Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 06:59

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:17

KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45

KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22

NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20

KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08

Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54

Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10

7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10

Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07

Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36

Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09

Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46

Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06

Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04

DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19

Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37

Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34

TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17

CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05

Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41

Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 *_Biệt Thự Hoàng Lan

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : 1, 2  Next
Tác giảThông điệp
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Biệt Thự Hoàng Lan Empty
Bài gửiTiêu đề: *_Biệt Thự Hoàng Lan   *_Biệt Thự Hoàng Lan I_icon13Sat 19 Jan 2013, 19:58

Link Tải Ebook: http://myebookmaker.com/book.php?id=36271

*_Biệt Thự Hoàng Lan D9lo9rshvcrtel7bt

Thông tin ebook
Tên truyện: Biệt Thự Hoàng Lan
Tác giả: Thùy Hương
Thể loại: Văn học trong nước
Nhà xuất bản: Tuổi Hoa
Năm xuất bản: 1971
Tủ sách: Tuổi Hoa - Hoa Đỏ
Số quyển / 1 bộ: 1
Hình thức bìa: Bìa mềm
----------------------------------

Chương 01
TRÊN ĐƯỜNG THIÊN LÝ


Vào một buổi tối mùa đông lạnh giá, gió rét căm căm, một bóng đen gò người tiến bước trên đường thiên lý. Đó là một người đàn ông ốm yếu, dáng dấp nhỏ thó, mặt che khuất sau chiếc mũ áo mưa, cố kéo lên tận cằm. Chiếc áo mưa tuy rộng thùng thình nhưng cũng không che giấu nổi một bọc lớn, khá nặng trên tay hắn.
Hắn lê từng bước nặng nhọc và phải chống một cây gậy lớn để dò đường trong đêm tối. Gói đồ quá nặng đối với một người mảnh khảnh như hắn nên tuy trời lạnh buốt mà mồ hôi vẫn toát ra đầm đìa trên trán hắn. Thỉnh thoảng, hắn lại lấy tay quệt mồ hôi và ngừng lại thở hổn hển.
Gió thổi mỗi lúc càng thật mạnh. Chung quanh người đàn ông cảnh vật đìu hiu, cô quạnh. Không một mái lá, không một bóng cây! Tất cả chỉ toàn là sỏi đá gồ ghề, đó đây rải rác vài bụi cỏ khô cằn.
Trời đang vần vũ bỗng nhiên tối đen như mực. Những đám mây đen dày đặc kéo đến đe doạ mang lại một trận mưa tầm tã. Thỉnh thoảng vài lằn chớp ngoằn ngoèo xé tan màn đêm tịch mịch. Rồi từng giọt mưa nặng nề rơi xuống, càng lúc càng nhanh.
Người đàn ông càu nhàu, ngừng lại một lát nghỉ mệt. Hắn xuýt xoa thu mình trong chiếc áo mưa, lẩm bẩm một cách cáu kỉnh:
- Trời lại còn đổ mưa nữa! Thế này thì biết đến bao giờ mới tới nơi? Chán quá! Thời tiết đã xấu, đêm lại tối đen như mực thì làm sao mà thấy đường bây giờ?
Hắn nhìn dáo dác chung quanh tìm kiếm một chỗ để ẩn mình trong chốc lát, chờ cơn mưa bớt dần. Nhưng vẻ thất vọng tràn trề xuất hiện trên gương mặt hắn. Hắn thở dài chán nản khi chỉ thấy toàn đá sỏi cằn cỗi và triền núi đá trùng trùng điệp điệp phía xa. Làm sao có thể tìm thấy một mái lá hoặc một khóm cây che mưa ở miền hoang vu, xa xôi của vịnh Hạ Long này!
Bỗng người đàn ông lắng tai nghe ngóng. Rõ ràng có tiếng xe bò lăn bánh lọc cọc trên sườn đá. Hắn bực bội càu nhàu:
- Ai mà đi lại trên đường lúc này nhỉ? Thật là nguy to rồi!
Hắn hoảng hốt đưa mắt nhìn quanh một lần nữa, tìm một nơi khuất đường mòn để tránh chiếc xe. Nhưng bốn bề vẫn trơ trọi, quạnh hiu.
Tiếng xe rõ dần. Rồi một chiếc xe bò chở đầy rơm từ từ tiến lại phía hắn ta. Khi xe tới cạnh người đàn ông, bác đánh xe trẻ tuổi, mặc áo bông thật ấm, đi chậm lại và gọi:
- Bác Cả đấy à? Bác đi đâu đêm hôm khuya khoắt thế này? Lên xe với cháu đi, trời lạnh như thế này mà phải đi bộ đường trường thì thật là một cực hình!
Người đàn ông lí nhí nói một câu không rõ và ngần ngừ không muốn lên xe..
- Thế nào, bác có lên không? Khuya lắm rồi, cháu phải về mau kẻo vợ con nó trông.
Người đàn ông vẫn ngập ngừng…
- Thôi, bác không lên thì cháu đi vậy nhé. Bác đánh xe bực bội nói.
- Thế thì tao đi nhờ mày vậy, chờ tao với, Tâm ơi.
Rồi người đàn ông nặng nhọc leo lên xe.
- Để cháu giúp bác một tay nhé. Gớm, sao bác mang nặng thế? Bác lên biệt thự Hoàng Lan đấy à? Thật đúng lúc quá, cháu sang bên biệt thự Tố Nga đây.
Bác đánh xe vừa nói vừa đưa tay đỡ gói hàng trên tay hắn. Nhưng hắn gạt phắt tay chú Tâm ra rồi ngồi lên đống rơm.
Chú Tâm ngạc nhiên nhìn hắn. Nhưng chú sực nhớ bác Cả là người cộc cằn, thô lỗ, nên chú cũng bỏ qua và tiếp tục cuộc hành trình.
Một lát sau, hai ngôi biệt thự nguy nga đồ sộ, tọa lạc trên hai ngọn đồi đã sừng sững hiện ra trước mắt.
Chú Tâm nói:
- Tới nơi rồi bác ạ!
- Chú mày ngừng ở đây để tao đi bộ qua con đường tắt này cho gần. Cám ơn chú mày nhé.
- Cháu không dám ạ. Thôi cháu đi đây. Chào bác nhé.
Người đàn ông bước vào con đường mòn dốc thoai thoải, tiến về phía biệt thự Hoàng Lan. Chú Tâm tò mò ngoái cổ lại nhìn theo, lẩm bẩm:
- Lạ thật! Bác ta mưu tính gì mà lại đi khuya khoắt thế này không biết. Lại còn mang cái gói gì nặng quá!
Lúc đó người đàn ông đã tới trước cửa ngôi biệt thự tối om, không một ánh đèn. Hắn không gọi cửa mà đi vòng ra phía sau gõ nhẹ vào một cánh cửa nhỏ có ánh đèn le lói hắt ra. Không thấy ai ra mở, hắn gõ mạnh thêm và gọi:
- Bà nó đâu? Mở cửa mau lên!
Có tiếng guốc lẹp kẹp trong nhà, tiếng khoá lách cách trong ổ khoá, rồi cánh cửa hé mở, để lộ ra một căn bếp sáng sủa, ngăn nắp, đồ đạc bóng loáng. Một người đàn bà trạc 50 tuổi hiện ra trên khung cửa. Bà ta nói:
- Bố nó đấy à? Tôi tưởng đến mai ông mới về. Ông đi đâu mà lâu thế?
Người đàn ông không trả lời, gạt bà ta sang một bên. Hắn tiến tới cái bàn lớn giữa phòng và đặt gói hàng lên đó. Rồi hắn thì thầm nói gì với vợ. Bỗng người vợ hãi hùng kêu lên:
- Trời ơi! Thôi ông ơi, tôi không dám làm vậy đâu! Không bao giờ tôi dám đâu!
- Bà im mồm đi! Hắn vừa quát vừa đá cánh cửa đóng sầm lại.
Yên lặng và bóng đêm lại bao trùm ngôi biệt thự tối tăm, che giấu sự bí mật của biệt thự Hoàng Lan sau những bức tường kiên cố.
… Mười năm thấm thoát trôi qua…


Được sửa bởi nhanbkvn ngày Wed 08 Jun 2016, 10:17; sửa lần 2.
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Biệt Thự Hoàng Lan Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Biệt Thự Hoàng Lan   *_Biệt Thự Hoàng Lan I_icon13Sat 19 Jan 2013, 19:59

Chương 02
HAI ĐỨA TRẺ SINH ĐÔI


Tiếng chuông chiều ngân nga phía xa. Hoàng hôn bao trùm cảnh vật trong một màu hồng tươi sáng. Vầng ô đã khuất sau rặng núi xa, để lại những sợi mây hồng, cam, đỏ tía, vắt ngang trên nền trời xanh thẳm, hợp thành một bức hoạ tuyệt tác. Ngoài khơi, sóng biển nhấp nhô cũng đượm màu hồng nhạt. Cảnh tượng trông thật nên thơ và ngoạn mục.
Hai em bé, một trai một gái, trạc mười hai tuổi đang tì tay trên thành cửa sổ một căn biệt thự đồ sộ, trầm ngâm ngắm cảnh chiều tà. Chúng mở rộng mắt chiêm ngưỡng kiệt tác của tạo hoá đang được phô bày trước mặt chúng. Sóng biển rì rào như ru hồn và thu hút chúng. Những cảnh hoàng hôn rực rỡ và những bình minh tươi sáng nơi biển cả đã làm nảy nở một chút nghệ-sĩ-tính trong tâm hồn non nớt của đôi trẻ.
Em trai mặc một chiếc áo sơ mi trắng, sạch sẽ, và một chiếc quần cụt màu hồ thủy. Em ngồi tì tay dưới cằm, phóng tầm mắt mơ màng nhìn ra biển cả bao la. Em bé gái, nhỏ hơn bé trai một chút, xúng xính trong bộ pi-da-ma màu thiên thanh mới tinh, đứng ngay cạnh đó. Hai tay em choàng cổ hai con chó bẹc-giê cao lớn.
Cả hai đều hồng hào khoẻ mạnh. Làn da rám nắng của chúng chứng tỏ chúng quen nô đùa phóng khoáng ngoài trời… Gió biển mát rượi thổi phất phơ những lọn tóc đen nhánh của bé gái và lùa vào mái tóc ngắn của em trai.
Em bé gái có một vẻ mặt cương quyết, vầng trán cao thông minh nhưng hơi bướng bỉnh, sóng mũi dọc dừa xinh xinh. Chiếc miệng đỏ luôn luôn tươi cười, để lộ hai hàm răng trắng bóng như ngà. Nhưng linh động nhất là cặp mắt bồ câu đen láy, ẩn dưới hàng mi dài cong vút, cặp mắt chứa đầy tình cảm khiến ai trông thấy cũng mến. Mái tóc óng mượt của em được cột bằng một sợi băng xanh và bỏ xoã tới vai.
Tuy em trai cũng có sóng mũi cao và chiếc miệng đỏ tươi tắn, khuôn mặt em lại phảng phất vẻ dịu dàng, trầm ngâm, khác hẳn với vẻ nghịch ngợm và cương quyết của bé gái.
Hai em giữ yên lặng, thả tầm mắt ra xa, tận hưởng sự êm đềm của buổi hoàng hôn trên vịnh Hạ Long.
Bỗng giọng nói trong trẻo của em gái phá tan bầu không khí yên lặng:
- Anh Tuấn ơi, vùng biển Hạ Long của chúng ta thật là đẹp há!
- Ừ, chắc chả nơi nào đẹp bằng nơi này, Lan nhỉ! Vịnh Hạ Long là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở nước ta!... À, Lan có nhớ thầy thường bảo với tụi mình là vịnh Hạ Long…
Lan vội láu táu ngắt lời:
- … được nhiều người coi là kỳ quan thứ tám trên thế giới.
Rồi em mỉm cười ranh mãnh:
- Anh thấy em thuộc bài địa lý không nào?... Ồ! Biển cả bao la này thật tuyệt diệu! Tụi mình ngồi ngắm cả ngày mà không chán mắt!
Tuấn thở dài nói:
- Anh chỉ mong chóng lớn để trở thành sĩ quan hàng hải như ba hồi đó.
Hai em lại yên lặng ngắm cảnh vật. Những vệt mây phía chân trời đã chuyển sang màu tím. Màn đêm xuống dần…
Lát sau Lan lại nói:
- Trăng đã lên kìa anh! Nhưng sao hôm nay trăng đỏ ghê. Thế nào vú già cũng bảo là sắp có việc chẳng lành xảy ra cho mà xem.
Tuấn chững chạc trả lời:
- Vú già chỉ lẩm cẩm thôi!
- Biết đâu đấy. Có lẽ cụ Thành bên biệt thự Tố Nga ốm nặng hơn, anh ạ! Sáng nay em có gặp cô Hiền ở chợ, trông cô có vẻ buồn lắm.
- Tội nghiệp cô ấy quá. Cô ấy hiền ghê, thật đúng với tên cô. À, Lan này, khi lớn lên em phải bắt chước cô Hiền đi. Cô ấy là người đáng phục nhất ở khắp vùng này đó.
- Ý, không được đâu. Em không thể nào trầm tĩnh như cô Hiền được đâu. Em mà cố gắng độ ba ngày là phát điên ngay. Lúc nào em cũng chỉ thích hoạt động luôn chân luôn tay thôi!
Tuấn cười, mắt vẫn hướng ra biển cả.. Em chợt nhớ đến bài tập đọc hôm nọ: “Đêm nay có ai nằm nghe tiếng sóng vỗ bên bờ cát trắng phau mà ngỡ lòng mình là sóng trùng dương?... “. Em thấy lòng mình rào rạt ước mơ được vượt sóng trên một con tàu trắng xoá giống ba thủa xưa… Không biết bao giờ em mới thực hiện được giấc mơ ấy?
Bỗng có tiếng chân bước lạo xạo trên con đường đá sỏi chạy ngang trước nhà. Lan vội gọi:
- Anh có nghe thấy gì không? Hình như có ai sắp đi qua đây thì phải.
Vốn tính trầm lặng, Tuấn chỉ vỏn vẹn đáp:
- “Có”, rồi lại chìm đắm trong giấc mơ đẹp. Em thấy mình làm thuyền trưởng chỉ huy một hạm đội bách chiến bách thắng…
Vừa lúc ấy, một bóng người cao lớn xuất hiện phía đầu đường. Đó là một sĩ quan hải quân oai vệ trong bộ quân phục. Khuôn mặt ông lộ rõ vẻ cương quyết của một cấp chỉ huy, và cặp mắt sáng, thông minh của ông long lanh dưới vành mũ. Khi ông đi tới dưới cửa sổ nơi Tuấn và Lan đang đứng, hai con chó ngoan ngoãn trong tay Lan bỗng chồm lên, sủa rầm rĩ. Nghe tiếng chó sủa, vị sĩ quan ngước nhìn lên và gật đầu chào. Lan vội suỵt chó:
- Vàng! Mực! Nằm xuống, chóng ngoan nào!
Vị sĩ quan định nói gì song lại lắc đầu yên lặng.
Tuấn thấy thế liền lễ phép hỏi:
- Thuyền trưởng có cần gì không ạ?
- Bác muốn hỏi thăm cháu căn biệt thự phía bên kia của ai.
- Có phải thuyền trưởng muốn nói đến biệt thự Tố Nga không?
- Phải đấy. Bác muốn biết chủ nhân bên ấy là ai.
- Dạ thưa, đó là căn biệt thự của ông bà Tôn Thất Thành và của cô Hiền ạ.
- À, ra thế.
Viên sĩ quan gật gù, thở phào nhẹ nhõm. Ông nghĩ thầm: “Mình chỉ sợ về trễ quá thôi”. Rồi ông lại ngước lên hỏi:
- Bà Thành ốm nặng phải không hai em?
- Vâng ạ. Cô Hiền ngày nào cũng phải cầu nguyện cho bà chóng khỏi.
Lan thêm vào:
- Hôm nay trăng đỏ quá, ông ạ. Đó là điềm chẳng lành, vú già bảo thế.
Tuấn vội ngắt lời:
- Bậy nào. Em không được nói thế! Đó chỉ là điều dị đoan thôi.
- “Ta đến thật vừa đúng lúc”, vị sĩ quan lẩm bẩm. Rồi quay sang Tuấn, ông nói:
- Cháu có thể chỉ cho bác con đường tắt đi sang biệt thự Tố Nga không? Bác biết con đường đó gồ ghề lắm, nhưng bác vội quá. Đã lâu lắm rồi bác không về thăm quê nhà, nên thấy cảnh vật đổi khác nhiều. Bác tìm mãi mà không thấy con đường mòn ấy.
- Vâng ạ, cháu xin dẫn ông đi ngay.
Vừa dứt lời, Tuấn bám vào những kẽ đá trên tường thoăn thoắt tuột xuống đất. Xong em gọi:
- Lan ơi, đi cùng với anh không?
- Có ạ, anh chờ em một tí. - Lan hấp tấp đáp, sung sướng vì được đi chơi.
Vị sĩ quan vội nói:
- Cháu à, leo xuống đường này nguy hiểm lắm. Cửa sổ này cao hơn cả lầu một kia mà!
Nhưng Lan đã nhanh nhẹn tuột xuống theo Tuấn. Em hãnh diện mỉm cười:
- Chúng cháu quen rồi, bác ạ (Em gọi “bác” một cách tự nhiên chứ không giữ ý như Tuấn). Và em huyên thuyên khoe:
- Bốn đứa tụi cháu - Anh Tuấn nè, cháu nè, Vàng và Mực nè - còn leo nhiều nơi hiểm trở gấp mấy thế này nữa cơ… Anh Tuấn ơi, gọi chúng xuống đi.
Tuấn hút gió. Vàng và Mực nhảy qua cửa sổ xuống đất.
Vị sĩ quan hỏi:
- Trong hai em, em nào lớn nhất?
- Thưa bác, không ai lớn hơn ai, vì chúng cháu sinh đôi.
- Ờ, bác cũng nghĩ thế. Thế các cháu sống ở đây quanh năm à?
- Vâng, chúng cháu ở đây với bà nội và một ông anh họ… Ba má cháu mất lâu rồi. - Lan rầu rầu đáp..
Vị sĩ quan lẩm bẩm:
- Thật là tội nghiệp!
Tuấn giảng giải:
- Ba cháu mất vì bị đắm tàu. Xưa kia ba cháu cũng là thuyền trưởng như ông.
Họ vẫn đều đều tiến bước.
- Các cháu lên mấy rồi?
- Dạ chúng cháu mười hai tuổi ạ!
- Thế thì bằng tuổi con bác. Các cháu làm bác nhớ con gái bác quá.
Đi tới một ngã ba, Tuấn chỉ tay:
- Thưa ông bây giờ ông quẹo đây và cứ đi thẳng độ mười phút là tới nơi.
- Cám ơn hai cháu nhé. À, hai cháu tên gì nhỉ? Bác sẽ nhớ tới hai cháu luôn…
- Dạ, chúng cháu tên Trần Anh Tuấn và Trần Hoàng Lan ạ.
Nghe thấy thế, vị sĩ quan lẩm bẩm:
- Đúng rồi.. Đứa bé trai này giống anh Đức như đúc.
Và không nói thêm lời nào, ông ta cắm cúi rảo bước về phía biệt thự Tố Nga.
Lan và Tuấn đứng nhìn theo bóng dáng hùng dũng của ông khuất dần… khuất dần sau rặng cây…
Lan trầm ngâm nói:
- Anh Tuấn ơi, em thích ông đó quá à. Em muốn gặp lại ông ấy ghê. Lạ quá, em cứ tưởng tượng là ba giống ông ấy lắm.
- Không đâu, em nhầm rồi. Em có thấy hình của ba trong phòng khách không? Ba giống anh cơ mà.
- Ờ nhỉ… A, em biết rồi. Ông ấy giống cô Hiền! Chỉ khác là ông ấy có vẻ hiên ngang còn cô Hiền thì mảnh mai thôi.
Bỗng tiếng cồng báo hiệu cơm chiều vang lên từ phía biệt thự Hoàng Lan. Lan hoảng hốt kêu:
- Chết chửa! Đến giờ cơm rồi! Thế nào tụi mình cũng về trễ cho mà xem!
Thế là Lan và Tuấn dắt tay nhau chạy một mạch về nhà.
Khi đôi trẻ chạy về đến sân, thì một bà già còng, da nhăn nheo, mặt dữ dằn như một mụ phù thủy bỗng từ trong góc sân bước ra lẩm bẩm những gì không rõ. Lan và Tuấn đồng thanh vui vẻ chào:
- Chào vú. Vú đã ăn cơm chưa?
Hình như bà già không nghe thấy. Bà ta quay lưng đi và bước vào biệt thự qua một khung cửa thấp.
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Biệt Thự Hoàng Lan Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Biệt Thự Hoàng Lan   *_Biệt Thự Hoàng Lan I_icon13Sat 19 Jan 2013, 19:59

Chương 03
CHỦ NHÂN BIỆT THỰ HOÀNG LAN


Lan và Tuấn đi ngang một sân rộng lát gạch tới một phòng ăn rộng rãi sáng sủa ở cuối sân.
Căn phòng bày biện theo kiểu cổ nhưng rất sang trọng. Trên tường treo những tấm thảm lớn dệt hình suối chảy, bãi biển, vườn cây, màu sắc rất linh động. Bàn ghế cổ toàn bằng gỗ lim khảm xà cừ óng ánh thật đẹp mắt. Ngọn lửa bập bùng trong lò sưởi ở góc phòng hắt ánh sáng lên những tấm thảm càng làm tăng thêm vẻ mỹ thuật.
Tại chiếc bàn ăn kê giữa phòng, hai người - một già, một trẻ - ngồi đối diện nhau. Một bà lão cao và gầy ngồi thẳng thắn trên một chiếc ghế bành kê gối bông êm ái và chạm trổ tinh vi. Mặt cụ còn phảng phất nét đẹp khi xưa tuy năm tháng đã nhuộm bạc phơ mái tóc. Trông cụ chừng ngoài bẩy mươi, nhưng cặp mắt hiền từ của cụ còn tinh anh và đen láy. Cụ mặc yếm bằng vải trúc - bâu trắng, áo cánh lụa trắng và quần lĩnh đắt tiền, trông rất lịch sự và quí phái.
Ngồi đối diện cụ là một nhân vật lạ lùng. Vóc người ông nhỏ nhắn, mập mạp, mặt mũi hồng hào. Nhìn gương mặt ông, không ai có thể đoán ông trạc ba mươi hay năm mươi tuổi. Đầu ông gần hói hết, chỉ còn một túm tóc hơi quăn quăn giữa giữa đỉnh đầu. Ông mặc y phục rất chải chuốt và thẳng nếp.
Nghe tiếng cửa mở, cả hai người đều quay lại.
Tuấn và Lan xuất hiện ở ngưỡng cửa và cùng nói:
- Thưa bà, chúng cháu đã về ạ. Thưa anh Hồng, chúng em mới về.
Bà cụ mỉm cười hiền hậu:
- À, các cháu mới về đấy à? Gớm, đi đâu mà muộn thế cháu? Vào đây ăn cơm đi.
Còn anh Hồng thì rạng rỡ, nở một nụ cười thân mật. Anh nói, giọng riễu cợt:
- A, hai em bé sinh đôi đây rồi. Vào ăn cơm mau, trễ giờ rồi đó. Anh đoán chắc hai đứa thế nào cũng về trễ, quả là không sai. Ơ hơ! Sao đầu Lan lại rối bù như con chó bông thế kia? Chắc lại vò đầu bứt tai bực bội chuyện gì đây phải không?
Lan vội đáp:
- Đâu có ạ. Tại gió thổi mạnh quá đấy chứ, anh Hồng. Chà, ở ngoài kia gió mát quá trời!
Nhưng bà cụ lắc đầu và nghiêm nét mặt lại:
- Biết đến bao giờ hai cháu mới tập ngồi vào bàn ăn cho đúng giờ đúng giấc? Hư quá, chỉ mải chơi, quên cả giờ cơm thôi!
Lan và Tuấn tiến lại gần bà. Lan ngả đầu vào lòng bà nũng nịu:
- Thưa bà, hôm nay không phải lỗi chúng cháu mà là tại ông thuyền trưởng ạ.
Anh Hồng tò mò gạn hỏi:
- Ông thuyền trưởng nào đó? Khắp vùng này có ai là thuyền trưởng đâu?
Bà cụ nãy giờ vẫn mỉm cười ngồi nghe bỗng lên tiếng:
- Thôi, lát nữa hai cháu hãy kể. Chúng ta dùng cơm trước đã nào.
- Bà đừng trách chúng cháu về trễ nữa bà nhé. Chúng cháu xin hứa với bà đây là lần chót ạ.
Anh Hồng gật gù:
- Phải rồi, đây là lần chót, nghĩa là từ giờ cho tới lần sau. Bao giờ hai cô cậu lại chả nói thế!
Lan bực dọc nhìn anh Hồng, nhưng cũng ngoan ngoãn ngồi vào bàn. Ăn xong em nói:
- Bà ơi, hồi nãy có một ông thuyền trưởng nhờ chúng cháu chỉ con đường tắt đi sang biệt thự Tố Nga. Ông ta đẹp trai lắm. Cháu rất thích ông ấy và cứ tưởng tượng như đó là ba cháu.
Câu nói này bỗng làm bà cụ thở dài chua xót:
- Lan à, cháu nên nhớ là ba cháu ở thế giới bên kia chỉ có thể phù hộ cho hai cháu, chứ không thể sống lại đươc!
Anh Hồng rất thích thú khi nghe Lan kể. Anh mở tròn mắt hiếu kỳ:
- Thuyền trưởng chiến hạm hay thương thuyền hả Lan?
Tuấn, nãy giờ vẫn yên lặng, bỗng trả lời thay Lan:
- Thuyền trưởng chiến hạm, anh ạ. Em thấy ông ấy đeo lon sĩ quan.
- À, thì ra ông Tôn Thất Ân. Chắc phải có việc gì quan trọng xảy ra nên ông ta mới trở về đây. Chắc cụ Tôn Thất Thành ốm nặng lắm đây. Có đến mười năm nay ông ấy không về đây chơi…
- Tại sao hả anh? - Cả Lan và Tuấn cùng hỏi.
- Câu chuyện dài lắm. Nếu bà nội bằng lòng thì anh sẽ kể cho hai em nghe…
Lan và Tuấn chăm chú chờ đợi, nhưng bà cụ bỗng đứng dậy ngắt lời Hồng:
- Cháu Hồng để hôm khác hãy kể.
Anh Hồng vội im bặt. Còn Lan và Tuấn thì nhìn nhau ngạc nhiên. Nhưng vốn quen vâng lời bà nội răm rắp, cả hai đều không dám hỏi thêm lời nào.
Bốn người sang phòng khách ngồi trước lò sưởi. Bà cụ đăm chiêu nhìn ánh lửa nhảy múa trong lò, không nói câu nào.
Bên ngoài gió rít lên từng hồi ảo não và lùa vào khe cửa làm mọi người rùng mình ngồi sát lại lò sưởi.
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Biệt Thự Hoàng Lan Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Biệt Thự Hoàng Lan   *_Biệt Thự Hoàng Lan I_icon13Sat 19 Jan 2013, 20:00

Chương 04
MỘT QUYẾT ĐỊNH QUAN TRỌNG


Bỗng bà cụ ngửng đầu lên nói với Hồng:
- Cháu đi lấy cho bà cuộn len và hai cây kim đan để bà đan nốt cái áo cho con Lan.
Hai bàn tay cụ đan thoăn thoắt, nhưng nét ưu tư vẫn còn phảng phất trên gương mặt nhăn nheo. Anh Hồng thì lười biếng nằm dài trên chiếc ghế nệm bông. Anh chăm chú thưởng thức tài nghệ nhà văn Thế Lữ trong một cuốn sách trinh thám nổi tiếng. Lan và Tuấn chụm đầu vào nhau đọc một cuốn truyện hình. Nhưng hai em có vẻ lơ đãng, không mấy chú ý đến cốt truyện. Lan thì thào:
- Anh Tuấn à, không biết tại sao nhà mình lại giận nhau với nhà cụ Thành nhỉ?
- Anh cũng không biết nữa. Chẳng bao giờ anh để ý đến chuyện đó cả. Nhưng anh không thấy bà mình sang chơi nhà cụ Thành. Khi lên tỉnh có gặp nhau bà chỉ gật đầu chào xã giao. Không bao giờ anh thấy bà nói chuyện với cụ Thành cả, Lan ạ.
- Em muốn làm quen với cô Hiền quá. Trông cô ấy hiền dịu như một bà tiên. Nếu cô ấy choàng một cái áo thướt tha vào người, tay cầm chiếc đũa thần, thì chắc sẽ giống bà tiên trong truyện Lọ Lem lắm, anh nhỉ.
- Phải hỏi cho ra lẽ mới được. - Tuấn cương quyết nói. Hình như có chuyện gì xích mích xảy ra giữa hai gia đình thì phải!
- Nhưng bà đã cấm không cho anh Hồng nói đến chuyện ấy thì làm sao mình hỏi ảnh được.
- Anh biết rồi, nhưng mình cứ thử hỏi xem sao.
Bỗng tiếng anh Hồng vang lên:
- Chết chửa, bà làm rơi cuộn len năm lần rồi đấy, bà ạ. Chắc hôm nay bà mệt, để cháu đưa bà vào nghỉ nhé. Lan nó còn bao nhiêu là áo len, bà cứ thủng thẳng đan, bà ạ.
- Bà không mệt đâu cháu. Tối nay bà chỉ hơi đãng trí một chút thôi. Và cụ hạ giọng:
- Cậu Ân trở về gợi lại cho bà nhiều kỷ niệm buồn…
Lan thở dài, thì thầm:
- Tội nghiệp bà quá, anh Tuấn nhỉ. Bà đang buồn đó.
Rồi Lan vội chạy tới dụi đầu vào lòng bà thỏ thẻ:
- Bà đừng buồn nữa, cháu với anh Tuấn lúc nào cũng ở cạnh bà. Chúng cháu thương bà lắm. Bà vui lên đi cho chúng cháu vui theo. Bà mà còn buồn nữa cháu khóc bây giờ đó.
Bà cụ cảm động vuốt tóc cháu, ánh mắt xa vời…
Đồng hồ điểm chín tiếng êm đềm, nhắc nhở Lan và Tuấn đã đến giờ đi ngủ. Hai em vội xin phép bà rồi về phòng. Hồng tiếp tục đọc sách.
Thời gian chầm chậm trôi qua… Chiếc đồng hồ cổ ngân nga điểm mười tiếng. Bà cụ đứng dậy, đặt chiếc áo đan dở dang xuống ghế và ra ngồi cạnh Hồng, cụ nói:
- Hồng này, cháu có tin rằng bệnh tình của Nga (Nga là tên cụ bà Tôn Thất Thành) nguy kịch lắm không? Bà nghe nói Nga bị sưng phổi.
- Thưa bà, bệnh sưng phổi rất nguy hiểm đối với các cụ già.
Bà cụ chép miệng:
- Thế mới khổ chứ! Bà cũng già bằng Nga rồi, chắc bà cũng sắp qui tiên, cháu à. Nga và bà xưa là đôi bạn chí thân. Thế mà chỉ vì sự xích mích giữa thằng Ân bên ấy và thằng Đức nhà mình mà bà đã xa Nga. Tình mẫu tử đã làm bà mù quáng, vả lại thằng Đức đã làm cho thằng Ân đau khổ quá nhiều!... Lẽ ra bà phải quên chuyện đó đi và vị tha hơn, nhưng cái chết thảm thương của thằng Đức và vợ nó đã làm bà đau đớn tột độ. Hồi đó hai vợ chồng Thành và Nga có sang thăm chia buồn, nhưng bà từ chối không tiếp.
Hai bà cháu ngồi nhìn ngọn lửa tàn dần trong lò sưởi… Sự yên lặng lại bao trùm căn phòng rộng trong cảnh tranh tối tranh sáng.
Bà cụ bỗng lại lên tiếng như nói với chính mình, bằng một giọng thật cương quyết:
- Mai bà sẽ sang biệt thự Tố Nga. Bà không thể thờ ơ trong giây phút Nga gần đất xa trời!
Nghe vậy, anh Hồng sửng sốt không nói được lời nào. Thật là quá sức tưởng tượng! Thật là một quyết định cao thượng!
- Thôi cháu đi ngủ đi, khuya rồi đấy.
- Vâng ạ.
Tiếng dép của anh Hồng xa dần…
Chỉ còn lại một mình bà cụ ngồi trầm tư mặc tưởng trong phòng.
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Biệt Thự Hoàng Lan Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Biệt Thự Hoàng Lan   *_Biệt Thự Hoàng Lan I_icon13Sat 19 Jan 2013, 20:00

Chương 05
CÁC NHÂN VẬT TRONG BIỆT THỰ HOÀNG LAN


Trong toà biệt thự nguy nga, chỉ có bốn người ở: bà cụ, Lan, Tuấn và anh Hồng. Còn các người giúp việc như bác đánh xe, chị bồi, chị bếp, vú già thì cư ngụ ở dãy nhà nhỏ phía sau biệt thự.
Bà cụ có gương mặt rất hiền từ nên Lan thường gọi bà là “Bà tiên của cháu”. Tuy vậy, thỉnh thoảng cụ cũng tỏ ra nghiêm khắc khi dạy dỗ hai cháu. Những thử thách khó khăn trên trường đời đã để lại trên gương mặt cụ nét chịu đựng khắc khổ.
Cụ rất âu yếm đối với Lan và Tuấn. Lúc nào cụ cũng sợ có việc chẳng lành hay một tai nạn xảy ra cho hai cháu. Nhưng Lan và Tuấn vốn yêu thích tự do, lại hay tung tăng rong chơi ngoài ghềnh đá, trên bãi biển hoặc trên các ngọn đồi quanh biệt thự. Hai em rất sợ bà quở trách nên khi về đến nhà không bao giờ dám hé môi về những vụ rong chơi ấy. Tuy lo sợ cho hai cháu, nhưng vì vị bác sĩ quen của gia đình khuyên cụ cho hai trẻ chơi ngoài trời thở hít không khí trong lành của biển cả nên ngoài giờ học cụ vẫn để yên cho hai cháu tự do đi chơi đây đó.
Lan lợi dụng tình thế này một cách triệt để. Em có tật hơi làm biếng nên chỉ thích rong chơi ngoài bãi biển suốt ngày. Trái lại, Tuấn rất siêng năng cần mẫn. Bài vở luôn luôn được em làm rất đầy đủ và cẩn thận. Lúc nào em cũng mong làm vui lòng giáo sư.
Sáng sáng, Lan và Tuấn đạp xe đạp tới học ở nhà một giáo sư tư. Sau đó hai em tha hồ chơi thoả thích trên bãi biển, tắm suối, câu cá, leo đồi, hoặc cắm trại. Tuy vậy, vốn thông minh nên cả hai đều học đâu hiểu đấy, tiến bộ rất nhanh chóng.
Việc học của chúng có lẽ sẽ khả quan hơn nhiều nếu chúng được gửi vào trường ăn học. Nhưng vì không muốn xa hai cháu nên bà cụ cứ giữ chúng ở cạnh cụ.
Tuấn ôm mộng hải hồ từ nhỏ, chỉ mơ ước trở thành sĩ quan hàng hải như cha. Em rất thèm muốn được cắp sách đến trường như các trẻ đồng trang lứa. Tuy trí óc còn non nớt em cũng hiểu rằng theo học một giáo sư tư không sao bằng được đến trường học. Vả lại một vị giáo sư không thể nào phụ trách đầy đủ các môn học được. Nhưng ở miền duyên hải xa xôi này chỉ có một vị giáo sư tư độc nhất, nên Tuấn đành cúi đầu cam chịu số phận của mình.
Tuấn thường buồn rầu tự hỏi sao bà thương hai cháu rất mực như vậy mà lại thờ ơ với tương lai của đứa cháu đích tôn. Em đâu có biết rằng có một lý do thầm kín thúc đẩy bà cụ hành động như vậy.
Bà cụ goá chồng từ ngày còn trẻ và chỉ có một người con trai duy nhất là cậu Đức để nối dõi tông đường. Đức rất đẹp trai, thân thể cường tráng, tính tình cương nghị. Bà cụ dồn cả tình thương và hy vọng vào cậu con trai cưng này. Cụ rất kiêu hãnh khi thấy con trở thành một sĩ quan hải quân oai hùng, đem thân ra bảo vệ tổ quốc. Khi cậu Đức lập gia đình, bà rất mực thương yêu con dâu như con gái ruột vậy.
Ít lâu sau, khi hai trẻ sinh đôi kháu khỉnh ra chào đời thì gia đình này trở thành một gia đình hạnh phúc nhất trên đời. Bà cụ cả ngày nâng niu hai đứa cháu nội, ước mong khi lớn lên chúng được nên người như ba chúng. Nhưng định mệnh trớ trêu đã cướp mất cha mẹ hai đứa trẻ khi chúng vừa chập chững biết đi. Chỉ còn hai đứa cháu nội, bà cụ dồn cả tình thương vào chúng và chú tâm dạy dỗ chúng từng li từng tí. Tuy vậy, cụ vẫn thương Tuấn hơn Lan vì Tuấn đúng là hình ảnh của Đức khi xưa và là người nối nghiệp dòng dõi oai hùng của họ Trần. Mỗi cử chỉ nhỏ, mỗi thái độ, mỗi lời nói của Tuấn đều nhất nhất giống cha. Ai ai cũng bảo:
- Tuấn có cặp mắt giống cụ quá, cả gương mặt cũng giống.
Về phần Lan, em rất mến phục Tuấn. Ngay từ nhỏ, ai cũng đem Tuấn ra làm gương cho Lan mỗi khi em nghịch ngợm hay lười biếng. Lan có tính tình cương quyết và một ý chí mạnh mẽ. Em lại rất yêu thương mọi người. Nhưng ngoài đức tính đó, em có vài tính xấu như hơi lười biếng và bướng bỉnh. Tại biệt thự Hoàng Lan ai ai cũng quí mến em vì em có khiếu an ủi, khích lệ các gia nhân trong nhà và các dân chài nghèo khổ. Em bước vào cuộc sống của họ như ánh nắng mai dịu hiền, sưởi ấm các tâm hồn mộc mạc.
Lan lại rất thảo. Ngay từ khi còn tấm bé, em thường nhịn uống sữa điểm tâm hay nhịn bánh kẹo để cho một bà ăn mày thường đi qua biệt thự Hoàng Lan. Một hôm anh Hồng thấy thế bèn hỏi:
- Tội nghiệp bé Lan chưa! Em nhịn uống sữa cho đến bao giờ vậy? Nếu bà già ấy cứ đến mãi thì sao?
Lan kiêu hãnh đáp:
- Thì em sẽ nhịn mãi mãi… Nhịn sữa có chết đâu mà sợ!
- Sao em không xin cốc sữa khác?
- Một cốc sữa thì đáng là bao, em xin làm gì!
Thấy lũ trẻ con ngoài đường đánh đập hay hành hạ thú vật là Lan không đắn đo chạy vào giữa đám trẻ để cứu con vật. Có lần em cứu một chú mèo con và bị lũ trẻ xúm vào đánh. Nếu Tuấn can không kịp thì có lẽ em đã bị một trận đòn nhừ tử.
Lan chỉ biết hành động theo tình cảm và chưa biết đắn đo cân nhắc hoặc suy nghĩ về hậu quả mình làm.
Tuấn thường trách Lan:
- Em chuyên môn làm mà chẳng nghĩ ngợi gì cả!
Lan thì thật hoạt động mà Tuấn lại rất trầm tĩnh. Nhưng dưới bề ngoài trầm lặng này tiềm tàng cả một ý chí cương quyết. Lan thường hãnh diện khoe với mọi người:
- Không bao giờ anh Tuấn từ chối làm một việc phải nào cả. Còn việc quấy thì có bắt buộc đến đâu, anh ấy cũng không làm.
Lan liến thoắng và láu lỉnh bao nhiêu thì Tuấn lại ít nói bấy nhiêu. Ít khi em bộc lộ tình cảm của mình, ngay cả tình thương đối với đứa em sinh đôi cũng vậy.
Cả Lan và Tuấn đều rất quyến luyến biệt thự Hoàng Lan và vùng biển Hạ Long, nơi sinh trưởng của chúng. Chúng chỉ ước ao được sống suốt đời cạnh đám dân chài mộc mạc để giúp đỡ và an ủi họ.
Còn anh Hồng, “nhân vật kỳ lạ” của căn biệt thự Hoàng Lan, không sinh trưởng ở vùng này. Anh đến biệt thự này từ bao giờ không rõ, nhưng ngay từ thủa thơ ấu, Lan và Tuấn đã thấy anh ở đó từ lâu và coi ngôi biệt thự như nhà mình vậy. Anh sống độc thân và có nhiều thói quen kỳ quặc (chắc có lẽ vì thế mà anh không dám lập gia đình chăng? ). Lan và Tuấn thường gọi đùa anh là: “Quái kiệt độc thân”. Suốt ngày anh vùi đầu vào việc nghiên cứu và sưu tầm các loại vỏ ốc, đá và các vật hoá thạch trong vùng vịnh Hạ Long. Anh hay đi ra ghềnh đá, đào đào, bới bới, tìm kiếm các vỏ ốc và hoá thạch lạ. Anh đọc sách thấy các nhà khảo cổ tìm được nào là búa đá, rìu đá, nào là trống đồng, nào là trang sức thời tiền sử mà đâm háo hức. Anh chỉ mơ tưởng một ngày nào đó anh tìm ra một ngôi cổ mộ đầy vật lạ để tặng cho viện bảo tàng.
Có lẽ vì thấy bà nội thương Tuấn hơn Lan nên anh Hồng rất thương mến Lan. Anh thường nô đùa bế ẵm, hoặc làm ngựa cho Lan cưỡi khi em còn nhỏ. Tên thật của anh là Hoàng, nhưng lúc nhỏ Lan nói ngọng đọc trệch ra là “Hòng”. Lớn lên em gọi luôn là anh Hồng, vì da dẻ anh lúc nào cũng hồng hào khoẻ mạnh. Dần dần ai cũng quen đi, gọi anh Hồng luôn.
Trong đám gia nhân tại biệt thự Hoàng Lan, có một bà già mọi người quen gọi là “vú già”. Bà ta trông nom Tuấn và Lan từ nhỏ, nên nay được nuôi nấng rất tử tế. Tuy chưa đầy bẩy mươi mà trông bà ta đã già lắm. Mặt mày bà ta xương xẩu, hai mắt sâu hoắm không bao giờ dám nhìn thẳng trước mặt và có vẻ ngây dại của một người đãng trí. Các cụ già trong vùng gọi bà là “mụ khùng” hoặc “mụ phù thủy”. Bà ta hay trốn tránh mọi người. Đôi khi bà ta không muốn thấy mặt ai và chui rúc vào một hốc đá phía sau căn biệt thự. Bà ta chẳng phải làm gì cả. Chiều chiều ra hong nắng ở góc vườn và ngồi đan những chiếc khăn choàng len. Đến bữa cơm, bà ta vào bếp ngồi trong một góc xa mọi người và ăn một cách yên lặng.
Không ai dám mắng vú già bao giờ vì chủ nhân đã hạ lệnh phải đối xử tử tế với vú để đền bù công lao nuôi dưỡng Tuấn và Lan.. Còn đám dân chài mê tín thì sợ vú già nơm nớp, chỉ lo “mụ phù thủy “ này phù phép trả thù nếu họ làm phật ý mụ…
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Biệt Thự Hoàng Lan Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Biệt Thự Hoàng Lan   *_Biệt Thự Hoàng Lan I_icon13Sat 19 Jan 2013, 20:01

Chương 06
KHÓM TRÚC VÀ NGÔI SAO


Ngày hôm sau, Tuấn và Lan lại theo thói quen ngồi ở cửa sổ. Tuấn đang chăm chú làm toán, còn Lan thì đưa mắt lơ đãng đọc bài sử ký.
Lan bỗng reo lên:
- Kìa, anh Hồng kìa! Anh ấy đi “khảo cổ” mới về. Chà, bữa nay anh ấy về sớm ghê!
Tuấn ngước lên và thấy anh Hồng chậm chạp bước vào vườn, một tay cầm cuốc, một tay xách xẻng, vai đeo túi dết để đựng cổ vật.
- Để em gọi anh ấy và hỏi về vụ nhà mình với nhà cụ Thành nhé.
- Ừ, em gọi đi. Nhưng anh nghi anh ấy không dám nói đâu, bà cấm cơ mà.
- Anh Hồng ơi! Anh Hồng ơi! Hú u… Lan cất giọng trong trẻo gọi.
Hồng ngẩng đầu lên cười vui vẻ:
- A, Tuấn và Lan đấy à? Gọi anh làm gì thế?
- Anh lên đây chơi với chúng em một lát đi. Chúng em muốn hỏi anh cái này.
Lan lại tiếp:
- Anh lên đây nhé! Để em xuống mở cửa cho anh..
Vừa dứt lời, khuôn mặt tươi cười và hóm hỉnh của Lan đã biến khỏi khung cửa sổ. Em chạy thoăn thoắt xuống những bực thang xoáy ốc xuống một căn phòng trống phía sau biệt thự. Tất cả khu vực phía trái quay ra vườn sau nhà thuộc về Lan và Tuấn. Hai em toàn quyền tự do bày biện. Lan mở cửa, nắm tay anh Hồng kéo vào nhà. Em liến thoắng:
- Anh có đào được kho tàng nào chưa? Anh đã thấy kiến bò bụng chưa?
- Trời ơi! Họ hàng nhà kiến nó đang diễn binh trong này này - vừa nói anh vừa chỉ vào bụng. - À, thế hai em đã ăn chưa?
- Tụi em dậy từ năm giờ sáng, ăn xong đi bơi thuyền chơi ở suối phía bên kia đồi. Tụi em mới về được độ nửa tiếng thôi à.
- Trời ơi, sao mà trong này tối thế? Anh chẳng trông thấy gì cả!... Anh mà ngã gãy tay hay què chân là anh bắt đền Lan đó.
- Tới nơi rồi anh ạ. Lan reo lên.
- Chà, căn phòng đẹp đẽ, sáng sủa quá! Cả thế kỷ nay anh chưa lên đây chơi nên thấy lạ quá… Cái bàn học này của Tuấn phải không? Trông trật tự ghê! Còn cái bàn bên kia thì đúng là của cô bé Lan này rồi. Ôi chao! Sao mà ngăn nắp thế? Sách thì để một nơi, vở thì quăng một nẻo.
Lan cười hồn nhiên:
- Anh thấy bàn em hỗn độn lắm à? Thế mà em cứ tưởng dọn dẹp như vậy là đẹp mắt lắm rồi… Anh nhìn quanh trên tường xem có gì lạ mắt không nào?
Vừa nói, Lan vừa kéo tay anh Hồng, chỉ vào những bức tranh màu tuyệt đẹp mà Lan và Tuấn đã cặm cụi cắt trong báo và lịch ra. Hồng trầm trồ:
- Chà, đẹp thiệt! Không ngờ cô bé cậu bé này lại có óc thẩm mỹ “khớ” thật. (Anh Hồng hay trêu Lan và Tuấn bằng cách đọc chệch chữ “khá” thành “khớ”).
Lan phỗng mũi hãnh diện:
- Anh Tuấn và em chọn mãi mới được đó. Phải qua một cuộc “tuyển lựa tài tử” gay go lắm chúng mới được ngự lên tường.
Tuấn mơ màng tiếp lời Lan:
- Những hôm trời mưa ngồi nhìn những bức tranh này tụi em cứ tưởng tượng là mình đang đi du lịch vòng quanh thế giới, thú vị ghê vậy đó!
Anh Hồng bắt đầu phê bình (sau khi khen hết lời, anh ta bắt đầu tấn công đấy):
- Nhưng căn phòng bày biện sơ sài quá.
Thật vậy, căn phòng chỉ vỏn vẹn chứa hai chiếc bàn học nhỏ của Lan và Tuấn, vài cái ghế, một chiếc giường con và một tủ đầy sách vở. Trên chiếc kệ cao có trưng hình một vị sĩ quan tuấn tú và một thiếu phụ trẻ đẹp, hiền hậu. Cạnh tấm hình, Lan bày một bình hoa bằng sứ xanh biếc cắm đầy hoa tươi đủ loại mới hái bên bờ suối, còn đọng hơi sương trên cành. Những bông hoa màu sắc sặc sỡ lung linh theo làn gió biển mát rượi thổi lùa vào phòng, như chào đón anh Hồng và làm căn phòng trở nên vui tươi hẳn lên.
Thấy chiếc lồng rỗng treo ở góc phòng, anh Hồng ngạc nhiên hỏi:
- Ủa, mấy con chim áo dà của Lan đâu rồi?
- Em nghĩ rằng chúng thích tự do bay nhảy, nên đã thả chúng đi từ lâu rồi.
- Thế à! Gớm, cô bé sao tốt bụng thế!... À quên, “Nàng tiên của loài chim” muốn hỏi “tại hạ” điều gì đấy ạ? - Anh Hồng vừa nói vừa cúi rạp mình chào Lan.
Cả ba phá lên cười vui vẻ.
Lan nhõng nhẽo:
- Anh cứ trêu em hoài à! Ghét anh quá đi!
Tuấn vội chen vào:
- Anh Hồng ơi chúng em muốn biết tại sao nhà mình lại không giao thiệp với bên cụ Thành?
Anh Hồng bối rối, mân mê chỏm tóc độc nhất trên chiếc đầu hói, không đáp. Anh đang ngần ngừ, thì Lan đã kêu lên:
- Anh đừng nói là anh không biết nhé. Chúng em biết là anh rõ chuyện này, nên chúng em mới hỏi. Mới hôm qua anh định kể cho chúng em nghe mà.
Suy nghĩ giây lát, anh Hồng bạo dạn quyết định. Lan và Tuấn hy vọng chờ đợi…
- Chuyện đó rất giản dị, hai em à. Nếu bà nội bằng lòng thì anh kể ngay, nhưng để anh xin phép bà trước đã nhé.
Rồi thấy nét thất vọng hiện rõ trên gương mặt Lan và Tuấn, anh mỉm cười đánh trống lảng:
- Thôi, để anh lên nhà ăn sáng kẻo bà mong.
Lan vội chỉ đường:
- Anh xuống lối này là sang phòng ăn ngay. Anh đưa cái túi da và cuốc xẻng đây, em mang sang phòng cho anh. - Vừa nói lan vừa mở một chiếc cửa gỗ nhỏ phía tay trái.
Anh Hồng vừa khuất sau cánh cửa, Tuấn vội nhảy xuống đất nói:
- Biết ngay mà! Thế nào anh ấy cũng không chịu nói đâu. Anh phải hỏi bà mới được. Nhưng anh chỉ sợ làm bà buồn thôi… Bây giờ chúng mình lên xin phép bà đi học đi. Em lấy mũ đội vào đi kẻo nắng.
- Thôi, khỏi cần anh ạ. Mang mũ cồng kềnh lắm.
Lan đã quen chạy đầu trần ngoài nắng nên rất lười đội mũ.
Hai phút sau, Lan và Tuấn đã y phục chỉnh tề bước vào phòng ăn.
- Cháu xin phép bà, cháu đi học ạ! Cả hai đồng thanh nói.
- Hai cháu sắp đi học đấy à? Thôi, hôm nay nghỉ ở nhà đi. Bà đã cho người đi xin phép thầy cho hai cháu rồi. Sáng nay bà sang biệt thự Tố Nga và bà muốn dẫn Tuấn đi theo.
“Biệt thự Tố Nga! ”, Tuấn và Lan háo hức thì thầm.
- À, có phải hai cháu muốn biết chuyện gì đã xảy ra giữa hai nhà không? Hai cháu đã đến tuổi biết suy nghĩ nên hôm nay bà cho phép anh Hồng kể cho hai cháu nghe. Hai cháu ngồi xuống đây đi.
Lan và Tuấn vội ngồi xuống, hồi hộp chờ đợi.
Anh Hồng dựa lưng vào ghế cho thoải mái, rồi bắt đầu kể:
- “Hai gia đình họ Trần và họ Tôn Thất rất thân nhau từ xưa. Như hai em đã biết, họ Trần chúng ta vốn là dòng dõi đức Thánh Tổ hải quân Trần Hưng Đạo, đã sống ẩn dật ở vịnh Hạ Long này hàng thế kỷ nay rồi. Vào khoảng cuối thế kỷ 19, một chi nhánh dòng họ Tôn Thất - tức là họ vua đó Lan ạ - vì một xích mích trong việc thừa hưởng gia tài nên lên miền này sống an nhàn, vui cùng cảnh mây nước và quên hết việc tranh giành danh lợi. Mối liên lạc giữa hai gia đình càng ngày càng thắm thiết và họ Trần và họ Tôn Thất trở thành xui gia với nhau. Hai bên đều thuộc dòng dõi oanh liệt nên rất “môn đăng hộ đối.” Mỗi gia đình đều còn giữ được cuốn gia phả và một chiếc triện son được truyền lại từ bao đời… “
Lan ngắt lời anh Hồng, hỏi:
- Triện son là cái gì hả anh?
- Triện son là một miếng gỗ khắc hình hoặc chữ để đóng mực đỏ vào sách vở, tài liệu trong tủ sách gia đình. Em xem sách nhà mình đều có đóng dấu đỏ hình khóm trúc và hai hàng chữ, dấu ấy đóng bằng chiếc triện son cổ đấy..
Rồi anh kể tiếp:
- Chiếc triện của dòng Tôn Thất khắc hình ngôi sao Bắc Đẩu cùng hai câu thơ tâm niệm của dòng họ như sau:
“Sao Bắc Đẩu soi đường nhân loại,
Dù nghìn năm gương sáng vẫn nêu cao”.
Ý nói người thuộc họ Tôn Thất luôn hành động theo lẽ phải và luôn cương trực để làm gương cho mọi người noi theo, ví như sao Bắc Đẩu giúp mọi người tìm phương hướng cho khỏi lạc đường.
Còn bên nhà ta thì dùng chiếc triện mang hình một khóm trúc tượng trưng cho chí khí của người quân tử và hai câu thơ:
“Người quân tử không màng danh lợi,
Trong phong ba vẫn giữ tấm lòng son”
Miêu tả sự ngay thẳng, thanh cao của người quân tử.
Tục truyền rằng mỗi lần sao Bắc Đẩu soi sáng khóm trúc - nghĩa là mỗi lần một thiếu nữ bên biệt thự Tố Nga về làm dâu dòng họ Trần - là bức tượng đức Thánh Trần mỉm cười hài lòng.
- Đó chỉ là truyện cổ tích thôi mà cháu. - Bà cụ vội ngắt lời anh Hồng.
Lan và Tuấn ngồi chăm chú theo dõi câu chuyện mà mong chóng biết đoạn kết.
Anh Hồng lại tiếp tục kể:
- Sự xích mích giữa hai gia đình bắt đầu khi bác Trần Công Đức (ba của Lan và Tuấn) và ông Tôn Thất Ân cùng tốt nghiệp trường sĩ quan hải quân ra. Số là ông Ân có một người chị tên là Hương rất đẹp. Cô Hiền em ông Ân đã đẹp, cô Hương lại càng đẹp hơn. Sắc đẹp thùy mị của cô Hương đã khiến nhiều người tôn cô làm hoa khôi vịnh Hạ Long.
Lan Suýt soa:
- Cô ấy chắc đẹp hơn cả “Công chúa ngủ trong rừng” trong quyển sách hình của tụi mình, anh Tuấn nhỉ?
- Rồi một ngày kia, bác Đức xin bà nội đem trầu cau sang dạm hỏi cô Hương. Hai nhà đều sung sướng, tấp nập sửa soạn ngày rước dâu, ngày sao Bắc Đẩu soi sáng Khóm Trúc. Nhưng định mệnh éo le khiến hạnh phúc kia chóng tan vỡ…
Vào một buổi đẹp trời, cậu Ân chở cô Hương đi ca nô thăm mấy động đá ngoài khơi. Cô Hương tung tăng đi thăm hết động này đến động khác, nên khi chiều xuống mới sửa soạn trở về nhà. Trời đang quang tạnh bỗng nổi cơn giông bão và lật chìm chiếc ca nô mỏng manh. Cô Hương bị mất tích, còn cậu Ân vì quen nghề hàng hải nên cố bám lấy một mảnh gỗ bơi vào một hòn đảo và được cứu sống.
Từ đó, một đám mây mù che phủ mối thâm tình giữa hai nhà. Bác Đức nghĩ cậu Ân phải chịu trách nhiệm về cái chết thê thảm của cô Hương và từ đó tỏ vẻ xa cách cậu.
Câu chuyện tưởng đã phai nhòa theo thời gian, bỗng lại bùng nổ khi một việc đáng tiếc khác xảy ra. Bác Đức vẫn hằng mơ tưởng được giữ chức vụ thuyền trưởng chiến hạm Bạch Đằng, chiến hạm lớn nhất hạm đội Việt Nam. Năm ấy bác Đức bị thương, phải nằm điều trị hai tháng trong bệnh viện. Trong thời gian đó, thuyền trưởng chiến hạm Bạch Đằng xin về hưu trí. Cậu Ân không biết là bạn chí thân của mình mơ ước chức vụ đó nên nộp đơn xin thay thế viên thuyền trưởng. Vốn giỏi giang nên Ân được chấp nhận làm tân thuyền trưởng chiếc Bạch Đằng.
Khi ra khỏi bệnh viện, bác Đức ngỡ ngàng trước sự đã rồi. Thế là bỗng chốc bao mộng đẹp tan tành ra mây khói! Hai lần hạnh phúc của bác tan vỡ vì bàn tay cậu Ân. Bác đau khổ đến lâm bệnh và phải đi xa một thời gian cho khuây khoả. Tình bạn thắm thiết giữa Ân và Đức rạn nứt từ đó. Còn bà nội vì quá thương cậu con trai độc nhất nên tuyệt giao với nhà cụ Tôn Thất Thành. Các dân chài ở đây rất buồn và nuối tiếc vì đối với họ câu truyện cổ tích bị kết thúc ở đây vì hai nhà không còn là sui gia với nhau nữa. Chỉ có vú già hơi lãng trí nên cứ nhất định là câu truyện cổ tích vẫn còn mãi mãi. Vú còn quả quyết là chỉ trong một ngày gần đây là sao Bắc Đẩu lại rạng rỡ chiếu trên Khóm Trúc. Nhưng chuyện này chắc chắn không thể xảy ra được vì nhà ta có một trai là Tuấn, nhưng bên cụ Thành lại không có bé gái nào cả.
Lan tò mò gạn hỏi:
- Bên ông Ân không có con gái hả anh?
- Không! Hồi đó có một bé gái, nhưng đã chết từ nhỏ.
- Tại sao vậy anh?
- Để anh kể tiếp cho mà nghe:
“Rồi bác Đức lập gia đình và một năm sau hai em ra đời cùng lúc với một bé gái bên nhà cậu Ân. Do một sự ngẫu nhiên, bé gái bên ấy cũng được đặt tên Lan - Tôn Nữ Ngọc Lan. Hai gia đình đều rất hạnh phúc nhưng vẫn không nối lại mối thân hữu xưa.
“Sau đó, thuyền trưởng Ân theo chiếc Bạch Đằng ra đóng ở Hải Phòng, còn ba các em thì được bổ đi làm việc ở Tourane trong hai năm. Mẹ các em đi theo và để hai em và vú già lại, nhờ bà và anh trông nom săn sóc.
“Hai năm sau, cả nhà chờ đợi ba mẹ hai em về. Chính anh đứng ra sửa soạn đón rước thật linh đình, vì lúc đó bà đã đáp chuyến tàu xuyên Việt vào tận Hà Tiên thăm một người trong họ vào lập nghiệp ở đó từ lâu. Lúc bấy giờ hai em mới chỉ là đôi trẻ lên ba thật kháu khỉnh.
Tuấn và Lan nhìn nhau mỉm cười thích thú.
“Nhưng ba mẹ hai em không bao giờ được thấy vịnh Hạ Long này nữa. Chuyến tàu trở về gặp nạn và bốc cháy. Bác Đức vốn là một vị thuyền trưởng có lương tâm nên đã ở lại tàu cho tới phút chót để thả bè xuống nước cứu hết thủy thủ đoàn. Khi đem được bác xuống bè thì bác đã tắt thở vì ngạt hơi và phỏng nặng. Cả thủy thủ đoàn đều thương tiếc vị thuyền trưởng tài ba dũng cảm hy sinh đời mình để cứu mọi người. Sau đó bác Đức được truy thưởng bội tinh và tuyên dương công trạng.
“Vài ngày sau, bác gái qua đời sau khi sinh hạ một bé sơ sinh. Đứa bé đó cũng chết ngay khi mới lọt lòng”.
Anh Hồng ngừng kể vì quá xúc động. Bà cụ lặng lẽ ngồi khóc. Lan cũng thổn thức, hai dòng nước mắt lã chã tuôn tràn trên má. Cả Tuấn cũng không ngăn được giọt lệ đau xót cho số phận đau buồn của cha mẹ. Thật không ngờ chuyện gia đình của hai em lại bi thảm như vậy!
Anh Hồng lại tiếp tục:
- “Mấy ngày trước đó, bên ông Ân cũng gặp một tai nạn thảm thương: Bé Ngọc Lan bị chết đuối nơi thác nước chảy ra dòng suối mà Tuấn và Lan vẫn tới bơi thuyền ấy mà. Ngôi sao Bắc Đẩu của dòng Tôn Thất đã tắt theo bé Ngọc Lan và chìm xuống đáy nước..
“Từ đó ông bà Ân rời hẳn vịnh Hạ Long vì nơi này gợi lại cho họ nhiều kỷ niệm đau buồn và làm họ tiếc thương đứa con gái độc nhất, ngôi sao sáng của dòng họ. Về sau, bà Ân hạ sinh được năm trai, nhưng không bao giờ có thêm một bé gái nào nữa… Mà kể cũng lạ! Triện son của dòng Tôn Thất chỉ mang hình một ngôi sao, và bên đó không bao giờ có được hai gái kể từ ngày tới cư ngụ ở đây”.
Căn phòng lại rơi vào yên lặng. Bốn người ngồi thả hồn về quá khứ và thương cảm cho số phận ba mẹ Lan và Tuấn. Sau cùng, bà cụ lên tiếng:
- Các cháu à, bây giờ đến lượt bà kể cho hai cháu nghe một lỗi lầm bà đã mắc phải, vì dòng họ Trần chúng ta không bao giờ giấu giếm sự thật, dù sự thật đó có xấu xa đến đâu chăng nữa.
“Khi ba mẹ hai cháu mất, ông bà Tôn Thất Thành có sang chia buồn với bà. Lúc đó ông Thành đã trở nên mù loà và hai ông bà đã quên mối hiềm khích xưa giữa hai nhà… Nhưng bà từ chối không tiếp họ… Bà thật có lỗi quá! ”
Bà cụ chép miệng thở dài:
- Và hôm nay, để chuộc lại lỗi lầm xưa, bà sẽ sang thăm Nga (Cụ bà Tôn Thất Thành). Tuấn à, cháu đại diện ba cháu đi cùng bà sang bên đó nhé. Nếu ba cháu còn sống, chắc chắn ba cháu cũng sang thăm vì ba cháu thường than thở với bà rằng ba cháu rất hối hận đã rời bỏ người bạn chí thân là cậu Ân..
Tuấn đứng dậy lại gần bà nghiêm trang nói:
- Thưa bà, bà làm thế rất phải. Cháu rất hãnh diện được thay mặt ba cháu sang thăm cụ Nga.
Lan cũng lại gần bà thủ thỉ:
- Bà cho cháu đi theo với nhé. Cháu muốn gặp lại ông Ân. Ông ấy trông hiền lành quá và làm cháu nhớ đến ba cháu.
- Được rồi, bà cho cháu đi theo. Thôi, bây giờ hai cháu mặc quần áo đẹp vào rồi đi với bà.
Bà cụ ra lệnh cho bác kéo xe sửa soạn chiếc xe tay.[1]
Nửa giờ sau chiếc xe ngừng lại trước biệt thự Tố Nga. Bác kéo xe bên biệt thự này trố mắt ngạc nhiên khi thấy chủ nhân biệt thự Hoàng Lan sang chơi sau bao năm cắt đứt liên lạc. Cả bác gia nhân ra mở cửa cũng ngạc nhiên không kém và cứ ngỡ mình mơ ngủ.
Bà cụ vội hỏi:
- Bác làm ơn hỏi cụ bà xem có tiếp tôi được không nhé. Bác nói hộ là có tôi và hai cháu tôi sang thăm. Bệnh tình cụ ra sao hở bác?
- Thưa cụ, cụ cháu mệt rất nặng ạ. Xin rước cụ vào phòng khách chơi, cháu lên báo ngay cho cụ cháu rõ ạ.
Ba bà cháu vào phòng khách ngồi chờ. Cả ba đều cảm động không nói được lời nào.
Bỗng Lan đứng bật dậy và như bị thôi miên tiến thẳng tới chỗ lò sưởi có treo một bức họa bằng màu nước có vẽ hình một thiếu phụ trẻ đẹp ngồi trên sân thượng một ngôi biệt thự quét vôi trắng, chung quanh trồng đầy hoa ti-gôn.
- Anh Tuấn ơi, lại đây xem này! Mau lên đi! Bà này là ai ấy nhỉ? Rõ ràng là mình có biết bà ấy nè! Trông bà ấy quen quá!
Nhưng Tuấn chưa kịp đứng dậy thì bác gia nhân đã trở lại và nói:
- Xin mời cụ ạ. Cụ cháu mời cụ lên chơi ạ.
Bà cụ bỗng tỏ ra rất cảm động, run run bước lên cầu thang. Lan và Tuấn vội đưa tay ra dẫn bà lên gác.
Lên đến nơi, cả ba được mời vào một căn phòng rộng rãi, sáng sủa, bày biện sang trọng. Trên tường treo đầy câu đối sơn son thếp vàng..
Cụ Nga nằm thoi thóp trên một chiếc giường cổ, sau tấm màn sa tanh đã được vén sang hai bên. Cụ nằm bất động, hai mắt nhắm nghiền, xanh xao như một xác chết. Bên cạnh giường, cô Hiền cúi xuống lo lắng nhìn mẹ.
Trong một góc cửa sổ, ông Ân đứng khoanh tay, mắt nhìn xa vời, vẻ mặt buồn bã, khổ sở…
Bà cụ tiến lại gần chiếc giường, quì xuống bên cạnh và nắm lấy bàn tay lạnh giá của bạn:
- Nga ơi, có nghe thấy mình nói không? Diễm đây mà. Diễm khẩn khoản xin Nga quên đi những sự xích mích xưa nhé. Thằng Đức nay đã ra người thiên cổ rồi, Diễm muốn quên đi những nỗi khổ ngày trước. Nga ơi, Diễm đối xử tệ bạc với Nga quá, Nga tha lỗi cho Diễm nhé!
Cụ Nga mở mắt nhìn, nở một nụ cười héo hắt. Cụ thều thào:
- Diễm, Nga không bao giờ giận Diễm cả. Nga rất tiếc khi thấy Đức và Ân có sự hiềm khích… Cám ơn Diễm… đã sang thăm Nga… trước khi Nga lìa đời… Nga sẽ chết với một tâm hồn thanh thản…
Nghỉ một lát, cụ lại tiếp:
- Nga… Nga thường hy vọng… Diễm nhớ truyện khóm trúc và ngôi sao chứ?... Diễm có khóm trúc thật đẹp… là cháu Tuấn… Phải chi trời ban cho… thằng Ân một mụn gái… thì hay biết mấy… thì câu truyện cổ tích kia sẽ còn… mãi mãi…
Cụ ngừng lại nhắm mắt thở hổn hển, mất sức vì nói quá nhiều.
Khi cụ mở mắt ra, cụ buồn rầu nhìn Tuấn và Lan rồi lẩm bẩm:
- Cháu Ngọc Lan… mà còn sống… thì cũng bằng trạc hai cháu đây… Hai cháu ơi, lại gần đây với bà… Bà cầu nguyện cho hai cháu… luôn luôn khoẻ mạnh và sung sướng…
Tuấn và Lan tiến lại gần giường, quì xuống cúi đầu nghe lời cầu chúc chân thành của bà cụ sắp lìa đời. Khi hai trẻ đứng lên, cô Hiền ôm chúng vào lòng vuốt ve. Ông Ân thì tiến lại gần giường đỡ cụ Diễm dậy và cúi rạp mình cảm tạ:
- Cháu thành thật cám ơn bác đã sang thăm mẹ cháu. Xin phép bác cho cháu được hôn hai cháu bé của anh Đức ạ.
Cụ Diễm quá xúc động không thốt được lời nào, chỉ gật đầu tán thành.
Ông Ân ngắm nghía Tuấn một lát rồi nói, mắt long lanh hai giọt lệ:
- Thật giống anh Đức như đúc! Cháu cố trở nên người can đảm như ba cháu nhé. Cháu sẽ làm rạng danh dòng dõi kiêu hùng của Đức Trần Hưng Đạo.
Rồi ông cúi xuống hôn lên trán Lan. Quá cảm động, Lan oà lên khóc. Cô Hiền vội nắm tay em dắt đi.
Cụ Diễm quay sang Tuấn:
- Cháu đưa em về nhà trước đi, bà ở lại đây với Nga. Đến trưa cháu cho xe sang đón bà nhé.
Lúc đó Lan đã nín khóc. Cô Hiền nói với Lan và Tuấn:
- Trước khi về, hai cháu lên thăm ba cô một chút nhé. Cụ đang nghỉ ngơi, nhưng chắc cụ sẽ rất sung sướng nếu được gặp hai cháu đấy… Cụ không nhìn thấy khuôn mặt kháu khỉnh của hai cháu nhưng cụ sẽ nghe hai cháu nói.
Rồi cô dẫn cả hai vào căn phòng làm việc, trong đó cụ Thành đang ngồi ở bàn giấy, gục đầu vào hai bàn tay.
Nghe tiếng chân người, cụ vội ngửng lên, ngước cặp mắt vô hồn lên phía cửa.
Cô Hiền nhỏ nhẹ thưa:
- Thưa ba, con dẫn con anh Đức vào thăm ba. Bác Diễm đang ở cạnh mẹ đó, ba ạ. Thật trời thương mẹ con nên đã đáp lời cầu nguyện được giải mối xích mích giữa hai nhà..
Ông cụ đưa tay rờ rẫm rồi nắm lấy tay Lan và Tuấn:
- Tạ ơn Trời đã thương gia đình ta… Chào hai cháu!
Rồi cụ lẩm bẩm tiếp:
- Tại sao con thằng Ân lại phải chết sớm nhỉ?
Lát sau, khi xuống cầu thang, Lan tò mò hỏi cô Hiền:
- Thưa cô, bức hình trên lò sưởi là hình ai đó ạ?
- Hình chị Ân đấy, chị ấy đang ngồi trong căn biệt thự ở Hải Phòng.
Chiều hôm đó cụ Nga từ trần vào lúc hoàng hôn, khi trên mặt biển còn sót lại vài tia sáng đỏ tía. Cụ như chờ đợi người bạn cũ đến thăm để lìa đời.
Bốn ngày sau, đám tang cụ được long trọng cử hành. Vì rất mến đức độ cụ, nên tất cả dân vùng vịnh Hạ Long đều tiễn đưa cụ tới nơi an nghỉ cuối cùng.
Bà Ân và năm đứa con trai nhỏ từ bốn đến mười một tuổi cũng về đưa đám.
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Biệt Thự Hoàng Lan Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Biệt Thự Hoàng Lan   *_Biệt Thự Hoàng Lan I_icon13Sat 19 Jan 2013, 20:01

Chương 07
GÃ THỌT


Tuấn vừa đạp xe vừa huýt sáo vui vẻ. Em vừa ở nhà thầy Sơn về. Hôm nay em đi một mình vì Lan ra xóm dân chài đem thuốc ho cho vài đứa trẻ. Tuấn rất sung sướng vì mới được thầy khen là thông minh và xuất sắc về đủ mọi môn học. Vừa đi em vừa ngắm biệt thự Hoàng Lan. Chiếc mái ngói đỏ cong cong xây theo kiểu đình cổ, với những viền men xanh sừng sững vươn lên trên ngọn đồi cao khiến ngôi biệt thự có vẻ hiên ngang cao quí của một cung điện hoàng gia. Ánh dương chiếu trên những bức tường đá kiên cố và trên mái ngói viền một đường vàng chói lọi quanh căn biệt thự đồ sộ, trông như dát vàng.
Nhìn căn nhà cổ thân yêu, một niềm thương vô bờ bến dâng tràn trong lòng Tuấn. Em cảm thấy thương yêu nơi chôn nhau cắt rốn của em và cả vùng vịnh Hạ Long hùng vĩ này vô hạn.
Đang say sưa ngắm phong cảnh, ánh mắt Tuấn bỗng dừng lại trên một bóng người lấp ló sau một bụi cây cao phía sau căn biệt thự. Đó là một người đàn ông đội mũ dạ sùm sụp kéo xuống tận mắt. Hình như hắn ta đang rình rập ngõ sau căn biệt thự thì phải. Thỉnh thoảng, hắn thận trọng ló đầu ra một lát rồi lại thụt nhanh xuống. Vừa cúi mình trốn sau rặng cây, hắn vừa lần mò tiến lại gần cửa bếp. Dáng đi khập khiễng khó khăn của hắn, chứng tỏ hắn ta bị thọt một chân.
Tò mò, Tuấn vội ngừng lại xem kẻ lạ mặt định làm gì.
Bỗng vú già xuất hiện trên ngưỡng cửa bếp rồi tiến lại chiếc ghế dài đặt ở sân sau. Vú ngồi xuống ghế chăm chú đan khăn len.
Một lát sau, vú chợt ngửng lên và nhìn thấy đầu gã thọt ló lên khỏi lùm cây. Tuấn thấy rõ vú giật mình lo ngại. Gã thọt ló hẳn đầu lên và nhìn thẳng vào mặt vú già. Vú già mở to mắt kinh hoàng, và mở miệng định kêu cứu.
Tuấn rón rén lại gần định can thiệp nếu gã thọt giở trò gì hoặc hăm doạ vú già, nhưng em trượt chân khiến một hòn đá lăn lốc cốc trên đường. Gã thọt nghe tiếng động vội hoảng hốt quay lại và thấy Tuấn tiến về phía gã. Gã vội khập khiễng chạy vào lùm cây sau biệt thự. Tuấn vội chạy theo, nhưng gã thọt đã biệt tăm. Có lẽ gã xuống ghềnh đá ra bờ biển rồi.
Vú già lại tiếp tục đan như không có gì xảy ra cả. Khi đi qua chiếc ghế dài, Tuấn thân mật chào:
- Chào vú, vú đan khăn màu đẹp quá nhỉ!
Vú già yên lặng như không nghe tiếng Tuấn. Tuấn lại nói tiếp:
- Vú ơi, nếu vú có điều gì lo ngại hay vú sợ ai thì nói cho con biết đi. Bây giờ con lớn rồi, con khỏe lắm, con sẽ bảo vệ vú.
Vú già nhìn Tuấn với cặp mắt nghi ngờ, lẩm bẩm:
- Trông nó hiên ngang như ba nó hồi xưa vậy, lại tốt bụng nữa. Thật là “Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh”.
Rồi vú cao giọng cho Tuấn nghe thấy:
- Tôi chẳng sợ gì cả… một con quạ đen đâu có thể làm tối cả bầu trời xanh được.
Tuấn thở dài chán nản. Em thầm nghĩ: “Vú già lại nói năng lẩn thẩn rồi! ”.
… Nhưng trong lúc đó, gã thọt từ từ đứng dậy sau một bụi rậm, nơi gã ẩn náu từ nãy tới giờ. Gã giơ nắm đấm về phía vú già và hằn học nói:
- “Rồi mày sẽ biết tay tao! Thế nào tao cũng tìm cách gặp mày và đòi cho bằng được cái mà tao đang cần”.
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Biệt Thự Hoàng Lan Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Biệt Thự Hoàng Lan   *_Biệt Thự Hoàng Lan I_icon13Sat 19 Jan 2013, 20:02

Chương 08
VIẾNG MỘ CỤ NGA


Mấy hôm sau, Lan đề nghị với Tuấn:
Anh Tuấn ạ, cụ Nga mất đã đến hơn hai tuần nay rồi ấy nhỉ. Hôm nay rảnh tụi mình đi viếng mộ cụ đi. À, mình ghé qua bờ suối hái ít hoa tươi đem đặt trên mộ cụ nhé.
- Ừ, Lan đi lấy mũ đội vào đi, sáng nay nắng lắm đấy.
Trong chớp mắt, Lan đã trở ra, trên đầu đội một chiếc mũ rơm xinh xắn. Lan và Tuấn vui vẻ dắt tay nhau chạy ra bờ suối. Lan hái một bó hoa thật lớn rồi cùng Tuấn ra phần mộ cụ Nga.
Khi gần đến nơi, Lan vội nắm lấy tay Tuấn:
- Anh Tuấn ơi, ai trông như vú già kìa. Lạ thật, sao vú lại đi thăm mộ cụ Nga?
Tuấn nhìn kỹ, thấy vú già đang đứng cúi đầu trước tấm bia với dáng điệu của một kẻ tội lỗi, vẻ mặt buồn bã. Vừa thấy Tuấn và Lan, vú già vội vã bỏ đi như chạy trốn. Nhưng vừa đi được một quãng ngắn thì vú gặp ngay ông bà Ân cũng tới viếng mộ. Ông bà Ân mở ví dúi vào tay vú một tờ giấy bạc và nói:
- Biếu cụ để cụ ăn quà nhé.
Nhưng vú già lùi lại như người dẫm phải lửa, lắp bắp:
- Không, tôi không lấy đâu! Tôi không cần xin xỏ ai cả. Tôi có cả một kho tàng quí giá kìa! Các người mà biết được thì các người sẽ mua với bất cứ giá nào. Nhưng mà sẽ chẳng ai được trông thấy kho tàng ấy đâu.
Vừa nói, vú vừa chỉ vào chiếc ruột tượng[2] cũ kỹ, bạc màu, buộc ngang lưng. Mặt vú đỏ bừng lên, và mắt vú long lanh trông thật đáng sợ. Rồi vú bỏ đi, vừa đi vừa lẩm bẩm những gì không rõ.
Bà Ân sững sờ kêu lên:
- Trời ơi! Chắc bà cụ ấy lãng trí rồi! Cụ ấy nói gì mà chẳng ai hiểu nổi.
Ông Ân giải thích:
- Đó là vú già bên biệt thự Hoàng Lan đấy mà. Bà ấy lớn tuổi rồi nên có hơi lẩn thẩn.
Ông bà Ân tiến tới ngôi mộ của cụ Nga. Trông thấy Lan và Tuấn đang kính cẩn nghiêng mình trước ngôi mộ, bà Ân thì thầm với chồng, mắt long lanh ngấn lệ:
- Hai đứa nhỏ xinh xắn dễ thương ghê! Đứa bé gái làm em nhớ đến con Lan nhà mình quá! Nó mà còn sống thì nay cũng trạc tuổi này nhỉ. Hai đứa chỉ sinh cách nhau có hai ngày mà con mình thì đã chết đến mười năm nay rồi!
Khi ngửng đầu lên thấy bà Ân đang nhìn mình chăm chú, Lan đỏ bừng mặt e thẹn. Em lễ phép cúi chào ông bà Ân. Bà Ân ôm lấy Lan vuốt ve:
- Cháu có mệt lắm không? Chắc cháu mới chạy từ đâu tới phải không?
Thấy trán Lan nhễ nhại mồ hôi, bà vội lấy khăn ra lau cho em.
- “Cháu cám ơn bà ạ”, vừa nói, Lan vừa ngắm bà Ân bằng cặp mắt thán phục. Rồi em bỗng ngã đầu vào vai bà, thỏ thẻ:
- Bà đẹp và hiền quá! Ước gì cháu có một người mẹ như bà! Mẹ cháu mất đã lâu lắm rồi, cháu thèm có một người mẹ để thương yêu, trìu mến cháu…
Bà Ân âu yếm hôn lên trán Lan. Trong khi đó, Tuấn ngần ngại đứng nhìn nhưng không dám thốt ra những lời như Lan. Thấy vậy, Lan vội nói:
- Bà thương cả anh Tuấn nữa, bà nhé. Anh ấy cũng tiếc nhớ mẹ chúng cháu như cháu vậy.
Bà Ân liền ôm ngay Tuấn vào lòng và hôn lên trán em. Tuấn cảm động nhìn bà, cặp mắt em chan chứa sự biết ơn và lòng cảm mến.
Lát sau, hai đứa kiếu từ ra về. Trên đường về, Lan và Tuấn không còn tung tăng chạy nhảy như lúc đi nữa vì hai em cảm thấy nhớ mẹ vô chừng. Bà Ân đã gợi lại hình ảnh người mẹ thân yêu trong tâm trí chúng, người mẹ mà chúng chỉ còn được ngắm nét mặt dịu hiền trong những tấm ảnh đã phai màu…
Bỗng Lan lên tiếng:
- Anh Tuấn ơi, lạ ghê đi! Ngay lần đầu tiên thấy ảnh bà Ân, em đã thấy quen lắm cơ. Hình như là em có gặp bà ấy ở đâu rồi này.
- Lan lại lẩm cẩm giống vú già rồi! Cả mười năm nay ông bà Ân không về đây chơi mà em lại bảo là quen thì lạ thật!
Rồi như vụt nhớ ra, Tuấn nói tiếp:
- À, đúng rồi! Trông bà ấy giống hình bà tiên vẽ trong truyện Lọ Lem của mình đấy mà.
Lan gật gù nhưng hơi có vẻ đăm chiêu, tư lự.
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Biệt Thự Hoàng Lan Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Biệt Thự Hoàng Lan   *_Biệt Thự Hoàng Lan I_icon13Sat 19 Jan 2013, 20:02

Chương 09
BẤT ĐỒNG Ý KIẾN GIỮA LAN VÀ TUẤN


Chiều hôm đó, Lan và Tuấn đang học bài thì bỗng tiếng chuông cửa reo vang. Lan hoảng hốt kêu lên:
- Có khách, anh Tuấn ơi, có khách! Tụi mình phải trốn đi mới được, không thì thế nào bà cũng bắt xuống chào cho mà coi.
Vốn quen sống với thiên nhiên nên Lan và Tuấn rất ngượng nghịu khi phải ra chào khách của bà. Hai em chỉ sung sướng khi được chạy nhảy tung tăng ở những nơi vắng vẻ, yên lặng như bãi biển hoặc bờ suối. Ra chào khách và ngồi cạnh bà cho khách hỏi chuyện là cả một cực hình đối với hai em. Những khi hứng chí, Tuấn thường so sánh mình với Lỗ-Bình-Sơn trên hoang đảo và Lan với chú Sáu, người giúp việc của Lỗ-Bình-Sơn. Nhiều khi cả hai lại ước ao được sống biệt lập trên một hòn đảo để thoát khỏi cái nạn tiếp khách người lớn. Giá phải bạn của bà có con cháu bằng cỡ Lan và Tuấn thì còn vui, chứ đàng này toàn là các bà các cụ lớn tuổi, chẳng biết phải đối đáp với các cụ ấy ra sao!
Tuấn đã bắt đầu xếp sách vở lại thì Lan thò cổ ra ngoài cửa sổ nhòm xuống nhà và reo lên mừng rỡ:
- Ơ, gia đình ông bà Ân đó mà. Thế thì mình ở lại nhà đi, anh Tuấn nhé. Có cả năm đứa con trai bên ấy sang chắc nói chuyện vui lắm. Vào chào ông bà Ân thì mình đâu có ngượng và đâu có sợ mình giống hai đứa “mọi” con chỉ quen sống trong rừng rú thôi.
Tuấn lắc đầu tỏ vẻ không tin tưởng mấy. Nhưng Tuấn chưa kịp trả lời thì tiếng chị Ba giúp việc đã vẳng lên:
- Chú Tuấn ơi! Cô Lan ơi!
Nghe tiếng gọi, Lan và Tuấn trèo qua cửa sổ và tuột xuống đất.
- Cụ gọi cô chú đấy. Chao ôi! Sao mà tóc cô Lan rối bù như thế này? Còn áo thì nhăn nheo như chưa ủi nữa!
Lan vô tư lắc đầu. Em không hay để ý tới cách phục sức của mình mấy. Em chỉ cần mặc quần áo sao cho sạch là đủ.
Chị Ba lại nói tiếp:
- Ăn mặc thế này không được đâu, cụ mắng chết! Để tôi dẫn cô Lan lên thay quần áo đẹp và chải đầu rồi hãy vào chào khách.
Tuy bực dọc, nhưng Lan và Tuấn cũng ngoan ngoãn theo chị Ba đi sửa soạn.
Khi Lan và Tuấn áo quần tươm tất bước vào phòng khách, bà cụ mỉm cười hãnh diện nhìn hai cháu. Hai em khoanh tay lễ phép cúi chào ông bà Ân và cô Hiền. Bà Ân vuốt tóc Tuấn và hôn lên trán Lan, trong lòng bà rạt rào thương cảm cho hai trẻ bất hạnh bị mồ côi từ nhỏ.
Chào hỏi xong xuôi, hai em lại ngồi cạnh bà. Lan không rời mắt khỏi khuôn mặt dịu hiền của bà Ân từ khi em bước chân vào phòng. Em thắc mắc tự hỏi: “Lạ thật, rõ ràng là mình có gặp bà Ân ở đâu rồi…, nhưng không biết ở đâu nhỉ? ”
Nhưng ngay lúc đó, bà Ân nói với bà nội Lan là bà chưa đặt chân về vịnh Hạ Long này lần nào từ khi đứa bé gái độc nhất của hai ông bà bị tử nạn khi đi chơi suối.
Nghe vậy, Lan tự nhủ thầm: “Thế thì chắc không phải rồi! Chắc tại trông bà ấy giống hình bà tiên trong truyện Lọ Lem nên mình cứ tưởng có gặp ở đâu hay đã trông thấy rồi”.
Ông Ân ngỏ lời xin lỗi bà nội hai trẻ vì cụ Thành không thể thân chinh qua cám ơn được. Cụ đã tật nguyền lại quá buồn khổ vì cái chết của cụ bà nên không được khoẻ lắm. Sau khi chôn cất cụ Nga, cụ Thành không muốn rời biệt thự Tố Nga để đến ở cùng với ông bà Ân. Vì vậy, ông Ân phải xin đổi về vịnh Hạ Lọng. Ông sẽ gởi hai cậu lớn vào một trường nội trú ở Hải Phòng cho ăn học.
Thấy bọn trẻ ngồi lơ đãng và lộ vẻ chán nản, bà cụ bảo Lan và Tuấn dẫn chúng ra ngoài vườn chơi. Được lời như cởi tấm lòng, tất cả các em đều sung sướng bước ra vườn. Vừa ra đến ngoài là chúng đã ríu rít nói chuyện. Bốn bé trai lớn - Trung, Hiếu, Nghĩa và Dũng cứ vây quanh Tuấn mà kể hết chuyện này đến chuyện kia. Còn Lan thì ôm lấy bé Hùng mà nựng. Em bày đủ trò cho bé chơi và làm bé cười khanh khách luôn miệng.
Khi cô Hiền ra gọi các cháu sửa soạn đi về, thấy vậy hỏi:
- Cháu yêu trẻ con lắm phải không?
- Thưa cô, cháu thương chúng lắm. Cháu ước ao có một em trai như bé Hùng.
Anh Hồng vừa ra tới nơi, nghe thấy bèn cười trêu:
- Tuấn nó mà nghe Lan nói vậy chắc nó bực tức lắm đó.
- Không đời nào, Lan vội cãi, Anh Tuấn biết là bao giờ em cũng thương anh ấy nhất sau bà nội mà.
Rồi em phụng phịu:
- Anh Hồng cứ chọc em hoài à!
Vừa lúc đó Tuấn đi tới chỗ Lan đứng. Nghe thấy vậy, Tuấn trìu mến nhìn em!
Trước khi ra về, bà Ân căn dặn Lan và Tuấn:
- Khi hai bác dọn về đây, các cháu nhớ sang chơi với các em luôn nhé.
- Vâng ạ, chúng cháu sẽ sang luôn.
Chiếc xe vừa ra khỏi cổng, người ta bỗng thấy bóng dáng lom khom của vú già in lên nền trời đỏ tía. Vú nhìn theo cho tới khi chiếc xe khuất sau chân đồi, mỉm một nụ cười đanh ác và mỉa mai. Không biết vú đang nghĩ gì… Rồi với vẻ đắc thắng trên khuôn mặt nhăn nheo móm mém, vú nhắc đi nhắc lại:
- Nếu các người biết là ta có kho tàng quí ấy, thì bao nhiêu tiền các người cũng phải bỏ ra mua cho bằng được.
Trong xe, bà Ân đã trông thấy bóng dáng đen xậm của vú già trên đỉnh đồi. Bất giác bà ôm bé Hùng vào lòng như để che chở. Bà nói với chồng:
- Mình ơi, lại bà cụ đó nữa kìa! Sao thấy bà đó tự nhiên em sợ quá hà…
Nhưng ông Ân đã mỉm cười trấn an:
- Có anh bên cạnh che chở cho em và các con đây, em đừng sợ.
***

Tối hôm đó, Lan và Tuấn không ngớt bàn tán về cuộc viếng thăm của gia đình ông bà Ân. Mỗi em nghĩ một khác về cuộc thăm viếng này.
Lan thì rất sung sướng vì gặp được ông bà Ân và cô Hiền mà em rất ngưỡng mộ. Còn Tuấn thì vui vẻ không kém vì được gặp những bạn trai cùng tuổi để bàn bạc về việc học.
Tuấn đăm chiêu tâm sự với Lan:
- Lan à, học với thầy Sơn anh thấy không thu thập được nhiều vì thầy đã đứng tuổi lại không theo sát với chương trình học mới nên chỉ dạy những gì học sinh học cách đây đã mấy năm rồi. Về giảng văn thì anh thấy khá hơn Trung và Hiếu bên bà Ân, nhưng về toán thì dùng sách quá cũ nên anh không được học hỏi những điều mới ra cho chương trình năm nay… Thấy mình thua kém về môn này, anh buồn quá. Nếu mà anh thi tú tài chậm thì khó mà vào trường hải quân được.
Ngừng một lát, Tuấn rầu rầu tiếp:
- Trung kém anh một tuổi mà có vẻ giỏi hơn anh nhiều. Nếu học chung chắc Trung sẽ vượt anh xa.
Lan đánh một câu triết lý:
- Còn anh thì đứng hạng nhì. Hạng nhì là khá lắm rồi còn gì nữa. Anh nhiều tự ái quá à! Tại sao lại cứ phải đứng hạng nhất mới được cơ!...
- Đối với Lan thì thứ hạng không quan trọng chứ đối với anh là trai thì lại khác. Làm trai phải học giỏi mới làm nên được chứ. Anh chỉ cầu mong bà nội hiểu rằng anh cần được vào trường học.
- Nhưng muốn đi học thì anh phải vào nội trú tận Hải Phòng cơ. Lại phải xa bà, xa em và xa nhà nữa!
- Anh biết chứ. Nhưng nhớ nhà thì nhớ, anh cũng phải lo học cho nên người và nối nghiệp ba. Trung và Hiếu bên bác Ân được gửi vào trường đấy.
- Thôi anh Tuấn ơi! Anh đừng đi nhé! Ở cả năm ở đây một mình em buồn chết.
- Thế thì anh nói với bà gửi em vào học trường nội trú riêng cho nữ sinh vậy nhé.
Lan dẫy nẩy:
- Không bao giò em vào nội trú đâu! Em không chịu được đời sống tù túng trong bốn bức tường đâu! Em quen chạy chơi ngoài bãi biển bao la cả ngày và không bị gò bó rồi. Nếu bắt em suốt ngày phải học và chơi theo tiếng chuông reo, đi ngủ đúng giờ đúng giấc hàng ngày thì em phát điên lên mất!
- Lan à, em nhầm rồi. Cuộc sống này không thể kéo dài mãi mãi được. Nếu ba mẹ còn thì chắc ba mẹ đã gửi anh em mình vào trường lâu rồi. Ở đây cả đời chắc chúng ta sẽ trở thành những kẻ dốt nát và vô dụng. Em nên nhớ thầy mình vẫn thường dạy câu:
“Ngọc kia chẳng chuốt chẳng mài,
Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi.
Con người ta có khác gì,
Học hành tấn tới, ngu si hư đời.”
Chúng mình may mắn không ngu dốt thì phải ráng học hành, sau mới ra giúp đời được chứ. “Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời” là câu châm ngôn in trên các quyển vở mình dùng hàng ngày mà em quên sao?
Lan buồn bã ngồi nghe, lặng thinh không nói câu nào. Tuấn lại tiếp:
- Lan biết không, từ khi nói chuyện với Trung và Hiếu, anh chỉ mong được đi học cùng tụi nó thôi.
Lan oà khóc:
- Thế là anh không thương em phải không? Ba mẹ đã mất rồi, còn có hai anh em mình côi cút, nay anh lại bỏ em mà đi thì em sống với ai? Bà nội đâu có thời giờ mà chơi với em cả ngày như anh vậy… Thôi, em lạy anh đó, anh đừng đi xa nhé! Anh đừng xin bà vào trường nhé, anh Tuấn nhé!
Vừa nói Lan vừa lay lay Tuấn, vẻ mặt cầu khẩn. Tuấn vuốt tóc em an ủi:
- Lan à, em còn ngây thơ quá. Em chưa hiểu sự học cần thiết như thế nào. Anh cam đoan với em là đến nghỉ hè anh về chơi thì còn vui gấp mười hàng ngày anh ở cạnh em nữa kìa.
Thấy Lan vẫn còn thổn thức, Tuấn giảng giải:
- Anh phải học hành đàng hoàng để trở thành sĩ quan hải quân như ba vì thi Tú tài khó lắm. Học với thầy Sơn thì không đủ sức đỗ đâu. Thi mà rớt thì anh chỉ thành một kẻ vô dụng, ăn bám vào gia đình. Lúc đó cả tương lai của dòng họ Trần sụp đổ. Chỉ còn mình anh để nối nghiệp mà anh làm thế thì có tội với tổ tiên lắm.
Và em đùa cho Lan vui:
- Lúc ấy chắc tượng đức Thánh Trần sẽ cau mày chứ không mỉm cười đâu.
Nghe thế, Lan đang khóc cũng phải bật cười. Trí óc giàu tưởng tượng của Lan đang phác họa ra hình ảnh bức tượng đang cau mày giận dữ. Eo ơi! Chắc trông sợ lắm nhỉ?
Thấy vậy, Tuấn hy vọng tiếp:
- Lan nói với cô Hiền xin bà nội cho anh đi học nhé. Cô Hiền mà xin hộ thì chắc được.
Nụ cười vô tư tắt ngay trên môi Lan. Em bỗng cau mày, dậm chân tức tưởi:
- Không! Em không nói đâu! Anh chỉ thích đi xa thôi. Anh chẳng thương em chút nào cả. Giá phải ba mẹ còn sống thì đâu đến nỗi nầy! Thôi, anh đừng nghĩ đến việc đi học nữa đi.
Tuấn lắc đầu thở dài ngao ngán. Làm sao cho Lan hiểu là mộng ước thành sĩ quan hải quân là một giấc mơ thiêng liêng, là truyền thống hào hùng của dòng họ Trần bây giờ? Lan mà không hiểu em thì còn ai hiểu em nữa?...
Tuy vậy, tối đó Tuấn cũng lái câu chuyện sang việc học hành và xin bà cho vào trường. Em mới thốt ra câu hỏi là bà nội đã từ chối ngay. Cụ bảo em còn nhỏ quá chưa cần vào trường vội, để vài năm nữa rồi hãy hay. Bây giờ học thầy Sơn là đủ rồi. Thông minh như Tuấn thì theo kịp các bạn có khó gì.
Đêm đó, Tuấn thao thức nằm khóc thật lâu. Trong nhà không ai hiểu em cả, không ai hiểu chí làm trai đối với em quan trọng tới mực nào… Cứ nghĩ đến ông Ân là nước mắt Tuấn lại trào ra. Ông Ân thật là một người cha lý tưởng, hiểu con cái và lo cho tương lai các con. Em thấy mình thật bất hạnh vì thiếu sự săn sóc của một người cha.. Bà nội thì đã già, lại quá thương cháu nên không muốn em đi xa là phải!
Nằm trằn trọc mãi, Tuấn bỗng nghĩ ra một cách để lung lạc bà. Tháng sau, ông bà Ân dọn về biệt thự Tố Nga, em sẽ nhờ ông Ân xin với bà cho đi học cùng với Trung và Hiếu bên đó. Chắc bà sẽ nể mà nhận lời. Vả lại, vốn là một người cha hiểu con, ông Ân sẽ biết tìm lời khôn khéo thuyết phục bà và giúp em thực hiện mộng hải hồ. Em mỉm cười ngâm nga:
“Đã mang tiếng đứng trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông”.
Trong khi đó, ở phòng bên Lan đang vẫy vùng trong một cơn ác mộng. Em thấy bà gửi mình vào một trường nội trú rất khe khắt. Em lạc lõng trong đám trẻ ngoan ngoãn mặc đồng phục và khổ sở khi phải ngồi thật yên lặng trong giờ học. Em hoảng hốt kêu lên nhưng họng em như cứng lại và không tiếng kêu nào thoát ra được. Chân tay em cứng đờ, không động đậy nổi! Em cố vùng vẫy, la hét và cuối cùng giật mình tỉnh dậy thấy… mình nằm trên giường trong biệt thự Hoàng Lan! Thì ra cả câu chuyện khủng khiếp kia chỉ là một cơn ác mộng…
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Biệt Thự Hoàng Lan Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Biệt Thự Hoàng Lan   *_Biệt Thự Hoàng Lan I_icon13Sat 19 Jan 2013, 20:03

Chương 10
GÃ THỌT HĂM DỌA


- Anh Hồng ơi, anh có thấy Tuấn đâu không?
- Không… Ôi chao, tội nghiệp chưa! Tuấn nó đi chơi mà không rủ em đi cùng à? Để bé Lan của anh phụng phịu thế kia kìa!
Lan hớt hải đi tìm Tuấn. Em phải kể cho Tuấn nghe câu chuyện “ghê gớm” này mới được! Cách đó độ nửa tiếng, một kẻ lạ mặt trông có vẻ gian ác đã đón em ở chân đồi và nhờ em cho hắn gặp vú già. Em chỉ cho hắn chỗ vú vẫn thường ở rồi lên phòng làm bài.
Nhưng một lát sau, khi em nhìn ra cửa sổ tìm “nguồn cảm hứng” để làm luận, em bỗng thấy gã lạ mặt đang giơ tay hăm doạ vú già trong khi vú cứ khăng khăng không trả lời gã. Thỉnh thoảng vú già lại gục đầu vào tay tỏ vẻ mệt mỏi, chán chường.
Thế là Lan hấp tấp chạy xuống tìm Tuấn để rủ Tuấn ra xem gã lạ mặt định giở trò gì. Lan rất thương vú nên em không đành để vú bị ai hăm doạ.
“Thôi, tìm Tuấn không được thì đi một mình vậy”, Lan nghĩ thầm. Em can đảm gọi Vàng và Mực rồi lại gần kẻ lạ mặt.
Vừa tới nơi, Lan nghe thấy tên đó nói với vú:
- Tao cần “xìn”[3] lắm. Mày mà không đưa cho tao, tao sẽ có cách bắt mày phải đưa. Mày bảo mày cạn tiền hả? Láo! ở đây người ta quá tử tế với mày, tháng tháng cho mày tiền mà! Hừ, họ mà biết là mày chẳng đáng được đối xử tử tế tí nào, thì không biết họ nghĩ sao?
Lan nghe vậy tức quá vội nhảy qua chiếc hàng rào thấp và lại gần vú già. Hai con chó chồm tới kẻ lạ mặt đánh hơi làm hắn sợ quá lùi lại một bước. Hắn quay sang phía Lan, bực tức nói:
- Giữ chó lại đi.
Lan nghiêm mặt nhìn hắn:
- Ông muốn làm gì vú già, hả?
Gã kia thấy vẻ mặt cương quyết của Lan, vội dịu giọng:
- Chẳng làm gì cả, cô ạ… Gớm, sao cô bảo vệ vú già thế? Cô thương vú lắm à?
- Tôi thương vú lắm, vừa nói, Lan vừa bá lấy cổ vú già.
Gã lạ mặt cười lên hô hố và mỉa mai nói:
- Ha ha… mụ già được hai đứa sinh đôi bảo vệ ghê quá nhỉ. Thế mà mày chả đáng chút nào cả.
Lan bực tức nhìn hắn:
- Ông muốn gì? Ông là ai? Chưa bao giờ tôi thấy ông ở vùng này cả.
- Ồ, có chứ! Cô có gặp tôi một lần ở ngay gần đây mà chắc lâu quá rồi nên cô quên mất. Cả mụ già này cũng quên tôi luôn. Tôi bỏ xứ ra đi từ lâu. Tôi mới trở lại đây được mấy hôm để đòi mụ ta một món nợ xưa… Tôi là bạn với chồng mụ ấy.
- Ông ấy mất đã năm năm nay rồi mà.
- Tôi biết chứ, nhưng tôi cũng muốn gặp mụ này nữa. Gớm, hồi này trông mụ ấy già hẳn đi và hom hem ra.
Lan ngây thơ đáp:
- Mọi người ở đây đối xử tử tế với vú già lắm mà. Nhưng vú lại chẳng muốn nhận gì cả.
- Chắc có một lý do gì cho nên mụ ấy mới không dám nhận đấy chứ…
Vừa nói, hắn vừa nhìn vú già bằng cặp mắt quỷ quyệt và độc ác. Rồi hắn gằn giọng:
- Có một mối lo khiến mụ ấy mất ăn mất ngủ nên người mới xác xơ đi như thế ấy. Chồng mụ còn thiếu tôi tiền và tôi tới đây để đòi món nợ đó…
Một tia sáng hằn học loé lên trong cặp mắt ti hí, gian giảo của hắn.
Lan nghe vậy tức lắm. Em quay sang nói với vú già:
- Vú ơi, đừng đứng đây nữa. Vào trong nhà với con đi. Nếu vú không đủ tiền trả nợ thì cứ nói với bà nội, bà sẽ trả hộ cho. Bà mà biết bác Cả nợ ông này thì thế nào bà cũng trả ngay.
Gã lạ mặt tỏ vẻ khoái trá khi nghe Lan nói thế. Hắn cười khà khà, gật gù:
- À, cô bé nói hay đấy. Tôi sẽ đi gặp cụ chủ nhà và nói chuyện với cụ ấy mới được.
Vú già nghe vậy run lẩy bẩy, toát mồ hôi. Mặt vú xanh mét sợ sệt.
- Không, không, tôi van chú. Chú cứ yên tâm, tôi sẽ trả tiền cho chú.
Lan kéo vú ra phía động đá sau vườn. Thấy gã lạ mặt bước đi khập khiễng, em thương hại nói:
- Ông nực lắm không? Ông vào bếp đi, tôi sẽ bảo chị Ba cho ông một ly nước chanh tươi, rồi ông đi khỏi đây và đừng bao giờ trở lại nữa nhé.
- Thôi, cám ơn cô. Tôi chỉ cần lấy lại món nợ của tôi thôi… Mụ già nên nhớ là tao ở quán chú Hai Gà… và thế nào trước khi tao ra đi, tao sẽ còn gặp mày nữa.
Khi thốt ra câu cuối, hắn dằn từng tiếng với vẻ mặt đe doạ. Đi được vài bước, hắn bỗng dừng lại nhìn theo Lan đỡ vú già ra chiếc động đá. Hắn lẩm bẩm:
- Thật là đáng thương khi thấy người ta nhầm lẫn như vậy!...
Khi Lan kể lại cho Tuấn nghe vụ gã lạ mặt doạ nạt vú già, Tuấn vội hỏi ngay:
- Có phải hắn thọt chân không? Chắc chính hắn là người anh trông thấy đang rình rập nhà mình hôm nọ đó.
- Chính hắn rồi! Hắn trông dữ tợn ghê làm em lo cho vú già quá đi mất thôi. Hắn hẹn vú tới quán chú Hai Gà. Hôm nào vú đến gặp hắn, mình phải đi theo đề phòng bất trắc và bảo vệ vú nhé.
Nhưng nhiều ngày trôi qua mà không thấy vú ra khỏi biệt thự. Lan và Tuấn yên chí rằng, vú đã quên những lời đe doạ vu vơ của gã thọt.
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




*_Biệt Thự Hoàng Lan Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Biệt Thự Hoàng Lan   *_Biệt Thự Hoàng Lan I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
*_Biệt Thự Hoàng Lan
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 2 trangChuyển đến trang : 1, 2  Next

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: Truyện Sưu tầm :: Tủ sách Tuổi Hoa :: Hoa đỏ-