Bài viết mới | Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 21:37
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:17
KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45
KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30
SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22
Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22
NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20
KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08
Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54
Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10
7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10
Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21
Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52
Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28
Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13
Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07
Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36
Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09
Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46
Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06
Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04
DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19
Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37
Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34
TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17
CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05
Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04
Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41
Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16
|
Âm Dương Lịch |
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
|
|
| Tác giả | Thông điệp |
---|
nhanbkvn
Tổng số bài gửi : 1612 Registration date : 16/07/2012
| Tiêu đề: *_Chị Em Khác Mẹ Mon 28 Jan 2013, 16:18 | |
| Thông tin ebook
Tên truyện : Chị Em Khác Mẹ Tác giả : Thụy Ý Thể loại : Văn học trong nước Nhà xuất bản : Tuổi Hoa Năm xuất bản : 1971 Tủ sách : Tuổi Hoa - Hoa Tím Số quyển / 1 bộ : 1 Hình thức bìa : Bìa mềm ---------------------------------- Chương 01 Tôi ôm cặp bước vào nhà đã nghe tiếng mẹ tôi quát : - Giống con gái mẹ mày vừa vừa vậy, không ai chịu nổi đâu. Có tiếng chị Liễu phân bua yếu ớt : - Thưa dì, không phải lỗi tại con. Xin dì đừng nói đến mẹ con tội nghiệp. Tiếng mẹ tôi cười gằn : - Giỏi cãi, sao không chết phứt cho rảnh mắt không biết. Chị Liễu khóc rấm rức. Mẹ tôi ném mạnh một cái gì đó rồi hậm hực đi lên nhà trên. Tôi nép vội vào cửa phòng, chờ mẹ đi qua mới cất cặp, thay vội chiếc áo dài máng lên móc rồi chạy xuống bếp với chị Liễu. Tôi thấy chị đang ngồi khóc cạnh thau quần áo, tôi đến bên chị, hỏi nhỏ : - Sao vậy hả chị ? Nước mắt còn đọng trên bờ mi, giọng chị tôi nghèn nghẹn : - Có gì đâu em. Tôi biết chị lại dấu tôi như nhiều lần bị đánh, bị mắng chị vẫn dấu như thế. Tôi lắc đầu : - Chị dấu em, em biết mẹ mới rầy chị nè. Chị Liễu gượng cười nói lảng : - Em mới đi học về hả ? Áo dài đâu đưa chị giặt luôn. Tôi nhất quyết lắc đầu từ chối sự săn sóc của chị ! - Em lớn rồi, chị để em làm cho quen, chị còn cả đống đồ kia kìa. Chị Liễu nhìn tôi bằng cặp mắt tràn thương mến : - Giặt thêm cho em cái áo dài có sao ? Ngoan, không chị ghét. Tôi biết chị Liễu thương tôi, thương nhất nhà dù chị có đến bốn đứa em, cùng cha khác mẹ, nghĩa là em ruột tôi. Tôi biết con Lan ghét chị Liễu như mẹ tôi vậy. Nó không bỏ lỡ lỗi lầm nhỏ nhặt nào của chị để mét lại với mẹ tôi. Mẹ tôi, thì người chỉ chờ có dịp để hành hạ, chưởi mắng chị Liễu, đứa con riêng của chồng và cũng là cái gai trước mắt bà. Tôi không hiểu tại sao mẹ tôi ghét chị Liễu. Theo tôi thì chị rất dễ thương, hiền, ngoan, chị lại giỏi dắn trong việc nội trợ. Thế mà mẹ tôi cứ khư khư xem chị như một kẻ thù. Ở lứa tuổi 17 như tôi, tôi không còn quá khờ khạo để không hiểu nguyên nhân làm mẹ tôi ghét chị Liễu, nhưng tôi thấy nguyên nhân ấy tầm thường quá, có gì đáng ghét ở một đứa con chồng ? Theo chỗ tôi hiểu, chị tôi mất mẹ năm lên 3 tuổi. Ba tôi ở vậy được hơn hai năm thì tục huyền với mẹ tôi bây giờ. Định mệnh cuộc sống của tôi bắt đầu từ đấy. Ba tôi thì bận rộn công việc ít khi ở nhà. Tất cả quyền hành nằm cả trong tay mẹ tôi. Nhiều khi tôi cảm thấy bực mình về sự nhu nhược của ba tôi, ông tỏ ra quá bất công với chị Liễu để chiều ý mẹ tôi. Bao giờ, theo lời mẹ tôi kể lại, thì phần lỗi cũng hoàn toàn trút lên đầu chị Liễu. Sự thật, có hay không, chị Liễu cũng chỉ biết lặng im, cắn răng chịu đựng. Bất nhẫn về thái độ của mẹ, tôi không biết làm gì hơn là an ủi, dỗ dành chị Liễu. Những lúc đó chị tôi khóc trên vai tôi như một đứa bé cần sự che chở của người lớn. Chị Liễu thường kể cho tôi nghe rằng mẹ chị hồi đó cưng chị lắm, cũng như mẹ tôi cưng tôi bây giờ vậy. Cả ba nữa, ba cũng yêu thương nâng niu chị từng chút chứ không phải gắt gỏng, lạnh lùng như bây giờ đâu. Mỗi khi nhắc đến người mẹ quá cố, chị Liễu thường không cầm được nước mắt. Tôi không biết nói sao để an ủi chị. Tôi biết chị buồn mẹ tôi nhiều, và càng tủi thân hơn khi nghĩ đến tình thương đã mất. Tôi không thấy mẹ tôi đáng ghét ở điểm nào, trên phương diện khách quan mà nói : người xinh đẹp theo lứa tuổi 40, nội trợ giỏi, đảm đang thương yêu và lo lắng cho con cái hết lòng, chỉ phải cái tội là ghét cay ghét đắng đứa con chồng. Tôi còn nhớ những trận đòn chị Liễu phải chịu ngày tôi còn nhỏ. Chị Liễu hơn tôi 5 tuổi, tức là khi tôi lên ba, chị đã lên tám tuổi. Mẹ tôi bắt chị theo “chăn” tôi. Mỗi khi tôi không bằng lòng cái gì, ré lên khóc là y như chị Liễu ăn đòn, mẹ tôi đánh mà không cần biết vì sao. Đến khi những đứa em tôi lần lượt ra đời, chị Liễu càng khốn khổ hơn. Chị làm “vú em” hết đứa này đến đứa khác. Chị cũng được đi học, nhưng công việc nhà thường không cho phép chị học bài, thế nên khi thi trung học đệ nhất cấp, viện cớ chị không lo học hành để thi hỏng, mẹ tôi bắt chị nghỉ học luôn. Năm đó chị 18 tuổi và tôi được 13 tuổi. Chị Liễu yêu thương tôi vô cùng. Chị chăm sóc tôi từ bộ quần áo, đầu tóc. Vẫn biết đó là công việc mẹ tôi giao cho chị, nhưng tôi biết chị săn sóc tôi vì tình thương. Mái tóc của tôi để ngang vai, dầy và đen tuyền. Chị Liễu hay gỡ tóc cho tôi và đánh thành hai cái bím lủng lẳng. Có dạo thấy các bạn đi cắt tóc kiểu con trai nhiều, coi cũng ngồ ngộ, tôi háo hức đòi đi, nhưng chị tôi dịu dàng khuyên : - Đừng cắt tóc con trai Thụy à, chị thấy không đẹp đâu. Gương mặt em để tóc xõa dài dễ thương lắm. Mình là con gái, giữ lấy vẻ thùy mị của mái tóc chứ bắt chước con trai làm chi. Nghe chị nói có lý, tôi thôi không đòi đi cắt tóc nữa. Và chị càng chăm sóc mái tóc tôi nhiều hơn. Tôi 17 tuổi, nhưng mẹ tôi vẫn coi tôi như một đứa bé con cần được chăm sóc từng ly từng tí, trong khi lúc ở tuổi tôi, chị Liễu đã phải tự mình đảm đang hết mọi việc trong nhà. Sự bất nhẫn về tình thương chênh lệch làm tôi vơi đi phần nào sung sướng. Đáng lẽ ở vào cương vị như tôi : một đứa con gái được mẹ che chở yêu thương, nuông chiều, được hưởng một đời sống vật chất sung túc, tôi phải mãn nguyện lắm. Nhưng sự đối xử của mẹ tôi đối với chị Liễu đã làm tôi thường xuyên ray rứt, niềm vui vì thế không trọn vẹn. Tôi nghĩ, hoặc là mẹ tôi khoan dung một chút, hoặc là ba tôi cứng rắn với vợ một chút, chắc chắn chúng tôi không bị sự bất công làm cách biệt. Ít khi mẹ tôi rầy mắng mà chị dám trả lời lại, trừ những lúc đụng chạm đến mẹ chị như hôm nay, có lẽ sự tủi thân làm chị liều lĩnh. Tôi miên man trong những ý nghĩ, tiếng chị Liễu đưa tôi về thực tại : - Bữa nay Thụy về hơi sớm hả ? Tôi gật đầu : - Dạ, em nghỉ giờ cuối. Chị Liễu vừa vò áo quần vừa hỏi : - Học vui không em ? Làm bài được chứ ? Tôi đem chuyện ở trường, ở lớp kể lại chị nghe. Hai chị em tôi cười vui vẻ. Chị Liễu như tạm quên những bất công đã, đang và sẽ bủa vây lấy đời sống của chị. *** Tôi thử chiếc áo dài mới, ngắm nghía trong gương. Mẹ tôi cười : - Màu áo này con mặc đẹp đấy. Da con trắng, mặc màu xanh nổi lắm. Mẹ tôi nghiêng người ngắm tôi, bàn tay bà nhè nhẹ vuốt tóc tôi âu yếm : - Con mẹ xinh lắm, lớn rồi nghe không cô. Tôi nũng nịu nhìn mẹ. Ánh mắt bà thật âu yếm. Sự sung sướng tràn ngập trong tôi. Tôi ngồi xuống cạnh mẹ tôi trên chiếc canapé màu đỏ hỏi mẹ : - Năm mẹ bằng tuổi con chắc mẹ xinh hơn con bây giờ nhiều phải không mẹ ? Mẹ tôi lắc đầu : - Mẹ cũng như con vậy, có điều hồi đó ông bà ngoại con nghiêm khắc nên không sắm sửa cho mẹ như mẹ sắm cho con bây giờ. Tôi vít cổ mẹ xuống hôn đánh “chụt” vào trán bà : - Con thấy bây giờ mẹ đẹp quá, y như lúc con còn bé tí. Bao giờ mẹ cũng đẹp cả. Chợt có dáng chị Liễu đi ngang, tôi thấy ánh mắt chị thoáng nhìn cảnh âu yếm của mẹ con tôi với đôi mắt buồn rũ rượi. Tôi thấy thương chị hơn bao giờ hết. Thấy mẹ đang vui, tôi gợi chuyện về chị Liễu : - Mẹ nè ! - Gì con. - Sáng nay mẹ không đi chợ sao ? Mẹ tôi lắc đầu : - Sáng nay mẹ hơi nhức đầu, sai con Liễu nó đi rồi. Tôi nói như một sự vô tình : - Chị Liễu tội chứ mẹ nhỉ ? Ánh mắt mẹ tôi tỏ vẻ không bằng lòng. - Tại sao con nói thế ? Tôi vẫn vờ như không quan tâm mà chỉ là một nhận xét rất khách quan : - Thì con thấy như vậy thôi. Chị ấy hiền và vất vả nhiều. Tôi cố làm mẹ tôi chú ý hơn đến chị Liễu bằng thiện cảm : - Chị Liễu thương con lắm mẹ ạ. Mẹ tôi bĩu môi : - Thương gì mà thương, con. Chỉ được cái nước làm màu vậy thôi. Nó ăn cơm của mình thì phải săn sóc con chứ, không lẽ nuôi cơm nó để thờ sao. Tôi thấy bất nhẫn trước nhận xét quá đáng của mẹ. Ba tôi cũng là ba chị Liễu. Ba chúng tôi đi làm kiếm tiền về nuôi lũ con, trong số đó có chị tôi nữa, vậy mà mẹ tôi nói y như chị là một người làm công, không hơn không kém. Mẹ tôi thương tôi vô cùng. Người có thể chiều tôi tất cả mọi việc, trừ việc tôi đòi hỏi một sự công bằng cho chị Liễu. Có lẽ ấn tượng không đẹp giữa “mẹ ghẻ con chồng” đã quá sâu đậm trong đầu óc bà. Chính chị Liễu cũng hiểu tôi cố gắng trong việc xoay chiều cảm nghĩ của mẹ tôi về chị, nhưng không thành công. Chị thường nói với tôi : - Chị biết Thụy thương chị nhiều, Thụy muốn má cũng thương chị. Nhưng má không muốn thế thì em đừng nên nói nhiều rồi má sẽ nghĩ lầm rằng chị xúi biểu em, lại ghét chị thêm thì khổ. Tôi biết chị Liễu đã nói đúng, nhưng tôi vẫn rình chờ cơ hội để “tấn công” vào tình cảm mẹ tôi, tôi muốn thấy chị tôi sống êm đềm trong tình thương như chúng tôi đang sống. Tôi chợt nói với mẹ bằng một vẻ … ngây thơ nhất đời : - Mẹ ơi, sao mẹ ghét chị Liễu dữ vậy ? Dường như một thoáng bàng hoàng nào đó vừa đi qua tầm mắt mẹ tôi. Người tin rằng tôi biết người ghét chị Liễu, nhưng người không tin rằng tôi dám nói lên nhận xét đó một cách trắng trợn như vậy. Mẹ tôi hỏi : - Sao con nghĩ thế ? Tôi vẫn cố đóng trọn vai trò … trẻ con vô tình : - Thì con thấy vậy nên hỏi mẹ. Mẹ tôi thoáng nghi ngờ : - Ai nói với con vậy Thụy ? Con Liễu phải không ? Tôi lắc đầu lia lịa : - Đâu có mẹ. Chị ấy đâu nói gì với con. Mẹ tôi căn dặn : - Con còn nhỏ, cứ lo học đi, đừng để ý chuyện người lớn nghe chưa. Nghe nó nói rồi đâm ra oán cha ghét mẹ không chừng. Sợ mẹ tôi lại trút cơn giận lên đầu chị Liễu, tôi nói lảng đi : - Mẹ nè, bữa nào mẹ dẫn con đi chợ nghe mẹ. Mẹ tôi vui trở lại : - Con muốn sắm gì ? Robe hay áo dài. Tôi nũng nịu lắc đầu : - Đôi găng tay của con sờn rồi, con muốn sắm đôi khác. Mẹ tôi đồng ý ngay : - Ừ, được, để mẹ đưa con vào Tax chọn. - Ở chợ Bến Thành thiếu gì mà phải vào Tax hả mẹ ? Mẹ tôi âu yếm : - Mẹ biết, nhưng ở Tax đồ ngoại quốc tốt hơn. Chạnh nghĩ tới chị Liễu suốt năm chỉ có ba mớ đồ nội hóa rẻ tiền, nhưng tôi không dám nói thẳng ý nghĩ đó với mẹ. Tôi sợ chú ý dồn dập đến chị quá làm mẹ tôi nghi ngờ chị xúi biểu nên thôi. |
| | | nhanbkvn
Tổng số bài gửi : 1612 Registration date : 16/07/2012
| Tiêu đề: Re: *_Chị Em Khác Mẹ Mon 28 Jan 2013, 16:19 | |
| Chương 02
Tôi vừa đến cửa trường đã gặp ngay Sâm và Châu. Hai con bé kéo tay tôi đến bên gốc cây phượng lớn. Cả ba đứa cùng ngồi xuống trên những cái cặp da mang đầy vẻ chịu đựng. Sâm nói trước: - Tụi mày thuộc hết bài chưa ? Châu lắc đầu, nhăn mặt: - Bài khó bỏ xừ đi. Mấy cái công thức hóa học mà nhồi hoài không vô. - Tại mày không chịu học cho kỹ chứ ! Sâm chu môi: - Nói vậy chắc mày thuộc ? - Ơ … hơ … Tôi bị hỏi đột ngột, ngẩn tò te ra nhìn chúng nó. Châu xoa hai tay vào nhau: - Vậy là mày suya há ? Lát nữa nhắc nghe “cưng”. Vừa lúc đó bộ ba Liên, Nga, Nhung ào đến. Nga oang oang nói: - Hỉ tín, bà con cô bác ơi, hỉ tín. Cả ba đứa tôi cùng nhỏm dậy hỏi dồn: - Gì vậy chúng mày ? Khiếp, long trọng quá làm tao … dựng cả tóc gáy. Châu cười sau câu nói, nhưng Nhung không cười: - Con Nga nói thật mà. Sâm gật: - Ừ, thì thật, chứ tao có bảo nó nói dối đâu. Nhưng … thật cái gì đã chứ ? Gớm úp mở hoài sốt cả ruột … Như sợ các bạn nói tranh, Nga nói liền: - Nghỉ, hôm nay nghỉ. Cả bọn ba đứa tôi há hốc miệng, mở to mắt ra mà nhìn nó. Nga giải thích: - Ông Lý-Hóa bị xe đụng, lấy ai mà dạy. Sâm reo lên: - Nhất, thế thì nhất … nhưng … có thật không đó “bà”? Ai nói cho “bà” biết tin đó vậy ? Để rồi đúng lúc mình đang hí ha hí hởn thì “lão” ấy xuất hiện … thấy mồ. Tôi nhìn Sâm: - Mày lại nghĩ ác rồi. Thầy mình mà mày trù ẻo ổng như vậy tội chết. Ông ấy không bị tai nạn thì mừng chứ. Sâm nhún vai: - Tao chả mừng. Bài tao không thuộc, ngán thấy ông ấy lắm. Nga tỏ vẻ đồng ý với Sâm: - Tao cũng vậy. Thôi kệ ổng. Mình không học là sướng. Đi về, tao ghé chợ Sàigon coi vải chơi. Sâm tán đồng ngay: - Cho tao đi với. - Ừ, hai đứa mình đi Còn lại mấy đứa đứng nhìn nhau. Châu hỏi tôi: - Thụy về hả ? Tôi gật đầu: - Mình về. Mấy bồ đi đâu không ? Châu nói: - Mình đề nghị thế này, cả bọn kéo nhau lại nhà thầy Lý-Hóa thăm ổng một chút cho có tình. Tôi mỉm cười: - Đi thì đi. Nhưng một mình Châu vào thôi nghe, tụi mình đứng ngoài cửa hết. Châu hiểu ý, đỏ mặt: - Thụy kỳ quá. Đi cả bọn thì vô hết chứ sao lại chỉ có mình tui vô coi sao được.
Chúng tôi nheo mắt nhìn nhau, thông cảm câu đùa cợt vừa rồi. Sở dĩ tôi bảo Châu vào thăm thầy một mình là vì thường khi, nó vẫn nói với chúng tôi là nó thích cặp mắt của thầy Huy lắm, “cặp mắt buồn đăm chiêu như một nhà thơ”. Tôi không biết một “nhà thơ” đôi mắt như thế nào, nhưng Châu thì quả quyết “phải có đôi mắt đẹp như thầy Huy thì mới làm thơ được”.
Chúng tôi hai đứa lên một chiếc Honda nhắm hướng Vườn Chuối trực chỉ. Đi ngang chợ, Nhung chợt lên tiếng: - Bún ốc kia chúng mày ơi. Tôi nhìn quanh: - Đâu, bún ốc đâu ? Nhung chỉ tay vô trong chợ: - Đó, bay mùi thơm nức mũi, thèm rỏ dãi đó không thấy sao ? Nó chợt dừng xe lại, giục Liên ngồi phía sau: - Đi Liên, tao với mày vô chợ đớp bún ốc đi. Tôi cũng dừng xe, ngạc nhiên nhìn con bé “bốc đồng”. Bất thần Châu hỏi: - Không đi thăm thầy Huy à ? Vẫn là ý kiến của Nhung: - Thôi tao không đi nữa. Tao đi … ăn bún ốc. Mày với con Thụy đi cũng được rồi. Chúng mày “đại diện” cho lớp mình ở nhà thầy Huy, tao với con Liên “đại diện” cho lớp mình ở … hàng bún ốc chợ Vườn Chuối vậy. Dù bực mình trước sự thay đổi bất thần của nó, tôi cũng phải phì cười trước câu trả lời … khỉ của con bạn nổi tiếng “tếu” nhất lớp. Tôi quay nhìn Châu hỏi ý: - Sao Châu ? Hai đứa mình đi nhé. Châu có vẻ ngần ngại, nó buồn buồn: - Thôi vậy, tụi nó không đi, mình đi làm chi. Nhung …dụ dỗ: - Ừ, hai đứa mày đi không coi cũng … kỳ lắm hén, thôi, vô đớp bún ốc đi. Thấy tôi có vẻ ngần ngại, Nhung hăng hái thuyết phục: - Bún ở đây tao bảo đảm hết: bún nóng mới ra lò nè, ớt cay nè, chanh tươi nè, rau sống ngon nè, mắm ruốc … ngọt nè … Còn nước với ốc thì khỏi nói, một trăm phần trăm. Chỉ mới nghe Nhung “diễn tả” về cái món “phụ tùng” mà tôi đã thấy nước miếng ứa ra cổ. Châu biết nó đã mất đồng minh, nói xuôi xị: - Thì gởi xe rồi vô ăn. Đứng đó nói hoài.
Bọn học trò bốn đứa lật đật khóa xe rồi kéo nhau vào chợ. Hàng bún ốc bốc khói thật hấp dẫn. Tôi và các bạn ngồi ngay xuống những cái đôn nhỏ. Bà hàng bún nhìn chúng tôi, vồn vã: - Các cô xơi bún ? Nhung nhanh nhẩu: - Bà cho bốn tô. Tôi dặn dò: - Một tô không có ớt nghe bà. Châu thêm: - Tôi cũng không ăn ớt, hai tô đừng bỏ ớt đi bà. Liên vọt miệng: - Cho “tui” nhiều nhiều giá nha “dì”. Tôi cười, nhìn con nhỏ “giá sống” trăm phần trăm. Bốn tô bún được đặt trước mặt, ngút khói, chưa ăn đã thấy ngon. Xong chầu “bún ốc”, bốn đứa lại bàn nhau “làm gì cho hết thì giờ ?” Liên nói: - Ngàn năm một thuở, đừng bỏ phí thì giờ vô ích, sức mấy mà tuần sau “ổng” còn nghỉ nữa. - Nhưng đi đâu bây giờ ? Tôi hỏi: Nhung đề nghị: - Ciné đi. Châu gật: - Ciné cũng được, nhưng mà phim gì cơ chứ ? - À há … Châu buông thõng. Nhung chợt reo lên: - Tao nhớ rồi, Văn Hoa chiếu phim hay lắm. - Phim gì ? Ai đóng ? Việc đầu tiên của chúng tôi là hỏi tên phim và … tài tử đóng phim đó. Chúng tôi xem phim chả cần cốt chuyện miễn tài tử mình thích là được. Nhung nói: - Ils n’ont que vingt ans. Liên gật gù: - A, tao biết rồi. Sandra Dee chớ gì. Châu phụ họa: - Được, ai chứ Sandra Dee thì nhất. Tao vẫn khoái nó cười. Tự dưng, tôi “nổi máu anh hùng” nói một câu … triết lý cùn: - Phải chi mình học bài thuộc như … thuộc tài tử ciné thì đỡ quá. Châu bĩu dài môi: - Cho tao xin đi … bà phước. Cả bọn cùng cười. Tôi không buồn cãi cối với chúng nó, thản nhiên rồ máy xe, Châu la chói lói: - Ê mày, bỏ tao hả ? - Ừ bỏ. Cho mày lội bộ từ đây về tới rạp Văn Hoa luôn. Châu vừa vén vạt áo dài ngồi lên xe vừa càu nhàu: - Làm tàng hoài, ỷ có cái xe. Nhung vọt xe lên, réo: - Dẹp, đừng gây nhau nữa. Sandra Dee đang chờ kia kìa. |
| | | nhanbkvn
Tổng số bài gửi : 1612 Registration date : 16/07/2012
| Tiêu đề: Re: *_Chị Em Khác Mẹ Mon 28 Jan 2013, 16:20 | |
| Chương 03
Nghỉ lễ Quốc Khánh một tuần, tôi xin phép ba mẹ để về nhà ông bà ngoại. Ông bà ngoại tôi ở Cần Thơ, mỗi dịp nghỉ lễ, nghỉ hè tôi đều thích được về ở đó, miền tỉnh lẻ êm đềm mà đẹp lạ lùng. Tôi như xa hẳn đi cái không khí ồn ào của đô thành, vì tuy ở không xa thành phố, nhưng ngôi nhà lại nằm biệt lập trong một vườn cây rộng thênh thang, đó chính là điều lôi cuốn tôi mãnh liệt nhất.
Tôi muốn xin mẹ tôi cho chị Liễu cùng đi, nhưng tôi biết mẹ tôi không bao giờ muốn điều đó. Xin về nội thì họa may. Tôi vắng nhà, chị Liễu sẽ buồn lắm. Đã cô đơn, chị lại càng cô đơn hơn bao giờ hết. Tuy không giúp chị được gì, nhưng tôi vẫn là người hiểu và thương chị.
Hôm tôi sắp đi, chị Liễu sửa soạn valy cho tôi. Chị ủi cho tôi mấy bộ áo quần jean màu xám để mặc đi đường với chiếc áo sơ mi màu hồng do chính tay chị thêu cho tôi. Chị cười bảo: - Thụy mà mặc đồ này về Cần Thơ, các cô ở đó sẽ lé mắt luôn. Tôi có về Cần Thơ nhiều lần và thấy các cô gái cỡ tôi cũng ăn mặc “mốt” ghê lắm, nên nói với chị Liễu: - Chị giỡn hoài. Kỳ rồi về dưới, em thấy mấy cô ở đó ăn mặc mốt như điên chớ bộ. Chị coi, áo quần của em thường thôi chứ có lạ gì đâu. Chị Liễu gật đầu: - Chị biết, nhưng không phải họ lé mắt vì em ăn mặc lạ, mà vì em mặc đẹp đấy chứ. Má tôi hơi hồng lên trước lời khen của chị: - Chị làm như em đẹp lắm vậy. Chị Liễu nhìn tôi trìu mến: - Thụy của chị đẹp là cái chắc. Nụ cười của chị nở trên đôi môi, nhưng ánh mắt chị thoáng buồn. Chị nói: - Em về dưới một tuần lận hả ? - Dạ, một tuần. Mẹ nói năm nay chưa về ngoại, sợ Tết về không được. Tôi bất chợt hỏi chị Liễu: - Chị nhớ Thụy không ? Cái gật đầu xác nhận với giọng nói “có chứ” như lạc đi của chị Liễu làm tôi xúc động. Tôi nói: - Thụy cũng nhớ chị nữa. Xa chị Thụy buồn lắm. Bàn tay trắng nuột của chị âu yếm vuốt nhẹ tóc tôi: - Chị hiểu em.
Tôi về ngoại với sự buồn vui lẫn lộn. Hơi thấy nhớ nhà nhưng cũng thật nhiều thích thú. Ngồi trên chuyến xe đò sớm nhất, tôi khe khẽ rùng mình vì những cơn gió tạt mạnh vào cửa xe khi vùng ngoại ô bát ngát đã hiện ra. Đồng lúa xanh chạy dài như tấm thảm, từng ô ruộng đều đặn. Tôi thích thú ngâm khe khẽ:
“Cần Thơ giờ vui không anh yêu ? Hàng cây in bóng nước Ninh Kiều Có nhìn những mối tinh thơ mộng Âu yếm bên nhau mỗi cuối chiều”
Tôi nhớ bài thơ mình đã viết trong một lần mộng mơ nào đó. Tôi vẫn hay có những giấc mơ nho nhỏ, đẹp và êm. Bài thơ có vẻ tình tứ hơn con người thật của tôi trong nếp sống đơn sơ. Lần đó, tôi ngâm cho chị Liễu nghe, chị nhìn tôi dò hỏi: - Bộ em có quen anh nào ở Cần Thơ sao ? Tôi thành thật lắc đầu: - Đâu có, em đâu có quen ai đâu. - Thế sao em hỏi “Cần Thơ giờ vui không anh yêu ?”, chị tưởng em có quen ai rồi chứ. Tôi hơi đỏ mặt: - Chị kỳ … Chị Liễu hỏi tiếp: - Bài thơ em làm có bốn câu thôi sao ? Tôi cười: - Em làm dài cơ … tính đọc chị nghe mà … chị hỏi lôi thôi quá hà. - Ừ, thôi đọc chị nghe hết đi, chị không hỏi “lôi thôi” nữa. Tôi lấy giọng ngâm:
Cần Thơ bây giờ ra sao anh ? Ngàn bông lúa trĩu Mây trôi bàng bạc khung trời nhỏ. Nhớ …
Cần Thơ giờ vui không anh yêu ? Hàng cây in bóng nước Ninh Kiều Vẫn nhìn những mối tình thơ mộng Âu yếm bên nhau mỗi cuối chiều.
Trường Đoàn Thị Điểm còn nguyên đó, Những tà áo trắng vẫn đi qua, Hướng mắt nhìn vào khung cửa nhỏ Với một niềm lưu luyến đậm đà.
Em mến con đường Phan Thanh Giản Căn gác trọ mang bóng một người Mỗi tuần em vẫn thư về đó Địa chỉ … quen tay viết số 10.
Mỗi sáng anh còn quen dậy sớm Để uống café quán cuối đường ? Sân bay Trà Nóc vương vương lạnh Như áo ai còn đẫm ướt sương …
Nghe tôi ngâm xong chị Liễu tròn mắt ngạc nhiên: - Trời ơi, em chị làm thơ hay quá đi. Nghe cứ như là em có người yêu ở số 10 Phan Thanh Giản ấy thôi. Gớm, em tôi tưởng tượng dồi dào quá. Tôi cười nhận lời khen của chị Liễu. Thật ra, đó là chuyện của cô bạn cùng lớp. Bồ nó là phi công đóng ở phi trường Trà Nóc. Nó kể tôi nghe chuyện tình của hai đứa nó. Không một lá thư nào của anh chàng gởi mà nó không cho tôi coi, cũng như trước khi gởi thơ đi, bao giờ nó cũng đưa tôi đọc trước. Riết rồi tôi quen với hình ảnh người yêu của nó như một người thân trong gia đình, đến nỗi có lần con Sâm đã phải nói với nó: - Mày coi chừng nha Mỹ, cứ tin con Thụy, cứ nhờ nó “quân sư quạt mo” cho tình yêu của mày hoài đi rồi có ngày nó … thương luôn bồ mày cho mà coi. Tôi nguýt Sâm một cái nên thân, Mỹ chỉ cười. Nó biết tôi không quan tâm đến những chuyện ấy. Tuy ở vào lứa tuổi tôi, lứa tuổi đã bắt đầu có những mộng mơ tình cảm chen vào cuộc sống, tôi vẫn đơn thuần trong những cảm nghĩ thật chân phương. Tôi ít hay suy tư về những tình cảm chung quanh, thứ tình cảm mà những đứa bạn tôi cho là quan trọng và đặt lên hàng đầu cuộc sống. Những đứa bạn học cùng lớp, cùng tuổi với tôi hầu hết đều có bạn trai, những người con trai học hơn vài lớp, bạn cùng trường hay ở trường khác, cũng có đứa bạn quen là lính, là những sinh viên ở các phân khoa, tôi thì không. Không phải tôi xấu xí gì đến nỗi không có lấy một người thích làm quen, tôi có thể nói là xinh lắm nữa, và rất nhiều người bạn trai muốn đến với tôi trong vòng tình cảm lẩn quẩn, nhưng tôi chỉ chấp nhận họ trên một địa hạt hết sức vô tư của tình bạn. Tôi không thích bị ràng buộc quá sớm vào những suy tư ngoài màu áo học trò. Những đứa bạn tôi trước mắt, những mẩu tình cảm vụn vặt được quan trọng hóa, được chúng trịnh trọng đặt lên hàng đầu của cuộc sống, kể cả sự học. Có đứa buồn, buồn đến khóc được vì người yêu không chung thủy, có đứa lại buông thả, có một lần rất nhiều “bồ” rồi tuyên bố vung vít về những thành quả đã có, như một chiến thắng lớn, đầy hiển hách. Tôi sợ những hình ảnh đó. Tôi vẫn thường tâm sự với chị Liễu về những tâm trạng ở tâm hồn. Chị Liễu hơn tuổi tôi, chị đã có bạn trai và tôi cho rằng chị có quyền đó. Chị Liễu bảo tôi: - Sang năm, hay sang năm nữa em hãy nên có bồ, ở tuổi 17, chỉ có đổ vỡ hơn là thành tựu. Tuổi đó chưa đủ chín chắn để chịu đựng nhau và giữ nhau. Tôi thấy chị Liễu nói đúng, nhìn vào các bạn tôi, hiếm đứa dám mạnh dạn tuyên bố lấy chồng hay đính hôn. Chúng nó chỉ phất phơ như một trò đùa. Mới cách đây hai tuần, con Châu khoe với tôi thư tình của thằng bồ nó gửi. Thằng bé học đệ nhị ở Chu Văn An, và mới đây mấy hôm, nó đã mặt mày méo xẹo, than thở với tôi rằng anh chàng gặp cô khác, một “bébé” nào đó ở Marie Curie. Con Châu bỏ học cả mấy ngày, tôi cố khuyên nó thì được nghe một câu gọn và sẵng: - Dẹp mày đi, biết bồ bịch quái gì mà nói. Thứ mày chỉ là con mọt sách, tối ngày chỉ rúc vào … vú mẹ. Để yên, tao đi lang thang cho hết buồn. Tôi chán ngán cho lối lập luận của nó. Tôi như một con ốc thu mình trong lớp vỏ của mình. Tôi sợ chung quanh, sợ ánh sáng, thứ ánh sáng quyến rũ thiêu thân vào để giết đi không thương tiếc. Một mô đất ổ gà làm chiếc xe đò giồng lên cao. Tôi giật mình rời khỏi ý nghĩ. Có lẽ cũng sắp đến rồi. Tôi nhìn đồng hồ rồi nhìn xuống chiếc giỏ và cái va ly để dưới chân. Xe đỗ ở bến. Tôi là người cuối cùng bước xuống xe. Không phải tôi không nôn nao về nhà ngoại, nhưng tôi sợ sự chen lấn sẽ làm xáo trộn những món quà trong giỏ. Gọi xích lô xong, tôi thoải máy ngồi lên xe. Đường về nhà ông và ngoại thật quen thộc, thật thân yêu như ru tôi vào những hình ảnh trẻ thơ. Hình ảnh năm 9, 10 tuổi, còn chơi nhảy dây, chơi u mọi. Những lần chơi “cút bắt” là tôi chui ngay vào gốc cây nhãn để núp, bao nhiêu lần bị “túm đầu” ở đó mà vẫn không chừa. Con đường nhựa hẹp, hai bên lề đã bị lở đất, những lằn bánh xe hạng nặng nghiến xuống làm lõm sâu, một vài chỗ nhô lên làm chiếc xích lô dồng từng chập. Cây hai bên đường lùi chầm chậm ra sau. Tôi hình dung đến gương mặt ông bà ngoại tôi, các em con của dì tôi. Ông bà ngoại tôi già rồi, nhất là ông ngoại. Mái tóc bạc trắng như bộ lông mày và chòm râu dài xuống ngực, nên thoạt nhìn ông tôi phương phi như những vị tiên trong chuyện thần thoại xa xưa. Bà tôi nhỏ nhắn, tóc đơm muối tiêu và ăn trầu đỏ môi. Hai hình ảnh hiền từ làm tôi cảm thấy tâm hồn dâng lên nguồn rung cảm sâu xa.
Một bóng người đi chiếc PC-50 vượt qua mặt làm tôi chú ý. Dáng người mảnh khảnh mặc chiếc áo sơ mi sọc xám, mái tóc uốn kiểu Francoise Hardi bị gió tung bật ra sau. Tôi gọi: - Trang ! Cô bé ngoảnh mặt lại nhìn tôi rồi kêu lên: - Ơ … hơ … chị Thụy ! Trang thắng vội xe lại bảo tôi: - Chị lên xe em chở về. Tôi chỉ chiếc valy và cái giỏ dưới chân: - Không được đâu, nặng lắm. Trang về trước rồi chị về sau. - Chị mới xuống hả ? Câu hỏi dứt, Trang biết mình ngớ ngẩn: thì rõ ràng là tôi mới xuống chứ không lẽ xuống lâu rồi mà đâu sao ? ! Trang cười giả lả, tôi cũng cười theo: - Không phải chị mới xuống đâu, chị xuống cách đây … 10 phút lận. Trang liến thoắng: - Thôi để em chạy về trước báo tin ở nhà biết nha. Ông bà mừng lắm ạ. Tôi gật đầu. Trang rồ ga cho chiếc xe phóng nhanh khuất dạng sau lớp bụi mù. Tôi vừa về đến cửa nhà thì đã thấy một “hàng rào” người đứng ở sân chờ, đứng đầu là Trang. Các em con dì tôi reo lên: - Chị Thụy, chị Thụy về. Tôi bước xuống xe, khệ nệ xách valy và giỏ đồ. Trang chạy vội đến dằng lấy: - Em xách cho. Bà ngoại tôi đi ra. Tôi ôm lấy vai bà, cảm động: - Ngoại. Bàn tay nhăn nheo của ngoại vuốt nhẹ tóc tôi. - Con mới về. - Dạ. Ông con đâu ngoại ? - Ông mới đi coi gà bên chú Tư, về bây giờ. Con vô nhà đã. Mấy đứa em tíu tít bên tôi. Thằng Tuấn níu tay tôi. - Chị Thụy ! Chị Thụy ! Tôi cúi xuống cười với nó: - Tuấn hả ? Nhớ chị không ? Nó gật gật đầu. Bé Thảo dành lấy tay tôi. Tôi bế nó lên. Tuấn kêu: - Úi chà, nhỏ Thảo nặng lắm mờ làm sao chị bế được ? Thảo nhăn mặt, giọng chớt chát khó nghe ! - Anh “Chuấn” (Tuấn) này “hạo” (xạo) quá hà. Em bé đâu có “nhặng” (nặng). Tôi vuốt đôi má bầu bĩnh của nó: - Ừ, Thảo của chị đâu có nặng, chừng … một tạ thôi há ! - Dạ, một tạ thôi. Thảo ngây thơ lập lại. Nó không biết một tạ là bao nhiêu, nhưng chắc nó nghĩ là vừa với số cân của nó. Cả bọn cười ầm. Tuấn trêu: - Ê, lêu lêu mắc cở. Một tạ mà cũng ừ. Không khí chung quanh vui nhộn. Tôi cảm thấy thoải mái hơn bao giờ hết. Bà ngoại không ngớt hỏi về gia đình, về mẹ tôi và chị Liễu. Ngoại tôi không ghét chị Liễu như mẹ. Có lẽ tại ngoại già rồi, tâm hồn bao dung, và ngoại lại không ở trong hoàn cảnh của mẹ, tức là ray rứt bởi dĩ vãng của ba tôi. Tôi ngồi trả lời hết câu hỏi này đến câu hỏi khác của ngoại. Bà tôi sai người bắt gà làm thịt và bảo tôi: - Con thích ăn thịt gà nấu kiểu gì ? - Gì cũng được mà ngoại, thịt gà là ngon rồi. Mấy đứa em tôi đứng quanh đó lại có dịp nhao nhao lên. Trang góp tiếng: - Nấu cháo gà đi ngoại. Cháo gà ăn đã nhất. Sơn phản đối liền: - Sức mấy, đừng nghe chị Trang ngoại. Cháo dở ẹt hà, ăn một tí là tiêu đâu mất. Trang nguýt dài: - Ai bảo mày tham ăn chi. - Em tham ăn hồi nào ? Có chị tham ăn thì có. Trang cung tay phân trần: - Cái gì ? Bằng chứng tao tham đâu ? Nói không được biết tay tao à. Sơn gân cổ lên: - Hôm kia nè. Em đi học về có trái ổi cái chị xin cắn một miếng. Tôi cười: - Thì Trang xin một miếng chứ có ăn tham đâu. Tuấn nhìn tôi: - Dạ chị Trang đâu có cắn một miếng. “Chỉ” … dành cả trái của em hà. Ngón tay Trang xỉ mạnh vào trán Sơn: - Xí, đồ con khỉ, có miếng ổi mà cũng kể. Thấy tình trạng chiến tranh giữa các lỏi tì có mòi “găng”, tôi vội giảng hòa: - Thôi đừng cãi nhau nữa đi. Bây giờ mình cứ để tùy bà ngoại muốn cho ăn gì cũng được.
***
Buổi trưa ông ngoại tôi về, tôi lại được thêm một màn “phỏng vấn” của ông tôi nữa. Ông hỏi tôi: - Con định ở chơi lâu không ? Tôi đáp: - Dạ ba má cho con đi một tuần ngoại à. Ông tôi gật gù: - Ờ, có dịp bây xuống ở chơi với ông bà cho vui. Ông bà già cả rồi, lụm cụm, đi đứng khó khăn lắm, không biết sống với con cháu được đến bao giờ. Bà ngoại tôi xen vô: - Thôi ông, cháu nó lâu lâu mới về chơi một lần, ông than thở làm nó buồn. Tôi nhìn ông bà. Hình ảnh đầy thân yêu của những ngày tuổi nhỏ trở về thật trọn vẹn. Chợt nhớ đến đứa bạn hồi còn học tiểu học, tôi hỏi ngoại: - Ngoại nè, con Phước còn ở đây không hả ngoại ? Bà tôi gật đầu: - Còn con à. Tội nghiệp, độ rày nhà nó sa sút quá, phải nghỉ học đi bán giúp mẹ nó. Tôi kinh ngạc: - Đến nỗi thế hả ngoại ? Lần trước con về nó còn đi học mà. - Ừ, nhưng cha nó mới chết. Mẹ nó phải lo buôn bán nuôi đàn con dại. Nó là chị lớn nên phải nhường phần học lại cho các em. Tôi hỏi tiếp: - Nó bán ở chợ hả ngoại ? - Ừ, ở chợ. Con có rảnh ra thăm nó một tí. - Dạ !
Tôi mau mắn thay quần áo. Tôi lựa cái quần “din” đen và cáo áo polo trắng viền cổ màu xanh. Tôi mặc vào rồi đứng ngắm nghía. Trang đứng nhìn rồi suýt soa: - Chị Thụy mặc đồ đẹp ghê. Thấy cái biết con nhà giàu ở Sài gòn xuống liền à. Tôi vừa sửa cổ áo vừa mỉm cười với cô em nhỏ. Trang tiếp: - Chị Phước mà thấy chị chắc chị ấy tủi thân lắm. Dạo này chị Phước nghèo, ăn mặc lam lũ lắm chị ạ.
Tôi giật mình, chợt nhận ra Trang nói có lý. Thời thơ ấu, tôi và Phước là hai đứa thân nhất. Cả đến lúc đi học, hai đứa cùng vào lớp Mẫu giáo. Không một thứ gì tôi có mà Phước không có. Chiếc áo đầm xanh, đôi dép “xăng đan” đỏ. Hai cái nơ thắt bím tóc màu hồng … Hai đứa quấn quýt bên nhau trong những trò chơi trẻ con. Tôi thương Phước vì tánh nó hiền và rất chiều bạn. Có lần tôi bắt gặp Phước trèo lên cây ổi sau nhà tôi, cây ổi có mấy trái đã được tôi “nhắm” rồi. Sợ Phước hái mất, tôi nạt lớn: - Ê Phước, xuống đi mày. Đang ngồi vắt vẻo trên cây, Phước nhìn tôi cười: - Ngồi chơi tí đã, mày lên không ? Nó nhìn một trái ổi cành ngoài, vừa tay vói bảo tôi: - Trái này ngon ác, tao hái nhe ? - Không. Tôi vừa trả lời cộc cằn vừa leo lên cây. Phước vẫn ra vẻ muốn hái, bàn tay nó đưa ra ngoài nhánh ổi. Tôi nóng mặt dằn lấy tay nó làm nó mất thăng bằng rơi xuống gốc cây. Đà ngã quá mạnh làm đầu Phước va vào cục đá phun máu. Tôi hốt hoảng tụt xuống chạy mất, vô ý thức đến nỗi không nghĩ đến việc đứng lại xem bạn ra sao.
Về nhà tôi nơm nớp lo sợ, chỉ nhìn chừng ra cửa xem thử mẹ Phước có qua không. Vì nếu Phước mách lại với mẹ rằng bị tôi xô ngã, thế nào mẹ nó cũng sang mách lại mẹ tôi. Nhưng tôi chờ mãi cũng chả thấy, tôi thở ra nhẹ nhõm: như thế là Phước không mách mẹ về hành động độc ác của tôi. Tuy thế, tôi vẫn len lét đề phòng và chờ đợi.
Sáng hôm sau, Phước sang rủ tôi đi học như thường lệ. Đầu nó quấn băng trắng. Mẹ tôi thảng thốt kêu lên: - Cháu làm sao vậy ? Tôi hồi hộp nhìn Phước chờ đợi sự kết án của nó, nhưng Phước chỉ nhỏ nhẹ thưa: - Thưa bác con bị vấp ngã. Mẹ tôi thương hại xuýt xoa: - Khổ thật, làm sao mà bất cẩn thế con ? Phước không nói gì, nó mỉm cười giục tôi đi học như thường lệ. Riêng tôi, lúc ấy tôi chỉ muốn ôm lấy bạn để tạ tội với nó. Tôi thấy mình độc ác và ích kỷ lạ. Phước dường như biết ý tôi nên nó nắm tay tôi kéo vội ra đường. Tôi nói với nó bằng giọng ngượng ngùng: - Phước giận Thụy không ? Nó lắc đầu hiền lành: - Thụy có làm gì đâu mà giận. - Có, Thụy xô Phước té chiều qua nè. - Đâu phải Thụy muốn vậy, đó là tại xui xẻo thôi hà. Thụy đừng nghĩ gì hết.
Từ đó chúng tôi thương nhau hơn bao giờ hết. Tôi bỏ dần những thói bất công ích kỷ của trẻ con. Hai đứa tôi rất hay giận hờn nhau, nhưng rồi lại huề ngay và quấn quýt nhau hơn. Khi tôi lên Saigon để tiếp tục học, thì Phước vẫn ở lại vui sách đèn nơi tỉnh lẻ.
Hai đứa không thư từ gì cho nhau, nhưng mỗi khi tôi có dịp về Cần thơ là Phước và tôi lại quấn quýt trong bao nhiêu kỷ niệm êm đẹp xa xưa. Bây giờ, Phước đã là đứa con mồ côi. Nó không còn sự vô tư của đứa con gái còn đầy đủ cha mẹ để lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ nữa. Nó đã trưởng thành dù nó chưa tới tuổi trưởng thành. Nó phải giúp mẹ nuôi nấng đàn em thơ dại, thay cha. Ý nghĩ đó làm tôi chua xót. Tôi đã quên mất Trang đang đứng chờ để đưa tôi ra chợ thăm Phước. Tôi đắm mình trong vùng đăm chiêu tím thẫm khiến Trang phải giục: - Chị Thụy, mình đi chưa để em lấy xe ? Tôi bàng hoàng nhìn Trang rồi gượng gạo: - Ờ … ờ … Trang lấy xe đi. Chị thay cái áo chút xíu. Trang ra khỏi phòng, tôi hấp tấp trút bỏ lớp y phục thời trang Saigon để khoác vào chiếc áo bà ba nội hóa màu vàng và chiếc quần đen. Tôi đi ra trong sự thoải mái. Trang cười: - Chị mặc gì trông cũng đẹp hết. Tôi vừa ngồi lên xe vừa đấm nhẹ vào vai nó: - Nịnh hoài, con bé khỉ ! Trang tìm chỗ gởi xe rồi cả hai chúng tôi vào chợ. Tìm chỗ Phước bán không khó: hai gánh rau muống và cải kia rồi. Phước đang bán hàng không nhìn thấy tôi. Tôi đến sát bên nó, gọi khẽ: - Phước ! Nó ngước lên nhìn, chợt nhận ra tôi, Phước không dấu nổi tiếng reo mừng: - Kìa … Ô kìa Thụy. Nó dợm đứng dậy ôm chầm lấy tôi như mọi lần. Nhưng chợt nghĩ ra điều gì, Phước nhìn tôi rồi cúi nhìn xuống thân thể mình: chiếc áo bà ba màu nâu với chiếc quần đen đã bạc. Tôi hiểu sự ngại ngùng của đứa bạn xưa, vội nói: - Phước cứ ngồi xuống đi, để mặc Thụy.
Phước cười. Tôi thấy nụ cười méo xệch và gượng gạo rõ ràng. Nó chầm chậm ngồi xuống chiếc đôn nhỏ. Tôi loay hoay bước vô phía trong với Phước: Thấy chiếc đôn bỏ không ai ngồi, tôi hỏi: - Thụy ngồi xuống đây được chớ ? Phước gật: - Được. Đôn của mẹ mình đó. Bả đi mua đồ ăn rồi.
Tôi ngồi nhìn Phước. Nếp sống lam lũ làm nó đổi thay nhiều lắm. Dường như những suy tư đã hằn lên vầng trán mà đôi mắt thơ ngây của cô gái 17.
Phước nhìn tôi: - Dạo này Thụy xinh ghê. - Phước cũng vậy.
Tôi nói, nhưng biết rằng mình nói dối. Tôi nhìn bạn bối rối. Phước hiểu, nó khẽ lắc đầu: - Phước khổ nhiều, đẹp gì nổi. Nó hỏi tiếp: - Thụy về có một mình hả ? Sao được nghỉ đi chơi khan sướng vậy ? - Lễ Quốc Khánh mà Phước. Phước khẽ gật đầu: - Ừ nhỉ. Lễ Quốc Khánh. Không đi học rồi mình quên đi mất. - Phước bán có khá không ? - Cũng tạm đủ nuôi gia đình Thụy ạ. Các em mình còn nhỏ quá lại là con trai nên không nỡ để tụi nó thôi học.
Chợt nhớ đến mảnh bằng T.H.Đ.I.C. của bạn, tôi hỏi: - Phước có Trung học sao không xin đi dạy có hơn không. Thụy thấy người ta xin dạy Tiểu học được đó. Phước lắc đầu: - Cũng được. Nhưng Thụy nghĩ đi dạy thì được bao nhiêu ? Nhiều lắm là 4000 $ một tháng. Mình đi bán thế này kiếm khá hơn, lại có thì giờ săn sóc em út. Nó cười: - Làm cô giáo thì dĩ nhiên là hách hơn đi bán rau Thụy nhỉ, nhưng trót đã hy sinh cho gia đình, mình hy sinh luôn. Nghề nào cũng là một nghề.
Tôi sợ Phước tủi thân, an ủi: - Nói là nói vậy thôi. Phước đi bán thế này cũng khỏe. Một người khách hàng vừa đứng chọn những bó rau xanh non. Tôi cầm lên một bó phía dưới đưa cho bà ta: - Bó này ngon nè “cô”. Bà khách khá lớn tuổi nghe tôi gọi bằng “cô” liền ngước nhìn mỉm cười. Bà ta đỡ bó rau trên tay tôi, hỏi: - Bao nhiêu bó này em ? Tôi bối rối nhìn Phước cầu cứu. Nó trả lời: - Dạ 15 đồng ạ. Bà khách quay sang bảo tôi: - Em lựa cho hai bó nữa đi. Tôi “dạ” một tiếng ngọt xớt rồi nhanh nhẹn nhấc hai bó rau đưa cho bà khách. Bà ta đếm tiền trao cho tôi rồi bỏ rau vào giỏ. Tôi cười với bà ta: - Dạ cám ơn “cô”. Bà khách đi rồi, Phước nhìn tôi kinh ngạc: - Bà đó già quá Thụy không thấy sao mà gọi bằng “cô” ? Tôi nheo mắt nhìn bạn: - Phước quên rằng những người đàn bà thường thích được khen là đẹp hay sao ? Dù bất cử ở tuổi nào đi nữa, dĩ nhiên là phải trừ ra lứa tuổi đã thành “cụ” thì không nói, còn thì hầu hết các bà đều muốn mình trẻ, đẹp, mà tiếng “cô” là điển hình. Tâm lý mà.
Phước cười ngặt nghẽo: - Hèn chi mà “bả” thích chí, đáng lẽ chỉ mua một bó, bả lại mua tới ba bó. Hai đứa nhìn nhau thông cảm. Phước nói: - Người ở Sài gòn có khác, lanh mà lịch duyệt ghê đi. Chả trách người ta bảo đi một ngày đàng học một sàng khôn là phải. Trang từ nãy giờ lẻn đi đâu, trở lại bảo tôi: - Chị về chưa ? Tôi nhìn đồng hô gật đầu: - Ừ, về để ngoại chờ cơm. Tôi đứng lên nói với Phước: - Thụy về nhá. Chiều Phước qua nhà chơi. Cho Thụy gởi lời kính thăm bác.
Tôi móc túi lấy tờ giấy 500$ trao cho Phước: - Cho Thụy gởi mua bánh cho mấy em. Thụy đi có một mình nên xách quà sợ nặng. Phước nhìn tôi cảm kích: - Cám ơn Thụy nhiều. Tối rảnh Phước sẽ sang chơi. |
| | | nhanbkvn
Tổng số bài gửi : 1612 Registration date : 16/07/2012
| Tiêu đề: Re: *_Chị Em Khác Mẹ Mon 28 Jan 2013, 16:20 | |
| Chương 04
Tôi vào phòng chị Liễu tìm cái lược, vì cái lược của tôi để trong cặp đã rơi đâu mất. Chị tôi đi chợ từ nãy. Tôi sục sạo trong hộc tủ của chị Liễu. Một xấp giấy nhỏ rơi ra, những tờ giấy pelure mỏng màu xanh dịu nhẹ. Tôi tò mò liếc mắt đọc hàng chữ đầu:
Liễu mến, Anh vừa vào trường CTCT được hơn tuần nay vì mới nhập khóa nên bận rộn nhiều, hôm nay hơi rảnh anh vội viết thư cho Liễu. Hôm anh đi, nhìn Liễu khóc anh cũng ứa nước mắt. Anh biết anh đi là em sẽ cô đơn lắm. Với em, chỉ có anh và bé Thụy là nguồn an ủi duy nhất. Giờ xa anh, bé Thụy nó lại cũng đang ở Cần Thơ, em sẽ buồn lắm. Liễu mến, Anh hiểu rõ những bất công gia đình dành cho em. Xã hội này chưa xóa được thành kiến mẹ ghẻ con chồng, nên em phải hứng chịu những hậu quả đó. Lần nào gặp em cũng nghe em nhắc đến bé Thụy với tất cả yêu thương làm anh cũng thấy quen thuộc với Thụy dù anh chưa gặp nó lần nào. Chắc Thụy còn bé lắm em nhỉ ? Tâm hồn những đứa trẻ thơ thường bao dung em ạ. Anh không biết khuyên em gì hơn là cố gắng nhẫn nhục, ngoan ngoãn sống trong gia đình với ba, với dì cho êm thấm. Anh tin rằng ba cũng rất khổ tâm khi thấy những bất công mà dì Hai đối với em.
Anh mong Liễu sẽ cố gắng sống tròn bổn phận để chờ ngày anh ra trường, ngày mà hạnh phúc đến với chúng ta. Anh, PHONG
Nét chữ con trai cứng cỏi, lời lẽ dễ yêu chắc làm mềm lòng chị Liễu ? Tôi nghĩ vậy và chợt mỉm cười lẩm bẩm: - A, chị Liễu có bồ ta. Vậy mà mình không biết. Nhớ đến đoạn anh Phong viết về “bé Thụy” tức là tôi, tôi không khỏi cười thầm. Chắc anh Phong tưởng tôi còn “bé tí ti” ấy … xí, người ta đã 17 tuổi và học đệ tam rồi chứ bộ.
Tôi xếp nguyên lá thư vào chỗ cũ rồi ra nhà ngoài vừa lúc chị Liễu đi chợ về. Chị gọi tôi: - Thụy xuống chị cho nè. Tôi chạy xuống bên chị như một đứa trẻ con ngộ nghĩnh. Chị Liễu lấy trong giỏ ra một gói ni-lông trao cho tôi. Tôi reo lên: - Eo ơi, chè khoai mì. Bộ chị đi chợ Trương Minh Giảng hả ? Chị Liễu gật đầu cười: - Đi mua chè cho cô đó. Tôi ôm chị Liễu hôn thật kêu vào má chị: - Chị cưng Thụy quá hà. Chị Liễu nhìn quanh hỏi tôi: - Má đâu em ? - Dạ má nói qua nhà cô Anh chơi rồi. Chắc trưa má mới về lận. Nhớ đến bức thư của anh Phong, tôi ranh mãnh hỏi chị Liễu: - Thí dụ chị có “bồ”, chị có cho Thụy biết không ? Đôi mắt chị thoáng nghi ngờ: - Em hỏi gì kỳ vậy ? - Thì … em thí dụ mà. Tỷ như em có quen ai, em cũng sẽ nói cho chị biết vậy đó.
Tôi biết chị Liễu không muốn dấu tôi, chị dấu, hoặc vì chưa muốn tôi sớm có những tư tưởng đậm nét về luyến ái, sợ sẽ làm mất đi trong tôi tuổi thơ ngây học trò mà thôi. Tôi tiếp: - Tự nhiên nhìn chị, thấy chị đẹp ghê nên Thụy hỏi vậy thôi. Với lại … Tôi bỏ lửng câu nói. Chị Liễu hỏi: - Với lại … sao ? Thụy nói chị nghe đi. Tôi phụng phịu: - Thụy sợ chị có quen ai rồi chị thương luôn người ta, chị bỏ quên Thụy, không thương Thụy nữa. Chị Liễu bật cười. Bàn tay chị nhẹ vuốt tóc tôi: - Em của chị khéo lo. Chưa chi mà đã nghĩ như thế rồi. Tôi nũng nịu: - Tại em thương chị mà. - Chị biết Thụy thương chị lắm. Và Thụy chính là nguồn an ủi của chị hiện giờ … Tôi nghĩ trong câu nói của chị Liễu: chị ấy nói ý như anh Phong viết trong thư. Chắc “chỉ” nói về mình nhiều lắm. Tôi nghĩ tiếp: đâu phải chỉ có em là nguồn an ủi duy nhất của chị. Phần nào thôi. Còn anh Phong nữa chi. Và chính anh ấy mới là sự an ủi lâu dài của chị đó. Chị Liễu thấy tôi có vẻ đăm chiêu nên hỏi: - Thụy nghĩ gì vậy ? - Dạ … nghĩ đến chuyện chị em mình đang nói đây nè. Em biết chị Liễu cưng em lắm, nhưng … còn thua một người. - Ai vậy ? Chị ngạc nhiên hỏi. - Thì … người nào chị thương đó. Một người con trai cơ, chứ không phải con gái như Thụy đâu. Tay chị Liễu kéo tôi ngồi xuống cạnh chị. Giọng chị mơ màng, nhưng thoáng buồn: - Em nghĩ đúng, ở tuổi chị thì phải có người yêu rồi. - Ai vậy ? Tôi bắt chước chị Liễu làm bộ ngạc nhiên hỏi lại. Hai gò má chị hơi ửng hồng: - Một người bạn trai. Anh ấy hơn chị 5 tuổi. Tôi đập nhẹ vào tay chị Liễu: - Vậy mà chị dấu em hoài há ? Chắc ảnh thương chị lắm. - Thương hay không thì chị không chắc được, vì lòng người hay đổi thay bất chợt lắm em ạ. Hôm nay còn nhìn nhau, biết đâu mai kia lại không ngoảnh mặt xa lạ.
Ý tưởng bi quan của chị Liễu khiến tôi thương chị hơn bao giờ hết. Tôi nói: - Sao chị nghĩ gì mà buồn quá vậy. Em tưởng người ta thương mình là sẽ thương hoài chứ. Với lại chị đã trưởng thành rồi, chắc khi chọn người để yêu, chị cũng phải kỹ lắm chứ đâu có nông nổi như ở tuổi tụi em mà lo. Chị Liễu nhìn tôi nói nhỏ: - Ở đời khó lắm em ạ. Đành rằng khi đã chọn là chọn người mình thấy là đàng hoàng thành thật yêu mình. Nhưng biết đâu, một giây, một phút nào đó họ đổi thay. Họ gặp người vừa ý hơn mình thì … có thể lắm. Nhất là ở hoàn cảnh chị ! - Hoàn cảnh chị … là sao ? Chị Liễu hơi cúi xuống: - Em cũng biết, chị chỉ còn có ba, sống nhờ vào tình thương của dì. Chị ít học, lại không được sự dạy dỗ của một người mẹ, làm sao chị bằng những người con gái khác ? Nếu người ta “so sánh” lẽ dĩ nhiên họ sẽ thấy sự thua kém của mình.
Tôi nghe xót xa trước tâm sự của người chị khác mẹ. Phải, chị Liễu có lý khi nghi ngờ cuộc đời. Chị đã chịu quá nhiều bất công, sự bất công làm tắt lụn niềm tin tưởng, yêu đời tiềm tàng trong tuổi nhỏ. Không có hình bóng người mẹ hiền bên cạnh, người ta mất nơi nương tựa, mất cả sự tin tưởng cho dù mình có đủ điều kiện để tin tưởng. Hình bóng người mẹ như một chở che tuyệt đối, như một bóng mát để núp giữa sa mạc. Hình bóng người mẹ là lời ru ngọt ngào nhất, êm dịu nhất mà đứa con đã nhận biết, đã thèm thuồng từ lúc còn nằm nôi. Những con người bất hạnh, bị mất mẹ từ lúc mới lọt lòng, không được hiểu thế nào là tình mẹ nên thèm thuồng mà không so sánh được. Còn chị Liễu, chị đã sống qua những năm thơ ấu trong dòng sữa mẹ, trong vòng tay ấm áp trìu mến của người mẹ hiền, hẳn chị tủi buồn trong hoàn cảnh cút côi bất hạnh hơn ai hết. Làm sao chị có thể quên được những ngày tháng ấu thơ, ấp ủ trong tình thương bao la của mẹ. Làm sao chị quên được những âu yếm chăm sóc của mẹ hiền ? Càng náu nương trong tình mẹ thắm thiết, người con càng thấy bơ vơ vô cùng khi thiếu vắng mẹ yêu.
Tôi nhìn người chị khác mẹ bằng ánh mắt xót xa, chị Liễu cũng hiểu rằng tôi đang chia sẻ nỗi buồn với chị. Chị vuốt tóc tôi: - Thôi em đừng nói chuyện đó nữa, buồn thêm. Chị còn được sống trong gia đình với ba, với dì và các em là sung sướng lắm rồi. Chuyện mai sau để rồi sẽ tính. - Nhưng chị lớn rồi cơ, nếu chị thương ai chị phải nói cho ba má biết để lo cho chị chứ. Chị không nói, thì Thụy … nói à. Chị Liễu gượng cười: - Nói chứ, khi nào thấy cần chị sẽ thưa lại với ba và dì. Bây giờ chị còn trong vòng “dò xét” người ta mà, em quên sao ?
Tôi thôi không hỏi nữa, nhưng tôi biết chị Liễu nói dối tôi, chị không bao giờ dám “mạnh dạn” thưa thật với ba má tôi cả. Chị mang mặc cảm vì sự bất công của má tôi. Nếu má chị còn sống, hẳn giờ nầy chị đang thoải mái trong vấn đề tình cảm. Tự dưng tôi bâng khuâng, tôi thấy diễm phúc may mắn của mình bị mờ đi phần nào trước nỗi khổ tâm của chị Liễu. Giá tôi là một cô gái khô khan, tôi đã có thể sung sướng trên nỗi đau khổ của chị. Đàng này tôi không như thế. Tôi cảm thấy thật sự đau xót. Tôi lâng lâng trong cảm giác rằng mình là một đứa con gái có lòng, nghĩa là không đến nỗi tệ. Tôi nhớ tới bức thư anh Phong viết cho chị Liễu “anh ấy hẳn yêu chị mình lắm”. Tôi nói đến tiếng “yêu” trong nghĩa thật đơn thuần của nó, yêu có nghĩa là thương, là mến, là nghĩ về v.v… Tôi đã mong manh thấy có nhiều phức tạp trong tình yêu, những phức tạp mà tôi chưa cần tìm hiểu. Tôi thường đọc thấy trong tiểu thuyết, trong phim ảnh, những ngang trái và mâu thuẫn làm khổ đau, tan vỡ nhiều con tim đang ngập tràn tin tưởng. Tôi chợt nghĩ nếu tôi có người yêu như chị Liễu, không biết rồi tôi sẽ ra sao ? Đọc thư tình chắc là phải vui lắm ? Không, có lẽ xúc động mới đúng. Thật khó mà định nghĩa được. |
| | | nhanbkvn
Tổng số bài gửi : 1612 Registration date : 16/07/2012
| Tiêu đề: Re: *_Chị Em Khác Mẹ Mon 28 Jan 2013, 16:21 | |
| Chương 05
Lớp học im lìm không một tiếng động. Trên bảng, anh Trần, một học sinh giỏi toán nhất lớp đang giải một bài đại số. Bài toán khó đến nỗi chúng tôi bó tay chịu, dù thầy giáo đã cho hẳn một giờ để thảo luận, làm bài. Cuối cùng đám học trò, nhất là bọn con gái chúng tôi cũng đành buông tay … ca bài “liều”. Bao nhiêu cặp mắt theo dõi những hàng chữ, những con số, anh Trần viết trên bảng. Bài toán vẫn mờ mịt. Chúng láy mắt cho nhau. Châu rỉ tai tôi: - Bài khó thấy bà, anh Trần còn “tịt” nữa là tụi mình … cho gì mà cho kỳ vậy. Sâm chen vô: - Chắc là bài thi phần một đó, ổng thử sức tụi mình mà … bữa nay ổng ngứa tay muốn “ban” nhiều hột vịt đó. Tôi nói: - Bất quá thì cho zéro cả lớp chứ gì. Đứa nào cũng một cặp thì khi chia điểm tính ra cũng huề. Mà tao chắc thấy tình trạng cả lớp “bi đát” như vậy ổng không nỡ “xuống tay” đâu. Nhung khúc khích cười, vừa làm bộ ho cho thầy khỏi để ý. Tôi cúi xuống tờ giấy chỉ mới có cái “đề” và mấy con số ngoằn ngoèo, Sâm rỉ tai tôi: - Ê Thụy, mày lén dòm lên coi cặp mắt ổng kìa, như tóe lửa vậy đó, ghê thấy mồ. Tôi hất tóc một bên, len lén ngó lên. Đúng như Sâm nói, đôi mắt thầy ngó chằm chằm xuống đám học trò một cách giận dữ. Tôi vừa quay đi, bất chợt giật nẩy mình vì tiếng quát của thầy: - Trò làm không xong à ? Mặt anh Trần tái xanh, anh ấp úng: - Thưa thầy … Giáo sư đập tay xuống bàn: - Vô tích sự ! Học với hành. Thế này thì làm sao mà thi cử. Bài toán đến đứa bé đệ thất cũng làm được mà các anh chị ngồi im như phỗng đá thế à ? Cơn giận của thầy giáo lên đến cực điểm. Tôi nhìn Sâm, không dám nhích môi. Cả lớp biết rằng thầy đã nói oan, vì bài toán khó thật. Không khí nặng nề bao trùm lớp học, một tiếng thạch sùng chắt lưỡi cũng nghe rõ. Bỗng tiếng chuông reo … thì ra đến giờ chơi mà vì không khí “gay go” quá nên chúng tôi không buồn để ý nhìn đồng hồ nữa. Những tiếng thở hắt ra nhẹ nhõm. Thầy ôm cặp ra khỏi lớp. Có tiếng bên nam sinh nói vói theo: - Thưa thầy … em giải toán được rồi ạ ! Tiếng cười rộ tiếp theo. Châu ở bàn dưới gọi Sâm: - Sâm ơi ! Xuống đây nói nghe nè … Sâm lắc đầu: - Mệt ! “Nhà ngói” ta không thèm xuống “nhà tranh” đâu. Nhà ngươi muốn “thưa” gì thì lên đây hà. Châu nguýt dài: - Mặt làm tàng há. Được rồi, thôi tao không nói nữa đâu. Tò mò làm Sâm vội kéo tay tôi: - Đi Thụy, xuống “nhà lá” chơi. Chúng tôi vẫn có lệ phân chia giai cấp như thế ở lớp, đứa nào ngồi bàn trên là ở “nhà ngói”, ngồi bàn dưới là “nhà tranh”. Tôi gật đầu: - Mày ra trước đi. Hai đứa đứng bật dậy … bỗng tôi bị giật ngược người về phía sau: thì ra vạt áo dài phía sau của tôi đã bị … bàn tay nào cột chặt vào bàn sau rồi. Tôi nhìn Sâm … Nó cũng bị y như tôi. Nó lẩm bẩm: - Con Nguyệt chứ còn ai nữa. Tôi quay ra phía sau … có tiếng cười khúc khích. Tôi gắt: - Bà nào chơi trò ma giáo vậy ? Lỡ rách áo người ta sao. Nguyệt chỉ Lan: - Con Lan nó ngứa tay đó. Tao hỏng có à. Lan trợn mắt cãi: - Xạo. Mày chớ tao hả ? Hồi thầy kêu anh Trần lên là mày cột áo tụi nó chớ bộ. Những chuyện “ma giáo” như thế vẫn thường xảy ra giữa chúng tôi luôn. Nguyệt cười làm lành: - Thôi tao xin lỗi. Bị thấy mặt thầy đằng đằng sát khí, thành tao … hoạt động cho tay đỡ tê máu. Chúng tôi bỏ xuống bàn Châu. Gương mặt nó có vẻ quan trọng ra phết. Nó bảo Sâm: - Hồi chiều qua tao gặp “kép” của mày. Sâm cười: - Rồi sao ? Mày “mết” lúy à ? Châu đập vào vai bạn: - Nói bậy. Tao gặp nó cặp với một con bé nào vào Pole Nord ấy. Tôi nhìn Sâm, mặt nó thoáng cau lại: - Cái gì ? Mày gặp Tân đi với “ai” hả ? Chắc mày nhìn lầm … Châu cả quyết: - Khỏi đi. Chính tao thấy rõ ràng mà. Thằng Tân mặc quần jeans màu ngà, áo montagut đỏ, còn con bé đi với nó mặc cái mini hồng mà. Nó liếc thấy tao nên cúi xuống … lơ đi như không thấy vậy đó. Mặt Sâm làm ra vẻ lạnh lùng, nhưng giọng nó hơi run: - Để tao hỏi lại coi, có khi là em nó. Châu nhún vai: - Em gì mà cặp tay nhau đi kỳ vậy. Mầy tin nó, có ngày “hố” à em. Bọn con trai choai choai bây giờ khó tin nổi. Tôi theo dõi câu chuyện của hai đứa nó và bỗng thấy buồn cười. Lần trước, chính Sâm “tố cáo” bồ của Châu có mèo. Giờ lại đến lượt Châu tố cáo lại. Cũng may, tôi không ở trong cái vòng lẩn quẩn như chúng nó. Mệt trí quá.
Một dáng người bỗng thập thò ở ngưỡng cửa. Màu áo hoa rừng với dáng cao dong dỏng của anh ta thật hợp với làn da rám nắng. Anh ta tiến vào lớp và hỏi con Thủy ở bàn đầu câu gì đó, nó bỗng quay xuống gọi tíu tít: - Thụy ơi, ai tìm mày kìa. Tôi ngỡ ngàng, ơ hay, sao anh ta lại đi tìm tôi nhỉ ? Tôi có quen ai Biệt Động Quân đâu cơ chứ ? Trong thoáng, tôi chợt nhớ đến anh Phong, thôi chắc anh ấy rồi. Có lẽ anh ấy về thăm, rồi chị Liễu chỉ đến đây tìm tôi cho biết mặt. Tôi ra khỏi ghế và tiếng Sâm đuổi theo: - Le ác ta, có bồ Trung úy Biệt Động Quân mà dấu kỹ. Tôi ra khỏi lớp trong tiếng xầm xì của các bạn. Người lính trẻ nghiêng người nói nhỏ: - Liễu bảo anh tới đây. Sự ước đoán của mình đúng quá, tôi nghĩ thầm mỉm cười: - Anh ạ. Hai anh em ra đứng ngoài lan can. Anh Phong nhìn tôi: - Thụy có ngạc nhiên không ? Tôi nghịch ngợm hỏi lại: - Thế anh có ngạc nhiên không ? Anh Phong lắc đầu: - Anh là lính … Không có gì làm ngạc nhiên nữa cả. Hơn nữa, với Thụy, anh đã nghe chị Liễu nói nhiều rồi. Tôi chu môi: - Chắc chị Liễu nói … Thụy là con nhỏ nghịch ngợm và dễ ghét lắm phải không ? - Không. Liễu nói Thụy ngoan và xinh lắm. - Bây giờ gặp Thụy anh còn thấy chị Liễu nói đúng nữa không ? Anh Phong khẽ gật: - Liễu nói rất đúng. - Nghĩa là Thụy ngoan và xinh nữa. - Ừ, chị Liễu nói Thụy thương chị lắm. Anh mến ai thương chị Liễu.
Anh Phong nói với tôi bằng giọng giải thích y như nói với một đứa bé lên 10. Tôi nói: - Anh thấy Thụy lớn chưa ? - Chưa. Thụy bé lắm. Bé bỏng y như con búp bế của Liễu vậy. - Thụy lại thấy Thụy lớn rồi chứ. - Lớn gì cô bé, 17 tuổi đã biết gì đâu. Mà lớn khổ lắm Thụy ạ, em mong lớn làm gì. Lại cái giọng người lớn. Làm như tôi bé lắm vậy. Nhớ đến thư anh Phong viết cho chị Liễu, gọi tôi là “bé Thụy” tôi bỗng tưng tức. Tôi bướng bỉnh: - Em lại muốn lớn cơ. Con nít thiệt thòi lắm. Anh Phong nhìn thẳng tôi như vừa nghe một câu nói lạ: - Sao em nói lạ vậy ? Tôi bối rối. Tôi biết mình vừa đi vào một câu hỏi không giải đáp. Thật ra, chính tôi cũng không hiểu mình “thiệt thòi” gì khi bị coi là bé con. Tôi lảng đi: - Anh về bao giờ thế ? - Anh về chiều qua. Sáng nay gặp Liễu. Liễu chỉ trường Thụy và bảo anh đến thăm em. Tôi hỏi đột ngột: - Anh thương chị em lắm hả ? Giọng anh Phong thản nhiên như người anh cả: - Ừ, Thụy biết rồi. Anh thương Liễu. Chị ấy đáng thương … Anh hơi ngập ngừng: - Và đáng yêu nữa. Rõ ràng là anh Phong coi tôi như đứa con nít không biết gì mới thản nhiên nói về tình yêu của anh như thế. Nếu coi tôi là người lớn hẳn anh phải có một chút ngại ngùng nào chứ … Dù sao, tôi là một đứa con gái … và không phải là em của anh ấy. Tự ái bỗng dưng bị va chạm. Tôi muốn mọi người biết tôi đã lớn, công nhận tôi là người lớn, kể cả anh Phong. Nhưng tôi chưa biết mình phải chứng tỏ bằng cách nào. Anh Phong tiếp: - Anh có quà cho Thụy. Anh đưa cho tôi một gói giấy. Sự hồn nhiên trở lại, tôi mở vội vàng gói giấy và sửng sốt. - Búp bê !!! - Búp bê. Anh Phong tiếp lời. Anh chắc em thích. Mắt tôi trĩu xuống nhìn con búp bê nhồi bông và vải vụn, làm thật khéo nhưng đồng thời nó cũng nhắc cho tôi biết rằng “Thụy ới, người ta coi thường mày, vì mày chỉ là đứa con nít”. Bình thường bản tính tôi vốn hiền lành, không hiểu sao hôm nay trở nên căng thẳng dữ dội. Tự ái bị tổn thương làm ngực tôi nghèn nghẹn. Tôi muốn khóc, nhưng cố dằn. Thật là đột ngột, những phản ứng quá mạnh đột khởi tự nhiên làm tôi trở nên xa lạ với chính mình. Tôi dằn lại, cố nói bằng giọng reo vui: - Đẹp ghê, Thụy cám ơn anh. Sợ những câu nói tiếp theo của anh Phong sẽ làm tôi thêm bực tức, tôi tìm câu hỏi: - Sao Thụy nghe nói anh ở quân trường, Thụy tưởng anh mới vô lính. - Anh đi lính hơn ba năm rồi chứ. Mấy tháng trước anh đi học thêm khóa huấn luyện cấp chỉ huy. - Hèn chi, chứ mới ra trường đâu đã lên trung úy liền anh nhỉ ? Chị Liễu hách ghê. Anh Phong nhìn tôi: - Liễu “hách” là sao hả Thụy ? Biết anh hiểu lầm câu tôi nói, tôi giải thích: - Dạ, em nói “hách” là chỉ có bồ trung úy oai đó chớ. Em nghe nói Biệt Động Quân dữ lắm. Thế anh có dữ không ? Anh Phong cười sau câu nói. Thấy tôi im lặng anh tiếp: - Khi Thụy lớn, Thụy cũng sẽ có người yêu. Muốn chọn mũ nâu thì anh giới thiệu cho. Tôi bướng bỉnh: - Khỏi chờ anh giới thiệu, Thụy có người yêu rồi. Anh Phong cười lớn: - Ai mà yêu Thụy chắc sẽ phải sắm nhiều khăn tay lắm. Tôi tròn mắt ngạc nhiên: - Chi vậy anh ? - Thì … để lau nước mắt khi cô khóc chứ còn làm gì nữa. Các cô bé … mệt lắm. Anh chợt nhìn đồng hồ: - Thôi anh ghé thăm Thụy một lát, bây giờ anh phải đi trình diện. Chiều anh ghé nhà chơi nhé ! Tôi hỏi: - Chị Liễu có dặn anh ghé không ? Hỏi câu đó là vì tôi nghĩ đến sự khe khắt của mẹ tôi. Tôi chắc chị Liễu không muốn anh Phong tới đó. Anh như hiểu ý tôi: - Có. Liễu nói chiều nay dì bận đi thu hụi đâu đó, chắc anh ghé qua một tí cũng không sao. Tôi hơi ngượng khi thấy anh Phong cũng quá rõ sự khe khắt của mẹ. Tôi nói vớt: - Anh ghé chơi nghe. Có mẹ Thụy cũng đâu có sao. Chúng tôi chia tay nhau. Tôi trở vào lớp. Tụi bạn nhao lên: - Bà Trung úy oai ghê há tụi bây. Biết tụi nó hiểu lầm, tôi lên tiếng: - Đừng nói bậy tụi mầy. Anh tao đó. Có tiếng cười rộ, rồi tiếng con Nhung riễu cợt: - Anh, đúng rồi. Anh … họ từ đời Adong cơ mà. Thảo nào mà hỏi có bồ không nó cứ cười mím chi hoài. Chắc nếu anh chàng không tới tìm, họa là đến ngày cưới mình mới biết. Sâm phụ họa: - Đã chắc nó mời mình. Mình nghèo, mang mặt lại nó mắc cỡ. Dù gì cũng là ông Trung úy chứ. - Mà Trung úy Biệt Động Quân nữa mới chì, Châu tiếp lời. Coi anh chàng được quá chớ, cao cao, đen đen nè. Thêm hai bông mai trên áo nữa nè … Con nhỏ Thụy coi vậy mà lấn hết bọn mình à ta. Sâm gật lia lịa: - Là cái chắc. Tao còn sợ mai mốt ra đường gặp mình nó hổng thèm nhìn nữa chứ. Tôi gân cổ lên cãi: - Tao đã nói là không phải bồ tao mà. Tụi mày sao ác quá vậy. Nước mắt gần ứa ra, tôi cố gắng dằn lại. Sự nghịch ngợm và đùa dai của đám bạn cùng lớp làm tôi không sao cải chính được. Sâm vuốt tóc tôi như nó là một “bà chị” chính hiệu con nai: - Thôi mà cưng, đùa tí mà. Thấy cưng có người yêu thì tụi này mừng dùm chứ sao. - Nhưng mà có người buồn đấy nhé.
Tôi biết Nhung muốn ám chỉ ai khi nói câu đó. Nó đang nói đến Nhật, anh học sinh lớp đệ nhất vẫn thường nhìn tôi và kiếm cớ trò chuyện với tôi mỗi khi trường tổ chức văn nghệ, vì chúng tôi cùng ở trong ban văn nghệ nhà trường. Tôi rất mến Nhật, anh hiền và học giỏi, anh không hay theo “tán” các cô khác một cách suồng sã. Tôi đã được thấy nhiều anh nam sinh như thế nên tôi mến Nhật, nhưng chỉ “mến” thôi. Biết không nói lại những con bạn “quỷ sứ” tôi đành im lặng. Sự im lặng của tôi như một sự công nhận “luận điệu” của chúng nó nãy giờ. Nghĩa là đúng 100 phần trăm tôi là bồ của anh Phong. Tự dưng, trong sự thán phục của các bạn tôi cũng thấy hay hay. Tôi bỗng dưng thấy mình không còn là “con bé Thụy ngu ngơ” như ý nghĩ của anh Phong và chị Liễu nữa. Tôi là một thiếu nữ, tôi đã đàng hoàng có một người yêu rất “hách” dưới mắt của các bạn. Tôi mỉm cười trong ý nghĩ ngộ nghĩnh đó. Ừ, thì ta có người yêu đấy, cho tụi mày biết tay, khỏi chê ta “cù lần”. Ta không thèm bắt bồ với bạn trai cùng trường đâu. Ta quen “mí” chiến sĩ miền xa cơ. Tôi cười thầm chính mình. Tôi cảm thấy thích thú hơn là bực tức. Thì có sao. Đâu có đứa nào biết mà lo … Tụi nó đã “lỡ” phục mình rồi, cho nó “ngán” luôn càng tốt.
Thấy mặt tồi đã “tươi” lại chứ không còn ủ rũ, cau có nữa, Châu lên tiếng: - Rồi, thấm ý cô nàng cười rồi đó. Đang lan man nhớ đến chàng chứ gì ? Tôi nói ỡm ờ: - Nhớ … thì sao ? Có tiếng vỗ tay, và Sâm nói như reo: - Hết chối nghe. Vậy mà làm bộ hoài. Từ nay tao xin chừa, không dám chê mày “ngây thơ” nữa đâu. Có tiếng chuông reo vào lớp học. Chúng tôi tạm ngưng câu chuyện, đứa nào vào bàn nấy. Tôi lấy tập Việt văn ra ghi bài mà vẫn còn nghe thích thú với ý nghĩ mình đã nghiễm nhiên “oai” hẳn trước mặt các bạn. |
| | | nhanbkvn
Tổng số bài gửi : 1612 Registration date : 16/07/2012
| Tiêu đề: Re: *_Chị Em Khác Mẹ Mon 28 Jan 2013, 16:22 | |
| Chương 06
Từ hôm gặp anh Phong tại lớp, tôi còn gặp anh hai lần nữa, một lần tại nhà tôi, và một lần tôi đi chơi với anh và chị Liễu. Không hiểu sao càng nói chuyện với anh, tôi càng thấy mến. Cái “mến” khác lạ, không giống sự mến thương đối với những người bạn trai khác. Trong tôi đã bắt đầu có một sự phân tách so sánh. Tôi so sánh anh Phong với các bạn trai vẫn theo đuổi tôi, và tôi thấy anh khác hẳn. Anh biệt lập đối với họ như một tòa lâu đài tráng lệ với những dãy nhà tôn tầm thường. Tôi không hiểu sao mình có ý nghĩ đó. Tại sao nhỉ ? Chỉ vài ba lần gặp gỡ, với những mẩu chuyện trong giới hạn anh em, tôi lại có thể để cho tình cảm tôi đi quá xa như thế được?
Tôi vẫn không quên rằng anh Phong là người yêu của chị tôi, và tôi chỉ là đứa con gái ngoại cuộc. Tôi thấy rõ ràng là tâm hồn tôi thay đổi hẳn từ ngày gặp anh Phong. Người con trai có dáng dấp phong trần đó hình như đã ám ảnh tôi. Tôi nhớ từng giọng cười lời nói của anh. Tôi hình dung ngay được nét mặt xương xương cương nghị của người lính chiến đó. Những cảm giác nhung nhớ vẩn vơ. Tôi sợ hãi tự hỏi: phải chăng mình đã yêu ? Yêu ? Trời ơi, có thể lắm chứ ! Lần thứ nhất trong cuộc đời con gái, tôi mới có những cảm giác ray rứt, những ý nghĩ miên man về một người con trai. Nhưng … nhưng … anh ấy chỉ yêu chị Liễu mà thôi ! Mình có là gì đâu ! Tôi có là gì đâu ! Trời ơi ! Tôi đau khổ rồi sao ? Tôi vướng vào tình yêu rồi sao ? Tự dưng, tôi thấy thơ ngây rời bỏ tôi thật mau. Vùng tình yêu đam mê lấn mất nét hồn nhiên của đứa con gái 17. Tôi oằn mình trong những suy tư phức tạp, tôi dùng thật nhiều thời giờ ngồi trên bàn học, bên cuốn sách để suy nghĩ vẩn vơ.
Tôi không còn thân mật với chị Liễu như trước nữa. Dường như có một bức tường vô hình chắn ngang giữa tôi và chị. Sự trìu mến trước kia tôi dành cho chị thật trọn vẹn chân thành bỗng trở nên gượng gạo. Tôi cố che dấu một tâm trạng ở câu tự vấn “mình ghen với chị Liễu”. Tôi lắc đầu xua đuổi ý nghĩ đó, nhưng làm sao quên đi được khi hình ảnh anh Phong vẫn hiện diện một cách sáng chói trong tiềm thức tôi … Không dằn được, một lần tôi cố lấy vẻ vô tư hỏi chị Liễu: - Chị Liễu nè, làm sao để biết rằng mình đã yêu hả chị ? Ánh mắt chị Liễu tròn lên nhìn tôi một giây như kinh ngạc, rồi chị cười: - Thụy hỏi chi vậy ? Tôi giữ vẻ thản nhiên: - Chị quên rằng Thụy đã lớn à ? Thụy cũng cần biết những điều đó chứ. Chị Liễu gật đầu: - Chị quên. Thụy lớn rồi. Giải thích cho Thụy rõ thì cũng không hại gì, nhưng … khó nói quá. Tôi nói luôn: - Có phải khi yêu ai, người ta hay nghĩ đến người đó không chị. - Ờ. Nghĩ hoài đến họ. - Và nhớ nữa ? - Ờ, nhớ nữa. - Và … tôi hơi ngập ngừng … mình nhắm mắt lại là thấy hình ảnh người ta trước mắt, mình trở nên suy tư, hay vui buồn, lo âu bất chợt phải không chị ? Lần nay chị Liễu ngừng tay ủi đồ, nhìn tôi chăm chú: - Đúng rồi. Thụy đã biết rồi à ? Tôi cúi đầu như một kẻ tội phạm: - Em chỉ hỏi cho biết. Chị Liễu chậm chạp lắc đầu: - Thụy dấu chị. Thụy đã gặp được người vừa ý rồi phải không ? Đột nhiên, một cái gì tưng tức chận ngang cổ họng tôi. Tôi muốn gào to lên … “Phải, tôi đã gặp chàng rồi. Anh Phong, người yêu của chị đó … chị biết chưa ? …” Nhưng tôi không nói được gì cả. Cơn tức nghẹn làm thành những tiếng nấc ấm ức tích tụ trong cổ họng. Tôi cố dằn. Có lẽ sự biến chuyển trên gương mặt tôi giúp chị Liễu hiểu được phần nào tâm trạng tôi. Chị dịu dàng: - Em đã gặp những gì ? Thụy, nói cho chị nghe đi, xem chị có giúp em được gì không ? Tiếng nói dịu dàng và cử chỉ âu yếm của chị Liễu giúp tôi quên ý nghĩ “chị là … tình địch của mình”. Trước mắt tôi, chị vẫn là người sẵn sàng nghe tôi nói, sẵn sàng cảm thông và giúp đỡ tôi. Cơn tức tưởi làm trào nước mắt, tôi gục đầu vào tay chị khóc nức nở. Chị Liễu dỗ dành: - Nói đi Thụy, em đang khổ phải không ? Tôi gật đầu ấp úng: - Chị ơi … - Gì Thụy ! Em làm sao ? Tôi nói qua nước mắt: - Em … em … yêu người ta mà người ta không yêu em. - Sao em biết người ta không yêu em ? Họ nói với em như thế à ? Tôi lắc đầu: - Không, họ không nói gì cả, nhưng em biết ! Tôi muốn nói tiếp: - “Em biết vì họ yêu chị, vì họ chỉ coi em như một đứa con nít không hơn không kém” Nhưng tôi dằn kịp. Tôi tiếp: - Khi chị yêu anh Phong chị có khổ không ? Chị Liễu gật đầu: - Cũng có, thỉnh thoảng … hờn giận nhau, thì khổ chứ em … - Nhưng anh ấy yêu chị. Chị chỉ khổ vẩn vơ thôi, còn em … Chị Liễu nhìn tôi hỏi dò: - Em yêu ai ? Người ấy ra sao, ở đâu ? Sao chị không biết ? Tôi bỗng có cảm tưởng như chị Liễu đoán biết tất cả sự thật. Tôi tránh tia mắt của chị, hỏi lại: - Chị hỏi chi vậy ? - Chị biết thì mới giúp em được chứ. Yên tâm vì chị chưa biết gì cả, tôi bịa chuyện nói đại: - Người ấy là … anh của người bạn em. Em gặp người ấy mấy lần … - Và em yêu “người ta” ? Tôi bẽn lẽn cúi đầu. Chị Liễu hỏi tiếp: - Thế người ta có cảm tình với em không ? Tôi lắc đầu: - Em không biết, vì “người ta” không có nói gì với em cả. - Họ chưa nói đấy Thụy ạ, chứ không phải là không nói đâu. Thụy xinh như thế ai mà không thương cho được. Tôi chua chát nghĩ thầm: chị nói thế vì chưa biết người em yêu là ai đấy chứ, nếu biết rồi, chị còn dám nói như thế nữa không ? Chị Liễu tiếp: - Nếu có cơ hội gặp người ấy, Thụy cứ tỏ một vài cử chỉ trìu mến, bộc lộ bằng ánh mắt thử xem sao. - Nhưng họ cứ coi em là một đứa con nít chị ạ ! Chị Liễu cười thành tiếng: - Dĩ nhiên là dưới con mắt “người ấy” Thụy phải là một bé con rồi, lớn làm sao được. Có thế người ta mới yêu chứ. Tôi hỏi đột ngột: - Thế anh Phong, anh ấy có coi chị là con nít không ? Đôi môi chị Liễu cắn vào nhau, chị ngần ngừ một giây rồi gật đầu: - Có, đôi khi anh ấy vẫn chế diễu chị là con nít. - Chị có giận anh ấy không ? - Chị vui chứ, đó chính là những trìu mến nhỏ nhặt thắm thiết trong tình yêu Thụy ạ. Tôi hỏi tới: - Hồi chị mới quen anh Phong, chị … nói gì mà anh ấy yêu chị ? Chị Liễu hơi ửng hồng đôi má: - Chị có nói gì đâu. Anh ấy nói trước, bảo rằng … thương chị. - Nếu bây giờ em viết thư … nói thẳng với họ có được không chị ? Nói thế, vì tôi nghĩ đến những lá thư tôi đã thỉnh thoảng viết cho anh Phong, những lá thư … kèm theo thư chị Liễu với tình anh em đơn thuần. Nếu tôi viết thư nói thẳng với anh Phong nhỉ ? Ừ, biết đâu ?! Nhưng chị Liễu lắc đầu: - Mình là con gái không nên nói trước. Em cứ chinh phục tình cảm của họ xem sao đã.
Nước mắt ráo hoảnh trên mi tôi. Nói ra được những uất ức trong lòng tôi như nhẹ bớt đi, dù chị Liễu là người con gái đã yêu người con trai tôi yêu. Tôi là kẻ đến sau, tình yêu đơn phương nên chấp nhận thiệt thòi. Tôi không trách được chị Liễu, nhưng không thể giữ thế quân bình trong tình cảm đối với chị, dù sao, con tim của tôi cũng đã có những lằn roi nho nhỏ quất vào, chưa rướm máu, những cũng thành vết tích. |
| | | nhanbkvn
Tổng số bài gửi : 1612 Registration date : 16/07/2012
| Tiêu đề: Re: *_Chị Em Khác Mẹ Mon 28 Jan 2013, 16:22 | |
| Chương 07
Tôi ngồi ở canapé, chăm chú đọc một đoạn trong mục giải đáp thắc mắc của tờ tuần báo … toàn là những câu hỏi phức tạp … nhưng không có trường hợp nào như của tôi hết cả. Nhiều khi tôi muốn đánh bạo viết thư để hỏi những vị đã có kinh nghiệm, nhưng ngần ngại rồi thôi. Tôi vẫn cứ thế, sống trong những vùng ảo tưởng yêu thương và lo âu một mình. Tôi đánh mất vùng thơ ngây một cách mau chóng không ngờ. Tôi tập làm dáng. Tôi chải tóc kỹ hơn. Thỉnh thoảng, tôi lén lấy hộp đồ trang điểm của mẹ tôi đem vô phòng riêng, tôi soi gương và thử thoa một tí môi son, đánh một chút má hồng. Vòng chì đen tô cặp mắt lớn thêm. Tôi thấy mình khác lạ … Tôi mỉm cười và nhận thấy chiếc răng khểnh thường tôi vẫn ghét bỗng trở nên có duyên lạ lùng. Tôi bắt đầu tìm đọc những cuốn tiểu thuyết nói về tình yêu, điều mà trước đây tôi rất kiêng kỵ. Tôi theo dõi những nhân vật trong truyện. Tôi đã khóc trước nỗi khổ tâm, éo le của những nhân vật tiểu thuyết. Tôi cười với sự sung sướng của những nhân vật đó … Tôi đặt mình vào những cương vị con gái yêu và được yêu trong tiểu thuyết … và người con trai đối tượng dĩ nhiên phải là Phong. Miên man trong những ý nghĩ đó, mẹ tôi đến bên tôi từ bao giờ không hay. Người nhìn tờ báo tôi đọc dở, nghiêm nghị hỏi: - Con theo dõi mục này à ? Tôi bối rối chối quanh: - Dạ không mẹ … con đọc bài thơ trang bên kia, dở qua trang này và đang suy nghĩ đến mấy câu thơ … - Thế thì được. Mẹ tưởng con coi ba cái mục láo lếu này thì mẹ không bằng lòng, tuổi con chưa phải là tuổi biết những chuyện đó. Tôi “dạ” thật nhỏ và thở phào nhẹ nhõm. Giá mẹ tôi lật trang kia để đọc bài thơ tôi vừa đọc, thì thật tôi không biết trả lời ra sao. Vì … có bài thơ nào đâu, chỉ là một lời nói dối của tôi để dấu mẹ. Mẹ tôi ngồi xuống bên cạnh tôi, tôi xếp cuốn báo vứt dưới gầm bàn, tôi ngã người vào lòng mẹ, nũng nịu: - Mẹ cứ nói là con bé hoài, con lớn rồi mà mẹ. Mẹ tôi cười trìu mến: - Phải, con gái mẹ đã lớn lắm rồi … sắp lấy chồng được rồi. Mặt tôi đỏ bừng vì xấu hổ. Tôi cấu tay mẹ: - Kìa mẹ, trêu con sao ? Con … không thèm chơi với mẹ nữa. Mẹ tôi chợt nói: - Rồi đây, nay mai con Liễu lấy chồng thì con là con gái lớn nhất nhà, phải lo tập tành công việc nội trợ cho quen đấy. Tôi tái mặt ! Thôi rồi, chị Liễu đã nói chuyện anh Phong và chị cho ba mẹ tôi biết rồi, và chắc rằng ba mẹ tôi cũng đã bằng lòng nên mẹ tôi mới nói thế. Mẹ tôi vẫn chẳng mong cho chị Liễu đi khỏi nhà là gì ? Thế là tôi sắp mất anh Phong, mất vĩnh viễn. Chị Liễu đã chiếm hạnh phúc trên sự đau khổ của tôi. Tôi nghẹn ngào hỏi mẹ: - Chị Liễu sắp lấy anh Phong hả mẹ ? Mẹ tôi tròn mắt ngạc nhiên: - Phong nào ? Đến phiên tôi sửng sốt: - Dạ … anh Phong … bồ chị ấy đó mẹ ? Chứ mẹ nói chị ấy lấy ai ? Mẹ tôi như người từ cung trăng rơi xuống: - Mẹ có biết Phong nào đâu … Có người dạm hỏi nó, làm thầy giáo … nhưng tên là Lâm chứ. Tôi suýt rú lên vui mừng, vậy là chị Liễu chưa nói gì với ba mẹ tôi về tình yêu của chị. Việc ba mẹ tôi chấp nhận không phải là tác thành cho chị với anh Phong … trời ơi ! Chị Liễu sắp có chồng, mà người ấy không phải là người tôi yêu … Tôi chưa mất anh Phong … Người mất anh Phong có thể là chị Liễu ! Tính vị kỷ, ghen tương trong lòng người con gái đang yêu làm tôi trở thành ác độc. Tôi suy nghĩ rất nhanh, có thể đây sẽ là một cơ hội để tôi trở thành kẻ thắng trên mặt trận yêu đương. Tôi vụt hỏi mẹ: - Mẹ định gả chị ấy thật hở mẹ ? Mẹ tôi không trả lời câu hỏi của tôi mà hỏi lại: - Phong là ai vậy ? Tại sao con biết ? Được hỏi về người mình yêu, nhất là người hỏi lại là mẹ mình, tôi cảm thấy hồi hộp, sung sướng lạ. Tôi thấy được dịp nói về Phong. “Trước sau gì cũng phải nói”, tôi nghĩ thế và lời nói thoát ra cùng lúc với hình ảnh người con trai đó hiện diện: - Anh ấy dễ thương, đàng hoàng lắm mẹ ạ. Anh ấy là Trung úy Biệt động quân, cao cao, đen mà có duyên nữa … Tôi say sưa “diễn tả” nhân dạng Phong bằng lời nói thoát ra tự đáy tâm hồn mình mà quên rằng ánh mắt mẹ tôi vừa lóe lên tia nhìn kinh ngạc. Khi tôi chợt nhớ, ngừng một cách vội vàng thì giọng mẹ tôi hỏi gằn: - Sao con biết về người yêu của con Liễu kỹ thế ? Nó nói với con à ? Tôi chưa biết trả lời sao, mẹ đã tiếp: - Mẹ thật không ngờ, con Liễu nó đầu độc con. Nó đem chuyện tình tứ để dụ con vào vòng tội lỗi. Con này hiểm thật, thù mẹ nó hại cả con. Tôi hoảng hốt níu tay mẹ: - Không mẹ, chị Liễu đâu có nói … - Không nói làm sao con biết ? Tôi cúi mặt. Mẹ hỏi lại: - Con đã gặp thằng đó phải không ? Ánh mắt mẹ trừng lên nghiêm khắc khiến tôi run lên. Tôi lắp bắp: - Dạ. Mẹ tôi đập tay xuống bàn: - Thụy, con hư lắm. Tại sao con vội vàng đi tìm hiểu những chuyện bẩn thỉu, phức tạp ấy … Con còn nhỏ, còn phải lo học hành … sao con … Cơn uất nghẹn dồn nén trào lên tận cổ, tôi không nén nổi giòng nước mắt trào ra. Mẹ tôi ngạc nhiên: - Thụy, sao con khóc ? Tôi thấy không thể dấu mẹ. Tôi cần sự chở che, cần sự giúp đỡ của mẹ. Tôi nghẹn ngào: - Con … con !!! Mẹ tôi hỏi dồn: - Con làm sao ? Tiếng tôi ngập nước mắt: - Con … yêu anh Phong ! - Trời ơi ! Mẹ tôi buông ra hai tiếng “trời ơi!” rồi nới lỏng tay đang ôm vai tôi ra. Tôi ngước nhìn mẹ với ánh mắt đầy lo sợ: - Mẹ, mẹ tha tội cho con … thật ra con không muốn thế … nhưng … tự nó đến, tâm hồn con tự dưng thay đổi … Tôi ngừng nói lau nước mắt rồi tiếp: - Con khổ sở, nhớ nhung … con buồn … Con … mẹ ơi ! Tôi gục đầu vào vòng tay mẹ tôi vừa dang ra. Nước mắt lăn dài trên má. Mẹ tôi cúi xuống bên tôi, giọng mẹ ngọt ngào: - Tội nghiệp con của mẹ ! Tức tủi được xoa dịu. Tôi ngước mắt nhìn người mẹ thân yêu. Ánh mắt mẹ khoan dung và đầy xót xa. Mẹ tôi khẽ lắc đầu: - Sao con điên thế, yêu ai không yêu, nhè người yêu của người khác mà yêu … Tôi kể hết không dấu mẹ điều gì về tình yêu đơn phương của mình. Tôi thấy mẹ tôi chăm chú nghe, thỉnh thoảng gật gù. Tôi ngước nhìn mẹ bằng tia nhìn cầu khẩn. Tôi hỏi: - Con phải làm sao bây giờ hở mẹ ? Bàn tay mềm ấm của mẹ khẽ vuốt tóc tôi. Mẹ có vẻ suy nghĩ lung lắm. Sau cùng mẹ tôi chậm chạp lắc đầu: - Con nên quên cậu ấy đi là hơn. Mắt tôi mở lớn gần nứt khóe. Tôi thảng thốt kêu lên: - Mẹ ! Mẹ tôi vẫn lắc đầu: - Con đừng cãi lời mẹ. Con chưa thật sự yêu đâu, dù con có trong tuổi này cũng chỉ là thứ tình cảm bồng bột nhất thời. Có thể là con bị tự ái, bị bạn bè thách thức … Mẹ chắc con chưa hiểu rõ lòng mình đâu. Giọng mẹ tôi âu yếm hơn: - Con gái của mẹ xinh đẹp lắm, tương lai con tràn trề. Con sẽ kiếm được người yêu lý tưởng khi con thêm một vài tuổi nữa … Con nên quên chuyện ấy đi, con sẽ thấy sự quên lãng rất dễ dàng. Đôi mắt mẹ tôi có vẻ mơ màng như nhớ lại một kỷ niệm xa vời nào đó: - Hồi ở tuổi con mẹ cũng thế. Mẹ cũng ngỡ mình đã yêu nhưng sự thật đó chỉ là một chút mến thêm với sự ngộ nhận vội vàng của tuổi trẻ mà thôi … Thụy của mẹ, nghe lời mẹ đi con … rồi con sẽ tìm được sự yên tĩnh cho tâm hồn. Tim tôi đau nhói lên trước sự chối từ của mẹ. Tôi mím môi, rồi để thoát ra những lời tàn nhẫn mà chính tôi không ngờ tới: - Con là con của mẹ, mẹ không thể vì tình thương mà giúp con chiến thắng hay sao ? Mẹ nói với ba, gả đại chị Liễu cho người nào đi hỏi chị ấy … trừ anh Phong ra … Tôi chưa nói hết câu, một cái tát đã lướt nhanh trên má làm tôi nổ đom đóm mắt, nước mắt tôi ứa ra cùng với tiếng mẹ tôi khe khắt: - Mẹ cấm con, Thụy, con không được có những ý tưởng tội lỗi như thế. Con mù quáng mất rồi. Mẹ thật không ngờ … Mẹ không thương yêu gì con Liễu, nhưng mẹ không thể để con làm như thế được … Không hạnh phúc gì cái thứ tình yêu do mưu mô cướp giật của người. Con nông nổi quá, thật mẹ không thể ngờ … Tôi ngồi lặng đi trước phản ứng quá mạnh của mẹ tôi. Tôi nhìn mẹ bằng tia nhìn sợ hãi, rồi tôi vụt đứng lên, bỏ chạy nhanh vào phòng mặc mẹ tôi gọi phía sau …
Từ sau cơn giông tố, tôi trở nên lầm lì, ít nói. Tôi nhìn mọi người với ánh mắt xa lạ, thù hằn. Tôi không hiểu sao ai cũng kết tội tôi một cách nghiêm khắc. Mẹ tôi nói lại với ba tôi, và tôi lại lãnh nhận những bài luân lý dài dằng dặc nữa. Ba tôi tỏ ra không muốn chị Liễu lấy anh Phong (cái người mang tai họa đến cho gia đình, lời ba nói), và dĩ nhiên tôi là kẻ phải đứng ngoài lề. Bây giờ, trong tôi, tự ái con gái nổi dậy thật mãnh liệt. Tôi quyết “làm Tần làm Sở” sao cho mình trở thành kẻ chiến thắng mới thôi. Trước kia, tôi chỉ khổ đau ngấm ngầm mà không được một sự hỗ trợ mạnh mẽ nào. Tự ái chợt bùng lên như cơn lửa hạ giữa đám lá khô. Tôi muốn tỏ cho ba mẹ tôi biết rằng tôi đã lớn, tôi có quyền được tự do trong tình cảm. Tôi không muốn bị chèn ép trong phạm vi “trẻ con” nữa. Tôi vùng lên dù trong sự vùng lên dữ dội đó, tôi manh nha thấy rằng chưa hẳn tôi đã thực sự bước vào tình yêu, mà chỉ là sự kích thích của lòng tự đắc tuổi trẻ. |
| | | nhanbkvn
Tổng số bài gửi : 1612 Registration date : 16/07/2012
| Tiêu đề: Re: *_Chị Em Khác Mẹ Mon 28 Jan 2013, 16:23 | |
| Chương 08
Tôi thực hành ý định của mình. Tôi bỏ ăn, lười ngủ. Người tôi bơ phờ gầy sút thấy rõ. Ban đầu, mẹ tôi thấy sự xuống sắc của tôi, nhưng bà lờ đi. Chỉ có chị Liễu là chăm sóc và lo ngại cho tôi. Nhưng sự săn sóc trìu mến của chị đối với tôi không còn đủ nghĩa nữa. Tôi lặng câm, thù hằn cho dù chị cố dịu dàng an ủi. Làn da thường ngày của tôi hồng hào đã trở nên xanh mét. Tôi ốm và cằn cỗi đi. Mẹ tôi đã không còn làm “tỉnh” được nữa. Lòng thương con bao giờ cũng chiến thắng. Và tôi đã quay đi để dấu nụ cười mãn nguyện, khi lần đầu tiên từ khi tôi bệnh, bàn tay ấm mềm của mẹ đặt lên trán tôi âu yếm. Mẹ tôi không hứa gì với tôi cả, nhưng nhìn ánh mắt mẹ, tôi hiểu mẹ đang nghĩ gì. Những ngày gần đây, mẹ tôi tỏ ra dễ dãi với chị Liễu hơn, điều này trước kia hẳn làm tôi sung sướng lắm, nhưng giờ thì không, tôi hoàn toàn không muốn thế, tuy nhiên tôi nghĩ rằng: có thể mẹ tôi đang “đền bù” cho chị Liễu những thiệt thòi mà chị sắp phải chịu. Chị Liễu có vẻ sung sướng và cảm động nhiều về sự thay đổi lối cư xử của mẹ tôi. Tôi trở lại trường học theo lời mẹ. Các bạn xúm quanh tôi hỏi han tíu tít. Tôi cười, tôi chợt thấy hồn nhiên trở lại, thơ ngây chưa hoàn toàn đi vắng trong tôi. Sâm nói nhỏ với tôi rằng: mấy hôm tôi nghỉ học, anh Nhật vẫn xuống hỏi thăm luôn. Tụi nó trêu anh (con Thụy có fiancé rồi), anh cười buồn mà không nói gì cả. Tôi chợt nghe nao nao. Lần đầu tiên tôi nghĩ đến người con trai dễ mến đó với một cơn sóng xao động nhỏ. Nhưng tôi không muốn phân tách gì thêm … có lẽ tôi sợ mình sẽ lại lầm lẫn … Tan trường, Nhật đón tôi ngoài cổng. Tôi chào anh. Nhật hỏi: - Mấy hôm nay Thụy bịnh phải không ? Anh có hỏi thăm mấy chị dưới lớp. - Sao anh không đến thăm Thụy ? Lỡ Thụy bịnh đến chết rồi anh cũng không biết. Lời trách đầy vẻ nũng nịu hờn dỗi của tôi làm mắt Nhật sáng lên. Anh nói nhỏ: - Anh muốn đến thăm chứ, nhưng sợ Thụy không bằng lòng. Tự dưng tôi tỏ ra dễ dàng nghe Nhật bộc lộ tình cảm. Tôi tự hỏi sao lâu nay tôi không nhận ra vẻ dễ thương của người con trai đó ? Có lẽ tại sự gặp gỡ thường xuyên trong một môi trường quá trong sáng làm tôi nhạt nhòa đi những cảm nghĩ bâng khuâng. Xa Nhật mấy ngày, gặp lại tôi thấy vui vui, tiếng Nhật trầm ấm bên tai tôi: - Thụy đã khỏe hẳn chưa ? Tôi không trả lời mà hỏi lại: - Tụi bạn Thụy có nói gì về Thụy với anh không ? Như đoán biết câu hỏi của tôi từ trước, Nhật đáp ngay: - Anh nghe các chị ấy bảo là … Thụy có fiancé rồi, thế thôi. Tôi tinh nghịch: - Chỉ có thế thôi sao ? Không có gì quan trọng à ? Nhật dừng lại. Ánh mắt anh nhìn tôi chờ đợi: - Thụy nói thế có nghĩa là … Tôi nghe thương hại Nhật. Tôi đã hiểu thế nào là đau khổ trong tình yêu, tôi cười dòn như pha lê vỡ: - Nghĩa là … không có gì hết. Có vậy mà anh cũng không biết. Tôi nghe tiếng Nhật thở ra nhẹ nhõm. Tôi chợt thấy mình trở nên một nhân vật quan trọng, có quyền quyết định sự buồn vui cho người con trai này, không như với Phong, tôi phải khổ công tranh đấu mà anh không thèm biết đến.
***
Khi mẹ tôi chính thức nói cho chị Liễu biết, ba mẹ quyết định gả chị cho thầy giáo Tân, tôi biết mình là kẻ chiến thắng. Nhưng không hiểu sao tôi không còn cảm thấy ham thích sự chiến thắng đó nữa. Có lẽ sự mòn mỏi tranh đấu và những suy tư đã làm tôi chán nản. Tôi cũng không buồn đặt câu hỏi xem tôi có còn yêu anh Phong không ? Nhưng tôi xót xa khi nhìn chị Liễu mặt tái xanh như tàu lá, lảo đảo đi xuống. Lẽ ra tôi phải vui mừng trước sự gục ngã của kẻ mà tôi coi như “tình địch”. Nhưng không. Tôi cũng không thể hiểu sự mâu thuẫn phúc tạp có trong tâm hồn mình nữa. Những ngày kế tiếp, chị Liễu như một cái xác không hồn, dù mẹ tôi có đối xử trìu mến với chị. Chị không tiếng nói, quần quật làm việc suốt ngày. Nét tươi trẻ thường ngày mất hẳn ở chị. Một buổi chiều, tôi xuống phòng chị Liễu, chị nằm vùi cả ngày vì sốt. Cơn sốt thật sự chứ không phải là một sự “đóng kịch” như tôi. Tôi hiểu rằng sự đau khổ và lo lắng thái quá đã biến chị tôi thành bệnh hoạn. Tôi ngồi xuống cạnh giường, đặt tay lên trán chị. Chị Liễu quay lại nhìn tôi: - Thụy ! Đã ít lâu nay tôi trở nên gắt gỏng với chị hơn cả mẹ; bây giờ, có lẽ cử chỉ của tôi làm chị ngạc nhiên. Tôi hỏi nhỏ: - Chị bệnh sao vậy ? Chị đã uống thuốc chưa ? - Có. Dì cho chị uống thuốc rồi. Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn nóng hổi của chị: - Chị buồn lắm phải không ? Mẹ làm khổ chị phải không ? Chị Liễu lắc đầu: - Không phải tại dì đâu. Dì vô tình, chỉ muốn lo cho cuộc đời của chị. Chị khổ là tại số chị như thế. Em đừng nói thế mà chị mang tội với dì. Tôi lắc đầu nhè nhẹ. Tôi hiểu hơn ai hết là mẹ tôi không vô tình đâu, hoặc nếu có thì cũng chỉ vô tình lúc đầu thôi. Quyết định của mẹ là vì thương con, chiều con. Tôi thấy mọi tội lỗi đều do tôi gây ra. Nếu tôi đừng vướng vào thứ tình cảm nông nổi thì chị Liễu đâu ra nông nỗi này ! Niềm hối hận tràn ngập trong lòng tôi, tôi thấy không thể dấu chị Liễu, không cần dấu chị nữa. Tôi gục đầu xuống ngực chị nghẹn ngào: - Chị Liễu tha tội cho em …tất cả đều tại em hết. Mặt chị Liễu tròn lên kinh ngạc: - Em nói gì hở Thụy ? Chị không hiểu gì cả. Phải, chị Liễu ơi ! Chị hiểu làm sao được. Làm sao chị biết rằng trong tâm hồn của đứa em gái bé bỏng của chị đã nổi loạn, đã mang những ẩn ức về tình yêu. Chị làm sao hiểu được em đã có lần trở nên tàn nhẫn đối với chị. Muốn cướp người yêu của chị … Phải, chị làm sao hiểu được chị Liễu ơi ! Chị thương em, tâm hồn chị bình thản, khoan dung, chị đâu thể nào nghi ngờ con bé Thụy của chị hôm nay đã không còn là con bé Thụy ngày xưa … Miên man trong ý nghĩ ăn năn, tôi không biết chị Liễu đã lập lại câu hỏi bao nhiêu lần. Tôi tức tưởi: - Tại em … má mới nhất định gả chị cho ông Tân. Em … yêu anh Phong … Em năn nỉ má … - Trời ơi ! Thật vậy sao Thụy ? Chị Liễu buông ra tiếng kêu đầy ngạc nhiên lẫn tuyệt vọng. Hai tay chị xuôi xuống, toàn thân bất động như người kiệt sức. Tôi hốt hoảng: - Chị Liễu làm sao thế ? Chị mệt nhọc lắc đầu: - Không … chị không sao cả … Thôi em ra ngoài chơi đi. Tôi biết chị Liễu muốn đuổi tôi. Có lẽ chị không ghét tôi, nhưng sự thất quá phũ phàng vừa do chính tôi nói ra khiến chị tê dại, mất cảm giác. Tôi ngồi nán lại, tha thiết: - Em biết lỗi rồi … chỉ là thứ tự ái mù quáng của tuổi trẻ … Em sẽ nói lại với mẹ cho chị. Chị Liễu nói nhỏ: - Thụy không có lỗi gì cả ? Em cứ im lặng, mọi việc sẽ diễn tiến êm đẹp … đừng lo gì cả, để đó cho chị. Nhưng tôi không ngờ quyết định của chị Liễu là sự ra đi. Chị đi để lại cho ba má tôi một lá thư dài, nói rằng chị không thể nào lấy ông Tân được, nhưng chị cũng không muốn làm khổ tôi, đứa em gái mà chị thương mến nhất. Có nghĩa là … chị … nhường lại cho tôi cái hạnh phúc của chị. Chị Liễu nói nhiều lắm. Chị xin lỗi ba mẹ là đã bất hiếu ra đi. Chị nói khi nào đám cưới chúng tôi chị sẽ về. Ba tôi buông lá thư của chị Liễu, yên lặng thở dài. Mẹ tôi dàn dụa nước mắt nói với tôi: - Con đã thấy hậu quả sự rồ dại của con chưa ? Tôi chỉ biết khóc. Ít lâu nay tôi đã khóc nhiều hơn cười. Tôi nhìn ba mẹ với tia mắt van xin sự tha thứ. Mẹ tôi hỏi: - Con có biết địa chỉ của cậu Phong không ? Tôi run giọng: - Dạ biết. - Vậy thì con đi đánh gấp cho cậu ấy cái điện tín rằng chị Liễu đau nặng, về gấp. Tôi ngạc nhiên, nhưng biết là không phải lúc để hỏi lại. Tôi làm theo lời mẹ mà hoang mang không biết mẹ muốn gì.
Hai ngày sau khi tôi đánh điện tín, anh Phong về tới. Tôi nhìn anh với nhiều ngỡ ngàng hơn là vui mừng. Tình cảm trong tôi thật lạ. Mới đây mấy ngày nghe nhớ nhung ray rứt, mà bây giờ dửng dưng như không. Tôi không hiểu nổi mình và cũng không buồn tìm hiểu nữa. Gương mặt anh Phong đầy vẻ lo lắng. Anh hỏi tôi: - Liễu bịnh sao đó Thụy ? Tôi chưa biết trả lời sao thì mẹ tôi từ trong phòng bước ra. Anh Phong bối rối cúi chào. Mẹ tôi chào lại rồi bảo tôi: - Con ra nhà sau, để mẹ nói chuyện với cậu Phong. Tôi “dạ” nhỏ rồi lui ra. Tôi muốn nghe câu chuyện giữa mẹ tôi và anh Phong, nhưng không dám. Mẹ tôi nói chuyện lâu lắm. Khi mẹ tôi xuống nhà sau, tôi thấy nét mặt có vẻ thoải mái nhiều. Mẹ tôi gọi tôi vào phòng. Tôi hồi hộp đi theo. Khi hai mẹ con cùng ngồi xuống giường, mẹ tôi nói bằng giọng hết sức dịu dàng: - Những chuyện vừa qua là một bài học vô cùng quý giá cho con. Con nên hiểu rằng khi tình cảm đặt không đúng chỗ thường đưa đến đau khổ. Ở lứa tuổi con, chỉ nên có tình bạn mà không nên có tình yêu vội, nếu muốn tránh đổ vỡ hay tai hại do sự mù quáng gây ra. Mẹ tôi ngừng một lát như để dò phản ứng của tôi. Tôi vẫn im lặng, mẹ tiếp: - Mẹ nhận thấy là đối đãi bất công với con Liễu, cũng do một sự ích kỷ đàn bà mà ra. Khi mẹ vừa cảm thấy sự bất công của mình và muốn đền bù cho nó, thì lại đến phiên con làm khổ nó. Tôi cảm thấy sung sướng trước tình thương mẹ tôi dành cho chị Liễu. Nhưng chị đã đi rồi, tìm chị ở đâu bây giờ? Tôi lo ngại hỏi mẹ: - Mình làm sao tìm chị ấy được hở mẹ ? Mẹ tôi gật đầu: - Mẹ lo rồi. Nội trong ngày mai chị con sẽ trở về. Tôi rộn ràng với sự thoải mái lâng lâng trong tâm hồn. Đã khá lâu rồi, tôi mới tìm thấy lại sự thoải mái đó, niềm vô tư, yêu đời mà suýt nữa tôi đã đánh đổi bằng một giá quá đắt. Buổi chiều tôi đến trường với vẻ giản dị ngày xưa. Mới trải qua một thời gian ngắn đổi thay mà tôi cảm tưởng mình già hẳn đi, như vừa trải qua một cơn bịnh nặng. Tôi nhìn tụi bạn và cảm thấy sung sướng như chưa bao giờ tôi sung sướng đến thế. Khi tôi ra khỏi lớp, tôi lại bắt gặp tia nhìn trìu mến của Nhật. Tôi đáp lại ánh mắt anh không lảng tránh. Tôi đến gần anh, nói nhỏ: - Mai mốt Thụy mời anh đi dự đám cưới nghe ? Mặt người con trai thoáng tái đi: - Đám cưới ai thế Thụy ? Biết Nhật hiểu lầm, tôi vội nói: - Đám cưới chị Liễu của Thụy. Anh đến dự nghe. Anh Nhật cười thật dễ thương: - Anh sẽ đến nếu Thụy cho phép.
***
Ngày hôm sau chị Liễu trở về đúng như lời mẹ tôi nói, nhưng chị không về một mình mà với anh Phong. Nhìn hai người sóng đôi thật xứng, tôi chợt hiểu sứ mạng mà mẹ tôi đã giao cho anh Phong hôm nọ. Tôi chạy lên phòng khách đón chị Liễu. Chị ôm tôi vào tay, cúi xuống nói nhỏ: - Thụy hư lắm nghe. Để rồi chị đánh đòn em đó. Tôi hỏi chị thật khẽ như sợ có người nghe thấy: - Chị đừng nói cho anh Phong biết gì hết nghe … em … không dám nhìn ảnh nữa à.
Chị Liễu gật đầu. Mắt chị sáng ngời niềm hạnh phúc. Tôi thấy chị đẹp hẳn ra, má chị hồng, môi chị mọng. Tôi nghĩ thầm “Tình yêu đặt đúng chỗ thường mang đến hạnh phúc”.
Mẹ tôi đứng bên cửa tự bao giờ. Chị Liễu ngước nhìn mẹ bằng tia nhìn cảm kích. Giọng chị như lạc đi: - Con cám ơn mẹ đã nghĩ đến hạnh phúc của chúng con. Tiếng “mẹ” chị Liễu vừa dùng để gọi mẹ tôi nghe tha thiết quá. Mẹ tôi tiến đến bên chị, trìu mến: - Thôi con vào thay đồ đi cho khỏe. Ba cũng sắp về rồi đấy. Và mẹ tôi quay sang nói với anh Phong: - Cám ơn Phong nhé. Con đã đưa em về dùm bác. Bác trai gặp con sẽ vui lắm. Tôi nũng nịu nói với mẹ: - Con đi theo chị Liễu nghe mẹ. Xa chị ấy có mấy ngày mà nhớ ghê đi. Mẹ tôi âu yếm: - Còn cô nữa. Đây rồi mai mốt lo cho chị cô xong tôi cũng kiếm đám nào tử tế … tống phứt cô đi cho rồi. Nuôi con gái lớn trong nhà không khác gì chứa bom nguyên tử.
Má tôi ửng hồng … tôi vừa chợt nhớ đến Nhật …
Thụy - Ý
-- Hết --
|
| | | Sponsored content
| Tiêu đề: Re: *_Chị Em Khác Mẹ | |
| |
| | | |
Trang 1 trong tổng số 1 trang | |
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |