Shiroi
Tổng số bài gửi : 19896 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Về miền Tây Tue 30 Oct 2012, 06:26 | |
| Về miền Tây Nếu như ở Sài Gòn đi kiếm “đỏ con mắt” vẫn chưa tìm thấy một quán hủ tiếu, hoặc chỉ gặp vài ba quán có tiếng nhưng lại là hủ tiếu... Nam Vang, còn ra thì toàn... phở, chỗ nào cũng phở.
Một quán hủ tíu quen thuộc ở miền Tây.
Nhưng ngược lại, khi bắt đầu ra tới “cửa ngõ” Sài Gòn, hướng về miền Tây, địa giới phân định giữa thành phố và miền đồng quê sẽ là san sát những bảng hiệu: “hủ tiếu,” “cháo cá-rau đắng”... Mới chỉ nhìn thôi mà đã thấy ngọt lòng. Nhưng đường về miền Tây lúc này không phải như xưa, là đồng xanh, gió mát, là vầng mặt trời lên, là chú trâu cặm cụi trên cánh đồng, là người thôn nữ nón lá nghiêng che... Hai bên đường che chắn hết tầm nhìn là những dãy nhà phố, cái nhô ra, cái thụt vào, là lúp xúp những quán lá “đón lõng” khách đường xa.
Hình ảnh con Trâu rất quen thuộc với người nhà quê.
Còn đường sá thì gập ghềnh con đường quốc lộ, chỗ ổ heo, chỗ ổ gà, chỗ ổ... trâu đằm, sơ sẩy tay lái một cái là “anh hùng lạc bước hồn du... nhị tì.” Chưa kể giữa đường là “con lươn” phân ranh bằng bê tông chạy dài, xe tải nặng, xe công-ten-nơ chiếm gần hết đường chạy ầm ầm như chiến xa, khách đi xe Honda bị “ép” vào lề còn có tí xíu đường lại bị nạn ngập nước và người dân chạy xe ngược chiều vì bị vướng “con lươn” đi vòng thì quá xa.
Cây Cầu Cần Thơ
Người và xe miền Tây bây giờ cũng đông “như kiến” mà ai cũng gấp gáp lấn đường mà chạy, trong bối cảnh giao thông hỗn loạn như vậy dù thần kinh có “bằng thép” cũng không đủ can đảm vừa chạy xe vừa ngó nghiêng phong cảnh, có họa may là... người điên. Về miền Tây dấu hiệu để nhận ra địa phận vùng thị tứ rất đơn giản, chỉ cần nhìn thấy quán bên đường treo bảng hiệu... “Phở” thì biết ngay là đã tới vùng thị tứ. Kỳ lạ, phở chỉ có đất ở các vùng đô thị và thị tứ của miền Nam, còn vùng đồng quê là “lãnh địa” bất khả xâm phạm của hủ tiếu.
Người Nông Dân đang gặt lúa
Cũng xin nói thêm cái gọi là “thị tứ” ở miền Tây là chỉ vùng chợ, vùng có nhà phố, theo cách gọi hành chánh cũ là thị trấn, thị xã, nhưng sau này đều đã “lên” thành phố (thuộc tỉnh). Như thị xã Tân An bây giờ là thành phố Tân An (thuộc tỉnh Long An); thành phố Mỹ Tho (thuộc Tiền Giang)... Chánh quyền gọi những đô thị thuộc tỉnh là đô thị loại ba hay loại bốn để phân biệt với đô thị loại một gồm các thành phố: Sài Gòn, Hà Nội, Ðà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng.
Chiếc ghe chèo trong con lạch của dòng Sông
Trên đường đi, vì trời mưa nhỏ, đường trơn ướt chạy chậm mới được thấy cảnh một ông già bận đồ bà ba chạy xe đạp loạng choạng ven đường (chắc là “dư âm” của trận nhậu hồi đêm), ngó xuống là một quán cà-phê nhỏ dưới rặng trâm bầu một ông trạc trung niên đang ngồi hút thuốc bên ly cà-phê ngó lên đường, nhìn đời có vẻ thong dong lắm, chân bắc giò “cháo quẩy” nhịp nhịp tay ngoắc ngoắc ông già đi xe đạp. Ông già cho xe lao xuống dốc cà-phê, oang oang: “Qua nói qua qua mà qua hổng có qua!”, có tiếng cười khùng khục, giọng ai “đế” vô: “Bắt con cá gô bỏ trong gổ nhảy gồ gồ.”
Các bảng hiệu tương tự thế này có thể thấy ở nhiều con đường về miền Tây
Về các vùng thị tứ miền Tây, thì đừng dại chui vô các tiệm ăn lớn, vì ăn ở đó thì chẳng khác gì ăn ở... Sài Gòn. Thấy một tiệm hủ tiếu nhỏ xíu ven một thị tứ bèn dừng xe vô. Chủ quán là một bà già người miền Nam nhỏ nhắn, những khách thanh niên vô quán đều được bả hỏi: “Mấy cưng ăn gì?” Chà, cái tiếng “cưng” của người miền Tây thật đặc biệt, vừa thân thương vừa trìu mến... Tô hủ tíu được bưng ra, mùi hành phi khô dậy mùi thơm lừng ùa theo khói nước lèo xương heo, quyện cùng mùi rau thơm, thêm mấy lát ớt tươi, vắt chanh... chưa kịp ăn mà khắp các chân răng đã “tứa” ra vị háu đói. Trời mưa, đường xa, gió lạnh tô hủ tiếu nóng nấu đúng kiểu ăn không gì ngon hơn...
Ghe bán hàng trên Sông tại chợ Phụng Hiệp
No nê, bao tử “thỏa mãn” không phải vì nhiều xương, nhiều thịt mà là vị hủ tíu “đúng điệu” với những sợi hủ tiếu mềm mà dai vừa phải. Tiếp tục lên đường tìm một người chuyên sưu tầm đồ xưa và phong tục tập quán miền Nam, một người mà báo chí “xưng tụng” là thổ địa của miền Tây. Kinh nghiệm tìm người “không địa chỉ” ở vùng quê miền Nam là “canh” được “tọa độ” vùng người đó sinh sống, rồi chọn một quán cà-phê bình dân đông khách khu đó mà ngồi, hỏi chủ quán thường là ra vì vị này thường “nắm thông tin” về khách hàng rất tốt, nếu không thì cũng sẽ biết cách hỏi giùm qua những khách của mình.
Đường xá Miền tây bây giờ được mở rộng .
Uống xong ly cà-phê (quán tự xay hột) pha phin, thêm bình trà nóng thơm, tính tiền có... 8 ngàn đồng, ngạc nhiên chưa? Chưa hết, hỏi thăm về người mà chúng tôi đang muốn tìm tên ông T, chú nhỏ bưng cà-phê cười tươi: “Thì nhà ổng đây chứ đâu!” “Chèn đét, quỷ thần ơi!”, chúng tôi muốn nhảy lên vì vui sướng, vậy mà lúc ở Sài Gòn đi đại xuống cứ lo là kiếm không ra, nhất là trong tình trạng mưa gió, ảnh hưởng bởi cơn bão đổ bộ vào ngoài khơi Trung Nam Bộ. Sau khi trò chuyện với “vị thổ địa” miền Tây hết một buổi trưa, qua chiều chúng tôi “rảo” một vòng quanh thị trấn trước khi trở về Sài Gòn. Trên con đường tỉnh lộ chúng tôi thấy những “cây cầu” bắc ngang đường, giống như loại cầu dành cho người đi bộ ở Sài Gòn, (khu bệnh viện Gia Ðịnh hay khu Văn Thánh). Nhưng coi kỹ lại thì không phải, dõi theo đường dẫn của “cây cầu” ra mé sông thì té ra là đường ống truyền gạo và lúa xuống các ghe thương thuyền dưới sông. Vậy mới biết là cảnh trù phú trên bến (nhà máy xay lúa) dười thuyền (ghe lúa, gạo) đầy nhóc là vậy.
Chợ nổi Cái Răng rất nhiều ghe buôn bán
Chưa hết, miền Tây bây giờ tỉnh nào cũng có trường đại học, thậm chí có tỉnh 2-3 trường, trong khi giảng viên có trình độ thì không biết tìm ở đâu ra? Tỉnh nào ở miền Tây bây giờ cũng có khu công nghiệp, những xóm trọ “ổ chuột” của công nhân nhập cư, trong khi khu đô thị mới xây rồi bỏ đó cho bò vào gặm cỏ vì không có người mua, người ở... Và những thị tứ dọc miền Tây cũng đang ô nhiễm nặng, nước thải quanh các kênh rạch thị tứ đâu đâu cũng đen sì chẳng khác gì kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè Sài Gòn.
Khung cảnh thơ mộng này chỉ có ở miền Tây.
Phát triển thì ai không ham? Nhưng nếu không quản lý được việc xử lý chất thải (như bao nhiêu năm nay vẫn “chây lì” ra đó). Thì càng “phát triển” càng... chết, vì nếu vùng lúa trù phú miền Tây Nam Bộ mất đi vì sự ô nhiễm (kiểu như nước thải của Vedan đã làm chết con sông Thị Vải) thì đâu thể chỉ nói suông “Thiên đàng là thiên đàng đã mất,” mà một đồng kiếm được ngày nay (bất chấp ô nhiễm) thì mai này phải bỏ ra gấp trăm gấp ngàn lần số tiền đã kiếm được cũng không thể “phục nguyên” được hiện trạng môi trường như cũ. Nhiều tổ chức quốc tế, cũng như nhiều khoa học gia đã lên tiếng cảnh báo Việt Nam, nhưng xem ra tất cả những tiếng kêu cũng giống như gió hoang lùa qua sa mạc miền cát cháy
Sưu tầm |
|