Shiroi
Tổng số bài gửi : 19896 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Đừng để tiếng Việt bị ô nhiễm bởi "ngôn ngữ chat" Mon 21 Jan 2013, 00:25 | |
| Đừng để tiếng Việt bị ô nhiễm bởi "ngôn ngữ chat" Với phương pháp rút gọn về ngữ pháp và từ vựng, "ngôn ngữ chat" đã đáp ứng nhu cầu về tốc độ nhắn tin trên điện thoại di động hay giao tiếp trên mạng của người sử dụng.
Tuy nhiên, sự biến tướng của "ngôn ngữ chat" đã làm méo mó ngôn ngữ tiếng Việt và ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, nhân cách của thanh thiếu niên. Lạ hóa tiếng Việt hay dị hóa tiếng Việt?
"2! hoc han nan ne wa co ui. hom wa kon lai bi me la. kon k bit lam ji de het bun day", (tạm dịch là: Chào cô. Học hành nặng nề quá cô ơi. Hôm qua con lại bị mẹ la. Không biết làm gì để hết buồn đây). Khi nhận được tin nhắn của cô cháu tuổi mười lăm, ban đầu tôi cứ ngỡ đó là tiếng Anh. Đến khi hỏi con gái, tôi mới biết được đó là... "ngôn ngữ chat".
Theo con gái vào mạng internet, tôi thật sự rối mắt với một thứ ngôn ngữ không có trong từ điển của bất cứ tiếng nước nào. Sự sáng tạo theo cách viết ở đây quả là có một không hai. Chữ nghĩa đã được đơn giản hóa đến mức tối đa theo cách phát âm, viết tắt và theo... quy luật tuổi teen. Chẳng hạn "2" có nghĩa là "xin chào", "yêu" thì được viết thành "iu", "buồn" hay "muốn" đều được bỏ chữ "ô", những chữ "nh" thì giản lược bớt một chữ "h". Việc chấm, phẩy hay viết hoa đầu câu đều trở nên không cần thiết...
Dù để nói nhanh, viết gọn hay vì lý do nào đi nữa thì mục đích cuối cùng của giao tiếp là để người khác hiểu được thông tin mà mình muốn truyền đạt. Thế nhưng với "thế giới teen", ngoài đạt tốc độ nhanh, từ ngữ nào càng lạ, càng khó dịch nghĩa thì các em càng ưa chuộng, mặc cho người đọc, người nghe phải đoán già, đoán non và việc nói một đằng, hiểu một nẻo là thường xuyên xảy ra.
Chính vì những suy nghĩ nông nổi như thế mà các em đã làm cho tiếng Việt bị xâm hại một cách nghiêm trọng. Các em sử dụng tiếng Việt một cách bừa bãi, cẩu thả và không đúng nghĩa trong sáng của nó. Một số em còn thấy mình "lạc hậu" nếu không dùng theo lối "chat" của bạn bè. Và cứ thế, hiện tượng sử dụng tiếng Việt theo kiểu "ngôn ngữ chat" đã lan ra khắp giới trẻ và trong cộng đồng dân cư mạng như một mốt thời trang mới.
Em N. cho biết: "Ban đầu, cháu cũng không thích dùng "ngôn ngữ chat". Khi nhắn tin cho các bạn, cháu dùng cách viết bình thường, đúng chính tả thì bị các bạn cho là "quê", có bạn còn không trả lời. Cháu nghĩ chỉ viết tin nhắn chơi thôi nên cháu cũng sử dụng "ngôn ngữ chat" cho giống các bạn.
Riết rồi quen, bây giờ cháu không nhắn tin theo cách viết trước đây nữa". Còn với em T. thì lý do em sử dụng “ngôn ngữ chát” chính là để thử trí thông minh của mình khi đọc tin nhắn của bạn và cũng thử xem bạn có thông minh như mình không (!?).
Cần biết nói không với "ngôn ngữ chat"
Để "ngôn ngữ chat" không bị lạm dụng, cần phải có sự khoanh vùng "ngôn ngữ chat". Nhà trường cần nghiêm cấm việc sử dụng "ngôn ngữ chat" trong các bài viết. Các cơ quan thông tấn báo chí, nhất là báo mạng phải đi đầu trong việc sử dụng từ ngữ một cách thành thật, trong sáng và đúng chuẩn, nhất là khi đăng (post) ý kiến của độc giả. Những nơi công cộng cần quy định nghiêm cấm việc sử dụng "ngôn ngữ chat", tiếng lóng hay những từ ngữ tục tĩu. Và cũng rất cần thiết để thực hiện cuộc vận động Nói không với "ngôn ngữ chat".
Hệ lụy của "ngôn ngữ chat"
Không chỉ dừng ở việc chat, ngôn ngữ kiểu xì -tin này đã đi vào cả bài vở và giao tiếp hàng ngày của học sinh. Cô C. - giáo viên, cho biết, có em còn đưa ngôn ngữ chat vào bài tập làm văn. Cô còn tâm sự, những từ ngữ lấp lánh, những câu văn hay bây giờ trở nên hiếm hoi trong học đường... Còn chị H. thì kể rằng chị phải thường xuyên nghe và chấn chỉnh cách phát âm sai của con theo kiểu "mẹ ui", "trùi ui", "bít rùi"...
Việc sử dụng "ngôn ngữ chat" thường xuyên sẽ làm các em không ý thức được trách nhiệm giữ gìn, phát triển ngôn ngữ dân tộc, quên đi bài giảng về sự trong sáng của tiếng Việt mà thầy cô đã dày công dạy bảo. Nếu cứ theo đà này thì thật khó để tìm những ngôn từ đẹp, lời văn hay trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Và lo ngại hơn là cách viết, cách suy nghĩ như thế sẽ hình thành thói quen lười tư duy, thiếu kiên trì, nhẫn nại trong công việc, ảnh hưởng đến nhận thức, nhân cách của các em sau này.
Tác hại dễ thấy nhất đó là những câu trả lời cộc lốc, vô cảm như "biết chết liền", "hên xui", "bó tay"... đã trở nên phổ biến. Chất lượng học môn văn trong nhà trường còn thấp. Nhiều em nộp hồ sơ xin việc với lá đơn đầy lỗi chính tả và còn không ít cán bộ trẻ không biết soạn thảo văn bản...
Gia đình là yếu tố quan trọng nhất tác động đến các em, từ suy nghĩ, lời nói đến hành vi. Cha mẹ là người dạy các em ngay từ tiếng nói đầu tiên và văn hóa giao tiếp ở các em chịu ảnh hưởng rất lớn từ gia đình. Chính vì vậy, cha mẹ phải làm gương và thường xuyên giáo dục con cái về sự chuẩn mực của ngôn ngữ, từ giao tiếp trong gia đình đến ngoài xã hội. Bên cạnh đó, nhà trường là nơi để các em rèn luyện về ngôn ngữ, nói đúng, viết đúng, đúng nghĩa, đúng chuẩn và kể cả đúng chính tả. Đó cũng chính là góp phần hình thành nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn, ý chí và nghị lực của các em để hướng tới những mục tiêu cao đẹp.
Hoa mắt với “ma trận” ngôn ngữ của teen
"Hum ni m en kum hem, j en mì zịt tìm đêy, thèn ku hum bữa beo, hêhê, 6h wa hey” (trích tin nhắn điện thoại của Thiên, sinh viên ĐH KHXHNV). Nếu một người lớn vô tình đọc dòng chữ trên chắc sẽ lắc đầu ngao ngán vì không thể dịch nổi những từ ngữ, ký hiệu như đánh đố của giới trẻ.
Ngôn ngữ bị biến dạng
Dòng chữ trên được tạm dịch: "Hôm nay mày ăn cơm không, đi ăn mì vịt tiềm đi, thằng cu hôm bữa bao, 6h qua nhé?”. Đối với những học sinh, sinh viên trường quốc tế, hàng ngày tiếp xúc với tiếng Anh trong giao tiếp, sinh hoạt thì lại có kiểu viết tắt bằng tiếng Anh. Phổ biến nhất là các từ như PLZ có nghĩa là please (làm ơn), hay OMG là Oh my God (chúa ơi!)... Chỉ riêng với WC đã vận ra đủ nghĩa: Welcome (chào mừng) hay Webcam (hình ảnh). Hay từ cám ơn (thanks you) cũng được viết tắt bằng đủ mọi thể loại: Thx, Thks, Tx hay Thaxu.
Y., gia sư tiếng Anh cho một em học sinh lớp 8 ngơ ngác không biết giải thích thế nào khi mẹ học trò hỏi: "Em dạy tiếng Anh cho cháu kiểu gì mà cám ơn nó viết thành thầy u thế?" (Thax U).
Không chỉ phổ biến trong tin nhắn, blog, diễn đàn, hay forum, trên các mạng xã hội như Zing Me, Facebook, MySpace hay Twitter, bệnh viết tắt cũng rất phổ biến. Các dòng status dùng để chia sẻ tâm trạng thường xuyên là nơi triển lãm, trưng bày các câu, từ viết tắt, ký hiệu tất nhiên, chỉ có giới trẻ mới biết, mới hiểu được. Một ví dụ trên một trang facebook cá nhân: “Hum ni, gặp ex of m tại wan café mới mở, zòm cũ như vẫn, thik hey, t hem nói j, j cứ j”. Tạm dịch: “Hôm nay, gặp người yêu cũ của mày tại quán café mới mở, nhìn vẫn như cũ, thích ha, tao không nói gì, đi cứ đi”, trích facebook Sakura _bmt.
Việc sử dụng những ký hiệu trên bàn phím máy tính dường như trở thành một “chuẩn mực” của việc bộc lộ cảm xúc người viết. Thay vì phải nói tôi buồn, chỉ cần gõ T _T, tức một khuôn mặt đang khóc với 2 hàng nước mắt là chữ T. Còn vui ư, chuyện nhỏ, chỉ cần ^^ là người đọc biết ngay chủ nhân của nó đang vui hay có chuyện hài lòng. Trạng thái tức giận thì được biểu hiện bằng >.< rất ngộ nghĩnh. Còn muốn nói yêu hay thích ai đó thì chỉ cần 2 ký hiệu đơn giản <3 là biểu tượng của trái tim.
Chưa hết, tâm trạng đang ngượng ngùng thì dấu = thật thích hợp, nó được ký hiệu là =.= . Một cô nàng đeo kính cận, làm sao để nhận diện? Chuyện quá nhỏ, chỉ cần @.@ là biết cư dân 4 mắt. Cần tiền ư, không phải dài dòng hỏi vay mượn, chỉ 1 tin nhắn với biểu tượng $_$ nghĩa là cần bao nhiêu?"...
"Bắt mốt thứ ngôn ngữ thời thượng với cách viết tắt triệt để, sử dụng ký hiệu sáng tạo, phong phú của giới trẻ thực sự là một bài toán khó với các vị phụ huynh, thầy cô. Ngôn từ viết tắt với cách biến tấu kinh ngạc trong giới hạn của 160 ký tự cho phép của một tin nhắn thực khiến người ta phải sửng sốt. Chỉ mất 350 đồng một tin nhắn mà có thể chép cả 1 đoạn thơ chỉ bằng cách đưa ký hiệu hay rút gọn ngôn từ chính thống. Quá hấp dẫn, vừa vui vừa yomost", V., 23 tuổi học trung cấp tài chính chia sẻ.
V. thường xuyên nhắn tin cho bạn bè theo kiểu cực độc, không chỉ có viết tắt và ký hiệu, mà tiếng Anh tự chế cũng được lắp ráp vào câu cú. Chưa hết, mỗi chữ cách nhau một dấu chấm. Trích nguyên văn một tin nhắn của Vi: “A.pít.chìu.e.pan. E.j.cug.pan.ui.zia.mai.j.en.tc.cui.zoi.A.A.toi.rc.E.ok” (Anh biết chiều em bận. Em đi cùng bạn rồi về, mai đi ăn tiệc cưới với anh. Anh tới rước em nhé?).
Anh trai của V., T., 26 tuổi chia sẻ: " Hơn nó có mấy tuổi mà nhiều khi không thể hiểu nó đang nghĩ gì, viết gì, sẽ làm gì. Để chắc ăn, mình toàn phải gọi hỏi nó, sợ làm sai, hiểu sai".
“Chấp nhận” ngôn ngữ mạng?
Ngày xưa, có một loại mực đặc biệt được thế hệ cha mẹ bật mí cứ viết lên giấy nhưng không thấy gì, chỉ khi hơ trên lửa người ta mới đọc được. Đó là chiêu trò che giấu bí mật thời trước. Giờ thì những chiếc điện thoại công khai, màn hình vi tính sáng đèn, facebook online cả ngày, nhưng các bậc làm cha làm mẹ khó mà hiểu nổi con cái mình đang làm gì trên đó. Đơn giản vì những dòng chữ đã được mã hóa bằng hệ thống quy luật viết tắt, chỉ giới trẻ mới hiểu. Xung quanh việc viết tắt, cải biên ngôn từ thuần Việt, chêm ký hiệu vào câu cú có rất nhiều ý kiến được đưa ra. Tiêu biểu trong số đó là ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Tư Bình, người rất nổi tiếng với bài luận "Viết tắt chữ Việt trong ngôn ngữ @". ông Bình chia sẻ: "Hiện nay, giới trẻ thường sáng tạo nhiều kiểu viết tắt chữ Việt, phần nhiều là chữ không dấu, khi chat trên mạng hoặc viết tin nhắn ở điện thoại di động. Đây là một trào lưu không ngăn chặn được và sẽ không bao giờ dừng lại, cho dù có nhiều quan ngại nó sẽ ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Người thích viết tắt cho rằng chat hoặc nhắn tin là sự trao đổi riêng tư giữa hai người, không công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, nên cũng không cần theo những quy định về câu chữ. Do vậy, nó không làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt".
TS. Nguyễn Vĩnh Tráng, tu nghiệp tại Pháp cho rằng: "Chữ viết của giới teen, giới trẻ sáng tạo ra. Nhưng giới trẻ là tương lai của đất nước. Dẫu muốn hay không, chúng ta cũng không ngăn cản được trào lưu viết tắt của giới trẻ trong thời đại Internet, điện thoại di động mà chúng ta đang trải qua". TS. Lê Khắc Cường, giảng viên bộ môn Nhân học ngôn ngữ thì cho biết: "Viết tắt hay sử dụng ký hiệu hiện nay là một vấn đề phổ biến trong giới trẻ. Ngôn ngữ này có thể sử dụng hàng ngày, giữa bạn bè với nhau, nhưng trong bài luận, đơn xin việc thì tuyệt đối không. Cần phải biết chung tay giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Thế kỷ 21, sự bùng nổ về truyền thông, internet biến thế giới thành một ngôi làng, mọi thông tin đều được cập nhật nhanh chóng chỉ qua vài cú nhấp chuột đơn giản. Vì vậy, việc viết tắt, sử dụng ký hiệu không còn quá xa lạ nữa bởi ưu điểm tiết kiệm thời gian, công sức, nhanh, gọn và quan trọng là người đọc vẫn hiểu".
Xã hội thay đổi thì ngôn ngữ cũng biến đổi?
"Với tư cách một người nghiên cứu ngôn ngữ, cũng như nhiều người yêu tiếng Việt khác, tôi luôn mong muốn cho tiếng nước mình phát triển khỏe mạnh và trong sáng. Cái lo này dựa trên cả mặt cảm tính và lý tính. Cảm tính ở đây là lòng yêu nước, yêu tiếng Việt. Nhưng về mặt lý tính, chúng ta cũng nên nhìn nhận hiện tượng này một cách khách quan vì nó là một quy luật của xã hội và của cả ngôn ngữ nữa. Xã hội thay đổi thì ngôn ngữ cũng biến đổi, và đến lượt mình, ngôn ngữ cũng tác động trở lại cuộc sống", tiến sĩ Ngôn ngữ học Mai Xuân Huy, Viện nghiên cứu ngôn ngữ học.
Sưu tầm
|
|