NHỮNG ĐIỂM ĐẶC SẮC CỦA PHẬT GIÁO
Tác giả: Lâm Thế Mẫn - Việt dịch: Thích Chân Tính
NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO Ha Noi – 2001
------------
Phật giáo phát nguồn từ Ấn Độ, cho đến nay đã gần 3.000 năm, truyền bá khắp cả thế giới. Do sự dài lâu của thời gian và rộng lớn của khu vực khó có thể tránh khỏi hoặc nhiều hoặc ít biến đổi bộ mặt vốn có của nó.
Sự thay đổi bộ mặt như thế là vì thích ứng với việc sinh tồn và phát triển của bản thân mà hình thành một cách tự nhiên.
Phật giáo sau khi truyền vào Trung Quốc đã dung hợp quán thông với tư tưởng Nho đạo; như việc khai sáng Thiền tông, phát huy tông phong Đại thừa v.v… đều có đầy đủ sắc thái và tinh thần riêng biệt của Trung Quốc. Vì người đời sau không hiểu biết một cách rõ ràng, nghe người ta nói sao thì tin vậy, tự mình đeo vào cặp kính màu sặc sỡ, cho nên nhìn sự vật không đúng đắn.
Điều mà chương này cần thảo luận, chính là giúp độc giả tháo gỡ cặp kính màu đã đeo ấy ra, hy vọng có thể nhìn thấy sự vật trước mắt một cách chính xác hơn.
Nếu có thể nhờ đó mà tiến thêm một bước nhận thức Phật giáo, hiểu
rõ Phật giáo, xóa tan đi những hiểu lầm về Phật giáo mà bạn đã nghe
thấy, thì đó là điều rất vui sướng của tác giả.
Thông thường người ta có những hiểu lầm về Phật giáo mà tôi có thể quy nạp làm tám điều như sau để thuyết minh :
1/ Phật giáo là trí tín chẳng phải mê tín
Trước khi đi sâu vào vấn đề tôi xin được định nghĩa về “trí tín” và “mê tín”. Nói một cách đơn giản : Nếu chưa trải qua sự quan sát rõ ràng, suy nghĩ thật thận trọng mà mù quáng tin theo, đó gọi là “mê tín”.
Ngược lại nếu trải qua công phu “suy nghĩ thận trọng” “tư duy chính xác” mới tin tưởng gọi là “trí tín”. Hiện nay một số người chỉ trích Phật giáo là “mê tín”, họ chỉ nhìn thấy một vài biểu hiện mặt ngoài cạn cợt của Phật giáo, hoặc nghe một vài tin đồn nhảm nhí của kẻ ngoại đạo, rồi một mực cho rằng Phật giáo là “mê tín”.
Thật ra trong óc của chính họ cũng còn đôi chút trí tuệ và tư tưởng chứ ! Nếu không tham cứu sâu xa, trải qua sự quan sát rõ ràng, mà mù quáng nghe lời người khác, thì chính bản thân người nghe cũng là “mê tín” rồi, vì đã mê tín nghe theo lời nói bừa của kẻ khác.
Đức Thích Ca Mâu Ni chưa từng cưỡng bách các đệ tử mù quáng tín ngưỡng Ngài, mà còn khuyến khích thắc mắc thưa hỏi. Phần này
đã nói rất rõ trong mục thứ 10 “Phật giáo là dân chủ và tự do” ở chương 2
rồi, xin mời các bạn đọc xem lại. Kinh điển của Phật giáo và kinh
điển của các tôn giáo có chỗ khác nhau rất lớn.
Đó chính là chỗ mà kinh Phật cho phép hoài nghi, nghiên cứu; còn kinh điển của các tôn giáo khác thì là chân lý tuyệt đối, không được quyền bài bác, trái lại là phạm tội bất kính đối với thần.
Đức Phật thường dạy các đệ tử rằng : Sự hoài nghi của các ngươi là chính đáng, bởi vì đối với một sự việc khả nghi thì nên khởi nghi.
Phật cho rằng một người có chú tâm thì không thể bị chi phối bởi truyền thuyết, lời nói vu vơ, cũng không nên y cứ vào kinh điển của tôn giáo, không nên chỉ dựa vào luận lý hoặc suy lường, không nên vì sự việc nào đó chưa rõ ràng mà tin cho là thật.
Tư tưởng vĩ đại của Phật giáo vẫn không dừng ở đó. Phật cho rằng một người không thể vì “Vị ấy là Thầy của chúng tôi”, mà đối với lời của vị Thầy nói ra tin sâu không chút nghi ngờ, mà còn mong các đệ tử cần phải : “Chính bản thân các ngươi phải hiểu biết chính xác lời dạy đó là tốt đẹp, thiện lương, lúc ấy các ngươi hãy tín thọ phụng hành”.
Phật giáo không cho rằng hoài nghi là tội ác hoặc ngu xuẩn, ngược lại còn cho rằng hoài nghi là con đường tắt đạt đến giác ngộ.
“Nghi lớn ngộ lớn, nghi nhỏ ngộ nhỏ, không nghi không ngộ”.
2/ Phật pháp là khoa học mà chẳng phải phản khoa học
Tôn Trung Sơn nói : “Phật học là mẹ của triết học, nghiên cứu Phật học có thể bổ khuyết cho khoa học”.
Nói cách khác, Phật học không những hợp với khoa học, mà còn bổ sung những khiếm khuyết, cải chính những hiểu lầm mà khoa học nghiên cứu.
Tôi sẽ đưa ra một vài ví dụ để cho quý vị hiểu, nhằm chứng minh khoa học và Phật học không xung đột nhau. Bởi vì mục tiêu của Phật học và khoa học đều truy cầu “chân tướng” và “sự thật” của nhân sinh vũ trụ.
1- Vũ trụ quan của Phật giáo : Từ những nhà thiên văn học trước đây có người giả định vũ trụ là có tận cùng, có biên giới, thế nhưng giả định này đã bị các nhà thiên văn học ngày nay đánh đổ vì những phát hiện mới ngày càng nhiều.
Căn cứ học thuyết của Thác Lặc Mật (Ptolematis System) trước đây : Địa cầu là trung tâm của vũ trụ, là yên lặng bất động, mặt trời xoay quanh địa cầu. Đương thời cũng được triều đình La Mã giáo cho là chân lý không thể hoài nghi.
Về sau Ca Bạch Ni (Kopernik) và Gia Lợi Luợc (Galilei) đều bài xích thuyết này, vì thế mà họ chút nữa bị đem thân mạng chôn vùi. Song quyền thế của La Mã cuối cùng vẫn không ngăn cản được chứng cứ của khoa học.
Hiện nay một học sinh cũng biết địa cầu chẳng qua chỉ là một vai trò nhỏ trong vô số tinh cầu của vũ trụ mà thôi, vả lại nó không những tự chuyển, lại còn xoay quanh mặt trời.
Bây giờ chúng ta hãy xem tổ chức vĩ đại của vũ trụ mà Phật giáo đã miêu tả, so với sự tự thuật của khoa học hiện đại, cách xa nhau mà lại rất phù hợp với nhau.
Phật giáo lấy 1000 thái dương hệ làm một “tiểu thiên thế giới”, lấy 1000 tiểu thiên thế giới làm một “trung thiên thế giới”, rồi lấy 1000 trung thiên thế giới làm một “đại thiên thế giới”. Mỗi đại thiên thế giới là một “quốc độ Phật” (khu vực mà Phật giáo hóa).
Vậy một
quốc độ Phật gồm có bao nhiêu thái dương hệ ? Gồm một tỷ thái dương hệ, tương đương với một tòa tinh vân trong thiên văn học (một hằng tinh do một quần thể hành tinh, vệ tinh vây quanh tạo thành một hệ thống gọi là thái dương hệ.
Như mặt trời của chúng ta, xung quanh có địa cầu, Thủy tinh, Kim tinh, Hỏa tinh, Thổ tinh, Mộc tinh, Thiên vương tinh, Hải vương tinh, Minh vương tinh, tất cả 9 đại hành tinh, 27 vệ tinh và hơn 1100 tiểu hành tinh).
Cho nên Đức Thích Ca Mâu Ni nói “Mười phương hư không không cùng tận, quốc độ thế giới không thể hạn lượng”. (Mười phương hư không với “thái không” mà chúng tôi nói ý nghĩa giống nhau).
Câu nói ấy chính là nói với chúng ta rằng ở trong hư không tinh cầu vẫn không tính đếm hết, hư không là không có biên giới.
Từ Văn nghệ Phục Hưng Châu Âu về sau, Galilei đã dùng kính vọng viễn để quan sát quần tinh của thiên không, thiên văn học mới dần dần tiến bộ, mãi cho đến ngày nay chúng ta mới hiểu biết đôi chút về sự rộng lớn vô biên của bầu trời, mới hiểu địa cầu của chúng ta chẳng qua chỉ là một tiểu hành tinh trong Thái dương hệ mà thôi.
Hơn nữa Thái dương hệ trong hư không không thể nào tính đếm, có hàng ngàn vạn thái dương.
Thế mà, hơn hai ngàn năm trăm năm trước, Thích Ca Mâu Ni không có kính nhìn xa đã nói với chúng ta hư không là vô biên vô tế, và tinh cầu trong hư không là không thể tính đếm (Phật lấy “Bất khả tư nghị” để hình dung, nghĩa là không những không thể tính đếm được hết, mà còn dứt khoát cũng không có cách nào tưởng tượng suy lường được).
Nếu không phải là bậc tiên tri tiên giác đầy đủ trí tuệ rộng lớn, sâu xa, thì làm sao có thể miêu tả vũ trụ vĩ đại, bí ẩn và bao la như thế được.
2- Trong một ly nước có tám vạn bốn ngàn chúng sinh :
Lúc Phật nói pháp, thường nói với chúng ta một cách rõ ràng, chúng sinh trong vũ trụ là không thể tính đếm, là không thể tưởng tượng. Ngoài địa cầu chúng ta đang ở có chúng sinh ra, vô số tinh cầu trong vũ trụ cũng có chúng sinh tồn tại.
Ngoài chúng sinh mà chúng ta dùng mắt thường để thấy ra, vẫn còn rất nhiều chúng sinh mà mắt thịt của chúng ta không thể thấy được.
Ngài chỉ vào một ly nước và nói rằng trong ly nước ấy có tám vạn bốn ngàn chúng sinh. (Trong kinh Phật dùng tám vạn bốn ngàn là ý biểu thị số lượng rất nhiều).
Ngày nay theo sự tiến bộ của khoa học, các nhà khoa học vẫn không dám phủ định trong tinh cầu khác của vũ trụ có thể có chúng sinh
tồn tại.
Thế nhưng tôi tin rằng một ngày nào đó các nhà khoa học lại một
lần nữa chứng minh giả thiết của Phật giáo là chính xác.
(Trong vũ trụ vẫn có vô số chúng sinh tồn tại).
Ngày nay dưới kính hiển vi, những vi sinh vật trong ly nước đâu chỉ có ngàn vạn ! Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, Thích Ca Mâu Ni không dùng kính hiển vi để quan sát mà có thể nói đúng với khoa học ngày nay. Điều đó đủ để cho chúng ta phải cúi đầu khâm phục rồi.
3- Sắc tức là không, không tức là sắc : Căn cứ theo vật lý học xưa, có hai định luật trọng yếu : Một là “định luật vật chất không diệt”, một là “định luật năng lực không diệt”.
Các nhà vật lý học trước đây cho rằng vật chất và năng lực là không tương quan với nhau, không thể trao đổi với nhau, mà hai thứ đều là thường trụ bất diệt.
Vật chất ở trong kinh Phật gọi là “Sắc”, mà Phật giáo cho rằng “sắc” tức là “không”, điều này với khoa học có xung đột.
Hơn nữa căn cứ theo sự giải thích của Phật pháp thì hết thảy sự vật trong vũ trụ đều là vô thường, bản thể là không, không có dạng “bất diệt”, điều này với khoa học cũng không hợp.
Thế nhưng, từ lúc Einstein phát biểu “công thức đẳng lượng năng lực vật chất biến thiên”, chứng minh lúc mỗi một pound vật chất hủy diệt, có thể biến thành hàng loạt năng lực kinh người (E = MC2); lại đến lúc thử nghiệm bom nguyên tử thành công, mới có thể chứng minh vật chất biến thành năng lực.
Bản thể của vật chất (sắc) đó chẳng phải là “không” sao ?
Cho nên định luật vật lý học xưa kia đã bị phủ định.
Phật học một lần nữa từ trong sự tôi luyện của khoa học mà vẫn đứng vững chắc không gì lay chuyển. Để cho dễ hiểu hơn chúng tôi xin trình bày thêm như sau :
1- Sắc tức là không : Vật chất (sắc), là từ tổ chức của nguyên tử, mà trong nguyên tử có hạt nhân nguyên tử và điện tử, trong hạt nhân nguyên tử lại có chất tử và trung tử, chất tử và trung tử lại có thể đả phá mà biến thành năng lực (không).
(Các nhà vật lý học trước đây cho rằng nguyên tử không thể phân chia, đó là điều sai lầm).
2- Không tức là sắc : Năng lực (không) có thể biến thành vật chất (sắc), cũng đã được giới khoa học nhất trí thừa nhận.
3- Cuối cùng tôi xin nêu một ví dụ trong “Thuyết tương đối” của Einstein : Thời gian là tùy theo tốc độ mà thay đổi.
Người ta ngồi trên hỏa tiễn đi với tốc độ bằng vận tốc ánh sáng để đến một tinh cầu nào đó, sáng ăn cơm ở địa cầu này, trưa ăn cơm ở tinh cầu khác, buổi tối lại chuẩn bị trở về địa cầu ăn tối. Thế nhưng khi người ấy trở về thì địa cầu đã trải qua hàng trăm năm rồi, thân hữu của họ đã chết gần hết.
Các nhà khoa học hiện nay chưa có người nào dám phủ định tính có thể có của ví dụ nêu trên. Thế nhưng xin mời quý vị hãy xem trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa của Phật giáo, Đức Phật nói với những người nghe pháp rằng :
Các ông nghe ta nói pháp giảng kinh, trải qua thời gian không lâu, thế nhưng thế giới bên ngoài đã trải qua hàng ngàn ức năm. Lý luận “thời gian tương đối” của Einstein, Đức Phật đã nói trước đây gần 3000 năm rồi.
Do đó Tôn Trung Sơn mới nói : “Nghiên cứu Phật học có thể bổ khuyết cho khoa học”. Bởi vì Phật học lúc nào cũng đi trước khoa học.
3/ Phật giáo là từ bi không sát sinh
Ai
cũng đều biết “không sát sinh” là giới cấm căn bản của Phật giáo. Phật
giáo chủ trương chúng sinh bình đẳng, coi sinh mạng của các động vật
khác cũng như sinh mạng của mình.
Phật giáo chủ trương học thuyết luân hồi, hễ chúng sinh chưa đạt đến “giác ngộ”, đều phải bị luân hồi mãi mãi trong biển khổ sinh tử. Do đó, ngoài đời này ra, người ta vẫn còn có nhiều đời khác ở quá khứ.
Nói một cách khác ở trong đời quá khứ, chúng ta thường có biết bao cha mẹ, anh em, chị em, bạn bè, sư trưởng song do chúng ta chưa đạt đến giác ngộ chân chính, chưa có trí tuệ hiểu rõ vấn đề này mà thôi.
Nếu ngày nay chúng ta tùy tiện sát hại động vật, có thể là chúng ta đã sát hại thân bằng quyến thuộc đời trước của mình.
Cho nên, Phật giáo không sát sinh. (Đây cũng là một lý do mà Phật giáo
ăn chay).
Đương nhiên sẽ có những bạn học hỏi ngược lại là : “Làm sao ông biết điều đó ? Ông có thể chứng minh được không ?”.
Để trả lời câu hỏi này, trước tiên tôi xin mời bạn hãy xem đoạn văn đối thoại sau :
A : Xin hỏi có gió hay không ?
B : Đương nhiên là có.
A : Vậy thì, xin bạn dùng màu sắc, hình dáng để chỉ gió ấy cho tôi xem được không ?
B : Đó là việc không thể được.
A : Nếu ông không thể chỉ gió cho tôi xem, vậy cũng chính là nói không có gió phải không ?
B
: Không, gió tuy dùng tay nắm không được, rờ không thấy, nhưng gió vẫn là gió, chẳng qua tôi không thể chỉ gió cho bạn xem mà thôi.
Ở trong vũ trụ có rất nhiều sự thật, tuy chúng ta không thể chỉ ra được trực tiếp những chứng cứ để chứng minh, thế nhưng chúng ta cũng không thể phủ định sự tồn tại của nó.
Hơn nữa, khoa học ngày nay vẫn còn bị hạn chế, vẫn không thể giải đáp được hiện tượng của vũ trụ là bao nhiêu.
Mà nhân sinh vũ trụ sum la vạn tượng, chằng chịt lẫn nhau, con người không dễ dàng hiểu biết hết được.
Đức Thích Ca Mâu Ni đã sớm thấy rõ được đạo lý ấy, cho nên Ngài đã nói với đệ tử rằng : “Ta là người nói đúng sự thật, không nói dối”. Ngài mong muốn đệ tử của mình ra sức nghiên cứu để hiểu rõ hơn, nếu điều nào chưa hiểu thì hãy tạm thời để đó.
Bởi vì có một số đạo lý không thể dùng ngôn ngữ, văn tự để giải thích rõ ràng được.
Cho nên trong kinh Phật mới có câu “Như người uống nước, nóng lạnh
tự biết”.
Có thể hiểu biết chính xác và rõ ràng tình trạng đời quá khứ,
trong Phật pháp gọi là “túc mạng thông”. Loại năng lực (thần thông) này phải trải qua nỗ lực tu hành mới có thể đạt được.
Đối với một người mù mà nói thế giới này có biết bao đào thắm liễu xanh, người ấy có hiểu được không ? Đối với người ngớ ngẩn mà nói người nào đó là con của người em cha của hắn, tức là em họ của hắn, hắn ta có hiểu được không ?
Rõ ràng Phật giáo chủ trương giới sát, ăn chay. Do đó những người hay sát sinh, dùng gà, vịt, heo để cúng bái là chưa hiểu biết Phật giáo.
4/ Phật giáo là tích cực lạc quan
Nói chung người ta thường phê bình Phật giáo là bi quan, rất tiêu cực.
Vì sao người ta lại hiểu lầm như thế ? Tôi nghĩ là vì : Phật giáo nêu lên
đời người có những thống khổ như sinh, lão, bệnh, tử v.v… lại nói “đời
người vô thường”.
Cho rằng vạn sự vạn vật trên thế giới này đều là nhân duyên tạm có, đều là đổi thay chớp nhoáng.
Cái gọi là danh, lợi, tài, sắc chỉ là hư ảo, do đó mà khuyên người ta không nên “chấp trước” thái quá, tức là luyến ái không chịu buông xả.
Phật giáo cũng cho rằng “đa dục là khổ”, dục vọng quá nhiều thường là căn bản của thống khổ và phiền não.
Nhân đó mà khuyên người ta nên biết đủ ít muốn. Mỗi cá nhân
đều phải lượng tài sức của mình để quyết định nhiều hay ít dục vọng.
Tài sức của mình không đủ, nhưng cả ngày cứ mơ tưởng không đâu, há không phải là tự mình chuốc lấy phiền não hay sao ?
Thế nhưng, xin bạn nên nhớ, Phật không có buộc chúng ta “tuyệt dục”, mà chỉ nói “ít dục biết đủ”. Tiết kiệm quá đáng, đến nỗi làm tổn hại đến thân thể của mình Phật cũng phê phán.
Chính Ngài năm 29 tuổi xuất gia, đã từng noi theo phương pháp tu khổ hạnh của ngoại đạo đương thời, mỗi ngày chỉ ăn một hạt gạo một hạt mè.
Thân thể tiều tụy như cây khô, thể lực suy yếu, kết quả vẫn không đạt được giác ngộ như Ngài mong muốn.
Cuối cùng Phật mới hiểu rằng ngược đãi thân thể của mình, hoàn toàn không phải là phương pháp đạt đến con đường giải thoát. Thân thể tuy không phải là chân thật, một ngày nào đó cũng phải tử vong, thế nhưng tu hành cũng phải nhờ đến thân thể.
Thân thể không khỏe mạnh thì tâm không an ổn, thân cũng không thể ngồi thiền được. “Ít muốn biết đủ” chính là “Con đường trung dung”.
Trong Kinh 42 Chương có chép như vầy : Phật hỏi một vị sư trước khi xuất gia ưa thích đàn Cầm rằng :
- Dây đàn chùng quá thì âm thanh như thế nào ?
- Bạch Thế Tôn, không nghe được.
- Dây đàn căng quá thì sao ?
- Bạch Thế Tôn, dây sẽ đứt.
- Nếu điều chỉnh vừa đủ (không căng quá, không chùng quá) thì sao ?
- Bạch Thế Tôn, có thể gảy được những thứ âm nhạc tuyệt diệu.
Cho nên Phật giáo không phải là chủ nghĩa túng dục “ngày nay có rượu ngày nay say”, cũng không phải chủ nghĩa ngược đãi tự ngã bỏ đói chịu lạnh.
“Ít muốn biết đủ” của Phật giáo chính là chủ nghĩa “Trung đạo” đạt đến
hạnh phúc an lạc.
Thôi, bây giờ chúng ta lại nói tiếp vấn đề Phật giáo không phải là tiêu cực và bi quan.
Phật giáo khuyên người ta phải hiểu rõ đạo lý nhân sinh vô thường, sinh mạng ngắn ngủi tạm thời, không nên để uổng phí tuổi xuân trôi qua. Có như thế mới yêu tiếc thời gian, nỗ lực làm các công việc tự lợi, lợi tha có ích cho thế đạo nhân tâm. Phật giáo cho rằng “tứ đại giai không”.
Tứ đại là chỉ cho đất, nước, gió, lửa, bốn loại nguyên tố mà tất cả thế
giới và con người nhờ đó mà thành lập, cho nên gọi là tứ đại.
Đất là thể rắn của vật chất, nước là thể lỏng của vật chất, lửa là tính ấm của vật chất, gió là tính động của vật chất.
Trong thân thể người ta thì da, thịt, gân, cốt là thuộc về địa đại; tinh
huyết đàm dãi thuộc về thủy đại; hơi ấm là hỏa đại; hô hấp vận động là
phong đại.
Thân thể người ta là do nguyên tố tổ hợp của “tứ đại” này mà thành, cũng lại do sự tan rã của “tứ đại” này mà tiêu diệt.
Người ta vốn không có một thứ bản thể chân thật tồn tại, cho nên nói “tứ đại giai không”.
Vì “tứ đại giai không” cho nên nói “vô ngã”. Có một số độc giả nói rằng, rõ ràng tôi có đây, thế mà lại nói “vô ngã” là sao ? Xin thưa “ngã” chẳng qua chỉ là thể tụ hội tạm thời của bốn loại nguyên tố đất nước gió lửa đã nói ở trên mà thôi.
Tế bào trong thân thể con người thay đổi từng giây, từng phút.
Vậy thì một giây trước là ta ? Hay là một giây sau là ta ? (Thời gian giống như thác nước không thể tìm thấy một
điểm “hiện tại”).
Có người nói “tư tưởng” mới là “Ta”, thế nhưng tư tưởng con người là sát na sinh diệt, trôi chảy không dừng. Lại giống như sóng biển, sóng trước lặn sóng sau lên, niệm trước chưa diệt niệm sau lại sinh khởi, niệm niệm không dừng, vậy thì niệm trước là “ta” hay niệm sau là “ta” ? (Cho nên quan niệm của con người luôn luôn cải biến, tư tưởng vẫn luôn dời đổi, hôm qua cho là đúng là tốt, nhưng hôm nay lại cho là sai là không tốt).
Nhân đấy, từ trong thân thể và tư tưởng vốn tìm không được hình bóng của “ngã”, cho nên nói là “vô ngã”. Phật giáo giảng “vô ngã”, không phải muốn người ta hủy hoại mình.
Lại có người cho rằng “ngã” đã không có thì làm điều xằng bậy đâu có liên quan gì ! Ngã là giả thì cố gắng để làm gì ?
Quan niệm theo kiểu này thì thật là lầm to. Phật giáo giảng đạo lý vô ngã chính là mong muốn người ta hiểu rõ ngã chỉ là giả tướng tụ hội tạm thời của tứ đại, một ngày nào đó tứ đại tan rã thì sẽ suy bệnh mà mất.
Do đó không nên mải mê tìm cầu danh lợi, không cần phải so đo từng li từng tí với người, mà cần phải khoan nhượng chịu đựng để đối nhân xử thế.
Chỉ có nhận thức được vô ngã, mới có thể hy sinh tiểu ngã, hoàn thành đại ngã, mới dám xông vào chỗ nước sôi lửa bỏng để thực hiện lý tưởng cứu nhân độ thế.
Một người có thể thực hiện được vô ngã, thì mới không làm tổn hại người để lợi mình, không lấy của công làm của riêng, mới có thể ngẩng cao đầu đem nhiệt huyết của mình làm đại sự nghiệp cứu nước cứu dân.
Cho nên Phật giáo lấy “vô ngã” “hiểu rõ tất cả” làm công cụ để đạt đến mục đích tạo phước cho mọi người, phục vụ xã hội.
Vì có như vậy mới không bị trói buộc trong vòng danh lợi, mới có thể đạt được tự do, tự tại thực sự, lại không còn phải phiền não về việc được thua gì cả.
5/ Phật giáo không phải là trốn tránh hiện thực
Có người thấy một vị sư mai danh ẩn tích khổ tu trong chốn sơn lâm cùng cốc, tợ hồ như không còn một chút trách nhiệm gì đối với xã hội, bèn chỉ trích Phật giáo là trốn tránh hiện thực.
Thật ra luận điệu ấy tợ hồ như phải mà lại trái.
Phật giáo chủ trương “Bi trí song tu”. Nếu chỉ có “bi” tâm cứu nhân cứu thế, mà không có “trí” tuệ chân tài thực học, vẫn là không có chỗ dùng.
(Có lòng cứu người chết đuối, nhưng lại không biết bơi thì có tác dụng gì !).
Nhân đấy, người tu hành Đại thừa chân chính (thừa ý là thuyền, thuyền lớn nhỏ quyết định chở được nhiều hay ít người. Đại thừa lấy “kiêm thiện thiên hạ” làm mục tiêu, Tiểu thừa lấy “độc thiện kỳ thân”
làm mục đích).
Ở ẩn tịnh tu chỉ là công việc chuẩn bị cho tương lai hoằng dương Phật pháp, rộng độ chúng sinh mà thôi. (Cũng giống như những nhà khoa học, suốt ngày ở trong phòng, để hết tâm trí thực nghiệm tìm tòi những điều mới lạ nhằm phục vụ cho nhân loại).
Kỳ thật không những người xuất gia như thế, mà người cư sĩ tu hành tại gia cũng phải “phước huệ song tu”. Không chỉ là “hạnh phúc” cho tương lai của mình, mà còn phải học tập rèn luyện mở mang “trí tuệ” để hoằng pháp giúp người.
Dưới đây tôi xin nêu ra sự tích của ngài Huyền Trang, nhân vật chính trong “Tây du ký”, một vị cao tăng thông thạo văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ, để thuyết minh Phật giáo hoàn toàn không phải là trốn tránh hiện thực.
Huyền Trang, ngài họ Trần tên Huy, người Hà Nam, sinh năm Khai Hoàng 19 vua Văn Đế đời Tùy. Gia đình có truyền thống học hành.
Ông nội ngài là Tiến sĩ quốc học Bắc Tề. Cha làm Huyện trưởng Giang Lăng triều Tùy.
Sau khi Huyền Trang xuất gia, người nhà đề nghị ngài nên trụ trì chùa Trang Nghiêm, một ngôi chùa rất lớn ở Trường An, nhưng ngài không chịu.
Ngài nhận thấy kinh sách trong nước rất ít, mà nghĩa lý thì không rõ ràng, không đủ sức thu phục nhân tâm. Vì thế ngài phát thệ “hy sinh thân mạng đi Tây Trúc cầu pháp, để sau này trở về hoằng hóa tại Trung Quốc.
Không những chỉ dịch một lượng lớn kinh sách, mà còn phải giải quyết những tệ bệnh của Phật pháp ngày nay và làm được một công việc hết sức thiêng liêng vĩ đại giúp cho nền văn hóa nước nhà”.
Vào năm thứ 3 Trinh Quán vua Thái Tông đời Đường, Huyền Trang bắt đầu cuộc Tây du cầu pháp.
Ngài phải trải qua những sa mạc nóng cháy, vượt qua những ngọn núi cao nguy hiểm. Một thân một bóng chịu đựng biết bao gian lao khổ cực, chín phần chết một phần sống mới đến được Ấn Độ.
Dưới gốc cây Bồ đề nơi Đức Thích Ca thành đạo, Huyền Trang ngậm ngùi rơi lệ cho sự suy vi của Phật giáo Ấn Độ, lập chí phải nỗ lực nghiên cứu Phật pháp.
Về sau trong đại hội thành Khúc Nữ (Ranyakubja) ngài đọc một bản tuyên ngôn (tức Chân Duy Thức Lượng tụng) đã làm chấn động giáo đồ Tiểu thừa toàn cõi Ấn Độ.
Huyền Trang được quốc vương các nước tôn sùng ngưỡng mộ, họ tranh
nhau mời thỉnh ngài giảng Kinh, thậm chí còn muốn dùng cả vũ lực để
tranh giành nữa.
Lúc “công danh phú quý” đã đạt đến đỉnh cao, nhưng Huyền Trang vẫn quyết định trở về nước. Lời ngài nói với Giới Hiền, bậc thầy của ngài lúc bấy giờ, ngày nay sau gần 2000 năm, chúng ta nghe qua vẫn không khỏi cảm động.
“Bạch thầy, mục đích cầu học của con không phải vì hạnh phúc và tài học của cá nhân. Nếu chỉ vì những chuyện như thế, thì con không bao giờ liều mạng vào con đường hiểm cả.
Hiện nay con đã học được chút đạo lý nơi quý quốc, cần phải trở về nước để truyền đạo, giải cứu những nỗi khổ đau cho đồng bào. Nếu con lưu lại đây lâu ngày không về, con sẽ có lỗi với đồng bào thân yêu của con”.
Cái tinh thần cao cả vĩ đại ấy, xứng đáng là tấm gương cho chúng ta noi theo học tập.
Trong cuốn “Trung Quốc Triết học sử thoại” của Trương Khởi Quân và Ngô Di tiên sinh hợp biên, có một đoạn nói về Huyền Trang như sau :
“Một đời của vị cao tăng ấy, một nửa đi thỉnh kinh, một nửa chuyên dịch kinh.
Ngài có dáng dấp đời sống của nhà du lịch, có tinh thần tuẫn đạo của
nhà tôn giáo, có nhiệt tình cứu thế của nhà tư tưởng.
Ngài vì Phật giáo, vì văn hóa Trung Quốc đã cống hiến cả cuộc đời mình. Ngày nay đã yên trí lìa bỏ cuộc đời. Ngọn bút trong tay của ngài không còn chuyển động nữa. Quả tim của ngài đã ngừng đập rồi.
Thế nhưng dấu chân của ngài vẫn in nơi sa mạc, vĩnh viễn lưu lại trong ký ức của loài người.
Một tay của ngài đã phiên dịch hàng ngàn quyển kinh sách, cũng vĩnh viễn lưu lại trong kho tàng văn hóa của Trung Quốc”.
Ai nói Phật giáo là trốn tránh hiện thực ? Ai nói Phật giáo là tiêu cực, bi quan, yếm thế ?
6/ Phật giáo không chỉ nói suông về nghĩa lý
Có những người than rằng : “Chẳng phải tôi không muốn nghiên cứu Phật pháp, cũng chẳng phải nói Phật pháp không tốt, chỉ vì nó quá phiền phức, quá cao xa”.
Ý họ nói kinh Phật rất nhiều, rất cao sâu.
Lại có một người bạn nói với tôi rằng : “Vì sao Phật giáo không học tập Cơ đốc giáo, chỉ cần đưa ra một quyển Thánh Kinh tóm tắt đơn giản rõ ràng là đủ ?”.
Kỳ thật vấn đề này nêu ra rất là ấu trĩ, cũng rất nông cạn, tôi bèn hỏi lại rằng : “Hiện tượng của vũ trụ nhân sinh là đơn giản, hay là phức tạp ?”.
Tôi nói : “Phật pháp là tìm cầu hiện tượng chân thật của nhân sinh vũ trụ. Bởi vì hiện tượng nhân sinh vũ trụ rất phức tạp, cho nên không thể nói đôi ba lời là thấu suốt.
Cũng bởi đạo lý của nhân sinh vũ trụ không dễ dàng hiểu biết, cho nên Phật pháp giải thích nó cũng có chỗ sâu cạn khác nhau”.
Đồng thời Phật pháp là giảng cho chúng sinh nghe. Chúng sinh thì vô biên, căn khí (trí tuệ) của chúng sinh cũng bất đồng, có người cao kẻ thấp, có người trí kẻ ngu, cho nên nói pháp cũng không thể cứ một mực không thay đổi.
Cùng một đạo lý ấy nhưng có thể tùy góc độ khác nhau mà giải nói cho từng đối tượng.
Phật giáo không chỉ là tôn giáo nói suông về nghĩa lý, có thể qua sự thực tu và thân chứng, khiến cho giữa nó và lý luận cùng phối hợp với nhau.
Trong đó chỉ đơn cử một việc như tọa thiền chẳng hạn. Phương pháp tọa thiền rất nhiều, có thể thực hành như chuyên chú, quán tưởng, điều tức, mật niệm, vận động v.v…
Dù bạn y theo một phương pháp nào, đều có thể đạt đến cảnh giới giác ngộ “minh tâm kiến tánh, chuyển mê thành trí”.
Ví như Đại sư Huệ Năng - Tổ thứ 6 của Thiền tông Trung Quốc.
Ngài là một vị sư không biết chữ, nhưng có thể nêu ra bài kệ của Thần Tú, vị đệ tử lớn của Ngũ Tổ là chưa đắc đạo, bài kệ ấy là : “Thân là cây Bồ đề, tâm như đài gương sáng, thời thời siêng lau chùi, chớ để nhiễm trần ai”.
Phê bình Thần Tú chỉ là người mới đến cửa mà chưa vào nhà, ngài nhờ người viết hộ bài kệ (vì ngài không biết chữ) : “Bồ đề vốn không cây, gương sáng cũng không đài, xưa nay không một vật, chỗ nào nhiễm trần ai ?”.
Được Ngũ Tổ ca ngợi và truyền trao y bát kế thừa thiền pháp.
Chúng ta chỉ cần xem qua “Lục Tổ Đàn Kinh” sẽ biết được trí tuệ tuyệt vời của Lục Tổ, khâm phục năm vóc sát đất. Bởi vì những lời giảng của ngài với lời Phật thuyết hoàn toàn phù hợp không một chút sai sót nào.
Dưới đây là một đoạn công án (sự tích) của Đại sư Huệ Năng sẽ chứng tỏ điều đã nêu trên.
Có hai vị sư nhìn thấy lá phướn bên ngoài giảng đường, gió thổi lay động qua lại. Nhân đó đã dẫn đến sự tranh luận. Một vị nói :
- Tại gió động.
Vị sư khác nói :
- Không phải, tại phướn động. Tại sao ông lại nói gió động ?
- Nếu không có gió thổi thì làm sao phướn động được ?
Lúc ấy Huệ Năng nghe được, ngài liền nói với hai vị sư là :
- Không phải gió động, cũng không phải phướn động, mà là do tâm của các ông động !
Lại có một vị thi tăng Bát Chỉ đầu đà (đầu đà là khổ hạnh tăng, tức là vị sư tu hành khổ hạnh), ở vào đầu nhà Thanh cuối nhà Minh.
Trước kia là người có đủ 10 ngón tay, sau vì ngài biểu thị quyết tâm cầu đạo và lòng thành kính đối với Đức Phật, cho nên đã đốt hai ngón tay trước điện Phật, chỉ còn lại tám ngón (Bát chỉ).
Bát Chỉ đầu đà vốn không biết làm thơ, cho đến chữ nghĩa cũng biết rất ít, thế nhưng có một hôm, sau khi tĩnh tọa nhập định liễu ngộ, ngài đi đến Động Đình hồ thăm người bạn.
Lần đầu tiên ngài chấp bút viết câu “Động Đình ba tống nhất tăng
lai” (Sóng hồ Động Đình đã đưa vị tăng đến), khiến cho mọi người phải
kinh ngạc. Từ đấy, ngài làm thơ như là có thần trợ giúp, ý thơ tuôn ra
như nước.
Còn có rất nhiều vị cao tăng khác, cũng chữ nghĩa không bao nhiêu, thế nhưng sau khi công phu thiền định đã được liễu ngộ rồi, giảng kinh thuyết pháp, nói có bài bản hẳn hoi, trên hợp với ý Phật, dưới hợp với tâm người, không cần khéo léo trau chuốt mà ngôn từ ý tứ vẫn siêu việt hơn người.
Vì tập sách có hạn nên không thể giới thiệu hết được. Phần trên là giới thiệu về sự thực chứng của việc tu hành theo pháp môn “thiền định”.
Còn đối với những vị tu hành theo Tịnh độ tông chỉ niệm Phật A Di Đà, cũng có thể đạt được đạo quả. (Phật giáo nương theo phương pháp tu hành khác nhau mà có các phái khác nhau gọi là Tông).
Chẳng hạn như ngài Từ Hàng Đại sư trải qua 5 năm ở trong chiếc vại đậy kín mà nhục thân không hoại (tức là thể xác đã chết mà không hư hoại).
Hiện nay đã thếp vàng lên thân ngài tôn thờ tại Tịch Chỉ ở Đài Bắc.
(Đại sư Huệ Năng cũng nhục thân bất hoại, tức là sau khi chết thi thể còn nguyên, vẫn sinh động như sống, hiện còn lưu giữ tại Quảng Châu).
Lại như Đại sư Ấn Quang và Đại sư Hoằng Nhất (tức là nhà âm nhạc Lý Thúc Đồng) v.v…
Các ngài đều tu tập pháp trì danh niệm Phật, sau khi mất, thiêu được rất nhiều Xá lợi. (Xá lợi còn gọi là kiên cố tử, lúc mất hỏa táng di thể mà có được loại Xá lợi này).
Ở Đài Loan, tôi đã được may mắn xem qua Xá lợi của Ni sư Viên Dung chùa Đông Sơn ở Bình Đông, Hòa thượng Nhãn Tịnh chùa Từ Vân ở Nam Tử và Đại sư Chương Gia, màu sắc nó lóng lánh tuyệt đẹp.
Những dẫn chứng trên để chứng minh việc tu hành chứng quả của các vị tu hành theo Phật giáo.
7/ Phật giáo phủ định Túc mạng luận
Vì sao gọi là “Túc mạng luận” ? Nói một cách đơn giản là sự cát hung họa phước của con người đều do đời trước định đoạt, sức người không có thể thay đổi được.
Nói cách khác người tin theo “Túc mạng luận” là “phú thác mạng mình cho trời”, cho rằng số mạng của mình đã định sẵn rồi.
Rất nhiều người có tư tưởng như vậy. Cũng rất nhiều tôn giáo chủ trương như vậy. Họ cho rằng : Số mạng đã định không thi đậu đại học, nếu có nỗ lực đến đâu cũng không thi đậu; số mạng đã định không bần cùng, dù có xa xỉ phù hoa hoặc hoang phí cũng không bần cùng.
Song Phật giáo triệt để đả phá loại luận điệu này, khẳng định có ra sức thì phải có thu hoạch.
Theo thuyết của nhà Phật thì “công bất đường quyên”, ý nói đã cố gắng thì không uổng phí công lao. (Có thể đọc thêm sách “Liễu phàm tứ huấn”).
Phật giáo cho rằng tiền đồ vị lai của một cá nhân là tùy theo hành
vi tốt xấu hiện tại của chính mình mà quyết định. Tiền đồ của mình nằm ở trong tay của chính mình. Không có cái gọi là số mạng đã định không thi đậu đại học, nếu mình cố gắng nỗ lực, cánh cửa đại học chắc chắn sẽ mở ra đón nhận bạn.
Cũng không có chuyện số mạng định sẵn giàu sang phú quý, cứ xa hoa phung phí, không lo cần kiệm làm ăn thì nhất định một ngày nào đó sẽ bị nghèo khổ. Cho nên Phật giáo không chủ trương “Túc
mạng luận”.
Lại bàn qua về thuyết “nhân quả báo ứng” của Phật giáo.
Tuy chúng ta thường nghe thuyết pháp “trồng dưa được dưa”, thế nhưng thuyết nhân quả của Phật giáo, nếu nói rõ ràng một tí thì phải nói là “nhân duyên quả báo”. Tức là giữa nhân và quả Phật giáo xem trọng ở chữ “duyên”.
Vì sao gọi là “duyên” ? “Duyên” có tác dụng gì ? Nếu như chúng ta gieo một hạt giống dưa xuống đất (nhân) mà không có ánh sáng, nước,
phân hoặc sự chăm sóc của nhân công (duyên), nó sẽ ảnh hưởng đến hạt giống, chồi, cây và hoa trái.
Cũng như thế nếu một người đời trước có gieo nhân lành, nhưng đời nay không tiếp tục tu trì, hành thiện để trợ duyên, thì cũng sẽ ảnh hưởng đến sự trưởng thành quả tốt, cũng không thu hoạch được bao nhiêu.
Nếu một người đời trước làm điều xấu, nhưng đời này biết cải hối, bỏ ác làm thiện, cũng có thể giảm thiểu hoặc không thọ quả khổ.
Các bạn học nghe đến đây, chắc chắn sẽ hoài nghi rằng : Một người làm điều xấu, nếu biết cải ác làm thiện thì “có thể” không chiêu thọ quả ác. Và hỏi ngược lại rằng : Như vậy có nghĩa là “có thể” chiêu thọ quả ác phải không ? Vấn đề này tôi xin nêu ra một thí dụ để giải thích như sau :
Nếu một người uống thuốc độc, được đưa đến bác sĩ cứu trị, kết cục của người ấy có hai thứ : Một là hóa nguy thành yên và một là chết.
Vì sao người ấy uống thuốc độc, (nhân ác, tỉ như làm việc xấu), đưa đến bác sĩ chữa trị (làm thiện, tỉ như làm việc tốt), nhưng lại cũng “có thể” chết ?
Để trả lời vấn đề này không phải chỉ nói vài lời có thể giải thích thấu đáo, tối thiểu cũng liên quan đến ba phương diện :
1/ Người ấy trúng độc nặng hay nhẹ (làm việc xấu nhiều hay ít, tội phạm cũng tương đương).
2/ Người ấy được đưa đi bác sĩ nhanh hay chậm (giác ngộ sớm hay muộn).
3/ Có cứu trị được hay không ? (hành thiện nhiều hay ít, giữa loại hành thiện này có liên quan với nhân ác đã tạo trước kia).
Căn cứ theo ba điểm trên có thể quyết định cá nhân người ấy có hay không chiêu thọ “quả ác”. Song tôi cũng mong các bạn học hiểu cho tỉ dụ đó chẳng qua chỉ là bất đắc dĩ phải nêu mà thôi, mục đích là ở chỗ giúp cho mọi người hiểu được nghĩa chân thật của nhân quả.
Chúng ta không nên chấp vào đó, bởi vì đã gọi là “thí dụ” thì không “có nghĩa là” sự thật, mà chỉ có thể nói là “tương tợ” mà thôi.
Thuyết nhân quả của Phật giáo, trùm khắp nhân sinh vũ trụ vô cùng, bao quát không gian và thời gian vô tận, trong ấy chằng chịt xen lẫn nhau, trăm dây nghìn mối, ngoài những vị giác ngộ (như Phật, Bồ tát v.v…) có đầy đủ trí tuệ chân thật ra (Phật giáo gọi là “Bát nhã”) , người bình thường chúng ta khó có thể hiểu được sự thâm áo của nó.
Cũng giống như một cái máy thu hình, bên trong đó dây nhợ chằng chịt, ngoài nhân viên kỹ thuật chuyên môn ra, thì ai có thể nhìn vào đó hiểu được ? Do đó tỉ dụ của tôi không thể bao hàm hết mối quan hệ nhân quả sum la ấy.
Cũng giống như một thác nước lớn từ trên cao chảy xuống (Phật giáo gọi là dòng tương tục lớn của nhân quả) thì làm sao có thể cắt xén một đoạn trong dòng thác ấy để quan sát, để thuyết minh cho được ?
Thôi được, dưới đây tôi sẽ nói tiếp về vấn đề “Đời trước làm điều xấu, đời nay tuy nỗ lực làm việc thiện mà vẫn có thể chiêu lấy báo ứng !”. Phật giáo có thái độ gì với vấn đề này ?
Thái độ của Phật giáo là :
1- Khuyên bạn cứ tiếp tục làm điều thiện hơn nữa, bởi vì những việc ấy sẽ thâu hoạch được kết quả mỹ mãn ở tương lai, không nên nản lòng thối chí.
2- Đối với loại “quả xấu” không có thể thay đổi được (Phật giáo gọi là “định nghiệp”), Phật giáo an ủi họ phải mạnh dạn nhẫn chịu, vì người quân tử dám làm thì phải dám chịu.
Đã làm những điều sai trái cũng như phạm vào luật pháp thì phải an
tâm, nhẫn nại nhận chịu hình phạt, oán trời trách người hoặc có ý trốn
thoát đều là biểu hiện của kẻ nhu nhược, đều là một loại hành vi không
dám lãnh lấy trách nhiệm mà mình đã làm. (Điều này thường bị người đời
hiểu lầm là do số Trời đã định, kỳ thật hoàn toàn sai lầm).
3- Từ trong những báo ứng thống khổ này phải phản tỉnh lấy mình, từ đây về sau cần cẩn thận giữ gìn tâm tính hành vi của mình.
Hiểu rõ nhân quả báo ứng không sai sót chút nào, càng phải “chớ cho điều thiện nhỏ mà không làm, chớ cho việc ác nhỏ mà làm” (câu này do Lưu Bị nói với con của mình trước khi chết, còn Phật giáo thì nói “Chớ làm các điều ác, hãy làm các việc thiện”).
Do đó, nhân sinh quan của Phật giáo là tích cực hướng về phía trước. Đối với những sai lầm của dĩ vãng phải dũng mãnh nhìn nhận, an tâm nhẫn chịu, lấy đó để rèn luyện nhân cách tiết tháo.
Đồng thời vì sự an lạc và hạnh phúc mai sau, cần phải nỗ lực phấn đấu hướng thượng, dù thế nào cũng không nên tiêu cực, chán nản, tự hủy hoại mình.
Điều sau cùng muốn nói thêm là : Vì sao có người đời nay làm thiện,
nhưng trái lại toàn gặp điều khổ sở bất hạnh ? Một số người suốt đời làm điều xấu ác, nhưng lại tiêu diêu tự tại, giàu sang trường thọ ?
Trong nhà Phật nói “Thiện có thiện báo, ác có ác báo, nếu không thấy báo, vì thời gian chưa đến”. Câu nói này rất rõ ràng là “nếu như không thấy báo” chỉ là vì “thời gian chưa đến” mà thôi.
Làm thiện mà gặp ác báo, làm ác ngược lại gặp thiện báo, chẳng phải “nhân quả báo ứng” vượt ngoà khuôn phép, sai mất tính chân thật, mà là người hành thiện ấy đời trước đã từng làm những điều xấu, đến đời nay phải chịu những ác quả.
Còn việc thiện của họ làm hiện nay ngày sau mới có thể hưởng thiện báo.
Người làm ác gặp thiện báo cũng giống như vậy.
Phật giáo lại cho rằng nhân quả báo ứng, có cái đời nay làm đời nay liền báo, nhưng cũng có những cái phải trải qua một đời hoặc bao nhiêu đời mới bị báo ứng. Như vậy là sao ? Xin quý vị hãy xem thí dụ sau :
1- Đời nay làm đời nay báo ứng, cũng như cây cà chua một tháng là có thể thu hoạch được.
2- Đời nay làm trải qua nhiều đời sau mới báo ứng, cũng như cây nho phải trải qua vài năm sau mới có thể thu hoạch được.
Cổ nhân nói : “Thiện ác đều có báo, đạo trời vốn xoay vần, không tinngẩng đầu xem, trời xanh tha thứ ai ?”.
Các bạn học thân mến, chắc các bạn đã biết câu “Lưới pháp lồng lộng, thưa mà không lọt mảy may” rồi chứ ? Hết thảy việc ác dù nhỏ như hạt mè cũng không nên làm, bởi vì một tế bào ung thư dù nhỏ xíu, cũng có thể cướp đi sinh mạng quý báu của bạn, làm cho bạn phải đau khổ tột cùng.
Chỉ có những ai luôn theo lời dạy , không ngừng học hỏi và tu tập mới nhận thức được CHÂN LÝ , tim lại CHÂN TÂM
--------------------
Ôi ! Núi xanh vốn không già, vì tuyết mà bạc đầu
Nước xanh vốn không sầu, vì gió mà nhăn nheo.
Sưu Tầm