Bài viết mới | Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 06:59
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:17
KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45
KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30
SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22
Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22
NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20
KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08
Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54
Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10
7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10
Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21
Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52
Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28
Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13
Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07
Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36
Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09
Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46
Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06
Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04
DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19
Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37
Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34
TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17
CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05
Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04
Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41
Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16
|
Âm Dương Lịch |
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
|
|
| Tác giả | Thông điệp |
---|
nhanbkvn
Tổng số bài gửi : 1612 Registration date : 16/07/2012
| Tiêu đề: *_Hoa Tầm Gởi Sun 17 Mar 2013, 20:13 | |
| Thông tin ebook Tên truyện : Hoa Tầm Gởi Tác giả : Nguyễn Thái Hải Thể loại : Văn học trong nước Nhà xuất bản : Tuổi Hoa Tủ sách : Tuổi Hoa - Hoa Xanh Số quyển / 1 bộ : 1 Hình thức bìa : Bìa mềm ---------------------------------- Chương I- Mai chủ nhật rồi nè Dung Chi! Nhỏ Thư Hương lại đằng phòng khách coi lịch rồi về nói cho em biết. Dịp này, vì nghỉ hè, chúng em như quên hẳn ngày tháng. Vả, ở đây, công việc ngày nào cũng như ngày ấy, dù thứ hai, dù thứ ba,... dù chủ nhật. Cứ sáu giờ sáng, khi nghe một hồi chuông đổ dài, tất cả phải thức dậy. Bọn chúng em, những đứa lớn đã đi học đằng trường, không bao nhiêu, chỉ có mười tám đứa, lớn nhất là anh Bảy, nhỏ nhất là nhỏ Lan. Mười tám đứa như có một mối liên lạc vô hình, mật thiết, với hồi chuông sáu giờ sáng, không bao giờ dậy trễ. Bọn trẻ nhỏ, nhiều, có đến mấy chục đứa, phải đợi được đánh thức mới chịu dậy. Chúng em đánh răng, rửa mặt xong xuôi, kéo đến phòng tắm thì bọn trẻ nhỏ cũng lục tục kéo đến. Dì Năm, dì Tiễn, ngày nào cũng vậy, không biết thứ tự lúc nào, vào giờ đó, đã đun xong ba nồi nước lớn để pha tắm cho bọn trẻ nhỏ. Dì Năm, tính hay la lối nhưng rất tốt bụng, không ngày nào không hò hét bọn em, lúc hối thúc nhỏ Chung tắm em nhỏ lè lẹ lên một chút - nhỏ này vốn chậm chạp - lúc rầy nhỏ Lộc tắm mạnh tay làm em nhỏ khóc; anh Thành thì bị la hoài, rằng kỳ cọ em nhỏ không kỹ. Riêng em, thỉnh thoảng lại bị dì Năm cú đầu vì tội vừa tắm cho em nhỏ, vừa trò chuyện, đùa giỡn với nó. Dì Tiễn vừa lo coi chừng bọn em tắm cho các em nhỏ, vừa lo xịt nước rửa phòng. Ngoài hiên, dì rửa thật kỹ, nền gạch men lúc nào cũng bóng láng. Chú Mộng, quanh năm ngày tháng chỉ mặc thay đổi mấy bộ đồ nâu, lo quét dọn rác rưởi ngoài sân, bắt sâu, tưới nước, chăm nom mấy chậu kiểng bầy dưới chân tượng Đức Quan Âm giữa sân và mấy khóm hoa mười giờ ngoài hiên, trước phòng khách. Em hỏi: - Mầy ra ngoài phòng khách, chú Mộng có biết không? Nhỏ Thư Hương le lưỡi, nhún vai, chừng như còn sợ sệt: - Trời ơi, tao tưởng chú đang làm ngoài sân, ai ngờ đâu mới lén lên hiên nhà để dòm tấm lịch trong phòng khách, thì chú ấy từ trong đó bước ra. Chú chỉ tao mà la: "Làm gì mà lên đây? Coi chân mầy đó, làm dơ hết nền gạch rồi." Tao hoảng hồn co giò chạy thẳng về đây. Em mỉm cười, hình dung ra cảnh chú Mộng đứng la nhỏ Thư Hương. Nhỏ Thư Hương bảo em: - Tao nghe cô Lý nói ngày mai đoàn anh Phong tới... Em ngắt lời: - Thì cũng như những chủ nhật khác, đoàn anh Phong tới dạy hát và chơi đùa với tụi mình. Nhỏ Thư Hương lắc đầu: - Lần này khác với những lần trước. - Khác gì? - Cô Lý nói có cả ba má các anh chị trong đoàn cùng tới với các anh chị ấy. Em reo lên, hỏi: - Cô Lý nói với mầy như thế thật hả? Nhỏ Thư Hương chắp hai tay để vào giữa hai đùi, nói với bờ môi cười: - Thế ào tụi mình cũng được nhiều quà bánh. Em nghe tiếng nuốt nước bọt của nhỏ ấy. Nhỏ ấy vẫn giữa tính ham ăn, và có lẽ, khó có thể chừa được, cho dù sau này, nhỏ ấy lớn lên. Cũng như em, chắc em khó chừa được cái tật ăn chậm, thật chậm, mà nhiều lần dì Năm phải nổi giận hối: "Ăn lè lẹ một chút coi, con quỷ nhỏ." Những lần như vậy, em nhìn dì cười: "Đợi con chút xíu nữa thôi dì." Nhưng sáng nay, em có quyền ăn chậm, chậm cách mấy cũng được. Cô Lý thưởng em, thưởng công em chiều hôm qua đã tìm được bé Mạnh, chẳng hiểu tại sao lại đi lang thang lạc vào trong xóm. Sáng nay, em khỏi phải tắm cho các em nhỏ, lại được ăn miếng bánh mì dài hơn, uống ly sữa lớn, đầy, chứ không phải ăn bánh mì với đường hoặc với cá mòi như mọi ngày. Nhỏ Thư Hương: - Ngày mai, tao với mầy phải hát cho thật hay đó nghe. Hát có hay, mình mới được thưởng nhiều quà. - Mình hát bài gì? Nhỏ Thư Hương im lặng suy nghĩ một chút rồi nói: - Bài... "con sáo sang sông"? - Bài ấy ngắn quá. - Thế bài... "một đàn chim yến"? - Tao chưa thuộc hết. - Mình còn thì giờ để tập mà. -... - Anh Phong có vẻ thích bài này lắm đấy. Nhất là cái đoạn "giờ là giờ em khóc, em ngồi khóc, em khóc to này. Giờ là giờ em khóc, em ngồi khóc, em buồn ghê. Hu hu hu hu hu, híc híc híc hu hu." (nhỏ cười), chẳng bao giờ tụi mình lại không khúc khích cười. Ngộ ghê Dung Chi há, hu hu mà lại cười... Nhỏ dừng lại một chút rồi lại hỏi em: - Hát chung với tao nghe, Dung Chi! Em gật đầu. Em nhớ đến anh Phong, đến mái tóc không chải của anh. Em cũng nhớ đến chị Hằng Thu với cái răng khểnh thật dễ thương, với nụ cười của đôi môi nhỏ, đỏ, với tiếng hát thanh thanh. Trong bọn chúng em ở đây, anh Phong và chị Hằng Thu dành cho em nhiều cảm tình hơn cả. Nhờ thế, em biết được nhiều chuyện về an chị mà các bạn khác của em không biết. Chẳng hạn như em biết gia đình hai anh chị đã ước hẹn với nhau về chuyện mai sau của hai anh chị. Cho nê, đôi lúc, em gọi đùa chị Hằng Thu là "chị Phong". Những lần như thế, chị Hằng Thu đỏ bừng mặt, kéo em vào lòng, đưa tay bụm miệng em, bảo: "Dung Chi nói bậy đi nào, chị giận cho xem." Em còn cố trêu thêm: "Chị giận, em mách anh Phong." Có khi, chị xuống nước năn nỉ, nói nhỏ để em đừng kể lại với anh Phong. Nhưng cũng có lần, chị làm mặt giận khiến em phải xin lỗi mãi chị mới chịu làm lành trở lại. Nhỏ Thư Hương hỏi em: - Ăn bánh mau đi chứ, ngồi nghĩ gì thế? Em gật đầu, xé một miếng bánh nhỏ, chấm vào ly sữa, đưa lên miệng. Nhỏ Thư Hương vẫn ngồi trong thế cũ, hai tay chắp lại để trong hai đùi, hỏi em: - Mầy thử đoán xem má anh Phong như thế nào? Em vừa nhai bánh, vừa hỏi lại nhỏ ấy: - Mầy đoán thế nào? - Tao đoán nhé... tao đoán má anh Phong cũng... gầy gầy như anh ấy... đeo sợi chuyền vàng mặt hình trái tim... và... và... nụ cười, nụ cười thì hệt như của anh Phong... ngồ ngộ... - Tao lại đoán má anh Phong là một người có dáng hao hao chị Hằng Thu, em vừa phải, má anh ấy mặc cái áo dài mầu nâu này... cổ đeo... xem nào... a... tao nhớ ra rồi... má anh ấy đeo một chuỗi tràng hạt bằng gỗ tràm. Mầy không nhớ anh Phong hay kể má anh ấy có cỗ tràng hạt bằng gỗ trầm quý lắm đó sao? Nhỏ Thư Hương gật đầu: - Ừ nhỉ. Mà không biết má anh ấy có hiền như anh ấy không nữa? - Mầy hỏi để làm gì? - Để nếu má anh ấy hiền, tao sẽ kheo tao vẫn được anh ấy khen là vũ giỏi nhất... (nhỏ Thư Hương cười mỉm)... chắc má anh ấy sẽ cho tao nhiều bánh kẹo lắm... Em vỡ lẽ, cười to: - Mầy lúc nào cũng chỉ ăn... Nhỏ Thư Hương khúc khích cười, biện hộ: - Không ăn làm sao sống? Nắng đã trải dài ngoài sân. Cô Trí Tâm dẫn một đám trẻ nhỏ ra phía cầu tuột. Bọn trẻ cô Trí Tâm trông nom đã bắt đầu đi học. Mười mấy đứa, đi làm hai hàng, vừa vỗ tay, vừa hát bài "con voi". Tiếng hát vang vang: Trông kìa con voi Nó đứng rung rinh Nghiêng mình trong đám Nhện chăng vò tơ Anh chàng voi ta Thích chí mê tơi Bèn mời anh khác Đằng xa vào chơi. Nhỏ Chung, nhỏ Lan, rất thích chơi cầu tuột, nhưng cũng rất sợ cô Trí Tâm, thấy cô dẫn bọ trẻ nhỏ tới, vội vàng rời khỏi cầu tuột. Nhỏ Chung dáng mập mạp, chạy chậm hơn nhỏ Lan, nhìn thật ngộ. Nhỏ Thư Hương bước ra sân, vẫy tay gọi: - Chung! Nhỏ Chung cười trả, đang định chạy về phía chúng em thì đổi hướng, khoát tay ra dấu bảo chúng em chờ. Nhỏ Thư Hương bảo em: - Cô Lý gọi nó! Rồi nhỏ trở vào phòng, ngồi cạnh em. Nhỏ kêu lên: - Trời ơi! Ăn gì mà lâu dữ vậy Dung Chi? Vẫn chưa hết ly sữa với miếng bánh. Em cười không đáp, nói sang chuyện khác: - Không biết nhỏ Chung bị cô Lý gọi làm gì vậy? - Không chừng nó bị cô la về tội bỏ đi chơi vào giờ đút cháo em nhỏ hồi chiều hôm qua. Nhỏ Thư Hương đoán sai, vì liền sau đó, nhỏ Chung đã trở lại. Nhỏ nhìn em nói: - Cô Lý nói mầy sửa soạn lên gặp sư cô Trí Huệ! Em kêu lên sửng sốt: - Gặp sư cô Trí Huệ? Nhỏ Chung: - Ừ! Em nghe nỗi sợ man mác trong lòng. Xưa nay, chúng em vẫn sợ nhất sư cô Trí Huệ. Sư co là giám đốc viện, đứng tuổi, hiền, nhưng cũng rất nghiêm. Đứa nào bị sư cô phạt thì nhất định lần sau, có cho kẹo, cũng không dám tái phạm lỗi lầm. Em bâng khuâng không hiểu có phải sư cô gọi em lên để phạt hay không? Nhỏ Thư Hương lo lắng cho em: - Mầy có làm gì bậy không? Em lắc đầu. Nhỏ Chung hỏi em: - Lên mau đi, sư cô đợi mầy ở phòng khách đó. Em nghe tiếng trống ngực đập thình thịch. Lo sợ, hồi hộp quá chừng đi. Ly sữa trong tay em run run. Em nói với nhỏ Thư Hương: - Tao lo quá... Nhỏ Thư Hương trấn an em: - Chắc sư cô gọi mầy vì chuyện gì khác chứ không phải gọi mầy lên để phạt đâu. Mầy mới được cô Lý thưởng mà. Em bước những bước thật chậm về phía phòng khách. Nơi này, chúng em ít đến, cho nên dù sống ở đây, phòng khách vẫn là một chỗ xa lạ với chúng em. Thật ra, sư cô Trí Huệ không cấm cản, nhưng chúng em cũng sợ chú Mộng. Chú ngăn không cho chúng em đến gần phòng khách chơi vì sợ chúng em làm dơ bẩn nền gạc hoặc phá rầy khi có khách đế thăm việc và đang được các sư cô tiếp trong đó. Cô Diệu Lý, mà chúng em quen gọi là cô Lý, là người trông nom mười tám đứa chúng em về việc học, đứng đợi em ở cửa phòng khách. Cô nhìn em mỉm cười, nụ cười của cô làm em thấy bình tĩnh lại phần nào. Em chắp tay thưa: - Thưa cô gọi em. Cô Lý dẫn em vào phòng khách, nơi đó, sư cô Trí Huệ đã ngồi đợi sẵn. Em chắp tay làm lễ chào sư cô rồi đứng cạnh nghe dạy. Gương mặt của sư cô thật hiện, mà lúc này lại làm em thấy sợ, tay em hơi run. Sư cô hỏi em: - Con là Dung Chi phải không? Em run giọng: - Vâng. - Có phải sư cô gặp con trong một trại tạm cư ở Mỹ Tho không? - Vâng. - Dường như trại tạm cư chiến tranh? Ba má con mất vì bị đạn lạc trong lúc hai bên đang đánh nhau? Em cúi đầu, nghe nồng nơi mắt. Những hình ảnh ghê rợn, những tiếng đạn vèo inh tai, tiếng kêu thất thanh của má em, cái xác nằm úp sấp của ba em... Có lẽ sư cô biết em buồn khi nghe sư cô nhắc lại chuyện cũ. Sư cô im lặng theo. Ngoài sân, bọn trẻ nhỏ đã được phép chơi cầu tuột. Tiếng hát lanh lảnh của chúng thôi còn vang vang, trả lại bầu không khí tươi mát, êm đềm của buổi sáng. Trong im lặng, thỉnh thoảng lại vang lên một tiếng cười ròn. Sư cô Trí Huệ hỏi em: - Con buồn phải không? Em không đáp. Sư cô tiếp: - Sở dĩ hôm nay sư cô nhắc lại chuyện cũ vì lâm lắm rồi, kể từ ngày sư cô nhận con về nuôi, sư cô giao con cho cô Diệu Lý trông nom thay, ít có dịp săn sóc con. Mà mới đây, có một chuyện khá quan trọng xảy đến cho con... Em nghe nhẹ nhõm hẳn. Đến lúc này, em đã biết chắc không phải sư cô gọi em lên để rầy phạt điều gì, mà là đẻ cho em biết một chuyện nào đó liên quan đến em. Một chuyện khá quan trọng. Chuyện gì kia? Từ ngày ba má em mất đi, và em được đem về đây, chung quanh em, gắn liền với cuộc sống của em, chỉ có các sư cô, những dì Năm, dì Tiễn, chú Mộng, những đứa bạn đồng trang lứa, các em nhỏ cô nhi khác. Thì chuyện gì xảy đến với em? Lại là chuyện quan trọng nữa chứ! Em nóng lòng muốn biết ngay mà sư cô Trí Huệ lại như không để ý đến điều đó, người hỏi em: - Sư cô nghe cô Diệu Lý bảo co ngoan lắm. Sư cô mừng cho con được ơn trên ban cho tính tốt. Mà con... có bao giờ con nghĩ rằng con sẽ được hưởng một phép lành không? Trước câu hỏi bất ngờ này, em lúng túng: - Thưa sư cô... con... - Sư cô muốn hỏi là con có mơ tưởng được sống trong một mái nhà có cha, có mẹ, có chị, có anh, có em không? - Thưa sư cô, đó là điều con hằng mong muốn... Sư cô nhìn em với ánh mắt thật trìu mến. Cái nhìn của sư cô kéo dài, thật lâu. Em cúi đầu, thỉnh thoảng lại liếc nhìn sư cô, sư cô nói: - Có một gia đình muốn xin con về nuôi, Em ngẩng đầu lên nhìn sững sư cô. Em không nghe lầm đó chứ? Sư cô tiếp: - Được người tốt bụng xin về nuôi là một diễm phúc cho con. Nhưng sư cô vẫn lo, biết người ta có giữ mãi lòng tốt đó hay không? Nếu lòng tốt chỉ là một thứ tình cảm bộc phát một cách dễ dàng trong một lúc nào đó, thì nó cũng chóng tàn. Trong trường hợp đó, không phải con gặp một diễm phúc nữa, mà là đã gặp một điều vô phúc... Sư cô nói có vẻ cao hơn tầm hiểu biết của em. Nhưng em lờ mờ hiểu được ý câu nói. Em hiểu là sư cô lo lắng cho em, nếu chẳng may em làm con nuôi một gia đình mà tình thương không phải là thứ tình cảm chân thật, thì lâu ngày, tình thương chỉ còn là lòng thương hại. Mà về lòng thương hại thì em hiểu nhiều. Hiểu qua những người đến đây thăm chúng em. Tình thương của họ được biểu lộ bằng những gói quà, những tặng phẩm, những câu nói đầu môi, xúc cảm nhất thời. Những ông mặc đồ lớn sang trọng, những bà quần là, áo lụa, vòng vàng, môi son, má phấn, đến với chúng em, hỏi han vài câu, chép miệng nói: "tội nghiệp" khi nghe chúng em kể hoàn cảnh của mình. Để rồi sau đó, hai tiếng tội nghiệp được thay bằng những chuỗi cười ròn rã khi chiếc xe hơi bóng lộn đưa họ ra khỏi cô nhi viện. Có lẽ, đó là những nụ cười tự thưởng, sau khi đã làm được một việc từ thiện - việc ban phát quà bánh, những tiếng tội nghiệp, ít câu hỏi han, để đổi lấy những tấm ảnh chụp chung với chúng em, đem khoe với mọi người. Thứ tình thương quà bánh ấy, những lòng thương hại ấy, làm sao thay thế được những lo lăng, chăm sóc của các sư cô, những lời la mắng đượm thương yêu của dì Năm, dì Tiễn, chú Mộng; những bàn tay thân ái kết thành vòng tròn, những bờ môi điểm nụ, tiếng hát vui xen lẫn tiếng đàn bập bùng, giọng hát, lời kể chuyện của các anh chị trong đoàn anh Phong, nhóm người trẻ tuổi đến với chúng em bằng hai bàn tay trắng, không bánh quà, mà là những chia xẻ, dạy dỗ, khuyên bảo, hòa đồng; nhất là tấm lòng, tấm lòng của những người đến đây không phải vì muốn được ghi tên lên bảng ân nhân của cô nhi viện. Sư cô Trí Huệ: - Ngày mai, khách sẽ đến đây. Con nên tìm hiểu về họ rồi cho sư cô biết ý. Bây giờ, con trở về phòng được rồi. Em chắp tay chào sư cô rồi lui ra khỏi phòng khách. Cô Diệu Lý đứng gần cửa hướng mắt về phía cầu tuột, nghe tiếng chân em, cô quay lại hỏi: - Sư cô cho em về rồi à? Em nhìn sững cô Lý. Em nhớ ngày em mới vào đây, em xưng "con" với cô, cô dặn đi dặn lại, bắt em phải xưng "em" và gọi cô là "Cô Lý", cô nói, cô chỉ đáng tuổi chị em. Em nhớ đến những lần cô khen thưởng, quở phạt, những lần cô giới thiệu em với khách đến thăm, rằng "Em Dung Chi ngoan lắm." Nếu em nhận lời với người khách ngày mai, đâu còn những tháng ngày kế tiếp sống bên cô Lý nữa, một người chị, một người mẹ. Thấy em không nói, cô Lý hỏi: - Sư cô Trí Huệ đã cho em biết chuyện rồi phải không? Em biết không, lúc nào các sư cô và mọi người lớn trong này đều muốn cho các em được sung sướng, nhất là em. Theo chỗ cô được biết, gia đình muốn xin em về nuôi vốn là một gia đình tốt... - Thưa cô, thế ra cô đã biết họ rồi? - Ừ, cô biết khá nhiều về họ, và chính cả em nữa... à nhưng thôi... chút nữa cô lại quên mất lời họ dặn rồi... - Thưa cô, ai? Cô Lý lắc đầu: - Cô đã hứa với họ là sẽ không cho em biết trước. Vội gì, sáng mai họ đến, em tha hồ mà tìm hiểu... Em im lặng, cô Lý thêm: - Cô tin là em sẽ bằng lòng. Rồi em sẽ được sung sướng. Em nghe giọng nói của cô Lý thoáng nghẹn ngào. Dường như cô đang cố dằn cảm xúc để em khỏi vương nhiều quyến luyến. Em bỗng ôm chầm lấy cô, khóc òa. Cô Lý đưa tay vuốt mái tóc xõa của em như muốn xoa dịu lòng em, cô nói: - Cô biết, phải xa nơi này, em sẽ buồn lắm. Nhưng nếu so cái buồn bây giờ và cuộc sống của em mai hậu, thì cái buồn này chẳng đáng kể gì. Em biết đấy, các sư cô ở đây dù có nhiều thiện chí cũng không đủ phương tiện để lo lắng đầy đủ cho các em được. Chỉ có một gia đình với lòng thương sẵn có, với phương tiện đầy đủ, mới đem lại cho các em một đời sống tương lai bảo đảm... Em nín khóc nhưng vẫn gục mặt vào ngực cô Lý, cô gỡ tay em ra và nói: - Em về phòng chơi đi. Cô có chuyện phải bàn với sư cô Trí Huệ. Cô Lý đi rồi, em đưa tay quệt những giọt nước mắt còn sót lại trên mi. Em cảm thấy mình đang ở một cõi xa lạ nào đó, không hiểu nổi mình đang vui hay buồn? *** Về đến phòng, nhỏ Thư Hương và nhỏ Chung hỏi thăm em rối rít: - Mầy có bị sư cô phạt không? - Sư cô nói với mầy chuyện gì vậy? Em ngồi xuống, nhìn nhỏ Thư Hương, nhìn nhỏ Chung, mắt em lại rướm lệ. Nhỏ Thư Hương ngồi sát bên em, hỏi: - Sư cô phạt mầy hả? Em lắc đầu, nhỏ lại hỏi: - Có chuyện gì vậy? Mãi một lúc lâu, em mới nói được: - Tao sắp phải xa tụi mầy rồi. Nhỏ Thư Hương và nhỏ Chung ngạc nhiên khi nghe em nói câu này. Hai đứa hỏi thêm và em kể cho bạn nghe mọi chuyện xảy ra đằng phòng khách. Nhỏ Thư Hương rất dễ khóc, nghe em kể xong, nước mắt đã nhòa tràn trên mi, lăn dài trên má. Nhỏ ấy nói với em: - Mầy đi, tao buồn lắm. Nhỏ Chung nắm tay em: - Tao cũng nhớ mầy nữa. Nhỏ Thư Hương: - Chắc ba má nuôi của mầy giàu lắm? Lâu lâu mầy nhớ xin phép xuống chơi với tụi tao nghe... tao không cần mầy đem bánh kẹo theo đâu... Nhỏ Chung: - Chắc mầy sẽ có nhiều đồ chơi, mầy cho tao xin một con búp bê nghe. Con cũ cũng được, để tao nhận nó làm em, ru nó ngủ mỗi đêm cho đỡ nhớ em Hiền của tao ngày xưa... Em nghe những lời của nhỏ Thư Hương và nhỏ Chung mà càng cảm thấy buồn hơn. Hay là... em từ chối? Em sẽ được ở lại với các sư cô, với bạn bè, với các em nhỏ. Những kỷ niệm êm đềm từ sau ngày em trở thành đứa trẻ mồ côi ở nơi đây sẽ không xa rời em nữa. Nhưng còn người khách muốn xin em? Họ sẽ buồn biết bao, và sư cô Trí Huệ, dường như người muốn em nhận lời, người sẽ giận em biết bao nếu em từ chối, từ chối một cơ hội có thể đem sung sướng cho đời em, điều mà mọi người ở đây, như lời cô Lý nói, đều mong muốn, chẳng những cho riêng em, mà còn cho cả các bạn em, các em nhỏ cô nhi khác. Em thấy như mình không còn gì để suy nghĩ nữa. Có lẽ em phải nhận lời. Cô Lý nói cô biết về gia đình này, và cả em, hình như lúc nãy cô định nói là cả em, em cũng biết? Và họ là người tốt. Em chỉ còn biết cầu nguyện và chờ mong ngày mai. Cầu xin có được nhiều cảm tình với người mẹ, người cha nuôi trong lần đầu tiên gặp gỡ. Em nói với nhỏ Thư Hương: - Mình tập hát đi. Nhỏ Thư Hương lắc đầu: - Thôi. Mầy đang buồn, tao cũng không được vui, chắc ngày mai tao chẳng còn lòng dạ nào ca hát nữa... Em nắm chặt tay nhỏ Thư Hương lắc mạnh: - Tao có buồn gì đâu. Còn mầy nữa, có gì để mầy không vui? Nếu tao theo ba má nuôi rời nơi đây ngay ngày mai thì còn dịp nào để tụi mình hát chung với nhau nữa? Mầy không muốn cùng tao tập hát để ngày mai mình hát bên nhau, lần hát kỷ niệm khi hai đứa còn ở đây sao? Nhỏ Thư Hương nhìn em. Mắt nhỏ ấy vẫn còn long lanh ngấn lệ. Nhỏ ấy bỗng cười, nụ cười gượng: - Ừ, thì mình sẽ tập hát... nhưng mà... mầy nói với tao là mầy không buồn, sao mắt mầy lại ướt? Em cười theo bạn, đưa tay lau nước mắt. Co Diệu Hằng đã bắt đầu lên khóa lễ buổi sáng. Tiếng chuông trầm buồn ngân dài, lan rộng. |
| | | nhanbkvn
Tổng số bài gửi : 1612 Registration date : 16/07/2012
| Tiêu đề: Re: *_Hoa Tầm Gởi Sun 17 Mar 2013, 20:14 | |
| Chương II
Em và nhỏ Thư Hương cùng đoán sai. Má an Phong không có dáng hao hao chị Hằng Thu, cũng không có dáng gầy gầy như anh Phong, mà bà khá đẫy đà, thấp hơn anh Phong cả một cái đầu. Chỉ có một điểm em đoán đúng, là cổ bà có đeo chuỗi tràng hạt bằng gỗ trầm. Đoàn anh Phong đến cô nhi viện lúc chín rưỡi. Hôm nay, đoàn có thêm má anh Phong, ba chị Hằng Thu, má các anh Lương, Đạo, các chị Phụng, Diệu, Phương. Những người lớn, tuy là ba má của các anh chị vẫn đến chơi với chúng em nhưng cũng làm chúng em e dè đôi chút. Tự nhiên, đứa nào cũng có vẻ trang nghiêm, cái vẻ trang nghiêm phải có mỗi khi có khách đến viếng viện. Lúc anh Phong giới thiệu chúng em, đến em, anh nhìn má. Bà gật gù: - Dung Chi đấy à? Xinh lắm! Rồi bà đến bên em, dắt ra ghế ngồi hỏi chuyện. Bà hỏi em bao nhiêu tuổi, học lớp mấy, vì sao phải đến viện... Em nhớ những lời sư cô Trí Huệ hỏi em sáng hôm qua. Trong một thoáng, em nghĩ má anh Phong chính là người hỏi xin em làm con nuôi. Lạy trời, phải chi ý nghĩ của con là đúng. Con sẽ có được niềm tin rằng mình không phải là kẻ vô phúc, lọt vào một gia đình xin con nuôi không phải vì tình thương chân thật, để đời con phải chịu thêm những khổ sở đắng cay như sư cô Trí Huệ lo lắng. Lạy trời cho ý nghĩ của con là đúng, con sẽ cố tỏ ra ngoan ngoãn, làm vừa lòng mọi người trong gia đình mới, để khỏi phụ lòng những người muốn gầy dựng tương lai cho con. Anh Phong sẽ thôi than thở: "Tiếc quá, anh không thể đến đây thường ngày để dạy Dung Chi học." Chị Hằng Thu sẽ thôi nói; "Phải chi Dung Chi ở gần chị, chị sẽ dạy Dung Chi hát thật nhiều bài." Nhưng từ lúc đoàn anh Phong đến, chưa một sự kiện nào có thể cho em nghĩ rằng mình mơ tưởng đúng. Má anh Phong bắt đầu chuyển sang chuyện sinh hoạt hằng ngày trong cô nhi viện. Đằng kia, mọi người đang sửa soạn trở lại phòng khách. Mười bảy đứa còn lại trong bọn chúng em chắp tay, đọc câu cảm ơn, những tiếng rời, đều, tiễn chân khách: - Chúng con xin cảm ơn ông bà... Má anh Phong đứng lên, xoa đầu em: - Con ở lại đây nhé, bác lên phòng khách. Cô Diệu Hằng đợi má anh Phong đi trước rồi mới theo sau. Em đứng lên, chắp tay đọc: - Chúng con xin cảm ơn ông bà. Câu nói máy móc ấy thốt xong, em ngồi phịch xuống ghế, thẫn thờ nhìn theo đoàn người đang nối gót nhau hướng về phòng khách. Ý nghĩ khi nãy trở lại với em. Hình ảnh má anh Phong và gia đình anh thì thật rõ rệt, nhưng hình ảnh người sẽ nhận xin em, theo lời sư cô Trí Huệ, hôm nay đến đây, lại mù mờ, lẩn khuất. Có bàn tay đặt lên vai em, rồi giọng chị Hằng Thu: - Dung Chi ngồi nghĩ gì đấy? Em ngước mặt lên. Khuôn mặt ngược chiều của chị Hằng Thu đang cúi xuống. Chị nhoẻn miệng cười, hỏi em: - Có phải Dung Chi đang nghĩ đến gia đình mới không nào? Em ngạc nhiên: - Chị cũng biết chuyện rồi? Chị Hằng Thu ngồi xuống chiếc ghế má anh Phong vừa ngồi, đáp: - Chuyện gì của Dung Chi chị lại không biết. - Anh Phong nói với chị phải không? Chị Hằng Thu liếc nhìn về phía anh Phong đang cùng các anh chị khác chuẩn bị cho bọn chúng em lên phòng khách. Anh Phong dặn nhỏ Thư Hương điều gì đó, nhỏ ấy nhìn về em. Có lẽ anh Phong và nhỏ ấy nói chuyện về cách trình bày bài "một đàn chim yến". Chị Hằng Thu gật đầu xác nhận câu hỏi của em là đúng. Em thấy loé lên tia hy vọng: - Có phải má anh Phong xin em không chị? Chị Hằng Thu có vẻ ngạc nhiên: - Sao Dung Chi lại nghĩ thế? - Tại em nóng lòng quá... mà sao chị lại hỏi em như vậy? Anh Phong không nói với chị rằng má anh ấy xin em làm con nuôi sao? Em nghĩ không đúng sao? - Không. Anh Phong không nói gì với chị về điều ấy. - Em nóng lòng ghê... Chị biết không? Suốt đêm qua, em suy nghĩ mãi về việc phải rời viện và tưởng tượng đến gia đình mới của mình. Không hiểu em có thể sống yên vui nơi đó được không? - Dung Chi không muốn rời cô nhi viện phải không? - Vâng. Nhưng em vẫn phải rời khỏi nơi đây. Em biết các sư cô thương em, muốn em được sung sướng. Em không thể để buồn lòng các sư cô. Em chỉ sợ, niềm sung sướng chỉ đến với em trong một thời gian ngắn ở gia đình mới... Giọng của chị Hằng Thu như vướng vất chút gì lơ đãng, mơ màng kỳ lạ: - Chị cũng lo do Dung Chi như thế... Biết đâu chỉ trong một thời gian ngắn... Tay chị bóp chặt tay em. Dường như chị đang suy nghĩ lung lắm. Em liếc nhìn chị. Ánh mắt của chị trải dài về phía trước, ánh mắt phóng đi mà có lẽ không để nhìn gì cả. Anh Phong lên tiếng gọi: - Thế nào? Hai chị em tâm sự xong chưa? Còn sửa soạn đi chứ! Em kéo tay chị Hằng Thu đứng lên. Chị ngắt ngang tia nhìn mông lung. Bờ môi nho nhỏ của "cái miệng trẻ con" - theo lời anh Phong - điểm nụ cười tươi. Chị hỏi em: - Chút nữa Dung Chi hát bài gì?
***
Sau khi ca hát ở phòng khách về, mỗi đứa chúng em được thưởng một bao bánh kẹo. Bọn con trai theo anh Bảy về dãy phòng phía bên phải viện. Bọn con gái chúng em về dãy phòng trái. Các anh chị trong đoàn anh Phong đều ở lại phòng khách với ba má, trò chuyện cùng các sư cô. Đồng hồ điểm mười giờ rưỡi. Chúng em còn được thong thả nữa tiếng nữa mới phải đi "đút cháo" cho các em nhỏ - Thật ra, không phải tất cả các em nhỏ cô nhi đều ở tuổi phải đút cháo, phần lớn đã ăn cơm. Với những em này, chúng em chỉ phụ chúng bằng cách lấy cơm, lấy đồ ăn để chúng tự ăn lấy. Nhưng có một cái lệ chúng em quen, là hay gọi tắt cho dễ nhơ. Dù phụ các em nhỏ ăn cơm hay đút cháo, chúng em cũng gọi tắt là đút cháo. Nhỏ Thư Hương mở bao ni lông bánh kẹo của nhỏ ấy ra đếm được sáu cục kẹo loại một đồng, tám cục kẹo chanh năm cắc và mười hai cái bánh. Phần của em ít hơn, nhưng bánh lại là bánh quế, loại bánh mà nhỏ Thư Hương rất thích. Nhỏ ấy đòi đổi: - Tao đưa cho mày hết mười hai cái bánh, mày đổi cho tao bốn cái bánh quế nghe Dung Chi. Nếu như ngày thường, chắc chắn chẳng bao giờ nhỏ Thư Hương được toại ý. Nhưng hôm nay, ngày cuối cùng - dù sư cô Trí Huệ có nói là em có quyền quyết định, nhưng em nghĩ, dù không bằng lòng, em cũng nhận lời để khỏi làm thất vọng người đã có ý hỏi xin em, để khỏi làm phiền lòng các sư cô, những người luôn mong mỏi, cầu nguyện một cuộc sống an lành cho em. Ngày cuối cùng còn được trò chuyện, chơi đùa với các bạn ở đây, thì em còn tiếc gì mấy cái bánh quế em cũng ưa thích. Em lấy bánh quế trao cho nhỏ Thư Hương, nhưng từ chối, không nhận bánh của nhỏ ấy. Nhỏ ấy ngạc nhiên: - Mày không chịu? Mày muốn lấy thêm kẹo hả? Em lắc đầu nhì nhỏ Thư Hương, nhỏ nhìn lên. Bốn mắt chúng em nhìn nhau. Và có lẽ nhỏ Thư Hương đọc được trong ánh mắt của em câu trả lời. Nhỏ hỏi em: - Mày biết ba má nuôi là ai chưa? Em lắc đầu: - Chưa thấy sư cô nói cho biết. Nhỏ Thư Hương: - Tao cầu trời cho ba má nuôi của mầy không đến. Nhỏ Thư Hương thương em mà nói vậy. Nhỏ ấy cầu trời. Cầu trời. Nơi níu kéo hy vọng của con người luôn là một đấng vô hình. Nguyện xin. Để ôm cái hy vọng trong vòng tay niềm tin. Em không còn hai tiếng cầu trời và nguyện xin nữa. Em chỉ còn sự chờ đợi. Người sẽ đến với con như một hạnh phúc hay sẽ đến với con như một điều con không đợi mong? Người có mặt nơi phòng khách hiện giờ hay đang trên đường đến cô nhi viện. Người đã thấy mặt con hay đang tưởng tượng đến diện mạo con như con đang mơ tưởng đến dung mạo người? Người là ai? Các bạn của em cũng đều đã biết chuyện của em. Những gói bánh kẹo được mở ra, nỗi háo hức trước món quà rồi cũng mờ dần. Cả bọn nhớ đến em và kéo đến cả bên em. Nhỏ Chung chậm chạp, nhỏ Lộc mạnh bạo như con trai, nhỏ Hoa hay hờn dỗi, nhỏ Hoàng, nhỏ Xuân, nhỏ Lan. Tám đứa con gái trong bọn mười tám đứa lớn ở cô nhi viện này, tối nay chỉ còn bảy đứa. Em... Nhỏ Lan hỏi em: - Chừng nào chị Dung Chi đi? Em lắc đầu: - Chưa biết nữa. Đôi mắt của nhỏ Lan, anh Lương khen là thật đẹp, giọng nói của nhỏ ấy, chị Phương khen là thật dễ thương. Em còn tìm được ở nhỏ ấy một tình thương, tình thương trìu mến của đứa em với người chị. Nhỏ Lan xem em như chị, đối xử thật thân tình. Dù nhỏ ấy nhỏ tuổi nhất trong bọn, nhỏ ấy cũng chỉ chịu gọi mỗi mình em bằng "chị". Có phải vì thế mà em cũng có cảm tình đặc biệt với nhỏ ấy? Có lẽ không. Mà là bởi có một mối liên kết vô hình nào đó, như lời anh Phong vẫn nói khi em hỏi anh "sao anh thương em hơn các bạn của em?" Cô Lý xuất hiện trước cửa phòng. Chúng em đứng lên chắp tay chào rồi im lặng đợi lệnh. Cô Lý nói: - Các em khác sửa soạn đi đút cháo cho các em nhỏ, còn Dung Chi theo cô. Bọn chúng em chia tay nhau. Em đi sau cô Lý, lòng bồn chồn. Em hỏi cô: - Thưa cô, có chuyện gì vậy? Cô Lý đi chậm lại, đợi em tiến lên ngang hàng mới nói: - Có người muốn gặp em. Em bật thốt: - Ba má nuôi của em? Cô Lý gật đầu: - Má chứ không có ba nuôi em. Em run lên: - Người vừa tới? Cô Lý không nói mà chỉ khẽ mỉm cười. Cũng vừa đến phòng khách. Em đảo mắt nhìn một lượt, tưởng sẽ gặp khuôn mặt lạ của má nuôi em vừa tới. Nhưng không thêm ai, vẫn những người trong đoàn anh Phong. Sư cô Trí Huệ ngồi giữa cô Diệu Hằng và cô Trí Tâm. Bốn người khác lớn tuổi ngồi phía đối diện và các anh chị chia nhau ngồi ở hàng ghế kê sát tường. Mọi người cùng hướng về em. Em thấy chị Hằng Thu nhìn em và cười. Dường như chị đã biết má nuôi em là ai rồi. Cô Lý dẫn em đến bê sư cô Trí Huệ. Vị sư cô già với gương mặt khả ái hiền từ đặt tay lên vai em, thong thả nói: - Hôm qua, sư cô đã cho con biết mọi chuyện. Vậy bây giờ, trước mặt các sư cô, trước mặt các ông bà và các anh chị đây, con có thể cho sư cô biết quyết định của con. Người muốn nhận xin con đang chờ con nói một lời. Em nhìn về phía bốn người lớn. Má anh Phong? Má anh Lương? Má anh Đạo? Hay ba chị Hằng Thu? Ý nghĩ trước kia trở lại với em. Con nguyện xin. Vâng, bây giờ đã hết sự chờ đợi. Con nguyện xin ý nghĩ của mình là đúng. Cô Lý dẫn em đi vòng ra phía bốn người khách. Và dừng lại trước má anh Phong. Cô Lý nói: - Má nuôi em đó! Chuỗi tràng hạt bằng gỗ trầm tỏa mùi thơm ngát. Dáng dấp má nuôi em chợt phóng đại, mờ đi. Hai mắt em nhòa hẳn. Người nói với em: - Bác nghe thằng Phong nói nhiều về con. Dường như con cũng quý mến nó lắm thì phải. Gia đình bác tuy không khá giả lắm, nhưng cũng không đến nỗi nào. Con có thể tin là con sẽ được sống một đời đầy đủ. Cả vật chất lẫn tinh thần. vì muốn xin con về, là bác mến con qua những lời kể của thằng Phong. Vừa rồi, gặp mặt con lần đầu, bác thấy mình nghĩ tốt về con quả không sai. Dung Chi! Con có tin được những lời bác vừa nói là thành thật không? Em cúi đầu. Chừng như em khóc thì phải. Những giọt lệ sung sướng ứa ra, tràn đầy. Như một lúc, biển cả ngập tràn nước biếc, lòng em ngập tràn yêu thương. Thấy em không nói gì, cô Lý nhắc: - Dung Chi, em nói đi chứ! Má anh Phong: - Con cứ suy nghĩ cho kỹ. Dù thương mến con, bác cũng phải tôn trọng ý của con. Cũng như con bác, thằng Phong, đã không dám cho con biết trước chuyện này, sợ con sẽ bằng lòng không phải vì mến và tin ở bác, ở gia đình bác, mà chỉ vì con mến nó... em ngẩng mặt lên. Nước mắt vẫn còn làm những hình ảnh trước mặt em nhạt nhòa. Tự nhiên, chung quanh em im lặng quá. Con còn biết nói gì đây. Niềm mong ước của con là một gia đình, với những thương yêu, trìu mến thành thật. Một anh Phong, mẫu người anh không gợn chút ý nghĩ xấu trong con. Một bác, qua những lời nói, cử chỉ lần đầu tiên gặp gỡ, cho con thật nhiều thiện cảm. Và con cũng hy vọng những người khác trong gia đình bác cũng đối xử với con như bác và anh Phong. Thì con còn biết nói gì nữa đây. Anh Phong! Anh hiểu em đang nghĩ gì không? Bác hiểu con đang nghĩ gì không? Con đang muốn gọi tiếng "má" thương yêu mà đã quá lâu con không được gọi. Con gọi má đó má! Má ơi! Mùi trầm thơm của chuỗi tràng hạt mà má đeo trên ngực kia, có phải cũng thoảng thêm những thương yêu ngào ngạt? Má chở che, dùm bọn con nghe má! Cho con tìm lại tình thương người mẹ, tình thương người cha, tình thương gia đình, mà con tưởng không bao giờ con còn tìm lại được. - Con nghĩ sao, Dung Chi? Em đáp lại câu hỏi bằng những giọt nước mắt lăn dài trên mặt. Em gục mặt vào ngực má anh Phong, má nuôi của em. Mùi trầm thơm ngào ngạt. Một tay người ôm gọn vai em, tay kia người xoa nhẹ lên mái tóc. Em nghe lòng ấm lại. Em nghe muôn vàn điệu nhạc vang lừng. Có những tiếng cười. Em tưởng tượng trên môi sư cô Trí Huệ và các cô Diệu Hằng, Trí Tâm, Diệu Lý, bốn đóa cười đang nở. Ba chị Hằng Thu nói: - Tôi thành thật mừng chị có thêm một cô con gái ngoan. Má anh Lương, má anh Đạo: - Ao ước mãi, bây giờ thì mừng nhé! - Xem kìa, chưa gì mà con gái đã nũng nịu với má rồi! Em vẫn úp mặt vào ngực má nuôi. Nước mắt em đã thôi trào. Em nghe mặt nóng bừng vì những lời trêu ghẹo của má anh Đạo. Chị Hằng Thu bảo em: - Dung Chi theo chị về phòng chơi nhé! Em đang muốn rời khỏi nơi đây - mắc cỡ quá chừng đi - nghe chị Hằng thu hỏi, mừng lắm. Em rời khỏi má nuôi. Người bảo em: - Ừ, con theo chị đi... Em cúi đầu chào tất cả một lượt, mặt em đỏ bừng. Rồi em nối gót theo chị Hằng Thu. Có những tiếng chân đuổi theo sau hai chị em. Em nhìn lại. Các anh chị khác đang bước vội theo. Chị Phụng nói: - Gớm, đợi người ta một chút coi, làm gì mà vội thế?
***
Em bước những bước vội vàng ra phía chiếc xe hơi màu xanh da trời của anh Phong. Nắng đã trốn khỏi vòm trời từ lâu. Chiều xuống, bầu không gian lặng lẽ và buồn tênh. Trong lòng em thì ngổn ngang những niềm vui, nỗi hồi hộp, sự lo lắng, buồn phiền. Những bước vội của em như trốn chạy những giọt nước mắt tiễn đưa của nhỏ Thư Hương, những lời nhắn của nhỏ Chung: "có búp bê cũ, mầy nhớ để dành cho tao nghe, để tao ru nó thay em Hiền của tao." Những lời dặn dò của nhỏ Lan: "Lâu lâu, chị nhớ về thăm em nghe." Em trốn chạy cả những cái vẫy tay của các sư cô, những lời chúc của dì Năm, dì Tiễn, chú Mộng. Trốn chạy khung cảnh quen thuộc nơi đây. Sau khi dùng cơm trưa, mọi người ra về trên hai chiếc xe hơi, chỉ còn lại má nuôi em, anh Phong và chị Hằng Thu giúp em thu xếp đồ đạc và đợi em từ giã mọi người. Cô Diệu Hằng cũng đã dẫn em lên điện thờ để đọc kinh lần cuối. Tiếng chuông mõ, lời kệ kinh giúp em tạm quên trong giây lát. Em cũng xin được đút cháo cho các em nhỏ lần cuối rồi mới chịu ra xe. Và ra xe với những bước vội vàng. Em ngồi ở băng sau cùng chị Hằng Thu. Anh Phong cầm lái và má nuôi em ngồi cạnh. Xe từ từ lăn bánh. Cổng cô nhi viện chạy lùi dần đến trước mặt em rồi mất hút sau lưng. Tự nhiên, em nhớ lại ngày mới đến đây, với những mệt nhọc của quảng đường dài từ Mỹ tho đến, với đôi mắt cay sè vì khói xăng của chiếc xe lam. Em không dám quay lại nhìn viện lần cuối, sợ lòng dâng niềm quyến luyến. Chị Hằng Thu gợi chuyện để em quên cảnh biệt ly: - Dung Chi biết không, lần này là lần đầu tiên anh Phong giấu chị đấy. Anh ấy cứ nằng nặc bảo là không biết ai sẽ đến xin em về. Em hỏi: - Thế chị có giận anh ấy không? Chị Hằng Thu chưa trả lời, anh Phong đã đáp: - Còn lâu chị ấy mới dám giận anh. Chị Hằng Thu: - Ai bảo anh thế? - Dung Chi bảo thế. Phải không hở cô em gái cưng của anh? Em bật cười. Gió lùa qua cửa xe làm mái tóc anh Phong bềnh bồng. Vài sợ tóc của em trôi về phía chị Hằng Thu, lướt trên vai chị, em nói: - Mát quá! Chị Hằng Thu vòng tay ôm em, "cái miệng trẻ con" hát khe khẽ: - Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào... Em nhìn má nuôi em, lòng nao nao. Đã hết đường ngoại ô, xe vào thành phố. Xe cộ mỗi lúc một nhiều hơn. Những tiếng động cũng gia tăng, ồn ào, náo nhiệt. Đèn đường cũng vừa bật sáng. Em nhớ lại lời ru của má em ngày xưa khi em còn ở dưới Mỹ Tho: Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọ lu Anh về anh học chữ nhu Chín trăng em đợi, mười thu em chờ... Tự nhiên, em chắp tay trước ngực. Con cầu xin được mãi mãi an lành. |
| | | nhanbkvn
Tổng số bài gửi : 1612 Registration date : 16/07/2012
| Tiêu đề: Re: *_Hoa Tầm Gởi Sun 17 Mar 2013, 20:15 | |
| Chương III
Thời gian rồi cũng làm mất dần những bỡ ngỡ, ngại ngùng buổi đầu tiên. Em rồi cũng quen dần với những người xa lạ, với khu phố ồn ào, với những con đường nhiều xe cộ. Gia đình mới của em trú ngụ trong một căn biệt thự biệt lập trong một khu đất rộng, có hàng rào xây bao bọc. Khu đất nằm ngay một ngã tư nên sự ồn ào càng gia tăng, so với sự ồn ào của đường phố Sài Gòn và sự im lặng của con đường ngoại ô ngang cô nhi viện. Nhà chị Hằng Thu ở cùng đường, cách đó chừng nửa cây số. Đến đây được vài hôm, em đã xin sang ngay bên ấy chơi cho biết. Cũng là một biệt thự nhưng nhỏ hơn và không có đất trống nhiều. Gia đình chị Hằng Thu chỉ có bốn người: hai bác Tường - ba má chị - chị và người em trai, anh Thông. Bác Tường trai là một công chức, ngày hai buổi phải tới sở. Chị Hằng Thu, anh Thông đều còn đi học, lại cùng học buổi sáng, nên suốt buổi sáng, ở nhà, chỉ có bác Tường gái lo đi chợ, nấu nướng. Chiều đến, bầu không khí có vẻ bớt tẻ lạnh hơn, nhưng vẫn chẳng thể đầm ấm và vui vẻ bằng gia đình mới của em. Ba nuôi em trước kia là một thương gia, sau nhiều năm lăn lộn với việc bán buôn, lấy tiền dành dụm mua ngôi biệt thự này sống dưỡng già. Người vừa được năm mươi nhưng nét mặt với những nếp nhăn và mái tóc hoa râm, màu trắng nhiều hơn màu đen khiến người ngoài thoạt trông, tưởng chừng người đã xấp xỉ sáu mươi. Tính người ít nói nên thật khó cho em trong việc tìm hiểu tính tình người. Chỉ biết, người hơi nóng tính và rất cưng chiều nhỏ Thu Mai, đứa con gái út. Chị Uyên là người con cả trong gia đình, kế đó là anh Phong, chị Hương, anh Duy. Chị Uyên đã có người hỏi, nhưng còn đợi đến năm chị đậu xong bằng cử nhân, chị mới xuất giá. Dĩ nhiên, với sức học cao như thế của chị, em mang một niềm kính phục vô biên. Tính chị cũng tốt, tuy đôi lúc, chỉ tỏ ra ích kỷ vô cùng. Chị Hương, anh Duy đang ngồi các lớp đệ nhị, đệ tứ, không quá săn đón, chăm lo cho em như anh Phong, nhưng cũng không quá thù nghịch với em như nhỏ Thu Mai. Em thực lấy làm khổ tâm về điều này. Nhưng em không oán trách nhỏ ấy một lời. Vì em hiểu, sự hiện diện của em đã gây một thiệt thòi cho nhỏ ấy. Em đã chia xẻ tình thương của nhỏ ấy. Nhiều lúc, em thấy áy náy vô cùng khi má nuôi em cho em quà mà không cho nhỏ Thu Mai. Có lần, em lấy phần của mình chia cho nhỏ ấy, tức thì nhỏ ấy quăng xuống đất, nói "không thèm" rồi bỏ đi. Để lại em, không biết nghĩ sao, đứng khóc. Những ngày mới về đây, thì giờ với em thật thừa thãi. Nhưng hiện giờ, em đã được nhập học - nhờ quen biết, má nuôi em xin cho em được vào học trường công, cùng lớp với nhỏ Thu Mai - Em đã có một thời khóa biểu đều đặn. Thời khóa biểu khác hẳn với nếp trầm lặng của cô nhi viện. Buổi sáng, anh Phong lái xe đưa em và nhỏ Thu Mai đến trường rồi anh mới đi học, hoặc, về đưa chị Uyên, chở má đi chợ... Trưa, nếu anh bận học, chưa kịp về, hai đứa em cuốc bộ về nhà. Trường cũng không xa lắm, cách nhà gần một cây số. Giấc ngủ trưa không bắt buộc như trong cô nhi viện nên em có thể làm việc này, việc nọ. Chiều đến, sau khi tắm rửa, em và nhỏ Thu Mai đi học bài. Bữa cơm chiều là chấm dứt những việc thường nhật. Buổi tối, ngoại trừ những khi đặc biệt, như có chương trình thiếu nhi, hoặc có lời gọi của má nuôi em, em mới chịu coi truyền hình. Cái thú của em mỗi khi màn đêm buông xuống là ra sân trước, ngồi trên chiếc xích đu trò chuyện với anh Phong. Thỉnh thoảng, chị Hằng Thu rảnh rang theo má sang chơi, anh Phong đem đàn ra đệm cho hai chị em hát, thật vui. Đôi lúc, em nhớ lại chuỗi ngày còn sống trong cô nhi viện. Nhớ những việc hàng ngày ở đó. Nhớ hồi chuông sáu giờ sáng, những miếng bánh mì đường hoặc cá mòi, nhớ giờ đút cháo cho các em nhỏ... Chỉ có hình ảnh của các bạn em thì không nằm trong niềm nhung nhớ đó. Vì những lần anh Phong cùng các anh chị khác đi xuống cô nhi viện, anh đều cho em đi theo. Em nhớ buổi sáng chủ nhật đầu tiên em trở lại cô nhi viện. Những nôn nóng dần nhường chỗ cho vui mừng như con đường dẫn đến cô nhi viện mỗi lúc một thu ngắn lại. Chú Mộng là người đầu tiên em gặp lại. Chú đón em với một nụ cười - nụ cười thật khó tìm trong suốt thời gian em ở đây - Kế đó là cô Lý và nhỏ Hoa, hôm ấy trực phòng khách. Nhỏ Thư Hương được tin chạy ra sau đó, "công chúa hay khóc" - biệt danh của nhỏ ấy do anh Lương đặt cho - đón em bằng những giọt nước mắt. Nhỏ Chung, nhỏ Lan và các nhỏ khác với những lời hỏi han... Anh Bảy, anh Thành,.. cũng vui mừng thăm hỏi em. Dì Năm, dì Tiễn xum xoe kheo bộ đồ đầm của em đẹp làm chị Hằng Thu hãnh diện lắm. Vì chính chị đã đưa em đi mua bộ đồ ấy. Suốt buổi chủ nhật ấy, em cảm thấy thật vui. Em đã lên điện thờ để nguyện xin và cảm tạ.
***
Em và nhỏ Thu Mai ngồi cạnh nhau. Nhỏ này tự ái ghê lắm. Làm toán không ra nhưng nhất định không bao giờ thèm hỏi em. Đã nhiều lần, anh Phong phàn nàn về nhỏ ấy. Rằng chỉ ham chơi hơn ham học. Một tối, anh có nói một câu so sánh "Thu Mai không xem Dung Chi đấy, chăm học nên bài toán nào làm cũng được." Tức thì nhỏ Thu Mai hờn dỗi: "Ai không biết người ta học giỏi, không giỏi thì sao người ta được má nhận làm con nuôi con nuôi cưng." Tiếng "con nuôi" được nhắc đến lần thứ hai làm em thấy lòng quặn lên. Có lẽ em đã khóc ngay sau đó nếu anh Phong không kịp nhận ra điều này, vờ như không nghe nhỏ Thu Mai nói, tiếp tục cho bài toán mới để em không còn thì giờ suy nghĩ mà buồn. Cô giáo gõ thước hỏi: - Các em làm xong chưa? Vài tiếng "chưa" vang lên thưa thớt. Cô cau mày, hỏi lại: - Vẫn chưa ra? Thế những em nào đã ra rồi? Hơn nửa lớp đưa tay lên. Không có tay nhỏ Thu Mai. Nhỏ vẫn chưa làm được chữ nào. Cô có vẻ giận: - Bài toán cô đã cho làm không biết bao nhiêu lần rồi, mà lần nào cũng chỉ đổi những con số. Có thế mà các em làm cũng không xong thì còn học với hành gì nữa? Cô kỳ hạn cho mười phút nữa, cả lớp phải góp hết. Em thầm lo cho nhỏ Thu Mai. Bên dưới hai chữ "giải lý" là những hàng kẻ trống, chưa một câu nào cả. Mà bài toán có khó gì. Một người đi buôn mua một tá trứng, đem về bán được 100 đồng, tính ra được lời 4 đồng. Tìm giá vốn một trái trứng. Em khẽ huých tay nhỏ Thu Mai. Nhỏ quay nhìn em. Em nói: - Dung Chi viết ra giấy nháp để Thu Mai chép nghe! Nhỏ Thu Mai: - Không thèm! - Cô bắt mười phút nữa phải góp rồi, Thu Mai không sợ bị điểm xấu à? - Kệ người ta! - Anh Phong biết, anh Phong rầy Thu Mai chết. - Đã bảo kệ người ta! Em định tìm lời để thuyết phục nhỏ Thu Mai chịu chép toán cho khỏi bị điểm xấu. Cô giáo khó ghê lắm, cô đã nói từ đầu năm, cô rất ghét những đứa nào góp giấy trắng. Mà nhỏ Thu Mai lại chưa có một câu bài làm, cũng không chịu chép của em. Có tiếng cô giáo: - Dung Chi! Em hoảng hốt đứng lên. Cô hỏi: - Em nói chuyện gì đó? Em ấp úng không đáp, cúi mặt. Cô hỏi tiếp: - Làm bài xong chưa? - Thưa cô xong rồi. - Xong rồi ngồi nói chuyện đấy hả? Chuyện trò gì với em Thu Mai thế, Thu Mai! Nhỏ Thu Mai đứng lên, liếc em. Em lo sợ nhỏ ấy bị cô phạt quá. Lòng em áy náy, chỉ vì em nói chuyện với nhỏ ấy mà nhỏ ấy bị phạt, dù rằng em nói với nhỏ ấy là bởi em lo cho nhỏ ấy bị điểm xấu. Cô giáo hỏi nhỏ Thu Mai: - Em làm toán xong chưa? Nhỏ Thu Mai run giọng: - Thưa cô... chưa... Cô nổi nóng: - Chưa? Chưa mà ngồi nói chuyện? - Thưa cô, em đâu có nói... - Còn chối nữa hả? Chính tai cô nghe rõ ràng mà. Em chen vào: - Thưa cô... - Gì? Còn em nữa đó, Dung Chi. - Thưa cô, không phải nhỏ Thu Mai nói chuyện với em, mà là em nói chuyện với nhỏ ấy. - Ra thế đó. Cô cầm thước kẻ bước xuống lớp, tiến về phía em và nhỏ Thu Mai. Vừa đi, cô vừa nói: - Thì ra em làm bài xong rồi tự cho mình cái quyền được nói chuyện, coi cô chẳng ra gì. Cả lớp dồn vào cô giáo và hai đứa chúng em. Nhỏ Thu Mai sợ xanh mặt lại. Em khoanh tay lại, nói rõ, mong cô giáo tha cho nhỏ Thu Mai: - Thưa cô, tại em nói chuyện chứ không phải tại nhỏ Thu Mai. Cô giáo cho nhỏ Thu Mai ngồi xuống. Nhỏ riu ríu nghe lời, ngồi xuống nhưng nét mặt vẫn còn tái. Xong xuôi, cô bắt em xoè tay ra, đánh cho ba thước. Bàn tay em đỏ bừng lên vì la lằn roi. Mắt em nhòa đi. Cô giáo: - Còn oan lắm sao mà khóc? Ngồi xuống! Cô trở lên bàn, gõ thước nói với cả lớp: - Làm bài đi! Năm phút nữa cô góp bài. Lớp học vang lên một loạt tiếng động rời rạc rồi trở lại im lặng. Em đưa tay quyệt nước mắt. Nhỏ Thu Mai nhìn em cười, nói khẽ: - Đáng đời chưa! Ai bảo nói chuyện với người ta. Em thấy ghét nhỏ Thu Mai ghê. Nhưng nhì vào tập của nhỏ ấy, với những dòng kẻ trống bên dưới hai chữ "giải lý", em quên ngay. Em lo cho nhỏ ấy quá!
***
Trời đổ mưa. Những cơn mưa đầu mùa thường hay bất chợt như thế. Sáng này, khi em đi học, trời còn trong xanh không gợn một bóng mây lạc loài. Vậy mà, đúng lúc chuông reo tan học, trời tối sầm lại. Em và nhỏ Thu Mai chạy nhanh ra cổng trường với hy vọng anh Phong đến đón kịp lúc. Nhưng chẳng thấy bóng chiếc xe màu xanh quen thuộc đâu cả. Mưa lại bắt đầu đổ hột. Hai đứa đứng nép vào quán nước bên cổng trường. Nhỏ Thu Mai mở cặp lấy áo mưa ra. Em cũng mở cặp, nhưng ngăn đựng áo mưa cặp em trống không. Em trách mình sao lại sơ ý quá, mùa mưa, trời có thể đổ mưa bất ngờ, bất cứ lúc nào, lại không đem theo áo mưa. Nhỏ Thu Mai đã mặc áo mưa vào. Em đứng lặng thinh một lúc, không biết tính sao. Bỗng em nhớ ra một điều. Thì ra không phải em lấy áo mưa ra rồi bỏ quên ở nhà, mà là nhỏ Thu Mai mượn áo của em mặc chiều hôm qua, khi vào nhà, đem phơi, lại quên gấp trả em. Nhỏ Thu Mai: - Không đem theo áo mưa à? Em lắc đầu: - Hôm qua Thu Mai mượn áo của Dung Chi mà Thu Mai quên trả. Dung Chi cũng sơ ý không coi lại trước khi đi học, thành ra bây giờ đành không có áo mặc... Nhỏ Thu Mai sừng sộ: - Rồi đứng đấy trách người ta đấy hở? Không coi lại thì gắng chịu chứ! Em biết tính nhỏ Thu Mai, chẳng bao giờ chịu nhận phần lỗi về mình. Em năn nỉ: - Cho Dung Chi khoác chung áo với... - Cho khoác chung áo để người ta bị ướt lây ấy à? - Dung Chi không sợ ướt, nhưng sợ má mắng... - Gắng chịu lấy một mình. - Cho Dung Chi khoác chung với đi. Nhỏ Thu Mai còn đang dùng dằng thì từ trong màn mưa, một ánh đèn quét ngang. Chiếc xe hơi màu xanh quen thuộc hiện ra mờ mờ. Trong xe, anh Phong đang đưa mắt tìm hai đứa chúng em. Em mừng rỡ kêu to: - Tụi em đây nè anh Phong! Rồi đứng đợi anh đậu xe vào lề. Nhỏ Thu Mai không biết nghĩ sao, bỗng cởi áo mưa ra, đẩy vào tay em, rồi băng mình vào màn mưa, về phía chiếc xe hơi đã mở cửa sẵn. Em ngẩn người ra một chút, rồi ở trong một tâm trạng không giải thích được, em cầm cái áo mưa trong tay băng mình theo nhỏ Thu Mai. Nhỏ ấy đã ngồi vào một góc xem, đầu tóc ướt nhẹp. Anh Phong hỏi: - Sao Thu Mai không mặc áo mưa? Nhỏ Thu Mai nhìn em nói: - Người ta dành mất rồi còn đâu mà mặc! Em nghe cay nơi mắt mà không nói được lời nào. Cổ em như mắc nghẹn. Trưa hôm ấy, anh Phong gọi em vào phòng anh, nơi đây đã có sẵn nhỏ Thu Mai. Anh Phong nhắc lại cách đối xử của em với nhỏ Thu Mai lúc về học, rồi hỏi em: - Dung Chi nghĩ lại xem, em làm như thế là phải hay trái? Trong phép dạy dỗ, anh Phong vẫn hay đặt những câu hỏi tương tự thế. Em cúi đầu. Em không nghĩ về nhỏ Thu Mai và câu chuyện dành áo mưa do nhỏ ấy dựng đứng lên, mà em nghĩ về anh Phong cùng sự lo lắng của anh dành cho em. Em cảm thấy được an ủi rất nhiều vì biết rằng mình còn có anh Phong chăm lo săn sóc, dạy dỗ. Anh Phong nhắc: - Dung Chi! Em nói cho anh nghe xem. Em làm như vậy là đúng hay sai? Em nói nhỏ: - Thưa anh em biết lỗi... Rồi em quay sang nhỏ Thu Mai: - Dung Chi xin lỗi Thu Mai... Nhỏ Thu Mai mỉm cười đắc chí. Nụ cười của người thắng cuộc. Và em. Vâng. Em cam nhận là người thua cuộc. Để nhỏ Thu Mai được vui, em hy vọng nhỏ ấy sẽ hiểu em, sau này đối xử với em hòa nhã, thân thiện hơn. Em cam nhận làm người thua cuộc, cố dẹp chút tự ái nhỏ nhen để anh Phong được vui, nghĩ rằng em biết phục thiện. Một đức tính anh cho là cần thiết trong đời sống mỗi người. Anh Phong bảo em: - Chỉ có một cách để giữ vững thiện cảm với nhau, là biết nhường nhịn nhau. Vâng. Em xin nghe lời anh. Tự ái chẳng nên có ở em. Chẳng nên có ở một đứa trẻ mồ côi như em. Em đang là người ngửa tay xin xỏ tình thương mà. Em phải biết nói những lời của kẻ cầu xin. Cho dù em không hành động trái lẽ phải. Cho dù em có lý. Em sẽ cố nhường nhịn nhỏ Thu Mai. Em thấy thật là vô lý nếu em đi chấp nê với nhỏ ấy. Vô lý thật. So với nhỏ Thu Mai, người con ruột, và tình thương em đón nhận được ở những người trong gia đình này, như má nuôi em, như anh, thì em, đứa con nuôi, kẻ đón nhận tình thương, làm sao đứng ngang hàng được. Em cũng nghĩ đến hai chữ nhường nhịn. Có lẽ không dùng hẳn là nhường nhịn. Nhường nhịn là khi nào một người trên đối với một người dưới kia chứ! Còn em... em chỉ là một đứa con nuôi! Không đâu, anh Phong ơi! Không phải em tủi thân đâu. Mà là em nhìn thẳng sự thật. Sự thật vẫn hay gây đau lòng, phải không anh?
***
Anh Phong hỏi em: - Trưa nay, anh la Dung Chi, em có buồn không? Em lắc đầu: - Không. Em có lỗi nên không dám buồn gì cả. - Anh không muốn em và Thu Mai không thân thiện với nhau. Dù sao hai đứa cũng cùng sống chung với nhau một nhà, học chung một lớp. Em nhớ đến chuyện nhỏ Thu Mai không làm ra toán hồi sáng, cùng những ý nghĩ của em về việc này. Em nói: - Em muốn thưa với anh một chuyện, nhưng sợ anh hiểu lầm. - Chuyện gì? - Xin anh đừng nghĩ là em nói xấu Thu Mai, cũng đừng nghĩ xấu về nhỏ ấy. - Anh hứa. - Buổi sáng nay, Thu Mai không làm được toán, nhỏ ấy góp giấy trắng cho cô... -... thì cũng như nhiều lần trước? - Và cũng như những lần trước, em đợi Thu Mai hỏi để em nhắc, nhưng Thu Mai không hỏi. Em ngỏ ý cho Thu Mai chép, Thu Mai giận, nói không thèm... - Anh đã nói với Dung Chi nhiều lần. Rằng Thu Mai có nhiều tự ái lắm. Lại nữa, em cho Thu Mai chép bài, đó không phải là em giúp ích cho nó. Nhưng em không biết làm cách nào khác hơn. Em sợ Thu Mai bị điểm xấu. - Mặc nó. - Em không an tâm... Anh Phong im lặng. Tiếng ghế xích đu đưa qua đưa lại nghe thật rõ. Trong nhà, tiếng hát của một ca sĩ từ máy truyền hình vang ra, cao vút. Gió thổi nhẹ làm đu đưa nhánh trúc đào. Chỉ có những cành hoa đại khẳng khiu, với những phiến lá dày, vô hồn, nhuộm bóng đêm đen đủi, lạnh lùng, trơ trọi. Lâu lắm, anh Phong mới nói: - Anh hiểu ý em, anh biết em là một đứa trẻ tốt... Em hỏi: - Anh bảo em phải làm sao mỗi khi gặp trường hợp tương tự như sáng nay? Anh Phong lắc đầu: - Em không phải làm gì cả. Anh sẽ cố nói cho Thu Mai hiểu rằng nó phải chăm học hơn. Thời gian sau này, tự dưng nó sút kém quá... - Có lẽ vì sự có mặt của em... - Gì? -... - Đừng nghĩ như thế. Anh không muốn nghe Dung Chi nói thế. Nhận lỗi khi mình có lỗi là một việc cần và đúng. Nhưng không phải bất cứ chuyện gì cũng nhận lỗi về phần mình... Không đâu anh Phong. Em lại cho là đúng. Nhận lỗi tất cả, dù không phải mình làm lỗi. Trường hợp em là phải thế. Em ví mình như một kẻ sắp chết đuối, may mắn lạc vào một hoang đảo. Thì những ngày sống sót kéo dài sau đó, cũng phải được xem là một ân huệ mình đón nhận. Gia đình anh đã cho em cảm giác mình lọt vào một tổ ấm, đôi lúc, em thấy nỗi sung sướng ngập tràn, thì có sá gì một nhỏ Thu Mai và những chuyện ganh ghét, những lồi lầm em tự nhận. Im lặng lại ngự trị. Không biết anh Phong nghĩ gì? Riêng em, em nghĩ về anh và chuyến đi cô nhi viện chủ nhật tới. Em nghe nỗi mừng reo khẽ trong lòng. Em hỏi: - Chủ nhật tuần này không biết có đủ các anh chị không? Chứ như lần trước thiếu anh Lương, mất vui đi nhiều... - Ừ đấy, thiếu anh Lương là mất vui đi khá nhiều... Nhưng Dung Chi à, chủ nhật này mình ở nhà. - Sao? - Chủ nhật này có anh Ân, chồng sắp cưới của chị Uyên từ Đà Lạt vào chơi. Em vỗ tay: - Thế à? Chắc anh ấy có đem theo nhiều mận Đà Lạt, anh nhỉ? Em tưởng tượng đến những trái mận vàng ươm, mọng chín. Tưởng tượng đến những cái nhăn mặt khi ăn phải quả chua. Em nhớ lại lần đầu tiên em biết thế nào là mận Đà Lạt ở cô nhi viện. Lần ấy, khách đem cho cũng khá nhiều, nhưng chía ra, mỗi đứa chỉ được vài trái. Thôi thì quý hơn vàng. Nâng niu, hít hà cất giữ mãi mới ăn. Em hỏi: - Anh Ân có dữ không anh? - Không. Hiền lắm. Anh ấy viết thư bảo anh ấy nóng muốn biết mặt em lắm đấy. - Sao anh ấy biết có em ở đây? - Chị Uyên viết thư kể. Em nở nụ, tựa lưng sát thành ghế xích đu, hình dung gương mặt của anh Âm. Anh Phong nói: - Trước kia, anh Ân theo học ở Sài Gòn, sau ra trường, anh ấy được bổ dạy học trên Đà Lạt. Gia đình ba má anh ấy ở mãi Hà Tiên nhưng cũng có người quen ngoài Đà Lạt, nên gửi anh ấy ở ngoài đó để làm việc. Chính anh Ân đã gợi ý cho anh thực hiện những việc như việc đến cô nhi viện với các em đó. Tiếc là anh ấy không có phương tiện thực hiện như anh. - Nếu anh Ân còn ở lại, thế nào anh cũng mời anh ấy đi cô nhi viện viếng một lần nghe anh Phong? - Thứ hai, anh ấy đã phải về Đà Lạt rồi. - Tiếc nhỉ. Em ngồi im. Thoáng trong tâm tưởng, em ước mong sẽ gặp được thêm một người biết cảm thông và thương xót mình. Có phải suốt đời em, chỉ có một thứ em phải đi tìm, là tình thương? |
| | | nhanbkvn
Tổng số bài gửi : 1612 Registration date : 16/07/2012
| Tiêu đề: Re: *_Hoa Tầm Gởi Sun 17 Mar 2013, 20:16 | |
| Chương V
Với những niềm vui mỏng manh, những nỗi buồn bất chợt, em đã sống trong gia đình mới được hơn năm. Má nuôi em vẫn với những săn sóc, thương yêu buổi đầu. Anh Phong luôn cho em những cảm nghĩ tốt. Ba nuôi em, mái tóc hoa râm ngày một trắng hơn, vẫn sống trầm lặng, đôi lúc như lạnh lùng. Thật chẳng thể ngờ rằng chỉ cách nay vài năm, người còn là một mẫu người hoạt động trong những giao dịch bán buôn. Chị Uyên và chị Hương dần xa cách em hơn. Những vô tình của em trở thành những cố ý đối với hai chị. Thật không sao em hiểu nổi chị Uyên. Em chỉ mơ hồ là em đã làm chị cảm thấy chị bị mất đi phần nào cảm tình của anh Ân. Trong một lá thư viết cho em, anh Ân có nhận xét về chị Uyên sau câu chuyện chị hờn giận với em hôm anh đến chơi. Rằng chị quả là vô lý, nếu chỉ vì em làm anh quên bẵng chị trong phút chốc mà chị giận, và chị quả là ích kỷ đến độ nhỏ nhen, nếu chị tị hiềm và ganh ghét với em về tình cảm của anh. Anh ngỏ ý rất buồn về chị, và anh thoáng có ý hối tiếc đã hỏi cưới chị. Em hoảng hốt viết lên anh một lá thư dài. Em lo sợ vì em mà chuyện của anh chị không thành. Em xin anh đừng quá quan tâm đến em nữa. Em cam đoan chị Uyên thương anh nhiều lắm. Em xin anh đừng nghĩ đến hai chữ hối tiếc. Anh đáp lại, bảo sẽ cố quên. Em cầu nguyện mong anh Ân quên được. Với anh Duy, chưa một lần em có cảm tưởng rõ rệt về anh. Vì cả ngày, anh chỉ mãi lo việc học. Cuộc sống của anh như một phản chiếu cuộc sống của ba anh. Trầm lặng. Riêng nhỏ Thu Mai, mỗi lần nhắc đến nhỏ ấy là em lại muốn khóc. Công trình học tập và cố gắng của em suốt một năm đã được đền bù. Em đậu vào đệ thất trường công. Còn nhỏ Thu Mai, nhỏ ấy bị đánh rớt. Mọi người chúc mừng và khen thưởng em. Nhưng em càng nhận nhiều những lời khen, những quà thưởng bao nhiêu, em càng nghe lòng buồn bã bấy nhiêu, vì hố ngăn cách giữa em và nhỏ Thu Mai vì những lời khen, những quà thưởng khiến thêm sâu rộng, thêm ngăn cách. Chỉ những lời chúc mừng em của những người nơi cô nhi viện là làm em thấy sung sướng trọn vẹn. chủ nhật ấy, em theo đoàn anh Phong trở lại cô nhi viện. Thời gian đã xóa nhòa trong lòng nhỏ Thư Hương những nỗi nhớ quá sâu đậm về em. Nhỏ ấy đã hết còn đón em bằng những giọt nước mắt của "công chúa hay khóc" nữa. Nhỏ Thư Hương chờ em từ ngoài cổng cô nhi viện với gương mặt tươi vui, rạng rỡ. Anh Phong vừa dừng xe, nhỏ Thư Hương đã tiến đến kéo tay em xuống. Nhỏ ấy cười nói tíu tít: - Tao đậu rồi, mầy có kết quả chưa? Em đặt tay lên ngực. Mấy tiếng vừa rồi của nhỏ Thư Hương như một liều thuốc thần giúp em quên hết mọi chuyện và cảm thấy sung sướng, vui mừng vô ngần. Em run giọng: - Tao cũng đậu rồi. Nhỏ Thư Hương ôm chầm lấy em mà khóc. Em cầm lệ không được, cũng khóc theo. Hai đứa ôm nhau khóc không biết bao lâu, mãi đến khi có tiếng của chị Hằng Thu: - Lêu lêu kìa! Đứng giữa đường mà khóc! Chúng em mới rời nhau. Nhỏ Thư Hương cười - không phải nụ cười gượng của người vừa nín khóc, mà là nụ cười tươi điểm trên gương mặt còn đọng lệ quanh mi - nhỏ ấy nói: - Bộ chị cấm tụi em khóc sao? Xử ức tụi em. Tụi em mách anh Phong cho coi. Chị Hằng Thu cười ròn rã, nắm tay hai đứa hướng về phía phòng khách. Em bước tung tăng, cười nói thật vui vẻ. Cô Diệu Lý hỏi em: - Đậu rồi hở Dung Chi? Em khoanh tay chào và đáp phải, rồi đến đứng bên cô. Cô Lý nắm tay em thật lâu mà không nói gì. Em nhớ lại ngày em mới đến cô nhi viện. Hồi ấy, em học lớp ba, toán nhân còn chưa rành. Cô Lý đã phải bỏ hằng tháng để dạy em. Em nghe như tiếng cô Lý còn văng vẳng đâu đây: "Bốn lần năm là mấy? Hai mươi phải không? Viết số mấy? Đúng rồi, viết không giữ hai. Bốn lần tám là mấy? Ba mươi hai. Giữ hai là ba mươi bốn, viết mấy, giữa mấy?" Ôi! Kỷ niệm xa xưa tìm về, không phải trong một hiện tại buồn thương, mà là một hiện tại sáng đẹp. Em sung sướng xiết bao. Em trở về phòng cũ để báo tin mừng cho nhỏ Chung, nhỏ Lan... Bọn chúng cũng cho em biết tất cả đều được lên lớp. Bên con trai, anh Thành cũng thi đậu. Rồi những kỷ niệm học ngày trước được chúng en đem ra kể lại cho nhau nghe. Đến gần mười rưỡi, cả bọn mới chịu kéo đi tìm các anh chị trong đoàn anh Phong. Các anh chị đang kẻ liềm người cuốc, làm cỏ khu đất trước cô nhi viện. Anh Lương - người vui vẻ nhất đoàn - thấy chúng em kéo ra thì dừng tay lại, tì cằm lên cán cuốc, nói: - Chao ơi! Hôm nay các hoàng tử, công chúa tâm sự với nhau lâu quá nhỉ? Nhỏ Chung: - Tại có hai công chúa và một hoàng tử thi đậu mà! - Lạ nhỉ! Công chúa với hoàng tử mà cũng phải đi thi à? Anh tưởng đức vua có thể xin cho các hoàng tử, công chúa vào trường công miễn thi chứ! - Nhưng vua cha đi vắng rồi. - Đi vắng à? Thế trong hoàng cung còn những ai là người lớn? Nhỏ Thư Hương choàng vai em, một tay chỉ các anh chị khác nói: - Còn những người này này, hoàng tử Phong, hoàng tử Đại, công chúa Hằng Thu, công chúa Phương... - Thế thôi à? Còn anh nữa chi? - Anh ấy hở? Anh đâu phải là hoàng tử. -... - Anh là ông làm vườn lười nhất hoàng cung! Cả bọn phá ra cười. Anh Lương lắc đầu làm điệu, nhìn các anh chị khác rồi lững thững bỏ đi. Nhỏ Thư Hương bám em: - Sao anh ấy lại bỏ đi!? Không chừng anh ấy giận rồi... Em gọi: - Đi đâu thế anh Lương? Giận tụi em hở? Anh Lương quay lại, cười hì hì: - Giận các hoàng tử, công chúa nhỏ thế nào được mà giận. - Thế anh đi đâu đấy? - Ông làm vườn lười nhất hoàng cung đi tìm chỗ mát ngồi nghỉ để kể chuyện cổ tích cho... cho bươm bướm nghe... - Bươm bướm đâu nào? Anh Lương chỉ vào chúng em, vừa vỗ tay vừa hát: Kìa con bướm vàng Kìa con bướm vàng Xoè đôi cánh Xoè đôi cánh... Chúng em vỗ tay hát theo anh, vừa ùa đến bên anh, chia nhau ngồi quây quần chung quanh. Anh Lương bắt đầu kể chuyện, giọng kể hấp dẫn của anh lôi cuốn chúng em từ những câu đầu tiên: - Ngày xưa, ở một nước kia, đức vua rất anh minh, nhân đức, người đã già mà vẫn chưa có con nối nghiệp...
***
Một trận mưa to kéo dài suốt chiều hôm ấy, giữ em lại cô nhi viện đến gần tối mới về đến nhà. Niềm vui sướng như còn vướng vất quanh em. Dư âm những tiếng cười đùa réo rắt đâu đó. Nhưng chừng như em chẳng thể có được niềm vui lâu dài. Anh Phong cho xe vào ga ra xong, em xuống xe bước nhanh vào nhà, định tìm má nuôi em để khoe cánh nơ màu tím thật đẹp của cô Diệu Hằng làm tặng. Má nuôi em không có ở phòng khách. Em đi vòng ra sau bếp, cũng không. Trong phòng của người, cũng không. Và đến phòng nhỏ Thu Mai, em ngạc nhiên thấy mọi người có mặt sẵn nơi đây. Chị Uyên thấy em, hằn học vô cớ: - Đi chơi về đấy à? Chắc vui lắm nhỉ? Chẳng có gì phải lo lắng hết. Em đến bên má nuôi, nhìn nhỏ Thu Mai trùm chăn trên giường, em hỏi người: - Thu Mai sao vậy má? - Nó đi chơi nắng rồi lại gặp mưa, về nhà kêu khó chịu và nằm mê man từ chiều đến giờ. Em đến bên giường, đặt tay lên trán nhỏ Thu Mai. Nóng hừng hực. Nhỏ Thu Mai nhắm nghiền hai mắt, thỉnh hoảng lăn qua, lộn lại: - Anh Phong vào tới, anh Duy kể bệnh của nhỏ Thu Mai cho anh biết, anh lo lắng hỏi: - Đã gọi bác sĩ chưa? Anh Duy: - Chắc bác sĩ cũng gần tới rồi. Lúc em gọi điện thoại báo tin, ông ta trả lời còn bận vài người khách. Có tiếng còi xe ngoài cổng. Anh Duy chạy vội ra mở cổng. Ít phút sau, vị bác sĩ bước vào. Ông nghe kể bệnh, khám, rồi chích cho nhỏ Thu Mai hai mũi thuốc. Em thấy lo ngại cho nhỏ Thu Mai. Hằng ngày, nhỏ rất sợ chích, lần nào trong trường có chích ngừa, nhỏ cũng tìm cách lẩn trốn. Vậy mà lúc này, nhỏ nằm im lìm không một phản ứng khi bác sĩ chích. Có lẽ nhỏ đã mê man đến không còn biết gì nữa. Bỗng nhiên, những oán ghét nhỏ Thu Mai trong em dần tan biến. Trước mắt em, đâu còn nhỏ Thu Mai hợm hĩnh, với những lời nói xỏ xiên làm buồn lòng em nữa. Chỉ còn nhỏ Thu Mai trong cơn bệnh. Kìa! Đôi môi ấy, cong dài, hiền lành biết bao. Kìa! Bàn tay ấy, gầy gầy, nho nhỏ, dễ thương biết bao. Em mỉm cười nhẹ khi tưởng tượng đến một lúc nhỏ Thu Mai hết bệnh, em nói với nhỏ ấy rằng em đã săn sóc và lo lắng cho nhỏ ấy thật nhiều khi nhỏ ấy bệnh. Và nhỏ ấy tin là em nói thật. Nhỏ ấy sẽ vơi bớt những tự ái, thù hằn với em. Rồi khi em nhận hết lỗi lầm về phần mình - những lỗi lầm tự nhận - nhỏ ấy thấy được vuốt ve tự ái, sẽ bằng lòng hòa thuận với em. Rồi sau đó; mới vui biết bao khi hai đứa nắm tay nhau nhẩy chân sáo đến trường, chụm đầu bên nhau làm toán, chơi đồ hàng. Con búp bê tóc đen của em sẽ có thêm nhỏ Thu Mai làm chị, con búp bê tóc vàng của nhỏ ấy sẽ có thêm chị Dung Chi và giữa hai con búp bê, em sẽ nhường cho búp bê của nhỏ Thu Mai làm búp bê chị. Những ngày chủ nhật, sẽ không còn một mình em xuống chơi dưới cô nhi viện nữa. Mà còn thêm nhỏ Thu Mai. Em sẽ dẫn nhỏ ấy đến phòng em, giường em trước kia. Chỉ cho nhỏ ấy xem hàng chữ giường của Trần Nguyễn Dung Chi, em viết bằng bút nguyên tử dưới chân giường. Em sẽ dẫn nhỏ ấy cùng ra chơi cầu tuột với nhỏ Chung, để cười thật vui mỗi lần nhỏ Chung tuột hết cầu, xuýt xoa: "Úi cha, đau chân quá", hoặc "cầu tuột gì ngắn ngủn". Chị Hương sai em: - Đi lấy ly nước lọc cho Thu Mai nó uống thuốc Dung Chi! Em đi xuống bếp lấy nước. Trong trí em vẫn còn lưu lại những hình ảnh vừa qua. Ừ nhỉ, biết đâu hồi nhỏ Thu Mai chơi với mình rồi, chị Uyên và chị Hương cũng không còn ghét mình nữa. Mình sẽ viết cho anh Ân một lá thư kể rõ mọi chuyện. Chắc đọc đến đoạn mình kể chị Uyên đã biết thương mình, anh ấy phải mừng lắm. Nhưng rồi một tuần lễ đi qua, bệnh của nhỏ Thu Mai không thuyên giảm chút nào. Suốt ngày, nhỏ lăn lộn mê man. Đôi lần, nhỏ lên cơn sốt, nói sảng, ném tung chăn đắp, giựt rách cả mùng. Buổi sáng là thời gian nhỏ còn tỉnh đôi chút. Nhỏ đòi ăn nọ kia. Nhưng bác sĩ cấm, bảo rằng bệnh của nhỏ ấy không được ăn đồ ăn cứng, nhất là trái cây xanh. Ba nuôi em lo lắng cho nhỏ Thu Mai đến bỏ ăn mất ngủ. Em nhớ lại những ngày bình thường, người rất ít khi săn sóc đến con cái, thế mới biết, chẳng cha mẹ nào không thương con. Có điều tình thương của người cha không bộc phát đậm đà bằng của người mẹ, tình thương này chỉ mãnh liệt mỗi khi có dịp. Anh Ân được tin, viết thư hỏi thăm và hẹn nếu anh thu xếp công việc ngoài Đà Lạt xong xuôi, anh sẽ vào thăm nhỏ Thu Mai. Em kể cho nhỏ Thu Mai biết, nhỏ ấy tỏ vẻ vui mừng lắm. Nhỏ nhắn em viết thư lên nói với anh Ân là nếu có xuống, nhớ làm quà cho nhỏ ấy ít hoa pensec ép, để khi đi học, nhỏ ấy khoe bạn bè. Em nghe nỗi vui mừng tràn ngập khi nhỏ Thu Mai đã không còn những lời nói, cử chỉ đối với em như trước kia. Một lần, em ngồi cạnh giường nhỏ ấy, nghĩ dại, nếu chẳng may nhỏ ấy mệnh hệ nào... nước mắt em lăn dài. Vừa lúc nhỏ ấy tỉnh dậy, thấy em khóc, nhỏ ấy hỏi: - Sao Dung Chi khóc vậy? Ai đánh Dung Chi? Em lắc đầu không đáp. Nhỏ Thu Mai hỏi em chuyện khác: - Bao giờ anh Ân xuống? - Chắc tuần sau hay tuần sau nữa. - Cầu trời cho Thu Mai khỏi bệnh trước khi anh Ân xuống. - Mỗi đêm, Dung Chi đều cầu nguyện cho Thu Mai lành bệnh. Lành bệnh rồi, Thu Mai chịu đi cùng Dung Chi xuống cô nhi viện chơi không? - Ở đấy có đông trẻ cỡ tuổi mình không? - Đông. Dung Chi có con bạn dễ thương lắm. Nó tên là Thư Hương. Đáng lẽ tên nó là Thu Hương, nhưng lúc làm khai sanh, người ta viết sai, thành ra bây giờ nó đành mang tên Thư Hương... Kỳ quá Thu Mai há? Nhỏ Thu Mai cười nhẹ: - Thu Mai sẽ làm quen với nhỏ Thư Hương... Em nghe lòng lâng lâng vui sướng.
***
Anh Ân đến thật bất ngờ. Nghe tiếng chuông gọi cổng, em tưởng bạn của anh Phong hoặc chị Hương đến. Ngờ đâu, khi chạy ra mở cổng, em phải một phen ngạc nhiên. Anh Ân đang đứng chờ ngoài ấy. Nhỏ Thu Mai đã bớt bệnh. Đã thôi còn những cơn mê sảng làm lo lắng cả gia đình. Bác sĩ cho nhỏ ấy ăn cháo và hy vọng chừng một tuần lễ nữa, nhỏ ấy có thể ăn cơm được. Nhỏ ấy đang độ lành bệnh, thèm ăn ghê lắm. Thứ gì, nhỏ cũng đòi ăn cho bằng được. Cả nhà phải giấu biệt mọi thứ. Anh Ân theo lời dặn, làm quà cho nhỏ Thu Mai những năm cánh pense ép thật đẹp. Nhỏ ấy vui ghê lắm, cười hoài. Phần em, anh làm quà ít quả dâu tây, ít trái mận. Chị Uyên được riêng năm trái bơ, thứ trái chị ưa thích nhất. Dĩ nhiên, tất cả phải giấu nhỏ Thu Mai. Anh Ân ở lại phòng Thu Mai chuyện trò suốt buổi sáng. Chị Uyên cũng có mặt ở đó. Em biết ý, lẳng lặng trở về phòng mình. Tháng ngày đã tập cho em sự chịu đựng, nhẫn nhịn. Và có lẽ, em không còn tự ái nữa. Vả riêng với chị Uyên, em nghĩ, cũng chẳng còn bao lâu nữa, chị đã về nhà chồng. Thì em phải cố sao để chị khỏi phiền lòng vì em. May ra, còn giữ lại được chút cảm tình nào đó với chị về sau. Chị đang sửa soạn thi chứng chỉ cuối cùng của bằng cử nhân. Em thấy chị tin tưởng lắm. Anh Ân nói, nếu không có gì trở ngại, qua giêng, anh chị sẽ làm đám cưới. Em ao ước được ăn đám cưới sớm. Không hiểu vì muốn anh Ân được vui, chị Uyên được vui, hay vì muốn chị Uyên về với anh Ân, rồi vì thương yêu anh ấy, nghe lời anh ấy, chị trở nên thương em hơn. Chị Uyên ơi! Chị đang ngồi ở phòng bên ấy, chị đang vui vì không có em ở đó, để chia bớt phần nào niềm vui, thương yêu của chị. Biết đến bao giờ, với một khung cảnh tương tự, chị vẫn vui khi có em bên cạnh?
Chương VI |
| | | nhanbkvn
Tổng số bài gửi : 1612 Registration date : 16/07/2012
| Tiêu đề: Re: *_Hoa Tầm Gởi Sun 17 Mar 2013, 20:17 | |
| Chương VI
Em dè đâu được câu chuyện lại xảy ra như thế. Những quả mận, quả dâu Đà Lạt anh Ân cho em, em đã cất kín trong ngăn kéo bàn học, vậy mà nhỏ Thu Mai cũng tìm ra được. Khi em phát giác ra điều này thì nhỏ Thu Mai đã ăn mất hai quả dâu. Em vội vã đi tìm người lớn để thưa chuyện. Không phải vì em tiếc hai quả dâu nhỏ nhoi đó, mà là em sợ nhỏ Thu Mai bị nguy vì đã ăn trái tươi, trái với lời dặn của bác sĩ. Lo lắng quá, em đi thật hấp tấp, đến nỗi đụng phải chị Uyên đang đi chiều ngược đến. Một tiếng xoảng vang lên làm em giật nẩy mình. Ly nước trên tay chị Uyên rơi xuống nền nhà, vỡ tan. Chị Uyên nhìn em trừng trừng. Em líu lưỡi lại: - Chị... tha lỗi... cho... em. Chị Uyên giận lắm thì phải, chị quát: - Mắt để đâu mà không thấy người ta đi? Em ấp úng: - Em xin lỗi chị... tại em đang có điều lo lắng... Chị Uyên cười châm biếm: - Mầy mà cũng có chuyện để lo lắng nữa? Em không còn thì giờ để ý đến lời lẽ của chị nữa. Em đang lo cho nhỏ Thu Mai. Em thưa: - Em đang lo lắng về nhỏ Thu Mai. Nhỏ ấy vừa ăn của em hai quả dâu tươi... - Rồi mầy tiếc chứ gì? - Không... em sợ nhỏ Thu Mai bị bệnh trở lại... vì em nghe bác sĩ nói nhỏ ấy còn chưa được ăn trái tươi... - Bác sĩ nói thế, nhưng nó gần khỏi bệnh rồi.. - Em sợ... - Không sợ gì hết, nó đòi thì chiều nó. Còn dâu tây không? - Thưa chị còn.. - Chia cho nó ăn với. Em lo sợ: - Nhưng... Chị Uyên quát: - Không nhưng với nhị gì hết. Mầy tiếc mấy quả dâu tây hở? Em lặng thinh. Chị Uyên thấy em không nói, nguôi giận, nhỏ giọng bảo em: - Nhịn một hai quả thì đã sao? Bộ Dung Chi không tin chị sao? Thu Mai nó cũng gần khỏi bệnh rồi còn gì. Cho nó ăn chắc cũng chẳng sao. Thôi... về phòng lấy dâu tây chia cho nó đi... Em nhìn xuống những mảnh ly vỡ dưới nền. Chị Uyên hiểu ý, nói: - Để đấy chị quét dọn cho. Lần này chị tha. Em nói cảm ơn chị rồi trở về phòng. Còn lại bao nhiêu dâu tây và mận, em đem cả sang phòng nhỏ Thu Mai. Em giấu sau lưng, hỏi nhỏ ấy: - Dung Chi có mấy quả mận để trong ngăn kéo vậy mà không biết ai lấy mất hai quả... Nhỏ Thu Mai chối: - Chắc chuột tha... - Chuột nào mà mở ngăn kéo được... chị có thể là chuột... Thu Mai? Nhỏ Thu Mai nổi nóng: - Dung Chi đổ cho Thu Mai ăn của Dung Chi đấy phải không? Em ngồi xuống cạnh nhỏ Thu Mai, bầy dâu tây và mận ra, vừa nói: - Không phải Thu Mai thì thôi vậy, cho Dung Chi xin lỗi... Nhỏ Thu Mai dịu giọng hỏi: - Dung Chi đem những thứ này đến đây làm gì vậy? - Để hỏi xem có phải nhỏ Thu Mai thèm ăn rồi lén sang phòng Dung Chi ăn mất hai quả dâu không? Nếu đúng thế thì Dung Chi đem tặng nhỏ Thu Mai tất cả. Nhưng tiếc là vừa rồi nhỏ Thu Mai bảo không phải... Nhỏ Thu Mai cười: - Chính Thu Mai ăn đấy. Em vờ ngạc nhiên: - Chứ không phải chuột tha à? Nhỏ Thu Mai bẽn lẽn không nói. Em cười to và kể lại chuyện em chạy đụng phải chị Uyên làm bể ly và những lo lắng của em. Nhỏ Thu Mai nói: - Chị Uyên nói đúng đấy Dung Chi à. Thu Mai gần hết bệnh rồi, còn cấm Thu Mai làm gì? Dung Chi xem đấy, Thu Mai ăn hai quả dâu từ sáng đến giờ mà có bị sao đâu? Em nghe nhỏ Thu Mai nói cũng hữu lý, thấy yên lòng đôi chút. Em lấy dao gọt dâu cho nhỏ ấy ăn. Nhỏ ăn một lúc là hết băng đống dâu tây và mận. Em nhường tất cả phần mình cho nhỏ ấy. Em không nghe thèm thuồng gì cả. Niềm vui của nhỏ Thu Mai chẳng những thay thế được những thứ trái cây kia, mà còn là niềm vui của chính em nữa. Món quà em đợi ở nhỏ Thu Mai bấy lâu nay chỉ có thế: sự thân thiện của nhỏ ấy!
***
Nhưng rồi sau đó vài ngày, nhỏ Thu Mai trở lại tình trạng cũ, nóng sốt, mê man. Và nửa tháng sau, nhỏ ấy bỏ đi, đi một lần vĩnh viễn. Lúc có tiếng kêu thất thanh của chị Hương trong phòng nhỏ Thu Mai vọng ra: "Ba má ơi! Coi con Thu Mai nè!" Thì em đang ngồi làm toán. Em gấp vội tập vở lại, xỏ nhanh đôi dép, băng mình về phòng nhỏ Thu Mai. Nhỏ Thu Mai nằm đó, mặt tái nhợt, hai mắt trợn trừng, em gào lên: - Thu Mai! Thu Mai là sao vậy? Dung Chi nè Thu Mai! Nhưng nhỏ Thu Mai vẫn im lìm. Hai con mắt trợn trừng. Ba má nuôi em, rồi chị Uyên, anh Duy lần lượt chạy vào. Má em khóc ngất đi. Chị Uyên vuốt mắt cho nhỏ Thu Mai, bờ mi khép lại, khép lại ngủ giấc ngàn đời. Anh Phong đi học về, biết tin, đứng lặng thinh một lúc thật lâu trước xác nhỏ Thu Mai, rồi sau đó, anh ôm mặt. Hai vai anh run rẩy, những giọt nước mắt len qua lòng bàn tay đọng dưới cằm. Dáng anh gầy gầy mái tóc rối, đầu gục xuống. Đám tang của nhỏ Thu Mai thật buồn. Có cả sự hiện diện của anh Ân từ Đà Lạt vào. Lúc hạ huyệt, em nhìn nhỏ Thu Mai qua tấm ảnh lộng kính, đôi mắt hiền bỗng như trợn trừng nhìn em. Kinh khiếp quá! Đôi mắt trợn trừng! Em bị ám ảnh bởi đôi mắt ấy đến ngã bệnh. Nhiều lúc em phải ôm đầu, che mặt để trốn tránh nó. Anh Phong cho em biết, nhiều đêm, em đã mê sảng hệt như nhỏ Thu Mai dạo trước, tuy không làm kinh động mọi người nhiều. Nghe anh kể thì em biết thế. Chứ riêng em, em hết còn phân định được rằng mình đang nghĩ và lo điều gì nữa. Em thấy một cái vòng tròn, lúc đầu nhỏ, sau lớn dần, xoay tít, thật lớn, úp chụp lên em. Trong đó, lẫn lộn thật nhiều hình ảnh. Em thấy rõ ràng cảnh bác sĩ quay nhìn mọi người hỏi: - Có ai cho em nhỏ ăn trái cây tươi không? Và chị Uyên với ánh mắt lo sợ. Ba má nuôi em với ánh mắt dò xét sau hai cái lắc đầu của các người. Giọng em run run: - Hôm trước, con có nhường dâu tây và mận cho Thu Mai. Bác sĩ kêu lên: - Nguy quá! Tôi đã dặn không biết bao nhiêu lần rồi. Đã bảo không được cho ăn trái cây tươi mà! Cái vòng tròn xoay đi, tít hơn. Rồi hình ảnh chị Hương với bờ môi mím lại, nắm tóc em vít xuống: - Mày giết em tao! Con quỉ! Mầy giết em tao! Chị Uyên gỡ tay chị Hương ra: - Mầy định giết nó đấy à? Hương! Chị Hương nhìn chị Uyên, buông em ra, rồi ngồi phịch xuống ghế, ôm mặt tấm tức khóc. Em nhìn chị Uyên. Chị lẩn tránh cái nhìn của em. Lại cái vòng tròn xoay tít. Gương mặt lạnh lùng của ba nuôi em, không thèm ném cho em mộ tia nhìn, dù là tia nhìn oán ghét, giận dữ khi người đi qua mặt em. Đến bữa cơm, người bỏ ăn. Chị Uyên vào phòng người hỏi, người nói: "Tao không muốn nhìn mặt con quỷ nhỏ ấy." Chị đành phải dọn riêng cho người. Cái vòng tròn chập chờn kia, có phải con mắt trợn trừng của nhỏ Thu Mai đó không? Những quả dâu tây, những quả mận vàng ươm. Trời ơi! em nào phải là người giết chết nhỏ Thu Mai. Em ôm mặt. Mồ hôi tuôn ra như tắm. Chị Uyên ngôi bên giường em, thấy em tỉnh dậy, mừng rỡ hỏi: - Dung Chi tỉnh rồi đấy à? Em ngồi dậy, nhìn chị thật lâu rồi bỗng gục mặt khóc. Chị nói với em: - Chị biết lỗi không phải ở em. Em dám cho Thu Mai ăn trái tươi là vì những lời của chị... Nhưng... Em ngước lên. Ánh mắt của chị Uyên hết còn là ánh mắt thường ngày. Em hiểu chị đang nghĩ gì. Anh Ân. Vâng. Em biết, hôm đưa đám nhỏ Thu Mai, anh Ân đã tỏ vẻ buồn vì em nhiều lắm. Anh hỏi em: "Dung Chi có biết điều bác sĩ cấm không?" Em đáp: "Em biết." Anh cay đắng: "Vậy mà em vẫn cho Thu Mai ăn." Em lắc đầu: "Không phải..." Em định nói rõ lý do, vì với anh, lúc ấy, em không còn can đảm giấu kín. Nhưng một ánh mắt đã cản ngăn em. Ánh mắt của chị Uyên, ánh mắt mất hẳn vẻ bình thường. Anh Ân có nói với ba má nuôi em: "Con tự thấy mình có lỗi, nếu con đừng em mận và dâu vào thì đâu nên nỗi." Ba nuôi em: "Không, anh chẳng có lỗi gì cả. Có phải anh cho con Thu Mai ăn đâu. Chỉ tại..." - "Dù sao, con cũng ân hận vô cùng." Chị Uyên bảo em: - Em thương chị nghe Dung Chi. Hạnh phúc của chị là anh Ân. Nếu anh ấy biết rằng chính chị mới là người có lỗi nặng hơn hết, có lẽ anh sẽ giận chị lắm. Biết đâu, không vì thế mà chị mất anh. Em gục mặt vào ngực chị Uyên: - Vâng... không bao giờ em cho ai biết đâu... - Chị hối hận đã đối xử không tốt với em. Chị nhỏ mọn quá... - Em không hề có ý nghĩ xấu về chị. - Phong nó nói đúng, em tốt lắm.. Chị thấy mình không thể bằng em... chị thật không bằng em... Những lời nói cuối của chị Uyên dường như để khởi đầu một ý nghĩ vừa xuất hiện. Em lo sợ hỏi chị: - Chị đang nghĩ gì? Chị Uyên nhìn thẳng mặt em: - Em chịu khổ đã nhiều rồi... Cha mẹ qua đời, sống khổ cực trong cô nhi viện, sống chịu đựng với những người không biết cảm thông như chị... chị... - Chị đừng nghĩ gì nữa. Chị Uyên cúi mặt, ôm chặt lấy em: - Chị không muốn em chịu đựng những khổ cực thêm nữa. Chị... chị sẽ nói cho mọi người biết hết mọi chuyện... Em hoảng hốt bấu chặt tay chị, lắc mạnh: - Không, đừng, chị Uyên ơi! Rồi em khóc vùi. Em muốn nói cho chị Uyên hiểu em rằng, được tình thương của chị là lòng em thêm sung sướng. Cho dù phải đánh đổi tình thương ấy bằng những hằn học, oán ghét của nhiều người khác. - Chị thua kém em rất nhiều... - Chị đừng nói gì nữa cả. Chị chỉ cần biết rằng lúc nào, em cũng thương chị... em chỉ xin chị một điều là chị đừng ghét bỏ em... - Chị sẽ thương em mãi mãi, Dung Chi ạ. Chị thương em hoài nghe chị Uyên. Em được thêm một tình thương chân thật nữa rồi. Nơi đây, má nuôi em, anh Phong, giờ thêm chị. Rồi chị Hằng Thu. Rồi những người trong cô nhi viện. Cả một bể tình thương lai láng trong em. Chỉ có một điều em lo lắng, là không hiểu rằng ở một phương trời xa xăm nào đó, nhỏ Thu Mai có hiểu cho rằng không phải chị, cũng không phải em, đã gây ra cái chết của nhỏ ấy, mà là sự ngây thơ của em, mà là lòng thương em của chị đối với nhỏ ấy. Đôi mắt của nhỏ Thu Mai và những vòng tròn xoáy tít. Nhỏ Thu Mai chưa hiểu cho Dung Chi sao? Kìa! Lại những vòng tròn. Chị Hương ghì tóc em, ba nuôi em lạnh lùng quay mặt đi nơi khác, anh Ân với lòng thương hao hụt dần. Cái vòng sao bây giờ lại nhuộm đen? Kìa! Em sợ lắm! Dung Chi sợ lắm nhỏ Thu Mai ơi!
***
Má nuôi em: - Thế bây giờ ông muốn gì? Giọng ba nuôi em gay gắt: - Tôi không muốn thấy mặt nó nữa, mỗi lần nhìn nó, tôi lại nhớ đến con Thu Mai. - Ông nhất định đuổi nó? Anh Phong ngồi im lặng sau khi thuật lại chuyện trên cho em nghe. Chị Uyên ôm chặt em. Một giọt nước mắt của chị rơi xuống, lăn dài trên tay em. Em bỗng thấy bình tĩnh lạ. Em thấy ba nuôi em đã quyết định đúng. Em nhớ về cô nhi viện với các sư cô, bạn bè em, các em cô nhi nhỏ. Hồi chuông sáu giờ sáng vang vang. Tiếng nước xối ào ào vào giờ tắm em nhỏ vang vang... Anh Phong: - Đành phải chiều lòng ba vậy. - Em sẽ trở lại cô nhi viện? - Không. Em qua nhà chị Hằng Thu... -... - Em đừng sợ gì cả, ở bên ấy, ai cũng thương em hết. Tuy nhà hơi vắng người, chắc sẽ làm em buồn. Nhưng má, chị Uyên và anh sẽ sang thăm em luôn. Đợi chừng nào ba hết buồn, hết nhớ Thu Mai, chừng đó em sẽ trở về nhà... - Sao không cho em về cô nhi viện? - Bộ Dung Chi hết thương má, thương chị Uyên và nhà rồi sao? -Tại em sợ em qua ở nhà chị Hằng Thu, ba sẽ giận bác Tường... - Không sao đâu. Mọi người sẽ cố giấu ba, nói với ba rằng em đã trở lại cô nhi viện... Mai này, anh sẽ đưa em sang bác Tường... Mai này. Thôi rồi. Căn phòng này, ngôi biệt thự này, từ mai sẽ trở thành xa lạ. Vùng kỷ niệm trong em lại thêm những ảnh hình mới. Mai này, lại những người mới, những cảnh mới. Còn biến chuyển nào xảy đến với em nữa không? Hơn một năm trời, xa rồi ngày đó vô tư trong cô nhi viện. Mai này, sổ đời sang trang mới. - Trần Nguyễn Dung Chi! Tên cha, mẹ em đâu mà em không ghi vào học bạ? - Thưa cô, ba má em mất từ ngày em còn bé nên em không biết tên tuổi các người, em chỉ nhớ được tên em. Ba ơi! Má ơi! Con đây, Dung Chi bé nhỏ của ba má đây. Sao ba má nỡ bỏ con bơ vơ trên đời? |
| | | nhanbkvn
Tổng số bài gửi : 1612 Registration date : 16/07/2012
| Tiêu đề: Re: *_Hoa Tầm Gởi Sun 17 Mar 2013, 20:18 | |
| Chương VII
Hơn thán sau, em mới cùng đoàn anh Phong trở lại cô nhi viện. Trước khi đi, anh Phong cẩn thận dặn em đừng cho các sư cô biết gì về những chuyện đã xảy ra, sợ các sư cô buồn. Em hiểu, hứa nghe lời. Chuyến đi này, ngoài các anh chị quen thuộc, còn có thêm chị Uyên cùng đi. Lúc lên xe, nhớ đến ước mơ hôm nào em nói với nhỏ Thu Mai, rằng sẽ dẫn nhỏ ấy đi chơi cô nhi viện, em nghe cay nơi mắt. Chị Uyên, lần đầu tiên hòa mình vào thế giới của tình thương nơi đây, có vẻ còn bỡ ngỡ lắm. Chị khen luôn miệng: "Em nhỏ này dễ thương quá, em nhỏ kia xinh ghê." Bao giờ cũng thế, trở về cô nhi viện là em nghe lòng sung sướng. Nỗi buồn thương chỉ thoáng như một sợi mây mỏng vắt nghẹ ngang bầu trời trong xanh. Trường đã nhập học và em đến lớp được hơn nửa tháng. Người đưa em đi học không còn là anh Phong, mà là anh Thông. Trong gia đình mới, em được một điều an ủi là mọi người đều tỏ ra có thiện cảm với em. Bác Tường trai, ngày em gặp bác cùng đi với má nuôi em tới cô nhi viện, vui vẻ và tốt bụng, vẫn như dạo nào. Bác gái, luôn chiều chuộng chồng. Thấy bác trai mến em, cũng dành cho em những đối xử tốt. Anh Thông, tính tình phóng khoáng, gì cũng được, rất dễ dãi. Từ ngày đến ở chung, chưa lần nào em nghe anh cằn nhằn điều gì. Dù chỉ là điều nhỏ nhặt. Hàng ngày, anh chở em đi học. Tối đến, lại bỏ công kèm em học thêm nữa. Chị Hằng Thu thì chẳng khác anh Phong một ly, chăm sóc em từng chút. Hôm em sang nhà chị, chị ôm chầm lấy em mà bảo: - Bây giờ Dung Chi có chị rồi, đừng sợ gì hết nghe! Má nuôi em: - Bác gửi con Dung Chi ở đây một thời gian, nhờ cháu săn sóc hộ. Đợi khi nào bác trai hết giận nó, bác sẽ xin nó về... Chị Hằng Thu đùa: - Cháu không chịu trả Dung Chi đâu. Má nuôi em cười: - Cô không trả nó ấy à? Không trả nó thì tôi bắt cả cô về... Câu nói làm chị Hằng Thu liếc nhìn anh Phong đỏ bừng mặt. Nếp sinh hoạt trong gia đình chị Hằng Thu cũng không khác là bao so với gia đình anh Phong. Ngoại trừ một điều, là ở đây, em tương đối nhàn nhiều. Nhà ít người, lại toàn người lớn, chẳng ai để em phải làm gì cả. Thỉnh thoảng, em mới được phụ giúp công việc bếp nước, rửa mấy cọng rau, gọt mấy củ khoai, cắt vài dọc hành... Bác Tường gái thật đảm đang, lại thêm chị Hằng Thu học được ở mẹ đức tính ấy, cùng thu xếp việc nhà thật vén khéo. Đôi lúc, em có ý nghĩ, phải chi, em được sống bên chị Hằng Thu mãi, có lẽ, em sẽ học được những đức tính tốt và sự đảm đang của chị.
***
Bây giờ vẫn còn mùa mưa. Cơn mưa chiều thứ bảy làm dãy nhà ngang của cô nhi viện sũng nước. Đoàn anh Phong đến thật đúng lúc. Cùng phân công, góp sức quét dọn lại nhà cửa bị lấm lem đầy đất bùn, rác rưởi. Chị Uyên sau khi cùng chị Hằng Thu đi xem một vòng trong cô nhi viện, trở lại chỗ mọi người đang công tác, cũng cùng chị Hằng Thu thay áo, nhập bọn. Chú Mộng cầm vòi nước xịt chỗ này, chỗ nọ, vừa phì phà điếu thuốc lá có vẻ ngon lành lắm. Dì Năm, dì Tiễn với những lời hối thúc chúng em làm việc. Nhỏ Chung vẫn cái tật chậm chạp, anh Thành vẫn cái tật làm ẩu... còn em, em vẫn chưa chừa được cái tật vừa làm việc, vừa chuyện trò, đùa giỡn với một em nhỏ cô nhi khác. Chừng hơn một tiếng, nền dãy nhà ngang sạch bóng. Mọi người xoa tay vui vẻ, rủ nhau đi rửa mặt mũi, chân tay. Em tung tăng nhập bọn với các bạn. Em tưởng chừng mình không phải là khách, mà vẫn còn là Dung Chi của những ngày tháng sống nơi đây. Em nhìn đồng hồ - chiếc đồng hồ xinh xinh quà tặng của chị Hằng Thu nhân dịp em đậu vào đệ thất - đã mười giờ hơn. Em nhớ đến giờ đút cháo. Và trong trí em bỗng loé lên một ý ngộ nghĩnh. Đúng rồi. Chút nữa em sẽ rũ chị Uyên cùng đút cháo cho một em nhỏ chưa biết đi. Em sẽ bảo chị ấy ẵm thằng bé. Ước sao nó "tè" thật đúng lúc, mọi người sẽ được một phen cười no nê nhìn chị Uyên lúng túng phản ứng. Nhỏ Chung hỏi em: - Mầy cười gì vậy? Dung Chi? Em đáp: - Tao cười nhỏ Thư Hương. Nhỏ Thư Hương đang rửa chân, hỏi em: - Cười tao cái gì? - Cười cái tên của mày. Gì mà Thư Hương. Thư Hương là gì/ - Tại mấy ông làm khai sanh chứ bộ. Còn tên mày, làm như có ý nghĩa lắm đấy. Dung Chi là gì? Em cười trừ. Chẳng biết phải trả lời sao. Ừ nhỉ! Dung Chi là gì nhỉ?
***
Em đợi mãi không thấy anh Thông đến đón, đành đi bộ về nhà. Hôm nay, em được thầy dạy toán khen học giỏi và ngoan, thầy cho em mười chín điểm vào vở bài tập. Về nhà, thế nào em cũng sẽ đem kheo anh Thông trước tiên. Vì em học được như ngày nay, cũng là nhờ công anh kềm bảo hàng đêm. Những điều em biết trên trung học thật mới lạ. Một kỷ niệm vui làm em khó quên được. Là bài viết chính tả Pháp văn đầu tiên. Em ngờ nghệch quá. Cô đọc "Une poupec" em viết ngay vào tập "uyn búp bê". Cô phải phì cười chỉ vẽ cho em. Về nhà, em kể cho chị Hằng Thu và anh Thông nghe, cả hai cùng cười ngất. Anh Phong biết chuyện, thỉnh thoảng lại chế em: "Cô em uyn búp bê của anh đâu rồi nhỉ? Chắc đang học Pháp văn?" Cổng mở. Không hiểu người nhà sơ ý không đóng hay nhà đang có khách. Em bước chầm chậm về phía cửa. Cửa mở một cánh. Bên trong có tiếng trò chuyện. Hình như có tiếng má nuôi em thì phải. Em lắng nghe. Đúng rồi. Đúng là tiếng của người. Chắc người sang thăm em. Em bước nhanh vào, không kịp quay nhìn chị Hằng Thu vừa đi từ cửa hông ra, gọi em: Dung Chi! Lại chị bảo này." Bước vào phòng khách, em chợt đứng sững lại. Nét bối rối hiện rõ trên gương mặt má nuôi em và bác Tường trai. Hai tia mắt long lanh, nhọn hoắt xuyên thẳng về phía em. Em bỗng ù té chạy về phòng. Khiếp hãi quá. Đôi mắt ấy bao ngày em tránh, đôi mắt ngày xưa đã không thèm nhìn em dù chỉ trong giây phút. Mà nay em gặp lại... Em ôm mặt mong tìm che chở, nhưng không khóc được. Tiếng má nuôi em: - Tôi xin lỗi đã giấu ông... Tiếng bác Tường: - Tôi cũng thành thật xin bác bỏ lỗi cho... Ba nuôi em - người vừa ném cho em hai tia nhìn dữ tợn - mỉa mai: - Bà nói với tôi là đã gửi nó trở lại cô nhi viện. Hừ! Gửi về cô nhi viện... Rồi có tiếng giầy nện mạnh trên nền, xa dần, tiếng bác Tường: - Kìa bác! Bác ở lại nghe tôi phân trần đã nào. Tiếng khóc nức nở của má nuôi em vọng vào. Cô nhi viện! Có lẽ chỉ có nơi đó mới là nơi em có thể sống yên vui. Văng vẳng bên tai em những tiếng: Cô nhi viện... cô nhi viện... |
| | | nhanbkvn
Tổng số bài gửi : 1612 Registration date : 16/07/2012
| Tiêu đề: Re: *_Hoa Tầm Gởi Sun 17 Mar 2013, 20:19 | |
| Chương VIII
Thương gởi chị Hằng Thu, Trưa nay, em không ngủ để viết đến chị lá thư này. Từ ngày quen biết chị đến giờ, chưa lần nào em viết thư đến chị, chị nhỉ! Lá thư này, lá thư đầu tiên và cuối cùng, em viết gởi đến chị với tất cả ý nghĩ tốt của em về chị. Em xin chị hiểu và thông cảm cho em, khi em có quyết định táo bạo này. Vâng, quả thật là táo bạo khi em bỏ về cô nhi viện một mình. Ý định ban đầu của em là sẽ nhân chuyến đi cô nhi viện cùng các anh chị, em sẽ ở lại đó luôn. Nhưng như thế, có nhiều bất tiện cho em. Em đành chọn cách lén bỏ đi. Xin chị đừng lo cho em, em đã dò hỏi và biết rõ những đường xe phải đi để về đến cô nhi viện. Bỏ ra đi thế này, en có lỗi rất nhiều với những người hằng thương mến em trong gia đình chị và gia đình anh Phong. Nhưng em nghĩ, bao nhiêu tình thương em nhận được trong bấy lâu nay có lẽ cũng đủ làm lòng em ấm lại. Câu chuyện xảy ra buổi trưa hôm ấy không sao em quên được. Ba nuôi em không còn muốn em có mặt gần người, dù là có mặt trong gia đình chị. Thì em còn ở lui làm gì? Xin chị đừng hiểu là em oán hờn ba nuôi em. Không, bao giờ em cũng thương mến người và mong muốn người cũng thương mến em. Em hiểu tâm trạng của người. Tâm trạng một người cha mất con, mà kẻ gây ra cái chết của con người lại là em. Nếu ở địa vị của người, chắc em cũng phải hành động như người. Phần gia đình chị, em xin nhờ chị gởi đến hai bác lời xin của em, xin hai bác tha thứ cho em những lỗi lầm nếu có của em trong thời gian ở đây. Riêng anh Thông, em có lời cảm ơn anh đã chỉ bảo em nhiều về việc học. Chị cũng chuyển hộ đến má em và anh Phong, chị Uyên, rằng lúc nào em cũng kính mến họ. Em sẽ nói nhiều hơn về việc em trở về cô nhi viện khi gặp lại mọi người ở đó. Chiều nay, em đã có mặt trong cô nhi viện. Em sẽ trả lời câu hỏi của các sư cô: "Tại sao con về đây?" Rằng: "Con nhớ các bạn con nên con trở về." Nếu chị thương em, xin chị đừng nói với các sư cô, cũng như xin chị dặn mọi người, đừng ai nói cho các sư cô biết những chuyện đã xảy ra. Xin tất cả giữ kín như đã giấu kín chuyện em phải sang đây bấy lâu nay. Em chỉ sợ các người buồn và lo lắm vì em. Có lẽ các người sẽ la rầy em, rằng sao trước kia nhận lời rồi bây giờ lại lén về, bảo là vì nhớ các bạn. Nhưng chẳng sao, em chịu được. Cố mà chịu thì chuyện gì lại không được phải không chị? Giờ này, chị đang ngon giấc. Em cầu chúc chị giấc mơ thật đẹp tối nay. Một phút giây nào đó, nhớ đến em, xin chị cho em hai tiếng tội nghiệp. Bấy nhiêu, em tưởng là quá đủ rồi.
Thương chị, Dung Chi.
Em gấp lá thư bỏ vào phong bì. Buổi trưa, trong nhà thật im vắng. Mọi người đều đang say giấc. Em rón rén bước về phía phòng chị Hằng Thu. Chị nằm ngủ, nghiêng về phía phải, gối đầu trên tay. Bờ vai đưa lên hạ xuống theo nhịp thở. Em đặt lá thư dưới chiếu, cạnh bàn tay trái của chị. Chị không hay biết gì cả. Thời gian như dừng lại. Vắng vẻ. Phút biệt ly nào cũng buồn. Càng kéo dài, càng man mác trong lòng. Em lùi dần ra khỏi phòng, mắt vẫn không rời chị Hằng Thu. Chị hãy ngủ giấc yên lành. Em chúc chị được vui luôn. Chiếc va li nhỏ đựng ít quần áo và những đồ cần dùng, em để sẵn ở phòng khách. Em tiến về phía sân thật nhanh. Đến cổng, em dừng lại để nhìn ngôi nhà lần cuối. Em thấy quyến luyến quá. Em nghĩ vẩn vơ và lo sợ sự quyến luyến làm mình đổi ý. Không được. Phải ra đi. Xin tha thứ cho con, cho em. Xin hiểu hoàn cảnh của con, của em. Và nơi cô nhi viện, xin các sư cô hiểu con, tha thứ cho con. Con phải trở về với các người, dù các người nghĩ thế nào về con đi nữa. Đi bộ một quãng, em đến con đường có xe lam chạy về hướng cô nhi viện. Em đã dò hỏi nhiều người. Từ đây, em đáp xe lam đến một bến nọ, đổi chuyến xe khác. Bến của chuyến xe sau này chỉ cách cô nhi viện chừng bốn cây số. Em có thể xin quá giang xe đò miền Tây về cô nhi viện. Lâu lắm mới có một chiếc xe lam chạy qua. Nhưng trên xe lại đầy người. Nắng trưa nóng, em bước lui đến dưới một gốc cây ven đường. Không biết giờ này ở nhà, chị Hằng Thu đã dậy chưa? Chị sẽ phản ứng ra sao sau khi đọc xong lá thư của em? Một chiếc xem lam khác chạy ngang. Em xách vali bước ra đưa tay vẫy. Xem dừng lại. Mấy người khách trên xe nhìn em với vẻ ngạc nhiên. Em lên xe, ngồi cạnh một ông lão. Ông lão hỏi em: - Cháu ở xa mới tới phải không? Sao đi có một mình? Em dối: - Không. Cháu đi thăm một người bà con. - Thăm bà con mà đem theo cả vali? - Cái vali...a... cái vali đựng đồ này cháu đem cho người ấy. - Nằm nhà thương hả? -... vâng... Sài gòn xa dần. Những căn nhà cao, kín bứng như hộp được thay thế dần bằng những căn nhà trệt. Xe cộ cũng dần ít hơn. Em tạm thấy quên đi mọi chuyện, đưa mắt nhìn cảnh vật đường phố. Xe dừng lại giữa đường để đón khách, hoặc cho khách xuống vài ba lần rồi dừng lại bến. Em hỏi thăm và lên xe khác đi chặng đường kế tiếp. Xe lại đỗ bến. Em nghe lòng hân hoan xen lẫn hồi hộp vô chừng. Theo lời chỉ dẫn, chỉ con một quãng đường nữa, chừng bốn cây số, là em đã trở lại cô nhi viện. Em bước dọc theo quốc lộ, chờ xe đò đi ngang, xin quá giang. Em đưa tay vẫy, nhưng chiếc xe chạy thẳng. Có lẽ vóc dáng trẻ con của em là nguyên nhân của sự từ chối đó. Em nhủ thầm, có lẽ mình đành phải đi bộ. Những cảnh quen thuộc dần hiện ra trên đường đi. Em bước nhanh với ý nghĩ vui trong trí. Lại một chiếc xe đò nữa vút qua, em đưa tay vẫy. Xe chạy thẳng, người lơ xe nhìn em, đưa bàn tay phải lên, xoay tròn, ý từ chối. Em hết hy vọng đi nhờ xe, đành đi bộ. - Đi đâu đó em nhỏ? Em giật mình quay lại. Một người lạ thò đầu ra khỏi chiếc xe hơi cũ trờ tới ngang em tự lúc nào. Em chưa kịp đáp, người này lại hỏi: - Em ở xa mới tới đây hả? - Thưa ông không, tôi trở về nhà cũ. - Gần đây không? - Thưa... trong một cô nhi viện cách đây chừng bốn cây số... - A... em ở trong cô nhi viện à? Mồ cô à? - Vâng... Người đàn ông này quay sang người tài xế thì thầm gì đó. Em vượt khỏi chiếc xe, tiếp tục con đường. Nắng vẫn gắt, đường phố vắng vẻ. Chiếc xe lại trờ tới ngang em. Người nọ bảo em: - Em lên đây, chúng tôi cho quá giang. Em chưa dám nhận lời. Người này lại nói: - Em đừng ngại, gì chứ giúp các em mồ côi như em chúng tôi rất sẵn lòng. Em xem, trời nắng thế này mà em phải đi bộ hàng bốn cây số thì chịu sao nổi... lên xem đi em.. Rồi người này bước xuống xe, mở cửa lớn. Em chưa kịp phản ứng gì, ông ta đã đẩy em vào trong xe rồi vào theo, đóng ập cửa lại. Người tài xế: - Dông nghe! Em ngạc nhiên thấy chiếc xay quay đầu về hướng Sài gòn: - Sao lại đi hướng này? Người đàn ông nham hiểm: - Không đi hướng này thì còn đi hướng nào nữa hả, bé con? Một mùi thuốc lạ tỏa ra từ chiếc khăn tay của người này úp chụp lên mặt em. Em thấy choáng váng, tâm trí xoay tròn rồi gục xuống, không biết gì nữa.
***
Lúc tỉnh dậy, em thấy cạnh mình có một mụ đàn bà mặt mày hung dữ. Mụ hỏi em: - Đói không? Em nghe nỗi sợ xâm chiếm trong tâm hồn. Em chẳng thiết gì đến chuyện ăn uống, dù khi nghe mụ hỏi, em thấy mình thật đói. Em hỏi: - Sao lại đưa tôi tới đây? Mụ kia: - Tao mua mầy mười lăm ngàn. Từ nay, mầy thuộc quyền sai khiến của tao. Tao báo cho biết, đừng mong bỏ trốn khỏi tay tao. Tao mà bắt được, tao xẻo tai. Em bưng mặt khóc. - Tôi có làm gì đâu? Mụ kia không thèm đếm xỉa tới lời em nói, lại hỏi: - Đói không? Em lắc đầu. Mụ đứng dậy, mở cửa rồi đứng chắn ở đó, dặn em: - Chừng nào muốn gì thì kêu tao. Tao ở bên ngoài kia. Rồi mụ lách ra, khóa trái cửa lại. Em ngồi thẫn thờ, nghỉ lại những chuyện vừa xảy ra cho mình. Ngoài kia, có ánh đèn neon hắt vào qua lỗ khóa. Em biết trời đã tối. Mụ kia cho em biết, mụ mua em mười lăm ngàn. Có lẽ hai gã bắt cóc em trên xe hơi đã bán em cho mụ. Em nghe hối tiếc vô vàn. Không phải hối tiếc về việc em quyết định bỏ trốn về cô nhi viện, mà là hối tiếc rằng mình đã về gần tới nơi, thì lại gặp chuyện không may này. Lọt vào đây, em hết còn hy vọng trở lại chốn cũ rồi. Giờ này, có lẽ chị Hằng Thu đã đọc xong thư của em. Chị chạy nhanh sang phòng em, để nhìn căn phòng hiu quạnh. Rồi chị chạy cho hai bác Tường biết. Chạy sang báo tin cho anh Phong và gia đình anh biết. Mọi người rối lên. Không chừng, anh Phong còn đánh xe lên thẳng cô nhi viện để đem em trở về. Rồi mọi người phải ngạc nhiên vô chừng khi các sư cô trả lời: "Dung Chi không trở về đây." Nào ai biết được em đang ở nơi nay. Trong một căn phòng ẩm thấp, hôi hám. Rồi đời em sẽ ra sao? Mụ đàn bàn kia sẽ bắt em làm những việc gì? Mười hai tuổi, em bé nhỏ, yếu ớt, liệu có làm nổi những việc mụ ấy giao cho không? Chắc là em không dám bỏ trốn rồi. Vì mụ ấy đã dọa, em mà trốn đi, mụ ấy bắt được, mụ ấy xẻo tai. Có lẽ mụ không dọa, con người hung dữ như mụ thì việc gì lại chẳng dám làm. Lại nữa, dù có muốn trốn đi, em cũng không thể trốn được, em còn chưa định được mình đang ở đâu kia mà! Thật lâu, em mới thiếp đi vì mệt. Giấc ngủ của em bị đứt quãng thật nhiều lần. Em mơ thấy mình là một nàng công chúa nhỏ lạc vào khu rừng cấm của mụ phù thuỷ.
***
Chung quanh em có năm đứa trẻ, ba trai, hai gái. Đứa nằm duỗi dài trên nền đất, đứa ngồi bó gối, đứa đứng tựa cửa. Đứa nào cũng áo quần xốc xếch, bẩn thỉu. Mụ đàn bà chỉ chúng, nói với em: - Mầy xem chúng nó đó, đứa nào lúc đầu cũng như mầy, đến đây với vẻ bảnh bao, chải chuốt lắm. Nhưng ở dưới tay tao ít lâu là phải như thế đó, phải biến thành quân rách rưới. Mầy tốt phước, có dáng xinh đẹp hơn chúng nó, tao thương, tao không bắt làm những việc như chúng nó. Mai này, tao dẫn mày sang nhà người chủ mướn mầy, mầy sẽ ở đó luôn để làm việc cho người ta. Đã sửa soạn quần áo chưa? - Dạ rồi.. - Tao cho cái giỏ để đựng. Bỏ cái vali lại đây. Đi làm mướn không ai đem vali đựng đồ cả. Hiểu chưa? - Dạ hiểu... - Tao dặn thêm điều này nữa, là mày đừng thấy tao không có ở đó rồi bỏ trốn. Những đứa này (mụ chỉ năm đứa quanh em) chúng nó sẽ canh chừng mầy. Mầy mà bỏ trốn, mầy sẽ biết tay tao... Đe dọa xong, mụ dịu giọng: - Mầy phải biết là mầy tốt phước lắm mới được tao thương cho đi ở mướn. Cố mà làm cho người ta, rồi tháng tháng tao cho ít tiền mà tiêu vặt... Nói đoạn, mụ quay sang năm đứa kia, quát: - Thằng Long lên gác đợi tao, còn bốn đứa kia, tối nay tao cho nghỉ, ở nhà chơi với con Hồng. Rồi mụ tiến về phía thang gác. Thằng Long, thằng bé có mấy nốt ghẻ dưới chân, đã phóng nhanh lên gác trước mụ. Còn lại bốn đứa, hai trai, hai gái, chúng đợi mụ khuất hẳn rồi mới nhìn nhau, cười nói vui vẻ: - Đỡ quá, tối nay được nghỉ ở nhà... - Hôm qua, tao bị cảnh sát rượt chạy có cờ đó... - Tao ghét việc của tao quá, gì mà phải ngồi chắp tay lạy khắp thiên hạ, lạy ông đi qua, lạy bà đi lại, cho con đồng tiền, chén gạo làm phước, ba con chết, má con bỏ con đi lấy chồng khác... Bọn chúng bốn đứa chụm bên nhau nói chuyện, bỏ mặc em ngồi một mình. Có lẽ chúng còn e dè vì em là người lạ. Em khều tay một đứa con gái ngồi gần: - Này chị... Nhỏ này quay lại, hỏi; - Gì? Em ấp úng: - Chị, gì.. nhỉ? - Sáu! Nhỏ Sáu có lẽ nhỏ tuổi hơn em, nhưng trông nét mặt, nhỏ có vẻ sành sõi hơn em nhiều. Nhỏ Sáu biết em muốn làm quen, gợi chuyện: - Mầy bị bắt lâu chưa? Em ngạc nhiên: - Sao chị biết? Nhỏ Sáu cười: - Đứa nào tới đây mà không tại bị bắt? - Chị cũng bị bắt tới đây? - Ờ. Hơn một năm rồi. Bữa đó tao lén ba má tao đi coi chiếu bóng với tụi bạn. Nhưng lúc về, tao bị lạc tụi nó. Tao không biết đường về, đứng khóc. Thì có hai ông tới hỏi thăm rồi hứa dẫn tao về nhà. Hai ổng dẫn một hồi rồi đưa tao tới đây... Tao bị bán cho mụ Hai. - Hằng ngày, chị phải làm gì? - Tao hả? Tao đi ăn xin. -... - Mình giả bộ đó mà. Bận đồ dơ dáy vô, đánh rối tóc cho bù xù rồi ra ngồi bên lề chợ xin những người qua lại. Ăn xin cực lắm mầy ơi! Xin được ít tiền, về nhà mụ Hai đánh đòn nhừ tử. Tao muốn đi móc túi như tụi thằng Long, thằng Út ghẻ mà mụ Hai đâu có cho... Em thấy sự thân mật đã đến, nhân dịp, hỏi nhỏ Sáu những chuyện mình muốn biết. Nhỏ Sáu kể cho em nghe hết. Nhỏ kể rõ tính tình từng đứa trong bọn. Thằng Long hung dữ nhất, lại được mụ Hai cưng nhất. Thằng Càn liều gan khỏi chê, dám giựt đồ của người ta trước mặt cảnh sát. Nhỏ Bông đi ăn xin, tối ngày khóc lóc, nó nhớ má. Nhỏ sáu cũng cho em biết, có lần nhỏ ấy đã tính bỏ trốn. Nhưng bị thằng Long tìm được. Mụ Hai đánh cho nhỏ ấy một trận chí chết. Từ đó, nhỏ ấy hết dám bỏ trốn, và còn để tâm dò xét xem đứa nào muốn trốn, sẽ mách cho mụ Hai biết để lập công. Nhỏ Sáu kết luận về trường hợp của em: - Mầy tốt phước thiệt đó, được đi ở mướn là sung sướng nhất rồi! Em nghe chua xót quá! Được đi ở mướn là sung sướng nhất rồi. Những người trong cô nhi viện, những người trong gia đình anh Phong, gia đình chị Hằng Thu, liệu có ai nghĩ rằng em sắp được đi ở mướn không? Dung Chi ngày trước với những lời khen: Xinh quá, ngoan quá, tốt quá, còn đâu nữa, chỉ còn em, con Hồng - em nói với mụ Hai em tên Hồng - ngày mai, sẽ xách giỏ quần áo theo mụ Hai đến nhà chủ, làm công việc một đứa bé ở mướn.
***
Mụ Hai giới thiệu em là cháu ruột của mụ, ở dưới quê mới lên đây tìm việc. Bà chủ nhìn em rồi nói: - Con nhỏ coi cũng sạch sẽ, dễ thương, tôi vừa lòng lắm... Rồi bà bàn chuyện tiền bạc với mụ Hai. Em nghe và được biết, mỗi tháng, tiền lương của em là hai ngàn. Mụ Hai sẽ đến lấy mỗi cuối tháng để gởi về cho má nó ở dưới quê. Bà chủ cho mụ mượn trước nửa tháng lương của em. Mụ hí hửng lấy tiền, khi ra về, mụ ngoắc em, dúi cho em năm chục bạc; - Để dành mà ăn quà. Ráng làm việc nghe. Tao dặn lại lần chót (mụ nói nhỏ đi) mầy mà bỏ trốn, tao bắt được, tao giết chết. Mụ nghiến những tiếng sau cùng trong hai hàm răng. Ánh mắt của mụ long lê dễ sợ. Em quay vào nhà. Và cuộc đời ở mướn của em bắt đầu từ đấy. Công việc cũng nhẹ nhàng. Quét dọn, giặt giũ, giữ em. Cơm nước đã có bà bếp lo. Tối đến, được tự do, miễn đừng ra khỏi nhà, phòng hờ có ai sai gì thình lình. Những người trong gia đình này cũng dễ chịu. Hai vợ chồng chủ nhà, người con trai lớn và vợ con - đứa bé lên hai em phải trông nom là con của người này - người con gái kế và người con trai út. Ông chủ, không biết làm nghề gì, thường cứ sáng là ra đi, đến tối mới về. Bà chủ ở nhà với con dâu trông nom nhà cửa. Chỉ có một người làm em bực mình, là bà bếp. Bà ta hay sai vặt em ghê, toàn những việc không phải phận sự của em. Nếp sống trầm lặng này làm em nhớ đến gia đình chị Hằng Thu. Nhiều lúc, hình ảnh những người thân yêu trước kia trở lại làm em có ý định bỏ trốn khỏi nơi đây. Nhưng những thằng Long, thằng Út... lởn vởn bên đường canh chừng làm em chùn chí. Tháng ngày và những sự việc xảy đến với em, nhiều lúc làm em thấy chán nản quá. Sự phấn khởi chỉ đến khi em nhớ đến anh Phong và chị Hằng Thu, hai người em thương mến nhất, hai người thương mến em từ những ngày đầu gặp gỡ. Em nhớ đến anh Phong. Em nghe văng vẳng lời anh: - Dung Chi xem kìa, cái miệng của chị Hằng Thu có phải hệt như cái miệng trẻ con không? "Cái miệng trẻ con" chế lại anh Phong: - Thế còn cái đầu không chải của anh? Người lớn lắm đấy. Tiếng em cười ròn rã văng vẳng... |
| | | nhanbkvn
Tổng số bài gửi : 1612 Registration date : 16/07/2012
| Tiêu đề: Re: *_Hoa Tầm Gởi Sun 17 Mar 2013, 20:19 | |
| Chương IX
Sự im lặng chịu đựng của em qua những năm tháng dài đã khiến mụ Hai đặt lòng tin. Nhất là, từ sau khi mụ biết em là một đứa trẻ mồ côi, điều mà hai gã bắt cóc em đã sơ ý, không cho mụ biết ngay lúc đầu. Có lẽ mụ nghĩ rằng với thân phận mồ côi, em chẳng thể còn ý định bỏ trốn. Vì trốn đi, thì trốn đi đâu? Cuộc sống trong cô nhi viện nhất định chẳng thể sung sướng bằng cuộc sống hiện tại của em rồi. Mà quả là em đang sống tương đối sung sướng về vật chất thật. Hơn một năm trời, số tiền công của em, mụ Hai đã thu đủ vốn, lại được thêm món lời lúc một gia tăng theo thời gian. Mỗi tháng, trước kia, mụ chỉ cho em vài chục tiêu xài, nay mụ cho em đến hai trăm. Mụ bảo, mụ cho em nhiều như thế là vì mụ thương em. Muốn em có một số vốn sau này. Em nghĩ đến chữ thương của mụ mà cười thầm trong bụng. Đó là về mặt vật chất. Còn về tinh thần. Không bao giờ em quên được hình bóng các sư cô, gia đình anh Phong, và chị Hằng Thu. Không biết bây giờ, đã có những biến đổi gì nơi họ? Có lẽ chị Uyên đã về nhà chồng. Và anh Phong cũng đã ra trường. Em mỉm cười khi nghĩ đến lời anh Phong nói với em và chị Hằng Thu: - Anh ước ao sau này, anh sẽ có một căn nhà nhỏ. Nhỏ thôi, nhưng đằng trước phải có một khoảng đất để trồng hoa. Dung Chi thích hoa trang phải không? Anh sẽ trông một khóm hoa trang. Hằng Thu thích hoa hồng phải không? Anh sẽ đi xin một cây về trồng. Còn riêng anh, anh sẽ trồng một cây đu đủ... Chị Hằng Thu và em cùng ngạc nhiên: - Trồng đu đủ? - Ừ, đu đủ. Biết để làm gì không? - Để làm gì? - Bộ hai chị em quên rồi sao? Anh thích ăn gỏi đu đủ hạng nhất mà. Chị Hằng Thu và em cùng cười. Chị Hằng Thu nói: - Tham ăn ghê há! Em thêm: - Nhưng chắc tại mơ ăn gỏi đu đủ, anh đã quên mất một điều rồi. - Điều gì? - Một chiếc ghế xích đu! Anh Phong vỗ tay: - Phải đấy. Tí nữa thì anh quên mất. Phải có thêm một chiếc ghế xích đu nữa mới được. Anh sẽ đứng cạnh đấy đàn cho hai chị em ngồi đu đưa vừa hát... Dĩ vãng và một mơ đẹp quá. Nhưng cũng xa xôi quá. Liệu em có thể tìm lại vùng trời kỷ niệm đó được không? Ý định bỏ trốn trở về với em và bừng cháy thật mãnh liệt. Em nghĩ, đã có nhiều thuận lợi cho ý định đó. Mụ Hai đã tin ở em, không còn bắt bọn thằng Long canh chừng em nữa. Em lại cũng đã biết rõ khu vực mình đang ở, biết cả đường lối đến bế xe. Và nhất là, trong người em, đã có sẵn một số tiền hộ thân. Em chờ cơ hội đến.
***
Và cơ hội đến. Hôm ấy, cả nhà chủ em đi vắng, họ xuống Thủ Đức chơi. Nhà chỉ còn em, và bà bếp. Em quyết định thật nhanh. Đi thu dọn ít đồ đạc đựng vào cái gỏi của mụ Hai, cái giỏ đã sờn rách. Em dối với bà bếp: - Tôi đi ra ngoài đường mua hộp kem đánh răng một tí. Bà có ăn chè đậu không, tôi mua cho. Em đã hỏi đúng ý thích của bà bếp. Bà vui vẻ lấy tiền trao cho em và nói: - Ừ, đi nhanh đi. Mua dùm tao bịt chè đậu. Em xua tay: - Hôm nay tôi bao bà. Bà bếp cười híp mắt: - Tốt nhỉ! Em bước vội ra khỏi nhà. Giỏ quần áo em để sẵn ở đầu nhà, em xách lên đi vội vã. Em lẩn vào đám đông và để ý dòm chừng bọn thằng Long. Miệng luôn lẩm nhẩm lời cầu nguyện. Nơi bến xe, một chiếc xe lam đã gần đầy khách. Em lên là vừa đủ. Xe lăn bánh đồng thời với tiếng thở phào nhẹ nhõm của em. Những căn nhà lại lùi dần về phía sau. Sài gòn lại dần xa. Em nhớ tới lần trước mà thầm lo. Em nôn nóng, em thấy con đường sao dài lạ, thời gian sao chậm lại. Xe đến bến, em đã định sẵn, lần này, thuê nguyên một chiếc xe để về thẳng cô nhi viện. Người tài xế xe lam ngạc nhiên thấy em đòi thuê xe, rồi sau đó, lại không một lời trả giá. Ông ta biết đâu, nếu cần, em có thể trả cho ông ta tất cả số tiền em có, miễn sao ông ta đưa em về được cô nhi viện. Xe lăn bánh. Đường ngoại ô vắng vẻ trước mắt em kia. Những cánh ruộng bao la quen thuộc... rồi khúc quanh trước cô nhi viện. Trước mắt em, cổng cô nhi viện vẫn như ngày nào, hai cánh cửa sắt mở rộng. Em run lên, trông thấy một em nhỏ đang lượm rác trong sân. Em lấy tiền trả cho người tài xế xe lam rồi vội vã xách giỏ đồ chạy như bay vào cô nhi viện. Một sư cô, em đoán là cô Lý, đứng quay lưng về phía em. Em kêu lêu: - Sư cô! Em về đây, sư cô! Sư cô quay lại, đúng là cô Lý. Cô nhìn em đầy vẻ ngạc nhiên. Mắt em bỗng nhòa đi, dường như cô Lý đang dang tay đón em thì phải. Có tiếng chuông ngân nga, tiếng chuông của cô Diệu Hằng quen thuộc và trầm ấm biết bao!
***
Anh chị Phong thương mến, Em tưởng như mọi người vẫn còn ở quanh em. Sung sướng quá, em đã khóc thật nhiều. Khóc ngay khi thấy bóng hai chiếc xe hơi, chiếc màu xanh của anh chị và chiếc màu xám của bác Tường, ngoài cổng cô nhi viện. Sau khi kể hết mọi chuyện, em đã nhờ cô Lý tìm đến báo tin cho anh chị biết. Tưởng rằng hôm sau mọi người mới đến, chẳng ngờ, tất cả đã trở lại ngay sao đó cùng cô Lý. Nhìn lại vóc dáng thương yêu của má, của anh chị, của hai bác Tường, chị Hương, anh Duy, anh Thông, em nghe lòng khôn xiết vui mừng. Gặp lại ba, với ánh mắt khác hẳn trước kia, và những lời nói thương yêu, em càng sung sướng hơn nữa. Em không ngờ chị Uyên lại dám nói hết sự thật cho mọi người biết. Chị đã được đền bù xứng đáng, chị không mất anh Ân như chị lo sợ, mà còn được anh thương mến hơn. Âu đó là phần thưởng quý báu nhất dành cho chị. Giờ đây, mọi người đã hiểu em, nhất là ba, đã rõ nguyên nhân cái chết của nhỏ Thu Mai. Em không còn buồn phiền điều gì nữa. Chuỗi ngày hơn một năm, em làm thân tôi mọi cho người, giờ chỉ còn như một phút thoảng qua. Tình thương là phép mầu xóa nhoè hết những khổ đau trong em. Em cũng đã quyết định xong. Rằng dù em đã được sự cảm thông của ba, em cũng đành làm phật lòng ba, em sẽ không trở lại chung sống một nhà với ba má nữa. Em nghĩ, để thỉnh thoảng, em về thăm các người, thì sự thương mến mới thêm đậm đà, quý hóa mãi. Nhưng em cũng sẽ không ở lại cô nhi viện. Ví ở lại, chắc chắn các sư cô sẽ buồn lòng. Chị Hằng Thu bảo em: "Hay là Dung Chi về ở với anh chị?" Em nhớ đến ước mơ ngày nào của anh Phong. Ước mơ một mái nhà nhỏ, với cây hoa trang, cây hoa hồng, cây đu đủ, chiếc xích đu. Với anh, với chị, với đứa em nuôi của anh chị là em. Bây giờ, anh chị đã có một mái nhà, với anh với chị. Khôn biết anh đã trồng cây hoa trang, cây hoa hồng, cây đu đủ, và có mua chiếc ghế xích đu chưa? Dung Chi của anh chị xin được viết những dòng chữ thành thật nhất. Nếu quả anh chị còn thương mến em như dạo nào, bằng lòng đùm bọc em, thì Dung Chi xin được làm đứa em nuôi ngoan hiền của anh chị, để được ngồi chung ghế xích đu với chị, được giúp chị một tay làm gỏi đu đủ cho anh, và được làm cô Dung Chi của những đứa bé xinh xinh sau này. Em nóng lòng chờ tin anh chị, chờ bóng chiếc xe hơi màu xanh da trời trước cổng cô nhi viện, chờ nụ cười của "cái miệng trẻ con" và mái tóc không chải "người lớn lắm đây".
Thương anh chị thật nhiều Dung Chi
-- Hết --
|
| | | Sponsored content
| Tiêu đề: Re: *_Hoa Tầm Gởi | |
| |
| | | |
Trang 1 trong tổng số 1 trang | |
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |