Tiếng Chim Cú
Truyện Lam Điền Nguyên Thử
Vùng quê sau chiến tranh yên tỉnh đến rợn người . Đêm đêm nằm nghe tiếng chim cú gần xa, tôi vừa buồn vừa sợ. Ba tôi quở tôi nhát gan, con trai mà sợ tiếng chim, nhưng mẹ tôi thì bênh vực, rằng người lớn nghe cú kêu còn sợ, huống chi con nít.
Mẹ tôi có lý. Ai cũng biết câu “cú kêu ma ăn” nhiều người còn cho rằng chim cú là loải chim ma ,ác tâm ác khẩu. Mỗi lần nó kêu ba tiếng là chắc chắn có nguời chết. Tôi chợt nghĩ, một đêm nào đó, nó sẽ đậu trước nhà tôi, kêu lên ba tiếng. Rồi cái gì sẽ xảy ra cho ba mẹ tôi? Ý nghĩ mất mẹ mất cha làm tôi hoảng hốt. Tôi quay qua ôm chặt cánh tay ba: “Ba ơi, tiếng chim cú. Nó lại kêu nữa kìa”. Ba vò đầu tôi không nói. Tôi hơi yên tâm nhưng vẫn còn lung tung suy nghĩ.
Trời sinh ra con chim cú làm chi không biết! diện mạo thì xấu xí, tiếng kêu thê thảm và chứa đầy tai họa. Thế thì tại sao người ta không giết quách nó đi. Dễ lắm! Ban ngày nó ngủ mà. Ý nghĩ ấy thoáng qua và tôi quyết định: Ngày mai, tôi sẽ đích thân đi làm công việc ấy, công việc của một anh chàng hiệp sĩ . Bọn trẻ làng tôi có tài ba gì đâu, thế mà cứ huênh hoang, thách thức và dám chế giễu tôi nữa chứ.
Tôi buộc lại dây ná, cạy một viên gạch lát sân, đập ra và mài kỹ thành những viên đạn tròn. Chờ cho mọi người ngủ trưa, tôi len lén ra bờ sông –“ Chim cú ngủ ở đâu cà... Có lẽ trên cây bàng trước miếu âm linh, hay trên cây đa trước chùa hoang gì đó” Muốn đến những nơi ấy, tôi phải bơi qua con sông này và băng qua một bãi cát rộng có cái tên khủng khiếp là “Bãi Âm Hồn”. Ở qưê tôi ,nhiều địa danh chỉ cần nghe qua là đủ dựng tóc gáy. Miếu âm Linh, Nỗng Bà Chúa, Bãi Âm Hồn, Đền Chim Qụa, Bến Ma Da...là đọan sông quái ác này đây, ngay cái quảng hẹp nhất này, bao nhiêu người đã chết chìm phần đông là con nít. Thỉnh thoảng tôi thấy bầy quạ đen reo mừng yến tiệc trên xác người thối rửa, hoặc đứng suy tư trên những chiếc bao tời trương cứng, trôi lềnh bềnh trên sông, bên trong là một xác người nào đó từ đâu trôi đến.
Bên kia sông cũng nguy hiểm lắm. Chim cú cũng khôn; cứ chọn những nơi linh thiêng mà ở. Tôi định bỏ cuộc, nhưng nghĩ đến bọn trẻ trong làng, tôi đã lỡ tuyên bố rồi, và tôi sẽ không bao giờ chịu tháo lui,thất bại.
Ngồi bên bờ sông, tưởng tượng bàn tay ma da nắm chân tôi nhớt nhợt,làm tôi rung mình. Tôi bỗng nhớ lại một câu thần chú. Cô bé Lai bảo rằng đây là câu thần chú lấy từ trong kinh Phật. Khi đọc lên đến thần linh ma quỹ cũng đứng im. Quả nhiên tôi thấy lòng bình tĩnh và ngồi im đọc câu thần chú nhiều lần.
Tôi gói chiếc ná thun với mấy viên đạn gạch trong bộ đồ cột chắc bằng dây chuối. Bơi nghiêng một tay, tay kia phải đưa lên cho bộ đồ khỏi ướt.
Trời đứng bóng, nắng chói lòa. Muốn đến cây bàng trước miếu Âm linh phãi băng qua bãi âm hồn khủng khiếp. Những tảng đá xếp đều nhau, xám đen giữa trưa bốc hơi ngùn ngụt. Dưới mỗi tảng đá kia là một bộ xương người, không tên không tuổi. Ba tôi bảo rằng họ là những anh hùng chống Pháp theo tiếng gọi của cụ Trần Quí Cáp. Cụ thì bị chém còn những người tham gia bị bắn chết rồi chôn chung một hố lớn. Sau vài năm dân làng tôi mới đi đào lấy hài cốt về chôn tập thể trên bải cát này. Mỗi bộ xương được đựng trong một cái hủ và bên trên được đặt một tảng đá làm dấu.Một chiếc miếu thờ được xây giữa bải,nhưng không thấy ai dám tới thắp hương.
Tôi cởi áo cầm tay, đeo ná thun vào cổ, cố tránh những tảng đá. Chạy -Hai bàn chân rát bỏng. Thỉnh thoảng tôi phãi đặt chiếc aó trên tảng đá đứng nghỉ chân cho đỡ nóng, rồi lại chạy.
Miếu Âm Linh đã bị Pháp bỏ bom, nay chỉ là một đống gạch vụn, nhưng cây bàng trước miếu vẫn còn , tàng lá xanh đã ngả màu nâu đỏ. Tôi nhìn kỹ từng cành cây mép lá. “Chim cú đâu? Khôn ranh thiệt, nó biết mình đến, nên đi trốn. Nhưng trốn đâu cho thoát.Chỉ còn một nơi duy nhất cho mầy trốn là cây đa chùa hoang ”.
Nghĩ đến chùa hoang tôi lại nghĩ đến bà Ba Sãi. Tôi chưa gặp bà ấy lần nào, nhưng bọn trẻ trong làng thì sợ bà như sợ cọp. Bà sống một mình trong một cái chòi nhỏ gần chùa hoang. Từ ngày Việt Minh đập phá ngôi chùa theo chủ trương bài trừ mê tín(tôn giáo) một số nhà sư hoàn tục hoặc bỏ đi. Chỉ có bà Ba Sãi:( trước kia là người làm công quả) là còn bám lại. Ngôi chùa dầu chỉ còn một nửa; du kích đục tường thành những khoảng trống để làm nơi bắn bia. Dầu đại bác và máy bay Pháp bắn phá suốt chín năm chiến tranh, bà Ba Sãi vẫn không bỏ qua một đêm hương khói. Dầu ai đó đã đập bể hoặc ném mất lư hương, bà vẫn tìm lư hương khác thay thế, thậm chí có lúc chỉ là một cái tô đầy cát. Người ta bảo mạng bà khá lớn, bị kiểm điểm nhiều lần nhưng vô ích vì bà ấy điếc, và nếu chiến tranh kết chúc chậm đi vài ngày có lê bà đã bị xử tử rồi. Hễ người lớn đến chùa hoang, bà tỏ vẻ vui mừng chào hỏi, nhưng sau đó lại lắc đầu thất vọng. Còn bọn trẻ thì khác, hễ bén mảng đến hái ổi hoặc bắn chim thì trước sau cũng bị bà thộp cổ.
Nhưng bây giờ là đứng trưa, tôi lại đi từ hướng Bãi Âm Hồn, phải là điều bất ngờ, bí mật.
Thật thế, khi tôi đến, tất cả đều im lặng, trừ tiếng gà gáy giữa trưa xa xa và vài tiếng chim rã rời mệt mỏi. Cây đa cao ngất tỏa bóng mát một vùng âm u hoang lạnh. Tôi ngồi rình trong lùm cây , mở ná thun, nạp đạn sẵn sàng. Ồ, nó kia rồi! Lẽ nào nó lại ngủ giữa ban ngày ở một cành cây thấp và trống trải thế kia? Hay mày là ma? Tôi lại đọc câu thần chú và rón rén rời vị trí. Giương ná lên, kéo thẳng, nhưng tay tôi run quá, chưa được. Phải tiến gần chút nữa. Mắt chim cú mở tròn, nhìn tôi trừng trừng nhưng hình như không thấy gì cả. Chỉ còn cách năm bước. Bắn. Làm sao mà lệch được. Viên đạn trúng ngay ức. Lông bay tứ tung. Chim cú đập cánh với tiếng kêu yếu ớt rồi rơi xuống nặng nề.
Tôi mừng quýnh. lao nhanh đến và chộp vào cổ . Chim cú đã chết nhưng cặp chân còn run nhè nhẹ. Bỗng nhiên tôi nghe lành lạnh trên gáy. Có tiếng gì phía sau. Tôi chưa kịp nhìn lại thì một bàn tay đã đặt gần cổ tôi. Rồi một bàn tay nữa. Thôi chết rồi - Ma - Tôi định vụt chạy nhưng không kịp nữa. Ôi… không phải là ma, mà là bà Ba Sãi.
Tôi đứng lặng,sẵn sàng chịu đựng một cái tát tai, hay nghe một tràng những lời chửi rủa. Nhưng bà không làm thế. Bà nhìn tôi lắc đầu, rồi nhẹ nhàng bồng chim cú lên bằng cả hai tay.
-Thôi lỡ rồi cháu ạ. Tội nghiệp,hôm nay nó bị bắn đến hai lần.
Bà cho tôi xem vết thương bên hông chim còn rướm máu mặc dầu đã được bà bôi nghệ khá nhiều.
Hóa ra bọn trẻ trong làng đã nhanh chân đến bắn chim từ sáng sớm.Và tôi đã bắn một con chim sắp chết. Bà Sãi bảo tôi đào một cái lỗ khá sâu, bà đặt chim nằm ngay ngắn và lấp đất.
Giọng bà buồn buồn như từ một cõi xa xăm: “ Từ cái thuở hồng hoang khi loài chim còn biết nói tiếng người… người thợ săn vào rừng vào lúc rạng đông và nghe từ cành cây trước mặt, lời chào hỏi của một con chim cú. Lần đầu tiên trong cuộc đời săn bắn ông mới nghe một con chim chào hỏi. Ông đã quá quen tai những tiếng chim hoảng hốt, cầu cứu hoặc nguyền rủa. Lần này ông mới biết là loài chim cũng muốn bầu bạn với người.
- Chào chim, ngươi muốn nói điều gì với ta nào?
- Bác ơi, tôi muốn cầu xin bác một điều-chim cú khẩn thiết- là hôm nay vào rừng bác đừng giết ba con chim con bé bỏng của tôi. Tôi lạy bác. Tôi nguyện đem thân này để đền bù phần thịt săn cho gia đình bác. Được không bác?
- Được- Người thợ săn trả lời- Nhưng trong rừng này có lắm chim non, làm sao ta biết được con nào là con của ngươi chứ?
- Ồ, dễ lắm bác ơi,-chim cú vui mừng- ba chim con của tôi rất là... dễ thương và đẹp đẽ nhất trong rừng. Bác hứa với tôi đi, nghe bác.
Người thợ săn thở dài :
- Thôi được! Ta lấy danh dự của loài người mà hứa với ngươi như vậy.
Chim cú vẫn đợi suốt ngày trên cành cây. Buổi chiều người thợ săn ra về, còn một khoảng xa chim cú đã cất lời lo lắng.
- Bác ơi, bác có gặp ba chim con của tôi không bác? Bác có giữ lời hứa với tôi không?
- Ồ, dĩ nhiên rồi, và cũng vì lời hứa đó mà suốt ngày nay ta không bắn -Người thợ săn vui vẻ- Và cũng nhờ ngươi mà ta hiểu thêm rằng ở trong rừng này có biết bao là chim đẹp, lại ca hát rất dễ thương.
Chim cú cũng lộ vẻ vui mừng:
- Thế thì tôi cũng phải giữ đúng lời hứa với bác. Tôi sẽ hiến thân này làm bữa ăn cho gia đình bác vậy.
Người thợ săn mỉm cười độ lượng. Không cần đâu chim ạ.Ta đâu nỡ làm hại một chim mẹ biết thương con đến thế. Hơn nữa cuối cùng ta cũng tìm được ba con chim xấu xí và dại khờ nhất trong rừng. Ta không cần phải bắn vì thộp cổ rất dễ. Thôi ta tha cho ngươi đó.
- Đâu? Bác cho tôi xem ba con chim ấy đi.
Người thợ săn lôi từ trong bọc ra, ba con chim non xấu xí.
- Trời ơi! Đó là ba chim con của tôi. Chim cú kêu hoảng hốt. Bác ơi, tại sao bác lại nhẫn tâm, tàn ác giết chết ba chim con của tôi? Bác đã hứa với tôi rồi mà!
Người thợ săn bối rối:
- Nhưng ngươi bảo là ba chim con của ngươi...
- Đẹp đẻ và dễ thương? Đơn giản như thế mà loài người như bác không hiểu sao? Lòng mẹ là thế.Người mẹ nào lại không thấy con mình dẽ thương đẹp đẽ hả bác?
Chim cú không nói nữa. Sà mình xuống xác ba chim con, kêu lên ba tiếng Cú.. cú ..cú… như bứt từng khúc ruột. Người thợ săn đứng nhìn chim cú hồi lâu.lặng lẽ bẻ gãy cây cung, ném bó tên bên bìa rừng rồi lững thững trở về trong bóng đêm mờ mịt.
Từ đó chim cú buồn, nghĩ đến cái chết của chim con nên đau lòng kêu mãi trong đêm”.
Câu chuyện bà Sãi kể làm tôi cảm động nhưng cũng tức cười. Tôi không thấy có điều gì sâu sắc và cũng chẳng rút được một bài học nào quan trọng cả ; vì lúc đó tôi mới vừa tròn mười ba tuổi.
Trên đường về tôi cũng làm như người thợ săn, ném chiếc ná thun xuống sông, và tự nhũ lòng .Thôi bỏ đi cái mộng anh hùng .bỏ đi cái trò giết chóc.
Buổi tối ,tôi lên giường ,không gian vắng lặng. Có chút gì thiếu thiếu. Hay là tôi lại nhớ tiếng chim? Chim cú đã chết rồi. Tôi đã giết nó. Thiện hay ác tôi cũng không cần biết. Bọn trẻ trong làng nếu biết chuyện này sẽ cười tôi thối óc.Nhưng chắc chắn đêm nay có nhiều người được ngủ yên.
Nhưng lạ thật ! Nửa đêm, tôi chợt tỉnh lắng nghe. Đúng rồi! Tiếng chim cú. Từ bên kia sông, có lẽ trên cây đa chùa hoang, tiếng chim cú vẫn kêu. Những tiếng kêu cao vút, khàn đục đan nhau. Những tiếng kêu ai oán, não lòng.
Lam Điền Nguyễn Thử