MÙA MẬN
Nhà tôi cách trung tâm thành phố không xa lắm. Tuy gọi là vùng ngoại ô, dân cư trong vùng còn thưa thớt nhưng hầu như nhu cầu vật chất thiết yếu đều có đủ. Nhà nào cũng có tivi, xe gắn máy, thềm lót gạch hoa, mái nhà tôn lạnh, vách quét sơn loại nhập và chuyện về siêu thị mua sắm là chuyện thường từ khi có những chuyến xe khách đón đưa trong ngày.
Tôi hay về thăm nhà mỗi cuối tuần bằng chiếc xe Honda đời bảy chín. Ở đó, tôi còn lỡ dở bức tranh đang vẽ. Mẹ tôi hay nói : “Cứ vẽ đi cho người thánh thiện”. Tôi mĩm cười tự nhận :” Khi vẽ có nghĩ được gì ngoài màu và cọ?” hay có lẽ “ trong tôi đang còn nhiều quỷ dữ trú ngụ?”. Mẹ tôi đã gần tám mươi. Bà là người sùng Phật. Từ khi ba tôi mất, bà ít khi đi chùa hẵn ngại vì sức yếu hay một điều gì đó tôi không rõ. Tôi có nhiều anh em nhưng lại không gần nhau lắm, mỗi người có cách sống riêng, họ đều có gia đình và ở rất xa, nên mỗi ngày kỵ giỗ hầu như tâm sự lúc càng cạn dần với dăm ba câu chào hỏi đối đãi như khách. Chính điều này mẹ tôi cũng nhận rõ. Bà hay than thở với tôi :”Con mỗi đứa mỗi khác. Cha mẹ sinh con, trời sinh tính!”. Mẹ tôi cảm nhận sự cô độc của tuồi già. Sự cô độc dẫn đến những nghĩ suy đến mức mọi điều sẽ xảy ra như có thật, những vô lý biến thành có lý, ngược lại. Sự hiện hữu của cái tuồi bóng xế cộng thêm nỗi mặc cảm lặng lẽ trong thời buổi chạy đua theo đồng tiền khiến mẹ tôi chi li từng đồng tiền dành dụm được từ bó xả đem bán, từ chùm mận mỗi khi có bọn trẻ đến xin mua…Thế nhưng, khi thấy tôi ngồi một mình trước hiên thì bà lẳng lặng đi ra ngõ và mang về cho tôi ly cà phê sữa nóng hổi với điếu thuốc lá ngon. Lúc đó, bà nhẹ nhàng ngồi bên tôi, bảo :” Uống đi cho đỡ buồn!”rồi vuốt tóc tôi, giọng khẻ khàng ủi an: “Tóc mày cũng bạc nhiếu quá rồi! Chừng tuổi này đầu mà chưa có vợ!”. Thật ra, lúc ấy tôi không buồn chút nào vì mãi bâng quơ đến từng chiếc xe lướt qua trước mặt nhưng nghe câu nói ấy của bà tự dưng tôi muốn khóc, khóc như thuở nhỏ trốn nhà đi bắt dế về bị đánh đòn và rưng rức nhìn từng con một bị ném tung ra ngoài cửa sổ …
Trước sân nhà tôi có cây mít – trồng lên từ khi ba tôi còn . Nó cao to và bị nghiêng một bên như tạo dáng một bon-sai khổng lồ cố bám víu bằng những khúc rễ to trông giống các củ khoai mài dị thường lộ liểu phơi mình trên mặt đất. Thân cây mít lởm chởm từng lớp vẩy nâu đen dày cộm bị bốc giở để lộ lớp da non hồng bên trong . Quả của nó tròn, nhỏ tựa trái dừa xiêm, nhưng múi lại rất thơm ngọt. Mỗi xế chiều, hàng ngàn con chim sẻ mùa bay vê tíu tít đùa giỡn trong từng đám lá mít trước khi trở về nơi trú ngụ qua đêm. Mẹ tôi rất vui khi nhìn cảnh này, bà nói :” Đất lành chim đậu”. Từ khi có vài kẻ mang súng đứng bên kia đường chỉa vào, chúng tự động bỏ đi. Mẹ giận lắm, bà bước ra cửa hét toáng lên:” Mấy ông có thèm thịt thì mai tui đi chợ mua cho mỗi người một ký… chớ đừng ác đức như vậy!”. Nghe nói, bọn người kia bỏ đi, không hề quay lại nhưng cũng từ đó tiếng chim đã ngưng bặt. Chúng chẳng bao giờ trở lại thiên đường của chúng nữa. Hàng ngàn con chim sẻ mất cơ hội tìm cho mình một hạnh phúc dù rất nhỏ nhoi, bình thường, quá đỗi hồn nhiên.
Có lẽ đức tính chịu đựng, thức khuya dậy sớm là bản chất của người đàn bà Việt Nam. Khi tôi ngủ dậy đã thấy khoảnh sân gạch trước nhà đã được quét dọn. Ấm trà nóng đã pha từ lúc nào. Mẹ tôi đã sang nhà hàng xóm mua lại ít rau chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Bà không bao giờ ngồi lâu một chỗ kể cả lúc xem ti-vi dù lúc ấy là một phim tình cảm khá hay hoặc một tuồng cải lương mùi mẫn- một thể loại dân ca mà bà rất thích.
oOo
- Bà ơi! Bán cho cháu ít mận…
Nghe giọng nói người lạ, mẹ tôi ngừng tay bằm chuối cho lũ vịt. Một cô gái độ tưổi hăm sáu – hăm bảy, người hơi gầy, nước da trắng. Cô khá tươm tất trong bộ đồ bà ba màu lục già, tóc khá dài được cột cẩn thận thả sau lưng. Đôi mắt to đen như cười dưới vành chiếc nón lá đang ngã sang màu vàng rạ. Cô đứng bên gốc cây mận ngoài ngõ, mắt nhìn phía mẹ tôi với vẻ chờ đợi.
- Nhiều ít? Mẹ tôi hỏi gọn lỏn. Bà chỉ tay vào cây mận.
- Cứ hái bao nhiêu tuỳ ý nhưng đừng leo, cành dòn dễ gãy, té chết! Mẹ tôi cẩn thận.
Nói đoạn, bà nhìn về phía tôi:
- Tú! Mày ra xem. Hái giùm người ta cũng được.
Tôi đặt cọ dưới giá vẽ, bước ra ngoài sân.
Cô gái nhìn tôi bẻn lẻn và nhoẽn cười ngại ngùng.
- Cô để tôi hái. Chùm nào thích chỉ.
Thấy tôi khó chịu, cô gái nhỏ nhẹ:
-Tuỳ anh…
Đã một túi ny-lon khá đầy. Cô gái im lặng vẫn để tôi hái những quả tôi muốn. Tôi bực mình ra mặt:
- Nữa không? Hay tui rung cả cây, trái nào chín rớt xuống cô nhặt?
Cô cười với ánh mắt tinh nghịch, trả lời tôi như chuẩn bị sẵn:
- Cần thiết thì chặt cả cây, nếu anh muốn!
- Gì? Tôi quay lại gằn giọng.
Tỏ ra không vừa, cô gái “tay đôi” với tôi:
- Cây mận của nhà anh chứ đâu phải của tôi. Anh vào hỏi má anh xem thử có chặt được không cái đã!
Tôi như một võ sĩ bị nốc-ao đo ván. Lúng túng, tôi vất mạnh cây hái xuống đất, im lặng bước nhanh vào nhà.
- Xong rồi đó, má! Tôi nói với mẹ, cố gắng giữ sắc mặt bình thường.
Mẹ tôi cười. Hình như bà biết câu chuyện vừa giữa xảy ra giữa tôi và cô ấy thì phải.
Mẹ tôi không lấy tiền. Bà biếu. Cô gái lí nhí cám ơn đặt túi mận vào giỏ trước chiếc xe đạp, mắt không quên lườm vui về phía tôi khi vừa bước lên xe.
oOo
Bức tranh phong cảnh đang kết thúc giai đoạn đặt màu. Tôi phát hiện hình như còn thiếu một hình ảnh nào đó dù bố cục đã được thể hiện theo phác thảo mà tôi sắp xếp cho là khá hoàn chỉnh từ trước. Hít một hơi thật sâu, khói thuốc nhiều đến độ làm cay mắt. Bức tranh trở thành một quang cảnh tĩnh mịch nhuộm màu vàng nguyên chất điểm xuyết những đóm chàm của bóng cây dừa in lên từng tấm ván của chiếc cầu xiêu vẹo bắt ngang con lạch; phía xa mái nhà tranh hé hiện sau bụi chuối um tùm mờ nhạt trong nắng đã chiều. Mẹ đứng sau lưng tôi lúc nào chẳng hay. Mắt đăm đăm nhìn vào bức tranh:
- Không vẽ nữa sao? Mất tập trung rồi phải? Mẹ cười hỏi.
- Con thấy thiếu một cái gì đó… Tôi thú thật với mẹ.
Mẹ lấy tay xoa mạnh vào dầu tôi, nói gọn:
- Người!
Nói xong, bà bước vào bếp. Không gian nhường lại cho tiếng lách cách của chiếc bếp ga, tiếng nắp soong khẻ chạm vào nhau hoà vẵng tiếng lúc rúc của đàn vịt con tìm ăn từ phía sau nhà.
oOo
Mỵ, tên cô gái. Cái tên y như trong chuyện cổ tích. Mỵ là giáo viên tiểu học ở vùng này. Sở dĩ Mỵ biết nhà tôi có mận ngon vì đám học trò kháo nhau. Chúng đem tặng cô giáo những quả mận màu đỏ hạt nhỏ thịt dày và giới thiệu nơi bán.
Cứ cách dăm bữa, Mỵ lại đến nhà tôi mua mận. Nghe mẹ kể lại: cô tự hái lấy khi không có tôi nơi ấy. Mẹ tôi vẫn không lấy tiền có lẽ vì bà cần có người bầu bạn hơn là chuyện mua bán của đời thường. Ngày cuối tuần về thăm, mẹ nói với tôi: Nó cứ gọi mày là “anh già khó chịu”.Tôi cười thầm và bất giác tự hào với danh hiệu đặt cho mình có từ “ trên trời rớt xuống”.
… Mỵ mặc chiếc áo dài trơn màu lam nhạt, tay vịn chiếc xe đạp ngoài ngõ, hỏi tôi:
- Sao anh không về nơi này ở luôn với mẹ?
- Nghỉ thì dễ… nhưng về đây để làm gi? Ăn bám mẹ già chắc? Tôi vẫn giữ thái độ hờ hững khi nói chuyện với Mỵ.
- Xin thuyên chuyển không được sao? Mỵ nhìn tôi gần như năn nỉ.
- Đâu được! Công ty chưa tìm ra người thay thế. Chịu!
Tôi là một trong hai người phụ trách mảng thiết kế ngoại thất của một công ty xây dựng mà hợp đồng đến những năm năm trong khi tôi chỉ mới làm việc nơi ấy chưa đầy hai năm. Không phải đợi đến lúc Mỵ nói ra, điều này đã làm tôi trăn trở rất nhiếu kể từ khi ba tôi mất.
Tôi mời Mỵ vào nhà. Mẹ tôi đem nửa trái mít cho hai đứa rồi bảo ra thềm ngồi ăn cho mát. Mỵ tự nhiên bốc lấy từng múi mít mời mẹ và tôi.
Mẹ tôi đánh tiếng, nhìn Mỵ, vẫn gọn lỏn như lần đầu gặp mặt:
- Chừng nào nghỉ hè?
- Dạ, cuối tháng này. Mỵ nhỏ nhẹ trả lời.
- Có về quê không? Mẹ tôi hỏi tiếp.
Mỵ ngập ngừng:
- Dạ… chưa biết nữa.
Mẹ không hỏi gì thêm. Bà gom những hạt mít lại rồi bỏ vào chiếc chén bên cạnh để sau này đem luộc rồi băm nhỏ ra làm thức ăn dành cho lũ vịt háu đói đang lớn dần.
Mẹ đứng dậy, nhìn tôi và Mỵ rồi ẩn ý:
- Mày về quê chắc cây mận ở đây buồn lắm!
Mỵ cười nhỏ, buồn buồn:
- Bác nói vậy! Cháu thấy, nhà mình đâu chỉ có một cây mận…
Tôi ngẩn người khi nghe Mỵ dùng từ “ nhà mình” trong câu nói. Tôi buột miệng:
- Ăn mận?
Mỵ gật đầu nhưng không trả lời. Cô giúp mẹ tôi dọn dẹp và lau sạch nơi ngồi. Tôi và Mỵ đứng dưới gốc mận. Mận hôm nay đầy quả chín, rụng khá nhiều. Mỵ vói tay hái trái thấp nhất chìa về phía tôi :
- Anh ăn thử đi, xem có mùi dầu thông không?
Tôi thắc mắc:
- Mận sao có mùi dầu thông?
Mỵ cười to. Tiếng cười trong sáng như trẻ con.
- Mấy trái anh hái giùm trước đây, đem về, nghe chỉ toàn mùi ấy, ăn gì được…
Tôi vỡ lẽ. Hôm ấy, hái mận cho Mỵ với bàn tay bám đầy dầu thông từ những “típ” màu vẽ.
- Tôi… xin lỗi Mỵ. Tôi ấp úng.
Mỵ nhìn tôi, môi chúm chím nụ cười, trêu chọc:
- Câu nói của anh bây giờ mới có chủ ngữ!
Hôm ấy, Mỵ sao thật dễ gần.
Dưới cây mận, chúng tôi bắt đầu bằng câu chuyện bâng quơ như thế. Mỵ kể cho tôi nghe những buồn vui trong nghề giáo. Tôi kể Mỵ nghe những mẫu chuyện bực dọc trong nghề làm đẹp cho cái hưởng thụ bề ngoài của vài người có tiền và địa vị. Nếu không có sự chịu đựng, chúng tôi sẽ như thế nào trong cuộc mưu sinh này? Mẹ tôi thường bảo :”Mỗi nhà mỗi cảnh- mỗi người mỗi ý”. Biết sao được!
Lưng núi phía sau nhà bốc lên những mảng sương mù dày đặt. Nắng chiều rực rỡ tràn về từ góc trời xa vẫn không che hết cái lạnh ở đâu tràn về nhuộm đầy hơi nước. Mỵ vân vê vạt áo và nói nhỏ chỉ mình tôi nghe:
- Thôi, em về.
Tôi ậm ừ dắt xe ra cổng dùm Mỵ. Mỵ để yên bàn tay cho tôi nắm. Mẹ tôi đã đi sang chiếc quán nhỏ bên kia đường từ lúc nào chúng tôi chẳng hay.
Mỵ đạp xe thật nhanh trong những giọt mưa nhỏ lây lất theo cơn gió thoảng qua. Tôi quên cả những trái mận mà tôi đã để ý sẽ hái dành tặng Mỵ.
oOo
Tôi vẽ một dáng người ngồi tựa lưng vào gốc dừa bên kia chiếc cầu ván bắt ngang qua suối. Một hình ảnh khá cận cảnh. Tôi hình dung và cố gắng vẽ Mỵ, nhưng không thể nào vừa ý. Chiếc áo màu lục già của Mỵ mà tôi thích nhất nằm giữa bố cục trông như một bức tranh dã thú. Tôi có thể nhận rõ trong ký ức của mình khuôn mặt từ mắt môi đến mái tóc của Mỵ thế mà không thể nào diễn tả được. Tôi để lại một khoảng trắng.
Ngày mai tôi lại về nơi làm việc chuẩn bị cho chuyến đi thực tế dài ngày. Có lẽ bức tranh ấy vĩnh viễn không bao giờ hoàn thành. Nó sẽ mãi nằm yên trên giá vẽ và làm bạn với cái pa-lét phết đầy màu dầu với mùi nhựa thông quánh cứng.
Mỵ đã về quê từ tháng trước. Nghe đám học trò loáng thoáng cãi cọ khi đến nhà tôi mua mận: “ Cô Mỵ lấy chồng, ở luôn ngoài ấy rồi!”
Đêm đến, mẹ tôi ngồi trên bộ ván. Bà quấn cuộn lọn tóc dài trắng bạc quanh ngón tay rồi dùng lược chải suông từng ngọn để dành ra ngoài. Bà khẻ nói, giọng thật buồn:
- Thế là má phải đợi thêm một mùa mận khác.!
-BẢO LỄ-
MÙA MƯA, 2009