Shiroi
Tổng số bài gửi : 19896 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Đọc lại bản dịch nổi tiếng "Chinh Phụ Ngâm" Sun 29 Apr 2012, 00:48 | |
| Đọc lại bản dịch nổi tiếng "Chinh Phụ Ngâm"VƯƠNG TRỌNG
Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ 18, là tác phẩm thơ chữ Hán xuất sắc trong kho tàng văn học cổ điển nước ta. Từ xưa đến nay đã có nhiều người dịch ra quốc âm, trong đó có bản dịch của Đoàn Thị Điểm (hay của Phan Huy Ích như luận chứng của giáo sư Hoàng Xuân Hãn và một số nhà nghiên cứu khác) là bản dịch thông dụng nhất (BDTDN), xuất sắc nhất. Bản dịch này vượt trội các bản dịch khác về văn chương, và nói chung cũng sát với nguyên bản hơn. Ngày nay nói đến Chinh phụ ngâm là bạn đọc nghĩ ngay đến bản dịch này, chứ ít người có điều kiện để tiếp cận với nguyên bản chữ Hán của tác giả. Và có lẽ sau Truyện Kiều, bản dịch Chinh phụ ngâm này được nhiều người thuộc nhất, trong tất cả các thi phẩm cổ điển nước nhà.
Tôi từng thuộc lòng BDTDN khi còn học phổ thông. Có lẽ cái hấp dẫn nhất là ở vần điệu và văn chương. Kể cả cặp song thất cũng như cặp lục bát, vần điệu hết sức chỉn chu. Người đọc có cảm giác rằng, dịch giả có thể “hy sinh” thứ khác, chứ không bao giờ chịu buông lơi vần điệu, nên người đọc có cảm giác du dương, êm đềm và mê đắm ngay cả khi chưa lĩnh hội được ý thơ. Dịch giả hết sức lưu tâm đến chất thơ trong từng câu, từng từ… Và sự dụng công đó đã được đền đáp xứng đáng, làm cho có người nhiều khi đang đọc phải dừng lại và thốt lên: “Tài thật, tài đến thế là cùng…”
Thời gian gần đây tôi không chỉ thưởng thức Chinh phụ ngâm qua bản dịch, mà đối chiếu với nguyên bản chữ Hán. Và trong nhiều câu, nhiều đoạn, cảm giác khâm phục đó vẫn giữ nguyên, vì dịch giả vừa bảo đảm sát ý nguyên bản, mà câu thơ dịch tự nhiên, tài hoa. Tôi nghĩ rằng, nếu tác giả Đặng Trần Côn được đọc những câu dịch đó cũng phải tấm tắc khen tài. Ta hãy điểm qua một số câu điển hình.
Phiên âm nguyên bản:
Cổ bề thanh động Trường Thành nguyệt Phong hoả ảnh chiếu Cam Tuyền vân
Được dịch là:
Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
Phiên âm nguyên bản:
Tương cố bất tương kiến Thanh thanh mạch thượng tang Mạch thượng tang, mạch thượng tang Thiếp ý, quân tâm thuỳ đoạn trường.
Được dịch là:
Cùng ngoảnh lại mà cùng chẳng thấy Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu Ngàn dâu xanh ngắt một màu Lòng chàng, ý thiếp ai sầu hơn ai?
Phiên âm nguyên bản:
Ỷ môn cố thiếp kim sinh phận Thiên nhai khởi quân bình sinh hồn Tự tín tương tuỳ ngư thuỷ bạn Na kham tương cách thuỷ vân thôn
Được dịch là:
Trong cửa này đã đành phận thiếp Ngoài mây kia há kiếp chàng vay Những mong cá nước vui vầy Sao giờ đôi ngả nước mây cách vời…
Và còn rất nhiều câu, nhiều đoạn như vậy. Tôi quan niệm rằng bản dịch thành công, trước hết phải chuyển được càng nhiều ý của nguyên bản càng tốt (nếu như không thể chuyển tải được tất cả), nhưng câu thơ dịch phải tự nhiên, không được gò ép, có hình thức nghệ thuật cao, tức là đậm đặc chất thơ. Trong BDTDN, nhiều câu, nhiều đoạn bảo đảm được những yêu cầu ấy, nên có khi ta cảm giác rằng, thơ dịch mà giống như thơ sáng tác, câu chữ phóng túng, cảm xúc dâng trào. Nếu như ta không so sánh với nguyên bản, thì cảm giác sung sướng khi đọc bản dịch Chinh phụ ngâm hầu như theo ta từ đầu đến cuối, và khi gấp sách lại, ta có cảm giác tiếc nuối, và tự hỏi: sao tác phẩm này đọc mau hết làm vậy?
Nhưng khi đem so sánh bản dịch với nguyên bản, thì vấn đề không đơn giản như vậy, nghĩa là ngoài những câu, những đoạn tuyệt vời, không phải bản dịch này không có những hạn chế, điều mà tôi chưa được thấy các nhà phê bình, nghiên cứu đề cập đến. Theo tôi, BDTDN có một số nhược điểm sau đây:
1. Dùng những từ Hán Việt không thông dụng trong bản dịch
Trong tiếng Việt chúng ta, số từ vựng có nguồn gốc Hán chiếm một tỷ lệ khá cao, trong đó có nhiều từ đọc lên hầu như ai cũng hiểu, chẳng cần trình độ chữ Hán, như: dân chủ, cộng hoà, độc lập, tự do, hạnh phúc… Có một số từ khác tuy không phổ cập đến như vậy, nhưng khi đọc lên nhiều người hiểu được như: thiên, địa, phong, trần… Nếu những từ gốc Hán như vậy xuất hiện trong bản dịch thơ từ chữ Hán sang quốc âm, thì có lẽ không có gì trở ngại đối với bạn đọc ngày nay. Tuy nhiên, trong BDTDN, có khi vì để bảo đảm được ý, vần, điệu… dịch giả dùng nguyên một số từ Hán Việt rất xa lạ với bạn đọc phổ thông. Có thể thời bản dịch này ra đời, hầu hết bạn đọc đều thông thạo chữ Hán nên không có trở ngại gì, còn với số đông bạn đọc ngày nay, có nhiều từ xa lạ, không thể hiểu được, ngay đối với các giáo viên dạy văn chứ không chỉ học sinh. Ta hãy đơn cử một số thí dụ:
Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu
Thuở đăng đồ mai chưa dạn gió
Hãy tính lại diễn khơi ngày ấy
Khuê ly mới biết tân toan dường này
Khá thương lỡ hết mấy phen lương thì
Nhà xuất bản biết các từ trên khó hiểu, nên phải chú thích: Đăng đồ: lên đường ra đi xa. Diễn khơi ngày ấy: từ ngày cách xa nhau. Khuê ly: xa cách nhau lâu ngày. Tân toan: nỗi chua cay. Lương thì: thời tươi đẹp… Nói chung văn học cổ điển cần có nhiều chú thích để bạn đọc hiểu được các điển tích, các nhân vật lịch sử hoặc địa danh có liên quan đến các sự kiện… Còn việc dùng chú thích để giải nghĩa các từ mà dịch giả sử dụng là bất đắc dĩ, điều đó nói lên một phần hạn chế của bản dịch đối với bạn đọc hiện nay.
2 - Bỏ sót ý hoặc diễn đạt không rõ nghĩa
Có hai câu tả cảnh chiến trường về đêm trong BDTDN thật buồn và hay:
Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò
Khi có nguyên bản trong tay, tôi liền tìm xem dịch giả đã dịch hai câu nào. Và khi thấy hai câu nguyên bản, tôi thất vọng vì hai câu xưa nay mình vẫn coi là tuyệt tác lại là câu thơ dịch chưa đạt vì bỏ qua ý chính của tác giả. Quan niệm cái hay của thơ dịch và thơ sáng tác khác nhau là vậy. Hai câu của Đặng Trần Côn là:
Kỳ sơn cựu chủng nguyệt mang mang Phì thuỷ tân phần phong niểu niểu
Có nghĩa là: “Trăng soi mông lung trên những ngôi mộ cũ ở núi Kỳ. Gió thổi hiu hắt trên những nấm mồ mới ở bến Phì”. Hai câu thơ dịch đã chuyển tải được hai địa danh là non Kỳ và bến Phì, chuyển được trăng và gió nhưng bỏ qua phần quan trọng mà tác giả muốn nói tới là mộ cũ và mồ mới. Có lẽ chủ ý của tác giả nhắc mộ cũ ở núi Kỳ để mà nói đến những nấm mồ mới ở bến Phì. Những nấm mồ mới này hẳn là của lính mới chết, có liên quan đến “hồn tử sĩ gió ù ù thổi” ở đoạn tiếp theo. Ta thử dịch lại: “Trăng soi mộ cũ Kỳ Sơn. Bến Phì mộ mới gió than canh trường”.
Trước đây khi đọc hai câu:
Chín tầng gươm báu trao tay Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh
(có bản còn in: Chín lần gươm báu trao tay!), tôi cứ đinh ninh rằng vua trao gươm báu cho tướng quân ra trận đánh giặc. Nguyên bản hai câu đó là:
Cửu trùng án kiếm khởi đương tịch Bán dạ phi hịch truyền tướng quân
Có nghĩa là: (khi nghe tin báo có giặc) nhà vua bỏ tiệc, chống kiếm đứng dậy, nửa đêm truyền hịch gấp tới tướng quân. Hai từ án kiếm, đáng phải dịch là chống kiếm, hoặc tỳ tay vào chuôi kiếm, lại được dịch thành “gươm báu trao tay” mới sinh ra hiểu nhầm như thế. Thử dịch lại: “Vua chống kiếm đứng lên ngay. Nửa đêm khẩn cấp hịch bay, lệnh truyền”
Hoặc hai câu thơ dịch:
Nước thanh bình ba trăm năm cũ Áo nhung trao quan vũ từ đây
bảo đảm thật vần của cặp song thất khi chữ cũ của cuối câu trước vần với chữ vũ thứ năm của câu sau. Nhưng hai câu thơ này nói ý gì nhỉ? Truy nguyên bản xem sao:
Thái bình tam bách niên thiên hạ Tòng thử nhung y thuộc vũ thần
với ý là: ba trăm năm thanh bình thiên hạ chấm dứt khi võ thần khoác áo nhung (ra trận). Thế là chữ cũ của câu trên chỉ bảo đảm được vần, nhưng không chở được cái ý là hết hoặc chấm dứt mà nguyên bản muốn nói. (Thử dịch lại: “Áo nhung quan võ khoác lên. Hết ba thế kỷ ấm êm thanh bình”).
Cũng có khi vì bảo đảm cho câu thơ thật vần mà dịch giả làm sai lệch hoặc không chính xác ý của nguyên bản:
Chàng từ đi vào nơi gió cát Đêm trăng này nghỉ mát phương nao
Hai từ nghỉ mát làm độc giả nghi ngờ, vì không nói đúng nỗi khổ của người lính trận phải chịu mà ngay trong tác phẩm này đã phản ảnh hết sức cụ thể. Hai câu thơ của Đặng Trần Côn là:
Tự tùng biệt hậu phong sa lũng Minh nguyệt tri quân hà xứ túc
Nghĩa là: từ khi chàng đi vào miền gió cát, đêm trăng sáng không biết nơi nào chàng tá túc. Nếu không quá câu nệ về vần, dịch giả dùng hai chữ tá túc hoặc nghỉ lại thay cho nghỉ mát thì ổn biết mấy! Hoặc vẫn bảo đảm vần, mà để không sai ý, thì thay nghỉ mát bằng phiêu bạt cũng đỡ hơn chứ? (Thử dịch lại: “Chàng đi gió cát cõi ngoài. Đêm trăng không biết đâu nơi nghỉ dừng”).
Cũng vì để bảo đảm vần, có khi dịch giả phải gò, làm người đọc khó hiểu:
Truỵ diệp đâu ngã trâm Trữ lập không thế khấp Hoang thôn huyên ngọ cầm
Nghĩa là: Lá rụng vùi lấp trâm (cài đầu) của thiếp. Đứng lặng nước mắt trào. Chim trưa hót vang thôn vắng. Được dịch là:
Ngập ngừng lá rụng cành trâm Thôn trưa nghe dậy tiếng cầm xôn xao.
Hai chữ tiếng cầm trong văn cảnh này, bạn đọc khó hiểu được là tiếng chim mà chỉ có thể nghĩ là tiếng đàn! (Thử dịch lại: “Lặng chờ, lá rụng vùi trâm. Chim kêu, người đứng khóc thầm mà thương”)
Có khi dịch đạt rồi, nhưng dùng từ vẫn chưa đắc:
Lang khứ trình hề mông vũ ngoại Thiếp quy xứ hề tạc dạ phòng
Được dịch là:
Chàng thì đi cõi xa mưa gió Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn
Tạc dạ phòng, nghĩa là căn phòng đêm qua, dịch là “buồng cũ chiếu chăn” không sai, nhưng chưa nói được ngụ ý của tác giả: người vợ muốn nhắc lại chuyện chăn gối giữa hai người đêm trước ngày chia tay. (Thử dịch lại: “Chàng đi nắng dãi, mưa dồn. Thiếp thì về lại căn buồng đêm qua”)…
Viết đến đây tôi bỗng dừng lại và tự hỏi: Không biết việc mình làm có bị cho là “bới lông tìm vết”, “bói ra ma, quét nhà ra rác” không nhỉ? Cũng có thể có bạn đọc nói rằng: chê thì dễ, làm mới khó! Vâng, dịch được như BDTDN là cực kỳ khó, cực kỳ thành công, mới lưu truyền rộng rãi gần ba trăm năm nay. Tuy nhiên, theo tôi, bên cạnh việc biểu dương mặt thành công, chúng ta cũng nên đề cập những điểm hạn chế, để bạn đọc có điều kiện tiếp cận và hiểu thêm về nguyên tác Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn.
VƯƠNG TRỌNG
|
|