hai tay đút túi quần cụt, mắt mở to nhìn đại dương mời gọi nhưng cố lấy giọng cương quyết:
- Thôi chúng mày cứ đi đi, tao hèn cũng được.
Thế là cả đám giặc con lại nhao nhao lên:
- Ê, lêu lêu thằng hèn, thằng Hùng hèn tụi bây ơi.
- Thỏ đế bay ơi!
- Đồ cù lần lửa!
- Sịt nó ra đi. Nghỉ chơi với nó đi!
- Đồ công tử bột!
Trước những lời khiêu khích, sỉ vả của bè bạn, máu trong người bé Hùng như sôi lên vì tự ái, vì trùng dương mê hoặc. Không thể kháng cự được nữa nó nhìn vội về phía mẹ đang ngủ, co giò chạy bay về bến thuyền, phóng người lên một chiếc thuyền còn cột dây trước những lời reo hò, tán thưởng, khuyến khích của lũ bạn.
Đã một lần lỡ phạm vào một lầm lỗi, người ta dễ dàng bị lôi kéo vào những lầm lỗi kế tiếp.. Tội lỗi như một guồng máy sẽ chẳng buông tha người nào đã để nó một lần lôi cuốn. Thủy triều rút xuống: mặt biển lặng lẽ, bằng phẳng. Đã hơn nửa giờ bọn nhóc làm chủ chiếc thuyền, đua nhau lắc lư, chòng chành con thuyền đứng tại chỗ. Cả bọn đã bắt đầu hết hứng thú, lãnh tụ Thành Cồ bối rối tìm trò chơi khác mới mẻ hơn để gây hào hứng cho đàn em.. Sau một lúc im lặng suy nghĩ, lãnh tụ nhà ta hiên ngang đề nghị:
- Ê, tụi bay ơi, chơi trò này hoài không khá được. Bây giờ tao bầy trò chơi khác hấp dẫn hơn chịu không?
Cả bọn reo vang:
- Chịu, chịu chơi hết mình mà!
Hắng giọng vài cái ra oai, Thành Cồ trịnh trọng tuyên bố:
- Bây giờ tụi mình sẽ đi dạo bằng thuyền một vòng vịnh nước này, rồi sau đó sẽ “đổ bộ” xuống làng Thanh Trì phía bên kia để hái ổi và quất chua. Mê ly rùng rợn lắm tụi bay ơi! Chịu không?
Thế là cả bọn vỗ tay reo hò ầm ĩ:
- Hoan hô Thành Cồ chịu chơi! Hoan hô…
Bé Hùng khoái chí, nhảy cà tưng mừng rỡ. Như say men rượu, hứng thú dâng lên, nó thoăn thoắt chạy lên mũi thuyền tháo dây cột ra và bắt đầu cất giọng ca. Cả bọn nhao nhao hát theo:
- Ngày bao hùng binh tiến lên… Đi là đi chiến đấu, đi là đi chiến thắng, đi là mang linh hồn non sông…
Bọn trẻ đã dần dần ra khơi, tưng bừng oai phong như một ngày duyệt binh, đại lễ. Có lẽ Kha Luân Bố lúc đặt chân lên Tân thế giới cũng chẳng oai hùng, hăng hái như đám trẻ này.
Nhưng con thuyền khi đã ra khơi, như con ngựa đứt dây cương, không còn dễ dàng tuân theo ý muốn của lũ nhỏ nữa, nó tuân theo giòng nước cuốn ra biển cả.
Con thuyền dần dần xa bến với người chèo lái nhỏ bé không kinh nghiệm, nó trôi về hướng đại dương mà lũ nhỏ vì ham vui không nhận ra. Chúng đang say biển cả, đang vui với lời hát câu hò, đang sống trong bầu trời tự do, không bị ràng buộc. Người hùng Thành Cồ trịnh trọng điều khiển đám bộ hạ tí hon như vị Thuyền Trưởng, trong lúc con thuyền mỗi lúc mỗi dời xa bến.
Chúng không đoán được con thuyền đã rời xa bờ bao nhiêu. Chúng cứ ngỡ con thuyền vẫn còn chòng chành trên vịnh nước, nhưng thực tế nó đang tiến dần vào vực thẳm của biển sâu đầy nguy hiểm. Mục tiêu chúng định hướng tới cũng xa dần khỏi tầm mắt.
Nhưng rồi sau cùng chúng cũng ý thức được, những tiếng cười nói ròn rã đột nhiên im bặt: con thuyền đã thuộc hẳn về lòng đại dương. Sóng gió thổi tứ phía. Sóng biển ồ ạt đánh vào mạn thuyền. Nước bắn lên tung toé. Con thuyền chòng chành như muốn lật úp xuống. Sự hãi hùng, kinh ngạc, hoảng hốt hiện rõ trên các khuôn mặt ngây dại.
Thành Cồ bắt đầu mất bình tĩnh, cuống quít lèo lái con thuyền vào bờ nhưng vô ích. Con thuyền vẫn khăng khăng lao mình càng ngày càng sâu vào lòng biển rộng bao la. Con thuyền đã thực sự thuộc trọn về sóng biển, về sức mạnh của gió. Thành Cồ đã hoàn toàn bất lực. Gió biển thổi ào ạt, thế mà mồ hôi vẫn đổ giọt trên má, trên trán nó. Bao nhiêu sinh mạng nằm gọn trong tay nó, không gì cứu vãn hoặc vớt vát được. Lũ nhóc con đã bắt đầu than khóc, hò hét tuyệt vọng. Triều sóng mênh mông đã át giọng đoàn quân viễn chinh thảm bại.
Màn chiều buông xuống. Mặt trời đang lui dần và ngụp lặn vào lớp bụi mù của sóng nước trùng dương. Không một cánh buồm, một chiếc thuyền, một con tàu thấp thoáng ngoài chân trời xa tắp. Tất cả chỉ còn là mây trời và đại dương ngút sóng. Niềm kinh hoàng dâng cao theo mực nước càng ngày càng cao. Tụi nhóc con ôm chặt lấy nhau, mặt nhợt nhạt, kêu la, khóc lóc, than van đổ lỗi cho nhau.
Sóng triều như những con thú hoang, hàng hàng lớp lớp gầm rống như muốn ăn tươi nuốt sống lũ trẻ. Những con thú hoang hung bạo đang đói mồi chầu chực, rình rập bên cạnh đám trẻ đáng thương. Con thuyền đong đưa trước gió, lúc như nhảy vọt lên cao, lúc đâm nhào sâu thẳm xuống lòng nước theo đà ngọn sóng. Chỉ có Thành Cồ và bé Hùng là còn chút máu mặt. Bé Hùng liên tưởng đến chuyện chàng Lỗ Bình Sơn trôi giạt vào hoang đảo lạc lõng. Hình ảnh đó khiến nó yên tâm chút ít. Và chẳng bao lâu, hình ảnh ấy đã trở thành sự thật.
Vào lúc mặt trời chìm hẳn xuống vực sâu của biển cả là lúc con thuyền trôi giạt tới một ghềnh đá. Cả bọn hò hét nhau, cố chèo chống vào mỏm đá. Và trong chốc lát con thuyền mỏng manh xô mạnh vào lớp đá thoai thoải. Cả bọn trẻ, lớp bắn lên các phiến đá gần đó, lớp nằm chổng kềnh, sóng soài trên nước, rồi lóp ngóp nhoai lên ghềnh đá, mặt mũi chân tay sây sát, và con thuyền vỡ tan tành thành từng mảnh ván.
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Ghềnh Đá Cheo Leo Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Ghềnh Đá Cheo Leo   *_Ghềnh Đá Cheo Leo I_icon13Sun 17 Mar 2013, 20:10

Chương 05

Hỏm đá vừa lãnh nhận đoàn quân tí hon bại trận nằm dưới chân ghềnh đá đơn độc mọc cheo leo trên mặt biển rộng. Sóng thủy triều chưa bao giờ ngoạm hết đỉnh ghềnh đá, chính vì thế nơi đây từng đoàn chim đã dùng làm nơi tạm trú giữa màn đêm. Ghềnh đá này như một ngọn hải đăng thân thuộc của các nhà hàng hải. Nơi đây báo hiệu cho họ hãy canh chừng mấy khối đá ngầm mọc gần lối đi vào hải cảng Đà Nẵng.
Chắc chắn thực trạng không hứa hẹn một chân trời sáng sủa, tuy nhiên cũng đủ đem lại cho lũ trẻ một cảm tưởng được cứu vãn. Chúng không còn vui vẻ được như trước nữa. Chung quanh chúng, sóng nước đại dương vẫn thi nhau gầm thét, tức giận, nổi nóng như vừa chộp hụt những con mồi thơm phức.
Như những kẻ vừa thoát nạn tử thần, chúng gượng cười bên nhau. Nhưng rồi màn đêm dầy đặc thêm, càng gieo sâu mối kinh hoàng cho bọn trẻ. Hơn là một người cha che chở, Thành Cồ lúc này được coi như bà mẹ ấp ủ.
- Anh Thành ơi, em sợ quá…
- Em đói quá trời nè!
- Em lạnh quá xá!
- Bắt đền anh Thành đó, ai bảo rủ tụi em đi!
Thành Cồ vừa run sợ, vừa tỏ vẻ đàn anh lấn át:
- Tụi bay im đi, không đứa nào được kêu ca gì nữa. Tụi bay móc túi ra xem còn đồ gì ăn không? Đem góp lại ăn chung với nhau đi!
Đứa còn trái ổi, đứa mẩu bánh mì, đứa chiếc bánh nếp… Tất cả theo lệnh của đàn anh Thành Cồ góp lại. Sau đó chúng phân chia đều cho nhau. Bữa ăn đạm bạc chấm dứt mau lẹ với gói kẹo nhỏ của bé Hùng.
Giữa những mảnh ván nằm rải rác trên ghềnh đá, chúng mò mẫm được một bịch nước. Thế là chúng lại chia đều nhau mỗi đứa một vài ngụm.
Người ta thường nói đêm qua mau, nhưng phải chăng nó chỉ mau với những ai êm ái dưới mái nhà lặng gió, với chăn chiếu đầy đủ, chứ đâu phải với những kẻ màn trời chiếu đất như đám trẻ này? Ngày càng nóng, đêm càng lạnh. Sóng gió càng hung hãn, nỗi kinh hoàng càng dâng cao. Bọn trẻ ngồi bó gối dưới chân ghềnh đá, run rẩy, sụt sùi trong đêm tối dầy đặc. Bé Hùng thổn thức và nản lòng trước ghềnh đá chật hẹp, khô khan, khác hẳn tưởng tượng của nó về hải đảo thần tiên của Lỗ Bình Sơn. Thành Cồ ngồi trầm ngâm tìm kế hoạch. Có lẽ nó đang lớn lên thêm cả gang tay trong cái đêm muôn thuở này. Giữa những giờ phút hiểm nguy đó, nó cảm thấy cần phải gan dạ, cương quyết và nhanh trí. Nó đứng dậy đanh thép hịch quân sĩ:
- Tụi bay hãy im đi, nghe tao nói đây. Tụi bay không cảm thấy mắc cỡ khi khóc lóc và tỏ ra nhát đảm sao? Tụi bay nhớ rằng hèn yếu như vậy, tụi con Hằng, con Mai… chúng sẽ cười vào mặt vào mũi cho mà coi. Hãy tỏ ra chúng ta là những nam nhi can trường! Thằng Phát, mày xưng là Tarzan, vua rừng già kia mà! Thằng Minh, mày ham bắt chước Django bắn súng chì hết chỗ nói, sao bây giờ mày khóc dữ vậy? Còn thằng Hoà, mày chuyên bắt nạt thằng Thu gầy và con Lệ lé, sao lúc này mày tỏ ra yếu đuối thế! ... Thay vì ngồi lúc nhúc vào nhau như đàn bò gặp lúc trời giông tố, tụi bay hãy nhớ rằng tụi bay là những con nhà chài lưới và một ngày kia tụi bay sẽ là những tay thủy thủ hào hùng. Nếu tụi bay muốn trở về Thanh Hải gặp lại ba má, anh em, tụi bay hãy gồng lên và phải tuân theo lời tao. Tụi bay có hứa thế không?
Như một luồng điện mạnh chuyền giật cả bọn trẻ, chúng nhao nhao lên:
- Đồng ý. Anh cứ ra lệnh đi, tụi em sẽ thi hành.
- Đứa nào không nghe, anh bợp tai liền đi.
- Hoan hô thuyền trưởng Thành Cồ!
Hùng khí vươn lên rồi, bọn trẻ quên hẳn khóc lóc, hãi kinh. Chúng tỏ ra cứng rắn lại. Trí tưởng tượng của chúng bày vẻ ra những câu truyện kể lại những chuyến tầu phiêu lưu, thám hiểm, rồi đắm tầu và đoàn thủy thủ tìm cách thoát nạn. Thành Cồ đưa ra sáng kiến:
- Này, tụi bay. Tụi bay phong tao làm thuyền trưởng, thì giờ phút này, tao phong tụi bay là bộ tham mưu của tao. Đồng ý hết không?
Cả bọn gật đầu tán thành. Thành Cồ nói tiếp:
- Nếu vậy, tao bàn hỏi ý kiến tụi bay. Bây giờ tụi mình cùng kiếm cách nào tốt nhất để thoát nạn. Mỗi đứa đều phải suy nghĩ và đưa ra sáng kiến. Sau đó chúng ta sẽ quyết định. Toàn lém, mày hiến kế đầu tiên xem nào?
Bằng một giọng khàn khàn, Toàn lém phát biểu:
- Theo ý kiến em, chúng ta cần phải bắn súng đại bác tới chiếc tầu nào gần nhất để họ giật mình và đi tìm kiếm chúng ta.
- Thằng Toàn ba xạo, tụi mình làm gì có súng đại bác mà bắn?
- Ừ nhỉ, cũng chẳng có đạn nốt!
Toàn lém gân cổ cãi lại:
- Tao bất xét, hỏi ý kiến tao, tao đề nghị, còn theo hay không có ai bắt tụi bay phải theo đâu?
Thành Cồ chận lại và quay sang hỏi ý kiến thằng Vĩnh thẹo. Thằng Vĩnh giật mình, rồi cũng đưa ra sáng kiến:
- Em đề nghị tụi mình leo lên đỉnh ghềnh đá kêu la rầm trời rồi vẫy áo ra dấu hiệu.
- Không được, thằng Hoà sún nhào vô, thằng này ngu quá trời, trời tối thui như thế này mà mày vẫy áo thì ma xó nó nhìn thấy à? Em đề nghị với anh Thành thế này, tụi mình viết thư, bỏ vào chai, nút kín lại, rồi thả xuống biển.
- Mày lại còn ngốc hơn nữa, thằng Minh hô nhập cuộc, mày thả chai, lỡ nó trôi sang phía bên kia bờ thì sao? Tao có ý kiến là chúng mình đốn cây, rồi khoét ruột. Thế là tụi mình chèo chống về nhà có ngon không?
Bé Hùng, lúc nãy đến giờ ngồi im nghe bạn bè thảo luận, nóng ruột, nó lại chê thằng Minh hô:
- Thằng này cũng ngốc luôn, ở đây làm gì có cây mà đốn. Tốt hơn tụi mình nhặt các mảnh ván ghép lại thành một cái bè, thế có xuôi không?
Lúc này, sáng kiến đã cạn, đứa nào cũng trịnh trọng tựa cằm trên đầu gối. cả bộ tham mưu thuyền trưởng Thành Cồ đi vào bế tắc. Thành Cồ tỏ vẻ lo ngại, bối rối vì chưa tìm được giải pháp mới mẻ nào. Thành Cồ tức tối quay sang Dũng, đứa lớn thứ nhì trong đám.
- Con nhà Dũng, sao mày lì thế, đưa ý kiến lẹ lên chứ!
- Theo tao nghĩ, Dũng gật gù, chúng mình không còn cách nào cả. Đừng đi tìm mặt trời lúc nửa đêm. Chắc ăn hơn hết là chúng mình phải rời bỏ đây ngay. Về nhà cười nói vui vẻ như không xẩy ra chuyện gì, nếu không ốm đòn cả lũ bây giờ. Ngồi đây tán nhảm hoài cho cọp biển nó nuốt à?
Nghe con nhà Dũng nói có vẻ xuôi tai, cả bọn tán thưởng:
- Hoan hô thằng Dũng. Mày chì quá. Nên theo ý kiến của nó đi!
Trước ý kiến bất ngờ này, thuyền trưởng Thành Cồ nao núng. Thần tượng như đang sụp đổ và nhường ngai cho con nhà Dũng. Bình tâm lại, nó nhấn mạnh từng chữ chậm rãi và đanh thép:
- Tao đồng ý chúng ta phải rời khỏi nơi đây ngay lập tức như thằng Dũng nói, nhưng nó quên một điều quan trọng là chưa chỉ cho chúng ta phải về nhà bằng phương tiện nào?
Con nhà Dũng đớ ra, thế là Thành Cồ thừa thắng xông lên:
- Thằng Dũng này có lẽ muốn nhạo tụi mình. Theo tao nghĩ, ý kiến của nó đưa ra là vô duyên nhất, dư thừa nữa.
- Mày có duyên dữ, con nhà Dũng nổi sùng, từ đầu đến giờ mày đã đưa ra ý kiến nào đâu? Chưa muộn đâu con ạ. Thử coi!
- Tao chưa nói, không phải vì tao không có sáng kiến. Tao muốn nghe tụi bay nói trước đã. Bây giờ tao ra lệnh tụi bay hãy lục lọi khắp nơi trong người xem đứa nào có quẹt.
Cả bọn kiểm soát lại các túi áo. Trong lúc đó Thành Cồ dõng dạc nói tiếp:
- Tao nghĩ rằng tất cả các ý kiến của tụi bay không đưa ra xài được. Cách “suya” nhất là thu góp tất cả các mảnh ván lại và đốt lửa lên, lên thật cao để từ xa người ta có thể nhìn thấy hoặc các con tầu nhận ra dấu hiệu kêu cứu, họ sẽ tới giúp đỡ. Còn tụi bay hãy bình tĩnh ngồi vòng quanh lửa hồng chờ người khác đến chở về và luôn tiện ngồi sưởi ấm và sấy khô quần áo.
Những câu nói hùng biện vừa rồi lấy lại uy tín cho Thành Cồ. Tất cả đều bị lôi cuốn theo. Một lần nữa tụi nhỏ ca tụng thiên tài thuyền trưởng:
- Thuyền trưởng chì nhất. Tụi em tuân theo hết mình.
Được đà Thành Cồ ra lệnh:
- Tất cả đoàn thủy thủ chuẩn bị. Trong giây lát nữa sẽ lên đường!
Đám trẻ lần lượt đứng dậy. Dưới ánh sáng yếu ớt của sao đêm, cả bọn bước theo thuyền trưởng lần mò tới chiếc thuyền tàn phế mắc cạn dưới thềm đá, lục soát, tìm tòi, hy vọng tìm được đồ gì ăn hoặc nấu nướng. Nhưng chúng chỉ tìm ra mấy miếng giẻ, một mảnh buồm rách, một cái rìu và mấy đoạn dây. Không có gì vô dụng và dư thừa trong lúc này cả. Lũ nhỏ tận tình chiếu cố. Với cái rìu trong đôi bàn tay run rẩy, chúng thay đổi nhau bổ xuống chiếc thuyền đã vỡ và thi nhau nhặt các mảnh gỗ văng ra rồi xếp đặt lại thành đống củi. Chung tay nhau làm việc, bọn trẻ quên đi hẳn cảnh khốn cùng của chúng.
Những mảnh ván vẫn bắn ra tứ tung, lũ nhỏ tranh nhau lượm nhặt trong đêm tối. có đứa trượt chân ngã hoặc vồ lấy nhau kêu la oai oái. Thế là vùng biển hoang lại vang lên những tiếng hò la nhộn nhịp.
Đống củi đã được chất cao ngang tầm đầu chúng. Thuyền trưởng ra lệnh cho bộ tham mưu ngồi vây quanh đống củi và chỉ trong chốc lát, sau khi Thành Cồ quẹt diêm đốt vào đống giẻ, mọi người nín thở, chờ đợi, hồi hộp, ánh lửa đang lan dần giữa trời về đêm.
Niềm vui và hy vọng đang dâng lên. Tiếng gỗ bắt đầu nức nở kêu lách tách theo ngọn lửa liếm dần. Lửa khói đang rủ nhau vùng dậy, cố với tới nóc đống củi và sau cùng toàn đống củi bừng bừng rực sáng chiếu soi khắp tảng đá cheo leo và sóng biển chập chùng. Bọn trẻ hân hoan reo mừng chờ giờ phút người thân hoặc các con tầu gần đó nhìn thấy ngọn lửa và tới giải cứu chúng.

Chương 06

Từng giờ từng giờ qua đi. Đống lửa tàn lụi dần một lượt với những tia hy vọng được cứu vãn. Những mảnh ván của con thuyền chỉ đủ sáng soi niềm hy vọng của lũ nhỏ trong một khoảng thời gian thần tiên vắn vỏi. Sóng gió lại thi nhau xô lấn ghềnh đá gieo vào các tâm hồn măng sữa này những sợ hãi, lo âu mới.
Tiếng thì thầm than trách bắt đầu gợn sóng. Hơn khi nào hết, lúc này đám trẻ bắt đầu nhớ ba má, nhớ khung cảnh ấm cúng gia đình. Chúng hối hận đã một lần bất tuân phục để rồi đánh mất tất cả tình thương gia đình, những trò chơi say sưa trên bãi, những bữa ăn ngon lành thịnh soạn…
Bé Hùng nhớ tới người mẹ thân yêu nhất đời. Giờ phút này phải chăng má nó đang buồn sầu, khóc lóc, đi tìm kiếm nó cuống cuồng trên bãi biển? Nó hối hận, nó sợ hãi và đôi dòng lệ đang từ từ lăn trên đôi má. Và nó cũng bắt đầu nghe thấy những tiếng sụt sịt của thằng Minh, thằng Toàn và cả thằng Hoà sún nữa, ngồi gần bên nó.
Nhìn thấy tinh thần bộ tham mưu đang xuống dốc không thắng, thuyền trưởng bối rối, lo âu, nhưng rồi trong chốc lát lại trấn tĩnh được. Và thế là một lần nữa lãnh tụ bọn oắt hịch tướng sĩ:
- Tụi bay làm gì thế? Chưa gì đã dúm lại với nhau cả đống vậy? Trông không khá tí nào cả! Than van khóc lóc lúc này không ích lợi gì ráo trọi. Cuộc đời cần phải có sóng gió mới le chứ! Tụi bay còn nhớ thằng Tintin đã mạo hiểm phiêu lưu thế nào chưa? Đã bao lần đắm tầu, bị bắt, bị rượt đuổi trong các chuyến phiêu lưu ở Conggo, ở Ả Rập và nhất là ở hòn đảo đen, thế mà nó đâu có ớn, có khóc lóc hèn yếu như tụi mày đâu? Nhờ nó nhanh trí, gan dạ, bình tĩnh và cương quyết xoay sở mà rồi trong tất cả những giờ phút gian nguy, nó đã thoát nạn hết. Nó chì hết chỗ chê. Tụi bay chỉ đáng xách quần thủng đít cho thằng nhóc đó. Thôi bây giờ tao đề nghị tụi bay, mình nên tổ chức cái gì chơi cho quên buồn, chờ đến sáng mai sẽ kiếm cách về nhà. Được không?
Bị chạm tự ái, thằng Toàn gồng lên, gạt nước mắt và ra vẻ cương quyết:
- Anh Thành nói trúng đó. Khóc lóc tỏ ra chúng ta yếu đuối lắm. Đề nghị anh Thành tổ chức chơi “tay trắng tay đen” đi!
- Hay là nhảy cừu đi!
- Không được, thằng Phát gạt đi, tụi mình nên chơi trò “nhạc trưởng”!
- Ở đó mà chơi, thằng Dũng còn căm tức Thành Cồ, không lo tìm cách về nhà ngay đêm nay đi, còn ngồi đây mà bầy với vẻ cho chốc nữa sóng biển vồ ráo trọi à?
Thành Cồ tức lắm, nhưng nó dằn lòng:
- Thôi tốt hơn tụi mình ngồi gần lại nhau cho nó ấm, rồi kể chuyện chơi. Tụi mình đứa nào cũng có truyện kể hết. Không gì đẹp hơn, lý thú hơn là quây quần bên nhau nghe kể truyện. Lần lượt đứa nào cũng phải kể. Đứa nào kể hay nhất, ngày mai Chủ Nhật tao sẽ thưởng một cây kẹo loại chì nhất, ngon tuyệt cú mèo!
Như một luồng gió ấm áp quét sạch mây mù, tụi nhóc tán thành sáng kiến của Thành Cồ. Đứa nào đứa nấy bóp trán kiếm truyện ra kể. Đấu trường đã mở rộng cửa, tụi nhóc hăng hái bước vào như những dũng sĩ, nhất là khi chúng tưởng tượng ra cây kẹo mạch nha ngon tuyệt của Thành Cồ treo cho giải thưởng kể truyện hay nhất. Thành Cồ đi vào màn xách động:
- Toàn lém, mày bắt đầu đi chứ! Mày kể truyện chì một cây kia mà!
Toàn lém ngồi thẳng người dậy ra vẻ ta đây, khí thế dâng lên ào ào, như chàng hiệp sĩ cưỡi ngựa đang phi nước đại vào đấu trường.
- Đâu có ớn, cái gì chứ kể truyện là nghề của em mà. Em xin kể một câu truyện về ông già Noel.
- Không được, Thành Cồ át giọng, tụi mình đang đói bụng thấy mồ, rét run cầm cập mà kể truyện ông già Noel làm sao được! Yếu quá, phải kể truyện gì gây cấn cho ấm lòng lên chứ!
- Nhưng em cho rằng nó hay thì sao? Toàn lém sừng sổ, ấp úng đáp lại.
- Thôi đi, dẹp chuyện ông già Noel lại, Thành Cồ tỉnh bơ trả lời. Kể truyện khác hào hứng hơn, nếu không thì nghỉ đi!
Toàn lém hờn mát:
- Em chỉ biết có thế thôi. Ai có truyện hay hơn thì cứ kể đi!
Con nhà Dũng chờ nước đục thả câu:
- Tao đã bảo dẹp đi, về nhà ngủ còn sướng hơn.
Thành Cồ cương quyết:
- Đứa nào nhớ nhà thì lo mà về đi. Thằng nào phá đám, tao uýnh thấy mồ bây giờ!
- Em xung phong. Hoà sún hắng giọng. Em xin kể truyện một ông già gân không thể ngồi dựa lưng suốt hai mươi năm trường.
Lời dạo đầu câu truyện có vẻ bất ngờ, kỳ khôi, ăn khách làm gia tăng óc tò mò của tụi nhỏ.
Sau khi ưỡn ngực lấy hơi, Hoà sún tiếp:
- Ông già này là thợ máy trên con tầu Hùng Phong đang chạy trong vùng biển lạnh Bắc Cực. Vào một buổi sáng kia, con tầu mắc kẹt giữa những tảng băng lớn không đi ra cũng không đi vô được. Nơi đây là quê hương của cá voi, và sống trên những miền giá băng này là từng đàn gấu trắng. Một ngày kia ông già gân đi lang thang, bất chợt gặp năm con gấu trắng. Ông hoảng sợ định bỏ chạy thì năm con gấu nầy gật đầu chào ông. Ông dừng lại. Năm con gấu tiến tới, quỳ, nằm xuống chân ông, đưa lưỡi ra liếm chân tay ông. Ông già gân tưởng mình đang sống trong giấc mơ thần thoại. Chúng ngoan ngoãn bước theo chân ông trở về tầu. Và chỉ khi ông bước lên tầu rồi, chúng mới trở lại. Rồi sáng hôm sau, ông cũng gặp được những con gấu trắng khác và chúng đối xử với ông như năm chú gấu hôm qua. Và từ đó từng đoàn gấu trắng hàng ngày kéo tới đây đông hơn chơi với ông. Các bạn đồng nghiệp thầm khen ông già gân có biệt tài lôi cuốn loài gấu và họ còn nói thêm rằng hình như ông có một loại nước bọt đặc biệt ông phun ra mỗi lần gặp đàn gấu. Mười ngày sau đó, băng đá tan dần. Con tầu có thể lên đường. Đoàn gấu than khóc và tiễn chân ông ra mãi tận biển xa. Ba năm sau đó, lúc ông có dịp trở lại, ông và đoàn thủy thủ gặp thấy một chú gấu đen. Ông muốn tỏ ra tài lôi cuốn loài vật của mình, ông đánh cá với đoàn thủy thủ là ông sẽ chơi giỡn với con gấu này. Ông lên bờ, tiến gần lại phía con gấu, ông phun lên mặt nó một ít nước miếng. Thay vì mừng đón ông, chú gấu đen chồm lên định vồ lấy ông. Thế là ông già gân cao bay xa chạy về tầu. Chú gấu đuổi theo. Ông già leo lên cột buồm. Chú gấu nằm lì dưới chân cột buồm, gầm thét mấy ngày liền như muốn đớp cho bằng được kẻ thù của nó. Ông già nhịn đói nhịn khát ôm cột buồm suốt mấy ngày trời. Từ đó về sau ông già không ngồi tựa lưng được nữa.
Tụi nhỏ thở dài nhẹ nhõm, khoan khoái, vỗ tay tán thưởng Hoà sún hết chỗ chê.

Chương 07

Lần lượt tụi nhỏ kể hết truyện Tề Thiên Đại Thánh, rồi đến truyện Nữ Kiếm Khách Đoạt Hồn, truyện Hoàng Tử Tí Hon viếng thăm vương quốc khổng lồ. Và đến lượt Thành Cồ, nó được anh em đề nghị kể truyện Tintin và chó Milou mạo hiểm hòn đảo đen.
Câu chuyện đang tới hồi gây cấn. Bọn trẻ ngồi không nhúc nhích. Bỗng dưng rầm một tiếng thật lớn. Rồi lại một tiếng nữa tiếp theo. Bọn trẻ lúc này đã hiểu ra đại dương bắt đầu nổi giận và đang chồm vào như muốn nuốt chửng hết tất cả. Chúng dớn dác sợ hãi kêu la như những kẻ đang cầu cứu trước giờ phút cuối cùng của cuộc sống. Chúng đâu có ngờ giờ phút này nước biển còn đang lên cao nữa và gầm thét hãi hùng. Kinh hoàng, hoảng sợ, chúng chạy lui chạy tới mong tìm lối thoát.
Trong giờ phút này chỉ có một mình thuyền trưởng còn tạm đủ bình tĩnh và sáng suốt. Dưới ánh sáng tàn lụi lu mờ của đống than tàn, nó nhìn thấy ở trên cao có một khoảng đá bằng phẳng tạm để trốn chạy sóng thần gào thét. Nó nhặt vội lấy mấy cuộn dây lúc nãy tìm thấy trên thuyền, buộc lại thành một cái thang leo. Giữa cảnh hãi hùng hỗn độn đó, tiếng nó vang lên lanh lảnh như chiếc kèn đồng chỗi dậy giữa đại dương.
- Tụi bay hãy bình tĩnh, nếu không, chết hết cả lũ ở đây luôn. Noi gương thằng Tintin chiến đấu một thân một mình giữa hòn đảo đen, tụi bay hãy tỏ ra can trường, tự tin và bình thản. Mình gắng lên rồi Trời sẽ phù trợ.
Sau mấy lời trấn an mau chóng, Thành Cồ chỉ cách cho cả bọn thoát nạn. Giảng giải xong xuôi, nó ra lệnh cho cả bọn thi hành.
- Nào hăng hái lên tụi bay kẻo ngỏm hết bây giờ!
Theo đúng kế hoạch, thằng Dũng và thằng Hoà sún khoẻ hơn đứng cuối cùng, rồi bọn trẻ lần lượt đứng lên hai vai xếp thành hình kim tự tháp. Bé Hùng đứng trên đỉnh. Thuyền trưởng điều động kế hoạch leo núi:
- Nhỏ Hùng, mày leo tới chưa?
Rồi không trì hoãn, nhanh như cắt, nó lao mình lên khoảng đá bằng phẳng, buộc đầu dây thang vào mô đá chắc và ném đầu dây thang kia xuống cho tụi nhỏ lần lượt leo lên. Mặc dầu ngọn sóng đã ngoạm tới gót chân, chúng vẫn theo lệnh thuyền trưởng leo lên một cách trật tự. Nhỏ Dũng vừa đặt chân lên bậc thang thứ nhất của cầu thang dây, nó còn giương cổ ra nói:
- Nếu nghe lời tao thì giờ đây cả bọn đang nằm ngáy khò khò rồi!
Trong lúc cả bọn đang thở hơi hổn hển, thuyền trưởng lúc này tỏ ra phòng xa, đứng quan sát địa thế trên cao và tìm phương tiện leo lên, nếu xẩy ra trường hợp nước biển dâng lên cao nữa.
Nhìn từ xa, ghềnh đá này giống như một chỏm núi trơn tru, nhỏ bé. Nhưng đến gần, ghềnh đá đã bị bao sóng biển soi mói đủ kiểu, đủ hướng, do đó, nó mang nhiều hình thù: chỗ nhẵn thín, chỗ răng cưa, chỗ lòi ra, chỗ lõm vào, chỗ vòng cung, chỗ ngòng ngoèo, chỗ bằng phẳng mịn màng. Nó là bức tranh muôn hình vạn trạng do tạo hoá và đại dương tác tạo.
Thành Cồ đã khám phá thấy một hành lang hẹp xoáy theo hình tam giác chạy phía ngoài ghềnh đá. Đúng theo trực giác của nhà lãnh đạo tài ba Thành Cồ, mực nước vẫn dâng lên cao mãi. Không thể đứng lì lợm với sóng biển được nữa, Thành Cồ lại giục đoàn quân tiếp tục lên đường:
- Tụi bay chuẩn bị đi theo tao, không có sóng biển hốt hết cả lũ, không bỏ sót một thằng nào cả.
Cả bọn tăm tắp theo lệnh Thành Cồ, kể cả nhỏ Dũng bướng bỉnh. Thỉnh thoảng vang tiếng Thành Cồ dặn dò cách thức bò và báo hiệu những chỗ nguy hiểm. Dưới chân chúng nó, sóng thần vẫn cuồn cuộn nhô lên dữ dội.
Bọn trẻ vừa leo vừa kêu nhoai nhoái. Tay chân sây sứt rướm máu. Quần áo rách ướt. Leo được một lúc, chúng gặp một đường rãnh nằm giữa hai tảng đá cao. Bây giờ Thành Cồ đem sử dụng chiếc cầu thang dây. Không mấy chốc cả bọn mệt lả. Đứa nào đứa nấy cứ đứng lì tại chỗ. Nhưng khi nghe tiếng sóng cứ ào ào chồm lên, chúng lại gắng công chạy trốn lưỡi hái tử thần, trong lúc thuyền trưởng mỗi lúc mỗi hối thúc:
- Can đảm lên, đồ khùng, đứng đó mà ngáp chết à! Bây giờ không còn phải là giờ phút lưỡng lự mềm yếu nữa. Một là chốc lát nữa tụi bay sẽ chết chìm, hai là ngày mai sẽ trở về trong danh dự. Kìa, thằng Toàn, mày hãy nắm lấy thằng Dũng mà leo lên mau. Thằng Sún, đừng ngó xuống biển nữa kẻo buông tay ra rớt bây giờ, hãy cầm lấy đầu dây để tao kéo lên. Còn nhỏ Hùng, mày khá lắm, cố lên đi!
Thành Cồ quả thực xứng đáng làm thuyền trưởng. Nó bình tĩnh, gan dạ, liều lĩnh. Nó là hy vọng, là soi sáng của cả bọn nhỏ. Nó còn như bà mẹ tỏ ra luôn luôn lo lắng cho cả bọn.. Chiếc cầu thang dây luôn nằm trong tay nó. Có lúc nó cầm tay bọn trẻ kéo lên, có lúc nó làm thang cho tụi chúng leo lên vai để vượt qua những chỗ cheo leo. Thỉnh thoảng nó lại kêu tên từng đứa như điểm danh xem có đứa nào đã lăn chìm xuống biển chưa?
Tới một khúc quanh, một tảng đá chắn ngang lối leo lên, lũ trẻ dừng lại. Dưới chân chúng, sóng biển vẫn không ngừng đuổi theo, hung dữ.
- Anh Thành ơi, em sợ quá rồi!
Không một tiếng trả lời. Thành Cồ đã biến đâu mất!
- Anh Thành đâu rồi, anh Thành!
Vô ích, những tiếng hò hét của lũ trẻ cứ thi nhau gọi Thành Cồ như mất hút vào không trung.
- Hay là anh ấy rớt xuống biển rồi?
- Chưa chừng con gấu đen chộp anh ấy rồi đó!
- Anh Thành ơi, anh đang ở đâu?
Biển động vẫn không ngừng như những đoàn quân ma ào ào tiến lên xung phong. Chẳng bao lâu nữa biển cả sẽ quét sạch lũ nhỏ như một tràng đại liên càn quét địch quân.
- Coi chừng, tụi bây, gắng lên, sắp thoát nạn rồi!
Tiếng Thành Cồ oai hùng vang dậy. Nó xuất hiện lúc nào tụi nhỏ không ngờ. Nó là giải thoát của cả bọn. Nó đang đu đưa trên dây thang, có lúc nó nhảy như con nhái, có lúc lại bò lết như chú thằn lằn. Lúc này nó đã buộc chặt cái thang vào một móc đá chắc chắn. Và thế là lần lượt bọn trẻ leo lên từng bậc một cách vất vả, khó nhọc. Cuối cùng cả bọn cùng bước chân tới tảng đá phẳng. Phải chăng đây là chỗ giải thoát cho bọn chúng?
Xoay sở tới đây, Thành Cồ không thể làm gì hơn được nữa. Trên đầu chúng nó là một cột đá, mọc cao chơi vơi. Đỉnh cột đá là nơi bầy chim ẩn náu qua đêm. Dưới chân chúng nó biển cả vẫn tàn ác đuổi theo sát gót. Tất cả quây quần bên thuyền trưởng như bầy gà con núp dưới cánh mẹ. Thành Cồ ôm chặt cả bọn, khóc nức nở:
- Tụi em tha cho anh nhé. Ba má các em giao các em cho anh coi sóc, thế mà anh đã làm mất các em. Hu, hu, hu…
- Không, thằng Minh cảm động, đâu có phải tại anh, chính anh có công cứu vớt tụi em mà.
Có đứa mệt quá lăn ra ngủ. Có đứa sợ hãi, lo âu, hối hận quay sang nói với bé Hùng:
- Hùng ơi, mày sướng thế, sao mày lại đi với tụi tao để phải khổ sở như thế này?
- Nó đâu có muốn, Toàn lém đệm theo, tụi mày khích nó đi mà, nó sợ thấy mồ kìa!
- Không phải, bé Hùng run run, chính là lỗi tại tao đã cởi dây buộc thuyền đấy.
Trước sóng vỗ tung toé mịt mờ, lũ nhỏ vừa lau mặt, vừa khóc lớn hơn, vừa kêu gào ba má và Thành Cồ.
- Anh Thành ơi, làm sao đây? Tụi em chết mất!
- Ba má ơi, ba má bỏ con sao?
Bọn trẻ càng bám chặt lấy Thành Cồ. Thành Cồ gồng thêm một lần nữa:
- Đừng gọi anh và ba má tụi em làm gì nữa! Vô ích. Tốt hơn là tất cả chúng ta quỳ xuống cầu xin Thượng Đế cứu vớt.
Cả bọn vội vàng quỳ xuống khấn vái với những giọng điệu thật cảm động thống thiết, dù cho bụi sóng vẫn đang thi nhau mịt mùng thấm ướt quần áo của chúng.

Chương 08

Cảnh thê lương đang bao trùm trên ghềnh đá cheo leo cũng như khắp xóm làng Thanh Hải.
Vào lúc con thuyền rời bến dưới quyền điều khiển của thuyền trưởng Thành Cồ, Thanh Hải bắt đầu trở thành yên tĩnh hoang vu. Giật mình tỉnh giấc, Ngọc Hạnh hoảng hốt khi không thấy bé Hùng nằm bên cạnh. Nàng ngồi nhỏm dậy, rồi vội vã đứng lên, rảo mắt khắp nơi tìm hình bóng đứa con cưng. Không thấy tăm hơi, nàng cho rằng “thằng giặc” đó chắc theo bạn bè ra chơi ngoài bãi xa rồi. Thực tự nhiên vì hàng ngày bé Hùng vẫn thường đi chơi như thế.
Rồi buổi chiều đến, dân làng đã trở về, trừ ra những người đi biển. Xóm làng trở lại bầu không khí rộn ràng, hoạt động, tuy nhiên còn thiếu những tiếng nô đùa của lũ trẻ. Chưa ai lưu tâm tới chúng cả. Khi các mái tranh lan toả khói lam chiều và mùi thơm của các món ăn thoảng hơi bay xa, bọn nhãi sẽ tự động có mặt tại nhà.
Giờ ăn đã đến, tất cả đều nóng hổi xông mùi thơm phức. Mọi người đều tề tựu, tuy nhiên không một bóng dáng tụi nhỏ. Niềm lo ngại, sợ hãi đang hiện dần thắm nét trên vẻ mặt của mọi người, nhất là của các bà mẹ. Ngoài bãi, Ngọc Hạnh tất tưởi vang giọng gọi con:
- Hùng ơi, bớ Hùng, về ăn cơm! Má không đánh đòn đâu!
Mọi người đổ xô tới, hỏi han, rồi trấn tĩnh:
- Không sao cả, thằng Hùng nhà chị ngoan lắm, nó không dám đi chơi liều lĩnh đâu!
- Chị yên tâm, thằng Thành coi tụi nhỏ chắc ăn lắm mà, vả lại biển cả hôm nay chẳng có gì đáng ngại hết!
- Chưa chừng tụi nó ra phố coi hội chợ!
- Đúng rồi, hôm nay có đoàn xiệc Minh Đức ở Saigon ra trình diễn.
Mọi người gật gù yên tâm trước những giả sử vừa đưa ra. Họ trở về nhà ăn cơm, bàn tán truyện gẫu.
Màn đêm mỗi lúc buông thêm dầy đặc. Tụi nhỏ vẫn chưa trở về. Các tâm trí người lớn bắt đầu lên men. Ngọc Hạnh không yên tâm được nữa. Lòng nàng nôn nao, bồn chồn. Từ nãy tới giờ nàng nhấp nhổm đứng lên ngồi xuống mấy lần rồi. Sau cùng nàng mạnh bạo nói lên niềm thao thức:
- Không biết các bác thấy sao, tôi lo ngại tụi nhỏ quá, chẳng lẽ chúng ta cứ ngồi chờ thế này hoài sao? Tôi đề nghị chúng ta nên đi kiếm tụi nó.
- Phải đấy, bác Năm đi ra phố coi xem!
- Tôi cũng đi theo với.
- Còn tôi, Ngọc Hạnh nói, tôi cũng ra bãi tìm nữa.
- Tôi tình nguyện sang làng Cát Hưng tìm tụi nó vậy, chưa chừng tụi nó đánh lộn với lũ ranh làng đó…
Thế là không ai bảo ai, mỗi người đổ xô đi khắp hướng tìm kiếm.
Rồi họ lần lượt trở về thảm não, lo sợ và tụ họp trên bến thuyền.
- Tôi đi mỏi nhừ cả chân khắp bãi mà chẳng thấy dấu chân của chúng nó.
- Tôi sang làng Cát Hưng, đường vắng tanh, sợ thấy mồ, cũng chẳng tăm hơi đứa nào..
- Hu, hu hu…, Hùng ơi, con làm má khổ thế này sao?
- Thôi đừng khóc nữa má Hùng. Chỉ tại cái thằng Thành khốn kiếp nhà tôi làm đầu têu rủ rê tụi nó đi chơi xa. Nó về đây sẽ biết tay tôi mà.
Giữa những tiếng bàn tán xôn xao, những tiếng than khóc nức nở, một tiếng kêu hãi hùng, rùng rợn buột vào vùng đêm hoang lạnh:
- Ú, ú, ú…
Mọi người nhìn nhau kinh hãi, rởn tóc gáy, nổi da gà, chạy dớn dác:
- Trời ơi, nguy to rồi, đúng tiếng thằng Tèo điên rú lên kìa!

***

Thằng Tèo điên là ai mà gieo kinh hoàng vào lòng người nhiều thế?
Không ai biết rõ tông tích của nó. Nó từ đâu tới? Sinh trưởng ở nơi nào? Đến đây tự bao giờ? Tại sao dân làng này lại đặt tên cho nó là Tèo điên?
Bao câu hỏi. Không một giải đáp.
Vừa câm vừa điếc lại vừa đần độn, Tèo điên quả thực là nơi chứa đựng những gì vô duyên nhất của thiên nhiên. Quấn chung quanh con người đó là những áo quần rách rưới trăm mảnh. Bên hông là một túi đựng đủ thứ đồ ăn nhặt nhạnh khắp nơi. Đôi môi dầy thô kệch, bộ râu xơ xác dính dấp mọi thứ nhơ bẩn, những gì dơ dáy và đáng thương đều về họp mặt nơi con người bị đầy đoạ này.
Lêu bêu, lang bạt là kiếp sống của thằng Tèo điên. Nơi đây, những người chài lưới chất phác không nỡ xua đuổi kẻ xấu số đó. Mùa hè nó đóng đô tại hốc đá ngoài xa. Mùa mưa và gió lạnh, nó trú đóng tại chuồng heo hoặc chuồng bò. Ban ngày nó quanh quẩn ngoài bãi nhặt tôm cá, cua, ốc về nấu nướng ăn. Buổi chiều, nó tiếp tay với các bác ngư phủ kéo lưới lên bờ. Nó là tay sai vặt đắc lực nhất của mọi người. Khi nào được người ta cho nhiều tiền, thế nào nó cũng biệt tích một vài ngày cho tới lúc không còn một đồng xu dính túi, nó lại lên đường trở về Thanh Hải.
Tất cả bọn trẻ thơ, vừa trông thấy bóng dáng nó từ xa, đã chạy vội lại ôm chầm lấy má. Mỗi khi khóc lóc kêu la, các bà mẹ chỉ cần nhắc tới tên Tèo điên là con nít im bặt. Từ già tới trẻ, gặp thấy nó đâu là trêu chọc nhạo báng nó. Như thế làm sao nó không trở thành dữ tợn? Tuy nhiên, nó không làm hại ai cả. Hình như nó dồn tất cả những căm tức, trả thù một cách âm ỉ, dữ tợn dưới đáy lòng. Nó trả đũa loài người bằng cách cười rống lên mỗi khi dân làng bị đắm thuyền, cháy nhà, chết chóc, đau ốm nặng. Tiếng cười của nó lanh lảnh, chói chang, hằn học gào rống gieo rắc đầy ám khí, hãi hùng chạy khắp làng này sang làng khác. Đó là lối trả thù độc nhất của nó trước những tàn ác của thiên nhiên và của loài người. Người ta cười nhạo những tật xấu của nó, còn nó, nó cười nhạo các bất hạnh của loài người.
Từ ngày hai má con Ngọc Hạnh đến đây, tâm tính nó đã đổi thay chút ít. Thực vậy, Ngọc Hạnh nhìn thấy nó lần đầu, nàng đã thật tình cảm thương số phận tủi nhục của nó. Khi gặp nó, thay vì tò mò, khinh bỉ, chế diễu, nàng đã ân cần nhìn nó, mỉm cười và dúi vào túi nó mấy xu. Đôi lần nàng để bé Hùng đưa tiền, hoặc gói bánh vào tay nó.
Có lần hai má con đang chơi trên bãi, nghe tiếng kêu của Tèo điên, chạy lại, thấy Tèo điên vấp đá ngã, máu chảy đỏ cả bàn chân, nàng giục bé Hùng:
- Hùng con, con chạy về nhà mau, lấy chai thuốc tím và bông gòn để má chữa cho người xấu số bị mọi người bạc đãi nầy nhé!
Lúc đầu mặt bé Hùng nhăn lại, nhưng rồi trước những lời nói thương tâm của má, nó cúi đầu chạy và không quên quay lại nhắc má nó:
- Má cho chú ấy chiếc bánh tráng của con đi nhé!
Đôi khi bé Hùng thực căm tức khi thấy người ta hành hạ sỉ nhục Tèo điên. Người ta đưa bánh đưa tiền ra dụ nó, bắt nó quỳ xuống chân, giơ tay vái lia lịa một hồi, giữa những tiếng cười nham nhở của bao người khác vây quanh, rồi mới bố thí cho nó. Những lần như thế, nó chạy về nũng nịu má:
- Má ơi, người ta tệ quá, hành hạ Tèo điên đủ kiểu. Má cho con đồng xu để con ra cho chú ấy đi!
Ngọc Hạnh cảm động, hãnh diện trao cho con đồng xu nhỏ.
Trước những cử chỉ cao đẹp này, thằng Tèo ra vẻ xúc động. Nó không ngờ loài người còn có những tâm hồn đẹp đẽ ấy. Khi nào hai má con nàng có việc gì nhờ vả tới nó, nó làm tận lực.
Thằng Tèo điên là thế đó. Những căm thù ghen ghét chứa đầy nhóc tim óc nó. Mỗi lần nhìn thấy những bất hạnh của người khác, nó khoái trá và hình như tâm tư nó nhẹ bớt được một chút. Nó ghét loài người, nhất là tụi nhỏ đã đối xử với nó như một trò chơi, một con vật để hành hạ. Ngay buổi sáng hôm nay, tụi nhỏ, trong đó không có bé Hùng, đã chọc ghẹo, xua đuổi thằng Tèo điên. Để chạy trốn những hành nhục đó, nó tìm tới trú ẩn nơi hốc đá ngoài xa. Cả ngày hôm đó, nó ngồi đó, thản nhiên nhìn ngắm biển rộng bao la, theo dõi con thuyền tụi nhỏ đang cuốn theo chiều nước lạc vào lòng biển cả.
Và bây giờ người ta hiểu được tại sao dân làng kinh hoàng lúc nghe thấy tiếng cười hú của thằng Tèo điên. Những tiếng cười hãi hùng đó báo tin cho họ như tiếng chim cú vang lên giữa lòng đêm tịch mịch: một tai hoạ đang giáng xuống trên xóm làng này. Mọi người xôn xao:
- Tại sao trời biển không giông tố mà thằng khùng này lại cười rống thế kia?
- Có ai đau ốm nặng, chết chóc trong làng này không?
- Hay là tụi trẻ lâm nạn gì rồi?
Thỉnh thoảng lại có người chạy ra bến thuyền đưa tin:
- Tôi sang mãi tận làng Trà Phát, cũng chẳng thấy chúng đâu cả!
- Tôi chạy tới tuốt chân núi gào thét, vẫn không một tiếng động! ...
Có người lại trở về hớn hở, khoái chí được nhìn thấy con voi khổng lồ, chú vượn nham nhở, thằng lùn nhào lộn, con khỉ đỏ đít leo dây ở hội chợ và họ thản nhiên lắc đầu không nhìn thấy lũ trẻ đâu hết.
Sau cùng, không thèm bàn tán nữa, họ về nhà đốt đuốc sáng rực một góc trời, rồi tiếp tục đi tìm kiếm. Dưới ánh sáng bập bùng, họ tìm thấy thằng Tèo điên đang đứng trên mỏm đá, hai tay nó chỉ về phía biển như nói lên rằng đó là hướng tụi nhỏ đã ra đi và họ hãy đi về phía đó mà tìm kiếm.
Thế là mọi người đổ xô về bến thuyền:
- Thôi, tụi nhỏ trôi ra ngoài biển rồi bà con ơi!
- Ối làng nước ơi, con chết mất ngoài biển rồi!
- Sao con bỏ má con ơi, hu, hu hu…
- Đúng rồi, chiếc thuyền của tôi buộc dây hồi sáng, bây giờ đâu mất rồi?
- Chắc tụi nhỏ đã lên chiếc thuyền đó ra khơi!

***

Mỗi lúc, bến thuyền thêm ồn ào huyên náo. Những tiếng than khóc chỗi dậy, những tuyệt vọng oán hờn, những lời chửi thề oai oải. Như những con chó sói, các bà mẹ vùng vẫy, giẫy giụa, xổ ra muôn lời chửi bới đại dương. Những tiếng nguyền rủa hoà lẫn tiếng sóng ngàn khơi. Những bà goá còn thách thức biển cả đã chưa đủ tàn ác khi cướp mất chồng họ, ngày nay còn giành giật con cái họ nữa.
Tiếng báo động lan truyền sâu rộng và mau chóng giữa thôn làng. Các bác ngư phủ bị đánh thức dậy, hốt hoảng thắp đèn đuốc chạy ra thuyền. Các con thuyền thi nhau rời bến. Người chèo chống vào sâu đại dương, kẻ men thuyền dọc bờ vịnh nước. Khắp nơi đầy tiếng gọi, tiếng nói hoà lẫn với tiếng sóng gầm lúc này trở nên dữ dội, với tiếng cười thật rùng rợn của thằng Tèo điên.
Giữa cảnh xáo trộn bấn loạn, Ngọc Hạnh chỉ còn biết ôm mặt khóc:
- Trời ơi, trời đã cướp mất đứa con cuối cùng của tôi rồi, trời ơi. Hai đứa con của tôi đã chết rồi, chưa đủ sao?! Con ơi, sao con không nghe lời má mà lại ra đi lúc má đang ngủ? Bây giờ con ở đâu? Còn sống hay chết? Con có lạnh không? Có đói không? Lậy trời, đừng cướp mất con tôi! Tôi chết mất! Trời ơi là trời… Hu, hu hu! ...
Các bà vừa cảm kích, vừa thương con, nước mắt chảy dàn dụa theo Ngọc Hạnh, vật mình vật mẩy, kêu la vang trời. Và lúc này thằng Tèo điên đã tiến đến gần họ. Nó cười vui trước cảnh đại hoạ của dân làng. Thấy bóng nó, Ngọc Hạnh chạy tới như điên như khùng:
- Tèo ơi, mày biết không, mày còn nhớ bé Hùng không, nó đang ở ngoài biển kia với cả bọn trẻ. Bé Hùng vẫn cho mày kẹo bánh, tiền bạc đó. Nó nhịn ăn để cho mày đó. Bây giờ nó lâm nạn rồi, Tèo ơi. Tao mất con rồi. Tao không còn con nữa, Tèo ơi. Mày cố gắng đi tìm nó cho tao đi. Hãy mang nó về. Trời, nó chết lạnh, chết khát mất. Này Tèo ơi, mày hãy cầm lấy chiếc khăn này đi kiếm nó và choàng cho nó. Mày hãy đi đi! Tao thương mày nhiều. Tao sẽ săn sóc thêm cho mày.
Ngọc Hạnh chắp tay van lơn thằng Tèo điên. Nó nhìn biển rồi lại cười. Còn nàng, mỗi lúc mỗi thêm điên khùng:
- Mày không hiểu tao nói sao, Tèo ơi? Bé Hùng hôm nọ nó chạy về lấy thuốc băng chân cho mày đó. Nó tốt với mày mà? Nó đang ở ngoài khơi đấy. Mày hãy đi tìm nó đi! Tại sao mày cười? Sao mày ác thế? Đi tìm nó mau lên, Tèo ơi, tao van mày!
Nàng khóc không thành tiếng nữa. Lúc này thằng Tèo cũng không cười nữa. Nó đứng ngơ ngác bất động đưa mắt hết nhìn nàng lại nhìn ra biển, hết nhìn ra biển lại quay nhìn nàng, trong lúc nó cuốn chiếc khăn quàng quanh tay áo nó.

Chương 09

Từng giờ phút thấp thỏm, khiếp nhược kế tiếp nhau uy hiếp Thanh Hải. Không một bóng người còn lại trong làng. Nhà cửa mở toang. Gia đình bỏ ngỏ. Tất cả đã ở ngoài bãi hoặc trên biển nước mênh mông. Các con thuyền lướt sóng mau lẹ, giao nhau chạy về mọi hướng. Các bà mẹ rũ rượi mệt nhoài vẫn rền vang tiếng khóc bi ai.
Tất cả đều xúc động và thương tâm trước niềm đau tê tái của Ngọc Hạnh. Các bà thay đổi nhau an ủi nàng:
- Thôi khóc làm gì nhiều. Chúng tôi cùng chung số phận bất hạnh như chị, nhưng chắc chắn chị khổ đau hơn chúng tôi. Những tai họa ấy thường xuyên đe doạ dân chài lưới này. Nếu biển cả đem lại cơm cháo cho chúng tôi thì cũng chính biển cả là kẻ thù của chúng tôi. Trước đây và sau này, biển cả còn tiếp tục bắt chộp con cái chúng tôi. Chúng tôi vẫn dạy để con cái chúng tôi một ngày kia sẽ vượt thắng biển cả. Chúng tôi đã quen nhìn con chúng tôi tung mình vào sóng gió. Chúng tôi chào đời, sinh sống và chết đi trong cuộc chiến đấu với đại dương. Nhưng còn chị, chúng tôi hiểu chị, chúng tôi thương chị chưa quen với thử thách của đại dương. Chị khổ đau hơn ai hết trong lúc này. Tại sao chị lại đến ở đây? Tại sao gió biển lại thổi chị phiêu bạt đến nơi này giữa chúng tôi?
Còn các ông, các ông không ưa than van khóc lóc. Các ông tìm cách trấn an nàng:
- Chị cứ bình tĩnh, hoàn cảnh như thế này, dầu kinh hãi mấy cũng chưa phải là tuyệt vọng đâu. Sóng biển không đến nỗi hung bạo tàn nhẫn quá mức như mọi người tưởng. Không lẽ bao nhiêu thuyền bè, tầu buồm lại không nhìn thấy chiếc thuyền chúng nó ra mãi tít ngoài khơi. Có thể tụi nó trôi dạt vào chỗ nào đây. Tụi nhỏ nó đâu có tài giỏi chèo chống gì đâu!
Niềm hy vọng cuối cùng vẫn còn leo loét chập chờn.

***

Từng con thuyền trở về, chở theo niềm thất vọng mới. Không một tin tức gieo vui. Tất cả vẫn trong một tình trạng não nề lúc trước. Họ căm tức nguyền rủa như những lần ra đi suốt ngày để rồi lúc tối trở về với con thuyền trống rỗng. Mọi người vẫn chờ đợi, chờ đợi cho tới chiếc thuyền cuối cùng của ông Trọng, ba của thằng Thành Cồ. Ông là một tay ngư phủ lão thành, gan dạ, tài khéo dám đương đầu với mọi sóng biển. Ông là niềm hy vọng cuối cùng của dân làng. Vừa thấy chiếc thuyền ông trở về, mọi người xô tới:
- Bác Trọng ơi, có thấy gì không?
- Chúng nó đâu cả rồi?
Mặt mũi thảm não, ông lắc đầu lia lịa. Cha của thằng Toàn, thằng Minh, thằng Hoà… chạy tới. Họ quây quần với nhau tìm kiếm kế hoạch. Cha thằng Thắng mở đầu:
- Tôi đi khắp cả phía bờ bên kia, thế mà vẫn không thấy bóng dáng đứa nào cả.
- Tôi cũng thế, chèo tuốt ra giữa dòng cũng chẳng hơn gì.
- Theo tôi, cha thằng Toàn lập nghiêm, chúng ta phải tính lại kỹ hơn. Hồi xẩm tối, tôi có thấy lửa cháy ở tận ngoài xa, có lẽ là chỗ ghềnh đá, chỗ mà thỉnh thoảng chúng ta lại ăn trưa ở đó.
- Nếu vậy, có thể lũ nhỏ khi ra khỏi vịnh nước đã bị gió thổi về phía ấy. Và khi chiếc thuyền trôi tới đó, đập vào ghềnh đá vỡ toang ra, và chúng nó đã nổi lửa đốt các mảnh thuyền đó để ra dấu hiệu cầu cứu.
- Có thể, cha thằng Thành chen vào, lũ nhỏ đang trú ẩn ở đó chờ đợi chúng ta. Không rõ chúng có biết leo lên mấy thềm đá ở trên không? Nếu không, nước dâng lên cao sẽ quét sạch bọn chúng. Thằng Thành nhà tôi trèo leo giỏi lắm, tôi không ngại, tôi chỉ sợ cho mấy đứa kia thôi.
Và lúc này Ngọc Hạnh thảm thiết níu áo ông Trọng:
- Bác ơi, xin bác làm ơn cứu vớt tụi nó mau lên. Tội nghiệp thằng Hùng, người nó vừa yếu lại vừa nhỏ, làm sao thoát nạn đây? Xin bác mau mau tới cứu con tôi. Gia đình tôi chỉ còn mình nó là lẽ sống. Bác không giúp, tôi chết mất, bác ơi!
- Chị đừng hối thúc quá, tôi coi bé Hùng như con tôi. Con tôi sống thì thằng Hùng nhà chị sống, con tôi chết, nó cũng chết như vậy.
- Xin bác làm ơn lưu tâm đặc biệt tới cháu. Nó không có cha nó ở đây, bác ạ. Tôi nghe người ta ca tụng bác đã mấy lần can đảm cứu vớt những người đắm đuối xưa nay, xin bác tận tình giúp cho.
Các ông tiếp tục bàn thảo kế hoạch. Ông Trọng tỏ vẻ lo âu:
- Các ông có nghe thấy sóng gió mỗi ngày mỗi lớn dần không? Mực nước dâng lên cao thêm. Chúng ta phải ra tay lẹ lên trước khi sóng biếc nuốt trửng tụi nó.
Ngừng lại một lát, ông gọi các bà tới:
- Này bà Minh, bà Hoà, má thằng Thành đâu, các bà chạy về nhà đưa đồ ăn, đưa nước và quần áo thêm cho tụi nó chứ. Mau lên các bà. Chậm trễ là nguy to đó.
Các bà chạy rào rào về nhà vơ vét bánh trái, áo quần đưa ra thuyền. Ngọc Hạnh cũng vội vã chạy về gói cho con bộ đồ bằng nỉ và hai chiếc bánh nếp. Bà tất tưởi chạy tới gặp ông Trọng:
- Bác ơi, bác làm ơn trao cho bé Hùng dùm tôi với. Chắc lúc này nó đang lạnh run và đói khát lắm! Vạn sự nhờ bác cả. Ơn này tôi chẳng dám quên đâu.
Vừa vác buồm đặt xuống thuyền, cha thằng Toàn đã chửi bới:
- Khốn nạn, tụi bay làm khổ các ông. Đánh cá mệt đừ cả người suốt ngày rồi, đêm đến tụi bay cũng chẳng để cho các ông ngủ yên. Tụi bay sẽ thác với các ông.
- Các bác có thấy không, ông Trọng ấm ức hùa theo, tôi mới khổ chứ, chiếc thuyền tôi vừa đóng mới toanh thế mà cái thằng khốn kiếp rủ tụi nhỏ đi chơi. Thế là tiêu tan công lao của tôi mấy năm trời nay. Thằng chết trôi đó lát nữa về biết tay tôi. Tôi sẽ cho nó mềm đòn! Nó là thằng phá gia chi tử.
Bà Thành thương con, vừa đặt đồ ăn uống xuống thuyền vừa can ngăn chồng:
- Thôi mà, con nó trót dại. Oán hận đâu có ăn thua gì. Ông mau mau đi đi, kẻo tụi nó chết mất.
Má thằng Toàn nói theo:
- Bác ơi, mai mốt rồi hãy tính tội tụi nó, bây giờ xin bác hãy cứu vớt tụi nó đã. Tiền của ăn thua gì. Mạng sống tụi nó mới đáng quý chớ. Chúng tôi trao phó con cho bác đấy.
Hành trang và lương thực đã sẵn sàng. Đoàn người xuống thuyền, căng buồm. Ngọc Hạnh kêu gào theo:
- Các bác ơi, cho tôi đi với để lo cho bé Hùng!
Ông Trọng gạt đi:
- Chị cứ ở nhà, chúng tôi sẽ lo cho cháu. Chúng tôi coi nó như con cháu trong nhà mà. Thôi các bà ở nhà lo cầu nguyện và chuẩn bị đón rước chúng nó.
Ông Thanh đứng trên mũi thuyền và ra lệnh cho con thuyền nhổ cọc. Họ đẩy thuyền ra khơi. Cánh buồm gặp gió, phồng lên rẽ sóng, dìu con thuyền nhảy chập chờn trên sóng nước mênh mông.

Chương 10

Những giờ phút dài dẵng chờ đợi qua đi một cách nặng nề chậm chạp. Tất cả dân làng ngồi ngoài bãi suốt đêm thâu. Hy vọng, sợ hãi, kinh hoàng đều tập trung tất cả về ghềnh đá ngoài khơi. Người ta tả lại một cách tỉ mỉ từ đỉnh cho tới chân nó. Mỗi người thêm vào một chi tiết và cuối cùng không mô tả nào giống mô tả nào. Có người cho rằng ghềnh đá đó thoai thoải và lũ trẻ chẳng phải khó nhọc lắm mới có thể leo tới đỉnh được. Người khác cãi lại rằng ghềnh đá đó mọc thẳng đứng cheo leo, chúng nhỏ yếu làm sao trèo lên cao nổi. Người khác nữa nghĩ rằng mực nước biển không bao giờ dâng tới bậc thềm trên cùng của ghềnh đá và bọn chúng có thể trú ẩn ở đó một cách an toàn. Người kia không đồng ý gân cổ biện luận rằng dù cho mực nước biển không lên cao đến mức đó, nhưng ngọn sóng thần dư sức chồm lên quét sạch cả bọn.. Tuỳ theo mỗi người mô tả và bàn luận theo các con tim dâng lên hoặc hạ xuống niềm hy vọng và ái ngại.
Ngọc Hạnh lân la hết nhóm nọ lại chạy sang nhóm kia, lắng tai nghe mọi người bàn tán. Khuôn mặt nàng hiện nguyên nét bồi hồi lo lắng. Nàng như đang nhìn thấy bé Hùng leo lên ngọn ghềnh giữa màn đêm hoang lạnh. Nàng cầu khấn trời đất phù hộ cho mực nước thôi lên cao mãi. Trái tim nàng tê dại mỗi lần tưởng tượng ra bé Hùng mặt mày tái mét, thở hổn hển, miệng mếu máo, chân tay run lẩy bẩy, quần áo rách nát, da thịt vấy máu, thỉnh thoảng lại buông vào không trung hai tiếng “má ơi”.
Tiếng gà gáy bắt đầu chỗi dậy từ vùng đêm tối. Ngọc Hạnh ngồi trên phiến đá, mệt mỏi, run lạnh chờ đợi. Nàng thiếp ngủ lúc nào không hay. Bừng tỉnh dậy, nàng vội nhìn ra chân trời bể cả.
Màn sương buổi sáng còn bao bọc dầy đặc trên một vùng biển rộng lớn mờ mịt. Khí trời ảm đạm một mầu tang tóc. Bao con mắt mỏi mòn xuyên thẳng vào màn sương như đang nhấn chìm biển cả, ngóng chờ con thuyền trở về cập bến. Con thuyền như chất chứa niềm hy vọng hoặc nỗi đắng cay thê thảm. Sương mù tan dần vào biển rộng theo nhịp điệu bình minh tiến tới. Và bây giờ mặt trời đã xuất hiện trước mắt với dáng vẻ đầy ngái ngủ, rụt rè. Từ xa xa, giữa muôn ngàn làn sóng lấp loáng, một cánh buồm trắng bay về như cánh chim bồ câu sắp trao tới bức thư đưa tin mới.
Mọi người nhấp nhổm, chỉ trỏ nhau về hướng cánh buồm, nín thở, hồi hộp. Cánh buồm mỗi lúc thêm hiện rõ trên nền trời xanh nhạt. Rồi con thuyền đen chở cánh buồm chập chùng bước tới. Và đúng rồi, mọi người hô lên:
- Đúng là thuyền của bác Trọng! Cầu trời cho làng này thoát nạn.
- Không biết có tụi nhỏ dưới đó không?
- Buồn hay vui đây? Sống sót hay biệt tích rồi?
- Cầu Trời cho con tôi còn sống!
Con thuyền tiến lại gần hơn. Các cặp mắt banh to dán vào con thuyền buồm lướt sóng. Và lúc này hai bên đã nhìn ra nhau. Họ vẫy tay, gọi nhau ơi ới, mừng rỡ, nhảy cẫng lên, mắt hoen lệ.
- Chúng nó kia rồi!
- Thằng Minh đứng trên mũi thuyền kìa!
- Thằng Hoà sún nhảy cà tưng quá trời, mày!
Con thuyền vừa cập bến, tụi nhỏ xô nhau nhẩy lên bờ, chạy vội tới nắm tay má chúng nó. Các bà cũng xô lấn nhau, đưa tay ra kéo lấy con, ôm ẵm vào lòng như lúc còn tuổi thơ. Họ đã tìm thấy châu ngọc mà tưởng chừng sóng gió đã cướp giật mất khỏi vòng tay họ rồi.
Từ nãy tới giờ Ngọc Hạnh vẫn dớn dác tìm bóng dáng con, nhưng chẳng thấy một dấu vết. Nàng sửng sốt:
- Hùng ơi, con đâu rồi? Má đây nè! Hùng ơi, Hùng!
Không một dư âm, không một tiếng vọng và cũng chẳng thấy bé Hùng chạy nhảy lên bờ như bọn nhỏ kia.
- Toàn ơi, bé Hùng đâu, cháu? Nó có sao không? Nó đâu rồi, Toàn ơi?
Thằng Toàn lém lúc này hiền như củ khoai, cù lần hết chỗ nói. Nó e lệ lắc đầu trước những câu hỏi dồn dập của Ngọc Hạnh.
- Dạ, cháu không thấy nó đâu cả.
Không chờ đợi được nữa, nàng chen lấn, rồi nhảy xuống thuyền lục lọi, săn kiếm:
- Hùng ơi, con ở đâu? Con nghe thấy má gọi con không?
Nhìn thấy bác Trọng ngồi trên mũi thuyền yên lặng, thảm não, nàng kêu lên hốt hoảng:
- Bác ơi, con tôi đâu rồi?
Và không nghe thấy gì nữa. Đau khổ tới cùng cực, nàng té xuống lòng con thuyền bất tỉnh, không động đậy.
Thế là chuyến trở về vừa ngời sáng hân hoan đã vội vã tràn ngập u ám, tiêu điều. Người ta bế nàng về nhà với niềm thương hại cho nàng thiếu phụ bất hạnh. Không tiếng cười nói reo hò mừng vui nữa. Đám đông tản mác dần. Một số người, nhất là trẻ con theo sau nàng như một đoàn tháp tùng và hơn thế, như một đám táng. Bé Hùng biệt tích, giờ đây đã là đầu câu chuyện trên môi mép mọi người. Người ta hạch hỏi Thành Cồ như một thủ phạm:
- Thằng Hùng mất tích từ lúc nào, mày?
- Mày coi nó thế à, thằng gà toi này!
- Mày có đoán lúc này nó ở đâu không?
Thằng Thành bấn người, sợ sệt, ú ớ:
- Nó cùng với tụi con leo lên tới thềm đá trên cùng rồi. Và nếu không bị ngọn sóng thật cao đổ xuống lúc ấy, chắc nó sống sót. Từ lúc đó, con không thấy nó đâu nữa.
Như quên đi mối thù hận, thằng Dũng đỡ lời cho thằng Thành Cồ, mặt mày còn tái xanh mét như gà thiến:
- Thằng Hùng vẫn đi theo tụi con hoài. Nó chì lắm, leo núi rất mạnh bạo. Nó đã nằm sóng soài trên bậc đá với tụi con rồi mà! Sau đó con thiếp đi và từ lúc đó con không hay biết gì nữa.
Lúc này ông Trọng mô tả thêm như vớt vát mặt mũi:
- Vừa tới ghềnh đá, tôi thấy chúng nó nằm la liệt, im lìm như những xác chết. Chúng nằm cả đấy, trừ thằng Hùng. Đắp mền cho tụi nó xong, chúng tôi lần mò đi kiếm mọi hốc đá, nhưng không thấy tăm hơi. Sau khi lau mặt mũi cho tụi nhỏ tỉnh dậy, chúng đòi ăn uống như bầy heo. Tôi hỏi chúng thằng Hùng đâu, chúng nó lắc đầu, chỉ trỏ ra biển. Tôi leo lên cao nhìn khắp nơi, nhưng chỉ thấy sóng biển dập dồn. Tội nghiệp hai má con. Tôi đã gắng hết sức, nhưng không giúp được gì cả.
Nắm được cơ hội thuận lợi, lúc này con nhà Dũng mới bồi thêm một cú đá móc lò nữa:
- Nếu thằng Thành nghe con, đâu tới nỗi buồn phiền thế này!
Các bà thở dài, rồi lần lượt kéo nhau ra về. Còn lại bên giường Ngọc Hạnh và săn sóc cho nàng là chị Hoạt, người bà con đã cho Ngọc Hạnh tạm trú.
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Ghềnh Đá Cheo Leo Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Ghềnh Đá Cheo Leo   *_Ghềnh Đá Cheo Leo I_icon13Sun 17 Mar 2013, 20:11

Chương 11

Sau một hồi ngất đi khá lâu, Ngọc Hạnh tỉnh dậy. Nàng mê man với những cảnh tượng hãi hùng trong cơn ác mộng vừa qua. Chung quanh nàng thật yên tĩnh, sáng sủa. Những đồ vật quen thuộc vẫn nằm trật tự nguyên tại chỗ. Vẫn bình hoa đó, vẫn hàng sách báo quen mắt đó, vẫn những đồ chơi của bé Hùng trên bàn… Nàng còn nằm im một lúc, đưa mắt rảo nhìn khắp một lượt quanh căn phòng nhỏ. Giật mình như nhớ ra điều gì, nàng nhìn sang bên cạnh và đưa tay rờ rẫm. Không thấy gì cả, nàng rú lên một tiếng, rồi lại ngất xỉu.
Lần này tỉnh dậy, nàng từ từ mở mắt, bình thản. Nét mặt nàng khô cứng rắn rỏi lại, cặp môi mím chặt. Trái tim nàng đã vắt hết thương đau và nước mắt. Nàng không khóc lóc được nữa. Giọng nàng khàn khàn ngột ngạt mất rồi. Nàng quay sang nhìn chị Hoạt, nài xin chị kể lại diễn tiến câu chuyện từ đầu tới cuối xem sao:
- Chị ơi, chị làm ơn kể lại cho em nghe tất cả đi, em chết mất!
Bằng một giọng ngần ngại, chị Hoạt lặp bặp mở miệng:
- Buồn quá, cô ạ! Cô nằm nghỉ yên đi. Hỏi làm gì nữa. Câu chuyện đã hết rồi!
Ngọc Hạnh phều phào:
- Nó chết thật rồi sao? Trời! Tất cả đã trở về, chỉ trừ bé Hùng. Trời! Trời đã ăn cướp con tôi rồi! Còn một vài bữa nữa chồng em ra đây. Chúng em sẽ khổ sở. Chúng em là những kẻ bất hạnh nhất trên cõi đời ô trọc này!
Dù mệt nhọc rã rời và hầu như cạn tiếng, nàng trách mình đã thiếu bổn phận:
- Chính em đã đánh mất con em. Vì em mà nó chết. Nó yêu thích biển cả, nhưng em thật ái ngại. Em vẫn canh chừng nó từng giây từng phút. Vừa lúc em thiếp ngủ là nó vụt bay mất như con chim xổ lồng.
Không một nức nở. Không một tiếng khóc. Chỉ còn mê sảng và điên cuồng:
- Suỵt, đừng nói ồn ào nữa! Cả ba đứa đang nằm ngủ rồi. Làm ơn đóng lại cửa sổ kẻo ánh sáng đánh thức tụi nó dậy mất. Ông Trọng đã tìm thấy chúng nó nằm trên ghềnh đá. Tất cả mệt nhọc rã rời. Khi chúng nó tỉnh dậy, tôi sẽ dắt chúng nó về nhà. Các người nhìn thấy không, cả ba đứa đều tươi đẹp hồn nhiên?
Chị Hoạt ngơ ngác không hiểu Ngọc Hạnh vừa nói lảm nhảm những gì?
- Cô Hạnh ơi, cô nói gì vậy? Tội nghiệp cô quá! Trong đời tôi, đã bao lần chứng kiến những cảnh thương tâm, những cuộc đắm tầu thuyền, nhưng chưa thấy ai đau khổ hơn cô. Đừng thất đảm quá! Cô còn một bổn phận nữa, bổn phận đối với chồng cô. Giờ phút này anh ấy cần tới cô hơn bao giờ hết.
- Phải, chị nói đúng. Bé Hùng mất đi, là chúng em mất hết. Bé Hùng mất đi, là ý nghĩa cuộc đời chắp cánh bay xa. Lúc này em chỉ còn một bổn phận duy nhất là thờ chồng. Anh sắp đến đây. Em phải tìm cách ngăn cản. Em sẽ viết thư cho anh, bảo anh đừng ra đây vội. Trời ơi, giúp tôi với, tôi điên mất!
Nàng sờ soạng đưa tay trên bàn tìm bút giấy, nhưng nàng lại rờ thấy một lá thư do người phu trạm mới đưa tới sáng nay lúc nàng còn nằm bất tỉnh. Nàng giật mình, vội vã xé thư ra đọc:

Huế, ngày…
Anh không chờ được nữa. Anh nhớ con quá. Đúng như em nói, tất cả công việc làm ăn không phải là công chuyện lớn của cuộc đời chúng ta. Anh chỉ còn thấy hứng khởi mỗi lần nhớ tới em và con. Anh như chỉ còn con và em hiện hữu ở trần giới này. Vài ngày nữa, anh sẽ lấy vé xe lửa tốc hành đi thăm em và con.
Đôi hàng vắn tắt anh báo tin em hay. Anh mong mỏi từng giờ phút ra gặp em và con.
Anh của em

Trời ơi, nàng thốt lên, anh sắp tới đây rồi sao? Biết ăn nói thế nào đây? Anh đã mất con rồi. Bé Hùng đã ra đi vĩnh viễn. Lấy con đâu mà trả cho anh? Làm sao để báo cho anh đừng đến đây nữa? Có mỗi một việc coi đứa con mà coi không xong. Còn ai tồi tàn hơn em không? Em không xứng đáng làm vợ anh nữa đâu!
Thổn thức xong, nàng thở hổn hển và cảm thấy nhẹ nhõm tâm tư hơn. Nàng ngồi dậy, vươn vai và định đứng dậy ra ngoài thì tiếng xe ngựa dần tiến lại.
- Thôi đúng rồi, nàng cuống quýt, anh đến nơi rồi!
Nàng định chạy trốn, nhưng chân nàng như dính chặt xuống nền nhà.
Chiếc xe dừng lại. Những bàn chân lọc cọc bước xuống. Nàng ngồi xuống giường, mặt cúi vào vòng tay đặt trên hai đầu gối.
Cánh cửa mở ra:
- Anh về đi, anh về đi!
Nàng không nói thêm được gì nữa. Tiếng khóc nức nở, nghẹn ngào.
Chị Hoạt đứng dậy định trấn an,
- À chú, chú tới hồi nào vậy?
Không chờ chị Hoạt nói thêm, và như linh cảm thấy chuyện buồn, chàng vội vàng kêu lên:
- Hùng ơi, con đâu rồi?
Chàng gọi thêm một lần nữa và mắt chàng dồn cả về phía chiếc gối dài. Chàng thấy một vật đen nằm trên đó bắt đầu cựa quậy. Chàng lao tới, gọi dập dồn:
- Có phải Hùng đó không, hả Hùng?
- Ba ơi, ba, má con đâu rồi?
Chàng mở vội lượt khăn ra, bỡ ngỡ, mừng rỡ ôm con vào lòng. Ngọc Hạnh lạ lùng, im luôn tiếng nức nở, đứng nhổm dậy chạy tới, giành lấy con:
- Con ơi, con nằm đó hồi nào mà má không hay. Trời ơi, tôi đã tìm thấy con tôi rồi! Sao con làm má buồn khổ thế…
Bao nước mắt và bao mừng rỡ đang hoà chung tấu khúc yêu thương giữa căn nhà này.

Chương 12

Sau cơn giông tố, trời bắt đầu sáng lại. Tin vui truyền lan mau lẹ khắp xóm làng. Tất cả đổ xô tới thăm bé Hùng. Đối với người dân ở đây, đó chính là một phép lạ.
Từ lúc ngọn sóng bạc đầu tàn ác cuốn đi bé Hùng, nó không hay biết gì nữa. Giờ đây nó kiệt sức nằm trên giường. Đôi mắt nó chỉ muốn nhắm nghiền lại. Ngọc Hạnh tươi vui hẳn, nàng lăng xăng, cuống quít, chạy tới chạy lui săn sóc cho cậu ấm tử như vừa chết đi giờ đã sống lại.
Lúc này thằng Tèo điên đang ngồi thản nhiên bên lối đi vào nhà. Không thèm đếm xỉa tới ai, cũng chẳng quan tâm tới chuyện gì nữa, nó ngồi nghiến ngấu cắn khúc mía ngọt. Chỉ có một mình Ngọc Hạnh mới hiểu và cắt nghĩa được vai trò của thằng Tèo trong chuyến phiêu lưu này. Tình thương đã thắng trận trong con người tồi tàn xấu xí đó.
Nàng kể lại cho mọi người tới thăm diễn tiến câu chuyện mà nàng hiểu được sau khi đã dò dẫm hỏi thằng Tèo:
- Vào nửa đêm, một con thuyền nhỏ đã rời bến và sáng nay đã nằm mắc cạn trên bãi cát ngoài xa kia. Không một ai còn lại trên thuyền cả. Đấy là chiếc thuyền của hai vợ chồng ông Long. Ông vẫn còn đau yếu sau cơn cảm lạnh tuần qua. Vợ ông suốt đêm lo thuốc thang hầu hạ ông. Một giờ trước lúc bình minh, cánh cửa mở ra như một luồng gió thổi tung và thằng Tèo điên bước vào, hai tay ôm một vật gì. Đó chính là bé Hùng nằm cuốn tròn trong chiếc khăn choàng, mê mệt như chết lả, chết lạnh. Thằng Tèo thấy thế, nó hoảng sợ, bế vội bé Hùng vào bếp, đốt lửa và sưởi ấm. Nó còn đổ từng giọt rượu vào miệng bé Hùng để tăng thêm nhiệt độ trong người. Lúc ấy thằng Tèo sáng suốt và âu yếm như bà mẹ săn sóc đứa con thơ.. Khi bé Hùng mở mắt tỉnh dậy, nó ôm vào ngực, rồi đứng dậy ra đi. Không chào không hỏi, cũng chẳng một câu nói. Về tới căn phòng của tôi, nó đặt bé Hùng nằm xuống ghế dựa dài, và vẫn cuốn tròn kín mít với chiếc khăn choàng tôi đã trao cho nó hồi đêm.
Nghe xong, mọi người tấm tắc khen Tèo điên:
- Không ngờ thằng Tèo giỏi quá ta!
- Thế mà xưa nay tụi nhóc cứ chọc ghẹo phá phách nó hoài!
- Từ nay nên đối xử tử tế với nó đi!
- Không có nó, chắc lúc này cá mập sực thằng Hùng rồi.
Thằng Tèo điên lúc này chính là một thiên thần. Chính tấm lòng hảo tâm và thương mến của hai má con Ngọc Hạnh đã gieo vào tâm hồn thằng Tèo niềm biết ơn sâu xa, mầm mống biết ơn đã đâm chồi nẩy lộc mau lẹ trong những giờ phút thất đảm nhất của nàng.
Thằng Tèo biết được bé Hùng đã ra khơi với tụi nhỏ và chúng nó đang lâm nạn. Trước những tiếng khóc não nề và thảm thiết của Ngọc Hạnh, nó đã cầm lấy chiếc khăn choàng và nó lừ lừ bước đi trên bãi cát. Ra tới bến, nó nhảy lên chiếc thuyền nhỏ của ông Long. Giữa đêm tối mịt mù, nó chèo chống con thuyền về phía ghềnh đá. Nó đến đúng lúc ngọn sóng mới hốt bé Hùng và chưa kịp nhấn chìm dưới lòng đáy biển. Nó vớt bé Hùng lên thuyền, bọc vào trong khăn, rồi quay trở lại. Nó không thèm cứu vớt bọn kia vì nó còn căm thù những chọc ghẹo của chúng.
Sau những giờ phút yêu thương làm tỉnh trí, giờ đây nó lại quay về cơn điên khùng. Nó nhìn hai má con Ngọc Hạnh, gật gù, không lời chào hỏi. Rồi nó chụp lên đầu chiếc nón rách, lững thững ra đi… Bé Hùng nhổm dậy, vội kêu lại:
- Chú Tèo ơi, ở lại chơi với cháu đi!
Nhưng thằng Tèo điên, như không nghe thấy gì nữa, nó tiếp tục thất thểu cất bước lang thang.

***

Ít ngày sau, để tỏ lòng biết ơn và đền đáp dân làng, ba bé Hùng đã ra thị xã mượn lều vải, mua đồ ăn, đứng ra cám ơn mọi người và xin phép cho tụi nhỏ được cắm trại một ngày. Không chờ dứt câu nói, lũ trẻ nhảy lên reo hò vang trời. Lều đã được dựng lên. Tất cả thức ăn được bầy ra: xôi, gà, trái cây, bánh, kẹo… nom thật ngon miệng. Sau mấy lời cám ơn của thuyền trưởng Thành Cồ, bọn nhỏ tranh nhau ăn uống. Thành Cồ được tưởng thưởng một chiếc cặp thật đẹp vì những đức tính gan dạ, nhanh trí, che chở bé Hùng.
Hôm nay thằng Tèo điên cũng được mời tới. Mặt nó cười nhăn răng ra trông giống con khỉ đột tệ. Không đứa trẻ nào dám khinh thường và chọc tức nó nữa. Nó được mọi người trọng kính như một quan khách. Nó mặc bộ đồ mới do Ngọc Hạnh trao tặng. Nó không thèm trò chuyện với ai cả. Nó chỉ lo ăn uống no bụng và tiếp tục đưa tay ra nhận lãnh đồ ăn và nước ngọt do bé Hùng trao tới. Thỉnh thoảng nó nhìn bé Hùng rồi cười khoái trá ngất ngư.
Sau ngày vui tưng bừng ấy, cơn mây buồn lại tới bao phủ làng Thanh Hải. Gia đình bé Hùng sắp sửa rời bỏ nơi đây để trở về thành đô sinh sống và bé Hùng tiếp tục cắp sách tới trường.
Giờ khởi hành đã điểm, cả dân làng theo ra tiễn đưa. Bé Hùng buồn nhất. Nó không muốn leo lên xe nữa. Mắt nó rớm lệ, lòng tê tái khi phải xa Thành Cồ, thằng Toàn lém, thằng Hoà sún… và cả thằng Tèo nữa. Vừa nhìn thấy thằng Tèo giơ tay gạt nước mắt, bé Hùng vội kêu lên:
- Chú Tèo ơi, chú ở lại vui nhé! Chào chú, hẹn gặp chú!
Chiếc xe chuyển bánh. Bé Hùng quay lại vẫy tay chào mọi người. Nó nhìn ngơ ngẩn và không chớp mắt cho tới lúc không còn nhận ra những vệt đen như con kiến đàng xa nữa…

THANH HIỀN

-- Hết --
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




*_Ghềnh Đá Cheo Leo Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Ghềnh Đá Cheo Leo   *_Ghềnh Đá Cheo Leo I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
*_Ghềnh Đá Cheo Leo
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: Truyện Sưu tầm :: Tủ sách Tuổi Hoa :: Hoa xanh-