Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 06:59

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:17

KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45

KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22

NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20

KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08

Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54

Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10

7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10

Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07

Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36

Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09

Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46

Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06

Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04

DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19

Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37

Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34

TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17

CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05

Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41

Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 *_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông Empty
Bài gửiTiêu đề: *_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông   *_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông I_icon13Sat 19 Jan 2013, 07:07

/]*_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông CHIEC_BAY_KY_NHONG

Thông tin ebook
Tên truyện: Chiếc Bẫy Kỳ Nhông
Tác giả: Thụy Ý
Thể loại: Văn học trong nước
Nhà xuất bản: Tuổi Hoa
Tủ sách: Tuổi Hoa - Hoa Xanh
Số quyển / 1 bộ: 1
Hình thức bìa: Bìa mềm
----------------------------------

Chương 01

Thằng Xù ngồi giữ nồi đến khi gần cạn, nó lấy cái mo cau gói cơm thường ngày đem rửa rồi lau khô. Nó ra hè kiếm lá chuối khô gói muối sống mang theo ăn với cơm. Xong đâu đấy, nó mang mo cơm, lấy nón và xách rồi ra tháo cổng chuồng bò. Dưới vòm trời còn đầy sao, bầy bò và nó lủi thủi, lặng lẽ trên đường mòn tiến về mé rừng. Khi nó và bầy bò đến nơi thì thằng Tý và thằng Xuân cũng vừa lùa bò đến. Chúng hợp nhau đánh bò vào rừng, treo những mo cơm lên cây rồi đi kiếm củi về thổi lửa. Trời còn lạnh nhiều. Ba đứa nhúm bếp củi khô, lửa ngọn rồi than hồng. Chúng nằm gác lên nhau đánh một giấc tới khi mặt trời mọc cả sào mới thức dậy. Trong khi Xuân và Tý còn ngái ngủ thì thằng Xù đã nhanh chân chạy biến vào rừng. Một lát nó mang về một ôm củi thật lớn. Sở dĩ thằng Xù phải đi nhặt củi một mình, là vì ngoài số củi nó mang về, nó còn nhặt dùm cho thằng Xuân vì bạn nó hôm nay bệnh, và một phần để đổi mắm với thằng Tý. Xù trở lại thấy chỉ có thằng Xuân nằm bên đống than sắp tàn. Nó vứt bó củi chạy đến quỳ bên canh bạn, đặt tay lên trán, trán thằng Xuân nóng ran. Nó lay hỏi:
- Thằng Tý đâu một mình mày nằm đây hả? Khát nước không tao lại suối múc cho?
Thằng Xuân lắc đầu mệt nhọc:
- Tao không khát nước. Thằng Tý nó chạy lại khe Mít coi sao mà bò rống dữ quá.
- Mày đói chưa? Để tao lấy cơm cho ăn nghe!
- Miệng đắng lắm, tao không muốn ăn gì hết.
- Hay để tao đi hái mít rừng về luộc chấm muối cho mày ăn, khỏi lạt miệng?
- Mày nhớ kiếm vài trái ớt giã muối đi Xù.
- Ư, mày chờ tao tí nghe.
Xù chạy lại gốc cây xách ống nước lại để bên Xuân, nói:
- Có khát với tay lấy uống, thôi tao đi.
Xù lủi thẳng một mạch đến rẫy sắn, mấy cây mít rừng nặng trĩu trái. Nó ngắm nghía một chập rồi bỏ đi, vừa lẩm bẩm:
- Mít rừng mà ở trong rẫy của người ta mình cũng không nên ăn trộm.
Nó đi quanh, tìm một lát cũng chả thấy mít rừng nào nữa, nó nghĩ bụng:
- Hay là mình xuống suối bắt ốc rồi đi hái lá giang về nấu canh chua cho thằng Xuân nó ăn.
Nghĩ thế, nó vừa rảo bước về hướng bờ suối vừa gục gặc đầu. Nó vừa lom khom lượm từng con ốc vừa nhoẻn cười nói một mình:
- Chà, cái món canh ốc nấu chua này chưa nấu mà mình đã thấy thèm rỏ dãi.
Nói chưa dứt câu nó đã nuốt nước bọt. Bắt được vài con ốc. Nó lật đật quay về. Nó lấy ống tre bỏ ốc vào luộc chín, bỏ ra đập đít rồi lấy gai lể ra khỏi vỏ cứng. Xong nó lấy lá giang bỏ với ốc trong ống tre rồi bắc lên lửa. Chờ nước sôi nó bốc muối bỏ vào ống. Canh chín nó đổ ra gáo dừa đem lại cho bạn ăn. Nhưng mặc nó lay gọi khan cổ, thằng Xuân vẫn nằm im lìm. Ánh nắng của mặt trời chiếu vào mặt thằng Xuân, nó lật đật đi bẻ lá lót dưới bóng mát gốc cây rồi đỡ bạn lại đó nằm. Thằng Xuân cứ rên rỉ, và mửa tràn ra quần áo. Xù năn nỉ:
- Xuân ơi, ráng nuốt miếng cơm đi mày.
Thằng Xuân vẫn chẳng nói chẳng rằng, cứ nằm nhắm mắt. Thằng Xù bắt đầu lo sợ. Nó nhìn quanh chỉ có mấy con bò với những hàng cây. Thằng Tý chưa thấy trở lại. Phần bò không ai chăn, phần thằng Xuân đau nặng. Xù nghĩ bụng:
- Nói dại, nếu thằng Xuân có bề gì mình biết làm sao đây?
Nó định chạy đi tìm thằng Tý, nhưng nhìn lại thằng Xuân rên rỉ lại không dám đi. Nó bước lại bên thằng Xuân, nhìn bạn mà lòng se lại. Từ sáng đến giờ chưa có hột cơm vào bụng, Xù vẫn chưa thấy đói. Đến khi mặt trời cách núi chừng một sào, thằng Tý mới lần về. Xù ra dấu bảo Tý đi nhè nhẹ để cho Xuân nằm. Thằng Tý không hiểu định lên tiếng hỏi thì thằng Xù đã vội chạy đến bịt miệng Tý lại, nói nhỏ vào tai bạn:
- Để yên cho nó nằm, nó đau nặng lắm. Nghỉ một lát may ra nó khỏe chứ nếu nó về không nổi thì tụi mình cũng chả biết làm sao!
Sẵn không ưa Xuân, Tý bĩu môi:
- Nó ở lại thì mặc nó, mắc gì mày phải lo?
- Bộ mày định bỏ nó lại một mình à?
Xù gay gắt hỏi.
- Thì mình lùa bò về rồi báo cho chủ nó biết để ổng lo cho nó là được chứ gì.
Xù lắc đầu:
- Không được, tao thấy làm vậy tội chết. Tụi mình đi hết rồi lỡ ra nó có chuyện gì thì sao?
Tý hất hàm:
- Mày thương nó thì ở lại với nó, tao về. Tao ngán cái roi mây của lão chủ tao quá rồi.
Nghe nhắc đến cái roi mây, Xù bỗng nổi gai ốc. Nó thấy lạnh một đường cong xương sống. Nó nghe như tiếng roi vụt đen đét bên tai. Nó nhắm mắt lại, hình dung chiếc roi mây to bằng ngón tay cái bà Hương Thêm - Nó nhớ lại…
Ngày dì Bảy đem nó đến ở với bà Hương Thêm, nó bị trả một giá rẻ mạt, dì nó nhùng nhằng không chịu. Nhưng nghĩ đến mẹ nó cần thuốc chạy chữa, nó cắn răng nhận lấy một ngàn bạc cho một năm ở đợ chăn bò. Thật ra nó tên Tâm, nhưng vì tên nó trùng với một đứa cháu nội của bà Hương nên bà sửa tên nó là Xù. Từ đó, người ta như quên hẳn cái tên thật xưa kia của nó, ngay chính nó cũng vậy. Nó nhớ cái tên cũ như một dĩ vãng xa xôi.
Có lần, mấy đứa cháu của bà Hương Thêm ở Sài Gòn về nghỉ hè. Nó không dám quen với đứa nào hết vì bà Hương có dặn cháu là “đừng đến gần thằng Xù, nó chăn bò dơ lắm, rồi sanh ghẻ thì khổ”. Nó tủi thân, nhưng nghĩ phận mình nên thôi. Thằng Sơn đứa cháu bà Hương trạc tuổi nó, một hôm lân la lại gần chỗ nó nghỉ, làm quen rồi hỏi nó:
- Ba mày là ai mà mày phải đi ở đợ vậy hả? Sao mày không đi học như tao, rồi mai kia mày làm gì?
Câu hỏi có vẻ phũ phàng, thằng Xù vẫn đáp ngay thật:
- Tui không có cha - nó bỏ chữ “tao” quen thuộc thường dùng với bạn bè - Mẹ tui nghèo nên phải đi làm lấy tiền cho bả uống thuốc. Lớn thì tui cũng đi chăn bò như giờ.
Đứa trẻ con nhà giàu cười rộ, đi kêu các anh nó, mách vang lên:
- Mấy anh coi thằng nhỏ này ngộ ghê, nó nói lớn nó cũng chăn bò như giờ chứ không thèm đi học
Các anh thằng Sơn cười rộ, bà Hương nghe được câu nói của cháu, xen vào:
- Chứ mấy cháu bảo nó làm gì hơn là đi chăn bò bây giờ. Ngữ đó, làm được chăn bò là may rồi. “Con vua thì lại làm vua, con thầy chùa thì quét lá đa chứ sao”.
Thằng Xù cảm thấy chua xót. Thằng Sơn như chưa vừa ý, nói thêm:
- Mày không có cha thành ra mày không được đi học. Thế mày cũng không biết tên cha mày hồi đó nữa sao?
Thằng Xù lắc đầu. Sơn được dịp khoe thêm:
- Tao có cha, cha tao tên Nguyễn Nhiều. Cha tao là bình luận gia đài phát thanh nè. Chức lớn lắm mày biết không.
Thằng Xù không trả lời. Nó không muốn thằng Sơn nói tiếp để phải nghe thêm nhiều chua xót. Những đêm nằm trên ổ rơm, cơm chiều chưa đủ no, vừa lạnh, nó thường ray rứt nhớ đến những ngày ấu thơ đầy sung sướng sống bên mẹ. Mẹ nó không giàu, nhưng lam lũ cũng đủ nuôi nó bữa canh bữa cá. Nó vô tư trong vòng tay mẹ hiền mà không cần tìm biết cha nó là ai. Mẹ nó dạy nó biết nhịn nhục, vâng lời và nhất là giữ kinh hôm kinh mai. Đã nhiều lần nó bị đòn oan chỉ vì dậy sớm, lo đọc kinh mà không kịp trả lời câu hỏi nào đó của bà Hương Thêm. Nó nhớ hoài sự tích chuyện hai thằng bé đầy tớ lành dữ mà mẹ nó đã kể. Chuyện thuật rằng: có một ông vua nó tánh rất dữ dằn và tuyệt đối không tin Chúa, trong khi hoàng hậu vợ ông ta lại hiền lành và siêng đọc kinh, xem lễ. Vua và hoàng hậu có nuôi hai người hầu. Tên hầu vua cũng ngang ngược vô thần, còn thằng nhỏ hầu hoàng hậu rất ngoan đạo. Một hôm, tên hầu vua ton hót với người rằng tên đầy tớ của hoàng hậu ưa phách lối, khinh thường nhà vua. Vua giận lắm nên mật sai người đến một lò làm gạch vôi ngoài thành dặn rằng: “Sáng mai, hễ người đầy tớ nào đến lò thì ông cứ bắt nó bỏ vào lò vôi”. Sáng hôm sau, vua tìm cớ mượn tên hầu của hoàng hậu sai đi ra ngoài thành, đến lò vôi, cốt ý để nó bị giết. Thằng bé ra đi, vô tư sau khi đọc kinh sáng. Nhưng giữa đường nó gặp một ngôi nhà thờ đang dâng lễ, thế là lòng đạo đức khiến nó vào dự hai lễ liên tiếp và quên hết việc đức vua đã dặn. Ở hoàng cung nhà vua thấy tên hầu của hoàng hậu lâu về, nên sai tên hầu của mình đến lò vôi để hỏi tự sự. Nhưng tên này vừa đến thì chủ lò vôi liền bắt luôn hắn bỏ vào lò, vì hắn là người đến trước.
Khi dâng lễ xong, tên hầu của hoàng hậu đến và hỏi chủ lò “việc vua dặn đã làm chưa” thì người này thưa: “mọi việc đã xong rồi”. Tên đầy tớ lành trở về, nhà vua nhìn thấy nó, ngạc nhiên hỏi, và chú ta cứ sự thật thưa lại, nhà vua mới nghiệm ra là người nào tin Chúa sẽ được che chở, và từ đó ngài cũng xin rửa tội để được làm con Chúa.
Câu chuyện trên ăn sâu vào đầu óc non nớt của thằng Xù, và nó ước ao cũng sẽ gặp những thử thách như thế xem mình có vượt qua đươc không.
Những ý nghĩ đưa thằng Xù đi thật xa hiện tại. Khi nó chợt giật mình thì nghe tiếng động bên cạnh: thằng Xuân đang lồm cồm bò dậy. Nó hỏi bạn:
- Mày về được không? Tao đi với mày, thằng Tý về trước rồi.
Thằng Xuân lê những bước nặng nề đến bên bạn, giọng nó uể oải:
- Tao biết mày thương tao, mày tốt lắm, nhưng mày cho bò về đi, tao đi một mình được rồi. Không có về mày bị đòn à.
Thằng Xù nghe bạn nói có lý, nhưng nó vẫn ái ngại dùm Xuân. Sau cùng Xuân năn nỉ mãi, nó mới chịu lùa bò về hướng nhà chủ.
* * *
Bà Hương Thêm đang đợi thằng Xù với cây roi trên tay. Bà đứng ngay cửa chuồng bò với vẻ hung hăng làm đứa trẻ chùn bước. Nó lùa bò vô chuồng rồi len lén nhìn bà. Bà nghiến răng hỏi:
- Thằng kia, đi đâu giờ này mới về?
- Dạ…
Thằng Xù tính nói chuyện bạn nó bị bệnh nhưng chưa kịp thì cây roi trên tay bà Hương Thêm đã quật tới tấp vào người nó. Nó vừa né vừa quỳ xuống đất van lạy:
- Xin bà tha cho con, tha cho con…
Nhưng cây roi vẫn như cái máy nhịp trên khắp người thằng bé khốn khổ. Đến khi chừng như mỏi tay bà Hương mới thôi. Bà nhìn nó bằng tia mắt đỏ lửa, vừa quát:
- Cút đi đồ ăn hại. Chưa chết là phúc cho mày đó.
Và bà bỏ vô nhà, mặc thằng Xù quằn quại trên đống rơm khô với những lằn roi làm rướm máu từng khoản trên người.
Thằng Xù nằm trên ổ rơm, vừa lấy tay vốc muối xoa lên chỗ bầm, rát đến khóc lên được, nhưng nó cố bậm môi chịu đựng cho tan những cục máu đông. Nó biết nó chỉ cần rên lên một tiếng là bà chủ sẽ xuất hiện, và chén thuốc muối của nó sẽ bị đá đổ ngay.
Đứa bé lăn lộn, ứa nước mắt trong sự nhức nhối của cơ thể. Nó ôm lấy hai bên vai; những lằn roi hằn lên như cái mương ngoài ruộng. Nó cảm thấy chua xót. Và, từ trong cổ họng đứa bé bỗng thốt lên hai tiếng “Mẹ ơi” đầy nghẹn ngào.


Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông   *_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông I_icon13Sat 19 Jan 2013, 07:08

Chương 02

Cả tuần nay thằng Xù như kẻ mất hồn. Nó đem bò đi ăn, lùa bò về chuồng như một cái máy. Nước mắt luôn luôn làm đỏ mắt mũi nó. Thằng Xuân không ngớt an ủi nó:
- Thôi mày đừng buồn, mẹ mày chết mày có khóc cũng không sống lại được.
Phải, nó cũng biết thế. Mẹ nó đã chết thì không làm sao sống lại được nữa. Nhưng nó nhớ má nó quá, nó thương má nó quá.
“Mẹ ơi! Mẹ ơi! Sao mẹ bỏ con mà đi. Từ nay còn ai thương con nữa mẹ ơi”.
Nó kêu gào như thế đến khan cổ họng. Mặc, người ta vẫn cứ bỏ mẹ nó vào bốn tấm ván ghép thành cái hòm để khiêng ra huyệt lấp đất lại. Mẹ nó đã vĩnh viễn nằm trong lòng đất. Nó khóc vì biết không bao giờ nó còn thấy mặt mẹ nữa.
Càng ngày, chủ thằng Xù càng đối với nó tàn tệ thêm lên. Nó không ngớt bị những trận đòn bầm da tím thịt. Nó vẫn kiên nhẫn chịu đựng. Chính nó nhiều lúc không hiểu sao mình lại có thể chịu đựng đến thế. Có một lần thằng Xuân rủ nó trốn đi, nhưng nó cho rằng thằng Xuân thương nó rồi nói bậy. Nó không thích “ăn cướp” tiền công mà dì Bảy đã lấy của bà Hương Thêm để chạy chữa cho mẹ nó bao giờ.
Chỉ còn hơn tuần nữa là thằng Xù mãn năm ở cho bà Hương Thêm. Nó suy nghĩ không biết dì Bảy nó có lên dẫn nó về quê không? Hay là nó sẽ bơ vơ? Nó sẽ ăn đâu, ở đâu cho qua ngày tháng? Chắc chắn là nó không thể tiếp tục ở với bà Hương Thêm rồi, vì nó quá sợ những trận đòn tàn nhẫn của người đàn bà giàu có ấy.
Nó muốn được trở lại nhà để thăm mộ mẹ nó. Chắc cỏ đã mọc xanh lắm rồi? Nó sẽ nhổ cỏ sạch trên mộ mẹ nó, nó sẽ ngồi cạnh mộ mẹ nó để kể lể những thương nhớ của đứa con lâu ngày xa mẹ. Nó chợt ao ước mình được như con của Phạm Công - Cúc Hoa trong chuyện đời xưa mà thằng Xuân kể cho nó nghe: hai đứa trẻ ra than thở bên mộ mẹ, vì gặp bà dì ghẻ độc ác, rồi mẹ chúng hiện lên an ủi hai đứa trẻ thơ ngây… Thằng Xù muốn được thấy lại mẹ nó một lần, dù bây giờ mẹ nó đã chết.
* * *
Đứa trẻ lạc loài đi lang thang trên con đường nhỏ dẫn lối về làng xã. Nó bước từng bước rời rạc. Cổ nó khô và đắng như ngậm ngải mà thật ra nó chưa biết ngải là gì nhưng chắc là đắng ghê lắm nên người ta mới nói vậy. Nó cảm thấy nặng nề và tưởng như đôi chân khẳng khiu của nó không giữ nổi thân hình ốm nhom nữa. Từ chiều qua đến giờ nó chưa có hột cơm vào bụng. Sau khi ở nhà bà Hương Thêm ra đi nó chỉ có duy nhất một bộ đồ vải đen đã bạc và nắm cơm muối mè thì đã ăn mất rồi.
Thằng Xù cảm thấy đói lả. Nó muốn có một đống rơm như đống rơm trong chuồng bò nhà bà Hương Thêm để đánh một giấc, chắc là sướng ghê lắm… Chứ giờ này mà còn lang thang trên đường thì bao giờ mới về đến nhà?
Trời buông dần bóng tối lên vạn vật. Gió từ ven rừng lùa ra lạnh buốt. Thằng Xù đưa hai tay ôm lấy ngực cho bớt lạnh, nó cố gắng bước thật mau.
Trời tối hẳn và gió cành lạnh se da. Đứa trẻ mồ côi cảm thấy toàn thân như muốn rũ xuống. Đầu nó nặng trĩu và mắt hoa váng lên, trong bóng tối, tấm thân gầy yếu của nó bỗng quỵ xuống bên lề cỏ may.
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông   *_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông I_icon13Sat 19 Jan 2013, 16:03

Chương 03

Xù mở mắt nhìn quanh, nó đang nằm trong một căn nhà ư? Nó được nằm trên giường nữa sao?? Trí óc nó bỗng nhớ ra tất cả những gì xảy đến với mình: Nó rời nhà chủ để về thăm mộ mẹ, rồi đói, rồi lạnh làm nó ngất bên đường…
Thằng Xù nằm yên trên giường, cảm thấy thoải mái như được vuốt ve. Chưa bao giờ, từ ngày đi làm cho bà Hương Thêm mà nó được nằm yên trên một chiếc giường phẳng đến thế. Êm lưng quá, nó khẽ cựa mình…
Nhưng trong đầu óc non nớt của đứa trẻ 13 tuổi chợt nổi lên một nổi lo sợ vu vơ; nó nhớ đến chuyện những đứa bé đi lạc trong rừng bị quỷ dữ bắt về nhốt để ăn thịt mà nó đã có lần nghe dì nó kể. Biết đâu cái nhà mà nó đang nằm đây không phải là của một ông “chằn tinh”… Thằng Xù rùng mình liên tiếp, nó muốn kêu lên mà không dám…
Rồi nó lại tự an ủi mình: Không hẳn là trong những khu rừng chỉ toàn có “chằn tinh” không, mà còn có cả những bà tiên nữa cơ, những bà tiên hiền lành chuyên hiện lên giúp người ấy mà. Có thể lắm, vì nếu nó ở trong nhà “ông chằn” thì chắc nó không được nằm yên như thế đâu. Chỉ có những bà tiên mới biết thương con nít mà thôi.
Thằng Xù tưởng tượng đến lúc bà tiên hiện ra với nó, có cây đũa thần để làm phép. Bà tiên sẽ mặc chiếc áo trắng thật trắng, đầu giắt đầy ngọc ngà sáng chói. Bà sẽ mỉm cười thật hiền lành với nó…
Cánh cửa bỗng xịch mở và thằng Xù nhắm mắt lại. Nó không biết ai vào đây? Tiên hay chằn? Nó đành liều he hé mắt nhìn và không thấy chằn hay tiên như nó nghĩ, mà là một bà già tóc đã điểm bạc, gương mặt thật hiền lành bước vô.
Nó mở mắt hẳn ra. Bà già hỏi, giọng dịu dàng mà nó chưa bao giờ nghe được ở bà Hương Thêm:
- Cháu đã khỏe chưa?
Thằng Xù muốn ngồi dậy để thưa lại với bà lão, nhưng đầu nó vẫn nặng chịch. Bà lão đến gần, đưa tay đỡ nó nằm xuống và bảo:
- Cháu nằm yên đi. Còn mệt, đừng ngồi dậy làm gì. Để bà lấy cháo cho cháu ăn.
Thằng Xù ngoan ngoãn nằm yên trở lại. Bà lão đi ra và giây lát trở vào tay bưng một bát cháo nóng nghi ngút khói. Thằng Xù cảm thấy ruột gan cồn cào, bà lão ngồi xuống cạnh giường, thổi cháo múc từng muỗng đút cho nó. Chao ơi, cháo với cá trê kho sao mà ngon lạ lùng. Nó chưa bao giờ được hưởng những âu yếm chìu chuộng đến như thế. Ăn hết một bát cháo nó cảm thấy tỉnh táo hẳn. Nó nhìn bà lão ân nhân với một vẻ biết ơn. Bà lão cho nó uống nước, và dịu dàng hỏi nó về gia cảnh, tại sao nó đi lang thang giữa đêm để đến nỗi gục bên lề đường? Thằng Xù cứ đem sự thật kể hết, không giấu diếm gì cả. Bà lão nghe xong, gật gù và xoa đầu nó ra vẻ thương mến. Bà hỏi:
- Thế bây giờ cháu có ý định về đâu?
Thằng bé lắc đầu ngơ ngác. Nó cũng không biết rồi nó sẽ về đâu sau khi về thăm mộ mẹ? Dì Bảy nó chắc cũng đi Sài Gòn hay đâu đó làm ăn rồi. Hôm má nó chết nó nghe có tiếng nói vậy. Thằng Xù thành thật:
- Dạ con cũng không biết ở đâu nữa. Chắc con về thăm mẹ con rồi lên xin bà Hương Thêm ở lại.
- Nhưng bà ta ác với cháu quá.
Thằng Xù rơm rớm nước mắt:
- Con chịu đựng quen rồi.
Nó òa khóc vì quá tủi thân. Bà lão suy nghĩ một lát rồi bảo nó:
- Hay là con về thăm mẹ đi, rồi lên đây ở với bà. Bà cũng chỉ có một mình, hôm sớm có bà, có cháu cho vui.
Đôi mắt đứa trẻ lạc loài mở lớn. Nó nhìn bà lão như không tin mình vừa nghe thấy gì nữa. Như hiểu ý nó bà lão lặp lại:
- Con muốn ở đây với bà không?
Bây giờ thằng Xù đã tin rằng nó không nghe lầm. Nó mếu máo nói với bà lão:
- Dạ muốn, con cám ơn bà.
Nó chợt thấy khuôn mặt hiền hòa của bà cụ tươi hẳn lên. Đôi mắt hom hem của bà cũng như nhòa lệ. Bà lão khẽ thở dài nói:
- Nếu con trai bà còn sống, con nó cũng bằng tuổi con. Nó chết sớm nên bà trơ trọi có một mình.
Bà lão cúi xuống che giấu sự cảm động. Thằng Xù chợt thấy bà như một hình dáng quen thuộc vô cùng. Nó khẽ nắm bàn tay bà, thủ thỉ:
- Thôi nội đừng buồn, bây giờ con là cháu của nội đây.
Bà lão cảm động ôm lấy nó, hai bà cháu cùng khóc. Thằng Xù cảm thấy đời nó từ nay sẽ không còn bơ vơ nữa.
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông   *_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông I_icon13Sat 19 Jan 2013, 18:31

Chương 04

Những ngày sống với bà Tám - bà cụ ân nhân đã cứu nó đêm nào - thằng Xù hoàn toàn sung sướng, như những ngày nó còn ở với mẹ nó trong gian nhà tranh lụp xụp. Nó được cắp sách đến trường ê a học đọc, học viết. Lớp nó có nhiều đứa thật ít tuổi. Mỗi khi thấy nó là bàn tán:
- Thằng đó lớn rồi mà còn đi học lớp mình, dở ẹc.
Thằng Xù nghe vậy vẫn lặng yên chăm chỉ học. Nó nghĩ đến gương mặt hiền hòa của bà Tám và thấy yên tâm hơn.
Ra khỏi lớp học, thằng Xù ôm tập chạy trên con đường quen thuộc. Đường từ trường về nhà khá xa, nhưng nó đã quen rùi. Nó vẫn cắm cúi chạy. Bỗng có tiếng gọi:
- Ê, Xù ơi Xù.
Nó đứng lại dáo dác nhìn quanh, chợt nhận ra thằng Xuân, nó mừng rỡ chạy lại bên bạn.
- Mày đi đâu về đó?
Thằng Xù hãnh diện chỉ cuốn tập trên tay:
- Tao đi học.
Xuân tròn mắt:
- Mày đi học à? Sướng quá há? Bây giờ mày ở đâu?
Chợt nhớ thằng Xuân chưa biết gì về cuộc sống hiện giờ của mình. Thằng Xù vội kéo bạn ngồi xuống mô đất bên đường, kể lại hết những gian nan mà mình gặp phải, rồi đến bây giờ, được sung sướng bên cạnh bà Tám ra sao. Nghe xong thằng Xuân reo lên:
- Mày sướng há. “Dậy” mà hổng cho tao hay. Bộ mày sợ tao đến xin ở chung với mày sao?
Trước lời trách móc của bạn Xù cười làm hòa:
- Tại tao bận đi học nè, mà học xong là phải về liền, không bà nội tao trông, bả lo tội nghiệp.
- Coi bộ bả thương mày dữ ha?
Xù gật đầu:
- Chớ sao. Không thương mà nuôi tao, cho tao đi học.
Chợt thấy trời sập tối. Thằng Xù vụt đứng lên, lo lắng bảo bạn:
- Chết tao phải về, không bà nội tao rầy.
- Ừ, thôi mày về đi.
Thằng Xù dợm đi rồi chợt quay lại níu tay thằn Xuân:
- Hay mày về nhà tao chơi. Bà tao cho mày ăn cơm. Bả nấu đồ ăn ngon lắm.
- Nhưng bả làm gì có tiền để mua gạo nuôi mày, bả già rồi mà.
Giọng thằng Xù đầy cảm động:
- Bà tao đi bẻ măng trong rừng, đem ra chợ bán. Có khi gặp nấm hái nấm. Tội lắm mày ơi.
Rồi nó kéo thằng Xuân, vừa giục:
- Đi mày, về nhà tao ăn cơm.
Nhưng Xuân rụt tay lại, lắc đầu:
- Tao còn đàn bò. Không lùa về cho chết à. Thôi, mày về một mình đi.
Xù chợt nhớ rằng bạn nó vẫn còn đi làm mướn cho người ta. Nó nhìn bạn bằng ánh mắt thương hại, khe khẽ gật đầu:
- Ừ, mày còn lùa bò về nữa. Tao quên. Thôi, khi nào rảnh tao dẫn mày về nhà bà nội tao chơi.
Hai đứa trẻ chia tay nhau. Thằng Xù đứng nhìn đến hút bóng bạn. Rồi mới quay bước nhanh về nhà.
Bà Tám đứng đợi Xù trước cửa nhà từ bao giờ. Gương mặt bà đầy vẻ lo lắng. Xù khoanh tay thưa:
- Thưa nội, con đi học về.
- Sao con về trễ vậy?
- Dạ, tại con gặp thằng Xuân, bạn cũ của con đó nội. Nó cũng đi giữ bò như con hồi đó.
Bà Tám có vẻ dịu đi lo lắng. Bà vừa kéo Xù bước vào, vừa nói:
- Gặp bạn thì không sao, bà chỉ sợ con gặp việc gì dọc đường.
Rồi bà nói tiếp:
- Sao con không mời bạn con về nhà chơi?
- Thưa nội, con có mời rồi. Mà nó không dám đi.
- Sao lại không dám đi?
Những lằn roi vút tàn bạo của bà chủ nhà hiện ra, nhấp nháng trước mặt Xù. Nó khẽ rùng mình, trả lời bà Tám:
- Dạ, nó sợ bỏ bò đi lạc, về chủ nó đánh dữ lắm nội ơi.
Bà Tám khẽ chép miệng:
- Tội nghiệp, từng ấy tuổi đầu. Chắc hồi đó con cũng hay bị đòn lắm.
Thằng Xù “dạ” nhi nhí trong miệng rồi theo chân bà đến bàn ăn. Bà nó bảo:
- Con đi rửa mặt, rửa tay đã.
Thằng Xù bẽn lẽn nhìn bà Tám rồi chạy vụt ra nhà sau. Đến ãng nước, nó múc nước bằng chiếc gáo dừa, vục nước rửa mặt rồi lấy khăn vắt ở đấy lau khô. Nó trở lên, giơ tay khoe:
- Sạch rồi nè nội.
Hai bà cháu ngồi vào chiếc chõng tre. Thằng Xù vớt một miếng cá trong bát canh cho vào miệng. Canh chua nóng, mùi thơm của lá giang và cá ngạnh bốc lên ngát mũi. Thằng Xù xuýt xoa:
- Ngon quá, nội nấu canh ngon ghê.
Bà Tám mỉm cười hiền hậu. Xù vừa ăn vừa chép miệng thật ngon lành. Nó ăn liên tiếp bốn chén cơm. Xong, nó phụ bà dọn dẹp, lau vạt tre cho sạch rồi đem cặp ra lấy bài học.
Bà Tám ngồi lặt những tai nấm ở góc nhà. Giọng Xù cất lên đều đều:
“ Công cha như núi Thái Sơn
“ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
“ Một lòng thờ mẹ kính cha,
“ Cho tròn chữ hiếu, mới là đạo con.
Đột nhiên Xù ngừng học, gọi bà Tám:
- Nội ơi!
Bà Tám buông tai nấm đang lặt, ngước nhìn nó:
- Gì con?
Thằng Xù vừa nhìn những chữ trong cuốn vở rồi hỏi:
- Sao người ta dạy “ công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” mà không dạy là “công bà nội” hả nội.
Bà Tám nhìn Xù bằng đôi mắt mến thương:
- Tại cha mẹ nuôi con, con à. Chứ ông bà ít khi nuôi cháu lắm.
- Thì nội nuôi con đây nè. Con đâu biết cha mẹ đâu, con biết có nội không hà, con thích đọc “công bà như núi Thái Sơn, nghĩa bà như nước trong nguồn chảy ra”.
Bà Tám cười:
- Thầy giáo dạy sao thì con học vậy. Xưa rày chỉ có cha mẹ nuôi con. Như bà, thì bà cũng chỉ mới biết con đây thôi, chứ ba má con khổ cực từ thuở lọt lòng.
- Nhưng đáng lẽ người ta cũng phải biết ơn ông bà, cũng có ông bà nuôi cháu vậy, hén nội hén.
- Ừ, có chớ. Thôi con lo học đi.
Xù học được một lát, chừng như đã thuộc, nó buông tập đến bên bà Tám:
- Con lặt nấm với nội.
- Học thuộc bài chưa con?
Xù gật mạnh đầu:
- Dạ rồi nội.
- Thuộc bài rồi thôi con đi ngủ đi, để nội làm cũng được.
- Con lặt với bà nội hà. Bữa nay nội hái được nhiều gốc nấm quá. Bộ hết mụt măng rồi hả nội?
- Còn, nội tìm thấy mấy mụt, nhưng mới lú, chờ vài ngày cao cao đã. Nhỏ quá bán rẻ lắm.
- Mà điều măng non ngon hén nội.
- Ừ, nội sẽ để lại một mụt non nhứt cho con.
Thằng Xù reo lên:
- Nội nấu canh nghen. Canh măng ăn với ớt hiểm ngon ác đi đó nội.
- Để nội mua tôm về xào con ăn một bữa, ăn canh hoài mất ngon.
Hai bà cháu cắm cúi lặt. Những tai nấm màu trắng có lẫn đất. Thứ nấm sim, thường mọc ở cạnh những gốc cây sim. Thằng Xù lựa một lát hỏi:
- Nội nè, bữa nay không có nấm mối hả nội? Toàn nấm sim không hà.
- Mấy gò mối đợi mưa mới lên nấm con à.
- Nấm mối ngọt ghê hén nội. Mà một lần gặp, hái cũng nhiều, khỏi mất công tìm.
Câu chuyện của hai bà cháu xoay quanh những tai nấm. Căn nhà ấm cúng dưới ánh đèn dầu. Một bà, một cháu cặm cụi lặt những tai nấm, với viễn cảnh một buổi chợ ngày mai.
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông   *_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông I_icon13Sat 19 Jan 2013, 18:31

Chương 05

Hai hôm rồi, bà Tám lâm bịnh. Tuy vậy, bà vẫn bắt Xù phải đi học. Xù đi đến trường mà không yên trong bụng, nó cứ trông tới giờ về với bà nội.
Căn bịnh của bà Tám ngày một, ngày hai nặng thêm. Thằng Xù lo sợ vô cùng. Nó nghỉ học, lo nấu nước, nấu cháo cho bà nội. Nó ngồi cạnh bà Tám, trên chiếc ghế gỗ xiêu, vừa quạt cho bà vừa lẩm nhẩm học bài.
Bà Tám mệt nhọc mở mắt, nhìn quanh. Thầy Xù ngồi quạt vừa ngủ gục, cuốn vở trên tay rơi tự bao giờ. Bà đưa tay khẳng khiu lay nhẹ nó:
- Xù ơi, dậy đi con.
Thằng bé giật mình choàng tỉnh nó ngơ ngác một giây rồi định thần. Nó lượm cuốn vở lên nhìn bà Tám đầy vẻ lo lắng:
- Nội có khỏe chút nào hông?
Bà Tám nói cho yên lòng:
- Bà khỏe nhiều, thôi con đừng quạt nữa đi ngủ đi.
Thằng Xù nhìn sang chiếc giường của mình. Nó thấy thèm thuồng được đặt lưng xuống đánh một giấc tới sáng. Nó đã dợm buông quạt, rồi lại nhìn bà Tám lắc đầu:
- Con ngồi quạt cho nội hà.
Bà Tám xua tay:
- Nội biểu nghe nội thương. Đi ngủ đi. Nội khỏe rồi, ngủ một mình được rồi.
- Để con canh nội ngủ. Nội bịnh, ngủ một mình lỡ “có gì” làm sao?
Bà Tám cảm động. Bà biết ý thằng bé đã quyết. Nên cũng không cản. Bà bảo nó:
- Thôi con nhắc thêm cái ghế kế bên giường bà, nằm cho đỡ mỏi.
Thằng Xù ngoan ngoãn vâng lời. Hai chiếc ghế gỗ kê cách nhau một khoảng. Nó nằm xuống, quay mặt vào hướng bà Tám. Nụ cười héo hắt trên môi bà lão an ủi nó phần nào. Bà nói nhỏ:
- Ngủ đi con.
Nó “dạ” một tiếng nhỏ, rồi gác tay lên trán. Nó không ngủ được vì những ý nghĩ đen tối ám ảnh trong đầu: Liệu ngày mai nó sẽ làm gì đây? Làm gì để có tiền mua gạo, mua thuốc cho bà nó? Đành rằng nó thừa sức đi hái măng, lặt nấm để mang đổi gạo, đổi tiền như bà Tám đã làm, nhưng bà nó bịnh hoạn thế này, nó bỏ cho ai coi sóc? Nó có thể nhịn đói chứ không nỡ bỏ bà trong lúc bịnh hoạn một mình ở nhà được. Không được đi học, nó không cần, nhưng tiền mua thuốc cho bà nó thì nó cần lắm. Thằng Xù trăn trở, suy nghĩ thật lâu. Đến khi gà vừa gáy canh đầu, nó thiếp đi trong mệt mỏi.
* * *
Xù đi lang thang qua những khoảng đồng cỏ úa. Nó không biết mình đã đi được bao nhiêu cánh đồng khô nắng cháy như vậy rồi, nhưng chắc là nhiều, nhiều lắm. Nó đi không biết mỏi chân, bụng nó từ sáng không một thức ăn đỡ dạ mà vẫn trơ trơ, đầy ắp và nặng như chứa hàng tấn đá. Nó không đói, không khát, không mỏi. Nó lùi lũi đi quên thôi, hết khoảng đất này đến khoảng đất khác, hết cánh đồng này đến cánh đồng kia, nắng cháy, hoang tàn…
Khi chân nó bắt đầu thấy mỏi, thì cơn đói cồn cào cũng đồng lượt kéo tới bủa vây lấy nó, cơn khát cũng chộp lấy tấm thân khốn khổ của thằng bé 13 tuổi. Nó muốn quỵ xuống lết đi trên cỏ gai và đất cứng, nhưng nó gắng vươn dậy, đứng lên, chạy bằng sức lực còn lại, vì xa tầm mắt, thằng Xù nhác thấy khu rừng rậm, lập lòe trong ánh mắt hoa của nó. Nó mừng thầm; có rừng chắc có trái cây ăn.
Từ nhà chạy miết đến đây, qua bao nhiêu cây số đường, nó không biết mình sẽ đến đâu? Ở đâu có linh dược để cứu sống bà nội nó đang hấp hối trên giường bệnh? Nó không biết, không ai mách bảo nó, vì nó không thể ngồi nhà, để bất lực nhìn bà Tám chết trong cơn đau đớn.
Nó gắng sức chạy miết. Khi đến được cụm cây đầu tiên của khu rừng, thằng Xù quị xuống. Nó nằm xải, thở dốc từng hồi. Tàng cây xanh lá che mát gốc, trùm cả vùng êm dịu lên thân thể gầy gò của nó. Thằng Xù bắt đầu định tỉnh, định giá cơn đói, cơn khát trong người mình.
Nó nhìn lên cây: cây không có trái để ăn được, một vài cái hoa vàng, lạ mắt. Đâu đây có còn mùi hương thơm thoang thoảng, của những loài hoa quý nào đó mà thằng Xù chưa được ngửi thấy bao giờ.
Nó nhìn mông vào sâu trong cánh rừng: khu rừng đẹp như trong tranh vẽ. Những cây cổ thụ thẳng tắp, cùng toàn những nụ bông vàng nổi bật giữa đám lá xanh. Những cây leo uyển chuyển oằn mình theo thân cổ thụ, trổ những đóa hoa nhỏ và dài màu đỏ thẫm. Dưới sát mặt đất là thân thể khiêm nhường của những loài hoa dại, hoa dại tim tím, bé bỏng, đáng yêu núp bóng cổ thụ một cách hiền lành. Xù đi từng bước một, để tìm thức ăn, thức uống cho tỉnh táo trước khi tiếp tục kiếm thuốc cho bà nội nó ở nhà.
Thằng Xù dừng lại trước một cây vừa thân thể nó. Cây xanh lá, trĩu nặng những quả màu vàng cam, trông đã phát thèm. Nó bất chấp có ăn được không, bẻ đại một trái cắn vào miệng. Chao ôi, trái gì mà ngon ngọt thế này? Nó ngọt hơn xoài mà nó từng được ăn nữa. Xù hái liên tiếp năm, sáu trái rồi ngồi bệt xuống đất, dựa gốc cây. Nó ăn một cách tham lam, ngon lành. Ban đầu nó ăn cả vỏ, sau nó kén hơn, kĩ hơn, lột vỏ rồi bỏ vào miệng. Ăn độ hơn chục trái nó thấy khỏe khoắn lạ thường. Nó vươn vai đứng dậy. Nó thoáng suy nghĩ rồi hái chục trái bỏ chiếc áo sơ mi cũ vào lưng quần đùi, nó thồn những trái lạ ngon ngọt kia vào áo. Xù định sẽ đem về cho bà Tám ăn, chắc trong đời bà chưa bao giờ được ăn một trái ngon như thế, bà sẽ khỏe thêm như nó đang khỏe bây giờ. Xù thích chí với ý nghĩ đó.
Một tiếng gầm không lớn lắm, nhưng cũng đủ khiến cho Xù giật mình nhìn lên. Một con hổ vằn thật lớn đang lừ lừ tiến tới. Xù lùi lại một bước rồi đứng chôn chân xuống đất. Nó hoảng sợ đến nỗi á khẩu không nói được tiếng nào, và bản năng tự vệ cũng biến mất, nó không chạy chữa được nữa.
Con hổ vằn vẫn đủng đỉnh tiến tới, trong một lúc, sự hốt hoảng quá độ làm Xù quay ngoắc lại, bỏ chạy. Nhưng nó vấp một cái rễ cây và té sấp xuống. Con hổ đã đến bên nó, Xù kêu lên “Chúa ơi! Nội ơi”. Rồi nó nhắm mắt lại, chờ đợi chiếc miệng đỏ hoắc của con thú dữ vồ lấy nó…
Nhưng… Xù không thấy động tĩnh gì bên mình. Nó he hé mở mắt ra: con hổ to lớn đang nằm phục xuống bên nó tự bao giờ, và đang thè lưỡi táp táp không khí. Xù mở hẳn mắt và không tin đây là sự thật. Nó thử giác quan của mình, khẽ đưa tay vuốt nhẹ trên bờm lông con thú. Bộ lông mát mịn, hăng hắc, ngây ngây. Đôi mắt Chúa rừng nhìn nó, hiền lành như một người bạn. Xù không hiểu nó đang ở đâu đây? Sao lại có những khung cảnh thần tiên như thế này? Trái ngọt, thú hiền… Xù mạnh dạn đứng lên, con hổ vẫn nằm yên không nhúc nhích.
Một bà lão trạc độ 60 tuổi, tóc bạc trắng, chống cây gậy trúc và mặc một chiếc áo màu trắng bạc đi chầm chậm tới. Xù vội vàng khoanh tay lễ phép:
- Thưa cụ ạ.
Nó không hiểu bà lão từ đâu đến? Sức già làm sao bà đến được khu rừng xa xôi này? Bà lão nở nụ cười hiền hậu bảo nó:
- Con đi đâu mà lạc vào đây?
Xù ngạc nhiên trước câu hỏi của bà lão. Lẽ ra nó hỏi mới phải. Vì nó còn nhỏ, còn khỏe, còn bà lão đã quá già nua để có thể đến một nơi xa xôi như khu rừng này. Tuy nhiên, thằng Xù vẫn lễ phép kể lại cho bà lão nghe hoàn cảnh hiện tại của nó. Bà lão nghe xong, xoa đầu nó, mỉm cười:
- Ta hỏi thử con đó, chứ ta biết cả rồi. Con thật là đứa con chí hiếu. Bây giờ con có muốn ta chỉ thần dược cho không?
Thằng Xù mừng rỡ, cuống quít quì xuống lạy bà lão lia lịa:
- Dạ, xin đội ơn bà, xin bà chỉ cho con món thuốc để con đem về cứu bà nội con.
- Được rồi con hãy đi theo ta.
Xù ngoan ngoãn đứng lên theo bà lão. Cảm giác sung sướng, thoải mái làm nó đi thật mau. Bà lão cũng đi nhẹ nhàng như lướt trên cỏ. Thoáng chốc, hai bà cháu đã ra khỏi khu rừng. Khi đó, thằng Xù nhìn thấy một cảnh tưởng vô cùng đẹp mắt: Một thung lũng đầy những cây xanh, sương mù bao quanh mờ ảo, như từng làn khói nhẹ mỏng manh, nhưng không khí dìu dịu mát chứ không lạnh. Xù suýt xoa:
- Đẹp quá!
- Con thích ở đây không?
- Thưa cụ, con thích lắm ạ. Nhưng bây giờ con chỉ muốn có thuốc cho nội con uống thôi.
- Con ngoan lắm.
Xù tiếp tục theo bà lão đi xuống những tam cấp bằng đá xanh để xuống thung lũng. Nó tròn mắt trước một đàn bò, lông con nào con nấy trắng mướt như tuyết. Những con bò đang thản nhiên gặm cỏ và uống từng ngụm sương lóng lánh. Xù đến gần chúng vẫn yên lặng, khẽ ngước những cặp mắt hiền lành nhìn hai người đang đi tới. Bà lão vẫn đi sâu vào “thung lũng bò trắng” và Xù vẫn ngoan ngoãn đi theo. Đến trước một thạch động to lớn, bà ngừng lại, khẽ lấy ngón tay trỏ chỉ vào cánh cửa. Như phép thần tiên, cách cửa đá nặng nề bỗng từ từ mở ra chừa một lối đi rộng và chói lòa như muôn ngàn tia sáng mặt trời. Xù chóa mắt đứng yên, bà lão ra dấu cho nó đi theo vào trong. Không khí dìu dịu mát làm Xù cảm thấy thoải mái vô cùng. Nó đi dần vào lòng thạch động, bỏ ngoài tầm mắt những con bò trắng đang yên lặng gặm cỏ.
Trong thạch động vô số đồ đạc quý giá mà Xù không định được là thứ gì. Nó chỉ biết muôn ngàn màu sắc đang chói chang trước mắt: hồng, lam, xanh, tím v.v… hòa lẫn nhau như muốn chiếm lấy ưu thế. Bà lão đến trước một cái ghế cũng bằng đá phủ da hổ vằn. Bà khẽ lật bên thành ghế lên: một cài hộp màu xanh ngọc bích, tỏa sáng lung linh đang nằm trong thành ghế. Bà lão cầm lấy mở nắp hộp ra, và liền đó, một làn khói trắng tỏa ra, quyện tròn, xoáy trên không một lát rồi rơi xuống hộp thành một viên hồng ngọc xinh xắn. Xù hoa mắt trước những sự việc xảy ra ngoài trí tưởng tượng của nó. Nó nhìn bà lão bằng tia mắt nửa sợ hãi, nửa khâm phục. Bà lão nhón lấy viên hồng ngọc bỏ vào trong một cái túi vải nhỏ, màu vàng, đưa cho Xù rồi bảo:
- Đây là viên linh ngọc ta cho con về chữa bịnh cho bà nội.
Xù đỡ lấy túi vải nhỏ, nó vừa định quỳ xuống cảm ơn thì bà lão đã xua tay:
- Thôi con đi đi, về mau đi kẻo không còn kịp nữa.
Xù hoảng hốt quay mình đi nhanh ra khỏi thạch động, nó lại băng qua những thung lũng bò trắng và đến khu rừng mà nó đã gặp bà lão ban nãy. Nó với tay bứt hai trái cây màu vàng, ngọt lịm rồi vừa chạy vừa ăn.
Nó chạy gần về đến nhà thì trời xâm xẩm tối, ruột nó nóng như đốt. Linh cảm như báo cho Xù biết một điều chẳng lành nào đó. Nó ùa vội vào nhà, chạy đến bên giường bà Tám. Nó lấy tay sờ trán bà: trán lạnh như băng, nhơm nhớm nhựa. Xù thét lên:
- Nội ơi, nội!
Nó giật mình và thấy mình vừa rơi từ trên ghế xuống đất, bà Tám cựa mình hỏi nó:
- Con làm sao vậy?
Xù bập bệu:
- Nội ơi nội, nội còn sống hả?
Bà Tám ngạc nhiên:
- Nội còn sống, con hỏi chi lạ vậy?
Xù vẫn còn bị ám ảnh:
- Bà nội chưa chết thiệt sao?
Bà Tám chợt hiểu ra:
- Con mơ thấy nội chết phải không?
Xù gật đầu, nó mếu máo kể lại giấc mơ. Bà Tám bồi hồi xúc động. Nước mắt ứa trên rèm mi già nua. Bà không ngờ Xù thương bà đến thế. Bà bảo nó:
- Nội còn sống với con đây. Thôi con ngủ tiếp đi, nội thương.
* * *
Bệnh bà Tám ngày một nặng, Xù không biết làm sao hơn là xin nghỉ học để ở nhà chăm sóc bà. Nó đến trường với vẻ mặt buồn hiu, đứng lấp ó ở ngoài cửa lớp không chịu vô. Cô giáo gọi:
- Em Xù, vô đây cô bảo.
Nó rón rén bước vô, đến gần bàn cô giáo.
- Em làm gì mà đứng ngoài cửa vậy?
- Thưa cô…
- Sao mấy bữa nay em không đi học, bị đau à?
Xù ấp úng, một lát sau nó nghẹn ngào nói:
- Thưa cô, em không bị bịnh, nhưng nội em bịnh, em phải ở nhà nấu cháo cho nội ăn.
Cô giáo thở ra thương hại:
- Thế hôm nay nội em bớt rồi, em đi học lại phải không?
Xù lắc đầu thảm não.
- Thưa cô không ạ. Nội em bữa nay bệnh nặng lắm. Em tới xin cô cho em nghỉ ở nhà săn sóc cho nội em, nhà em cũng hết gạo từ chiều hôm qua rồi, em phải vô rừng lặt nấm để bán lấy tiền mua gạo và thuốc cho nội.
Cô giáo nhìn thằng bé 13 tuổi đã sớm mang cay đắng cuộc đời. Cô lục trong sắc, lấy ra hai tờ bạc một trăm đồng rồi bảo đám học trò ngồi phía dưới:
- Các em đã nghe trò Xù kể hoàn cảnh gia đình, các em có thấy tội nghiệp không?
Cả lớp đồng thanh:
- Thưa cô, có ạ.
Cô giáo tiếp:
- Bây giờ cô đề nghị thế này: nhà trò Xù nghèo, bà nội trò lại bệnh nặng, nếu trò Xù bỏ đi lặt nấm để bán kiếm tiền thì sẽ không ai săn sóc người bệnh trong lúc ngặt nghèo, vậy mấy trò nên thương người bạn gặp cảnh không may. Giúp thêm nhiều ít ho trò Xù qua cơn túng quẫn. Các em nghĩ sao?
Tức thì đám học trò nhất loạt đứng lên, đi tới chỗ Xù và cô giáo đang đứng. Mỗi đứa lấy số tiền có trong túi bỏ lên bàn rồi về chỗ. Cô giáo đếm tất cả được hơn năm trăm đồng. Cô xếp lại trong số tiền của cô, đưa cho Xù và nói:
- Cô và các bạn em không sẵn nhiều tiền, chỉ có chừng này gọi là giúp em lấy thảo. Em cầm số tiền nhỏ này để lo thuốc thang cho nội, nhớ trở lại học cho vui.
Xù ứa nước mắt vì cảm động. Nó run run đưa tay nhận số tiền lớn mà trong đời nó chưa bao giờ được cầm. Nó lí nhí mấy tiếng cám ơn rồi quay ra. Lòng nó mừng rơn vì đã có tiền để mua gạo nấu cháo cho bà Tám. Nó cũng đói lắm, nhưng nó thấy cái đói của mình không còn nghĩa lý gì nữa.
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông   *_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông I_icon13Sat 19 Jan 2013, 18:32

Chương 06

Bà Tám quờ quạng mó quanh giường, bà muốn tìm bình nước, nhưng tay bà với không tới chiếc ghế con; Xù đã quên mang ghế đến cạnh đầu giường bà.
Từ sau cơn bệnh ngặt nghèo, bà Tám bỗng dưng mù hẳn đôi mắt. Bà khổ sở với đời sống tật nguyền sẽ kéo lê không biết đến bao giờ. Xù thì vẫn ngoan ngoãn lo cho bà từng li từng tí. Tình thương duy nhất của thằng bé đôi khi làm bà bật khóc.
Bà Tám bước xuống giường, bỗng bà vấp phải thành giường té đánh bịch một tiếng. Vừa lúc đó thằng Xù từ sau ãng nước chạy lên, nó hốt hoảng chạy vội đến bên bà.
- Sao vậy nội?
Bà Tám cười gượng:
- Không sao con à, nội trợt đó mà.
- Mà nội tìm gì đó?
- Bình nước con để đâu rồi? Cho nội một hớp đi, khát quá.
Thằng Xù đỡ bà Tám lên, vừa nói:
- Nội để con lấy cho, muốn gì thì kêu con, nội đi, lỡ té trúng cái gì thì làm sao?
- Nhà mình đâu có gì mà sợ vấp con.
Thằng Xù nhăn mặt:
- Hoài, nội cứ nói vậy không hà. Lỡ ra, va trúng thành cửa cũng u đầu, xước trán chứ bộ.
Bà Tám im lặng ngồi trở lại giường uống nước. Xù chạy ra sau bưng vô một rổ nấm và cái mụt măng, giơ lên trước mặt bà Tám khoe:
- Nội nè.
- Gì con?
- Nội thấy gì đây hông?
Bà Tám không thấy gì cả, vì mắt bà đã mù. Nhưng bà ngửi được mùi đất và nấm, và măng tre đưa lên. Bà trả lời:
- Nấm với măng hả con?
- Dạ, nội thấy tai nấm lớn không nè.
Bà Tám quờ tay tìm cái rổ, rồi lần mó mân mê những cọng nấm. Bà gật gù:
- Ừ, nội thấy rồi, nấm lớn quá. Nấm này người ta thích mua lắm. Nấu canh ếch ăn ngon lắm con ạ.
- Để con bán rồi chừa lại một mớ, con bắt ếch đem về nấu canh nội ăn nha.
Bà tám lắc đầu:
- Thôi con bán hết đi. Nội ăn rau muối gì cũng được. Ăn ngon tốn nấm, lại mắc công con đi bắt ếch nữa.
Xù nằn nì:
- Không mà, con đi bắt được mà, nội cứ lo hoài.
- Nhưng ở đây làm gì có ếch cho con bắt?
Xù chợt nhớ ra nơi nó ở là miền hoang vu của cụm rừng nhỏ. Nó im lặng. Một lát nó nói:
- Chắc con không đi lặt nấm nữa đâu nội.
- Sao vậy con?
- Dạ, tại lặt nấm lâu quá hà. Măng thì hái một hồi cũng hết. Mùa này không mưa, ít bữa nấm hết trổ mình làm sao? Con định làm bẫy đi bẫy kỳ nhông nội à.
- Con bẫy làm sao được?
Xù gật đầu cả quyết:
- Được nội à, con thấy cái bẫy người ta làm bán ngoài chợ rồi. Dễ làm lắm. Con có hỏi, định hễ họ nói rẻ rẻ thì mua, mà điều mắc quá.
- Bao nhiêu lận con.
- Tới hai chục lận nội, con có cầm coi thử, con nhớ cách làm rồi. Nội để con làm, đi bẫy kỳ nhông bán nghe nội.
Bà Tám thở dài chua xót:
- Con muốn làm gì thì làm. Nội bây giờ không làm gì được nữa, sống nhờ con. Tội nghiệp, số con không có phước có phần. Mới chừng ấy tuổi mà đã long đong đủ chuyện hết; nội muốn nuôi con cho nên người thì lại vướng bệnh tật mù lòa.
Xù nhìn bà Tám: da bà đã nhăn nhiều sau cơn bạo bệnh. Má bà cóp lại và hai trũng mắt sâu hóm. Bà như một cành cây khô chỉ chờ hồi mục gãy. Xù thấy thương bà Tám hơn bao giờ hết. Những khi quá vất vả lo cho bà, nó lại hồi tưởng đến buổi chiều nó đói, mệt, nằm lả bên đường, nếu không nhờ bàn tay gầy guộc của bà săn sóc, thì nó đâu còn đến bây giờ. Bà là nguồn an ủi duy nhất của nó, mặc dù hiện tại bà đã mù lòa, tật nguyền. Xung quanh Xù không còn tình thương nào nữa cả: Cha mẹ không, anh em cũng chả có. Ngày nào bà Tám già và chết đi, trên trần gian này lai đơn độc mình nó mà thôi.
Thằng Xù vào rừng tìm tre, rồi với một đoạn dây thép, nó chăm chú ngồi làm chiếc bẫy kỳ nhông.
Hơn nữa ngày trời cặm cụi, Xù đưa chiếc bẫy lên mắt ngắm nghía. Nó lấy làm hài lòng sự sáng chế của mình. Nó liên tưởng đến những con kỳ nhông to lớn sẽ sụp bẫy. Xù mỉm cười đắc chí. Nó nói lớn cho bà Tám nghe:
- Con làm xong bẫy rồi nội ơi.
- Rồi hả con?
Bà Tám quờ quạng đi ra, Xù đến bên bà, nó cầm bàn tay trơ xương của bà để lên chiếc bẫy. Bà Tám rờ rẫm rồi nói:
- Con giỏi lắm. Con định chừng nào đi bẫy?
Xù suy nghĩ. Nó nhìn ra ngoài trời sắp chạng vạng tối. Nó đáp:
- Chắc chút nữa đó nội. Giờ này kỳ nhông nhiều lắm.
Bà Tám căn dặn:
- Con đi đâu gần gần đây, đừng đi xa nghe Xù.
Thằng Xù chỉ tay phía trái, làm như bà Tám thấy được cử chỉ của nó:
- Con bẫy phía kia nội kìa, gần đây mà.
Rồi nó nhìn nó, nhìn bà Tám: những manh quần áo sờn rách, xác xơ. Nó nói với bà Tám:
- Bán kỳ nhông mà khá, thế nào con cũng mua cho nội cái áo, cái quần mới hà.
Bà Tám gạt đi:
- Thôi con, đừng để ý đến chuyện đó nữa. Dư tiền thì mua đồ cho con chứ nội già rồi, mặc sao cũng được.
- Nhưng tới mùa lạnh nội chịu sao nổi? Con còn nhỏ mới đủ sức chịu chớ. Áo nội rách hết kia kìa.
Bà Tám giấu tiếng thở dài đầy cay đắng. Bà biết lắm chứ. Mùa đông sắp đến rồi. Mùa đông ở ven rừng lạnh hơn nơi khác nhiều lắm. Năm ngoái bà đã phải mua một lần hai cái áo bà ba vải tám để mặc chồng lên nhau chống cái lạnh từ trong rừng toát ra. Đó là lúc bà còn mạnh khỏe mà còn phải thế, huống hồ bây giờ.
Bà nghĩ thương thằng Xù vô cùng. Tuổi còn quá nhỏ đã phải chịu muôn ngàn thứ long đong. Ở tuổi nó, những đứa trẻ khác được đi học, đi chơi. Được sự nuông chìu của cha mẹ, ở tuổi nó, những đứa trẻ khác đã biết lo lắng gì đâu? Thế mà thằng Xù có lẽ nó chưa bao giờ biết đến cái thú chơi đánh bi, đánh đáo của tuổi đồng trang lứa. Nó chỉ biết chăn bò, dắt bò đi ăn, đưa bò về chuồng để nhận những bữa cơm thừa canh cặn. Rồi bây giờ hết lặt nấm, bẻ măng, lại đến bẫy kỳ nhông. Khổ không để đâu cho hết.
Rồi mùa đông tới, nó làm sao có áo ấm để mặc đây? Số tiền bán kỳ nhông không biết có đủ nuôi miệng ăn hai bà cháu? Bà Tám suy quanh nghĩ quẩn, đến lúc bà nghe mằn mặn trên môi bà mới biết bà đã khóc. Khóc cho thân phận mình và thân phận của đứa trẻ bơ vơ.
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông   *_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông I_icon13Sat 19 Jan 2013, 18:32

Chương 07

Xù nấp ở một bụi cây, hồi hộp chờ đợi con mồi sa bẫy: chú kỳ nhông vẫn không biết có người rình, cứ đủng đỉnh bò tới. Dáng nó lượn bởi bốn chân thấp thật uyển chuyển. Da nó óng ánh đỏ, xanh lẫn nhau dưới ánh nắng chiều. Đôi mắt nó chăm chú nhìn miếng mồi ngon nằm yên trong chiếc bẫy. Nó không ngại gì cả, nhưng vẫn chưa đớp mồi vội.
Từ ngày làm chiếc bẫy kỳ nhông, mỗi ngày Xù bắt được cũng khá nhiều. Nó đã may được cho bà Tám cái áo mới để mặc trong mùa lạnh. Những chú kỳ nhông to tướng thường giúp Xù có những món tiền khá hơn, cuộc sống của hai bà cháu nhờ thế đỡ chật vật.
Chú kỳ nhông vẫn không hay biết gì về dự tính người ta đang gài bẫy chú. Chú lượn quanh con mồi, rồi nhanh như chớp, chú lượn tới đớp lấy món ăn khoái khẩu.
Nhưng… chiếc bẫy đã sập. Chú ta lúng túng trong chiếc khoanh tre nhỏ hẹp. Chú giương đôi mắt căm hờn nhìn đứa trẻ đang vừa cười vừa chui ra khỏi bụi cây. Xù bỏ chú vào chiếc rọ, nó nói một mình:
- Con này lớn quá. Da lại đẹp nữa, giá mình không cần bán thì để lại nuôi chơi cũng thích.
Trong rọ đã có sẵn bốn, năm con kỳ nhông khác đang giương mắt nhìn tên tù binh mới. Có lẽ thấy hình dạng to lớn của tên tù binh mới vô, nên các chú kỳ nhông đều ngán và lủi mắt đi nơi khác, không dám nhìn chú ta nữa.
Xù mang giỏ kỳ nhông ra chợ. Nó ngồi ở một góc quen thuộc đợi khách hàng. Mấy con kỳ nhông bò qua bò lại trong giỏ: chúng không còn hay dẫy dụa, chống cự như hồi mới bị bắt nữa.
Một thằng bé trạc tuổi Xù đi qua, đứng lại nhìn giỏ kỳ nhông, hỏi Xù:
- Bao nhiêu một con?
Xù hỏi lại:
- Anh mua con nào? Mỗi con tùy theo lớn nhỏ giá khác nhau.
Thằng bé chỉ tay vào con lớn nhất, có khoan đà trên bộ da nâu:
- Đó, con này nè.
- Con này anh cho bốn chục.
Thằng bé nhún vai:
- Mắc dữ. Mười lăm đồng thôi.
Xù lắc đầu:
- Bẫy nó khó lắm, con này lại lớn nữa, anh trả thêm mua dùm tui.
Thằng bé bỏ đi. Xù luyến tiếc nhìn theo. Một người đàn bà dừng lại, hỏi nó:
- Bán hả em?
- Dạ thưa bà phải ạ.
Thấy Xù lễ phép, thiếu phụ có vẻ hài lòng. Bà ngắm nghía mấy con kỳ nhông rồi định giá:
- Bán hết mấy con này bao nhiêu em?
- Thưa bà cho con hai trăm.
- Nói thiệt đi chị mua cho. Có bẩy con nho nhỏ thôi mà.
- Thưa bà muốn mua con để trăm tám thôi ạ. Rẻ quá không được.
- Em bẫy thứ này có khó không?
Xù thật thà:
- Dạ không khó lắm, nhưng phải chịu khó ngồi chờ.
Thiếu phụ dường như có cảm tình với Xù, hỏi tiếp:
- Nhà em ở đâu mà bẫy được thứ này?
Xù chỉ tay vào hướng rừng:
- Thưa nhà em trong phía rừng kia ạ.
Thiếu phụ le lưỡi:
- Xa dữ vậy à? Mà cha mẹ em đâu? Em ở với ai mà đi bẫy kỳ nhông bán vậy nè.
Xù không hiểu thiếu phụ sao cứ hỏi về mình hoài, nhưng nó cũng lễ phép trả lời:
- Dạ, cha mẹ em chết hết rồi. Em ở với bà nội.
- Tội nghiệp.
Người đàn bà buông tiếng thở dài.
- Bà em chắc già lắm rồi?
Xù hơi cúi mặt khi trả lời:
- Thưa bà phải. Bà em già rồi lại bị mù lòa nữa, thành ra em phải đi làm nuôi bà.
Thiếu phụ suy nghĩ một hồi, bà nhìn Xù một lúc rồi nói đột ngột:
- Hay là… em về ở với “qua” đi. Không làm việc gì nặng nhọc đâu. Lại có tiền đem về cho bà nội nữa.
Xù yên lặng. Nó thoáng suy nghĩ. Đành rằng nếu nó về ở hẳn với người đàn bà này nó sẽ sung sướng hơn nhiều. Nó sẽ không phải vất vả gì nhiều, khỏi phải ngồi dầm nắng giữa trưa để nín thở chờ từng con kỳ nhông vô tình tham mồi, mà sẽ có một số tiền nhất định để nuôi bà nó. Nhưng Xù chợt xót xa liên tưởng đến đôi mắt sâu hóm, mù lòa của bà Tám. Đôi mắt không còn ánh sáng, và thân thể gầy gò của bà sẽ ra sao nếu không có nó săn sóc sớm hôm? Không, nó không thể tìm sung sướng một mình để khổ cho vị ân nhân của nó nay đã trở thành một con người tàn tật được. Ý nghĩ làm Xù vừa thương hại bà Tám, vừa cảm thấy thoải mái vì nó đã làm được những điều phải. Nó trả lời bà khách đang chờ đợi:
- Em cảm ơn bà thương em. Nhưng thà em chịu khổ đi bẫy từng con kỳ nhông để bán kiếm tiền, em còn chạy đi, chạy về chăm sóc nội em được. Em không muốn bỏ nội em một mình.
Bà khách nhìn nó một cách khâm phục:
- Thôi, tùy em. Em muốn ở nhà chăm sóc cho bà nội thì thôi. Em bán cho “qua” mấy con kỳ nhông đó đi. Hai trăm cũng được.
Xù cảm kích nhìn bà khách. Nó vừa trao giỏ kỳ nhông cho bà, vừa nghĩ đến món ăn bà sẽ làm với mấy con kỳ nhông mua được của nó. “Chắc sẽ bằm nhỏ trộn với nước mắm chanh ớt, hành thơm rồi gói lá chanh đem nướng chứ gì”. Nó nói thầm như vậy, vì có lần nó nghe bà nội nói về món ăn kỳ nhông ngon nhất là nướng với lá chanh.
Cầm hai trăm đồng trong tay, Xù cảm thấy hớn hở lạ lùng. Nó đi một vòng chợ, tính trong đầu óc sẽ mua gì để trưa về nấu cháo cho bà Tám ăn. Mấy bữa nó hay mua cá bống đem về kho mặn, để vừa bà Tám ăn cháo, vừa để nó ăn cơm luôn thể. Nhưng hôm nay, được tới hai trăm đồng, nó nhất định phải “đãi” bà Tám một món gì thật ngon mới được. Nó đến hàng tôm, sờ đống tôm lớn chất lượng cao trong mẹt và hỏi giá. Bà bán hành nhìn nó bằng tia nhìn khinh khỉnh, không thèm trả lời, ý chừng còn sợ nó nhanh tay ăn cắp, bà ta lấy tay dùa đống tôm về phía mình. Thằng Xù ức lắm, vì từ bé, nó không có ý định ăn cắp bao giờ. Cực chẳng đã, nó phải giơ tờ bạc hai trăm ra trước mắt bà bán hàng, hỏi lại:
- Bao nhiêu một trăm, bà?
Bây giờ bà bán hàng mới trả lời bằng giọng cộc lốc:
- Ba chục.
Xù nhẩm lại: ba chục một trăm thì cũng được đi, nhưng một trăm gam tôm thì được mấy con thôi, làm sao vừa nấu cháo, vừa kho được - nó trả:
- Hai chục nghe bà.
Bà bán hàng trừng mắt:
- Không mua thì thôi, đi chỗ khác cho tao bán.
Xù thất vọng. Nó đi ngược lại hàng thịt heo. Lần này nó ý tứ, đưa trước cho bà hàng thịt thấy tờ giấy bạc rồi mới hỏi giá. Bà hàng thịt có vẻ dịu dàng hơn, bảo nó:
- Sáu chục một trăm thịt nạc.
Xù lựa một miếng thịt bằng bàn tay bỏ lên bàn cân. Nó nói:
- Bác cân dùm xem miếng thịt này bao nhiêu.
Bà hàng thịt bỏ trái cân lên rồi trả lời:
- Trăm rưỡi. Em đưa qua chín chục.
Xù ngã giá:
- Bảy chục được không bác?
Bà hàng thịt lắc đầu, Xù thêm:
- Thôi, bảy lăm đi. Bác bán cho cháu đi mà.
Lại lắc đầu. Xù dợm bước đi. Không hiểu nghĩ sao bà hàng gọi nó lại:
- Ê nhỏ, bảy lăm đó, lấy đi.
Bà gói miếng thịt vào miếng giấy, trao cho nó. Xù đợi thối tiền xong, nó chạy đi mua lít gạo, mấy đồng nước mắm rồi rảo chân đi nhanh về nhà.
Xù bước chân vào cửa, nó thấy bà Tám đang lúi húi dưới bếp, nó gọi lớn:
- Nội ơi.
Có tiếng bà Tám “ơi” thật lớn, rồi bà Tám lần lên nhà trên, hỏi Xù:
- Con về đó à?
- Dạ, bán hết rồi nội à.
- Khá không con?
- Dạ khá, có bà khách mua dùm con cả giỏ, được tới hai trăm lận nội.
Xù nhìn gói thịt, gạo trên tay, nói tiếp:
- Trưa nay con nấu cháo thịt heo nạc cho nội ăn nghe.
Dường như đôi mắt sâu hóm kéo màn trắng đục của bà Tám cố nhướng lên, như muốn mở hẳn ra để nhìn vào mặt đứa cháu nuôi hiếu thảo. Giọng bà nghèn nghẹn:
- Thôi con, bày chi cho tốn. Kho cá bống với nước mắm cho nội ăn được rồi.
- Không mà, con muốn “đãi” nội một bữa mà.
Rồi nó đem chuyện khách lạ muốn đưa nó về ở nhà bà ta cho bà Tám nghe. Bà Tám run run hỏi nó:
- Rồi con nói sao?
- Con đâu có chịu nội. Con đi rồi ai lo cho nội đây. Ở với nội, con đi bẫy kỳ nhông bán cũng đủ ăn rồi, hén nội hén.
Giọng bà Tám như khóc:
- Bà lại muốn con đi, để may ra con còn sung sướng, đỡ vất vả hơn. Bà già rồi, sao cũng được.
Thằng Xù cãi:
- Đâu được nội, nội già thì phải có người săn sóc nội chớ.
Rồi nó quay xuống bếp, lục nồi lo bỏ gạo nấu cháo. Nó bằm thịt cẩn thận. Một lát mùi gạo nấu với thịt nạc bay lên thơm phức làm Xù rỏ dãi. Nó múc ra tô, còn chừa lại một nửa trong xoong để bà Tám ăn buổi chiều.
Xù loay hoay dọn cơm. Phần bà Tám là tô cháo thịt ngon lành. Còn nó, một om cơm gạo lức với chén nước mắm ớt. Bữa nay cháo nấu với thịt nên nó không ăn chung được như mọi lần kho riêng cá bống. Nó mời bà Tám ăn. Bà ngồi xuống chõng tre múc một muỗng cháo ăn, ngon lạ. Chợt mùi nước mắm ớt cay nồng bốc lên mũi bà, bà hỏi Xù:
- Con ăn cơm với nước mắm à?
Xù sợ bà Tám giận, nói dối:
- Dạ, ăn với thịt chớ.
Bàn tay bà Tám sờ soạng quanh mâm, bà tiếp:
- Con nói dối. Tiền con để mua thịt nấu cháo hết rồi phải không?
Xù im lặng. Nó không biết nói sao. Bà Tám đặt cái muỗng xuống mâm. Nước mắt bà ứa ra. Giọng bà nghẹn ngào:
- Con lo cho bà chi dữ vậy Xù. Con cho bà ăn thịt trong khi con húp nước mắm. Làm sao bà nuốt cho trôi.
Xù sợ bà Tám không ăn, nó cuống cuồng năn nỉ:
- Nội ăn đi nội. Con nấu mà nội chê sao? Tại bữa nay con… thèm nước mắm đó chớ. Còn tiền đây mà nội. Nội ăn đi.
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông   *_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông I_icon13Sat 19 Jan 2013, 18:33

Chương 08

Trời đêm nay trong như pha lê. Từng đám mây xanh thăm thẳm lững lờ trôi nhẹ. Khu rừng hoang liêu đắm mình trong vũng tối. Xù ngồi cạnh bà Tám trên chiếc giường để ngoài hiên nhà. Cách khoảng một thước là đống lửa được Xù nhóm lên để sưởi ấm hai bà cháu. Tiếng củi khô nổ nghe lách tách, vui tai.
Vài loại chim đêm cất tiếng kêu thảm não, rời rạc. Không gian thật buồn, thật nặng. Những cơn gió mùa đông lùa vào làm run người. Xù vứt thêm vào đống lửa mấy que củi khô nho nhỏ.
- Tối nay trời trong ghê đi nội. Chắc không có mưa nữa đâu.
- Trời màu gì con?
- Dạ màu xanh, xanh nhiều hơn mấy bữa nữa nội à. Sáng con đi bẫy được rồi.
Nó chợt nghĩ ra điều gì, reo lên:
- Con quên. Mưa hôm qua, sáng mai thế nào nấm cũng lên. Con tìm lặt ít nấm về nấu ăn nha nội.
- Ừ, con thích thì lặt. Mà phải coi chừng xuông sâu rát lắm.
- Nè nội, mà sao hồi đó nội không ở dưới quê, hả nội? Lên ở chi đây có một mình, buồn dữ. Con mà như nội thôi con khỏi có dám đi. Nội dạn quá à.
Bà Tám chép miệng thở dài:
- Hồi đó ông nội con mất, rồi tới đứa con mất, nội buồn. Thêm nữa giặc nó tới làng, đốt hết nhà cửa. Nội theo đoàn tản cư đi lánh nạn. Rồi ghé đây, cất nhà ở luôn.
- Chắc hồi đó nội khổ lắm hén?
- Khổ chớ, mà cũng quen đi con à. Như con, tuổi còn nhỏ mà chịu khổ riết rồi cũng quen. Nội thương con, muốn nuôi nấng cho con ăn học mà rồi cũng không được, hóa ra lại bắt con nuôi lại nữa.
Xù nhìn bà Tám bằng đôi mắt tràn ngập mến thương:
- Nội còn nói vậy nữa, con đi vô à. Con thương nội như nội thương con vậy. Con khổ con không sợ bằng nội bỏ con. Con chỉ còn mình nội thôi à, mà nội cứ than thở hoài.
Sợ bà Tám lại khóc vì cảm xúc. Xù nói lảng đi:
- Trời mưa hôm qua bữa nay trong vắt nội à. Có nhiều sao nữa, nhiều lắm. Nội có thấy trời đẹp không?
- Có con à.
Bà Tám đáp lời nó
- Con nói cho nội biết, nội “thấy” rồi trời hôm nay đẹp lắm.
- Giá có trăng chắc là đẹp nữa hả nội?
- Ờ, có trăng thì sáng lắm.
Im lặng một lát, Xù lại gọi:
- Nội ơi.
- Gì con?
- Con hỏi nội cái này nghen.
- Con hỏi đi.
Xù hơi lưỡng lự một lát rồi hỏi:
- Nội theo đạo nào hả nội?
- Nội theo đạo ông bà.
Xù tò mò:
- Đạo “ông bà” là sao hở nội?
Bà Tám giải thích:
- Là mình nhớ công ơn tổ tiên, cứ đến ngày ông bà chết, thì mua đồ về nấu, hay trái cây cũng được, để cúng giỗ.
Xù hỏi tới:
- Cúng giỗ là sao hả nội? Có đọc kinh không? Có vô nhà thờ không nội?
- Không, mình cúng là bày đồ ăn lên bàn thờ, trước di ảnh của ông bà tổ tiên mình, rồi lạy, và nhớ đến người đã chết, không có đọc kinh gì cả.
- Lạy như con lạy chúa hả nội?
- Ừ, lạy như vậy. Nhưng bề ngoài thôi, nhớ hay không là trong lòng mình.
Xù gật đầu:
- Đúng đó nội, con cũng thờ Chúa ở trong lòng nữa. Hồi nhỏ, con để Chúa ở trên đầu kia.
- Còn bây giờ?
Bà Tám mỉm cười hỏi lại.
- Giờ đầu con dang nắng tối ngày “khét nắng” thấy mồ đi, đâu có dám để Chúa ở trển.
Nó tẩn mẩn một hồi rồi nói tiếp:
- Sao ở đời này lại có người sướng, người khổ hả nội? Như con với nội đây nè. Mình không được ở chợ như người ta. Mình không có nhiều tiền nên không có quần áo đẹp như người ta. Sao vậy hả nội?
Bà Tám ngẫm nghĩ. Thật tình bà không biết phải trả lời nó như thế nào. Giải thích làm sao cho nó hiểu trong khi chính bà cũng không biết tại sao mình phải chịu đựng cảnh khốn khổ như thế này. Bà tìm mọi cách nói qua loa về thắc mắc của Xù:
- Thì ở đời, ai cũng có khi khổ khi sướng. Không ai giàu có hoài, mà cũng chẳng ai nghèo hèn suốt đời. Như con đó, bây giờ con khổ biết đâu mai kia con sướng.
Thằng Xù gật gật đầu, nhưng chừng như chưa chịu với lời giải thích của bà Tám nó lại hỏi nữa:
- Con thì như vậy rồi, con còn nhỏ, biết đâu sau này con sung sướng. Còn nội thì sao? Nội có bao giờ sung sướng chưa? Con nghe nội kể hồi xưa nội khổ, rồi bây giờ nội cũng khổ nữa đó.
Bà Tám im lặng một lát rồi nói:
- Cũng có lúc nội dư dả, sung sướng chớ. Nhưng con đừng nghĩ rằng có nhiều tiền là sung sướng, không phải thế đâu?
- Chớ sao hả nội? Con thấy có tiền sướng thấy mồ đi, được mua đồ ăn ngon để ăn, được may quần áo đẹp để mặc. Con thấy bọn thằng Sơn, thằng Thanh cháu bà Hương Thêm đó, tụi nó lớn tồng ngồng rồi mà còn được ăn rồi đi chơi hoài nè.
Bà Tám im lặng nghe đứa trẻ mồ côi nói những thắc mắc ngây thơ, ngay tình của nó. Bà nói để cho Xù yên tâm:
- Bây giờ tụi nó được sung sướng, có khi mai sau lại không bằng con thì sao?
Xù ngước nhìn bầu trời đầy những vì sao lấp lánh, nó nói như một lời rên rỉ:
- Con không biết rồi nữa ra sao, bây giờ con chỉ biết có nội không à.
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông   *_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông I_icon13Sat 19 Jan 2013, 18:33

Chương 09

Mấy hôm nay Xù ngã bệnh. Nó nóng liên miên, rồi lạnh. Nó nằm co quắp trên giường, rên ư ử.
Bà Tám cuống cuồng lo ngại, nhưng với đôi mắt mù lòa, làm sao bà kiếm được tiền chạy thuốc cho nó bây giờ?
Bà ngồi cạnh bên giường Xù, thỉnh thoảng lại lấy tay sờ lên trán nó. Mắt bà mờ những lệ. Còn bát gạo cuối cùng bà cũng đã mang nấu cháo từ trưa mất rồi.
Xù gượng ngồi dậy. Bà Tám đang lúi húi sau bếp. Đầu nó nặng như bú bổ. Lưỡi nó khô và đắng lạ lùng. Nó nhẹ bước xuống giường, chân nó run và mắt nó hoa lên. Nó chập choạng bước tới chỗ để chiếc bẫy kỳ nhông. Tay nó mân mê những thanh tre nhỏ, uốn cong những chiếc bẫy. Nó qua một thoáng suy nghĩ và rồi nó quyết định. Nó dòm chừng xuống bếp, bà Tám vẫn ở dưới đó. Nó se sẽ xách bẫy đi ra khỏi nhà.
Chờ từ trưa tới gần chiều mà chỉ mới bẫy được có hai con, Xù hơi thất vọng. Có tiếng gọi tên nó lanh lảnh từ xa vọng tới. Xù biết ngay là bà Tám đang đi kiếm mình. Tiếng bà khàn khàn như người kiệt sức.
- Xù ơi! Xù! Con ở đâu???
Cơn nắng gay gắt buổi trưa chưa tàn làm Xù thêm sốt, nhưng nó gượng trấn tỉnh, bắt loa tay kêu lớn cho bà Tám yên lòng:
- Con đây, Xù đây nội.
Nó lần đi về phía bà Tám đang lần mò đi tới. Tay nó xách chiếc bẫy và cái giỏ đựng hai con kỳ nhông. Nó đến bên bà:
- Nội đi đâu vậy?
Bà Tám chợt tức tưởi khóc òa lên:
- Sao con đau mà con đi đâu vậy nè? Nội đi kiếm con cả buổi, không thấy đường nên nội kiếm không ra. Nội sợ quá…
Xù ôm vai bà:
- Thôi mình về đi nội. Con tính đi bẫy ít con kỳ nhông…
Bà Tám ngắt ngang:
- Nhưng con đang bịnh mà. Con ráng đi bẫy như vậy lỡ ngã giữa đường thì sao?
Xù cố gượng cười thành tiếng cho bà Tám yên lòng:
- Con bớt rồi mà nội. Đi một tí có sao đâu.
Bà Tám đưa tay sờ trán Xù, hốt hoảng kêu lên:
- Trời ơi! Con nóng quá! Đi về, đi về mau con.
Hai bà cháu kéo nhau đi nhanh về nhà. Bà Tám buộc nó lên nằm trên giường, đắp chăn kín lại. Bà đi rót cho nó ly nước. Trời đổ mưa, những làn chớp sáng lòe xuyên qua mái tranh dột nát. Tiếng mưa lộp bộp buồn ray rứt làm Xù muốn khóc. Bất giác, nó đưa tay làm dấu Thánh Giá. Niềm tin trong lòng nó mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nó thấy mưa tiếp diễn với những lằn chớp sáng không còn làm nó sợ hãi nữa. Nó thiếp đi trong cơn nóng miên man vừa tái phát.
* * *
Bà Tám ngồi bên cạnh Xù. Nước mắt bà ứa ra, bà thấy xót thương tuổi thơ của đứa bé mồ côi sớm vương cay đắng. Cơn mưa đã dứt hột từ lâu, màn nắng sắp sửa ló dạng nồng nàn. Bà Tám chợt thấy thèm muốn được nhìn thấy ánh sáng hơn bao giờ hết. Giá mắt bà có một chút ánh sáng, chỉ một chút thôi, bà sẽ giúp đỡ được Xù nhiều lắm, trong lúc này. Ánh sáng của đôi mắt vắng đi, bà cảm thấy mình như mất đi một phần của linh hồn. Thân già bà không kể gì nữa, nhưng chỉ thương Xù phải chịu vất vả sớm hôm.
Bà Tám cố nhướng mắt lên, nhưng màn trắng mờ đục trước mặt vẫn thản nhiên chận lấy ánh sáng đang hiện diện, bà tức tối, hai bàn tay gầy guộc đưa lên như muốn cấu xé lấy màn đêm trước mắt. Sự bất lực làm hai bàn tay bà buông thỏng xuống. Bà ngồi phệch xuống giường, thở dài chán nản.
Bà Tám đã có một quyết định trong đầu, bà nhìn Xù nằm lặng yên, ngực vẫn thở đều. Bà lần xuống bếp, cắp chiếc rổ vào nách, rồi bằng sự lần mò bởi xúc giác, bà đi thẳng ra mé rừng.
* * *
Xù trở giấc, nó vừa qua một giấc ngủ dài, nó cảm thấy dễ chịu hơn lúc chưa vào giấc ngủ. Cổ nó bớt khô, đầu nó bớt nặng. Xù đưa mắt nhìn quanh: bà Tám đâu vắng? Linh tính như báo trước một sự không may, Xù nhảy vội xuống đất nó chạy ra nhà sau. Không có bà Tám. Sau hè cũng không. Nó lục soát lại các đồ vật quen thuộc trong nhà: chai nước mắm, cái nồi đất, cái xoong kho cá, lọ tiêu và vài cái chén đã mòn vành. Xù không tìm thấy cái rổ mọi khi bà Tám dùng đi hái nấm. Nó chợt hiểu và nghe rờn rợn tóc gáy.
Nó băng chạy ra khỏi nhà. Trời trưa gay gắt nắng. Nó chạy miết về phía mé rừng quên cả cơn đau, quên cả mệt nhọc. Nó dò tìm từng bụi sim, từng gò mối. Hết ụ đất này đến ụ đất khác, hết bụi cây này đến bụi cây kia, hằng Xù vạch lá, nhìn dấu chân. Không có gì cả ngoài những lằn đất cứng và mồ hôi mặn chát chảy ròng ròng trên má trên cổ nó.
Chợt, Xù nhìn thấy dấu chân người trên một vùng đất mềm… có lẽ nào bà Tám lại đi xa được đến thế? Nhưng mặc kệ, nó cứ thầm hy vọng. Nó men theo dấu chân một cách khó nhọc, nhưng được vài bước thì bị mất dấu vì cỏ khô và đất cứng. Thất vọng, Xù bắt tay làm loa gọi lớn: “Nội ơi! Nội”… tiếng nó khàn đặc, khó khăn lắm mới thoát ra khỏi cổ họng đắng nghét của nó.
Xù thất thểu như một người không hồn. Nó đi quanh quẩn khu rừng, không tìm tòi nữa. Đến một cái hục, như cái hố nhỏ, đất khô cứng, nứt nẻ, bên cạnh một gò mối lớn, Xù chợt trông thấy một thây người nằm co quắp dưới hố. Nó nhảy vọt đến, lật người đó ra và kinh hoàng rú lên:
- Nội ơi! Nội!
Thì ra cái xác cứng lạnh ấy chính là xác bà Tám. Bà đã chết tự bao giờ.
Bên cạnh bà, rổ nấm đổ vung vãi cả mặt đất, những cọng nấm mối to bụ bẫm. Bà cố đi lặt nấm để đổi gạo nấu cháo và mua thuốc cho Xù. Bà đã không còn nhớ đến đôi mắt mù lòa của mình nữa, chỉ thấy có tình thương vô bờ bến đối với đứa cháu nuôi.
Nhưng tại sao bà chết? Trúng gió chăng? Có lẽ. Xù cúi nhìn xuống chân bà Tám, vì nó vừa chợt liên tưởng đến một tai họa nào đó đến với bà. Da bà tím ngắt. Nhất là ở cổ chân trái, Xù nhìn kỹ và nó thấy một vết rướm máu nhỏ ở gan bàn chân bà Tám. Nó hiểu ra: bà Tám đã bị rắn độc cắn, vì bà mù lòa nên không tránh được nó.
Thằng Xù òa lên khóc. Giọt nước mắt từ lâu khô trên gò má nó, kể cả những ngày nó hay tin mẹ nó mất, kể cả những lúc nhận lãnh lằn roi ghê gớm của bà Hương Thêm, bây giờ trào ra, trào ra tới tấp, thật nhiều.
Dòng nước mắt chan hòa sự cảm thương và đau khổ. Nó ngồi bệch xuống cạnh cái xác cứng lạnh của bà Tám khóc mãi, mặc cho mặt trời đứng bóng, rồi ngả về chiều.
Xù vuốt ve từng sợi tóc bạc phơ trên đầu bà Tám. Người đàn bà già nua đã dành sự thương yêu cho nó trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời.
Nó biết từ nay nó không tìm đâu ra được một tình thương như vậy nữa. Nó thèm được ấp ủ trong thương yêu, nhưng bây giờ tình thương đã vĩnh viễn rời xa tầm tay nó.
Nó nhìn xuống đôi tay mình, hai cánh tay đen đủi, gầy guộc. Hai cánh tay ngắn quá, không đủ sức níu giữ được tình thương.
Xù nhắm mắt lại, nước mắt vẫn chảy dài trên hai gò má nó. Nước mắt mằn mặn đọng lại trên môi khô. Nó không buồn lau. Nó cứ ngồi ỳ bên xác bà Tám, mồm mếu máo gọi nho nhỏ “Nội ơi, nội ơi! Sao nội bỏ con!”…
Mãi đến chiều tối, Xù mới uể oải đứng lên. Nó ghé vai cõng xác bà Tám lên vai, định đưa về căn nhà thân yêu đã xiêu vẹo để sáng mai đào huyệt chôn bà. Nhưng xác bà Tám cứng quá, lạnh quá, Xù không làm sao cõng bà lên nổi. Nó đành cởi áo đắp cho bà rồi chạy vội về nhà lấy cây cuốc.
Xù hì hục đào huyệt ngay cạnh chỗ bà Tám nằm chết. Thỉnh thoảng nó ngừng lại ngước nhìn vành trăng lưỡi liềm đã lên cao, ánh sáng vàng nhạt, hờ hững qua từng lùm cây thưa. Nó đào mãi, từng lát cuốc rồi từng lát cuốc, mãi đến khi bên cạnh nó đã vun lên một gò đất nhỏ và trước mặt nó đã có hình một cái hố khá sâu, nó mới ngừng tay.
Xù phải khó nhọc lắm mới lật bà Tám được vào trong chiếc chiếu duy nhất mà nó mang từ nhà ra. Nó bó xác bà Tám lại, rồi trước khi lăn bà xuống huyệt, nó đứng yên lặng, lẩm nhẩm đọc kinh.
Lại từng lát cuốc trả đất về cho hố sâu. Xù rớt nước mắt. Nó hiểu sẽ không bao giờ nó còn được nhìn thấy gương mặt già nua thân yêu của bà Tám nữa.
Khi Xù về đến nhà thì trời đã rưng rửng sáng. Nó buông mình xuống chiếc giường tre không chiếu. Nó nghĩ đến cái chết thê thảm của vị ân nhân của mình mà cảm thấy đau lòng. Bà Tám mất rồi, Xù nghĩ nó vẫn có thể ở lại nhà, tiếp tục đi bẫy kỳ nhông để bán lấy tiền độ nhật. Nhưng, hình như có một mãnh lực nào đó, ngăn cản ý nghĩ của Xù. Nó rùng mình khi nghĩ đến căn nhà từ nay sẽ thiếu vắng bà Tám, hoang lạnh biết bao nhiêu. Nó sẽ không còn được nhìn dáng dấp còm cõi mà thân yêu của bà Tám nữa. Nó sẽ không bao giờ được nghe bà kể chuyện, không bao giờ còn được nghe bà âu yếm gọi bằng con… nó sợ hình ảnh chung quanh dồn đến, làm nó nhớ không chịu được.
Xù suy nghĩ mãi. Nửa muốn ra đi, nửa muốn ở lại. Nó thiếp đi trong những ý nghĩ mâu thuẫn trong đầu óc.
Xù giật mình mở mắt nhìn quanh! Nó ngơ ngác khi nhận ra sự thật: bà Tám đã chết rồi. Xác bà nó chôn ngoài rừng kia. Căn nhà thật trống trải đến lạnh người, chiếc bẫy kỳ nhông, vật dùng tìm kế sinh nhai cho cả hai bà cháu đang nằm chơ vơ ở góc nhà.
Trong một quyết định thật nhanh, Xù nhảy vội xuống đất. Nó lấy búa đập gẫy tan chiếc bẫy kỳ nhông. Từ nay, nó sẽ không cần dùng bẫy nữa, vì không còn bà Tám trên đời, nó không còn ai là mục đích để làm việc nữa. Nó đứng lặng rất lâu để nhìn lần cuối căn nhà quen thuộc rồi bước nhanh ra cửa. Nó chưa biết mình sẽ đi đâu, nhưng trước hết là nó phải rời khỏi căn nhà nhỏ và bà Tám: những kỷ niệm sâu xa của tình thương mà suốt đời nó không quên.
THỤY Ý
HẾT
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




*_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông   *_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
*_Chiếc Bẫy Kỳ Nhông
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Lý Chiều Chiều - Thanh Thuỷ, Lương Tuấn
» Những chiếc ô 'cuốn theo chiều gió'
» CHIỀU QUÊ (Chiều Sông Quê)
» Lục bát
» SƯƠNG CHIỀU TÚ ANH
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: Truyện Sưu tầm :: Tủ sách Tuổi Hoa :: Hoa xanh-