Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 01:16

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:03

KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Yesterday at 16:45

KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22

NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20

KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08

Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54

Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10

7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10

Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07

Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36

Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09

Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46

Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06

Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04

DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19

Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37

Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34

TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17

CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05

Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41

Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Truyện ngắn của TÙNG VĂN

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Tung Van



Tổng số bài gửi : 65
Registration date : 22/12/2014

Truyện ngắn của TÙNG VĂN Empty
Bài gửiTiêu đề: Truyện ngắn của TÙNG VĂN   Truyện ngắn của TÙNG VĂN I_icon13Thu 29 Oct 2015, 22:43

                                                                     CÁNH CHIM CUỐI TRỜI
  
 Mười tám tuổi em vào đại học, tuổi hắn đã hai nhăm. Em xuất thân trong một gia đình cách mạng, mẹ làm đến chức Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh miền duyên hải, còn hắn, con nhà nghèo quê miền Sơn tây cũ. Khi nhập trường hắn đã mang quân hàm trung uý quân đội và vừa ở chiến trường ra trong người vẫn còn đeo đẳng những cơn sốt rét rừng. 
  Hắn thôi đèn sách gần mười năm nay, nhưng có tiếng là kẻ học giỏi thời học phổ thông, vì thế không lâu, sau năm học thứ nhất hắn đã vượt lên đứng đầu toàn khoá hơn ba trăm sinh viên. 
  Khoá học của hắn một phần là học sinh phổ thông thi vào, còn phần lớn là sinh viên ở các trường  khác chuyển sang. Người ta bầu hắn làm chi trưởng và được lãnh đạo chỉ định vào Đảng uỷ nhà trường; vậy lợi thế cho hắn cũng  nhiều, nhưng dàng buộc hắn cũng lắm. Với tính cách trầm tĩnh, thẳng thắn, sống có nhân cách nên hắn có ảnh hưởng đến nhiều sinh viên khác trong trường. 
  Còn em, nhìn em người ta biết thừa là cô gái lá ngọc cành vàng, được chiều chuộng từ bé. Em dư dả kiến thức sách vở, nhưng lại non nớt và bỡ ngỡ với cuộc sống ngoài đời. 
  Em và hắn có chung sở thích đọc các tác phẩm văn học cổ điển nước ngoài. Cũng vì chung sở thích mà em và hẳn trở nên thân nhau. Học lực em khá, tiếp thu nhanh nhưng chểnh mảng nên không mấy khi kiểm tra bài được điểm cao. Hắn thỉnh thoảng góp ý em nên chăm chỉ hơn để tốt nghiệp có cái bằng khá giỏi, em chỉ cười khì… 
 Nhìn em có người thảng thốt vì đôi mắt đẹp,trong sáng cuốn hút người ta bởi cái nhìn ngây thơ, thánh thiện. Một đôi lần hắn nhìn em mặt nghệt ra, đến lúc em bảo “anh nhìn gì mà khiếp vậy” hắn mới bừng tỉnh xấu hổ cười trừ, ấy thế mà vẫn không  định nghĩa nổi ở đôi mắt ấy ẩn chứa những gì mà có sức  lôi cuốn không thể cưỡng lại được.                                               
  Một lần, trên hành lang vắng vẻ của trường, em đi trước, không biết rằng hắn từ trong phòng đi ra, tay cầm cuốn truyện bỗng hắn cất tiếng gọi:                                        
 -“Katiusa”. Em quay đầu nhìn lại không hiểu, nhưng thấy hắn cầm trong tay cuốn truyện, em đến bên giằng vội rồi hấp tấp giở xem bìa sách vừa cười vừa kêu lên: 
  - Ôi! “Phục sinh” và thế là chạy biến về phòng không một lời hỏi mượn.                                               
  Ba ngày sau, cũng lại trên hành lang nhà trường em nói cho hắn biết: 
  - Em không đồng ý anh gọi em bằng cái tên “Katiusa” đâu nhé! Hắn cười và bảo: 
  - Em thử soi gương xem đôi mắt của em có giống mắt nàng “Maxlova” trong truyện Phục sinh của Lev Tolstoi không? Họ bắt đầu chuyển sang trao đổi về tác phẩm và nhân vật. Cứ thế họ đến với nhau, yêu nhau lúc nào không biết. Lúc hờn dỗi dấm dẳn, lúc hẹn hò..càng lâu em cảm nhận ra rằng nơi ấy, hắn, là bờ vai để có thể ngả vào những lúc em yếu lòng.                                         
  Vài lần giận nhau để rồi họ xích lại gần nhau hơn. Nhớ có lần em giận hắn, nhất định không gặp và không nói chuyện, nhưng chỉ được ba ngày, không chịu nổi nỗi nhớ cồn cào trong tâm can, em đành phải làm lành bằng cách viết hai câu thơ Chinh phụ ngâm vào giấy với ý trách: “Xanh kia thăm thẳm từng trên/Vì ai gây dựng cho nên nỗi này”, rồi kẹp vào vở ghi bài của hắn. Hắn đọc xong mà nước mắt cứ muốn trào ra, thì ra em đã trách mình “gây cuộc binh đao” hắn nghĩ, rồi vội vàng đáp lại bằng hai câu Kiều: “Dù cho vật đổi sao rời/ Tử sinh phải giữ lấy lời tử sinh”, hắn muốn nhận sai về phần mình nhưng không quên nhắc khéo em dù thế nào đi nữa cũng “giữ lấy lời thề tử sinh”. Thế rồi họ lại về bên nhau để bù đắp lại những ngày giông bão. 
  Tình yêu của em và hắn đẹp, trong sáng, không vụ lợi, không toan tính. Họ bỏ qua những rào cản về hoàn cảnh, về gia đình, dự định khi ra trường ổn định công tác sẽ báo cáo tổ chức và gia đình để lo chuyện cưới hỏi. 
                             
                                                                                             *  *  *                           
                                                                                                                                                                              
  Bốn năm học sắp kết thúc, sinh viên chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp hoặc bài thi (nếu không đủ điều kiện viết luận văn). Hắn có ý thức chuẩn bị từ những năm đầu khoá học, nên không khó khăn gì để hoàn thành một luận văn mà dưới con mắt của các thầy đều đánh giá là xuất sắc. 
  Trò đời, trời không chiều lòng người, hắn có quyết định trở lại chiến trường ngay cùng một số cán bộ làm nòng cốt xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác luật pháp chuẩn bị cho sau ngày giải phóng. 
  Nhận được quyết định hắn bàng hoàng, hẫng hụt, mọi dự tính cho tuơng lai đều đổ vỡ. Hắn không dám chia sẻ với người yêu,chỉ khi em nhìn thấy thần sắc hắn thay đổi, em gặng hỏi nhiều lần, hắn đành nói thật: 
  -Anh phải trở lại chiến trường. Nghe được tin sét đánh, em lẩy bẩy như cò gặp bão, bỏ ăn, nằm sụp như người ốm, không khóc mà nước mắt lúc nào cũng trào ra. 
  Đến cơ sự này hắn xác định phải cứng rắn để vực em qua cú xốc trời giáng. Cũng chẳng còn thời gian báo cáo tổ chức và gia đình để làm đám cưới. 
  Trong những ngày gấp rút chuẩn bị lên đường, hắn cố gắng chăm sóc, bù đắp tình cảm cho em, chỉ với một điều nghĩ rằng không lâu, em phải chịu một mất mát quá lớn không chắc gì đứng vững! 
  Trong tâm trí em, chỉ duy nhất một điều: chắc gì anh ấy còn sống trở về. Chiến trường nơi hòn tên mũi đạn, lại đang trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh! Lúc nào trong đầu em cũng với một câu hỏi: “liệu anh còn để trở về với em không?” 
  Như hiểu được suy nghĩ của nhau, họ dành cho nhau tất cả, những vật chất và tinh thần mà họ có. Thế rồi cái gì đến cũng phải đến. Em dâng trọn trinh tiết cho tình yêu, không đắn  đo, toan tính. Lúc  đầu hắn cố  gắng  kìm nén tình cảm vì thương em, nếu một mai phải phơi xương nơi chiến địa biết đâu lại làm khổ em, nhưng rồi lý trí không thắng nổi bản năng, nhất là trong hoàn cảnh này. 
  Ngày lên đường hắn không dám nói cho em biết, chỉ dám viết một phong thư và nhờ một người bạn mang đến trao cho em sau khi hắn đi rồi.                                               
  Nhận  được thư em không khóc, dường như em biết chắc giây phút này sẽ đến! Em câm nín, rời xa chỗ đông người, đi, về, đến lớp lặng lẽ như một cái bóng. 
  Kẻ đi, đã đi xa nặng nề mang theo hình ảnh đôi mắt nàng “Maslova”. Người ở lại buồn như một cái xác không hồn. Trong khi chờ bổ nhiệm công tác em về thăm gia đình, thăm bà Viện trưởng. 
  Phần buồn nhớ người yêu, phần tàu xe trắc trở, về đến nhà em chỉ nằm không buồn ăn uống, chuyện trò gì. Thấy con buồn bã xơ xác, bà Viện trưởng gặng hỏi, em đành nói hết sự thật. Nghe xong mẹ cũng se sắt lòng dạ, trước tình cảnh của con như thế người mẹ nào mà không lo lắng động lòng xót xa! Nhưng rồi bà phải tìm ra giải pháp ngõ hầu tháo gỡ bế tắc cho con, cho chính bản thân bà và gia đình. 
  Với kinh nghiệm của người mẹ, bà biết chắc con mình đã có thai, lúc đầu bà cũng lo lắng khuyên con nên phá bỏ cái mấm sống đang hình thành mỗi ngày một lớn trong bụng. Nghe thấy thế em há hốc mồm, mắt dại đi như một con thú bị dồn vào đường cùng, em phản kháng theo bản năng. Khi tĩnh trí  lại em cũng không thể nào đang tâm phá bỏ kết quả tình yêu đã có giữa em với người mình yêu – dẫu có phải đánh đổi bằng cả mạng sống! 
  Cả một tình yêu đẹp, kéo dài suốt bốn năm trời, sao lại có kết cục bi thảm thế này? Em nghĩ, tại sao ông trời lại cứ bày trò để hành hạ những người lành hiền yếu đuối như em, cho em nếm vị ngọt của tình yêu thế rồi đang tâm hắt bỏ trước mặt kẻ đang khát khô họng. Em bất lực trước mọi trò đùa của Tạo hoá! 
  Biết lòng con sắt đá, tôn thờ mối tình đầu như một kẻ cuồng tín, bà Viện trưởng lại tìm một giải pháp khác. Ép con lấy chồng! Miễn là con gái có chồng thì thanh danh của bà mới được toàn vẹn. 
  Bà cũng đã dặt ra nhiều giả thiết: Liệu người yêu của con gái bà có còn để trở về với mối tình đầu không? Một người con gái không chồng  mà có con thì cơ quan nào nhận nó vào làm việc, dù bà có dùng thanh thế của mình thì vị trí làm việc của con chắc gì được xứng đáng! Bây giờ người ta sống sợ vì dư luận, nhưng thân bại danh liệt cũng bởi dư luận. Muốn giữ danh dự cho gia đình và danh tiết cho con, vô tình bà trở nên  tàn nhẫn! 
  Cuối cùng thì hôn nhân vẫn đến với em! 
  Đêm tân hôn, thực sự vừa hổ thẹn vừa đắng cay, hổ thẹn bao nhiêu với người chồng mới thì đắng cay bấy nhiêu với cuộc đưa tang mối tình đầu. 
 Tại sao em phải làm như thế - Tại ai? Tại ai! Tại sao hai người đàn ông em gặp trong đời, họ làm gì nên tội mà em lại phản bội và lừa dối họ? Cay đắng bao nhiêu thì càng tủi hổ bấy nhiêu.         
                                                  
                                                                               *  *  *


Người chồng thoả mãn với vụ hôn nhân mà anh ta không hy vọng làm chủ được người con gái, nhưng ơn trời mang hạnh phúc đến cho anh. Sau khi lấy vợ, vợ sinh con cũng xẩy ra đôi ba lời đàm tiếu, song anh tin vợ, tin vào nền nếp, lễ giáo gia đình nhà vợ nên không mảy may nghi ngờ, chỉ một lòng phụng sự cho sự nghiệp. Được hậu thuẫn của hai bên gia đình, anh ta tiến bộ rất nhanh trong chức vụ công tác. 
  Sau lần vượt cạn, em trở thành gái một con, lại có phần nhuận sắc hơn cả thời thiếu nữ. Không ngờ tai nạn tày đình mà em lại vượt qua. Thuyền đã có nơi neo đậu, dù muốn hay không, em cũng phải quên đi mối tình đầu với hắn. Em trở nên sợ hãi ngày hai  miền thống nhất. Trong tiềm thức em mâu thuẫn cực độ, mong trời phật phù hộ để hắn còn sống sót trở về, nhưng lại sợ hãi phải đối mặt với hắn. Em nợ hắn quá nhiều; cuộc sống hiện tại càng xuôi buồm thuận gió em càng ân hận, không lúc nào nguôi ngoai với mặc cảm tội lỗi của mình. 
  Ngày 30 - 4 - 1975 ập đến như một cơn bão trong lòng em, nó ngổn ngang trăm mối, buồn vui lẫn lộn, nó tàn phá hoang huỷ cái hiện tại, tô đậm, đánh thức cái dĩ vãng huy hoàng đều dồn nén vào trong một không gian chật hẹp của cõi lòng. 
  Nhiều lúc em như kẻ mộng du, thân xác của hiện tại còn tâm trí phiêu diêu ở những nẻo về của dĩ vãng. Em chờ đợi mong tin hắn trở về bằng xương bằng thịt, nhưng rồi lại sợ hãi, hốt hoảng lo cho cuộc đối mặt vô tiền khoáng hậu. Em có nên chạy trốn khỏi hắn không, hay phó mặc cho số phận muốn ra sao thì ra. Có lúc em tự nguyền rủa mình với ý nghĩ tội lỗi “giá như anh ấy mãi mãi không về” và cảm thấy xấu hổ với con. Những lúc ấy em lại ôm chặt con vào lòng thổn thức có ý bênh che cho con và anh ấy rồi lên án ý nghĩ đen tối của mình. 
  Hơn một năm sau ngày giải phóng miền Nam, hắn được về thăm quê và nhận công tác tại cơ quan Bộ Quốc Phòng, làm chuyên viên pháp lý cùng một số cán bộ giúp Quân uỷ và thủ trưởng Bộ chỉ đạo ba ngành tư pháp trong quân đội. 
  Hắn tìm hiểu qua bạn học được biết sau khi hắn đi B vài tháng thì em đã lấy chồng và sinh con. Hắn không hình dung nổi sự đời lại biến cải đến thế. Hắn rơi vào khoảng hư vô không xác định, lúc bần thần chết lặng, lúc phấn chấn muốn đi tìm cho thấy em, chỉ cần nhìn thấy gương mặt em và đôi mắt của nàng Maxlova là hắn thoả mãn lắm rồi! Nhưng rồi… năm lần bảy lượt hắn đi, nhưng cứ được một đoạn đường ngắn lại như có ai níu chân hắn lại “ván đã đóng thuyền” rồi, đúng là “Vì ai gây dựng cho nên nỗi này”!                                                                                                             
  Đất Hà thành đâu có rộng mà sao mênh mông xa cách nghìn trùng; chẳng lẽ cứ ôm mối hận cho đến lúc xuống mồ? Đằng nào mối tình nghiệp chướng này cũng phải được hoá giải, mặc dù số phận của em và hắn đã được an bài, vô phương làm thay đổi được nữa, nhưng một chuyến đò  nên ngãi huống chi giữa em và hắn có ngần ấy năm tháng gắn bó và đã từng trao xương đổi thịt cho nhau, không thể không gặp lại cho tỏ ngọn nguồn. 
  Rồi tình cờ trong một lần hội thảo do Uỷ Ban Pháp chế tổ chức, em có mặt và hắn được gặp em bằng xương bằng thịt. Với hắn, em không thay đổi chút nào, chỉ khác cử chỉ chín chắn điền đạm hơn, không còn nhí nhảnh như thời con gái. 
  Em và hắn quyết định bỏ hội thảo, ra một nơi yên tĩnh, lúc đầu hai người chỉ nhìn nhau khao khát cho thoả những ngày xa cách,  cuối  cùng  em  phải lên tiếng trước: 
  -Em biết anh đã ra Bắc từ lâu và biết có lần anh đi tìm em, nhưng em trốn chạy vì sợ hãi, sợ hãi đến nghẹt thở. Vì em nợ anh quá nhiều, bây giờ gặp lại em không còn gì để trả lại cho anh. Người em run lên giọng nói đứt đoạn vì tiếng nấc, mắt ầng ậc nước. Hắn nắm bàn tay em, cố lấy giọng bình tĩnh: 
  - Em không có lỗi,chúng ta đều không có lỗi; anh với em và rất nhiều đôi vợ chồng khác đều là nạn nhân của chiến tranh. Cuộc chiến tranh nào cũng vậy, dù nó phi nghĩa hoặc chính nghĩa đến đâu thì đều gây ra những hệ luỵ đau lòng, làm sẩy đàn tan nghé biết bao mái ấm gia đình, anh và em chỉ là trong muôn một! Hãy cảm ơn Thượng đế run rủi cho anh còn được gặp em; thế cũng là hạnh phúc hơn nhiều người khác. Chuyện có duyên mà không có phận xưa nay bao giờ chẳng có. Ngừng một lát hắn nhìn thẳng vào mắt em và hỏi: 
  - Anh muốn em nói thật … hắn lấy hết can đảm rồi tiếp: - Chúng ta đã có con phải không em ? Em nhìn hắn rồi quay đi chỗ khác lắc đầu: 
  - Không! 
  Hắn thất vọng buông tay em ra và nhìn vào khoảng không mênh mông. 
  Em biết lời nói dối này là cuộc tàn sát cuối cùng những gì còn sót lại giữa em với hắn. Em tự nhủ, giấu đi điều hệ trọng này tuy tàn nhẫn  và lỗi đạo cương thường nhưng sẽ có lợi cho anh ấy. Anh sẽ thảnh thơi lo cho cuộc sống tương lai của mình. Một mai, khi anh đã có cuộc sống gia đình ổn định , lúc thời cơ thích hợp cho anh biết : anh vẫn còn giọt máu ở nơi em cũng không muộn. Hiện tại thì không; không nên để anh lấn bấn nghĩ có một đứa con với mình. Mình cũng không thể phá vỡ gia đình để về bên anh ấy! Không phải vì em, mà vì người chồng hợp pháp và những gia quy rắc rối ràng buộc, thôi thì hẹn anh ở kiếp sau! 
  Sau lần gặp gỡ định mệnh ấy, dường như họ không còn gặp lại nhau lần nào nữa, một kẻ cố trốn chạy dĩ vãng, còn một người thỉnh thoảng mang quá khứ ra nhâm nhi như một thứ độc dược làm mòn mỏi cả về thể chất và tinh thần tuổi trẻ. 
  Mặc dù họ không còn gặp nhau, nhưng vẫn để tâm về nhau. Em biết anh  không thể gạt hình ảnh mình ra khỏi tâm trí để đến với người đàn bà khác, nhưng em không dám gặp lại hắn, mặc dù vẫn yêu hắn một cách đau đớn dằn vặt.                                                   
  Một thời gian sau em đành xin thôi việc ở cơ quan, dắt con theo chồng sang Úc chỉ cố đoạn tuyệt với mối tình oan trái lúc nào cũng trực rỉ máu. 
  Khi biết tin em ra đi hắn thốt lên xót xa: - “Em ra đi, như một cánh chim lẻ loi bay cuối trời vào mùa giông bão, liệu khi ướt cánh, em sẽ về đâu?” 
                                                            
                                                                           *  *  * 
  

- Bốn mươi năm sau, trên hành lang Bệnh viện Tim mạch có một ông già tuổi ngoại bảy mươi đang thẫn thờ nhìn theo một thiếu phụ đi phía trước rồi buột miệng gọi: 
  - Maxlova! Người phụ nữ trạc tuổi bốn mươi mặc áo blue trắng đi phía trước không nghĩ là ai gọi mình nhưng cứ đi chậm và ngoảnh lại, thấy một ông già cô cất tiếng: 
  - Cháu có thể giúp được gì cho bác không ạ? Ông già nhìn sâu vào đôi mắt của người phụ nữ, mãi mới cất tiếng: 
  - Xin lỗi, có thể tôi đã nhầm với người quen cũ… 
  Thế rồi không biết câu chuyện giữa hai người, một già một trẻ ra sao? Biết đâu đây chẳng là một cuộc gặp định mệnh! 



                                                                   TÙNG VĂN
Về Đầu Trang Go down
Tung Van



Tổng số bài gửi : 65
Registration date : 22/12/2014

Truyện ngắn của TÙNG VĂN Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Truyện ngắn của TÙNG VĂN   Truyện ngắn của TÙNG VĂN I_icon13Thu 15 Jun 2017, 14:53

Tuyện ngắn 

                                 Người nhận vơ 


  Về hưu, lương không đủ nuôi mấy đưa con ăn học,hắn theo người ta đi làm phó nhỏ nghề thợ mộc. Được vài tháng ông phó cả già ốm không đi làm được nữa. Hắn không biết bấu víu vào ai, cũng liều cắp cưa đục đi hết các xó xỉnh để hỏi việc làm. Vì chưa biết làm nên hắn sợ không dám đến hỏi việc ở những gia đình có bát ăn bát để, dám thuê thợ đóng những món đồ to tát nhiều tiền mà chỉ mon men đi đóng các đồ vặt vãnh hoặc sửa lại những đồ mộc hỏng như giường long phản gãy, cũi chó chạn bát. 
  Hắn tìm đến nông trường, nơi phần lớn chỉ có đàn bà con gái, hoặc đợc thân, hoặc một mẹ một con, ít đàn ông; nếu nơi có đàn ông thì những việc ấy đâu đến lượt hắn! 
  Những tháng đầu, hắn đi nhiều hơn làm, vì có ai mướn đâu mà làm. Sắp hết tiền mang theo, về thì ngại với vợ con. Cùng quẫn, vừa ở bộ đội về, chưa đầy bốn mươi tuổi hắn làm đơn xin nghỉ hưu. Chả hiểu thế nào hắn lại có cái quyết định ngu dại thế? Đang làm chuyên viên ở cơ quan Văn phòng Bộ, tuy không sướng nhưng ở cái vị trí mà nhiều sĩ quan mơ cũng không bao giờ có được. 
  Về hưu, hắn dồn tất cả tiền lương mấy tháng lĩnh trước, bán hết quân trang, quần áo dạ của Quân đội cấp phát để làm ba gian nhà cấp bốn trên đồi đất chông chênh. Thiếu tiền không vay ai được hắn đành phải bỏ lại nửa gian nhà thiếu ngói lợp, mà che tạm bằng những mảnh giấy dầu, áo vải mưa, rồi vội vàng xách cưa đục theo người ta đi kiếm tiền. 
  Chả biết đến bây giờ, kinh tế sung túc rồi, hắn có còn ân hận với cái quyết định về hưu vội vàng và có cho rằng đó là cái quyết định sai lầm chết người không? Chắc là không! Vì hắn có lý của hắn. 
  Lang thang đến bạc mặt, cuối cùng cũng có người mướn hắn đóng bộ bàn ghế ngồi. Hắn mừng thì ít, lo thì nhiều - Đã bao giờ hắn tự tay đóng một bộ bàn ghế hoàn chỉnh đâu. Nhưng hắn liều cứ mạnh dạn nhận làm. 
  Chủ nhà là một nữ công nhân cũng trạc tuổi hắn, trông lam lũ nhưng vẫn có nét duyên của thời con gái, sống cùng đứa con trai chừng tám, chín tuổi. Những năm chiến tranh chống Mỹ chị cũng đã từng là Thanh niên xung phong, sau có chủ trương xây dựng kinh tế, Đoàn Thanh niên xung phong của chị được chuyển sang bổ sung cho nông trường, chị và mọi người trở thành công nhân. 
  Làm một nhà, hắn lại phải ngủ nhờ một nhà khác có đàn ông. Trò đời, cũng là để tránh điều ong tiếng ve. 
  Hơn nửa tháng trời, hắn loay hoay bào đục mà vẫn chưa dóng khung được bộ bàn ghế lên, hắn vừa lo, vừa xấu hổ với Hoàn chị chủ nhà. Tuy không nói ra mồm nhưng nghe chừng chị Hoàn cũng tỏ ra sốt ruột "Không biết ông thợ này làm thế nào đây?... Thợ gì mà dáng thư sinh như nhà trí thức ấy...", nhưng khi thấy hắn loay hoay vất vả, trời rét  mà đổ mồ hôi hột ra thế kia thì...nghĩ thế rồi chị mặc kệ cho hắn làm bao giờ xong thì xong. 
   
 Một hôm Hoàn đi làm về, nét mặt có vẻ bực dọc, miệng lẩm bẩm gì hắn nghe không rõ, hắn tưởng ai nói gì về mình để cho chị ta bực dọc nên vể mặt hắn buồn buồn trông thật tội nghiệp. 
  Lúc sau vẻ mặt Hoàn trở lại bình thường,  chị đến chỗ hắn làm, có ý gợi chuyện, Hoàn cất tiếng: 
 -Em nói không phải, bác bỏ quá cho, chị cười-trông bác không giống thợ mộc tý nào... 
 - Sao chị lại nói thế, thì tôi đang làm thợ mộc ở nhà chị đây mà. Chị Hoàn cười nói tiếp: 
 - Em trông bác giống cán bộ lắm, ngón tay bác thế kia mà bảo là thợ nộc thì em không tin tý nào cả, dáng của bác còn bằng vạn tay giám đốc Nông trường em ấy. 
  Hắn lảng sang chuyện khác, hỏi chị: 
 - Vừa rồi có ai nói gì mà chị có vẻ bực mình thế? Hay là tôi làm chậm thì chị bực mình? 
 - Ấy chết, không phải thế - Hoàn phân bua - chả là em năm lần bảy lượt đi xin làm giấy khai sinh cho cháu đi học mà nông trường với xã không giải quyết, họ đổ lẫn cho nhau, có người nó thối mồm còn bảo không có chồng mà có con thì ai người ta khai sinh cho. Cái thân em khổ, em chịu được, nhưng thấy con không được đi học thì em khổ lắm, lớn lên cháu biết làm gì? Thế rồi Hoàn kể cho hắn nghe cuộc tình chớp nhoáng của chị cùng một số chị em ở nông trường này. 
  Người đến với Hoàn là một thanh niên ít hơn Hoàn ba tuổi, cũng chỉ là cuộc tình chớp nhoáng mỗi người theo đuổi một mục đích riêng; Hoàn cần có một đứa con, còn người thanh niên kia chỉ là muốn thoả mãn cơn khát tình của tuổi trai tráng. Thậm chí họ đến với nhau trong một đêm, chưa kịp tìm hiểu nhau về tên tuổi, quê quán, cứ thế lăn xả vào để đạt mục đích, xong xuôi họ cũng không còn kịp để ân hận nữa, mỗi người đi một phương, chính vì vậy để đến bây giờ Hoàn cũng không biết nên đặt cho con họ gì của người bố. 
  Nghe xong chuyện hắn thở dài và nhủ thầm "âu cũng do chiến tranh, làm con người ta đau thương hơn, mất mát cũng lớn hơn". 
  Mấy hôm sau, hắn viết hộ cho Hoàn một lá đơn, trình bày đủ lý lẽ, và nêu ra những căn cứ mà pháp luật buộc chính quyền, cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho công dân, nhất là quyền của trẻ em. 
  Hoàn cầm đơn lên ban giám đốc nông trường rồi ra uỷ ban xã, nhưng rồi buồn bã về không. Về nhà chị không dám nói ra yêu cầu trái khoáy của cơ quan nhà nước. 
  Hắn hỏi ra mới biết chính quyền yêu cầu phải có người đứng ra bảo lãnh hoặc nhận đứa trẻ là con ngoài giá thú thì mới được làm đăng ký khai sinh. 
  Suy nghĩ mất hàng tuần lễ mà không tìm ra cách giải quyết. một hôm hắn bảo Hoàn đưa mình ra gặp chính quyền sở tại. 
  Đến Uỷ Ban xã, ai người ta cũng nhìn Hoàn và hắn với ánh mắt dò hỏi, nhưng hắn mặc kệ, gặp được phó chủ tịch kiêm trưởng công an xã, hắn trình bày thay cho Hoàn về nội dung và mục đích phải đến chính quyền là để xin làm thủ tục khai sinh cho con, để cháu được đi học. 
Tranh luận hàng nửa giờ đồng hồ mà phó chủ tịch xã vẫn không chịu nghe ra, cuối cùng hắn phải dẫn chứng nêu ra một số trường hợp, cùng ở nông trường, cũng có con ngoài giá thú mà sao họ được đăng ký khai sinh cho con, còn trường hợp của con chị Hoàn thì không? 
  Trưởng công an đuối lý khùng lên: 
  - Những trường hợp ấy tôi không làm nên không biết, ngừng một lát, ông ta nhìn xoáy vào hắn đặt câu hỏi: 
  - Nhưng mà tôi hỏi thật anh, anh có liên quan gì với mẹ con nhà chị này; nếu anh nhận là bố đứa trẻ thì tôi chả ngại gì mà không làm khai sinh cho nó! 
  Nghe Phó Chủ tịch xã nói vậy, hắn đỏ mặt, uất quá, nếu không kìm lại thì hắn đã tống một quả đấm vào mặt lão rồi. Hắn nói như gầm lên: 
  - Ừ, nó là con tôi đấy! Nói rồi hắn móc túi lấy chứng minh thư đập đánh đét xuống bàn làm việc của phó chủ tịch: 
  - Đây chứng minh thư sĩ quan của tôi đây, ông khai sinh cho cháu đi. Ông phó chủ tịch cầm chứng minh thư của hắn, há hốc mồm nhìn hắn rồi lại nhìn chị Hoàn, thái độ dịu xuống có phần kiêng nể hơn lúc đầu. Một vài người cả nhân viên chính quyền và người dân trố mắt nhìn hai người vẻ dò xét. 
  Cuối cùng con chị Hoàn cũng có cái giấy khai sinh để mà nhập vào học lớp một - Thế là cháu đã lỡ mất hai năm học, theo tuổi phổ cập! 
 Tiếng dữ đồn nhanh, tiếng lành đồn xa, một hai hôm sau cả nông trường đều kháo lên cái tin "con mẹ Hoàn thế mà hên, tự nhiên kiếm được ông chồng đạo mạo quá!" 

Biết không thể kiếm tiền bằng cái nghề lang thang đi gõ cửa từng nhà để sửa giường long phản gãy này được nữa, hắn bỏ về quê. Trước khi về, hắn nói với chủ nhà: 
 - Thú thật với chị, tôi mới học nghề thợ mộc, cũng chỉ vì cùng đường, có lẽ cái nghề này không hợp với tôi, sau này tôi sẽ kiếm việc khác làm cho phù hợp với sức vóc của mình. Còn bàn ghế đóng cho chị nó chả ra làm sao, chị dùng tạm, tôi cũng không dám lấy tiền công của chị. 
 Mẹ con Hoàn quỳ trước mặt hắn, nước mắt dàn dụa nói: 
 - Đây là một lạy của mẹ con em, mong bác nhận lấy, bác đã cứu giúp mẹ con em, ơn này em và cháu không bao giờ dám quên. Hắn hốt hoảng: 
 -Ấy chết, sao chị và cháu lại làm thế, tôi biết đến đâu làm đến đấy, may mà xã họ cũng nghe ra, chứ tôi làm được gì cho chị và cháu đâu. 

 Gà gáy sáng hôm sau, trời vẫn còn dày đặc sương, hắn đã dắt xe đạp đến chào mẹ con Hoàn để về quê. 
 Hoàn đã chuẩn bị sẵn cơm nắm và ít tiền để đưa cho hắn về xuôi. 
 Cơm nắm thì hắn miễn cưỡng nhận, còn tiền Hoàn đưa, Hắn dứt khoát không nhận, nói thác ra là để mua sách bút cho cháu đi học. 
 Mẹ con Hoàn tiễn hắn một đoạn đường dốc, hai ba lần hắn giục chị về để hắn đi kẻo muộn... 
 Hắn đạp xe đi khuất rồi mà mẹ con Hoàn vẫn đứng nhìn hút theo - Hoàn tự nhiên thốt lên "người ở đâu sao mà nhân hậu!" 

  Vĩ thanh buồn 
 Người vợ của hắn biết được câu chuyện, bí mật dò hỏi so sánh tuổi của thằng bé với thời gian hắn ở chiến trường ra rồi thở dài tiếc cho cái oan sai ở đời. 
 Một lần vợ hắn nói với hắn: "Cho đến bây giờ vẫn còn cái oan Thị - Kính...em thương chồng và kính nể anh..." 

[size=12]29-9-2013-Tùng Văn 




[/size]
Về Đầu Trang Go down
Tung Van



Tổng số bài gửi : 65
Registration date : 22/12/2014

Truyện ngắn của TÙNG VĂN Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Truyện ngắn của TÙNG VĂN   Truyện ngắn của TÙNG VĂN I_icon13Thu 15 Jun 2017, 15:05

                MỘT "RÃ LA" ĐÁNH THỨC CON TIM BAO CHÀNG TRAI TRẺ* 

   Thơ, khai thác về đề tài truyền thống, tuy đơn giản nhưng có cái khó riêng của nó. Đơn giản vì là đề tài mở dường như có sẵn. Nhưng khó là làm thế nào để và dám “đụng” vào những góc khuất với lại mang được hơi thở của cuộc sống đương đại. 
  Bài thơ “Rã La” của tác giả Vương Duy Miên được chọn đăng trong tập thơ “KHÚC THÔNG REO – (II)” của NXB Hội Nhà Văn ấn hành năm 2011. 
  Sự tích “rã đám”, đèn nến đêm hội tắt hết để dân làng có cơ hội “ăn trộm lẫn nhau” đã lùi vào quá khứ gần một trăm năm nay, chỉ còn lại dư âm văng vẳng. Vậy mà qua thơ của tác giả ta cứ tưởng ông mới ở hội “Rã La” về sáng nay. “Hỏi ông không thèm nói, gọi ông không thèm thưa”, ông còn đang mơ màng tiếc nuối để lạc mất người con gái ông vừa được “đặt môi lên má nàng”, để rồi ngẩn ngơ như người mất hồn. 
  Mở đầu bài thơ ông đẩy người đọc vào không khí náo nhiệt của đêm hội và với sự bất ngờ may mắn như trời định cho ông được kề vai với cô gái làng bên (xin nhắc lại là cô gái làng bên, chứ không phải một ông già hay bà lão nào đâu nhé!). 
          “Hội La đêm chật như nêm 
             Kề vai cô gái làng bên hồi nào 
           Lửa hoa sóng sánh má đào 
           Ngả nghiêng yếm thắm va vào…vào tôi…”
   
  Ông dùng từ “va” tế nhị chỉ lúc “giao thoa” giữa ông và em, cũng là để tránh cho ông và cho em khỏi đỏ mặt. Cái điệp khúc của động từ “va vào…vào tôi” nó ỡm ờ nửa kín nửa hở, nửa thực nửa hư, tác giả tỏ ra bẽn lẽn, không dám nói thật cái điểm va của mình, để mặc cho người đọc bâng khuâng tự hiểu, thật dí dỏm. 
  Thơ liền mạch không phân đoạn, cũng như hội làng, từ lúc khai hội cho đến khi rã đám dồn dập liên tục hết trò này đến trò khác; hết bỡ ngỡ này đến bỡ ngỡ khác. Khi kịch tính của đêm hội đến cao trào: 
        “Bỗng dưng chiêng trống ngưng hồi 
         Ơ kìa! Đuốc tắt, thế rồi màn đêm 
         Hội làng í ới chìm êm 
         Đẩy xô tôi chạm môi lên má nàng 
         Va nhau nhờ lệ của làng 
         Bồi hồi trời cũng mơ màng lặng im 
         Ngực kề, bổi hổi con tim…”
 
  Cũng nhờ vào tục “ tắt đèn” nổi tiếng của đêm hội “Rã La” mà ông được “ chạm môi lên má nàng”. Ngây ngất và cháy bỏng ! Liệu trong đời người ta đã 
được mấy lần cố ý mà như vô tình chạm môi lên má giai nhân ? Có khi chẳng có lần nào, với tác giả chắc là một lần duy nhất!                                                       
  Ông đổ cho lệ làng., mà lệ làng là thật. Cho nên chẳng cứ gì tác giả mà đến Trời“cũng mơ màng lặng im”. 
  Cũng  khó xác định thời điểm nào là cao trào của hội ; lúc trời cũng “a tòng” với dân làng để “mơ màng lặng im” hay là lúc đèn đuốc sáng lên và tác giả được “lãi”một cái “em nguýt ngã tôi”: 
         “Bất ngờ - đuốc bật sáng lên 
         Hỡi trời ! 
         Ngượng ngùng em nguýt ngã tôi 
         Như mơ hay thực? sóng người đẩy chen”

  Từ “ngã” đặt trong câu thơ trên, vàng ròng không đổi được – Nó đắt ở chỗ nàng làm cho tác giả say đắm điên đảo, dường như ông nghiêng ngả suýt ngã theo cái nguýt của nàng, mà chân vẫn chôn chặt như Từ Hải chết đứng – Bất giác người đọc không thể không liên tưởng đến điển tích Lý Diên Niên đời nhà Hán (Trung Quốc) làm thơ ca ngợi sắc đẹp của một mỹ nhân có câu: 
                  “Nhất cố khuynh nhân thành 
                   Tái cố khuynh nhân quốc…”
. Riêng tác giả được người đẹp “nguýt” kia mà; chẳng những chỉ nhìn mà còn dùng cả khoé mắt , làn môi để “trách yêu” ông, cho nên ông bị “chôn chân giữa vòng” mà hồn thì phiêu diêu ở tận chín tầng mây xanh cũng phải. 
  Đến lúc ông bừng tỉnh thì “thôi đã lạc em mất rồi /Rã La/ Chết lặng mình tôi…” 
  Trở về với thực tại , ông vội đi tìm em, nhưng trong biển người đi trẩy hội về, chen lấn tìm đâu cho thấy em…còn một mình ông lẻ loi, ngẩn ngơ ở trốn ngã ba đường – đường về, đường đến hội và đường làng bên. Đi đâu, về đâu? Đến hội thì hội đã tan, về nhà thì  để mất em – còn đường “Làng bên” thì “xa quá là xa”. Ông phân tâm đứng ở ngã ba đường, liệu có ai bảo cho ông đường đi về đâu với? 
  Cuối cùng ông cũng phải quay về! 
  Đằng đẵng chờ đợi cho đến năm sau, tác giả “lại đến hội La đợi chờ” mong có cơ may được tái hợp trùng phùng người con gái ông hằng thương nhớ, không biết ông có tìm lại được “ý trung nhân” – cái phần“một nửa” mà ông muốn có. 
Nhưng câu kết của bài thơ là một lời cảm thán: “Người ơi! Từ bấy đến giờ…” 
Và bỏ lửng, thì đủ biết rằng ông và người con gái ấy có duyên mà không có phận. Bài thơ khép lại trong một khung cảnh buồn man mác, lây sang cả người đọc. 
  Với vài nét chấm phá tác giả đã khái quát được cái chung và những nét đặc trưng chỉ riêng hội “Rã La” mới có. Và chính những nét riêng, rất riêng của tác giả khi trái tim đang thổn thức viết về “Rã La” đã đánh thức bao trái tim đang yêu say đắm của những chàng trai, cô gái trẻ. 
--------------------- 
*Hội "Rã La" ở làng La, Phủ Hoài Đức, thuộc Hà Đông cũ 
- Đã đăng trong tạp chí "Người nhà quê" 
[size=17]
Tháng 9-2013-TV
[/size]
Về Đầu Trang Go down
Tung Van



Tổng số bài gửi : 65
Registration date : 22/12/2014

Truyện ngắn của TÙNG VĂN Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Truyện ngắn của TÙNG VĂN   Truyện ngắn của TÙNG VĂN I_icon13Thu 15 Jun 2017, 15:15

   TÔNG ĐƯỜNG 
   
 Từ một người con gái mới lớn, bị lừa tình và tình phụ, để lại cho Thân phải nuôi một mụn con, là kết quả của mối tình đầu đời. Anh ta đã có vợ và hai đứa con, cùng cảnh đi làm thuê quen rồi yêu nhau. Nghe lời yêu như có cánh của thằng đàn ông, Thân lao vào yêu say đắm không toan tính, chấp nhận và hy sinh tất cảc ho tình yêu. 
 Kết quả của mối tình đầu cay đắng là  mang tiếng vợ theo con đèo và tranh chồng người khác. Cực chẳng đã, Thân bỏ về nhà bố mẹ đẻ, vụng dại nuôi con một mình và vẫn không thoát cảnh đi làm thuê tối ngày. 

 Manh mối thế nào bố mẹ Thân biết được gia đình một người ở huyện Đông muốn lấy vợ cho con trai; đàn bà con gái trong vùng không ai dám; vì anh ta lớn tuổi nhưng ngờ nghệch. Bây giờ gia đình anh ta đánh tiếng muốn “tạu trâu” có thêm cả “nghé”. 
 Bố mẹ Thân thương con, muốn con có nơi nương tựa, cũng là để tránh điều ong tiếng ve; tránh những thằng đàn ông có cặp mắt háo tình, lúc nào có cơ hội là la liếm lăn xả vào Thân coi như của “chùa”. 
 Nhà chồng Thân khi Thân bước chân vào làm dâu chỉ còn ba người; hai bố mẹ chồng và anh chồng ngờ nghệch. Bố chồng Thân đã ngoài sáu mươi lại là trưởng của một tộc họ thế nên áp lực về con cháu nối dõi đè lên vai ông và gia đình như một tảng đá đè trên mái dạ ọp ẹp chỉ trực sập. Ở cái vùng nông thôn vẫn còn nặng về những hủ tục và nghi lễ chết tiệt thì ông phải lo có người nối dõi, chẳng những chỉ có đời ông mà còn phải lo cả đời con ông và đời cháu ông nữa! Thế nhưng con ông yếu ớt thì chắc gì có cháu? 
 Ông nhiều lần đi khám chất độc da cam thì Hội đồng giám định đều khẳng định ông không bị ảnh hưởng nên không được chế độ. 
 Sáu năm ở bộ đội bốn năm ở chiến trường B2, nếm đủ thứ bom đạn, sốt rét, đói suýt chết vậy mà sau giải phóng ông xuất ngũ chẳng được một thứ đãi ngộ gì của chính sách cho bõ bèn với sáu năm làm lính. Ấy vậy mà ở làng ông có thằng đi bộ đội vài năm chưa hề bước chân qua vĩ tuyến 17 mà nào là chế độ thương binh, nào là chất độc da cam, hàng tháng cứ  đều đều lĩnh trợ cấp. Ông cám cảnh cho ông và cám cảnh cho cái xã hội này! 
 Ông lo thì lo thế thôi, lo rồi để đấy, chẳng có cách nào để giải quyết. 
 Thân nhiều đêm ôm chồng mà nước mắt tràn gối; cô khóc thương cho số  phận hẩm hiu một thời con gái, một thời làm vợ của mình; cô khóc thương cho người chồng thiệt thòi không biết thế nào là yêu đương, là tình  dục. 
 Nhiều cữ, đến kỳ Thân khát khao…cô ôm người chồng hờ, vần đủ mọi kiểu, ôm đầu chồng ấp vào bộ ngực trần, sờ mó hết thân thể chồng, nhưng khổ thay, anh ta cứ trơ ra, nửa thức nửa ngủ, nào có đòi hỏi, có biết yêu đương trai gái là gì? Cô làm đủ mọi cách cho cơn hứng từ từ hạ xuống. Mắt Thân mở thao láo quay nhìn chồng, rồi lại nhìn lên trần nhà và bật khóc tức tưởi. 
 Cuộc sống tẻ nhạt cứ thế kéo dài suốt hai năm trời, ngày đi làm thuê bán sức lao động; đêm về ôm ấp vỗ về một anh trẻ con tuy to xác mà chẳng nên cơm cháo gì... 
 Đã nhiều lần Thân muốn bỏ nhà chồng dắt con đi. Nhưng đi đâu? Cô đã là niềm hy vọng cho gia đình nhà chồng, nay bỏ đi cô làm cho những thành viên trong gia đình này thất vọng, cô không nỡ. 
 Một hôm đi làm về, Thân nghe lỏm được  chuyện của bố mẹ chồng đang nói với nhau ở trong buồng, câu được câu chăng xoay quanh chuyện sinh con của vợ chồng Thân. Câu cuối cùng Thân nghe được mẹ chồng cô đe: “ông cứ liều liệu, xung quanh hàng xóm người ta có mắt cả đấy! Vỡ lở ra thì ông chui xuống đất à? Còn tôi nữa…”. Sau đấy lâu ngày Thân cũng quên chuyện này. 
  
  Hoạ  hoằn  có  một ngày mưa dầm Thân nghỉ việc ở nhà, quanh quẩn không có việc gì làm cho đỡ buồn, cô ngồi nói chuyện với mẹ chồng, hết chuyện đi làm rồi chuyện nhà cửa, lan man sang chuyện chồng con, Thân nhiều lần thở dài, mẹ chồng Thân biết cả, nghĩ cũng tội cho con dâu đang thời kỳ sinh nở mà không được thoả mãn … bà vội giấu đi giọt nước mắt chỉ trực lăn xuống gò má của người đàn bà suốt đời lam lũ, người già trước tuổi. Bà sực nhớ ra chuyện bà và chồng bà đã có lần đôi co với nhau, bà không hẳn phản đối thẳng thừng với ý định của chồng, nhưng bà lấn cấn vì nhiều nhẽ mà không nhẽ nào nói ra được. 
 Lần này ngồi nói chuyện với con dâu, nhìn thấy bộ điệu của Thân bà không cầm lòng, muốn ướm thử con dâu, nhưng cổ cứ nghẹn lại như có cục gì chèn giữa họng không nói được. Thân thấy thái độ của mẹ chồng có gì khang khác cô gặnghỏi: 
- Mẹ…rồi Thân im lặng. Mẹ chồng nàng nhìn nàng đánh liều nói ướm xem ý Thân thế nào?       
 -Hay là mẹ mầy tìm…Bà lại im thin thít. Thân hỏi lại: 
- Mẹ bảo con tìm cái gì? Mẹ chồng Thân không dám trả lời con dâu ngay, rồi bà cũng phải liều nói ra cái ý định của chồng bà, bà liều nói một thôi không nghỉ: 
- Mẹ cái Gái (tên con gái Thân)  xem có ai người ta khoẻ mạnh mà ở đâu đấy xa xa, thì làm quen với người ta…hay là…bà không dám nói tiếp cái ý định mà chồng bà nói cho bà biết.Thân hình dung có chuyện gì hệ trọng liên quan tới mình, linh tính như mách bảo cô sẽ có chuyện gì sắp xẩy ra . Cô hỏi lại mẹ chồng: 
- Con chả hiểu mẹ bảo gì con. 
Mẹ chồng Thân nói tiếp: 
Là chuyện của mẹ cái Gái ấy, đang kỳ sinh nở, cũng liều liệu mà sinh con, muốn làm thế nào thì làm phải có con trai để nhà này khỏi mất giống chứ! Thân nhìn mẹ chồng trả lời: 
-Thì mẹ biết rồi còn gì? Nhà con thế thì sinh đẻ nỗi gì? Con cũng muốn có thêm đứa con trai để sau này mà nhờ cậy với lại cho nhà mình khỏi tuyệt tự. Nhưng chồng con thế mẹ bảo làm thế nào?                                                          
Mẹ chồng cô ngập ngừng nghĩ ngợi, cho con dâu đi lang chạ thì không phải giống nhà này, mai sau nó lại ngựa quen đường cũ, mất cả chì lẫn chài, mà để người trong nhà với nhau hoá ra nó lại làm lẽ  mình, với lại tiếng ra ngoài thì có mặt mo. Bà cứ lẩn quẩn với cái ý nghĩ điên rồ không thể tháo gỡ được. 
  Nhưng trò đời, cái gì không thể xẩy ra thì nó vẫn có thể xẩy ra! Thân có chửa thật! Cứ nhìn cái bụng của con dâu mỗi ngày một lùm lùm lên mẹ chồng Thân lại ràn rụa nước mắt nghĩ đến cái đêm bà ôm con trai vào lòng vỗ về nó để cho Thân và chồng bà làm cái chuyện động trời ấy thì lại như có người sát muối vào gan ruột bà. Không hẳn bà ghen, ai lại ghen với nó! Nhưng mà… nhưng mà bà thấy khổ, khổ cho bà và khổ cho con trai bà. Không biết ông Trời có thấu cho mẹ  con bà ? 
Thân có chửa gần đến ngày ở cữ, nhưng chưa một lần được đi khám thai hay được thầy thuốc tư vấn cho về sức khoẻ bà mẹ và thai sản, vẫn phải cắm mặt xuống đi làm thuê lấy tiền nuôi con và trang trải những việc trong gia đình. 
Ngày hai lần, sáng sớm dắt chiếc xe cà tàng ra khỏi cổng đến chỗ làm, tối lại đạp về, chân tay rã rời lăn ra là ngủ như chết. Tháng ba mươi ngày nắng cũng như ngày mưa, Thân không dám  bỏ  việc ngày nào, cơ sở này thưa việc thì phải chạy đến cơ sở khác ngay để tranh thủ lấy một ngày làm. Vậy mà khi về nhà nào có yên thân, mẹ chồng mặt lưng mặt vực, ghen không rõ là ghen, toàn dùng những lời lẽ “mát nước thối đá” để chì chiết, còn bố chồng, giời ạ, như một ông “kệu”, thương chẳng rõ thương, ghét không hẳn rằng ghét. Lúc vắng mặt mẹ chồng thì đon đon đả đả, săn săn  đón đón, lúc có mặt mẹ chồng thì vào hùa với nhau chì chiết đủ điều. Thân cũng thông cảm cho ông bố chồng nhưng nhiều lúc to tiếng vặc lại làm ông ta ngẩn tò te không biết nói gì.
  Chao ôi! Cái tổ ấm gia đình mà Thân mơ ước, bây giờ đối với cô nó là địa ngục trần gian, nó ngột ngạt, nhơ nhớp, nhầy nhụa như đống xác thối đang phân huỷ đầy dòi bọ. Và, cũng chính nơi ấy mới có chỗ cho Thân trú ngụ, ra vào bớt phần tủi hổ. Nhưng nó nhơ nhớp quá, bước chân vào chỗ nào cũng nhầy nhụa bẩn thỉu. Thân cam chịu, một le lói nhỏ nhoi khi nghĩ về đứa con trong bụng, nhưng lo lắng nhiều hơn vui mừng, lo vì nghèo túng sinh nở dựa dẫm vào đâu? Lại còn tình cảm của mẹ chồng với cô, ghen không rõ ghen, giận không rõ giận, thật khổ trăm bề. 

  Ngày ở cữ cũng đã đến, Thân không kịp trở tay, chập tối Thân thấy đau bụng, cơn đau cứ tăng dần. Thân biết là đến ngày sinh vội vơ quáng quàng vài cái quần áo cho vào túi rồi nói với mẹ chồng đưa Thân đến Trạm y tế xã, con cái Gái lẽo đẽo theo sau. Ba bà cháu lầm lũi đi trong đêm tối, đến cơ sở y tế cô y sĩ đỡ đẻ thăm khám qua rồi cho Thân nằm lại ở trạm xá chờ đến sáng. 
  Gần sáng Thân đau bụng dữ dội, ối vỡ nước lẫn máu ra ướt sũng quần, bà mẹ chồng gọi y tá khám lại, cô hộ sinh thấy tình thế bất ổn vội bảo người nhà chuyển Thân lên tuyến trên. 
Người nhà chuyển được Thân lên Bệnh viện huyện thì cô rũ ra như tàu lá héo vì mất máu. Chờ được bác sĩ sản khám và làm một số xét nghiệm, rồi chẩn đoán “nhau tiền đạo” phải  cấp cứu mổ ngay mới cứu được mẹ và con. 
  Thật khốn nạn cho Thân, vừa lên bàn mổ chưa kịp gây mê thì Thân đã không còn ở lại thế gian này , cái thế gian mà chỉ riêng với Thân và những người nghèo khổ gần như không bao giờ được làm người theo đúng nghĩa của nó! 
   Họ hàng, ngưòi thân đưa  người xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng, nắm đất bạc bẽo vùi Thân nằm ở bãi tha ma hoang lạnh cùng bao  nỗi buồn tức tuởi được chôn theo. 
  Từ nghĩa trang về bố mẹ chồng Thân không dám hé răng nửa lời. Ông bố chồng nghĩ thấy cái giá để đổi lấy hai chữ  TÔNG ĐƯỜNG là quá đắt và chua xót, ông thật mù loà, ngu dại tạo ra cái bi kịch để cho cả nhà ông phải gánh chịu! Lẽo đẽo chạy theo sau cùng của đoàn người đưa đám là con bé Gái con của Thân, nó vừa đi vừa lấy ống tay áo quệt mũi và nước mắt, thỉnh thoảng ngoái nhìn lại mộ mẹ nó. Nó biết rằng từ bây giờ nó sẽ không còn mẹ nữa. 



                                                                                  12/2013 
                                                                                 Tùng Văn
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Truyện ngắn của TÙNG VĂN Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Truyện ngắn của TÙNG VĂN   Truyện ngắn của TÙNG VĂN I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Truyện ngắn của TÙNG VĂN
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Câu Truyện Mơ Trong Giấc Mộng-Truyện ngắn Nhất Linh
» Truyền Thuyết Truyện Cổ
» Tản Đà toàn tập
» Truyện này đọc chưa?
» Điển tích truyện Kiều
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: Truyện sáng tác, truyện kể-