Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Today at 20:24

Lục bát by Tinh Hoa Today at 16:48

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Today at 15:43

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Today at 15:37

Tranh thơ Tú_Yên by Tú_Yên tv Today at 15:31

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 01:29

7 chữ by Tinh Hoa Yesterday at 05:26

KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45

KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22

NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20

KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08

Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54

Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07

Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36

Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09

Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46

Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06

Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04

DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19

Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37

Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34

TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17

CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05

Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Nói nghĩa là gì?

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : 1, 2  Next
Tác giảThông điệp
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Nói nghĩa là gì? Empty
Bài gửiTiêu đề: Nói nghĩa là gì?   Nói nghĩa là gì? I_icon13Sun 09 Aug 2020, 10:53

Nói nghĩa là gì?

Lê Văn Siêu

 
NÓI diễn tình ý của mình bằng những tiếng từ miệng ra, là vạch trần mưu định và tình ý của người. Nói còn là khai ra sự thực: Việc xảy ra thế nào hãy nói ra như thế; dạy bảo: Giời có nói gì đâu! nói gì đâu! đoán quẻ: Ông thầy bói này nói hay lắm; ra giá: Nói giá cao quá; cãi cọ: Kẻ nói người nghe; mắng nhiếc: Tôi mới nói cho một trận nên thân nhé.

Gom gọn lại, thì nói là cái cách dùng những lời như những phương tiện để diễn tình và ý của mình, trong cuộc sống. Nó là đầu mối sự gián tiếp giữa người nọ với người kia. Nó còn là dấu hiệu của sự sống nữa như hơi thở vậy. Người còn lẩm bẩm nói một mình được, hay đã chẳng nói chẳng rằng gì nữa rồi, nhưng còn nói thầm trong bụng để mình tự nhận biết được, thì người ấy vẫn còn sống. Chỉ khi nào hết nói, hết tri giác, hết thở và tim ngừng đập, thì người ấy mới thật là hai năm mươi. Để nếu có nói thì là hiện hồn về nói qua lời của cô hồn, hay cô hồn bịa ra mà nói, cũng chưa biết chừng.

Hồn rằng hồn thác ban ngày
Thương cha nhớ mẹ hồn rày thác đêm.

Vậy rằng là nói, xưng là nói, thưa là nói gởi, là nói, trình là nói, báo là nói, thưa thốt, truyền phán, chỉ dạy, bảo ban, thú nhận, ra miệng cũng là nói, và tâu nộp, mách lẻo, tố giác, tán tỉnh, đấu hót, ba hoa chích choè… cũng là nói nữa. Nghĩa là cuộc sống xã hội càng phức tạp, sự gián tiếp càng cần tinh tế để nhận xét tình ý của người và biểu lộ tình ý của mình, thì những cách để diễn tình ý ấy cũng lại càng nhiều. Nhiều cho đến vô tận như sau đây:

A. Nói lời

NÓI LỜI hay nói câu là diễn một tình ý bằng những tiếng có bố cục thành câu:

Nói lời thì giữ lấy lời
Đừng như con bướm đậu rồi lại bay.

LỜI NÓI thì lại là những câu nói ấy:

Lặng nghe lời nói như ru
Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng
Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Cái lời, tức là cái câu ấy, đối với người Việt, không phải chỉ là vừa lòng nhau, mà còn nguôi lòng nhau nữa:

Chẳng được miếng thịt miếng xôi
Cũng được lời nói cho nguôi tấm lòng.

Ấy thế là lời nói có tính cách đỡ đói, tính cách vừa lòng hả dạ và cho nhau một lời nói còn giá trị hơn là cho nhau một miếng ăn nữa. Có lẽ vì thế chăng, mà người ta đã có thể đánh giá lời nói bằng nhiều cách.

1. Người ta chắc đã đánh giá được bằng lưỡi thì mới biết vị ngọt của nó (Nói ngọt thì lọt đến xương).

Cười cười nói nói ngọt ngào
Hỏi rằng chúng ở nơi nào lại chơi.

Hay vị chua của nó:

Mồ cha con bướm trắng
Đẻ mẹ cái ông vàng
Khen ai uốn lưỡi
Để cô nàng nói chua.

Hay vị mặn nhạt của nó:

Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.

Và:

Anh chàng nói nhạt như nước ốc

2. Người ta chắc còn đánh giá được bằng mũi nữa thì mới biết được mùi của nó:

thằng cha nói không ngửi được.

3. Và nhất là còn đánh giá bằng mắt thì mới biết được số lượng nhiều ít của nó:

Ăn lắm thì hết miếng ngon
Nói lắm thì hết lời khôn hóa rồ.

Hay màu sắc của nó: Nói trắng ra.

Hay sự cách biệt gần xa của nó:

Kẻ nói đơn người nói kép.

Sự thiếu thừa của nó:

Yêu ai thì nói quá ưa
Ghét ai nói thiếu nói thừa như không.

Cả chiều hướng của nó:

Dù ai nói Đông nói Tây
Thì ta vẫn vững như cây giữa rừng.

Lẫn cả thế đứng của nó nữa:

Dù ai nói ngả nói nghiêng
Thì ta vẫn vững như kiềng ba chân.

4. Cuối cùng người ta chắc còn đánh giá nó cả bằng óc nữa thì mới biết giá trị của nó:

Một lời nói quan tiền thùng thóc
Một lời nói dùi đục cẳng tay

Cùng phân biệt về trọng lượng của nó:

Kim vàng ai nỡ uốn câu
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.

Và phân biệt về tuổi già non của nó:

Chuông già đồng điếu chuông kêu
Anh già lời nói em xiêu tấm lòng.

Thật đã đáng lấy làm kinh khủng cho người nghe, khi chỉ thoáng một cái đã phải nhận định cho ra nhiều thứ đến thế. Nhưng đâu đã hết! Còn phải nhận định ra sự phải trái “Nói phải củ cải nghe cũng lọt”; “Nói phải gãi chỗ ngứa”, nhận định ra sự hay dở: “Nói hay hay hơn nói”; Nói dở như cám hấp”; nhận định ra sự dại khôn:

Ai mà nói dối cùng ai
Đến khi nói dại mặt ngay cán tàn.

Nhận định ra sự thật dối:

Ai mà nói dối cùng ai,
Thì Trời giáng hạ cây khoai giữa đồng.

Và nhận định ra sự xấu tốt: Nói xấu nói tốt.

Thuộc phạm vi của sự nói lời ấy, để đặt vào trong vòng nhận thức như vậy, ta thấy còn hết sức nhiều nghĩa nữa.
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Nói nghĩa là gì? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Nói nghĩa là gì?   Nói nghĩa là gì? I_icon13Tue 11 Aug 2020, 08:23

Nói nghĩa là gì?

Lê Văn Siêu

(tiếp theo)

Ở khía cạnh trình diễn trên sân khấu ta thấy:

NÓI LỐI là nói những lời dẫn thính giả đến một câu hát ở trên sân khấu. Những lời dẫn ấy kể lể đến truyện tích lịch sử là nói sử, than thở về thân phận hẩm hiu của con người là nói than, kết cấu về những sự việc đã qua là nói vãn, mà nói thành những câu có vần là nói vè hay nói dáo vè. Tất cả đều không phải là hát nói. Hát nói lại là tên một điệu hát Ả đào sau câu mưỡu, để tác giả nói lên cái ý mình cho cô đào hát.

Thuộc phạm vi sự nói lối để trình diễn trên sân khấu này, còn có nói bông lơn do một vai hề khích bác để làm vui cho thính giả trong khi sửa soạn nghe một điệu hát mới; lối nói ấy cũng gọi là nói bông phèng. Tỷ dụ như: Đại phong là gió lớn, gió lớn thì đổ chùa, đổ chùa thì tượng lo, tượng lo là lọ tương vậy.

Thuộc phạm vi mỹ từ pháp thì có:

Nói chữ không hẳn là nói toàn chữ trong sách, mà còn như người ta thường bảo nói dài dòng văn tự, nó là một cách dẫn điễn này tích nọ mãi rồi mới đến một kết luận nào, Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ. Nói chữ theo thời nay còn có nghĩa là văng tục: nhà văn có khác, thích nói chữ thế! Nói chữ ở đây có nghĩa như xổ Nho vậy.

Nói lái là nói đảo ngược tiếng cho âm tiếng nọ vào với bộc âm của tiếng kia va đổi cả thanh nữa, cho người nghe vô tình không hiểu ngay ý của người nói: Mịt quả mốt là một quả mít. Còn nói lỡm thì lại là một cách nói để bẫy người ta cho bị hớ mà cười: Như chuyện Trạng Quỳnh thấy bà Chúa đi trên đường thì chạy xuống ao khỏa chân. Bà hỏi Trạng làm gì thế? Trạng đáp: Ấy, tôi chẳng có việc gì làm thì xuống ao đá bèo chơi!

Kể vị trí của kẻ nói và người nghe thì lại có:

Nói leo là chưa được địa vị xứng đáng đã dám bày tỏ ý kiến: trẻ con đừng nói leo vào chuyện của người lớn; và người ta thường mắng là: Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Nói hỗn, nói láo là nói leo mà còn có ý xấc với người trên. Nói mất lựa là nói với những người chưa xứng đáng. Nói khó là tự hạ mình để xin cho được việc: Nói khó cho qua buổi chợ. Nói khan là nói tâng bốc người (không giống với nói nựng là uốn giọng để hỏi chuyện đứa trẻ đang tập nói. Trẻ lên ba cả nhà học nói, là vì thế: Âu! Âu! ác gai bạo mày là coong tó đấy mà!). Nói nhũn là nói điều không gây gổ để hòa giải và cho xong việc. Nói hớt là nói trước cái điều người ta sắp nói đến: Rõ nam mô hớt chửa! Nói đỡ lời là ngắt ngang câu nói của người khác để thêm ý ào cho lý luận vững chắc hơn. Còn trẻ con mà cũng giở giọng giảng luân lý như người đã cay chua nhiều với cuộc sống, thì là nói như ông cụ non.

Kể về nội dung câu chuyện thì có:

Nói thật là trình bày sự thật, ngược lại, giấu giếm sự thật đi là nói dối.

Đi nói dối cha, về nói dối chú.

Nói ngay cũng là sự thật thế nào thì nói ra thế. Nó gần đồng nghĩa với nói thẳng. Nói thẳng là nói không rào đón, không sợ mất lòng như nói toạc móng heo. Còn nói cho phải xấu hổ và mang tai mang tiếng, thì là nói ngay vào mặt, nói vỗ vào mặt, nối đốp vào mặt, nói giữa dạ. Nói đúng là trình bày rõ ý người ta nghĩ hay rõ sự việc xảy ra, ngược lại là nói sai. Nói sai là nói không ngờ toàn điều lầm lạc điều lầm lạc cả. Nói điêu hay điêu toa là cố ý nói sai, dành riêng cho kẻ ít tuổi, kẻ ở bề dưới. Còn người lớn và bề trên thì là nói dối. Nói lầm là nói không đúng cách. Nói lẫn là trỏ người già cả nói câu được câu chăng. Nói gở là nói những gì không hay nó vận vào mình hay vào người, khi gặp người lỡ nói như thế thì người ta phải thui cái xui xẻo ấy đi và gọi là nói phỉ thui hay nói dại nào! Nói dại là nói những điều lỡ xảy ra thật thì tai hại, trong còn hàm ý mong không xảy ra: nói dại, cháu có bề nào thì xin bác gỡ giùm cho. Nói khôn là nói những ý hay và phải. Nói phải là nói đúng lẽ như vậy. Còn phải nói là có ý kiến cần phải trình bày ra. Nhưng hiểu về nội dung câu chuyện thì người Việt Nam đã không chịu hiểu một cách quá đơn giản đâu. Người ta đã hiểu theo cái lối vẫn nói là con ruồi bay qua mà biết được con đực con cái kia.

Riêng về mục nói sai đã có:

Nói mò là đoán sai và nói sai hết sự thật “ăn ốc nói mò”.

Nói không là việc biết rằng không có cũng cứ nói là có, còn gọi là nói chua sinh chua tử ăn không nói có hay nói dựng đứng, muốn nói không làm chồng mà nói. Nói vu cũng có nghĩa ấy là không có mà đổ diệt tội lỗi cho người. Gặp trường hợp này thì người ta sẽ nguyền rủa: Một lời nói một đọi máu, ấy là rủa rằng hễ nói không và vu oan thì hộc máu mồm ra. Nói ngoa là có ít xít ra nhiều, thổi phồng câu chuyện cho thêm to, thêm quan trọng: Muốn nói ngoa làm cha mà nói.

Nói quấy nói quá là chỉ nói qua loa đại cương và vùn vụt như gió không có gì rõ ràng cả:

Tay mang túi bọc kè kè
Nói quấy nói quá người nghe ầm ầm.

Nói phiệu hay bố phiệu là chỉ nói vẩn vơ, không có gì đích xác cả.

Nói đi nói lại là chỉ người tiền hậu bất nhất không giữ lời hứa:

Quân tử nhất ngôn là quân tử dại
Quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn.

Khiến người ta phải rao hẹn: Thôi nhé, đừng có nói oong đơ gì nữa đấy! Do chữ Pháp oong đơ nghĩa là một hai. Nó không giống hẳn với lời nói đi thì nhẹ, lời nói lại thì nặng, vì bị thêm thắt khi có người nhắc lại. Cũng không giống với nói nước đôi hay nói phân hai là nói lưỡng để đàng nào mình cũng phải: Tài trai nói phân hai dễ chối.

Nói giăng nói cuội là nói toàn điều sai lầm dối trá cả (do tên Cuội là nhân vật trong chuyện cổ tích chỉ chuyên nói dối).

Đến mục nói thêm lên và thổi phồng sự thực thì có:

Nói khoác hay nói khoác lác khuếch khoác hay nói một tấc đến giời là khoe những cái tài mà mình không có.

Cấm người giả lịnh giả thị
Chẳng ai cấm người mang bị nói khoác.

Nói cha hươu mẹ vượn nói dông dài nói toàn điều vớ vẩn chẳng biết đàng nào mà tin được nữa. Nói thánh nói thần hay nói trên không chằng dưới không rễ cũng có nghĩa ấy. Đó là cái lối nói mà không biết ngược.

Nói phách hay phách lối là khoe cái địa vị và quyền lực mình không đáng. Nói hợm là có địa vị và quyền lực nhưng hay khoe để khinh người; còn nói phét là chẳng có gì cả mà dám khoe khoang. Ấy là cái lối:

Nói thì đâm năm chém mi
Đến bữa tối trời chẳng dám ra sân.

Cũng là cái điệu nói ba hoa chích choè như thế không ai tin được, nhưng quá đáng lắm, quá đáng đến độ cả ông trạng như Trạng Quỳnh, cũng không nói được, thì người ta bảo: Nói như trạng mẹ nghĩa là cái ông trạng còn đẻ ra được ông Trạng kia. Và nói vơ vào để khoe hay khoe giỏi cho thiên hạ chẳng ai ra quái gì hết, hay là chỉ để cho vui, thì là nói mỹ tự: Ấy thằng chú Huyên nó nhà tôi cũng có cái áo mưa kiểu ấy, nhưng toàn đi xe hơi thì có được dùng đến lần nào đâu! Nói mỹ tự cũng là nói mẽ. Còn chỉ vơ vào để cầu lợi là Nói giọng kẻ Bưởi cuốc vào: Áo này tôi mặc vừa đáo để. Bác định cho tôi ấy à?

Đến mục nói để thêm oai, mà bây giờ người ta gọi là để lấy “le”, thì có:

Nói hống hách là nói lời nạt nộ: Ông ấy hống hách gớm nhỉ. Nói dõng dạc là nói dằn từng tiếng cho người ta nghe rõ để mình thêm oai. Và để cười cái oai ấy, cả những điệu bộ ấy, người ta mỉa mai là Nói như ông tướng Quảng Lạc (do tên rạp hát tuồng Tàu ở Hà Nội hồi đệ nhất thế chiến, người ta thích đến xem các ông tướng diễu võ dương oai). Nói dọa là nói để cho người ta sợ. Nói đe là dọa đánh đòn trẻ con để cho nó vào khuôn phép. Nói ức hiếp người ta để lấy phần nói phải là nói đè đầu đè cổ, nói như cha người ta ấy. Hễ không nghe lại còn được thể để bảo là nói như nước đổ lá khoai, như nước đổ đầu vịt. Nói sẵng là nói gần như măng mỏ. Còn mắng mỏ không tiếc lời là nói như táo đổ mặt mâm, nói như chan cánh canh đổ mẻ vào mặt, mà nói chẳng còn dành một chút tử tế nào với nhau nữa, là nói cạn tàu ráo máng.

Đến cái mục nói khéo thì là:

Nói rắn trong lỗ bò ra nghĩa là khéo đến độ người ta không bằng lòng cũng phải thuận theo, như con rắn nằm yên trong hang mà cũng phải bò ra vậy.

Nói như rồng cũng là nói khéo như thế. Đó là cách người ta gọi là nói như khướu bách thanh trong còn hàm thêm ý mỉa mai nữa. Nói xẻ cửa xẻ nhà là làm như thương yêu quý mến nhau lắm để chia sẻ cơm áo cho nhau đấy, nhưng kỳ thực là hão cả, cũng như nói nhân nghĩa bà Tú Đễ [1] , người ta thường bảo nói trăm voi không được bát nước sáo. Và người nói ấy được người ta cho là đồ bẻm mép để sẽ tìm cách mà nói chữa thẹn. Nói vuốt đuôi là nói tử tế lại sau khi đã có thái độ không tốt với người. Nói đãi bôi là nói lời ân nghĩa thủy chung chẳng phải tử tế gì với gia chủ mà chỉ để nói cho lọt miếng xôi trôi miếng thịt mà thôi. Nói có duyên là nói vui, dễ nghe và ai cũng mến. Nói vụng (hay vụng về) là nói mà để nhiều sơ hở thiếu sót, không phải nói vụng (trộm) là nói lén.
_______________
[1]Bà Tú Để chắc xưa là một người khéo nói và giả nhân giả nghĩa giỏi lắm nên mới nổi tiếng như vậy.
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Nói nghĩa là gì? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Nói nghĩa là gì?   Nói nghĩa là gì? I_icon13Wed 12 Aug 2020, 07:48

Nói nghĩa là gì?

Lê Văn Siêu

 
Còn nói để đấu khẩu thì lại tinh vi ghê gớm lắm. Khi tự vệ thì dùng một chiến thuật. Khi tấn công lại dùng một chiến thuật khác. Có khi tưởng là tự vệ mà hóa ra lại tấn công lúc nào không biết đấy, chẳng hạn như:

Nói mát là nói vứt mình đi, để tâng bốc người ta, mà làm người ta phải đau đớn. Thí dụ như: Ấy bên bác thì có bao giờ phải ăn đến rau muống! Nói mỉa là dài môi nhắc lầm lỗi của người ta cho phải xấu hổ!

Nói xa nói gần là kể những chuyện đâu đâu ấy cho người ta nhẩn nha.

Nói bóng nói gió hay nói xa xôi bóng gió, nói xỏ, nói xiên, nói xéo, cũng vậy. Đó là lối nói:

Sấm bên Đông động bên Tây
Tuy rằng nói đấy nhưng đây động lòng.

Sự động lòng ở đây, người ta còn cụ thể hóa hơn một tầng nữa, để gọi là nói trúng tim đen, nói lật tẩy, nói chạm nọc, chạm vía.

Nói chạm vía là nói xa xôi để nhắc đến những lầm lỗi kín đáo của người ta cho mà sợ hãi. Không giống với nói trộm vía là nói lén với nhau sợ có điều gì gở: Nói trộm vía, thằng bé lớn như thổi!

Nói bâng quơ là nói không chỉ đích người nào, nói cứ lơ lơ lửng lửng làm người ta tức anh ách, mà không lẽ ra miệng thế nào bây giờ! Cũng là nói Đổng Kim Lân do tên một võ tướng trong tuồng San Hậu hay diễn vào dịp đầu năm cho người ta đi xem để bói tuồng. Vai tuồng chắc hay nói bâng quơ, nói lơ lửng giữa trời, nên tên mới được dùng thành một phẩm từ như thế. Nói ậm ừ là nói nửa ra nhận mà nửa ra không, nói ỡm ờ lại là nói cợt nhả lẳng lơ, còn nói lửng lơ hay lơ lửng hay thêm nữa nói lơ lửng con cá vàng là nói giữa trời để ai có tật giật mình. Chính nó là nói buông lơi, nói phất phơ, nói chơi, nói chuyện phiếm nói mà là không nói, không nói mà là nói vậy.

Nói xin ông (hay bà) để ngoài tai thì thật ra đã đáng tức cười vì người ta làm như vậy có thể gắp được những lời gì bỏ vào trong hay bỏ ra ngoài tai vậy. Chính ra thì đây là một cách nói xin lỗi trước về những lời sắp nói ra, nó sẽ có thể chướng tai và phật lòng ông hay bà đấy. Nói khi vô phép, nói bác tha lỗi, hay nói thế này khi không phải, đều là một công thức như nhau cả. Nói phòng hờ: hay phòng xa, hay nói thòng là nói khôn, phòng xa đến cả trường hợp có thể sẽ xảy ra khác nữa.

Nói buông lửng là nói một phần thôi, còn phần sau để người ta phải đoán ra. Nói hồ đồ là nói bậy bạ lung tung không có giá trị. Nói hàm hồ là nói đụng chạm đến nhiều người làm mất cả hòa khí, gần giống như nói đổ cả hương án bàn độc. Nói đổ cả hương án bàn độc là nói lời bạc bẽo làm mất cả cái tử tế của người.

Nói có quỷ thần hai vai là vừa nói vừa thề, với lời cầu xin quỷ thần chứng giám cho lời nói đúng.

Nói có vong hồn của ai đó vừa là nói vừa cầu vong hồn người quá cố làm chứng cho lời nói đúng.

Nói có ngọn đèn tắt tôi tắt là vừa nói vừa thề độc đến có thể chết được nếu sai sự thật. Nói của đáng tội là nói cho phải giá không thêm bớt: nói của đáng tội thì anh ta cũng có bụng tham.

Thật chưa có tiếng nôm nào lại nhiều nghĩa linh động đến như thế. Nói đâm hông là nói xa xôi nhưng đau đớn như xiên vào hông người ta; không giống với nói đâm ngang hay nói ngang là nói bẻ quẹo câu chuyện để lảng ra phía khác.

Nói ngang cành bứa, ngang như cua lại là nói bướng, không đúng lẽ và chướng tai; người ta còn gọi là nói cù nhầy và bảo nói với nó như đánh bùn sang ao hay tức quá thì bảo: nói với nó như đánh bùn sang ao hay tức quá thì bảo: nói với nó thà vạch đầu gối ra mà nói chuyện. Nói đay hay nói nghiến là day dứt cho người nghe phải đau buồn khổ sở; nói đay nghiến như dứt từng miếng thịt; nói nghiến như một ấy không sao chịu nổi! Nói móc họng là nói phăng ngay cái xấu mà đối phương giấu giếm để không còn mở miệng ra sao được nữa.

Nói xóc óc, lộng óc cũng là ý ấy. Nói châm nói chọc hay nếu trêu còn thêm ý để cười nữa. Nói đâm bị chọc thóc bị gạo thì lại là khích bác bên này một câu, bên kia một câu, cho người ta cãi nhau. Đó là cái lối suỵt chó vào bụi rậm, hay ném xương cho chó cắn nhau.

Xem thế đủ biết thủ đoạn của người Việt Nam về phương diện nói thật đã là cao cường vậy.

Nói dèm là viện dẫn các lý do để chê bai. Nói xiểm là dèm cho người ta ghét kẻ khác. Nói lảng là thấy vẻ không thành thì liệu đi tới đi lui, nói thách là đặt giá cao cho người ta mặc cả dầu. Bán hàng nói thách, làm khách trả rẻ. Nói thớt cao dao bầu cũng cùng một ấy, nhưng có ý mỉa mai; nói một giời tiền cũng vậy, nhưng còn thêm ý chê trách. Nói hờ là lỡ ra giá quá thấp một món hàng. Hiểu rộng ra là lỡ nói điều thiệt cho mình. Nói vào nói ra là đưa những ý kiến lôi thôi rắc rối cho người ta ngã lòng.

Cũng thuộc về mục đấu khẩu, lại còn cái trò nói đưa hơi là nói để cho phải bốc nóng lên mà xông ra cãi nhau hay đánh nhau. Không giống với đưa lời: Mượn chén đưa lời là cái cách giả say rượu để thóa mạ người mà nếu có bị bắt lỗi thì vẫn có cớ để không phải chịu trách nhiệm, vì ai cũng cho rằng: nói với người say như vay không trả, và người giả say thì sẽ: ấy xin lỗi các ngài, rượu nó nói đấy ạ!

Những mánh khóe của người Việt Nam thật đã man mác nhiều vô kể. Có khi đóng cửa ở trong nhà nói nhau, mắng mỏ chửi bới nhau, mà lại là để cho người hàng xóm nghe, lấy làm hết sức đau đớn. Đấy là cái phép “Trong dậy ngoài lậy”để làm người ta chết điếng đi. Có khi là đá thúng đụng nia, chửi mèo quéo chó. Không còn biết đâu mà lường được nữa.

Nói rào đón là ngăn ngừa những ý nghĩ gì người ta có thể nghĩ được về câu chuyện mình sắp nói để bác và chặn trước đi. Nói thớ lợ là nói giọng tử tế ngoan ngoãn bề ngoài cho người ta thương mến và không chê trách được mình. Nói đưa đẩy hay đưa đà là bắt đầu với những lời ngoài lề cho thêm mạnh miệng. Còn có sao nói vậy là nói nỡm ra. Nói ướm hay nói dạm là đưa thử một vài ý kiến để dò tình ý đối phương. Nói mà không hy vọng được còn nhờ may là nói Gia Cát cầu phong.

Đến mục nói chuyện thường thôi, cũng có những lối thật là lạ. Nói tào lao là nói không thành câu chuyện đứng đắn gì cả. Nói thao thao là nói trôi chảy. Nói ấp úng hay ấp úng như ngậm hột thị là nói bối rối không được ý nghĩ gì rõ ràng, cứ ngập ngà ngập ngừng hay dấp da dấp dính mãi. Nói ấm ớ hay nói ấm ớ hội tề là nói lưỡng lự không rõ ý muốn dứt khoát là trắng hay đen. Gốc ở tiếng hội tề là tên tổ, chức hành chính ở vùng giữa khu kháng chiến và khu đã theo Tây mà người trong tổ chức ấy đã không dám có thái độ dứt khoát ngả theo phía nào. Còn nói rối mù lên chẳng đâu vào đâu cả là nói ba sí ba tú. Nói úp mở là nói nửa thực nửa hư, để đối phương thoáng nhận ra.

Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay không phải để dành riêng cho giới tu sĩ mà để kể chung mọi người khi nói tranh nhau lấy phần phải về mình. Còn người ta nói một đàng lại hiểu quàng một nẻo thì là Ông nói gà bà nói vịt.

Nói đưa đẩy hay đưa duyên là lựa ý người nghe mà nói cho vui vẻ cả làng. Nói xuôi theo là theo lời và ý của người ta mà tán thêm. Chính đó là nói lựa. Thầy bói nói dựa. Nói cho sướng miệng, nói thích khẩu, nói lấy được là láy đi láy lại mãi để mắng mỏ, dạy khôn hay để lấy phần phải về cho mình, khiến người nghe sốt ruột lên, còn để nhấn mạnh cho người ta thấy lời mình đoán hay ngừa trước đã rất đúng, thì người ta lại bảo: Mồm mẹ mẻ nói không sứt.

Nói lấp liếm theo lối cả vú lấp miệng em là nói không ngừng cho người ta không kịp lúc nào cãi lại được nữa. Nói như đinh đóng cột. Nói chắc như cua gạch là nói nhất định hẳn một chiều, không gì lay chuyển được ý định nữa.

Nói để bụng là nói mà đừng nhắc lại. Nói để đấy là hứa hẹn mà chẳng bao giờ làm theo, đó là cái chuyện lời nói không đi đôi với việc làm của các vị “chính khách” và nói trước quên sau. Người ta sẽ chép miệng bảo: Nói vậy biết vậy! Nói có sách mách có chứng là trình bày câu chuyện thật rõ ràng có chứng cớ hẳn hoi không cãi vào đâu được, cứ ắng: người ra, cho người ta cười là ăn làm sao nói làm sao bây giờ?

Nói vanh vách là nói hết những điều người ta tưởng giấu được: Đạp đồng lên, nó nói vanh vách như mẹ Ranh ấy.

Nói cho ngay là tiếng của miền Nam tương đương với nói cho đúng của miền Bắc; đó là một thành ngữ để trợ từ, thực không cần phải có công dụng trong câu, chỉ là để có thêm một chút thời gian suy nghĩ. Cũng như nói chung nói riêng cho phép người ta phát ngôn trước công chúng dùng để lời nói thêm lưu loát. Nhưng lâu dần thành bệnh để những viết cũng lại cứ nhai nhải nói chung với nói riêng! Miền Nam nói chung, xã hội Saigon nói riêng rồi lại xã hội Saigon nói chung, dân chúng đô thành nói riêng… thật là sốt ruột vậy.

Đến cái mục đàm thoại để cho vui mà bây giờ được người ta gọi là đấu hót bốc lê xa bút (đánh võ mồm) hay bốc thối bốc thơm thì nói chơi là để cho vui:

Nói chơi cho đỡ vui lòng
Ăn có chốn tựa loan phòng có nơi.

cũng cùng một nghĩa với nói bỡn, nói cợt:

Nói bỡn mà chơi nói cợt mà chơi
Áo ai người mặc có mùi gì đâu.

hay nói đùa, nói giỡn, nói bông, nói bông phèng cũng vậy, hay quá hơn nữa là tán gẫu, tán hươu, tán vượn và có vẻ Tây hơn nữa là tán phó-mát nghĩa là tán để ăn phó-mát hay tán để nghiền bột cục phó-mát ra cũng được cả. Vì phó-mát lại là loại thực phẩm nặng mùi như mùi mắm tôm của ta, nên tán phó-mát còn hàm thêm ý tán thối nữa. Nói lần khân là dùng lối cợt nhả để trì hoãn một công việc. Nói bờm sơm là lợi dụng lúc vui để leo thang câu chuyện mà người ta vẫn mắng là chơi chó, chó liếm mặt đấy. Nói lươn khươn là nói lòng vòng rồi cũng đến đích. Nói đểu là nói một cách thô bỉ cho đến người ta có thể mắng là đồ ăn nói mất dạy. Nói tục là dùng lời thô bỉ nói những chuyện tục tĩu như chuyện tiếu lâm tân thời chẳng hạn.

Đến mục thể cách nói, để giao thiệp ở đời cho người ta khỏi chê là ăn không nên đọi nói chẳng nên lời thì:

Nói mớm là nói để dọ ý và khích cho người nghe phải bộc lộ ý mình ra. Nói mớm là truyền thụ khéo những lời khôn cho kẻ khác nói.

Mái bên gió đã bồi hồi
Kìa ai vú lép mớm lời cho con.

Ấy là cái cách nói vẽ đường cho hươu chạy.

Nói dè chừng là nói ngừa trước những việc không hay:

Sinh rằng hay nói dè chừng
Lòng đây lòng đấy chưa từng hay sao.

Nói dai hay nói nhai nhải là nhắc đi nhắc lại mãi chỉ có một câu chuyện đó thôi: Nói dai như chó nhai giẻ rách, nói dai như chão rách. Tức cũng là cách nói lài nhài, nói rặng đa bà cụ vậy. Nói cộc lốc hay nói trống không là nói hỗn hào không thưa gởi lễ phép gì cả. Nói xách mé cũng vậy. Nói thô là nói không lựa lời cho dễ nghe; ấy là cái việc mà người ta gọi là Nói cộc cằn, nói như dùi đục chấm mắm cáy hay là ăn nói dóng một. Nói đâm ba chẻ củ là nói châm chọc một cách dấm dẳn cho ai cũng phải có chịu. Nói nhảm là bộc lộ những gì không nên cho biết: Im đi nói nhảm nào! Còn nói lảm nhảm là nói một mình những chuyện không ra đâu vào đâu cả: Ông ta bây giờ đã giở chứng, cứ nằm nói lảm nhảm suốt ngày. Nói lẩm cẩm cũng là ý ấy để trỏ người già lão nói lẫn lộn lung tung? Nói quàng hay bắt quàng hay nói đầu cua tai nheo là đương chuyện đằng này dằng dây qua chuyện khác. Không như nói quàng xiên là nói điều càn dỡ, láo lếu, bậy bạ.

Nói bạo là nói ra vẻ ta không sợ gì cả.

Nói liều là biết rằng đáng sợ nhưng cũng nói bừa đi. Nói nhăng, nói ẩu tả, nói sàm, nói tầm bậy, tầm phào nói không nghe được, nói không lọt lỗ tai:

Hâm rằng ông quán nói nhăng
Dẫu cho hay lắm cũng thằng bán cơm.

Đó là những nghĩa dễ hiểu về nội dung, trong mục nói lời.
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Nói nghĩa là gì? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Nói nghĩa là gì?   Nói nghĩa là gì? I_icon13Fri 14 Aug 2020, 10:04

Nói nghĩa là gì?

Lê Văn Siêu

 
B. Nói tiếng

Qua mục nói tiếng để hiểu về hình thức, ta thấy cũng man mác nhiều nghĩa lắm.

Nói tiếng là phát ra một âm thanh, chưa cần có bao hàm một tình ý gì cả.

Tiếng nói là cái âm thanh ấy:

Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn tiếng nói dịu dàng dễ nghe

Người thanh tiếng nói cũng thanh
Chuông kêu sẽ đánh bên thành cũng kêu.

Chơi thì chơi chốn thập thành
Lời ăn tiếng nói nhẹ mình như tên.

Nói năng là biểu lộ một âm thanh:

Hòn đất mà biết nói năng
Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn.

Ăn nói cũng là phát biểu ý mình qua âm thanh ấy; Con bé này, ăn nói mới hay chứ!

Nói tiếng ta, tiếng Tây, tiếng Tàu là dùng tiếng nói của ta hay của người ngoại quốc: Cô ta nói tiếng Mỹ như gió. Còn nói tiếng Tây giả cầy là nói pha lẫn cả tiếng ta. Bây giờ lại có thêm một tiếng lóng nữa: nói tiếng Đức, ấy là nói văng tục có những tiếng gì viết đầu bằng chữ Đ đấy. Nói lóng là nói những tiếng chỉ riêng cho một giới nào hiểu. Nói nhỏ là nói cho vừa tai người lắng nghe. Nói nhỏ nhẻ hay thỏ thẻ lại là cố ý làm cho lời nói êm ái dịu dàng dễ thương: Nó nói nhỏ nhẻ (hay thỏ thẻ) như con gái ấy. Còn gọi là nói ỏn ẻn. Nói thầm là ghé miệng vào tai mà nói cho lời nói không thành ra tiếng khiến người khác không nghe được.

Nói xôn xao là nhiều người cùng nói một lúc khiến người nghe không phân biệt nổi là nói những gì:

Trong nhà người nói xôn xao
Nào con nào mẹ ồn ào gọi nhau.

Nói léo xéo hay léo nhéo là nói không thành câu chuyện gì từ ở đàng xa: Tôi cũng thấy họ nói léo xéo cái gì mất cắp mất trộm đấy. Nói to, nói lớn là phát ra những tiếng lớn. Còn nói lớn lối lại là không có mà nói thêm lên cho ra vẻ hống hách, cũng như phách lối vậy. Nói nặng là nói giọng trầm nghe thấy vẻ vất vả: Nói nặng như dân làng Bịu (không phải nói nặng lời là sỉ vả) “Giợi đật ơi, tội như đêm dây như đật thệ này, thì đi đâu được”. Nói ngọng là vì bộ máy phát âm hư hỏng nên nói không đúng tiếng người ta thường phải nói. Nói sõi là nói rõ ràng từng tiếng một: Thằng bé nói sõi đáo để. Nói lơ lớ là nói gần gần giống giọng: Anh ta nói lơ lớ giọng Tàu. Nói bập bẹ là nói được một vài câu gần giống tiếng người bản xứ: Anh ta dạo này đã nói bập bẹ được ít tiếng “Cám ơn ông”! Nói lắp là nói líu ríu mãi mới bật ra một tiếng. Nói lắp bắp hay lắp ba lắp bắp là mấp máy môi cho tiếng nói cứ ấp úng trong miệng không phát ra được rõ. Nói lẩm bà lẩm bẩm cũng vậy. Nói bí ba bí bô là trỏ những con trẻ mới. Nói nhiều, nói lắm là nói luôn miệng:

Cách bức chẳng được nói luôn
Những người bên ấy có buồn cùng chăng.

Nói chậm nói nhanh là quen tính cho nhịp điệu của tiếng nói phát ra chậm hay nhanh.

Nói như pháo ran là nói lép bép, nhiều, và nhanh như pháo nổ.

Nói dàn cung mây là nói lung tung cả, cho người ta gọi là cái máy nói. Nói như khướu bách thanh là nịnh nọt như khướu hót bên tai. Còn một tiếng mới nữa vừa thịnh hành, ấy là nói như vẹm nghĩa là nói dối cứ xoen xoét mà vẫn ra vẻ có lý đáo để.

Nói xoen xoét hay lem lém là nói trôi như nước để chối cãi một điều gì. Nói dấm dẳn là nói không trôi chảy, tiếng nói có vẻ gì như dúm dó từng quãng nói dấm dẳn như váy ba bức, hay dấm dẳn như chó cắn ma. Nói trơn là nói không vấp váp tức là nói giảo hoạt: nói trơn như nước chảy.

Nói lè nhè là dài môi nói giọng người say rượu.

Nói nhịu là nói lẫn tiếng sang những tiếng tục: Gái đẻ không nên nói chuyện với người ở cách phòng, kẻo về già sinh ra nói nhịu.

Nói đớt là nói có vẻ gì ngường ngượng ở miệng, không hẳn là nói ngọng nhưng cũng không hẳn là nói đúng. Nói thơn thớt là nói trơn tru tử tế ngoài môi:

Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không gươm.

Nói thẽo thọt là nói buông lỏng những tiếng ra khiến sai cả thanh âm và không thành câu cú gì cả.

Nói ú ớ là nói ấp úng trong miệng, tiếng nói không thành ra được: Người gần chết thì nói ú ớ.

Nói khàn khàn như vịt đực là nói cho tiếng phát ra nhiều bằng cổ họng.

Nói pha tiếng là bắt chước một cách vụng dại tiếng nói của người ta, để cho thành trò cười: Chửi cha không bằng pha tiếng. Nói nhại là bắt chước đúng giọng và tiếng nói của người. Nói trại là nói chệch tiếng đi vì vô tình hay cố ý. Nói trọ trẹ là nói giọng người địa phương xứ Nghệ, uốn lưỡi nhiều và nặng: Môn là cựa, cựa ra cựa vô, không phại là cựa ga cựa vịt. Nói ra miệng là bộc lộ một mưu định.

Còn nói đi không phải vừa nói vừa đi, mà là giục nhau phát biểu ý kiến, và đi nói theo miền Nam lại là đi hỏi vợ.

Học nói là tập phát âm: Trẻ lên ba, cả nhà học nói. Nhưng học nói cũng còn là học cách nói năng cho khéo léo nữa: Học ăn học nói cho tầy người ta.
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Nói nghĩa là gì? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Nói nghĩa là gì?   Nói nghĩa là gì? I_icon13Sun 16 Aug 2020, 21:36

Nói nghĩa là gì?

Lê Văn Siêu

 
C. Nói điều

Đến cái mục khác là mục nói điều, thì nói điều là kể về cái khía cạnh hay dở xấu tốt nào đó.


Ở ăn thì nết cũng hay
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.


Nói cũng có nghĩa là nói đến cái gì hay hay dở dở: Chúng tôi nói điều gì không phải, xin các ngài đánh chữa đại xá đi cho!


Đất xấu trồng cây khẳng khiu
Những người thô tục nói điều phàm phu.


Có khi cái điều ấy là một câu chuyện:


Khôn ngoan chẳng lọ là nhiều
Người khôn mới nói nửa điều đã khôn.


Bởi vậy Nguyễn Du mới có quyền viết:


Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.


Nói người là kể xấu người:


Nói người chẳng ngẫm đến ta
Thử sờ lên gáy xem xa hay gần.


Người ta nói là thiên hạ xầm xì bàn tán: Người ta nói đã rát cả tai ra đấy. Nghe nói là hình như có ai nói thế: Nghe nói bây giờ cô ấy lấy Mỹ.

Nói chuyện là kể lể và có sự đáp ứng nhau về một sự việc đã xảy ra. Còn kể truyện chỉ là một người biết truyện và kể lại bằng văn xuôi hay văn vần.

Nói vậy là thành ngữ để kết luận mà chiều hướng lại khác với dự tưởng của người ta: Nói vậy, chớ tao mặt nào làm như thế! Nó đồng nghĩa với tiếng tuy nhiên hay giản dị hơn và nôm na hơn, là nói thì nói chờ đời nào tao làm thế.

Nói vậy không thể lầm với tiếng vậy không thôi, là tiếng để kết luận theo chiều hướng lý luận đã dẫn.

Vậy, xin các bạn đọc ghi nhận cho: tiếng nói của một nước mà nhiều nghĩa đến như thế, thì đủ rõ đời sống tinh thần của nước ấy phong phú thế nào.

Và bạn đọc khi công nhận điều ấy là phải, thì sẽ trả lời: Thôi, còn phải nói! Nghĩa là: Thôi, điều ấy còn cần gì phải nói nữa, điều ấy thì khỏi phải nói, hay hết nước nói rồi, de người ta dịch ra tiếng Tây giả cầy là “phi-ni lô đia” vậy.


(Nguồn: Talawas)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Nói nghĩa là gì? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Nói nghĩa là gì?   Nói nghĩa là gì? I_icon13Tue 01 Sep 2020, 10:12

Nói

Nguyễn Văn Xuân

Tôi đọc Văn số 1 (loại Nghiên cứu và Phê bình Văn học) bài “Nói nghĩa là gì?” của Lê Văn Siêu, rất thú. Thú nhất là đọc câu này ở cuối tập “Tác giả bài Nói nghĩa là gì? xin trích tiền nhuận bút để tặng bạn đọc nào tìm thấy một ý nghĩa nào còn quên trong bài là năm mươi đồng một nghĩa”.

Bài tiểu luận ấy chắc tác giả hoài bão đã lâu lắm nên đến bây giờ mới có thể viết ra công phu đến thế. Và ông phải nghĩ là giá có ai tìm ra được nhiều lắm thì cũng năm mười nghĩa nữa là cùng, vì như thế đã mất năm ba trăm bạc rồi. Mà năm ba trăm bạc với một nhà văn Việt Nam trích trong nhuận bút thì cũng đã là cả một vấn đề, đã là một sự “đau xót” rồi, bởi mỗi trang báo viết trọn ngày nhận nhuận bút bao nhiêu mà còn phải cắt xén ra chừng ấy! Tôi cũng chợt nghĩ như ông định bỏ qua. Nhưng vì mấy lúc này cũng có hay nghiên cứu về ngôn ngữ (dù chưa học khoa ngôn ngữ bao giờ) nên táy máy cầm bút định ghi thêm một số chữ chợt hiện ra trong óc cho vui.

Nào ngờ mới cầm bút một lát, tôi không thể nào ghi kịp nữa. Những từ ngữ, thành ngữ, câu ca dao, câu thơ cứ xô đẩy nhau tuôn ra. Thành ra cái ý định ghi cho vui biến thành cái ý định viết hẳn một bài, một bài có lẽ khá dài, một bài mà nếu cố gắng tìm kiếm thêm, tôi chắc cũng không “nghèo” hơn bài của ông Siêu bao nhiêu.

Sở dĩ có sự phong phú đó, sự phong phú “đến vô tận” như ông Siêu nói, ấy là vì vốn có “Một nền văn nghệ miền Nam” trong nền văn nghệ chung của dân tộc, một nền văn nghệ có cá tính, có cội rễ có duyên do phát khởi và đã trưởng thành, nảy nở từ cuộc Nam tiến, chủ yếu là “Ngã rẽ Nguyễn Hoàng” [1] . Đã qua nhiều thế kỷ, đã trở thành một khối lượng, một thế lực, một bản sắc. Vậy thì bài tiểu luận này được viết ra không cốt để góp nghĩa những chữ nói với ông Siêu mà chỉ để phụ hoạ “Nói nghĩa là gì” (đa số là theo nghĩa miền Bắc) bằng một sự thu góp của một người ở một trong những tỉnh mở đầu và đồng thời có nhiều liên hệ mật thiết “tuy hai mà một” với đồng bào, tiếng nói trong Nam [2] . Tôi nhấn mạnh Nền văn nghệ miền Nam còn có ý nhắc tất cả những nhà văn, nhà biên khảo, nhà phê bình, văn học sử miền Bắc khi viết về người miền Nam cần chú ý nhiều thêm về các phương diện phát triển của nền văn nghệ có đặc tính không hoàn toàn giống miền Bắc; đặc biệt là các sáng tác phẩm văn học của nó phải cơ sở trên tâm lý, hoàn cảnh và ngôn ngữ của nó, một thứ ngôn ngữ vừa đương nhiên bao hàm ngôn ngữ miền Bắc vừa phối hợp thu hút ngôn ngữ nhiều dân tộc khác như Chàm, Thượng, Cao Miên v.v… đã trở nên phức tạp và như tôi đã nói trên, phong phú lạ lùng. Nói cách khác, nếu ai muốn biết ngôn ngữ ấy giàu có đến mức độ nào thì chỉ cần căn cứ vào một chữ, một tiếng Nói, thu góp hầu hết [3] những cái nghĩa của tiếng ấy trên 19 trang giấy nơi bài ông Siêu viết trong số Văn 1, chi chít những nghĩa, cộng với những nghĩa mà tôi sắp trình bày sau đây sẽ thấy rõ. Tức là tôi đã bỏ cái nghĩa trên 19 trang giấy ấy (mà tiếng Nói ấy, người miền Nam dùng ít ra đến 8 phần 10) để chỉ viết những trang nặng về tiếng Nói của miền Nam. Cộng cả hai bài ấy lại, bạn đọc sẽ có một bài biên khảo tạm đủ về tiếng nói miền Nam và chỉ là một phần miền Nam, chứ chưa phải đủ cả miền. Mong có một nhà văn miền Nam nào rất sành về tiếng trong Nam, nhất là cực Nam phụ hoạ vào, lúc ấy ta mới dám biết một cách tương đối chắc chắn sự phong phú kỳ diệu về nghĩa chữ Nói đó có khối lượng, có sức biến hoá ra sao. Thật tình, tôi không dám treo giải như ông Siêu, vì tôi không dám ước đoán khả năng tiếng Việt ở những vùng mà chúng ta chưa được sống suốt đời như những đứa con thân yêu từng vùng của đất nước, bám chặt vào tiếng Mẹ với cái vú sữa vô biên, càng già chừng nào, chất cung dưỡng càng tràn trề chừng ấy.

*

Nói nghĩa gì? Tôi không cần định nghĩa, e sẽ dông dài. Có lẽ điều ta cần nên biết là tiếng nói phát xuất từ đâu? Theo quan niệm đồng bào ta xưa có thể do cái miệng, cái lưỡi, cái cuống họng, cái phổi hay cái môi. Bởi thế, cái miệng hay cái mồm khi nói sai, nói bậy, nói nhiều không còn được giữ cái danh từ đẹp đẽ ấy mà biến thành: Cái mỏ, cái mỏ bể, cái mỏ ăn mắm ăn muối, cái ống loa, cái ống nhổ, theo thời đại tân tiến, nó còn hoá cái “máy phát thanh”, cái ra-dô, cái còi hú. Rồi cái lưỡi thì “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, “có miệng mà không có lưỡi”. Cái cuống họng, cái phổi thì “bán phổi”, “nói bể phổi”, “nói cháy cuống họng”. Cái môi thì hé môi, hở môi và cái môi hình như chỉ dùng… cho phụ nữ.

Những động từ về nói do đó cũng tùy trường hợp mà thay đổi. Vì chữ nói chỉ dùng cho trường hợp phát thanh thanh bình, có ý nghĩa nào đó. Chứ khi nói quá bậy, quá to, quá liều lĩnh thì nó biến thành mửa (thôi đừng mửa bậy ra, ngậm miệng lại), xổ (xổ chữ, xổ nho), hoặc bị súc vật hoá, một phương pháp thường dùng trong văn chương Việt Nam, như khi muốn hạ ai, người ta mượn: sủa (thằng ấy còn sủa dai nhách) rống (chồng: Rống vừa chứ, khuya rồi), gáy (thính giả: Ông diễn giả ơi, gáy thế là vừa), hót (Hót cả buổi sáng, chưa đủ à!). Và còn những nói như ếch kêu, nói như cóc kêu (nghiến hai hàm răng mà nói), nói như cú mổ (ăn nói độc địa).

Tiếng nói khi bị nhìn một cách hờn giận, ghét bỏ, chống đối cũng biến thành tiếng la, , , hét, thét, hô hoán, đánh hống. Chẳng hạn, người vợ có thể bảo chồng ngay khi chồng ghen, nhưng nói rất nhỏ: “Ông la lên để cho hàng xóm biết mà chạy đến xem à? Sao không thét lên luôn đi!” hay “Muốn cho mẹ nghe, mẹ đánh chị, tôi “đánh hống” lên bây chừ”.

*

Nói là lối tự động, thường do mình phát ra theo sở thích, ý muốn bày tỏ, hy vọng, nhưng cũng có khi bị một mệnh lệnh sai khiến. Sự sai khiến ấy tùy trường hợp hoàn cảnh mà tỏ nên lời:

Khi cha mẹ dặn con thì bảo “chớ nói” như thế lại khác hẳn khi đứa con quả quyết đối kháng: Con sẽ nói chớ. Khi người cảnh sát, công an viên tra kẻ có lỗi có tội thì: Hãy nói, phải nói, đừng nói bậy! Nói lẹ! Nói mau không đánh bể đầu! Nói gấp! Nói liền! Nói liền tay! Có nói không? Ráng nói, gắng nói, nên nói, đáng nói. Đáng ra phải nói. Lẽ ra phải nói. Chán nói chưa?

Kẻ nói thường có thái độ ngoẹo đầu, quay cổ, hoa chân múa tay, chống nạnh, lắc đầ. Đó là những:

Cái hạnh nói con mẹ ấy, tôi ghét lạ. Cái cách nói, cái lối nói, cái bộ nói, chưa nghe xong đã muốn đánh lộn, thằng cha nói như đóng tuồng, nói như hát, con mẹ đó nói như đóng kịch. Cái điệu nói sao mà dễ “hét” quá! Mới nghe đã muốn thương rồi, cái kiểu nói như con nhà quan, tiếng nói nghe như quen quen!

*

Nói là một điều khó. Thành ra người ta phải học ăn học nói, học gói học ghém, chứ đâu phải nói lấy được thế nào xong thì thôi. Chính vì quen và không quen nói, hoặc gặp hoàn cảnh khó dễ xử, hoặc vì đối tượng mà:

Nói mau, nói chậm, nói xuôi (chứ không phải xuôi theo, xuôi ro), nói lầy nhầy cả giờ, nói gì cho rõ ràng, sao cứ nói lằng nhằng chẳng hiểu gì cả! Nói cái vụt, nói vùn vụt, nói không ngớt, nói không nghỉ miệng, nói nhát gừng, nói bai bải, nói lụp chụp, nói tất bật, nói cà bật cà bưởi, nói lua lua như sợ ai cướp lời, con trai gì mà ăn nói rù rờ, thằng ấy nói không vấp, nói như bắp rang, nói không mỏi họng từ sáng đến chừ! Mới đến làm rể nên còn sợ, ăn nói lụp chụp, khiến mất lòng ông gia. Khó nói (theo văn chương là “khôn nói nên lời”), khó nói (không thể nói vì có những uẩn khúc) thì thành ngữ này đừng lộn với nói khó (vì cuống họng chưa thành thục). Nói không kịp nghe, nói sấn tới đi, nó sắp thua rồi đó! Nói cụt ngủn, nói gọn lỏn, nghe qua chẳng hiểu gì cả, ăn nói láu táu vừa mau vừa vô phép. Nói lúng túng trong miệng như vừa ngậm kẹo vừa nói. Nói đốp đốp như bắn súng, ai mà nghe cho kịp. Nói huyên thiên bạ đâu nói đó: Nói cù cưa hoài, không dứt khoát cái gì ra cái gì cả, nói liền liền không để ai kịp nói. Trẻ con nói rân ngoài kia, ra dẹp chúng nó đi!

Vì có những cách nói như thế mà người ta chán nói, ngán nói, hết muốn nói, hết chỗ nói, chớm nói (mới mở miệng), định nói rồi thôi, dợm nói mấy lần mà không nói được. Hoặc thích nói, ưng nói, nói say, nói như say máu ngà (một thứ cảm giác bàng hoàng như có chất men rượu, lôi kéo người ta đi trong lời nói). Biết rồi khổ lắm, nói mãi! (Vũ Trọng Phụng).
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Nói nghĩa là gì? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Nói nghĩa là gì?   Nói nghĩa là gì? I_icon13Wed 02 Sep 2020, 10:20

Nói (tt)

Nguyễn Văn Xuân


Người Việt là những kẻ xây dựng. Càng vào miền Nam mở rộng đất đai, cái tài xây dựng càng thấy rõ ràng. Vậy mà không hiểu tại sao trong thành ngữ của miền Nam, những tiếng đi với nói có tính cách yêu thương, giúp đỡ, giáo hoá, bao dung, rộng lượng có rất ít, phải tìm kiếm khó khăn lắm. Phải chăng dân tộc ta, kể cả miền Bắc, rất thông minh dạn ăn dạn nói, dạn miệng dạng mồm, khéo ăn khéo nói, nói dẽo nhẹo cái miệng, nói ngon nói ngọt là thế, mà căn bản vẫn là dân tộc hay cả thẹn. Sự cả thẹn đó có lẽ duyên do vì đời sống xã hội rất ít, gần như chỉ rút trong những lúc hội hè, đình đám. Còn những cuộc giao tiếp khác giữa những bạn bè, những người chung nghề nghiệp, những người đồng học, tinh thần “công cộng” không được gắn bó vững vàng bằng một tổ chức nào cả, còn tinh thần cá nhân, gia đình bao trùm mọi hành vi nên lấn át hết. Đã thế trong xã hội nông nghiệp lạc hậu sự tranh giành với nhau từng tấc đất, từng miếng thịt giữa làng, từng cây cột chèo, từng chút quyền lợi cỏn con giữa đàn ông (nông dân, đánh cá, thợ thuyền), sự tranh giành trong việc mua bán giữa đàn bà có thể diễn ra hằng ngày. Sự cả thẹn vì không quen thảo luận bàn cãi thường khiến người ta có những phản ứng không hay. Đàn ông gặp những trường hợp ấy họ chỉ nói nặng nói nhẹ, nói xỏ nói xiên, nói qua nói lại, nói tới nói lui, cũng có trường hợp xảy ra nói hung nói dữ, rồi thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Để chờ có ai nói giải hòa, nói phải không nhất là gặp hạng ăn nói biết điều thì cũng dễ dàn xếp. Chứ như đàn bà mà gặp phải hạng ăn nói hung hãn, ăn nói chua ngoa, nói như cú kêu, nói như cối xay cùn, nói không kể trời đất gì thì thật khó xử. Có khi chỉ vì một con cá, ban đầu là nói chơi rồi nói chơi thành thật, thế là nói chẹn, nói chận họng, nói đá, nói móc, thêm những kẻ bàng quang nói xía vô mấy câu, đổ dầu đổ lửa ra, thế là tá hỏa tam tinh. Thế là nói giành nói giật, nói không cần nghĩ, nói phong phóc, nói tưới hột sen, nói hỗn nói hào, nói không sợ trời đánh thánh vật. Những kẻ đứng ngoài càng nói châm nói chọc, nói chọc tức, nói phá đám, là các bà ở trong cứ thao thao bất tuyệt. Họ nói như điên, nói cho hả hơi, nói cho đã nư, nói cho hả giận, nói cho bớt xốn xang. Nhiều khi người ta đã về hết mà một mình đứng lại còn nói oang oang, nói có cô bác làm chứng, nói có quỷ thần trên đầu trên cổ, đứa nào nói gian cho nó hộc máu. Tới khi chỉ còn một mình vẫn nói lẩm bẩm, nói thì thầm, nói như con mẹ khùng. Về nhà chồng hỏi làm sao. Tức thì cơn giận lại nổi lên. Gặp anh chồng cộc (vợ chồng không quen bàn luận gì) ít ăn, ít nói, lầm lầm lì lì. Thấy vợ cứ nói sa đà, nói lải nhãi mãi, mất ngủ, đâm ra tức. Thế là nổi lên: “Tại sao mi không biết nói lại? Cái mỏ để ở đâu? Chỉ biết khôn nhà dại chợ”. – Rồi thì những: đồ nói ngu như bò, nói như chó, nói với chó chớ nói với tau như rứa à? Tôi có nói đâu? Chó nói (đổi hẩn chủ từ của vợ). Nói rứa Chó cũng không nghe được. Nói kiểu ông nội người ta, ai mà chịu cho được. Tức như rứa thì Phật trên bàn cũng phải nói, nữa là người. Thế rồi cứ kéo dài cái chuyện nói phải nói không, nói dông nói dài, nói tài nói giỏi, nói mỏi miệng khan hơi. Kết thúc bằng vài cú đấm, vài tiếng kêu thất thanh… rồi đi ngủ, giữa khuya chồng còn nghe vợ nói mớ.

Trong gia đình Việt Nam sự sống chung rất cần thiết cho hoàn cảnh nông nghiệp thiếu phương tiện sản xuất. Chế độ đại gia đình bắt nguồn từ sự cần thiết phải hợp tác giữa những người tin cậy lẫn nhau để giúp công, giúp sức với nhau. Bên Trung Hoa những Lưu gia thôn, Trương gia trang, với những giai thoại “chín đời không rời nhau ra” kiểu Trương Công Nghệ. Bên ta, không hẳn ở chung một nhà lớn khi con cái đã có vợ chồng và bầy trẻ dại, như các Thân, Loan (Đoạn tuyệt) với kiểu đại gia đình giàu có. Nhưng cha mẹ cũng thường tìm quanh quất trong vườn, trong xóm gần gũi, cho con cái lập nhà cửa để sự giúp đỡ đó được hiệu quả và liên tục. Cả cha mẹ lẫn con cái đều thấy vì quyền lợi vật chất lẫn tinh thần mà phải ở chung, hoặc ở gần gũi với nhau. Nhưng chính sự chung đụng “giữa đàn bà với nhau” mà hay sinh sự. Điều ấy cũng dễ hiểu. Đàn bà thường lo ăn uống, cắt xếp nên thấy quyền lợi rất cụ thể, rất rõ ràng lại không được chế độ cho phép tiếp xúc bên ngoài, nên tư tưởng, tình cảm thường khuôn theo những quyền lợi nhỏ mọn của mình. Do lẽ đó mà chị em dâu, bà gia mặc sức mà tiếng bấc tiếng chì, nói nặng nói nhẹ, nói gần nói xa, nói nên nói hư, nói chùng nói lén, nói úp nói mở, nói hùa (theo), nói kháy, nói theo, nói dìm, nói chọc tức, nói hàng hai, nói gạt, nói ba phải, nói giỡn không ra giỡn thiệt không ra thiệt, nói khống (biến âm của không), nói khống nguyền, nói lừa, nói phỉnh, nói xuôi theo, nói châm chọc, nói đẩy đưa, nói khích nói bác, nói lấp liếm, nói đổng, nói trống không, nói vu vơ, nói hành (nói trộm những điều xấu, một từ ngữ rất thịnh hành).

Đó là lúc còn ở chung, chứ khi đã ra riêng rồi, cái thế lực bà gia đã bớt, thì lời nói cũng có phần cứng cựa hơn. Dám nói cứng hơn. Bây giờ mà gặp phải cô dâu dữ, cô cũng dám nhiều lúc quay về phía các em chồng trong nhà bà gia mà nói cượng (chứ không phải nói gượng vì cô tự cho mình cứng lý chứ không phải đuối lý). Nói ác lỗ miệng, nói xấu hổ, nói đổ sông đổ biển, nói mang tội với trời chứ tôi đã cực khổ, đã đau đã xót, đã tốn kém, đã làm thân tôi mọi mà họ còn mần ri, mần rưa v.v… Họ chỉ nói dẽ cái lỗ miệng, họ ăn sàm nói sỡ, họ nói cho tan gia bại sản tôi, tôi phải nói bật, nói trớt, nói tuốt mi da ghè, cho ai muốn hiểu thì hiểu. Tôi phải nói cho đã miệng, chớ không dại chi mà giữ ấm ức trong bụng nữa. Tôi nói cho những ai nói trước quên sau, nói đứng dựng ngược, nói điêu nói ngoa, nói rắn nói rồng, cho họ biết là “nói dối lòi đuôi”, họ phải nghe “nói để vào tai” mà ngẫm nghĩ, cho họ không thể nói ngang như bứa, nói sóng nói gió gì thì tự do mà nói. Tôi nói để cho những ai mang gươm mang dao trong bụng mà miệng nói ngọt như mía lát, cái chi nói (cũng) xuôi ro, mới nghe tưởng sớt cửa sớt nhà mà nham hiểm không ai bằng khiến họ phải xấu hổ. Tôi đâu có phải hạng “thở ra khói nói ra lửa”, tôi nhắc lại những chuyện ni thiệt là cười ra nước mắt. Tôi cũng biết người đời có câu tục là me nói oan, quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa”, nhưng mà oan quá, hiếp quá, thừa quá thì tới lúc còn ai mà nhẫn nhục. Lúc đó trời cấm cũng cứ nói.

Anh chồng của chị có tiếng là “nói như đinh đóng”, “nói như đinh đóng cột”, “nói như chặt đinh”, “nói như chém gạch”, “nói như rìu chém xuống đá rạ chém xuống đất” chứ không phải hạng nói như tép nhảy, mở miệng nói (là) sợ động thời văn, thật là hạng miệng nói có gang có thép, thế mà từ đằng xa định về nhà, nghe tiếng vợ với các em nặng lời với nhau qua không gian, cũng đành ngậm ngùi chân bước. Bênh vợ, bênh em đều mang tiếng, sợ thiên hạ nói. Mà vợ và em đều nói quá (tức nói quá nhiều, nói quá đáng, nói quá lời, tùy trường hợp mà hiểu nghĩa) như thế thì tình trạng bất hòa biết bao giờ cho hết, nói không còn chỗ vớt vát, mạnh ai nấy nói, nói hoài nói hủy, nói rồi lại nói, thật ngán hết chỗ nói.

Bạn hỏi đi đâu? Anh nói tỉnh là đi mượn vào món đồ. Rồi anh nhìn bạn dạy một thằng bé con nói chưa thành tiếng, chưa nên lời, vừa nói đớt (như lưỡi hụt) vừa nói chớt (nói không rõ tiếng), phải ăn nói đàng hoàng. Trẻ con cần nhất “Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”. Anh dạy cho đứa lớn, một cô gái đừng nói hớt người lớn, đừng nói cướp lời, đừng nói thiên thẹo, đừng ăn gian nói dối, đừng nói khít hai hàm răng, đừng nói chọc tức, đừng nói dưa, nói đẩy đưa, nói bóng gió, nói lấy chừng, nói kiểu hàng tôm hàng cá. Phải thuộc câu thơ rất quen thuộc trong bản về Tam Khôi mà con gái thường thuộc lòng:

Khi ăn khi nói chững chàng
Khi ngồi khi đứng bẽ bàng dung nghi.

Anh cũng lại dạy con biết nói nhỏ nhẻ, nói tỉ tê, nói thủ thỉ, nói vớt. Gặp gia đình ai có đám nào đi hỏi mà con gái không ưng thì nên nói giúp, nói giùm (nói hộ), nói cho, nói vào (tức là nói, bàn những điều có lợi, cho nên việc, đừng phá đám – khác với câu bàn ra nói vào là dư luận phân vân) đừng nói ra (phá hoại), đừng nói thập ngộ (những điều bất ngờ có hại). Nếu có dịp sẽ nói đừng nói lãng nhách nói lạt thách. (Tiếng Bắc: Nhạt thếch; Trung: lạc thách; Nam: lạt nhách).

Thằng em trai thì anh dạy đừng nói xỏ xiên, nói cà đai (kéo dài), nói xỏ lá, nói ba que, nói lung tung, nói tùm lum tùa lua (không ra ngô ra khoai gì), nói cà riềng cà tỏi (kéo dài không đến đâu), nghệ sĩ khoả lấp, nói cho bằng được (không kiêng nể, không ngần ngại), nói liều mạng, nói trù trừ (nói lưỡng lự, không dứt khoát), nói bắt quờ (không rõ điều chính, điều quan trọng, gặp ý gì mới nghe thì nói theo), nói chận họng, nói lẫn lộn, nói lúng túng, nói gàn bướng, nói sai bét, nói lấp liếm (vì sai, phải nói cái gì đó để giữ thể diện), nói lạc đề, nói trêu gan (chọc tức ai) nói xạo, nói ba xạo, nói tránh trớ (nói ra khỏi điều chính với dụng ý khỏi làm việc), nói tránh (nói chệch để khỏi phạm điều không nên nói, như tên ông bà kỵ nói, phải nói Mạng ra Mệnh), nói xí xoá (nói chữa thẹn, nói cho quên việc nào đó), nói qua quít, nói hoạ may (may thì trúng, rủi thì trật, nhưng đã trúng), nói khoả lấp, nói xách mé, nói cà gật (nói không nghĩa lý gì, không chú tâm như kẻ ngái ngủ, gât gù), nói ba trợn ba nháng (không ra đâu vào đâu cả). Đừng có nói hoảng (vì hoảng sợ, bịa đặt), nói áp nạp (nói ép, nói buộc, nói mạnh khiến kẻ khác phải thua), nói trạng (nói tài giỏi, đừng lộn với trạng nói thường cũng có nghĩa là tay chỉ quen nói tài nói giỏi). Cần nhất là nói đằng thằng (có lễ độ, rõ ràng), nói cho cặn kẽ hay nói cho có kẽ có còi, nói có thứ có lớp, nói có lớp có lang, nói có trước sau, nói có nghĩ trước nghĩ sau (đừng lộn nói trước nói sau), nói tách bạch rõ ràng, nói có văn vẻ, nói có cân nhắc. Cấm không được đụng đâu nói đó, không được nói tréo cuống họng, nói trật bản họng, nói đâm họng, nói móc gan móc ruột, nói độc địa, nói cho tức hộc máu, nói cho trào cơm người ta ra. Vậy thì nói là cốt cho rõ sự lý, chứ không phải nói gỡ rạc, nói xả hơi. Kỵ nhất là đừng lên giọng bề trên mà nói trịch thượng, nói dằn mặt, nói dạy đời, nói cù cao (cố vươn lên địa vị cao, ở trên), ăn nói trống trải (vô lễ, thiếu kín đáo, không nói rào đón), nói trù (tức hại ngầm người ta, không cho khá lên nổi, thường đi đôi với nói ếm), nói dặm (nói thêm một hai tiếng khi kẻ khác dứt câu, chứ chưa phải nói chêm là họ đang nói thì xía vô một hai tiếng) hoặc nói thêm là việc ít nói xít ra nhiều. Nhất là đừng nói trước (Tôi sẽ đỗ đầu kỳ này! Tôi nói trước). Cũng đừng nói thụi (nói theo có tính xu nịnh), nói sau (nói tỏ ra tài giỏi khi việc đã xong rồi như “thầy bói nói sau”, ai nói mà không được), nói vừa (tức là chỉ nói theo bụng kẻ khác: hoặc nói chừng chừng, ai cũng biết):


Bói xem một quẻ trong nhà
Chuồng heo ở dưới chuồng gà ở trên.


Cũng như nhà báo nói láo ăn tiền, lối nói ấy là nói lấy tiền gần những lối nói dè chừng, nói bắt quớ, nói dựa, nói cầu may, nói gợi ý, nói bất mánh (tức là liệu chứng sự phản ứng của kẻ đối thoại, rồi theo đó mà đoán già đoán non, đừng lầm với nói mánh nói khóe, nói có ý điêu ngoa gian giảo cũng không phải nói cạnh nói khóe là nói trêu gan bằng những cái xấu của người ta một cách gián tiếp. Cuối cùng là đừng ngồi nói lối suốt ngày (nói lối đây không phải dùng lối văn vần theo lệ thường mà chỉ có nghĩa là nói chuyện lung tung, say sưa, không làm gì cả).

Đã nói đến nói nhiều thì không thể không nói tới ăn. Người Việt Nam thường bảo: “Có tài ăn nói”, “Ăn nói giỏi”, “Ăn nói cừ khôi”, tay ăn nói ở vùng này đấy. Theo lối phát ngôn tự do bây giờ thì “một cây ăn nói” đó. Phàm ở đời hễ “có miệng ăn thì phải có miệng nói”, hễ những ai “ăn không nên đọi nói không nên lời” đều đáng chê trách cả.

Vậy thì có bao nhiêu câu mà ăn đi với nói?

Trước hết là chê hạng người muốn nói gì thì nói:


Ăn nói cẩu thả.
Ăn nói lộn xộn.
Ăn không nói có.
Bạ ăn bạ nói.
Ăn nói quàng xiên.
Ăn nói đĩ bợm.



Hạng người nay nói có, mai nói không, không nhất trí:


Ăn ngược nói ngạo.
Ăn nói phản phúc.
Ăn nói ngỗ nghịch.



Trái lại là hạng:


Ăn ngay nói thật.
Ăn to nói lớn.



Đôi khi cha mẹ dạy con đừng:


Ăn sóng nói gió.
Ăn chả nói chớt.



Và nên:


Ăn bớt bát nói bớt lời.


Tuyệt vời là lối giải thích những cách ăn nói đó mà chẳng giải thích gì cả, song lại chính là sự giải thích kỳ thú của bình dân:


Ăn ốc nói mò, ăn măng nói mọc.
Ăn cò nói leo.



Ăn đã thú mà nói trong lúc ăn thì còn gì thú cho bằng. Cho nên “Học ăn học nói” là điều các bậc trưởng thượng vẫn dạy con cháu để chúng ăn có nhai, nói có nghĩ, dám ăn dám nói, mạnh ăn mạnh nói để khi gặp sự tranh đua, gia đình khỏi lâm cảnh “mạnh miệng ăn, sưa miệng nói” [4] .

Cái miệng dùng để nói, để ăn và cũng để cười, cho nên có nói cười, cười nói:


Nói cười hỉ hả.
Nói cười hả hê.


(Khóc) hay: Nói hổ ngươi, cười ra nước mắt.


Những ai chưa nói đã cười,
Chưa đi đã chạy là người vô duyên.


Nói đi với cười thì cũng đi với thề:

Xưa kia nói nói thề thề,
Bây giờ bẻ khoá, trao chìa cho ai?
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Nói nghĩa là gì? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Nói nghĩa là gì?   Nói nghĩa là gì? I_icon13Wed 09 Sep 2020, 06:53

Nói (tt)

Nguyễn Văn Xuân

Nói cũng như một hoạt động cơ thể khác cũng có bệnh. Cái bệnh đầu tiên và trào phúng là bệnh hay nói. Nhưng nó cũng có bệnh thật như ta đã biết của trẻ con (đớt, chớt) và những thứ bệnh khác như bệnh nói cà lăm, một thứ bệnh mà người nói cứ gân cổ ra nói tiếng cứ lặp nhau, khó thành câu trọn vẹn (Tôi tôi… chưa chưa… ăn ăn). Nói ngọng là nói sai hẳn một số tiếng nào đó, chưa sửa được, do một thói quen lúc nhỏ hay do cuống họng (chữ đ nói không được) đi đâu: i âu; cái chuông: ái uông. Nói liệu là lối nói lạ nhất thường có ít bà mắc phải. Tức là nói luôn một hơi những tiếng rất thô tục hoặc một số tiếng nào đó. Đèn, dèn, dèn, đèn, đèn, đèn. Đèn đèn, địt địt, ỉa ỉa… mãi một lúc lâu rồi mới nói được cái điều muốn nói mà khi nói được lại trơn tuột. (Đừng lộn lối nói này với lối nói líu (líu lưỡi, lưỡi dính lại nói khó khăn). Nói lảng là nói không đúng vào vấn đề, thường do bệnh hoạn hay tinh thần sút kem khiến nói ra ngoài điều muốn nói, hoặc bỗng dưng không ai hỏi mà nói. Nói sảng là do một cơn bệnh, nhất là trẻ con khi bị sốt nhẹ thì nói mê, nặng quá thì phát nói liên miên, sợ hãi, cũng gọi mê sảng (đừng lầm nói hoảng trên kia, là tự nhiên bị bí, không biết nói gì đặt bậy ra mà nói cho qua việc, để đỡ đòn, nhất là ở các phòng tra tấn). Nói lẫn là lối nói của các ông già, quá già nói điều này lầm sang điều nọ vì trí nhớ bị kém, bị suy nhược (có hơi giống nói lảng và người ta cũng bảo “Cụ tôi bây giờ lẫn rồi nên hay nói lảng”). Thật xa hẳn cái thời mới bể tiếng nói hay bể giọng tức có giọng khàn khàn của bọn thiếu niên đang chẳng trong cơ thể để lớn vội (khoảng 14, 15 tuổi). Nói mớ nói trên kia tuy rât thường, nhưng đối với một số người cũng là một thứ bệnh vì mớ to mà mớ suốt đếm thường vẫn bị gọi là “kéo gỗ” ban đêm.

Những bệnh nói trên có liên quan đến các bổn phận trong họng, trong lưỡi, khiến cho khi nhắc đến nói người ta không quên giọng nói. Giọng đây không phải giọng Huế hay Hà Nội, mà chỉ là lối gọi tổng quát cách phát âm theo một cung bực, một màu sắc hoặc cũng chính là kiểu nói, cách nói không chừng đỗi.

Chẳng hạn nói giọng mãi là thứ giọng như hai cánh mũi bị ép lại (giọng Tây, giọng đầm, giọng lai). Nhưng khi nói giọng lên, hay lên giọng, tức đổi cách nói, đổi thái độ, nói hạ giọng, xuống giọng tức bỏ lối trịch thượng mà giữ lối cầu xin, nói giọng du côn, nói giọng ba rọi, nói giọng chó má, nói giọng mẹ rượt đều là những lối nói của hạng bất trị. Nhưng nói giọng lại cái, là của hạng nói không ra đàn ông không ra đàn bà rất khó nghe, hoặc nói giọng đực rựa là giọng đàn bà mà nghe như đàn ông.


*


Đã có giọng khi lên xuống bổng trầm, tức là có ca hát. Căn bản của mọi Văn nghệ miền Nam là Nói và trình diễn [5] : Vì dân miền Nam khi vào đây là để hành động chứ không phải để suy tư, để sản xuất, chiến đấu, mở mang, khai thác… mãi cho đến thời Gia Long trở lại việc học mới thành kỷ cương. Suốt mấy thế kỷ ấy mọi hoạt động văn nghệ đều lấy đối tượng là quần chúng, không vụ độc giả mà vụ khán giả thính giả nên tất cả đều dựa vào lối nói, lối kể, lối đọc, lối hát, lối trình diễn làm căn bản. Bởi vậy nên miền Nam gọi nói thơ, nói về, nói tuồng, nói truyện, nói tiếu lâm, là vì lẽ bao giờ cũng có người ngòi kể cho kẻ khác nghe bằng cách này hay cách khác. Nói thơ (có khi gọi nói truyện) là lối đọc những quyển bằng lục bát, với một giọng ngân nga hơi khác nói vè một chút vì giọng vè thường có tính cách thời sự, văn viết theo lối nói lối, ngắn giọng và linh hoạt (trừ vè dài, bằng lục bát như truyện thì không kể). Nói tuồng là một lối hát bộ thu gọn vào một (hay năm ba người) ngồi trước cái trống chầu, vừa ca hát vừa làm bộ tịch. Nói tiếu lâm là nói những “chuyện hoang” để cười. Cũng như nông dân các nước, dân ta rất thích cái cười thoải mái, tự do, cười bằng thích, cười bò lăn, bò càng ra đó.


*


Nói cũng bị ảnh hưởng từng thời kỳ tiếp xúc của lịch sử. Nhưng cứ xem như trên kia thì thấy rõ ràng Nói, ít dùng ngoại ngữ bằng Viết. Nói cách khác là dân chúng khi nói, giao thiệp, tiếp xúc đã tìm hết các cách để diễn tả rất gọn những điều cần diễn tả, một cách thông minh, đầy đủ mà những nhà trí thức khi viết cả khi nói, đã không cố gắng đến mức tối đa để đặt ra những tiếng cần thiết đó. Chỉ quen vay mượn rồi bằng lòng với sự vay mượn đó, lâu ngày thành một thói tục đến nay vẫn chưa bỏ. Điều thật lạ lùng! Một nhà văn sĩ Việt, chuyên viết tiếng Pháp là ông Phạm Duy Khiêm vẫn quả quyết là tiếng ta chỉ có tiếng cụ thể, không có tiếng trừu tượng bao nhiêu, do đó khi dùng tiếng trừu tượng phải mượn của Trung Hoa. Nếu nói dân ta không đủ tiếng trừu tượng phải mượn của Trung Hoa thì hầu hết những tiếng Nói trong bài ông Siêu và bài trên đây của tôi là tiếng cụ thể hay sao? Không cần nhìn đâu xa, qua các bệnh Nói mà tôi trình bày trên kia như nói ngọng, nói liệu, nói hoảng, nói lẫn, nói mớ, nói mê, nói sảng… là tiếng trừu tượng hay cụ thể? Tôi nghĩ là chỉ khi viết mới cần nhiều tiếng trừu tượng Trung Hoa đến thế. Chứ như viết tiểu thuyết là môn sở trường của ông Khiêm mà bảo phải dùng nhiều tiếng trừu tượng thì tôi tưởng đó là trừu tượng của ta, tiếng trừu tượng của quần chúng nhân dân vì tiểu thuyết chính là thể hiện cuộc sống đó. Nhưng bởi ít tiếp xúc với dân chúng, ít có dịp sống lâu trên đất nước, ông không được cơ hội thu nạp thật nhiều những tiếng đó nên ông có cảm tưởng lầm lạc trên, một cảm tưởng đã làm cho trí thức Việt Nam phẫn nộ một thời.

Thật ra, trong khi nói, không phải đồng bào ta không chịu thu nạp chút nào của người ngoại quốc, nhất là những nước có quan hệ trực tiếp với ta. Nhưng xét ra, số ấy vẫn rất ít so với sự sáng tạo của quần chúng.

Chẳng hạn chịu ảnh hưởng Hán học:

Nói đại, nói lý, nói lý sự, đại xạo, xàm ngôn, phét ngôn, xin ngôn rằng (kiểu nhật báo)… Tiếng Trung Hoa thuần túy thì: đại ngôn, đàm thoại, đối thoại, độc thoại, phát ngôn, phát biểu.

Những tiếng phát biểu là tiếng hay dùng nhất thời kháng chiến đi đôi với chữ xin nói [6] , có thể dùng bất cứ giờ phút nào. Thời ấy cũng có câu tục ngữ này rất thịnh hành:

Muốn sang làm hành chính.
Muốn đánh làm công an.
Muốn lang thang làm tình báo.
Muốn nói láo làm thông tin.

Chịu ảnh hưởng khi theo văn học Pháp, có một số tiếng nay rất được dùng để đùa như đía, đía ba son, đía sanh tử, nói xí lô xí là, nói phân-xi-lô, nói tiếng Tây (nghĩa là nói những gì không hiểu gì hết như thời K.C. người ta nói: Cô ấy 18 tuổi Đông Dương (bạc Đông Dương so bạc kháng chiến rất cao giá, ý nói muốn nói bớt tuổi, hay như bây giờ màu áo chiêu đãi viên là màu xanh đậm mà tươi) nói tiếng Tây bây giờ còn rất hay dùng. Ngoài ra, lối dùng theo phương pháp của Pháp để diễn đạt ý cũng nhiều: Tổng thống nói (không rõ chữ này dịch từ dire (Pháp) hay viết của Tàu) phim nói, nói cho đúng ra, nói vắn tắt, nói rút lại, nói cách khác, nói riêng, nói chung, chính danh mà nói, nói rộng nói hẹp, nói với ác ý, nói bằng mắt [7] .

Trong lối dịch tiếng Pháp này, có lẽ câu dịch sau đây của Hoàng Đạo là thú vị nhất (nguyên văn: Parlez moi d’amour, parlez moi des choses tendres) và ông đã dịch trong một truyện dài trào phúng:

Hãy nói với anh cái ái tình
Lại nói với anh những cái đồ mềm (!).

Viết tới đây, tôi sực nhớ một giai thoại mà Tế Hanh, một nhà thơ có lần từng kể cho tôi: - Buồn cười là khi tôi (lời T.H.) đề tựa cho tập Luật hỏi ngã của Nguyễn Đình, tôi bỗng chợt nhận ra cái gì, cậu biết không? Là phần ngoại lệ nhiều hơn phần chính”. Tôi không rõ nhà thơ Quảng Ngãi đùa hay thật. Nhưng cũng vì giai thoại đó mà tôi phải vội dừng lại ở đây. Vì tôi ngại lỡ kẻo bài viết của tôi (dù muốn dù không bài của tôi cũng là để đáp ứng và phụ hoạ phần chính trong bài ông Siêu) dài hơn bài của ông Siêu thì chẳng hoá ra… phần ngoại lệ lại dài hơn phần chính hay sao? Mà bản thảo của tôi đã đến trang 24 rồi! Không khéo lại có nói bô bô, nói không sợ mất lòng: Cái thằng cha “Quảng Nam hay cãi” quen thói “ăn một cục, nói một hòn” này, cứ nói cà trật cà hót không ra ngô, ra khoai gì mà lại nói dai nhách.

__________________________________

[1]Xin xem “Khi đám lưu dân trở lại” đăng ở Bách Khoa.
[2]Nói thế tức tôi không nhận tiền nhuận bút của ông Siêu. Tôi chỉ nhận nhuận bút của Văn như cộng sự viên của tạp chí.
[3]Tôi nói hầu hết, vì có một số chữ ông Siêu lấy ở tiếng trong Nam, nhưng chỉ là số rất ít.
[4]Nguyễn Du cũng là một tay ăn nói, trong truyện Kiều, giở ra phần nào cũng có thể tìm nhiều câu rất thú vị: “Những nghe nói đã lạ lùng”, “Ra vào một mực nói cười như không”.
Cho nên hễ có ăn nói, tất không thể quên nhà thơ thiên tài ấy mà các câu sau đây hình như đã đi vào tục ngữ:
Nói lời rồi lại ăn lời được ngay.
Khi ăn khi nói nhỡ nhàng.
Ăn làm sao nói làm sao bây giờ.
[5]Xem Bách Khoa: “Khi đám lưu dân trở lại”, Nguyễn Văn Xuân
[6]Vì có sự xin nói, rồi nói quá nhiều, nói quá dài, nên thường chủ tọa phải “tôi xin cắt”, tôi “xin cắt đứt”. Về sau, ở Mộ Đức, Quảng Ngãi có người đàn bà cắt mất vật quý của chồng nên ở Liên khu V trong những cuộc mạn đàm, những tiếng xin cắt đứt hoá thành “xin Mộ Đức”.
[7]Cũng nên nhắc hai câu thơ của Xuân Diệu:
Em phải nói, phải nói và phải nói
Bằng lời môi, nơi cuối mắt, đầu mày.


(Nguồn: Talawas)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Nói nghĩa là gì? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Nói nghĩa là gì?   Nói nghĩa là gì? I_icon13Thu 17 Sep 2020, 10:36

Cái cười trong ngôn từ Việt Nam

Trầm Thanh Hùng

Trong tiểu luận “Nói nghĩa là gì?” đăng trong Văn – Nghiên cứu và Phê bình Văn học – tập 1, nhà văn Lê Văn Siêu đã định nghĩa tổng quát tiếng nói như sau:

“Nói là cái cách dùng những lời như những phương tiện để diễn tình và ý của mình trong cuộc sống” [1] .

Như vậy, nói là một hình thức rất quan trọng để diễn tả, để trình bày hay để giảng giải cái ý nghĩ, tư tưởng, sở học của mình cho những người xung quanh hiểu, hoặc thông cảm đối đáp với mình.

Thường thường, để nhấn mạnh, để làm đậm nét và để gây một ấn tượng trong đầu óc của người đối diện, ta thường chua thêm một tiếng cười kèm trước hay sau câu ta nói. Cố nhiên, tùy theo từng trường hợp một, cái cười có thể làm cho người ta khoái trá hơn, vui hơn và cũng có thể làm cho người ta căm giận, sôi máu hơn…

Tiếng nói bộc lộ “trắng” ý tưởng của người nói nhưng cái cười nó không rõ rệt, sáng sủa như tiếng nói. Nó đòi hỏi người đón nhận cái cười ấy phải mất một thời gian hoặc ngắn vài giây hoặc dài đến vài năm hay có thể, cả đời nữa để mà hiểu rõ những cái nghĩa sâu sắc và cốt yếu của nó. Tiếng nói có một bề sâu vô cùng thì tiếng cười khi đi với tiếng nói cũng có một chiều diễn tả – gồm nhiều mặt – ra đến vô hạn.

Phạm vi của cái cười đã vô chừng và đối với dân tộc Việt thì nó lại càng dồi dào phong phú hơn nữa: nó là cái kết quả âm ỉ, không ai ngờ đến trong suốt ba, bốn ngàn năm xây dựng và kiến tạo văn hiến, văn học.

Trở về với những bề mặt mênh mông của cái cười Việt, ta nhận xét thấy điều này: cười không hẳn là kết quả của một trạng thái vui tươi trong tâm hồn mà nó còn là kết quả của vô số những trạng thái rung động khác của lý trí, tư tưởng con người nữa.

Vui thì cười, đó là lẽ tự nhiên của trời đất, thế mà buồn cũng cười, hả hê thoảmãn cũng cười, bị đè nén bóc lột cũng cười, tức giận cũng cười, sung sướng hài lòng cũng cười, đau khổ chán chường cũng cười, khinh bỉ ngạo mạn hay kính phục cũng cười nốt.

Nhưng cái cười của người Việt ta không phải lối cười mà Nguyễn Văn Vĩnh đã cho rằng “người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì mà dở cũng hì, quấy cũng hì, phải cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang”. Mà là cái hì trong đó nó ẩn náu, nó tiềm tàng cả một khối những ý nghĩ thâm trầm, sâu sắc và tế nhị vô cùng chứ không vô bổ và vô ý thức như Nguyễn tiên sinh đã nghĩ. Và nếu nhận xét kỹ, ta sẽ thấy những cái cười vô bổ vô ý thức đó nó chỉ là một cái gì bé nhỏ lạc lõng trong làng cười của người Việt mình.

Chủ đích của tác giả không phải là quay bề mặt của cái cười về phương diện triết học hay văn học mà chỉ dụng tâm nêu ra một số những ý nghĩ mở đầu, lôi kéo dần đến việc tìm xét từng ý nghĩa một của cái cười Việt Nam, vì vấn đề tra khảo những cái cười trên phương diện triết học này đã được nhà văn Vũ Đình Lưu đem ra bàn rất tỉ mỉ trước kia rồi [2] .

Vì tính cách bao la rộng rãi của cái cười nên để dễ suy nghĩ và dễ cho độc giả theo dõi, chúng tôi sẽ lần lượt phanh phui cái cười trên những phương diện khác nhau và những hình thức khác nhau mà độc giả sẽ xem dưới đây.


A. Cười vì vui

Vui vẻ, thích thú thì tất phải cười. Điều đó không ai hiểu nổi và cũng không giải thích được tại sao. Vui thì tự nhiên hai bên miệng từ từ kéo dài ra và chúng ta cười. Cười như vậy là cười vui vẻ, nó tô điểm cho gương mặt thêm nét rạng rỡ và tươi tắn và khiến cho người đối diện chưa cười cũng phải cười theo. Người nào tính tính ít nói, nghiêm trang, thì khi gặp vui như vậy cũng sẽ cười, cái cười đó là cười kín đáo, ngược lại với cười kín đáo là cười xô bồ, cười phá lên ầm ầm, cười ha hả. Vui sướng đột ngột hay thích thú quá vì một câu châm biếm hay thì là cười rú lên hay cười ré lên, phá lên cười, cười rộ lên, cười ồ. Yên lặng hơn nhưng cũng không kém phần thích thú là phì cười, bật cười.

Cười vì thích thì tiếng cười tự nhiên lắm, nó sẽ là cười ầm ầm, cười dậy trời dậy đất, cười tróc nóc nhà, cười như trốt hốt, cười như vũ bão. Cười như vậy làm cho những người ngoài cuộc cũng vui lây mà cười theo. Dân mình có câu “hiền như bụt cũng phải cười” để chỉ những cái cười nhộn nhịp, ồn ào ghê lắm. Không biết đã có ai thấy Bụt cười bao giờ chưa nhưng thành ngữ trên chứng tỏ người Việt cũng rất tự nhiên trong khi ví von, so sánh. Có thể người ta gởi lầm Bụt là ông Địa chăng? Ông Địa thì bao giờ cũng ngồi phơi cả rốn ra – không biết có đau bụng không? – miệng lúc nào cũng cười toe toét, chẳng hiểu thích thú cái gì. Vì cớ ấy nên hễ ai cười rộng miệng quá thì bị ban cho chữ cười toe toét như ông Địa! Có lẽ trong tất cả thần thánh mà người Việt tôn thờ chỉ có ông Địa là cười vui đáo để mà thôi nên ông hay bị đem ra trêu chọc, đùa bỡn nhiều nhất…

Cười giòn tan là tiếng cười hết sức tự nhiên, nó biểu lộ sự khoái trá tột cùng. Cười giòn tan thật ra cũng chỉ là một tiếng rất rộng nghĩa, nó bao gồm những tiếng cười khác ngụ một ý thích thú hồn nhiên chứ không gượng ép. Nhiều người cùng cười giòn thì người ta nói là cười dòn như pháo nổ, tiếng cười lúc đó cứ rào rào lên như pháo giao thừa ấy.

Cười reo lên, cười hồn nhiên là tiếng cười của mấy đứa bé con hay đôi khi, còn để chỉ tiếng cười của những cô gái khi gặp điều gì thích thú, vừa lòng. Trẻ con còn có thêm giọng cười khúc khích nữa. Tuy vậy, để chỉ tiếng của một nhóm đôi ba người đang nói lén hay đang trêu ngầm một nhóm đôi ba người đứng đó không xa lắm người ta cũng dùng chữ cười khúc khích. Nhỏ hơn và nhộn hơn thì lại là cười rinh rích cười rúc rích. Thú vị quá, không đè nén nổi thì bật lên cười sặc sụa, cười như nắc nẻ, cười ầm ĩ như phá làng phá chợ.

Cười khanh khách cũng đồng nghĩa như cười hăng hắc nhưng hai cái cười này thường thì không được tự nhiên và chủ đích của tiếng cười một phần cũng để làm vừa ý người đối diện. Cười trong trẻo như tiếng chuông ngân thì có thể gọi là cười sang sảng hay cười rổn rảng, ai có cái giọng cười này thì người đó ắt phải có phổi tốt và tiếng nói tốt lắm vì đồng thời với cười sang sảng còn có nói sang sảng nữa. Tiếng mới bây giờ do các ông nhà báo vừa khai sinh là cười tồ tồ như… nước chảy. Nghe qua thì có hơi dơ dáy và rẻ tiền thật. Đi kèm với tiếng ấy người ta có thành ngữ: Vén môi cười tồ tồ.

Cười khoái trá quá độ hay cười khoái chí tử thì lại là cười đỏ cả mặt, cười lăn lộn, cười sằng sặc như bị ai bóp cổ hay cười ằng ặc như lợn bị chọc tiết… Đồng nghĩa với cười lăn lộn ta lại có tiếng cười bò lê, cười bò kềnh hay bò càng, cười quay cu lơ chổng bốn vó lên trời. Những cái cười đó gọi chung là cười trửng giỡn, cười đủ mỡ, cười nghe có vẻ mát da mát thịt lắm.

Cười như điên là để chỉ cười nhiều lắm, cười nổi đình nổi đám thì cũng vậy nhưng tả chân hơn, có người còn gọi là cười đổ ly nước. Từ bé đến lớn, tác giả chưa hề thấy ai có cái cười đến đổ ly nước cả. Cười làm rung động mặt nước trong ly thì có nhưng đâu chỉ một lần khi người cười đặt miệng gần miệng ly rượu. Nhưng biết đâ đó vì là hơi thở của y chăng?

Cười nhiều quá đến thất thanh là cười lạc giọng, cười chảy nước mắt, cười ngất, cười ngoác mồm ra. Cười ngất còn đi với thành ngữ là ôm bụng cười ngất. Diễn tả hành động ôm bụng cười ngất ấy người mình còn có tiếng nói là cười ngặt nghẽo, cười gục đầu gục cổ, cười bật cả người ra sau. Nếu rủi ro ghế không có thành dựa hay không có ai đỡ thì lại là cười té ngửa, cười ngã bổ chửng, cười lăn lông lốc v.v… Cười như thế thì quả là hả hê, quả là đáng đồng tiền bát gạo nuôi cho lớn thật!

Cười lâu quá thì sẽ bị chửi cho là thứ đồ gì mà cười dai như giẻ rách, cười dai nhách như đỉa đói. Dùng chữ nhẹ nhàng êm ái hơn thì là cười liên tu bất tận, cười mê man như bị quỷ ám, cười quên thôi, cười như lên đồng lên bóng thì cũng có nghĩa như vậy. Nhưng coi chừng, cười quá thì mệt lắm và có thể bị nghẹn thở được. Ở Phi châu, một vài sắc dân hay mắc phải một chứng bệnh kỳ quặc là cười, cười mãi, cười đến độ tắt tiếng đến ngộp thở và… về Giời luôn.

Người mình mà cười nhiều quá thì khi nín cười hay im cười rồi thường thở phào nhẹ nhõm: “Gớm, tao cười đến lộn cả ruột”. Cười nôn ruột là một điều rất nguy hiểm, nó làm ta cảm thấy mệt nhọc vô cùng có lẽ là bị hụt hơi. Người miền Nam thay chữ cười nôn ruột bằng cười đau bụng, cười quặn ruột, cười phát thốn hay cười bể bụng – mấy anh Ba hủ tíu nhai lại là cười pể pụng, pể pụng… - Người Bắc đôi khi còn thay tiếng cười nôn ruột bằng cười ù cả tai, cười nghẹn thở, cười chóng vánh mặt mày, cười đến xây xẩm, cười đến nỗi thấy trời đất quay cuồng mù tịt chả biết mô tê gì nữa…

Nhiều người có hàm răng đẹp, cười chỉ với mục đích là khoe răng cho người khác thấy, cười như rứa là cười khoe răng, ra cái bộ ta có hàm răng đều và đẹp lắm – điển hình nhất là cái cười bất hủ của chú chà Hynos – Nhưng cũng phải cẩn thận, gặp người có cảm tình với mình thì không sao chứ rủi gặp đứa khốn nạn thối mồm nói lại tán cho là: “Thằng cha thấy tởm quá, cười răng cả rổ ấy!”. Răng mà cả rổ thì cũng hơi quá, nhẹ hơn thì nó lại gọi là cười gì mà phơi cả răng cấm răng hàm ra thấy mà ghê. Danh từ thích hợp nhất mà người ta dùng để gọi tên cái cười lởm chởm ấy là nụ cười ấp chiến lược. Răng đẹp thì khoe răng ra mới có người ngắm và mình mới hả dạ, chứ loại răng hàng rào ấp chiến lược, răng bừa cào hay loại răng cải mả vàng bợn thì ai mà dám nhìn. Mới liếc không cũng đủ giãy lên đành đạch rồi, ngắm với nghía cái nỗi gì? Trước kia, người ta có cái mốt bịt mỗi một chiếc răng vàng – răng chó ở một bên miệng – để lâu lêu khè ra một cái làm duyên với đời chơi cho vui. Tiếc rằng mấy lúc sau này, mốt bịt răng vàng duyên bị chìm dần chứ nếu không thì có lẽ còn nhiều màn đau tim hy hữu và chữ cười trong ngôn ngữ Việt Nam may ra được thêm vài chữ nữa chứ chẳng chơi…

Cười là một điều tốt, nó là một liều thuốc bổ làm cho ta thấy tươi tắn và yêu đời hơn, nhưng cũng đừng vì vậy mà lạm dụng cái cười. Thú vật không có con nào là biết cười cả, vậy con người biết cười phải cười cho đúng chỗ. Người mà đụng đâu cười đó thì bị mắng cho là cười vô duyên, cười lãng nhách, cười lãng xẹt, cười không phải chỗ, cười vô lối. Vì không đáng cười cũng cười nên lắm khi nụ cười thành sượng sùng, tiếng cười thành lạt lẽo khó nghe. Lúc cần tiếng cười để tăng thêm phần giá trị của câu nói lại không cười, lúc cần nghiêm trang thì lại muốn phì cười, ấy là cười vô ý thức. Dân ta có câu “Vô duyên chưa nói đã cười” là vậy. Chọc cho người khác cười mà người ta không cười thì thành cười gượng, cười ngượng nghịu, mắc cỡ…

Cũng trong cái cười vô ý thức, người không biết giữ gìn khi khoái trá thì bật cười lên như khùng, cười văng nước bọt vào đầy người đối diện, làm cho họ phải ghê tởm và rủa thầm là thứ đồ cười không ý không tứ gì hết. Gặp hạng người này khi nói chuyện với nó thì phải nhớ mặc áo mưa, đội mũ tử tế kẻo ướt cả áo quần rồi lại ho, hen, sài, đẹn thì khốn!

Cười sái mùa, cười lộn ngõ cũng cùng một nghĩa là cười sai chỗ, cười trật búa, cười hả hê là ci đến mức đã đời, cười rồi thấy khoan dung trong lòng, thấy đáng tiền đáng gạo quá. Đôi khi dùng ép người ta cũng có cười no nê, cười hả dạ thay cho chữ cười hả hê đã tương đối cũ.

Cười ha hả là tiếng cười biểu lộ sự thích thú của các cụ già ngồi rung đùi, ngâm thơ, uống rượu. Kể chuyện con cháu, các cụ cũng cười hà hà để tỏ ý yêu thương dễ dãi.

Cười hí hởn cũng là vui mà có; loại cười này thường thấy nở trên mặt của mấy cậu bé con được mẹ cho quà, thích chí lắm. Nhiều nơi còn gọi là cười hí hửng, cười cẩng mặt lên như khỉ phải gió ấy! Cười thoả mãn là tiếng cười biểu lộ sự vừa ý, nó cũng đồng nghĩa với cười hài lòng, cười khoan khoái, cười sung sướng, cười mãn nguyện. Khi đó, đương sự vui vẻ lắm, mồm cười tươi tắn, cười tươi như hoa mõm chó í mà. Mặt bấy giờ rạng rỡ hẳn lên, ấy là cười rạng rỡ.

Được ai kể cho nghe chuyện gì bí mật mà bấy lâu nay hằng ao ước thì lại cười thích thú. Cười thích thú thì cũng tùy người, có khi nó chỉ là những nụ cười thoáng qua và có khi nó là cả một trận cười trời long đất lở không chừng.

Trở về với những cái cười rung nhà chuyển núi, người ta có thành ngữ cười như vượn trên rừng hay cười như đười ươi sở thú. Cả hai tiếng đều được dùng để chỉ tiếng cười không có khuôn phép, tiếng cười vừa dài dằng dặc lại vừa ầm ầm như sấm dậy của mấy tay anh hùng đứng bến gặp điều gì hài lòng thích thú.

(còn tiếp)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Nói nghĩa là gì? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Nói nghĩa là gì?   Nói nghĩa là gì? I_icon13Fri 18 Sep 2020, 10:55

Cái cười trong ngôn từ Việt Nam

Trầm Thanh Hùng

B. Đàn ông cười

Tác giả xin dành riêng một phần hẳn hòi để bàn về những cái cười bê bối của đàn ông mà chắc là ai cũng đã có nghĩ đến và biết qua khá nhiều. Không phải tác giả là người hẹp hòi, có ác cảm với giới mày râu – vì thực ra tác giả cũng chỉ là một kẻ tu mi nam tử như ai vậy – nhưng là vì bọn đàn ông mình cứ nhiều cái cười không chê vào đâu được!

Thích thú một điều gì, ít khi nào – ít khi chứ không phải không bao giờ – dân đàn ông có cái cười trong sạch đâu. Tự nhiên dù là vui vì một chuyện rất đàng hoàng, tiếng cười lúc bật lên bao giờ cũng nghe có pha một vẻ gì đáng ghét và dơ dáy lạ.

Cười nham nhở là thường tình nhất. Cái cười nham nhở không bật ra thành tiếng như những cái cười khác, mà nó thể hiện qua gương mặt của người cười. Cười nham nhở thì hay toét mồm ra nên có khi người ta cũng gọi trệch đi là cười nhăn nhở. Đồng nghiệp của cười nham nhở là cười khả ố. Cười khả ố thì không được yên lặng như cái cười nham nhở, nó bật ra một tràng dài toàn là những tiếng nghe mà ngứa ngáy cái lỗ nhĩ. Thực ra, tiếng cười khả ố không xác định hẳn hòi thành một thanh âm nào cả, nó có thể hô hô hô…, hê hê hê…, he he he…, hi hi hi… nghĩa là rặt những thanh âm khởi đầu chữ h và không có dấu. Khi tiếng cười có bỏ dấu vào thì lại khác, chừng đó tiếng cười không còn kéo dài bất tận như tiếng cười khả ố nữa mà nó là cái cười gióng một, bật ra thành từng cặp hai tiếng, từng cặp hai tiếng mà thôi. Đó là cười thô bỉ, cười bỉ lậu. Tiếng sẽ là hế hê, hé he, hố hô, hí hi v.v…Tác giả không kể hét ra đây vì những tiếng cười này không có gì để mà đo lường nó được cả, cái số lượng của nó tùy thuộc vào người sử dụng cái cười có sáng kiến hay không…

Đồng nghĩa với cười nham nhở, cười khả ố, cười thô bỉ là cười hềnh hệch, cười sàm sỡ. Cười sàm sõ còn là biểu hiệu của người không đứng đắn nữa trong khi những cái cười kể trên có thể là của một tên xưa nay vẫn hiền lành nhưng trong một phút bốc đồng muốn quên cái sự đời nên mới bật miệng mà văng ra như vậy. Cười sàm sỡ quá lố, nhất là khi đối diện với phái nữ – tức địch quân của bọn râu mày – thì bị chửi cho là cười mất dạy, cười tục tằn, bỉ ổi. Đó là nhẹ, gặp nương tử nào đáo để thì tác giả của cái cười sẽ bị ban cho một tiếng rất nặng là cười dê xồm, cười ba mươi lăm.

Nghe hai cô cong cóc kháo nhau:

“Mày quen thằng đó à?"

"Ừ, rồi sao?"

"Nó ‘dê’ lắm!"

"Sao mày biết?”

“Nghe nó cười tao biết ngay!”

Nghe cười mà biết ngay là dê thì cái cười quả là gớm ghiếc thật. Chữ cười dê thì chỉ có “địch quân” mới ban cho ta chứ thực ra, dân mày râu với nhau không ai lại chơi nhau đau vậy. Tuy nhiên, tác giả cũng công nhận một điều là đáng ghét. Sáng sớm mới bước ra khỏi cửa – nhất là mấy cô vì với bọn đàn ông thì ăn thua gì – nghe những tiếng cười hẻ hẻ, hề hề, he he nó đuổi theo đằng sau thì thật là muốn tặng cho mấy guốc quá!

Trong nhóm cười dê thì có: cười suồng sã hay cười cợt nhã, chớt nhã là giai đoạn khởi đầu nhé, rồi mới qua đến cười xỏ lá. Trong nhiều trường hợp, chữ cười xỏ lá không có nghĩa là dê cụ, dê non gì hết. Nó còn có thể là cái cười của mấy chị đàn bà nữa. Tiếng cười xỏ lá thường sau một câu khen hão, khen để chọc gan người ta, làm cho người ta biết là bị chọc quê mà không trả thù được.

Sau cái cười xỏ lá thì lại là cười híp mắt. Cười híp mắt đi đôi với thành ngữ – rất nặng – mặt lợn mồm bò cười híp mắt! Cười híp mắt có lẽ là một trong những hình thức cười đáng ghét nhất vì nó biểu lộ hẳn hòi trên khuôn mặt.

Ở trên có đề cập đến chữ cười cợt nhã hay cười cớt nhã. Cười cợt nhã hay cười cớt nhã khác với cười cợt. Cười cợt ngụ một ý tưởng vui tươi, tự nhiên, còn cười cợt nhã hay cười cớt nhã lại ngụ một ý tưởng, một cử chỉ không đàng hoàng, không đứng đắn.

Cười đểu cáng là một lối cười đặc biệt, có thể bật lên thành tiếng và có thể chỉ là một cái nhếch mép. Cười đàng điếm hay cười sở khanh cũng đồng nghĩa với cười đểu cáng. Cười dâm ô hay cười dâm đãng là cái cười dơ dáy nhất, nó cũng giông giống như cái cười đểu cáng: có thể bật lên thành tiếng hay chỉ là một cái nhếch mép mà thôi. Điển hình nhất của tiếng cười này là cái cười của các ông vua, ông quan trên sân khấu hay trên màn ảnh v.v…

Cười tiếu lâm là cái cười biểu lộ sự khoái trá, thích thú với lập pháp! Tác giả của cái cười này thường sử dụng nó về sau khi kể hay nghe được chuyện tiếu lâm vớ vẩn. Trong nhiều trường hợp, cái cười tiếu lâm còn đi đôi với cười xỏ lá để quậy cho người ta tức thêm. Cười đê mạt là tiếng gọi chung các thứ cười ở trên, nó còn có chữ đồng nghĩa là cười hạ cấp. Cười man rợ thì chắc chắn là bật lên thành tiếng và tiếng này hẳn là nghe nó khốn nạn, nó… duy vật lắm; nặng hơn thì lại là cười thú vật.

Cười xấc xược, cười hỗn láo, cười láo xược, cười lấc cấc và cười vênh váo tỏ một ý tưởng ương ngạnh, trong đó, tiếng cười vênh váo còn ngụ ý hỗn hào và kiêu căng nữa.

Đối với những tên cướp, những tên sắp giết người, tiếng cười của chúng được tặng cho một tên tuy không có thật nhưng lại rất tượng hình, đó là cười sặc mùi máu, cười tanh tưởi, cười lạnh cả gáy, lạnh cả xương sống. Còn đối với các bợm nhậu thì tên gọi thực hơn: đó là cái cười sặc mùi rượu.

Trên là những lối cười điển hình cho giới đàn ông râu ria lởm chởm. Tiếng cười tuy tệ hại thật nhưng ít ra nó cũng đã nói lên ít nhiều sự biểu lộ tư tưởng của họ qua giọng cười. Tuy vậy, không ai có thể trách móc hay ép buộc giới đàn ông phải từ bỏ những cái cười ấy. Đàn bà không có giọng cười giống như vậy nên lối cười đó là một độc quyền, một biểu hiệu của phái đàn ông mà có lẽ, nếu ai không có một trong những cái cười đó thì chắc là không “xứng đáng” để làm đàn ông nữa!

(còn tiếp)
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Nói nghĩa là gì? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Nói nghĩa là gì?   Nói nghĩa là gì? I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Nói nghĩa là gì?
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» 686 có ý nghĩa gì? Ý nghĩa sim điện thoại đuôi 686
» 12 bài thơ tình hóa học cực ý nghĩa và lãng mạn
» ĐÔI DÒNG CẢM NGHĨ VỀ MÙA THU
» Nữ trung tùng phận - Đoàn Thị Điểm
» Những hình ảnh cực ngộ nghĩnh từ rau, củ, quả
Trang 1 trong tổng số 2 trangChuyển đến trang : 1, 2  Next

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: GIẢI TRÍ :: Quê Hương yêu dấu :: Tiếng Việt-