Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Người Việt với giải Nobel Văn chương Wed 01 Mar 2023, 09:42 | |
| Nhà thơ Vũ Hoàng Chương từng được đề cử Nobel năm 1972
"Thi bá Việt Nam" Vũ Hoàng Chương có tên trong danh sách tổng hợp đề cử Nobel 1972 của Viện Hàn lâm Thụy Điển.
Danh sách được Ủy ban Nobel công bố trong tháng 2, sau 50 năm giữ kín theo quy định của giải này. Theo đó, Vũ Hoàng Chương là một trong 100 tên tuổi được đề cử. Viện Hàn lâm Thụy Điển chú thích nhà thơ là Chủ tịch Hội Văn bút Việt Nam, được đề cử lần đầu, người giới thiệu là Thang Lang.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng Thang Lang thực chất là học giả Thanh Lãng, bị nhầm lẫn do lỗi đánh máy. Thanh Lãng sinh năm 1924, là linh mục, nhà giáo dục, đỗ tiến sĩ tại Đại học Fribourg, Thụy Sĩ. Ông từng giảng dạy tại Đại học Văn khoa Huế, Đại học Văn khoa Sài Gòn, làm việc tại Viện Khoa học xã hội TP HCM.
Nhà thơ Vũ Hoàng Chương nằm trong danh sách 100 cây bút được đề cử Nobel Văn học năm 1972. Ảnh chụp màn hình website Svenska Akademien
Ông Phạm Xuân Nguyên nói việc nhà thơ Vũ Hoàng Chương từng được đề cử Nobel là niềm vui, sự vinh dự. Theo ông, văn học nước nhà có cơ hội tiếp cận giải thưởng danh giá, nhưng cần chú ý chọn tác phẩm chất lượng, đảm bảo khâu dịch thuật để các chuyên gia quốc tế dễ dàng hiểu.
Vũ Hoàng Chương là ai?
Vũ Hoàng Chương sinh ngày 1 tháng 4 năm Ất Mão tức ngày 14 tháng 5 năm 1915 tại Nam Định, nguyên quán tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, nay là huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên.
Ông sinh ra trong gia đình khoa bảng giàu có, bố làm tri huyện, mẹ buôn gạo tại Bến Thóc, Nam Định. Thuở nhỏ, ông học chữ Hán ở nhà rồi lên học tiểu học tại Nam Định. Ông đã được dạy Kinh Thi bằng chữ Nho và Quốc sử diễn ca bằng chữ Nôm trước khi đến trường học chữ Quốc ngữ và các sinh ngữ Tây phương khác. Năm 1931 ông nhập học trường Albert Sarraut ở Hà Nội, đỗ Tú tài năm 1937.
Năm 1938 ông vào Trường Luật nhưng chỉ được một năm thì bỏ đi làm Phó Kiểm soát Sở Hỏa xa Đông Dương, phụ trách đoạn đường Vinh – Na Sầm. Từ năm 1940, ông bắt đầu hoạt động văn nghệ, với tập thơ Say tự xuất bản tại Hà Nội.
Chân dung thi sĩ Vũ Hoàng Chương (1915 - 1976)
Năm 1941, ông bỏ Sở hỏa xa đi học Cử nhân toán tại Hà Nội, rồi lại bỏ dở để đi dạy ở Hải Phòng. Trong suốt thời gian này, ông không ngừng sáng tác thơ và kịch. Sau đó ông trở về Hà Nội lập “Ban kịch Hà Nội” cùng Chu Ngọc và Nguyễn Bính. Năm 1942 đoàn kịch công diễn vở kịch thơ Vân muội tại Nhà hát lớn. Cũng năm đó ông gặp Đinh Thục Oanh, chị ruột nhà thơ Đinh Hùng và hai người thành hôn năm 1944.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông về Nam Định và cho diễn vở kịch thơ Lên đường của Hoàng Cầm. Kháng chiến toàn quốc nổ ra, Vũ Hoàng Chương tản cư cùng gia đình về Thái Bình, làm nghề dạy học. Đến 1950, gặp lúc quân Pháp càn đến ruồng bắt cả nhà, ông bỏ miền quê, hồi cư về Hà Nội dạy toán rồi chuyển sang dạy văn.
Năm 1954, Vũ Hoàng Chương di cư vào Nam, tiếp tục dạy học ở một số trường trung học, Đại học Văn khoa Sài Gòn và sáng tác ở Sài Gòn. Năm 1959 ông đoạt “Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc” của Việt Nam Cộng hòa với tập thơ Hoa đăng. Trong năm này ông sang châu Âu tham dự Hội nghị Thi ca Quốc tế tại Bỉ.
Năm 1964 ông tham dự Hội nghị Văn bút Á châu họp tại Bangkok; năm sau, 1965 lại tham dự Hội nghị Văn bút Quốc tế họp tại Bled, Nam Tư. Năm 1967, ông lại tham dự Hội nghị Văn bút Quốc tế họp tại Abidjan, thủ đô Côte d’Ivoire.
Thời gian 1969-1973 Vũ Hoàng Chương là Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam. Năm 1972 ông đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc lần thứ hai. Ông còn được vinh danh là “Thi bá” Việt Nam.
Vũ Hoàng Chương lần đầu tiên được đề cử giải Nobel văn học năm 1972 nhưng người đoạt giải là Heinrich Böll nhà văn người Đức. Sự kiện này chỉ được Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố năm 2023 vì theo quy định thì sau 50 năm kể từ khi trao giải, Viện Hàn lâm Thụy Điển mới công bố danh sách những người được đề cử Giải Nobel văn học của năm đó.
Chủ nhân Giải Nobel Văn chương năm 1972, Heinrich Böll (1917-1985) đã được đề cử nhận giải Nobel liên tục từ năm 1960 đến lúc đoạt giải. Một số tác phẩm của Heinrich Böll đã được xuất bản ở Việt Nam.
Trong lịch sử giải Nobel Văn chương, rất ít tác giả đoạt giải ngay từ lần đầu được đề cử. Và cũng có nhiều tác giả dù được đề cử nhiều lần nhưng không đoạt giải. Cũng có một số nhà văn xuất hiện trong danh sách năm 1972, sau này trở thành chủ nhân giải Nobel Văn học như Patrick White (ông đoạt giải năm kế tiếp, 1973), Nadine Gordimer, V. S. Naipaul, Doris Lessing (mãi đến năm 2007 bà mới đoạt giải)…
Mặc dù nhà thơ, nhà giáo Vũ Hoàng Chương trong hai thập niên ở Sài Gòn chỉ theo đuổi lãnh vực văn học và giáo dục nhưng ngày 13 tháng 4 năm 1976, Vũ Hoàng Chương bị Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam bắt giam vào khám Chí Hòa. Ông lâm trọng bệnh, thân xác tàn tạ, được cho về nhà, 5 ngày sau mất tại Sài gòn ngày 6 tháng 9 năm 1976.
Văn nghiệp của Vũ Hoàng Chương có gì đặc sắc?
Là một nhà thơ lớn từng góp mặt trong nhiều tuyển tập thi ca, nhiều bộ lịch sử văn học hay các bộ tiểu sử văn học trong nước, nhà thơ Vũ Hoàng Chương (1915-1976) lại không được nhiều người biết tới so với Huy Cận, Xuân Diệu, hay Nguyễn Đình Thi. Ông từng học trường trung học Albert Sarraut – ngôi trường học hoàn toàn theo chương trình của Pháp tại Đông Dương.
Ông xuất hiện trên văn đàn vào năm 1940 với tập thơ Thơ say và tiếp tục để lại dấu ấn cá nhân của mình trong phong trào Thơ mới với tập Mây vào năm 1943. Ta cần lưu ý rằng phong trào Thơ mới khởi đầu từ năm 1932, như vậy Vũ Hoàng Chương xuất hiện khá muộn.
Ấy vậy mà chỉ một năm sau tập thơ đầu tay, ông đã góp mặt trong tác phẩm phê bình Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân, sau đó lại xuất hiện trong tập Nhà văn hiện đại (1942) của Vũ Ngọc Phan. Điều này cho thấy dấu ấn đậm nét của Thơ say.
Thủ bút của Vũ Hoàng Chương
Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy nhận xét Vũ Hoàng Chương là người làm thơ tài hoa, chuyên nghiệp, từng được gọi là "Thi bá Việt Nam". Ông có 15 tập thơ, các vở kịch thơ là Trương Chi, Vân muội, Hồng diệp... Tập Thơ say, gồm 32 bài, ra mắt năm 1940 là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.
Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh, Hoài Chân viết: "Bấy nhiêu say sưa đều nuôi bằng một say sưa to hơn mọi say sưa khác: Say thơ.... cái say sưa của Vũ Hoàng Chương là một thứ say sưa có chừng mực, say sưa mà không hẳn là trụy lạc, mặc dầu từ say sưa đến trụy lạc đường chẳng dài chi. Nhưng trụy lạc hay say sưa đều mang theo một niềm ngao ngán. Niềm ngao ngán ấy ta vốn đã gặp trong thơ xưa. Duy ở đây có cái vị chua chát, hằn học, và bi đát riêng..."
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên từng đọc tùy bút Ta đã làm chi đời ta của Vũ Hoàng Chương, nói về cuộc sống văn nghệ ở miền Bắc từ đầu thập niên 1940 cho đến giữa thập niên 1950. Nhà phê bình nhận xét: "Đọc ông ta thấy tình văn nhân thật tri âm tri kỷ mà cũng nhiều cung bậc, sắc thái hỉ nộ ái ố. Cuốn sách như cuốn phim giữ lại cho văn học sử nước nhà một thời đoạn văn nghệ không còn có lại, mãi mãi gắn liền với một thời ly tao của đất nước".
Sau khi vào miền Nam, ông nhanh chóng hòa nhập với không khí văn nghệ tại đó và sáng tác đều đặn. Tập thơ Hoa đăng (1959) của ông được “Giải văn học nghệ thuật toàn quốc” của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà.
Ngoài việc sáng tác, Vũ Hoàng Chương sống bằng nghề dạy học trong cả giai đoạn ở miền Bắc lẫn khi di cư vào Nam sau năm 1954. Dù vậy, theo lời Vũ Hoàng Chương trả lời phỏng vấn với đài Tiếng nói Tự do vào năm 1973, thì “việc chính yếu của tôi là làm thơ, còn việc dạy học chỉ là phụ thuộc.”
Cũng trong buổi phỏng vấn ấy, Vũ Hoàng Chương có nhắc rằng ông có 3 tập thơ có bản dịch Pháp ngữ đối chiếu, một tập có bản Anh ngữ, và một tập thơ Đức ngữ. Tập thơ Anh ngữ mà ông nói tới là tập Cảm thông với nhan đề tiếng Anh là Communion do Nguyễn Khang phiên dịch và xuất bản năm 1960.
Vào năm 1963, ông xuất bản tập thơ Thi tuyển với nhan đề tiếng Pháp là Poemes Choisis kèm theo bản dịch của thi sĩ người Bỉ Simone Kuhnen de La Cœuillerie. Trước đó, thi sĩ Bỉ cũng dịch một số bài thơ khác của ông và xuất bản trong tập thơ Les 28 Etoiles.
Năm 1966, thi sĩ người Áo Kosmas Ziegler dịch một số bài thất ngôn tứ tuyệt của Vũ Hoàng Chương sang tiếng Đức. Tập thơ mang tên Die Achtundzwanzig Sterne tức “28 vì sao,” ám chỉ tổng số tiếng trong một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt.
Dù tài thi ca nổi tiếng trên văn đàn miền Nam và được phong là thi bá, cũng có một số người chỉ trích thơ Vũ Hoàng Chương. Ngay từ năm 1942, Lương Đức Thiệp trong cuốn Việt Nam thi ca luận đã phê rằng: “Ông Thế Lữ, ông Xuân Diệu, ông Vũ Hoàng Chương đã có một nghệ thuật khá vững vàng mà cũng không tránh được “đá vè” trong nhiều bài “sáu-tám.”
Tới năm 1960, thi sĩ Chế Lan Viên có một bài viết dài trên báo Nghiên cứu văn học số tháng 4, trong đó chỉ trích thơ ông là trụy lạc, và tập thơ Hoa đăng là xa rời quần chúng, sa đọa về chính trị. Ở đoạn kết, Chế Lan Viên có nhắn nhủ: “Hãy làm lại cuộc đời mình đi Vũ Hoàng Chương.”
Ai đã đề cử Vũ Hoàng Chương?
Theo quy trình, hàng năm Ủy ban Nobel Văn chương sẽ gửi thư mời đánh giá cho thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển, các học viện, viện hàn lâm, tổ chức có cơ cấu và mục đích tương tự; những giáo sư văn học ngôn ngữ tên tuổi, các nhà văn từng đoạt giải Nobel, Chủ tịch hội nhà văn các nước - đề nghị giới thiệu ứng viên cho giải Nobel Văn chương. Sau đó, họ tập hợp, chọn danh sách gồm khoảng 100 ứng viên để trình lên Viện hàn lâm phê chuẩn. Danh sách này chỉ được công bố sau 50 năm.
Trải qua các vòng sơ khảo, chung khảo, Ủy ban Nobel sẽ chọn năm người cuối cùng để thảo luận, nghiên cứu và tìm ứng viên chiến thắng.
Năm ngoái, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết lần đầu tiên nhận được thư của Viện Hàn lâm Thụy Điển, mời giới thiệu tác giả góp mặt vào danh sách tranh giải Nobel Văn học. Tuy nhiên, thư đến chậm trễ, quá thời gian nhận đề cử 20 ngày.
Theo danh sách mà Viện hàn lâm công bố, người đề cử Vũ Hoàng Chương là một cá nhân có tên “Thang Lang” tới từ một đơn vị tên là “vietnamesika P.E.N-klubben” ở Sài Gòn. Có thể đơn vị này chính là Trung tâm Văn bút Việt Nam – một hiệp hội nghệ thuật tại miền Nam mà chính Vũ Hoàng Chương từng là chủ tịch.
Tuy nhiên, cái tên “Thang Lang” dường như là một sự nhầm lẫn trong ghi chép. Trong giới nghiên cứu văn học miền Nam trước năm 1975, không có cá nhân Thang Lang nào, nhưng có một nhà nghiên cứu nổi bật tên là Thanh Lãng.
Linh mục Tiến sĩ Thanh Lãng, tên thật Đinh Xuân Nguyên, là Giáo sư Đại học Văn Khoa Huế và Đại học Văn khoa Sài gòn từ 1957 tới 1975. Ông quan tâm tới các vấn đề về văn chương và ngôn ngữ, và là tác giả của nhiều sách nghiên cứu và khảo cứu nổi tiếng như Khởi thảo văn học sử Việt Nam: Văn chương bình dân (1953), Bảng lược đồ văn học Việt Nam (1967), hay 13 năm tranh luận văn học (1995). Đặc biệt, Thanh Lãng là cũng là chủ tịch kế nhiệm Vũ Hoàng Chương tại Trung tâm Văn bút Việt Nam.
Lời thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương trên thư pháp của thiền sư Nhất Hạnh - Ảnh: KHẢ LINH
Vũ Hoàng Chương có phải người Việt đầu tiên được đề cử Nobel?
Trên thực tế, trước Vũ Hoàng Chương đã có một văn sĩ Việt khác được đề cử giải Nobel vào năm 1969. Đó là nhà văn Hồ Hữu Tường – người không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực văn chương và nghiên cứu văn học, mà còn có nhiều tác phẩm về chính trị, kinh tế, triết học. Ông cũng tham gia biên soạn sách giáo khoa bậc trung học cho Bộ Giáo dục Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào năm 1946.
Theo thông tin do Viện hàn lâm Thụy Điển công bố, người đã đề cử nhà văn Hồ Hữu Tường là một vị giáo sư ngành văn học Việt Nam tại Đại học Sài Gòn (University of Saigon) có tên Dong-Ho. Đây có thể là nhà thơ, nhà văn hóa, giáo sư văn chương Đông Hồ, tên thật là Lâm Tấn Phác (1906-1969) – một trí thức văn nghệ sĩ nổi bật khác của thế kỷ trước.
Hồ Hữu Tuờng (1910-1980) là một nhà văn nhà báo vào hàng tiền bối của văn chương hiện đại Việt Nam. Ông cũng là một chính trị gia khi sang Pháp du học, kết bạn với Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, gia nhập Ðệ Tứ Quốc Tế Cộng sản rồi sau lại tuyên bố từ bỏ lý thuyết Marxist vì cho là biện chứng pháp không thực tế và không thích hợp với dân tộc Việt Nam. Hơn thế nữa ông còn là một nhà tư tưởng lớn đề ra nhiều lý thuyết về chính trị, kinh tế, triết học.
Cuộc đời văn học của Hồ Hữu Tường có nhiều giai đoạn sáng tác khác nhau. Mới đầu, ông chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Cộng sản theo khuynh hướng Đệ Tứ và thời gian này ông coi như là những năm tháng ô nhục của thời gian lầm đường lạc lối. Ông không để lại một chút gì dấu vết lưu lại bởi vì ông chối bỏ lối lập luận kiểu duy vật biện chứng. Sau khi từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản, ông bị Pháp bắt giam đầy đi Côn Ðảo lần thứ nhất và ông suy nghĩ đến một hệ thống tư tưởng mới độc lập với các hệ tư tưởng ngoại lai như Pháp, Tàu, Nga, Mỹ… mà ông gọi là chủ nghĩa dân tộc. Rồi tiếp theo là thời kỳ ông nghiên cứu để viết lên những suy tư mới về xã hôi, kinh tế, chính trị, dân tộc. Thời kỳ này ông viết Tương Lai Văn Hóa Việt Nam. Ông có cách nghiên cứu tìm tòi của một học giả và sự luôn luôn khao khát với cái mới đã thúc đẩy ông trong việc thiết lập một hệ tư tưởng riêng biệt của dân tộc.
Năm 1957, Hồ Hữu Tường bị kết án tử hình, nhưng nhờ Albert Camus và những trí thức khác như thủ tướng Ấn Độ Nehru viết thư can thiệp nên chỉ bị đày ra Côn Đảo. Ngày 31 tháng 1 năm 1964 (sau khi Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam sụp đổ) Hồ Hữu Tường được trả tự do rồi được đại xá ngày 14 Tháng Bảy 1967. Ông viết rất nhiều và sau này in lại các tác phẩm như Kế Thế, Hồn Bướm Mơ Hoa, Thuốc Trường Sanh, Trầm Tư của Một Tên Tội Tử Hình…
Sau đó, ông tiếp tục sáng tác với những tiểu thuyết như Chuyện con thằn lằn chọn nghiệp, Thằng Thuộc con nhà nông... và Hồi ký 41 năm làm báo.
Có một tác phẩm khá đặc biệt là Người Mỹ Ưu Tư, một cuốn sách được in với ấn bản viết bằng tay của tác giả. Mới đầu được in hàng ngày trên nhật báo Sống và về sau có một phong trào xin chữ ký giới thiệu để đề cử vào giải Nobel văn chương. Theo bác sĩ Trần Ngươn Phiêu là người khởi xướng công việc này thì đã có tới hơn mười ngàn chữ ký để đề cử. Ông viết về một đề tài lúc đó tới giờ hơn bốn chục năm mà vẫn còn chất sống động của thời thế. Vấn đề con lai mà về sau này chính quyền Mỹ đã phải giải quyết để có hàng chục ngàn con lai được định cư ở Hoa Kỳ nơi quê nội của họ.
Năm 1965, ông làm Phó Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh và chủ bút tuần báo Hòa đồng'.
Năm 1967, Hồ Hữu Tường trúng cử dân biểu đối lập trong Hạ viện Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa, thời gian này ông tham gia viết bài cho các tờ báo: Tiếng Nói Dân tộc, Quyết Tiến, Đuốc Nhà Nam, Tin Sáng, Sài gòn Mới, Điện Tín v.v...
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Hồ Hữu Tường bị chính quyền mới bắt đưa đi học tập cải tạo khi ông có sáng kiến in một tập tài liệu gởi trực tiếp bằng đường bưu điện cho giới lãnh đạo Đảng về nhu cầu bắt buộc Việt Nam phải trung lập trong bối cảnh tình hình của khu vực Á Châu vào năm 1978. Trong tù ông lâm bệnh nặng khó thể cứu chữa nên được trả tự do và mất vài ngày sau đó (26 tháng 6 năm 1980) tại Sài Gòn.
Chờ đợi tên một nhà văn Việt Nam khác sau Hồ Hữu Tường, Vũ Hoàng Chương
Trong năm 1972, một nhà văn Á châu khác cũng được đề cử là Lâm Ngữ Đường và cũng giống như Vũ Hoàng Chương, ông không bao giờ được trao giải.
Năm 1974, Vũ Hoàng Chương xuất bản Ta đã làm chi đời ta, ghi lại những kỷ niệm về một thời văn chương. Sau 44 năm, cuốn sách được Domino Books và Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ phát hành ấn bản mới vào năm 2018.
"Hà Nội (tức Thăng Long), Thuận Hóa (tức Phượng Thành), Saigon (tức Bến Nghé)… Chặng đường lui xuống phương Nam ấy, biết có khơi dậy cảm xúc cho ai chăng, riêng Vũ Hoàng Chương thì chỉ biết ghi nhận một nét tâm tư thời đại:
Long thành đâu nhỉ? Phượng Thành mô? Lê, Nguyễn: Hai giòng lệ cố đô Lệ chảy, chảy xuôi tràn Bến Nghé Giựt mình… Nam Hải sóng lô xô"
(trích tập bút ký Ta đã làm chi đời ta)
Theo quy định, sau 50 năm kể từ khi trao giải, Viện Hàn lâm Thụy Điển mới công bố danh sách đề cử Giải Nobel Văn chương của năm đó.
Với việc công khai tài liệu, biết đâu trong tương lai chúng ta sẽ có cơ hội để biết nhà văn Việt Nam nào sau Hồ Hữu Tường (được đề cử giải Nobel Văn học năm 1969) và Vũ Hoàng Chương (năm 1972) đã được đề cử giải thưởng văn chương lâu đời này.
Sự quan tâm của dư luận đến các tên tuổi Việt trùng thời gian với một số tranh luận về “gốc Việt” trên internet. Quả thực, danh tính là vấn đề ngày càng được chú ý khi những nhà văn gốc Việt đạt thành tựu trên văn đàn quốc tế như Ocean Vuong, Viet Thanh Nguyen, Linda Lê,… được biết đến rộng rãi ở trong và ngoài nước.
Đầu năm nay, độc giả trang The Guardian xếp Ocean Vương là một trong 10 tác giả tiểu thuyết mới được yêu thích nhất. Tác phẩm On Earth We’re Briefly Gorgeous (tên tiếng Việt: Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, 2019) cũng nằm trong danh sách 10 cuốn sách hay về tình cảm gia đình của tờ báo Anh. Lauren Puckett-Pope, Phó tổng biên tập tạp chí Elle đánh giá đây là một trong 15 tiểu thuyết hay nhất năm 2022. Bà cho biết đọc hết cuốn sách trong một chiều hè và sau đó liên tục suy ngẫm về nỗi đau, sự kiên cường nhân vật đã trải qua. Lauren Puckett-Pope cho rằng độc giả nên nghiền ngẫm cuốn sách, nhất là những bài thơ tác giả viết.
Ở tuổi 35, Occean Vương giành nhiều giải thưởng văn chương uy tín ở Mỹ như Eliot TS, The Narrative, Stanley Kunitz, từng được trang BuzzFeed đánh giá là một trong 32 tác giả người Mỹ gốc Á châu tiêu biểu.
Ocean Vuong gây ấn tượng mạnh với các sáng tác của mình
(Sưu tầm & Tổng hợp) |
|