Kỵ huý
Theo nongnghiep.vn
Cháu nội tôi mới 5 tuổi nhưng đã được bà nội nó (tức vợ tôi) dạy dỗ rất kỹ lưỡng về chuyện "kỵ huý". Hàng ngày cứ 19 giờ, khi ti vi có chương trình "thời sự" mà bà còn bận gì đó là cháu gọi ầm lên:
- Bà ơi, bà, vào xem "thời ông".
Và có lần, con dâu tôi có điều thất thố, vợ tôi mắng nó:
- Mày mất lịch sự quá.
Lập tức thằng bé nhắc bà luôn:
- Mất "lịch ông" chứ.
Lại một lần nữa, con gái tôi vừa rủ mẹ:
- Mai con đưa mẹ ra Hà Nội, vào siêu thị chơi nhá.
Thì thằng cháu chen ngang:
- Bác Duyên hư, phải bảo vào "siêu cụ" chứ.
Chả là thân sinh tôi (cháu nội tôi gọi bằng cụ) có tên huý là Thị. Và cứ thế, thằng cháu trở thành người nhắc nhở cả nhà những trường hợp "phạm huý" theo một cách hiểu rất ngây thơ của nó, khiến nhiều lần cả nhà được trận cười nghiêng ngả. Chẳng hạn có lần nhà tôi bảo : "Mai mang bán vợi gà đi thôi, chứ nuôi nhiều gà cũng tốn lắm", thì lập tức bị nó nhắc nhở "Nuôi nhiều gà…ông ngoại lắm chứ" (ông ngoại cháu, tức ông thông gia của tôi, tên là Tốn)…
Khác hẳn với một số nước phương Tây, để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên mình, nhiều khi người ta lấy ngay tên ông bà hay tổ tiên đặt cho con cháu, với ý nghĩa là dù đã về cõi vĩnh hằng, nhưng ông bà, tổ tiên vẫn luôn hiện diện. Ở ta, nếu ai đó thử chơi ngông mà "học theo Tây" kiểu ấy xem, thì lập tức sẽ bị coi là kẻ mất dạy, bất hiếu bậc nhất, sẽ bị cả làng cả họ từ mặt. Kỵ huý, nghĩa là kiêng tên huý của ông bà, tổ tiên và các bậc cao niên trong họ ngoài làng. Đã có một thời, phạm huý là một sự đại bất kính dưới mắt người làng. Không hiểu tục kỵ huý có từ bao giờ, nhưng tôi dám chắc tuổi đời của nó phải nhiều trăm năm, và tục này trở thành phổ biến khắp nước.
Thời phong kiến, tên huý của từ tổ tiên vua cho đến vua, của tổ tiên hoàng thái hậu, tổ tiên hoàng hậu…trở thành "quốc huý". Học trò đi thi phải nhớ hàng trăm chứ "huý" ấy để khi làm bài mà tránh hay viết theo một cách riêng được quy định hết sức nghiêm ngặt, nếu không muốn bị ghép tội nặng. Quan trường chấm thi bỏ sót lỗi phạm huý của thí sinh cũng bị hành khốn khổ. Dấu vết "quốc huý" còn khá rõ đến cả ngay nay. Ví như ở miền Nam một thời, do kiêng huý chúa Nguyễn Hoàng mà Hoàng phải gọi là "Huỳnh", do kiêng huý chúa Nguyễn Phúc Chu mà Chu phải gọi là "Châu"… Triều Nguyễn, vua Tự Đức có tên tục là Thì, nên cả nước phải gọi thì là "thời". Tên chữ của ngài là Hồng Nhậm, nên hồng phải gọi là "hường", phường Hồng Mai của Hà Nội phải đổi là Bạch Mai, Nhậm phải gọi là "nhiệm"… Nước có quốc huý, làng có hương huý, không ai được gọi tên huý của thành hoàng làng. Vô ý, có khi bị làng ngả vạ đến lệch nghiệp. Thành hoàng làng Ninh Cù (Thuỵ Ninh, Thái Thuỵ, Thái Bình) là Ngô Đồng tướng quân, nên một thời làng ấy gọi cây ngô là cây nghê, đồng bạc là đường bạc.
Tôi từng biết có một chị người làng khác về đó làm dâu, do không hiểu nên một lần ngồi võng ru con cái bài "ai lên xứ Lạng…", đến câu "Chùa này có một ông thầy/ Có hòn đá tảng, có cây ngô đồng", lập tức chị bị bà mẹ chồng chửi cho một trận lút mặt. Chửi xong, bà sửa lễ, kéo cổ con dâu lên đền thờ ngài kêu cầu "Xin ngài quở quang qua loa rồi ngài đánh chữ đại xá đi cho…". Thành hoàng làng tôi (làng Hống, xã Thuỵ Ninh, Thái Thuỵ, Thái Bình) là đức Nam Hải Đại vương, nên một thời người làng gọi "hướng Nam" là "hướng niêm" và Hải thì đổi gọi là Hởi…
Hết quốc huý, hương huý rồi mới đến "dân huý", nghĩa là kỵ huý ông bà, tổ tiên và những bậc cao niên trong họ ngoài làng như đã nói ở trên. Tục kỵ huý là một nét văn hoá đẹp, nó thể hiện lòng kính trọng của lớp trẻ đối với tổ tiên, ông bà và những bậc cao niên trong làng, nó là sản phẩm của một xã hội nông nghiệp, trong niên xỉ và kinh nghiệm tích luỹ được do sống lâu (Triều đình trọng tước, hương đảng trọng xỉ; sống lâu lên lão làng. Ông bẩy mươi phải nghe ông bẩy mốt…), nhưng nó cũng gây ra không biết bao nhiêu điều phiền toái. Để đặt tên cho một đứa trẻ mới sinh ra, người ta phải đắn đo, cân nhắc có khi hàng mấy ngày, vì chỉ sợ trùng với tên một cụ có khi sáu bẩy đời của một nhà khác, họ khác.
Tục kỵ huý đã nhạt nhoà một thời, nay, cùng với việc khôi phục những đình chùa miếu mạo và những phong tục cũ, đang manh nha trở lại…