Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 06:59

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:17

KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45

KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22

NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20

KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08

Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54

Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10

7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10

Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07

Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36

Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09

Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46

Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06

Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04

DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19

Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37

Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34

TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17

CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05

Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41

Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 *_Lòng Mẹ

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Lòng Mẹ Empty
Bài gửiTiêu đề: *_Lòng Mẹ   *_Lòng Mẹ I_icon13Sun 17 Mar 2013, 20:27

*_Lòng Mẹ LONG_ME

Thông tin ebook
Tên truyện : Lòng Mẹ
Tác giả : Nhật Lệ Giang
Thể loại : Văn học trong nước
Nhà xuất bản : Tuổi Hoa
Tủ sách : Tuổi Hoa - Hoa Xanh

----------------------------------

Lòng Mẹ

Kính nhớ Mẹ yêu dấu.
Suốt đời tần tảo nuôi con.
Con những ước mong một ngày nào,
Được đền đáp muôn một công ơn trời bể Mẹ.
Ngờ đâu, con đến tuổi lớn khôn,
Mẹ đã ra người thiên cổ!

N.L.G

“Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào,
Tình Mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào,
Lòng mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào…
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu…”

(Trích nhạc phẩm “Lòng Mẹ” của Y - Vân)

Chương 01

Đầu năm 1945, chiến tranh Mỹ - Nhật ở Thái Bình Dương ngày càng trở nên ác liệt. Vì thế, Pháp phải cho Nhật mượn Đông Dương làm đường, để điều động binh sĩ và tải khí giới từ Nhật qua Tân Gia Ba. Quân đội Nhật đóng rải rác trong các đô thị lớn của Việt Nam: Hải Phòng, Hà Nội, Vinh, Huế và nhất là Sài Gòn, hậu trạm quan hệ Nhật dùng để tiếp viện các nơi cần kíp. Và bởi thế, Việt Nam tuy không tham chiến, cũng bị lâm vào cảnh chiến tranh tàn khốc. Hằng ngày, các đoàn máy bay phóng pháo Mỹ, từ một hàng không mẫu hạm đậu ngoài biển khơi, đột nhiên xuất hiện, nhào xuống bắn từng loạt liên thanh vào các chuyến xe lửa đang chạy, và dội hàng tấn bom nặng nhẹ xuống trên các nhà cửa tình nghi có quân đội Nhật chiếm đóng.
Thành phố Sài Gòn có lẽ bị nặng nhất: không mấy ngày mà không có máy bay Mỹ tới dội bom. Một số gia đình kéo nhau tản cư về Lục Tỉnh lánh nạn. Các người vì hoàn cảnh phải ở lại, sống phập phồng lo sợ, ăn không ngon, ngủ không yên. Nét mặt người nào cũng hốc hác xanh xao, lộ vẻ kinh hoàng. Chợ Bến Thành thưa thớt người, thành phố ban ngày rất ít kẻ qua lại…
Sáng hôm ấy, cửa hiệu bán xe đạp Nghĩa Hưng chỉ mở một cánh cửa. Ông Nghĩa Hưng đang coi thợ lắp mấy chiếc xe đạp cho khách hàng đã hẹn tới lấy. Bà Nghĩa Hưng chạy vội ra chợ mua các thức ăn cần dùng. Bốn đứa con, 3 trai 1 gái: Thái 18 tuổi, Thông 15, Thu Thảo 12 và Thanh 10 tuổi, đang ngồi chơi bài với nhau trong phòng. Đã mấy tháng nay, trường học đóng cửa: không có việc làm, lại không được bước chân ra khỏi nhà, các cô cậu thật buồn bã tù túng. Ông Nghĩa Hưng bảo Thái dạy các em mỗi ngày vài giờ, kẻo để chúng quên cả sách vở. Chơi bài một lúc, Thái bảo hai em nhỏ:
- Thôi nghỉ chơi, Thu Thảo và Thanh lấy bài học cho thuộc đi. Còn Thông lên phòng anh lấy bài làm.
Thu Thảo bản tính hiền lành, vâng lời anh, về phòng lấy sách ra học. Còn cậu Thanh vẫn ngồi lì đó, tay mân mê cỗ bài: cậu tiếc rẻ buổi chơi còn đang hăng, lại bị cắt ngang! Thông đi theo anh lên gác. Thái làm hiệu bảo em vào phòng rồi nhìn xuống cầu thang như sợ ai theo dõi đoạn đóng cửa lại. Thông thấy anh cẩn thận khác thường, vội hỏi:
- Có chuyện gì thế anh Thái?
Thái kéo Thông ngồi xuống thành giường, nói nhỏ:
- Chốc nữa anh sẽ đi xa, có lẽ lâu lắm mới về!
Thông ngạc nhiên trợn tròn đôi mắt:
- Anh đi đâu? Sao anh không cho ba má biết?
Thái cau mặt xì một tiếng:
- Nếu ba má biết thì anh đâu có đi được. Bây giờ anh cho em biết rồi em sẽ tùy đó mà trình bày lại cho ba má giúp anh. Nhưng em nhớ chỉ nói riêng với ba má thôi, chớ đừng cho Thu Thảo và thằng Thanh biết, chúng nó còn nhỏ dại, biết càng thêm nguy hiểm.
Thấy anh cắt nghĩa dài dòng quá. Thông chịu không nổi:
- Biết rồi, cắt nghĩa mãi! Mà anh đi đâu mới được chứ?
Giọng Thái hạ trầm xuống hơn nữa, chỉ đủ cho Thông nghe:
- Anh với mấy người bạn, đi theo quân đội Nhật để chống Pháp! Nếu tụi anh không đi, thì rồi cũng bị Pháp bắt. Họ đã nghĩ tụi anh liên lạc với Nhật để chống họ. Chi bằng đi trước đi, đỡ lo! Em quả quyết với ba má là anh sẽ không bị nguy hiểm gì hết, vì họ sẽ đem anh đi chỗ khác yên lành lắm. Một thời gian, tình thế thay đổi anh sẽ trở về!
Nghe Thái nói, Thông nhận thấy việc Thái ra đi là cần kíp nên gật đầu tán thành:
- Vâng, em sẽ cố gắng giải thích cho ba má hiểu. Nhưng anh nhớ cẩn thận giữ gìn kẻo lỡ xảy ra chuyện gì nguy hiểm thì chắc ba má buồn nát ruột gan. Anh biết ba má đặt rất nhiều hy vọng vào anh mà!
Nghĩ đến nỗi lo lắng của ba má sau khi mình ra đi, Thái rươm rướm nước mắt. Thu xếp vội vàng vài đồ cần dùng gói vào chiếc khăn nhỏ, hai anh em dẫn nhau ra cửa sau. Thái lặng lẽ bắt tay từ giã em, rồi lách mình ra ngoài. Thông khóa cửa lại, đoạn trở về phòng học.
Bà Nghĩa Hưng đi chợ vừa bước chân vào nhà thì còi báo động vang lên:
- Ụ u u u … Ụ u u u … Ụ u u u … Ụ u u u …
- Bà chạy vội xuống bếp, cất thức ăn vào tủ, miệng kêu các con:
- Thái ơi, Thông ơi, dẫn các em xuống hầm mau lên, mau lên!
Thu Thảo nhát gan, vừa nghe còi báo động, cô bé đã tuột xuống ngồi run rẩy trong góc hầm. Thằng Thanh chưa chịu xuống, nó lần ra phía cửa nhìn lên trời xem máy bay, bị cha nó cho một bạt tay và thét:
- Thái đâu, sao không lôi cổ thằng ranh con này xuống hầm, còn cho nó đi lang thang đây!
Thông ở trong phòng chạy vội ra kéo em vào hầm trú, vừa cốc mấy cái vào đầu nó, vừa mắng:
- Mày là thằng gan lì nhất, nghe báo động thì chạy xuống hầm liền đi, còn tò mò cái gì nữa hử ? Chưa nghe bom nổ à? Sao mà liều thế?
Hai người thợ nghe báo động cũng xin về ngay, kẻo vợ con ở nhà lo sợ. Ông Nghĩa Hưng đóng vội cửa sắt rồi hai ông bà xuống hầm. Tiếng còi báo động vẫn vang lên cấp bách. Vừa xuống khỏi cửa hầm, ông bà chỉ thấy ba đứa con, vội hỏi:
- Thông, anh Thái mày đâu, sao không xuống?
Thông ấp úng trả lời:
- Anh ấy ra bài cho con làm rồi đi, con hỏi anh ấy đi đâu, anh bảo là anh đi sang nhà người bạn học có chuyện cần.
Bà Nghĩa Hưng kêu lên:
- Chuyện cần gì mà chuyện cần? Má đã dặn: thời buổi này nguy hiểm lắm đừng ra khỏi nhà, thế mà các con có nghe lời đâu!
Bỗng có tiếng động cơ kêu như xé, tiếp theo là những tiếng bom nổ rầm trời, căn phố Nghĩa Hưng lung lay như muốn đổ sập xuống: đồ đạc trong nhà rơi loảng xoảng. Ngọn đèn điện trong hầm vụt tắt. Thu Thảo sợ quá ôm chầm lấy mẹ kêu thét lên:
- Má ơi, con sợ lắm!
Bà Nghĩa Hưng ôm con vào lòng, vỗ về:
- Con sợ gì, có má đây mà!
Ông Nghĩa Hưng thì thầm bên tai vợ:
- Hình như bom nổ rất gần nhà ta, mình à!
Bà Nghĩa Hưng chỉ gật đầu trả lời chồng, vì trong trí bà đang lo lắng không biết Thái ở đâu, có nấp kịp vào hầm trú nhà ai không. Nghĩ đến thảm cảnh có thể xảy đến cho con, bất giác bà nghẹn ngào, hai hàng nước mắt từ từ chảy xuống…
Tiếng còi lại rú lên báo tin máy bay địch đã đi xa. Ông Nghĩa Hưng vội vàng đi tìm Thái. Cách nhà ông không xa, một cảnh đổ vỡ tan tành, nhiều xác chết nằm ngổn ngang, máu me chan hòa mặt đất. Quân đội Nhật đang đào bới, để cứu người bị kẹt dưới đống gạch đá. Trước đây, quân Nhật trú đóng trong nhà lầu thường bị máy bay địch dội bom, nên họ đã bí mật dời đến ở các phố trệt, thế mà không hiểu sao địch quân vẫn biết được. Cuộc ném bom hôm nay, kể là trúng mục tiêu: quân đội Nhật bị chết khá nhiều, nhưng một số người dân lành vẫn bị chết oan.
Ông Nghĩa Hưng đi hỏi thăm mấy nhà quen, thì ra con trai lớn của họ cũng bỏ đi đâu từ sáng, và họ cũng đang dáo dác đi tìm. Biết chắc có một tổ chức gì đây, ông trở về vặn hỏi thằng Thông và Thông đã kể lại trước sau cho cha mẹ yên tâm. Nhưng yên tâm làm sao được: bà Nghĩa Hưng ruột ngấu như tương, vì không biết con đi đâu, ở đâu…
Sau vụ ném bom ấy, quân đội Nhật đâm ra nghi ngờ thiện chí của Pháp. Nhật thừa hiểu Pháp vì yếu thế, nên phải chịu cho Nhật mượn Việt Nam, nhưng Pháp vẫn ngấm ngầm liên lạc với Mỹ, điểm chỉ cho máy bay Mỹ đến thả bom những chỗ quân đội Nhật trú đóng. Cho nên đêm mồng 8, rạng mồng 9 tháng 3 dương lịch năm 1945, Nhật lật đổ Pháp, chiếm lấy Việt Nam. Về hành chánh, bề ngoài Nhật giao nước Việt Nam cho người Việt Nam cai trị, nhưng sự thật Nhật vẫn toàn quyền hành động. Tình thế trở nên căng thẳng hơn. Máy bay Mỹ có người Pháp chỉ đường, lại ném bom phá hoại nhiều cơ sở quan trọng Nhật hơn trước.
Một buổi tối các con đã ngủ yên, cả ông bà Nghĩa Hưng vẫn còn bàn chuyện to nhỏ với nhau. Ông thở dài bảo vợ:
- Tôi xem tình thế này còn kéo dài, không thể làm ăn gì được nữa! Quân đội Nhật bây giờ lại đến đóng gần nhà mình, tôi tưởng mình có ngày cũng bị lây bom đạn. Hay là mình khóa cửa nhà, đem con cái xuống Mỹ Tho ở tạm ít lâu, đợi tình thế yên ổn rồi lại trở về. Mai mình sang bàn chuyện với anh chị Đức Hợp, xem anh chị có đi thì đi một thể cho vui.
Bà Nghĩa Hưng buồn rầu trả lời:
- Thế con nó trở về thì biết đâu mà tìm?
- Ồ, nó lớn rồi chớ nhỏ nhít gì nữa? Mình dặn phòng hờ các nhà lân cận đây, nếu nó về thì nhờ bảo xuống Mỹ Tho tìm gia đình.
Ông bà Đức Hợp buôn hàng tạp hóa ở cùng đường phố với ông bà Nghĩa Hưng. Hai bên qua lại chơi với nhau rất thân. Ông bà Đức Hợp hiếm con, chỉ được một trai một gái: đứa con trai tên Hùng bằng tuổi Thanh, cô gái út tên Thúy Hạnh mới lên bảy.
Sáng hôm sau, bà Nghĩa Hưng sang nhà ông bà Đức Hợp bàn chuyện tản cư. Ông bà Đức Hợp cũng đang lo lắng muốn đi, nhưng sợ đi một mình, nay có gia đình ông bà Nghĩa Hưng cùng đi, rất lấy làm vui mừng. Hai bà bàn bạc với nhau đâu vào đó, bà Nghĩa Hưng về thuật chuyện lại với chồng. Cả nhà lo dọn dẹp, cất đặt các thứ đáng giá vào trong hầm trú, khóa cửa hầm lại cẩn thận, còn các đồ kềnh càng thì cũng thu dọn vào một phòng, khóa kín lại. Ông bà chỉ đem theo các thứ cần dùng và tiền bạc. Sáu giờ chiều hôm sau đó, khi mặt trời sắp lặn, hai gia đình thuê hai xe “lô ca xông” đi Mỹ Tho,
Ban ngày vì sợ máy bay bắn, nên đường sá vắng teo, nhưng từ chập tối, xe cộ qua lại rất nhiều. Vì luật phòng thủ, xe chạy phải che đèn, nên đi rất chậm, mãi đến gần 10 giờ đêm mới đến Mỹ Tho.
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Lòng Mẹ Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Lòng Mẹ   *_Lòng Mẹ I_icon13Sun 17 Mar 2013, 20:27

Chương 02

Thành phố Mỹ Tho hẹp, người tản cư về nhiều nên chật ních. Có người ở lại đó tìm phương kế tạm sinh sống, kẻ khác còn đi về các miền xa hơn nữa. Một người buôn bán ở đây, trước vẫn thường lên Sài Gòn cất hàng nơi hiệu Đức Hợp, nay thấy hai gia đình quen biết tản cư về, họ tiếp đón rất tử tế. Họ thu xếp xuống ở tầng dưới, nhường trên gác cho hai gia đình ở tạm. Hai gia đình gồm bốn người lớn và năm đứa con, chen chúc trong một cái gác, kể cũng chật chội, nhưng hoàn cảnh tản cư được như thế này là đáng mừng rồi.
Chỗ ở tạm yên, bà Nghĩa Hưng và bà Đức Hợp bàn tính với nhau, buôn bán vặt vãnh để kiếm tí lời, chớ ăn không ngồi rồi thì bạc tiền bao nhiêu cũng sẽ hết. Nhờ có ông bà chủ nhà giúp ý kiến, nên vài hôm sau, mỗi buổi sáng, cơm nước xong, hai bà về Cai Lậy mua trái trăng, thịt cá từ miền quê đưa ra, đem về Mỹ Tho bán lại. Lời lãi ngày ít ngày nhiều đắp đổi. Nhờ đó mà tiền vốn mang đi không đến nổi hao hụt.
Việc sinh sống hằng ngày tạm yên, hai bà lại lo lắng về nỗi con cái: chúng nó không có chỗ học hành, ăn rồi nghịch phá, nhiều khi làm cho chủ nhà cũng phải khó chịu. Hai bà đi dọ hỏi, biết có một cô giáo cũng tản cư về đây, hai bà liền đến nhờ cô mỗi ngày dạy tụi trẻ vài giờ, để cho chúng khỏi quên sách vở và cũng để cho chúng bớt nghịch phá, làm phiền lòng kẻ khác. Cô giáo cũng đang tìm việc, liền vui vẻ nhận lời. Từ hôm đó, buổi sáng hai giờ, buổi chiều một giờ, các cô cậu Thu Thảo, Thúy Hạnh và Thanh phải cắp sách đến nhà cô giáo để học. Chỉ có Thông, học cao, không có lớp, nên được đi chơi lang thang cả ngày.
Phần các ông Nghĩa Hưng và Đức Hợp thì thật là nhàn hạ. Không có việc gì làm, các ông họp nhau đánh tổ tôm và uống rượu. Nhà ông bà Đức Hợp có người ở lo cơm nước, còn nhà Nghĩa Hưng không có, nên buổi sáng, trước khi đi mua hàng, bà phải nấu luôn cơm trưa sẵn đó rồi mới đi, đến chiều về, dẫu mệt mỏi hết sức, bà vẫn phải chúi đầu vào bếp làm cơm tối: ông Nghĩa Hưng chẳng đỡ đần bà được việc gì cả. Tuy vậy, bà vẫn vui lòng chịu đựng; bà biết ông đang buồn về thằng Thái. Trong mấy đứa con, ông thương thằng Thái nhất. Mới 18 tuổi, nó đã đậu tú tài toàn phần, ông hy vọng về sau đứa con đầu lòng ông sẽ trở thành một nhà luật sư tài giỏi. Tương lai nó được rạng rỡ, mà ông cũng được nó đỡ đần khi về già. Bây giờ nó bỏ nhà đi biệt tích, không biết sẽ ra thế nào, cho nên ông đâm ra chán nản, chẳng thiết làm ăn gì nữa. Hằng ngày ông chỉ đánh cờ, uống rượu rồi ngủ, bỏ mọi sự mặc bà lo lắng.
Một buổi chiều, Thông dẫn em Thanh đi chơi với chúng bạn Thông vừa quen biết. Các cậu vào phố mua một ít kẹo rồi dẫn nhau ra khỏi thành phố chơi cho mát. Đi ngang một lùm rậm rạp có nhiều cây cao, cành lá rườm rà, Thông đề nghị chúng bạn vào đó chơi. Một cậu lắc đầu quầy quậy:
- Anh có gan thì vào, chớ tụi tôi thì sợ lắm!
Thông ngạc nhiên hỏi lại:
- Lùm cây có gì mà anh sợ? Có rắn hả?
- Không phải sợ rắn, mà sợ cái khác. Anh thấy phía sau trong lùm cây có cái miếu thờ nho nhỏ đó không? Miếu này thiêng lắm. Tôi nghe ba tôi kể chuyện: Ngày xửa ngày xưa, ở vùng này có một ông phú hộ thọt chân, ông rất thương người nghèo khó. Thường ngày, ông chống gậy đi quanh trong xóm làng, ai túng cực, ông kêu đến cho lúa thóc đem về nuôi con cái. Nhân dân trong vùng, ai cũng cảm mến ân đức của ông. Khi ông mất, họ lập miếu này để thờ ông. Cái gậy ông dùng lúc sinh thờ, họ để trên bàn thờ như một báu vật. Lúc đầu người ta đến kính viếng, cầu khấn luôn. Về sau này, ít người biết truyện ông, nên thỉnh thoảng mới có người tới. Miếu ông vì thế mới vắng vẻ, âm u, dễ sợ!
Thông bỉu môi “xì” một cái :
- Vậy mà dễ sợ cái gì?
Cả bọn nhao nhao :
- Anh không cho là dễ sợ à ? Thế thì tụi tôi đố anh vào trong miếu một mình xem. Miếu lúc nào cũng mở cửa, anh vào thử đi !
Thông hơi chột dạ, nhưng đã lỡ làm gan, cũng nói liều luôn :
- Được rồi để tôi vào đó một mình cho các anh xem !
Một cậu bảo :
- Nhưng lấy gì làm chứng là anh có vào trong miếu đó mới được chứ ? Anh chưa vào, mà anh bảo đã vào rồi thì sao ? Thôi thế này : Anh lấy chiếc gậy trên bàn thờ ra đây cho tụi tôi tin.
Cả bọn vỗ tay tán thành. Thấy Thông ngần ngại, một cậu lớn hơn cả, tươi cười bảo :
- Chắc là anh Thông sợ rồi, thôi chịu thua đi cho xong !
Chạm tự ái, Thông cương quyết:
- Nhất định tôi sẽ vào lấy chiếc gậy ấy về nhà cho các anh xem. Nhưng mà các anh cuộc gì mới được chứ?
- Tụi tôi cuộc thế này: từ đây cho đến 8 giờ sáng mai, nếu anh lấy chiếc gậy ấy về nhà, thì tụi tôi đãi anh một chầu phở no nê. Còn như anh không lấy được thì anh phải đãi lại tụi tôi, chịu không?
Thông biết mình đi quá đà, không thể thối lui được nữa bèn giơ ngón tay ra bảo :
- Được rồi, sáng mai các anh đến nhà tôi mà xem !
Hai bên “ngoéo” tay nhau rồi giải tán. Trên đường về, Thông mới cảm thấy cái dại của mình. Trong một phút bốc đồng, cậu đã tỏ ra mình can đảm. Nhưng bây giờ, cơn hăng nồng lắng xuống, cậu lo nghĩ chưa biết làm cách nào để lấy chiếc gậy trong miếu thờ ấy. Ban ngày thì có người gác, ban đêm thì, eo ơi ! Tối tăm hoang vắng như thế làm sao mà vào ! Rủi ông Phú hộ ấy linh thiêng, ổng hiện ra bóp cổ thì còn gì ?
Thằng Thanh thì khác, nó tưởng anh Thông nó cũng “chì” lắm. Nó hỏi liến thoắng :
- Anh Thông này, khi nào anh đi vào trong miếu đó, cho em đi với !
Nghe em nói, Thông mừng rỡ như người chết đuối vớ được tấm ván :
- Ừ, cơm tối xong có trăng, anh em mình kiếm cớ xin phép ba má đi chơi rồi đi thẳng vào miếu, nghe Thanh !
Cơm tối xong, ông Nghĩa Hưng và ông Đức Hợp lại đi đánh tổ tôm. Hai bà ngồi nói chuyện với nhau. Thu Thảo, Hùng và Thúy Hạnh sắp đồ ra chơi. Thông nháy mắt làm hiệu cho Thanh, rồi cả hai nhẹ nhàng xuống cầu thang. Ra khỏi thành phố, hai anh em đi đến trước lùm cây hồi chiều. Trống ngực Thông đập mạnh hơn trống làng, nhưng cậu vẫn làm bộ tỉnh táo bảo em :
- Thanh nè, cả hai đứa cùng vào không tiện, lỡ có ai ngoài này đi vào bắt được thì sao? Bây giờ em vào một mình để anh gác ngoài này. Có ai, anh sẽ hú cho em biết mà nấp đi.
Thanh cho là phải, bằng lòng đi một mình. Cậu theo đường mòn vào đến trước miếu. Của chỉ đóng chớ không khóa. Cậu xô một cái là cửa mở. Trong miếu tối om phảng phất mùi hương. Cậu bật một que diêm : ánh sáng bùng lên, cậu thấy ngay chiếc gậy để trên bàn thờ. Cậu bước lại run run cầm lấy và chạy một mạch ra đường cái. Nghe chân em chạy thình thịch, Thông đi vào một quãng đón em. Thấy chiếc gậy trong tay em, Thông mừng hết sức.
Thế là nhờ em mà Thanh và Thông được cuộc, được tụi bạn phục là can đảm. Thông định bụng đến chiều tối lại nhờ Thanh đưa vào miếu trả lại, nhưng chưa kịp thi hành thì mọi chuyện vở lỡ: ông Từ lo sạch sẽ trong miếu, sáng hôm đó vào quét dọn, thấy mất chiếc gậy thờ, liền tri hô lên. Ông chạy về thành phố, gặp ai ông cũng kể chuyện. Tin mất gậy thờ đồn từ người này sang người khác, và cuối cùng nhờ tụi trẻ kháo láo với nhau, họ tìm ra thủ phạm. Ông Từ liền đến tìm ông Nghĩa Hưng và trình bày tự sự. Ông Nghĩa Hưng điếng người: ông không dè con cái ông lại nghịch đến thế. Ông giận con run người lên, nhưng “Con dại cái mang”, lại vì có người ngoài nên ông cố cầm mình, lấy lời từ tốn tạ lỗi, và đem chiếc gậy trả lại cho ông Từ. Ông Từ là người hiểu biết, ông cho là trẻ con dại dột, chứ không phải là chúng nó có ý xúc phạm đến thần linh.
Chờ cho ông Từ ra về một lúc, ông Nghĩa Hưng mới gọi Thông, Thanh ra tra hỏi. Thông sợ tái mặt, đổ lỗi cho em. Ông Nghĩa Hưng vốn lâu nay không ưa thằng Thanh, vì bản tính nó gan góc, liều lĩnh. Nghe nói thế, ông liền chụp lấy cổ thằng Thanh, đè nằm sấp xuống sàn nhà, trói tay chân nó lại, rồi lấy chiếc roi mây vừa quất vừa thét:
- Mày là thằng con vô phúc! Mày bêu xấu, bêu hổ cho tao: tao phải đánh chết mày mới được!
Thằng Thanh đau quá, lăn lộn trên sàn nhà, khóc la om sòm. Ông bà chủ nhà và ông Đức Hợp chạy lên can ông, nhưng thấy ông hung dữ quá, không ai dám vào. Hai mắt ông đỏ kè như hai cục than lửa, mình mẩy ông nóng rực. Thu Thảo sợ ba đánh chết em, vội vàng chạy ra chợ kêu mẹ. Bà Nghĩa Hưng giao hàng cho bà Đức Hợp, tất tả chạy về. Bà vừa lên gác thấy chồng đang mím môi, mím lợi đánh con chí tử. Bà xông vào ôm choàng lấy chồng,vừa khóc vừa nói:
- Ông ơi, con dại dột thì đánh nó vài roi đủ rồi, chứ ông định giết con hay sao mà đánh con dữ tợn thế này?
Ông Nghĩa Hưng như điên cuồng, xô vợ ra quát:
- Bà đừng bênh con, lui ra, không tôi đánh cả bà!
- Thôi xin ông bớt giận, ông đánh con đau lắm rồi, xin ông tha cho con!
Miệng bà nói, hai tay bà giữ chặt lấy ông, mặc cho ông xô đẩy. Lòng thương con thêm sức mạnh cho bà. Cuối cùng ông đành chịu thua, ông cất roi, bỏ đi xuống dưới nhà. Trước khi ông đi, ông còn đe:
- Tối nay, tôi cấm bà không được cho nó ăn một hột cơm nào. Cái thứ con vô phúc đó phải trị cho mạt kiếp nó đi!
Bà Nghĩa Hưng mở trói cho con, rồi bồng lên giường. Cởi áo con ra, trời ơi! Bà thấy vô số lằn roi rướm máu, sưng vù, ngang dọc trên thân con. Bà khóc tấm tức:
- Con ơi, sao con dại dột thế! Con làm cho ba con càng ghét con thêm!
Bà lấy dầu xoa các vết lằn cho con và nhờ bà chủ đi mua thuốc an thần cho con uống. Nghe Thu Thảo thuật truyện lại, bà hiểu nguyên do là tại Thông. Bà gọi Thông vào bảo:
- Chính con đã xúi em con làm bậy, chớ đâu phải tại nó! Thế mà con sợ, lại đỗ lỗi cho nó! Má bỏ qua đi, chứ má phân tích ra thì ba con cũng cho con một trận đòn nên thân. Có điều là cách con xử sự với em út như thế rất hèn hạ, rất đáng khinh bỉ!
Thông biết lỗi xấu hổ cúi đầu lặng thinh. Tội nghiệp thằng Thanh, sau trận đòn hung dữ ấy, em liệt giường liệt chiếu mất 3, 4 ngày mới ngồi dậy được. Bà Nghĩa-Hưng bỏ cả buôn bán để săn sóc con. Thu-Thảo, Hùng và Thúy-Hạnh cũng không đi học, ở nhà chơi với Thanh. Thông xem ra hối hận lắm, cậu dốc hết tiền dành dụm lâu nay, đi mua kẹo bánh và đồ chơi về cho em để chuộc lỗi. Bản tính Thanh hay quên, em chẳng oán hận gì anh, chỉ xuýt xoa :
- Ba đánh em đau quá ! Nếu không có má can, chắc ba đánh em chết mất !
Sau cơn nóng giận, ông Nghĩa-Hưng cũng tự nhận mình đã quá tàn nhẫn với con, ông cố vui vẻ hiền từ, để hàn gắn lại tình cha con. Tuy vậy, trong thâm tâm, ông vẫn không ưa thằng con út của ông : ông cho rằng nó nghịch ngợm, cứng đầu, không ngoan ngoãn như các anh chị nó.
Nghỉ học mất một tuần, Thu-Thảo, Thanh Hùng và Thúy Hạnh đi học lại. Cô giáo đã biết chuyện mới xảy ra, cô sợ liên lụy nên không chịu dạy các em ấy nữa. Bà Nghĩa Hưng phải năn nỉ hết lời, cô mới dạy lại.
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Lòng Mẹ Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Lòng Mẹ   *_Lòng Mẹ I_icon13Sun 17 Mar 2013, 20:28

Chương 03

Chiến tranh Mỹ - Nhật ở Thái Bình Dương tiếp diễn một cách ác liệt hơn trước. Đùng một cái, trung tuần tháng 9 năm 1945, Mỹ thả hai quả bom nguyên tử đầu tiên xuống trên đất Nhật, làm bình địa hai thành phố lớn là Hiroshima và Nagasaki, gây thiệt hại nặng nề cho Nhật Bản. Nhật Hoàng lo sợ, xin đầu hàng vô điều kiện và ra lệnh cho quân đội Nhật trên khắp các mặt trận phải hạ khí giới. Thật là một tiếng sét làm ngã ngửa tất cả quân đội Nhật và làm rúng động cả thế giới!
Nhật đã đầu hàng Mỹ! Nhật đã đầu hàng Mỹ! Tin ấy truyền từ miệng người này qua kẻ khác. Cục diện thế giới thay đổi: chiến tranh chấm dứt! Các người tản cư sung sướng thu xếp hành trang trở về thành phố
Đợi một vài hôm để nghe tin tức cho chắc chắn, ông bà Đức Hợp bàn với ông bà Nghĩa Hưng đem gia đình trở về Sài Gòn. Ông Nghĩa Hưng chán nản trả lời:
- Anh chị và các cháu trở về trước đi, tôi thì chưa định sao cả.
Ông thở dài nói tiếp:
- Nếu cháu Thái còn thì tôi mới về Sài Gòn, bằng không, tôi thuê nhà ở lại đây luôn. Anh chị xem: bao nhiêu hy vọng tôi đặt vào cháu; nếu cháu có thế nào, tôi còn lòng trí đâu mà làm ăn được nữa!
Thấy ông trả lời một cách cương quyết như thế, bà Nghĩa Hưng và ba đứa con chỉ nhìn nhau và ứa nước mắt. Từ ngày tản cư, sống cực sống khổ, bà và con cái chỉ chờ đợi ngày trở về, thế mà bây giờ ông nhất định ở lại. Bà không dám cản ngăn ông sợ ông nổi khùng, thêm khổ.
Sáng hôm sau, ông bà Đức Hợp và hai đứa con thuê xe trở về Sài Gòn. Bà Nghĩa Hưng và ba đưa con tiễn chân ra tận bến xe. Bà nhờ ông bà Đức Hợp khi về đến Sài Gòn, hỏi tin tức Thái cho. Hùng, Thanh, Thu Thảo, Thúy Hạnh nắm lấy tay nhau khóc ròng. Lâu nay, các em chơi thân với nhau, thương yêu nhau như ruột thịt; bây giờ kẻ ở người về, không biết khi nào lại được gặp nhau.
Ông bà Đức Hợp trở về Sài Gòn mới được vài hôm, mà bà Nghĩa Hưng cảm thấy lâu dài quá sức, một đàng vì bà mong tin Thái, đàng khác vì buồn.
Hai hôm nay, bà không đi mua hàng nữa. Thu Thảo và Thanh cũng ở nhà vì cô giáo đã hồi cư. Ông Nghĩa Hưng hết bạn đánh cờ, ông uống rượu nhiều hơn. Rượu say, ông nằm ngủ. Căn gác trước đây, ngày còn gia đình ông bà Đức Hợp ở chung, lúc nào cũng vang rộn tiếng cười đùa của bọn trẻ, bây giờ thì vắng vẻ như “Chùa bà Đanh”!
Chiều hôm thứ hai, bà Nghĩa Hưng dọn cơm tối ra, lại đánh thức chồng dậy. Ông lè nhè, giọng sặc mùi rượu:
- Bà và các con ăn đi, tôi không đói!
Bà buồn rầu, xới cơm cho ba đứa con ăn. Lòng bà như tơ vò, không biết cách làm cho chồng hăng hái trở lại công việc làm ăn, chứ kéo dài cuộc sống như thế này rồi tương lai con cái sẽ ra sao? Ba đứa con ăn đã gần xong bữa, mà bát cơm của bà vẫn chưa mất một miếng! Bọn trẻ vừa ăn vừa nói chuyện thì thầm với nhau. Bỗng có tiếng chân bước lên cầu thang. Vừa thấy đầu người ló vào cửa, Thu Thảo đã reo lên:
- Ơ kìa! Anh Thái về, má ơi!
Bà Nghĩa Hưng quay lại nhìn: Thái trở về thật! Bà vội bỏ bát cơm xuống, đứng dậy ôm choàng lấy con nghẹn ngào:
- Trời ơi, con đi đâu để ba má lo lắng, mất ăn, mất ngủ bấy lâu nay?
Ba đứa con chạy lại đánh thức ông dậy:
- Ba ơi! Anh Thái về!
Ông Nghĩa Hưng choàng dậy, thấy đứa con cưng, ông tỉnh hẳn rượu, nắm lấy tay con mừng rỡ:
- A, Thái! Con ở đâu về đây? Thật ba nhớ con hết sức!
Thái ngồi xuống bên cạnh cha kể chuyện nhỏ tiếng:
- Con và mấy đứa bạn bị Pháp tình nghi. Sợ ở nhà sẽ bị bắt nên chúng con trốn theo quân đội Nhật. Mới đây, Nhật Bản đầu hàng đồng minh, chúng con lại trốn về. Con về đến nhà, thấy nhà đóng cửa, con sang nhà bác Đức Hợp thì may gặp hai bác vừa tản cư về. Hai bác chỉ cho con xuống đây.
Bà Nghĩa Hưng đang lắng tai nghe con nói, bỗng bà sực nhớ ra, vội vàng đứng dậy bảo:
- Con kể tiếp cho ba con nghe đi, má chạy ra phố mua tí đồ ăn, ba con cũng chưa dùng cơm tối đâu.
Gặp được con, ông Nghĩa Hưng vui mừng hết sức, vừa ăn vừa bàn chuyện với con. Bao nhiêu hy vọng của ông tan biến từ trước, nay hiện lên chắc chắn rực rỡ. Các em Thái vui vì sẽ chóng được trở về Sài Gòn, gặp lại bạn bè, tiếp tục việc học. Riêng bà Nghĩa Hưng, có lẽ bà sung sướng hơn cả. Mấy tháng trời, Thái đi biệt tích, có lúc nào lòng bà lại không nghĩ đến con! Nay con trở về, thật chẳng khác gì như thấy con đã chết đi mà sống lại. Một điều làm cho bà vui mừng hơn nữa là nhờ Thái trở về, chồng bà sẽ tìm lại được nguồn an ủi để hăng hái làm ăn, cho tương lai con cái khỏi khổ.
Trưa hôm sau, ông bà và các con, cám ơn và từ giã gia đình ông bà chủ đã vui lòng cho nương náu mấy tháng nay, rồi thuê xe trở về Sài Gòn. Mất gần một tuần dọn dẹp, sắp đặt mọi sự khang trang, hiệu buôn bán xe đạp Nghĩa Hưng lại mở cửa đón khách hàng. Hai người thợ cũ cũng đến làm việc lại. Công việc làm ăn mỗi ngày một tiến, ông Nghĩa Hưng vay thêm tiền để mua dụng cụ, và gọi thêm thợ làm để cung ứng kịp hàng cho khách mua. Lúc này xe đạp bán được nhiều. Người dân quê đã nhận thấy lợi ích của xe đạp, nên dù nghèo cực họ cũng cố dành dụm đồng tiền để sắm cho được một chiếc.
Con cái ông bà lại tiếp tục việc học: Thái vào Đại học Luật Khoa, Thông vào trung học, Thu Thảo và Thanh theo tiểu học. Ít tháng sau thời cuộc lại thay đổi, nhưng ở Sài Gòn, lần này không ảnh hưởng đến công việc làm ăn bao nhiêu.
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Lòng Mẹ Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Lòng Mẹ   *_Lòng Mẹ I_icon13Sun 17 Mar 2013, 20:29

Chương 04

Bảy năm sau …
Gia đình ông bà Nghĩa Hưng thay đổi hẳn bộ mặt. Thái đã trở thành một vị luật sư trẻ tuổi có tài hùng biện… Đậu cử nhân luật, Thái xin vào tập sự với một vị luật sư lão thành. Hai năm sau, chàng thành hôn với ái nữ của ông và được nhạc gia cho một căn nhà hai tầng để ở và mở văn phòng tiếp thân chủ. Thái đã được kết quả mong muốn của thân sinh.
Thông học hết tú tài, thi vào trường Mỹ Thuật chuyên ngành về hội họa. Sau bốn năm thành tài, chàng cũng lập gia đình. Người bạn đường của chàng là cô bạn học cùng lớp. Đôi vợ chồng nghệ sĩ này, xin ra ở riêng, mở xưởng vẽ. Hai lần triển lãm các họa phẩm, tài danh cả hai đã được nhiều người mộ mến. Các bức họa của họ đã được hỏi mua với giá khá cao. Ban ngày, cả hai vợ chồng cặm cụi vào việc sáng tác trong xưởng vẽ. Nhưng ban đêm, căn nhà của họ, là nơi hội họp các nghệ sĩ tài hoa son trẻ, với những cuộc vui đùa kéo dài nhiều lúc thâu đêm.
Thu Thảo sau khi đậu trung học, cũng từ giã cha mẹ, lên xe hoa về nhà chồng. Chồng nàng là một tư chức, lương phạn vừa đủ, nhưng đôi vợ chồng trẻ tuổi này hiểu biết nhau, nên bầu không khí gia đình rất êm đềm hòa hợp.
Ông Nghĩa Hưng sung sướng mãn nguyện nhìn bầy con đủ lông đủ cánh, lìa tổ ấm ra đời sống tự lập. Bà Nghĩa Hưng tuy cũng rất vui mừng vì con cái nên danh nên phận, nhưng lòng người mẹ, khi nhớ lại những lúc bồng con trên tay, cho con bú mớm, lo lắng săn sóc tiếng con vui đùa, líu lo kể chuyện - bây giờ trong nhà vắng vẻ quạnh hiu, không còn nghe tiếng cười đùa của con cái, tự nhiên bà ứa nước mắt, lòng bà cảm thấy cô độc, những niềm an ủi xưa kia, nay như mất hết!
Bà chỉ còn Thanh, niềm an ủi cuối cùng của bà. Nhưng bà cảm thấy buồn khổ hơn là an ủi vì chồng bà thường tỏ ra lãnh đạm với Thanh tuy nó không làm gì phật ý ông. Thanh học đến tú tài I, hai lần thi hỏng, chàng thôi học. Lúc đầu chàng định ở nhà giúp thân sinh, coi sóc người làm, nhưng bà mẹ sợ giữa cha con có điều gì bất đồng ý kiến xảy ra chăng, nên bà khuyên con nên tìm việc khác. Chàng xin vào làm thư ký cho Hãng nước mắm Phú Quốc, đặt trụ sở tại Sài Gòn. Lương tiền được bao nhiêu chàng đem cả về cho mẹ.
Tính tình Thanh vẫn như hồi nhỏ: gan dạ, thích mạo hiểm, nhưng nóng nảy, bướng bỉnh. Trông thấy chuyện bất bằng nào, dù không can dự gì đến chàng, chàng cũng lên tiếng phản đối. Bởi thế có lần chàng bị bọn du đãng suýt đánh chết!
Một buổi chiều tan sở làm, Thanh đạp xe vào vườn Bách Thú dạo chơi một vòng. Bỗng chàng nghe có tiếng kêu khóc về phía cầu sông Thị Nghè. Chàng chạy lại, thì ra bốn cậu thanh niên, đầu chải tém, mặc quần áo rằn ri, đang vây quanh ba cô học sinh, chọc ghẹo nhảm nhí. Các cô sợ hãi cuống cuồng, nhưng không biết làm cách nào thoát ra được, chỉ đứng kêu khóc. Trong số ba cô có Thúy Hạnh, con ông bà Đức Hợp, Thúy Hạnh bất ngờ thấy Thanh, cô mừng rỡ gọi:
- Anh Thanh ơi! Cứu chúng em với. Mấy cậu này cản đường không cho chúng em về!
Thanh dựa xe đạp vào gốc cây, khuỳnh tay, mắt nhìn trừng trừng vào bọn mất dạy:
- Các anh làm gì kỳ vậy? Bắt nạt kẻ yếu thì anh hùng gì? Các anh không thôi đi, tôi kêu cảnh sát đến bắt các anh ngay
Cả bọn gườm gườm nhìn Thanh, thấy Thanh to lớn, vẻ mặt gân guốc, lại nghe Thanh dọa gọi cảnh sát tới, bọn chúng hời chùn. Ba cô gái lợi dụng cơ hội, kéo nhau chạy về phía cửa. Đợi cho các cô chạy khuất, Thanh mới dắt xe đạp đi, mắt vẫn liếc trông chừng. Chàng định nhảy lên xe đạp, nhưng vì tự ái, chàng sợ bọn chúng chê là hèn nhát, nên chàng cứ ung dung dắt xe đi thong thả.
Bẽ mặt với gái, và xấu hổ vì bốn đứa mà thua một đứa, bọn chúng cà khịa lẫn nhau. Một đứa bậm môi, dẫm chân nói:
- Không lẽ tụi mình mà thua thằng đó? Nhào đại vô, chết thôi, bây ơi!
Đứa nọ giục đứa kia, rồi nhất loạt phóng theo, đứa nắm lấy xe, đứa ôm lấy chân Thanh. Bị tấn côn bất ngờ, Thanh vất xe, một tay gạt hai đứa đang xông vào, một tay giáng mấy cú thật mạnh vào đứa đang ôm chân, nhưng nó liều đau không bỏ. Ba đứa đang phía trên, một đứa ôm chân phía dưới, cuối cùng Thanh bị chúng vật ngã sấp xuống mặt đường.
Cả bọn đè lên người chàng, lấy dây trói tay chân chàng lại, rồi thi nhau đánh. Thanh bị chúng đánh đau lắm, nhưng chàng không kêu, vì biết kêu cũng vô ích. Trời đã nhá nhem tối, trong vườn Bách Thú cây cối um tùm, lại càng tối hơn, ai biết đâu mà cứu? Thanh cắn răng cố chịu những cú đấm đá như mưa rào. Chàng kiệt sức, tin chắc thế nào mình cũng bị đánh chết. Bỗng từ xa một chiếc tắc xi chạy tới, ánh đèn pha chiếu sáng cả đường dài. Cả bọn hò nhau chạy tán loạn. Một đứa lưu manh hơn, lấy chiếc xe đạp của Thanh, nhảy lên phóng đi. Chiếc tắc xi ngừng lại gần bên, một người đàn bà nhảy xuống chạy lại đỡ Thanh dậy, bà khóc òa lên:
- Trời ơi! Con tôi, sao thế con?
Thanh lúc đó đã bất tỉnh, chàng không nghe tiếng mẹ chàng gọi nữa! Bà Nghĩa Hưng thấy con bị đánh bất tỉnh, cuống lên, bà không biết nên đem con đi nhà thương nào, thì vừa may ông bà Đức Hợp và Thúy Hạnh đi xe tới. Thấy Thanh vì cứu con mình mà bị đánh nhừ tử, ông bà Đức Hợp xuýt xoa thương cảm, còn Thúy Hạnh ôm mặt khóc. Ông bà Đức Hợp bàn với bà Nghĩa Hưng đem Thanh về nhà thương riêng của bác sĩ Hoàng là em trai bà Đức Hợp, để dễ bề săn sóc thuốc thanh hơn. Sau khi chích một mũi thuốc hồi sinh, bác sĩ Hoàng khám nghiệm cẩn thận các vết thương không đến nỗi nguy hiểm, chỉ cần băng bó và tĩnh dưỡng vài tuần lễ. Bà Nghĩa Hưng vội chạy về tin cho ông hay, bà nói với ông là Thanh đi làm về bị đụng xe bất tỉnh phải đem vào nhà thương, nhưng không nặng lắm. Ông Nghĩa Hưng định đi cùng bà đến nhà thương thăm con, nhưng bà nói thác rằng bác sĩ cấm không cho ai vào thăm. Suốt đêm ấy, bà ngồi canh chừng một bên con. Đến gần sáng Thanh mới tỉnh lại. Chàng bàng hoàng nhìn mẹ, rồi nhìn căn phòng như vừa qua một giấc mộng khủng khiếp. Thấy con đã hồi tỉnh, bà vui mừng bảo con nằm yên, đoạn bà lấy muỗng nhỏ đổ nước cam cho con uống. Bà dịu dàng kể lại cho con nghe tự sự:
- Hôm qua, sáu giờ chiều rồi mà má chưa thấy con về, tự nhiên má bồn chồn nóng ruột. Một lúc sau, Thúy Hạnh hốt hoảng chạy sang, nói nhỏ với má là có lẽ con bị tụi du đãng chận đánh vì con vừa cứu Thúy Hạnh thoát tay bọn ấy. Nghe vậy, má chắc con bị rồi vì tụi chúng những bốn đứa, con một mình cự sao nổi. Má liền vội vàng thuê tắc xi đến đó ngay. Thấy má tới, bọn chúng bỏ chạy hết, và con thì bất tỉnh rồi. Má cuống lên không biết đem con về đâu, thì may ông bà Đức Hợp và Thúy Hạnh đem xe tới giúp má chở con về đây, đây là nhà thương tư của bác sĩ Hoàng, em ruột của bà Đức Hợp. Bác sĩ đã khám cẩn thận các vết thương của con, và bảo đảm không can gì, chỉ cần tiêm thuốc bổ và tĩnh dưỡng vài tuần sẽ khỏi…
Bà vuốt tóc con nói tiếp:
- Má thấy con bị bất tỉnh, má lo quá! Sao con không kêu để người ta tới cứu?
Thanh khẽ nhích một tí thấy đau ê ẩm cả người, chàng mỉm cười nắm lấy tay mẹ:
- May có má tới, chớ lúc đó trời tối rồi, còn ai đâu mà kêu cứu! À mà ba có biết chuyện chưa má?
Bà Nghĩa Hưng trấn tĩnh con:
- Con đừng lo! Má nói với ba là con bị đụng xe. Ba con định đi thăm con ngay, nhưng má nói bác sĩ cấm không cho ai gặp nên ba con ở lại nhà.
Sau hai tuần lễ nằm nhà thương, Thanh đã khá hẳn, bác sĩ cho phép chàng về. Từ hôm ấy, chàng ở nhà giúp cha mẹ coi sóc người làm.
Mấy tháng nay, cửa hàng xe đạp Nghĩa Hưng ế ẩm. Ông Nghĩa Hưng, vì thấy hàng bán chạy, nên đã vay vốn mua nhiều khung xe bằng nhôm (duralumin). Hồi đó, ai cũng thích loại khung xe vừa bền, vừa tiện lợi này, vì không phải sơn quét gì cả. Hễ xe bị đen, chỉ lấy giấy nhám, hay cát mịn mà chùi là xe sạch bóng như mới. Nhưng gần đây, các nhà nhập cảng mua ở ngoại quốc một loại khung xe kiểu mới, nhẹ nhàng và thanh nhã hơn loại cũ. Các cô học sinh rất thích loại xe này. Bởi thế, loại khung xe bằng nhôm rất khó bán, không còn mấy người thích. Ông Nghĩa Hưng gặp hoàn cảnh bế tắc, không còn tiền để mua loại mới. Vay mượn thêm, không biết vay mượn vào đâu? Có ông bà Đức Hợp thì đã vay mượn một số khá nhiều rồi. Tiến thoái lưỡng nan, ông Nghĩa Hưng nghĩ đến hai con trai đã thành gia thất. Chúng làm ăn khá, chắc có thể giúp ông qua cơn bế tắc này được.
Nuôi con không nệ tốn hao, nhưng đến lúc ngửa tay nhờ con giúp đỡ, ông thấy ngại ngùng. Ông bảo bà đến nói với Thái giúp. Thái cũng muốn giúp cha mẹ, nhưng lại sợ vợ kỳ kèo, nên chàng đánh trống lảng:
- Ba má thấy chúng con bề ngoài ăn ra làm được, nhưng sự thật to thuyền thì lớn sóng, làm ra nhiều, tiêu pha cũng nhiều, nào tiền điện, tiền nước, tiền công hai, ba người giúp việc trong nhà. Đó là con chưa kể những việc tùng thù tiếp bạn bè thân chủ. Có tháng chúng con cũng phải đi mượn, chứ có dư dật gì. Hay là má sang chú Thông xem. Hai vợ chồng chú ấy đều làm ra tiền, chắc có dư nhiều.
Bà Nghĩa Hưng lủi thủi đến nhà Thông. Bà chưa nói hết chuyện thì Thông đã giơ hai tay lên trời kêu:
- Chao ôi! Anh Thái làm luật sư, cãi được một vụ kiện thì tiền thù lao bỏ vào két không hết. Hơn nữa, vợ anh lại giàu, thế mà anh ta vẫn còn kêu thiếu. Tụi con đây 5,7 ngày chúi mũi, chúi lái mới xong được một bức họa, may lắm thì được mấy ngàn bạc. Làm ra thì như vậy, mà tiêu pha thì thật kinh khủng: nay thết tụi này, mai thết tụi kia, mà không dừng được, mình đi ăn của họ, thì phải mời họ ăn của mình. Tụi con phải cắt vạt vá vai mới khỏi đi vay. Có lúc túng quá, tụi con còn định chạy về xin ba má giúp nữa là khác!
Đứa náo cũng kêu thiếu thốn, bà Nghĩa Hưng thất vọng trở về thuật chuyện lại với chồng. Ông điếng người, bao nhiêu hy vọng ông đặt vào hai đứa con lớn, tan biến như mây khói. Ông nằm vật xuống giường, kêu trời kêu đất, than trách con bất hiếu. Bữa cơm chiều hôm đó thật là buồn bã, ông chỉ uống rượu, không chịu ăn một miếng cơm nào, mặc dầu bà hết lời nài nỉ. Đêm ấy ông không chợp mắt, chỉ ngồi thở dài. Nỗi thất vọng nặng nề làm dao động tinh thần ông rất mạnh. Bà tìm lời khuyên giải và đề nghị với ông để bà sang nhà ông Đức Hợp vay thêm một số tiền nữa, nhưng ông không chịu:
- Con cái mình giàu có mà chúng không giúp. Hai bác ấy đã cho mình mượn nhiều rồi, chưa trả lại được, còn mặt mũi nào mà sang mượn nữa!
Từ đó ông Nghĩa Hưng bơ phờ như người mất hồn. Bà sầu khổ lo lắng, không biết làm cách nào để an ủi ông, bà sợ ông buồn bã quá, sinh trọng bệnh thì nguy! Thanh thấy các anh đối xử tệ bạc với cha mẹ như thế, chàng tức giận hết sức. Tuy không thể làm gì cho tình trạng bớt đen tối, chàng cũng cố gắng “còn nước còn tát” chàng điều đình với hai người thợ tạm nghỉ việc, và chịu lại họ số tiền lương chưa trả được. Chàng quán xuyến lấy hết mọi việc trong nhà. Các người thợ cũng thông cảm hoàn cảnh bế tắc của ông bà, họ vui lòng thôi việc và hẹn khi nào ông bà có tiền sẽ trả công cho họ cũng được.
Quẫn trí quá hóa dại, một đêm kia, chờ cho vợ con ngủ yên, ông Nghĩa-Hưng nhẹ nhàng xuống chỗ sửa xe, lấy một nắm giẻ lớn, tẩm xăng rồi đem ra phòng ngoài, châm lửa đốt. Thâm tâm ông trù tính gây cuộc hỏa hoạn này, để lấy số tiền bồi thường bảo kê nhà cháy mà ông đã đóng. Với số tiền bồi thường hơn ba trăm ngàn, ông hy vọng sẽ gây dựng lại được cơ sở làm ăn.
Thanh nằm ngủ phòng gần cầu thang, cảm thấy nóng, chàng giật mình mở mắt ra thấy lửa cháy ở phòng bán xe đạp. Chàng vội qua đánh thức mẹ dậy. Hai mẹ con chạy xuống thấy ông đang lúi húi ôm săm lốp xe vất vào đống cháy cho ngọn lửa bốc lên cao.
Tưởng ông bị cuồng trí, Thanh vội mở cửa chính rồi hai mẹ con dìu ông ra đường, kêu cứu. Lúc đó ngọn lửa trong nhà đã bốc lên cao, nhưng nhờ có tường bằng gạch, nên lửa chỉ cháy phía trong nhà thôi. Nhiều người cùng phố đang thức, kéo nhau lại xem. Ông Đức-Hợp gọi điện thoại cho sở cứu hỏa. Mười phút sau xe cứu hỏa tới. Chỉ trong chốc lát, ngọn lửa bị nước xịt tắt ngấm. Cảnh sát vào tìm xem nguyên nhân gây ra hỏa hoạn. Họ tỉ mỉ bới đống tro tàn và nhận ra đây là một vụ đốt nhà cố tình chứ không phải vì vô ý. Họ mời ông bà vào nhà để điều tra. Thanh thấy nét mặt cha chàng tái mét, run lẩy bẩy, ấp úng nói không nên lời. Chàng vội chạy đến trước mặt Cảnh sát đang điều tra và nói:
- Thưa ông, chính tôi đã cố tình gây ra vụ hỏa hoạn này!
Viên Cảnh sát chăm chú nhìn chàng:
- Tại sao cậu lại làm một việc điên rồ như thế?
Thanh chỉ tay về phía cha chàng:
- Tại sao à? Tại vì ba tôi không ưa tôi, nên tôi đốt nhà cho bõ ghét!
Viên Cảnh sát đưa mắt làm hiệu, nhanh như chớp, hai nhân viên công lực áp lại nắm chặt cánh tay Thanh. Thanh nhìn cha mẹ cách trìu mến và nói:
- Ba má tha lỗi cho con !
Ra tòa, Thanh bị phạt ba tháng tù ở về tội cố tình đốt nhà.
Bây giờ ông Nghĩa-Hưng mới mở mắt: đứa con ông thương hơn hết, thì ăn ở bất hiếu với ông ; đứa con ông ít thương, lại rất mực hiếu hạnh. Ông không ngờ Thanh đã can đảm đứng ra nhận tội thay cho ông: Thanh đã cứu vãn danh dự cho ông. Cử chỉ cao thượng của con làm cho ông vừa hối hận vừa thương con hết sức. Ông tự dằn vặt mình và khóc tức tưởi:
- Con ơi! Thanh ơi! Lâu nay ba xử tệ với con, con tha lỗi cho ba. Thật ba không đáng làm ba của con nữa, con ơi!
Con bị tù, nhà cửa hư hại, xe đạp và đồ phụ tùng bị cháy gần hết: tất cả những việc xảy ra vì một ý nghĩ điên rồ của ông, khiến ông càng hối hận buồn bã. Những lo nghĩ, sầu khổ liên tiếp ấy làm cho sức khỏe của ông mỗi ngày một kém dần. Sau ngày Thanh bị bắt, ông ngã bệnh nặng. Tuy vậy, trí khôn của ông vẫn minh mẫn, ông cứ đòi bà đem ông đến nhà lao thăm Thanh. Bà thấy ông liệt nhược, nên can ông để lành rồi hãy đi.
Chồng bị đau, con bị giam, bà Nghĩa Hưng lúc này thật vất vã. Hễ ông ngủ yên được một tí, bà lo quét dọn nhà cửa lại cho sạch sẽ. Nhưng chẳng được mấy phút, nghe tiếng ông gọi, bà lại phải bỏ dỡ công việc. Thái, Thông nghe tin nhà bị cháy, cha ốm nặng cũng có đến thăm, nhưng họ chỉ hỏi han vài câu qua quít, rồi xin về vì có việc cần. Vợ chồng Thu Thảo và hai đứa con nhỏ cũng tới thăm. Thấy mẹ vất vã, Thu Thảo định ở lại giúp đỡ mẹ, nhưng thấy con cái nàng còn nhỏ dại quá, nên bà bắt phải về.
Trong mấy ngày này, bà Nghĩa Hưng được vài phần an ủi nhờ có ông bà Đức Hợp qua lại thăm nom giúp đỡ luôn. Mỗi sáng, bà Đức Hợp đi chợ mua đồ ăn rồi bảo Thúy Hạnh qua nấu nướng giúp. Bệnh tình ông Nghĩa Hưng kéo dài hơn nửa tháng không thấy thuyên giảm. Một đêm bà mệt quá nằm ngủ thiếp đi một lúc, bỗng nghe chồng kêu ú ớ, bà giật mình dậy chạy lại, thì ông đã cấm khẩu. Bà cuống cuồng chạy sang nhờ ông Đức Hợp đem ông đến nhà thương cấp cứu. Bác sĩ khám nghiệm rồi lắc đầu:
- Muộn quá, cơ thể ông đã bị liệt hẳn. Bà nên đem ông về thì hơn, chắc không thể sống được vài ngày nữa đâu!
Bà Nghĩa Hưng thất vọng, đem chồng về. Trưa hôm sau, tự dưng ông tỉnh lại, ông nhìn bà rồi nhìn quanh quất như tìm kiếm ai, miệng ông ú ớ gọi:
- Thanh! Thanh!
Rồi ông nhắm mắt, đi thẳng! Bà Nghĩa Hưng đứng thẳng nhìn chồng, lòng bà như chết theo chồng. Bà thương xót ông hết sức: gần ba mươi năm, vợ chồng chung sống, sinh con ra, nuôi dưỡng cho đến khôn lớn, bây giờ ông nằm xuống, không thấy mặt đứa con nào bên cạnh. Bà đau đớn quỳ phục xuống cạnh chồng khóc như điên dại!
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Lòng Mẹ Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Lòng Mẹ   *_Lòng Mẹ I_icon13Sun 17 Mar 2013, 20:29

Chương 05

Sau ngày chôn cất ông, bà Nghĩa Hưng vào nhà giam, xin gặp Thanh. Vừa trông thấy mẹ bận đồ tang, Thanh biết việc chẳng lành, chạy lại ôm mẹ, hỏi dồn dập:
- Má ơi, ba con làm sao rồi, má?
Bà Nghĩa Hưng òa lên khóc:
- Con ơi, ba con mất rồi ! Sau ngày con bị giam, ba con liệt giường, má hết sức chạy thầy, chạy thuốc, nhưng không thuyên giảm. Bác sĩ bảo vì ba con lo nghĩ nhiều, lại không chịu ăn uống cho đầy đủ, nên cơ thể yếu nhược hẳn đi. Ba con mất đã năm ngày rồi, má và các anh con đã lo tang lễ cho ba rất tử tế. Má không muốn cho con hay sớm, vì chắc không thể xin phép cho con về được.
- Con ơi, khi con đứng ra nhận tội đốt nhà thay cho ba con, ba con đã thấy rõ lòng hiếu thảo của con, nên ba con rất hối hận vì đã hiểu lầm con, đã đối xử với con không được tử tế như đối với các anh chị con! Con ơi, trước lúc ba con mất, ba con vẫn gọi tên con!
Thanh điếng người hồi lâu, chàng không khóc thành tiếng, nhưng nước mắt tràn ra ràn rụa, chàng mếu máo bàn tính với mẹ, bán căn phố cho ông bà Đức Hợp để trừ số tiền đã vay mượn của ông bà, và để thanh toán tiền công cho các người thợ đã nghỉ việc. Chàng xin mẹ tạm về ở với vợ chồng anh Thái ít lâu, đợi chàng mãn tù ra kiếm việc làm, mẹ con sẽ ở với nhau.
Hết giờ, Thanh đứng dậy hôn mẹ rồi đi vào phòng giam. Nhớ đến cha già chết, chàng không được gặp, Thanh sấp mặt xuống nền nhà, khóc to lên:
- Ba ơi! Ba ơi!
Bà Nghĩa Hưng trông ngày trong đêm cho đến ngày Thanh được mãn hạn tù. Bà ước ao chớ gì thời gian chạy vùn vụt cho bà mau được thấy đứa con yêu quý.
Chỉ còn hơn một tuần lễ nữa, Thanh sẽ được ra, bà mừng hết sức, nhưng bà cũng rất phân vân vì bà không biết đem con về ở đâu. Căn nhà cũ đã cầm bán đi rồi, xin ở tạm nhà Thái, không biết Thái có chịu không. Cuối cùng bà đành liều, nói chuyện với Thái. Thái chưa nghe dứt đã lắc đầu quầy quậy:
- Không! Không! Má đem nó đi đâu thì đem, chứ đừng đem về nhà con. Thân danh là một luật sư lại có thằng em ở tù vì tội đốt nhà, việc đó đã làm cho con mất mặt hết sức, huống chi nay lại cho nó về chung trong nhà, thì con còn làm ăn gì được nữa?
Bà Nghĩa Hưng cay đắng trong lòng, bà thương xót đứa con út bị số phận hẩm hiu, nhưng biết làm sao được! Sáng hôm sau, bà đi tìm thuê một căn nhà. Giá nhà cho thuê trong thành phố cao quá, bà đành phải đi về Gò Vấp thuê lại một nửa căn nhà nhỏ của hai vợ chồng già. Ngày Thanh mãn tù, bà đến nhà lao thật sớm. Tám giờ sáng, giấy tờ xong xuôi, Thanh được phóng thích, hai mẹ con ôm lấy nhau mừng mừng, tủi tủi. Thanh xin mẹ dẫn đi thăm mộ cha, chàng quỳ phục xuống cạnh mộ khóc sụt sùi. Ngày chàng vào tù, chàng hy vọng khi về lại gia đình, chàng sẽ được cha thương yêu hơn trước. Đối lại, chàng cũng sẽ tận lực xoay xở cho công việc buôn bán trở lại mức bình thường, để an ủi nâng đỡ cha già một phần nào. Nhưng ý người định mà ý trời không muốn, ngày chàng mãn tù, thì cha đã ra người thiên cổ! Thanh sụt sùi khấn hứa:
- Ba ơi! Ba sống linh chết thiêng, ba hộ phù cho má khỏi khổ, cho con tìm được công việc làm ăn để phụng dưỡng má suốt đời!
Thanh cùng mẹ về Gò Vấp tạm ở. Việc trước tiên của chàng là đi tìm việc làm. Xin vào các công sở thì chàng đành chịu rồi, việc tư thì lúc này ở Sài Gòn cũng khó kiếm. Miền quê không được yên ổn, một số người bỏ ruộng nương đổ xô về thành phố, bởi thế, tư nhân nào chỉ cần một người thì có hàng chục người tới xin! Thanh đến hãng cũ: công việc chàng trước đây, đã có người thay thế lâu rồi. Ông giám đốc thương tình cho chàng một chỗ với điều kiện là phải ra làm ngoài đảo Phú Quốc, sáu tháng mới được về Sài Gòn một lần. Suy tính kỹ thấy không còn việc nào hơn nữa, Thanh bằng lòng nhận. Chàng về bàn với mẹ: mẹ con lại tạm xa nhau vì ông Giám Đốc hứa ít lâu nữa sẽ liệu cho chàng về làm lại Sài Gòn.
Vài hôm sau, Thanh từ giã mẹ lên tàu ra Phú Quốc nhận việc. Nơi đây, chàng lo kiểm soát và ghi chép mức sản xuất hàng ngày. Công việc không nặng nhọc lắm. Những ngày rãnh, chàng đi câu cá, hoặc vào rừng chơi. Chàng muốn tìm một việc gì làm ngoài giờ, để kiếm thêm tiền, nhưng chưa có cơ hội. Một dịp may, ông cai hãng chàng làm, thấy chàng có học, tính tình đứng đắn, ông muốn nhờ chàng dạy kèm cho các con ông về môn ngoại ngữ. Từ hôm đó, chàng ít có thời gian nhàn rỗi nhưng chàng rất vui sướng. Chàng chỉ mong ước dành dụm được một số tiền kha khá, để trở lại Sài Gòn xoay nghề buôn bán, sớm hôm mẹ con sống vui vầy nương tựa nhau. Thấm thoát, chàng đi ra đảo Phú Quốc được sáu tháng. Theo lệ thường chàng được về Sài Gòn hai tuần, nhưng chàng muốn về, sợ tồn kém ; chàng chỉ viết thơ về thăm và tin cho mẹ yên lòng.
Bà Nghĩa Hưng từ ngày Thanh đi xa, bà trả lại nhà, trở về ở với vợ chồng Thái. Bà quán xuyến công việc nhà cho con, chẳng khác gì một người giúp việc. Sáng sớm, bà giúp người ở nấu nước pha cà phê, quét dọn, xếp mùng màn trong các phòng ngủ, tắm rửa cho các cháu và dẫn chúng đi chơi. Hết việc này đến việc khác, chẳng mấy khi bà ở không. Thấy mẹ chồng làm được việc, vợ Thái “nổi máu họ Hà”, bớt một người ở cho đỡ tốn. Bao nhiêu năm vất vã, lo lắng cho chồng cho con, bà Nghĩa Hưng nay đã yếu đi nhiều, có lúc bà cảm thấy mệt nhọc và hai tay như bị tê bại, nhưng không bao giờ bà than thở một lời. Thấy mẹ phải làm việc quần quật suốt ngày, Thái không đành lòng nhưng ngại không dám nói ra, sợ vợ tiếng chì tiếng bấc.
Một hôm, vợ chồng Thái có khách sang tới thăm, bà Nghĩa Hưng xuống bếp pha trà. Không may, bà luống cuống thế nào, đánh rơi bộ ấm chén quý xuống nền nhà vỡ tan. Vợ Thái tiếc của, nói nhiều câu thất lễ với bà. Thái cực lòng, không biết ăn nói thế nào. Tối hôm ấy, chờ cho vợ đi ngủ rồi Thái than thở với mẹ:
- Nhà con khó tính, đối với má thiếu sự kính nể. Con thì bên má, bên vợ, không biết xử trí làm sao! Hay là má về ở với chú thím Thông ít lâu, nhà chú ấy chắc vui hơn bên con.
Sáng hôm sau, bà Nghĩa Hưng lủi thủi xách gói sang ở với Thông. Nhà cửa Thông thật bê bối. Hai người ở, một người lo giữ em, một người lo cơm nước, công việc làm không hết. Bà Nghĩa Hưng thương con, cố gắng thu dọn mọi sự cho khang trang sạch sẽ. Vợ chồng Thông xuềnh xoàng không quan cách như vợ chồng Thái. Nhưng tính Thông vô tư, đối xử với mẹ hơi lãnh đạm, chàng chẳng để ý hỏi han sức khỏe mẹ như thế nào. Đã thế, tối đến bạn bè hội lại đầy nhà, ăn uống vui chơi có khi tới quá nửa đêm, rồi ông khách này nhờ bà đi mua dùm cho bao thuốc, ông nọ nhờ bà đi mua cho hộp diêm. Họ coi bà như một người giúp việc trong nhà, nên mặc tình sai vặt. Thông đã không cản ngăn, mà có khi chính chàng cũng nhờ bà đi mua thứ này thứ nọ lúc đêm hôm nữa. Căn phòng bà nằm nghỉ, có lần cũng phải nhường cho khách, chàng cũng cảm thấy thương mẹ, nhưng có khi chàng cũng cảm thấy đâm ra bực mình: có mẹ ở với, chàng thấy bị vướng trở thế nào. Một hôm chàng bảo mẹ:
- Nhà tụi con chật chội quá, khách khứa tới lui luôn, nhiều lúc má không có chỗ ngủ, tụi con thấy tội nghiệp má quá, mà không biết làm sao được. Hay là má về ở với anh Thái, nhà anh ấy rộng rinh, một người ở hai, ba phòng cũng có!
Bà Nghĩa Hưng ứa nước mắt, trong lòng cay đắng hết sức: đứa con nào cũng từ chối khéo không muốn cho bà ở nữa. tình đời vẫn thế: một mẹ nuôi được mười đứa con, nhưng mười đứa con không nuôi được một mẹ!
Sang hôm sau, bà xách chiếc làn mây đi. Bà không trở về nhà Thái. Bà đi thẳng đến tiệm vàng, bán đôi bông tay bà đang đeo. Ra khỏi tiệm, bà gặp Thu Thảo đi chợ về. Thu Thảo bất ngờ thấy mẹ, mừng rỡ kêu lên:
- Má! Má đi đâu đó? Lâu quá con không gặp má! Tháng trước vợ chồng con đem các cháu tới nhà anh chị Thái thăm má, chị Thái bảo là má đi về nhà anh chị Thông ở lại đó luôn. Định chủ nhật nầy, nhà con nghỉ, chúng con đến thăm má, không ngờ lại gặp má đây. Độ này má thế nào, con xem như má gầy đi nhiều. Má có đau ốm gì không? Các anh chị ấy đối với má thế nào?
Bà Nghĩa Hưng mỉm cười nhìn con:
- Các anh chị đối với má tử tế, chứ có gì đâu! Bây giờ má về lại nơi anh Thái rồi. Nhà anh chị Thông con ban đêm khách khứa rộn ràng, má không ngủ được.
Thu Thảo xịu mặt:
- Thế sao má không về ở với con? Nhà con vẫn bảo con mời má về ở cho vui. Má già rồi, cần phải được nghỉ ngơi nhiều. Con nghe nói má ở với các anh ấy khó nhọc lắm, phải không má?
Bà Nghĩa Hưng cười xòa:
- Đâu có, má chỉ làm sơ sơ những việc má làm được, chớ có gì mà khó nhọc. Thôi con về làm cơm kẻo trưa, để má đi.
Thu Thảo kêu lên:
- Má đi đâu bây giờ? Nếu má không muốn về ở với con thì ít nữa mời má đến chơi với các cháu vài hôm chứ? Các cháu ngoan lắm, má à! Thu Thủy nói như con sáo, chạy chơi khắp nhà, còn cháu Lâm thì đang tập đi. Độ trước, nhà neo người, con chả đi đâu được, nay có bà nội lên coi sóc các cháu cho, con cũng đỡ mệt.
Bà Nghĩa Hưng vui vẻ bảo con:
- Được như thế hay quá! Thôi, con nói với bà và nhà con, cho má gởi lời thăm đã, mai kia, má sẽ đến thăm và ở lại ít hôm. Bây giờ má đi mua ít đồ cần dùng cho em Thanh con. À em Thanh con bây làm cho hãng nước mắm ở Phú Quốc một năm nữa mới về Sài Gòn.
Bà Nghĩa Hưng rút trong bọc ra một trăm bạc, đưa cho Thu Thảo và nói:
- Má gởi con ít tiền mua quà cho các cháu.
Thu Thảo giẫy nẩy:
- Không, không! Má để mà tiêu, bây giờ má làm gì ra tiền?
Bà Nghĩa Hưng nhất quyết:
- Con cứ cầm lấy cho các cháu, má còn tiền tiêu đây, con đừng lo.
Thu Thảo bất đắc dĩ phải lấy. Nàng nài nỉ :
- Thế khi má rảnh, má tới ở lại chơi với chúng con vài ngày, nghe má ! Nhà con vẫn nhắc đến má luôn !
Hai mẹ con từ giã nhau. Thu Thảo bước vội về lo cơm trưa. Bà Nghĩa Hưng lững thững đi ra bến Bạch Đằng. Bà ngồi xuống ghế đá, mắt đăm đăm nhìn ra sông. Những chiếc tàu lớn im lìm cạnh bến. Giữa sông, thuyền bè ngược xuôi tấp nập. Nhìn đoàn người, kẻ lên tàu trẩy đi, người xuống bến trở lại nhà, bà Nghĩa Hưng nhớ đến Thanh, đứa con yêu quí đang ở nơi phương trời xa thẳm. Bà buồn bã thở dài, không biết khi nào mẹ con sum hợp với nhau mãi mãi.
Bà ngồi đó rất lâu. Đến gần chiều, bà mới đứng dậy về chợ Bến Thành mua cơm ăn. Ăn xong, bà trở lại chỗ hồi nãy. Đêm hôm ấy, bà ngồi ngủ dựa trên chiếc ghế đá cạnh bờ sông. Sáng hôm sau, bà trở lại bùng binh chợ Bến Thành. Đây là chỗ các người thất nghiệp năng lui tới, để kiếm việc làm. Trước kia, những ngày nhà cần người làm, bà cũng đã đến đây tìm thuê… Nhờ có người mối lái, bà xin vào làm công trong một tiệm bán phở. Công việc bà là rửa chén bát. Được việc làm, bà vui mừng lắm, ít nữa, trong thời gian chờ đợi Thanh chở về, bà được yên tâm, khỏi phiền lụy con cái. Công việc bà làm ở trong bếp, ít người thấy, bà không sợ mất danh giá các con. Bà làm việc hăng hái vui vẻ, các người làm trong tiệm, đối xử với bà rất tử tế. Họ tưởng bà ở vùng quê mới lên, nên hỏi thăm nhiều chuyện, bà ứng đáp khôn khéo, để họ không biết bà là ai. Tiệm phở này mỗi ngày chỉ mở cửa hai lần : sáng từ 5 giờ đến 8 giờ, chiều từ 6 giờ đến nửa đêm. Lúc đông người ăn, phải có hai người rửa, người lau bát mới kịp. Ngày nào cũng đứng hàng giờ bên bể nước, hai chân bà như tê liệt, nhất là hai tay bà nhiều lúc run rẩy, cơ hồ không bưng nổi chồng bát nữa. Tuy vậy bà vẫn cố gắng, tay làm việc, lòng trí bà luôn luôn nghĩ tới Thanh. Bà chỉ mong cho mau đến ngày được gặp con, được ôm lấy con vào lòng. Nghĩ đến con, bà thấy có sức làm việc.
Một buổi tối, bà đã đứng rửa bát hơn bốn tiếng đồng hồ, bà cảm thấy mệt lắm, chân tay bà run lẩy bẩy. Bà cố gắng bưng chồng bát sắp lên chạn, bỗng mắt bà hoa lên, bà trượt chân ngã xuống, đánh rơi chồng bát vỡ tan tành trên mặt đất. Người ta vội vàng vực bà dậy, tay bà bị nhiều mảnh bát đâm vào, máu chảy đỏ lòm cả cánh tay. Họ tức tốc thuê xe chở bà đến một bệnh viện tư gần đó. Bác sĩ chích thuốc cầm máu và băng bó vết thương cho bà. Vì bà mất khá nhiều máu, nên bác sĩ bảo một cô y tá tiêm thuốc bổ và săn sóc cho bà. Cô y tá đem thuốc và kim tiêm vào. Vừa nhìn thấy bà, cô bỡ ngỡ kêu lên :
- Trời ơi ! Bác Nghĩa Hưng ! Bác làm sao thế ? Cháu sắp đi ngủ, nghe nói có người làm trong tiệm phở, bị mảnh bát làm đứt tay, cháu không ngờ là bác ! Sao anh Thái, anh Thông lại để cho bác ra nông nỗi này ? Anh Thanh đâu rồi bác ?
Thúy Hạnh hỏi một hơi, làm cho bà Nghĩa Hưng không biết đàng nào mà trả lời. Bà cũng bỡ ngỡ hết sức, không ngờ người ta lại chở bà đến nhà thương tư của bác sĩ Hoàng. Bà cũng không dè là Thúy Hạnh đang làm y tá giúp cậu ruột cô ở đây.
Biết không thể nào giấu Thúy Hạnh được, bà đành phải kể hết mọi việc đã xảy ra cho Thúy Hạnh nghe. Thúy Hạnh nắm lấy tay bà, khóc nức nở. Cô không ngờ các anh Thái, Thông lại nỡ tâm phụ bạc bà như thế ! Bà Nghĩa Hưng sợ câu chuyện võ lở có hại đến danh giá các con, nên bà nài nỉ Thúy Hạnh giữ kín đừng nói ra với ai. Thúy Hạnh hứa với bà sẽ giữ kín, chỉ xin phép đưa tin cho anh Thanh biết. Đêm ấy, Thúy Hạnh viết vội cho anh Thanh mấy hàng :
- Anh Thanh ơi, anh nên về ngay, má anh bây giờ khổ lắm ! Thúy Hạnh không ngờ anh Thái, anh Thông đối xử tệ bạc với bác như thế…!
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Lòng Mẹ Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Lòng Mẹ   *_Lòng Mẹ I_icon13Sun 17 Mar 2013, 20:30

Chương 06

Bà Nghĩa Hưng nằm nhà thương được mấy hôm, vết thương đã đỡ, bà nhất định trở vô làm việc lại. Thúy Hạnh nài nỉ bà thôi việc, về ở tạm nhà ba má nàng để đợi Thanh, nhưng bà một mực không chịu. Nàng đành phải để cho bà đi. Ông chủ tiệm thấy bà không thể kham được việc rửa chén bát, giao cho bà lo sạch sẽ trong nhà va chung quanh. Công việc này đối với bà nhẹ nhàng hơn trước.
Gởi là thơ cho Thanh được hơn một tuần lễ, Thúy Hạnh bồn chồn đợi Thanh về. Nàng chưa biết phải làm thế nào, vì một đàng, nàng đã hứa với bà Nghĩa Hưng là không nói chuyện này với ai, nhưng một đàng, nàng thấy tự mình nàng không thể tìm ra giải pháp nào khả dĩ cứu vãn được tình trạng buồn thảm của bà. Việc phải đến sẽ đến, Thúy Hạnh vì bận tâm đến chuyện này, nên nét mặt nàng trở nên đăm chiêu, buồn bã khắc hẳn mọi ngày. Bà Đức Hợp lấy làm lạ, gọi con vào phòng gạn hỏi. Thúy Hạnh chẳng đừng được, phải nói ra cho mẹ hay tự sự, nàng xin mẹ tìm cách giúp bà Nghĩa Hưng thế nào cho êm đẹp, cho nàng khỏi lỗi lời hứa. Bà Đức Hợp bàn riêng với chồng. Hai ông bà và Thúy Hạnh đồng ý với nhau một giải pháp, rồi chờ ngày Thanh về.
Thanh được thơ Thúy Hạnh, chàng vội vàng thu xếp công việc rồi xin phép về Sài Gòn ngay. Tàu cập bến, chàng thuê xe về nhà ông bà Đức Hợp, để hỏi thăm Thúy Hanh chỗ mẹ chàng đang làm việc. Thúy Hạnh đi làm chưa về, ông bà Đức Hợp mừng rỡ đón Thanh vào nhà nói chuyện. Bà Đức Hợp kể cho Thanh nghe nông nỗi mẹ chàng từ ngày chàng ra đi cho đến nay. Rồi bà dịu dàng nói tiếp:
- Chắc má cháu không trách Thúy Hạnh đã nói ra cho hai bác biết hoàn cảnh đau buồn của bà. Thật ra nếu bác không bắt buộc, Thúy Hạnh cũng không nói ra đâu. Hai bác thấy má cháu khí khái như thế cũng phải, nhưng mà chấp kinh có khi cũng phải tùng quyền; không phải mối liên lạc giữa gia đình hai bác và ba má cháu rất mật thiết với nhau từ lâu hay sao? Cơ trời để xảy ra vậy, để chúng ta giúp đỡ nhau. Nay hai bác bàn với cháu thế này: căn phố má cháu bán cho hai bác, lâu nay bác vẫn khóa lại để đó, chứ chưa cho thuê mướn gì, vả lại trên giấy tờ chính thức vẫn còn đứng tên ba má cháu. Bây giờ hai bác giao căn phố ấy lại cho cháu, cháu đem má cháu về ở, để sớm hôm má con sum họp với nhau. Hai bác sẽ giúp vốn cho cháu mở lại tiệm bán xe đạp như ba cháu hồi trước. Khi nào cháu ăn ra làm được, cháu sẽ trả lại tiền cho hai bác sau, không ngại!
Trước lòng tốt của hai ông bà Đức Hợp, Thanh cảm động khóc sụt sùi. Chàng tận tình cảm ơn ông bà đã tính toán rất êm đẹp để giúp má con chàng vượt qua cơn bĩ cực. Từ giã ông bà Đức Hợp, Thanh vội vã đi tìm mẹ. Tiệm phở chưa mở cửa, chàng đi vòng ra phía sau: mẹ chàng đang lom khom quét dọn trong vườn cảnh. Chàng chạy lại, mẹ con ôm chầm lấy nhau, nghẹn ngào. Thấy mẹ chỉ trong mấy tháng mà gầy yếu đi nhiều, Thanh khóc tức tưởi. Chàng vào xin ông chủ tiệm cho mẹ thôi việc, rồi dẫn mẹ ra thuê xe về nhà.
Bà Nghĩa Hưng ngỡ ngàng bước vào căn nhà cũ đã dọn sạch tử tế. Khi biết được tấm lòng quý hóa của vợ chồng bạn, bà vội vàng sang cảm ơn.
Hơn một năm trời không gặp, ông bà Đức Hợp nắm tay bà Nghĩa Hưng chào hỏi, vui mừng khôn xiết.
Tối hôm ấy, ông bà Đức Hợp mời mẹ con bà Nghĩa Hưng ở lại dùng cơm. Bữa cơm thân mật, chứa đựng bao tình thương mến dịu dàng, bà Nghĩa Hưng hết nhìn ông bà Đức Hợp lại nhìn Thúy Hạnh với đôi mắt đầy trìu mến, biết ơn. Nỗi vui sướng tràn ngập lòng bà, nét mặt bà như tươi trẻ lại.
Sáng hôm sau, Thanh lặng lẽ đến nhà Thái. Chàng định sẽ mắng anh một trận, vì đối xử tệ bạc với mẹ. Thanh không cho mẹ hay, sợ bà ngăn cản. Vợ chồng Thái đi vắng. Người nhà cho biết Thái đến diễn thuyết tại một câu lạc bộ nọ để tranh cử chức nghị viên đô thành. Thanh tức tốc chạy đến đó. Thính đường chật ních người. Trên diễn đàn, Thái còn thao thao bất tuyệt. Thanh chen lấn vào cạnh diễn đàn. Bài diễn văn của Thái sắp sửa kết thúc, Thái trịnh trọng đưa mắt nhìn thính giả một lượt rồi giơ tay lên cao, dõng dạc:
- Thưa quý vị, tôi xin lập lại chương trình của tôi. Nếu được đắc cử, tôi sẽ tận lực theo các mục tiêu tôi đã nêu lên hồi nãy: Tranh đấu cho người nghèo, người nghèo có việc làm, người nghèo có nhà ở, khu lao động có điện nước…
Thấy người anh giả dối lại lên mặt đạo đức nhân nghĩa, Thanh ngứa gan quá, quên cả luật lệ, chàng nhảy lên diễn đàn, nắm lấy áo Thái quát to:
- Anh Thái, anh bảo anh tranh đấu cho người nghèo, sao anh lại để cho má phải đi làm thuê? Anh nói thế mà không thẹn hả?
Thính giả xôn xao, tưởng bọn đối lập thuê người đến phá. Họ hốt hoảng đứng dậy, rùng rùng kéo nhau ra về như vỡ chợ. Họ chen lấn nhau kêu la chí chóe. Một số người hiếu kỳ đứng lại xem. Cảnh binh giữ trật tự ở ngoài nghe lộn xộn, liền chạy vào. Thấy Thanh đang nắm áo Thái kéo đi, họ liền chĩa súng vào người Thanh bắt đứng yên, còng tay chàng lại áp giải về Quận Cảnh sát thẩm vấn. Thái giận tái mặt, lủi thủi bước ra khỏi thính đường tìm vợ. Một số thân chủ vây quanh Thái hỏi thăm, Thái chỉ trả lời ầm ừ cho qua chuyện rồi cùng vợ lên xe về nhà. Lúc xảy ra sự việc, vợ Thái ngồi phía dưới nên mục kích rõ ràng. Thế là mộng làm bà nghị sĩ tan như mây khói. Ngồi trong xe về nhà, nàng giẫm chân, đập tay, chửi rủa Thanh không tiếc lời.
Chỉ trong chốc lát, cả khu phố đều hay biết sự việc vừa xảy ra. Vợ chồng Thông nghe tin cũng đến hỏi thăm, Thông về hùa bảo Thái:
- Cái thằng trời đánh ấy, anh cứ trình nhà chức trách, đổ cho hắn tội phá rối trị an, thế là tù mọt xương!
Vợ Thái gật đầu tán thành:
- Tôi cũng nghĩ thế, chú tím ạ! Mình mất bao nhiêu tiền bạc chạy ngả này ngả nọ, chỉ còn một tí nữa là được việc. Ai ngờ cái thằng chó chết ấy ở tận bên đảo Phú Quốc về phá đám mình. Không biết ai kêu nó về, thật tức chết đi được!
Người nhà bưng nước lên, bốn người vừa uống nước vừa bàn cách xử trí với Thanh. Đang to nhỏ với nhau, thì ông già vợ Thái tới. Vừa đặt chân vào nhà, ông đã hỏi:
- Sao, ba nghe nói anh Thái đang diễn thuyết thì chú Thanh đến kéo xuống phải không?
Thái chưa kịp trả lời, thì chị vợ đã kể lể:
- Tức quá ba ơi, cái thằng mất dạy đó, nó bêu xấu, bêu hổ chúng con. Bao nhiêu công trình chạy vạy, bị nó phá đám hết!
Ông ngồi xuống ghế hỏi tiếp:
- Mà tại sao chú ấy lại làm như vậy? Chú ấy nói gì với anh Thái lúc đó?
Thái ấp úng:
- Dạ thưa ba, nó bảo con…
Ông già cười nhạt:
- Có phải chú ấy nói: “Anh nói tranh đấu cho người nghèo, mà mẹ sinh ra anh thì đi làm thuê” phải không?
Vợ Thái mở miệng toan nói, nhưng bị ông già trừng mắt mắng:
- Con định nói gì? Không phải có như vậy à? Ba cho hay: Trước khi ba tới đây, thì ba đã nghe rõ hết sự thật truyện này rồi! Thiệt ba không ngờ các con lại đối xử tệ bạc với bà như thế!
Rồi ông nghiêm nét mặt nhìn vợ Thái:
- Còn con, có phải con cậy thế là ba má giàu có, để khinh dễ mẹ chồng không? Ba má rất xấu hổ vì một người con như con. Lâu nay, mỗi lần ba má hỏi thăm về bà, thì con trả lời ngon lành, ba má cứ tưởng con kính trọng mẹ chồng con lắm, ai ngờ…
Ông già đứng lên,đi lại trong phòng, giọng ông như thét:
- Bây giờ ba mới nghe người ta kể cho biết sự thật: Hồi Sài Gòn bị ném bom, ông bà phải tản cư về Mỹ Tho. Đến lúc Sài Gòn yên, ông buồn không chịu trở về Sài Gòn làm ăn, vì Thái đi theo Nhật chưa về. Ông thương Thái đến mức đó, thế mà khi ông làm ăn thất bại, đến nhờ Thái giúp thì Thái làm ngơ, đến nỗi ông buồn quá mà chết! Con làm luật sư, thấy cha mẹ phải khốn đốn như thế mà không giúp, thật không phải là con người nữa!
Vợ chồng Thái bị ông già phanh phui tất cả sự thật, cúi đầu xuống, mặt tái mét. Vợ chồng Thông chột dạ, cũng ngồi im thin thít. Ông già ngồi xuống ghế, uống một hớp nước, rồi nói tiếp:
- Làm con mà bất hiếu với cha mẹ thì dại lắm. Vì trời có mắt, trời sẽ xui khiến cho con cháu chúng nó ăn ở bất hiếu lại bằng ngàn lần. Chừng đó hối hận thì đã muộn rồi!
Ông thở dài, im lặng một lát, rồi tiếp, giọng ông có vẻ dịu hơn:
- Chắc các con đã nhận thấy lỗi tày trời của các con, tuy vậy, cũng còn thời giờ sửa chữa lại được! Bây giờ ba bàn với các con như thế này: Thái đến ngay quận cảnh sát xin bãi nại và bảo lãnh chú Thanh về. Còn chú thím Thông và con thì đi với ba đến thăm bà. Ba sẽ liệu lời xin bà tha thứ lỗi dại ngộ trước cho. Bà là người hiền đức, chắc bà không chấp trách đâu. Ba tính thế, các con nghĩ sao?
Hồi nãy đến giờ, vợ chồng Thái, Thông nghe ông phân tích, trách mắng, đều mở mắt nhận thấy mình có lỗi lớn với cha mẹ sinh thành. Họ hối hận lắm, nhưng tội đã phạm rồi, biết sao sữa chữa? Nay nghe ông bàn như thế, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm, vui vẻ theo lời ông dạy.

Chương 07

Bà Nghĩa Hưng, sung sướng nắm lấy tay các con trai, con dâu, cười thỏa mãn. Lòng mẹ bao giờ cũng thương con, dễ dàng quên hết mọi lỗi lầm của con. Bà không hề nhắc đến những nỗi khổ cực đã qua, chỉ bộc lộ niềm sung sướng tràn ngập trong lòng. Bà không ngờ lại được các con sum họp vui vẻ đầm ấm như thế này. Hai người con dâu bây giờ mới nhận rõ lòng mẹ chồng thật độ lượng đáng kính mến.
Thái, Thông, Thanh bắt tay nhau làm hòa, cười thông cảm. Mẹ con, anh chị em chuyện trò vui vẻ huyên náo…
Chiều hôm ấy, Thanh đến nhà bác sĩ Hoàng gặp Thúy Hạnh. Chàng cảm ơn Thúy Hạnh, nhờ nàng, mà mẹ con, anh chị em trong gia đình chàng được đoàn tụ yên ấm, tưởng như chưa có lúc nào được như thế.
Thúy Hạnh mỉm cười đáp nhỏ nhẹ:
- Em không dám từ chối lời cám ơn của anh, nhưng em nghĩ rằng: chính nhờ sự nhẫn nại hiếm có của ông bà và lòng hiếu thảo của anh, đã làm động lòng trời, khiến trời thương cho mọi sự xảy ra êm đẹp, chớ đâu có phải là công riêng của em!
Thanh bâng khuâng im lặng một lúc rồi mỉm cười trìu mến nhìn Thúy Hạnh:
- Phải, anh cũng nghĩ như thế, em ạ!

NHẬT LỆ GIANG
1963
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




*_Lòng Mẹ Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Lòng Mẹ   *_Lòng Mẹ I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
*_Lòng Mẹ
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: Truyện Sưu tầm :: Tủ sách Tuổi Hoa :: Hoa xanh-