Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: 12 Bà Mụ Thu 09 Jun 2022, 10:57 | |
| Tập Tục Cúng 12 Bà Mụ Và 13 Đức Thầy
Ý nghĩa của việc cúng 12 Bà Mụ cho bé
Cúng Mụ cho bé ngày đầy tháng hay đầy năm (gọi là cúng Thôi nôi) cho đứa bé là cúng Tạ lễ cho 12 bà Mụ đã nắn tay chân, tạo hình hài cho đứa bé, bảo hộ cho nó được tròn tháng, tròn năm. Còn dạy cho đứa bé biết khóc, biết cười, biết đòi bú mớm, ẩm bồng, phân biệt lạ quen là do 13 ông Thầy.
Còn cúng đầy năm gọi là thôi nôi, vì đứa bé khi còn nhỏ nuôi nó trong cái nôi, tránh khi nó lăn, nó bò bị té trầy da, sức trán, có khi thương tật tay chân; khi đủ năm có thể không cần đến cái nôi, do đó gọi là thôi nôi.
Xưa kia nuôi một đứa trẻ sơ sinh cho đầy tháng cũng như tròn năm là rất khó. Cho nên người ta tin có sự phò hộ của các đấng vô hình. Lúc bà mẹ nằm cử; người ta còn treo ở cửa ra vào một nhánh xương rồng, lổm chổm đầy gai; một gói trầu têm vôi với cau; vài cái vỏ ốc bưu, để trấn ếm trừ khử tà ma.
Trong năm, đứa bé đi xa khi về bên nội, bên ngoại người ta còn dùng lọ nghẹ bôi lên trán; có người cho đó là làm dấu; có người cho là làm cho nó xấu xí đi, ra đường khỏi bị người khuất mày khuất mặt quở. Đó chẳng qua chỉ là sự mê tín.
12 Bà Mụ gồm những vị tiên nào?
Cúng Mụ cho bé, người ta thường nghe người xưa nói cúng “mười hai Mụ Bà, mười ba Đức Thầy”, người ta tìm thấy có gốc tích mười hai bà Mụ (còn gọi là Sanh Thai Thập Nhị Tiên Nương). Đó là các bà Mụ:
– Trần Tứ Nương, coi việc sanh đẻ (chú sanh) – Vạn Tứ Nương, coi việc thai nghén (chủ thai) – Lâm Cửu Nương, coi việc thụ thai (thủ thai) – Lưu Thất Nương, coi việc nặn hình hài nam, nữ (chủ giới tính). – Lâm Nhất Nương, coi việc chăm sóc bào thai (an thai) – Lý Đại Nương, coi việc chuyển dạ (chuyển sanh) – Hứa Đại Nương, coi việc khai hoa nở nhụy (hộ sản) – Cao Tứ Nương, coi việc ở cữ (dưỡng sanh) – Tăng Ngũ Nương, coi việc chăm sóc trẻ sơ sinh (bảo tống) – Mã Ngũ Nương, coi việc ẵm bồng con trẻ (tống tử) – Trúc Ngũ Nương, coi việc giữ trẻ (bảo tử) – Nguyễn Tam Nương, coi chứng kiến và giám sát việc sinh đẻ (giám sinh).
Mười hai bà Mụ có tượng thờ ở chùa Ngọc Hoàng (chùa Phước Hải); tại 73 Mai Thị Lựu, Phường Đa Kao, Quận 1. Ở Hội An tại chùa Phúc Kiến cũng có tượng thờ 12 Bà Mụ.
Truyền thuyết 13 Đức Thầy trong dân gian
Ngoài việc cúng 12 bà Mụ, người xưa còn cúng 13 vị Thầy gồm: 6 Thầy dạy Lục tính, 6 Thầy dạy Lục kinh và đức Bảo Sanh.
12 vị thần là 12 ông thầy dạy dỗ cho ấu nhi; từ bước đi chập chững cho đến khi bước vào ngưỡng cửa trường học và trường đời.
6 Thầy dạy về Lục tính
Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Lạc, Ai. Cổ nhân xưa có câu: “Lục Tánh- người đời ai chẳng có lúc mừng, giận, yêu, ghét, vui, buồn.
Sách ghi: Dù là bậc hiền triết, thánh nhân, vĩ nhân, đấng minh quân, trăm lần nghĩ có một lần sai. Dù dân đen dốt nát, trăm lần nói có một lần đúng. Thậm chí kẻ điên, người khùng nói ra thánh hiền cũng phải nghe. Bất luận thời đại nào cái cảnh lẫn lộn: đen/ đỏ, thiện/ ác, trung/ nịnh, tốt/ xấu, vinh quang/ đê hèn… luôn đan xen đồng hành, chèn ép, trừ khử lẫn nhau, khó lường nổi.
6 Thầy dạy về Lục kinh
Học Kinh Dịch để biết được sự biến hóa của đất trời, Âm- Dương, bốn mùa, Ngũ hành…
Kinh Lễ dạy đạo đức làm người tu thân, tề gia, trị quốc, kỷ cương, luật pháp.
Học Kinh Thư luận bàn, nghiên cứu các triều đại vua chúa thời trước, hiểu được cái hư, cái thực, xấu, tốt để có đường lối chính trị đúng. Người trị quốc lấy dân làm gốc, dân lấy ngũ cốc làm đầu. Dân no nước được yên bình.
Kinh Thi chép thiên thời địa lý, núi sông, hang, suối, chim muông, cây cỏ, trống mái, đực cái, muôn thú.
Học Kinh Nhạc để khỏa nỗi niềm, hòa hợp cuộc sống, thêm niềm vui vị tha, hỉ xả.
Kinh Xuân Thu vạn vật tan hợp đều ở Kinh Xuân Thu. Trước mặt ta có kẻ gièm pha mà ta không biết; sau lưng ta có quân giặc mà ta không hay. Khi gặp việc thường không biết nên ứng xử như thế nào? Gặp việc biến không biết xoay sở ra sao? Làm sao thành người?
Đức Bảo Sanh Đại Đế
Tương truyền, thần sinh ở Phúc Kiến, thời nhà Tùy, Trung Quốc. Từ nhỏ, ngài được các vị tiên trên núi dạy cho phép tiên và các thuật linh đơn. Đến tuổi thanh niên, ngài tiêu dao đây đó, bốc thuốc cứu người. Danh tiếng ngài lẫy lừng từ Hoa Hạ xuống Giang Nam.
Nghe tin thân mẫu lâm bệnh, ngài vội vã về quê nhưng không kịp cứu mẹ già. Từ đó, ngài buồn bã, xếp tất cả sách vở vào hòm khóa lại, còn chìa khóa thì quăng xuống sông Hoàng Hà. Sau đó ngài lên núi ở ẩn.
Một hôm, nghe tiếng kêu cứu thảm thiết, ngài động lòng tìm đến nơi có tiếng kêu cứu. Ngài mới hay người vợ của một ngư phủ đang hồi nguy kịch trong cơn vượt cạn khó khăn. Ngài ra tay cứu giúp.
Người ngư phủ hôm sau ra sông Hoàng Hà câu được con cá chép lớn mang lên núi tặng ân nhân. Nhận quà tạ ơn, ngài mang cá ra sông phóng sinh nhưng lạ thấy cá không chịu bơi đi. Ngài đưa tay xuống nước; thì trong miệng cá nhả ra chiếc chìa khóa mà hơn mười năm trước ngài đã quẳng đi.
Biết là số trời đã định, ngài trở về lấy chiếc hòm cũ và bắt đầu chuyên tâm nghề thuốc, chữa bệnh cứu người. Ngài thác đi người đời tôn là Đức Bảo sanh Đại đế.
Phong tục lễ cúng Đức Thầy hiện nay
Thần Bảo Sanh Đại Đế, vừa là một vị thần của tín ngưỡng dân gian, vừa mang dáng dấp tiêu biểu của Lão giáo. Khi di cư sang các nước Đông Nam Á; người Hoa mang theo vị thần Bảo sanh của mình và được cộng đồng cư dân bản địa cùng tôn thờ.
Như vậy, chúng ta biết người ta cúng Đầy tháng hay Thôi nôi thường vái cúng 12 Mụ bà, 13 đức Thầy là tín ngưỡng dân gian, chịu ảnh hưởng sâu đậm của người Trung Hoa.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn có tín ngưỡng tin tưởng cho rằng không phải mười ba Đức Thầy, mà chỉ có ba ông Thầy, đó là Tiên sư, Thánh sư và Tổ sư. Tiên sư là vị thầy đầu tiên, Thánh sư là vị thầy được tôn xưng, phong lên thánh và Tổ sư là vị Tổ của một ngành nghề.
Kết luận
Để truy tìm nguồn gốc của phong tục, cúng đầy tháng, thôi nôi hay cúng Mụ cho bé. Về 12 Mụ bà và ba hoặc 13 Đức Thầy thì không thể mà chỉ có nhân gian truyền miệng. Do đó, cúng kiếng ấy là do phong tục, tin thần linh có quyền năng vô hạn sinh sát, cho rằng đấy là mê tín cũng phải, cho rằng đây là một tập tục cốt để mừng cha mẹ nuôi được trẻ tròn tháng đầy năm cũng hay.
Cúng Mụ cho bé là nghi lễ mà qua đó không chỉ khẳng định sự hiện hữu của một con người – một thành viên mới trong xã hội, mà còn khẳng định vai trò của gia đình và xã hội đối với thành viên mới, thế hệ mới. Giữ được phong tục hay là điều đáng giữ nét đẹp của văn hóa Việt Nam ta, mê tín nên trừ.
(Nguồn: Xôi đậu chè đậu) |
|