Nhận diện và phân loại từ ngữ Hán Việt trong tác phẩm Lục Vân Tiên Từ ngữ Hán Việt là chỉ chung về các loại từ đơn, từ láy, từ ghép và các loại ngữ, như: ngữ định danh, ngữ điển cố, thuật ngữ, thành ngữ thuộc phạm vi tác phẩm. Sau đây sẽ lần lượt đi vào từng lớp từ và ngữ cụ thể.
1. TỪ ĐƠN HÁN VIỆTTrong tác phẩm Lục Vân Tiên, ngoại trừ 4 từ đơn thuộc loại song tiết, như: lâu la(嘍 囉), mẫu đơn(牡 丹), phù du (蜉 蝣), bồ liễu (蒲 柳), còn đa phần đều là loại từ đơn đơn tiết, nên ở đây thống nhất một thuật ngữ: Từ đơn Hán Việt.
Xét về mặt âm đọc, ý nghĩa và phạm vi sử dụng thì lớp từ đơn Hán Việt này có thể trình bày bằng sơ đồ sau:
Sơ đồ phân lập từ đơn Hán Việt
(theo tiêu chí ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp)
1.1. TỪ ĐƠN HÁN VIỆT NHÌN TỪ TIÊU CHÍ NGỮ ÂM
Dựa trên hệ thống ngữ âm Hán Việt phổ thông bắt nguồn từ phiên thiết thì âm đọc của lớp từ đơn Hán Việt trong tác phẩm có thể chia thành hai loại lớn, đó là từ đơn thuần âm Hán Việt và từ đơn biến âm Hán Việt.
1.1.1. TỪ ĐƠN THUẦN ÂM HÁN VIỆT
Đây là loại từ đơn có âm đọc Hán Việt, hoặc tương ứng với phiên thiết hoặc mô phỏng theo phiên thiết, nhưng từ trước đến nay, chúng chỉ hành chức bằng một âm Hán Việt phổ thông. Từ tình hình cụ thể trong tác phẩm, loại từ đơn thuần âm Hán Việt này có mấy dạng sau:
(1) Từ đơn Hán Việt đọc âm Hán Việt phổ thông tương ứng với phiên thiết là các từ : thân (身 thi nhân thiết), bạn (伴 bạc oản thiết), chuyên (專 chu uyên thiết), án (案 ư cán thiết), cô (姑 cốc ô thiết), v.v..
Thuyết minh: Từ thân là âm Hán Việt phổ thông của thi nhân thiết. Cũng vậy, các từ bạn, chuyên, án, cô đều có âm đọc Hán Việt tương ứng với phiên thiết và những âm đọc này đều là âm Hán Việt phổ thông duy nhất trong tiếng Việt.
(2) Từ đơn Hán Việt đọc âm Hán Việt phổ thông mô phỏng phiên thiết là các từ : sầu (愁 sầm vưu thiết), thu (秋 thất ưu thiết), bổ (補 bốc ngũ thiết), ân (恩 a căn thiết).
Thuyết minh: Nhìn từ hệ thống ngữ âm phiên thiết thì thấy rằng, từ Hán Việt sầu chỉ đọc chệch phần vần của “sầm vưu thiết, vưu vận”; từ Hán Việt thu là đọc chệch phần vần của “thất ưu thiết, vưu vận”; từ Hán Việt ân là đọc chệch vần của “a căn thiết, nguyên vận”. Tuy nhiên, trong tiếng Việt từ trước đến nay chỉ thông dụng các âm Hán Việt: sầu, thu, bổ, ân mà không có các âm: sừu, thưu, bủ, an.
(3) Từ đơn Hán Việt đọc âm Hán Việt ít dùng tương ứng với phiên thiết là các từ : tuyền (全 tùng duyên thiết), lụy (淚 lộ vị thiết).
Thuyết minh: Từ đơn tuyền có phiên thiết là “tùng duyên thiết”, vậy tuyền là chính âm phiên thiết; từ đơn lụy có phiên thiết là “lộ vị thiết” thì lụy là chính âm phiên thiết. Nhưng các âm đọc này chỉ được sử dụng trong thi phú với mục đích hiệp vần, vì chúng còn có các âm Hán Việt phổ thông: toàn, lệ.
1.1.2. TỪ ĐƠN BIẾN ÂM HÁN VIỆT
Đây là loại từ đơn có hai âm Hán Việt của một từ Hán Việt. Một âm Hán Việt mô phỏng phiên thiết bằng cách đọc chệch phần vần, hoặc phụ âm đầu, và một âm Hán Việt khác tương ứng với phiên thiết. Loại này gồm có mấy dạng sau:
(1) Từ đơn Hán Việt đọc âm Hán Việt Nam bộ mô phỏng phiên thiết là các từ : nhơn (身nhân : y cân thiết), phước (福 phúc : phu ốc thiết), trào (朝 trì diêu thiết), hớn (漢 hắc án thiết), huờn (還 hồ ngoan thiết), v.v..
Thuyết minh: Những từ đơn Hán Việt đọc âm: nhơn, phước, võ, trào, hớn, ngãi đều được xem là âm Hán Việt phổ thông từ Nam trung bộ trở vào. Xét về những âm Hán Việt này thì thấy rằng chúng chỉ đọc chệch phần vần của thiết vận, như: nhơn, phước, trào, hớn, huờn,v.v.. Còn như âm Hán Việt sanh lại là chính âm của “sư hanh thiết, canh vận”; lịnh là âm Hán Việt theo “lại ánh thiết, kính vận”. Riêng âm Hán Việt võ lại có âm Hán Việt tương ứng với “vô phụ thiết, ngu vận”: vũ. Tuy nhiên, giữa hai âm Hán Việt này cũng có sự khu biệt về sắc thái nghĩa. Ví dụ, so sánh các tổ hợp: vũ trường/võ trường, vũ thuật/võ thuật, v.v. Hiện tựợng này cho thấy, nếu không nhìn vào hình thể chữ Hán thì cũng sẽ có thể hiểu rằng, vũ trường là nơi nhảy múa theo âm nhạc, còn võ trường là nơi luyện tập, hoặc thi đấu về võ nghệ; vũ thuật sẽ cho cách hiểu nước đôi: nghệ thuật biểu diễn nhảy múa, hoặc cách thức đánh võ, và vì vậy nó không rõ nghĩa bằng võ thuật.
(2) Từ đơn Hán Việt đọc âm Hán Việt Nam bộ kiêng tránh là các từ : kiểng (景 cảnh : kỷ ảnh thiết), trước (竹 trúc : trư úc thiết)
Thuyết minh: Xét về hai từ đơn Hán Việt kiêng tránh này thì thấy rằng âm kiểng giữ đúng phụ âm đầu của phiên thiết “kỷ ảnh thiết”, và chỉ thay đổi phần vần; ngược lại âm cảnh thì giữ đúng phần vần, nhưng thay đổi phụ âm đầu. Riêng âm trước thì chỉ thay đổi phần vần của thiết vận “trư úc thiết, ốc vận”.
Ngoài ra, trong tác phẩm Lục Vân Tiên còn có một số từ đơn Hán Việt thuộc loại đa âm đa nghĩa dụng. Đây là loại từ đơn tương ứng với một chữ Hán nhưng lại có hai âm đọc Hán Việt khác nhau theo hai phiên thiết khác nhau và được ghi bằng hai chữ quốc ngữ biểu thị những ý nghĩa khác nhau tùy theo phạm vi sử dụng. Những từ đơn tiết đa âm đa nghĩa dụng này đều được mượn thẳng từ tiếng Hán. Ví dụ, chữ Hán 傳 luôn hoạt động bằng hai âm phiên thiết trong tiếng Hán lẫn tiếng Việt. Trong tác phẩm Lục Vân Tiên, nếu theo phiên thiết thứ nhất “trục viện thiết” thì âm đọc Hán Việt là truyện, và vì vậy nó xuất hiện với tư cách là danh từ loại biệt trong tổ hợp “truyện Tây Minh” ; còn phiên thiết thứ hai là “trừ viên thiết” thì âm đọc Hán Việt lại là truyền, cho nên nó phải xuất hiện với tư cách là động từ như trong câu thơ “Truyền quân dẫn Trịnh Hâm vào”.
1.2. TỪ ĐƠN HÁN VIỆT NHÌN TỪ TIÊU CHÍ NGỮ NGHĨA
Nghĩa ở đây là ngữ nghĩa từ vựng của từ Hán Việt. Những nghĩa này, hoặc được vay mượn từ tiếng Hán, hoặc được hình thành trong câu thơ tiếng Việt của tác phẩm. Vì vậy, ngữ nghĩa của từ đơn Hán Việt ở đây có thể phân ra hai loại:
1.2.1. TỪ ĐƠN HÁN VIỆT NGUYÊN NGHĨA HÁN
Nguyên nghĩa ở đây là nói về nghĩa gốc và nghĩa phái sinh của tiếng Hán văn ngôn trong các từ Hán Việt, như: mai (梅), trúc (竹), thuyền (船), chí (志), sầu (愁), v.v.. Hoặc cũng có những từ Hán Việt đa nghĩa được vay mượn những nét nghĩa khác nhau để diễn đạt những khái niệm khác nhau trong từng câu thơ. Ví dụ, từ đạo được dùng hai lần trong hai ngữ cảnh với hai nguyên nghĩa khác nhau:
đạo 道 : Chiếc, lá, luồng ánh sáng (danh từ loại biệt)
Ví dụ : “Rày con xuống chốn phong trần,
Thầy cho hai đạo bùa thần đem theo”.
đạo 道 : Lẽ phải, đạo lý, đạo nghĩa làm người (danh từ trừu tượng)
Ví dụ : “Chàng đà về chốn cửu tuyền,
Thiếp lăm trọn đạo lánh miền gió trăng”.
Phần lớn những từ đơn Hán Việt sử dụng nguyên nghĩa đều là những từ đã nhập hệ tiếng Việt. Chúng có thể là những từ không có sự cạnh tranh của các từ thuần Việt, hoặc cũng có nhưng không quá cần thiết phải thay bằng từ thuần Việt. Chẳng hạn, danh từ loại biệt đạo hoàn toàn có thể thay bằng danh từ loại biệt lá như ta vẫn thường nói “lá bùa”, nhưng như thế thì sẽ thiếu phần trang trọng đối với một thuật ngữ.
1.2.2. TỪ ĐƠN HÁN VIỆT BIẾN NGHĨA VIỆT
Đây là những từ đơn Hán Việt hoạt động bằng nghĩa tiếng Việt trong câu thơ của tác phẩm. Chẳng hạn các từ bạn (伴) , hung (凶), mụ (姥), v.v..
Nhận xét từ bạn thì thấy rằng, nếu bạn trong câu “Sao không kết bạn mà đi tựu trường” mang nét nghĩa Hán : chúng bạn, bạn bè, thì trong ngữ cảnh :
“Nguyệt Nga bảng lảng bơ lơ,
Nửa tin rằng bạn nửa ngờ rằng ai”.
bạn đã từ nét nghĩa Hán chuyển sang nét nghĩa Việt: bạn lứa đôi, như người Nam bộ vẫn nói : “tôi làm bạn với bả tận nẳm”. Cũng vậy, trong câu “Mình cao đồ sộ dị kỳ rất hung, thì từ hung này phải hiểu theo nét nghĩa được hình thành trong tiếng Việt : tướng mạo, hình dáng to lớn dữ tợn, chứ không phải nói về hạng người độc ác xấu xa, hoặc hiện tượng không tốt, như trong tiếng Hán (hung : ác dã, bất cát dã, sát thương nhân giả viết hung 惡 也, 不 吉 也 , 殺 傷 人 者 曰 凶). Hoặc, như từ mụ, trong tiếng Hán mụ (姥) là một từ đa nghĩa. Theo tự điển Hán thì mụ gồm có ba nghĩa : bà già (lão niên phụ nữ, 老 年 婦 女), tiếng tự xưng của bà già (lão niên phụ nữ đích tự xưng, 老 年 婦 女的 自 稱), mẹ chồng (trượng phu đích mẫu thân, 丈 夫 的 母 親), (Cổ Hán ngữ thường dụng tự tự điển, tr.363). Thế nhưng, trong tác phẩm Lục Vân Tiên, mụ được sử dụng có phần khác với nét nghĩa và sắc thái vốn có. Nếu trong câu : “Ông hơ bụng dạ mụ hơ mặt mày”, từ mụ mang nét nghĩa là “bà già” trong xưng hô ở Nam bộ, thì mụ trong câu : “Ông rằng hỡi mụ Quỳnh Trang” lại là từ dùng để gọi người vợ già của ông chồng già trong gia đình; đến câu “Thể Loan cùng mụ Quỳnh Trang đeo sầu”, mụ trở thành từ được dùng để gọi chung những phụ nữ lớn tuổi, với hàm ý coi khinh. Như vậy, từ mụ ở đây đã được vay mượn theo nghĩa thứ nhất, và cũng có sự biến thiên đáng kể về sắc thái nghĩa tùy theo phạm vi hoạt động : từ cách xưng hô mang sắc thái trung tính trong tiếng Hán chuyển sang cách gọi thông tục, khinh thường trong tiếng Việt.
1.3. TỪ ĐƠN HÁN VIỆT NHÌN TỪ TIÊU CHÍ NGỮ PHÁP
Ngữ pháp nói ở đây là chỉ về khả năng đảm nhiệm một chức vụ nào đó trong hoạt động kết hợp của từ thuộc lĩnh vực phân tích từ loại. Trong tác phẩm, ngoài những từ đơn Hán Việt đã có sẵn tính chất từ loại, còn có một số từ đơn phải xác định từ loại của chúng trong từng câu thơ tiếng Việt. Nghĩa là chúng xuất hiện một cách linh hoạt mang tính từ loại lâm thời khi hoạt động trong một ngữ cảnh nhất định. Cũng lấy từ bạn 伴 làm ví dụ thì thấy rằng, nó có thể là một danh từ làm bổ ngữ với nét nghĩa : bạn bè, khi xuất hiện trong câu : “Trước là tìm bạn sau là nghỉ chân”, nhưng cũng có thể là động từ vị ngữ với nét nghĩa : làm bạn với nhau, kề cận bên nhau một cách hòa hợp khi hành chức trong câu: “Vầy sau trúc bạn cùng mai mới mầu”. Trong hai trường hợp trên, ở ngữ cảnh thứ nhất, tính danh từ của từ bạn thể hiện rõ nét nhờ kết hợp với động từ “tìm”; nhưng ở ngữ cảnh thứ hai từ bạn lại là một động từ gần như theo phương thức hoạt dụng trong tiếng Hán (Đông phong dĩ lục giang nam ngạn : Gió đông đã làm tươi xanh đôi bờ giang nam). Vì những lý do đó, vấn đề phân định từ loại của lớp từ đơn Hán Việt ở đây cũng chỉ có thể thực hiện ở những từ tiêu biểu.
Theo tiêu chí ngữ pháp thì từ đơn Hán Việt trong tác phẩm có thể xếp theo các từ loại: danh từ, động từ, tính từ.
1.3.1. Từ đơn Hán Việt là danh từ
truyện 傳 thân 身 quận 郡 huyện 縣
văn 文 võ 武 chí 志 hiệu 號
danh 名 đạo 道 án 案 phủ 府
cơ 機 sương 霜 tuyết 雪 bạn 伴
hội 會 dân 民 đảng 黨 tướng 將
quân 軍 sự 事 ân 恩 ý 意
trâm 簪 vật 物 hình 形 quan 官
mai 梅 hoa 花 lê 梨 lựu 榴
hòe 槐 trúc 竹 tùng 松 liễu 柳
trà 茶 khách 客 cảnh 景 mạng 命
đoàn 團 quán 館 tâm 心 lệ (lụy) 淚
cầm 琴 thi 詩 tràng 場 tang 葬
nhạn 鴈 sách 冊 ngục 獄 bức 幅
trần 塵 bồn 盆 thuyền 船 hoàn 丸
trướng 帳 chức 職 tượng 像 dân 民
triều 朝 ải 隘 dinh 營 thành 城
kiệu 轎 xiêm 襜 áo 襖 trượng 丈
bút 筆 khoa 科 đề 題 chỉ 旨
chùy 錐 lôi 雷 trận 陣 hào 濠
binh 兵 tội 罪 yến 燕 bằng 憑
kinh 京 thì 時 phòng 房 bệ 陛
nghiệp 業 kỳ 期 phận 分 thế 世
tình 情 hồn 魂 tài 才 hình 形
sương 霜 phú 賦 đàn 壇 phấn 粉
1.3.2. Từ đơn Hán Việt là động từ
Hoàn 還 hại 害 động 動 phòng 防
nghiệm 驗 cứu 救 đáp 答 định 定
tưởng 想 thương 傷 họa 畫 tả 寫
nguyện 願 sầu 愁 não 惱 cầu 求
cách 隔 trình 呈 kết 結 thưởng 賞
phiền 煩 đãi 待 đề(viết)題 cấm 禁
trúng 中 dưỡng 養 trương 張 hô 呼
chứng 證 tế 祭 dự 與 kình 擎
lãnh 領 ngâm 吟 giáng 降 thoát 脫
liệu 料 phụ 負 cam 甘 lâm 臨
nhượng 讓 tạ 謝 trị 治 sanh 生
dung 容 luận 論 suy 衰 đạp 沓
ẩn 隱 thông 通 phát 發 phá 破
chiếm 佔 hiềm 嫌 ngại 礙 giải 解
giả 假 lụy 累 học 學 lịnh 令
phán 判 tấu 奏 trừ 除 đình 停 tường 詳 ngâm 吟 lâm 臨 hòa 和
thỉnh 請 lập 立 động 動 dụng 用
phụ 負 phán 判 quyết 決 học 學
1.3.3. Từ đơn Hán Việt là tính từ
trinh 貞 minh 明 cao 高 oan 宛
vinh 榮 nịnh 佞 thâm 深 hung 凶
gian 奸 kỳ 奇 bình 平 khổ 苦
suy 衰 tuyền 全 hoang 荒 tạm 暫
Những từ đơn được thống kê trên đây là tính theo từng từ khác nhau, nếu tính theo lần gặp thì số lượng còn nhiều hơn nữa. Nhìn chung, trong tác phẩm Lục Vân Tiên chỉ có một vài từ đơn xuất hiện một lần, còn tất cả đều xuất hiện từ hai lần trở lên. Sau đây là một số từ đơn tiêu biểu có tần số xuất hiện khá cao trong các câu thơ của tác phẩm.
傷 thương (31 lần : 88, 476, 489 (2 lần), 491, 493, 495, 497, 499, 501, 504, 607, 920, 923, 944, 982, 1015, 1109, 1173, 1207, 1219, 1295, 1351, 1408, 1410, 1427, 1448, 1480, 1796, 1798, 2050)
情 tình (19 lần : 202, 238 (2 lần), 240, 277, 302, 586, 863, 883, 1040, 1062, 1138, 1171, 1198 (2 lần), 1212, 1424, 1496, 2004)
愁 sầu (10 lần : 80, 637, 642, 833, 1065, 1297, 1300, 1324, 1819, 2026)
身 thân (9 lần : 4, 617, 645 (2lần), 646 (2 lần), 1128, 1357, 1473)
霜 sương (5 lần : 86, 632, 938, 1074, 1646)
Trong tác phẩm Lục Vân Tiên, từ đơn Hán Việt là đại từ gồm có hai dạng. Dạng thứ nhất vốn là đại từ thật sự trong tiếng Hán văn ngôn. Dạng thứ hai là những đại từ lâm thời có tính riêng biệt thuộc phạm vi tác phẩm. Đó là:
- Từ đơn Hán Việt là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất của hàng vua chúa thời xưa, như trẫm (朕)
Ví dụ : “Phán rằng trẫm sợ nước Phiên”.
- Từ đơn Hán Việt là danh từ được dùng làm đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất của nữ giới thời xưa, như thiếp (妾)
Ví dụ : “Thơ rồi này thiếp xin dâng”.
- Từ đơn Hán Việt là đại từ xưng hô trong quan hệ gia tộc được dùng làm đại từ xưng trong xã hội, như ông (翁), bà (婆).
Ví dụ : “Ông rằng “nàng ở hà phương”.
“Lạc đường đến hỏi thăm nhà bà đây”.
- Từ đơn Hán Việt là tính từ được dùng làm đại từ nhân xưng lâm thời, như lão (佬).
Ví dụ : “Nầy thôi để lão dắt ngay về nhà”.
Hiện tượng trên cho thấy những từ đơn Hán Việt làm đại từ ở đây rất là phong phú chẳng khác gì một xã hội xưng hô được thu nhỏ vào trong tác phẩm.
Ngoài ra trong tác phẩm cũng có sử dụng một ít hư từ, như tuy (雖), tằng (曾), v.v..
Trong tiếng Hán văn ngôn thì tuy là liên từ được dùng khi có một ý trái ngược với hàm nghĩa : dầu, mặc dù (suy thác chi từ; túng dã; tức sử dã. Từ hải, tr. 4700); còn trong tiếng Việt, tuy được xếp vào loại kết từ qua cách giải thích : từ biểu thị điều sắp nêu ra là một sự thật đáng lẽ làm cho điều được nói đến không thể xảy ra, nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của điều vẫn xảy ra ấy (Từ điển tiếng Việt, tr. 1030). Như vậy, trong hai từ điển Hán và Việt đều xác nhận tuy là một liên từ (kết từ) như trong câu: “Tuy là soi khắp mọi nơi,
Khi mờ khi tỏ khi vơi khi đầy”
Nhận xét thêm về liên từ thì tuy ở đây lại có mối quan hệ phụ thuộc. Nó có thể được dùng với một liên từ khác thành cặp sóng đôi, trong đó liên từ mang tính phụ thuộc là quan trọng, liên từ còn lại có thể vắng mặt. Cách dùng này có thể diễn đạt : “Tuy là soi khắp mọi nơi, (nhưng) khi mờ,...”
Trong khi đó tằng lại là một phó từ thuần túy với nét nghĩa: từng, đã từng, đã trải qua, như trong câu thơ :
“Quán rằng kinh sử đã tằng,
Xem rồi lấy thấy lòng hằng xót xa”
Trong tác phẩm Lục Vân Tiên cũng có sử dụng loại từ láy, như: bôn bôn(奔奔), bôn ba (奔波), lưu linh (流伶), thung dung (從容),linh đinh (伶仃),bồi hồi (徘徊) , bàng hoàng (徬徨).
Để xét xem bôn bôn có phải là từ láy hay không, ở đây có thể thử nghiệm một so sánh: nếu như xinh xinh trong tiếng Việt được xem là dạng từ láy với sắc thái nghiã kém hơn xinh, thì bôn bôn lại có sắc thái nghĩa cao hơn bôn. Nó khác với bôn ở chỗ: vừa nhanh vừa vội vàng không theo một định hướng. Thêm vào đó bôn bôn còn là một phần của dạng láy tư bôn bôn ba ba trong tiếng Việt địa phương. Vì vậy bôn bôn vẫn được xem là từ láy Hán Việt.
Theo tác giả Hồ Lê (Cấu tạo từ tiếng Việt hiện đại, Tr. 239-274), thì cũng có thể dùng trọng âm để xác định về từ láy. Trong từ láy, trọng âm chính chỉ tồn tại ở một bộ phận của từ. Vậy thì, trọng âm chính của bôn ba là ở bôn; trọng âm chính của lưu linh là ở lưu, trọng âm chính của thung dung là ở thung; trọng âm chính của linh đinh là ở linh. Riêng hai từ láy bồi hồi và bàng hoàng thì cũng khó nhận ra trọng âm chính nằm ở yếu tố nào. Để giải quyết tình trạng kém minh xác này cũng có thể căn cứ vào cách láy toàn phần thuộc dạng điệp từ hồi hồi, hoàng hoàng trong tiếng Hán thì thấy rằng trọng âm chính của bồi hồi là ở hồi và bàng hoàng là ở hoàng. (Văn tuyển Dương Hùng, Cam tuyền phú: Đồ hồi hồi dĩ hoàng hoàng hề, ...chú: hồi hoàng vị tâm kinh. Từ hải trích dẫn, tr. 1733)
2. TỪ GHÉP HÁN VIỆT
Từ ghép Hán Việt là những từ do hai yếu tố Hán Việt có nghĩa ghép lại với nhau mà thành. Trong tác phẩm Lục Vân Tiên từ ghép Hán Việt có thể trình bày như sơ đồ sau:
Sơ đồ phân lập từ ghép Hán Việt
(theo ba tiêu chí ngữ âm, ngữ nghiã và ngữ pháp)
Từ sơ đồ phân lập, trước hết có thể tiếp cận lớp từ ghép Hán Việt này qua tiêu chí ngữ âm.
2.1. TỪ GHÉP HÁN VIỆT NHÌN TỪ TIÊU CHÍ NGỮ ÂM
Từ hệ thống ngữ âm Hán Việt bắt nguồn từ thiết vận tiếng Hán, lớp từ ghép Hán Việt ở đây gồm có hai loại lớn, như sau:
2.1.1. TỪ GHÉP THUẦN ÂM HÁN VIỆT
Đây là những từ ghép mà hai yếu tố Hán Việt tạo nên nó đều đọc âm Hán Việt phổ thông tương ứng với phiên thiết, hoặc có một yếu tố đọc âm Hán Việt phổ thông mô phỏng phiên thiết. Nhưng cả hai dạng âm Hán Việt này đều không có âm Hán Việt khác cạnh tranh. Những từ ghép loại này được phân thành hai tiểu loại, đó là:
(1) Từ ghép Hán Việt thuần âm Hán Việt phổ thông tương ứng với phiên thiết là các từ: tiết hạnh (節 tiết: tức yết thiết, 行 hạnh: hộ canh thiết), từ tạ (辭 từ : tập từ thiết; 謝 tạ: tập dạ thiết), lôi đình (雷 lôi: lư hồi thiết; 霆 đình: đề hình thiết), v.v..
Thuyết minh: Xét trong các từ ghép trên thì thấy rằng, cả hai yếu tố Hán Việt tạo nên chúng đều đọc âm Hán Việt phổ thông duy nhất tương ứng với phiên thiết. Chẳng hạn, trong từ ghép tiết hạnh thì tiết là âm Hán Việt của “tức yết thiết”; hạnh là âm Hán Việt của “hộ canh thiết” v.v..
(2) Từ ghép Hán Việt thuần âm Hán Việt phổ thông. Một yếu tố Hán Việt âm phổ thông không tương ứng phiên thiết và một yếu tố Hán Việt âm phổ thông tương ứng với phiên thiết, như : sơn xuyên (山 sơn: sư gian thiết = san, 川 xuyên: xuất uyên thiết), kinh kỳ (京 kinh: kỳ anh thiết = canh, 畿 kỳ: cần nghi thiết), v.v..
Thuyết minh: Xét trong từ ghép Hán Việt sơn xuyên thì sơn là âm Hán Việt phổ thông mô phỏng theo “sư gian thiết”; xuyên là âm Hán Việt phổ thông tương ứng với “xuất uyên thiết”, v.v..
2.1.2. TỪ GHÉP BIẾN ÂM HÁN VIỆT
Từ ghép biến âm Hán Việt là những từ ghép mà trong hai yếu tố tạo nên nó có một yếu tố Hán Việt biến âm cục bộ ở thanh điệu hoặc vần điệu.
(1) Từ ghép Hán Việt có yếu tố Hán Việt biến âm cục bộ vần điệu mô phỏng phiên thiết là các từ: Châu diệc (周 易), giáp tí (甲子), trước lâm (竹 林).
Thuyết minh: Trong từ ghép Châu diệc thì diệc là âm Hán Việt biến vần từ “怡 籍 di tịch thiết, 陌 mạch vận”; âm Hán Việt tí là biến vần từ “咨 此 tư thử thiết”, trước là biến vần từ “豬 郁 trư úc thiết, 屋 ốc vận”.
2.1.4. Từ ghép Hán Việt có yếu tố Hán Việt biến âm cục bộ thanh điệu mô phỏng phiên thiết là các từ: chúc nguyền (祝 願), khuyên giáo (勸 教), v.v..
Thuyết minh: Trong từ ghép chúc nguyền thì nguyền là âm Hán Việt biến thnh từ “遇 勸 ngộ khuyến thiết”; khuyên là biến thanh từ “去 怨 khứ oán thiết, 愿 nguyện vận”.
2.2. TỪ GHÉP HÁN VIỆT NHÌN TỪ TIÊU CHÍ NGỮ NGHĨA
Nghĩa ở đây là nói về nghĩa từ vựng của từ Hán Việt. Những nét nghĩa này bao gồm nghĩa gốc, nghĩa phái sinh trong tiếng Hán và những nghĩa được hình thành trong tiếng Việt. Vì vậy, ngữ nghĩa của từ ghép Hán Việt có thể chia ra hai loại loại nhỏ, như sau:
2.2.1. TỪ GHÉP HÁN VIỆT NGUYÊN NGHĨA HÁN
Trong tác phẩm, đa phần những từ ghép Hán Việt thường được dẫn dụng qua một nét nghĩa nào đó vốn có của tiếng Hán. Những từ ghép Hán Việt được sử dụng theo nguyên nghĩa này bao gồm hai loại chính phụ và đẳng lập, chúng có thể là những từ ngữ thuần túy văn học, song cũng có thể là một điển cố dưới dạng từ ngữ. Đó là các từ nhân tình, thế sự, hồ nghi, tào khang, v.v.. Đối với các từ ghép này, trong từ điển Hán cũng như từ điển Hán Việt đều có sự giải thích thống nhất về nghĩa gốc cũng như nghĩa phái sinh. Ví dụ :
hồ nghi 狐疑 (Hán) : hồ tính đa nghi, cố thế vị nhân lâm sự do dự viết hồ nghi (狐 性 多 疑 故 世 謂 人 臨 事 猶 豫 曰 狐疑).
(Hán Việt) : tính con cáo hay nghi ngờ, đa nghi; chỉ sự ngờ vực, chưa hiểu rõ vấn đề
thế sự 世 事 (Hán) : vị thế gian chi sự, thế giới thượng các chủng các dạng đích sự tình (謂 世間 之 事 世界 上 各 種 各 樣 的 事情).
(Hán Việt) : việc đời, chuyện đời.
tào khang 糟 糠 (Hán) : bần giả sở thực chi thô lương, vị bần cùng thời chi thê (貧 者 所 食 之 粗 糧, 謂 貧 窮 時 之 妻).
(Hán Việt) : (bã rượu và cám) thứ đồ ăn xấu của người nghèo, sau dùng để chỉ người vợ sống với nhau từ lúc hàn vi. Cũng dùng để chỉ tình nghĩa vợ chồng thuở còn nghèo nàn.
2.2.2. TỪ GHÉP HÁN VIỆT BIẾN NGHĨA VIỆT
Đây là những từ ghép có sự thay đổi về ngữ nghĩa khi hoạt động trong câu thơ tiếng Việt thuộc phạm vi tác phẩm. Sự biến nghĩa này, so với nét nghĩa trong tiếng Hán thì có khi nó là sự thu hẹp có khi lại là mở rộng.
Về phương diện mở rộng nghĩa trong tiếng Việt thì có thể lấy từ ghép phong trần (風塵) làm ví dụ. Nó có thể xuất hiện bằng nét nghĩa vốn có là gió và bụi, là chỉ về cõi đời nhiễu nhương (phong khởi trần dương, trạng thế sự chi nhiễu nhương. 風 起 塵 揚, 狀 世 事 之 擾 攘. Từ hải, tr. 4846) của tiếng Hán như trong câu thơ : “Rày con xuống chốn phong trần”; song cũng từ cơ sở của nét nghĩa Hán này mà phái sinh thêm nét nghĩa Việt là long đong, vất vả như trong câu: “Phong trần ai cũng phong trần như ai”. Hoặc trong tiếng Hán từ sự nghiệp gồm hai yếu tố mang nét nguyên nhân kết quả : làm một việc gì thì gọi là sự, sự việc ấy thành công thì gọi là nghiệp (sở doanh vị chi sự, sự thành vị chi nghiệp. 所 營 謂 之 事 事 成 謂 之 業. Từ hải, tr.195), nhưng trong câu : “Nước trôi sự nghiệp hoa tàn công danh” thì sự nghiệp lại được chuyển rộng sang nét nghĩa : công việc to lớn của nam nhi nhằm phục vụ quốc gia, dân tộc với cách trang trọng hóa từ ngữ trong cấu trúc liên hợp “sự nghiệp ... công danh” của tác giả.
Về phương diện thu hẹp nghĩa theo cách làm mờ nghĩa một yếu tố và biến nó thành đồng nghĩa với yếu tố kia, đồng thời cấp cho cả từ một nét nghĩa mang tính thành ngữ dựa vào yếu tố chính thì có thể xét thấy trong từ ghép ma quỉ (魔鬼). Nhìn từ góc độ tiếng Hán thì yếu tố ma không phải là chỉ người chết mà là một khái niệm về sự ngăn che, phá hoại (ma kỳ nghĩa vi chướng hại, phá hoại đẳng. 魔 其 義 為 障 害 波壞 等. Từ hải, tr. 4972), hoặc nói về một thói quen không thể dẹp bỏ (phàm sự thành tập bất năng bài trừ giả giai vị chi ma. 凡 事 成 習 不 能 排 除者 皆 謂 之 魔. Từ hải, tr. 4972). Còn quỉ mới là yếu tố chỉ linh hồn người chết (nhân tử viết quỉ. 禮 祭 法 人 死 曰 鬼. Lễ, Tế pháp). Vì vậy, quỉ không mang nghĩa xấu, như Trần Bình Trọng dùng tiếng Hán để trả lời tướng giặc Minh : “Ninh vi Nam quỉ bất vi Bắc vương” (寧 為 南 鬼 不 為 北 王. thà làm quỉ (ma) nước Nam chứ không làm vua đất Bắc). Trong khi đó, ở tiếng Việt ma và quỉ đều được dùng để chỉ linh hồn người chết, nhưng cũng có sự phân biệt, nếu ma là linh hồn người mới chết, thì quỉ lại là linh hồn người chết lâu năm biến thành, dữ tợn và quái ác hơn ma. Khi hai yếu tố này kết hợp lại với nhau và trở thành một từ ghép thì nó thể hiện nét nghĩa khái quát về thế giới vô hình thuộc cõi âm, chuyên quấy phá con người như trong câu thơ: “Vì chưng ma quỉ lộ trình rất thiêng”.
2.3. TỪ GHÉP HÁN VIỆT NHÌN TỪ TIÊU CHÍ NGỮ PHÁP
Xuất hiện trong tác phẩm Nôm ở nửa thế kỷ XIX, dù là vay mượn hay tự tạo, lớp từ ghép Hán Việt này đa phần đều theo cấu trúc từ pháp tiếng Hán. Căn cứ vào mối quan hệ của những thành tố của từ, tất cả từ ghép Hán Việt trong hai văn bản có thể chia thành hai loại lớn, đó là từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ.
2.3.1. TỪ GHÉP ĐẲNG LẬP HÁN VIỆT
Trong tác phẩm Lục Vân Tiên từ ghép đẳng lập Hán Việt có thể phân thành danh từ, động từ và tính từ.
2.3.1.1. Từ ghép đẳng lập Hán Việt là danh từ
Đây là loại từ ghép đẳng lập Hán Việt được cấu tạo bởi hai yếu tố vốn đều là những danh từ đơn tiết trong tiếng Hán, và khi hành chức trong phạm vi hai văn bản thì chúng đảm nhận chức vụ danh từ, đó là các từ :
long vân 龍雲 phong trần 風塵 thôn hương 村鄉
khí tượng 氣象 tinh thần 精神 âm hao 音耗
phong cảnh 風景 dung nhan 容顏 bút nghiên 筆硯
anh hào 英豪 sơn xuyên 山川 danh tánh 名姓
tướng mạo 相貌 công danh 功名 đơn quế 丹桂
lương đống 樑棟 hồng hộc 鴻鵠 quân thần 君臣
quán xá 館舍 danh lợi 名利 yêu quái 妖怪
công hầu 公候 cầm thú 禽獸 nguyệt hoa 月花
thân danh 身名 phụ tử 父子 sự nghiệp 事業
sương tuyết 霜雪 trâm anh 簪瓔 đài các 臺閣
quan san 關山 phần mộ 墳墓 sử kinh 史經
dung nghi 容儀 binh mã 兵馬 qua mâu 戈矛
lôi đình 雷霆 tật bịnh 疾病 uyên ương 鴛鴦
cốt cách 骨格 tánh tự 姓字 văn vật 文物 quán xá 館舍 thân thể 身體 quỉ thần 鬼神
ma quỉ 魔鬼 kinh quyền 經權 can qua 杆戈 thân hình 身形 lâm sơn 林山 thất gia 室家 loan phụng 鸞鳳 nhật nguyệt 日月 tình ý 情意 phu phụ 夫婦 phong ba 風波 ân tình 恩情
tả hữu 左右 tài trí 才智 tai ương 災殃
hồn phách 魂魄 hài cốt 骸骨 hồng hộc 鴻鵠
2.3.1.2. Từ ghép đẳng lập Hán Việt là động từ
Đây là những từ ghép đẳng lập Hán Việt được cấu tạo bởi hai yếu tố vốn là động từ đơn tiết trong tiếng Hán, và trong câu thơ tiếng Việt, chúng cũng xuất hiện với tư cách là những động từ ghép, đó là :
báo bổ 報補 báo đáp 報答 từ tạ 辭謝
từ biệt 辭別 phân băng 分崩 ẩn tàng 隱藏
qui lai 歸來 cảm thương 感傷 ẩn dật 隱逸 sanh thành 生成 cáo tạ 告辭 oán hận 怨恨
bảo hộ 保護 bảo dưỡng 保養 cự đương 拒當
biến hô 變呼 trữ dưỡng 貯養 xử phân 處分
bộ hành 步行 phản hồi 返回 học hành 學行
dưỡng dục 養育 phù trì 扶持 giao hòa 交和
đề huề 提攜 phấn phát 奮發 thảm sầu 慘愁
ưu phiền 優煩 nghĩ lượng 擬量 báo ứng 報應
2.3.1.3. Từ ghép đẳng lập Hán Việt là tính từ
Trong tác phẩm Lục Vân Tiên, những từ ghép Hán Việt là tính từ cũng được cấu tạo bởi hai yếu tố vốn là tính từ đơn tiết trong tiếng Hán, đó là các từ:
hiển vinh 顯榮 thủy chung 始終 chánh tà 正邪
gian truân 艱迍 nguy hiểm 危險 hoạn nạn 患難
gian nan 艱難 phú quí 富貴 tài tình 才情
an nhàn 安閒 chính chuyên 正專 chỉnh tề 整齊
nghiêm trang 嚴莊 trinh tiết 貞節 gian tà 奸邪
thị phi 是非 hào hoa 豪華 u minh 幽冥
cẩn nhiệm 僅任 trung chánh 忠正 dị kỳ 異奇
tầm thường 尋常 trung hiếu 忠孝 tiết hạnh 節行
2.3.2. TỪ GHÉP CHÍNH PHỤ HÁN VIỆT
Từ ghép chính phụ trong tác phẩm Lục Vân Tiên, gồm có hai loại lớn như sau:
2.3.2.1. Từ ghép chính phụ Hán Việt phụ trước chính sau
Đây là loại từ ghép Hán Việt mà yếu tố đứng sau là chủ thể, còn yếu tố đứng trước hạn định yếu tố đứng sau. Đó là các từ:
nhơn tình 人情 khoa tràng 科場 hậu đàng 後堂
khoa kỳ 科期 sự tình 事情 tiền đường 前堂
bắc phương 北方 tiền trình 前程 sơn đài 山臺
khuê môn 閨門 văn nhân 文人 tiên tử 仙子
quan ải 關隘 hoa đình 花庭 hương án 香案
võ miếu 武廟 thanh khâm 青衾 lê đình 梨庭
kinh địa 京地 cúc hương 菊香 bàn thạch 盤石
dương gian 陽間 tam canh 三更 đông phương 東方
mẫu tang 母葬 dương trần 陽塵 thế lợi 世利
nhân gian 人間 sơn trung 山中 thế sự 世事
huyện đàng 縣堂 châu lụy 珠淚 gia thần 家臣
âm cung 陰宮 trướng tiền 帳前 ải quan 隘關
hậu sinh 後生 tượng nhân 像人 dạ đài 夜臺
kim giai 金階 âm ti 陰司 học đường 學堂
tọa tiền 座前 khải ca 凱歌 hung đồ 凶徒
lộ trình 路程 cô bồng 孤蓬 hảo tâm 好心
cố tri 故知 oan gia 冤家 danh nhu 名儒
thất phu 匹夫 sơn quân 山君 ngư phủ 漁父
cử nhân 舉人 giang trung 江中 thiên hoang 天荒
tứ chi 四肢 song thân 雙親 lưỡng biên 兩邊
tái sanh 再生 chư hữu 諸友 cựu hiềm 舊嫌
2.3.2.2. Từ ghép chính phụ Hán Việt chính trước phụ sau
Đây là những từ ghép mà các yếu tố tạo nên nó theo trật tự thuận như từ ghép chính phụ thuần Việt. Tuy nhiên, các yếu tố này khi kết hợp lại với nhau thì sẽ thể hiện nét nghĩa mang tính thành ngữ cho cả từ. Đó là các từ:
xuất hành 出行 lập thân 立身 hộ thân 護身 đăng trình 登程 hành hung 行凶 bất kỳ 不期
vô duyên 無緣 hữu duyên 有緣 gia công 加工 tống tình 送情 bất bình 不平 liễm dung 斂容 bất tài 不才 khai phong 開封 lâm nguy 臨危 đoạn trường 斷腸 giải phiền 解煩 giải nguy 解危 báo hiếu 報孝 tị trần 避塵 an dinh 安營
bất hiếu 不孝 cách chức 革職 bình tặc 平賊
bất nhân 不仁 cứu khổ 救苦 cứu tử 救死
ai hoài 哀懷 hồi trào 回朝 đăng đàn 登壇
khuynh thành 傾城 bãi binh 擺兵 thuận tình 順情
quyên sinh 捐生 báo chúa 報主 sự phu 事夫
chung thân 終身 tri âm 知音 xuất giá 出嫁
trá hôn 詐婚 dung thân 容身 định hồn 定魂
chấp nhứt 執一 biếm quyền 貶權 cảm nghĩa 感義
ứng kỳ 應期 đề binh 提兵 tấn binh 進兵
kinh hồn 驚魂 hồi hương 回鄉 lậu tình 漏情
bi thiết 悲切 cách diễn 隔演 tỉnh thân 省親
thủ khoa 首科 tháp tùng 插從 xuất chinh 出征
Ngoài ra, trong tác phẩm Lục Vân Tiên cũng có một số từ ghép chính phụ là đại từ. Chúng đều là những từ xưng hô về các mối quan hệ trong xã hội Việt Nam trung đại theo tiếng Hán văn ngôn, và còn có cả những đại từ xưng hô theo dạng điệp từ của tiếng bạch thoại, đó là :
tôn sư 尊師 tiểu sinh 小生 quân tử 君子
tiểu tử 小子 tiện thiếp 賤妾 nhạc gia 岳家
nghĩa tế 義婿 ca ca 哥哥 tẩu tẩu 嫂嫂
ái nữ 愛女 ngọc hữu 玉友 Tiên sư 先師
Trong tác phẩm có một số ngữ định danh, nhưng đều không có thực mà là do tác giả đặt ra. Cho nên, ở đây xếp chúng vào loại ngữ định danh ước lệ. Về nhân danh ước lệ thì có Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Vương Tử Trực, Võ Thể Loan, Võ công, Lục ông, Bùi công, Quỳnh trang, Hớn Minh, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm. Địa danh ước lệ: Trà Hương thôn, Hà khê phủ, Đông thành, Quận thành, Hàn giang, Đại đề, Tây viên, Ô qua.
3. NGỮ ĐIỂN CỐ HÁN VIỆT
Nhìn chung, ngữ điển cố Hán Việt trong tác phẩm Lục Vân Tiên được liệt kê thành mấy loại sau:
3.1. Loại điển cố sử địa, hiện thực (bao gồm nhân danh, địa danh, sơn danh, thành danh, quốc hiệu, vương hiệu, v.v.) :
Kiệt, Trụ 桀,紂 U, Lệ 幽,厲 Tống, Vệ 宋,衛
Trần, Khuông陳,匡 Thúc Quí 叔季 Ngũ Bá 五霸
Tử Lộ 子路 Nhan Uyên 顏淵 Triệu Tử 趙子
Như Hoành 如衡 Ngô Khởi 吳起 Mãi Thần 買臣
Tôn Tẫn 孫儐 Bạch Hàm 白頷 Gia Các 諸葛
Bàng Quyên 龐涓 Ngũ Bá 五霸 Thúc Quí 叔季
Hớn mạt 漢末 Đồng tử 董子 NguyênLượng元諒
Hàn Dũ 翰愈 Thái Công 太公 Hoàn Công 桓 公
Liêm Lạc 廉洛 Sào Phủ 巢父 Hứa Do 許由
Trần Đoàn 陳團 Võ Hậu 武后 Ngũ Viên 五員
Hạng Võ 項羽 Tống công 宋公 Tử Củ 子糾
Tiểu Lạc 剿剌 Thế Dân 世民 Bất Vi 不圍
Dị Nhân 異人 Điêu Thuyền貂嬋 Đường cung 唐宮
Diên Thọ 延壽 Hồ Dương 胡楊 Hạ Cơ 夏姬
Doãn Phủ 允府 Trần Quân 陳君 Di, Tề 夷,齊
Dị Ky 異姬 Như Ý 如意 Văn Quân 文君
Đổng Công 董公 Tam Tư 三思 Tạ nữ 謝女
Hồ Việt 胡越 Nghiêm lăng嚴陵 Lư san 蘆山
Ô giang 烏江 Tràng thành 長城 Cam tuyền 甘泉
Thái sơn 泰山 Hồng mao 鴻毛 Thiên sơn 千山
Man khê 蠻溪 Tràng dương長楊 doanh Liễu 營柳
Hàm dương 咸陽 Tiêu tương 瀟湘 Bạch thành 白城
Thanh Hải 青海 Hán, Hồ 漢,胡 Nghiêu, Thuấn堯舜
Hãn hải 瀚海 Tiêu quan 簫關 Hán dương 漢楊
Hoàng hoa 黃花 Dương đài 陽臺 Thuyền Vu 單于
Lạc dương 洛陽 Tương phố 湘 浦 Ngọc quan 玉關
Lữ hậu 呂后 Từ phi 辭妃
Lã Phụng Tiên 呂鳳 先 Lũng tây nham 隴西岩
Bình nam ngũ hổ 平南五虎 Chiêu Quân cống Hồ 昭君貢 胡
3.2. Loại điển cố truyền thuyết văn chương, thư tịch y dịch:
Nguyệt lão 月老 Ngưu lang 牛郎 Chức nữ 織女
Bàn cổ 盤古 Vương Mẫu 王母 Tam phủ 三府
Xích lân 赤磷 Động đình 洞庭 Hán giang 漢江
Lưu Kỷ 蘆机 LươngNgọc 良玉 Hạnh Nguyên 杏元
tao khang 糟糠 tang bồng 桑蓬 thanh khâm 青衾
Nam giản 南澗 Đông sàng 東床 Đại khoa 大科
tiểu khoa 小科 Bồng lai 蓬萊 Nam tào 南曹
huỳnh tuyền 黃泉 sâm thương 參商 dương liễu 揚柳
Ô kiều 烏橋 Trì linh 池靈 cửu tuyền 九泉
linh phụng ngô đồng靈 鳳 梧桐 Công chúa ngũ long 公 主 五 龍
Đại thánh Tề Thiên 大 聖 齊 天 Thiên tướng thiên binh 天 將天兵
Nội kinh 內徑 Y học 醫學 Thọ thế 壽世
Đông y 東醫 Cang mục 綱目 Thanh nang 青囊
Ngự toản 御算 Hồi xuân 回春 Lục quân 六君
Tứ vật 四物 Thập toàn 十全 Bát vị 八味
Ngũ sài 五柴 Tư âm 滋陰 Huỳnh liên 黃連
Huỳnh bá 黃柏 Huỳnh cầm 黃芩 Vạn linh 萬靈
Hoàn tình 丸睛 Châu diệc 周易 Huỳnh kim 黃金
Dã hạc 野鶴
Bát trận tân phương 八陣新方 Ngân hải tinh vi 銀海精微
4. THUẬT NGỮ HÁN VIỆT
Trong tác phẩm cũng có sử dụng khá nhiều thuật ngữ Hán Việt. Những thuật ngữ này đều có tính chuyên ngành, đó là:
4.1. Thuật ngữ trong ngành Đông y, gồm có :
mạch 脈 điều (hòa thuốc)調 vị (thuốc) 味
gia 加 bội 倍 bổ (thuốc) 補
thang danh 湯名 điểm (thuốc) 點 nội thương 內傷
đầu thang 投湯 lục bộ 六部 phù hồng 浮洪
kinh lạc 經絡 giáng hỏa 降火 nhiệt tâm 熱心
ngoại cảm 外感 ngoại khoa 外科 phù hồng 浮洪
quân thần 君臣 (quân thần tá sứ)
tam tiêu tích nhiệt 三 焦積 熱 mạng môn tướng hỏa 命 門 相 火
4.2. Thuật ngữ trong tôn giáo, dịch học bói toán, gồm có :
hào 爻 sách 索 ứng 應
giao 交 thế 世 khắc 克
ấn 印 niệm 念 đàn 壇
lục nhâm 六壬 lục giáp 六甲 can chi 干支
đinh mão 丁卯 giáp tí 甲子 lục xung 六 沖
(quẻ) du hồn遊魂 phù chú 符 咒 khôi tinh 魁星
tử vi 紫微 pháp phù 法符 số hệ 數係
Phụ mẫu (hào)父母 Tử tôn (hào)子孫 chứng minh 證明
từ bi 慈悲 qui y 皈依 phiền não 煩惱
Thập phương chư phật 十 方 諸 佛 khuyên giáo 勸教
5. THÀNH NGỮ HÁN VIỆT
5.1. Thành ngữ Hán Việt nhìn từ tiêu chí ngữ âm
Nếu lấy âm Hán Việt phiên thiết làm chuẩn thì có thể chia thành ngữ ra làm hai loại sau:
5.1.1. Thành ngữ thuần âm Hán Việt là những thành ngữ mà trong đó các yếu tố đều được đọc bằng âm Hán Việt theo phiên thiết, đó là vạn lý trường đồ, họa hổ bất thành, báo đức thù công, v.v.
5.1.2. Thành ngữ biến âm Hán Việt là những thành ngữ mà trong đó có một hoặc hai yếu tố Hán Việt được đọc theo âm Hán Việt địa phương, như : kiến ngãi bất vi, bĩ cực thới lai, Hồ Việt nhứt gia, v.v.
5.2. Thành ngữ Hán Việt nhìn từ tiêu chí ngữ nghĩa
Về phương diện ý nghĩa của thành ngữ Hán Việt, ở đây có thể đi tìm theo hai hướng, mà truyền thống vẫn quen gọi là nghĩa đen và nghĩa bóng.
5.2.1. Thành ngữ Hán Việt dùng theo nghĩa đen.
Đối với loại thành ngữ biểu thị nghĩa đen thì việc truy tìm nghĩa của nó là bắt đầu từ việc tìm nghĩa của từng yếu tố tạo nên nó. Nghĩa của thành ngữ sẽ là tổng hợp nghĩa của các thành viên. Ví dụ : tu nhân tích đức, trọng nghĩa khinh tài, báo đức thù công, công toại danh thành, v.v.
5.2.2. Thành ngữ Hán Việt dùng theo nghĩa bóng.
Đối với loại thành ngữ được sử dụng theo nghĩa bóng, tức là dùng bằng phương thức tỉ dụ hoặc ẩn dụ thì việc tìm nghĩa cũng khó khăn hơn, vì nghĩa của nó là nghĩa của cả tổ hợp có được do liên tưởng mà rút ra, suy ra từ nghĩa kết hợp của các thành viên. Ví dụ : khởi phụng đằng giao, họa hổ bất thành, lưu thủy cao sơn, bình thủy tương phùng, v.v.
5.3. Thành ngữ Hán Việt nhìn từ tiêu chí ngữ pháp
Nếu đứng trên tiêu chí ngữ pháp thì có thể chia thành ngữ ra hai loại: thành ngữ có quan hệ đẳng lập và thành ngữ có quan hệ chính phụ.
5.3.1. Thành ngữ có quan hệ đẳng lập
Đây là loại thành ngữ mà các yếu tố tạo thành nó đều độc lập, bình đẳng, không lệ thuộc vào nhau. Vị trí của các thành tố, các vế cũng tương đối tự do. Trong thành ngữ đẳng lập cũng có mấy loại sau.
(1) Loại có cấu trúc như từ ghép, đó là :
(3) Loại có cấu trúc điệp và đối
Đây là những thành ngữ mà các thành viên trong nó được láy lại về âm hay về nghĩa (điệp âm, điệp nghĩa) hoặc trái ngược nhau về nghĩa (đối)
+ Điệp : đồng tịch đồng sàng (điệp âm : đồng)
thiên tướng thiên binh (điệp âm : thiên)
dũ xuất dũ kỳ (điệp âm : dũ)
+ Đối : đạo hỏa phó thang (đối : hỏa/thang)
trọng nghĩa khinh tài (đối : trọng/khinh)
+ Vừa điệp vừa đối :
bán tín bán nghi ( điệp âm : bán, đối : tín/nghi)
báo đức thù công (điệp nghĩa : báo = thù, đối : đức/công)
5.3.2. Thành ngữ có quan hệ chính phụ
Đây là loại thành ngữ mà các yếu tố tạo ra nó không ngang bằng nhau về kết cấu. Nó mang nét nghĩa theo các mối quan hệ hạn định, chi phối. Đó là :
(1) Loại có cấu trúc tương đương động ngữ :
Tác giả: Thích Viên Khai
Trích: Luận văn tốt nghiệp Khoa Trung Văn - Trường ĐHSP TP.HCM