Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 21:37

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:17

KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45

KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22

NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20

KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08

Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54

Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10

7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10

Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07

Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36

Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09

Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46

Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06

Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04

DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19

Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37

Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34

TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17

CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05

Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41

Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Câu đối

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : 1, 2, 3, 4  Next
Tác giảThông điệp
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10638
Registration date : 23/11/2007

Câu đối Empty
Bài gửiTiêu đề: Câu đối   Câu đối I_icon13Mon 10 Nov 2014, 15:12

CÂU ĐỐI

Từ hồi thơ trẻ, hầu như ai cũng được biết hai câu đối sau đây mỗi lần đón Tết:

THỊT MỠ, DƯA HÀNH, CÂU ĐỐI ĐỎ
CÂY NÊU, TRÀNG PHÁO, BÁNH CHƯNG XANH

Ba chữ sau chọi nhau chan chát không cách nào chê được, nhưng chữ CÂY, TRÀNG  đối với THỊT, DƯA chưa chỉnh lắm. Có người sửa lại:

NÊU CAO, PHÁO NỔ, BÁNH CHƯNG XANH

Mặc dầu nghe sinh động vì thêm động từ vào nhưng không cân về từ loại. Thiển nghĩ nên đổi thành:

NÊU VÔI, PHÁO CHUỘT, BÁNH CHƯNG XANH

thì khá hơn!

Câu đối cũng như thơ Đường luật đều có nguồn gốc từ Tàu, nhưng hàng ngàn năm nay dân ta cũng đã quen sáng tác và sử dụng hai loại hình văn chương này trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có nhiều sáng tạo theo phong cách riêng của dân tộc Việt, rất cần được duy trì và phát triển.

Cùng với quan niệm: "nếu thơ văn là tinh hoa của chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của tinh hoa" cũng nên tìm hiểu đôi điều về luật viết câu đối cùng những câu đối hay lưu truyền từ xưa.

Vì tên gọi là CÂU ĐỐI nên nguyên tắc cơ bản của loại hình này là phải ĐỐI: Đối về ý tứ, đối về số chữ, đối về thanh và đối nhau về từ loại của các từ tương ứng (danh từ đối danh từ, chủ từ đối chủ từ, hư từ đối với hư từ, số lượng đối số lượng, tên riêng đối tên riêng, âm thanh đối âm thanh, màu sắc đối màu sắc, hình ảnh đối hình ảnh, tục ngữ đối tục ngữ, điển tích đối điển tích, chữ nước ngoài đối với chữ nước ngoài v.v... )

Ví dụ:
vế xuất: Năm Ngọ đến, tới phố Mã mua con ngựa giấy
vế đối: Tháng Thìn qua, thăm chợ Rồng kiếm chú giao long

Phân tích theo yêu cầu trên:
Về ý:
Xuất nói về ngựa (là chủ thể của năm Ngọ)
Đối nói về rồng (là chủ thể của tháng Thìn)
Số chữ:
Hai vế đều cùng có 10 từ, mỗi câu đều có 1 dấu phẩy tách thành 2 phân câu.
Về thanh:
Hầu hết từ ở vị trí tương ứng giữa hai câu đều giữ đúng luật Bằng đối Trắc (trừ chữ CHỢ cùng thanh với PHỐ).

Tuy nhiên từ RỒNG đối với MÃ, GIAO LONG đối với NGỰA GIẤY thì không chuẩn mực, thiết nghĩ cần nên sửa lại:
vế xuất: Năm Ngọ đến, tới phố Mã mua con ngựa giấy
vế đối: Tháng Thìn qua, thăm thành Long kiếm chú rồng mây

thì chuẩn mực hơn, và ý nghĩa cũng thâm thuý hơn nhiều.

PHÂN LOẠI CÂU ĐỐI

Theo số chữ và cách đặt câu, từ xưa câu đối được phân ra làm ba loại:
1- Câu tiểu đối: là những câu ngắn từ 6 chữ trở xuống.
Ví dụ:
- Tôi tôi vôi
Bác bác trứng
- Cháy chợ, chớ chạy
Bể vò, bỏ về

Hay là:
- Ô! Quạ tha gà
Xà! Rắn bắt ngóe

- Trời sinh ông Tú Cát
Đất nứt con bọ hung

- Trẻ cưỡi mo cau
Già chơi hạc gỗ

- Cá đối nằm trong cối đá
Cò lửa đậu giữa cửa lò

- Trồng môn trước cửa
Bắt ốc sau nhà.

Câu tiểu đối thường không quá câu nệ với việc đối thanh khi có tứ hay ở hai vế đã đối khá đắt với nhau.

2- Câu đối thơ là câu đối có 5 hay 7 chữ
Ví dụ:
- Quê người đón Tết không nghe pháo
Đất khách chào Xuân chẳng thấy mai

Loại câu này phải giữ đúng luật bằng trắc như 2 cặp thực, luận trong một bài Đường luật, khi có tứ hay người ta cũng thường được phép du di theo nhất-tam-ngũ bất luận.

Có khi câu đối 5 hay 7 chữ không theo luật thơ ngũ ngôn hay thất ngôn.
Ví dụ:
- Thủ thỉ chén đầu lợn
Hung hổ vỗ bụng hùm

- Nước trong leo lẻo, cá nuốt cá (Minh Mạng)
Trời nắng chang chang, người trói người (Cao Bá Quát)

Những câu này theo luật của câu đối phú.

3- Câu đối phú: là những câu làm theo lối đặt câu của thể phú, chia làm ba loại:
a. Câu song quan là những câu 6 đến 9 chữ, đặt thành một đoạn liền.
Ví dụ:
- Con ruồi đậu mâm xôi đậu
Cái kiến bò đĩa thịt bò

b. Câu cách cú là những câu mà mỗi vế chia làm 2 đoạn, một đoạn ngắn, một đoạn dài.
Ví dụ:
- Đá xanh xây cống, hòn dưới nống hòn trên
Ngói đỏ lợp nghè, lớp sau đè lớp trước

c. Câu gối hạc hay hạc tất là những câu mỗi vế có 3 đoạn trở lên.
Ví dụ:
- Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai (Đặng Trần Thường)
Thế Chiến quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế (Ngô Thì Nhậm)

Yêu cầu về bằng trắc với câu đối phú là chữ cuối mỗi vế và chữ cuối mỗi đoạn phải Bằng đối với Trắc hoặc Trắc đối với Bằng. Khi mỗi vế đối có từ 2 đoạn trở lên thì nếu chữ cuối vế là Trắc, chữ cuối các đoạn trên phải là Bằng và ngược lại. Nếu đoạn đầu hoặc đoạn dưới có đúng 7 chữ thì đoạn ấy thường theo luật thơ thất ngôn.

Có một số câu đối phú khá dài, ví dụ như:
- Đám công danh có chí thì nên: ơn làng giấy trắng, ơn vua giấy vàng; chiếu trung đình ngất ngưởng ngồi trên, ngôi tiên chỉ đó cũng là rất đáng.
Nhờ phúc ấm sống lâu lên lão; anh cả bàn năm, anh hai bàn sáu; đàn tiểu tử xênh xang múa trước, tranh tam đa ai khéo vẽ cho nên.

Phân loại theo mục đích sử dụng của Giáo sư Dương Quảng Hàm thì có những loại câu đối sau:
a. Câu đối mừng: làm để tặng người khác trong những dịp vui mừng như: mừng thọ, mừng thi đỗ, mừng đám cưới, mừng nhà mới...
Ví dụ: (mừng ông chánh tổng trước bị cách sau được phục chức và làm nhà mới)
- Nhất cận thị nhị cận giang, thử địa khả phong giai tị ốc
Sống ở làng sang ở nước, mừng ông nay lại vểnh râu tôm
(Nguyễn Khuyến, chú ý là vế trên toàn chữ Hán, vế dưới toàn chữ nôm, chữ ốc trên có nghĩa là nhà mà cũng hàm ý con ốc đối với con tôm)

Mừng thọ:
- Tám bó tuổi đời, người vẫn trẻ
Ngàn năm tộc họ, phúc thêm nhiều

b. Câu đối phúng: làm để viếng người chết.
Ví dụ:
- Nghĩa nặng gửi theo về chín suối
Tình sâu để lại đến ngàn thu

c. Câu đối Tết: để dán nhà, cửa, đền, chùa... về dịp Tết Nguyên Đán.
Ví dụ:
- Chiều ba mươi nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa
Sáng mồng một rượu say tuý lý, giơ tay bồng ông phúc vào nhà (Nguyễn Công Trứ)

d. Câu đối thờ: là những câu tán tụng công đức tổ tiên hoặc thần thánh làm để dán hoặc treo những chỗ thờ.
Ví dụ:
- Nam quốc tôn sư thùy giáo quần phương ca vũ
Bắc phương chính khí tạo di vạn cổ sắt cầm
(câu đối ở đền thờ Tổ ca trù làng Phượng Cách)

- Cổ đại cổ lôi đại lôi, chấn động đại thiên thành chính giác,
Vân pháp vân vũ pháp vũ, bàng đà pháp giới nhuận quần sinh.
(câu đối ở chùa Sùng Khánh, Hà đông)

e. Câu đối tự thuật: là những câu kể ý chí, sự nghiệp của mình và thường dán ở những chỗ ngồi chơi.
Ví dụ:
- Chị em ơi, qua băm sáu tuổi rồi, khắp đông tây nam bắc bốn phương trời, đâu cũng lừng danh công tử xác
Trời đất nhẻ, gắng một phen này nữa, xếp cung kiếm cầm thư vào một gánh, làm cho nổi tiếng trượng phu kềnh. (Nguyễn Công Trứ)

- Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái
Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi (Cao Bá Quát)

f. Câu đối đề tặng: là những câu đối để đề vào chỗ nào đó hoặc tặng cho người khác.
Ví dụ:
- Nếp giầu quen thói kình cơi, con cháu nương nhờ vì ấm
Việc nước ra tay chuyên bát, bắc nam đâu đấy lai hàng
(Lê Thánh Tông đề tặng hàng bán trầu nước)

g. Câu đối tức cảnh: là những câu tả ngay cảnh trước mắt.
Ví dụ: (bị trợt té)
- Giơ tay với thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài (Hồ Xuân Hương)

h. Câu đối chiết tự (chiết: bẻ gãy, phân tách; tự: chữ): là những câu do sự tách chữ Hán hoặc chữ Nôm ra từng nét hoặc từng phần mà đặt thành câu.
Ví dụ:
- Tự là chữ, cất giằng đầu chữ tử là con, con ai con ấy? (Sứ giả của vua Trần Thái Tông)
Vu là chưng, bỏ ngang lưng chữ đinh là đứa, đứa nào đứa này? (Nguyễn Hiền)

- Bát đao phân mễ phấn (Bùi tiểu thư Phấn Khanh)
Thiên lý trọng kim chung (Trạng Lợn Dương Đình Chung)

i. Câu đối trào phúng: là những câu làm để chế diễu, châm chích một người nào đó.
Ví dụ:
- Cung kiếm ra tay, thiên hạ đổ dồn hai mắt lại
Rồng mây gặp hội, anh hùng có chỉ một ngươi thôi
(cặp này viết để vừa khen vừa trêu một viên quan võ chột mắt)

- Thị vào hầu Thị đứng Thị trông, Thị cũng muốn, Thị không có ấy
Vũ cậy mạnh, Vũ ra Vũ múa, Vũ gặp mưa, Vũ ướt cả lông
(Quan Thị và quan Vũ trêu chọc nhau)

j. Câu đối tập cú là những câu lấy chữ trong sách hoặc tục ngữ ca dao.
Ví dụ:
- Gái có chồng như rồng có vây, gái không chồng như cối xay không ngõng
Con có cha như nhà có nóc, con không cha như nòng nọc đứt đuôi.

k. Câu đối thách (đối hay đố) là nghĩ ra những câu đối oái ăm, cầu kỳ rồi người ta tự đối lấy hoặc thách người khác đối. Lối đối này thường sử dụng nghệ thuật chơi chữ, nói lái, điệp âm, trùng từ, đồng âm dị nghĩa...
Ví dụ:
- Con cóc leo cây vọng cách, nó rơi xuống cọc, nó cạch đến già
Con công đi qua chùa Kênh, nó nghe tiếng cồng, nó kềnh cổ lại.

- Con ngựa đá con ngựa đá, con ngựa đá không đá con ngựa
Thằng mù nhìn thằng mù nhìn, thằng mù nhìn không nhìn thằng mù

Vế đối này bị bắt bẻ là "thằng mù không thể nhìn được", và "chữ mù nhìn là nói trại của chữ bù nhìn"!

Các vế đối khác:
- Con bò cạp con bò cạp, con bò cạp chẳng cạp con bò.
- Con gà mổ con gà mổ, con gà mổ không mổ con gà

Hai vế này hơi kém ở chỗ không đối thanh. Vài vế đối nữa:
- Dây dưa leo dây dưa leo, dây dưa leo cũng leo dây dưa.

- Ông tiên chỉ ông tiên chỉ, ông tiên chỉ không chỉ ông tiên.
- Ông thiên lôi ông thiên lôi, ông thiên lôi cùng lôi ông thiên.


(còn tiếp)

_________________________
Câu đối Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

Câu đối Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Câu đối   Câu đối I_icon13Tue 11 Nov 2014, 04:26

Cả nhà ơi, không chọc.... ủa không đọc uổng lắm á :horang:
Em cố gắng... ngoan ngoãn :sourc: để sớm được đọc tiếp phần tiếp theo nè :tanghoa:
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10638
Registration date : 23/11/2007

Câu đối Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Câu đối   Câu đối I_icon13Wed 12 Nov 2014, 11:38

GIAI THOẠI CÂU ĐỐI

Truyện kể ngày xưa có anh học trò học ở nhà ngoài, nửa đêm thèm vào với vợ bèn khẽ gọi cửa. Vợ đưa ra một vế đối yêu cầu đối được mới mở cửa cho vào. Vế xuất ra rằng:
_ Bán dạ tam canh bán (nửa đêm, nửa canh ba)

Chàng nghĩ nát óc suốt đêm nhưng đành chịu bí, cả thẹn bỏ nhà đi lang thang rồi chết trong uất ức. Hồn chàng không siêu thoát biến thành chim chèo bẽo, ngày đêm đậu trên đọt cây cau luôn miệng kêu lên vế đối độc địa của người đẹp:
- Bán dạ tam canh bán! Bán dạ tam canh bán!

Đến một hôm có một vị quan đi ngang nghe kể sự tình mới tìm chữ đối giúp để giải oan cho chàng:
- Trung thu bát nguyệt trung (giữa mùa thu, giữa tháng tám)

Con chim bèn gieo mình xuống đất chết tươi. Từ đấy người ta không còn phải nghe tiếng than thở của anh đồ xấu số đó nữa. (Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Đông Thanh tạp chí số 7).

Cũng trong bao nhiêu chuyện thách đối của những cô vợ sính chữ gây nên bi kịch có giai thoại phá án nhờ câu đối của ông quan Trịnh Bản Kiều. Trịnh Bản Kiều tên chữ Khắc Nhu, ở Giang Tô là người giỏi văn chương và giỏi vẽ, nhưng thi cử lận đận; mãi tới hơn bốn mươi tuổi mới đỗ tiến sĩ, được trao chức quan thất phẩm là một chức quan "nhỏ như hạt vừng". Truyền rằng sau khi ông được làm quan huyện, ông từng dùng phương thức trưng cầu vế đối mà phá được một vụ án oan, cứu một người học trò thật thà khỏi tội chết. Năm ấy, Trịnh Bản Kiều tới nhận chức, dân chúng nghe nói ông là một vị quan thanh liêm, xét án công minh nên đều ngóng trông. Trước cửa huyện nha, người đứng đông đặc chờ đón quan huyện mới; có người muốn xem phong thái, mặt mũi quan như thế nào, có người chờ để kêu oan. Thấy cảnh đó, Trịnh Bản Kiều biết ngay trách nhiệm của mình rất nặng nề, sau khi đến nhận chức được một ngày, việc đầu tiên ông làm là xem hồ sơ những vụ trọng án sắp xử trảm vào mùa thu tới. Có một hồ sơ viết: "Thư sinh Vương Sinh Tân sau ngày cưới một hôm đã giết chết vợ, bị khép vào tội tử hình vì giết người, Vương đã nhận tội giết vợ mới cưới". Hồ sơ không nói gì về việc chú rể tại sao giết cô dâu và giết như thế nào, chỉ nói cô dâu bị giết trong phòng, ngoài ra không có chứng cớ gì khác. Trịnh Bản Kiều càng nghĩ càng thấy vụ này khó hiểu nên quyết định tra lại vụ án, ông cho gọi Vương Sinh trong nhà ngục tử tù ra tra hỏi. Khi ngục tốt đưa Vương Sinh đến, Trịnh Bản Kiều thấy thư sinh này mặt mũi hiền lành, nho nhã đoan trang, không hề có chút gì giống với bọn giết người, đốt nhà cả. Ông liền hỏi:
- Nhà ngươi làm sao lại giết chết vợ mới cưới? Giết như thế nào?

Chàng kia chỉ cúi đầu sụt sùi mà không trả lời, bởi chàng đã cung khai như trong hồ sơ, nay sợ nói khác đi sẽ bị roi hèo đánh đập chịu không nổi. Trịnh Bản Kiều hiểu rõ cách thức xét hỏi rồi kết án ở nha môn là nếu ai bị bắt mà không chịu cung khai thì sẽ bị đánh rất dữ, bởi vậy nhiều người đã phải khai bừa. Vương Sinh này hẳn cũng bị đánh đau nên đã khai bừa, cho nên ông ôn tồn bảo:
- Nhà ngươi có oan khuất gì cứ nói ra, kể lại từ đầu cho rõ bản quan sẽ phân xử. Nếu có gì khác với lần khai trước cũng không ngại.

Nghe nói vậy, Vương Sinh cung khai:
- Bẩm quan lớn, tiểu sinh lấy vợ họ Lý là một tài nữ dòng dõi thư hương. Vợ con từ nhỏ đã học thi thư, xuất khẩu thành chương. Ngày cưới của chúng con, đêm ấy khi đám khách trêu chọc cô dâu mới cưới đã về hết, con trở lại phòng thì cửa đã đóng, vợ con ra một câu đối, nếu đối được thì nàng mở cửa, nếu không đối được thì ngủ ngoài cửa. Con bảo "Được!", vợ con liền ra vế đối: “Hảo, hảo, hảo, duyệt tận thế văn chương tri điệu” (Hay, hay, hay, đọc hết văn đời mới biết điệu).

Trong vế đối này có ba chữ nhắc lại, con suy nghĩ và hiểu ra ý nàng mong con sau này cưới đừng bịn rịn gia đình mà nên cố gắng học tập để đạt được công danh, nên con đối lại là: “Cần, cần, cần, đãi văn độc thư bất đoạn thanh” (Chăm, chăm, chăm, đợi nghe đọc sách chẳng ngưng tiếng).

Vợ con thấy câu đối thì vừa lòng lắm, nói: "Quan nhân đã hiểu được nỗi dụng tâm của thiếp và hiểu ra mai ngày phải hành động như thế nào là điều thật may mắn cho thiếp. Nhưng xin quan nhân hãy đối thêm câu nữa!". Thế là vợ con ra vế trên: “Kim nhật đồng đăng phượng hoàng đài” (Hôm nay cùng lên đài phượng hoàng).

Con vừa nghe vế đối ấy đã thấy rất hay lại sâu sắc nữa, người xưa cho phượng hoàng là loài chim mang điềm lành. Con đực là phượng, con cái là hoàng. Vế đối của vợ con vừa có ý mong vợ chồng hài hòa như phượng hoàng lại vừa có ý mong con sau này đạt được nguyện ước vẻ vang. Thế là con bèn đối: “Tha niên độc chiếm kỳ lân các” (Năm sau riêng chiếm gác kỳ lân).

Con muốn tỏ cho nàng biết con cũng có hùng tâm tráng chí là ngày sau đạt được công danh to lớn để tên được ghi trên gác Kỳ Lân như các bề tôi giỏi giang thủa xưa. Không hiểu do vợ con đang hứng ra câu đối hay là còn muốn thử tài chồng thêm nữa, nàng lại ra thêm vế đối thứ ba: Di ỷ ỷ đồng đồng vọng nguyệt (Xích ghế tựa ngô đồng cùng trông trăng).

Vợ con nhìn cảnh sinh tình mà ra vế đối này. Hôm ấy là rằm trung thu, sân nhà con có hai cây ngô đồng, lúc ấy trăng sáng giữa trời khiến vợ con dạt dào thi hứng. Vế đối ra chẳng những có tình thơ ý họa mà chữ ra được vận dụng rất thông minh tinh tế, Ỷ là ghế đồng âm với ỷ là tựa, đồng là ngô đồng đồng âm với đồng là cùng. Như vậy vế đối cũng phải có hai cặp chữ đồng âm như thế. Con nghĩ một lúc lâu mà không nghĩ ra, vừa buồn vừa ngượng, con trở ra thư phòng qua đêm mà không được động phòng với vợ con. Sáng hôm sau, vì hôm qua không đối được câu thứ ba nên con tới gặp vợ mà lòng buồn phiền, luôn miệng lẩm bẩm: "Di ỷ ỷ đồng đồng vọng nguyệt". Vợ con thấy vậy bèn hỏi: "Lang quân, đêm hôm qua chàng chẳng đối được là gì? Còn buồn phiền, lẩm nhẩm gì thế?”. Con đáp: "Tôi ngồi trong nhà học nghĩ suốt đêm mà không nghĩ ra, nên ngượng không dám vào phòng". Vợ con nghe nói thế, thần mặt ra quay luôn vào phòng. Con cũng không chú ý, ăn cơm trưa xong lại ra ngồi ở nhà học. Đến tối, người nhà mới chạy tới báo tin vợ con treo cổ tự tử ở trong buồng. Con tức khắc sai người sang báo cho nhạc phụ nhạc mẫu, bên ấy liền thưa lên quan, bảo con giết vợ con, thế là lính huyện bắt con vào ngục. Quan huyện ra lệnh giải con lên công đường tra hỏi, con nói con không hề hại vợ nhưng quan không tin, thế là nọc luôn con ra đánh. Con không chịu nổi đau đớn phải nhận là giết vợ, quan huyện khép vào tội giết người phải đền mệnh. Con quả thực không giết vợ, cúi xin quan lớn minh oan cho con.

Nghe Vương Sinh kể hết đầu đuôi, Trịnh Bản Kiều thấy trong vụ này ắt có điều lắt léo liền sai người hãy giải Vương Sinh về nhà lao và bảo:
- Vương Sinh, ngươi hãy về nhà giam, ta còn phải báo với quan trên xin hoãn thi hành án để tra xét kỹ từ đầu.

Lời khai của Vương Sinh để lại nỗi nghi ngờ lớn trong óc Trịnh Bản Kiều: "chàng rể vì sao lại giết cô dâu ngay ngày hôm sau?" Chợt ông nhớ tới lời người vợ hỏi Vương Sinh ngày hôm sau: "Lang quân, đêm hôm qua chàng chẳng đối được là gì?". Ông cảm thấy đây là đầu mối của vụ án, quyết định điều tra từ vế đối. Tuy vậy, vợ Vương Sinh đã chết, không biết cái kẻ thừa dịp chiếm vợ người đã đối vế dưới ra sao mà vào được buồng? Không biết được điều này, làm sao tra ra vụ án? Tối hôm ấy, sau khi ăn cơm xong, Trịnh Bản Kiều đi tới đi lui trong sân nhà Vương Sinh, suy nghĩ cách phá án. Đi một lúc mỏi chân, ông dừng lại bên cây ngô đồng, ngẩng đầu nhìn trời, bỗng thấy trong phòng học phía trên cao có cậu học trò đốt đèn mang lên đó học. Trước cảnh đó, trong óc ông bật ra vế đối hoàn chỉnh: “Đẳng đăng đăng các các công thư” (Đợi đèn lên gác ai nấy đọc sách)

Vế đối này thật là một cặp trời sinh với vế ra của cô dâu: "đăng là đèn, đồng âm với đăng là lên; các là gác, đồng âm với các là ai nấy".

Thế là ngày hôm sau, Trịnh Bản Kiều sai người ra các phố huyện dán cáo thị, nói nếu ai đối được vế "Di ỷ ỷ đồng đồng vọng nguyệt" thì ông sẽ nhận làm cháu nuôi, được ông tiến cử với quan chấm thi trong kỳ thi Hương tới... Chỉ sau một loáng, nhiều thư sinh đã kéo nhau tới xem cáo thị, nhưng đều chịu không đối được, buồn thiu kéo nhau ra về.

Chợt có một thư sinh trẻ tuổi vỗ tay nói:
- Tôi đối được rồi!

Nha dịch đưa thư sinh kia về gặp quan huyện, quan hỏi họ tên, học ở đâu, thầy dạy là ai. Thư sinh kia đáp:
- Tiểu sinh họ Đông Quách, tên Lượng, học ở Vương Trang, thầy dạy là Vương Thái Hòa.

Thì ra nơi học và thầy dạy của Đông Quách Lượng cũng chính là nơi học và thầy dạy của Vương Sinh Tân, Trịnh Bản Kiều lại hỏi:
- Trong lớp học của các anh có một người tên Vương Sinh Tân anh có biết không? Nghe nói cưới vợ hôm trước, hôm sau anh ta đã giết vợ, anh có biết không?

Nghe hỏi, đột nhiên Đông Quách Lượng tái mét mặt, người run bần bật, không nói được câu nào. Thấy vậy, Trịnh Bản Kiều biết chắc người này là thủ phạm, bèn đập bàn quát:
- Ngươi đã giết vợ mới cưới của Vương Sinh ra sao, khai mau?

Đông Quách Lượng tham lam nên hớ hênh lộ tẩy, lại sợ bị đánh nên khai ra ngay:
- Đêm hôm cưới, thấy Vương Sinh trở lại nhà học, chúng con hỏi mới biết chuyện anh ấy không đối được vế ra của vợ nên vợ không cho vào động phòng. Con thấy đây là thời cơ bèn chờ đến đêm khuya mới tới cửa buồng đọc vế đối, cô dâu nghe xong mở cửa, con mạo nhận là chú rể và thành thân với nàng...

Thế là đã rõ: sáng hôm sau khi biết đêm qua chồng mình ngủ lại ở nhà học, biết có kẻ thừa dịp thành thân với mình, cô dâu hối hận đã để mất tiết trinh nên đã tự treo cổ tự tử. Trịnh Bản Kiều làm quan công minh, xét án rõ ràng, bắt đúng người đúng tội, giải được nỗi oan cho Vương Sinh khiến dân chúng xa gần đều phục.

(còn tiếp)

_________________________
Câu đối Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Thanh Bình



Tổng số bài gửi : 532
Registration date : 20/11/2012

Câu đối Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Câu đối   Câu đối I_icon13Wed 12 Nov 2014, 12:31

Ai Hoa đã viết:
CÂU ĐỐI


THỊT MỠ, DƯA HÀNH, CÂU ĐỐI ĐỎ
CÂY NÊU, TRÀNG PHÁO, BÁNH CHƯNG XANH

Ba chữ sau chọi nhau chan chát không cách nào chê được, nhưng chữ CÂY, TRÀNG đối với THỊT, DƯA chưa chỉnh lắm.

Dạ! thưa Thầy cho em hỏi là vì sao Cây, Tràng với Thịt, Dưa lại đối chưa chỉnh lắm ạ! Liệu có phải Thịt là danh từ riêng, Cây là danh từ chung. Còn Dưa với Tràng thì cùng thanh dấu. Hay còn điiểm nào khác không ạ!? Embarassed
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10638
Registration date : 23/11/2007

Câu đối Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Câu đối   Câu đối I_icon13Thu 13 Nov 2014, 08:52

Thanh Bình đã viết:
Ai Hoa đã viết:
CÂU ĐỐI


THỊT MỠ, DƯA HÀNH, CÂU ĐỐI ĐỎ
CÂY NÊU, TRÀNG PHÁO, BÁNH CHƯNG XANH

Ba chữ sau chọi nhau chan chát không cách nào chê được, nhưng chữ CÂY, TRÀNG  đối với THỊT, DƯA chưa chỉnh lắm.
  
Dạ! thưa Thầy cho em hỏi là vì sao Cây, Tràng với Thịt, Dưa lại đối chưa chỉnh lắm ạ! Liệu có phải Thịt là danh từ riêng, Cây là danh từ chung. Còn Dưa với Tràng thì cùng thanh dấu. Hay còn  điiểm nào khác không ạ!? Embarassed
 
Vế trên, từ chính là THỊT, DƯA nên có thể viết:

THỊT DƯA CÂU ĐỐI ĐỎ đã đầy đủ ý nghĩa.

Vế dưới nếu viết:

CÂY TRÀNG BÁNH CHƯNG XANH chắc không ai hiểu muốn nói gì!

còn viết:

NÊU PHÁO BÁNH CHƯNG XANH thì đối hoàn toàn chỉnh, phải không?  :-bd

_________________________
Câu đối Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Thanh Bình



Tổng số bài gửi : 532
Registration date : 20/11/2012

Câu đối Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Câu đối   Câu đối I_icon13Thu 13 Nov 2014, 11:27

Ai Hoa đã viết:
Thanh Bình đã viết:
Ai Hoa đã viết:
CÂU ĐỐI


THỊT MỠ, DƯA HÀNH, CÂU ĐỐI ĐỎ
CÂY NÊU, TRÀNG PHÁO, BÁNH CHƯNG XANH

Ba chữ sau chọi nhau chan chát không cách nào chê được, nhưng chữ CÂY, TRÀNG  đối với THỊT, DƯA chưa chỉnh lắm.
    
Dạ! thưa Thầy cho em hỏi là vì sao Cây, Tràng với Thịt, Dưa lại đối chưa chỉnh lắm ạ! Liệu có phải Thịt là danh từ riêng, Cây là danh từ chung. Còn Dưa với Tràng thì cùng thanh dấu. Hay còn  điiểm nào khác không ạ!? Embarassed
   
Vế trên, từ chính là THỊT, DƯA nên có thể viết:

THỊT DƯA CÂU ĐỐI ĐỎ đã đầy đủ ý nghĩa.

Vế dưới nếu viết:

CÂY TRÀNG BÁNH CHƯNG XANH chắc không ai hiểu muốn nói gì!

còn viết:

NÊU PHÁO BÁNH CHƯNG XANH thì đối hoàn toàn chỉnh, phải không?  :-bd
 vâng! em đã hiểu ạ! :thx: Thầy ạ!
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10638
Registration date : 23/11/2007

Câu đối Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Câu đối   Câu đối I_icon13Fri 14 Nov 2014, 09:21

GIAI THOẠI CÂU ĐỐI

Có một giai thoại kể về một ông phú hộ muốn kén chồng hay chữ cho con gái bèn ra ước hẹn rằng ai đối được câu đối của ông, ông sẽ chọn làm rể đông sàng. Một anh nông dân vì say mê nhan sắc cô tiểu thư bèn đánh liều đến xin đối. Phú ông đứng ngoài sân, còn đang ngẫm nghĩ thì chợt thấy con cua bò ngang trên đất, bèn buột miệng nói luôn:
- Con cua đó!

Anh nông dân sẵn tay cầm dù tức cảnh đối liền:
- Cái dù đây!

Phú ông không chịu, mắng đuổi về. Anh nông dân ấm ức bèn về tìm một ông thầy đồ kể lể sự tình. Ông thầy nói:
- Trả cho ta 3 quan tiền ta đi nói giúp cho.

Anh nông dân khứng chịu. Thầy đồ bèn đến gặp phú ông hỏi đầu đuôi, rồi bảo:
- Tại ông ra vế đối nôm thì hắn trả lời như thế là đúng rồi! Nếu đổi ra chữ Nho thì con cua tức là “Hoành hành hải ngoại” (đi ngang ngoài biển) đối lại cái dù là “Độc lập thiên trung” (đứng một mình giữa trời) thì còn gì chỉnh hơn thế nữa?

Phú ông không bẻ lại được đành phải chịu gả con gái cho anh chàng.

Cũng một phú ông khác ra câu đối kén rể như sau:
- Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Đế Vũ, Vũ Thuấn Nghiêu tam đế truyền hiền!

(Thật ra thì chỉ có Nghiêu và Thuấn là nằm trong Ngũ Đế của Tàu, còn Vũ được xếp vào hàng Tam Vương.)

Một ông thợ mộc vào xin đối như sau:
- Bào tách, bào ra, bào xoi, xoi ra tách tam bào phạt mộc!

Lấy ba loại bào ra đối với ba ông đế thì hơi vô lễ, lại thêm “tam bào phạt mộc” quá gượng ép nên không lạ gì khi thấy ông thợ mộc bị đánh trượt cái ạch.

Một ông thầy thuốc cũng xin đối:
- Hoàng bá, hoàng liên, hoàng cầm, cầm liên bá tam hoàng giải nhiệt!

Vế đối này tuy được chữ “Hoàng” đối với chữ “Đế”, nhưng lấy tên ba vị thuốc đối với ba ông vua thì không chuẩn mực lắm, lại chữ ‘nhiệt” đối với chữ “hiền” thì quá xộc xệch, nên phú ông cũng đành lắc đầu mời ra thôi.

Lại một anh học trò vào thử tài:
- Vương Khải, Vương Thang, Vương Văn, Văn Thang Khải tam vương kế thánh!

(Đúng ra thì tam vương của Tàu là Hạ Vũ, Thành Thang và Văn Vương, còn Khải là con của Vũ không được xếp vào hạng Vương.)

Ông phú hộ bằng lòng với vế đối này nên gả con gái cho anh học trò (không biết đêm gõ cửa phòng có bị vợ thách đối chăng nữa!)

Học trò thì tất nhiên là có rất nhiều giai thoại câu đối. Chẳng hạn có anh học trò kia bị bắt đi phu nên bỏ trốn. Quan bèn bắt vợ anh ta đi thay. Anh ta lo cho vợ nên phải chạy ra trình diện quan chịu tội, lật đật thế nào mà té ngã cái đùng. Quan thương tình bèn ra câu đối, bảo đối được sẽ tha cho. Vế đối quan ra như sau:
- Phu là chồng, phụ là vợ, vì chồng để vợ đi phu!

Anh chàng học trò đối lại:
- Ngã là tao, nhĩ là mày, tại mày nên tao té ngã!

Vế đối tuy xấc xược (giả vờ mắng vợ, thực ra là ám chỉ quan) nhưng quan vị tài nên cũng giữ lời hứa tha cho hai vợ chồng.

Lối đối chơi chữ kết hợp nghĩa và âm này được dùng rất nhiều trong câu đối. Chẳng hạn:
- Kê là gà, gà ăn kê
Ấu là trẻ, trẻ ăn ấu

Một số câu đối thường được lưu truyền như:
- Lộc là hươu, hươu đi lộc cộc
Ngư là cá, cá lội ngắc ngư

Chữ ngư không đặt đúng vị trí với chữ lộc, nên không gọi là chuẩn đối.

Vế khác: Long là rồng, rồng chạy long đong.

Vế này tuy đúng vị trí chữ, nhưng bị chê là rồng sao chạy long đong đuợc?

- Chuồng gà kê áp chuồng vịt (kê=gà, áp=vịt)
Cá diếc tức phường cá mè (tức=cá diếc, phường=cá mè)

Phường đối áp cũng chưa chỉnh!

- Cuốc xuống ao uống nước (cuốc/quốc = nước)
Gà vào vườn ăn kê (kê = gà)

Đối chưa chuẩn vì chữ kê nghĩa là gà là chữ Hán Việt, nước là chữ Nôm.

- Sửa nhà gia đình ra sân (đình=sân)
Cứu nước quốc hội phải họp (hội=họp)

Sân là danh từ đối với họp là động từ thì không chỉnh!

- Nấu đậu phụ cha ăn (phụ=cha)
Sắc ích mẫu mẹ uống (mẫu=mẹ)

- Đứng giữa làng Trung Lập (quan Huấn)
Dấy trước phủ Tiên Hưng (nhà cách mạng Kỳ Đồng)

- Ao Thanh trì, nước trong leo lẻo, cá lội ngắc ngư
Sông Ngân hà, sao bạc chang chang, vịt nằm ấm áp

- Cái là tượng, tượng là voi, voi chầu cửa cái (một nhà sư)
Tu là hổ, hổ là cọp, cọp bắt thầy tu (Hoàng Phan Thái *)

Có một vế đối truyền từ xưa không ai đối được:
- Cha con thầy thuốc về quê, gánh một gánh hồi hương phụ tử

Vế đối khó bởi vì hồi hương phụ tử có nghĩa là cha con về quê, mà cũng là tên hai vị thuốc.

Chú thích:
* Hoàng Phan Thái có hiệu là Đại Hưu, quê ở làng Cổ Đan, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ngay từ bé ông đã nổi tiếng thông minh, từng đỗ đầu xứ, nên gọi là Đầu xứ Thái. Những giai thoại về cuộc đời ông được nhắc nhở nhiều trên sách báo hiện đại. Ông sống dưới triều Tự Đức nhưng nhìn xa về thời cuộc, có khuynh hướng canh tân, từng đề xuất việc lập tân đảng, duy tân biến pháp tự xưng là Đông Hải Đại tướng quân, để đưa nước nhà tiến trên đường văn minh, nhưng ý định của ông và các đồng chí như Bạch Đông Ôn, Nguyễn Tư Giản... đều bị triều đình cho là việc đại nghịch.

Phan Bội Châu khi sinh hoạt ở Trung Quốc, viết truyện về Hoàng Phan Thái, đề cao ông là nhân vật lỗi lạc trong đời Tự Đức với danh nghĩa “Cách mạng khai sơn chi tổ”. Năm 1865, ông bị triều đình Huế bắt giết.

Lúc lâm hình ông ứng khẩu bốn câu thơ:
“Ba hồi trống giục thây cha kiếp,
Một lát gươm đưa đéo mẹ đời!
Sống làm tướng mạnh ba phương đất.
Thác xuống thần thiêng bốn phía trời”.

Hai câu trên trong bài thơ của ông được người đời gán cho Cao Bá Quát khi bị hành hình, nhưng theo sách sử ghi lại thì Cao Bá Quát bị suất đội Đinh Thế Quang bắn chết giữa trận.

(còn tiếp)

_________________________
Câu đối Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

Câu đối Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Câu đối   Câu đối I_icon13Sun 16 Nov 2014, 04:09

Ai Hoa đã viết:
GIAI THOẠI CÂU ĐỐI
...
Đông Quách Lượng tham lam nên hớ hênh lộ tẩy, lại sợ bị đánh nên khai ra ngay:
- Đêm hôm cưới, thấy Vương Sinh trở lại nhà học, chúng con hỏi mới biết chuyện anh ấy không đối được vế ra của vợ nên vợ không cho vào động phòng. Con thấy đây là thời cơ bèn chờ đến đêm khuya mới tới cửa buồng đọc vế đối, cô dâu nghe xong mở cửa, con mạo nhận là chú rể và thành thân với nàng...

Thế là đã rõ: sáng hôm sau khi biết đêm qua chồng mình ngủ lại ở nhà học, biết có kẻ thừa dịp thành thân với mình, cô dâu hối hận đã để mất tiết trinh nên đã tự treo cổ tự tử. Trịnh Bản Kiều làm quan công minh, xét án rõ ràng, bắt đúng người đúng tội, giải được nỗi oan cho Vương Sinh khiến dân chúng xa gần đều phục.

(còn tiếp)
 
Người đi học thời xưa đều phải học sách Thánh Hiền, sao lại làm điều bại hoại thiếu đạo đức như vậy, hơn nữa với bạn học :honghieu:
Khó lòng chấp nhận được :soqua:



Mọi người chờ anh AH cho "Tiếp theo" nè, Các câu đối xưa hay thật đó :jj:
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10638
Registration date : 23/11/2007

Câu đối Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Câu đối   Câu đối I_icon13Mon 17 Nov 2014, 09:27

Shiroi đã viết:
Ai Hoa đã viết:
GIAI THOẠI CÂU ĐỐI
...
Đông Quách Lượng tham lam nên hớ hênh lộ tẩy, lại sợ bị đánh nên khai ra ngay:
- Đêm hôm cưới, thấy Vương Sinh trở lại nhà học, chúng con hỏi mới biết chuyện anh ấy không đối được vế ra của vợ nên vợ không cho vào động phòng. Con thấy đây là thời cơ bèn chờ đến đêm khuya mới tới cửa buồng đọc vế đối, cô dâu nghe xong mở cửa, con mạo nhận là chú rể và thành thân với nàng...

Thế là đã rõ: sáng hôm sau khi biết đêm qua chồng mình ngủ lại ở nhà học, biết có kẻ thừa dịp thành thân với mình, cô dâu hối hận đã để mất tiết trinh nên đã tự treo cổ tự tử. Trịnh Bản Kiều làm quan công minh, xét án rõ ràng, bắt đúng người đúng tội, giải được nỗi oan cho Vương Sinh khiến dân chúng xa gần đều phục.

(còn tiếp)
   
Người đi học thời xưa đều phải học sách Thánh Hiền, sao lại làm điều bại hoại thiếu đạo đức như vậy, hơn nữa với bạn học :honghieu:
Khó lòng chấp nhận được :soqua:



Mọi người chờ anh AH cho "Tiếp theo" nè, Các câu đối xưa hay thật đó  :jj:
 
Kẻ bại hoại trên đời không ít đâu. Tiếc là sao cô vợ không phân biệt được tiếng chồng với người khác, vì từ xưa nay các nhân vật thừa dịp mạo làm người chồng để chiếm đoạt vợ trong đêm tối (do tắt đèn) đều im thin thít hoặc chỉ ậm ừ cho qua, chứ đâu dám mở miệng?
  :potay:

_________________________
Câu đối Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10638
Registration date : 23/11/2007

Câu đối Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Câu đối   Câu đối I_icon13Mon 17 Nov 2014, 09:57

CÂU ĐỐI CỦA CÁC NHÂN VẬT LỊCH SỬ

1. Tổng đốc Hoàng Diệu

Hoàng Diệu tên thật là Hoàng Kim Tích, sau mới đổi là Hoàng Diệu, tự là Quang Viễn, hiệu Tỉnh Trai. Theo phả họ Hoàng thì Hoàng Diệu gốc từ Huệ Trì, huyện Quang Minh, phủ Nam Sách, đạo Hải Dương. Cụ tổ vốn họ Mạc, do trốn chạy chính quyền Lê Trịnh nên di cư vào lập nghiệp ở vùng Kỳ Lam truyền được mười đời, ông là đời thứ 7. Hoàng Diệu sinh ngày 10 tháng 2 năm Mậu Tý (1828), trong một gia đình có truyền thống nho giáo tại làng Xuân Đài, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay là huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Gia đình ông có 7 anh em và họ đều nổi tiếng là những người thông minh trong vùng. Năm 20 tuổi ông đã đồng đỗ Cử nhân với anh trai Hoàng Kim Giám (khi ấy 23 tuổi) khoa Mậu Thân (1848) trong khoa thi Hương tại Thừa Thiên, năm 25 tuổi đỗ Phó bảng khoa Quý Sửu (1853). Năm 1851, ông được vua Tự Đức bổ nhiệm làm Tri huyện Tuy Phước rồi Tri phủ Tuy Viễn (Bình Định). Năm 1873 ông được triệu về kinh đô Huế giữ chức Tham tri Bộ Hình rồi Tham tri Bộ Lại, kiêm quản Đô Sát Viện, dự bàn những việc ở Cơ Mật Viện. Năm 1878, đổi làm Tuần phủ Quảng Nam, thăng Tổng đốc An Tịnh (Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay), nhưng vì nguyên Tổng đốc Nguyễn Chính vẫn lưu nhiệm nên ông ở lại Huế, làm Tham tri Bộ Lại (Thực lục của Cao Xuân Dục). Chẳng bao lâu sau, ông được sung chức Phó Toàn quyền Đại Thần đàm phán với Sứ thần Tây Ban Nha một hiệp ước giao thương. Đầu năm 1880, ông làm Tổng đốc Hà Ninh, lãnh chức hàm Thượng thư bộ Binh, kiêm quản cả việc thương chính. Ông đã chỉ đạo quân dân Hà Nội tử thủ chống lại quân đội Pháp. Ngày 25 tháng 4 năm 1882 (tức ngày 8 tháng 3 năm Nhâm Ngọ), thành Hà Nội thất thủ, Hoàng Diệu đã tự vẫn tại Võ Miếu để không rơi vào tay đối phương. Ông được thờ tại đền Trung Liệt ở thủ đô Hà Nội cùng với danh tướng Nguyễn Tri Phương.

Tương truyền, sau khi Tôn Thất Thuyết nghe tin thành Hà Nội bị quân Pháp chiếm, ông đã gửi đôi câu đối viếng Tổng Đốc Hoàng Diệu đã tuẫn tiết giữ thành như sau:

- Nhất tử thành danh tự cổ anh hùng phi sở nguyện
Bình sinh trung nghĩa đương niên đại cục khả vô tâm


(Một chết thành danh, từ trước anh hùng không toại chí
Thường sống trung nghĩa, đương thời đại cuộc chẳng vô tâm)

2. Ông Nghè Giao Cù Vũ Văn Lợi (1836 - 1884)

Vũ Văn Lợi còn gọi là Võ Hữu Lợi, quê xã Giao Cù, huyện Nam Chân, tỉnh Nam Định (nay là thôn Giao Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Năm Canh Ngọ (1870), ông đỗ Cử nhân, năm Ất Hợi (1875), ông đỗ Tiến Sĩ, tục gọi là ông Nghè Giao Cù (vì quê ông ở làng Giao Cù). Ông làm Đốc học tỉnh Nam Định. Sau khi Pháp chiếm Bắc Kỳ, ông bỏ quan về khởi nghĩa chống Pháp bên cạnh Nguyễn Quang Bích và các sĩ phu yêu nước dưới cờ Cần vương chống Pháp. Ít lâu, ông bị Tổng đốc Nam Định Võ Văn Báo lừa đem nộp cho Pháp. Ông bị chúng xử ở chợ Nam Định trong đêm 30 tết năm Giáp Thân (1884), hưởng dương 48 tuổi. Trong số các học trò cũ của ông có Đinh Quang Nhường chỉ huy nghĩa quân, sau bắt được Võ Văn Báo đem đốt sống trả thù cho ông.

Trước khi lâm hình Vũ Văn Lợi có ngâm nga:

- Võ vô dụng địa tương thùy thích?
Sự đại như thiên nại nhĩ hà?


(Võ không còn đất đi đâu được
Việc lớn như trời biết tính sao?)

Vì sợ uy thế người Pháp, nên bạn bè và học trò không ai dám đến lo tang ma và phúng viếng, chỉ duy nhất Tam Nguyên Yên Đổ có câu đối:

- Vị tiệp thân tiên, trường xử anh hùng lệ mãn
Tịnh du nhan hậu, khẳng giao phu tử sinh hoàn


(Ra quân chưa báo tin thắng, mà đã chết, khiến người anh hùng đầy nước mắt
Bạn bè đều dầy mặt, nghĩ như ông chết là phải không nên sống)

Vế trên lấy chữ trong Đường thi bài Đỗ Phủ đề đền Gia Cát Võ Hầu: "Xuất sư vị tiệp thân tiên tử, trường xử anh hùng lệ mãn khâm". Lấy câu trên bốn chữ, câu dưới bỏ đi một chữ khâm. Vế dưới sử dụng từ ngữ từ Tống thi bài Đường Giới phải đi đày lại được về: "Tịnh du anh tuấn nhan hà hậu, vị tử gian du cốt vị hàn, thiên vị ngô hoàng phù xã tắc, khẳng giao phụ tử bất sinh hoàn". Lấy câu đầu bốn chữ, câu cuối cùng bớt đi một chữ bất.

3. Vợ Ba Cai Vàng


Bà Ba Cai Vàng, tên thật là Lê Thị Miên, còn được gọi là Yến Phi, biệt biệu Hồng Y liệt nữ; là vợ ba của Cai Vàng, thủ lĩnh cuộc nổi dậy chống lại nhà Nguyễn vào năm 1862-1864, dưới thời vua Tự Đức tại miền Bắc Việt Nam. Quê bà ở thôn Đại Trạch, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tương truyền, trong một ngày hội Lim, có một công tử đang giỡ trò thô lỗ trêu ghẹo những cô gái quê. Bất bình, một chàng trai trẻ xông tới tung quyền cước khiến người vị công tử ngã sóng soài trên mặt đất. Lập tức, những người theo hầu ùa tới. Thất thế, chàng trai vội nhảy phốc lên con ngựa của mình rồi phóng đi mất dạng...

Người ta kể rằng, vì cô Miên không chịu lấy chồng,, nên có lần cô bị các nho sĩ làm thơ trêu ghẹo rằng:

- Lạnh lùng thay, giấc cô Miên
Mùi hương tịch mịch bóng đèn thâm u.


Không chịu kém, cô Miên xướng trước một câu, thách ai đối được sẽ nhận người ấy làm chồng, nhưng rồi không một ai lên tiếng.

- Chưa chồng chơi chốn chùa chiền, chanh chua chuối chát chính chuyên chờ chồng

Năm 1862 Cai Vàng khởi binh chống lại vua Tự Đức, thời đó trong nước lan truyền câu ca: "Trên trời có ông sao dài, ở vùng Kinh Bắc có Cai Tổng Vàng". Một lần, Cai Vàng mở hội vật, hội võ ở khắp nơi để tuyển người khoẻ mạnh sung vào nghĩa quân của mình. Trong một hội vật ở vùng Thiên Thai, Bắc Ninh có một đô vật nhỏ nhắn, khôi ngô tuấn tú, mặt hoa da phấn đã vật ngã nhiều đô vật sĩ nổi tiếng trong vùng, sắp chiếm giải nhất, thì trong keo vật cuối cùng mái tóc của “đô” này bị xổ tung, hiện nguyên hình là một giai nhân. Nghi đó là gián điệp của triều đình, nên nữ đô vật này và hơn 10 cô gái bạn của cô đều bị bắt giải về bản doanh, trình lên thủ lĩnh Cai Vàng. Cai Vàng cho nhốt riêng từng người qua đêm, sáng hôm sau đích thân ông thẩm vấn. Cô gái “đô vật” khai tên Lê Thị Miên, tự Yến Phi, con gái một ông đồ ở thôn Đại Trạch, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Cai Vàng nói cô là con thầy đồ ắt phải biết chữ bèn ra câu đối:

- Cô Miên ngủ một mình

Vì đêm qua cô bị nhốt một mình ở trong rừng sâu, nên Cai Vàng mới nghĩ ra vế đối này. Nhưng vấn đề ở chỗ chữ "cô" là gái chưa chồng, đổi ra "cô" là cô đơn, một mình; chữ "Miên" là "dài" lại viết chữ "miên" là "ngủ" thành ra từ Hán Việt "cô miên" nghĩa nôm là "ngủ một mình", mà tai quái ở chỗ Miên lại chính là tên của cô gái này. Tổng Thịnh nghĩ chắc chắn cô gái không thể đối nổi.

Không ngờ cô gái đối ngay:

- Tổng Thịnh tóm nhiều đứa

Ông Cai Vàng tên "Thịnh" làm "cai tổng", thì "tổng" là "tóm", "Thịnh" là "nhiều", còn chữ "mình" thì cô đối bằng "đứa" mà lại rất phù hợp với tình thế lúc ấy. Cai Tổng Vàng cảm phục tài trí cô Miên, đã thu nạp làm… “vợ ba”, phong cho làm phó tướng.

Sau khi Tổng Thịnh bị trúng đạn chết, để trả thù cho chồng, mùa xuân năm 1864, Bà Ba Cai Vàng trực tiếp cầm quân đánh vào Nải Sơn (Kiến Thụy, Hải Phòng). Sau 22 ngày chiến đấu liên tục, hao quân hao tướng mà không thắng được, bà cho lui quân. Xét thấy, không còn đủ sức để tiến hành cuộc chiến đấu lâu dài được nữa, ngày 11 tháng 3 năm 1864, bà tổ chức lễ tế chồng cùng các thuộc hạ đã mất, rồi giải tán lực lượng...Theo truyền thuyết, Bà Ba Cai Vàng mai danh ẩn tích ở chùa Dặn (Đình Bảng, Bắc Ninh). Cũng có người cho rằng, bà đã vào tu tại chùa Hương nơi thôn Tứ Kỳ (nay là thôn Đại Trạch, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), với pháp danh là Đàm Giác Linh. Tại chùa này, bà đã cho dựng miếu Âm Hồn để thờ chồng (Cai Vàng) và các cộng sự đã bỏ mình trong cuộc chiến vừa qua. Sau khi bà mất, nhân dân lập miếu thờ, hai bên cửa miếu có đề đôi câu đối sau:

- Tiểu cát phục nhung y, kỵ mã huy kỳ, danh trấn anh hùng nhân Kinh Bắc
Xuất gia quy thiền phái, chiêu kinh tịch kệ, giác chân đức độ Phật Như Lai


(Thời trẻ mang giáp trụ, cỡi ngựa phất cờ, nức tiếng anh hùng miền Kinh Bắc
Xuất gia vào chùa thiền, tụng kinh đọc kệ, hiểu tường đức độ Phật Như Lai)

4. Ông Nghè Tống Duy Tân


Tống Duy Tân người làng Bồng Trung tỉnh Thanh Hoá, năm Canh Ngọ (1870), ông đỗ cử nhân, đến năm Ất Hợi (1875), thì đỗ tiến sĩ. Bước đầu, ông được bổ làm Tri huyện, sau làm Đốc học Thanh Hóa rồi Thương biện tỉnh vụ.đỗ Tiến sĩ đời Tự Đức, làm đến Đốc học rồi cáo quan về. Tháng 7 năm 1885, hưởng ứng dụ Cần Vương, Tống Duy Tân được vua Hàm Nghi phong làm Chánh sứ sơn phòng Thanh Hóa. Sau đó, ông tham gia xây dựng chiến khu Ba Đình. Năm 1886, Tống Duy Tân và Cao Điển nhận lệnh của thủ lĩnh Đinh Công Tráng đến Phi Lai (Hà Trung, Thanh Hóa) lập căn cứ, nhằm hỗ trợ cho căn cứ chính là Ba Đình. Ngoài căn cứ Phi Lai trong sự nghiệp chung, Tống Duy Tân còn chuẩn bị lực lượng và căn cứ kháng Pháp ngay tại quê hương mình, đó là căn cứ Hùng Lĩnh, nằm ở vùng thượng nguồn sông Mã thuộc Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Đầu năm 1887, đông đảo quân Pháp kéo đến đàn áp dữ dội phong trào Cần Vương ở tỉnh này. Căn cứ Ba Đình và căn cứ Mã Cao nối tiếp nhau thất thủ. Sau đó, các thủ lĩnh lần lượt hy sinh (Đinh Công Tráng, Nguyễn Khế, Hoàng Bật Đạt), tự sát (Phạm Bành, Hà Văn Mao, Lê Toại), hoặc đi tìm phương kế khác (Trần Xuân Soạn). Trước tình thế hiểm nguy, Tống Duy Tân bèn mang quân chạy lên căn cứ Hùng Lĩnh, lập nên một trung tâm kháng chiến mới. Các cộng sự cùng theo có Cao Điển, Cầm Bá Thước, Hà Văn Nho,...Tuy nhiên, nghĩa quân Hùng Lĩnh chỉ mở được vài trận tập kích, thì bị thiếu tá Térillon dẫn quân đến vây đánh rất gắt. Xét thấy lực lượng Hùng Lĩnh vừa gầy dựng bị cô thế và yếu sức hơn, Tống Duy Tân bèn đi ra Bắc rồi Trung Quốc để gặp gỡ các sĩ phu yêu nước, tìm nguồn hỗ trợ và liên kết với các lực lượng kháng Pháp khác. Theo sử gia Phạm Văn Sơn thì Tống Duy Tân đã gặp Tôn Thất Thuyết tại Quảng Đông, và ông đã nghe theo lời vị tướng này trở về Thanh Hóa để tiếp tục công cuộc kháng Pháp. Đầu năm 1889, Tống Duy Tân về đến quê nhà. Sau khi tập hợp lại lực lượng, thì ông trở thành người chỉ huy chính của phong trào kháng Pháp tại Hùng Lĩnh ở thượng nguồn sông Mã (thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Từ nơi đó, ông cùng hai cộng sự là Cao Điển và Cầm Bá Thước cho quân mở rộng địa bàn hoạt động lên tận vùng hữu ngạn và tả ngạn sông Mã, đến hợp đồng chiến đấu với Đề Kiều-Đốc Ngữ ở vùng hạ lưu sông Đà, và với Phan Đình Phùng ở vùng rừng núi Nghệ An-Hà Tĩnh. Trong năm 1890, Tống Duy Tân đã tổ chức tập kịch nhiều trận. Đáng kể hơn cả là trận thắng lớn ở Vân Đồn (Nông Cống) và ở Yên Lãng (Xuân Yên-Thọ Xuân) bên tả ngạn sông Chu vào tháng 3 năm 1890, và trận Thanh Khoái xảy ra vào ngày 29 tháng 5 năm 1890. Bị thiệt hại đáng kể, quân Pháp bèn tập trung lực lượng mở cuộc truy quét quy mô nhằm tiêu diệt nghĩa quân Hùng Lĩnh. Đầu năm 1891, Tống Duy Tân cho chuyển quân từ An Lẫm (châu Thường Xuân) lên Lang Vinh (một làng Mường ở châu Thường Xuân). Hay tin, quân Pháp liền tổ chức tấn công. Mặc dù chống trả quyết liệt, nhưng cuối cùng ông cũng phải dẫn tàn quân rút về Hòn Mông, rồi về vùng Trịnh Vạn thuộc châu Thường Xuân (tức quê hương và là căn cứ của Cầm Bá Thước). Tháng 3 năm 1892, từ sông Đà, Đốc Ngữ dẫn quân vượt sông Mã vào Thanh Hóa. Sau khi bàn bạc, Tống Duy Tân và Đốc Ngữ cùng hợp quân đi tấn công quân Pháp ở hang Niên Kỷ (nay thuộc xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa). Sau đó, ông về ẩn náu ở hang Niên Kỷ (nay thuộc xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa). Chẳng lâu sau, Cao Ngọc Lễ (vừa là học trò cũ, vừa là cháu kêu Tống Duy Tân bằng cậu) đi mật báo cho Pháp đến bủa vây và bắt được Tống Duy Tân vào ngày 4 tháng 10 năm 1892. Không chiêu hàng được, Tống Duy Tân bị thực dân Pháp cho xử tử tại Thanh Hóa ngày 5 tháng Mười năm Nhâm Thìn (tức 23 tháng 11 năm 1892), lúc 55 tuổi.

• Lúc Tống Duy Tân còn ở nhà dạy học có câu đối:

Cố bất như: sơn nhi bích, tuyền nhi trì, vân thuỷ tiêu dao trần cảnh ngoại
Duy kỳ hữu: dữu khả phong, đình khả nguyệt, cúc tùng tự tại cố châu trung


(Không gì bền bằng: núi là vách, suối là ao, mây nước nhởn nhơ ngoài cõi thế
Chỉ riêng vui có: song thì gió, sân thì trăng, cúc tùng thong thả giữa thôn quê)

• Trước ngày mất, Tống Duy Tân có làm đôi câu đối:

Nhị kim thuỷ liễu tiên sinh trái
Tự cổ do truyền bất tử danh


(Món nợ tiên sinh nay mới dứt
Cái danh bất tử trước còn truyền)

• Sau khi Tống Duy Tân thọ án, nhân sĩ tỉnh Thanh Hóa có làm câu đối phúng điếu như sau:

Tự cổ anh hùng, thiết thạch can trường nan tận tả
Đáo đầu sự thế, xuyên hà huyết lệ hạt năng lưu


(Từ trước anh hùng, sắt đá ruột gan không xiết tả
Đến cùng sự thế, sông ngòi máu lệ chảy sao trôi!)

• Còn Cao Ngọc Lễ bị người đời nguyền rủa đặt ra câu đối sau:

- Vô địa khả mai Cao Ngọc Lễ
Hữu tiền nan thục Tống Duy Tân


(Không đất đáng chôn Cao Ngọc Lễ
Có tiền khôn chuộc Tống Duy Tân)

(còn tiếp)

_________________________
Câu đối Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Câu đối Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Câu đối   Câu đối I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Câu đối
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 4 trangChuyển đến trang : 1, 2, 3, 4  Next

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: Truyện sáng tác, truyện kể ::   :: Ái Hoa-