Miss Saigon
Tôi được một người bạn cùng sở mời đi coi vở kịch nổi tiếng thế giới không mới gì mấy, Miss Saigon. Do dự cả tuần, có điều gì đó lấn cấn làm tôi ngại ngùng chen vào hội trường hầu hết là người da trắng với lác đác vài người da vàng để xem một bi kịch về người da vàng mũi tẹt. Dĩ nhiên người ta sẽ hướng mắt lên khán đài, ai lại đi nhìn tôi đâu. Thế mà tôi cứ cảm giác người ta đang xăm xoi chỉa mắt về tôi, một người phụ nữ trẻ Việt Nam da vàng, tóc dài one length đen nhánh để cố tìm xem có sự tương ứng nào đó với nữ nhân vật Kim hay không.
Tôi hoàn toàn không có khả năng đi bình luận sự tài tình của các soạn giả Claude-Michel Schönberg, Alain Boublil , Richard Maltby, Jr và các ông đạo diễn đã lột tả đến trần truồng sự thật về Miss Saigon mà đem phơi bày cho cả thế gian thấy một chân dung đớn đau của người đàn bà Việt Nam, vốn là con chốt cho giới làng chơi cả đồng chủng lẫn ngọai bang từ Tây tới Tàu. Tình yêu của cô gái Việt trong vở kịch không được phát xuất thuần túy từ khung trời đại học hay một vùng quê yên tĩnh có lũy tre xanh, mà là một tình yêu "trong sáng" nơi quán bar u tối với vai trò kỹ nữ. Tình yêu le lói một tia hy vọng cuối cùng của những con người cùng khổ phải kết cuộc gần bùn và sẽ tanh thêm bùn khi Kim hai lần ra vào lầu xanh.
Tôi đọc bài bình luận của ông Nguyễn Trung Tây, 2008, "...cũng như tuồng cải lương nổi tiếng Nửa Đời Hương Phấn, Miss Saigon cũng chỉ là một tuồng nhạc kịch với nhiều tình tiết éo le. ...ai dám bảo cũng không phủ nhận . Đời Hương Phấn và Miss Saigon lại không phản ảnh một phần hoặc là tổng thể của hoàn cảnh chính trị, bối cảnh xã hội, và tình hình thế giới vào thời điểm mà Hương và Kim sinh ra và lớn lên..." Tôi không ý nhưng cùNhưng mà Hương kia bị nữa đời phai nhạt trong nhà, còn Kim thì cả đời bị chìm lỉm tận ngòai bốn bể, tính từ lúc mồ côi đến khi quyên sinh ở Thái Lan. Nếu như tôi đã có dịp ngồi xem vở kịch này giữa những người Việt Nam, có lẽ tôi đã ngang nhiên khóc với Kim và cười chê gã ma cô Engineer, hay hậm hực khi lòai quỉ đỏ mặt nạ vào tung hoành làm đất trời miền Nam sụp màu ảm đạm. Tôi sẽ vỗ tay khen tạo hình sân khấu thật quá tuyệt vời. Tất cả trông sao mà hiện thực và sinh động. Hiện thực như hoàn cảnh của nhiều người con lai bất hạnh sau cuộc chiến. Tôi sẽ thầm rối rít cám tạ nhà viết kịch và soạn nhạc đã giúp chúng tôi ghi nhận lại một phần lịch sự đau thương này. Tiếc thay, tôi ngồi xen giữa người Tây. Hình ảnh Ellen cao sang quá bên cạnh cô kỹ nữ Thái Lan gốc Việt. Tôi thấy buồn và ngượng cho cùng một chủng lòai lại phải tàn sát nhau khi Thuy định giết chết bé Tâm, buộc Kim phải nổ súng bắn Thuy, người anh họ, vào ngay ngực. Bạn tôi hỏi "is that true? " Tôi không hiểu cô ta muốn hỏi tôi cái gì. "Which's one? " "Well, general speaking." Tôi ậm ừ cho qua chuyện. Cái gì là true! Hình ánh thuần túy của người phụ nữ Việt Nam nhỏ nhắn và xinh đẹp một đời chỉ biết hy sinh, hay hình ảnh lẳng lơ của ả Việt Nam không có cơ hội làm lại cuộc đời. Vì dù tôi là ai chăng nữa, có thành công hay thất bại, tôi cũng là một người phụ nữ Việt Nam.
Tôi sinh ra sau khi cuộc chiến đã tàn. Tôi lớn lên trong sự kỳ thị của những người cùng chủng tộc. Tôi chẳng lạ gì cảnh người miền Bắc đàn áp dã man dân lành bên cạnh cái nghèo vây bủa cùng lạnh lùng của biển cả trên con đường vượt biển tìm tự do như đã ấn tượng khán giả trong vở kịch. Báo chí đăng tải hằng ngày cảnh bán gái vị thành niên vào động, nghe đến thì ruột gan ai cũng sôi sục lên. Nhưng tôi vẫn không hiểu "what's true!" cho nên, tôi ngồi nhìn lên sân khấu, mắt khô quắc, và cứ tưởng là sân khấu đang ở tại ghế mình ngồi. Tôi không dám bình luận nghệ thuật vì không tôi rành nghệ thuật. Tôi không dám bàn chính trị, vì tôi cũng chẳng phải là chính trị gia. Tôi chỉ biết công nhận như hàng triệu người đã công nhận Miss Saigon là một vở kịch hay, dầu có một cái gút gì đó không tháo trọn hài lòng sau khi xem diễn xuất. Với cá nhân riêng tôi, tựa đề cho vở kịch là một sai lầm lớn. Sai gòn xưa phồn vinh với ngàn tiểu thơ và mệnh phụ phu nhân lại không thấy xuất hiện trong vở kịch. Có nên gọi là Miss bartender Saigon có phải hợp hơn hay không?
Có lẽ chỉ vì tôi cũng là một người phụ nữ Việt Nam!
HH