Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 21:37

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:17

KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45

KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22

NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20

KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08

Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54

Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10

7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10

Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07

Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36

Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09

Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46

Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06

Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04

DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19

Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37

Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34

TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17

CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05

Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41

Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 *_Cô Gái Chúc Sơn

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2
Tác giảThông điệp
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Cô Gái Chúc Sơn - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Cô Gái Chúc Sơn   *_Cô Gái Chúc Sơn - Page 2 I_icon13Mon 28 Jan 2013, 15:52

Chương 11
NHƯ LẤY ĐỒ TRONG TÚI


Với hai ống điếu dài truyền thống, hai tên đầu sỏ giặc Minh họp bàn riêng lần chót trước khi nhất định đánh một đòn quyết liệt.
Trên mặt bàn phủ gấm Tứ Xuyên, đã bầy sẵn một bình rượu quý bên cạnh một khay chén ngọc. Mỗi kẻ ngồi một bên đối ẩm.
Vương Thông tự tay rót rượu ra cùng bạn khề khà:
- Trông gương mặt quan Tham tán hôm nay có hỉ sắc, tôi đoán chắc mới có tin lành.
Trần Hiệp cười hể hả:
- Quả có thế. Tôi đã thu thập được đầy đủ các tin tức. Nói cho rõ, tôi đã kiểm soát lại tất cả các tin mật báo xem có thật đúng không.
- Có điểm nào đáng nghi ngờ không, quan Tham tán?
- Không, tuyệt nhiên không. Điều lợi hại thứ nhất là Nguyễn Trãi không có mặt ở trong quân. Ta bớt hẳn được một mối lo then chốt. Điều quan trọng thứ hai là Lê Lợi đang thao luyện quân sĩ ráo riết trong khu Tụy Động. Họ còn xem lịch, chờ ngày tốt mới tiến đánh quân ta. Biết trước, ta làm một mẻ lớn, phá tan sào huyệt, diệt trọn ổ, không sót một mống, thật bõ công. Còn điều thứ ba là hai đạo quân của Đinh Lễ và Nguyễn Xí đã lục tục chui vào rọ cùng với đạo quân của Lý Triện, Đỗ Bí rồi…
Y vỗ tay, cười sằng sặc, tiếp:
- Gọn cho ta biết chừng nào! Cá trong đó càng nhiều, ta khoắng tay bắt càng dễ!
Khác hơn bữa họp trước, lần này đến lượt Vương Thông ngần ngại:
- Quan Tham tán à! Họ để lộ quá nhiều sơ hở, tôi thấy như có một cái gì không được ổn. Hay là họ cố ý như vậy để lừa ta?
- Không phải thế đâu. Xin chủ tướng chớ quá lo xa. Để tôi phân tách kỹ càng cho chủ tướng yên tâm.
“Không phải là họ sơ hở đâu vì thực ra họ chẳng phải là một lũ vô mưu, đánh với ta ngót mười năm, Lê Lợi và các tướng tá của y đều có kinh nghiệm chiến trường và biết đóng quân theo đúng binh pháp.
“Hiện giờ, họ dồn binh ở khu Tụy Động là ỷ vào hai con sông che chở cho ba mặt Đông, Tây và Nam. Chỉ phải lo giữ có một mặt Bắc mà thôi.
- Phải. Đóng quân như vậy có thể gọi là đắc sách.
- Vâng. Họ đắc sách nếu quân số hai bên đối địch sấp sỉ ngang nhau hoặc không quá chênh lệch. Họ quên mất một điều tối quan trọng là quân ta đông hơn quân họ gấp mấy chục lần. Thành thử ba mặt sông không còn là chỗ cho chúng tựa nữa mà biến thành những cản trở khó vượt qua khi chúng bắt buộc phải tháo lui. Đất dụng võ của chúng bỗng hoá ra đất chết. Đắc sách hoá ra thất sách!
Sau khi tần ngần hồi lâu, họ Vương đặt chén nước xuống bàn, áy náy hỏi người đối ẩm:
- Họ kém quân thì họ có thể mượn lửa giúp sức. Ngộ họ lừa mình vào sâu trong hiểm địa rồi đánh hoả công như ngày xưa Gia Cát Khổng Minh đốt đồi Bác Vọng thì sao?
- Tôi đã nghĩ đến điều đó và thấy chả có gì đáng bận tâm. Bây giờ là tháng mười. Gió bấc thổi ù ù, quân ta từ mặt bắc đổ xuống, họ có điên cách mấy cũng không dám nổi lửa để thấy chính họ bị hoả thiêu trước. Ba mặt sông đã chẹn họ lại và không chừa ra lối nào cho họ chạy thoát kia mà.
- Không mượn được sức lửa, họ mượn sức nước thì quan Tham tán tính sao?
Chậm rãi nâng ly uống vài hớp rượu lấy hứng, họ Trần vuốt bộ râu dê, đắc chí hỏi ngược lại:
- Họ có thể nghĩ đến điểm lợi hại đó. Nhưng thử hỏi họ sẽ mượn sức nước bằng cách nào? Lấp sông Đáy, sông Bùi cho nước tràn vào các ruộng chiêm thì được đấy. Song ai lấp và lấp vào lúc nào? Lấp trước khi ta xông vào thì chính họ chết trước. Lấp sau thì không tài nào kịp!
Họ có độ ba bốn nghìn quân. Ta kéo đi bẩy tám vạn. Trong nháy mắt, ta khoắng tay một cái là tóm được toàn bộ không sót một tên thì lấy ai mà ngăn sông nữa?
“Nói cho cùng, điều ấy thật quả không đáng lo.
“Vả lại, sống với đồng chiêm, nhà nào cũng có đôi ba chiếc thuyền thúng. Khi cần, ta mạnh hơn, ta đoạt lấy, ta dùng. Chung quy, dù chúng có làm liều tháo nước vào, ta cũng diệt chúng xong trước khi nước tràn tới…
“Trận này, ta chỉ đánh một loáng là xong à!
Đã bị hoàn toàn thuyết phục, viên tướng họ Vương vui vẻ nói theo đà viên Tham tán:
- Ta đã gạt được sức nước, sức lửa thì sức người của chúng hết đáng lo. Dù có phục binh mấy mặt, chúng cũng bị quân ta đè bẹp.
- Vâng. Đè bẹp đến nỗi trong cái túi nhỏ xíu ấy, quân ta quơ tay chỗ nào cũng vớ được một món đồ. Nhưng rồi khối đứa sẽ chưng hửng vì đồ trong túi quá ít trong khi tay khoắng quá nhiều!
Trước khi kéo một hơi thuốc bào cho sảng khoái, Trần Hiệp gõ mấy đầu ngón tay xuống tấm bản đồ trải rộng trên bàn và bình luận:
- Đánh trận này, thú nhất ở chỗ cả hai bên đều cho là mình đắc sách và lừa được đối phương. Chỉ đến lúc bị trói gô lại thành từng xâu dài, chúng mới tỉnh ngộ thì đã muộn. Cũng như người đánh cờ mải tấn công, mãi đến khi bị chiếu bí mới biết mình đi hớ nước.
- Thôi, được rồi! Ta nhất định đánh một trận to, bắt cho trọn ổ. Nhưng quan Tham tán đã tính điều động…
- Đã, đã. Tôi đã tính toán đâu vào đấy cả rồi.
“Bọn Lý Triện, Đỗ Bí bỏ Ninh Kiều về Tụy Động là phạm phải một lỗi lầm to tát. Tôi đã cho Mã Kỳ đem quân đến đóng ở Ninh Kiều, rồi từ Ninh Kiều y cất quân đi lẻn bằng đường thủy đến con đường cái dẫn đến bến đò sông Tích Giang.
“Bây giờ chắc y đã cho quân bí mật sang sông ẩn nấp vào một chỗ kín đáo và sẵn sàng để đánh tập hậu vào quân của Lý Triện đang trấn đóng ở cửa ngõ khu Tụy Động.
- Ta còn chờ gì mới phát pháo tấn công?
- Thưa, tôi và tướng Phương Chính đã sẵn sàng, chỉ còn đợi một tin tức sau cùng của tướng Mã Kỳ là cất quân liền. Chúng tôi sẽ độ quân qua sông Đáy ở Mai Lĩnh. Thế là hai cánh quân của ta ép chặt hai đầu con đường cái quan nằm giữa hai khu Chúc Sơn và Tụy Động.
“Lúc nào có ám hiệu, hai cánh cùng đổ quân ra dồn bọn chúng xuống đám ruộng chiêm như người ta lùa cá vào trong một cái giỏ…
“Tha hồ mà chém giết. Tha hồ mà bắt sống dễ như lấy đồ trong túi!
Cả hai tên cùng cười híp mắt, tưởng như đã nắm chắc số phận họ Lê và các tướng tùy tùng ở trong tay.
Họ Vương cao hứng:
- Ông chịu khó đi đánh trận này thật bõ công vận trù quyết sách[42]. Tôi ngồi một chỗ cũng thấy ngứa ngáy chân tay. Hay là tôi cũng dẫn một cánh quân đóng ở bên này sông trợ chiến?
- Thế thì còn gì hay bằng! Sĩ tốt nghe tiếng trống thúc quân của chủ soái ắt nức lòng xả thân giết giặc.
- Có vậy khi ban sư hồi triều, chúng ta mới xứng đáng nhận lãnh những lời phủ dụ của bề trên.
Cả hai cùng vui cười hể hả và cùng nâng ly rượu đầy ắp uống mừng ngày thành công đã ló dạng sáng ngời như ánh nắng chúng thấy tưng bừng qua kẽ hở giữa hai cánh màn gấm gió thổi lung lay ngoài trướng.

Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Cô Gái Chúc Sơn - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Cô Gái Chúc Sơn   *_Cô Gái Chúc Sơn - Page 2 I_icon13Mon 28 Jan 2013, 15:53

Chương 12
BỨC MẬT THƯ


Nắng chiều chưa tắt hết, hai chàng trẻ tuổi bước vào một ngôi quán nhỏ ẩn hiện sau một khóm trúc như sau một tấm bình phong khổng lồ bằng ngọc thạch.
Người nọ giới thiệu với người kia:
- Đây là quán Trúc, anh bạn thấy thế nào?
- Đẹp và u nhã lắm. Không phải tay “thổ công” như bạn làm sao biết được chỗ này!
Họ ngồi xuống ghế. Chàng “thổ công” hỏi cô gái nhỏ bưng trà ra mời khách:
- Các cô chủ đâu, sao không thấy cô nào ở đây nhỉ?
- Thưa, hai cô cháu ra ngay bây giờ đấy ạ. Dạ, hôm nay các cô có món cháo ám[43] ngon đặc biệt.
Khách lạ nâng chén trà thơm lên nhấp và bỗng nhiên cảm thấy mình như chàng Lưu, chàng Nguyễn[44] vừa lạc vào cõi Thiên Thai. Hai dáng tiên nga vừa xuất hiện và tha thướt lại gần, không ai khác hơn là Mai và Lãm.
Gã ngây người ngắm nụ cười nở lặng lẽ trên cặp môi hồng. Rồi tia nhìn ngây dại chết giấc trên mảng yếm trắng tinh nổi bật giữa hai tà áo nâu non và múi thắt lưng màu hoa lý.
- Hai cô ngồi xuống tây chơi. Tên hai cô là gì nhỉ?
Nàng nhỏ tuổi lẹ miệng trả lời:
- Thưa, em tên Đẹp.
- Ồ, tẹp, tẹp lắm! Người tẹp, tên cũng tẹp!
Y quay sang cô kia, sắc sảo hơn:
- Còn em?
- Em tên Băng Tâm.
- Păng Tâm! Cô em tẹp như một nàng tiên vậy tó!
Hai nàng tiên mỉm cười. Họ đã nhận ra cái giọng lơ lớ đặc biệt của những người tuy nói tiếng ta thật sõi nhưng vẫn chẳng sớm thì muộn để thò ra cái đuôi “khách trú”.
Họ kín đáo liếc nhìn chàng thanh niên ngồi cạnh. Anh này ngồi lui ra đằng sau một chút và trong thoáng giây cả hai nàng cùng bắt gặp chàng ta nheo con mắt bên tay trái.
Đúng rồi! Cá đã vào nơm.
Chàng trẻ tuổi hỏi nhanh, tay vỗ vai bạn đồng hành:
- Thế nào, hai cô có rượu ngon, nhắm tốt cho quý khách đây thưởng thức không?
- Thưa, có ngay bây giờ đấy ạ.
Hai nàng vừa lăng xăng rót trà vừa khoe, thỉnh thoảng lại mỉm cười liếc nhìn hai ông khách:
- Hàng chúng em tuy quê mùa nhưng lúc nào cũng có một bao chè ướp sen và vài bình rượu cúc thượng hảo hạng. Còn thức nhắm thì sẵn có đàn gà mái tơ. Hôm nay lại có mẻ cá đầm nhà vừa đánh xong, tươi roi rói.
- Thế thì quý hoá quá!
Chàng trẻ tuổi khen xong, bạn y nhe hàm răng trắng nhởn tiếp lời:
- Gà mái tơ hả? Ngộ… à quên, tôi thích gà mái tơ lắm.
Y cười híp mắt, sướng mê tơi với những câu thăm hỏi xã giao của hai cô gái:
- Ông chủ chắc đi buôn to lắm, phải không ạ?
- Phải zồi! Ti Puôn to lắm! Puôn chuyến này xong, tôi sẽ giầu to. Zồi tôi sẽ làm quan to nữa à!
- Ồ, thế thì hân hạnh cho chúng em quá. Biết đâu chúng em chẳng có phận nhờ… Chẳng dám nào, chúng em mong được biết quý tính cao danh, phòng sau này có khi nhờ vả.
- Tược, tược. Tên tôi là Tĩnh. Còn ông bạn này là…
Bạn y vội đỡ lời:
- Sơn. Các cô cứ gọi tôi là Sơn.
Đúng là Sơn Nữ. Đúng là chàng. Cắc cớ, Mai nhìn người yêu, mỉm cười hỏi:
- Còn ông chủ đây, cũng đi buôn để rồi làm quan nữa, phải không ạ?
- Không có đâu, cô Băng Tâm à. Tôi chỉ đi giúp người ta bắt cá thôi. Lùa cá vào nơm cho thật nhiều, rồi bắt đem về cho hai cô hàng quán Trúc làm món nhắm đãi khách. Vậy có được không cô?
Mọi người cùng cười, mỗi người hiểu câu nói ỡm ờ theo một ý.
Tiệc đã bầy xong, một mâm thịnh soạn.
Hai ngọn đèn khơi cao chiếu xuống chiếc mâm đồng bóng nhoáng đựng những đĩa thức ăn đầy toả vị thơm ngon.
Băng Tâm tự tay so hai đôi đũa son và đặt hai chiếc bát sứ Giang Tây bịt bạc trước mặt hai người khách. Và chính tay nàng nghiêng bình rượu cúc rót đầy hai cái chén sứ men trắng như ngọc, khuyên mời:
- Rước hai ông xơi rượu.
Hương rượu thơm phức. Tĩnh nâng chén lên định uống, nhưng Sơn kín đáo giữ tay y lại.
- Mời hai cô cùng uống với chúng tôi một chén cho vui.
Tĩnh liếc nhìn bạn, thầm phục anh chàng này thế mà cẩn thận.
- Phải zồi. Có hai cô cùng tối ẩm, tiệc rượu này mới thật là một cuộc họp mặt thần tiên chứ.
Hai nàng chỉ nhấp một chút cho ướt cặp môi hồng để hai gã phóng tâm cạn chén.
- Khà! Rượu ngon thật!
Đêm đã về khuya, tiệc cũng gần tàn. Hai cô con gái đã gắng gượng uống hết một ly trong khi hai gã sắp cạn hết bình.
Sơn nheo mắt ra hiệu cho hai nàng, rồi trân trọng rót cho mỗi người trong tiệc một tuần rượu chót. Chàng giục bạn:
- Thôi, uống nốt đây thôi, sắp say rồi. Còn ăn cơm chứ!
Hai người cùng nâng ly, cùng nốc cạn và cùng buông một tiếng khà sảng khoái.
- Ơ kìa! Đã say rồi sao?
Cả hai cùng ngạc nhiên thấy hai cô quán mặt đỏ bừng, gục xuống bàn, say khướt.
Tĩnh mắt bỗng hoa lên thấy Sơn nằm vật xuống giường, bất tỉnh. Y cố trấn tĩnh, nhủ thầm, tự đắc:
- Thì ra mình vẫn là một tay giỏi rượu nhất!... Ơ kìa! Mình cũng say chăng? Không gượng được nữa rồi!...
Y lảo đảo, toàn thân mềm nhũn, ngã sóng soài xuống đất.
Như cái máy, Sơn nhỏm dậy cùng một lúc với hai cô gái. Chàng đích thân lục khắp người tên Tĩnh.
- Đây rồi!
Chàng khẽ reo lên, đưa bức mật thư cho Mai mang vào nhà trong trình cụ Cử.

* * *

Cụ Cử ung dung ngồi thưởng trà khuya với tướng quân Lý Triện.
Cụ đã sao xong bức mật thư. Những chữ viết đài[45] ra ngoài hàng cụ cũng bắt chước y hệt. Nhưng cả hai người cùng tần ngần chưa muốn giao bản chính lại cho Sơn. Là vì có một điểm mà cả hai người cùng không hiểu.
Lý Triện cau mày, lẩm nhẩm đọc đi đọc lại:

“… Mặt này, chúng tôi đã sang đò và đang phục ở một nơi kín đáo. Mặt kia, xin kéo rốc sang ngay. Lúc nào có súng hiệu “ĐỊA LÔI PHỤC” thì hai mặt đổ ra cùng đánh.”

Ông tướng hỏi nhà nho:
- Mấy chữ “Địa lôi phục” viết đài ra đây có dụng ý gì, thưa cụ?
- Tôi chưa nghĩ ra. Chẳng nhẽ chúng nó chôn địa lôi trên đường cái!
- Địa lôi phục! Vô lý nhỉ?
Cô lái bến đò Mai Lĩnh bỗng lên tiếng hỏi:
- Thưa, cháu chưa được nghe tiếng súng khi hai bên giáp trận bao giờ. Lý tướng quân có thể cho cháu biết quân Tầu thường bắn súng ra làm sao không ạ?
- Được. Chúng cũng như ta hay dùng súng hỏa mai thay cho pháo hiệu. Chúng bắn khi thì hai phát ngắn liền nhau, lúc thì một phát nổ rền rời rạc.
- Thế thì cháu hiểu rồi!
Nàng quay sang phía cụ Cử, chưa kịp trình thầy thì ngay lúc ấy cụ Cử nghĩ ra nhờ cô học trò gợi ý. Cụ khen:
- Con bé này thế mà sáng dạ đấy! Mới học sơ qua mấy quẻ đã luận được ra ngay!
Rồi cụ vuốt râu, rung đùi, giải thích:
- Lý tướng quân à! Chúng làm hiệu ngầm với nhau bằng quẻ Dịch!
- Thế à? Xin cụ nói rõ cho nghe.
- Vâng. Chắc tướng quân đã rõ trong bát quái, có 8 quẻ, mỗi quẻ được vẽ bằng 3 nét hoặc liền hoặc đứt.
“Trong 8 quẻ ấy, có quẻ KHÔN chỉ ĐẤT (Khôn vi Địa) và quẻ CHẤN chỉ SẤM SÉT (Chấn vi Lôi).
“Quẻ KHÔN được biểu tượng bằng 3 nét đứt.
“Quẻ CHẤN được biểu tượng bằng 2 nét đứt ở trên và 1 nét liền ở dưới.
“Nếu đem trồng quẻ KHÔN (Địa) lên trên quẻ CHẤN (Lôi) ta có một trùng quái có tên là quẻ PHỤC. Để cho dễ nhớ, người ta gộp chung thành phần của trùng quái vào tên của nó và gọi quẻ này là quẻ Địa Lôi Phục (Địa + Lôi: Phục).
“Quẻ này gồm 5 nét đứt ở trên và 1 nét liền ở dưới.
“Như vậy, hiệu súng của chúng là 5 chập, mỗi chập 2 phát liền nhau trước rồi đến 1 phát nổ rền sau cùng.
Lý Triện mừng rỡ:
- Thế thì phải rồi. Ta sẽ lấy kế nó làm kế mình… Thôi cậu Sơn ra ngoài quán, để trả bức mật thư vào chỗ cũ cho nó, rồi cứ mặc nguyên quần áo mà đánh một giấc bên cạnh nó cho có bạn.
- Dạ.
Ông tướng cười hà hà dặn vói thêm:
- Nhớ đánh thức y dậy thật sớm mà đi cho được việc nhé.
Trước khi lên ngựa về doanh, họ Lý nắm tay ông bạn già, cảm tạ:
- Cụ có hai người học trò quý như hai viên ngọc. Trận này thành công, một phần nhớn nhờ cậu Sơn và cô Mai đấy, cụ ạ.
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Cô Gái Chúc Sơn - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Cô Gái Chúc Sơn   *_Cô Gái Chúc Sơn - Page 2 I_icon13Mon 28 Jan 2013, 15:54

Chương 13
TRẬN TỤY ĐỘNG


Đầu tháng mười, thời tiết thay đổi, đang rét ngọt bỗng đổ mưa từng trận nhỏ, lai rai suốt ngày. Đúng là “mưa rươi” như người xưa chiêm nghiệm: “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm”.
Đương đầu với mưa lạnh thấu xương, đoàn quân của Mã Kỳ ở mé sông Bùi ngong ngóng chờ ám hiệu xung phong từ canh một.
Hết canh tư, vẫn chưa thấy động tĩnh. Chúng uể oải, mong sớm được rút lui chờ bữa khác giao tranh.
Ở bến đò Mai Lĩnh, quân của Trần Hiệp mỏi mệt không kém. Chúng đã phải vội vã lên đường, vội vã sang đò và yên trí được nghỉ ngơi đến sáng.
Nhưng thình lình, vào giữa canh năm, tiếng súng hiệu nổ vang. Đúng lúc ít ai chờ đợi nhất.
Hai tiếng ngập ngừng 5 chập, rồi một tiếng sau cùng kéo dài như cương quyết xé không gian.
Đúng là súng hiệu nhà! Họ Mã, Phương thúc quân tiến tới. Từ hai mặt, trên dưới bẩy vạn quân lăn xả vào chỗ không người.
Trong bóng tối mờ mờ, nghe như có tiếng người ngựa xô nhau chạy.
Ruộng chiêm chỗ thấp chỗ cao, chỗ lầy lội rút chân lên không được, chỗ lại trơn như đổ mỡ, chúng nhắm mắt đuổi bừa, ngã lên ngã xuống.
Chỉ có một người quất ngựa xông vào cõi u minh mà thấy hiển hiện trước mắt một trời rực rỡ. Đó chính là Trần Hiệp, linh hồn của giặc.
Bằng ảo giác của một tay nghiện ngập, y thấy trước một chiến tích lẫy lừng trong Minh sử, một chiến công oanh liệt của riêng y. Một đoàn tù binh đang được áp giải đến tận Bắc Kinh và một lễ tiến triều rất mực huy hoàng trong đó y hãnh diện nhận sắc phong Vương tước.
Hàng trăm tiếng nổ long trời bỗng kéo y ra khỏi cơn mê. Rồi tiếng quân reo, tiếng voi gầm, ngựa hí từ mạn Chúc Sơn và Phụng Hoàng đổ xuống.
Kinh hoàng, chúng lắng tai nghe. Có tiếng ào ào như thiên binh vạn mã đuổi theo sau bén gót.
Chết rồi! Nước từ mặt tây bắc đổ xuống ầm ầm như thác. Bây giờ chúng mới nhớ đến cái cống Đồng Chữ ở gần bến sông Bùi.
Xa xa, mạn chính nam, tiếng gầm thét muôn phần ghê rợn của con sông Đáy, của con sông Bùi tắc nghẽn.
Từ Ngã ba Thá đổ lên, nước quay cuồng giận dữ, phá tung bờ, tràn vào cánh đồng chiêm mạnh như thác lũ.
Quân Minh, đông như kiến cỏ, dẫm đạp lên nhau trong bãi bùn mênh mông, không biết lối nào là lối sống vì bốn phương tám hướng đều có tiếng quân reo và tiếng trống trận thúc liên hồi.
Chốc chốc, tiếng trống lặng im trong khoảnh khắc nhường chỗ cho những tiếng loa:
- Vương Thông! Trần Hiệp! Muốn sống hàng đi!
- Phương Chính, Mã Kỳ! Xuống ngựa, hàng đi!
- Chúng bay mắc mẹo quân sư ta rồi! Muốn sống về với vợ con thì hàng ngay đi!
Mắc mẹo! Viên Binh bộ thượng thư họ Trần của nhà Minh há đợi đến khi có tiếng loa nhắc mới biết mình mắc mẹo sao?
Tuyệt đỉnh thông minh, y thấy ngay thế cờ của Nguyễn Trãi bày ra để hơn y một nước. Trong chớp mắt, y bừng tỉnh ngộ. Ôi thôi! Ở đây, chẳng có Bình Định Vương nào hết. Tin giả trá chỉ là một miếng mồi thơm nhử cá.
Ở đây, chẳng có một tên quân, chẳng có một mống dân. Họ ngấm ngầm rút khỏi khu vực trống trơn bằng đường thủy.
Y đoán ra, sáng suốt như chính mắt y trông thấy, hoạt động của dân ba làng Lương Xá, Quảng Bị, Tụy Động dưới quyền chỉ huy của Trần Kiện trong mấy ngày đầu tháng. Nào đẵn tre, đan thật nhiều thuyền thúng làm phương tiện tới lui. Nào chuẩn bị bao cát cho thật nhiều để khi nghe tiếng súng hiệu thì ném xuống lấp khúc sông nơi Ngã ba Thá. Nào đồn quân ở phía bên kia đường cái với voi, với ngựa, để đổ xuống phá cống Đồng Chữ, chẹn đứt lối về của đoàn quân vừa mắc bẫy…
Y thầm nghĩ: Thế cờ hiểm hóc cách mấy cũng có thế phá giải. Trong chỗ mười phần chết, thế nào cũng còn một đường sống. Chịu khó tìm, ắt thấy.
Và y bình tĩnh tính toán: Vương Thông còn trong tay trên dưới ba vạn quân. So với lực lượng bao vây, số quân này không phải là ít. Họ Vương có thể đánh thốc qua sông, quét sạch con đường cái dài có mấy chục dặm từ bến đò Mai Lĩnh đến bến đò Tích Giang. Đại quân ta sẽ có lối về sau một hai ngày bị vây khốn là cùng…
Nếu chuyện ấy Vương Thông làm không nổi, ta sẽ tính sau… Sao sao cũng phải tìm ra lối thoát!...
Trời sáng rõ, họ Trần thản nhiên truyền lệnh cho ba quân lên những chỗ đất cao mà đóng.
Kéo vào các làng Quảng Bị, Tụy Động và Lương Xá ẩn mình sau những luỹ tre xanh, chúng ngạc nhiên thấy mấy trăm tên quân tinh nhuệ nằm chết ngổn ngang, rải rác. Thì ra bọn này đã xông vào đây từ lúc cuối canh năm và đã bị những toán dân quân ở lại giữ làng hạ sát trước khi rút cả ra sông.
Nước mỗi lúc một lên, sáu bẩy vạn quân ướt như chuột lột chen chúc ở trong ba làng như ở trên những hòn đảo chơ vơ.
Tụy Động là hòn đảo cao nhất và rộng nhất, nhưng không phải vì thế mà dễ sống nhất. Vì khắp cả ba nơi, không một hạt gạo, không một hạt thóc. Không cả đến một củ khoai, một dây sắn.
Một chiếc thuyền thúng cũng không tìm đâu ra nữa. Quân Minh phải liều chết bơi ra những chỗ khá sâu mong đoạt được một ít thuyền làm phương tiện di chuyển. Nhưng tên nào ra xa là tên ấy bị bắn chết tươi liền.
Hai ngày trôi qua, viện binh vẫn không thấy tới. Đôi khi lắng tai nghe thấy có tiếng trống thúc liên hồi chen lẫn với tiếng reo hò inh ỏi, song chỉ một lát sau lại thấy im lìm. Chắc Vương Thông độ quân sang sông không nổi rồi. Biết tính sao đây?
Trong lúc cùng quẫn, Trần Hiệp ngồi thừ ra ngẫm nghĩ, bỗng giật mình nghe có người hiến kế:
- Tôi có mẹo nhỏ, nếu quan Tham tán dùng, may ra thoát được.
- À! Anh Rực! Mẹo thế nào, nói thử nghe coi!
Rực ghé miệng thì thầm, tay chõ về hướng đông làng Lương Xá. Họ Trần tươi hẳn nét mặt, vỗ vai y:
- Trời chưa nỡ tuyệt ta nên mới xui khiến cho anh ở bên cạnh lúc này… Ta sẽ không quên công lao khó nhọc của anh đâu.
Trần Hiệp nhớ lại việc đã qua như vừa xẩy ra trước mắt. Lúc sắp cất quân, Nguyễn Lịch bỗng nổi cơn đau bụng kinh niên. Lăn giường trên xuống giường dưới. Thiếu Lịch, họ Trần như gẫy một cánh tay. Chưa biết tính sao, bỗng thấy thầy trò Vương Thông tới. Rồi Đặng Rực tình nguyện đi theo họ Trần để làm tai mắt.
Mấy trăm quân còn mạnh khoẻ đẵn cấp tốc mấy chục cây tre và đan cấp tốc lấy mươi chiếc thuyền thúng.
Mỗi thuyền chở được hai người, một lo chèo chống và một lo cự địch.
Những tên đầu sỏ vào hạng nhất leo cả lên thuyền. Đặng Rực cưỡi một chiếc đi đầu, quanh co theo một con đường tắt. Chín chiếc khác nối đuôi theo, rời làng Lương Xá và lướt như bay về giòng sông Đáy ở hướng đông.
- Thế là thoát hiểm!
Chúng vỗ tay reo, sung sướng như đàn cá vừa quẫy mình ra khỏi chậu. Nhưng chợt tiếng trống trận nổi lên quyện theo ngọn gió bấc thổi ù ù tới. Từ thượng lưu sông Đáy, một đoàn mười chiếc thuyền thúng vùn vụt trên mặt nước nhanh như tên bắn.
Chúng đã bị đội tuần tiễu mặt Đông chặn đầu. Và chúng rụng rời cả chân tay khi nghe viên tướng cao lớn cầm siêu đao thét:
- Ta là Trần Kiện ở Lương Xá đây. Muốn sống, hàng đi!
Tiếng thét chưa dứt, thuyền đã lao tới sát thuyền có tên tướng mặt chuột mặc áo bào tía và đội mũ khảm ngọc long lanh.
Ánh đao loé lên phản chiếu ánh sáng mặt trời. Đầu Trần Hiệp được vớt bay sang thuyền Trần Kiện thật ngọt.
Trong thời gian chớp nhoáng ấy, một tướng Minh khác cũng bào tía xênh xang choáng tai khi nghe tiếng thét ở sát thuyền:
- Lý Hậu ở Chúc Sơn đây! Chết này!
Lưỡi đoản đao phập xuống lúc âm vang của hai tiếng “Chết này” chưa dứt. Đầu nội quan Lý Lượng lăn lông lốc trong lòng thuyền.
Mũi đao của họ Trần, họ Lý chỉ về phía nào, thuyền chuyển vèo vèo sang phía ấy, nhanh như ngựa chạy trên đất bằng.
A! Thằng giặc bán nước đây rồi!
Thanh siêu đao một lần nữa lại vung lên.
- Đừng giết, chú!
Tiếng la hốt hoảng của Hậu không đủ nhanh để kìm hãm làn đao thần tốc của họ Trần sà xuống vai Đặng Rực.
Hậu nhẩy ùm xuống nước vớt xác gã đồng hương. Chàng thở dài:
- Thôi thế cũng xong! Bắt sống về cho thầy xử chỉ thêm đau lòng cho gia đình vô tội của y thôi.
Lớp kịch vừa rồi tuy diễn ra trong nháy mắt, cũng đủ cho những thuyền ngăn giặc phân tâm. Lợi dụng thời cơ, 17 tên còn lại hè nhau nhẩy xuống sông sau khi vội vàng thả hết giáp bạc, mũ đồng trôi lều bều trên mặt nước hay quấn quanh những chiếc thuyền vô chủ.
Trần Tráng và Toàn Trâu Nước đâu chịu buông tha. Như hai con rái cá tinh khôn, họ chỉ quẫy mình mấy cái là đã tóm được hai tên quăng lên cho người trên thuyền trói lại, cứ thế cho đến khi không còn một mống.
Trần Kiện cười bảo hai gã sau khi kiểm điểm và tra hỏi tù binh:
- Chúng bay bắt được 15 con cá nhưng vẫn để tuột mất hai con lươn. Hai thằng Mã Kỳ, Phương Chính lùi thoát được, kể cũng là những tay lặn khá!

* * *

Quân Minh bị bao vây như rắn mất đầu. Nhưng chúng rất đông, và từng đợt, từng đợt, chúng hè nhau chạy tìm đường sống.
Trong bốn năm ngày liền, không một tên nào trốn thoát. Những mũi tên đầy sinh lực của dân quân lúc nào cũng hờm sẵn để chờ đón những kẻ nào liều lĩnh nhất. Những đứa may mắn thoát được họa này lại không đủ sức vượt qua được hàng rào sắt thép trên đường cái quan hay giòng nước vô tình của hai con sông Bùi, sông Đáy.
Đến ngày thứ bẩy, quân Minh hoàn toàn kiệt quệ.
Cống Đồng Chữ được bít lại, những bao cát ở Ngã ba Thá được lấy đi. Mực nước quanh ba làng hạ xuống thật nhanh. Quân ta kéo vào, mặc sức chém giết những tên ương ngạnh còn cầm khí giới trong tay. Những tên sắp chết đói đầu hàng vô số.
Tính ra, trận Tụy Động năm Bính Ngọ[46] thật là một trận ly kỳ. Giặc có bẩy vạn quân và bốn tên đầu sỏ ghê gớm nhất. Ta chém được hai tên là Thượng thư Trần Hiệp và Nội quan Lý Lượng, và để sổng mất hai tên là Phương Chính, Mã Kỳ. Còn bẩy vạn quân thì chết hại đến hơn năm vạn, phần bị tên bắn, giáo đâm, phần giày xéo lẫn nhau mà chết, phần lại ngã xuống sông chết đuối hoặc đói lả gục xuống đám ruộng chiêm ngập nước để không bao giờ đứng lên được nữa.
Số còn lại cả thẩy hơn một vạn người đều bị bắt sống, không một tên nào lọt lưới.
Các đồ đạc khí giới, quân ta thâu được không biết bao nhiêu mà kể.
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Cô Gái Chúc Sơn - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Cô Gái Chúc Sơn   *_Cô Gái Chúc Sơn - Page 2 I_icon13Mon 28 Jan 2013, 15:54

Chương 14
CHIM SƠN CA LẠI HÓT


Trong bữa tiệc khao quân tại Chúc Sơn, Mai khoe với thầy:
- Thưa cụ, nếu không nhờ có anh Hậu sang Lương Xá tiếp tay với chú Trần canh phòng mé Đông, không khéo tụi đầu sỏ quân Minh chạy thoát hết.
- Ừ, ông Trần có kể chuyện ấy cho thầy nghe rồi. Chả là vì ngày trước thằng Rực hay lân la sang bên ấy chơi nên các đường ngang ngõ tắt nó thông thuộc hết.
- Vâng. Mé đông làng Lương Xá ruộng sâu, nước cao và gai góc chằng chịt nên ít đứa dám liều mạng chạy về phía ấy.
Hậu nối lời:
- Chỉ có thằng Rực mới nghĩ ra mẹo chạy luồn ra sông Đáy bằng con lạch nhỏ. Đường bí mật này đâu có ai dùng mà biết đến. Chỉ có tụi trẻ con hay nô đùa bơi lội mới khám phá ra mà thôi.
Cụ Cử thở dài than:
- Thằng Rực dù sao trước kia cũng là học trò thầy. Nó theo giặc làm xằng, thầy cũng mang nhục lây… Vì nó, cuộc vui hôm nay không được trọn.
Mai tìm lời an ủi:
- Nhưng được cái may là cụ không cần phải đưa vụ ông Hai Quang tố cáo hôm nọ ra xử lại mà anh Hậu và anh Lịch tự nhiên được minh oan.
Hậu vội trình tiếp:
- Anh Lịch có dặn con trình với cụ đừng khơi vụ ấy ra làm chi nữa vì anh ấy muốn đóng trọn vai trò của mình cho đến khi thành Đông Quan được hạ xong.
Nghe Hậu nói, Mai chợt nhớ đến một câu dặn dò của Lịch chiều qua khi chàng ghé vội bến đò Mai Lĩnh trong lốt áo nhà buôn:
- Trước khi xuôi Nam, quân sư bảo anh phải giữ kín hành tung cả với những người thân thiết nhất. Quân Minh chưa rút hết về Tầu thì anh còn phải ở lại Đông Quan, quân sư còn có việc dùng đến.
“Như vậy là anh chưa có thể về làng với em được.
“Những khi nhớ nhau, em cứ hát lên cho đỡ nhớ. Còn anh, anh sẽ gửi lòng vào tiếng đàn. Tiếng đàn, tiếng hát sẽ cùng theo gió lên cung trăng…
Cụ Cử vuốt râu, ra chiều toại ý:
- Được, thầy xếp chuyện cũ ấy lại. Chắc ông Hai Quang và thằng Quý còn mừng nữa là đằng khác vì họ đã thừa hiểu tâm địa của thằng Rực và tội lỗi của nó rồi.
“À, thầy nghe nói thằng Rực là chân tay của Vương Thông. Sao trận Tụy Động vừa rồi nó lại đi theo Trần Hiệp?
Hậu cười thưa:
- Chúng nó mắc mưu anh Lịch hết. Sau khi dụ cho chúng yên trí cất quân, anh ấy liền giả vờ đau nặng không đi theo Trần Hiệp được. Trái lại, thằng Rực chắc mẩm quân Minh sẽ thắng mười mươi nên tình nguyện đi thay để thừa dịp lập công.
Cụ Cử đắc chí cười ha hả:
- Thì ra trước khi mắc kế của ta, chúng vẫn đinh ninh ta mắc kế của chúng!
- Vâng. Chỉ tội cho tên Trần Hiệp chưa than thở được câu nào đã bị rơi đầu. Bác Trần Lương Xá vớt siêu đao hay quá.
- Chuyện! Đường đao gia truyền của Đức Hưng Đạo Đại Vương để lại mà!
Dạo này, Mai đã hết vẻ đăm chiêu mặc dầu anh chàng Lịch chưa có thể trở về Chúc Sơn sum họp với gia đình và gặp mặt người yêu.
Nàng lại trở thành cô gái tươi tắn nhất làng như trước. Đôi mắt thêm long lanh, nụ cười thêm rực rỡ, và tiếng hát dịu dàng lại văng vẳng trên sông.
Nàng ửng hồng đôi má, vuốt làn tóc mai gió quạt rối bời khi các bạn gái quá giang cười cợt:
- Sướng nhé! Chim Sơn Ca lại hót véo von rồi!
Những đêm có trăng, nếu thuận gió, mấy anh dân quân đi tuần dọc hai bên bờ đê có thể nhận ra những tiếng hát thiết tha chờn vờn trên sông:

Lòng anh như nước sông Hồng
Nhớ em theo xuống một vòng Chúc Sơn.
Tim em sạch hết giận hờn,
Dưới trăng hoà nhịp tiếng đờn Đông Quan…



CHÂN PHƯƠNG
Tháng 10 1973


__________________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim
- Bài “Nguyễn Trãi với trận Tụy Động” của CAO TRUNG đăng trong Giai Phẩm Khoa Học Huyền Bí số 1 - 1 (tháng 9 - 1973)

HẾT

[1] Cút: loại chai nhỏ dùng để đong rượu.

[2] Thôi: đoạn đường dài.

[3] Cắn chỉ: có hằn màu hồng ở môi.

[4] Cơi: xới, đơm.

[5] Thân thủ: các động tác của thân mình và chân tay.

[6] Tây Đô: Thanh Hoá bây giờ.

[7] Đông Quan hay Đông Đô: Hà Nội bây giờ.

[8] Thổ mộc: đất và gỗ. Việc thổ mộc: việc nặng nhọc làm bằng chân tay.

[9] Yên hàn: yên ổn, hết giặc giã.

[10] Giờ Mùi: từ 1 đến 3 giờ trưa.

[11] Giờ Thân: từ 3 đến 5 giờ chiều.

[12] Áo đổi vai: áo thay một vai bằng vải hơi khác màu (vì tiết kiệm).

[13] Giờ Dậu: từ 5 đến 7 giờ tối.

[14] Giờ Mão: từ 5 đến 7 giờ sáng.

[15] Chu biện: lo đầy đủ.

[16] Ức Trai tiên sinh: tên hiệu của Nguyễn Trãi.

[17] Mã tiền Trương Bảo, Mã hậu Vương Hoành: Nhạc Phi, một danh tướng nhà Tống có 2 tướng cận vệ trung thành là Trương Bảo chạy ở trước ngựa (mã tiền) và Vương Hoành chạy ở sau ngựa (mã hậu).

[18] Điện tiền Thượng tướng: chức của Phạm Ngũ Lão.

[19] Tình thông gia: Phạm Ngũ Lão là rể của Hưng Đạo vương.

[20] Mậu tuất: 1418

[21] Bính ngọ: 1426

[22] Triệt: thu dọn hết.

[23] Bách tính: trăm họ, toàn dân.

[24] Thượng lương: cây xà chính ở nóc nhà (kiến trúc xưa).

[25] Mua bát họ: hốt hụi.

[26] Mọc: tên nôm của làng Nhân Mục ở Hà đông.

[27] Nhập tâm: thuộc lòng.

[28] Vẽ hổ không thành: làm chuyện lớn không xong.

[29] Chỗ nhược: chỗ yếu kém.

[30] Nghe hơi nồi chõ: nghe phong thanh, nghe đồn.

[31] Cốt tử: quan trọng bậc nhất.

[32] Mậu tuất: 1418

[33] Giáp thìn: 1424

[34] Tất lực: hết sức.

[35] Rươi: một loại sâu từ dưới đất chui lên vào cuối thu, khi thời tiết thay đổi, trong những ruộng ở miền bể kêu là ruộng rươi. Rươi có thể làm được nhiều món ăn rất ngon.
Đông như rươi: rươi thường xuất hiện đông đặc trong những ruộng rươi.

[36] Quả chám: trái cà na.

[37] Cấm chỉ: cấm ngặt.

[38] Lộng giả thành chân: đùa mãi thành thật.

[39] Tâm địa: lòng dạ.

[40] Khảng tảng: chán nản, rời rã.

[41] Khẩu thuyết vô bằng: miệng nói không bằng cớ.

[42] Vận trù quyết sách: lập mẹo hay.

[43] Cháo ám: một thứ cháo cá.

[44] Chàng Lưu, chàng Nguyễn lạc vào cõi thiên thai: Một chuyện thần tiên kể rằng ngày xưa có một người họ Lưu, và một người họ Nguyễn đi chơi rồi lạc vào động Thiên Thai, nơi tiên ở.

[45] Viết đài ra: viết trệch ra ngoài hàng.

[46] Bính Ngọ: 1426
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




*_Cô Gái Chúc Sơn - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Cô Gái Chúc Sơn   *_Cô Gái Chúc Sơn - Page 2 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
*_Cô Gái Chúc Sơn
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 2 trong tổng số 2 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: Truyện Sưu tầm :: Tủ sách Tuổi Hoa :: Hoa đỏ-