Shiroi
Tổng số bài gửi : 19896 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Thơ tuồng, một thể loại văn chương đặc biệt của miền Nam, nay đã mất Thu 24 Jul 2014, 04:05 | |
| THƠ TUỒNG, MỘT THỂ LOẠI VĂN CHƯƠNG ĐẶC BIỆT CỦA MIỀN NAM, NAY ĐÃ MẤT
NGUYỄN VĂN SÂM Hai thập niên cuối thế kỷ trước và hai thập niên đầu thế kỷ này trong Nam Kỳ lục tỉnh, các nhà văn "lục châu" thường đem tác phẩm cổ bằng chữ Nôm ra sửa đổi thêm thắt rồi in lại bằng chữ Quốc ngữ để phục vụ nhu cầu rất cấp thiết của sách vở trong giai đoạn này với sự lớn mạnh của chữ viết mới trong vùng đất mới có những thay đổi lớn lao về hành chính, giáo dục. Cụm từ soạn lại bổn cũ, hay bổn cũ soạn lạ i phát xuất từ đây, ngày nay có nghĩa diễu cợt về sự lặp lại chuyện cũ, không có gì mới, nhưng thật ra thời đó những chữ này mang nghĩa rất tích cực. Trước hết phần nhiều các bổn cũ đang nằm trong tủ sách xưa ít người biết đến vì hoặc in ấn ít, hoặc được viết bằng một thứ chữ ít người thông thạo, dễ đọc lầm khiến vừa mất hay vừa sai nghĩa. Người soạn lại, vừa làm công việc phiên âm vừa làm việc chải chuốt, trau tria, sửa cho thành vần điệu xuôi câu cú. Nếu cần thêm thắt một vài câu để cho rõ ý người sửa lại bổn cũ không nề hà gì mà không hạ bút.
Sửa lại hay thêm thắt trên một bản văn lúc bấy giờ là công việc bình thường của những người có lòng yêu mến các vốn cổ của dân tộc. Đối với họ, công việc này bất quá như một người đứng trước cảnh trí của một khu vườn đã thành khoảnh, thấy rằng cần phải thêm bớt cây kia cây nọ ở chỗ này chỗ khác, hay cần phải tỉa xén bớt cành hoặc vun dưỡng gốc của những cây gần cây xa. Sự việc này không mảy may mang sắc thái chiếm đoạt công người làm công mình mà chỉ nhằm đem đến cho đời thêm một chút vui đẹp bằng những công lao mà mình có thể đóng góp được.
Trong quá khứ tác phẩm Việt bị sửa chữa, thêm thắt như vậy quá nhiều. Đối với từng tác phẩm, chúng ta chưa có điều kiện để biết sự sửa đổi, thêm thắt là bao nhiêu.
Các công trình đi tìm bản gốc Đoạn trường tân thanh, Lục Vân Tiên, Song Tinh Bất Dạ, Chinh phụ ngâm... là những công trình đáng ca tụng nhưng phải còn thật nhiều thời gian nữa mới hi vọng tiếp cận được phần nào với chân trạng của tác phẩm. Vì vậy để cho dễ dàng việc nghiên cứu về giá trị của những nhà văn và các tác phẩm dính dáng đến chuyện bổn cũ soạn lại, chúng tôi đề nghị tạm coi như công lao về nội dung và hình thức của tất cả các truyện ở trong tình trạng bổn cũ soạn lại này thuộc về người sửa lại bổn cũ, nếu tác giả các bổn cũ đó không thể nào còn có thể truy cứu được. Chỉ có giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 mới có sự miễn trừ này thôi, các thời khác không ở trong trường hợp này vì không đủ các yếu tố đặc biệt tương tự. Tại sao sửa lại bổn cũ? Nhu cầu cấp thiết của hoàn cảnh đất mới, chữ mới. Người di dân hay gốc di dân ở đây chưa đủ thời gian chuẩn bị cho một tinh thần sáng tác và lòng tự tin về cốt truyện do mình sáng tác. Tinh thần tồn cổ và phục cổ khiến những nhà văn mang cảm thức tự ti để phần nào đưa đến thái độ tôn trọng và đề cao những gì do tiền nhân để lại. Dùng bổn cũ là tôn trọng tư tưởng của người xưa, sửa lại là hoàn chỉnh theo những đòi hỏi của thời đại với những thay đổi về những từ ngữ hay những cụm từ không còn phù hợp. Vì vậy thay vì bỏ quên đi những tác phẩm không ăn khách họ sửa lại đôi chút,nếu cần thì thêm thắt đôi chút. Các truyện – thơ (tôi muốn dùng từ này để chỉ các tác phẩm dài, kể một câu chuyện như truyện dài của chúng ta ngày nay, viết bằng thơ, phần nhiều là lục bát) được phiên âm trong Nam thời này phần nhiều nằm trong tình trạng đó - bị / được sửa đổi nhiều ít và không ai thắc mắc đây là việc làm trái nguyên tắc, ăn cắp văn.
Công lao phổ biến truyện thơ Nôm vào trong quảng đại quần chúng là nhờ những người này, công lao đẩy chữ Quốc ngữ vào tình trạng không thể nghi ngờ thế giá cũng nhờ những người này. Đó là việc làm của Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Đinh Thái Sơn dit Phát Toán, Huỳnh Kim Doanh, Phụng Hoàng San, Trần Phong Sắc, Đặng Lễ Nghi, J.Viết... và nhiều người nữa mà ít được biết tên như: Bồng Dinh, Thanh Phong, Đặng Thanh Kim, P.Phước, Đặng Thiên Kim, Nguyễn Ngọc Xuân... Thế nhưng có một công lao ít người biết đến là việc sửa lại bổn cũ đã vô tình tạo thêm sự hoàn chỉnh cần thiết cho con đường hình thành của một thể loại văn chương mới vốn phôi thai vào hậu bán thế kỷ 19 trong Nam, đó là thể loại thơ - tuồng. Chúng tôi chưa thấy danh từ nào thật sự tiện lợi hơn, nên xin tạm đưa ra từ này vì trong quá khứ nó không có tên hay đã được gọi bằng những tên rất mơ hồ của những thể loại tương tự với nó như truyện, diễn ca, thơ. Thơ - tuồng là một hình thức tổng hợp của hai thể loại dùng cho một tác phẩm dài có nhiều tình tiết, khi nền văn học của nước ta đã ở vào thời thật vững vàng. Sự nhàm chán của tình trạng đơn điệu trong việc đọc một truyện thơ dài đã được nhà văn thời này giải trừ bằng cách pha thêm các hình thức nói (viết 曰), hát nam (vãn 挽), hát khách (loạn 亂), than thở (thán 嘆)... của hát bội.
Tác phẩm được sửa lại giờ đây nhờ đó vừa có hình thức truyện thơ, vừa có những thành tố đặc biệt của tuồng hát bội với những thay đổi cách nói và thêm sự ra bộ nếu người nói thơ có khả năng làm những công việc này. Bởi vậy người nói thơ đồng thời tạo cho người nghe thơ những nhân tố để hình dung ra câu chuyện và thấy như mình đang xem trình diễn trên sân khấu với sự than thở, nói năng, xưng tên, hát hò, diễn tả nội tâm cũng như những điều suy nghĩ của nhân vật... Điều đặc biệt là trong vùng đất mới của miền Nam khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, sinh hoạt đọc thơ có tính cách trình diễn đại chúng do một người đọc trôi chảy chữ Nôm hay Quốc ngữ vừa đọc vừa thay đổi giọng điệu để phù hợp với mỗi cách nói và từng vai trò của nhân vật. Thính chúng trở thành khán giả. Khoảng trống nhỏ vừa bằng chiếc chiếu ở nhà trên trở thành rạp hát di động, miễn phí. Cuộc họp mặt khi mặt trời vừa lặn không đơn thuần là trốn tránh sự lẻ loi khó khăn của cuộc sống mà còn là một hình thức thưởng thức văn nghệ, văn nghệ nói thơ, ca hát và trình diễn, mặc dầu hai thứ sau này đang ở trong tình trạng thật là đơn giản và sơ khai. Người nói thơ vừa mua vui bà con chung quanh vừa mua vui cho chính mình bằng cách kiện toàn dần tài nghệ trong sự diễn tả ngôn ngữ sao cho đi gần với nghệ thuật trình diễn, hơn là chìm sâu vào sự im lặng đọc thầm thuần túy văn chương một mình mình thưởng thức.
Vì điều kiện cung cầu, người này thường thường được sự nể vì, chiều đãi của xóm giềng làng nước. Đó là hình thức một gánh hát thu nhỏ đến tận cùng: đào, kép, bầu, hề, nhưng kẻ kể truyện... đều dồn vào một người. Đó là sự biến thể để phù hợp hoàn cảnh sống lẻ loi, xa cách của những lưu dân đến khai thác các vùng đất mà độ vài chục năm trước đó thôi chưa ai từng đặt chân đến. Đó là sự thích ứng xã hội của văn chương.
Hiện nay chúng ta chỉ mới thấy được vài thơ - tuồng mà thôi, không nhiều nhưng cũng đủ thấy được sự có mặt vững vàng của nó vào thời nó xuất hiện. Tôi nghĩ rằng thể loại này còn nữa mà chúng ta chưa đủ điều kiện phát hiện. Các quyển này có thứ in bằng chữ Nôm, có thứ in bằng Quốc ngữ, tất cả đều bắt đầu bằng mấy chục câu thơ rồi gặp lúc thuận tiện mới có những yếu tố của hát bội chen lẫn vào. Có quyển người thêm phần hát bội nói rõ ràng mình phụ thêm nam khách, có quyển người cho in lại chỉ nói đại khái rằng mình soạn lại bổn cũ mà thôi. Chúng ta không biết được trong trường hợp này ông đã sửa và thêm phần hát bội hay phần hát bội đã có sẵn trong bản Nôm, khi soạn lại bổn cũ, ông chỉ sửa chữa câu cú vần điệu, thêm bớt cho rõ nghĩa rõ ý.
1. Văn Doan diễn ca: 文 緣 演 歌 Chúng ta có một bản Nôm và hai bản Quốc ngữ.
Bản Nôm: Bộ thư mục đồ sộ về tài nguyên Hán Nôm rất đáng được hoan nghênh mới xuất bản gần đây do sự hợp tác văn hóa Việt Pháp là Di Sản Hán Nôm Việt Nam, Hà Nội, 1993, tập 3, trang 534, ở số thứ tự 4172, có mách một quyển chữ Nôm viết tay 82 trang ký hiệu AB.280, do Viện Nghiên cứu Hán Nôm quản lý, tựa đề là Văn Doan diễn hí 文 緣 演 戲 . Chúng tôi chưa có điều kiện để có được bản sao của quyển này nên không biết đây là thơ - tuồng hay chỉ là tuồng hát bội. Xin ghi lại sau đây phần tóm lược theo Di Sản Hán Nôm Việt Nam.
"Vở tuồng diễn sự tích Văn Duyên (Doan): Văn Duyên tên thật là Lía, người Qui Nhơn (Bình Định), mồ côi cha từ nhỏ, rất thương mẹ, hay bắt trộm gà, vịt mang về cho mẹ. Mẹ Lía không đồng tình, răn dạy con nhiều lần, đem Lía giao cho thầy học, nhưng Lía bỏ học. Sau, Lía cùng với Hồ và Nhẫn, vào rừng lập hội anh hùng hảo hớn, thường cướp của kẻ giàu chia cho người nghèo".
Cần nói thêm là nội dung theo sự mách trên phù hợp với nội dung của hai bản Quốc ngữ thơ - tuồng hiện còn chứa ở Thư viện Quốc gia Pháp.
Bản Quốc ngữ: Chúng ta có hai bản in.
Bản đầu, Văn Doan diễn ca 文 緣 演 歌 là của Huỳnh Tịnh Của, in lần thứ nhất năm 1896, ký tên người làm công việc viết theo bổn cũ, sửa lại xuôi câu xuôi vần là Nguyễn Hữu Thoại, sách dày 100 trang, in tại Sài Gòn, nhà in Rey, Curiol & Cie. Quyển này, hai năm sau,
1898, được in lại nguyên dạng, không sửa chữa gì cả, tám năm sau nữa, năm 1906, in lần thứ ba cũng thế, chỉ có cái tên Nguyễn Hữu Thoại lần này được thay bằng tên Hoàng - Tịnh Paulus-Của và in tại một nhà in khác mà thôi. Xin nhắc lại, trong ba lần in số trang vẫn là 100 và không thay đổi gì bên trong. Từ đấy về sau, cho tới nay gần một thế kỷ trôi qua, chúng tôi chưa thấy lần in nào khác nữa bản Quốc ngữ này của Huỳnh Tịnh Của.
Bản thứ nhì, Thơ Văn Doan 書 文 緣 in lần thứ nhất, năm 1916, người làm việc bổn cũ soạn lại cho bản này là Nguyễn Đăng Hưỡng. Ông này gây cho chúng ta một chút bối rối, vì ngoài mấy chữ giới thiệu "bổn cũ soạn lại" ông còn thêm "traduit par" mà ai cũng hiểu là phiên âm từ bản Nôm ra Quốc ngữ bởi... Soạn lại là làm công việc sửa chữa thêm thắc; so với bản gốc phải khác hoặc ít hoặc nhiều. Phiên âm hay phiên dịch là công tác có sao ghi lại như vậy giống theo bản gốc - trừ trường hợp nhầm không cố ý - nhưng với hình thái văn tự khác, nhất là việc phiên từ Nôm ra Quốc ngữ thì càng phải tuân theo từng chữ một. Bổn cũ soạn lại do... vì vậy không thể nào là traduit par... trừ phi người ta chấp nhận nguyên tắc đặc biệt của giai đoạn này là khi phiên âm thì có toàn quyền soạn lại chút đỉnh (!).
Hai bản Hoàng-Tịnh Paulus-Của và Nguyễn Văn Hưỡng giống nhau đến 90%. Chỗ khác nhau trong phần nói thơ (xướng) không phải nằm trong các chi tiết mà ở trong những chữ làm cho câu thơ rõ nghĩa hơn, xuôi vần hơn. Chỗ khác biệt nhiều là phần hát bội nghĩa là chỗ nói (viết), nói lối (tán), hát khách (loạn), hát nam (vãn) của hai bản in, bởi vì phần này người sửa lại đã dùng kiến thức thẩm mỹ văn chương và kinh sử của mình, nói cách khác, sự sáng tác ở đây đã góp phần thật nhiều. Về ý, trên tổng thể, giống nhau toàn vẹn, nhưng trên chi tiết ngôn từ có khác, tuy rằng giá trị nghệ thụât không có gì sai biệt mấy. Khác văn từ không quan trọng lắm vì bản văn không thay đổi nhiều về mặt ý tưởng, bất quá như là những dị bản trong quá trình xuất hiện của một tác phẩm mà thôi. Nhắc lại, cả hai quyển Quốc ngữ đều là thơ - tuồng với các phần hát bội được thêm vào những chỗ nhất định, điều này khiến cho chúng tôi có lý do để tin rằng bản Nôm Văn Doan diễn hí mà Di sản Hán Nôm mách là một tác phẩm viết ở dạng thơ - tuồng (Sẽ tìm cách kiểm chứng suy luận này khi có điều kiện thấy được bản sao tác phẩm).
2. Trương Ngáo truyện 張 僥 傳
Chúng ta có một bản Nôm và một bản Quốc ngữ.
Bản Nôm: Trương Ngáo truyện 張 僥 傳, bản tân san năm Mậu Dần (1878), khắc tại Quảng Đông Phật Trấn 廣 東 佛 鎮, Thịnh Nam Tiền tàng bản 盛 南 錢 藏 版. Bản khắc rõ nét, đẹp, ít sai lỗi khắc, hầu như không sai lỗi chính tả, gồm 21 tờ 41 trang chữ, mỗi trang 10 dòng, mỗi dòng 18 chữ. Tên bản Nôm này không thấy Di Sản Hán Nôm Việt Nam liệt kê. Đây là một bản tuồng hát bội thuần túy không có chen lẫn những đoạn thơ để thành một thơ - tuồng.
Bản Quốc ngữ: Thơ Trương Ngáo 書 張 僥, bổn cũ dọn lại par La Maison J.Viết, in tại Imprimerie F.H.Schneider, tháng Septembre 1914. In lần thứ nhất, giá ba cắc". Đây là một thơ - tuồng chính nghĩa của nó, có nhiều phần nói lối, hát nam, vãn v.v. Phần tuồng đã được sửa chữa từ bản Nôm nên rõ ràng và văn chương hơn, phần thơ xen vào rất đúng vận và không có những từ vô nghĩa đưa đẩy như vậy, vay, mà, rằng, mà rằng, vân vi... Thực hiện quyển Thơ Trương Ngáo này, ông chủ nhà J.Viết lúc đó quả đã làm được một việc rất ích lợi cho văn hóa nước nhà khi lấy một tuồng Nôm, xuất hiện trước, thêm phần thơ để tạo nên quyển Quốc ngữ thơ - tuồng.
Trường hợp này thơ - tuồng sinh ra từ tuồng, tôi nghĩ đó là một trường hợp đặc biệt, trên cơ bản, thơ - tuồng sinh ra từ truyện thơ.
3. Trương Ngộ diễn ca 張 悟 演 歌
Chúng ta hiện tại cũng có một bản Nôm và một bản Quốc ngữ.
Bản Nôm: Trương Ngộ diễn ca 張 悟演 歌 do một người hiệu là Minh Chương 明 章 號 đính chính, phát hành tại Chợ Lớn, xóm Dầu Phọng (Phụng Du lý), Quảng Thịnh Nam 廣 盛 南 phát hành, tàng bản tại Trung Quốc, Phật Trấn, hiệu Thiên Bửu Lâu 天 寶 樓. Bản này gồm 40 tờ, 79 trang, mỗi trang 9 dòng, khắc theo cách của tuồng hát bội nghĩa là chữ lớn chữ nhỏ tùy trường hợp. Bản này tân san năm Quý Mùi (1883). Bộ Di sản Hán Nôm cũng không thấy nhắc đến quyển Trương Ngộ diễn ca 張 悟 演 歌 .
Đặc biệt đây là một bản thơ - tuồng Nôm với phần nói thơ và những thành tố của hát bội và những đòi hỏi của nó sau này như khôi hài trong ngôn từ (cách nói chuyện và chữ dùng của trò Lỗ, so sánh với nhân vật Giả Ngu trong tuồng Sơn Hậu) cũng như khôi hài trong hành v i của một vài nhân vật (con Tọa dấy binh bằng mục đồng).
Có một điều đáng chú ý là ở các quyển trên, những phần nói thơ như là lời của tác giả để mô tả, kể truyện, ở quyển này phần nói thơ được quy cho nhân vật và bắt đầu bằng hai chữ thốt thôi. (Thốt thôi mụ Tiện nói rằng, đến mùa làm ruộng mướn phòng đỡ tay). Đây là điều bất hợp lý mà những quyển sách khác không có, khiến cho ta dễ đi đến kết luận rằng thơ - tuồng Trương Ngộ là quyển - hay là một trong những quyển - xuất hiện sớm nhất trong loại này.
Bản Quốc ngữ: chúng ta chỉ có một bản Quốc ngữ.
"Trương Ngộ diễn ca 張 悟 演 歌, in lần thứ nhì tháng Mai, năm 1913, giá bốn cắc" do Nguyễn Năng Thừa dịch ra Quốc ngữ, in tại nhà in F.H.Schneider. Đây là bản phiên âm theo sát bản Nôm, không sửa chữa nhiều, trừ những chữ Nôm quá mắc người đọc không hiểu nghĩa, bèn lựa chữ khác dễ hiểu hơn. Sự thay đổi này nhiều trường hợp làm hại sự chính xác và cái hay của nguyên tác trong việc sử dụng những chữ của thế kỷ vừa qua trong sinh hoạt của đời sống. Các đoạn hát bội trong truyện thơ được theo sát bản Nôm. Bản Nôm đã ở tình trạng thơ - tuồng, nên ông Nguyễn Năng Thừa chỉ làm việc phiên âm. Sự phiên âm nào cũng có giá trị giúp đỡ nào đó cho người đi sau.
4. Lang Châu toàn truyện 郎 朱 全 傳
Hiện giờ chưa thấy bản Nôm nào. Di sản Hán Nôm cũng không mách được gì hơn về tác phẩm này.
Bản Quốc ngữ: Chúng ta có nhiều bản Quốc ngữ, đây chỉ nhắc đến bản thường thấy nhất:
"Lang Châu toàn truyện 郎 朱 全 傳 , do Huỳnh Tịnh Của sửa theo bản cũ. In lần thứ hai, năm 1905 tại Sài Gòn, nhà in Commerciale Ménard & Rey". Cũng như các trường hợp trước, ta không thể biết Huỳnh Tịnh Của thêm phần tuồng này, hay người nào đó đã làm công việc này trước đó bằng chữ Nôm và Huỳnh Tịnh Của chỉ sửa lại bản cũ và dịch ra chữ Quốc ngữ mà thôi. Phần tuồng trong truyện - thơ này quá sơ lược, chỉ có một vài phần vãn (hát nam) và nói lối (tán), rất ít phần loạn (hát khách) là phần đặc trưng của tuồng hát bội. Sự đóng góp của người tạo nên yếu tố tuồng trong tác phẩm này tương đối không được nhiều.
5. Thơ Trần Đại Lang.
Cũng giống như trường hợp trên, ta không thấy bản Nôm thơ - tuồng Trần Đại Lang. Bản Quốc ngữ của nhà J. Viết in lần thứ nhì năm 1915, có những đoạn hát bội trong đó, dầu không phong phú như trong các thơ tuồng khác.
* ** Để bạn đọc thưởng thức và làm quen với thơ - tuồng, chúng tôi xin trích đoạn sau đây trong Thơ Văn Doan của Huỳnh Tịnh Của:
Xướng: (tức người kể truyện).
Nói thôi cùng mẹ một lời, Con toan lo việc ở đời lập thân. Con đà chịu lỗi muôn phần, Cúi đầu lạy mẹ xin đừng than van. Cút cui mẹ ở Hàng Lang, Thế gian khinh dẻ xóm làng cười chê. Con xin đưa ngựa cho thuê, Mẹ thì bán quán dựa kề Hàng Lang. Thốt thôi thằng Lía ra đàng, Hỏi ai mướn ngựa, tôi dàn đưa đi. Dịp đâu may mắn quá kỳ, Khách thương đâu bỗng tới thì quá đông. Lía hỏi cậu mướn ngựa không, Đặng cho tôi thắng cho ròng cậu đi. Ngựa tôi hồng tía thiếu chi, Kim than, kim bạch, ô chùy cũng hay. Còn hai con ngựa tốt thay, Kìa thiên lý mã, nọ rày lý vân. Mướn thì tiền trước trao thân, Đặng tôi thắng ngựa cho cần cậu đi. Khách rằng tao chẳng nài chi, Tao đưa tiền thì thắng ngựa cho mau. Lấy tiền đi một hồi lâu, Vừa người vừa ngựa mất đâu chẳng còn.
Chàng Lía:
Tán:
Hảo dã chơn hảo dã, chí hoan thị chí hoan. Xinh a, âu là ta noi điều đạo bôn mang, vọng lâm trung trực khứ a.
Hát khách:
Sách mã hoang mang tẩu như phi Uất khúc na từ lộ hiểm nguy.
Xướng:
Các cậu đợi đã mỏi mê, Hỏi thăm hàng xóm nó thì trốn đâu. Thằng Lía trốn một hồi lâu, Thấy vắng các cậu chạy âu về nhà.
Chàng lía.
Tán:
Âu là sách thần mã bôn ba, vọng gia trung trực tấn, a.
Hát khách:
Mục khán đông tây quan tứ lộ, Trừng chiêm nam bắc nhậm bôn ba.
Xướng:
Canh hai Lía về tới nhà, Mụ Lía xem thấy vậy mà hỏi con. Đưa khách còn hết hết còn, ít nhiều khá nói sao con trở về? Lía bèn thưa hết mọi bề, Tôi đi đưa ngựa, người chê kẻ cười. Tôi xin đi khóa theo người, Ngõ nên danh phận ở đời mới sang. Lạy mẹ ở lại Hàng Lang, Cho tôi đi khóa Tràng An mới đành.
Mẹ Lía.
Tán:
Ớ con! Hưu khứ hưu khứ, vật hành vật hành. Nay con muốn ứng cử khoa thi, con đi làm sao cho rồi, a con! Mẹ thời tuổi quá bảy mươi, con mới hai tám việc đời còn thưa; có phải a; nắng mưa ấm lạnh biết nhờ vào đâu, a con. Có phải sách thánh nhơn, người có nói rằng: phụ mẫu tồn bất khả viễn du, chăng con?
Xướng:
Thảo xưa là Mẫn Tử Khiên, Sách còn chép để lưu truyền hậu lai. Con đi bỏ mẹ cho ai, Con đành lỗi đạo làm trai rõ ràng. Đói no mẹ ở Hàng Lang, Mẹ dầu có thác biết toan lẽ nào.
Mẹ Lía.
Tán:
Thời con cũng biết chữ mà, mẹ phải nói lại cho con nghe: trong sách thánh nhơn người có nói rằng: dưỡng nhi đãi lão, tích cốc phòng cơ, thì là làm sao a con?
Chàng Lía.
Tán:
Dám thưa mẹ, xưa Cam La thập nhị vi Thừa tướng, còn Khương Tử bát thập vi công hầu, có phải a, sách xưa roi dấu đời sau; hậu giác học đòi tiên giác, mới đặng cho; thưa mẹ cho con đi học nào. Nhơn đồng kim cổ, thế sự vô nan; mẫu từ an tại thảo trang, cho ấu tử Kinh sư dời bước.
Hát nam:
Dời bước mẫu thân an tại, mẹ ôi, Kẻo tấm lòng khoăn khoái đòi cơn. Làm người phải biết thiệt hơn, Thảo thân dốc báo, mười ơn lo đền.
Tán:
Như nay mẹ tôi can thì cũng phải, nhưng mà tử sanh hữu mạng, phú quí cũng tại thiên.
Hát nam:
Đoái xem xa chốn gia trang, Phút đâu lố thấy Trường An hầu gần.
Xướng:
Mầng rày đã tới Trường An, Phố phường trà rượu bánh hàng thiếu chi. Uống ăn thôi đã ly bì, Cuộc vui còn có thiếu gì nữa đâu. Có quan Chưởng Nhuận đi chầu, Lía đà xem thấy trước sau tỏ tường. Tiền hô hậu ủng chật đường, Gươm vàng náp bạc rõ ràng oai nghi. Lía bèn đứng nép chẳng đi, Dốc lòng chờ đợi vậy thì đã lâu. Một hồi thấy những quân hầu, Xe đưa quan lớn bãi chầu trở ra. Lía bèn làm bộ lân la, Bẩm cùng thầy Đội, tỏ qua sự mình. Rằng tôi ở phủ Diên Ninh, Chuyên công đèn sách thật tình ba đông. Văn chương võ nghệ xảo thông, Mồ côi bợ ngợ cậy cùng ông thương. Đầu đuôi tự sự dám tường, Nhờ ông rộng lượng bẩm chường quan trên.
Thầy đội.
Thằng kia, tao hỏi: chớ nễ phụ mẫu trụ hà thôn quán, tác hà sanh lý mà hay, a con?
Xướng:
Lạy ông tôi dám bày ngay, Cha tôi thác rày ở phủ Qui Nhơn. Mẹ tôi tuổi đã thất tuần, Tôi là trò khó xuất thân cơ hàn. Trước là nhờ lượng nhà quan, Sau nhờ thầy Đội bảo toàn tấm thân. Thầy Đội nghe nói thương thầm, Khá khen thằng Lía mười phần khôn ngoan. Mày ở rằng phủ Qui Nhơn, Cũng đồng một xứ một làng, cùng tao. Để tao vào trước bẩm trao...
* ** Thơ - tuồng là một thể loại có giá trị cả hai mặt văn chương và xã hội. Nó vừa cập nhật hóa mảng thơ bình dân cũ về mặt ngôn ngữ, vừa đem sự thoi thóp của hát bội, đang có đời sống cung đình vào sinh hoạt văn nghệ trình diễn của những người thật sự cần đến thoại kịch và hí kịch cho đời sống vật chất. Nó giúp cho những người khai phá mảng đất mới của miền Nam vào những năm giao đầu của thế kỷ 19 và 20 vững được tinh thần sống, tiếp nối cuộc đời khó khăn khi đặt bước chân lên vùng trinh nguyên hoang địa. Nó trừ được bớt đi phần nào sự đơn lẻ chán chường của người mới trên vùng đất mới. Và dĩ nhiên khi cuộc sống thay đổi với những sự phát triển của kinh tế, giao thông, và những thứ khác... thơ - tuồng không còn thích hợp nữa, nó đi vào lãng quên từ từ. Kể từ sau thập niên 20 của thế kỷ này, ta hình như không còn thấy thơ - tuồng nào nữa... |
|