NGÔN NGỮ TRONG GIAO TIẾP CỦA NGƯỜI NAM BỘ
- Nguyễn Hữu Hiệp -
Trong giao tiếp, người Nam Bộ có cả trăm cách nói, rất đặc thù như: nói tếu, nói tiếu lâm, nói lái, nói móc, nói xược, nói xỏ, nói lẻo lự, nói trận, nói thượng, nói lẫy, nói lẽ, nói tứng ứng, nói ma ma phần phật... người ta còn:
1. Nói trại:
Do kính sợ Trời Đất, khi buộc phải kêu than, người ta không kêu "Trời Đất ơi!" sợ có lỗi, mà kêu "Trèn Đét ơi!" (hoặc "quá Trèn, quá Đét"). Hay "Thánh Thiền ơi!" (không kêu Thánh Thần ơi, vì sợ Thần trừng phạt, còn thánh thì dễ, vì người phàm...).
2. Nói tránh:
Thay vì nói/gọi đúng tên một nhân vật lịch sử có công với dân với nước, như Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính người ta gọi "Nguyễn Hữu Cảnh" (nói trại nhiều lần: Kính => Kỉnh => Kiểng => Cảnh). Hoặc ông Nguyễn Văn Thụy người ta gọi Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu).
Hoặc thay vì gọi đúng tên người, chẳng hạn như ông Chín Nghệ, ông Út Nhọn, để tránh phạm thượng, người ta gọi ông Chín Củ, ông Út Mũi, ...
Thay vì nói "đại tiện" họ nói "đi ngoài" (ngoài là ngoài đồng, ngoài vườn lẩn khuất trong lùm bụi, sau đổi tiếng "đi cầu" hay "cầu tiêu" là tiếng dùng "đặc hữu" của người Nam Bộ, hay nói đúng hơn là của nhân dân vùng bị ngập sâu trong mùa nước nổi. Ngày trước còn vắng vẻ, chưa cần thiết phải làm "cầu", sau này khi có ý thức làm "cầu" thì do bị ngập nước nên cũng không tiện bằng bắc cầu tiêu trên sông hoặc trên hầm cá.
Do đó, muốn đi "giải quyết" phải "đi cầu".
3. Nói ngược:
Là nói ngược lại sự thật hiển nhiên để giải thích một hiện tượng cụ thể, hoặc tự an ủi mình. Thí dụ như leo núi "mệt quá" thì nói "khỏe quá".
Nhìn đứa bé kháu khỉnh "thấy thương" thì nói "thấy ghét".
4. Nói lề:
Bằng vào kinh nghiệm, người ta có cách nói lề để tổng kết, giải thích những hiện tượng thường là mang tính ngẫu nhiên, nhưng cũng có phần nào cơ sở.
VD: "Đàn ông rộng miệng giàu sang/Đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà" - "tan hoang" do tính nhiều chuyện, ngồi lê đôi mách, không lo việc nhà, không quan tâm giáo dục con cái, tất nhiên câu nói có phần "quơ đũa cả nắm"; trái lại đàn ông miệng rộng thì tốt vì biểu thị hoạt bát, dám ăn nói.
Hoặc như đứa nhỏ sinh ra lúc đêm khuya thì cho là sáng dạ hơn những đứa bé sinh ra ban ngày (ban đêm thanh tịnh, không bị ảnh hưởng tiếng động sinh hoạt môi trường xung quanh, người nhà có mặt đầy đủ bên cạnh để chăm sóc, giúp đỡ, nên bà mẹ sinh mau, con khỏe mạnh, chóng lớn, thông minh).
Hoặc đang cất/lợp nhà mà trời đổ mưa, hay nhằm lúc nước lớn đầy mà, thì cho là tốt, chủ nhà sẽ làm ăn phát đạt. Còn nước lớn đầy mà là điều kiện thuận lợi cho việc giao thông, tiện vận chuyển vật liệu, công việc làm nhà tiến hành trôi chảy, hoàn thành đúng ý muốn, không cập rập.
5. Nói đánh đầu:
Một cách nói khác lạ như kiểu "Nói vậy chớ không phải vậy".
VD: Nhà có con đi chơi lâu, trông đợi mãi đến khuya mới mò về kêu cửa. Mẹ ra, vừa mở vừa nói đánh đầu: "Đi luôn đi!" (thật ra thấy con về bà rất mừng, không hề muốn nó đi luôn).
Hoặc, thấy con cưng bị cha đánh đòn quá nặng tay, bà mẹ đau xót muốn xin can, nhưng lại nói: "Sao không lấy củi mà đánh, lấy chi cây roi nhỏ vậy!".
6. Nói sát (đúng nghĩa):
Thay vì nói "hôn", họ nói "hun" vì rõ ràng tập quán của dân ta là khi "hun thì hít" bằng mũi, chứ không phải kề môi nút như kiểu hôn của người phương Tây.
Trong tình cảm nam nữ, thay vì nói "lấy", họ cũng nói "lậy" để phân biệt với nghĩa thường của tiếng "cầm, nhận". Trong ca dao:
Chim đa đa đậu nhánh đa đa
Chồng gần không lậy để lậy chồng xa
Một mai cha yếu mẹ già
Chén cơm đôi đũa bộ kỉ trà ai dưng
Nếu "lậy" lén lút thì đối với người nam người ta nói "chun vô mùng", VD: "Hồi hôm, anh A "chun vô mùng" cô B"; đối với người nữ thì người ta nói "ăn vụng", "nhảy dù", VD: Nghe nói vợ thằng X lúc này hay "ăn vụng", hoặc hay "nhảy dù".
7. Nói nhẹ hóa ý nghĩa của tiếng dùng:
Thay vì nói "cho vay", nghe ác đức (vì thường theo sau nó luôn có hai tiếng "cắt cổ" đi kèm, ý kêu rêu), họ nói giùm ca dao:
Đi buôn không vốn canh giùm
Ở nhà chi đó chú trùm chú ve
(ve là chọc ghẹo, nay nói "dê").
Thay vì nói "chết", họ dùng tiếng "mất" hoặc "qua đời" nghe giảm được phần nào xót xa, đau buồn - nếu không tôn trọng hoặc có ý mỉa mai, người ta dùng tiếng "ngủm", "tiêu" hoặc "đi bán muối" đối với trường hợp chết trôi sông không tìm được (ý nói thây rã ra như muối tan trong nước).
8. Nói rút:
Đây là cách nói cho mau hết câu, VD:
Để chỉ một khoảng thời gian mới xảy ra, người ta nói "nảy" (ban nãy): "Nảy tôi có hẹn với nó sẽ gặp nhau tại đây". Đối với việc xảy ra hơi lâu: "hổm" = "Hổm tôi có dặn anh rồi". Còn rất lâu, xưa lắm thì nói "nẳm" = "Nẳm cánh đồng này chỉ toàn lúa một vụ".
Để chỉ vị trí/nơi chốn, người ta nói: "trỏng" (trong ấy), "ngoải" (ngoài ấy), "bển" (bên ấy), "trển" (trên ấy)...
Để đơn giản hóa số tiếng, thay vì nói:
- Ông nội, bà nội => nội
- Người thứ sáu => sáu
- Ông ấy => ổng
- Anh ấy => ảnh
- Cô ấy => cổ
- Thầy ấy => thẩy
- Thằng ấy => thẳng
...
Khuynh hướng dùng thanh hỏi để thay cho thanh của tiếng có sẵn có cũng được lạm dụng ở nhiều trường hợp khác. VD: "không" => khổng; "chưa" => chửa...
Nói để gợi tả hoặc làm cho tăng sắc thái/cường độ tình cảm thì nối thêm một vài tiếng như: Sáng trưng (rất sáng); nhọn lễu (rất nhọn); hết trơn hết trọi (sạch sành sanh); buồn xo (buồn thiểu não); lạnh muốn chết; giận hết can (cực độ)...
Bày tỏ sự ngạc nhiên, người ta dùng những từ: "Ủa?", "vậy sao!", "hèn chi!", "hèn gì!", ... Hoặc ngạc nhiên nhưng không đồng tình thì nói "ậy!", VD: "Ậy, sao anh nói kì vậy!".
Đặc biệt, khi nhắc đến người khác, việc khác mà có ý khinh chê, lúc đó người ta lập lại tiếng đó và cộng thêm vần "iếc". VD: "Thằng đó dốt quá mà, kĩ sư kĩ siếc gì!"; "Nó thi thì thi chớ đậu điếc gì!"; "Con nhỏ đó mà ngộ nghiếc gì!".
Khi nhắc đến người khác có ý không tôn trọng, người ta thường dùng tiếng y, va, hăn, con mẻ (con mẹ ấy), thằng chả (thằng cha ấy)...
=> Khi rủa sả: Nếu rủa nhẹ thì nói "đồ mắc toi" (toi nguyên là cái hom gắn ở miệng lờ, lọp, các vào được nhưng không ra được vì bị "toi" nhọn đâm, phải kẹt lại, chờ chết).
Nếu rủa nặng thì nói "đồ mắc dịch" (hiểu là "dịch tả", tức là vừa ói, vừa "thải" - một loại bệnh bộc phát dữ dội và lây lan thành "dịch" rất nhanh, có thể làm cho nhiều người mắc bệnh và chết hàng loạt ngay trong ngày, trong buổi).
Tiếng rủa nhẹ nhất là "đồ mắc gió" (thế nào cũng bị trúng gió mà trúng gió thì cạo gió sẽ khỏi bệnh).
Trong câu nói, người ta cũng thường nói thêm những tiếng "luôn", "rồi" để biểu thị sự đồng tình hoặc tỏ ý đã nghe, đã hiểu, vừa khẳng định thái độ, vừa thúc đẩy công việc tiến triển nhanh hơn, hoặc cắt lời nhưng không làm người đối thoại phật lòng, ngược lại là khác.
VD:
- Tới "luôn" bác tài (hối thúc bác tài cho xe chạy)
- Hai ly cà phê đá bàn số 4 "luôn" (ý dặn sẵn tay làm liền 2 ly nữa nghen).
- "Rồi" (tiếng trả lời "rồi" với ý đã nghe rõ chứ không phải là đã làm rồi, nhưng sắp xong, sẽ có ngay).
- Hàng tốt "luôn" (tiếng "luôn" rõ là vô nghĩa, nhưng nó laàthói quen nên nghe không trái tai).
=> Gọi/kêu tha thiết: "Bớ" (câu ca dao: Bớ chiếc ghe sau chèo mau tôi đợi/Kẻo giông khói đèn bờ bụi tối tăm).
=> Nạt, gạt ngang, thách đố, bất bình: "É" (É! Nói xàm hoài); "Hứ" (Hứ! Giỏi quá sao không làm); "Ha" (Anh hùng quá ha?)...
=> Lịch sự, lễ phép, đồng ý,...: "Dạ", "dà" (nghe, chịu).
=> Dặn dò, nhắn nhủ: "Nghen", "ngheo" (Nhớ "nghen"; phải đi đúng giờ đó "ngheo")...
=> Trong cách đếm, kể:
Gọi các thứ trong gia đình từ lớn đến nhỏ: (Anh/chị) Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bảy, Tám, Chín, ... Út nhứt, Út lớn, Út chót, Út mót, Ú ráng...).
Đếm thông thường: một, hai, ... "hai chục" (ít nói hai mươi), "hăm mốt" (không nói hai mươi một); "hăm hai, hăm ba, hăm bốn (ít nói hai mươi tư); "hăm lăm" (không nói hai mươi năm)..., ba chục, băm mốt, băm hai...
Kể tính ngày (âm lịch) thì: "mùng" (mồng) một, mùng hai... mùng mười, mười một... mưới bốn (không nói mười tư); rằm (không nói mười lăm), mười sáu... hai mươi (không nói hai chục), hăm mốt (không nói hai mươi một), hăm hai...