Bài viết mới | Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Today at 20:17
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 01:16
KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Yesterday at 16:45
KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30
SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22
Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22
NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20
KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08
Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54
Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10
7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10
Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21
Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52
Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28
Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13
Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07
Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36
Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09
Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46
Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06
Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04
DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19
Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37
Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34
TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17
CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05
Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04
Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41
Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16
|
Âm Dương Lịch |
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
|
|
| Hình tượng con mèo trong văn hóa dân gian | |
| Tác giả | Thông điệp |
---|
Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Hình tượng con mèo trong văn hóa dân gian Mon 13 Feb 2023, 12:33 | |
| Hình tượng con mèo trong văn hóa dân gian
Trần Định Đám cưới chuột - Bức tranh dân gian nổi tiếng của làng Đông Hồ. Trong 12 con giáp, mèo là một trong bảy loài vật thường được con người gần gũi nuôi dưỡng. Và theo lẽ tự nhiên, hình tượng con mèo đã đi vào thơ ca, ca dao, tục ngữ, trở thành hình ảnh trong các tác phẩm nghệ thuật, văn học, âm nhạc…
Mèo tượng trưng dương khí
Trong chu kỳ lịch pháp, con mèo được giao quản năm Mão, tháng 2 và từ 5 - 7 giờ của buổi bình minh. Từ giờ Mão, phương Đông nhuốm hồng ánh dương rồi tỏa lên bầu trời những tia sáng đẹp. Vào tháng 2 - tháng Mão, khí trời bắt đầu ấm, mưa bụi bay nhè nhẹ, cây cối nảy lộc đâm chồi. Vì thế, Mão trong ngũ hành được gắn với mùa xuân, thuộc hành Mộc, hàm ý dương khí bắt đầu thịnh, vạn vật sáng tươi.Mão trong ngũ hành được gắn với mùa xuân, vạn vật phát triển. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hồ Nam cho biết, Việt Nam và Trung Quốc tuy có phần đồng điệu về văn hóa nhưng cũng rất khác biệt. Hệ 12 con giáp ở Việt Nam gần giống với Trung Quốc, nhưng khác là con thỏ được thay thế bằng con mèo.
Theo ông Nam, điều này từng được một số chuyên gia văn hóa lý giải và đưa ra phỏng đoán, rằng trong quá trình tiếp biến văn hóa, biểu tượng của Địa chi (Trung Quốc) có cách đọc là “mảo” (nghĩa là thỏ) đồng âm với “mao” (nghĩa là mèo) nên mới có sự khác biệt.
“Khôn ngoan có ích cho người, nhưng mèo lại bị khoác cho những tính xấu. Đó cũng là một sự hi sinh về cái danh để đem lại cái lợi cho người đời. Tuy nhiên xét cho cùng, trong văn hóa dân gian - dù xấu hay đẹp cũng chỉ là hình tượng ví von. Xưa kia khi khoa học chưa phát triển, con người còn hay đổ lỗi cho mèo - như sĩ tử đi thi gặp mèo đen, thi trượt lại cho rằng do mèo ám. Ngày nay, những quan niệm tương tự không còn”. (Nhà nghiên cứu Hồ Nam)
Trong bảy vật nuôi trong nhà gồm trâu, mèo, ngựa, dê, gà, chó, lợn thì mèo tuy không phải vật nuôi mang lợi ích kinh tế, nhưng lại là người bạn thân thiết chuyên bắt chuột bảo vệ thành quả lao động của con người nên rất được yêu quý. Bởi Việt Nam thuộc nền văn minh lúa nước nên những quan niệm về loài mèo được hình tượng hóa và đi vào văn hóa dân gian như một lẽ tất yếu.
Dân gian đã gán cho mèo biết bao tính xấu của con người, góp phần răn dạy phê phán và rút ra bài học về lẽ sống. “Chú chuột đi chợ đàng xa/ Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo” - Cha chú mèo - ở đây chính là một lời chửi khéo của chuột.
Từ xa xưa, người làng Đông Hồ đã sáng tạo bức tranh dân gian nổi tiếng “Đám cưới chuột”, trong đó chú mèo được biếu một đôi cá chép bự. Mèo tượng trưng cho một thế lực thống trị tinh ranh, nguy hiểm và phải chăng - lũ chuột thấp cổ bé họng kia phải lo lót hậu hĩnh cho chú mèo thì đám cưới mới yên bề trót lọt.
Hình ảnh con mèo không chỉ xuất hiện ở trong tranh Tết Đông Hồ, mà người nghệ nhân dân gian còn cho nó xuất hiện trên những bức chạm khắc ở những nơi chốn tôn nghiêm như đình làng Bình Lục (Quảng Ninh), cảnh mẹ con nhà mèo quây quần, chạm nổi ở bia chùa Linh Quang (Hải Phòng), phản ánh nét tư duy của người xưa về con vật gần gũi này.
Trong con mắt người đời, con mèo lại có một cuộc sống hai mặt - là kẻ trưởng giả an nhàn nằm dài trên chiếc gối nệm, hiền lành dụi thân hình mềm mại khi được con người ve vuốt và là tên sát thủ đáng gờm trong góc nhà. Thế nhưng chỉ họa hoằn con người mới thấy được khía cạnh sát thủ của mèo khi nó tha con chuột, còn bình thường, nó chỉ là một chú mèo hiền lành, lười nhác.
Không chỉ trong văn học dân gian Việt Nam, mèo trong văn chương nước ngoài cũng thường được chọn để thể hiện tính lười biếng Mèo trong ca dao, tục ngữ
Theo giới nghiên cứu, những câu thành ngữ, tục ngữ nói về mèo có thể xếp thành ba nhóm. Thứ nhất là dùng mèo để chỉ loại người lăng nhăng, làm ăn dối trá: “Mèo mả gà đồng” - chỉ loại người vô giáo dục, sống buông thả.
“Mèo già hóa cáo” - chỉ hạng người tinh ranh nguy hiểm càng sống lâu càng quỷ quyệt. “Mèo đàng chó điếm” - chỉ loại người bịp bợm ăn chơi đàng điếm. “Chó khô mèo lạc” - chỉ hạng người vô học, lang thang.
Ngoài ra còn những câu cửa miệng, như: Ăn cơm mèo, nói leo các cụ; Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa; Chưa học bắt chuột đã học ỉa bếp…
Nhóm thứ hai dùng hình tượng mèo để khen chê, thắng bại, nguy hiểm, thừa thiếu: Mèo vờn chuột, chuột gặm chân mèo - dùng để chỉ những hành động dại dột, liều lĩnh. Có khi để chỉ một hành động vừa sức mình: Mèo nhỏ bắt chuột con. Để chỉ một việc quá sức mình lại có câu: Mèo nhỏ bắt chuột to. Khi chỉ một hành động chưa chắc ai thắng ai, có câu: Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào.
Khi phê phán loại người không thấy mình xấu mà chỉ đi soi mói người khác, ca dao có câu: Mèo già chê chó lắm lông/ Chó cười lại bảo kém ông cha mày. Trong khi đó, câu “Chó treo mèo đậy” dạy mỗi người một bài học về tính cẩn thận, cảnh giác. Còn khi chỉ sự gặp may bất ngờ trong cuộc sống, có câu: Mèo mù vớ cá rán.
Nhóm thứ ba chỉ sự khát khao, hớ hênh, cạnh khóe, thất vọng, bất đắc dĩ: Thành ngữ “Mỡ để miệng mèo” ám chỉ sự phô bày hớ hênh, dễ kích thích cho kẻ xấu đánh cắp. “Mèo thấy mỡ” lại chỉ sự thèm muốn, khát khao không nhịn được.
Khi cần chỉ sự tức giận, bất bình, cạnh khóe có câu: Chửi mèo quèo chó, chửi chó mắng mèo, đá mèo quèo rế. Chỉ sự mâu thuẫn không hòa hợp: Ăn ở như chó với mèo. Những kẻ buồn bã, ỉu xìu thất vọng thì được so sánh “tiu nghỉu như mèo mất tai”.
Quan niệm xưa về loài mèo
Trong văn hóa Ai Cập cổ đại, con mèo được tôn vinh là một loài vật linh thiêng. Trong những văn tự cổ nhất, tìm thấy ở kim tự tháp, có nhắc đến một nữ thần mèo tên là Madfet.
Người Ai Cập cổ còn tôn thờ nhiều thần mèo khác, nhưng nổi bật nhất là thần mèo Bastet, dưới hình dạng một phụ nữ với cái đầu mèo đen. Đây là vị thần bảo trợ phụ nữ và trẻ em, được người dân Ai Cập ngưỡng mộ và tôn thờ.
Trong tâm thức sâu thẳm, người Ai Cập xưa luôn tin tưởng rằng nữ thần mèo sẽ bảo vệ tất cả mọi người. Vì thế mà ở Ai Cập, hình ảnh con mèo đã xuất hiện khắp nơi trong cuộc sống: Trên các loại đồ trang sức bằng vàng, trên cán cầm tay của chiếc gương soi của phụ nữ, hình vẽ trên khuôn mặt các xác ướp… và nếu một người nông dân Ai Cập nằm mơ thấy mèo, anh ta sẽ coi đó là điềm báo trước của một vụ mùa bội thu.
Ở Việt Nam cũng có nhiều người mê tín cho rằng, nếu mèo đen nhảy qua xác một người mới chết thì người đó sẽ hóa thành quỷ nhập tràng. Và dân gian vẫn lưu truyền câu tục ngữ: Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang.
Cũng có quan niệm cho rằng, người chết chưa khâm liệm nếu không canh kỹ, để mèo đen nhảy qua, xác chết sẽ bật dậy ngay. Mèo ma nhất là loại sinh vào giờ Mão (5 - 7 giờ sáng), tháng Mão, năm Mão, bị nghi ngờ có liên hệ với cõi âm nhiều nhất.
Dân gian còn cho rằng, mèo gào vào lúc nửa đêm là điềm báo sẽ có tai ương, kêu 7 tiếng thì sẽ có người phải lìa đời, kêu 9 tiếng thì như oan hồn người chết về nhập vào con mèo để đi đòi mạng người sống. Những con mèo hay gào vào đêm được cho là quỷ dữ, chuyên báo hiệu cái chết.Quan niệm một số quốc gia cho rằng, mèo gắn liền với hình tượng ma quỷ và chết chóc. Trong văn hóa dân gian Việt Nam, nhà văn Tô Hoài - bậc thầy viết truyện về loài vật, trong tác phẩm “O chuột” đã tả về con mèo bằng những dòng thật sinh động: “Mèo lừ đừ và nghiêm nghị tựa một thầy giáo nhà dòng, trên mình có khoác bộ áo thâm. Hắn có cái cốt cách quý phái và trưởng giả. Lúc nào hắn cũng ra vẻ nghĩ ngợi như sắp mưu toan một việc gì ghê gớm lắm. Có phải thế chăng, hỡi các gã lù đù và nghiêm nghị kia? Gã lại làm ra vẻ khó hiểu hơn. Nhưng cái vẻ ngoài chưa đủ nói rõ được bề trong của con người ta. Biết đâu mèo ta không khó chịu như mình tưởng. Mà vốn hắn lại lành hiền cũng nên”.
Còn nhà thơ Nguyễn Công Trứ - nhà khoa bảng lớn, quan đại thần dưới triều Nguyễn, người đã kinh qua các chức vụ lãnh đạo từ Tổng đốc, Thượng thư Bộ binh đến Thừa Thiên Phủ doãn… Bất cứ ở cương vị nào cụ cũng được nhân dân tin yêu kính trọng, nhưng thường bị bọn Lý Miêu trong triều ghen ghét, gièm pha.
Năm lần bị cách chức, giáng chức, có lần bị án “trảm giam hậu”, lần khác bị đày xuống làm lính thú ở Quảng Ngãi. Và tương truyền, cụ đã gửi gắm tâm sự của mình qua câu đồng dao: “Con mèo nằm bếp lo xo/ Hay ăn mà lại ít lo, ít làm/ Con ngựa đi Bắc về Nam/ Ít ăn mà lại hay làm hay lo”. Con mèo nằm bếp - mà Nguyễn Công Trứ nói đến chính để ám chỉ bọn Lý Miêu, mà bất cứ thời nào cũng có trong xã hội.
(Giáo dục và thời đại) |
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Hình tượng con mèo trong văn hóa dân gian Fri 28 Apr 2023, 13:34 | |
| NĂM MÃO KỂ CHUYỆN MIÊU THẦN
Hoàng Tuấn Công
Tranh mèo (khắc gỗ). Ảnh: ST
Trong lục súc (sáu con vật nuôi trong nhà: ngựa, trâu, dê, gà, chó, lợn) không có tên con mèo. Tuy nhiên, không phải vậy mà trong thực tế con mèo không có vị thế quan trọng trong đời sống của những cư dân trồng trọt. Ngược lại, nhờ tài bắt chuột bảo vệ lương thực, mùa màng mà mèo đã được con người thuần hoá từ 1.500 năm TCN. Bài tập đọc của học trò lớp đồng ấu xưa có câu Miêu bộ thử, cẩu khán gia, ngưu canh điền, mã vãn xa, hùng kê năng minh minh…, nghĩa là: mèo bắt chuột, trâu cày ruộng, ngựa kéo xe, gà trống gáy báo sáng...Theo đây, nhiệm vụ bắt chuột của mèo được đặt ngang hàng với công việc của những con vật có tên trong lục súc. Thậm chí dân gian cho rằng, diệt chuột là một sứ mệnh đặc biệt mà nhà Trời đã giao cho mèo.
Truyện cổ Miêu thần hay sự tích chuột và mèo kể rằng, mèo và chuột vốn là hai vị Thử thần và Miêu thần trên Thiên đình (thử 鼠 trong tiếng Hán có nghĩa là chuột). Thử thần vốn là vị quan thanh liêm, giữ chức Thiên khố giám (trông coi kho lẫm nhà Trời). Do thấy của cải nhà Trời nhiều không kể xiết, Thử thần nảy sinh lòng tham, thường hay trộm cắp, bớt xén, nên bị Ngọc Hoàng bãi chức và đày xuống trần gian, hóa kiếp làm con vật tý hon, mồm nhọn, răng sắc, đuôi dài, sống chui rúc trong các xó xỉnh, cống rãnh.
Sau khi bị đày xuống trần, Thử thần vẫn chứng nào tật ấy, ngày đêm lục lọi, đánh chén, phá phách tất cả những thứ của cải do con người làm ra. Loài người hết sức căm giận, tìm trăm phương ngàn kế để mong diệt hết họ hàng nhà chuột, mà không xuể. Con người kêu với Thổ công. Thổ công lại tâu trình lên Thiên đình. Ngọc Hoàng thượng đế tức khắc phái Miêu thần xuống trần gian để giúp loài người ngăn chặn sự đục khoét của Thử thần.
Tương truyền, khi được Ngọc Hoàng sai xuống trần gian diệt trừ giặc chuột, Miêu thần lo lắng tâu bày:
- Tâu bệ hạ, họ hàng tên Thử thần bây giờ đông vô kể. Lại nghe nói chúng nhỏ bé mà cực kỳ ma quái, có tài xuất quỷ nhập thần. Bởi thế, thần e rất khó để trừ được mối hoạ này.
Ngọc Hoàng dụ rằng:
- Trẫm sẽ thu nhỏ vóc dáng của ngươi lại để có thể dễ dàng luồn lách lùng bắt bọn thử tặc, lại ban cho ngươi gân cốt cứng cáp, võ thuật cao cường, móng vuốt sắc nhọn, có khả năng leo trèo, chạy nhảy, vồ, tát như chớp, mắt nhìn xuyên đêm, chân đi như gió lướt, lai vô ảnh khứ vô hình, có thể tóm bắt bọn trộm cắp ngay cả trong đêm tối.
Xuống trần gian, Miêu thần ăn ở cùng nhà với con người, ngày đêm cần mẫn diệt trừ nạn chuột, bảo vệ của cải mùa màng. Từ đây, ở đâu có mèo thì ở đó chuột không dám tự do cắn phá. Người biết ơn mèo, nên cho ăn uống trong đĩa bát, mỗi bữa ít nhiều đều có cá thịt. Đêm đông rét mướt, mèo còn được chung chăn với người.
Mèo có ngoại hình rất giống hổ, nên dân gian mệnh danh là “tiểu hổ”. Tuy nhiên, hổ lại được các nhà khoa học xếp vào họ nhà mèo, và dân gian cho rằng, chính mèo mới là kẻ đã dạy võ cho hổ. Bởi thế, hổ có nhiều tập tính y hệt mèo: ngày lười biếng ngủ vùi, đêm xuống mới vươn vai thức dậy bắt đầu cho cuộc săn đẫm máu... Hổ không đi săn theo bầy mà độc lập tác chiến, “xuất quỷ nhập thần” hệt những gì…sư phụ mèo đã dạy. Nào lựa chọn mục tiêu, rạp mình tiếp cận con mồi; hoặc thu mình, quan sát không chớp mắt, kiên nhẫn chờ đợi hàng giờ…. Khi vừa tầm bật nhảy mới bất ngờ thực hiện cú vồ chí tử khiến đối phương không kịp trở tay!
Tương truyền, vì mèo nhận thấy kẻ học trò sở hữu sức mạnh vô song, mà bản tính lại độc ác, tráo trở, nên còn ngón võ cuối cùng là leo trèo, “sư phụ” mèo đã không truyền dạy cho hổ, phòng khi kẻ hung bạo này phản thầy. Bởi thế, tuy trong thực tế chúa sơn lâm vẫn leo trèo được, nhưng vì “học lỏm” nên ngón nghề không giỏi.
Mèo có vóc dáng bé nhỏ, nhưng gân cốt rất dẻo dai, lại sở hữu nhiều tuyệt chiêu võ công trời phú. Bởi thế, đến cả con người cũng phải bắt chước các thế võ của mèo, gọi là Miêu quyền, như bộ pháp: bước đi nhẹ nhàng, uyển chuyển; thân pháp: thân hình mềm mại, linh hoạt; tấn pháp: thế rình mồi tiềm tàng kín đáo như hổ phục; thủ pháp: kiên nhẫn chờ đợi đối phương sơ hở; công pháp: tập trung sức lực ra đòn quyết định, bất ngờ, chính xác, dũng mãnh…
Nguồn thức ăn của mèo khá phong phú. Ngoài chuột, mèo còn săn bắt cả cá đồng và các loài chim nhỏ, thậm chí là thằn lằn, ếch nhái và côn trùng... Trong đó, chuột không đơn thuần là nguồn thức ăn, mà còn là kẻ thù truyền kiếp của mèo. Hễ thấy bóng dáng chuột, dù đã “no xôi chán chè”, mèo vẫn ra tay hạ thủ không thương tiếc!
Tạo hoá sinh ra chuột, rồi lại sinh ra mèo để cân bằng sinh thái. Tuy nhiên, trong tư duy của dân gian, đó là cả một câu chuyện ly kỳ. Người xưa đưa ra nhiều cách giải thích về mối “thâm cừu” của mèo đối với chuột.
Chuyện kể rằng, một ngày kia, Ngọc Hoàng sai mèo báo cho các loài cầm thú lên trời để được sắp xếp thứ tự theo lịch pháp. Chuột ranh ma nghe trộm được, vội lẻn lên trước, nên được Ngọc Hoàng xếp cho đứng đầu 12 con giáp. Còn mèo là kẻ đi loan tin, thì lại phải chịu đứng thứ tư, sau Tí, Sửu và Dần. Mèo vô cùng căm giận, nên từ đây sinh ra mối thâm thù với chuột.
Truyện cổ dân gian Trung Quốc Lão thử thú thân (Đám cưới chuột) lại cho rằng, sở dĩ chuột mãi mãi là đối tượng săn bắt của mèo là do quan toà đã phán quyết như vậy.
Chuyện rằng, ngày xửa ngày xưa, có một đám cưới chuột tổ chức vào buổi tối ngày mùng 8 tháng Giêng. Hai bên đường chăng đèn kết hoa lộng lẫy. Tân nương chuột đầu đội mũ hoa, mặc áo hoa, ngồi trong kiệu hoa do bốn con chuột tráng đinh khênh kiệu. Chuột tân lang có cả phù rể dẫn đường, tiền hô hậu ủng, chiêng trống vang lừng. Đang lúc tất cả cùng nói cười vui vẻ, chuột tân lang thấy không ai để ý bèn nhảy vào ăn vụng thóc của người. Lập tức chú rể chuột bị mèo gác kho tóm gáy. Tiếng kêu cứu vang lên ầm ĩ. Quan khách thấy chuột bị mèo bắt ngay trong đám cưới thì vô cùng phẫn nộ. Vụ việc lập tức được trình lên quan Chuột. Quan yêu cầu mèo phải phóng thích chú rể chuột ngay lập tức. Tuy nhiên, mèo thẳng thừng khước từ. Đôi bên tiếp tục trình lên quan huyện. Sau khi nghe mèo và chuột trình bày đầu đuôi sự việc, quan lớn phán rằng: Chuột tân lang ăn trộm lương thực, xét về lý cố nhiên là phạm tội. Tuy nhiên, sự việc xảy ra đúng ngày đại hỷ, cả đời nó chỉ có một lần. Thế nên xét về tình, bản quan tha cho hắn.
Trớ trêu thay, đúng lúc tuyên án, thì chú rể chuột bỗng lên cơn ngứa răng. Chàng ta cắn ngay vào ống quần của quan toà. Vị quan vừa tuyên chuột vô tội, tức giận mắng rằng: “Đồ hỗn xược! Đúng là giang sơn dị cải, bản tính nan di!”. Nói đoạn, quan cải phán: “Lão thử bị tróc, tội hữu ưng đắc; miêu ngật lão thử, vị dân trừ hại, thiên kinh địa nghĩa, vĩnh viễn như thử”, nghĩa là: Chuột kia bị bắt, tội đáng phải chịu! Mèo ăn thịt chuột, trừ hại cho dân. Lẽ thường xưa nay, vĩnh viễn như vậy!.
Hàng ngàn năm qua, chuột luôn là nguồn thức ăn của mèo. Họ hàng Thử thần đấu tranh sinh tồn bằng cách ngày càng trở nên tinh quái, đồng thời sinh con đàn cháu đống để bù lại số lượng bị giết. Mặt khác, chúng còn biết “cương nhu tuỳ thời”…
Truyện cổ dân gian Đám cưới chuột (Lão thử thú thân) của Trung Quốc, hay tranh dân gian Đám cưới chuột (Lão thử thú thân) của Việt Nam chính là kiểu “đấu tranh ngoại giao” của chuột. Chúng chủ động cống nạp, cầu thân để “tìm kiếm hoà bình”.
Theo một cách khác, họ nhà chuột cũng không từ bỏ ý đồ khống chế, tìm cách “vô hiệu hoá” võ công của mèo. Truyện ngụ ngôn Đeo chuông cho mèo kể rằng, một hôm họ hàng nhà chuột triệu tập hội nghị bàn cách đối phó với mèo. Một con chuột nhắt tiến lên hiến kế: “Sở dĩ chúng ta bị tóm gáy là bởi bọn mèo có tuyệt chiêu “lai vô ánh khứ vô hình”. Bây giờ, hãy đeo cái chuông vào cổ mèo. Nó đi đến đâu chúng ta đều nghe thấy và sẽ dễ dàng lẩn trốn”. Lời đề nghị này được hội nghị nhiệt liệt hoan nghênh, coi là diệu kế. Thế nhưng, một con chuột già đứng dậy từ tốn hỏi: “Tốt lắm, vậy ai sẽ là người đeo chuông vào cổ mèo?”. Chỉ nghe đến vậy, từ chuột cống đến chuột nhắt, chuột đồng…tất cả đều rụng rời tay chân. Duy có lão chuột chù - kẻ hôi hám đến mức thường khi mèo phải tìm cách tránh mặt - lãnh nhiệm vụ treo chuông cổ mèo. Ấy thế nhưng vừa thoáng thấy bóng mèo, chuột chù đã hồn xiêu phách lạc, quẳng chuông mà chạy!
Đúng là Sắc răng, chuột dễ cắn được cổ mèo! Nói thì dễ, làm mới khó! Kẻ xấu xa dù có tìm mọi cách cũng không thắng nổi được sức mạnh của chính nghĩa. Rốt cuộc vẫn là: Mèo ăn thịt chuột, trừ hại cho dân. Lẽ thường xưa nay, vĩnh viễn như vậy!
(Tuấn Công thư phòng) |
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: Hình tượng con mèo trong văn hóa dân gian Fri 12 May 2023, 07:24 | |
| CON MÈO TRONG LỜI ĂN TIẾNG NÓI DÂN GIAN HOÀNG TUẤN CÔNGMèo trong tranh Đông Hồ. Ảnh: ST Người Trung Quốc coi Mão là năm con Thỏ, trong khi với người Việt Nam, Mão lại là năm con Mèo. Có nhiều cách giải thích về sự khác biệt này. Ví như Nhà sử học người Pháp Philippe Papin cho rằng, do Mão (thỏ) trong tiếng Hán gần âm với mèo trong tiếng Việt, nên con thỏ mới biến thành con mèo. Ý kiến khác lại cho rằng, với những cư dân trồng trọt thì mèo có tài bắt chuột mới là con vật có vị trí quan trọng. Đây chính là lý do người Việt thay thỏ bằng mèo.
Quả tình, với người Việt Nam, con thỏ mờ nhạt trong đời sống kinh tế văn hoá bao nhiêu, thì ngược lại, con mèo lại gần gũi và chiếm một vị trí quan trọng bấy nhiêu. Chỉ tính riêng lời ăn tiếng nói dân gian, thì con mèo xuất hiện trong thành ngữ tục ngữ chiếm vị trí áp đảo so với con thỏ.
Với con thỏ, người ta chỉ thấy nó xuất hiện trong một vài câu thành ngữ, điển tích hiếm hoi, như Nhát như thỏ đế, Thỏ lặn ác tà…Trong khi thành ngữ tục ngữ có sự xuất hiện của con mèo khá phong phú, đa dạng:
-Chuột khôn đã có mèo hay: Họ hàng nhà chuột cực kỳ tinh quái. Chúng đa nghi, dè chừng các loại bẫy bả, thoắt ẩn thoắt hiện, lẩn trốn, ẩn nấp vào chính những thứ đồ đạc mà con người cần giữ gìn. Tuy nhiên, chuột tinh quái bao nhiêu cũng không thoát khỏi móng vuốt của mèo. Câu này có nghĩa: dù ghê gớm đến mấy thì cũng có đối thủ cao tay hơn trừng trị lại; tương tự các câu Vỏ quýt dày có móng tay nhọn; Bệnh quỷ có thuốc tiên; Quả xanh có nanh sắc; Thịt nạc dao phay, xương xẩu rìu búa…
-Rình như mèo rình chuột: Giống chuột ma quái có khả năng xuất quỷ nhập thần, thoắt ẩn thoắt hiện. Bởi thế, mèo hoá giải bằng cách dùng độc chiêu rình mồi, ngồi bất động hàng giờ liền chờ đợi sự sơ hở của kẻ thù mới ra đòn quyết định. Câu này ám chỉ sự quan sát, theo dõi đối phương một cách kín đáo và kiên nhẫn, không chịu buông tha.
-Mỡ để miệng mèo: Mèo là vật nuôi được ăn theo người. Ngày trước điều kiện kinh tế khó khăn, mèo ít khi được ăn thịt cá. Vốn là thú ăn thịt nên mèo luôn thèm thịt, đặc biệt là thịt mỡ [Có câu Mèo nào chẳng ăn vụng thịt mỡ; Mèo nào chẳng ham thịt mỡ; Như mèo thấy mỡ; Thấy gái đẹp như mèo thấy mỡ]. Thế nên, với khả năng vồ mồi nhanh như chớp, mỡ mà đem ra để trước miệng mèo, thì quả là hớ hênh (thành ngữ gốc Hán Nhục huyền hổ khẩu, nghĩa là Thịt treo trước miệng hổ). Câu này được hiểu: Để một vật quý trong tình trạng hớ hênh, khiến kẻ đang thèm muốn có thể dễ dàng chiếm đoạt; Hành động, việc làm hớ hênh, dại dột, có thể dẫn đến thiệt hại, mất mát.
-Chó treo mèo đậy: Theo nghĩa đen, con chó to khoẻ, đánh mùi rất tốt, nên dù đậy kín nó vẫn có thể ủi đổ nồi, bật vung lên để ăn vụng. Tuy nhiên chó không leo trèo được, nên cách đề phòng tốt nhất là treo cao. Ngược lại, mèo nhỏ yếu, không thể húc lật tung nắp nồi, nên chỉ cần đậy lại cẩn thận là chắc chắn, bằng không treo cao thì mèo vẫn có thể leo trèo tới. Nghĩa bóng: Tuỳ từng đối tượng (mối đe doạ) mà có biện pháp đề phòng hữu hiệu bằng cách khoét vào điểm yếu, hạn chế điểm mạnh của đối tượng. Đây là nghệ thuật phòng gian.
-Mèo già hoá cáo: Con mèo khi về già, mắt mờ, chân chậm, không còn đủ sự tinh nhanh để rình bắt chuột. Tuy nhiên, do bản năng săn mồi, ăn thịt sống, mèo sinh ra tật xấu rình bắt gà nhà, đặc biệt là gà con. Khi bị chủ đuổi đánh, mèo già thường bỏ nhà đi hoang, thỉnh thoảng lại mò về rình bắt gà hoặc ăn vụng, bộ dạng xơ xác, lấm lét. Mèo già hoá cáo mà dân gian ám chỉ ở đây là con mèo mang bản chất của một con cáo (sống hoang dã, bắt gà, gian manh, quỷ quyệt). Câu này ám chỉ: Kẻ khôn ngoan, tinh ranh, lâu ngày biến chất trở thành kẻ gian manh, xảo quyệt.
-Ăn như mèo: Nam thực như hổ, nữ thực như miêu. Tương truyền, hổ thọ giáo võ công của “thầy mèo”, nên hầu như mọi tập tính đều giống mèo. Thế nhưng riêng nết ăn, mèo và hổ lại đối lập nhau hoàn toàn. Mèo ăn uống nhỏ nhẻ, từ tốn bao nhiêu thì hổ ngốn ngấu, ăn tươi nuốt sống con mồi nhanh bấy nhiêu. Câu này ám chỉ nết ăn nhỏ nhẻ, ăn chậm, ăn ít.
-Có ăn nhạt mới thương đến mèo: Mèo là thú ăn thịt. Tuy đã được con người thuần dưỡng hàng ngàn năm trước, nhưng nó vẫn giữ lại nhiều tập tính hoang dã, ví như kiếm ăn bằng cách săn mồi trong tự nhiên. Bởi thế, người ta cho rằng, mèo không ăn được đồ có muối mặn. Và trong các bữa ăn hàng ngày, mèo chỉ được ăn cơm nhạt, thức ăn cũng nhạt. Câu này ý nói: Có ở vào hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn mới hiểu nỗi khổ của người cùng cảnh.
-Mèo nhỏ bắt chuột con: Mèo là con vật tinh khôn, thận trọng, biết địch biết ta. Có người trưng ra dị bản Mèo nhỏ bắt chuột cống và cho rằng, câu này ca ngợi “tuổi nhỏ tài cao”. Tuy nhiên, về nghĩa đen, ngay cả những con mèo trưởng thành, nó cũng không bắt chuột cống. Với những con mèo con mới lớn, chúng lựa chọn loại chuột nhắt vừa sức để tập dượt săn bắt. Bởi thế, câu Mèo nhỏ bắt chuột con ví trường hợp biết tự lượng sức mình, biết chọn công việc phù hợp với sức lực, khả năng của mình để đạt được kết quả.
-Giấu như mèo giấu cứt: Mèo có một tập tính rất đặc biệt, đó là mỗi khi ỉa, nó tìm chỗ đất cát tơi xốp để đào một cái hố, ỉa xong là cào đất lấp kín lại. Có người cho rằng, đó là do bản tính mèo sạch sẽ. Nhưng kỳ thực, mèo săn mồi theo kiểu bí mật rình bắt, nên chôn lấp phân là một cách ngăn đối phương nghi ngờ hoặc đánh hơi thấy sự hiện diện của nó. Câu này ám chỉ sự che đậy giấu giếm quanh co, không đàng hoàng.
-Mèo mù vớ được cá rán: Mèo rất thích ăn cá. Đêm xuống, nó thường ra ngoài đồng, ngồi rình hàng giờ để bắt cá. Để bắt được cá dưới nước, mèo cũng phải kiên nhẫn chờ đợi và lặn lội không hề dễ dàng. Ấy vậy mà mèo mù (hạng không có khả năng săn bắt) lại vớ ngay được món cá rán khoái khẩu sẵn có. Câu này ám chỉ tình huống gặp may mắn, bất ngờ đạt được cái ngoài khả năng, hàm ý mỉa mai châm biếm.
-Chó tro mèo mù: “Chó tro” là chó chỉ quen nằm bếp cho ấm, chứ không biết thức đêm trông nhà; “mèo mù” là mèo không bắt chuột (không rình chuột, tựa như mù). Câu này ám chỉ hạng người vô dụng, chỉ biết ăn hại.
-Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang: Câu này có nhiều cách giải thích. Điều thú vị là người Trung Quốc cũng có câu y hệt Miêu lai cùng, cẩu lai phú (Mèo đến thì khó, chó đến thì giàu). Theo đây, dân gian quan niệm, mèo vô chủ (lưu lãng miêu) tự nhiên đến nhà, là điềm gia chủ sắp đến vận bần cùng; ngược lại, chó vô chủ (lưu lãng cẩu) tự dưng đến nhà, là điềm gia chủ sẽ được giàu có. Nguyên do thời xưa, chỉ có nhà giàu, nền nhà mới lát gạch; còn nhà nghèo nền đất thô sơ, chuột bọ đào hang hốc trú ngụ rất nhiều. Đó chính là lý do khiến mèo để mắt tới nhà nghèo. Trong khi nhà giàu, bữa ăn thường có thịt, mà chó thì cực thính mũi, nên nó tìm đến nhà sung túc. Theo đây, chó hoang, chó vô chủ tự dưng tìm đến nhà ai, tựa như một sự tiên đoán về vận tài phú của gia chủ. Với người Trung Quốc, chó sủa “wàng”, giống âm của chữ “vượng” 旺, đồng nghĩa cát tường, tài phú. Trong khi con mèo kêu “miāo” (喵), giống như âm chữ “miè” 滅 (diệt); “méi” 沒 (một), đều mang nghĩa là “tiêu tan”, “mất mát”…Dân gian Việt Nam cũng có một hướng giải thích tương tự: tiếng chó sủa “gâu gâu”, “giâu giâu”, gần giống như “giầu, giầu”; tiếng mèo kêu “ngheo ngheo” gần giống như “nghèo nghèo”, nên có chuyện kiêng kị.
-Sắc nanh, chuột dễ cắn được cổ mèo: Thực tế, mèo không bắt chuột cống, vì giống chuột này hôi hám, bẩn thỉu, không phải là món khoái khẩu của mèo. Hơn nữa, trong thế giới tự nhiên, khi các con thú ăn thịt đang còn sự lựa chọn, thì không bao giờ chúng săn bắt, tấn công những đối tượng “xương xẩu”, có thể gây nên “ẩu đả”, thậm chí mất mạng. Bởi thế, khi thấy chuột cống thì mèo “làm ngơ”. Nhưng không vì thế mà chuột cống không sợ mèo, và có thể dễ dàng “cắn được cổ mèo”. Chữ dễ ở đây không phải dễ dàng (ngược lại với khó) mà có nghĩa là liệu có thể, khó có thể, chưa chắc, đâu dễ.
Câu tục ngữ được hiểu: Dù cố gắng bằng mấy, nhưng kẻ yếu cũng khó lòng đảo ngược tình thế, địch nổi sức mạnh áp đảo của kẻ ở thế thượng phong; Kẻ xấu dù có tìm mọi cách cũng không thắng nổi được sức mạnh của chính nghĩa đã được số đông thừa nhận! Tục ngữ Hán cũng có câu đồng nghĩa Tái giảo hoạt đích hồ ly dã đấu bất quá thông minh đích liệp nhân (Con cáo ranh ma đến mấy cũng không thắng nổi người thợ săn khôn ngoan); hay Thiên niên đích dã trư lão hổ đích thực (Lợn rừng ngàn năm vẫn là thức ăn của hổ)…
Ngoài những câu trên, chúng ta còn có thể liệt kê hàng loạt các câu khác, như: Mèo đàng chó điếm, Mèo khen mèo dài đuôi; Làm như mèo mửa; Mèo lành ai nỡ cắt tai; Chuột gặm chân mèo; Chưa biết mèo nào cắn mỉu mèo nào,…
Có thể nói, dân gian đã khéo léo dùng ngôn từ để khắc hoạ tập tính của con mèo một các rất sinh động. Từ nghĩa đen, chúng ta cảm nhận được nghĩa bóng sâu sắc, tinh tế, những lời khen chê, răn dạy, phê phán thói hư tật xấu toát lên trong từng lời ăn tiếng nói của dân gian.
(Nguồn: Tuấn Công Thư Phòng) |
| | | Sponsored content
| Tiêu đề: Re: Hình tượng con mèo trong văn hóa dân gian | |
| |
| | | |
Similar topics | |
|
Trang 1 trong tổng số 1 trang | |
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |