Nam Nhạc Hoài Nhượng Thiền Sư
Sư họ Đỗ, quê ở Kim Châu, xuất gia năm 15 tuổi. Sư ban đầu chăm chỉ học Luật giữ Giới, nhưng không hài lòng với kết quả, tự nhủ: "Phàm người xuất gia phải vì pháp Vô vi, trên trời và nhân gian không gì hơn được."
Sau, vì lời khuyên của nhiều đạo hữu, Sư đến yết kiến Lục tổ.
Đến Tào Khê gặp Tổ Huệ Năng,
Tổ hỏi: "Ở đâu đến?"
Sư thưa: "Ở Tung Sơn đến."
Tổ hỏi: "Vật gì đến?"
Sư trả lời không được bèn ở lại. Sau tám năm, Sư chợt tỉnh, đến trình Tổ câu trả lời sau: "Nói là một vật là không đúng."
Tổ hỏi: "Lại có thể đạt được chăng?"
Sư đáp: "Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô tức chẳng được."
Tổ bèn nói: "Chính cái không nhiễm ô này là chỗ hộ niệm của chư Phật, ngươi đã như thế, ta cũng như thế. Tổ Bát-nhã Đa-la ở Tây Thiên có lời sấm rằng:
'Dưới chân ngươi sẽ xuất hiện con ngựa tơ đạp chết người trong thiên hạ'. Ứng tại tâm ngươi chẳng cần nói sớm."
Sư nhân đây hội ý, ở lại hầu Tổ 15 năm.
Sau khi từ giã Tổ, Sư đến núi Hoành Nhạc trụ trì chùa Bát-nhã. Nơi đây, Sư ngày nọ gặp một Sa-môn ngày ngày ngồi thiền. Sư nhìn biết là thượng căn, đến hỏi:
"Đại đức ngồi thiền làm gì?"
Vị này trả lời: "Để làm Phật."
Sau đó, Sư lấy một viên gạch, đến trước am của vị này mài liên tục. Sa-môn thấy lạ hỏi Sư:
"Thầy mài gạch để làm gì?"
Sư đáp: "Mài để làm gương."
Vị này nói: "Mài gạch đâu có thể thành gương được?"
Sư bảo: "Ngồi thiền cũng không thể thành Phật được."
Sa-môn hỏi: "Vậy làm thế nào mới phải?"
Sư hỏi vặn lại: "Như trâu kéo xe, nếu xe không đi, phải đánh trâu hay đánh xe?"
Vị Sa-môn lặng thinh, Sư nói tiếp:
"Ngươi học ngồi thiền hay học ngồi Phật? Nếu học ngồi thiền, thiền không phải ngồi nằm. Nếu học ngồi Phật, Phật không tướng nhất định, đối pháp không trụ, chẳng nên thủ xả. Ngươi nếu ngồi Phật tức là giết Phật, nếu chấp tướng ngồi chẳng đạt ý kia."
Sa-môn này chẳng ai khác hơn là Giang Tây Pháp chủ Mã Tổ Đạo Nhất sau này. Nghe được chân ngôn như vậy, Đạo Nhất liền quì xuống lễ bái, hỏi:
"Dụng tâm thế nào mới hợp với vô tướng tam-muội."
Sư đáp: "Ngươi học pháp môn tâm địa như gieo giống, ta nói pháp yếu như mưa móc, nếu duyên ngươi hợp sẽ thấy đạo này."
Đạo Nhất hỏi: "Đạo không có sắc tướng làm sao thấy?"
Sư bảo: "Con mắt pháp tâm địa hay thấy được đạo."
Đạo Nhất hỏi tiếp: "Có thành hoại chăng?"
Sư đáp: "Nếu thấy cái thành hoại, tụ tán mà nghĩ là thấy Đạo thì không thể thấy Đạo" và làm bài kệ:
心地函諸種
遇澤即皆萌
三昧花無相
何壞復何成
Tâm địa chứa các giống
Gặp ướt liền nảy mầm
Hoa tam-muội không tướng
Thì sao có hoại thành?
Thiền sư Đạo Nhất nghe đây như được mở mắt, ở lại hầu hạ Sư 10 năm. Trong tất cả môn đệ, chỉ có Đạo Nhất được truyền pháp ấn.
Ngày 11 tháng 8 đời nhà Đường, niên hiệu Thiên Bảo năm thứ ba, Sư thị tịch tại Hoành Nhạc, thọ 67 tuổi. Vua sắc phong là Đại Huệ Thiền sư.