Người phụ nữ chưa hết lớp 3 trở thành 'đại gia chân đất'
Bắc GiangMột tay cắp nón, tay xách đôi dép tổ ong cũ mèm, bà Trần Thị Thủy, bước chân trần từ trên ôtô xuống cổng công ty, nơi hơn 300 công nhân đang làm việc.
Bà Thủy, 62 tuổi, gật đầu chào người bảo vệ rồi xăm xăm bước về phía phòng giám đốc. Làm chủ doanh nghiệp có doanh thu hơn 30 tỷ đồng mỗi năm, bà vẫn "trung thành" với bộ quần áo nâu, chẳng khác nông dân. Hình ảnh này đã quá quen thuộc với nhân viên công ty và người dân thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang.
"Con nhà nghèo lại vất vả từ bé nên quen rồi. Giờ bắt tôi thay đổi cũng không được nữa", bà giải thích thói quen đi chân đất của mình.
Nhà 9 anh chị em, bà Thủy học chưa hết lớp Ba thì phải nghỉ. 13 tuổi, bà đi làm dâu. Ba năm liền sinh ba đứa con. Một đứa đẻ ngoài đường, một đứa ở chuồng lợn, một đứa ngoài ruộng. "Đứa đầu được bộ đội đỡ, hai đứa sau đẻ rơi nên cứ lấy liềm cắt rốn rồi bế về nuôi", bà nhớ lại.
Hàng ngày, trong căn nhà hai gian lót ổ rơm, người mẹ buộc tay hoặc chân con vào cột nhà, rải ít khoai cho ăn còn mình thì đi mò cua, bắt hến. Ai thuê gì, làm đấy.
Khoảng năm 1980, có vụ tai nạn xảy ra gần nhà, người phụ nữ tò mò đến xem. Thấy hai thanh niên gặp nạn bà dìu vào nhà cứu giúp.
Vét thùng được hai bơ gạo, bà thịt thêm con gà duy nhất đãi khách. Sáng ra, một trong hai thanh niên dúi xấp tiền vào tay ân nhân: "Em biếu chị mua gạo cho các cháu". "Tao nghèo là việc của tao", bà từ chối rồi cắp cái nón rách ra đồng.
Trang phục thường thấy của bà giám đốc doanh nghiệp là nón lá, bộ áo nâu và dép tổ ong hoặc chân đất. Bà được biết đến với biệt danh "đại gia chân đất" vì lối sống giản dị. Ảnh:
Phạm Nga.10 ngày sau, mẹ của hai thanh niên đến cảm ơn, tặng chăn màn, quần áo, nhu yếu phẩm và nhận bà Thủy làm con nuôi. Bốn mẹ con bà được mời lên nhà mẹ nuôi ở Lạng Sơn chơi.
Theo mẹ nuôi ra chợ, thấy rau khoai lang bán 1.000 đồng ba mớ, quê mình 1.000 đồng mua được 15 mớ, bà về hái mang lên Lạng Sơn bán. Đất nông nghiệp chiếm gần 76% diện tích tự nhiên, nông sản ở huyện Lạng Giang dồi dào nên giá rẻ. Hết mùa, tiền lời từ ba sào rau khoai, bà Thủy mua được 1,5 cây vàng.
Hết rau, người mẹ dẫn đàn con ra sông mò cua, hến, mua gạo, lợn mang lên Lạng Sơn buôn. Thời bấy giờ có chính sách cấm buôn gạo, thịt nên bà Thủy - lúc này đã có 4 con - chia thành túi nhỏ, cho mỗi đứa con ôm một túi. Cứ tích cóp từng chuyến hàng như vậy, đến năm 1990, bà có gần 100 triệu đồng trong tay.
"Buôn bán có lời, tôi muốn mua ôtô để chở hàng", bà Thủy kể. Buộc tiền từ chân lên cổ, mặc áo mưa che kín vì sợ cướp, người phụ nữ bắt xe khách xuống bãi xe ở Long Biên, Hà Nội mua ôtô. Thay vì vào thẳng vấn đề, bà xin quét dọn ở bãi xe để thăm dò giá cả. Cả ngày không bán được xe nào, ông chủ chỉ vào cái xe tải 2 tấn hiệu Hyundai nói: "Ông đang ế. Mày có tiền ông bán đứt con này, đúng giá gốc 78 triệu". Bà lập tức cởi bỏ áo mưa, chồng đủ 78 triệu đồng.
"Mày nhất định làm nên sự nghiệp", người đàn ông chép miệng rồi tự đánh xe về tận nhà cho bà Thủy.
Mua được xe, bà thuê tài xế rồi hàng ngày gom rau, lợn của cả làng, đánh lên Lạng Sơn. Để kết hợp chuyến về, bà thu mua đồng nát chở sang Hải Dương, Bắc Ninh bán. Chỉ bằng cách tự học, người phụ nữ này còn có thể giao tiếp trôi chảy với bạn hàng bằng tiếng Trung.
Ông Đoàn Văn Hậu, 59 tuổi, nhân viên bảo vệ của công ty kể: "Ngày xưa tôi còn đi buôn hàng sang Trung Quốc, chị Thủy xin đi theo. Đúng ba chuyến thì chị đã thuộc làu đường, tự đi".
Tình cờ biết một nhà máy sản xuất bình phun thuốc trừ sâu từ rác thải nhựa, bà Thủy về kể với bố nuôi: "Con muốn làm một doanh nghiệp biến rác thành tiền thế này bố ạ".
Bà quyết định xin vào nhà máy làm thuê để học hỏi. "Nữ công nhân" này làm việc không nề hà thời gian cốt để được quan sát nhiều nhất có thể. Bà cũng học cách phân loại rác, cách sản xuất hạt nhựa. Sau ba năm, khi đã nắm khá chắc kỹ thuật, bà về Hải Dương để học hỏi mô hình nhà máy, vẽ lại rồi yêu cầu thợ làm. Nhà máy đầu tiên mọc lên tại khu đầm lầy nơi người phụ nữ bốn con từng mò cua, bắt ốc kiếm cơm.
Bà Thủy bị nhiều người chê là "ăn mặc như ăn mày" vì thói quen giản dị. Nữ đại gia chân đất quản lý tất cả mọi việc lớn bé trong công ty của mình. Các con bà đều có công việc riêng. Ảnh:
Phạm Nga.Năm 2000, công ty sản xuất bình phun thuốc trừ sâu, do chồng bà Thủy làm giám đốc được thành lập. Nhưng chỉ hai năm sau, hai người ly dị. Tranh chấp sau ly hôn khiến tài sản của người phụ nữ này có nguy cơ mất trắng.
Cùng lúc sự nghiệp, gia đình đều "như đèn dầu trước gió". Uất ức, đêm 30 Tết, bà viết thư tuyệt mệnh, trèo lên tầng hai định nhảy xuống tự vẫn. Màn đêm buông xuống. Một luồng gió tạt mạnh vào khuôn mặt đẫm nước mắt. "Mình chết là mất hết", bà bừng tỉnh.
"Tôi hứa với mình sẽ lấy sự nghiệp vẻ vang để trả thù những đau khổ mình trải qua trong đời", bà hạ quyết tâm. Cha mẹ nuôi khuyên nên đưa các con lên Lạng Sơn sống, bà Thủy lấy tay gạt nước mắt: "Ngã ở đâu, con sẽ đứng lên ở đấy".
Quần quật đánh xe đi khắp các tỉnh buôn bán. Tích góp thêm bốn năm, người phụ nữ lúc bấy giờ 48 tuổi mở thêm công ty vận chuyển và xuất khẩu hàng nông sản. Nhà máy được xây dựng trên diện tích gần 13.000 m2, nằm ngay quốc lộ 1A (Lạng Giang- Bắc Giang) với 3 xưởng sản xuất và hơn 30 công nhân. Xác định đây là ngành đặc thù, khó khăn với nữ, nhưng "nếu thành công là thắng lớn", bà quyết định lấn sân.
Bà Thủy tính toán, trong thời mở cửa và hội nhập mình không có công nghệ thì sẽ không thể cạnh tranh được. Bà chọn cách liên doanh với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài như Hàn Quốc, Trung Quốc để được chuyển giao công nghệ, máy móc.
Ngoài lĩnh vực xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và sản xuất bình phun thuốc trừ sâu, công ty của bà con liên kết với đối tác Hàn Quốc để sản xuất các loại linh, phụ kiện điện thoại di động.
"Tôi dặn nhân viên, cái quan trọng nhất là cách ứng xử, thứ hai là uy tín. Dù bạn hàng, chính quyền đúng hay sai, mình phải giữ sự nhã nhặn. Thiếu hàng, dù một bao cũng phải chấp nhận đền theo giá thị trường", bà kể.
Một mình cáng đáng mọi việc, nhiều bữa bà quên ăn, thức đến 2 giờ sáng. Đến nay, nữ giám đốc vẫn xuống xưởng làm việc cùng công nhân. Việc dù lớn nhỏ đều giấy trắng, mực đen rõ ràng. Con gà nhà hàng xóm lạc sang, khi trả về, bà yêu cầu viết cam kết giao - nhận. Con trai có sai sót cũng phải viết kiểm điểm như công nhân.
Chị Hồng Liên, 36 tuổi, con gái nuôi của bà Thủy kể: "Lúc thập tử nhất sinh mẹ vẫn đeo máy thở gọi điện điều phối công việc. Cuốn danh bạ hơn 13 năm ghi chi chít con số, nhưng muốn tìm số điện của ai, mẹ lật đúng trang đó. Học chưa hết lớp ba, nhưng các phần mềm văn phòng như Excel, Word,... bà đều thành thạo".
Sau hai năm hoạt động, lợi nhuận từ công ty giúp bà Thủy có tiền xây 25 ngôi nhà đại đoàn kết, tặng hàng trăm nồi cơm điện, chăn ấm cho người nghèo bốn xã trong huyện Lạng Giang.
Xác định sẽ từ thiện toàn bộ gia tài khi nhắm mắt xuôi tay, nhưng bà Thủy vẫn miệt mài với công việc. "Ở đời, được làm việc là một niềm hạnh phúc", bà nói. Ảnh:
Phạm Nga.Từ 2008 đến 2018, bà xây dựng trường mầm non chăm sóc gần 50 trẻ nghèo, là con phụ nữ đơn thân... vì nghĩ đến đàn con nheo nhóc năm xưa. Hiện nay, công ty do bà làm chủ tạo việc làm cho hơn 300 nhân công với mức lương trung bình 5-7 triệu đồng mỗi tháng.
Dịch Covid-19 bùng phát, xem TV thấy bộ đội phải ngủ lán, nằm đất, bà ủng hộ 50 tấn gạo đến một số điểm cách ly trên địa bàn 3 tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và Ninh Bình.
Trước đó 5 năm, "nữ giám đốc chân đất" thập tử nhất sinh vì bệnh tim ở bệnh viện tại Hà Nội. Không muốn phiền con cháu, bà thuê người chăm sóc. Trên giường bệnh, bà viết di chúc. Toàn bộ tài sản sẽ từ thiện. Khi nhắm mắt, bà có nguyện vọng được hỏa táng, rải tro cốt xuống sông.
"Tôi không cần phúng viếng, không chôn cất, không thờ cúng, chết là về với cát bụi. Đến giờ, tôi vẫn không thay đổi tâm nguyện đó", bà nói.
Phạm Nga