Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 01:16

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:03

KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Yesterday at 16:45

KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22

NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20

KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08

Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54

Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10

7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10

Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07

Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36

Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09

Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46

Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06

Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04

DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19

Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37

Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34

TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17

CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05

Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41

Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 *_Cây Đàn Huyền Dịu

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Cây Đàn Huyền Dịu Empty
Bài gửiTiêu đề: *_Cây Đàn Huyền Dịu   *_Cây Đàn Huyền Dịu I_icon13Sat 19 Jan 2013, 06:58

*_Cây Đàn Huyền Dịu CAY_DAN_HUYEN_DIEU

Thông tin ebook

Tên truyện: Cây Đàn Huyền Diệu

Tác giả: Vũ Hạnh

Theo tài liệu của C. Waldémar

Thể loại: Văn học trong nước

Nhà xuất bản: Tuổi Hoa

Năm xuất bản: 1972

Tủ sách: Tuổi Hoa - Hoa Xanh

Số quyển / 1 bộ: 1

Hình thức bìa: Bìa mềm

----------------------------------

Lời nói đầu


Đây là câu chuyện của một cậu bé đã sớm trở thành thiên tài về nhạc, một bậc thiên tài kỳ diệu của đàn vĩ cầm, mà nhiều tài danh lỗi lạc ở trên thế giới đã xem như một hiện tượng có một không hai ở trong lịch sử nghệ thuật âm thanh.
Đó là Pa-ga-ni-ni, ra đời vào ngày 18 tháng 2 năm 1784 ở Ý, một người ốm o và xấu xí, xanh xao và lạnh lùng, một người trình diễn nghệ thuật ở trên sân khấu với những dáng điệu vụng về khó tả nhưng là một bậc kỳ tài đã khám phá ra được bí mật của nhạc khí mình để tiến tới mức tuyệt đối của sự diễn tả.
Nhưng Pa-ga-ni-ni còn là người có một nghị lực phi thường trong sự học tập nghệ thuật, và những bí quyết của chàng phần lớn là những kết quả của sự làm việc gian lao, liên tục, dù trong những ngày đau ốm cũng dành cho sự tập dượt suốt mười hai tiếng đồng hồ.
Chính cái tài năng cao cả, siêu phàm của chàng đã bị nhiều kẻ đương thời ghen ghét và chàng bị gán cho những danh hiệu “Con quỉ Sa-tăng”, “Tên phù thủy Ý”, “Thần của địa ngục”… Đến khi từ giã cõi đời vào ngày 27 tháng 5 của năm 1840 vì bệnh ung thư ăn đứt cuống họng sau gần năm mươi sáu năm yêu mê nghệ thuật, thi hài của chàng lại chịu lênh đênh suốt năm mười sáu năm trường vì sự hất hủi, phũ phàng, cuối cùng mới được yên nghỉ ở tại nghĩa địa quê hương.
Bởi vì sau khi nhạc sĩ qua đời, những kẻ ghen ghét tài nghệ tuyệt vời của chàng vẫn đang còn sống. Họ cho rằng chàng chính là con cháu yêu ma mới có bản lĩnh lạ lùng như thế và cấm chôn chàng ở trong nghĩa địa. Quan tài của chàng được người con trai duy nhất di chuyển khắp nơi, nhưng ở nơi nào cũng bị xua đuổi. Khi nằm trong một thành phố ồn ào, khi đưa đến một hải đảo hoang vu, cuối cùng quan tài lại được bí mật chở lên tàu nhỏ chạy về quê hương. Nhưng các thành kiến do lòng mê tín và sự ghen ghét gây nên đã khiến người ta sợ hãi xác chết của chàng. Quan tài lại được di chuyển đến lần thứ năm và sau bao nhiêu thế tình biến đổi, mới được chôn cất vĩnh viễn trong xứ sở chàng, sau đúng năm mươi sáu năm lưu lạc.

V.H.

Vào truyện

Khi người mẹ về đến nhà thì bà chỉ kịp kêu lên một tiếng hốt hoảng và chạy lại phía đứa bé đang ngồi với những ngón tay đẫm máu:
- Trời ơi! Sao con tôi đến nỗi nầy!
Đứa bé giương đôi mắt nhìn lên mẹ, cặp mắt đen láy thẳm sâu long lanh một vẻ dị thường. Cây đàn ghi-ta to lớn đặt ở trên đùi và từng giọt máu chảy hoen thớ gỗ, nổi bật những chấm đỏ trên sắc vàng. Người mẹ chợt hiểu. Từ lâu cây đàn là nỗi khao khát của con bà. Thằng bé Pa-ga-ni-ni hàng ngày vẫn thường nhón chân nhìn lên đầu tủ tỏ ý khát thèm cây đàn mà cha nó thường dùng vào những tối, sau khi uống rượu say mèm từ quán trở về. Chiếc đàn bị kéo xích lại gần tủ, và một chiếc ghế còn đặt bên trên xác nhận bao nhiêu sự việc xảy ra: không nén được sự ưa thích, đứa bé trèo lên lấy cây đàn xuống và sự mê say khiến bàn tay nó đẫm máu trên những dây đàn. Mới năm ngoái đây, khi Pa-ga-ni-ni lên bốn tuổi, trong khi đưa con dạo ở bến tàu, người mẹ bỗng nghe một điệu nhạc vẳng lên từ một chiếc thuyền gần đấy. Tiếng đàn vĩ cầm rèo rắt trỗi lên một bản tình ca êm dịu chừng nào! Đứa bé bỗng dừng chân lại như bị thu hút bởi một sức huyền bí, và người mẹ thấy đôi mắt con mình mờ đi như tâm hồn nó chìm sâu vào cõi thế giới u huyền. Thần sắc của nó dần dần nhợt nhạt như giọng đàn kia đã cướp linh hồn của nó. Khi tiếng đàn được nâng cao vút lên với một điệu nhạc kích động lạ thường thì đứa con yêu của bà từ từ rụng xuống, như một thân cây yếu mềm gãy đổ trên đất.
Từ lâu, người mẹ đã nhìn thấy nỗi say mê âm nhạc trong lòng con mình. Bây giờ bàn tay đẫm máu của nó như là dấu hiệu kỳ quái của một tài năng chớm nở đã tìm lối thoát. Bà vội tìm thuốc băng bó vết thương và cố thu xếp mọi vật để vào chỗ cũ, cho người chồng khỏi nhận biết khi ông ta về. Từ đấy, bà vẫn thỉnh thoảng giấu chồng lấy chiếc đàn xuống cho con và chỉ những hôm người cha bận rộn dưới tàu, Pa-ga-ni-ni mới được tự do ve vuốt những sợi tơ đồng. Pa-ga-ni-ni biết rằng cha mình thô bạo, và chỉ đôi lần trong năm đứa bé mới bắt gặp được nụ cười ở trên khuôn mặt lầm lì của cha. Một hôm, đang đi thơ thẩn trong một lối phố chen chúc kẻ bán người mua, đứa bé bỗng nghe tiếng đàn vẳng lên đâu đó rất gần. Đi về hướng nhạc, nó nhìn thấy trong một quán nhỏ bán rượu, một số người đang đùa cợt ở cạnh quầy hàng trong lúc một người lớn tuổi sử dụng cây đàn vĩ cầm với những ngón nghề hết sức linh hoạt. Đứa bé rón rén bước tới, chui vào hàng rào, bị thu hút như nam châm và khi tiếng đàn bỗng dứt, từng loạt vỗ tay vang dậy, nó vẫn hãy còn ngơ ngẩn.
- Hoan hô Gi-ô-va-ni! Anh có ngón đàn tuyệt diệu! Hoan hô! Hoan hô!
Người nhạc sĩ quay đặt cây đàn ở trên thùng gỗ sau lưng và ngồi xuống ghế, tự thưởng cho mình một chén rượu lớn. Đó là lần đầu Pa-ga-ni-ni nhìn thấy tận mắt cây đàn vĩ cầm. Tiếng đàn êm dịu bây giờ gợi lại trong tiềm thức nó những nét huyền diệu mơ hồ của những năm qua ở cạnh bến tàu… Nó ngước lên nhìn chăm chú như dõi theo một vật lạ đáng yêu, đáng quí chừng nào. Trong khi mọi người nô đùa cười cợt thì đứa bé vẫn ngồi đó, nép sau thùng gỗ, nhìn lên cây đàn đã phát ra những thứ âm thanh kỳ diệu. Cuối cùng, thừa lúc câu chuyện của người trong quán ồn ào kích động bởi chất men rượu nồng ấm, Pa-ga-ni-ni trườn lên, thò tay nắm lấy chiếc đàn, rồi nhanh như một con thỏ chui tọt qua rào, bước ra đường phố. Đứa bé ôm chặt cây đàn trong lòng lang thang qua các con đường, rồi ra bờ biển. Trời cao và xanh, mây lững lờ, mặt biển lặng yên sáng màu ngọc bích lơ thơ điểm những cánh buồm lướt nhẹ ngoài khơi. Ngồi trên tảng đá, Pa-ga-ni-ni bắt đầu sờ soạng sử dụng cây đàn. Và giữa khung cảnh trời nước bao la, một bản nhạc lạ bắt đầu dựng thành như kết tựu được những nét thanh nhã mơ màng của thiên nhiên với một tâm hồn đa cảm. Đứa bé cứ thế tiếp tục đàn những bản hát mà nó đã nghe trong các thánh đường, mãi cho đến khi gió biển từ xa thổi về thoáng lạnh và những ánh nắng cuối cùng tắt lịm về phía chân trời nhấp nhô những dãy núi biếc đã đổi sang màu tím thẫm.
Trời sắp tối rồi. Pa-ga-ni-ni như choàng tỉnh dậy sau một cơn mơ và đứa bé năm tuổi ấy thất thểu ôm chặt cây đàn trong lòng trở lại những đường phố cũ. Khi đến ngôi quán ban trưa nó thấy một số những người vẫn còn ngồi đấy. Đứa bé hai tay nâng cây đàn lên, trịnh trọng tiến thẳng về phía nhạc sĩ. Một số người kêu lớn lên:
- Thằng ăn cắp đây!
Pa-ga-ni-ni ôn tồn đáp lại:
- Tôi không phải là ăn cắp. Tôi chỉ mượn tạm cây đàn một lúc, bây giờ trả lại cho người chủ nó.
Một người hùng hổ la lớn:
- Đánh thằng ranh này một trận nên thân để nó khiếp sợ mà chừa.
Và sấn sổ bước tới gần, định tát vào mặt đứa bé. Nhưng người nhạc sĩ đã đưa tay ra ngăn cản, và nói:
- Hãy khoan, xem thằng bé này mượn đàn làm gì. Ánh sáng trong đôi mắt nó khiến tôi chú ý.
Rồi ông quay sang Pa-ga-ni-ni:
- Này chú bé con, chú đùa với cây đàn này đấy à?
Pa-ga-ni-ni trả lời:
- Thưa ông, tôi chỉ mượn nó để đàn.
- Để đàn? Bộ mày đùa sao?
Người nghệ sĩ già kêu lên với nụ cười hoài nghi. Pa-ga-ni-ni vẫn đứng lặng yên, giương mắt bình tĩnh ngó hết mọi người. Cuối cùng, đứa bé trả lời:
- Một đứa bé con không thể đàn sao?
- Nhưng mày đàn những bản gì?
- Tất cả những gì mà tôi có thể đàn được, như những bài hát nghe trong giáo đường.
- A! Vậy hãy đàn thử một bản nghe chơi. Nếu mày đàn được thì tao tha tội đùa nghịch của mày. Nếu không, thì phải ăn đòn, nghe chưa?
Pa-ga-ni-ni nhón chân, đỡ lấy cây đàn, loay hoay đặt lên vai mình và mím môi lại. Mọi người im lặng theo dõi đứa bé. Những giọt mồ hôi lấm tấm ở trên khuôn mặt gầy gò xanh xao phản chiếu lấp lánh ánh đèn. Tiếng đàn ngập ngừng cất lên mỗi lúc thành dìu dặt và khi đứa bé dừng lại, dậm chân tỏ ý tức giận cho sự kém cỏi của mình thì một loạt pháo tay vang dậy. Gi-ô- va- ni, người nhạc sĩ, kéo Pa-ga-ni-ni vào lòng và nói:
- Em quả là một thần đồng. Ta sẽ bỏ công dạy dỗ cho em. Ta vốn là trưởng ban nhạc cho những gánh hát ở đây.

***

Từ đấy, Pa-ga-ni-ni đã có được người dìu dắt. Được gần hai năm thì người thầy dạy bảo học trò rằng:
- Bây giờ ta hết khả năng dạy dỗ em rồi, bởi vì tài nghệ của em vượt cao hơn ta rồi đó. Nhưng ta không muốn một kẻ thiên tài như em mất đường tiến thủ. Ngày mai ta sẽ giới thiệu em đến gặp nhạc sư Gia-cô-mô, họa may em sẽ có cơ phát triển hơn nữa.
Khi đứa bé về thuật lại cho cha mình rõ, thì ông cau mày cằn nhằn:
- Trời ơi! Làm sao mà dám đến học bậc danh sư ấy? Giờ học đều được tính bằng một giá cắt cổ, chịu tiền chi thấu!
Nhưng khi Gia-cô-mô gặp được Pa-ga-ni-ni thì sự mừng rỡ của ông đã xua tan hết ý nghĩ tiền bạc. Ông chịu dạy dỗ không công, và kể từ đấy, Pa-ga-ni-ni có thể đi sâu vào trong khu vực kỹ thuật tinh vi của nhạc. Mặc dầu tuổi tác khác nhau rất xa nhưng mối cảm thông giữa thầy và trò khiến họ coi nhau như là bè bạn. Gia-cô-mô còn tìm việc làm cho người học trò vừa là bạn nhỏ của mình trong các giáo đường và kể từ đấy hàng tuần cậu bé đã có một món tiền lớn. Cứ thế danh tiếng Pa-ga-ni-ni càng ngày càng tăng và bao nhiêu cuộc trình diễn cũng cố gắng mời cho được cậu bé tham dự. Thấy con làm ăn có tiền người cha tham lam tìm đủ mọi cách khai thác khả năng của nó bằng cách ép uổng nó phải hiện diện trong bất cứ là cuộc mời mọc nào, và ông cũng theo bén gót để giữ cho khỏi rơi rãi từng đồng xu nhỏ. Ngoài những giờ đi theo sát con mình, người cha ấy nằm say sưa trong các quán rượu. Đến một ngày nọ, vị thầy của Pa-ga-ni-ni bảo với học trò như sau:
- Coi như tài năng của ta dạy dỗ cho em đến đây là chấm dứt rồi. Em hãy về thành Pác-mơ, tìm học Rôn-la, đó là tay đàn vĩ cầm nổi tiếng nhất ở xứ này. Ta sẽ giới thiệu cho em đến đó. May ra người ấy còn có chút gì để mà truyền lại cho em.
Rồi ông ôn tồn khuyên nhủ người bạn bé nhỏ của mình:
- Em đừng bao giờ quên rằng ý chí quyết định tất cả. Chỉ có ý chí của những con người kiên nhẫn, những người không bao giờ chịu buông chìu theo những yếu hèn, những người biết đương đầu lại những thử thách của định mệnh, là sẽ đạt đến những gì lớn lao và cao quí nhất trên cõi đời này.
Đến ngày thấy đứa con mình sắp sửa đi xa, người mẹ hiền từ ngồi suốt đêm ở bên giường, không ngủ. Bà ngắm nhìn con trong sự yên lặng kéo dài với niềm xúc động sâu xa và cuối cùng mới thốt lên: “Con ơi! Mẹ ao ước rằng con sẽ đạt được lý tưởng của mình. Con sẽ trở nên tay vĩ cầm bậc nhất của thế giới. Những gì chính đáng mà con ao ước thì mẹ cũng hằng ao ước như con “.
Ngày mai người cha thuê chiếc xe ngựa và cùng với con về thành Pác-mơ. Nhưng khi gõ cửa nhà của nhạc sư thì vị này không chịu tiếp. Người vợ ông ta bước ra bảo rằng:
- Chồng tôi ốm nặng, ông ta không thể cử động từ mấy hôm nay.
Trong khi người cha cố gắng nài nỉ tiếp kiến cho được vị danh sư nọ, thì Pa-ga-ni-ni nhìn thấy chiếc vĩ cầm đặt bên cạnh một vở nhạc ghi chép bằng tay. Có nhiều nốt nhạc viết quá vội vàng và nhiều nốt khác đã bị xoá bỏ. Thoáng nhìn, cậu bé biết rằng đó là một bản hòa ca mà nhạc sư vừa soạn thảo. Nắm vội cây đàn, Pa-ga-ni-ni diễn tả hết bản hòa ca mà không phạm một lỗi nào. Tiếng đàn vừa dứt, thì trên cầu thang một cánh cửa lớn sực mở, và ông Rôn-la hiện ra, mặc quần áo ngủ, trên đầu phủ một khăn choàng bằng len trắng toát. Ông ta kêu lên:
- Coi kìa! Có phải quỉ sứ chui vào nhà tôi đấy không? Bây giờ mới thấy một người trình diễn chính bản hòa ca của tôi sáng tác, hay hơn chính cả tôi nữa.
Pa-ga-ni-ni cúi đầu chào hỏi lễ phép và hai cha con cố gắng nài nỉ để được nhạc sư nhận lời. Người cha khẩn khoản:
- Chúng tôi từ Giê-nơ đến vì biết rằng chỉ có ngài là người duy nhất có thể giúp đỡ con tôi tiến bộ.
Rôn-la trợn mắt:
- Cái gì? Ông nói tiến bộ thế nào? Ngay như tôi đây cũng muốn đàn giỏi kịp em bé này mà thôi. Tôi sợ rồi nó không còn thầy để mà học. Hoạ chăng chỉ còn mỗi một bậc thầy quan trọng mà nó có thể học tập lâu dài, đó là cuộc đời.
Một hôm, bá tước Nê-Grô là người rất mến tài nghệ Pa-ga-ni-ni và nhận làm kẻ bảo trợ cho cậu, đi chiếc xe ngựa cũ kỹ đến tìm Pa-ga-ni-ni và bảo:
- Hiện nay có một số người Pháp đang ở tại nơi nhà tôi.
Và ông nói tiếp, trịnh trọng:
- Trong đó có vị đại tướng chỉ huy.
Người cha Pa-ga-ni-ni xuýt xoa:
- Quả là danh dự lớn lao!
- Khốn nạn! Chả có vinh dự gì đâu. Sáng nay, tôi vừa cãi cọ khá sôi nổi với ông ta về một vấn đề danh dự.
Vị bá tước tằng hắng, nói tiếp:
- Vị đại tướng ấy cho rằng người dân xứ Giê-nơ của chúng ta đây chỉ là một sự hỗn hợp giữa bọn giặc cướp và bọn lái buôn. Chúng ta không có một chút năng khiếu nào về nghệ thuật. Ở đây không có hoạ sĩ, không có thi sĩ đáng cho chúng ta tự hào. Còn Kha-luân-bố thì chỉ là kẻ đại diện thương mại hơn là một nhà thám hiểm đúng danh hiệu ấy. Nghe người ngoại quốc khinh miệt dân mình như thế, tôi có thỉnh mời đại tướng tối nay đến dự một buổi dạ hội để ngài chứng kiến một người dân thành Giê-nơ, như bất cứ dân nào văn minh trên thế giới này, có thể là một nhạc sĩ bẩm sinh. Do đó, con trai của ngài cần phải hiện diện để mà trình bày tài nghệ.

Vào ngày dạ hội, Pa-ga-ni-ni sửa soạn y phục và đến giữa một quang cảnh hết sức náo nhiệt, tưng bừng. Trong khung cảnh ấy chỉ có mỗi một giọng nói vang lên sang sảng là có uy quyền hơn cả. Đó là giọng nói của một con người gầy gò với đồ quân phục chỉ huy khác biệt lạ thường giữa đám hầu cận chung quanh. Bộ quân phục ấy thật là đơn giản, cũ kỹ, không có chiếc huy hiệu nào. Và con người với màu da vàng cháy, với chiếc mũ nặng nề ấy, là Nã-phá-luân.
Khi đến chính giữa sân khấu, Pa-ga-ni-ni cúi chào mọi người với cái thân hình gầy gò xanh xao của mình. Cậu ta để ý thấy vị chỉ huy vẫn cứ tiếp tục trò chuyện với người chung quanh ở một chiếc bàn cách đây độ chừng năm thước. Điều đó khiến cậu buồn lòng, nhưng cậu nhủ thầm: “Rồi ông ta sẽ biết cách yên lặng”. Cậu vội đưa chiếc vĩ cầm lên vai trình bày bản nhạc “Mùa xuân của Côn-nê-bi-ô”. Những tiếng đàn êm, dịu dàng trải khắp gian phòng như những sợi bạc óng ánh, càng lúc càng thêm lan rộng và thấm sâu hơn, nhưng không lấn át được giọng sang sảng của vị chỉ huy. Thình lình Pa-ga-ni-ni bỏ mạnh cây đàn xuống mặt bàn trong một cử chỉ tức giận tràn trề. Cậu ta định rời gấp khỏi sân khấu, bỗng nghe Nã-phá-luân kêu giật lại với một giọng nói quyền hành:
- Kìa, chú nhỏ! Có việc gì vậy? Không muốn tiếp tục đàn nữa hay sao?
Và Pa-ga-ni-ni đứng dừng lại, dõng dạc trả lời:
- Tôi chỉ trình diễn khi nào ngài chịu nghe tôi.
Nã-phá-luân ngẩn người trong một vài giây rồi bỗng phá ra cười lớn. Với một giọng nói của kẻ bề trên, ông ta bảo người nhạc sĩ trẻ tuổi:
- Hay lắm! Biết ăn nói đấy chú bé! Thôi, cầm lấy đàn đi. Ta sẽ giữ gìn không cho ai được quấy rầy trong lúc chú đàn.
Một sự im lặng tuyệt đối bao trùm khắp căn phòng rộng và Pa-ga-ni-ni dạo những bản dân ca miền Cót-sơ, đưa Nã-phá-luân quay về dĩ vãng của mình. Người chỉ huy bỗng quên hẳn hiện tại và trong giây phút thấy mình trở về khu chợ A-giác-xi-ô chói nắng ngày nào, thấy lại những cô gái nhỏ vui đùa bên đống lửa hồng vào dịp ngày hội mùa xuân. Ngày ấy, Nã-phá-luân mới lên mười và bây giờ đây khói bụi chiến tranh cùng với tháng năm đã làm cho người cằn cỗi. Tiếng đàn dẫn dắt người tìm về ngôi làng cũ, ở bên bờ biển, cách chợ A-giác-xi-ô độ một dặm đường, làng Mi-lơ-li nhìn ra một ngọn hải đăng ngời sáng. Người như tưởng mình đi dạo trong khu vườn rộng bao la, đầy cam và lựu, đầy những hoa hồng, giữa hương và sắc chan hoà. Trên những ngọn đồi rợp bóng quanh vùng có một tảng đá cô độc nhô lên giữa vùng cây cối. Nơi đây thân mẫu của người đã dọn sẵn một hang động để Nã-phá-luân có thể học tập hàng giờ, trong dịp nghỉ hè… Thình lình vị chỉ huy bỗng giật mình: một loạt vỗ tay như sấm vang dậy chung quanh. “Thật là đứa bé kỳ lạ! ” Nã-phá-luân vừa bảo thầm như vậy vừa vỗ tay phụ hoạ theo trong một dáng điệu trầm ngâm.
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Cây Đàn Huyền Dịu Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Cây Đàn Huyền Dịu   *_Cây Đàn Huyền Dịu I_icon13Sat 19 Jan 2013, 07:00

Chương 2

Được mười lăm tuổi, Pa-ga-ni-ni muốn rời gia đình, đi về những miền xa lạ biểu diễn tài năng của mình. Cậu bé sớm trưởng thành ấy không chịu nổi sự kèm thúc của một người cha nghiện ngập quan niệm con mình như một cái máy làm tiền và tìm mọi cách ép buộc Pa-ga-ni-ni làm việc không kể gì đến sức khoẻ. Trong sự câu thúc, dày vò, Pa-ga-ni-ni cảm thấy tâm hồn mình mệt mỏi hơn lên, đồng thời âm nhạc hàng ngày nâng chàng lên khỏi cuộc sống tầm thường, nung nấu thêm ý trưởng thành và những khắc khoải tuyệt vời. Một hôm, Pa-ga-ni-ni thưa với cha mình:
- Trong bao năm nay con đã cố gắng làm tiền để nuôi cha mẹ. Số tiền mà con dành dụm có thể cung cấp cho gia đình ta qua khỏi những ngày túng thiếu. Ngày mai, con phải về tỉnh Luýt-cơ để dự một cuộc hòa nhạc lớn lao. Con muốn là kẻ độc hành, không người bảo trợ.
Người cha chồm hẳn người dậy trong sự kinh ngạc giận dữ. Đoạn ông gằn giọng:
- Mày không thể nào đi một mình được.
- Con sẽ đi đến một mình. Con đã quyết định như thế.
- Đồ chó chết!
Người cha hung hãn nhào đến, muốn vồ chặt lấy đứa con trong đôi tay mình, nhưng nó đã nhảy biến ra khỏi cửa. Trong cơn hùng hổ, ông cầm cây đèn bằng đồng ném về phía nó. Pa-ga-ni-ni ngã quị hẳn xuống, chạm ngã chiếc bàn gần đấy, ly chén ngã đổ loảng xoảng. Một giòng máu đỏ chan hoà toé ra từ đầu cậu bé. Nhìn con nằm yên bất động, người cha thốt nhiên cảm thấy một nỗi kinh hoàng, một niềm hối hận. Về phần Pa-ga-ni-ni, sau sự ngất xỉu vì choáng váng, cậu thấy một nỗi chua chát hòa lẫn với niềm thống khổ làm cho tê liệt thần trí của mình. Trong khi người cha băng bó vết thương vừa cất những lời rên siết thê thảm, thì người con vẫn nằm yên, nhắm mắt để tránh nhìn mặt cha mình.
Mãi khi người mẹ trở về, đứa bé mới chịu mở mắt. Hiểu biết nỗi lòng của con, bà nói:
- Bây giờ con đã đầy đủ khả năng để tự tạo lấy con đường mà đi. Mẹ không muốn giữ con lại bên mình vì một chút lòng quyến luyến hẹp hòi. Hằng ngày, mẹ sẽ cầu nguyện cho con thành đạt vẻ vang.
Đêm ấy, Pa-ga-ni-ni trằn trọc không sao ngủ được. Ngày mai, cậu bé giã từ tất cả, lên đường đi về với những cảnh sống mà cậu không sao hiểu được sẽ dẫn dắt mình đến bến bờ nào. Ngôi nhà quen thuộc, người mẹ yêu dấu, bao nhiêu vật dụng gần gũi, chỉ còn đêm này nữa là sẽ xa cách lâu dài. Cậu bé ngồi dậy, cầm lấy cây đàn. Ngày mai, chỉ còn có nó là bạn đồng hành trên những nẻo đường xa xôi, là kẻ duy nhất hòa đồng tâm sự. Pa-ga-ni-ni diễn tả nỗi lòng nhớ nhung của mình bằng tiếng tơ đàn, bởi vì chỉ có bằng giọng nói ấy chàng mới biểu lộ hết tâm trạng mình. Khi tiếng đàn đã dừng lại trong đêm khuya vắng, dư âm của một mối sầu giã biệt vẫn còn vương vấn khắp nơi. Nơi phòng người mẹ, Pa-ga-ni-ni tưởng nghe những tiếng thở dài.

Và sáng hôm ấy, Pa-ga-ni-ni chuẩn bị rất sớm hành trang lên đường. Thoát khỏi hẳn sự kềm chế của một người cha thô bạo, Pa-ga-ni-ni cảm thấy thoải mái, hít thở no đầy không khí tự do. Trên con đường dằng dặc ấy, Pa-ga-ni-ni thong thả mà đi, mỗi tối ghé vào quán trọ dành cho mọi người, để kiếm chỗ ngủ. Những đêm trăng sáng, hay là sao tỏ, vào thời tiết hè nóng nực thì cậu ngủ lại giữa trời, nằm trên nệm rêu của một ngọn đồi nào đó, hoặc trong một khu rừng thông và cảm thấy lòng sung sướng vô biên. Giữa một tạo vật không ngừng sinh hoạt trong đêm bằng những tiếng nói âm thầm, Pa-ga-ni-ni choàng dậy đáp lời ngôn ngữ thiên nhiên bằng cái tiếng nói dìu dặt của cây đàn mình.. Và nhiều đêm dài, Pa-ga-ni-ni cứ đàn như thế, cố gắng diễn đạt những nguồn cảm hứng u uẩn làm cho khắc khoải lòng mình. Có lúc, trước khi mặt trời đi ngủ hay là thức giấc, Pa-ga-ni-ni tìm cách đua tài với các bầy chim bằng cách diễn đạt tiếng nói của loài bay nhảy trên sợi tơ đồng. Hai ngày trước khi đến thành Luýt-cơ, Pa -ga-ni-ni thực hiện một cuộc hòa tấu tuyệt vời với một họa mi. Lúc đó là ngày mười sáu tháng sáu của năm một ngàn tám trăm, vào một buổi chiều, khi đang ngồi trên mặt đất gồ ghề, dựa lưng vào một thân cây, Pa-ga-ni-ni cảm thấy tâm hồn của mình tan chìm trong cái yên lặng quái đản của những bụi cây bờ đá phản chiếu tia lửa đỏ rực của bóng mặt trời hoàng hôn. Không một tiếng gió lay động lá cành, không một tiếng người, cả loài muôn thú cũng đều lặng tiếng im hơi. Bỗng nhiên giữa khoảng tranh tối tranh sáng, tiếng chim họa mi bốc dậy, ban đầu ngượng ngập rồi cứ mỗi lúc càng linh hoạt hơn, càng thắm thiết hơn. Pa-ga-ni-ni cầm vội cây đàn dè dặt hòa nhịp, rồi nâng giọng vút lên cao. Tiếng đàn chỉ được gợi lên một cách nghẹn ngào nhưng chim họa mi trả lời trong sự thông cảm bằng những giọng hát mỗi lúc càng thêm nhiệt tình. Và cứ thế, họa mi hát với tiếng đàn, hát theo một cách say sưa kỳ lạ, tưởng như lồng ngực bé nhỏ của chim cũng muốn vỡ tan. Trong nỗi say sưa tuyệt vời, Pa-ga-ni-ni cảm thấy rõ sự ngăn cách giữa người và thiên nhiên đã bị xoá tan, và đây là sự đối thoại hoàn toàn của hai tâm hồn. Pa-ga-ni-ni thấy mình biến thành một phần của rừng cây đá núi, của cái khu vực chứa đầy sinh vật âm thầm đã ràng buộc mình trong niềm thân thiết lạ thường. Mãi cho đến lúc tiếng chim ngừng bặt, vừng trăng nhô lên ở trên khung cảnh lặng lờ phóng toả một vùng ánh sáng hiền dịu thì người nhạc sĩ bỗng nhiên run lạnh đột ngột, bỗng thấy một niềm sợ hãi. Sau đó, Pa-ga-ni-ni chìm dần trong một giấc ngủ mê mệt. Mảnh vải dùng bọc thùng đàn không che chở nổi cậu bé khỏi cái giá lạnh ban đêm càng lúc càng thấm sâu hơn.
Hôm sau, khi choàng tỉnh dậy, mặt trời đã lên khá cao, Pa-ga-ni-ni giật mình hoảng hốt vì cây đàn đã biến mất. Nhạc sĩ ngồi ngẩn ngơ tiếc người bạn thân của mình, đồng thời là phương tiện sống quan trọng của chàng. Đối với Pa-ga-ni-ni, mất đàn coi như mất hết tất cả, vì chính có nó chàng mới trở thành một người đầy đủ. Trong cơn thất vọng não nề, Pa-ga-ni-ni đi vào thành phố với niềm tuyệt vọng của kẻ bại trận.. Qua những dãy phố chen chúc khách hàng, những người tứ xứ, hàng hoá muôn màu, giữa những tiếng động, tiếng cười vang dội điếc tai của một thành phố có vẻ no đầy hạnh phúc Pa-ga-ni-ni vét món tiền nhỏ cuối cùng mua vài thức ăn chống sự đói nhọc đang dày vò mình. Thốt nhiên, bằng cái thính giác tinh tường của mình, chàng nghe một tiếng vĩ cầm vẳng lại giữa sự sôi động phố phường. Chàng bỗng nhớ lại ngày nào, còn nhỏ, chàng đã đi theo tiếng đàn tương tự, đánh cắp cây đàn của một nhạc sư để dò dẫm đàn suốt một buổi chiều…
Khi chàng đi đến thì thấy một người già nua áo quần rách rưới ngồi bên góc một quán rượu dạo một bản đàn sầu thảm. Có một vẻ gì trong sự xuất hiện đột ngột của con người ấy khiến chàng chú ý. Người già cả ấy dạo đàn khá hay, hơn chàng dự tưởng. Những bàn tay sần sùi vì bệnh phong bại làm cho cong cúm khó coi, run rẩy từng lúc, khiến cho thỉnh thoảng bản nhạc vấp phải những nốt sai lầm. Nhưng trong khi đàn người hành khất tiêu điều ấy lắng nghe tiếng nhạc của mình say đắm chừng nào! Mái đầu sói nhẵn như một chất ngà cũ kỹ cúi gập hẳn xuống và một nụ cười làm cho nhăn nhó khuôn miệng không còn một chiếc răng nào. Nụ cười có một vẻ gì kỳ quái, vô hình chứng tỏ một cuộc thoát ly, một sự cố gắng thống khổ để mà quên lãng thực tại. Hẳn là tiếng đàn đã đưa tâm hồn nghệ sĩ về một cõi đời đẹp hơn, một cõi thế giới từ lâu không còn hình bóng.
Đám đông phần nhiều đi ngang qua người nghệ sĩ với một thái độ hững hờ và chỉ thỉnh thoảng mới thấy một người nghiêng tay ném xuống một đồng bố thí. Pa-ga-ni-ni không còn đồng nào trong túi, cảm thấy một niềm thương hại vô hạn đối với người hành khất già. Cậu quì bên cạnh người ấy nói nhỏ:
- Bác ơi, tôi thấy gần như bác chẳng thâu được bao nhiêu. Tôi cũng là kẻ chuyên đàn vĩ cầm. Bác hãy cho tôi đàn thử giây lát xem nào. Tôi tin rằng kẻ qua đường sẽ giúp bác được nhiều hơn.
Người hành khất nghễnh ngãng kia nhíu mày hỏi lại:
- Gì vậy? Ai nói gì vậy?
Khuôn mặt ông ta quay nhìn về phía Pa-ga-ni-ni đượm màu xác chết hơn là người sống.
- Tôi cũng chuyên đàn vĩ cầm. Bác hãy để tôi đàn thay cho bác. Chắc kiếm tiền được nhiều hơn.
- Đàn vĩ cầm à?
Người hành khất bỗng đặt cây đàn xuống, nắm chặt cánh tay Pa-ga-ni-ni khiến cậu hốt hoảng kêu lên. Cậu bé không ngờ một người như thế vẫn còn sức lực như vậy. Nhưng người nhạc sĩ già kia kéo chàng sát lại bên mình và nói:
- Tôi gần mù loà nhưng vẫn còn nhìn thấy được chừng nào. Tôi thấy là cậu còn trẻ, rất trẻ. Thôi được! Cứ đàn thử đi xem nào!
Pa-ga-ni-ni cầm lấy cây đàn, cây đàn quá cũ nhưng thuộc vào loại có giá. Thoáng chốc, giữa những tiếng ồn ào vang động, điệu nhạc vang lên, và đám thính giả quây quần càng lúc kéo đến chung quanh cậu bé càng đông. Điều đó khuyến khích chàng nhiều, và nỗi say sưa dần dần xâm chiếm lấy chàng, cặp mắt bắt đầu long lanh ngời sáng ở trên khuôn mặt xanh xao. Những nét man dại thỉnh thoảng lồng vào trong những cung đàn réo rắt. Đến lúc gần như ngút hơi, cậu dừng tiếng đàn và từng đống tiền ném xuống như mưa trên cái nón cũ tồi tàn của người hành khất. Trong giây phút ấy, cậu thoáng có một ý nghĩ: “Thế là ngày mai người ta nhận diện ra mình là kẻ ăn xin cầu thực bên đường, và chắc trong cuộc đại hội so tài, không thiếu những lời khinh bỉ”.
Tuy vậy, Pa-ga-ni-ni không hề hối hận về sự giúp đỡ của mình. Trái lại, chàng còn cảm thấy tự hào vì đã giúp ích cho người khốn khổ hiện đang đếm chuỗi ngày tàn. Người hành khất già cất lên giọng nói khàn khàn mệt nhọc:
- Quả cậu là một nhạc sĩ lành nghề. Ai đã dạy cậu đạt được kỹ thuật tuyệt vời như vậy?
Và không đợi câu trả lời, người ấy kéo tay cậu bé đứng dậy, ra khỏi đám đông vẫn còn tiếp tục vây quanh:
- Cậu hãy đến đây với tôi. Tôi sẽ biếu cậu món quà đặc biệt.
Pa-ga-ni-ni bước theo cụ già, trong lòng phân vân không hiểu một người khốn khổ như thế có gì đặc biệt để làm quà tặng cho mình. Cả hai đi sâu vào trong ngõ hẻm tối tăm, giữa những bức tường ám khói, vào một ngôi nhà sụp đổ điêu tàn, và phần bên dưới có những bức tường loang lổ làm thành một cái hang hốc cho người khốn cùng nương náu qua ngày. Vào trong, một làn không khí nặng nề ngột ngạt, chứng tỏ bao nhiêu ngày tháng qua rồi nơi trú ẩn này không hề để lọt một chút khí trời quang đãng. Người hành khất già bước vào với cái dáng điệu quen thuộc và sự vững vàng của kẻ mộng du. Ông ta cầm lấy hộp quẹt bật lửa thắp chiếc đèn dầu leo lét, và cả một sự rối loạn bày ra trước mắt Pa-ga-ni-ni: sách báo, vở nhạc, thiên thần bằng gỗ, bó hoa úa tàn, ống khói sét rỉ, những lục huyền cầm cổ kính, những hồ vĩ cầm đủ cỡ, tản mát đó đây, chồng chất lên nhau, và treo lơ lửng trên tường. Trong một góc tường nhiều chiếc bao lớn đầy rơm, rách lủng, để rơi vãi đầy trên đất. Trước cặp mắt nhìn của người trai trẻ, người hành khất già nói lên giữa tiếng cười gằn:
- Đây là gian phòng chứa đựng kho tàng.
Rồi ông cúi xuống trên một bao rơm, sờ soạng lôi ra một cái hộp đàn vĩ cầm chôn giấu ở tận đáy bao.
Ông nói:
- Đây là cây đàn huyền diệu.
Những bàn tay dài xương xẩu nổi đầy gân xanh run như lá cây trước gió khi mở nắp của hộp đàn. Ông kéo ra ngoài một nhạc cụ sơn nâu đỏ, rồi buông một tiếng thở dài. Trong một vài giây, cặp môi của ông lắp bắp không nói lên được lời nào. Lát sau, ông già mới cất lên được những tiếng nhẹ nhàng hòa trong hơi thở:
- Đàn đi. Cậu hãy đàn thử xem nào.
Pa-ga-ni-ni không còn nhìn thấy người ngồi trước mắt. Một niềm vui sướng kỳ lạ bừng dậy trong đôi mắt sáng mở rộng. Nhiều lần như con diều hâu rình mồi, người già đột nhiên chồm đầu về phía chiếc đàn rồi về phía người trai trẻ. Pa-ga-ni-ni cầm lấy chiếc đàn, đưa ngón tay cái lướt nhẹ lên những sợi tơ, một sự rung chuyển ngọt dịu lạ thường đáp lại sự ve vuốt ấy. Quả là cây đàn của một công trình bậc thầy, và chưa bao giờ người nhạc sĩ trẻ cầm được vật quí như thế trên đôi tay mình. Lập tức, với sự nôn nóng lạ thường, Pa-ga-ni-ni cầm lấy cung đàn và một hòa điệu vang lên như những tiếng gọi kỳ diệu thiêng liêng. Thoáng trong giây phút, cả sự nghèo khổ, tàn tạ trước mắt đều như tan biến, và những khung cảnh kỳ ảo lạ lùng, những hải đảo xa nở đầy hoa đẹp, những rừng xa gió thổi rì rào, những buổi mặt trời sụp xuống lặng yên trong sự trinh trắng nguyên vẹn của thời sơ khai, từ từ hiện lên, rồi trên cơ sở của niềm yên tĩnh khá kỳ quặc ấy, tâm hồn xáo động của người nhạc sĩ bùng dậy như là sóng tràn lửa cháy. Khi tiếng đàn dừng, những thứ dư âm kỳ ảo vẫn còn vang vọng khắp phòng và cả hai người đối diện tưởng chừng như mình lạc loài từ một thế giới huyền hoặc để quay về lại trần gian.
- Tôi chưa bao giờ được dạo trên một cây đàn tuyệt diệu thế này. Làm sao mà bác có được vật quí đến thế?
Người hành khất già ngồi yên trên chiếc ghế nhỏ suốt trong thời gian lắng nghe tiếng nhạc, ngắm nghía người trai trẻ trước mặt mình với một đôi mắt gần như mù loà. Trong sự lặng yên, khuôn mặt nhăn nheo bỗng điểm nụ cười sung sướng.
- Tôi biết bây giờ tôi có thể chết một cách yên lành. Từ lâu, tôi vẫn mong đợi tìm được một người có thể sử dụng vật phi thường này. Cậu sẽ hiểu rõ vì sao mà cây đàn ấy thuộc phần sở hữu của tôi. Chuyện cây đàn này đồng thời cũng là câu chuyện về sự lỗi lầm gớm ghiếc mà tôi phạm phải trong đời.
Vừa nói câu ấy, người hành khất già sờ soạng đi tìm chai rượu phủ đầy bụi bặm rót vào trong ly, rồi tiếp:
- Tôi vốn xuất thân từ một gia đình giòng dõi làm đàn ở tỉnh Măng-tu. Người anh của tôi và tôi từ thuở bé thơ đã chuyên chú vào nghệ thuật làm đàn, cố tạo ra những cây đàn có một dư âm đặc biệt. Sau những năm dài hành nghề, với những cố gắng không ngừng, anh tôi đi đến thành công. Người đã chế tạo được chính cây đàn mà cậu cầm ở trên tay, sau khi đã thử gần sáu chục kiểu ở trong xưởng thợ của mình. Trong những bài toán khó khăn, bí hiểm của Xtra-đi-va-ri-uýt, của A-ma-ti, anh tôi đã tốn công sức kiếm tìm mới áp dụng được một cách thiện nghệ. Tôi cũng thí nghiệm theo phương thức ấy. Tôi cũng biết rằng phải có thứ gỗ phẩm chất đáng giá, phải chất sơn láng bên ngoài pha chế một cách nào đó mới đạt được sự êm dịu kỳ ảo của những âm thanh, làm nên giá trị độc đáo của một cây đàn ở giữa muôn ngàn nhạc cụ thông thường. Chắc cậu cũng hiểu rằng chất sơn láng của một chiếc đàn có tầm ảnh hưởng ra sao. Nếu pha chế nhiều chất rượu, âm thanh trở thành gay gắt, ồn ào, nếu pha quá nhiều chất dầu, âm thanh ngọt dịu nhưng mà nặng nề.
Nhưng cái chìa khoá của sự bí mật không nằm ở nơi chất màu sơn láng bên ngoài. Không, nhất định không phải như thế.
Anh tôi vốn là một người tính tình trầm tĩnh một cách kỳ quái khiến người có một thái độ dè dặt ít ai hiểu nổi. Ông ta giữ gìn nghệ thuật làm đàn của mình với một tinh thần cẩn trọng khác thường và cả đối với tôi đây, là em máu mủ, ông cũng không chịu tiết lộ kết quả những điều tìm kiếm của mình.
Một hôm, chế tạo xong chiếc đàn này ông đã ngồi đàn nhiều giờ liên tiếp. Tôi hiểu ngay rằng anh tôi đã đi đến sự thành công không kém Xtra-đi-va-ri-uýt. Nhưng ông ta đã đạt đến bằng phương thức nào? Đêm sau tôi bèn phục rượu ông ta cốt để khai thác sự bí mật ấy, và cuối cùng tôi toại nguyện.
Người hành khất già ngừng nói. Nhiều lần ông ta đưa tay vuốt lấy chiếc trán nhẵn bóng của mình. Cặp mắt gần mù loà kia như đục mờ thêm trong sự lạc loài giữa những ý niệm xa xôi. Tưởng như trong giây phút đó, ông đã quên hẳn con người ngồi trước mặt mình.

Cuối cùng, Pa-ga-ni-ni bèn hỏi:
- Và rồi sao nữa?
Mí mắt của người già nua nhấp nháy liên hồi; ông ta thở dài, nhắm đôi mắt lại như để dễ nhớ bao nhiêu chuyện cũ đã qua và tiếp tục kể bằng cái giọng nói khàn khàn, thỉnh thoảng dừng lại trong sự ngập ngừng.
- Anh tôi bảo rằng ông đã lấy chất gỗ trăn (aune _ tiếng Pháp) mọc sâu dưới nước. Ở gần làng chúng tôi có một hồ nước khá sâu, xuất hiện sau cơn động đất, ở cạnh ven rừng, đó là một khu rừng hoang vu xa cách nhà cửa dân cư. Vốn thích những sự dạo chơi thơ thẩn một mình trong những khu miền vắng vẻ, anh tôi chú ý đến cây trăn ấy, vào một ngày hạ đẹp trời. Chòm lá của nó nhô lên phủ đầy mặt nước. Sau khi xuống tắm ông ta khám phá ra cây gỗ ấy. Và lặn xuống sâu, ông đã sờ soạng tìm xem thớ vỏ của cây. Tất cả gia đình sống về nghề đàn vẫn thường tin theo truyền thuyết là gỗ trăn mọc dưới nước là chất gỗ quí hơn hết để chế tạo đàn vĩ cầm. Anh tôi bèn đem cưa đến cưa những nhánh lớn dưới nước, và tạo nên chiếc đàn nầy mà ông đặt tên là đàn “huyền diệu”.
Nhưng rồi một chuyện khủng khiếp xảy ra.
Sau khi nghe anh thổ lộ, tôi không làm sao ngủ được. Sự ghen tị làm tôi trằn trọc không yên. Nửa đêm, tôi bèn nhổm dậy đánh cắp cây đàn và rời khỏi nhà.
Giọng nói của người hành khất mỗi lúc càng yếu ớt hơn:
- Như thế, tôi đã đánh cắp công trình của người anh tôi, công trình của bốn mươi năm cố gắng không ngừng. Thật tâm tôi không cố ý chiếm đoạt vĩnh viễn kết quả công trình gian khổ của người, nhưng muốn có sẵn dưới tay để mà ra công nghiền ngẫm kỹ thuật chế tạo nên một cây đàn tương tự. Tôi sẽ đi tìm chất gỗ nói trên, và sẽ gia công nghiên cứu để tạo cho được một cây đàn khác không kém quí giá. Sau khi tìm hiểu coi như đầy đủ, tôi bèn đem chiếc vĩ cầm đánh cắp về trả lại cho người anh, hy vọng sẽ làm dịu bớt những cơn giận dữ bằng cách bồi thường một món tiền lớn xứng đáng với cái giá trị tôi sẽ tạo thành. Tôi không quan thiết đến chuyện bạc tiền, mà chỉ băn khoăn về danh dự mình và cái vinh quang của sự thành đạt.
Trên bước đường về, tôi phải đi qua chiếc hồ có bóng cây trăn phủ tràn mặt nước. Tôi dừng lại ở bên bờ để nghe tiếng gió rì rào trong những cành lá sum sê và tự nhủ thầm trong lòng: “Cây gỗ huyền ảo biết bao! Quí giá biết bao! ” Tôi cởi áo quần, nhảy vội xuống nước tay cầm một chiếc cưa bén, và sau khi đã hít một hơi thở khá dài để lặn cho sâu, tôi vừa hụp xuống dưới một cành cây khá lớn thì bắt gặp xác anh tôi. Ông đã treo cổ lên trên cành cây, khuôn mặt sưng vù, tóc xoã trong nước như đám rong rêu, đá lớn chất đầy ở trong các túi áo quần.
Khi vừa chạm phải xác chết một cách đột ngột, tôi muốn kêu lên một tiếng hốt hoảng, nhưng nước tràn đầy cả miệng. Làm sao mà tôi có thể trồi lên được trên mặt hồ? Tôi vẫn ngạc nhiên về sự cố gắng khác thường như thế.
Anh tôi đã tự tử rồi. Nguyên nhân của cái chết ấy, thật là dễ hiểu: ông không thể nào cầm được lòng mình khi bị đánh mất công trình tuyệt phẩm mà sự cố gắng gần như trọn đời mới đạt được thành.
Như thế cậu cũng hiểu rằng, tôi không còn có tâm trí nào nữa để mà chế tạo cây đàn tương tự. Giấc mộng sản xuất cây đàn tuyệt vời thế là tan tành. Tôi cũng giã từ luôn nghề nghiệp cũ bao năm theo đuổi của mình, nghề nghiệp nhắc lại nỗi niềm xót xa giày xéo tâm can. Cũng có những lúc quá đỗi nghèo nàn, tôi muốn đem bán chiếc đàn “huyền diệu” nầy đi nhưng mà lòng không đành đoạn.
Người hành khất già trở nên yên lặng, nước mắt chảy nhoà xuống đôi má hõm nhăn nheo. Pa-ga-ni-ni cũng thấy xúc động. Một lát, để xoá cho tan giây phút nặng nề, Pa-ga-ni-ni bèn hỏi:
- Tại sao bác không cố gắng để thành nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng? Ngón đàn của bác không phải là không sắc sảo công phu?
Sau giây phút im lặng chỉ nghe hơi thở mệt nhọc của người hành khất, những tiếng đổi khác đã được thoát ra từ miệng người nầy:
- Muốn trở thành người nghệ sĩ chân tài, phải có tấm lòng trong trắng. Làm sao mà đạt đến một nghệ thuật cao siêu với một tấm lòng chứa đầy tủi nhục, luôn luôn lo sợ sự nguyền rủa oán hờn? Từ khi tìm gặp cái chết của người anh tôi, tôi không còn sống được một giờ phút yên lành nào nữa. Tôi sống xa cách mọi người, gần như tôi đang sống giữa nước hồ sâu thẳm. Cậu có thể nghĩ rằng tôi điên loạn. Nhưng mà quả tình tôi nói sự thật. Vì vậy, có bao giờ tôi mở cửa sổ đâu? Những khi sống một mình trong gian phòng này, tôi vẫn ngụp lặn ở dưới nước hồ đấy chứ. Kìa, cậu có nhìn thấy anh tôi đó không?
Một thứ ánh sáng kỳ lạ thoáng hiện ở trong đôi mắt của người khốn khổ. Cánh tay phải của ông run rẩy đưa lên chỉ vào khoảng tối bên trong của gian phòng hẹp mà ánh đèn nhỏ không soi sáng tới. Bóng đen của người hành khất kéo dài ở phía sau lưng như một hình thù đe doạ.
- Xem nào… Cậu có nhìn thấy cây trăn đó không? Nó mọc ở kia… Càng ngày nó càng cao lên, cao đụng mái nhà rồi đó, cao tít như khoảng trời kia… Khắp nơi tôi nhìn thấy lá cành nó rườm rà… Cậu có thấy không? Xác của anh tôi lủng lẳng kia kìa!
Những lời nói cuối cùng rầm rì tắt lịm ở trên đôi môi nhợt nhạt của người hành khất già nua. Một ít bọt miếng trào bên khoé miệng của người khốn khổ và trước khi Pa-ga-ni-ni kịp đỡ lấy người thì người đã quì xuống và khóc nức nở. Lát sau, ông ta dần dần trấn tĩnh được mình và đưa hai tay lên trời, vừa nói:
- Có lẽ trời đất sẽ mở lòng để tha thứ cho tôi, nếu tôi đem vật quí nầy trao tặng cho một nghệ sĩ tài hoa như người trai trẻ hôm nay. Cậu hãy cầm lấy, hãy cầm lấy đi, và hãy sung sướng hơn cả anh tôi và tôi với chiếc đàn nầy.
Pa-ga-ni-ni cảm thấy băn khoăn ít nhiều khi mình làm chủ chiếc đàn đã gây bao nhiêu đau khổ cho những chủ nhân của nó. Nhưng cuộc hòa nhạc ngày mai đã đến. Không có cách gì từ chối, hơn nữa cây đàn quí giá cũng làm cho người nhạc sĩ cảm thấy phấn khởi ít nhiều. Một ý nghĩ khác thoáng hiện ra trong óc cậu: nếu đem tài năng của mình làm cho sáng tỏ rõ ràng nhờ nhạc cụ nầy, biết đâu sẽ không an ủi vong hồn của người đã chết và xoa dịu được bớt nỗi đau khổ của người đang sống khắc khoải ở nơi ngõ hẻm hang cùng này đây.
Pa-ga-ni-ni đỡ người hành khất nằm xuống nệm rơm. Cậu tìm thấy trong tủ gỗ mục nát đôi miếng bánh thừa, một ít phó mát và đem đặt trên chiếc ghế cạnh người hành khất:
- Bác hãy cố gắng ăn lấy đôi miếng để lấy lại sức.
Nhưng người hành khất lắc đầu. Đoạn ông ta cất lời:
- Ta tặng vĩnh viễn cho em cây đàn “huyền diệu”. Hãy giữ lấy nó và hãy thề rằng không được đem bán hay giao lại cho người khác.
Vừa nói dứt lời người già cả ấy âu yếm đặt tay lên đầu của người nhạc sĩ trẻ tuổi, và trước cử chỉ của kẻ khốn cùng, cô độc cậu bé cầm lòng không được, để cho dòng lệ chan hoà. Cậu nói bằng giọng ngập ngừng:
- Ngày mai tôi sẽ đến thăm sức khoẻ của bác. Tất cả món tiền mà tôi thâu được trong cuộc hòa nhạc tôi mang về hết cho bác. Bác sẽ có đủ chi tiêu, khỏi phải lo âu về nỗi thiếu thốn.
Đêm ấy, nằm trong quán trọ, Pa-ga-ni-ni không sao ngủ được. Cậu thao thức với cây đàn và sau cùng ngồi dậy đem hết sức tài năng của mình diễn tả qua sức truyền cảm tuyệt vời của nó. Vừa sáng, chàng mua một số thức ăn ngon lành mang đến cho người hành khất. Nhưng vừa bước vào ngưỡng cửa chàng dừng bước lại: một bầu không khí ảm đạm toả nồng. Trong bóng tối mờ, người hành khất già nằm đó, bất động. Một nụ cười héo hắt giữ nguyên trên môi nhưng mà đôi mắt trợn trừng, mở rộng trong nỗi kinh ngạc lặng yên. Pa-ga-ni-ni lùi lại, tự nhủ: ông ta chết rồi. Nghẹn ngào, cậu bé quì xuống. Cậu hiểu rõ rằng từ đây cậu không còn cách gì đền ơn lại người già nua khốn khổ đã sống kéo dài những ngày hối hận dày vò. Nhưng khi trao tặng chiếc đàn cho cậu, người già kia đã muốn giúp đỡ cậu thêm một phương tiện huyền diệu để mà bày tỏ những nỗi khốn khổ của cuộc đời này, phơi bày cả mối tham vọng đê hèn, cả sự thống khổ và niềm tuyệt vọng, cả sự hối hận và sự khốn cùng mà hiện thân của người ấy là một biểu hiện rõ ràng. Cúi xuống bên giường người chết, Pa-ga-ni-ni chỉ biết thì thầm:
- Tôi sẽ đem hết sức mình để làm vinh dự cho bác. Bác hãy nằm yên trong cõi vô cùng. Tôi xin giữ lời hứa ấy.
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Cây Đàn Huyền Dịu Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Cây Đàn Huyền Dịu   *_Cây Đàn Huyền Dịu I_icon13Sat 19 Jan 2013, 07:01

Chương 3

Từ đây bắt đầu cuộc đời vinh quang của Pa-ga-ni-ni. Tất cả những cuộc trình diễn của chàng đều được chào đón nồng nhiệt và tài năng chàng là một vì sao sáng chói giữa bầu trời nghệ thuật. Một hôm động lòng nhớ nhà, chàng muốn quay về thăm mẹ, thăm em và cha. Pa-ga-ni-ni đến Li-wuột-nơ thương lượng quá giang một chiếc thuyền buôn. Vừa bước lên thuyền, chàng cảm thấy một nỗi sợ hãi mơ hồ và muốn quay lại. Nhưng cánh buồm đã mở rộng và thuyền từ từ ra khơi. Giữa chừng, người thuyền trưởng nhìn trời rồi bảo:
- Chuyến đi này có vẻ không được yên lành. Thế nào cũng gặp một cơn bão lớn. May ra trời giúp chúng ta tránh khỏi nạn này.
- Thế sao ông lại cho thuyền ra khơi mà không nán lại chờ vài hôm nữa rồi sẽ lên đường?
- Tại sao! Tại mười ngàn con lạc đà của vương quốc xứ Thổ nhĩ kỳ mà thuyền tôi phải chở đầy khẳm gạo cho sớm đến nơi. Không đúng kỳ hạn là coi như mất toi hết cả vốn lẫn lời.
Pa-ga-ni-ni ngủ độ hai giờ thì nghe một tiếng động lớn thức tỉnh chàng dậy và chàng bị ném mạnh vào mạn thuyền. Chiếc thuyền đang trôi giữa những cơn sóng cuồng điên. Chàng bèn tìm cách bò lên trên boong. Một cảnh quái đản hiện ra ở trước mắt chàng.
Mặt trăng tròn đầy sáng chói trên những lượn sóng xao động, thỉnh thoảng bị những đám mây che phủ rồi trăng xuất hiện, điểm bạc muôn ngàn đỉnh sóng sùi bọt nhấp nhô. Tiếng rền của sóng, tiếng hú của gió vang động liên hồi phủ đầy cả khoảng không gian. Đoàn thủy thủ tấp nập làm việc như trong cơn sốt cuồng nhiệt. Pa-ga-ni-ni đứng nhìn cảnh ấy và bị thu hút trong sự sôi động hãi hùng. Một tiếng ì ầm từ xa nghe như muôn ngàn tiếng trống thúc dồn và những đống nước ào ào chạy đến như muốn nhận chìm chiếc thuyền nhỏ bé. Gió bão làm cho rối bù đầu tóc của người nhạc sĩ và nước biển bắn vọt lên tẩm ướt mình chàng. Một sự rúng lạnh chạy khắp toàn thân, thốt nhiên Pa-ga-ni-ni có cảm tưởng rằng linh hồn của mình đã tách rời khỏi thể xác tan chìm trong quang cảnh hỗn độn vây quanh. Tất cả những nỗi sợ hãi, yếu hèn, đều vụt biến tan. Pa-ga-ni-ni hiểu rõ vật gì đang chiếm lấy mình với sự hung bạo lạ thường: đó là âm nhạc, nguồn nhạc sơ khai thể hiện trong muôn ngàn âm thanh mà những con người không sao nghe thấy. Lời ca man dại của biển cả, tiếng hú lồng lộn của gió khơi, trở thành một bản hoà tấu kỳ diệu, miên man, bất tuyệt.
Vừa trong lúc ấy một tảng nước lớn giáng xuống người chàng, đánh chàng ngã quỵ ở trên mặt thuyền. Vừa mở mắt được, chàng thấy mặt trăng ra khỏi mây mù đang bị xua đuổi bởi cơn gió bão. Những bức trường thành kỳ quái màu xanh trong suốt hiện lên khắp ngả, rồi một luồng gió bạo cuồng xé toang cánh buồm lớn rộng, xô đẩy con thuyền chao đảo hẳn về một bên. Pa-ga-ni-ni nghĩ thầm: “Phen này ắt không thoát khỏi nạn rồi.” Và nỗi khiếp hãi thình lình hiện đến vò nát lòng chàng khi chàng nghĩ đến cây đàn huyền diệu. Cố thu hết những sức lực còn lại, chàng tìm cách bước xuống thuyền giữa sự chao đảo mỗi lúc dồn dập và mạnh mẽ hơn. Nước đã tràn ngập trong khoang, và trong giây phút, Pa-ga-ni-ni mơ hồ nghĩ rằng chiếc đàn vĩ cầm sẽ lôi kéo cả chiếc thuyền chìm sâu xuống nước. Cây trăn đã mọc từ lâu trong nước và chất gỗ nó làm nên chiếc vĩ cầm muốn quay về lại với cái bản thể của mình. Chiếc thuyền sẽ làm một cái quan tài chôn cất vĩnh viễn Pa-ga-ni-ni và bạn đồng hành.

Giữa cơn suy tưởng ấy, một đợt sóng lớn băng qua mạn thuyền xô dạt một số thủy thủ ra ngoài biển khơi. Những tiếng kêu mơ hồ vẳng lên chìm ngập trong tiếng ồn ào vang động như nơi địa phủ. Như một cái máy, Pa-ga-ni-ni cúi lượm một mảnh ván lớn rơi dưới chân mình, quờ lấy chiếc dây quấn nó vào người thật chặt. Chỉ vài giây sau, một tiếng hãi hùng thoát ra từ miệng những người còn lại. Một luồng sóng lớn giáng mạnh xuống boong thuyền, rồi một luồng nữa, và một luồng nữa, chiếc thuyền tan vỡ bị nhận chìm sâu dưới lớp sóng dồn. Pa-ga-ni-ni bị cơn nước xoáy cuốn đi như một chiếc lá. Bọt trắng xoá mờ chung quanh và cả không gian đầy tiếng kêu gào gầm thét. Qua những vực sâu hoặc bị ném lên tầng cao, chàng không còn đủ sức năng nghĩ tưởng việc gì, chỉ biết bám chặt vào mảnh ván kia bằng cái sức mạnh của một bản năng tự vệ.
Khi choàng tỉnh dậy, Pa-ga-ni-ni nghe đầu đau nhức như búa bổ và tưởng mình còn đang sống giữa vùng trời nước bao la đầy những sóng cuồng gió loạn. Nhưng không, bàn tay của chàng chạm phải đất liền và trong bóng tối chàng nhìn thấy những đốm sáng li ti chập chờn trước mắt. Một đôi tiếng người vọng lại và khi chàng định thần được để nhìn chung quanh mới hiểu nơi mình rơi vào là một động đá có vẻ là nơi thờ tự. Ngọn lửa dần dần được khơi sáng lên và một tiếng hát cầu kinh vang dậy chập chờn ở trong hang động. Một người tuổi tác cao lớn, mặc toàn đồ đen, vừng trán phủ chiếc khăn trắng, theo sau một số đàn ông, đàn bà, tiến đến bảo chàng:
- Những người ở đây đã tìm gặp anh ban sáng ở trên bãi bể. Trọn cả ngày nay anh mê thiếp tưởng không có hy vọng gì sống được. Chúng tôi đã thay quần áo và tìm cách cứu mạng sống cho anh.
Bây giờ Pa-ga-ni-ni mới chú ý đến quần áo của mình, một bộ quần áo sờn cũ của kẻ chăn trừu. Chàng hỏi:
- Các ngài là ai? Và đây là đâu?
Lập tức một người to lớn với một khuôn mặt đầy sẹo, cất lời:
- Thưa sư trưởng, tốt hơn đừng để cho thằng nhỏ nầy sống sót, chỉ sợ nó lại phản bội chúng ta.
Và một số người phụ hoạ:
- Giết đi! Giết nó ngay đi.
Người già ban nãy bỗng thét lên những tiếng căm phẫn lạ thường:
- Các người đã quên hẳn rằng tình thương những kẻ khốn khổ là một đại luật mà chúng ta nguyện suốt đời noi theo hay sao? Người tuổi trẻ nầy chỉ cần đến nơi cầu nguyện với ta và thề rằng gã sẽ không tiết lộ những gì đã nghe đã thấy nơi đây. Chúng ta tin rằng những kẻ phản bội lời thề tất nhiên phải chịu một sự trừng phạt do cái uy quyền thiên lý công minh.
Người có vẻ mặt hung dữ lúc nãy tiếp lời:
- Chỉ cần một sơ suất nhỏ của nó cũng khiến chúng ta đi vào tù ngục hay chịu cực hình.
Nhưng người sư trưởng với giọng quyền hành đầy vẻ xót thương dõng dạc truyền lịnh:
- Hãy làm những gì mà các người thấy thiêng liêng và xứng đáng nhất. Không ai lại bận tâm về nỗi khổ tương lai mà quên giải thoát nỗi khổ trước mắt. hãy cứu người này rồi sau đó sẽ định đoạt cuộc đời của gã cũng chẳng muộn gì.
Qua cách ăn mặc và cách phát biểu của người chung quanh, Pa-ga-ni-ni đoán chừng mình bị lạc vào giữa người Vô-Đoa phần đông là kẻ chăn cừu và sống bằng nghề săn bắn trong những dãy núi An-bơ, đã bị giáo hội La Mã kết án như là lớp người chạy theo Ma giáo. Dù quá mệt mỏi, chàng cũng cố ngước dậy nhìn chung quanh, thấy bức tường loang lổ, những bầy lừa san sát ngoài cửa mang những đứa trẻ ngủ thiếp trong những giỏ lớn trên lưng. Nhiều người đàn bà khóc lóc và những đàn ông có một vẻ mặt lầm lì quyết liệt. Người tuổi tác ban nãy có lẽ là kẻ cầm đầu những toán người này. Sau khi tập hợp các người quanh mình lại thành vòng tròn, sư trưởng bắt đầu một cuộc thuyết pháp. Ông ta mở đầu bằng một câu nói: “Niềm tin chân chính phải được chứng tỏ trong những hành động. Và hành động chân chính làm nên con người, trước hết là phải đùm bọc, bênh vực cho kẻ khốn cùng. Đoạn, với giọng nói cương quyết, nhưng thâm trầm, ông kể những nỗi gian khổ thường trực mà người Vô-Đoa chịu hằng ngày hơn là bất cứ một hạng người nào trên mặt đất nầy. Dứt lời, ông lấy miếng bánh khá lớn trong một trái bí khoét ruột, bẻ ra từng miếng phân phát chung quanh. Đoạn, vì thiếu vật dụng, ông cho chuyền một bình rượu để mọi người cùng uống lấy một ngụm. Người mặt sẹo ban nãy theo dõi rất kỹ để xem Pa-ga-ni-ni có dùng bánh, rượu hay không. Sau đó, toàn thể hát lên một bản thánh ca bằng giọng rì rầm đầy vẻ thành kính.
Tiếng hát vừa dứt thì bỗng từ xa vang dậy một tiếng súng nổ, rồi hai, rồi ba, rồi cả một loạt súng dài. Toàn thể bị khuấy động trong một niềm sợ hãi cực độ và một giọng nói vang lên: “Chúng ta bị nội phản rồi! Trốn chạy đi thôi”.
Một bàn tay nắm lấy chiếc đèn bão ném vào thùng nước dùng để dội tắt đống lửa. Một cảnh hỗn độn điên cuồng bắt đầu diễn ra trong cảnh tối tăm. Mọi người tìm cách thoát về phía cửa. Những đứa trẻ con kêu khóc, những người đàn bà kêu gào. Một giọng trịch thượng cố gắng ra lệnh, ban hành trật tự, kỷ luật một cách tuyệt vọng. Một vài người khác chưởi rủa, chạy tìm khí giới giữa lúc bên ngoài tiếng súng mỗi lúc càng tăng. Trong sự xô đẩy cuồng loạn, Pa-ga-ni-ni nghe một người hỏi:
- Những tay súng ở Va-ti-căn bao vây chúng ta phải không?
- Không phải, bọn lính ở Pi-dờ đó.
Giữa lúc chạy trốn, Pa-ga-ni-ni vấp phải tảng đá nhào trên mặt đất. Vừng trăng chưa lên và trong bóng mờ loạng choạng chàng thấy nhiều người lố nhố sau các lùm cây. Vừa gượng đứng lên, thì ba bốn người mặc đồ đồng phục mang súng trường lớn hiện ra trước mắt. Chàng thấy họ thổi cháy bùng ngọn đuốc trên tay và giữa ánh sáng hực đỏ Pa-ga-ni-ni nhận diện được người mặt sẹo vừa rồi và một người chăn cừu già bị còng tay lại, dắt theo phía sau.
Pa-ga-ni-ni cố gắng phân trần mọi lẽ nhưng các người lính tỏ ra không chút quan tâm. Họ dùng dây thừng trói ké tay chàng ra sau, rồi cả bọn kéo ra khỏi hang đá. Bỗng những viên đạn rít lên tới tấp xuyên qua những cành lá thông dày đậm. Một sĩ quan hét lớn:
- Khốn nạn! Lũ chó dại ấy bắn về phía ta.
- Chúng có khí giới!
Pa-ga-ni-ni và các người kia bị đẩy gấp rút ra khỏi hẻm núi. Mệt lả, người như rụng rời, cuộc hành trình này là sự đày đoạ vô cùng não nề đối với sức khoẻ của chàng. Sau ba giờ đi mệt nhọc, số người bị bắt được đẩy lên một chiếc xe, cuối cùng đưa vào một trại giam lớn trong một thành lũy rất là kiên cố. Pa-ga-ni-ni không còn sức để nghĩ ngợi và chìm vào trong giấc ngủ nặng nề. Sáng ngày, một người đội trưởng vào đưa tất cả lên toà án binh. Đến phiên thẩm vấn, Pa-ga-ni-ni sau khi kể hết tên tuổi, lai lịch, chàng cố phân trần rằng mình là kẻ đắm tàu không thuộc môn phái Vô-Đoa. Nhưng vị chánh án, một viên đại tá mang đầy huy chương, hét lên:
- Mầy đừng kể chuyện cho trẻ con nghe như những mụ già lẩm cẩm. Người ta bắt mầy giữa các tín đồ với bọn đạo hữu của mầy trong một cuộc họp “thiêng liêng”. Vậy thì mầy phải chịu tội. Tuổi mầy còn nhỏ, toà án khoan hồng, tuyên phạt năm năm cấm cố.
Về Đầu Trang Go down
nhanbkvn



Tổng số bài gửi : 1612
Registration date : 16/07/2012

*_Cây Đàn Huyền Dịu Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Cây Đàn Huyền Dịu   *_Cây Đàn Huyền Dịu I_icon13Sat 19 Jan 2013, 07:02

Chương 4

Một thời gian ngắn sau đó người cai ngục Phrăn-xét-cô không ngăn được nỗi kinh hoàng. Nơi phòng giam cuối dãy, đêm đêm thường nghe nhiều tiếng quái gỡ vang lên, những tiếng chó sủa, những tiếng mèo kêu vừa dứt người ta chợt nghe gà gáy tiếp theo, những tiếng gà mẹ gọi con và tiếng rống dài của một bầy lừa. Toàn thể các tiếng động ấy vang lên hết sức tự nhiên khiến bọn cai ngục tin chắc rằng bầy quỉ sứ bắt đầu phá phách cơ trại của mình. Nửa đêm ông ta run rẩy chạy tìm những người lính gác phụ cận đánh thức họ dậy bằng những lời nói ngập nghịu và dáng mặt tái xanh.
Cuối cùng gã được biết rằng người chỉ huy già ở đây vừa cho tên tù trẻ mượn một chiếc vĩ cầm. Từ đấy, gã đờn mê mệt như kẻ điên loạn. Nhiều ngày Pa-ga-ni-ni gần như bỏ ăn, bỏ ngủ để đàn. Cây đàn được giao cho chàng tuy không bằng cây “huyền diệu”, nhưng cũng thuộc loại tiếng tăm, do một thợ đàn danh tiếng là Bec-công-xi chế tạo.. Thực không ai hiểu vì sao chiếc đàn như thế lại rơi vào tay một kẻ võ phu không biết âm nhạc, là viên chỉ huy của đồn trại này. Kể từ ngày ấy, Pa-ga-ni-ni dùng chiếc đinh đã sét rỉ, đợi hoàng hôn xuống, ghi một vạch ngắn lên bức tường đánh dấu một ngày chấm dứt, thay cho tờ lịch. Sau hai mươi lăm ngày giam không có chiếc đàn, khi người lính gác mang một chiếc vĩ cầm đến thì chàng tiếp đón lấy nó như người lữ hành chết khát ở giữa sa mạc đón tiếp một cái ốc đảo. Tay vừa chạm đến nhạc cụ, sự sống nơi người chàng bùng dậy một cách khác thường, và chàng vụt hiểu âm nhạc mới là cái gì thực tại đối với người chàng. Những âm thanh chàng gợi ra hàng ngày trên chiếc vĩ cầm đem lại lẽ sống cho những chuỗi ngày vô vọng. Đồng thời chàng cũng ý thức được rằng nghệ thuật mà lâu nay chàng hết sức tự hào vẫn chưa làm cho thoả mãn được chàng bởi vì chàng vẫn chưa có cách gì diễn tả được hết bao nhiêu uẩn khúc tình cảm tế nhị, bao nguồn cảm hứng dạt dào, bao nhiêu hiện trạng phức tạp của cuộc đời này.
Bây giờ chàng lại bắt đầu một cuộc tập dượt, không phải như một bậc thầy mà với thành tâm cố gắng của một học sinh. Từ lúc bình minh trời chưa hừng sáng, đến lúc hoàng hôn nhận chìm nhà ngục trong bóng đêm dài, Pa-ga-ni-ni cứ đàn tiếp tục, chỉ dừng lại trong thời khoảng ngắn ngủi để dùng thức ăn đạm bạc mà bọn canh ngục đưa vào. Nửa đêm, Pa-ga-ni-ni có thể choàng dậy để đàn, và tưởng chừng như có sức vô hình quỉ quái ám ảnh hồn chàng khiến cho cơ thể cử động không yên theo một sức năng diễn tả dạt dào. Cũng có nhiều lúc quá đỗi mệt nhọc, chàng muốn ngừng lại, nhưng các ngón tay như bị một sức phù phép điều khiển cứ bám chặt lấy cây đàn không chịu rời ra. Những phút bị sự lôi cuốn như thế, Pa-ga-ni-ni khóc ròng, quằn quại trong nỗi dày vò, bởi một sức mạnh ngoài sự chi phối của mình. Có lúc Pa-ga-ni-ni ngồi đàn suốt hai mươi tám giờ liền. Sau đó, chàng nằm phủ phục, gần như kiệt quệ.
Tháng năm cứ thế trôi qua, và một ngày nọ người chỉ huy trưởng già nua với chòm râu bạc làm lễ mừng ngày sinh nhật lục tuần. Giữa buổi dạ tiệc, “người nhạc sĩ điên” được cho gọi đến. Ban đầu Pa-ga-ni-ni diễn tả một điệu nhạc buồn sầu thảm, và tiếp sau đó những người tham dự sửng sốt tưởng chàng là cái kỳ quan thứ tám của thế giới này. Mười lăm ngày sau, người chỉ huy già đến tìm nhạc sĩ tận nơi ngục thất. Ông bảo:
- Xa người ta lấy làm buồn, nhưng cho ngươi được tự do, đó là điều ta sở nguyện. Ta đoán chắc rằng câu chuyện nhà ngươi nhập cuộc với bọn Vô-Đoa chỉ là việc làm điên rồ của tuổi thiếu niên.. Bây giờ ngươi được tự do ra khỏi nơi này, và cố chứng tỏ với thiên hạ rằng ngươi là nghệ sĩ lớn lao. Khi đã đạt được vinh quang, thỉnh thoảng có giây phút nào rảnh rỗi, ngươi hãy hồi niệm mà nhớ đến ta. Ngươi nhớ đến người chỉ huy già nua bị sự trừng phạt phải ra canh giữ chốn hoang vu này. Cây đàn vốn là kỷ niệm của gia đình ta, ta tặng ngươi làm kỷ niệm.
Và sau một năm mười một tháng, Pa-ga-ni-ni rời khỏi nhà giam lên đường đúng vào ngày hai mươi tám, tháng bảy, của năm một ngàn tám trăm lẻ năm. Tiết trời khá nóng và nắng chói chang trên dãy đồi cao kéo dài như những trường thành, mênh mông, huy hoàng như một giấc mơ vinh quang. Chàng nghĩ đến những người bạn đồng hành hai năm về trước trên chiếc thương thuyền bây giờ không biết tản mác nơi nào, hay đã chôn vùi từ lâu ở trong bụng cá dưới những vùng nước thẳm sâu. Tự nhiên chàng cảm thấy một ý niệm lạ lùng: bao nhiêu sợ hãi, thấp thỏm về đời ám ảnh tâm hồn từ trước bây giờ vĩnh viễn xoá tan. Những năm tù ngục đã gạn lọc hết những gì xưa kia làm cho khắc khoải hồn chàng, những nỗi sợ hãi về sống, về chết, về tình yêu, về hận thù, về người, về trời, về hạnh phúc và đau khổ, và tất cả những hiện trạng ở trong thực tại, đều thành vô nghĩa với chàng. Chàng biết rằng mình lớn hơn những sự kiện ấy, chàng được võ trang một sức sống mạnh để bước vào đời, và chàng không thể cho phép mình được tự hủy hoại mình.

Khi đến Li-vuốc-nơ, Pa -ga-ni-ni tham dự liên tiếp mấy đêm hòa nhạc. Đêm nào chàng cũng được sự tán thưởng nồng nhiệt. Vào đêm cuối cùng, chàng được mời đến biểu diễn tài nghệ ở nơi lưu trú những người tàn tật. Khi mới gặp gỡ những người khốn khổ ngồi đứng trước mình, Pa-ga-ni-ni cảm thấy một nỗi ngỡ ngàng. Từ trước đến nay chàng vẫn quan niệm rằng người đàn bà là hiện thân của vẻ đẹp, là sự toàn thiện về mặt thể chất. Nhưng đây, ở trước mặt chàng, là một cô gái lưng gù, một người đàn bà què liệt chống trên nạng gỗ, một người bò lết trên đất để tự di chuyển. Một niềm xúc cảm thúc đẩy trong hồn, và người nhạc sĩ nhớ lại câu nói của vị sư trưởng ở trong hang động ngày nào: “Lòng thương với kẻ khốn cùng”… Tiếng đàn bỗng nhiên vang lên khắp phòng những tiếng kêu gào đau khổ và tiếng nức nở triền miên. Người nhạc sĩ bỗng nhớ lại những năm bị giam giữ trong đời mình, nghĩ đến ngày được giải thoát, và từ tiếng đàn thống khổ chuyển sang một lòng nhớ ơn vô hạn tràn trề. Những người tham dự bị lôi cuốn theo tiếng nhạc, đến khi tiếng đàn vừa dứt mỗi người cảm thấy ngỡ ngàng hình như không biết mình lạc về đâu. Tất cả triều đình tham dự, và nhà vua, và hoàng hậu, và tất cả quan khách vỗ tay như sấm, hoan nghênh một bậc thiên tài.
Sau khi trình diễn liên tiếp tám mươi mốt buổi hòa nhạc lớn, Pa-ga-ni-ni trở lại Mi-lăng rồi tìm đường về quê hương để thăm gia đình. Mẹ chàng đã quá già nua với mái tóc bạc, cha chàng đã qua đời từ lâu. Trước khi tắt thở, ông đã bày tỏ những lời hối hận về sự đối xử tàn tệ với đứa con mình. Một thời gian sau, Pa-ga-ni-ni được tin trên báo nhạc sĩ vĩ cầm tài danh của Pháp, La-Phông, đến Mi-lăng để trình diễn. Lập tức chàng từ giã mẹ và đến dự cuộc hoà nhạc. Chàng nhận thấy rằng La-Phông có một tài nghệ hết sức điêu luyện, nhưng tài nghệ ấy không vượt qua được giới hạn của sự bình thường. Chàng lấy danh thiếp viết một đôi dòng gởi thăm, và hẹn gặp gỡ tại khách sạn. Qua ngày hôm sau, La-Phông vội đến tìm chàng. Đó là người vóc dáng tầm thước, khuôn mặt đầy thịt với đôi mắt sáng có luồng nhãn quan linh hoạt của tay diễn viên điêu trá, lành nghề. Sau khi mở lời chúc tụng Pa-ga-ni-ni, La-Phông muốn được cùng chàng so tài ở trên sân khấu Mi-lăng.
Cuộc so tài diễn ra trong một khung cảnh vô cùng hứng thú. Trong các gian phòng khán giả ngồi chật, đợi chờ một cách hồi hộp giây phút gây cấn bắt đầu. Trước hết, cả hai độc tấu một số soạn phẩm của mình, rồi cùng biểu diễn song-hoà-khúc của Kreutzer. Sau đó mỗi người trình diễn những gì đặc biệt nhất của tài năng mình. La-Phông rất được quần chúng tán thưởng, nhưng đến khi Pa-ga-ni-ni trình bày “Vũ khúc những mụ phù thủy” thì người nhạc sĩ nước Pháp thấm thía được rằng mình phải đương đầu bất lực với tay phù thủy chính hiệu của đàn vĩ cầm. Khi tiếng đàn dứt, tất cả gian phòng đứng lên đồng loạt hô vang như sấm: “Hoan hô Pa-ga-ni-ni! Vạn tuế Pa-ga-ni-ni, chúa tể của đàn vĩ cầm! ” La-Phông cúi gầm mặt xuống bước vội ra khỏi hí trường.
Tại Vê-rôn-nơ, Pa-ga-ni-ni còn dự một cuộc đấu thách tay đôi công cộng, trong đó người ta tìm cách “gài bẫy” để cố triệt hạ uy tín của chàng. Van-đô-bra-ni, nhạc trưởng giàn nhạc của Đại kịch viện, khi sắp bắt đầu hòa tấu, báo cho Pa-ga-ni-ni hay rằng ông ta vừa soạn xong hòa tấu bè nhạc, bè này gồm có một đoạn khúc mắc mới lạ, không ai có thể diễn tả ngay được. Pa-ga-ni-ni bảo Van-đô-bra-ni hãy cứ để bè nhạc ấy lên giá đàn, và chàng diễn tả ngay tức khắc. Khi đến đoạn mà Van-đô-bra-ni bảo là không thể diễn tả được ngay, Pa-ga-ni-ni để cung đàn xuống. Và để tỏ cho đối thủ của mình hiểu thêm về tính khiêm nhường của y trong sự viết nhạc, Pa-ga-ni-ni lấy một cọng lau thế cho cung đàn. Chàng vẫn tiếp tục diễn tả bằng cọng lau ấy, xuất kỳ còn thêm nhiều lối khó khăn hơn nữa với sự điêu luyện hết sức thung dung. Toàn thể khán giả buổi hoà tấu ấy ngây ngất hoan hô.
Pa-ga-ni-ni đến Vơ-ni-dơ vào lúc giữa trưa. Tất cả thành phố chan hoà trong ánh sáng, một nguồn ánh sáng tưng bừng nhảy nhót reo ca. Đặt chân lên những đền đài cổ tích, chàng tự nhủ rằng: “Nếu mỗi viên gạch, mỗi hòn đá này biết nói, nó sẽ kể lể với ta bao nhiêu sự tình thống khổ mà nó chứng kiến trải qua bao đời. Gạch đá của thành phố này đã chứng kiến bao chuyện tình, bao nỗi hận thù, bao điều tội lỗi, đã thấy chảy từng giòng sông đầy máu, đầy vàng”. Từ đó, chàng sang La-mã và gặp gỡ Rốt-xi-ni. Dù được tán thưởng nồng nhiệt khắp nơi, chàng vẫn không thấy hài lòng bằng nghe bậc danh tài này vừa gặp gỡ chàng, ôm chầm ngay lấy, kêu lên:
- Pa-ga-ni-ni! Không phải anh trình diễn nhạc, mà anh chính là hiện thân của âm nhạc. Thực chưa bao giờ tôi thấy được một thiên tài lớn lao như vậy.
Pa-ga-ni-ni tiếp tục những cuộc trình diễn ở Náp-lơ nhưng đến nơi đây sức khoẻ của chàng kiệt quệ và chàng bị chứng sưng phổi khá nặng. Người chủ khách sạn, sợ bệnh truyền nhiễm và sợ chết chóc có thể đem đến tai hoạ cho mình, nửa đêm cho người khiêng giường Pa-ga-ni-ni bỏ ở giữa đường, giữa lúc chàng đang cơn nóng mê man. May thay, một nhạc sĩ của ban hát vốn rất hâm mộ tài năng của chàng tình cờ đi ngang qua đấy, bắt gặp Pa-ga-ni-ni trong tình trạng ấy, vội vàng kêu một số người giúp đỡ đưa chàng về nhà săn sóc. Rồi chưa nguôi giận, người nhạc sĩ ấy cầm một chiếc gậy khá lớn đến tìm người chủ khách sạn và chẳng nói chẳng rằng gì hết phang mạnh vào đầu ông ta những đòn quyết liệt, rồi chửi:
- Khốn nạn! Ta phải trừng trị về tội mày đã ném một thiên tài ra cửa. Sát nhân! Những lũ con buôn chúng mày chỉ biết yêu quý có mỗi thứ tiền!
Nhờ sự tận tâm săn sóc của người bạn này, bịnh tình Pa-ga-ni-ni lần lần thuyên giảm, nhưng chàng vẫn còn hết sức mệt mỏi, chưa ngồi dậy được. Nhận thấy thời gian trôi qua nhanh chóng, chàng cố tranh thủ sáng tác, vừa nằm vừa ghi tác phẩm của mình. Chỉ trong một thời gian ngắn chàng đã soạn được ba mươi hai bản nhạc. Bản nhạc cuối cùng gọi tên là: “Khúc ca diễn hành bi thảm” được chàng gởi tặng đại tướng Pi-nô. Vị đại tướng này đã từng xông pha nhiều năm trong các chiến trường, bây giờ tuổi thọ bát tuần đã gởi thư đến nhạc sĩ nhờ chàng sáng tác theo đúng đề tài nói trên. Làm xong, chàng cho gởi liền đến nơi, nhưng trước khi nhận được bản nhạc ấy thì vị đại tướng đã qua đời rồi. Bản nhạc lại được gởi tặng cho một người khác tên là Bát-tô, một người học vấn uyên bác mà chàng rất có cảm tình. Nhưng khi người phát thư vừa đưa đến thì Bát-tô đã ngã quỵ vì bịnh đau tim bất thần khá nặng. Khi nghe tin bản nhạc mình không trao đến tay người bạn, và cả hai người đều giã từ cõi đời trước khi thưởng thức, Pa-ga-ni-ni buồn lòng cầm lấy bản nhạc ném vào lò lửa.
Một hôm, quay lại La-mã, đến thăm người bạn thân thiết của chàng là Rốt-xi-ni, chàng thấy bạn đang sống trong tình trạng lo âu gần như hoảng hốt. Biết rằng bạn mình có những nỗi khổ, Pa-ga-ni-ni gạn hỏi thì Rốt-xi-ni cho biết như sau: Suốt bốn tháng nay chàng lo trình diễn một đại nhạc hội với vở Mathilde de Chabran. Mọi việc đã được chuẩn bị sẵn sàng và hôm nay đây, bắt đầu trình diễn. Nhưng chiều hôm qua, trong cuộc diễn thử cuối cùng thì người nhạc trưởng đau nặng, và tuyên bố rằng không thể tham dự hôm nay. Điều đó cũng có thể là một thứ âm mưu mà một số người ghen ghét tài năng của Rốt-xi-ni bày đặt để làm cản trở công cuộc tổ chức của chàng. Nhưng các giấy vé đã thanh toán hết và bây giờ đã là hai giờ chiều. Thật không biết làm sao để cứu gỡ khỏi cơn bế tắc.
Pa-ga-ni-ni đòi bạn cho chàng xem vở nhạc kịch, và ngồi vào ghế, theo cái thói quen thông thường uống liền nhiều tách cà phê vừa dừng lại để thưởng thức bản nhạc. Đọc xong, chàng kêu to lên: “Thật là tuyệt diệu! Một vở nhạc kịch lạ lùng! ” Rồi chàng hỏi bạn:
- Anh có chiếc vĩ cầm nào sẵn ở đấy không?
Rốt-xi-ni liền trao cho bạn một cây vĩ cầm đắt giá. Suốt liền một tiếng đồng hồ, Pa-ga-ni-ni diễn xuất toàn bộ bản nhạc, chỉ cần đọc qua lượt đầu. Giữa lúc bạn chàng vẫn ngồi than thở: “Khổ quá, cuộc trình diễn đầu tiên của Rốt-xi-ni sẽ bị đình lại. Độ nửa giờ sau là sẽ cho loan báo khắp phố phường về cái tin này” thì chàng liền bảo:
- Không việc gì phải đình hoãn. Đêm đại nhạc kịch vẫn cứ tiếp tục như thường. Bạn hãy tin lại cho cả hí viện được biết. Chỉ cần in lại những quảng cáo lớn với câu chú thích rằng người nhạc trưởng lâm bịnh, và tôi sẽ thay thế y.
- Đừng có nói điên!
- Thật chưa bao giờ tôi lại bình tĩnh, sáng suốt như là giờ này. Bạn Rốt-xi-ni, vở kịch của bạn chắc chắn sẽ gặt hái được một thành công lớn.
- Nhưng mà làm sao có thể nhớ được một nhạc kịch dài như vậy? Dù là nghệ sĩ thiên tài như bạn cũng không thể nào học kịp. Phải mất hằng tuần, hằng tháng, chưa chắc đã xong.
- Anh đừng nghĩ bậy, tác phẩm của anh làm tôi ưa thích vô cùng. Đọc qua, tôi đã hiểu kỹ, và tôi còn hiểu sâu xa hơn nữa. Anh hãy nghe đây.
Trước sự ngạc nhiên của Rốt-xi-ni, người nhạc sĩ thiên tài ấy trình diễn toàn bộ nhạc kịch không một nốt nào sai lầm.
- Trời ơi! Anh thực là người phi thường! Thế nào nhạc kịch của tôi cũng phải thành công.
Rốt-xi-ni kinh ngạc kêu lên như thế.
Đêm trình diễn ấy hí viện đầy ắp cả người, và khi Pa-ga-ni-ni tiến đến chỗ bàn nhạc trưởng, quần chúng vỗ tay vang lên như sấm. Sự điều khiển tài tình của chàng nâng đỡ dàn nhạc, kích động tinh thần của họ, và mọi người đều được dịp biểu lộ tài năng của kỹ thuật mình.. Sau khi bế mạc, buổi hát đã gặt hái được thành công ngoài sức tưởng tượng, nhạc sĩ tài danh Rốt-xi-ni bảo với bạn mình:
- Những nhà soạn kịch ở xứ sở này có một dịp may đặc biệt là thiên tài Pa-ga-ni-ni sử dụng vĩ cầm chứ không soạn nhạc. Bởi lẽ nếu Pa-ga-ni-ni chọn đường này thì chúng tôi phải bỏ nghề tất cả.
Sau một thời gian nghỉ ngơi Pa-ga-ni-ni qua Đức, qua Tiệp và đến nơi nào cũng được chào đón nồng nhiệt và được tặng thưởng những vật vô cùng quý giá. Ở Áo, danh vọng của chàng đã được mọi người biết đến vì bao năm qua báo chí không ngừng nói về tài năng của chàng như một hiện tượng kỳ quái, lạ lùng bậc nhất từ trước tới nay. Khi nghe chàng đến, mọi người nô nức mua vé đến nỗi giá tiền được tăng gấp năm, rồi gấp mười lần. Hằng ngày Pa-ga-ni-ni ở một khách sạn xa cách thành phố để có được sự yên tĩnh, nghỉ ngơi và trau dồi lại nghệ thuật của mình nên phải đi đến hí viện bằng một xe ngựa mà chàng thuê suốt thời gian lưu trú. Hôm đầu, khi vừa muốn trả món tiền thuê xe của chuyến thứ nhất thì người đánh xe từ chối và bảo chàng rằng:
- Thưa ngài, đồng tiền mà ngài cho tôi không làm vinh dự bằng một chỗ ngồi để được thưởng thức tài nghệ của ngài.
Pa-ga-ni-ni vội lấy trong túi áo một thiệp mời để trao cho người đánh xe.
Trong cuộc trình diễn, chàng đưa thính giả vào một thế giới vô cùng huyền ảo đến nỗi qua sáng hôm sau, số vé dành cho năm đêm trình diễn tiếp theo đã được thiên hạ tranh nhau mua hết trong một buổi sáng.
Khi chàng vừa mới xuất hiện ở trên sân khấu thì một nhân viên cảnh sát tiến đến bảo chàng:
- Chúng tôi đợi ngài khá lâu, bởi vì ở trên dãy ghế thượng hạng có một con người ăn mặc bẩn thỉu, râu ria không cạo, ngồi giữa quan khách. Chúng tôi không có cách gì bắt người ấy ngồi chỗ khác vì gã có một thiệp mời của ngài. Nhưng thưa ngài, dãy ghế ấy được dành sẵn cho các ông hoàng bà chúa và những vị quan cao cấp. Bây giờ biết phải đối phó ra sao?
Pa-ga-ni-ni nhìn xuống dưới phòng và thấy rõ người đánh xe đang ngồi thoải mái ở dãy thứ nhất. May thay, anh ta không đem theo chiếc roi nào.
Sau bản thứ nhất, tiếng vỗ tay như sấm dậy vang lên khắp phòng và người đánh xe tỏ ra hoan hỉ hơn cả. Anh ta nhảy chồm liên hồi trên chiếc ghế ngồi, và hét lên như la hoảng ở giữa mọi người: “Tuyệt diệu! Pa-ga-ni-ni! Ngài đàn tuyệt diệu! Tuyệt diệu! ”
Khi tiếng vỗ tay vừa dứt, gã lại gào to: “Đàn đi! Trời ơi! Tiếp tục đàn nữa! ”. Các nhà quý tộc và các quan khách không ai tỏ vẻ khó chịu gì về thái độ của anh ta, và cứ sau mỗi bản nhạc người ta còn có ý chờ xem thử anh ta hưởng ứng thế nào. Qua mấy hôm sau, Pa-ga-ni-ni nghe tiếng gõ cửa và khi mở ra, chàng thấy người đánh xe bước vào với dáng điệu hết sức thành kính, nói rằng:
- Ngài quả là bậc thiên tài, còn tôi, tôi chỉ là kẻ nghèo khổ. Ngài gặt hái được nhiều tiền bằng sự trình diễn thú vị, còn tôi thì chỉ thâu lượm được rất ít ỏi bằng sự đánh xe rước khách nhọc nhằn. Ngài hãy nghĩ cách giúp tôi nuôi nấng bầy con nheo nhóc.
Pa-ga-ni-ni mời người khách ngồi, và hỏi:
- Ông muốn tôi sẽ giúp đỡ bằng cách nào đây?
- Thưa ngài, chỉ bằng một cách giản dị nhất trên thế giới. Ngài cho phép tôi được treo trên chiếc xe ngựa tồi tàn của tôi một tấm bảng nhỏ gọi tôi là kẻ đánh xe hầu trực của ngài.
Pa-ga-ni-ni trả lời:
- Mời ông hãy uống một ly rượu ngọt, còn về đề nghị của ông thì ông có thể tùy ý mà làm.
Một tuần sau đó, “Người đánh xe riêng của Pa-ga-ni-ni” được cả thành phố biết đến. Hàng ngày, trên xe anh ta, cắm đầy đủ các loại hoa và ở hai bên người ta còn thấy có tấm bảng trắng kẻ những chữ vàng: “Xe ngựa của Pa-ga-ni-ni”.
Dần dần người ta có một mốt mới là phải đi thử trên chiếc xe ngựa Pa-ga-ni-ni một lần để hợp thời thượng. Những kẻ đã ngồi trên chiếc xe đó đều có cảm tưởng như mình được ngồi vào chỗ thiên tài, khiến cho từ sớm đến tối người đánh xe phải chở không hết khách. Chỉ hai tháng sau, một vị huân tước đến thương lượng mua xe ấy với một số tiền lớn lao là năm chục ngàn đồng vàng. Với số tiền ấy người đánh xe ngựa mua ngay khách sạn mà Pa-ga-ni-ni đến trọ.
Tất cả người dân thành Viên-nơ gần như điên loạn vì lòng sùng mộ Pa-ga-ni-ni. Báo nào cũng đăng ảnh chàng, tiệm nào cũng treo hình chàng. Các hàng kẹo bánh bán một loại kẹo gọi là kẹo Pa-ga-ni-ni, và những tiệm mũ cũng chế kiểu mũ giống như của chàng. Ngay chính khi chàng vào mua một chiếc găng tay, người ta đưa hiệu “Lạc đà”, và khi nghe chàng trả lời: “Xin hãy cho tôi một thứ nào đặc biệt hơn” thì người bán hàng vội vàng đưa một đôi găng “theo kiểu Pa-ga-ni-ni” trên thêu hình chàng một bên và cây vĩ cầm một bên. Ở các hiệu ăn những người bồi bàn đãi khách “Thưa ngài, ngài ăn theo lối Pa-ga-ni-ni, phải không? ” Rồi có “sườn heo Pa-ga-ni-ni”, “bánh mì Pa-ga-ni-ni”, “giò chả Pa-ga-ni-ni”… Cho đến phụ nữ cũng uốn vòng tóc theo lối Pa-ga-ni-ni, và trên hộp thuốc, ống điếu, nút áo, cũng có hình chàng. Nhiều người chế tạo đèn Pa-ga-ni-ni, rồi đến dệt vải Pa-ga-ni-ni, khăn choàng Pa-ga-ni-ni. Giá tiền tương đương với một vé hát được gọi là đồng Pa-ga-ni-ni.
Trong buổi trình diễn lần thứ bảy có một người vóc dáng tầm thước, mặt mày dịu hiền và mơ mộng ngồi trong dãy ghế cuối cùng dự cuộc trình diễn của chàng. Trước tài nghệ của Pa-ga-ni-ni người ấy không sao nén được cảm xúc và những dòng nước mắt cứ tuôn trào ra trên má.
Và dưới ánh đèn lờ mờ, trong một gian phòng chật hẹp và rách rưới, ngay trong đêm ấy người đó ghi vào nhật ký như sau: “Tôi đã được nghe một vị thiên thần hát bản hòa ca của Pa-ga-ni-ni”. Người đó chính là nhạc sĩ đại tài Frăng Suy-be (Franz Schubert).

Khi chàng sang Đức, thì sự thành công lại càng rực rỡ. Sau buổi trình diễn Pa-ga-ni-ni nhận được từng giỏ lớn đầy những thư sực nức mùi thơm, rất nhiều hoa hồng, hoa tím. Sở bưu điện phải đặc cách một ngành riêng biệt để giải quyết việc thư tín của chàng. Chưa bao giờ ở Bá Linh có một tài năng đã được ca ngợi nồng nhiệt như thế. Đến khi thành phố Đăng-dic (Dantzig) bị nạn lụt lội kinh khủng tàn phá, chàng bèn tổ chức hai buổi hòa nhạc lớn lao và đem tất cả số tiền thâu được giúp đỡ nạn nhân chịu cảnh thiên tai. Nhà vua có mặt liên tiếp trong hai buổi ấy vỗ tay không ngớt để tán thưởng chàng, và gọi chàng đến tận nơi để nói những lời cảm tạ cùng lời khen ngợi nhiệt thành. Vua nói: “Trong cuộc trình diễn của đêm giã từ thành phố, xin ngài toàn quyền sử dụng nhà hát, cơ sở ấy được giao hẳn dưới quyền điều khiển tận dụng của ngài”.
Qua ngày hôm sau chàng nhận được một bức thư của vua truy tặng chàng là đệ nhất giám đốc của sự diễn tấu, với lời khen thưởng “tài năng hiếm có” của chàng. Đến buổi giã từ, khi chàng lên đường sang Vạt-xô-vi (Varsovie) là thủ đô xứ Ba-lan thì quần chúng và các hội đoàn đã đứng tề tựu bên đường để đưa tiễn. Viện mồ côi đã được chàng giúp một số tiền lớn, đồng thanh ca một bài ca để tiễn đưa chàng. Gần bốn mươi đoàn thể thuộc vào xã hội thượng lưu Bá-linh đi theo sau xe Pa-ga-ni-ni diễu quanh thành phố. Hàng vạn vạn con người chen chúc ở bên lề đường vẫy khăn và ném hoa tiễn đưa. Nhà vua Phrê-đê-rít Ghi-dôm (Frédéric Guillaume) tự mình thay đổi giờ giấc đi dạo buổi sáng để có thể chào được chàng lần cuối hầu tỏ lòng nhớ ơn chàng.
Sau cuộc trình diễn ở Vạt-xô-vi thành công rực rỡ, lúc trở về phòng của mình chàng tiếp một người trai trẻ gầy gò tìm đến thăm chàng. Khuôn mặt của con người ấy phản ảnh một nét cao thượng nhưng vừng trán nhuộm đầy vẻ u buồn. Người ấy ôn tồn ngỏ lời với chàng:
- Thưa ngài, chưa có một người nào đã mở rộng cõi trời cho tôi nhìn thấy như ngài vừa làm. Xin ngài cho phép tôi được bày tỏ một lời cầu nguyện. Tôi…
Thấy người trai bỗng dừng lại, Pa-ga-ni-ni tiếp lời:
- Xin hãy cứ nói điều gì mà ông muốn được tỏ bày. Tôi đoán rằng ông là một nghệ sĩ, có lẽ là người chuyên đàn vĩ cầm cũng nên?
Người kia trả lời:
- Vâng, nhưng mà không hẳn như thế, tôi chuyên về đàn dương cầm và tôi soạn nhạc.
Đoạn người ấy giở ra cuộn giấy lớn về những bản nhạc đã làm. Pa-ga-ni-ni lướt qua nhiều tờ, nhịp theo vài đoạn, hết sức thán phục. Bao nhiêu nhọc mệt mà chàng cảm thấy sau sự hòa nhạc đã tan biến mất như một phép lạ. Chàng cầm cây đàn của mình như không có gì suy nghĩ, trình diễn toàn bản một hơi, trỗi dậy khúc nhạc thanh tao, dìu dặt lạ thường. Rồi chàng đặt đàn xuống bàn nói bằng một giọng chan chứa nhiệt tình:
- Ông thực là một nghệ sĩ lớn lao! Bước đường tương lai của ông còn dài và rất tươi đẹp. Ông hãy tiếp tục sáng tác và xin cho tôi hân hạnh được biết quý danh.
Khuôn mặt tái xanh của người nhạc sĩ bỗng đỏ bừng lên vì nỗi hân hoan và người ấy trả lời:
- Tôi là Frê-đê-ric Sô-panh (Frédéric Chopin)
Sô-panh nói tiếp:
- Xin ngài cho tôi ít dòng lưu bút trên bản nhạc này để cho trọn đời tôi không bao giờ quên được giây phút gặp gỡ quý giá như thế. Ngài đã cho tôi nghe được điệu nhạc kỳ diệu lạ lùng và tôi không thể nào ngờ tưởng rằng chính tôi có thể sáng tác được những bản nhạc ấy.
Pa-ga-ni-ni vội vàng đề tặng một lời trân trọng. Năm ngày sau, khi chàng giã từ thành phố, nhiều người trong đó có Sô-panh tổ chức một buổi họp mặt để tiễn đưa chàng. Trong cuộc họp ấy vị giám đốc Dưỡng- thành sở âm nhạc trao tặng cho chàng một hộp đựng vàng khá nặng với những giòng chữ như sau: “Những kẻ thán phục tài năng của ngài kính gởi đến ngài Pa-ga-ni-ni món quà kỷ niệm. Vạt-xô-vi, 19 tháng 7, năm 1829”
Pa-ga-ni-ni ngồi cạnh Sô-panh và chàng bảo người nhạc sĩ trẻ tuổi:
- Trước khi chia tay cùng bạn, tôi muốn nói lên một điều nhận xét của tôi về sự sáng tác: tôi nghĩ rằng chúng ta chỉ có thể đạt được nghệ thuật khi nào mỗi nốt nhạc mà chúng ta viết đều đủ khả năng gợi được một hình ảnh nào: tảng đá, dòng sông, trời xanh, hoa hồng, núi non, biển cả, và cùng hình ảnh ấy chúng ta gợi lên một tình cảm nào rõ rệt. Niềm vui cũng như nỗi buồn, tình yêu và lòng nhớ ơn, bao nhiêu xúc động phải được diễn tả một cách mãnh liệt bằng tất cả những năng lực của tâm hồn mình. Này bạn Sô-panh bất cứ âm thanh của bản nhạc nào mà không có thể cho những người nghe thấy được; thực sự thấy được, đều là âm thanh nghèo nàn.

Nhưng những thành công càng lớn lao thì bên cạnh đó Pa-ga-ni-ni lại phải đương đầu với một dư luận của những kẻ thù cố tình bôi nhọ tài năng của chàng. Tất cả những kẻ ít có tài năng nhưng lại giàu lòng đố kỵ, cũng như phần đông bất tài thường cảm thấy người mình nhỏ bé trước cái thiên tài vĩ đại Pa-ga-ni-ni, tìm bằng mọi cách phao vu rằng chàng không phải là một người thường, mà chỉ là con đẻ của loài quỉ, không có cha mẹ đích thực. Nhiều người nhất định là khi chàng đàn thì chính quỉ sứ điều khiển cây cung kéo đàn của chàng, còn chàng chỉ là một cái xác chết mà thôi. Người ta nhất quyết bảo rằng: “Một đứa trẻ cũng có thể biết dễ dàng Pa-ga-ni-ni không phải là người bằng xương bằng thịt như mọi người khác. Đó chỉ là loài quỉ sứ trá hình để cố lừa phỉnh cảm giác chúng ta bằng những xảo thuật huyền bí”.
Một sự phao truyền như thế vẫn làm xúc động được khá nhiều người. Quần chúng vẫn ưa những chuyện gay cấn, quái đản, nên tin vào lời đồn đãi một cách dễ dàng.. Hơn nữa tài năng quá đỗi phi thường cùng cái hình dạng xấu xí bên ngoài của chàng dễ làm cho một số người nông nổi tin theo sự phao vu ấy. Cuối cùng Pa-ga-ni-ni buộc lòng phải nhờ vả đến mẹ mình viết một bức thư chứng nhận rằng chàng chính là con đẻ của bà và cho đăng tải bức thư lên báo, bức thư đầy lòng thương yêu, trìu mến của chính mẹ chàng. Nhưng sự đăng tải ấy vẫn không cách nào ngăn cản được vu khống càng ngày càng mạnh và từ khâm phục, quần chúng bắt đầu có người thấy ghê sợ chàng. Nhà vua cùng với một số quý tộc mến yêu tài nghệ của chàng đứng ra bảo trợ, cam kết rằng chàng chính là người thực, mà cuối cùng vẫn không sao dẹp được dư luận quái ác cố tình phủ nhận tài năng đích thực của chàng. Rồi trên mặt báo, nhiều người bắt đầu gọi chàng bằng cái danh hiệu “nhạc sĩ vĩ cầm của quỷ sứ”, hoặc “quỷ sứ biết đàn”, và cho rằng nghệ thuật của chàng không có chút gì bình thường và tự nhiên cả.
Tất cả những sự vu khống phao truyền như thế ban đầu không có tác động đáng kể đến tâm hồn chàng, nhưng trong sự mệt mỏi của một con người sống nhiều bằng sự hoạt động, cuối cùng Pa-ga-ni-ni cảm thấy bất lực, và chàng tìm sự an ủi những nỗi đau khổ của mình trong sự chăm sóc thằng bé A-si-li-nô, đứa con duy nhất của chàng..
Một hôm, trong số những người chờ đợi trình diễn có một nhạc sĩ trẻ tuổi đứng ở hàng đầu là Phrăng Lit. Đến khi Pa-ga-ni-ni hiện ra ở trước thính giả thì Lit có cảm tưởng rằng người ấy bay đến chứ không phải đi như là người thường. Khi cuộc trình diễn bắt đầu thì Lit hoàn toàn ngơ ngác vì chàng nghĩ rằng không phải là mình nghe nhạc mà đang lạc loài giữa cơn bão táp, nghe những tiếng gió đích thực, tiếng biển ồn ào sôi động đích thực, diễn tiếp quanh mình. Không, chiếc đàn vĩ cầm không sao diễn đạt được những âm thanh như vậy. Lit nghe tiếng những giọt nước mưa rơi tan thành bụi nhỏ, tưởng như thấy những chớp nhoáng sáng loà ở giữa bầu trời u tối. Thần kinh của chàng xúc động tột độ. Bàn tay của “tên quỷ sứ” ở trên sân khấu không phải chỉ cò năm ngón mà có đến năm mươi ngón.. Những ngón tay ấy bay vút lên những dây đàn tạo ra chớp nhoáng, gây ra sấm sét.
Pa-ga-ni-ni cúi gập mình xuống gần như cọ sát mái đầu xuống dưới đôi gối khẳng khiu và bỗng thình lình ngẩng hẳn người lên như chiếc lò xo. Người ta còn nghe thêm một lần nữa tiếng hú kinh hoàng của cơn bão tố. Rồi mây tan, gió tạnh, mặt trời bừng chói, vài giọt nước mưa vẫn còn rơi rụng lác đác, rồi cả điệu nhạc tan dần như một hơi thở lặng im.
Sự thành công của Pa-ga-ni-ni thực là khủng khiếp nhưng hình như chàng không cảm thấy nỗi vui lòng. Lit tưởng như nhìn thấy nét cau có và giận dữ của người nghệ sĩ, khi người nghệ sĩ gục đầu xuống chào thính giả rồi ngẩng lên, đôi vai cùng nhún trong một điệu bộ tuyệt vọng và đôi mắt sáng vẫn nhìn chăm chú chiếc đàn.
Đêm ấy, sau khi lang thang hết các đường phố hoang vắng vì bị ám ảnh bởi những điệu nhạc nghe thấy, Lit về nhà rất khuya, ngồi với chiếc đàn dương cầm và chàng thấy rằng tất cả những gì mà mình hài lòng từ trước đến giờ không còn giá trị gì nữa. Nghệ thuật của chàng phải được đổi mới, phải được đổi mới hoàn toàn. Từ trước đến giờ tiếng đàn của chàng không bày tỏ được một tình ý nào cụ thể, và chỉ diễn tả toàn những xúc động mơ hồ. Chàng phải làm sao nói lên cho được rõ ràng như thấy ở trước mắt mình từng tiếng chim kêu, gió thổi, từng nỗi si mê, từng những cảnh đời. Dày vò trong những suy tưởng như vậy chàng ngủ một giấc đầy sự khuấy động mệt mỏi. Sau khi tỉnh dậy chàng vội sửa soạn áo quần, và điểm tâm xong đến xin yết kiến Pa-ga-ni-ni.
Sau khi chào hỏi lễ phép, chàng tự giới thiệu:
- Thưa ngài tôi là Lit. Tôi… Tôi…
- Tôi đã nghe người ta nói rất nhiều về ông, nhưng tôi thú thật là chưa được đến dự một phiên hòa nhạc nào của ông cả. Bây giờ, chúng ta có thể cùng nhau chuyện trò.
Pa-ga-ni-ni dắt tay người nhạc sĩ trẻ đưa vào phòng khách. Lit lúng túng nói:
- Tôi được hân hạnh xem ngài trình diễn hôm qua và tôi cảm thấy những lời tử tế của ngài vừa rồi thật làm cho tôi hết sức băn khoăn. Ngài thực ở trên…
Pa-ga-ni-ni ngắt lời:
- Bạn hãy còn trẻ, chúng ta nói chuyện về bạn thì hơn. Bạn có điều gì muốn cùng trao đổi và để tôi được chia xẻ hay không?
Lit không nén được cảm động, dừng lại một lát mới hỏi:
- Tôi muốn diễn tả trên đàn dương cầm những gì mà ngài diễn tả trên đàn vĩ cầm, điều ấy có thể thực hiện được không?
- Không, bạn à. Tôi tưởng rằng điều đó thật khó lòng. Mỗi nhạc cụ có những đặc tính của nó, nhưng bốn dây đàn của chiếc vĩ cầm có một khả năng phong phú hơn nhiều.
- Thưa ngài, tôi đã bắt đầu học nhạc như ngài từ lúc năm tuổi. Vượt qua bao nhiêu tháng năm, tôi không ngừng nghỉ luyện tập một cách nhiệt tình. Tôi tự nguyện rằng tôi sẽ trở thành Pa-ga-ni-ni của đàn dương cầm.
Pa-ga-ni-ni mỉm cười thân mật rồi nói:
- Như thế có lẽ dễ dàng thành đạt hơn là trở thành Pa-ga-ni-ni của đàn vĩ cầm. Tất cả những sự khó khăn của đàn dương cầm nếu đem so sánh với một số điệu nghệ thuật của đàn vĩ cầm thì chỉ đáng xem như trò đùa con trẻ mà thôi. Này bạn, tôi chỉ nói lên một điều mà ai cũng có thể thấy ở trên thực tế: một người sử dụng dương cầm không sao kích động quần chúng như tôi đã từng thực hiện.
Những lời Pa-ga-ni-ni vừa nói không có chút gì kiêu hãnh, khoe khoang, mà được phát biểu một cách giản dị, chân thực.
Lit không ngăn được thất vọng, nhưng chàng thành kính trả lời:
- Thưa ngài, tôi cảm tạ ngài hết sức. Tôi sẽ không bao giờ cho phép mình được nghỉ ngơi nếu tôi chưa thành người đàn dương cầm số một của Âu Châu này. Ngài đã chỉ giúp cho tôi con đường mà tôi phải theo, tôi xin cảm tạ ơn ngài.
Pa-ga-ni-ni nhìn thẳng vào mặt người nhạc sĩ trẻ, không giấu được sự ngạc nhiên. Nhưng người này đã lặp lại bằng một giọng điệu cương quyết lạ lùng:
- Tôi sẽ đạt đến những gì mà nhiều người không thể nào đạt được. Nhất định tôi sẽ phải có những gì không thể có được. Dưới những ngón tay của tôi, cây đàn dương cầm sẽ nói lên được ngôn ngữ mà chưa có ai nghe thấy bao giờ. Thưa ngài, hôm qua ngài đã chỉ rõ con đường mà tôi phải theo.
Pa-ga-ni-ni bèn nói:
- Nếu có một người thành công trong sự nghiệp này, thì chắc hẳn rằng người đó là bạn.
Rồi chàng đặt tay lên vai của người bạn trẻ, một tay đặt lên mái tóc người ấy. Lit nhắm mắt lại, cảm thấy được sự vỗ về, một sự khuyến khích vô biên. Đồng thời trong giây phút ấy chàng có niềm tin dứt khoát rằng mình sẽ thành công.
Pa-ga-ni-ni bèn sang trình diễn ở Anh. Người dân xứ này từ lâu được xem như là những kẻ lạnh nhạt, nhưng giữa các cuộc trình diễn đã la hét vang dội, hoan hô, vỗ tay, tung mũ, múa gậy như những người điên. Giá vé trong cuộc trình diễn tăng lên theo một nhịp điệu không ngờ và Pa-ga-ni-ni mỗi lần ra phố khó lòng di chuyển giữa những đám người hiếu kỳ ngưỡng mộ tài chàng, bao vây chung quanh. Ngoài những ngày giờ trình diễn chàng còn lưu trú trong một nhà thờ vắng vẻ để tránh những sự quấy rầy. Mặc dầu báo chí không còn ủng hộ chàng như trước nữa, nhưng mối nhiệt tình của lớp thính giả vẫn còn hết sức nồng nàn. Triều đình nước Anh mời chàng trình diễn ở tại cung điện Bơt-kin-gam. Pa-ga-ni-ni đòi phải trả đúng món tiền là một ngàn quan. Hoàng đế nước Anh, nổi tiếng là người tiết kiệm, trả lời cho chàng hay là triều đình chỉ có thể trả cho chàng phân nửa tiền ấy mà thôi. Pa-ga-ni-ni trả lời cho vị đại diện triều đình như sau: “Hoàng đế có thể đến nghe tôi trình diễn nhạc với một giá rẻ nhiều hơn như vậy ở tại hí trường, nhưng tôi không thể nào đồng ý rằng nghệ thuật của tôi phải bị mặc cả”. Và chàng không chịu trình diễn ở tại đền vua. Sau đó, Pa-ga-ni-ni qua Ái-nhĩ-lan. Chàng được một số quần chúng nhiệt thành kéo chàng dạo khắp phố phường vừa hoan hô rất sôi nổi. Gần như mỗi ngày, suốt liền trong hai tháng trời, chàng đều có trình diễn nhạc ở Ái-nhĩ-lan. Khi chàng đến Măng-sét-tơ thì nghe tin mẹ của mình qua đời. Suốt hai ngày liền, chàng nằm lỳ trong khách sạn không ăn, không uống. Tất cả nỗi đau khổ ấy chàng chỉ còn nhờ cây đàn của mình diễn tả hộ mình. Con người duy nhất trên cuộc đời này đã thương yêu chàng với một tấm tình quảng đại của sự hy sinh, vĩnh viễn đã giã từ chàng.

Trong thời gian ấy, bịnh dịch tả hoành hành trong khắp phố phường Ba-Lê. Một sự hốt hoảng càng ngày càng lan rộng khắp nơi. Pa-ga-ni-ni vẫn không sợ hãi sự chết và chàng cạnh tranh với nó để lôi kéo dân Ba-Lê về mình. Chàng vẫn mời mọc họ đến dự đông đảo những buổi tấu nhạc và mỗi thính giả bước ra khỏi nhà vẫn có cặp kè một hộp thuốc trừ dịch khí. Nhưng mỗi ngày dịch tả càng hoành hành hơn và cảnh chết chóc trở thành hiện tượng phổ biến. Tầng lớp quý tộc ban đầu cứ tưởng rằng bịnh thời khí chỉ có quyền năng đối với dân nghèo, nay đâm hoảng lên vì thấy chỉ trong vòng một tuần lễ dịch tả đã lôi về hẳn bên kia thế giới tám quý tộc, năm vị sứ thần và vô số bọn thượng lưu. Từ đấy ở đâu cũng chỉ có một đề tài thảo luận: cái chết. Tất cả giáo đường đều phủ dạ đen. Đàn ông cũng như đàn bà đều mặc tang chế, xe cộ phủ đầy vải vóc tang ma và cả thành phố chỉ còn là vở bi kịch mênh mông.
Pa-ga-ni-ni vững tin rằng bịnh dịch tả không thể xúc phạm được mình. Tuy vậy chàng vẫn hết sức phòng ngừa, gìn giữ trong sự ăn uống tiếp xúc, và hăng hái tổ chức những cuộc trình diễn để giúp đỡ các gia đình nạn nhân. Tờ công báo của chính phủ đã ghi nghĩa cử ấy như sau: “Cuộc tổ chức được diễn ra trong một không khí hân hoan khó tả. Nhà ảo thuật thiên thần ấy của đàn vĩ cầm tiếp nhận những sự hoan hô với sự xúc động đặc biệt”.. Ở tại Ba-lê chàng còn trình diễn liên tiếp tám đêm và đêm nào cũng tràn ngập người dự.
Ngày 16 tháng 5 năm 1835 Pa-ga-ni-ni có một niềm vui hết sức lớn lao: thành phố Giê-nơ, quê hương của chàng, trao tặng cho chàng chiếc mề đay vàng, là phần thưởng vinh dự nhất, rồi bốn tuần sau hầu tước Cát-lô-đi-nơ-rô là người đã từng đỡ đầu cho chàng khi chàng còn nhỏ, gởi giấy mời chàng dự buổi khánh thành bức tượng bằng đá cẩm thạch của chàng. Ngày 25 tháng 7 chàng về quê hương và không nén được cảm động khi thấy hầu tước Nơ-rô bây giờ đã bảy mươi tuổi vẫn còn chăm sóc đến danh vọng chàng như ngày thơ ấu chàng được ông ta săn sóc nghệ thuật. Đứng trước bức tượng của mình, Pa-ga-ni-ni không thể ngăn được nước mắt và sự nức nở trong niềm xúc động chứa chan. Chàng có cảm tưởng như đó là một giấc mơ, một thứ ảo tưởng mà khi giật mình tỉnh dậy chàng sẽ đối diện với những sự thực não nề. Chàng ôm thằng bé A-si-li-nô vào lòng như tìm lấy một điểm tựa.
Sau cuộc khánh thành, nhiều cuộc vui khác được trình diễn để mừng chàng. Một ban kịch đã tập sẵn để diễn lại những cảnh sống mà chàng trải qua từ khi còn bé cho đến bây giờ.
Đến năm sau, Pa-ga-ni-ni bắt đầu tiếp tục trình diễn nhưng chàng bị bịnh ung thư cuống họng phải nằm liệt giường hằng tháng. Tuy vậy những chức vị danh dự tiếp tục ban phát cho chàng đến từ khắp nơi và ở Ý, ở Pháp, ở Anh, ở Nga, người ta thỉnh cầu chàng đến trình diễn nhưng chàng phải nằm lì trên giường bịnh.
Nhiều triệu chứng u tối ám ảnh tâm hồn nhạc sĩ khiến chàng như nhìn thấy trước cái chết gần kề. Ngày 27 tháng 4 năm 1837 chàng soạn thảo chúc thư để hết gia sản cho đứa con trai độc nhất, một cái gia sản lớn lao vô cùng. Về phần người vợ bạc bẽo đã rời bỏ chàng, chàng cũng chia một ngân khoản lợi tức hàng năm.
Ngày 16 tháng 12 năm 1838 thì người nhạc sĩ nổi danh Béc-li-ô tổ chức một cuộc tấu nhạc rất lớn để trình bày các soạn phẩm mới mẻ của mình. Xong buổi trình diễn, nhạc sĩ mệt mỏi, đầm đìa mồ hôi chỉ được thính giả vỗ tay một cách rời rạc. Vừa bước ra khỏi sân khấu chàng gặp một người làm nhiều điệu bộ tiến tới gần mình. Đó là Pa-ga-ni-ni, bây giờ đã bị bịnh đau cuống họng làm cho tắt hẳn tiếng nói. Chỉ có thằng bé A-si-li-nô nhờ bản năng của tình thương cảm thông được hết tình ý cha mình. Pa-ga-ni-ni đưa tay ra dấu cho con và đứa bé leo lên chiếc ghế kê tai gần sát miệng chàng. Đoạn nó kêu lớn:
- Ông Béc-li-ô! Ông Béc-li-ô! Ông đừng đi vội!
Đoạn nó leo vội xuống ghế chạy đến kéo áo người nhạc sĩ này nó nói:
- Cha tôi bảo tôi đến thưa với ông rằng suốt quãng đời của người chưa bao giờ người cảm thấy xúc động sâu xa như buổi trình diễn hôm nay. Âm nhạc của ngài đã làm tinh thần của người rối loạn. Nếu không dằn lòng lại được có lẽ người sẽ quỳ xuống để cảm tạ ông.
Béc-li-ô không hiểu rằng mình đang mê, hay là đang tỉnh. Pa-ga-ni-ni, người khổng lồ giữa những khổng lồ về thiên tài nhạc, lại nói với chàng những lời tán tụng đến thế hay sao? Chàng chỉ là một nhạc sĩ khốn khổ, luôn luôn bị coi thường, đả đảo, đã chịu biết bao hành hạ hơn bất cứ là nhạc sĩ nào ở tại thủ đô Ba-lê trong khi chàng cố giới thiệu một cách diễn tả âm nhạc hoàn toàn mới mẻ, trong một tinh thần cách mạng.
Khi chàng quay lại thì Pa-ga-ni-ni đã ở sau chàng. Người này đặt tay lên vai Béc-li-ô, đẩy nhẹ chàng vào sân khấu còn có một số nhạc sĩ đang còn ngồi đấy. Nước mắt chan hoà, Pa-ga-ni-ni quỳ xuống và cầm bàn tay Béc-li-ô đưa lên môi mình. Nhưng Béc-li-ô vội kéo chàng dậy và ôm chặt lấy vào lòng.
Trở về nhà khá lâu, và đứa bé đã ngủ say mà người nhạc sĩ vĩ cầm vẫn nghe những bản nhạc của Béc-li-ô kích động sâu xa tâm hồn của mình. Trước khi đi ngủ, chàng dự định sẽ tìm cách giúp đỡ nhà soạn nhạc tài năng đang sống trong cảnh khốn cùng. Nhưng lúc tỉnh dậy qua sáng hôm sau, chàng thấy mình suy yếu quá và cơn bịnh lại dày vò cơ thể của chàng.
Đến khi thằng bé A-si-li-nô đến để thăm hỏi, chàng mới bảo nó lấy bút mực lại để chàng viết một bức thư cho người nhạc sĩ đêm qua.
Trong khi ấy, Béc-li-ô cũng nằm lỳ trên giường. Chàng thấy khốn khổ đến muốn lìa đời. Mặc dầu buổi trình diễn vừa qua không đến nỗi thất bại nhưng sự cố gắng từ lâu đã khiến cho chàng suy nhược hoàn toàn. Tất cả tiền của hết sạch, chàng chưa biết rằng phải xoay sở ra sao để trả tiền nhà vào lúc đầu tháng. Chàng tự bảo: “Thà là dứt hẳn nợ đời cho được nhẹ nhàng”. Rồi như muốn tách biệt hẳn cõi đời bên ngoài, chàng nằm co quắp trên giường, kéo mền trùm kín lấy đầu.
Gian phòng thật là lạnh lẽo. Không thể nào mua than củi sưởi ấm và mỗi ý nghĩ ngồi dậy đủ làm run rẩy toàn thân chàng rồi. Bỗng có tiếng ai gõ cửa bên ngoài. Chàng không trả lời. Có lẽ một người chủ nợ nào đó muốn đến khủng bố chàng nữa. “Gõ đi! Đồ khốn! Tao không còn ở đây nữa”, nhạc sĩ nghĩ thầm như thế khi nghe tiếng gõ mỗi lúc càng mạnh.
Rồi giọng một đứa trẻ con vang lên:
- Ông Béc-li-ô! Tôi đây, tôi là A-si-li-nô.
Người nhạc sĩ cố gắng bước ra khỏi giường, tròng vội áo khoác, chiếc áo mốc meo, sờn rách mà Ha-ri-ê, vợ chàng, đã tặng cho chàng từ lâu. Chàng nghĩ: “Quái quỷ cho thằng bé này, nó muốn hỏi han gì mình lúc này”. Rồi chàng mở cửa:
- A-si-li-nô, cháu đấy phải không? Cháu xem, chú đau liệt giường cho nên…
- Cha cháu sẽ lấy làm buồn hết sức nếu biết rằng chú đau ốm thế này.
Đứa bé nói xong vừa nhìn gian phòng tiều tụy và cái khuôn mặt xương xẩu, ốm o cùng mớ tóc rối của nhà soạn nhạc. Đoạn nó nói tiếp:
- Cha cháu hôm nay cũng nằm liệt giường. Người bảo cháu mang thư này đến chú.
Béc-li-ô làm một cử chỉ định mở phong thư để xem, nhưng đứa bé đã ngăn lại:
- Chú không cần phải trả lời. Cha cháu bảo rằng chú chỉ đọc thư khi nào chú ở một mình thì hơn.
Không đợi cho nhà soạn nhạc trả lời, A-si-li-nô cúi chào lễ phép, rồi bước vội ra ngoài cửa.
Béc-li-ô vỗ vào trán mình. Chàng có cảm tưởng trong giây phút ấy rằng mình là kẻ bội bạc: người nghệ sĩ lớn nhất của thời đại là Pa-ga-ni-ni, bậc thiên tài số một của vĩ cầm hôm qua đã cho chàng một ân huệ vô cùng lớn lao và không dễ gì những kẻ còn sống có được, vậy mà Béc-li-ô, chàng lại tuyệt vọng đến mức muốn giã từ đời! Chàng nghĩ có lẽ bậc thiên tài ấy viết thư để khen ngợi chàng, và chàng trân trọng mở bức thư ra. Đây là nội dung của lá thư ấy:
Bạn thân thiết,
“Chỉ mỗi mình bạn mới có thể làm sống lại được Bết-Hô-phân (Bethoven). Tôi được thưởng thức tài nghệ của bạn, tài nghệ xứng đáng của một thiên tài sáng tạo, tôi tự thấy mình có cái nhiệm vụ gởi đến tặng bạn hai mươi ngàn quan. Tôi mong bạn hãy nhận lấy, do lòng ngưỡng mộ sâu xa của tôi.
Bá tước Rốt-Sin là người mà tôi gởi gắm bạc tiền, sẽ trao cho bạn đủ số, khi bạn trao đến bức thư đính kèm sau đây.
Mong bạn tin tưởng nơi mối cảm tình chân thành của tôi.”
Pa-ga-ni-ni
Ba-lê, 18 tháng 12 - 1838
Bức thư đính kèm gởi cho bá tước Rốt-Sin được viết như sau:
“Kính thưa bá tước. Tôi xin trân trọng kính nhờ bá tước trao lại cho ông Béc-li-ô số tiền hai mươi ngàn quan mà tôi vừa gởi đến cho bá tước. Xin bá tước nhận nơi đây sự cảm tạ chân thành của tôi.”
Pa-ga-ni-ni
Ban đầu Béc-li-ô tưởng rằng mình đã đọc lầm. Nhưng không, chàng không lầm một tí nào: những con số còn nguyên đấy rõ ràng ở trên giấy trắng mực đen.
Hai mươi ngàn quan! Số tiền to lớn biết là chừng nào! Chỉ trong thoáng chốc tất cả phương tiện để mà thanh toán nợ nần. Hai chục ngàn quan! Béc-li-ô tưởng mình bị choáng váng, đôi tay của chàng run rẩy.
Ha-ri-ê bước vào trong phòng đúng vào lúc ấy và thấy chồng cầm mảnh giấy trong tay với một vẻ mặt rối loạn, bèn hỏi:
- Gì đấy? Lại một tai nạn nào nữa hay sao? Anh nhận tin gì mà khổ tâm vậy? Hay là chủ nhà đuổi gấp ra khỏi nơi này?
- Không, không, không phải như vậy…
- Không phải như vậy?
- Pa-ga-ni-ni…
- Thế nào?
- Ông ấy gởi đến cho mình hai mươi ngàn quan.
- Trời ơi!
Trong sự bối rối, bà Béc-li-ô chỉ biết kêu lên và sau khi đọc lá thư trên tay của chồng, bà quỳ hẳn xuống, chắp đôi tay lại trong khi nước mắt trào ra chan hoà.
Chẳng mấy chốc khắp thành phố Ba-lê đều hay việc làm cao thượng của Pa-ga-ni-ni. Trong nhiều ngày liền các nghệ sĩ kéo ùa đến nhà Béc-li-ô. Mọi người đều muốn nhìn thấy bức thư để được thoả mãn. Trong các tiệm ăn, tiệm uống, phòng khách, đường phố người ta bàn tán về chuyện hai mươi ngàn quan. Những kẻ thù của Béc-li-ô càng tức giận hơn, cố gắng xuyên tạc việc ấy, rêu rao trên báo chí rằng bức thư và hai mươi ngàn quan chỉ là câu chuyện bịa đặt cốt để đề cao lẫn nhau giữa hai nhạc sĩ. Tuy vậy, một số báo khác hết lời ca ngợi Pa-ga-ni-ni, xem chàng có một cá tính cao thượng đặc biệt, khó lòng tìm thấy ở giữa thủ đô Ba-lê.
Về phần Béc-li-ô thì chàng hết sức nôn nóng ra khỏi giường bịnh. Nhưng nếu những sự lo buồn từ trước đã làm cho chàng suy nhược thì niềm vui khá lớn lao này cũng không làm chàng khoẻ mạnh mau chóng hơn lên. Mãi sáu ngày sau, chàng mới gượng ngồi dậy được và đến cám ơn Pa-ga-ni-ni trong một quán ăn. Không kịp nói một lời nào, chàng ôm nhạc sĩ trong đôi cánh tay siết chặt của mình. Khi chàng ấp úng nói được đôi lời cảm tạ thì Pa-ga-ni-ni đã ngăn chàng lại vào bảo bằng một giọng nói gần như không có âm thanh:
- Đừng nói về chuyện ấy nữa, bạn ạ. Ở đây không có ân huệ nào hết. Nếu bạn biết rằng trong bao năm rồi tôi chưa hề được nghe một âm nhạc nào tuyệt vời như là của bạn, thì bạn sẽ hiểu nỗi lòng của tôi với bạn thể nào.
Đoạn người nhạc sĩ cố gắng nói tiếp rất là khó nhọc:
- Từ đây, những kẻ âm mưu bôi nhọ tài năng của bạn sẽ không dễ gì kiếm cách để mà gây rối bạn nữa, vì chúng ít nhất cũng phải hiểu rằng trong chuyện âm nhạc tôi đã đứng về phía bạn, mà chúng phải biết coi chừng nếu làm đụng chạm đến tôi.

Đầu năm sau đó, Pa-ga-ni-ni rời khỏi Ba-lê và không bao giờ chàng trở lại nữa. Bịnh tình của chàng càng ngày càng nặng đến nỗi chàng nằm liệt giường và luôn thấy những cơn mơ kỳ dị. Bao nhiêu kỷ niệm của ngày đã qua dần dần hiện về trong đầu óc chàng. Niềm vui, nỗi buồn xen lẫn chan hoà khiến tâm hồn chàng khắc khoải không yên. Nếu không có đứa con chàng bên cạnh thì những giây phút cuối cùng của cuộc đời chàng sẽ là sầu thảm vô cùng. Đến ngày 27 tháng 5, Pa-ga-ni-ni cố gắng ngồi dậy vào lúc giữa trưa để nhìn một trận mưa giông ngoài trời. A-si-li-nô muốn cản cha mình, và khuyên ông ta nằm nghỉ, nhưng Pa-ga-ni-ni từ chối, nhất định mở rèm cửa trông ra. Thình lình một giây lát sau, bóng tối bỗng nhiên bao phủ như trời sập xuống. Biển cả từ mấy tuần nay vẫn nằm yên lặng bỗng chồm hẳn dậy trong tiếng sôi động ồn ào, đồng thời chớp nhoáng sáng loà trên một bầu trời âm u. Pa-ga-ni-ni tưởng chừng như trong mạch máu của mình cũng sáng loé lên những tia chớp ấy. Chàng đứng vụt dậy nhưng ngã quỵ xuống trên giường và nằm thiếp trong tình trạng mê man. Một giây lát sau, A-si-li-nô nghe tiếng cha mình rên rỉ. Rồi những tiếng ấy tắt dần. Bao nhiêu cảm giác trần gian bây giờ tan biến mất rồi, Pa-ga-ni-ni có lẽ chỉ còn là một hơi nhạc bay vút lên cao để tan biến mãi trong cõi vô cùng bất tận.

VŨ HẠNH
Theo tài liệu của C. Waldémar

HẾT
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




*_Cây Đàn Huyền Dịu Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: *_Cây Đàn Huyền Dịu   *_Cây Đàn Huyền Dịu I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
*_Cây Đàn Huyền Dịu
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Bài tập thơ tám chữ - Thi Ngư
» Bấm huyệt trị chứng hoa mắt, chóng mặt
» Bông Cúc huyền
» Lễ hội đền Huyền Trân
» Chữa viêm gan, vàng da, sỏi đường niệu, cao huyết áp bằng quả Bầu
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: Truyện Sưu tầm :: Tủ sách Tuổi Hoa :: Hoa xanh-