ĐẠO THÁNH ĐẾ
Giảng ngày 10-8-2019.
Xin chào các thành viên.
Hôm nay, chúng ta sẽ trao đổi cùng nhau nội dung cuối cùng trong Tứ Thánh Đế:
ĐẠO THÁNH ĐẾ.
Katamañca bhikkhave dukkhanirodhagāminī ariyasaccaṃ. Ayameva ariyo atthaṅgiko maggo seyyathidaṃ. Sammādiṭṭhi sammāsaṅkappo sammāvācā sammākammanto sammāājīvo sammāvāyāmo sammāsati sammāsamādhi.
Này các Tỳ khưu, thế nào là con đường đưa đến diệt khổ thánh đế? Gồm có Bát Thánh đạo là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Như vậy, Đạo Thánh Đế có nội dung của Bát Chánh Đạo.
Aṭṭha maggaṅgāni: sammādiṭṭhi, sammāsaṅkappo, sammāvācā, sammākammanto, sammāājīvo, sammāvāyāmo, sammāsati, sammāsamādhi.
8 chi đạo là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Magga: nghĩa là con đường, con đường là cách thông thấu, được dùng ở đây có ý nghĩa dẫn đến một nơi cụ thể.
Maggaṅga: nghĩa là chi của đạo.
Ví dụ: khi ráp những phần tách rời của cầu thang sẽ thành cầu thang đưa đến một địa điểm.
Như vậy, chúng ta nên hiểu rằng con đường này có 8 chi.
Không nên hiểu có 8 con đường đưa đến một nơi cụ thể.
Cũng như cầu thang phải có đầy đủ các bộ phận bậc, tay vịn, thành, cán nâng, v.v... ráp lại mới thành cầu thang.
Và một điều cần lưu ý: Tâm sở nhất hành phối hợp với tâm vô nhân không thành chi đạo.
Chúng ta đã biết có 18 tâm vô nhân. Trong đó, có ngũ song thức, ý thức giới, cặp quan sát, và 3 tâm duy tác.
Nếu tâm sở nhất hành phối hợp với những tâm này thì không phải là đối tượng để tu tập. Chỉ là nhận biết.
Như thấy-nghe-ngửi-nếm-đụng đều là tâm biết quả thiện hay bất thiện, không có sự tu tập ở đây.
Khái niệm về Bát Chánh Đạo là vậy, xin hỏi các thành viên có điểm nào cần trình bày thêm không?
Vị trí Bát Chánh Đạo trong Phật Giáo.
- Bát Chánh Đạo có mặt trong mười hai chi đạo gồm: chánh kiến (sammā diṭṭhi), chánh tư duy (sammā saṅkappa), chánh ngữ (sammā vācā), chánh nghiệp (sammā kammanta), chánh mạng (sammā ājīva), chánh tinh tấn (sammā vāyāma), chánh niệm (sammā sati), chánh định (sammā samādhi), tà kiến (micchā diṭṭhi), tà tư duy (micchā saṅkappa), tà tinh tấn (micchā vāyāma), tà định (micchā samādhi).
Cần nhớ, chữ "chi" trong mười hai chi đạo này cũng có nghĩa như chữ "chi" trong Bát Chi Đạo.
Nhưng mười hai chi đạo này bao hàm cả thiện và bất thiện.
Chi thiện đưa đến thiện, chi bất thiện đưa đến bất thiện.
8 chi đạo là nội dung của Đạo Đế và cùng làm nên Thánh đạo hay trung đạo đưa đến Niết Bàn, vì vậy Đạo Đế cần phát triển.
- Có 3 phần trong Bát Chánh Đạo:
•Tuệ chi đạo (Paññā maggaṅga): sammā diṭṭhi (chánh kiến), sammā saṇkappa (chánh tư duy).
•Giới chi đạo (Sīla maggaṅga): sammā vācā (chánh ngữ), sammā kammanta (chánh nghiệp), sammā ājīva (chánh mạng).
•Định chi đạo (Samādhi maggaṅga): sammā vāyāmo (chánh tinh tấn), sammā sati (chánh niệm), sammā samādhi (chánh định).
Chúng ta đi vào nội dung chi tiết từng chi trong Bát Chánh Đạo.
CHÁNH KIẾN Sammā diṭṭhi:
- Katamā ca bhikkhave sammādiṭṭhi.
Yaṃ kho bhikkhave dukkhe ñāṅaṃ, dukkhasamudaye ñāṅaṃ, dukkhanirodhe ñāṅaṃ, dukkhanirodhagāminiyā paṭipadāya ñāṅaṃ, ayaṃ vuccati bhikkhave sammādiṭṭhi. (Trường Bộ Kinh).
- “Này các Tỷ khưu, thế nào là Chánh kiến? Là sự hiểu biết trong khổ, sự biết trong nhân sanh khổ, sự biết trong diệt khổ và sự biết trong con đường đưa đến sự diệt khổ.
Đây gọi là Chánh kiến”.
Trước đây, chúng ta thường hiểu rằng, chánh kiến là cái thấy chân chánh.
Nhưng trong kinh Trường Bộ, bài kinh Đại Niệm Xứ, đức Phật đã định nghĩa Chánh kiến như trên. Quả thật, không đơn giản như chúng ta hiểu.
Thứ nhất, "sự hiểu biết trong khổ" có nghĩa là trí tuệ hiểu biết về Khổ Thánh Đế.
Thứ hai, "sự biết trong nhân sanh khổ" chính là trí tuệ thấu rõ Tập Đế.
Thứ ba, "sự biết trong diệt khổ" là trí tuệ biết Niết Bàn, biết Niết Bàn từ xa, biết phiền não đã diệt, phiền não chưa diệt.
Thứ tư, "sự biết trong con đường đưa đến sự diệt khổ" đó là trí tuệ thấu rõ Bát Chi Đạo.
Đến đây, chúng ta mới nhận ra rằng bản thân chưa hề có Chánh kiến vì chưa hội đủ những điều trên.
Pháp thực tính của Chánh kiến là tâm sở tuệ quyền.
Đến đây, các thành viên cần ôn lại ý nghĩa tâm sở tuệ quyền. Vì đó là pháp thực tính của Chánh kiến.
Có mặt trong 79 tâm tịnh hảo tương ưng trí gồm: 4 tâm đại thiện hợp trí, 4 tâm đại quả hợp trí, 4 tâm đại duy tác hợp trí và 67 tâm kiên cố.
Các thành viên có nhớ những tâm dục giới tịnh hảo không?
Có 24 tâm dục giới tịnh hảo.
Trong đó, có 12 tâm hợp trí và 12 tâm ly trí.
67 tâm kiên cố là nói đến 27 tâm đáo đại (15 sắc giới + 12 vô sắc giới) và 40 tâm siêu thế.
Bát Chánh Đạo có mặt trong 79 tâm này.
Tuy nhiên, chúng ta đừng nghĩ rằng chỉ cần có tâm đại thiện hợp trí thì nhị nhân cũng có thể có Bát Chi Đạo.
Nhắc lại, trong 25 tâm sở tịnh hảo, có nhóm tâm sở giới phần gồm tâm sở chánh ngữ, tâm sở chánh nghiệp và tâm sở chánh mạng.
Nhị nhận và phàm phu chưa chứng Thánh chỉ có từng chi trong nhóm giới phần tịnh hảo mà không có tất cả ba chi.
Đối với bậc Thánh, có đầy đủ cả ba chi, hoặc theo Bát Chi Đạo, các ngài có đầy đủ 8 chi cùng lúc.
Sammā diṭṭhi - Chánh kiến có 6:
1- Kammassakatā sammādiṭṭhi Chánh kiến sở nghiệp: là trí tuệ thấy đúng. biết đúng thiện nghiệp, bất thiện nghiệp đã tạo rồi là của riêng mình.
2- Jhānasammādiṭṭhi: Chánh kiến trong thiền định tức là có trí tuệ hiểu biết chi thiền xuất hiện rõ ràng.
3- Vipassanā sammādiṭṭhi Chánh kiến thiền tuệ: Chỉ cho thiền tuệ thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp là pháp vô ngã, có sự sanh, sự diệt, có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.
4- Magga sammādiṭṭhi Chánh kiến Thánh Ðạo Tuệ: Trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới chứng đắc Thánh Ðạo, có Niết Bàn làm đối tượng.
5- Phala sammādiṭṭhi Chánh kiến Thánh Quả Tuệ: Trí tuệ thiền tuệ siêu tam giới chứng đắc Thánh Quả, có Niết Bàn làm đối tượng.
6- Paccavekkhaṇā sammādiṭṭhi Chánh kiến quán xét: Trí tuệ thiền tuệ quán xét Thánh Ðạo, Thánh Quả, Niết Bàn, phiền não đã diệt rồi, phiền não còn lại chưa diệt được.
Số 1, Chánh kiến sở nghiệp, có thể phàm phu chúng ta có chánh kiến này.
Nhưng chỉ là thỉnh thoảng hoặc có sự nhắc nhở, chúng ta mới nhận ra rằng nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện là của riêng mình.
Số 2 đến số 6, chắc chắn chúng ta không có.
Nhưng hôm nay, chúng ta đã biết được "cái mình không có", đây là một bước tiến.
Vì bậc Thánh biết rõ phiền não chưa diệt, phiền não đã diệt, chi thiền nào đã hiện rõ, chi thiền nào đã trở thành thô và không còn.
Ý nghĩa Chánh kiến - Sammā diṭṭhi:
•Đặc tính: thấy, trực giác, giác ngộ.
•Phận sự: thấu rõ, thấy rõ Pháp thực tính pháp.
•Sự hiện có mặt: diệt tuyệt vô minh, tối tăm.
" Trực giác" là thấy trực tiếp mà không qua lý luận.
"Thấu rõ, thấy rõ pháp thực tính", còn chúng ta chỉ thấy qua ngôn ngữ chế định.
"Diệt tuyệt vô minh", chỉ có bậc Thánh A la hán là diệt tuyệt vô minh và tham ái.
Thông thường, khi học đến phần "ý nghĩa", chúng ta luôn biết đến 4 điều (đặc tính, phận sự, sự hiện có mặt và nhân gần). nhưng đối với Bát Chi Đạo, ý nghĩa sẽ không có "nhân gần".
Thứ nhất, Chánh kiến là nhân gần của các chi đạo trong Bát Chánh Đạo.
Thứ hai, các chi đạo này có mặt trên con đường hướng đến Niết Bàn nên không có nhân nào khác ngoài Bát Chi Đạo để hỗ trợ.
Thứ ba, Niết Bàn là đối tượng tu tập của các bậc Thánh, mà Bát Chi Đạo sanh trong tâm Đạo của tâm siêu thế, nên không thể là những pháp nào khác làm "nhân gần"
Chúng ta vừa xem qua nội dung "Chánh kiến". Xin hỏi trong những điều trên, có điểm nào cần trao đổi thêm không?
CHÁNH TƯ DUY Sammā saṅkappā:
- Katamo ca bhikkhave sammāsaṅkappa. Nekkhammasaṅkappo abyāpādasaṅkappo avihiṃsāsaṅkappo. Ayaṃ vuccati bhikkhave sammāsaṅkappo.
- Này các Tỷ khưu, thế nào là Chánh tư duy? Sự tư duy về ly dục, sự tư duy về vô sân và sự tư duy về bất hại, đây gọi là Chánh tư duy.
Cũng vậy, nếu hiểu "Chánh tư duy" là sự suy nghĩ chân chính, thì chưa đúng.
Như lời đức Phật dạy ở trên, Chánh tư duy có 3 ý: sự tư duy về ly dục, sự tư duy về vô sân (ly sân), sự tư duy về bất hại (vô não hại)
Như lời đức Phật dạy ở trên, Chánh tư duy có 3 ý: sự tư duy về ly dục, sự tư duy về vô sân (ly sân), sự tư duy về bất hại (vô não hại)
Thứ nhất, "Sự tư duy về ly dục" (Nekkhammasaṅkappa): là sự tư duy trong việc tránh xa khỏi năm dục trưởng dưỡng gồm sắc, thinh, khí, vị, xúc; thực hiện như vậy với tất cả thiện tâm từ khi bắt đầu xuất gia, nghe pháp, hành pháp với sự tiến hành phát triển chỉ tịnh để chứng đắc thiền định hay tiến hành Minh sát để tác chứng Niết Bàn, cho đến khi nhập thiền chứng (khi đã chứng thiền hay nhập thiền quả để chứng đạo).
Đối với chúng ta, có thể thực hành 10 phước thiện với tâm thiện, nhưng như vậy vẫn chưa đủ để gọi là "ly dục" vì chúng ta vẫn còn dính mắc vào 5 sắc cảnh sắc (sắc cảnh, sắc thinh, sắc khí, sắc vị, sắc xúc).
Thứ hai, "sự tư duy về vô sân" (abyāpādasaṅkappo): tức là sự tư duy trong việc không có trói buộc oan trái với người khác, có tâm từ thật sự muốn tốt đẹp đến người, không mong muốn quả đền đáp, hành giả tiến hành tâm từ hợp với tư duy như vậy.
Hiểu ý nghĩa của "sự tư duy về vô sân", chúng ta sẽ tự kiểm, bản thân đã có "sự tư duy về vô sân" hay chưa.
Thứ ba, "Sự tư duy về bất hại" (vô não hại: avihiṃsāsaṅkappo): sự tư duy trong việc không hại người bằng thân, không hại người bằng khẩu, có tâm bi thương xót, hành giả tiến hành tâm bi hợp với tư duy như vậy.
"Hại người bằng thân" là đánh đập, giết hại chúng sanh bằng tay chân, dùng tay chân, với công cụ làm hại trong tay, v.v...
"Hại người bằng khẩu" là chửi rủa, mắng nhiếc, chê bai, chế giễu bằng lời đâm thọc, lời độc ác, lời nói dối, lời đùa cợt.
Pháp thực tính của Chánh tư duy là tâm sở tầm.
Tâm sở tầm là một trong 7 tâm sở tợ tha.
Tâm sở tầm phối hợp với 55 tâm, gồm cả tâm thiện và tâm bất thiện.
Ở đây, chỉ là những tâm thiện phối hợp với tâm sở tầm, không kể bất thiện.
Sammā saṅkappa (chánh tư duy) cùng với sammā diṭṭhi (chánh kiến) làm nên tu tập tuệ, hay Tuệ học (Paññā sikkhā).
Chánh tư duy có mặt trong 35 tâm tịnh hảo phối hợp tâm sở tầm (24 tâm dục giới tịnh hảo, 11 tâm sơ thiền).
11 tâm sơ thiền gồm: 3 tâm sơ thiền sắc giới + 8 tâm sơ thiền siêu thế.
Chánh tư duy có ý nghĩa:
• Đặc tính: đặt vào, để vào, dán chặt
• Phận sự: chú tâm vào đề mục thiền và nhập thiền
• Sự hiện có mặt: diệt tuyệt tà tư duy.
Nội dung Chánh tư duy là vậy, xin hỏi có điểm nào cần trình bày thêm không?
CHÁNH NGỮ Sammā vācā:
- Katamā ca bhkkhave sammāvācā. Musāvāda veramaṅi pisuṅāya vācāya veramaṅi pharusāya vācāya veramaṅi samphappalāpā veramaṅi, ayaṃ vuccati bhikkhave sammāvācā.
- Này các Tỷ khưu, thế nào là Chánh ngữ? Tránh xa nói dối, tránh xa nói đâm thọc tránh xa nói thô tục, tránh xa nói lời vô ích, đây gọi là Chánh ngữ.
Có điểm này, chúng ta cần lưu ý: đối với phàm phu, chúng ta cần nhắc nhở bản thân "hãy tránh xa nói dối, hãy tránh xa nói lời độc ác, hãy tránh xa nói lời đâm thọc, hãy tránh xa nói lời vô ích" vì chúng ta còn xu hướng ác.
Nhưng các bậc Thánh, vì xu hướng ác không còn nên thực tính là các ngài đã không cần phải nhắc nhở bản thân, tự thân đã không có những thứ ác đó.
Vì vậy, chữ "tránh xa" ở đây là "vắng mặt, không hiện hữu".
Pháp thực tính của Chánh ngữ - Sammā
Vācā là tâm sở chánh ngữ.
Các thành viên cần xem lại ý nghĩa tâm sở chánh ngữ.
- Sammā vācā - Chánh ngữ có mặt trong 16 hay 48 tâm tịnh hảo (8 tâm đại thiện, 8 hay 40 tâm siêu thế).
Sammā vācā - Chánh ngữ có ý nghĩa:
• Đặc tính: giữ gìn, chế phục, không vi phạm.
• Phận sự: kiêng cữ.
• Sự hiện có mặt: diệt tà ngữ
Nội dung Chánh mạng, xin hỏi có điểm nào cần trao đổi thêm không?
CHÁNH TINH TẤN Sammā vāyāmo:
- Katamā ca bhikkhave sammāvāyāmo. Idha bhikkhave bhikkhu anuppannānaṃ pāpakānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ anuppādāya chandaṃ janeti vāyamati vīriyaṃ ārabhati cittaṃ puggaṅhāti padahati. Uppannānaṃ pāpakānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ pahānāya chandaṃ janeti vāyamati vīriyaṃ ārabhati cittaṃ puggaṅhāti.
Anupannānaṃ kusalānaṃ dhammānaṃ anuppādāya chandaṃ janeti vāyamati vīriyaṃ ārabhati cittaṃ puggaṅhāti padahati.
Upannānaṃ kusalānaṃ dhammānaṃ ṭhitiyā asammosāya bhiyyobhāvāya vepullāya bhāvanāya pāripūriyā chandaṃ janeti vāyamati vīriyaṃ ārakhati cittaṃ puggaṅhāti.
Ayaṃ vuccati bhikkhave sammāvāyāmo.
- Này các Tỷ khưu, thế nào là Chánh tinh tấn? Là vị Tỷ khưu trong Pháp và Luật này, vẫn còn sự muốn làm cho sinh khởi, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí phấn đấu: đối với các ác bất thiện pháp chưa sanh không cho sanh khởi, đối với các ác bất thiện pháp đã sanh khởi tinh tấn đoạn trừ, đối với thiện pháp chưa sanh làm cho sanh khởi, đối với thiện pháp đã sanh gìn giữ không cho băng hoại và còn làm cho tăng trưởng. Đây gọi là Chánh tinh tấn.
- Mỗi khi thực hành pháp, tiến hành chánh niệm, nhận biết pháp thực tính, đó là cố gắng trong việc không tạo bất thiện mới và từ bỏ bất thiện cũ.
Bởi vì không có tạo tội lỗi nào trong lúc ấy, và cố gắng tạo thiện mới, khi không ngừng tiến hành thiền Minh sát.
Hơn nữa, cố gắng tạo thêm thiện cũ, chừng nào chứng được Tuệ minh sát.
Có thể hiểu như sau: lần đầu thực hành thiền Minh sát, thì đó là thực hành tạo thiện mới. Khi đã thuần thục và không ngừng thực hành thiền Minh sát cho đến khi có được tuệ minh sát, thì sự thực hành thiền minh sát này được gọi là tinh tấn tạo thiện cũ.
Pháp thực tính của Sammā vāyāmo - Chánh tinh tấn là tâm sở cần.
(Cần xem lại ý nghĩa tâm sở cần.)
Sammā vāyāmo có mặt trong 91 tâm tịnh hảo (24 tịnh hảo dục giới, 67 tâm kiên cố).
Sammā vāyāmo có ý nghĩa:
• Đặc tính: nâng đỡ, có nghị lực
• Phận sự: không sản xuất, không phát sinh bất thiện
• Sự hiện có mặt: diệt tuyệt tà tinh tấn.
Tâm sở cần là 1 trong 7 tâm sở biệt cảnh, phối hợp với 105 tâm gồm cả tâm thiện và bất thiện. Nhưng đối với bậc Thánh, vì xu hướng ác không còn nên tâm sở cần chỉ phối hợp vói tâm thiện.
Có lẽ, hôm nay, chúng ta tạm dừng ở đây.
Nếu có điểm nào cần trao đổi liên quan đến bài, xin các thành viên hoan hỷ gửi tin nhắn vào trang chung của nhóm.
Bây giờ, chúng ta thực hành chia phước.
Tôi xin dâng phần phước trùng tuyên pháp này đến tất cả chư thiên, chư phạm thiên sắc giới, chư thiên trong và ngoài cốc của tôi, ở xa hoặc gần cốc của tôi, ở trong và ngoài cuộc đất "tu viện Rừng Xoài", ở xa hoặc gần cuộc đất "tu viện Rừng Xoài", xin chư thiên hoan hỷ thọ nhận phần phước này, tăng thêm phần an lạc lâu dài và chứng đắc trong ngày vị lai.
Phần phước này hãy là điều kiện để Phật sự của tôi thành tựu trong ngày gần đây. Xin chư thiên hoan hỷ cùng tôi.
Chúc các thành viên an vui!