Thơ bốn chữ
Để cho bài thơ có âm điệu, chúng ta nên luân phiên thay đổi luật bằng trắc.
Nếu tiếng thứ 2 bằng thì tiếng thứ 4 trắc; ngược lại, tiếng thứ 2 trắc thì tiếng thứ 4 bằng:
x B x T
x T x B
! Nhưng nhiều khi các thi sĩ cũng không theo luật đó.
Cách gieo vần
1. Vần liên tiếp (ít dùng)
Tiểu chức Táo Công
Kính trình Thượng Đế
Năm nay dương thế
Lâm nạn đao binh
Khói lửa chiến tranh
Bùng lan Âu Á
Cõi trần loạn sạ
Trên đất ngoài khơi
Đáy bể lưng trời
Đầy mù sát khí
Khiến thần lo nghĩ
Đến việc hành trình
Lên được Thiên đình
Năm nay thực khó
Sợ nạn tầu bay
Phòng thủ đêm ngày
Thần công cao sạ
Thấy chi là lạ
Lơ lửng trên không
Thời súng đùng đùng
Chĩa lên tua tủa
Hạ thần lo sợ
Cưỡi cá lên mây
Chúng ngỡ tầu bay
Bắn lên loạn sạ
...
Tú Mỡ - Hạ giới ngày 23 tháng chạp năm Kỷ Mão 1940
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Chim non giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng
Bước em thênh thang
Áo tà nguyệt bạch
Ôm nghiêng cặp sách
Vai nhỏ tóc dài
Anh đi theo hoài
Gót giầy thầm lặng
Đường chiều úa nắng
Mưa nhẹ bâng khuâng
(Phạm Thiên Thư - Ngày xưa Hoàng thị)
2. Vần chéo (Vần gián cách)
Tôi làm con gái
Buồn như lá cây
Chút hồn thơ dại
Xanh xao tháng ngày
Tôi làm con gái
Một lần qua đây
Rồi không trở lại
Ôi mùa xuân này
(Nhã Ca - Bài Nhã Ca thứ nhất)
Buổi trưa lim dim
Nghìn con mắt lá
Bóng cũng nằm im
Trong vườn êm ả.
Bò ơi, bò nghỉ
Sau buổi cày mai
Có gì ngẫm nghĩ
Nhai mãi, nhai hoài...
(Huy Cận - Buổi trưa hè )
3. Vần ôm
Chiều nhẹ chiêm bao
Ngập ngừng áo mỏng
Có trăng hoài vọng
Cùng mây tiêu dao
Có một vì sao
Ghé vào giấc mộng
Tóc em gió lộng
Bay hương ngọt ngào
(Đinh Hùng - Khi lòng đầy hương)
Tôi người tình nhỏ
Lặng trong cô đơn
Đêm dài tủi hờn
Nửa đời dang dở
Ôi người tình lỡ
Ưu tư tháng ngày
Bóng hình chân mây
Chìm trong nhung nhớ
(Shiroi)
4. Vần ba tiếng (ít dùng)
Lá đổ rào rào,
Trăng vàng xôn xao
Chuỗi cười ha hả,
Trên cánh đồi cao
Khói bỏ tầng không
Lửa dậy trong lòng
Ô hay tráng sĩ
Dừng mãi bên sông
(Hàn Mặc Tử - Chuỗi cười)
_________________________