Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
50 năm Hải chiến Hoàng Sa by Trà Mi Today at 10:58

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Today at 10:46

Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Trà Mi Today at 10:37

Mái Nhà Chung by mytutru Today at 01:23

EM CHIM HÁT HAY QUÁ by mytutru Yesterday at 22:29

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:55

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 18 May 2024, 11:27

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Sat 18 May 2024, 11:17

SƯ Minh Tuệ by mytutru Sat 18 May 2024, 01:55

MÂY NGŨ SẮC 13.05.2024 by mytutru Sat 18 May 2024, 01:48

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Fri 17 May 2024, 15:49

Chết rồi! by Phương Nguyên Thu 16 May 2024, 17:43

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Thu 16 May 2024, 13:33

Nguyễn Thái Học 1902- 1930 (Nhượng Tống) by Ai Hoa Wed 15 May 2024, 10:25

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 15 May 2024, 10:08

Một thoáng mây bay 13 by Ai Hoa Wed 15 May 2024, 07:34

4 chữ by Tinh Hoa Mon 13 May 2024, 20:23

CÁC LOÀI CHIM ĐẸP by mytutru Sun 12 May 2024, 10:51

ĐÔI BÀN TAY NGHỆ NHÂN by mytutru Sun 12 May 2024, 00:04

Lục bát by Tinh Hoa Sat 11 May 2024, 14:33

QUY NHƠN TÔI YÊU by phambachieu Fri 10 May 2024, 16:51

LỀU THƠ NHẠC by Thiên Hùng Sun 05 May 2024, 11:06

Tranh Thơ Viễn Phương by Viễn Phương Fri 03 May 2024, 19:13

Người Em Gái Da Vàng by Viễn Phương Fri 03 May 2024, 06:36

Những Đoá Từ Tâm by Việt Đường Wed 01 May 2024, 21:49

7 chữ by Tinh Hoa Tue 30 Apr 2024, 10:59

5 chữ by Tinh Hoa Sun 28 Apr 2024, 22:27

Thi tập "Chỉ là...Tình thơ" by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:56

Trụ vững duyên thầy by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:34

THIỀN TUỆ (diệt trừ đau khổ) by mytutru Tue 23 Apr 2024, 00:07

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6  Next
Tác giảThông điệp
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7118
Registration date : 01/04/2011

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ   CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 I_icon13Fri 26 Aug 2022, 09:24

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Hồi ký viết lúc hoàng hôn)

Hoàng Tuấn Phổ



CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Img_2013


         Khoảng hai tuần sau “cuộc truy tìm kho súng đạn”, anh công an Lưỡng đến nhà bảo tôi:

         -“Tỉnh có lệnh gọi mi lên có việc gấp, mi phải sửa soạn sáng mai tau dẫn đi sớm!”.

         Tôi hỏi: “Không có giấy gọi hay sao?”

         Anh Lưỡng trả lời: “Tau chỉ biết làm theo lệnh của ông Lời, chớ có hỏi đến giấy má mà thêm lôi thôi cò kéo, để ông nớ phạt lây đến tau!”

         Tôi nghĩ: lần trước gọi mình lên huyện cũng không thấy giấy má gì. Chắc lại chuyện súng đạn? Đến bố tôi còn không biết súng đạn cất giấu ở đâu nữa là tôi! Tôi đành cứ phải “Dĩ bất biến ứng vạn biến!”

         Suốt đêm mẹ tôi không ngủ, trong khi anh Nậu vẫn “kéo bễ” phì phì. Anh mắc bệnh hen suyễn do hồi nhỏ đi ở nhà ông cố Thuý, phải làm việc nhiều, quá sức. Tính anh siêng năng, chịu khó, sáng ý, biết việc, sống vô tư lự, ba lần lấy vợ không thành, vẫn chẳng tỏ ra nghĩ ngợi, buồn phiền gì. Mẹ tôi thì cả nghĩ, thương con thương chồng, dẫu hay cãi trả chồng. Giả dụ, chỉ cần cãi chồng một câu đủ mắc tội chết, mẹ tôi chết thì chết vẫn cứ cãi, cãi xong rồi chết ngay tức khắc cũng cam lòng! Tôi biết mẹ tôi lo lắm. Trước lên huyện còn gần, nay phải lên tận tỉnh xa xôi mịt mù, con chim non sớm phải xa tổ, rời cành, không biết số phận thế nào, liệu ông trời có thương…

         Trời mới mờ sáng đã thấy anh Lưỡng xuất hiện trước cửa với cuộn thừng trong tay.

         Mẹ tôi khóc.

         Tôi an ủi mẹ: “Con phải lên tỉnh như lên lên huyện thôi, vài hôm con về”.

         Mẹ tôi mếu máo nói với anh Lưỡng: “Anh cho em nó thư thư một tí, ăn bát cơm đỡ đói. Nhà chỉ có cơm ví cà, nên không dám mời anh”.

         Anh Lưỡng xua tay, lắc đầu: “Thôi, ăn uống chi. Có tiền bà đưa cho hắn mấy đồng, dọc đàng uống nước. Phải đi sớm, chiều tôi còn về”.

         Anh Lưỡng mở cuộn dây thừng trói ngay hai cánh tay tôi ra sau lưng. Tôi hỏi: “Anh trói chặt tôi thế này, đường xa tôi đi sao nổi?”

         Anh Lưỡng ghé tai tôi nói nhỏ: “Đây là lệnh ông Lời, áo giải phạm nhân phải theo đúng nguyên tắc. Mi chịu khó đi khỏi xã, qua tai mắt ông Lời, tau sẽ mở trói!”

         Mẹ tôi nhét vội mấy đồng bạc vào túi áo tôi. Nhà làm gì có tiền, chắc mới vay được tối qua.

         Cũng như bố tôi hôm bị bắt, tôi bị giải đi đầu trần chân đất! Cái mũ cát hồi còn đi học đã rách vải bọc, long cả gỗ bấc đệm cốt bên trong, và đôi dép lốp xe cũng đã tụt hết dây quai cao su. Mẹ tôi lấy cái mê nón rách đậy vại mắm cáy thối ngoài sân, chạy vội theo đặt lên đầu tôi. Tôi thập thững bước thấp, bước cao, chân mỏi rời, tay tê cứng. Năm ngoái bị trói, giải hết làng này đến làng khác, nhưng được đi chầm chậm, không đến nỗi bị thúc ép đằng sau như thúc giục con bò gầy yếu ì ạch kéo cày đồng sâu.

         Đường lên tỉnh xa thật!

        Anh Lưỡng cứ đưa tôi dọc theo đường sông nông giang ngược lên phía tây, tận 5 giờ chiều mới đến địa điểm cơ quan Toà án tỉnh đóng trụ sở. Tìm được nhà thì đã hết giờ làm việc. Anh Lưỡng gặp ông văn phòng trực cơ quan. Ông ấy hỏi có công văn gì không? Anh Lưỡng lấy từ túi áo ngực đưa cho ông một phong bì. Ông bóc ra xem. Ông hơi nhíu mày nghĩ ngợi. Ông ngồi vào bàn viết nguệc ngoạc mấy chữ vào tờ giấy đóng sẵn dấu khống chỉ, đưa cho anh Lưỡng. Anh Lưỡng vội chào ông ra về, chắc còn phải đi tìm nơi nghỉ trọ đêm nay để mai xuôi sớm.

         Ông văn phòng đưa tôi đến một ngôi đình lớn, bên ngoài có bội đội canh gác. Đây là nhà tù hay trại giam? Năm gian đình gỗ lợp ngói, không có cửa, bị rào kín bằng tre gai. Tôi cố trấn tĩnh. Điều mình lo sợ nhất bấy lâu, nay đã hiện diện ngay trước mắt!

         Ông văn phòng Toà án tỉnh nói với anh bộ đội đang ngồi ở phòng trực canh, trên bàn đặt ngang khẩu súng trường. Anh bộ đội đứng dậy dẫn tôi vào buồng giam đầu tiên (số 1). Thìa khoá vặn lách tách. Cửa buồng mở ra. Tôi bước vào, thấy mình đang bị đẩy xuống địa ngục. Trong buồng rất đông người đang “kề vai sát cánh” ngồi đông lố nhố như đám khán giả nông thôn phải chen nhau ngó lên sân khấu để xem rõ mặt một diễn viên mới.

         Tôi đang tìm một chỗ ngồi, liền nghe những tiếng quát nhỏ: “Đi vô”, “Đi vào!”. Người ta né tránh cho tôi đi. Tôi vẫn phải len từng bước chân cố tránh dẫm lên vai, lưng họ. Ngoài trời, ánh chiều đã tắt. Trong đình bắt đầu nhá nhem tối. Lòng đình chỉ sâu chừng 5m mà sao tôi đi mãi không hết, cứ sâu hun hút. Mỗi bước chân càng tối tăm hơn, cảm  giác đang rơi xuống đáy giếng địa ngục.

         Không còn cảm thấy hay nghi ngờ gì nữa. Tôi đã xuống địa ngục thật rồi! Chỗ của tôi ở sát tận xó đình, ngay kề bên nồi vồm, còn gọi là nồi đình, đồ gốm đất bán ở chợ Vồm (huyện Thiệu Hoá), một cái bô vệ sinh tập thể. Lệ buồng giam nào cũng vậy. Đứa vào sau thay chỗ đứa trước. Tôi phải nằm ngồi, ăn uống ở chỗ này đến lúc nào có kẻ mới vào thế chân tôi, tôi sẽ được ra xa hơn một chút…

         Tù nhân được ăn cơm lúc 5 giờ. Bây giờ trời đã tối mịt. Khoảng giữa buồng giam một chiếc đèn treo ba quang thắp dầu hoả, bóng đèn ám đầy muội khói, không đủ soi khắp. Người ta bắt đầu làm cái việc xếp hàng tranh hạng thứ tư của món “tứ khoái” ! Mùi khai thối cùng lúc bắt đầu nổi lên nồng nặc. Tôi phải lấy hai bàn tay bịt chặt lấy mồm mũi, nhưng không được lâu, vì dù thế nào cũng phải thở. Một lúc lâu, cơm mưa uế tạp ngớt dần.

         Tôi hỏi anh bạn vừa được tôi thế chỗ: “Anh vào đây lâu chưa?”

         Anh ta đáp: “Đã lâu! Trong trại cấm phạm nhân không được chuyện trò hỏi han gì nhau. Kẻ nào trái lệnh sẽ bị xiềng chân, xích tay, sống dở chết dở. Ở đây xa Ban trực canh, nói nhỏ, bên ngoài họ không nghe được, được cái hay là dễ chuyện trò”.

         Trước cửa, ngoài hàng rào, một ông cán bộ đeo túi xà cột xuất hiện. Ông đứng trước cửa khịt mũi mấy lần và vỗ tay mấy cái: “Im lặng! Im lặng!”. Trong buồng giam đang ì ì chợt lặng ngắt như tờ: “Các anh nghe đây! Phải luôn luôn nhớ rằng mình không phải là tù chính trị để mà chớ có tự hào, đòi hỏi cái này cái kia! Các anh chỉ là một lũ lưu manh trộm cướp, không hơn không kém! Hãy yên tâm cải tạo, chờ ngày cấp trên khoan hồng! Lợi dụng đêm tối, thằng nào dám tính chuyện trốn trại sẽ bị bắn bể sọ!”

         Xong bài huấn thị ngắn gọn, súc tích, ông cán bộ hất nhẹ cái xà cột ra sau lưng, kể tóm tắt tình hình kháng chiến trong nước, khắp nơi giặc Pháp bị đánh thua tơi bời, chúng sắp phải đầu hàng ở mặt trận Điện Biên Phủ. Bây giờ kẻ nào muốn theo chân bám gót nó kiếm chút bơ thừa sữa cặn cũng đành chịu trơ mõm…! Các anh vì ngu muội đã bị lừa, bị lừa hết! Tuệ Quang, Tuệ Chiếu hai tên đầu sỏ cầm đầu các anh là ai? Bị lừa, bị lừa hết! Đó chỉ là mấy đứa thầy tu hạng bét loại sư hổ  mang, chỉ  biết ăn thịt chó, miệng nam mô bụng bồ dao găm! Thằng Tuệ Quang nửa chữ cắn làm đôi không có, thằng Tuệ Chiếu học được mấy tiếng Tây giả cày, chuyên làm bồi bếp cho Tây…Thế mà dám thành lập đảng Liên tôn diệt Cộng xưng danh lãnh tụ! Những tôn giáo nào theo chúng? Chủ yếu cánh Phật học Phật giáo rào rào chạy theo như đàn vịt cùng lũ địa chủ cường hào ác bá và bọn quan chức nguỵ quyền cũ tri phủ, tri huyện, chánh phó tổng! Còn quân Công giáo những ai? Không nhiều lắm vì  chúng khôn khéo như cá trê ăn ngầm, chỉ có thằng cha Tần cầm đầu là ghê gớm nhất thì đã bị tóm cổ cho tù mọt gông!”…

         Trại giam chuyển sang phần sinh hoạt ca hát.

         Chỉ có ba bài hát quen thuộc: Diệt phát xít, Một mùa thu, Bao chiến sĩ anh hùng, cứ hát đi hát lại, mỏi miệng rơi hàm vẫn cứ phải hát! Nhiều người vừa ngủ gật vừa hát, lè nhè, ấm ớ câu được, câu chăng, đầu lắc lư, thân ngả nghiêng như ông say rượu, đến nỗi cụng cả trán vào gáy anh ngồi trước. Năm gian đình là năm gian buồng giam. Nhìn từ buồng bên này qua kẽ hở hàng rào tre gai có thể thấy rõ buồng bên cạnh. Buồng nào cũng đông, chật kín người như nêm cối, ước đến gần bốn trăm người tất cả. Buồng thứ năm, buồng cuối nhốt toàn phụ nữ. Ai cũng phải hát thật to, trương họng gân cổ lên mà hát, dù biết hát hoặc không biết hát, giọng ồ ồ bò đái hay khàn vịt đực, hợp thành một bản đại hợp xướng năm bè bảy mảng, chín phải mười phe độc nhất vô nhị!

         Hôm nào cũng phải hát như thế từ tối đến khuya! Hát sưng cổ sưng họng để làm gì? Cải tạo tư tưởng tâm hồn chăng? Không phải! Có lẽ để tù nhân quá mệt mỏi, đến 12 giờ đêm mới được ngả lưng, tất ngủ say như chết!

         Tôi đang nghĩ vậy, bỗng buồng bên vang lên tiếng tố cáo: “Thưa Ban giám thị, tên C. nói giọng người Huê trọ trẻ mới biểu rằng: “Đứa mô muốn trốn thì trốn, nỏ phải vì hát ít hát nhiều!”

         Anh trực đêm liền quát: “Chống lệnh Ban giám thị! Tuyên truyền vận động kẻ trốn trại! Kỉ luật!” Người tù tố cáo hỏi: “Dạ thưa…kỉ luật thế nào?”

         Anh trực đêm nói không cần suy nghĩ: “Trói ru-lô treo lên xà nhà!”

         Rồi anh ném cuộn thừng mới vào buồng giam và hỏi: “Thằng tố cáo tên chi?”

         Người ấy vội vàng thưa: “Dạ bẩm…dạ thưa, con tên là B.” (Những tên người tôi viết tắt vì chỉ mới nghe qua một lần, mà thời gian đã quá lâu, những 65 năm, không thể nhớ được).

         Anh trực đêm khen ngợi: “Tốt! Thằng B. cải tạo tốt, cho làm trưởng buồng để thưởng công!”

         B. chắp tay thưa: “Con xin cám ơn Ban giám thị”.

         Cái giọng nịnh hót ấy nghe thật khó chịu. Tại sao tù nhân lại phải xưng “con” với giám thị? Hôm sau tôi mới hiểu. Chính tôi cũng xuýt nữa bị kỷ luật về tội khinh thường ông trực canh, chống lệnh Ban giám thị, vi phạm nội qui nhà giam! Rất may được anh trưởng buồng tốt bụng, báo cáo thằng nhỏ mới vào tối qua chưa được học nội qui trại.

         Trưởng buồng B. bảo thêm hai người nắm lấy hai cánh tay tội nhân bẻ quặt ra sau lưng. Họ trói anh từ cổ tay, ép sát vào nhau, buộc chặt hết vòng này, đến vòng khác, cứ vòng nọ tiếp giáp vòng kia đến tận khuỷu tay, lại néo thêm mấy vòng nữa. Cái xà gỗ đình quá cao, họ phải cố công kênh nhau mới buộc được sợi dây thừng. Mấy người xúm nhau lại kéo rút tội nhân treo lên lơ lửng. Đau quá, con người khốn khổ ấy kêu la dữ dội. Bên ngoài có tiếng quát: “Nhét giẻ chùi đích (đít) vô cái mồm thối hoắc của hắn đi!”

         Lệnh trên vừa truyền, tức thì được thi hành. Tiếng kêu la im bặt. Cả trại giam lặng ngắt như nhà xác của bệnh viện, đến nỗi chỉ còn nghe tiếng muỗi  bay vù vù như ong vỡ tổ. Mặc dù không khí buồng giam như cái lò vôi, lò gạch nóng hừng hực hơi người, nhưng tôi vẫn rùng mình mấy cái, cảm thấy ớn rét, xương sống lạnh buốt. Thì ra, ở đây cải tạo là thế.

         Anh C. người to lớn, có lẽ nặng đến sáu bảy chục cân bị rơi xuống đánh huỵch! Đám người dưới đầu anh kêu la ôi ối, ngã dúi dụi đè lên nhau, mấy kẻ bị sưng trán trẹo chân…

         Trưởng buồng B. hoảng hốt, líu lưỡi: “Thưa ban trực, tên C. kéo đứt dây thừng treo rơi xuống rồi!”

         Ông B. trực canh liền mắng: “Mi ngu quá! Tại con tru đậc (trâu đực) lớn xác quá nặng, còn tay mô mà kéo. Cứ mặc kệ xác hắn nằm chết chương đó, mai đem chôn! Bây chừ tất cả ngồi im lặng nghe Ban trực đêm điểm danh trước giờ được phép đi ngủ!”.

         Ông ấy tay trái cầm đèn hoa kỳ, tay phải cẩm quyển sổ, gọi tên từ buồng số 1 đến hết buồng 5. Tên tôi ở dưới cuối sổ. Ông ta hỏi trưởng buồng số 5: “Bay là phạm nhân Thị Mẹt cả, mần răng lại có cả tên liền ông?”

         Trưởng buồng 5 ấp úng: “Dạ thưa Ban, con cũng không biết ạ!”

         Trực ban ra lệnh nghe tên điểm mặt từng đứa một. Không có! Ông ta nghĩ ngợi một lát, chợt nhớ ra: “À, có lẽ thằng ma quỉ ni mới cho lộn vô đây!”.

(Nguồn: Tuấn Công Thư Phòng)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7118
Registration date : 01/04/2011

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ   CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 I_icon13Mon 29 Aug 2022, 08:48

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Hồi ký viết lúc hoàng hôn)

Hoàng Tuấn Phổ



CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Oa_ngi10


          Lệnh đến giờ ngủ đã ban truyền. Tất cả tù nhân rào rào nằm xuống, ai chỗ nào vào chỗ ấy. Lối kiến trúc thời xưa lòng nhà bề rộng hẹp, thường mỗi gian đình chỉ rộng độ 2m5 (trung bình), riêng gian giữa rộng nhất 3m trở lên. Gian số 1 và số 5 hẹp nhất. Hai hàng người nằm câu đầu vào nhau, nhưng không được nằm ngửa, phải nằm nghiêng, ôm lấy nhau đằng lưng, kiểu úp thìa, đôi chân co quắp cho đủ chỗ. Vẫn còn thừa người, ở giữa phải xếp thêm một hàng nằm ngang kiểu gắp cá. Còn tôi nằm đâu? Tôi phải nằm ôm lấy nồi vệ sinh của cả buồng mà ngủ.

         Anh nằm sát cạnh tôi, ôm lấy lưng tôi theo kiểu úp thìa, thì thầm:

         -Mình là Vinh, quê Thọ Xuân đang học lớp 9 thì bị đấu tố, xã đánh một trận nhừ đòn, giải lên huyện, huyện giải lên tỉnh, tỉnh tống cổ vào đây.

         Tôi hỏi:

         -Tội gì?

         Anh Vinh đáp:
         
         -Cỏ kẻ tố  cáo mình làm thư kí cho Hội phật học!.

         Tôi lại hỏi:

         -Anh  vào đây bao lâu rồi?

         Anh Vinh nói:

         -Hơn hai tháng!.

         Im lặng một lúc, anh Vinh hỏi:

         -Cậu thế nào?

         Tôi kể tóm tắt họ tên, quê quán, đang học, xảy ra đấu tranh, can tội liên quan gia đình Phật giáo phản động, đã được tha, không hiểu tại sao lại bị bắt lên tỉnh rồi đưa vào đây.

         Anh Vinh dặn:

         -Xem như bọn mình không quen biết gì nhau. Trong buồng này còn có anh Bùi Đăng Duy, sinh viên Dự bị Đại học; Đoàn Phổ, tức Cao Phan quê Nga Sơn vẻ công tử con quan lắm! Lại có cả Thi sĩ Mộng Huyền bị bắt chỉ vì họ khám thấy cuốn Chinh phụ ngâm bản dịch tiếng Pháp ở trong cặp, họ ngờ tài liệu của Tây!...Nhưng thôi, cứ xem như không biết gì cả là tốt nhất. Ai hỏi cứ lắc đầu.

         Lát sau anh Vinh lại nói:

         -Bọn mình cùng cảnh phải biết thương nhau. Cậu nằm có khai thối không? Lúc chiều, sau bữa cơm, họ cho đi đổ nồi ỉa đái trong ngày, mình đã cố gắng thau rửa cẩn thận, nhưng đã lưu cữu, tránh sao khỏi…Cậu vừa mới vào, chắc chắn sáng sớm mai phải bưng nồi đi đổ, cố gắng kì cọ cho kĩ, vơ cỏ bên bờ ao mà kì…

         Tôi chỉ “Vâng”.

         Đã bắt đầu thấy buồn ngủ, vì phải cuốc bộ suốt ngày, vào đây lại bị tra tấn cả thể xác lẫn cân não! Mệt mỏi quá rồi!

         Tôi vừa thiu thiu ngủ, không biết đã chợp mắt được dăm phút chưa, đã giật mình mở choàng mắt, vì mấy tiếng rất to: “Xin báo cáo!”

         Trưởng buồng nằm sát bên cánh cửa như anh ta có nhiệm vụ canh gác cái cửa, lên tiếng:

         -Thưa Ban trực, có người xin phép báo cáo!.

         Ông trực gác ngoài hiên trả lời:

         -Nói đi!

         Phạm nhân nào đó ngồi bật dậy thưa:

         -Thằng…đạp vô đầu con, đau quá!

         Ông trực gác đáp:

         -Có đạp vô mặt mi cũng đáng! Nằm xuống ngủ đi!.

         Một lát lại có phạm nhân
         -Xin báo cáo.

         Ông trực gác lại quát:

         -Nói!

         Một người nào đó lại ngồi bật dậy:

         -Dạ thưa ông trực, thằng X. đánh địch (rắm) vô mũi con!.

         Ông trực phiên nổi cáu:

         -Hắn có đánh vô mồm mi mô mà mi kêu!

         Lúc sau lại có ai đó kêu:

         -Xin báo cáo!

         Ông trực đêm không thể chịu được nữa, giơ khẩu súng trường chĩa vào buồng giam:

         -Cả trại nghe cho rõ đây! Từ bây chừ thằng mô mà còn cáo ví mèo nữa, cho trưởng buồng vả vô mồm! Tất cả nằm im ngủ. Thằng mô ngóc đầu lên tau bắn bỏ mẹ!

         Thế là cả trại im phăng phắc nhường lời cho đàn muỗi háu đói mặc sức vo ve trong ngôi đình năm gian đồ sộ.

         Tôi phải thức quá khuya, bị quá giấc lâu, rất khó ngủ. Trong buồng giam đã bắt đầu vang lên bản nhạc “Thiên Thai” của tù nhân trong giấc mộng lên tiên tuyệt vời, có đủ hoà âm phối khí: Khò khè, cò cứa, phì phò, o o, ồ ồ, khớ khớ, pho pho, khì khì…tạm gọi là bộ bát âm, tuy hoà mà không hợp, nhưng cũng là một chút âm hưởng của nhà tù, đôi lúc lại tái hiện tâm trí tôi rõ mồn một…

         Anh Vinh cũng đã ngủ. Tôi cố gắng hết sức để ngủ, dùng phương pháp đếm cổ điển một, hai, ba, bốn, năm…Đếm là biện pháp bình ổn tư tưởng, tập trung tinh thần cao độ đi vào giấc ngủ, nhưng khi tư tưởng nặng nề, tinh thần căng thẳng không được hoàn cảnh cởi mở, cuộc sống giải toả, thì Yoga, hay thiền định cũng mất tác dụng. Chỉ có rèn luyện. Muốn rèn luyện phải kiên trì, nhẫn nhục. “Chữ nhẫn là chữ tương vàng”. Phải gắng sức chịu đựng để được tự do. Trường hợp như anh C. buồng bên mới xảy ra là một bài học đắt giá, có lẽ mình suốt đời không thể nào quên. Tôi tự xác định cho mình để yên tâm ngủ. Sát bên cạnh tôi, anh Vinh và nhiều người khác vẫn ngáy vô tư. Tôi cũng phải vô tư như họ. Tôi nhắm mắt lại, ôm chặt lấy cái nồi vệ sinh, cố gắng quên đi tất cả. Quên…quên…quên…

         -Xin báo cáo!

         Ba tiếng “xin báo cáo!” đánh thức tôi dễ dàng, trong khi các bạn tù chỉ cựa mình một cách khó khăn. Ông trực gác như chợt nhớ đến việc phải cho đám phạm nhân được trở mình, liền hô to:

         -Trở mình!

         Các Trưởng buồng luôn một tai thức, một tai ngủ, tức thì hô theo:

         -Trở mình!

         Liên tiếp các buồng cũng đều cất tiếng theo. Nhiều tiếng hô giọng còn lè nhè ngái ngủ. Nằm kiểu úp thìa, gắp cá, khi trở mình rất khó khăn, lộn xộn, không tránh khỏi kẻ xô người đẩy, thành ra cả trại lao xao như cảnh bến thuyền, chợ búa. Khi buồng giam vừa trở lại trật tự, liền tới tấp vang lên tiếng thưa bẩm gần xa.

         -Báo cáo…

         -Nói! Trưởng buồng bảo.
 
         -Con xin đi tiểu tiện.

         Trưởng buồng nhắc lại:

         -Báo cáo! Tên Cột xin đi tiểu tiện!

         Ông trực ban lệnh cho phép ngắn gọn:

         -Đi!

         Tiểu tiện xong, Cột trở về chỗ cũng phải báo cáo:

         -Con đã về chỗ!

         Trưởng buồng báo cáo với Ban trực:

         -Tên Cột đã về chỗ!

         Ông trực canh ban lệnh vắn tắt:

         -Được!

         Tuy nhiên hàng trăm con người đâu dễ cứ lần lượt kẻ trước người sau, mà chỗ này báo cáo, nơi kia báo cáo, lung tung lộn xị cả lên, không biết thế nào mà lần. Ông Trực ban phát huy sáng kiến, thổi hồi còi dài ra hiệu tất cả im lặng nghe lệnh. Gần 400 con người đều không dám ho một tiếng nhỏ. Tôi buồn đi tiểu cũng cố nén chịu, mặc dù đang ôm cái nồi vệ sinh nằm co quắp. Anh Vinh một tay ôm bụng, một tay chỉ qua vai tôi vào nơi giải thoát, vẻ quằn quại…

         Ngoài hiên, tiếng ông Trực ban ồm ồm từ cái loa phóng thanh sắt tây gò thủ công phát ra vẫn không kém phần dõng dạc:
 
         -Từ nay, buồng giam nào cũng phải có người đứng trực gác, chia phiên cắt lượt theo trưởng buồng. Ai muốn đi tiểu tiện báo cáo với trưởng buồng, để trưởng buồng đồng ý là được. Mỗi phiên gác một giờ đồng hồ theo hiệu lệnh còi Ban trực. Khi đổi phiên đếm tù nhân cẩn thận, tên đổi phiên nhận đủ số tù nhân thì báo cáo với Ban trực. Sớm mai điểm danh, nếu thấy thiếu đứa nào, cứ tróc cổ tên gác cuối cùng!

         Trưởng buồng số 1 xin phép báo cáo:

         -Dạ thưa, còn đi đại tiện thế nào ạ?

         Ông Trực ban dáng chừng mệt mỏi:

         -Ban ngày đã được cho đi rồi, ban đêm còn đòi đi nữa, ăn cho nhiều, uống cho lắm vô! Hết đái đến ỉa, rõ khổ!

         Trưởng buồng đánh bạo thưa:

         -Dạ, trong ni nhiều tên mắc bệnh táo kiết, ngày đêm đi không biết mấy lần!

         Ông Trực ban phát cáo:

         -Thì cho đái với ỉa luôn một thể! Thằng ni răng không biết linh động mà giải quyết? Đồ ngu như lợn!

         Ông Trực ban thổi một hồi còi dài để kết thúc bài huấn thị quan trọng.

         Tiếng còi vừa dứt lại rộ lên tiếng “Báo cáo”. Dẫu vẫn ồn ào nhưng không đến nỗi lộn xộn như lúc đầu, vi việc buồng nào trưởng buồng ấy chịu trách nhiệm. Họ bị thúc giục phải “đi” cho nhanh, nên đái toé cả ra ngoài. Có anh mắt nhắm mắt mở cứ rót tồ tồ xuống người tôi, cả đầu tôi. Anh Vinh nhắc nhỏ:

         -Đái bậy lên đầu người ta rồi!.

         Người ấy chẳng những không biết lỗi còn quặc lại:

         -Đầu mi có bằng đầu cặc tao không? Mà tao còn ỉa lên đầu bay cả lượt kia!

         Tôi muốn cởi áo lau đầu. Anh Vinh can:

         -Vô ích. Để trưa mai được đi tắm rồi thay giặt luôn thể. Thôi, cố ngủ đi, ngủ được là quên tất!

         Đúng, ngủ được thì quên hết! Nhưng đã thức dậy nửa chừng, đâu dễ ngủ lại.

         Tôi nhớ lời ông cán bộ đeo xà cột nói lúc tối: “Các anh…không phải là tù chính trị…”

         Tôi đọc sách báo cách mạng thấy hình ảnh người cộng sản đẹp lắm, dù ở đâu cũng vậy, ở ngoài đời hay trong lao tù…Rồi tôi cũng ngủ thiếp đi, ngủ mê như chết, không còn biết trời đất gì nữa, dĩ nhiên cũng chẳng còn những ai vệ sinh lên đầu lên người tôi nữa vì tôi có biết gì đâu dù bị tắm từ đầu đến chân!

(Nguồn: Tuấn Công Thư Phòng)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7118
Registration date : 01/04/2011

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ   CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 I_icon13Wed 31 Aug 2022, 10:23

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Hồi ký viết lúc hoàng hôn)

Hoàng Tuấn Phổ



CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Img_2512

Cây trôi ở đầu làng Văn Đoài. Ảnh: HTC


                  Sáng sớm hôm sau, đúng 6 giờ, 3 hồi còi rúc vang rền, tôi giật mình thức giấc, ngồi nhổm dậy. Đầu tóc quần áo tôi ướt đầm đìa, mùi khai thối nồng nặc đến phát lộn mửa! Nhìn vào nồi vệ sinh thấy nước tiểu đầy phè, phân nổi lềnh phềnh bắt đầu tràn ra ngoài!
Một hồi còi dài rúc lên…Ban trực điểm danh từng tên một. May quá không thiếu ai. Nếu thiếu người, thứ nhất trưởng buồng, thứ hai tên đứng gác, thứ ba kẻ nằm bên cạnh đều phải chịu trách nhiệm.

         Anh Vinh thì thầm kể trộm: Đã có lần thằng Vũ Văn Văn quê Hoằng Hoá, đi dân công chiến dịch, bỏ lại gánh gạo trong rừng, đào ngũ về nhà, bị tóm cổ đưa ra đấu tranh chính trị, đánh đòn nhừ tử, hỏi: “Ai xui mi bỏ dân công đào ngẫu?”. Văn đau quá, khai báo lung tung, bị xã kết tội đầu sỏ phản động tay sai Tuệ Quang Tuệ Chiếu, thế là họ đem tống cổ vào đây!

         Anh Vinh nói: “Mình không biết rõ hai tên ấy là ai. Là hai hay chỉ là một. Cũng bị kết tội tay sai! Không cãi được!”

         Tôi khẽ lắc đầu:

         -“Đó là hai người cầm đầu vụ án. Tôi có hơi biết vì thày tôi liên can nặng lắm!”.

         Chúng tôi ở tít trong cùng gian đình, cái xó xỉnh tối tăm, khai thối, không mấy ai thèm để ý, nên dễ thầm thì to nhỏ với nhau…

         Điểm danh xong, lại một hồi còi vang lên báo giờ đổ nồi. Từ lúc điểm danh, mọi tù nhân đều ngồi suốt lượt, không ai được phép nằm, kể cả người mệt nhọc. Nếu kẻ nào bị đau ốm nặng, Ban trực cho xuống buồng bệnh. Đó là ba gian nhà gạch thấp nhỏ, chung quanh cũng rào tre gai kín mít, phía trước sân đình, có lẽ nó vốn là cổng nghi môn, và đình này vừa thờ thần vừa hội họp. Chính Vũ Văn Văn trốn trại tại nơi này trong đêm tối. Còi rúc liên hồi. Chân chạy hối hả. Súng nổ đùng đoàng. Gần xa náo động. Không biết nó trốn ở đâu mà tài thế? Trên hiên trại giam, ba anh bộ đội đi đi lại lại, ngón tay đặt sẵn vào cò súng, tù nhân nằm im la liệt như bãi xác chết. Không báo cáo báo mèo, ỉa đái chi hết, cứ thế cho đến sáng!

         Anh Vinh báo cáo Trưởng buồng là cái nồi đầy phè khó bưng nổi, sẽ bị trắc hết ra ngoài. Trưởng buồng báo cáo Ban trực cho phép hai thằng khiêng. Ban trực gật đầu: Được! Trưởng buồng được phép, bảo tôi và anh Vinh cùng khiêng, hễ đánh trắc ra nền đình giọt nào thì lấy áo lau sạch ngay giọt ấy!

         Ôi! Cái nồi vồm cỡ đại, hai chúng tôi xúm tay khiêng, cố gắng hết sức căng bắp, lên gân, nín thở như lực sĩ cử tạ, nhích dần từng bước…Anh em bạn tù bịt mũi bưng mồm, mặt nhăn tút, xô dạt nhau ra một phía nhường lối giáp tường hồi cho chúng tôi đi. Phải qua sân đình ra đến cổng nách chúng tôi mới đặt tạm nồi vệ sinh xuống vệ đường thở phào…

         Nhưng vừa thở được vài cái, báng súng đã thúc vào hông! Biết thân phận lao tù phải chịu kiếp khổ sai, anh Vinh bảo tôi:

         -Cố lên em! Sắp đến cái ao đằng kia…Nào!”

         Ì à ì ạch như khiêng đá leo dốc lên núi, chúng tôi nhích từng bước từng bước mãi rồi cũng đến bờ ao liền đổ ào ào trút cái của tội của nợ để làm mồi cho lũ cá, mới dám thật sự thở phào, nhẹ hẳn cả người. Nhưng cũng hết sức mỏi mệt, hai cánh tay tôi đau nhừ.

         Tôi xin phép tắm giặt. Anh Vinh nói thêm:

         -“Đêm qua nó bị đái nhầm vào đầu, quần áo cũng bị ướt đầm đìa!"

         Ông bộ đội đứng gác ở chỗ cách chừng 15m, gật đầu và xoè bàn tay 5 ngón giơ lên ý nói thời gian cho phép 5 phút thôi!

         Anh Vinh ngồi trên bờ ao kỳ cọ cái nồi vệ sinh. Tôi cũng lập tức lội xuống ngay cái ao duy nhất ấy, ra giữa ao và hối hả tắm gội, giặt giũ. Ông gác xem đồng hồ đeo tay. Cái đồng hồ chạy như ngựa phi nước đại, loáng cái đã hết 5 phút! Tôi mặc quần lót, đẫm nước ao chảy ròng ròng bò lên bờ. Anh Vinh lột quần lót của anh cho tôi mượn, còn anh mặc quần dài không. Anh chỉ cho tôi cái hàng bờ rào xương rồng gần đó để phơi quần áo. Tôi đành trở về trại với chiếc quần cộc, thân hình bày ra mấy khúc tre khô gầy guộc bọc trong lớp da đen thui và đầu tóc còn ướt đầm.

         Anh Vinh tốt quá, xách giúp tôi cả cái nồi vồm nặng trịch, đã cọ rửa cẩn thận, mặc dù còn hôi hám. Cái khổ người ta chịu mãi cũng quen!

         Sau đổ nồi đến việc toàn trại đi nhà xí! Chúng tôi tập trung cả ngoài sân đình, tù nhân buồng nào đứng riêng buồng ấy. Mỗi Trưởng buồng được phát hai cuộn dây thừng trói người buồng mình vào cánh tay thành một dây dài để dắt đi.

         Trưởng buồng đi trước, quấn đầu dây vào cổ tay mình. Một ông bộ đội đeo súng trường theo gác đằng sau.

         Gần 400 con người già trẻ, trai gái, chia 5 đoàn rồng rắn lôi kéo nhau vừa đi vừa chạy nhanh như đi ăn cướp, sợ chậm chân thì hết phần!
Trên bãi tha ma rộng mênh mông, 5 cái hố xí dài, trên mái lợp sơ sài mấy tấm tranh cỏ săng rừng. Trưởng buồng phải nhớ nhà xí của buồng mình, tránh nhầm lẫn sinh tranh giành, xô đẩy lăn cả xuống hố như đã có vài lần xảy ra.

         Thời gian đi vệ sinh hạn định tối đa 15 phút. Ai không mót cũng phải cố rặn, một là cho kịp thì giờ, hai là khi về buồng, tuyệt đối không được cáo mèo lôi thôi, trừ tên mắc bệnh kiết, có Trưởng buồng chứng thực. Để đảm bảo “vệ sinh” mà!

         Thật không ngờ tôi lại gặp ông Ha ở đây. Cái ông mà ông Toà án Huyện gọi là một con khỉ đột, mặt mày ngắn ngủn, mũi hếch, da nhăn tút, đen đúa như hòn than, chỉ được cái tính thông minh, láu lỉnh, nhanh mồm nhanh mép! Ông làm thầy chùa làng Ao cùng xã (xã cũ, nay là Quảng Hợp, bên cạnh Quảng Hoà xã tôi). Ông Ha xin phép đi nồi, vì ông đã được Trưởng buồng chứng thực bị bệnh kiết lị kinh niên, không phải cách li xuống buồng bệnh.

         Ông Ha đến ngồi xuống nồi vồm sát sau lưng tôi, vừa rên đau vừa hỏi chuyện tôi:

         -Thằng  bên mi có tốt không?

         -Tốt lắm!

         -Mằn răng mi phải vô đây?

         -Tôi không biết!

         -Thày mi có về tìm súng đạn không?

         -Có về. Nhưng không thấy có chi.

         -Tau biết mà. Mằn chi có. Khai láo cả. Toàn chuyện bịa đặt!

         -Ông có khai không?

         -Thằng mô cũng như thằng mô. Đau quá, khổ quá không chịu nổi!

         -Có đảng Liên tôn…không?

         -Liên tôn cái con buồi!

         Ông Ha ngừng một lát để kêu rên ử ử, tay bóp bụng, mặt nhăn như khỉ…trông thật thảm hại! Rồi ông Ha lại tiếp tục câu chuyện:

         -Nhưng mà cũng sắp kết thúc rồi. Chờ làm án xong, toà đem ra xử là xong!

         -Liệu ông có việc gì không?

         -Tau à? Nắm thằng có tóc, ai nắm chi đứa trọc đầu? Mi coi đầu tau lúc mô cũng trọc lóc! Toà xử xong là tau về!

         Tôi chợt nhớ câu trẻ con hay hát “Đầu trọc như củ bình vôi…” và bật phì cười, may hãm kịp chỉ có tiếng “hì”! Ông Hà nói:

         -Tau biết rồi! Mưu mô thằng Lời, thằng Khai muốn nhổ cỏ nhà mi phải nhổ cả rễ! Xã tao ở đây còn có con Thuý cháu gái Nguyễn Đức Kinh, giàu nhất làng Cồn. Phải giam tù mà hắn còn đẹp như tiên giáng trần. Thằng Cầu trưởng buồng 4 phải lòng nó. Cầu là con trai đại điền chủ Nguyễn Hữu Ngọc, Đại biểu Quốc hội bị xử bắn đầu tiên ở tỉnh ta. Nhà con Thuý chạy trốn vô Nam hết. Còn ông nội và nó thế nào mà không trốn được phải gánh tội. Hôm đi lấy gạo, đêm bị trời mưa, phải trú trong cái nghè. Lợi dụng lúc đêm tối, thằng Cầu ôm con Thuý làm mưa làm gió một trận tơi bời…Sáng ra, thằng Cầu vẫn khoẻ như vâm, vác cả gạo cho con Thuý!

         -Ông đã biết sắp đem xử Tuệ Chiếu thì có biết ông ấy can tội chi không?

         -À! Cái tội không tán thành “Đảng trị”!

         -“Đảng trị” là gì?

         -Đảng là Đảng mà trị là trị!

         Tôi chưa kịp hỏi thêm điều muốn hỏi, thì có tiếng Trưởng buồng gọi:

         -Tên Ha răng đi lâu rứa?

         Ha vội vàng xắc quần đứng lên, vận một cái là xong, động tác rất thành thạo:

         -Dạ, con…thưa Trưởng buồng, em xong ngay đây ạ!

(Nguồn: Tuấn Công Thư Phòng)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7118
Registration date : 01/04/2011

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ   CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 I_icon13Thu 01 Sep 2022, 07:53

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Hồi ký viết lúc hoàng hôn)

Hoàng Tuấn Phổ



CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Img_2513

Phong cảnh làng quê xã Quảng Hoà. Ảnh: HTC


                  Đến giờ phát cơm trưa, mỗi tù nhân một nắm không thể gọi là to và một nhúm muối trắng. Ít người có bát, phần nhiều cầm nắm cơm trên tay, bẻ ra ăn dần và chấm với muối trắng đựng trên mảnh lá đa khô do trại phát. Bụng tôi mặc dù đói cồn đói cào, cố gắng lắm cũng chỉ ăn hết nửa nắm cơm, còn nửa nắm cho anh Vinh. Anh ăn cơm tù đã quen nên xơi ngon cả nắm cơm. Anh Vinh chưa kịp ăn thêm đã thấy ông Ha mò lại tụt ngay quần ngồi xuống miệng nồi, hỏi nhỏ tôi:

         -Cơm mi ăn chắc không thể hết, còn lại ở mô rồi?

         Anh Vinh đưa cả nắm cơm của tôi cho ông Ha. Ông đón ngay lấy, xoay mặt úp vào tường, một tay ôm bụng, một tay cầm nắm cơm vừa rên hừ hừ vừa nhai nhồm nhoàm…

         Sau bữa cơm sáng, từ 12 giờ đến 1 giờ chiều, tù nhân được phép ngủ trưa 60 phút. Tất cả lại phải ngồi im lặng bên nhau, có miệng như câm, không được hé răng nói với nhau nửa lời!

         Năm giờ chiều, Ban trực rúc còi cho phép đi đổ nồi. Ban ngày ít hơn ban đêm, chỉ có chừng nửa nồi, một mình tôi có thể bưng bê đi được. Anh Vinh nhắc tôi nhớ lấy quần áo. Đổ nồi xong đến giờ phát cơm chiều. Vẫn như bữa trưa. Theo lời anh Vinh, đến chủ nhật mới đổi bữa: mỗi người một suất rau muống độ mươi ngọn già, luộc đầy hơi khói thâm sì, dai ngoách và một quả chuối tiêu to bằng ngón chân cái. Anh em trong này ăn cả vỏ, nhiều người khỏi bệnh kiết nhờ cách ăn của kẻ ăn mày ăn mót này.

         Bụng tôi đói veo đói vắt, cứ ào ào sôi từng cơn một, nhưng cầm nắm cơm với nhúm muối trắng lại thấy đắng chát trong cổ họng, lòng càng xót xa cay đắng. Rồi cũng phải ăn, không ăn chết đói ai thương tôi? Chỉ có mẹ tôi thương tôi nhất và đang đỏ mắt mong chờ con, đứa con độc nhất của bà.

         Anh Vinh bảo tôi:

         -Thôi ăn đi, nghĩ ngợi mà làm gì? Chúng ta phải sống chứ!

         Tôi vâng, tay trái gạt nước mắt, tay phải cầm lấy nắm cơm. Đang lúc sắp bẻ nắm cơm, bỗng thấy có tiếng gọi tên tôi ngoài hè. Cánh cửa buồng mở, một khuôn mặt ló vào, sau khi nghe tiếng dạ to của tôi. Tôi nhận ra ông cán bộ trực văn phòng Toà án tỉnh. Ông bảo tôi mang theo tư trang ra ngoài. Tôi mừng quýnh, nhưng lại ngờ tai mình nghe lầm, đứng sững người. Ông cán bộ văn phòng vẫy tay về phía tôi. Anh Vinh cầm bộ quần áo mới giặt của tôi và đẩy nhẹ tôi một cái: “Đi đi!”. Tôi liền ném nắm cơm vào lòng anh Vinh, cùng cái quần lót của tôi chưa kịp thay để trả lại quần anh tôi mượn hồi sáng. Tôi cố len bước qua các bạn tù, khôn xiết cảm động, không nói nổi lời chào từ biệt.

         Ông cán bộ văn phòng dẫn tôi đến một nhà dân và căn dặn: Cấp trên cho tại ngoại, không được bỏ trốn về nhà hay đi đâu xa, để có lúc các ông ấy cần gọi đến phải có mặt ngay! Rồi ông cán bộ gọi một người chừng hơn 30 tuổi: “Tên này là Hoàng Tuấn Phổ tại ngoại ở đây với các anh. Các anh có 5 người, thêm tên này là sáu. Từ mai đến nhà bếp lĩnh thêm một suất ăn. Nếu thấy hắn đi đâu vắng phải báo cáo ngay với cán bộ”.

         Tôi biết mình chưa được tha, lòng cảm thấy buồn thiu, nhưng lại nghĩ thế này cũng sướng gấp vạn lần cái nhà giam tù nhân hay phạm nhân kia! Tuy vậy, vốn tính cả nghĩ, hay lo xa, tôi nghĩ, tôi lo biết đâu có ngày mình lại trở lại…Tôi không dám nghĩ tiếp nữa. Chợt nhớ lời ông Ha, vụ án Liên tôn do Tuệ Quang, Tuệ Chiếu cầm đầu sắp kết thúc, ông Ha sẽ được tha, huống chi kẻ chưa ráo máu đầu như mình…Tôi tạm yên tâm. Vâng, tất cả đều tạm thời, ở đời có gì mãi mãi được đâu! “Chữ nhẫn là chữ tương vàng”, đã biết là “tạm” thì phải “nhẫn”, phải chịu đựng để vượt qua vạn trùng ba của bể khổ!

         Người được cán bộ giao trách nhiệm bảo tôi: “Tao là Hà Công Cận trước làm Phó Chủ tịch huyện Bá Thước, bị đấu tố nên bị bắt giam một thời gian rồi được tại ngoại. Mày ở đây với tao là tốt rồi. Đêm nay mày ngủ chung một giường với tao. Tất cả có 6 người, chỉ một cái giường, 3 người nằm giường, 3 người trải chiếu ngủ đất, ăn thì ăn chung, chia đều, không phân biệt…À mày đã ăn gì chưa? Chưa ăn thì còn ít cơm nguội với một con cá khô mắm”.

         Còn hai miệng bát cơm nguội với một con cá khô ướp muối, tôi chén tất rồi ra vại uống một gáo nước lã, thế là cái bụng no căng! Người ta nói: “No cơm ấm cật, rậm rật mọi nơi”, còn tôi lúc này buồn ngủ quá chỉ muốn lăn quay ra giường. Tôi chợt nhớ mình chắc khác con bọ hung chui ra từ đống phân, ngửi tất cả quần áo thấy cái gì cũng khai thối, hôi hám. Tôi nói rõ lý do với anh Cận xin được nằm riêng dưới đất. Nhưng anh Cận cười: “Thì chính tao cũng từng phải như mày, cũng đã từng làm cái con bọ hung thôi!” Tôi cảm ơn lòng tốt của anh Cận, xin được trải chiếu nằm dưới đất. Thế này còn sướng bằng vạn đêm qua ngủ trên nền đình bê bết phân người trộn nước tiểu, không một manh chiếu rách! Anh gật đầu: “Thôi kệ mày!”.

         Năm người ở chung một nhà, toàn anh em dân tộc thiểu số: 3 Thái, hai Mường, thuộc các huyện Quan Hoá, Bá Thước. Đa số họ ít nói, lầm lỳ cả ngày. Khi nói chuyện, anh em dùng tiếng dân tộc, tôi cứ như “chó Tàu nghe kèn”! Có một người cùng lứa tuổi với tôi. Anh tự giới thiệu với tôi: Mình tên là Hà Văn Tam ở chòm Sãi, xã Phú Lệ, huyện Quan  Hoá. Anh bị bắt vì có một người Thái bị Tây bắt cóc, huấn luyện mấy tháng làm biệt kích thả dù xuống Phú Lệ. Nó bị bộ đội truy lùng, sợ chết chạy trốn vào nhà anh xin ẩn nấp. Bộ đội khám xét bắt được nó, bắt luôn cả anh giải lên tỉnh… Anh bị bỏ tù một thời gian rồi được tại ngoại hậu cứu.

         Vậy thì anh Hà Văn Tam được “tại ngoại hậu cứu”, tôi được “tại ngoại” có lẽ cũng để “hậu cứu”…Tôi tắc lưỡi: “Lo nghĩ xa hay gần cũng chả được việc gì. Thôi “mưa lúc nào mát mặt lúc ấy”, đêm nay hãy ngủ thông một giấc đến sáng cho mặn này bõ lúc nhạt xưa…Những tưởng sẽ đánh một giấc ngon, nào ngờ đêm ấy tôi cứ mơ mơ tưởng tưởng mình đang nằm bên nồi vệ sinh, hết người đái vào lưng lại có kẻ ỉa cả lên đầu mình, rồi cuối cùng phải đầu thai làm kiếp con bọ hung! Nhiều người tin chắc tôi kiếp trước phạm tội tày đình như Lý Thông chẳng hạn. Có ai tò mò  muốn biết tội gì thì bọ hung tôi lắc đầu. Quả tình cũng không biết đầu xuôi đuôi ngược thế nào cả!

         Cơn ác mộng ấy sao mà nghiệm thế. Tôi không tin rồi cũng phải tin, vì nó dần dần thành hiện thực, không đội phân thì đội đất, đất sạch hay đất bẩn đều phải đội tất! Thì “Đời là thế” nên “đầu tôi là thế!”. Nói cho cùng, làm trai ở đời phải “đầu đội vai vác” có gì lạ?

         Ở đây dậy sớm hay dậy muộn chẳng hai bắt. Nhưng anh em dậy cả, mình không thể nằm liều, cứ lù lù một mình một chiếc chiếu dưới đất, chướng lắm! Anh Cận xuống bếp lĩnh thêm gạo, rau, mắm. Bốn anh ra sông mò hến. Tôi không biết bơi lội, ở lại trông nhà. Chừng quá nửa buổi, mọi người về, vào bếp nấu cơm ăn với canh hến. Bữa cơm chiều cũng vậy. Hôm sau trời mưa, các anh bắt cóc làm canh. Tôi không quen món này, nghĩ đến cóc đã thấy nôn mửa, trong khi ai nấy đều ăn uống ngon lành.

         Anh Cần hỏi tôi:

         -Ở dưới xuôi nhà mày ăn thịt cóc thế nào?

         Tôi lắc đầu:

         -Nhà tôi không ăn bao giờ. Vì “con cóc là cậu ông trời”, trời nắng lâu, nó chỉ cần nghiến răng kêu mấy tiếng kèn kẹt, ông trời phải làm mưa ngay!

         Anh Cận cười:

         -Lạ nhỉ! Tao ở nhà gác. Hễ thấy con cóc nào trèo thang lên đều bị đuổi xuống hết. Chúng sống ở dưới góc chuồng trâu bò, những chỗ tối om tha hồ ăn muỗi.

         Cứ sống cảnh nhàn nhã như vậy, toàn nói chuyện rừng suối, bắn gà rừng, săn hươu nai, bắt ốc núi…

         Tuần sau, tôi được cấp trên gọi. Một ông độ ngoài năm mươi, mặt to, đen, ngồi bàn giấy, hỏi giọng nghiêm khắc:

         -Mày biết tội mày chưa?

         Tôi không cần suy nghĩ, đáp ào đi cho xong:

         -Dạ thưa ông, tôi biết rồi ạ!

         Ông ấy vặn:

         -Mày nói biết cái gì?

         Tôi không úp mở:

         -Dạ thưa tôi biết tội ạ!

         Ông ấy gật đầu:

         -Được! Tạm tha cho mày về quê, khi cần sẽ gọi. Muốn đi đâu phải xin phép chính quyền xã.

         Rồi ông ấy đưa cho tôi một cái giấy đi đường.

(Nguồn: Tuấn Công Thư Phòng)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7118
Registration date : 01/04/2011

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ   CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 I_icon13Fri 02 Sep 2022, 12:42

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Hồi ký viết lúc hoàng hôn)

Hoàng Tuấn Phổ



CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Dsc01610

Cây khế tái sinh từ gốc rễ của cây khế mẹ trồng trước 1945. Ảnh: HTC


                   Mở đầu hồi ký này, tôi đã viết:

                   “Năm 1953 đói vừa
                   Năm 1954 đói lắm…”


         Từ năm 1955 thế nào?


         Năm 1955 bắt đầu có người chết đói!

         Năm 1956 số người chết đói tăng thêm, tăng thêm mãi…

         Kẻ xấu số không thuộc dân nghèo mà ngược đời, lại là địa chủ, phú nông…Chính họ bị cái đói đuổi ra khỏi làng để tha phương cầu thực, nói toạc móng giò, để đi ăn xin, ăn mày, đúng như lời dân gian xưa đã có câu:

         Ăn mày là ai
         Ăn mày là ta
         Đói cơm rách áo hoá ra ăn mày!


         Đến năm 1957 đời sống nhân dân dần dần trở lại ổn định…

         Năm 1954 gia đình tôi đói lắm. Nhà thêm miệng ăn. Bố tôi sau Hiệp định Đình chiến Giơ ne vơ được tha tù trước thời hạn. Từ năm 1953, anh Nậu đã lấy vợ ra ở riêng, nhà là cái bếp cũ nhà địa chủ. Anh phải đổi họ Hoàng sang họ Lê, nhưng chỉ là mượn tạm danh họ Lê, còn anh vốn họ gì anh cũng không biết. Làng tôi có mấy dòng họ Lê: Lê Văn, Lê Trí, Lê Hữu, Lê Đức, Lê Quang, Lê Thế,…Anh Nậu không thuộc Lê nào. Nhưng anh được hưởng quyền lợi thành phần bị bóc lột. Dĩ nhiên, địa phương hoan nghênh anh, vì anh là người bị bóc lột, chứng minh kẻ bóc lột không ai khác ngoài bố mẹ tôi đã nuôi anh làm con nuôi từ nhỏ.

         Bố tôi không biết làm gì ngoài hai nghề phù thuỷ, lang y và giao du. Cơn bão tố đấu tranh chính trị đã cuốn đổ cả nghè miếu, chùa chiền, đến thánh, tiên, phật cũng tượng gẫy, bia tan, hồn xiêu phách lạc! Hỏi ai còn dám cúng lễ, dám mê tín dị đoan? Còn nghề thầy thuốc? Hình như tạo hoá có lòng nhân, đã bắt đói thì không bắt ốm. Cả làng, cả xã không thấy ai kêu đau ốm! Cho dù có ai lỡ đau bụng nhức đầu cũng chẳng ai dám gặp mặt hỏi thuốc bố tôi. Gia đình tôi như nhà mắc bệnh truyền nhiễm phung hủi, ho lao…cả hai thứ đều thuộc “tứ chứng nan y” (phong, lao, cổ, lại) thời trước. Đáng tiếc, gia đình tôi có môn thuốc phong đơn thấp khớp thần hiệu. Thời gian bố tôi bị tù giam học thêm được nghề bắt mạch và châm cứu tinh diệu của Lương y Lê Trần Đức. Ra tù, cụ Đức được Hội Đông y Việt Nam mời về công tác ở Trung ương Hội. Cụ viết bài nghiên cứu đăng trên Tạp chí Đông Y, dịch sách thuốc, biên soạn các tác phẩm: “Cuộc đời và sự nghiệp đại y sư Tuệ Tĩnh”, “Y phương ca quát”

         Mẹ tôi luấn quấn với vài ba saào ruộng còi, những thửa tốt nhường cả cho anh Nậu. Không làm thì đói, làm thì chói xương hom! Mẹ tôi phải về bên ngoại mượn bò cày bừa, còn đám nào thì cuốc rồi dẫm theo lối canh tác nguyên thuỷ. Bố tôi cũng phải tham gia cuốc góc, dẫm cỏ. Còn tôi? Tôi giúp mẹ xé bẹ kè để mẹ tôi chắp thừng buổi tối. Được dăm đôi thừng kè, loại thừng này bền tốt lắm, tha hồ ngâm bùn nước khi cày bừa, mẹ tôi đem chợ bán. Nhưng chẳng khác nào câu thơ Nguyễn Khuyến:

         Mấy năm làm ruộng vẫn chân thua
         Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất đằng mùa.


         Mùa màng bạch lạng, thóc cao gạo kém, không ai mua thừng làm gì, người ta có cần thắt cổ đâu!? Biết làm gì để sống đây? Tôi mang chiếc đòn gánh tre, đôi giắng nứa, thử xuống chợ Hội xem có ai cần gánh thuê.

         Chợ Hội đông người, cách nhà tôi 6km, không mấy ai quen biết tôi con cái gia đình thành phần phú nông địa chủ phản động, chắc họ sẽ không thù ghét. Nhưng từ sáng tới trưa, chẳng ai thuê mướn gì! Có lẽ người ta thấy cái thân hình thấp nhỏ, còm nhom như tôi thì gánh vác nỗi gì! Vả chăng, bản thân họ cũng đang phải cõng cái nghèo trên lưng, chưa biết san sẻ cho ai. Giá như tôi có thể gánh đỡ bớt cái nghèo cho họ thì họ cũng thuê tôi thật! “Chợ Hội lắm lươn, chợ Trường lắm cáy”. Nay thì đổi chác, chợ Hội nhiều hàng cáy, cũng lắm cói lác. Thứ vật liệu để dệt chiếu này, nhiều người mua nhưng không ai mua nhiều, bởi họ vốn ít.

         Chợ búa nào cũng vậy, hàng quà bánh tấp nập nhất. “No đắt bói, đói đắt quà”. Các thầy bói đã phải học tập, cải tạo rồi. Chỉ còn hàng quà, không bị dẹp bỏ nên tự do phát triển: Bánh đúc, bánh tày, bánh dẻo (bánh cuốn) bánh lá, bánh xèo, bánh sắn, bánh hú, bánh nếp, bánh khoai, bánh tráng,…Những ai tiêu thụ cho hết? Đó là dân có tiền bán hàng: bán cáy, bán cá, bán lác, bán chiếu, bán đay, bán muối, bán cà, bán đỗ, bán vừng,…toàn dân lao động đầu tắt mặt tối cả, chẳng qua bớt chút, đỡ cơn đói lòng! Hạng người kiếm ăn không lương thiện cũng chẳng hiếm…

         Vụ đói năm Ất Dậu (1945) tôi theo mẹ đi chợ Nguyễn thấy thiên hạ bán ê hề đủ thứ, bày la liệt dưới đất, từ bát đĩa, ấm chén, đến bàn thờ, bát hương, ngai ỷ,…Người bán chào khách mỏi miệng, người xem thì nhiều, phần đông chỉ lắc đầu. Bố tôi kể chuyện chợ Nguyễn còn bán cả sắc phong, cờ, biển vua ban. Ai giàu ba họ, ai khó ba đời! Cho nên, trên tờ trích lục thời Tây có ghi câu chữ Nho: “Nhất điền thiên vạn chủ” do chính tay ông viết (không phải tất cả), vì thời ấy ông làm Thư ký đạc điền, Sở địa chính Thanh Hoá, nên được gọi là Ký Thuỳ, tức Thuỷ, tên huý bố tôi. Cái biển vua ban đem bán ở chợ Nguyễn là của nhà họ Trương xã Thiên Linh (Nay thuộc xã Quảng Yên, cạnh xã tôi). Hai chú cháu Trương Hữu Hiệu, Trương Hữu Thiệu cùng đỗ Tiến sĩ thời Lê Trung hưng, cùng nối tiếp nhau giữ chức Đốc đồng Sơn Nam. Hai cái biển này ghi đôi liễn đối: “Tam giáp đồng tiến sĩ-Nhất môn lưỡng tướng công”, không phải vua ban, mà do người ta đề tặng. Nhà họ Trương giữ mãi đến năm Ất Dậu phải mang ra chợ bán vì gia đình đói quá không còn gì quí giá hơn để bán! Buồn thay! Chẳng có một ai mua cả. Và có lẽ nếu cho không cũng chẳng ai chịu khó lấy hộ về chơi cái đồ “tiến sĩ”, “đốc đồng” ấy ở thời Tây Tàu nhộn nhạo này!

         Phiên chợ ấy, mẹ tôi đưa tôi lại chào dì Len.

         Dì Len người Ghép (Ngọc Giáp, nay thuộc xã Quảng Chính, Quảng Xương) trước lấy bố tôi làm vợ lẽ, sau ba năm không con cái, theo luật lệ thời ấy được trở về với cha mẹ để lấy chồng khác. Nay dì đã có hai con. Ông chồng cùng làng, làm nghề muối. Sở muối Ngọc Giáp sản xuất nhiều muối nhất Thanh Hoá. Đồn Tây đoan đóng ở đây nghiêm cấm tư nhân sản xuất muối riêng, tất cả muối làm ra đều phải bán cho Nhà nước, rồi Nhà nước bán lại số muối hạn chế vừa đủ gia đình dùng. Muối dì Len bán là muối buôn, phải mua của Pháp.

         Dì Len đang đứng bán muối, tay cầm bắp ngô luộc sắp ăn. Thấy tôi, dì cười, lấy trong bọc áo dài ra đưa cho tôi một bắp chưa bóc vỏ. Tôi cầm lấy ăn ngay, vì tính tôi thích ăn ngô luộc. Nhà đang còn muối, mẹ tôi cũng mua thêm mấy bát để dì vui lòng. Mẹ tôi chào dì, bảo tôi cũng chào dì, xin phép đi chơi. Tôi vừa đi vừa ăn ngô. Bỗng ai đó cướp giật ngay lấy cái bắp ngô chạy biến vào đám đông. Tôi sợ quá, đứng sững người, toàn  thân run lên lập cập. Mẹ tôi biết tôi yếu bóng vía, choàng tay ôm lấy tôi cùng cả cái thúng con đi chợ mua hàng. Thấy tôi mặt mũi tái mét, mẹ tôi bảo: “Không kinh! Hắn là đứa ăn cắp, ăn cướp thì hắn phải kinh mình. Để mẹ mua cái ngô khác cho con. Là con trai phải mạnh bạo lên, không thì người ta cười chết!”

         Hôm nay, chợ Hội cũng bán ngô bắp luộc, món quà thôn quê tôi, thường chỉ mùa xuân mới có. Đây là mùa trồng khoai chính vụ. Bà con nông dân tỉa thêm hạt ngô vào hông luống khoai (với đỗ cũng vậy). Phần lớn giống ngô tẻ, hạt vàng đẹp bóng như hạt ngọc, cho năng suất cao, nhưng luộc ăn rất cứng. Giống ngô nếp năng suất thấp, bà con bẻ bắp lúc bánh tẻ, luộc lên đem chợ bán cho người ta làm quà, ăn mềm dẻo thơm ngon. Loại ngô già phải nướng trên lớp than hồng, tay cầm quạt, tay cầm xiên ngô vừa quạt vừa xoay đều bắp ngô. Mùi ngô chín thơm lừng hấp dẫn mạnh nhất đối với phụ nữ, trẻ em. Nông dân bán ngô luộc, ngô nướng được tiền lấy cái tiêu pha thay cho bán thóc, để dành đủ ăn đến lúc giáp hạt, thừa thì “tích cốc phòng cơ” hoặc cho vay lấy lãi. Tâm lý nông dân ai cũng thích làm giàu “ruộng mẫu ao liền”, “tiền rương thóc cót”. Riêng dân Nam Bộ đất đai phì nhiêu, đa số nguồn gốc lưu tán, lưu vong, cốt đời sống no đủ, đủ no rồi ăn nhậu, vui chơi, tính tình phóng khoáng, nhạc ca, đàn hát, là những nguyên nhân các điệu dân ca Lý phong phú hơn miền Bắc, thể loại “đờn ca tài tử” độc đáo phát triển, dân gian mà bác học, bác học của dân gian…

          Khác hồi nhỏ, hôm nay tôi đã lớn, biết vác đòn gánh đi gánh thuê, tập làm người lớn, không còn ai, có ai để cho tôi một bắp ngô luộc, dù cái bụng đang réo sôi sùng sục cả gan ruột, dạ dày, lá lách…họp nhau biểu tình đòi ăn! Có tiếng hô: “Đánh! Đánh!” Mấy người đàn ông, đàn bà xúm nhau đánh một thằng bé trạc chín mười tuổi như tôi hồi đói năm Ất dậu đi chợ Nguyễn. Thì ra nó ăn cắp một cái ngô luộc của bà hàng ngô! Thằng bé bị đánh túi bụi, hai tay vẫn cố giữ chặt cái vạt áo rách, trong đó là của nuôi sống con người, mỗi hạt ngô quý hơn hạt vàng, hạt ngọc! Càng bị đánh nó càng cắn răng mím lợi không chút kêu la. Thằng bé giỏi chịu đòn thật! Ai đó tống một nắm đấm vào giữa mồm nó. Nó phù một tiếng, máu mũi máu mồm tuôn ra lẫn cả những hạt ngô và lõi ngô! Tôi kinh sợ quá liền ngoảnh mặt đi! Không phải nó gan dạ giỏi chịu đòn mà đang ăn giở miếng ngô trong mồm, phải cố giữ lấy! “Trời đánh cũng tránh bữa ăn”! Tôi rất muốn can ngăn một tiếng, nhưng trông bộ dạng thân hình tôi, không khéo người ta lại cho là cùng hạng xó chợ đầu đường như nó, chỉ cần một quả đấm kèm theo cú đá đủ làm tôi ngã gục không gượng dậy được nữa!

          Thấy thằng bé loạng choạng rồi gục xuống, người ta mới dừng tay, hạ chân. Có tiếng ai đó nói to trong đám đông: “Thằng quỷ đói này là con địa chủ cường hào phản động, đánh chết cũng chẳng ai thương!” Tôi rùng mình lạnh buốt xương sống đến gáy cổ, vội vác đòn gánh ra về, bỏ cả đôi quang giắng nứa đã bị trời nắng làm cho khô héo quắt xoắn lại giống hình con số 8, cũng là hình cái cùm sắt trên tay bố tôi hồi đấu tranh chính trị…

(Nguồn: Tuấn Công Thư Phòng)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7118
Registration date : 01/04/2011

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ   CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 I_icon13Sat 03 Sep 2022, 09:13

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Hồi ký viết lúc hoàng hôn)

Hoàng Tuấn Phổ



CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Chiu_c10

Dệt chiếu ở Quảng Xương - Thanh Hoá. Ảnh: VOV


                    Quê tôi có nghề dệt chiếu, nhưng lãi lời, công sá rẻ mạt, mỗi đôi chỉ được 5 đồng tiền cũng làm. Gọi là lá rụng góp nhóp, hay nói văn vẻ là “tích tiểu thành đại”.

         Từ lúc lên năm, lên sáu, được cắp sách đi học, tôi đã biết nhận thức và ghi nhớ, không phải tất cả mà chỉ những gì ấn tượng sâu sắc nhất. Buổi tối nào các o, các chú tôi cũng phải làm chiếu. Kẻ xe đay, người dệt hoặc xay lúa, giã gạo, làm hàng xáo, kiếm nắm cám nuôi lợn, góp tiền bỏ ống để dành tiêu vào việc nên việc. Trong lúc đó, bà tôi chắp thừng, ông tôi xem sách không biết đến khi nào. Đối với tôi lúc ấy là khuya lắm.

         Ông bà tôi thường bảo mọi người: “Làm cũng ăn, không làm cũng ăn, không nên đi ngủ sớm quá, hư người!”. Cho nên làm chiếu, nhiều khi không đủ tiền dầu đèn. Bấy giờ, giá dầu rất đắt, vẫn theo cách giải thích của ông tôi, phải làm việc đều đặn, nền nếp tạo thành tính siêng năng, quen công việc, thích công việc, ở nể không chịu nổi!

         Buổi tối, bố mẹ tôi làm gì? Bố tôi lang thang nay đây mai đó, lúc ở Trần Cầu làm giúp thơ tiên; khi ra phủ Thanh Lâm, tay đàn, miệng hát, mắt liếc đưa tình cô Bơ Thoải đền Bông, cô Chín đồi Dâu Chín Giếng…Bị bạn bè rủ rê, ông cũng say mê cầm chầu nơi ca lâu tửu quán, hoặc đổ bác - cái chốn ông cũng như thằng! Vì thế, bố tôi là con trai trưởng, nhưng những thứ được chia như mấy sào ruộng tốt ông cũng đem bán sạch, chỉ còn đất hương hoả bị luật nghiêm cấm không thể bán, dù công nợ như chúa Chổm! Bố tôi phải đâm đầu vay lãi nhà ông Từ Đệp trong làng, lãi mẹ đẻ lãi con, lãi cháu, lãi chắt, lãi chút, lãi chít…không biết bao nhiêu mà tính!

         Ông bà nội tôi ghét mặt, tống cổ vợ chồng con cái ra ở riêng. Nhưng những khi có đình đám cúng lễ lớn nơi xa mời, lại sai người đi tìm bố tôi về, vì chỉ người thầy cả này mới đủ khả năng làm nổi đình nổi đám, xứng danh “Đem chuông đi đánh nước người”.

         Bố tôi, con người lãng tử này có khả năng gì? Ông làm “sớ tấu” rất hay, văn vẻ được các vị Nho học từng vác lều chõng cũng phải khen ngợi. Ngồi trước đàn tràng, mặc áo cà sa mầu đỏ, đội mũ toà sen sáu cánh, múa bài Lục cúng rất đẹp, ai xem cũng phải hết lời tán thưởng. Đặc biệt, ông đóng vai Mục Liên phá ngục cứu mẹ, hay vai Huyền Trang thỉnh kinh trong tích Đường tăng đi Tây Thiên Trúc quốc, của Pháp khúc bộ Phật giáo thời cổ, làm cho khán giả quên mất cả thời gian, dù tiếng gà làng Nam Ngạn bên sông Mã đã gáy báo triều nước lên vào khoảng canh ba…

         Bây giờ thời thế đổi thay, mẹ tôi bàn: Làng xóm người ta “mằn chiếu” cả, nhà mình cũng phải “mằn”, “thày  mi” không biết thì phải tập, cứ chịu khó rồi “mằn” được cả. Mẹ tôi đã vay được vài đồng bạc của dì Phú ở tận làng Phương Khê, Nông Cống (nay thuộc xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn) để mua đay, cói, nhưng còn go chưa thuê đóng xong, nên chưa thể tiến hành. Tôi nói: “Xóm ta nhiều người đi mua cói Nga Sơn về để làm chiếu, giá cói rẻ mà đẹp hơn lác Văn Giáo, Hồi Cù. Nếu không dùng thì bán lấy tiền cũng tốt”. Mẹ tôi đồng ý, bảo: “Được, để mẹ nói với anh Nậu cho theo đi, có việc chi anh giúp đỡ biểu ban em…”

         Nhưng xóm tôi, nhóm đi buôn cói Nga Sơn có anh Rậy không muốn cho thành phần lớp trên, lại là một tên phản động tham gia. Mẹ tôi phải đến tận nhà nhờ anh Rậy giúp đỡ. Vợ anh Rậy, chị Hoàng Thị Mậu cũng họ hàng anh em chi trưởng, chi thứ với nhà tôi. Chị Mậu (đúng ra tôi gọi là o) nói với chồng: “Thì cho hắn đi, mất cơm mất gạo chi nhà ông?” Anh Rậy thủng thẳng: “Để rồi coi…”

         Thế là khó khăn rồi!

         Mẹ tôi mua được một bó lác về làm chiếu. Go đã thuê đóng xong. Đay sợi, mẹ tôi đã xe về sẵn. Nhờ anh Nậu đóng cho bốn cái cọc tre, các thứ lặt vặt khác, tự mình làm được cả. Cây lụi đưa cói từ đời ông bà nội tôi, gác giàn bếp đã lâu, xông bồ hóng càng bền đẹp, nay đem xuống dùng vẫn tốt.

         Làm cây lụi tốt nhất bằng gỗ cau, cứng, thẳng, thớ mịn, nổi vân dọc, chất gỗ nhẹ. Dáng cau mọc thẳng cao vút, chĩa thẳng lên bầu trời cao, bất chấp nắng mưa, bão tố. Nhiều trận cuồng phong làm cau nghiêng ngả, phải cúi rạp thân mình xuống, tưởng chừng đổ gãy đến nơi. Thế mà sau đó, cau lại đứng lên vươn cao thẳng tắp, với tán lá xanh biếc, không hề bong tróc một cái vảy rêu phong hoá sừng. Bởi thế, người xưa ca ngợi cau là “nhất trụ kình thiên”. Chữ “kình” ở đây không phải là chống đối, mà chính là chống đỡ, như cột trụ trời. Người xưa cho rằng, phong cảnh làng quê không gì đẹp bằng cảnh cau. Chỉ có cây cau nổi bật hơn tất cả, ngày đêm in bóng trên nền trời, dù lẻ tẻ một vài gốc hay đầy vườn. “Chim gà, cá lạch, cảnh cau”, phong vị ăn chơi thích thú nhất của người bình dân ngàn vạn năm xưa.

         Tôi cầm cây lụi bằng gỗ cau già vườn nhà trong tay, nhớ ngày thơ bé đi học vỡ lòng, bị thầy giáo nghiêng thước cau dần vào bàn tay như dần chạch, đau điếng người, buốt tận xương! Tôi nghiệm thấy thước cau đau hơn thước lim, cũng không giòn dễ gãy như thước lim. Mấy anh lớn tuổi thù ghét cây thước lim, từ loại nhỏ vuông góc kẻ dòng đến loại to bẹt để thầy giáo đập bàn ra hiệu “yên lặng”, “liệu hồn”, …đến các hành vi gõ vào đầu hoặc vụt thẳng vào vai lưng những cậu nghịch ngợm, đều bị các anh bẻ trộm. Chỉ cần ghé thước kẻ kê vào đầu gối, bẻ mạnh một cái là gẫy đánh rắc!

         Lụi làm bằng lim dễ gãy, để lâu càng giòn, vì thân hình bé nhỏ chỉ bằng cái ngón tay. Nếu không có lụi tre, người ta buộc dùng cành trúc hoặc vót bằng tre. Nhược điểm của tre, trúc nhiều mắt, hay bị vênh, khi đưa lụi dễ vướng vào sợi đay khiến nó bị đứt, phải dừng tay nối lại, rất mất công, gây phiền phức.

         Cái go dệt đơn giản, dài 2m để làm chiếu đôi. Go chiếu cá nhân ngắn chừng 1,2m. Cái go dùng gỗ xoan đâu, chất gỗ nhẹ, mềm, không bị mối mọt, thường sẵn có ở vườn nhà, mọc ven đường làng. Răng go làm bằng loại tre gõ màu vàng ngà, bền đẹp, cứng mà nhẹ, không nặng tay dệt. Muốn chiếu dày, thưa, răng go cũng phải nhặt thưa để xâu, mắc được ít, nhiều hàng sợi đay tuỳ ý.

         Mỗi ngày chỉ dệt được khoảng hai chiếc chiếu đôi, cả các khâu đổ cói, ghim bờ, chặt rìa, lắt bỏ sợi cói lông lá, sợi đay lầm lỗi, cho mặt chiếu bằng phẳng, trơn lì, đẹp mắt.

         Người dệt thường là đàn ông suốt buổi ngồi co chân trên cái ghế nhỏ dài, thấp để lót phía trước, tay luôn cầm cái go, đưa ra đẩy vào đều đặn. Người đưa lụi cói nhanh, người dệt chiếu cũng phải dệt nhanh. Những động tác này liên tục, nhịp nhàng với hai cánh tay, bàn tay, ngón tay bẻ bờ, trong khi đôi chân co, xếp một chiều khiến người ta dễ bị tê chân, đau gối, lưng hông mỏi nhừ! Ai cũng phải qua một quá trình lâu dài rèn luyện mới chịu đựng nổi.

         Việc quấn cói đưa lụi thích hợp với phụ nữ hơn. Thân hình họ mềm mại, trải mảnh chiếu cũ, ngồi tư thế vuông góc thước thợ, “hai hàng chân ngọc duỗi song song” suốt buổi. Nắm cói trải đều trên đôi bắp đùi, quấn từng ngọn cói vào cái núm vót nhỏ đầu cây lụi và tay phải cầm thân lụi sải cánh thật dài đưa lụi kèm theo ngọn cói chẻ lao thẳng vào go, luồn giữa hai hàng sợi đay, rồi nhanh chóng rút ra. Vừa lúc ấy, người dệt cầm chắc go, dựng đứng go để hai hàng đay khép chặt cây cói, rồi kéo dập vào.Tiếp theo, người dệt đẩy go ra, nếu vừa nghiêng sấp, giờ lại nghiêng ngửa, để mở hai hàng đay, đón nhận cói khác…

         Làm chiếu đơn giản, nhưng trở ngại nhất khi sợi đay bị đứt. Ai cũng ngại đứng dậy để nối lại mối đứt. Người đưa cói ngoảnh mặt ra sân xem như trách nhiệm thuộc người dệt. Người dệt vươn vai đứng dậy, vặn mình răng rắc rồi đi hút thuốc lào hoặc ra ngoài vườn tiểu tiện. Lườm nguýt, cáu gắt vô hiệu thì thường là đổ lỗi cho nhau, buộc phải lần tìm sợi đứt mà nối lại. Nếu tại anh dệt không đều tay, hoặc do cả ả vấp mũi lụi vào dây làm sợi đay bị đứt, thì không khéo xảy ra chuyện giật go thật mạnh để đứt hết sợi đay cho bõ cơn tức giận, hai là thượng cẳng tay hạ cẳng chân, bỏ cuộc!

         Khi “sóng gió” trên lá chiếu trở lại trời yên bể lặng, thì thôi thì, trời không chịu đất, đất phải nghe trời. Thông thường chị em phụ nữ chịu khó “nối lại sợi tơ duyên” để cuộc đời được ấm êm, hạnh phúc cho mọi gia đình, đôi lứa…

         Mẹ tôi hai tay hơi chậm, đưa cây lụi lóng ngóng, bố tôi ngồi chờ sốt ruột, mới ngồi đã thấy mỏi chân đau lưng, gắt ầm lên. Mẹ tôi cố nhanh tay, mũi lụi vấp, đứt hai sợi đay một lúc! Bố tôi cáu tiết, đổ cơn nóng lên cái go, thế là đay sợi bị đứt hàng loạt! Mẹ tôi cũng nổi giận đay đả lại: “Được! Không muốn động cái thân cái xác thì treo mồm lên!”

         Bố tôi bỏ lên giường nằm. Mẹ tôi giận chồng, thương con, moi móc tội bố tôi ra: “Ông ăn đất vô mồm hay răng mà theo Tuệ Quang Tuệ Chiếu xui thằng Tây bắn phá Bàn Thạch? Bây chừ cả nhà sắp chết đói, hỏi có ai thương ông hay thằng Tây hắn thương ông?”

         Bố tôi cố nén giận nói: “Tôi không đời mô dại dột như rứa! Nhà tôi mấy đời theo đạo Phật chứ theo thằng mô con mô, chẳng qua người ta bốc lửa bỏ bàn tay cho tôi, rồi “chủng qua đắc qua, chủng đậu đắc đậu” nhân mô quả nấy… lậy trời phật cho sống qua cơn đói khát, rồi bà sẽ thấy! Mà Tây hắn biết tôi là thằng mô? Hắn cai trị Việt Nam những 80 năm, có điều chi mà hắn không biết, chính cái Ba ra Bàn Thạch cũng do hắn xây nên”.

         Mẹ tôi vặn lại: “Cái án 5 năm tù còn sờ sờ ra đó, ông không có tội, răng mà lại chịu tội?”

         Bố tôi điên tiết: “Nhận cái mả cha đứa vu oan giá hoạ! Dùng cực hình tra tấn như rứa, không nhận mà được à? Bà thử chịu một đêm như tôi coi”.

         Mẹ tôi thở dài: “Rõ đường quang không đi lại quàng vô bụi rậm! Đã trót rồi thì phải trét, phải biết thương vợ thương con chứ!”

(Nguồn: Tuấn Công Thư Phòng)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7118
Registration date : 01/04/2011

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ   CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 I_icon13Tue 06 Sep 2022, 08:00

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Hồi ký viết lúc hoàng hôn)

Hoàng Tuấn Phổ



CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Czi10

Cói Nga Sơn. Ảnh: ST


                    Anh Rậy bắt tôi phải xin phép xóm trưởng và thôn trưởng. Các ông ấy đồng ý mới cho theo nhóm đi Nga Sơn mua cói lác, mục đích làm chiếu.

         Ông xóm trưởng, thường gọi ông Tiệu Dễ, tên tục là Dễ, sinh con gái đầu đặt tên là Tiệu. Phong tục quê tôi, chưa có tên gọi là “đỏ”, có con gọi tên con, nếu không gọi thì “sái”. Nhưng dùng tên con mới mẻ, nhiều người khó hiểu, phải kèm tên chính, vì thế thành tên kép “Tiệu Dễ”. Ông Tiệu Dễ biết nghề đóng xay. Nghề này cũng là nghề “cơm bưng nước rót”, được bà con nông dân quý trọng. Nếu nhà nào đón được ông đóng xay có tay nghề tốt, thế nào cũng phải đi chợ Nguyễn mua thịt cá, trầu chè, chai rượu, gói thuốc lào Thượng Đình, tiền công tử tế. Xưa đóng cối xay tre, sau cải tiến đóng cối xay đất. Đất dùng cho đóng xay tốt nhất là đất tổ mối cồn Chè, bên cạnh gốc cây trôi cổ thụ đầu làng, phía trước nhà tôi.

         Nghề anh có một chiếc vồ
         Thêm đôi quang gánh, một bồ dăm xay
         Rong chơi khắp xứ Đông Đoài
         Cơm bưng nước rót, tối ngày đầy công
         Ai về Thủ Phú biết không
         Có ông phó cối, có ông thợ vồ…

         (Vè đóng xay)

         Nghề đóng xay của ông Tiệu Dễ kém thua thợ Thủ Phú (một làng biển, nay thuộc xã Quảng Hải). Trong làng nhà ai cần thiết mà không chờ được thợ Thủ Phú, thì phải mời ông. Hôm tôi đến, ông đang vót mấy cái nan tre làm vành xay. Ông không biết chữ, bảo tôi đọc tờ giấy cho nghe rồi cầm bút vạch mấy nét thành chữ “Dễ” giống rễ cây, cái thẳng cái cong…

         Ông thôn trưởng Nhẩy Dê cầm tờ giấy tôi đưa, đánh vần bập bõm. Tên chính ông là Dê, còn Nhẩy tên con gái đầu lòng. Cũng giống cách gọi tên kép như Tiệu Dễ. Nhà ông Dê, cha mẹ có cách đặt tên cho con cái nghe rất vui: Cáy, Rạm, Ngan, Vịt, Ngỗng, Thiến, Dê…

         Ông Thôn trưởng nghe tôi trình bày thêm cho rõ nội dung giấy tờ xong, viết nguệch ngoạc chữ “Dê” to tướng oai vệ bên cạnh chữ “Dễ”.  Đúng, ông là Thôn trưởng thì chữ ký phải to hơn Xóm trưởng chứ!

         Tôi hý hửng đem giấy về đưa anh Rậy xem. Không ngờ anh hạch: “Chữ ký mà không có dấu thì ai tin?”

         Tôi đành lóc cóc lên xã, bụng bảo dạ: Đây mới thật là cửa “sinh tử”! Ông xã mà “lắc đầu” thì hết đường kiếm sống, đành ngồi còm lưng ở nhà dệt chiếu, kiếm dăm xu một hào, không đủ cơm thì ăn cháo rau má (hồi này có mưa, rau má đã mọc xanh bờ xanh bái) còn hơn chán cái món cháo cám hạng ba!

         Tôi hồi hộp, chân bước rụt rè vào một nhà dân ở làng Trinh Xá, xã mượn tạm làm trụ sở. Tôi đặt tờ giấy lên bàn, nội dung xin đi mua cói Nga Sơn, đã có chữ ký xác nhận của hai vị Xóm trưởng và Thôn trưởng. Rồi tôi lùi lại sau mấy bước, chắp hai bàn tay trước bụng, kính cần đứng chờ, trống ngực đánh dồn dập hơn trống làng khi nhà cháy, vỡ đê…

         Ông uỷ ban xã tôi không rõ chức vụ cụ thể, nhưng nghe đại danh là Hàn Văn Thiệu, người đâu ở xóm Trại Chào. Trông mặt ông đã đủ sợ, đúng là “mặt sắt đen sì”, môi thâm bầm, lúc nào cũng hầm hầm như đang căm giận, thù hận ai…Ông Thiệu đọc kỹ tờ giấy, xem cẩn thận chữ ký, cất tiếng đanh thép, phát ra từng lời giữa hai hàm răng nghiến chặt:

         -Đi ví những ai?

         -Dạ thưa ông, tôi đi với anh Toàn Rậy, ông Đồng Bạng, anh Nậu, ông Mười Chục.

         Ông Thiệu nghĩ ngợi. Tôi cảm thấy mỗi giây dài bằng một năm! Chừng vài ba phút, ông cầm bút ghi loằng ngoằng những chữ như vẽ bùa, rồi lấy cái dấu trong túi vải nhỏ, ấn thật mạnh xuống tờ giấy xin phép của tôi. Tôi mừng quýnh, mừng đến nỗi phát run lên cầm cập. Khi đưa cả mười ngón tay đón tờ giấy xin phép, tôi cúi đầu, khom lưng vái chào ông Uỷ ban xã, thầm khen trông mặt mày thế mà nhân đức! Vừa nghĩ vừa rảo bước nhanh, chỉ lo ông ấy đổi ý, đòi tờ giấy lại!

         Đối với tôi, tờ giấy chẳng khác nào lá bùa hộ mệnh. Tôi báo cáo anh Rậy xong, vội gấp lại làm tư, cất cẩn thận vào túi áo ngực bên trong. Cái dấu uỷ ban xã là dấu chữ nhật, mực tím, không phải dấu vuông, nhưng anh Rậy xem xong cũng chẳng nói năng gì. Có lẽ đối với anh vuông hay tròn, bầu dục hay chữ nhật, thậm chí có méo một chút cũng không quan trọng gì. Cứ có cái hình gọi là dấu là được! Thì anh cũng chỉ trình độ “i tờ hai cái móc câu”, hơn ông Dê, ông Dễ một bậc!

         Đường từ làng quê tôi (Văn Đoài, Quảng Hoà, Quảng Xương, Thanh Hoá) ra đến Hói Đào, Tam Tổng, huyện Nga Sơn, giáp Phát Diệm, tỉnh  Ninh Bình, đi đường tắt có lẽ hơn 60km. Tôi và mấy ông trong tổ xuất phát từ 5 giờ chiều, đi suốt đêm, đến 5 giờ sáng mai thì đến nơi. Đúng như câu vè dân gian: “Sớm mai rời gót huyện Nga/Hậu-Hoằng rồi đến Quảng ta xế chiều…”

         Chúng tôi đi đường Cầu Lý, qua sông Lý-Hoành Đẩu-Dụ Côn, Cung Bịch, Ước Ngoại, Quảng Đông, Quảng Hưng, xuống đò Đại, lên chợ Quăng, trời bắt đầu tối. Chợ Quăng lớn nhất huyện Hoằng Hoá. Mấy ngôi hàng hiệu xây kiểu Tây, buổi tối ánh đèn măng xông chiếu sáng trong xanh, làm cho phong cảnh chợ lờ mờ ẩn hiện có vẻ sầm uất hiếm có ở chợ quê. Anh Rậy dẫn đầu, đưa chúng tôi vào một nhà quen nhờ nấu cơm ăn. Tôi là em rốt, ngô nghê không biết gì. Anh Nậu vào bếp nấu cơm. Ông Đồng Bạng lớn tuổi nhất cũng siêng năng chịu khó nhất, đi xin củi. Làng này ít ruộng, sống bằng nghề bán buôn chợ búa. Trong khi anh Rậy lên giường tranh thủ đánh ngủ khì, ông Mười Chục cũng ghé lưng nằm mép cạnh giường anh Rậy. Còn tôi không biết/không có việc gì, ngồi bệt xuống hè, tựa cột để nghỉ cái lưng đau sụn và hai tay bóp đôi bắp chân mỏi nhừ…

         Trong bếp, lửa cháy bùng bùng. Ông Đồng Bạng xin được ôm rơm để vần cơm, anh Nậu tha hồ khoanh cái nùn thật to quanh nồi, lại đắp phủ dầy lên phía trên nồi để cơm chóng chín. Ông Đồng Bạng thấy lửa cháy to, đang ở ngoài sân vội chạy vào bếp:

         -Rõ xắn tay áo sô đốt nhà táng giấy! Coi chừng đốt cả nhà người ta thì mấy anh em đi tù sớm!

         Anh Nậu liền dập bớt lửa. Nhưng lửa càng cháy lan rộng. Ông Đồng Bạng múc ngay mấy gáo nước đổ ào vào bếp. Lửa tắt, khói bay mù mịt xông cả lên nhà chính. Ông Mười Chục chạy ra mắng anh Nậu:

         -Coi chừng cháy bếp nhà người ta thì mi khốn!

         Toàn Rậy đang thiu thiu ngủ cũng giật mình nhổm dậy, cho ngay anh Nậu mấy cái bạt tai. Ông Mười Chục là anh vợ anh Nậu chạy lại can, bị Toàn Rậy đấm ngay một đấm. Thế là thành đám đánh nhau to. Ông Đồng Bạng lớn tuổi nhất, hiền lành nhất, cũng phải đứng ra can gián, giải hoà mãi. Ông chủ nhà đi chơi bên hàng xóm chạy về, bực mình:

         -Tôi biết các anh thế này thì không cho vô nhà. Thôi các anh cuốn gói đi sớm cho khuất mắt tôi!.

         Mấy anh em đều câm mồm in thin thít! Ông Đồng Bạng gãi tai thưa với ông chủ nhà:

         -Thôi anh em lớn người non dạ, trót dại dột, xin ông bà tha thứ. Đánh đứa chạy đi, không đánh kẻ chạy lại...

         Ông chủ lẳng lặng đi vào nhà. Anh Nậu bắc nồi cơm ra giữa sân, gãi tai mượn bà chủ bát đũa. Bà chủ hỏi lại:

         -Các anh đã có chi ăn chưa?

         Mọi người đồng thanh:

         -Dạ chưa ạ!

         Bà chủ nói:

         -Nhà tôi chỉ có cà muối mặn thôi!

         Ông Đồng Bạng xoa xoa hai tay:

         -Bà cho anh em tôi thấy trấy thì phúc đức quá!

         Bà chủ bưng ra một bát tô cà muối. Tôi gắp thử một quả, đúng là mặn quá, “mặn như thuốc độc”, lời mẹ tôi thường nói. Nhưng tôi im lặng, nghiêng răng cắn tí một để đưa đẩy miếng cơm. Tôi cố gắng lắm mới nuốt nổi. Ông Đồng Bạng bảo nhỏ tôi:

         -Chịu khó mà ăn cậu ạ. Đến trưa mai mới được ăn, đường còn xa, ăn ít thì đói chết!”. Vợ ông Đồng Bạng là con gái bà O tôi (chị ruột ông nội tôi) nên gọi tôi cách thân mật là “cậu”.

         Ăn cơm xong, ông Đồng Bạng bảo anh em:

         -Mới xuất quân đã “tiền đầu bất lợi”, chưa biết ngày mai sẽ ra răng!

         Anh Toàn Rậy tính ương, chỉ vào mặt anh Nậu:

         -Chỉ tại cái thằng chết mất xác tê!

         Anh Nậu cũng ương không kém, tay đang bê chồng bát đĩa cũng dừng ngay lại. Ông Mười Chục bình tĩnh trở lại:

         -Thôi thôi chín bỏ làm mười. Uống nước đi, nghỉ ngơi một tí rồi ta còn phải đi thấu đêm nay chứ ít đường đất mô!.

         Ông Đồng Bạng hưởng ứng:

         -Phải phải, nói phải ông vải cũng phải nghe. Tôi xin tất cả các anh em!

         Tôi phải một phen hoảng vía. Chỉ lo họ lại đánh nhau nữa! Mình theo họ đi cốt kiếm miếng cơm ăn, chỉ sợ đầu chả phải, lại phải tai! Rất may là bản tính anh nông dân đều hiền rất hiền, cục rất cục, nóng đó lại nguội đó. Chính cái bàn tay thô kệch xù xì mới nắm chắc củ gừng thụi nhau, giờ đã xoè ra sẵn sàng sẻ nửa bát nước chè xanh Yên Lược, chia đôi điếu thuốc lào Thượng Đình. Anh Toàn Rậy giọng chỉ huy phát lệnh:

         -Lên đường!

         Ra đến ngõ, chợt nhớ chưa chào ông bà chủ nhà. Ông Đồng Bạng vội chạy trở lại xin lỗi và cám ơn ông chủ bà chủ.

         Rồi chúng tôi cất bước lên đường, mải miết đi trong đêm tối chỉ có ánh sao mờ…

(Nguồn: Tuấn Công Thư Phòng)
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10567
Registration date : 23/11/2007

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ   CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 I_icon13Wed 07 Sep 2022, 10:31

Trà Mi đã viết:
CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Hồi ký viết lúc hoàng hôn)

Hoàng Tuấn Phổ



CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Czi10

Cói Nga Sơn. Ảnh: ST


                    Anh Rậy bắt tôi phải xin phép xóm trưởng và thôn trưởng. Các ông ấy đồng ý mới cho theo nhóm đi Nga Sơn mua cói lác, mục đích làm chiếu.

         Ông xóm trưởng, thường gọi ông Tiệu Dễ, tên tục là Dễ, sinh con gái đầu đặt tên là Tiệu. Phong tục quê tôi, chưa có tên gọi là “đỏ”, có con gọi tên con, nếu không gọi thì “sái”. Nhưng dùng tên con mới mẻ, nhiều người khó hiểu, phải kèm tên chính, vì thế thành tên kép “Tiệu Dễ”. Ông Tiệu Dễ biết nghề đóng xay. Nghề này cũng là nghề “cơm bưng nước rót”, được bà con nông dân quý trọng. Nếu nhà nào đón được ông đóng xay có tay nghề tốt, thế nào cũng phải đi chợ Nguyễn mua thịt cá, trầu chè, chai rượu, gói thuốc lào Thượng Đình, tiền công tử tế. Xưa đóng cối xay tre, sau cải tiến đóng cối xay đất. Đất dùng cho đóng xay tốt nhất là đất tổ mối cồn Chè, bên cạnh gốc cây trôi cổ thụ đầu làng, phía trước nhà tôi.

         Nghề anh có một chiếc vồ
         Thêm đôi quang gánh, một bồ dăm xay
         Rong chơi khắp xứ Đông Đoài
         Cơm bưng nước rót, tối ngày đầy công
         Ai về Thủ Phú biết không
         Có ông phó cối, có ông thợ vồ…

         (Vè đóng xay)

         Nghề đóng xay của ông Tiệu Dễ kém thua thợ Thủ Phú (một làng biển, nay thuộc xã Quảng Hải). Trong làng nhà ai cần thiết mà không chờ được thợ Thủ Phú, thì phải mời ông. Hôm tôi đến, ông đang vót mấy cái nan tre làm vành xay. Ông không biết chữ, bảo tôi đọc tờ giấy cho nghe rồi cầm bút vạch mấy nét thành chữ “Dễ” giống rễ cây, cái thẳng cái cong…

         Ông thôn trưởng Nhẩy Dê cầm tờ giấy tôi đưa, đánh vần bập bõm. Tên chính ông là Dê, còn Nhẩy tên con gái đầu lòng. Cũng giống cách gọi tên kép như Tiệu Dễ. Nhà ông Dê, cha mẹ có cách đặt tên cho con cái nghe rất vui: Cáy, Rạm, Ngan, Vịt, Ngỗng, Thiến, Dê…

         Ông Thôn trưởng nghe tôi trình bày thêm cho rõ nội dung giấy tờ xong, viết nguệch ngoạc chữ “Dê” to tướng oai vệ bên cạnh chữ “Dễ”.  Đúng, ông là Thôn trưởng thì chữ ký phải to hơn Xóm trưởng chứ!

         Tôi hý hửng đem giấy về đưa anh Rậy xem. Không ngờ anh hạch: “Chữ ký mà không có dấu thì ai tin?”

         Tôi đành lóc cóc lên xã, bụng bảo dạ: Đây mới thật là cửa “sinh tử”! Ông xã mà “lắc đầu” thì hết đường kiếm sống, đành ngồi còm lưng ở nhà dệt chiếu, kiếm dăm xu một hào, không đủ cơm thì ăn cháo rau má (hồi này có mưa, rau má đã mọc xanh bờ xanh bái) còn hơn chán cái món cháo cám hạng ba!

         Tôi hồi hộp, chân bước rụt rè vào một nhà dân ở làng Trinh Xá, xã mượn tạm làm trụ sở. Tôi đặt tờ giấy lên bàn, nội dung xin đi mua cói Nga Sơn, đã có chữ ký xác nhận của hai vị Xóm trưởng và Thôn trưởng. Rồi tôi lùi lại sau mấy bước, chắp hai bàn tay trước bụng, kính cần đứng chờ, trống ngực đánh dồn dập hơn trống làng khi nhà cháy, vỡ đê…

         Ông uỷ ban xã tôi không rõ chức vụ cụ thể, nhưng nghe đại danh là Hàn Văn Thiệu, người đâu ở xóm Trại Chào. Trông mặt ông đã đủ sợ, đúng là “mặt sắt đen sì”, môi thâm bầm, lúc nào cũng hầm hầm như đang căm giận, thù hận ai…Ông Thiệu đọc kỹ tờ giấy, xem cẩn thận chữ ký, cất tiếng đanh thép, phát ra từng lời giữa hai hàm răng nghiến chặt:

         -Đi ví những ai?

         -Dạ thưa ông, tôi đi với anh Toàn Rậy, ông Đồng Bạng, anh Nậu, ông Mười Chục.

         Ông Thiệu nghĩ ngợi. Tôi cảm thấy mỗi giây dài bằng một năm! Chừng vài ba phút, ông cầm bút ghi loằng ngoằng những chữ như vẽ bùa, rồi lấy cái dấu trong túi vải nhỏ, ấn thật mạnh xuống tờ giấy xin phép của tôi. Tôi mừng quýnh, mừng đến nỗi phát run lên cầm cập. Khi đưa cả mười ngón tay đón tờ giấy xin phép, tôi cúi đầu, khom lưng vái chào ông Uỷ ban xã, thầm khen trông mặt mày thế mà nhân đức! Vừa nghĩ vừa rảo bước nhanh, chỉ lo ông ấy đổi ý, đòi tờ giấy lại!

         Đối với tôi, tờ giấy chẳng khác nào lá bùa hộ mệnh. Tôi báo cáo anh Rậy xong, vội gấp lại làm tư, cất cẩn thận vào túi áo ngực bên trong. Cái dấu uỷ ban xã là dấu chữ nhật, mực tím, không phải dấu vuông, nhưng anh Rậy xem xong cũng chẳng nói năng gì. Có lẽ đối với anh vuông hay tròn, bầu dục hay chữ nhật, thậm chí có méo một chút cũng không quan trọng gì. Cứ có cái hình gọi là dấu là được! Thì anh cũng chỉ trình độ “i tờ hai cái móc câu”, hơn ông Dê, ông Dễ một bậc!

         Đường từ làng quê tôi (Văn Đoài, Quảng Hoà, Quảng Xương, Thanh Hoá) ra đến Hói Đào, Tam Tổng, huyện Nga Sơn, giáp Phát Diệm, tỉnh  Ninh Bình, đi đường tắt có lẽ hơn 60km. Tôi và mấy ông trong tổ xuất phát từ 5 giờ chiều, đi suốt đêm, đến 5 giờ sáng mai thì đến nơi. Đúng như câu vè dân gian: “Sớm mai rời gót huyện Nga/Hậu-Hoằng rồi đến Quảng ta xế chiều…”

         Chúng tôi đi đường Cầu Lý, qua sông Lý-Hoành Đẩu-Dụ Côn, Cung Bịch, Ước Ngoại, Quảng Đông, Quảng Hưng, xuống đò Đại, lên chợ Quăng, trời bắt đầu tối. Chợ Quăng lớn nhất huyện Hoằng Hoá. Mấy ngôi hàng hiệu xây kiểu Tây, buổi tối ánh đèn măng xông chiếu sáng trong xanh, làm cho phong cảnh chợ lờ mờ ẩn hiện có vẻ sầm uất hiếm có ở chợ quê. Anh Rậy dẫn đầu, đưa chúng tôi vào một nhà quen nhờ nấu cơm ăn. Tôi là em rốt, ngô nghê không biết gì. Anh Nậu vào bếp nấu cơm. Ông Đồng Bạng lớn tuổi nhất cũng siêng năng chịu khó nhất, đi xin củi. Làng này ít ruộng, sống bằng nghề bán buôn chợ búa. Trong khi anh Rậy lên giường tranh thủ đánh ngủ khì, ông Mười Chục cũng ghé lưng nằm mép cạnh giường anh Rậy. Còn tôi không biết/không có việc gì, ngồi bệt xuống hè, tựa cột để nghỉ cái lưng đau sụn và hai tay bóp đôi bắp chân mỏi nhừ…

         Trong bếp, lửa cháy bùng bùng. Ông Đồng Bạng xin được ôm rơm để vần cơm, anh Nậu tha hồ khoanh cái nùn thật to quanh nồi, lại đắp phủ dầy lên phía trên nồi để cơm chóng chín. Ông Đồng Bạng thấy lửa cháy to, đang ở ngoài sân vội chạy vào bếp:

         -Rõ xắn tay áo sô đốt nhà táng giấy! Coi chừng đốt cả nhà người ta thì mấy anh em đi tù sớm!

         Anh Nậu liền dập bớt lửa. Nhưng lửa càng cháy lan rộng. Ông Đồng Bạng múc ngay mấy gáo nước đổ ào vào bếp. Lửa tắt, khói bay mù mịt xông cả lên nhà chính. Ông Mười Chục chạy ra mắng anh Nậu:

         -Coi chừng cháy bếp nhà người ta thì mi khốn!

         Toàn Rậy đang thiu thiu ngủ cũng giật mình nhổm dậy, cho ngay anh Nậu mấy cái bạt tai. Ông Mười Chục là anh vợ anh Nậu chạy lại can, bị Toàn Rậy đấm ngay một đấm. Thế là thành đám đánh nhau to. Ông Đồng Bạng lớn tuổi nhất, hiền lành nhất, cũng phải đứng ra can gián, giải hoà mãi. Ông chủ nhà đi chơi bên hàng xóm chạy về, bực mình:

         -Tôi biết các anh thế này thì không cho vô nhà. Thôi các anh cuốn gói đi sớm cho khuất mắt tôi!.

         Mấy anh em đều câm mồm in thin thít! Ông Đồng Bạng gãi tai thưa với ông chủ nhà:

         -Thôi anh em lớn người non dạ, trót dại dột, xin ông bà tha thứ. Đánh đứa chạy đi, không đánh kẻ chạy lại...

         Ông chủ lẳng lặng đi vào nhà. Anh Nậu bắc nồi cơm ra giữa sân, gãi tai mượn bà chủ bát đũa. Bà chủ hỏi lại:

         -Các anh đã có chi ăn chưa?

         Mọi người đồng thanh:

         -Dạ chưa ạ!

         Bà chủ nói:

         -Nhà tôi chỉ có cà muối mặn thôi!

         Ông Đồng Bạng xoa xoa hai tay:

         -Bà cho anh em tôi thấy trấy thì phúc đức quá!

         Bà chủ bưng ra một bát tô cà muối. Tôi gắp thử một quả, đúng là mặn quá, “mặn như thuốc độc”, lời mẹ tôi thường nói. Nhưng tôi im lặng, nghiêng răng cắn tí một để đưa đẩy miếng cơm. Tôi cố gắng lắm mới nuốt nổi. Ông Đồng Bạng bảo nhỏ tôi:

         -Chịu khó mà ăn cậu ạ. Đến trưa mai mới được ăn, đường còn xa, ăn ít thì đói chết!”. Vợ ông Đồng Bạng là con gái bà O tôi (chị ruột ông nội tôi) nên gọi tôi cách thân mật là “cậu”.

         Ăn cơm xong, ông Đồng Bạng bảo anh em:

         -Mới xuất quân đã “tiền đầu bất lợi”, chưa biết ngày mai sẽ ra răng!

         Anh Toàn Rậy tính ương, chỉ vào mặt anh Nậu:

         -Chỉ tại cái thằng chết mất xác tê!

         Anh Nậu cũng ương không kém, tay đang bê chồng bát đĩa cũng dừng ngay lại. Ông Mười Chục bình tĩnh trở lại:

         -Thôi thôi chín bỏ làm mười. Uống nước đi, nghỉ ngơi một tí rồi ta còn phải đi thấu đêm nay chứ ít đường đất mô!.

         Ông Đồng Bạng hưởng ứng:

         -Phải phải, nói phải ông vải cũng phải nghe. Tôi xin tất cả các anh em!

         Tôi phải một phen hoảng vía. Chỉ lo họ lại đánh nhau nữa! Mình theo họ đi cốt kiếm miếng cơm ăn, chỉ sợ đầu chả phải, lại phải tai! Rất may là bản tính anh nông dân đều hiền rất hiền, cục rất cục, nóng đó lại nguội đó. Chính cái bàn tay thô kệch xù xì mới nắm chắc củ gừng thụi nhau, giờ đã xoè ra sẵn sàng sẻ nửa bát nước chè xanh Yên Lược, chia đôi điếu thuốc lào Thượng Đình. Anh Toàn Rậy giọng chỉ huy phát lệnh:

         -Lên đường!

         Ra đến ngõ, chợt nhớ chưa chào ông bà chủ nhà. Ông Đồng Bạng vội chạy trở lại xin lỗi và cám ơn ông chủ bà chủ.

         Rồi chúng tôi cất bước lên đường, mải miết đi trong đêm tối chỉ có ánh sao mờ…

(Nguồn: Tuấn Công Thư Phòng)




Sâu bọ làm người!  :potay: ..................     CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Con-sa12CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Con-sa11

_________________________
CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7118
Registration date : 01/04/2011

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ   CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 I_icon13Wed 07 Sep 2022, 12:16

Ai Hoa đã viết:
Trà Mi đã viết:
CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Hồi ký viết lúc hoàng hôn)

Hoàng Tuấn Phổ



CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Czi10

Cói Nga Sơn. Ảnh: ST


                    Anh Rậy bắt tôi phải xin phép xóm trưởng và thôn trưởng. Các ông ấy đồng ý mới cho theo nhóm đi Nga Sơn mua cói lác, mục đích làm chiếu.

         Ông xóm trưởng, thường gọi ông Tiệu Dễ, tên tục là Dễ, sinh con gái đầu đặt tên là Tiệu. Phong tục quê tôi, chưa có tên gọi là “đỏ”, có con gọi tên con, nếu không gọi thì “sái”. Nhưng dùng tên con mới mẻ, nhiều người khó hiểu, phải kèm tên chính, vì thế thành tên kép “Tiệu Dễ”. Ông Tiệu Dễ biết nghề đóng xay. Nghề này cũng là nghề “cơm bưng nước rót”, được bà con nông dân quý trọng. Nếu nhà nào đón được ông đóng xay có tay nghề tốt, thế nào cũng phải đi chợ Nguyễn mua thịt cá, trầu chè, chai rượu, gói thuốc lào Thượng Đình, tiền công tử tế. Xưa đóng cối xay tre, sau cải tiến đóng cối xay đất. Đất dùng cho đóng xay tốt nhất là đất tổ mối cồn Chè, bên cạnh gốc cây trôi cổ thụ đầu làng, phía trước nhà tôi.

         Nghề anh có một chiếc vồ
         Thêm đôi quang gánh, một bồ dăm xay
         Rong chơi khắp xứ Đông Đoài
         Cơm bưng nước rót, tối ngày đầy công
         Ai về Thủ Phú biết không
         Có ông phó cối, có ông thợ vồ…

         (Vè đóng xay)

         Nghề đóng xay của ông Tiệu Dễ kém thua thợ Thủ Phú (một làng biển, nay thuộc xã Quảng Hải). Trong làng nhà ai cần thiết mà không chờ được thợ Thủ Phú, thì phải mời ông. Hôm tôi đến, ông đang vót mấy cái nan tre làm vành xay. Ông không biết chữ, bảo tôi đọc tờ giấy cho nghe rồi cầm bút vạch mấy nét thành chữ “Dễ” giống rễ cây, cái thẳng cái cong…

         Ông thôn trưởng Nhẩy Dê cầm tờ giấy tôi đưa, đánh vần bập bõm. Tên chính ông là Dê, còn Nhẩy tên con gái đầu lòng. Cũng giống cách gọi tên kép như Tiệu Dễ. Nhà ông Dê, cha mẹ có cách đặt tên cho con cái nghe rất vui: Cáy, Rạm, Ngan, Vịt, Ngỗng, Thiến, Dê…

         Ông Thôn trưởng nghe tôi trình bày thêm cho rõ nội dung giấy tờ xong, viết nguệch ngoạc chữ “Dê” to tướng oai vệ bên cạnh chữ “Dễ”.  Đúng, ông là Thôn trưởng thì chữ ký phải to hơn Xóm trưởng chứ!

         Tôi hý hửng đem giấy về đưa anh Rậy xem. Không ngờ anh hạch: “Chữ ký mà không có dấu thì ai tin?”

         Tôi đành lóc cóc lên xã, bụng bảo dạ: Đây mới thật là cửa “sinh tử”! Ông xã mà “lắc đầu” thì hết đường kiếm sống, đành ngồi còm lưng ở nhà dệt chiếu, kiếm dăm xu một hào, không đủ cơm thì ăn cháo rau má (hồi này có mưa, rau má đã mọc xanh bờ xanh bái) còn hơn chán cái món cháo cám hạng ba!

         Tôi hồi hộp, chân bước rụt rè vào một nhà dân ở làng Trinh Xá, xã mượn tạm làm trụ sở. Tôi đặt tờ giấy lên bàn, nội dung xin đi mua cói Nga Sơn, đã có chữ ký xác nhận của hai vị Xóm trưởng và Thôn trưởng. Rồi tôi lùi lại sau mấy bước, chắp hai bàn tay trước bụng, kính cần đứng chờ, trống ngực đánh dồn dập hơn trống làng khi nhà cháy, vỡ đê…

         Ông uỷ ban xã tôi không rõ chức vụ cụ thể, nhưng nghe đại danh là Hàn Văn Thiệu, người đâu ở xóm Trại Chào. Trông mặt ông đã đủ sợ, đúng là “mặt sắt đen sì”, môi thâm bầm, lúc nào cũng hầm hầm như đang căm giận, thù hận ai…Ông Thiệu đọc kỹ tờ giấy, xem cẩn thận chữ ký, cất tiếng đanh thép, phát ra từng lời giữa hai hàm răng nghiến chặt:

         -Đi ví những ai?

         -Dạ thưa ông, tôi đi với anh Toàn Rậy, ông Đồng Bạng, anh Nậu, ông Mười Chục.

         Ông Thiệu nghĩ ngợi. Tôi cảm thấy mỗi giây dài bằng một năm! Chừng vài ba phút, ông cầm bút ghi loằng ngoằng những chữ như vẽ bùa, rồi lấy cái dấu trong túi vải nhỏ, ấn thật mạnh xuống tờ giấy xin phép của tôi. Tôi mừng quýnh, mừng đến nỗi phát run lên cầm cập. Khi đưa cả mười ngón tay đón tờ giấy xin phép, tôi cúi đầu, khom lưng vái chào ông Uỷ ban xã, thầm khen trông mặt mày thế mà nhân đức! Vừa nghĩ vừa rảo bước nhanh, chỉ lo ông ấy đổi ý, đòi tờ giấy lại!

         Đối với tôi, tờ giấy chẳng khác nào lá bùa hộ mệnh. Tôi báo cáo anh Rậy xong, vội gấp lại làm tư, cất cẩn thận vào túi áo ngực bên trong. Cái dấu uỷ ban xã là dấu chữ nhật, mực tím, không phải dấu vuông, nhưng anh Rậy xem xong cũng chẳng nói năng gì. Có lẽ đối với anh vuông hay tròn, bầu dục hay chữ nhật, thậm chí có méo một chút cũng không quan trọng gì. Cứ có cái hình gọi là dấu là được! Thì anh cũng chỉ trình độ “i tờ hai cái móc câu”, hơn ông Dê, ông Dễ một bậc!

         Đường từ làng quê tôi (Văn Đoài, Quảng Hoà, Quảng Xương, Thanh Hoá) ra đến Hói Đào, Tam Tổng, huyện Nga Sơn, giáp Phát Diệm, tỉnh  Ninh Bình, đi đường tắt có lẽ hơn 60km. Tôi và mấy ông trong tổ xuất phát từ 5 giờ chiều, đi suốt đêm, đến 5 giờ sáng mai thì đến nơi. Đúng như câu vè dân gian: “Sớm mai rời gót huyện Nga/Hậu-Hoằng rồi đến Quảng ta xế chiều…”

         Chúng tôi đi đường Cầu Lý, qua sông Lý-Hoành Đẩu-Dụ Côn, Cung Bịch, Ước Ngoại, Quảng Đông, Quảng Hưng, xuống đò Đại, lên chợ Quăng, trời bắt đầu tối. Chợ Quăng lớn nhất huyện Hoằng Hoá. Mấy ngôi hàng hiệu xây kiểu Tây, buổi tối ánh đèn măng xông chiếu sáng trong xanh, làm cho phong cảnh chợ lờ mờ ẩn hiện có vẻ sầm uất hiếm có ở chợ quê. Anh Rậy dẫn đầu, đưa chúng tôi vào một nhà quen nhờ nấu cơm ăn. Tôi là em rốt, ngô nghê không biết gì. Anh Nậu vào bếp nấu cơm. Ông Đồng Bạng lớn tuổi nhất cũng siêng năng chịu khó nhất, đi xin củi. Làng này ít ruộng, sống bằng nghề bán buôn chợ búa. Trong khi anh Rậy lên giường tranh thủ đánh ngủ khì, ông Mười Chục cũng ghé lưng nằm mép cạnh giường anh Rậy. Còn tôi không biết/không có việc gì, ngồi bệt xuống hè, tựa cột để nghỉ cái lưng đau sụn và hai tay bóp đôi bắp chân mỏi nhừ…

         Trong bếp, lửa cháy bùng bùng. Ông Đồng Bạng xin được ôm rơm để vần cơm, anh Nậu tha hồ khoanh cái nùn thật to quanh nồi, lại đắp phủ dầy lên phía trên nồi để cơm chóng chín. Ông Đồng Bạng thấy lửa cháy to, đang ở ngoài sân vội chạy vào bếp:

         -Rõ xắn tay áo sô đốt nhà táng giấy! Coi chừng đốt cả nhà người ta thì mấy anh em đi tù sớm!

         Anh Nậu liền dập bớt lửa. Nhưng lửa càng cháy lan rộng. Ông Đồng Bạng múc ngay mấy gáo nước đổ ào vào bếp. Lửa tắt, khói bay mù mịt xông cả lên nhà chính. Ông Mười Chục chạy ra mắng anh Nậu:

         -Coi chừng cháy bếp nhà người ta thì mi khốn!

         Toàn Rậy đang thiu thiu ngủ cũng giật mình nhổm dậy, cho ngay anh Nậu mấy cái bạt tai. Ông Mười Chục là anh vợ anh Nậu chạy lại can, bị Toàn Rậy đấm ngay một đấm. Thế là thành đám đánh nhau to. Ông Đồng Bạng lớn tuổi nhất, hiền lành nhất, cũng phải đứng ra can gián, giải hoà mãi. Ông chủ nhà đi chơi bên hàng xóm chạy về, bực mình:

         -Tôi biết các anh thế này thì không cho vô nhà. Thôi các anh cuốn gói đi sớm cho khuất mắt tôi!.

         Mấy anh em đều câm mồm in thin thít! Ông Đồng Bạng gãi tai thưa với ông chủ nhà:

         -Thôi anh em lớn người non dạ, trót dại dột, xin ông bà tha thứ. Đánh đứa chạy đi, không đánh kẻ chạy lại...

         Ông chủ lẳng lặng đi vào nhà. Anh Nậu bắc nồi cơm ra giữa sân, gãi tai mượn bà chủ bát đũa. Bà chủ hỏi lại:

         -Các anh đã có chi ăn chưa?

         Mọi người đồng thanh:

         -Dạ chưa ạ!

         Bà chủ nói:

         -Nhà tôi chỉ có cà muối mặn thôi!

         Ông Đồng Bạng xoa xoa hai tay:

         -Bà cho anh em tôi thấy trấy thì phúc đức quá!

         Bà chủ bưng ra một bát tô cà muối. Tôi gắp thử một quả, đúng là mặn quá, “mặn như thuốc độc”, lời mẹ tôi thường nói. Nhưng tôi im lặng, nghiêng răng cắn tí một để đưa đẩy miếng cơm. Tôi cố gắng lắm mới nuốt nổi. Ông Đồng Bạng bảo nhỏ tôi:

         -Chịu khó mà ăn cậu ạ. Đến trưa mai mới được ăn, đường còn xa, ăn ít thì đói chết!”. Vợ ông Đồng Bạng là con gái bà O tôi (chị ruột ông nội tôi) nên gọi tôi cách thân mật là “cậu”.

         Ăn cơm xong, ông Đồng Bạng bảo anh em:

         -Mới xuất quân đã “tiền đầu bất lợi”, chưa biết ngày mai sẽ ra răng!

         Anh Toàn Rậy tính ương, chỉ vào mặt anh Nậu:

         -Chỉ tại cái thằng chết mất xác tê!

         Anh Nậu cũng ương không kém, tay đang bê chồng bát đĩa cũng dừng ngay lại. Ông Mười Chục bình tĩnh trở lại:

         -Thôi thôi chín bỏ làm mười. Uống nước đi, nghỉ ngơi một tí rồi ta còn phải đi thấu đêm nay chứ ít đường đất mô!.

         Ông Đồng Bạng hưởng ứng:

         -Phải phải, nói phải ông vải cũng phải nghe. Tôi xin tất cả các anh em!

         Tôi phải một phen hoảng vía. Chỉ lo họ lại đánh nhau nữa! Mình theo họ đi cốt kiếm miếng cơm ăn, chỉ sợ đầu chả phải, lại phải tai! Rất may là bản tính anh nông dân đều hiền rất hiền, cục rất cục, nóng đó lại nguội đó. Chính cái bàn tay thô kệch xù xì mới nắm chắc củ gừng thụi nhau, giờ đã xoè ra sẵn sàng sẻ nửa bát nước chè xanh Yên Lược, chia đôi điếu thuốc lào Thượng Đình. Anh Toàn Rậy giọng chỉ huy phát lệnh:

         -Lên đường!

         Ra đến ngõ, chợt nhớ chưa chào ông bà chủ nhà. Ông Đồng Bạng vội chạy trở lại xin lỗi và cám ơn ông chủ bà chủ.

         Rồi chúng tôi cất bước lên đường, mải miết đi trong đêm tối chỉ có ánh sao mờ…

(Nguồn: Tuấn Công Thư Phòng)




Sâu bọ làm người!  :potay: ..................     CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Con-sa12CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Con-sa11

hổng phải làm bướm hở Thầy? :tongue:
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7118
Registration date : 01/04/2011

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ   CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 I_icon13Wed 07 Sep 2022, 12:32

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Hồi ký viết lúc hoàng hôn)

Hoàng Tuấn Phổ



CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Czi110

Cói Nga Sơn. Ảnh: ST


                     Đường đất mấp mô, khúc khuỷu, tôi thập thững bước thấp bước cao theo sau bậc đàn anh. Xuống đò Bút, ông chống đò hãy còn thức. Chúng tôi đi tiếp. Chân tôi mỏi nhừ, hai bàn chân bỏng rát. Sáng sớm hôm sau đến chợ Nghè Hậu Lộc, chúng tôi dừng lại nghỉ một lát.

Tôi phải mua đôi dép quai ngang. Trước, dép này bằng da bò, chỉ có một quai trước vừa hai ngón chân trước, quai sau vòng qua bàn chân chỗ cổ chân. Dép chuyên dùng cho dân lao động gánh gồng rong ruổi đường dài. Nay dép quai ngang bằng má lốp ô tô hỏng, quai từ xăm (săm) cao su cắt ra. Thời gian đầu đi chưa quen, quai dép cọ xát vào chân có bị trớt đôi ba chỗ, rồi quen dần. Được cái nhẹ, êm, bảo vệ bàn chân tốt mà giá rẻ hợp túi tiền hạng người nghèo như tôi. Dép cao su chính phẩm sẵn có nhưng giá cao, loại đế cong hình thuyền “mốt” nhất, đắt bằng cả gánh cói Nga Sơn gánh nặng è cổ! Mấy ông khác chẳng cần giày dép gì cả. Anh Toàn Rậy một bên gót chân chín dạn rỗ rần, phải đi cà nhót thế mà bước nhanh thoăn thoắt. Ông Đồng Bạng “đòn gánh tre chín dạn hai vai” chín cả hai bàn chân thành đôi dép …da chân. Ông Mười Ươm cũng dân lao động, chỉ gặp đá sỏi, gạch sành mới kêu đau. Anh Nậu không thấy kêu đau, kêu chói gì, chỉ lẳng lặng rảo bước, bàn chân không bén đất. Tôi phải rèn luyện đến bao giờ mới được như họ? Tôi hơn đứt họ về chữ nghĩa, nhưng chữ nghĩa thì ích lợi gì trong thời buổi vật chất đẻ ra tất cả?!

         Chẳng bao lâu chúng tôi đến đất cói Nga Sơn. Đó là thế giới cói, cũng là thiên đường cói.


CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Czi310

Cói Nga Sơn. Ảnh: ST


          Biển cói xanh ngút ngàn, mênh mông trên trời dưới cói! Cuộc đời no ấm, hạnh phúc là đây, ở đây. Dưới đồng những bè mảng cói xanh thong dong trôi lững thững trên đường nước rạch mới khơi dòng về bãi. Trên bãi cỏ bao la, cói chẻ rải ra trắng xoá một màu, nhấp nhô bóng người ngồi chẻ cói và đứng lom khom phơi trở cói. Thợ chẻ cói dàn rất nhanh trên bàn tay những gốc cói chen sít vào nhau phẳng lì và đặt lưỡi dao, lập tức cói bị chẻ đôi, loáng cái như tia chớp đã bị tung ra nhất loạt…Bây giờ hồi tưởng lại, tôi cảm thấy đứng trước người thợ chẻ cói thủ công, tay bút mình trở nên bất lực và ngôn từ không đủ để miêu tả những gì không phải kỹ thuật, mà nghệ thuật tài hoa của lớp người đã đi xa chẳng bao giờ trở lại…

         Trong lúc đang đói bụng, hấp dẫn nhất đối với chúng tôi là mấy gánh bún chả. Bún trắng ngần, chả nướng thơm lừng và rượu nếp, những chai rượu nếp trong vắt sủi tăm, những bát cơm rượu vàng sẫm thơm mùi vị nếp cái hoa vàng. Không ai bảo ai, chúng tôi rảo bước đi nhanh, trốn tránh sự cám dỗ của “thiên đường chết đói” khi trong túi chỉ có vài ba đồng bạc để nuôi sống cả nhà! Nhưng mùi thơm gợi vị ngon của bún chả, rượu nếp trong làn gió thoảng còn đuổi theo chúng tôi suốt chặng đường dài…

         Thực ra, ở đất cói, người được trả công cao nhất chỉ có thợ chẻ cói theo mùa, đến thợ dệt chiếu xe đay đủ công việc quanh năm. Khổ nhất thợ cắt cói, chở cói và trồng cói. Cho nên hạng thợ này đặt ca vè than vãn:

         Trời sinh cây cói làm chi
         Để cho kẻ khó phải đi lam làm
         Người Thanh cho chí người Nam
         Trần lưng khố rách lam làm kiếm cơm!

         (Ghi ở xã Nga Thái)



CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Czi410

Cói Nga Sơn. Ảnh: ST


         Cói Nga Sơn gốc từ Nam Định du nhập khoảng từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trên đất Tam Tổng do biển khơi bồi lấp. Đất tốt, cói tốt, chiếu đẹp, Đông Bắc Nga Sơn trở thành vùng đất giàu có, cơ hội để kẻ có của làm giàu. Những tay thợ chẻ cói, dệt cói, xe đay, đảo cói đều từ Nam Định, Kim Sơn, Tiền Hải, vào truyền nghề. Trong khi cói Quảng Xương vẫn theo kỹ thuật cổ truyền bị lạc vào một thế giới khác.

         Đến xã Nga Thái đã nhiều cói, nhưng theo bậc đàn anh đi trước, chúng tôi phải đến tận Hói Đào mới mua được cói rẻ. Hói Đào vốn là tên đặt một kênh mương dẫn thuỷ và tiêu thuỷ, thau chua rửa mặn cho đồng cói bên ngoài, ruộng lúa phía trong. Ở bên này Hói Đào là huyện Nga Sơn, bên kia Hói Đào thuộc đất tỉnh Ninh Bình, tiếp giáp tỉnh Nam Định. Qua cầu Hói Đào đến chợ Hói Đào rồi nhà thờ đá Phát Diệm, giáo xứ lâu đời miền Bắc của đạo Gia Tô. Nhà cửa dân Tam Tổng không cầu kỳ, cốt bền chắc. Nhà nào cũng cói xếp đầy tận nóc vì đang mùa thu hoạch. Dân theo đạo dễ bán dễ mua. Sau khi thăm cói một lượt, “chủ tướng” Toàn Rậy quyết định chọn mua nhà cói đẹp, giá hời, theo ý ông. Chúng tôi phải trèo lên tận nóc nhà tha hồ chọn bó cói ưng ý ném xuống đất. Cói ở đây bó nhỏ, mỗi bó là một gù, buộc hai đai to, trong ruột có một búi nhỏ cói rối thành cái bụng chửa phình để đánh đai buộc hai đầu được chặt, vì giống cói trơn dễ bị tuột đai khi vận chuyển. Ai không biết cho rằng người chủ cói độn giả để gù nhỏ thành gù to…

         Mua cói xong, người đóng gánh, người nấu cơm. Nhà sẵn bổi cói không phải lo chất đốt. Kinh tế họ cao, đất biển, cửa sông, bãi ngang bãi dọc nhiều tôm cá, nên không có cà muối nén, mắm mặn trữ lâu. Chúng tôi dọn cơm, nhà chủ bưng ra một nồi cá láo nháo lẫn lộn trích, đuôi gà, lành canh, lẹp, tôm sắt…ăn đủ bữa thì thôi.

         Anh Toàn Rậy, ông Đồng Bạng gánh nhiều nhất, mỗi người 14 gù. Hai anh em ông Mười Ươm 8 gù, tôi thử vai chỉ có 4 gù. Cơm nước xong, trời trưa tròn bóng, chúng tôi lên đường.

         Dọc đường từng chặng phải nghỉ, vì ông Mười Ươm kêu mệt. Tôi cũng thấy đau vai, mặc dù chỉ có 4 gù, đối với hai “lực sĩ” Đồng Bạng, Toàn Rậy đủ quắc mang tai! Chúng tôi về đến chợ Nghè (Hậu Lộc) mặt trời gần tắt. Hỏi mượn hàng quán nghỉ trọ và ăn cơm. Chợ Nghè cũng là chợ có tên tuổi:

         Đồn rằng Kim Tử lắm chè
         Tống Sơn lắm mía, chợ Nghè lắm khoai

         (Ca dao)

         Lắm khoai lang nên cơm gạo tương đối rẻ. Anh em chúng tôi cơm khoai chén được tất, chỉ cốt no lòng chắc dạ. Nhưng quán nào cũng xua tay lắc đầu. Trái lại, đối với cánh xe thồ, hàng nọ quán kia chào lấy mời để. Thì ra họ biết đám gánh bộ, túi lép, gạo không, ăn cơm hàng toàn ăn cơm bữa, mỗi người hai ống bơ gạo xơi không đủ, dễ bị lỗ vốn! Chúng tôi đành kéo nhau vào làng, trước xin nghỉ trọ, sau hỏi mua gạo, mượn nồi tự nấu ăn, còn tương cà dưa mắm đành qua bữa.

         Về đến nhà, chúng tôi ai cũng phải nghỉ chân một hôm rồi mới tiếp tục.

(Nguồn: Tuấn Công Thư Phòng)

Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ   CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ - Page 3 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG - HOÀNG TUẤN PHỔ
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 3 trong tổng số 6 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6  Next

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: Truyện Sưu tầm :: Hồi ký, tuỳ bút-