Đền Ghềnh và bí mật về tượng Ngọc Hân công chúa
Đền Ghềnh nơi thờ phụng công chúa Ngọc Hân.
Đền Ghềnh và bí mật về tượng Ngọc Hân công chúa
Nằm trong con ngõ nhỏ, ngay cạnh sông Hồng, Đền Ghềnh (quận Long Biên) nép mình dưới những tán cây cổ thụ. Gần 200 năm nay, bất chấp sắc lệnh của triều Nguyễn, Công chúa Ngọc Hân đã được nhân dân bí mật thờ phụng dưới danh nghĩa thờ “Mẫu Thoải”.
Cho đến nay, trong dân gian vẫn lưu truyền sự tích đền Ghềnh gắn với số phận bi thương của công chúa Ngọc Hân, người được cả kinh thành Thăng Long gọi là “Chúa tiên” bởi dung nhan xinh đẹp, cầm kỳ thi họa đủ tài xuất chúng.
Năm 16 tuổi (1786), nàng được gả cho thủ lĩnh Tây Sơn tức Quang Trung Nguyễn Huệ. Cuộc tình giữa Ngọc Hân và Nguyễn Huệ chỉ kéo dài 6 năm, sự ra đi đột ngột của vị hoàng đế tài ba đã khiến người đẹp thành Thăng Long đổ máu khóc chồng mà viết nên tác phẩm “Ai tư vãn” bất hủ.
Bảy năm sau, ở tuổi 29, nàng lặng lẽ đi theo Quang Trung vào cõi vĩnh hằng. Nhà Nguyễn lên ngôi đã tìm cách tận diệt những người có liên quan đến triều đại Tây Sơn. Bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, xót phận con gái Ngọc Hân sau khi mất, vẫn phải gửi thân xác ở Phú Xuân - Huế nên đã tìm cách “bí mật” đưa được hài cốt Bắc cung Hoàng hậu nhà Tây Sơn về an táng tại quê nhà (làng Nành, Gia Lâm).
Không ngờ đến đời vua Minh Mạng có người đã đem việc “ngụy hậu” Tây Sơn vẫn đang được “mồ yên mả đẹp” ở quê mẹ, thoát việc “trả thù 9 đời” do vua Gia Long khởi xướng và thực thi. Triều đình Huế ra lệnh lập tức đào mồ quật mả Ngọc Hân lên, san đất thành bình địa cho cỏ gai mọc đầy, còn xương cốt thì đem vứt xuống sông.
Hài cốt mẹ con Ngọc Hân bị đổ xuống sông Hồng thuộc địa phận làng Ái Mộ. Thương xót Bắc cung Hoàng hậu tài hoa bạc mệnh, nhân dân Ái Mộ lập miếu thờ bà chính nơi bờ sông vớt được hài cốt. Dòng sông bên lở, bên bồi; ít lâu sau, ngôi miếu nhỏ cũng bị lũ cuốn trôi.
Cho đến năm 1858, cụ Ðặng Thị Bản đã công đức để tôn tạo đền chùa ở Ái Mộ, Lâm Du, Phú Viên. Năm 1872, đền lại bị giặc Pháp đốt sạch trong cơn binh lửa đánh Thành Hà Nội. Dốc lòng với việc tín nghĩa, bà lại đi quyên góp xây lại đền.
Cụ thủ nhang Đặng Đình Khuê là cháu năm đời của cụ Đặng Thị Bản. Theo lời cụ Khuê, gọi là đền Ghềnh vì trước cửa đền có một ghềnh nước lớn. Theo năm tháng, dòng chảy biến động, con ghềnh mất đi và chỉ còn lại dấu tích nơi tên đền. Cụ cũng cho biết: để tránh nhà Nguyễn phát hiện, trả thù, tượng Ngọc Hân công chúa được thờ kín bên trong sau sáu lớp thờ thần thánh khác...
Trong cung còn lưu đôi câu đối ca ngợi Lê Ngọc Hân: Sơn nhạc chung linh, Lê thị chí kim lưu tự điển/Phong vân trường lộ, Nhĩ Hà dĩ bắc ngật sùng từ (Dịch nghĩa: Núi Nhạc linh thiêng, gương bà họ Lê truyền ghi sử sách/Sóng gió lặng yên, đền dựng to cao đẹp bến sông Hồng).
Trải bao phen binh lửa, can qua, đền Ghềnh vẫn được con cháu cụ Ðặng Thị Bản trông nom và dân làng gìn giữ đến ngày nay.
Hội đền Ghềnh năm nào cũng thu hút đông đảo du khách thập phương. Sáng mồng 6/8, vào chính hội. Hội làng tươi vui trong đám rước kiệu bát cống của trai tân và kiệu võng của các cô gái đồng trinh.
Không thể thiếu trong các nghi thức của hội đền Ghềnh là việc đi thuyền lớn ra giữa sông Hồng, hương khói cho mẹ con nàng Ngọc Hân và rước nước thánh về đền. Bao năm tháng đã qua kể từ ngày tro xương của mẹ con nàng Ngọc Hân rải xuống khúc sông này nhưng những người dự hội vẫn không nén được xúc động khi rải tro giấy vàng xuống sông cho người xưa.
Theo Dân trí