Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 06:14

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 14:19

CÁC LOÀI CHIM ĐẸP by mytutru Yesterday at 10:51

ĐÔI BÀN TAY NGHỆ NHÂN by mytutru Yesterday at 00:04

Lục bát by Tinh Hoa Sat 11 May 2024, 14:33

EM CHIM HÁT HAY QUÁ by mytutru Fri 10 May 2024, 20:11

QUY NHƠN TÔI YÊU by phambachieu Fri 10 May 2024, 16:51

Mái Nhà Chung by mytutru Thu 09 May 2024, 23:18

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Thu 09 May 2024, 12:56

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Thu 09 May 2024, 12:37

Một thoáng mây bay 13 by Ai Hoa Wed 08 May 2024, 10:00

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Tue 07 May 2024, 08:05

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Mon 06 May 2024, 11:42

Chết rồi! by Ai Hoa Mon 06 May 2024, 11:31

LỀU THƠ NHẠC by Thiên Hùng Sun 05 May 2024, 11:06

Tranh Thơ Viễn Phương by Viễn Phương Fri 03 May 2024, 19:13

Người Em Gái Da Vàng by Viễn Phương Fri 03 May 2024, 06:36

Những Đoá Từ Tâm by Việt Đường Wed 01 May 2024, 21:49

7 chữ by Tinh Hoa Tue 30 Apr 2024, 10:59

5 chữ by Tinh Hoa Sun 28 Apr 2024, 22:27

Thi tập "Chỉ là...Tình thơ" by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:56

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:51

Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Thiên Hùng Wed 24 Apr 2024, 11:48

Trụ vững duyên thầy by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:34

THIỀN TUỆ (diệt trừ đau khổ) by mytutru Tue 23 Apr 2024, 00:07

Nhận dạng phụ nữ giàu có by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:36

Bức tranh gia đình by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:09

Mẹo kho thịt by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 07:29

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 23:01

Trang Họa thơ Phương Nguyên 2 by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 22:56

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4
Tác giảThông điệp
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: 36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ   36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ - Page 4 I_icon13Tue 08 Jan 2013, 05:21

31. CÀNG GIÀ CÀNG DẺO CÀNG DAI!

Trong thời gian trú tại Núi Nài, hát xướng, ngao du cùng bạn bè, khi tuổi đã ngoại thất tuần, Nguyễn Công Trứ gặp một cô gái mười bảy tuổi. Như có duyên trời định, hai người - một lão già tóc bạc và một thiếu nữ má hồng - đã đem lòng yêu nhau và gắn bó. Cụ Thượng Trứ hỏi nàng làm thiếp, và nàng đã đồng ý làm lễ cưới. Trong đêm hợp hôn, Cụ cùng nàng bày rượu, đập trống hát ca trù và sáng tác một bài hát nói ngay lập tức được truyền tụng khắp vùng: và cho đến tận ngày nay không “tay chơi già” nào là không biết, thuộc một đôi câu.
Trẻ tạo hoá ngẩn ngơ lắm việc,
Già nguyệt ông cắc cớ trêu nhau.
Kìa kia người mái tuyết đã phau phau,
Run rẩy kẻ đào tơ còn mảnh khảnh.
Trong trướng gấm ngọn đèn hoa nhấp nhánh,
Nhất toạ lê hoa áp hải đường…


Và có lẽ cho đến tận ngày nay không “tay chơi già” nào là không biết, không thuộc hai câu sau đây:
Tân nhân nhược vấn lang niên kỉ,
Ngũ thập niên tiền nhị thập tam!

(Nếu thiếp mới hỏi chàng bao tuổi,
Năm mươi năm trước hai mươi ba!)

Và Cụ kết thúc khúc hát bằng một tuyên bố… xanh rờn:
Xưa nay mấy kẻ đa tình,
Lão Trần là một với mình là hai.
Càng già càng dẻo càng dai!

Về Đầu Trang Go down
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: 36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ   36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ - Page 4 I_icon13Tue 08 Jan 2013, 05:23

32. NHỮNG ĐÒN TRỪNG PHẠT BẰNG CHỮ NGHĨA

Làm quan, Nguyễn Công Trứ được dân chúng cảm phục, quý mến nhưng cũng bị không ít kẻ ghen ghét, hãm hại, khiến cụ đã bao phen lên voi xuống chó. Nhưng là một văn nhân nhân văn, những ân oán đó cụ không trả bằng những mưu mô thảm độc, máu chảy đầu rơi, mà chỉ bằng trí tuệ sắc sảo, bằng lời nói thâm thuý đôi khi cay độc - những đòn trừng phạt bằng chữ nghĩa nhiều khi còn đau hơn hoạn, có khi còn hơn cả án tử hình!
Sau đây là một vài câu chuyện:

Với quan tỉnh Bắc Ninh

Tương truyền, một trong những người đã từng vu khống Nguyễn Công Trứ là quan Tổng đốc Bắc Ninh họ Phạm, và Nguyễn Công Trứ đã trừng phạt như sau:
Trong một bữa tiệc có quan Tổng đốc Bắc Ninh cùng dự, khi chén rượu đã ngà ngà, đáp lời mọi người mời mọc, thúc dục kể chuyện vui, cụ Trứ nói:
- Thưa các quan, cách đây mấy năm, khi đương làm quan ở đất Bắc, nhân đi hành hạt tại huyện lị Nam Sách gặp một đứa bé con mới lên bảy tám tuổi mà thông minh linh lợi khác thường, tôi liền ra cho nó một vế đối Nôm: Lời vàng quan tỉnh Bắc Ninh. Không ngờ, chẳng cần phải nghĩ ngợi lâu, nó ứng khẩu đối luôn: Cửa ngọc bà huyện Nam Sách. Chà, “Lời vàng” đối với “cửa ngọc”, “quan tỉnh” đối với “bà huyện”, “Bắc Ninh” đối với “Nam Sách” thì còn chê làm sao được! Tôi liền thưởng cho nó một quan tiền.
Nghe chuyện, các quan đều pha ra cười, chỉ có quan Tổng đốc Bắc Ninh họ Phạm thì đỏ mặt tía tai, cố ngồi nín thinh cho qua bữa tiệc.

Với Quan phủ Thạch Hà

Quan phủ Thạch Hà, Hà Tĩnh, cũng có mối ân oán chi đó với cụ Trứ nên có lần chịu đòn đau của cụ. Trong một bữa tiệc, khi các các quan đã ăn uống say sưa rồi, cụ Trứ kể chuyện:
- Ở phủ Thạch Hà đất Hà Tĩnh quê tôi có một đứa bé thần đồng. Nó ứng đối tài tình không thể tưởng. Một lần tình cờ gặp nó, tôi đọc mau một câu thật dài để thách nó đối, thế mà nó đối hay và nhanh hơn cả người lớn mới tài chứ. Câu tôi đọc là thế này:
- Chống chõi như quan phủ Thạch Hà. Thạch là đá, hà là sông, giữa dòng sông ngăn đá.
Nó tiếp lời tôi mà đối ngay như sau :
- Giàu có như bà huyện Kim Động. Kim là vàng, động là hang, trong cửa hang có vàng (29).
Các quan khách trong tiệc ôm bụng cười nghiêng ngửa vô tư, chỉ riêng quan Tri phủ Thạch Hà thì nửa cười nửa mếu lấm lét nhìn quanh.

Với Lang trung bộ Lễ

Trong một bữa tiệc khác, mũi dùi châm biếm của cụ chĩa vào một viên Lang trung cũng có mặt trong tiệc. Thoạt đầu, Cụ hỏi:
- Thưa các quan bác, các quan bác có biết “Lang trung” là gi không?
Đánh hơi thấy sắp được nghe một câu chuyện gì đó thú vị, cả bàn gần như đồng thanh hô:
- Thưa không ạ, Cụ kể đi ạ!
- Vâng, vậy thì tôi xin kể chuyện “Ai ta hề Lang trung” để các quan bác biết nhé. Ấy là vào cái thời làm quan ở Bắc kì, tôi có biết một ông người Hoa khá giàu và có ba vợ, họ ở chung với nhau và thương yêu, chiều chuộng nhau như bát nước đầy. Chẳng may, ông chồng mang bệnh nặng không cứu chữa được. Khi đức lang quân vừa tắt thở, người vợ lớn liền nhào tới ôm lấy đầu chồng than khóc nức nở, lặp đi lặp lại “Ai ta hề lang thủ”, nghĩa là:“Ôi thương cái đầu của chàng!”
Người vợ thứ hai chạy lại ôm chặt lấy hai chân của chồng mà khóc thảm thiết: “Ai ta hề lang túc”, nghĩa là: “Ôi thương cặp chân của chàng!”
Còn người vợ thứ ba thấy thế vội chen vào giữa hai chị, cầm lấy “cái ấy” của cố phu quân mà khóc than kể lể: “Ai ta hề lang trung! Ai ta hề lang trung!”, nghĩa là: “Ôi thương cái… của chàng!”. Đấy, “Lang trung” là thế…
Lời kể chưa dứt, đám tiệc đã trở nên nhốn nháo với những tiếng cười hô hố, ha há, hi hí… Duy chỉ có một người không cười nổi, mà cũng không biết làm sau giấu đi bộ mặt của mình: đó là viên Lang trung bộ Lễ trước kia đã có hành động bất nhã với cụ Trứ.


________________________________________


(29) Về câu đối trong giai thoại này, có người còn kể “độc” hơn như sau: Câu của Nguyễn Công Trứ ra là “Chống chỏi như quan phủ Thạch Hà. Thạch là đá, hà là sông, giữa dòng sông ngăn đá, nên chi mồm ông phủ Thạch Hà hà!”, còn thằng bé đối lại: “Giàu có như bà huyện Kim Động. Kim là vàng, động là hang, trong cửa hang có vàng, bởi thế đồ bà huyện Kim Động động!”.

Về Đầu Trang Go down
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: 33   36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ - Page 4 I_icon13Mon 14 Jan 2013, 04:58

33. “ÂN OÁN GIANG HỒ” VỚI TỈNH THẦN HÀ TĨNH

Tương truyền, có lần các quan tỉnh thần Hà Tĩnh mật tấu vu cáo Nguyễn Công Trứ lên vua Tự Đức, vì thế cụ rất hận, thường tìm cách thừa dịp dạy cho các quan tỉnh Hà Tĩnh những bài học đích đáng. Sau đây là hai trong số nhiều câu chuyện được truyền tụng trong dân gian.

1. Mùa xuân năm Canh Tuất (1850), lúc đó Nguyễn Công Trứ về hưu dưỡng đã được gần nột năm, các quan tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ cúng “Xuân thủ”, là lễ cúng đầu mùa xuân hàng năm. Tham dự lễ cúng, ngoài các quan viê tại chức, các hưu quan trong tỉnh cũng được mời, tất nhiên trong đó có cụ Thượng Trứ. Sau khi hành lễ là một bữa tiệc rượu khoản đãi các quan viên văn võ tân cựu trong tỉnh.
Vào bàn tiệc, vì có mặt cụ Trứ nên ai nấy có vẻ e dè, không dám phách lối khoe khoang như mọi khi, lỡ cụ châm chọc cho giữa công chúng thì mất mặt. Thấy không khí trên tiệc buồn tẻ, Cụ Trứ mới lấy tư cách người cao niên mời quan khách nói chuyện tự nhiên. Nhưng các quan vẫn chẳng có ai dám nói trước. Quan Bố chánh chủ tiệc đành phải đứng lên thưa:
- Xin mời Cụ lớn Thượng thư nói trước, chúng tôi hậu sinh, không dám thất lễ.
Cụ Trứ mỉm cười, và bắt đầu nói:
- Đa tạ các quan có nhã ý cho lão nói trước, lão xin kể hầu mọi người vài câu chuyện vui vậy. Mà chuyện cũng xảy ra cách đây hơn mười năm rồi…
Các quan hoan hỉ:
- Xin mời cụ, xin cụ cho nghe ạ.
Cụ Thương Trứ vuốt râu, mỉn cười, thong thả kể:
- Chả là hồi đó lão còn làm Tổng đốc Hải Yên, một hôm đi đường gặp một đứa bé chừng mười tuổi mà trông lanh lợi vô cùng. Đoán nó là một học trò thông minh, lão liền ra cho nó một câu đối: Ở Hà Tĩnh sông lặng nhờ gió lặng (30). Nó ứng khẩu đối ngay: Tại Hải Yên bể yên bởi sóng yên (31).

Lão tiếp tục đọc: Quan tỉnh Hà Tĩnh mở miệng hay: lời lời châu ngọc.
Nó đối liền: Bà tổng Hải Yên giấu của kín: hàng hàng gấm thêu (32).

Lão lại ra một câu đối bằng tục ngữ: Ăn một đọi, nói một lời, đừng học thói tam tiên tam tổ. Nó cũng đối ngay bằng tục ngữ: Của ba loài, người ba đấng, kể chi phường bát đảo bát điên (33).
Lão phục nó lắm, đọc một câu ngạn ngữ khác: Ném đất giấu tay, ghê những kẻ mặt người dạ thú. Nó đối liền bằng một câu ngạn ngữ: Phun người ngậm máu, sá chi phường miệng Phật lòng xà (34).
Các quan trong tiệc ngồi nghe, có người xuýt xoa khen thằng bé giỏi, nhưng cũng có người tái mặt, cúi đầu.

2. Vào dịp tiết Trung Nguyên (rằm tháng bảy), quan Bố chính Hà Tĩnh truyền cho quan huyện Nghi xuân tìm thuê một chiếc thuyền rộng rãi để đêm rằm các quan xuống Bến Thủy hóng mát, chơi tổ tôm và hát cô đầu. Chẳng may cụ Nguyễn Công Trứ biết được tin ấy, bèn đi tìm người lái thuyền đã nhận lời cho các quan thuê thuyền. Anh lái trả lời:
- Thưa cụ, con đã lỡ nhận lời ông lí trưởng mất rồi ạ.
- Không sao, lão không cần thuê cả thuyền đâu. Lão chỉ cần thuê cái mui thuyền đủ để ngồi hóng mát là được. Tôi sẽ trả cho anh một quan tiền.
Anh lái thuyền bằng lòng. Trước khi đêm xuống, cụ Trứ mặc bộ áo quần vải thô nhuộm nâu như một ông lão nhà quê bước xuống thuyền, trao cho anh lái một quan tiền rồi ra ngồi trước mui thuyền hóng mát. Lát sau, xe ngựa của các quan tỉnh, quan huyện lục tục kéo đến cùng đoàn đào kép hát cô đầu. Mọi người lần lượt xuống thuyền, chèo chính giữa dòng sông Lam thơ mộng thả neo và bắt đầu cuộc vui chơi, đánh bài, đần hát. Không ai để ý đến ông lão nhà quê ngồi một mình đầu mui thuyền. Được một lúc, cụ lân la bắt chuyện với anh chèo mui:
- Anh được mấy con rồi? Đã có cháu nào lớn chưa?
- Thưa cụ, con được ba cháu rồi ạ. Chúng nó đều còn nhỏ dại cả. Vợ cháu lại gần ngày sinh nữa.
- Vợ gần ngày sinh, thì phải xa vợ nhá.
- Dạ. Nhưng đôi lúc vì thương vợ, nên cũng phải gần ạ.
Ông lão bất chợt cao giọng quát:
- Bậy! Vợ gần ngày sinh mà lại gần vợ thì chẳng là thằng trong bú… thằng ngoài à!
Các quan trong thuyền đang say sưa chơi tổ tôm chợt nghe từ bên ngoài mui thuyền vẳng tới “thằng trong bú… thằng ngoài”, thì đều dỏng tai nghe ngóng. Sinh nghi bởi câu nói khiếm nhã như vậy, quan đầu tỉnh ra hiệu cho quan huyện ra ngoài xem xét tình hình ra sao? Quan huyện bước ra, nhìn kĩ ông già đang ngồi quay lưng hóng mát trên mui, liền nín thinh trở vào trình quan Bố chính: “Chính Cụ Thượng Trứ đã nói câu ấy, Cụ đang ngồi ở ngoài mui thuyền một mình”.
Quan Bố chính nói nhỏ:
- Mặc Cụ, chúng mình cứ tiếp tục chơi, làm như không nghe gì, không biết Cụ ấy đang ngồi ngoài ấy.
Lát sau, ngoài mui Cụ Trứ lại cất giọng hỏi anh chèo:
- Sao anh không hát đi cho vui?
- Dạ, con không biết truyện hay nên không hát ạ.
- Anh có muốn nghe tôi đọc Kiều không?
- Dạ, thưa có.
Cu Trứ cất giọng ngâm nga văng vẳng: “Bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”.
Nghe giọng ngâm Kiều vọng vào, quan Bố chính thật sự chột dạ, liền ra lệnh cho thuyền cập bến, “để các quan về, kẻo đêm đã khuya, ngọn gió biển đã thổi mạnh”.


________________________________________

(30) Hà là sông, tĩnh là lặng.
(31) Hải là bể, yên là yên.
(32) Miệng hay đối với của kín! Lời lời châu ngọc đối với hàng hàng gấm thêu!
(33) Tam tiên tam tổ đối với bát đảo bát điên.
(34) Mặt người dạ thú đối với miệng Phật lòng xà.
Về Đầu Trang Go down
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: 34   36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ - Page 4 I_icon13Mon 14 Jan 2013, 05:03

34. BÀI HỌC CHO QUAN HUYỆN HÁCH DỊCH

Một viên quan trẻ tuổi và rất hách dịch được bổ về làm Tri huyện Nghi Xuân. Tuy cũng đã từng nghe tiếng Cụ Thượng Trứ nhưng chưa hề gặp và có lẽ cũng cao ngạo hay sơ suất gì đó mà anh ta không tới yết kiến Cụ như các quan khác thường làm. Vừa tới huyện lị được vài ba ngày, tân quan đã quyết định đi hành hạt, sức cho hàng huyện biết ngày giờ nào quan sẽ tới xã, thôn nào để biết mà nghinh tiếp rầm rộ.
Nghe dân tình bàn tán thấy chướng tai, Cụ Trứ bèn vai vác cuốc tay dắt bò đến cho ăn cỏ trên con đường mà quan huyện sắp đi qua. Một lát sau đoàn xe ngựa, võng lọng tân quan đi đến, tên lính lệ đi trước dẹp đường, lớn tiếng hô:
- Ai nấy phải tránh về một bên để quan lớn đi hành hạt.
Cụ Trứ giả vờ không nghe, cứ chăm chăm cuốc, rồi lại ngồi bệt xuống đường cái nhặt cỏ. Đám lính khiêng võng quan đến tận nơi mà Cụ Trứ vẫn lom khom làm việc. Quan tức mình nhảy xuống võng, lớn tiếng quát:
- Hay cho lão già nhà quê vô lễ! Ngạo mạn!
Rồi giựt phắt cái cuốc trong tay cụ Trứ, ném xuống con sông Lam trong xanh, rồi truyền bắt ông già phải thay một người lính võng quan đi, còn con bò thì cho dắt theo.
Cụ Trứ lẳng lặng ghé vai khiêng võng đi trước, còn quan huyện nằm trên võng ra dáng bệ vệ, hả hê. Vừa đi được chừng mươi thước thì đoàn người gặp một anh đồ Nho người cùng huyện Nghi Xuân. Trông thấy Cụ Trứ, anh đồ hốt hoảng chạy tới chắp tay chào hỏi:
- Bẩm, lạy cụ lớn! Sao Cụ lớn lại phải khiêng võng như thế ạ?
Cụ Trứ chưa kịp trả lời, quan huyện đã giật mình, nhảy ngay xuống đất, lắp bắp hỏi anh đồ Nho:
- Cụ già nầy là ai?
- Trình quan, đây là cụ Binh bộ Thượng thư trí sĩ, một bậc hưu quan có danh vọng, uy tín và phẩm tước lớn nhất trong tỉnh Hà Tĩnh ạ!
Bấy giờ quan huyện mới như người mắc bệnh kinh phong, run lẩy bẩy chắp hai tay lạy Cụ Trứ như tế sao:
- Bẩm lạy cụ lớn! Vì con mới đến nhận chức ở quý huyện, chưa có dịp yết kiến nên chưa được biết Cụ lớn. Nay con trót đã phạm tội lỗi nặng nề đối với cụ lớn. Trăm lạy Cụ lớn mở lương khoan hồng, con nguyện xin suốt đời làm tôi tớ Cụ lớn. Xin Cụ lớn tha tội cho con.
- Tôi bắt tội, bắt tình quan huyện làm chi? Quan huyện bắt tôi khiêng quan từ đâu đến đây, thì bây giờ quan phải khiêng tôi từ đây tới đó, thế là công bằng. Còn cái cuốc của tôi, quan quăng đi, thì quan tìm mà trả lại cho tôi, thế là xong việc.
- Con xin khiêng Cụ lớn tới nơi Cụ lớn cuốc cỏ khi hồi. Còn cái cuốc, con trót quăng xuống sông cái, nước sâu quá con không thể lặn xuống tìm được, con xin mua cái mới tốt hơn đền cho Cụ lớn ạ.
- Không được! Hơn ba năm nay, với cái cuốc xấu xí, cũ kĩ ấy, tôi đã cuốc cỏ cho bò ăn, và cuốc rau má cho tôi cùng người nhà tôi ăn, tình nghĩa giữa tôi và cái cuốc sâu đậm biết chừng nào! Người ta ở đời, - Cụ Trứ nói tiếp, - có gì đáng quý bằng tình nghĩa hay không? Nay quan ỷ thế nhiều tiền nhiều bạc, vứt cuốc tôi xuống sông, để rồi mua cái khác đền lại. Tiền bạc thì quan có thể bồi thường được, còn tình nghĩa giữa tôi và cái cuốc thì có thể lấy tiền bạc mà bồi thường được không?
- Bẩm lạy Cụ lớn! Con lỡ làm một việc tội lỗi tày trời đối với Cụ lớn, bây giờ con hối hận lắm. Rất mong Cụ lớn thương hại con là đứa hậu sanh có khác nào đứa con út của Cụ lớn.
- Đành rằng quan không biết tôi là Nguyễn Công Trứ, nhưng quan vẫn thấy tôi là người già nua, tóc bạc đó thôi. Cái chức Thượng thư của tôi là thân ngoại chi vật (35), quan muốn biết hay không muốn biết, là tuỳ ý quan. Nhưng cái đầu bạc trắng của một người gần tám mươi tuổi, thì mọi người trông thấy, không có lí gì mà quan không thấy? Đối với tôi mà quan còn hách dịch đến thế, thử hỏi đối với những người dân đen thấp cổ bé họng thì quan sẽ tác oai tác quái đến độ nào? Nay, nếu tôi dung thứ cho quan, thì vô tình tôi đã “trợ Kiệt vi ngược” (36). Vậy nên tôi sẽ trình báo minh bạch lên Đường quan tỉnh Hà Tĩnh chuyển trình về bộ Lại và triều đình xét xử, để làm gương cho những quan lại xấu xa quen hiếp đáp lương dân vô tội.
Nghe nói, quan huyện càng tái mặt, ấp úng không nên nửa lời.
Cụ Trứ nói tiếp:
- Bây giờ quan hãy khiêng tôi trở lại nơi tôi đang cuốc cỏ khi hồi.
Quan huyện cúc cung ghé vai võng Cụ Thượng Trứ đi trở lại nơi cũ, trước những con mắt hiếu kì của nhân dân địa phương. Còn con bò của Cụ Trứ vẫn được người lính lệ dắt đi theo. Tới nơi, Cụ bảo dừng võng lại, thung dung bước xuống đất, nhìn con bò bị đói cỏ, rồi nói:
- Quan huyện đã làm xong một việc rồi, bây giờ còn một việc nữa là tìm cái cuốc của tôi cho kì được, - đoạn Cụ lấy tay chỉ xuống sông Lam.
Quan huyện chắp hai tay vái dài, khóc nức nở không còn biết xấu hổ, thể diện nữa. Bấy giờ, Cụ Thượng Trứ mới nghiêm nghị nói:
Thôi được, tôi tha cho ông một lần!
Quan huyện được một bài học chắc là nhớ đời.


________________________________________

(35) Thân ngoại chi vật: vật nằm ngoài thân thể.
(36) Trợ Kiệt vi ngược: giúp vua Kiệt làm điều bạo ngược.
Về Đầu Trang Go down
buixuanphuong09

buixuanphuong09

Tổng số bài gửi : 37042
Age : 85
Registration date : 28/02/2012

36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: 36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ   36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ - Page 4 I_icon13Mon 14 Jan 2013, 14:32

Tuyệt vời quá Shiroi ơi!
BXP
Về Đầu Trang Go down
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: 36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ   36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ - Page 4 I_icon13Tue 15 Jan 2013, 06:22

buixuanphuong09 đã viết:
Tuyệt vời quá Shiroi ơi!
BXP
Dạ, cám ơn bác BXP thật nhiều đã ghé qua đọc các giai thoại.
Về Đầu Trang Go down
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: 35   36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ - Page 4 I_icon13Wed 16 Jan 2013, 05:26

35. BÀI HỌC CHO QUAN ÁN SÁT HỐNG HÁCH

Câu chuyện này dài, dài hơn một giai thoại bình thường, nhưng vì rất có ý nghĩa và rất thực nên cũng xin chép lại cho đủ, cho hết.
Mùa xuân năm Đinh Tị (1857), cụ Trứ 79 tuổi, như lệ thường lại cưỡi bò vàng đạc ngựa đi từ núi Cảm Sơn (Thạch Hà) về làng Uy Viễn chánh quán để bái yết từ đường họ Nguyễn, quãng đường độ năm chục cây số. Ra đi từ lúc trời vừa sáng, mãi đến xế chiều Cụ mới đến gần khúc đường rẽ vào làng mình. Thương con bò vàng đói và mệt, Cụ dừng lại nghỉ, dắt cho ăn cỏ dọc theo con đường cái quan (tức là quốc lộ 1A bây giờ, quãng Gia Lách gần Bến Thuỷ). Được một lúc, bỗng thấy một đoàn người đông đảo, mang cờ, lọng, trống, chiêng và bát âm cùng võng, cáng, tiền hô hậu ủng đi tới. Thì ra đó là đám rước quan tân Án sát Nghệ An (37) về nhiệm sở. Đi đầu đám rước, một viên cai cầm loa hô lớn:
- Hỡi mọi người khách đi đường phải tránh về một bên, để cho đám rước quan lớn rộng đường đi.
Nghe tiếng loa, Cụ Trứ tỏ vẻ sợ hãi, hai tay nắm lấy sợi dây thừng, kéo con bò từ bên này đường sang bên kia đường cái quan.
Viên cai lại hét loa lần nữa, Cụ Trứ luýnh quýnh, lại nắm lấy dây kéo con bò từ bên kia đường qua bên này đường. Cứ thế, theo tiếng loa, con bò bị kéo đi, kéo lại mấy lần qua mặt đường cái quan.
Viên Cai chạy tới trừng mắt hỏi Cụ Trứ:
- Tại sao ông già cứ dắt bò chạy qua chạy lại mãi trên đường như thế? Có phải ông cố ý cản trở đường đi của quan lớn hay không?
Ông già dắt bò lập cập thưa:
- Dạ bẩm, tôi già lại điếc, nên không nghe được rõ ràng. Tôi đã dắt bò về một bên đường rồi, lại còn nghe kêu gọi nữa, nên tôi tưởng phải dắt bò qua bên khác mới khỏi mang tội ạ.
Viên cai nổi cáu nắm chặt tay ông già kéo sang bên đường, tức thì cụ Trứ ngã lăn ra đất, chỏng bốn vó lên trời, miệng kêu la rên rỉ, tay vẫn nắm chặt sợi dây con bò đứng chặn ngang đường cái. Vừa lúc đó võng quan Án sát tới nơi, viên Cai bèn trình lại sự việc và xin cách giải quyết với cụ già. Nghe xong, quan Án sát lên giọng quát lớn:
- Tên già này thật to gan, cần phải trừng trị gắt gao để làm gương cho những kẻ vô lễ khác. - Và quan truyền: - Nay ta truyền cho ngươi cứ thi hành nghiêm chỉnh phận sự dẹp đường. Và truyền cho hai tên lính theo hầu ta phải dẫn giải tên già ngạo mạn kia sang dinh Án sát Nghệ An, ta sẽ chiếu luật xét xử đích đáng để răn những kẻ điền phu dã tốt khác ỷ nhiều tuổi mà làm càn, làm bậy, khinh khi phẩm tước triều đình…
Lập tức, hai người lính tới khiêng ông già đặt sang vệ đường cho đám rước tiếp tục đi, rồi họ khuyên ông ngồi dậy cùng đi với họ sang dinh Án sát Nghệ An. “Nếu ông ngoan ngoãn, sẽ được tha mau”. Cụ Trứ ngồi dậy nói:
- Tôi thân già, sức yếu, nhà lại nghèo, chỉ trông cậy vào con bò này mới sống qua ngày. Tôi có đi đâu ra khỏi nhà cũng là nhờ nó chở đi, chứ hai chân tôi bước không nổi nữa. Nay hai ông đã phải áp giải tôi, thì tôi yêu cầu hai ông cũng áp giải luôn con bò nữa, vì mất nó thì tôi chết, rời nó thì tôi bước không được, bởi hai đầu gối tôi đã long từ lâu ngày rồi.
Thế là hai người lính - một người đi trước và một người đi sau - cùng ông già cưỡi con bò vàng về tỉnh Nghệ An.
Đến nơi thì trời đã tối, hai người lính không biết làm thế nào để canh giữ Cụ Trứ và con bò, bèn tạm gửi Cụ vào nhà lao tỉnh Nghệ An. Sáng hôm sau, khi hai người lính vào nhà lao dẫn ông già và con bò ra thì vừa thấy quan Án sát đang đi về phía dinh Tổng đốc (38) để yết kiến quan Thủ hiến. Nhìn thấy quan Án, ông già quay sang nói với hai người lính: - Nhờ hai ông coi dùm con bò cho tôi, để tôi chạy theo quan Án, hoạ may quan xét xử gấp cho tôi.
Thế là trên đường, quan Án đi trước, không hề biết có ông già đang lẽo đẽo chạy theo sau. Lúc đó quan Tổng đốc Võ Trọng Bình đang đứng trên tam cấp dinh nhìn ra, quan Án vừa vào tới sân đã cúi đầu chào mấy cái, nhưng không thấy quan trên đáp lễ, vì đang chăm chú nhìn ông già bước thấp bước cao đi sau lưng quan Án. Khi quan Án bước lên tam cấp khom người vái chào, thì thấy quan Tổng đốc dường như không để ý đến mình mà chạy vội xuống sân. Quay nhìn lại, quan Án đã thấy quan Tổng đốc hai tay dìu ông già lên thềm và đưa vào phòng khách, rồi lễ độ và ân cần thưa chuyện:
- Mấy lâu nay tiểu đệ hằng trông mong Cụ lớn qua chơi để hàn huyên tâm sự. Nhưng càng trông lại càng bặt tin. Tiểu đệ có gửi thư, cũng không được Cụ lớn phúc đáp. Vì vậy mà tiểu đệ rất lo ngại về sức khoẻ của Cụ lớn. Hôm nay Cụ lớn qua đây, sao lại đi vào giờ nầy, mà không cho tiểu đệ biết trước, để sai người đi đón rước?
Quan Án cũng vừa theo vào phòng khách, nghe thấy thế mặt tái xạm, đang đứng khép nép một bên không dám lên tiếng.
Ông già đáp:
- Thưa tôn huynh, thực ra cũng đã mấy lần lão đệ định qua thăm tôn huynh để hòng ôn lại bao nhiêu câu chuyện cũ, nhưng gia bần thân lão, lại thêm nay đau mai ốm, cứ lẩn quẩn mãi không đi được, rất mong tôn huynh lượng tình miễn chấp. Hôm qua lão đệ cưỡi bò về thăm quê và từ đường, đến khúc đường gần rẽ vào làng Uy Viễn, thấy bò đói quá, lão đệ dừng lại dắt bò ăn cỏ dọc theo thiên lí lộ. Gặp đám rước quan ngài đây đi qua, lão đệ già cả không biết đường tránh nên phạm lỗi, được quan truyền áp giải lão đệ qua đây. Cũng may, nếu không có việc này có lẽ lão đệ chưa có dịp qua thăm tôn huynh được, biết ngày nào mới tái ngộ nhau?
- Cụ lớn bị áp giải qua đây! Như vậy, suốt cả đêm qua, Cụ lớn nghỉ ngơi ở đâu? Ăn uống thế nào? Và được đối đãi ra sao?
- Đêm qua lão đệ tạm trú tại lao xá quý tỉnh, chưa ăn gì từ chiều qua đến giờ.
Võ Trọng Bình đỏ mặt, quay sang quan Án sát trừng mắt nói:
- Quan Án có hay biết cụ già đây là ai không? Đây là Binh bộ Thượng thư trí sĩ Nguyễn Công Trứ, một vị danh sĩ và trọng thần của triều đình. Chẳng những hàng Đốc phủ như chúng tôi phải tôn trọng, kính nhường Cụ, mà đến đức Hoàng thượng cũng quý mến và ưu đãi Cụ nữa. Nay quan Án được lệnh trên hoán bổ tới đây, chưa đạp chân lên đất Nghệ An mà đã ngang nhiên hành hạ một vị lương lão thần vào tuổi thúc phụ, xâm phạm đến danh vọng và thể xác của người. Hành động của quan Án như vậy quả thật không xứng đáng là một vị Đường quan cầm cán cân công lí giữa tỉnh hạt Nghệ An nầy xưa nay vốn là một trọng trấn trong nước. Nay tôi không dám nhận một vị quan cao cấp trông coi hình ngục và án tiết tỉnh Nghệ An lại là người hách dịch như thế. Tôi xin giao hoàn quan Án “Lai kinh hậu cứu” về tội vô cớ hành hung một vị công thần của nhà nước.
Quan Án sát tái mặt, vái lạy quan Tổng đốc và “kẻ điền phu dã tốt" như tế sao, không thốt được lời nào. Tổng đốc Võ Trọng Bình khoát tay:
- Quan Án đừng vái nữa mà hèn người. Việc quan làm, quan phải chịu. Quan hãy trở về dinh Án sửa soạn hành lí để trở về kinh đô!
Cụ Trứ thấy cảnh ấy lại bắt đầu thấy áy náy:
- Thưa quan lớn Tổng đốc An Tĩnh, tôi xin có lời này. Quan Án đây quả đã có những sở hành quá đáng đối với tôi, một người có tuổi vô tội, lại là một trọng thần, nên quan lớn tức giận mà xử như thế là hợp lẽ. Nhưng xét cho kĩ, quan Án không biết tôi là ai, nên có thể châm chước vài phần. Theo tôi, quan lớn nên vì tuổi già của tôi mà tha cho quan Án, chỉ mong trong thời gian trấn nhậm ở đây, quan Án hãy vì con dân Nghệ An mà xử sự đúng mực là phước lắm rồi.
Nghe Cụ Trứ nói vậy, quan Án sát mừng như chết đuối vớ được cọc, vội vái tạ, nói theo:
- Cụ lớn dạy chí phải. Tôi còn gia đình, còn bầy con, xin quan lớn xét lại. Về đây chưa ấm hơi mà đã lai kinh hậu cứu, coi như đường công danh của tôi tới đây đã hết. Xin quan lớn rộng lòng dung thứ. Ơn ấy tôi xin ghi tâm khắc cốt.
Quan Án cũng được một bài học chắc là nhớ đời.


________________________________________

(37) Án sát: chức quan coi việc hình trong một tỉnh. Viên Án sát nói đến ở đây nguyên làm Án sát Quảng Nam, vì mang tiếng hách dịch và tham nhũng nên phải đổi ra Nghệ An.
(38) Tổng đốc: chức quan đứng đầu trong một tỉnh (Thủ hiến). Viên Tổng đốc Nghệ An nói đến ở đây là Võ Trọng Bình (1807-1898), quê ở Quảng Bình, đỗ Tiến sĩ, ít tuổi hơn Cụ Trứ và về hưu sau, cũng là vị quan thanh liêm nên hai người kính trọng nhau đã lâu.
Về Đầu Trang Go down
Shiroi

Shiroi

Tổng số bài gửi : 19896
Registration date : 23/11/2007

36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: 36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ   36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ - Page 4 I_icon13Wed 16 Jan 2013, 05:28

36. LÀM CÂY THÔNG ĐỨNG GIỮA TRỜI

Cụ Thượng Uy Viễn Nguyễn Công Trứ ngang tàng, coi đời như một cuộc chơi thú vị theo ý ngông của mình cho đến tận lúc chết, và cả chết Cụ cũng ngông như vừa nói ở trên. Thế nhưng, cái ngông, cái ngạo của Cụ không dừng lại ở kiếp này, mà còn sang cả kiếp sau nữa.
Tương truyền, vào phút lâm chung, cụ Trứ dặn con cháu trước mộ mình chỉ trồng một cây thông xanh mà thôi. Và bài thơ Cụ để lại sau đây cũng có thể coi là lời di chúc của Cụ với đời: kiếp người, dù có tài, có sang, có chơi đến như Cụ vẫn có những lúc buồn tênh, vẫn đầy những nhộn nhạo, khóc cười; và Cụ hẹn một cuộc chơi khác:

Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo!


Nhưng dù thế, Cụ vẫn không muốn mình đơn độc, vẫn muốn tìm bạn, để có người tri kỉ, cùng chơi. Cụ gửi lại lời mời đầy thách thức:

Giữa trời vách đá cheo leo,
Ai mà chịu rét thì trèo với thông!
Nhân vật chết, hết giai thoại!


Nhưng vẫn còn một điều cuối cùng chúng tôi muốn chép lại, là lời băn khoăn buồn của những hậu duệ trông coi và hương khói nhà thờ Cụ Trứ: họ đã nhiều lần trồng thông xanh bên mộ Cụ đúng theo di chúc, nhưng thông không sống được - quê Cụ toàn đất cát. Đất nghèo(39).
Đất này cây khó sống, nhưng người vẫn phải sống. Mà lại sống kiêu sa, ngang tàng.

Nghịch lí chăng?


Huyền Li


________________________________________

(39) Chi tiết dựa theo bài viết Suy nghĩ trước mộ một nhà thơ của Song Ân, báo Văn nghệ số 48, tháng 11/1994.
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: 36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ   36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ - Page 4 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
36 giai thoại về Nguyễn Công Trứ
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Giai thoại văn học Việt Nam
» Những Giai Thoại về Các Vị Tam Nguyên
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần
» Giai thoại thơ Đường - Cao Tự Thanh
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần
Trang 4 trong tổng số 4 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: TRÚC LÝ QUÁN :: Tài Liệu-