Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
ĐÔI BÀN TAY NGHỆ NHÂN by mytutru Today at 00:04

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 17:36

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 16:14

Lục bát by Tinh Hoa Yesterday at 14:33

EM CHIM HÁT HAY QUÁ by mytutru Fri 10 May 2024, 20:11

QUY NHƠN TÔI YÊU by phambachieu Fri 10 May 2024, 16:51

Mái Nhà Chung by mytutru Thu 09 May 2024, 23:18

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Thu 09 May 2024, 12:56

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Thu 09 May 2024, 12:37

Một thoáng mây bay 13 by Ai Hoa Wed 08 May 2024, 10:00

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Tue 07 May 2024, 08:05

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Mon 06 May 2024, 11:42

Chết rồi! by Ai Hoa Mon 06 May 2024, 11:31

LỀU THƠ NHẠC by Thiên Hùng Sun 05 May 2024, 11:06

Tranh Thơ Viễn Phương by Viễn Phương Fri 03 May 2024, 19:13

Người Em Gái Da Vàng by Viễn Phương Fri 03 May 2024, 06:36

Những Đoá Từ Tâm by Việt Đường Wed 01 May 2024, 21:49

7 chữ by Tinh Hoa Tue 30 Apr 2024, 10:59

5 chữ by Tinh Hoa Sun 28 Apr 2024, 22:27

Thi tập "Chỉ là...Tình thơ" by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:56

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:51

Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Thiên Hùng Wed 24 Apr 2024, 11:48

Trụ vững duyên thầy by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:34

THIỀN TUỆ (diệt trừ đau khổ) by mytutru Tue 23 Apr 2024, 00:07

Nhận dạng phụ nữ giàu có by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:36

Bức tranh gia đình by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:09

Mẹo kho thịt by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 07:29

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 23:01

Trang Họa thơ Phương Nguyên 2 by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 22:56

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 21 Apr 2024, 06:38

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8  Next
Tác giảThông điệp
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Empty
Bài gửiTiêu đề: 58 - HÔN ĐỨC CÔNG DƯƠNG NHẬT LỄ   Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 I_icon13Tue 07 Dec 2010, 04:46

58 - HÔN ĐỨC CÔNG DƯƠNG NHẬT LỄ

Vua Trần Minh Tông có bảy vị Hoàng tử. Năm 1329, Minh Tông nhường ngôi cho Hoàng tử trưởng là Thái tử Vượng, đó là vua Trần Hiến Tông (1329 - 1341) để lên làm Thái thượng hoàng. Ngày 11 tháng 6 năm Tân Tị ( 1341 ), vua Trần Hiến Tông mất, con thứ của Minh Tông là Hoàng tử Hạo lên ngôi, đó là vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369).
Về thế thứ, Hạo là Hoàng tử thứ tư, trên Hạo, ngoài vua Hiến Tông đã mất, còn có Cung Túc Vương Dục và Cung Tín Vương Trạch.
Ngày 25 tháng 5 năm Kỉ Dậu (1369), vua Trần Dụ Tông mất, cuộc tranh giành quyền lực trong quý tộc bắt đầu. Hoàng hậu của Minh Tông, lúc này được tôn là Hiến Từ Tuyên Thánh thái hoàng Thái hậu, đã ủng hộ con thứ của Cung Túc Vương Dục là Nhật Lễ lên nối ngôi. Bấy giờ, Cung Túc Vương Dục đã mất, Nhật Lễ cũng không phải là con đẻ của ông. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 29 a) chép rằng :
"Nhật Lễ là con của người làm trò tên là Dương Khương. Mẹ Nhật Lễ khi diễn trò có tên là Vương Mẫu. Sở dĩ có tên này vì bà hay diễn tích "Vương Mẫu hiến bàn đào" mà vai Vương Mẫu do bà đóng, nhân đó lấy làm tên mình. Bấy giờ, bà đang có thai, Dục thích sắc đẹp nên lấy làm vợ, khi bà sanh, Dục nhận (Nhật Lễ) làm con mình. Lúc ấy, Thái hậu bảo các quan rằng, Dục là con đích trưởng mà không được nối ngôi vua, lại sớm lìa đời, Nhật Lễ chẳng phải là con Dục đó sao. Nói rồi, đón Nhật Lễ làm vua, truy phong Dục làm Thái bá".
Nhật Lễ lên ngôi, tôn phong bà Hiến Từ Tuyên Thánh làm Thái hoàng Thái hậu, nhưng chỉ được sáu tháng sau thì đánh thuốc độc giết chết bà ở ở trong cung. Nhật Lễ lấy lại họ Dương, hòng cướp lấy ngôi báu của họ Trần. Cũng sách nói trên (tờ 31 b) viết rằng :
“Nhật Lễ tiếm vị, rượu chè dâm dật, hằng ngày chỉ rong chơi, thích các trò hát xướng, muốn đổi lại họ Dương, các bậc tôn thất và quan lại đều thất vọng". Tháng 11 năm Canh Tuất (1370), Nhật Lễ bị tôn thất nhà Trần và triều thần hợp sức lật đổ. Nhật Lễ bị giáng làm Hôn Đức Công, còn mẹ Nhật Lễ thì chạy vào cầu cứu Chiêm Thành, chiến tranh Chiêm - Việt từ ấy xẩy ra triền miên.

Lời bàn :

Trước đó Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật mê ca hát nên trong nhà không lúc nào dứt tiếng cầm ca, người đời không ngớt lời khen là tao nhã cũng chí phải. Cung Túc Vương Dục mê ca hát thì ít mà mê con hát thì nhiều nên bắt luôn con hát là vợ của Dương Khương về làm vợ mình, đâu biết trước đó bà đã mang thai, cho nên, người đời chê bai cũng là chí phải. Mới hay mầm hại của nhân luân và xã tắc vẫn thường nẩy nở ở sự ăn chơi trác tang. Nhật Lễ cũng như bao đứa trẻ vô tội khác, tập nhiễm thói hư của Cung Túc Vương Dục từ nhỏ, làm sao mà lớn lên lại có thể có được chút hiếu nghĩa thủy chung.
Cái chết tức tưởi của Hiến Từ Tuyên Thánh Thái hoàng Thái hậu âu cũng là lời cảnh tỉnh cho những người cầm quyền đã quá cả tin và bất cẩn trong việc chọn người nối nghiệp.
Trong sự giữ gìn, không khó gì bằng giữ đức. Đức nghiệp dòng họ Trần tích tu hơn một thế kỉ, bỗng chốc bị bọn hôn quân gian thần đổ hết. Cái cơ họ Trần sắp mất ngôi kể thế cũng đã là quá rõ.

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Empty
Bài gửiTiêu đề: 59 - ĐẠI TƯỚNG ĐỖ LỄ PHẢI MẶC ÁO CỦA ĐÀN BÀ   Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 I_icon13Sat 11 Dec 2010, 00:11

59 - ĐẠI TƯỚNG ĐỖ LỄ PHẢI MẶC ÁO CỦA ĐÀN BÀ

Tháng 1 năm Đinh Tị (1377), vua Trần Duệ Tông thân cất quân Đại Việt đi đánh Chiêm Thành, nhưng rồi bị đại bại, chết trong dám loạn quân. Về trận đánh này, sách Đại Việt sử kí toàn thư  (bản kỉ, quyển 7, tờ 44 a-b) chép như sau :
“Mùa xuân, tháng giêng, ngày 23, đại quân tiến đến cửa Thị Nại (Quy Nhơn, Bình Định ngày nay - ND) của Chiêm Thành, sau lên đến Thạch Kiều, đóng lại ở động Ỷ Mang (nay chưa rõ là đâu- ND). Chế Bồng Nga cho dựng trại phía ngoài thành Đồ Bàn (cũng tức Chà Bàn, nay thuộc Bình Định - ND), sai viên quan nhỏ là Mục Bà Ma đến trá hàng, nói dối là Bồng Nga đã chạy trốn, nay thành trống không. vậy nên tiến quân gấp, chở bỏ lỡ cơ may.
Ngày 24, Vua mặc áo đen, cưỡi ngựa đen pha sắc trắng, sai Ngự Câu Vương Húc mặc áo trắng, cưỡi ngựa trắng, kíp truyền lệnh tiến quân. Đại tướng Đỗ Lễ thấy vậy can rằng :
Nó hàng là bởi trước muốn bảo toàn đất nước. Quan quân đi vào sâu để đánh phá thành là việc bất đắc dĩ, vậy xin hãy sai một biện sĩ mang thư đến hỏi tội, cốt xem hư thực ra sao, ấy cũng như kế của Hàn Tín phá nước Yên thuở xưa, không phải khó nhọc mà vẫn thành công vậy. Cổ nhân nói lòng giặc khó lường, thần xin bệ hạ hãy xét kĩ lại.
Vua nói :
- Ta mặc giáp cứng, tay mang gươm sắc, dãi gió dầm mưa, lội sông trèo núi để vào sâu trong đất giặc, không ai dám đương đầu, thế là cơ trời giúp ta đó. Huống chi, nay chúa giặc nghe tin đã chạy trốn, không còn lòng dạ kháng cự. Cổ nhân nói, dùng binh cốt ở thần tốc, nay nếu dừng lại không tiến, thì đúng là trời cho mà không lấy, giặc lập cơ mưu khác thì hối sao kịp. Ngươi chính là hạng đàn bà.
Nói rồi lấy áo đàn bà cho Lễ mặc. Quân lính bèn nối gót nhau mà đi như xâu cá, cánh trước cánh sau cách biệt, giặc thừa cơ xông ra đánh chặn. Giờ tị (khoáng từ 9 đến 11 giờ trưa) quan quân tan vỡ. Vua bị hãm trong trận mà chết, bọn Đại tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa, Hành khiển Phạm Huyền Linh đều chết cả".

Lời bàn :

Đánh giặc cũng như đánh cờ, có khi trước phải tạm nhường mấy nước miễn sau cùng giành phần thắng thì thôi. Đại tướng Đỗ Lễ cẩn trọng, ấy cũng là phép xử thường của kẻ quen xông pha trận mạc. Duệ Tông bất chấp lời can ngăn, lại còn coi khinh mà hạ nhục, bắt Đại tướng phải mặc áo đàn bà trước mặt ba quân, chủ quan háo thắng mà vô mưu đến thế, bảo không thảm bại làm sao được. Cổ nhân dạy rằng, dụng binh mà khinh tướng, ấy là nguy. Duệ Tông hạ nhục Đại tướng Đỗ Lễ, có biết đâu là đã tự hạ nhục mình, mà xem ra, cái nhục của Duệ Tông mới thực là nỗi nhục lớn hơn cả.

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Empty
Bài gửiTiêu đề: 60 - CHUYỆN QUAN HÀNH KHIỂN ĐỖ TỬ BÌNH   Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 I_icon13Sat 11 Dec 2010, 00:13

60 - CHUYỆN QUAN HÀNH KHIỂN ĐỖ TỬ BÌNH

Đời Trần Duệ Tông (1372 - 1377) quan Hành khiển Đỗ Tử Bình được lệnh trấn giữ ở Hóa Châu (vùng Bình-Trị-Thiên ngày nay). Bấy giờ, vua Chiêm là Chế Bồng Nga sai người đem mười mâm vàng nhờ Đỗ Tử Bình dâng vua Duệ Tông, cốt tạo mối hòa hiếu nhất thời để yên bề củng cố lực lượng, hòng đối phó lâu dài với Đại Việt. Nhận vàng, Đỗ Tử Bình liền giấu vua Trần mà lấy làm của riêng, lại còn bịa đặt tâu vua rằng Chế Bồng Nga vô lễ, cần phải đem quân đi hỏi tội. Duệ Tông tưởng thật, giận lắm, cất quân đi đánh Chiêm Thành ngay.
Ngày 23 tháng 1 năm Đinh Tị ( 1377), Duệ Tông đến cửa Thị Nại (Quy Nhơn, Bình Định ngày nay). Chế Bồng Nga dùng mưu đẩy quân Trần vào đất hiểm rồi đánh cho tơi bời. Vua Trần Duệ Tông cùng một loạt tướng lĩnh cao cấp như Đại tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa, Hành khiển Phạm Huyền Linh đều chết trận, Ngự Câu Vương Húc thì bị bắt sống. Trận này, Đỗ Tử Bình chỉ huy hậu quân, không chịu đến cứu nên thoát được, còn Hồ Quý Ly thì lo việc quân lương ở phía sau, nghe tin Vua chết cũng lập tức chạy về.
Quân Đại Việt thua trận, căm ghét Đỗ Tử Bình, bèn bắt ông đem đóng cũi, đưa về kinh sư để trị tội. Dân dọc đường trông thấy, ném gạch đá vào Đỗ Tử Bình và không ngớt chửi rủa. Nhưng rồi sau đó, triều đình cũng tha tội chết cho Đỗ Tử Bình, chỉ phạt tội đồ làm lính.

Lời bàn :

Đỗ Tử Bình thấy của thì ham, cất giữ riêng mười mâm vàng là gian, lại tấu sàm về triều là thêm một lần gian nữa. Kẻ tham thì thường bất nghĩa. Đỗ Tử Bình không đi cứu vua Duệ Tông cũng là sự thường ấy thôi. Song, mấy kẻ bất nghĩa ở đời mà lại được yên than. Đỗ Tử Bình từng là Hành khiển, quyền uy một thuở đầy mình, bỗng chốc bị gông cổ đóng cũi chở về kinh để trị tội là một lần nhục, bị dân lành ném gạch đá và chửi rủa là hai lần nhục, sau rốt lại bị đồ làm lính là ba lần nhục. Ôi, đổi danh dự và cả sự nghiệp cùng chức quan Hành khiển đế lấy mười mâm vàng, sao mà rẻ rúng thế. Mười mâm vàng kia há lại bù đắp nổi ba lần nhục với người đương thời, muôn lần nhục với hậu thế được chăng ?

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Empty
Bài gửiTiêu đề: 61 - NGỰ SỬ ĐẠI PHU TRƯƠNG ĐỖ   Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 I_icon13Sat 11 Dec 2010, 00:15

61 - NGỰ SỬ ĐẠI PHU TRƯƠNG ĐỖ

Trương Đỗ (có sách viết là Trương Xã, có lẽ bởi trong Hán tự đỗ và xã có mặt chữ gần giống nhau mà viết nhầm chăng ?) người làng Phù Đái, huyện Đồng Lại (nay là Ninh Giang, Hải Dương), sau dời về ở làng Nghi Tàm (Thăng Long), đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ), làm quan đến chức Ngự sử Đại phu, Đình úy tự khanh, Trung đô phủ tổng quản. Thời Trần Duệ Tông, Trương Đỗ nổi danh với việc can vua không nên xuất quân đánh Chiêm Thành (1377). Duệ Tông không nghe, đến nỗi phải thân vong quốc nhục. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 45 a-b) chép chuyện Trương Đỗ như sau:
“Trước đây, Ngư sử Đại phu Trương Đỗ can Vua rằng: Chiêm Thành chống lệnh, tội cũng chưa đáng phải giết, đã thế, nó lại ở cõi xa xôi, núi sông hiểm trở. Nay, bệ hạ mới lên ngôi, đức chính và giáo hóa chưa thấm nhuần được tới phương xa, vậy hãy sửa sang văn đức, khiến nó tự đến thần phục. Nếu như nó không theo thì sau sẽ sai tướng đi đánh cũng không muộn. Đỗ ba lần dâng sớ can Vua không được, bèn treo mũ mà bỏ đi.
Đỗ là người thanh liêm, thẳng thắn, không bè đảng, phóng khoáng và có chí lớn. Hồi nhỏ, có lần ông ra chơi ở Hồ Tây xem tướng sĩ tập bắn và nói đùa rằng :
- Nghề này thì có khó gì?
Vị tướng quân nghe vậy, lấy làm ngạc nhiên, hỏi lại :
- Mày có bắn trúng được không ?
Ông trả lời :
- Xin thử xem.
Rồi ông bắn ba phát trúng cả ba. Tướng quân rất kinh ngạc, muốn nuôi làm con nhưng Đỗ coi khinh không theo. Sau, ông đi du học, đậu Thái học sinh, rất nổi danh. Ông làm quan trong sạch, nghèo túng, không gây dựng điền sản, con cháu nối đời làm quan cũng có tiếng nghèo mà trong sạch".

"Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : Trương Đỗ khi làm quan thì không giấu lời nói thẳng, thế là đã xứng với chức vụ của mình. Khi can ngăn thì nói đến ba lần, thế là đã dám chạm đến cả Vua. Vậy mà ông không được Vua nghe, thế là tâm trí Vua đã lẫn. Người có trách nhiệm phải nói, không được nghe theo thì bỏ đi, thế là sự tiến lui của Đỗ đã hợp lẽ phải. Tuy lời nói thẳng thường trái tai Vua nhưng lại có lợi cho thân Vua. Việc này có thể lấy làm gương được".


_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Empty
Bài gửiTiêu đề: 62 - HẬU VẬN CỦA ĐỖ TỬ BÌNH   Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 I_icon13Sat 11 Dec 2010, 00:18

62 - HẬU VẬN CỦA ĐỖ TỬ BÌNH

Năm Đinh Tị (1377), Đỗ Tử Bình vì tham mười mâm vàng mà tấu sàm về triều, gây cuộc binh đao Chiêm - Việt, khiến vua Duệ Tông cùng các Đại tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa và quan Hành khiển Phạm Huyền Linh đều phải chết trận. Năm ấy, Đỗ Tử Bình tuy may mắn được triều đình tha tội chết, nhưng phải đồ làm lính. Đường công danh của Đỗ Tử Bình đến đó tưởng đã dứt, dè đâu chỉ ít lâu sau, Đỗ Tử Bình lại được cất nhắc, leo dần lên bậc đại thần, quyền uy có phần còn lớn hơn trước nữa.
Đời Trần Phế Đế (1377 - 1388), Đỗ Tử Bình làm đến chức Hành khiển, công trạng chẳng thấy, tội thì nhiều, vậy mà vẫn cứ điềm nhiên hưởng lộc :
- Tháng 6 năm Mậu Ngọ (1378), quân Chiêm Thành tiến đánh Đại Việt, Đỗ Tử Bình thua trận, giặc vào thiêu trụi cả kinh thành Thăng Long.
- Tháng 7 năm đó, Đỗ Tử Bình xướng nghị việc thu thuế nhân đinh, Vua chấp thuận nhưng dân tình khốn khổ, ai ai cũng căm ghét.
- Tháng 5 năm Canh Thân (1380), quân Chiêm Thành lại tấn công Đại Việt, Đỗ Tử Bình được lệnh cùng Hồ Quý Ly ra trận, nhưng rồi Đỗ Tử Bình cáo ốm, xin thôi mọi binh quyền.
Con người tham lam mà hèn nhát ấy mất vào khoảng năm 1382, và chẳng hiểu sao, vua Trần Phế Đế lại truy tặng hắn tước Thái bảo và cho tòng tự ở Văn Miếu. Chuyện này khiến thiên hạ rất bất bình. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 4 a-b) có chép lại lời bàn của hai sử gia lỗi lạc là Phan Phu Tiên và Ngô Sĩ Liên như sau :

“Bậc danh nho các đời bài trừ được dị đoan, truyền giữ được đạo thống thì mới được tòng tự ở Văn Miếu, cốt để tỏ rõ đạo học có ngọn nguồn. Nghệ Tông cho Chu Văn An, Trương Hán Siêu, Đỗ Tứ Bình được dự vào đó, vì Hán Siêu là người cứng cỏi, bài xích đạo Phật. (Chu Văn) An sửa mình trong sạch, bền giữ khí tiết không cầu hiển đạt, thì cũng cho là được. Đến như Đỗ Tử Bình là hạng học nhảm chiều người, tham lam bòn vét, là kẻ gian thần hại nước, sao lại được đưa vào chỗ này ? " (Phan Phu Tiên).
“Tử Bình lén đánh cắp vàng cống của Bồng Nga, tâu bậy lừa Vua để đến nỗi Duệ Tông đi tuần phương Nam không trở về nữa, nước nhà từ đó liên tiếp mắc họa Chiêm Thành, tội ấy giết cũng chưa đáng, còn học nhảm chiều người thì chê trách làm gì" (Ngô Sĩ Liên).

Lời bàn :

Đại đạo ngả nghiêng, ngưu tầm ngưu, mã tầm mã là đây chăng ?

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Empty
Bài gửiTiêu đề: 63 -THIẾU ÚY TRẦN NGÔ LANG   Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 I_icon13Sun 12 Dec 2010, 21:49

63 -THIẾU ÚY TRẦN NGÔ LANG

Tháng 6 năm Kỉ Dậu (1369), nhân thấy Hiến Từ Tuyên Thánh cả tin. Dương Nhật Lễ lập mưu cướp ngôi họ Trần. Trước hết, Nhật Lễ giết Hiến Từ Tuyên Thánh, sau lại giết cả Thái tể Nguyên Trác và con của ông là Nguyên Tiết càng nhiều quan lại khác, tổng cộng đến hai chục người bị hại. Triều Trần điên đảo, ngay cả đến con của Trần Minh Tông là Trần Phủ (sau này là vua Trần Nghệ Tông), có con gái là Hoàng hậu của Nhật Lễ cũng hoảng hốt mà bỏ chạy lên Đà Giang. Trong số những người nuôi chí trừ loạn Nhật Lễ, chỉ Thiếu úy Ngô Lang là khôn khéo hơn cả.
Bấy giờ, Trần Ngô Lang được Nhật Lễ tin dùng nên ông ngầm kiếm kế để lấy dần lực lượng của Nhật Lễ. Vì Trần Phủ đã xuất bôn, Nhật Lễ ngày đêm lo lắng, liên tiếp cho quân đi đánh Trần Phủ. Ngô Lang bí mật nói với các tướng rằng, hãy ủng hộ phe Trần Phủ, đừng đem quân trở về kinh thành nữa. Các tướng nhờ đó mà có cớ để bỏ Nhật Lễ ra đi. Sau, Ngô Lang cũng vờ xin đi đánh, Nhật Lễ không cho.
Nhờ có quân đông, ngày 21 tháng 10 năm Canh Tuất (1370), Trần Phủ dẹp được loạn Nhật Lễ, bắt Nhật Lễ giam ở phường Giang Khẩu (Hàng Buồm, Hà Nội ngày nay – ND). Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 33b) kể chuyện Trần Ngô Lang bị Nhật Lễ giết hại ở phường Giang Khẩu như sau :
“Sai giam Nhật Lễ ở phường Giang Khẩu. Nhật Lễ gọi Ngô Lang vào trong màn nói, ta có lọ vàng chôn ở trong cung, ngươi đi lấy về đây. Ngô Lang quỳ xuống vâng lệnh. Nhật Lễ thừa cơ bóp cổ Ngô Lang đến chết. Cháu Ngô Lang là Trần Thế Đổ đem việc ấy tâu lên, Vua sai đánh chết Nhật Lễ và con hắn là Liễu, đem chôn ở núi Đại Mông. Truy tặng Ngô Lang làm Nhập nội Tư mã, ban tên thụy là Trung Mẫn Á Vương".

Lời bàn :

Nhật Lễ tiếm ngôi, giết hại tôn thất và trung thần. lại còn cho quân đi đánh nhạc phụ, tội ấy, trời không dung, đất không tha. Khi giang sơn nguy biến, Trần Ngô Lang tỏ ra khôn khéo hơn người bao nhiêu thì khi đại sự vừa xong, Ngô Lang lại tỏ ra dại dột bấy nhiêu. Trách Ngô Lang là lẽ không nên, nhưng hãy nhớ bài học Ngô Lang là điều rất nên vậy.

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Empty
Bài gửiTiêu đề: 64 - TRẦN NGHỆ TÔNG   Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 I_icon13Sun 12 Dec 2010, 21:53

64 - TRẦN NGHỆ TÔNG

Trần Nghệ Tông tên húy là Phủ, con của vua Trần Minh Tông, lên ngôi năm 1370, đến tháng 11 năm Nhâm Tí (1372) thì nhường ngôi cho em là Kính (tức vua Trần Duệ Tông) để làm thượng hoàng. Duệ Tông chết trận ở Chiêm Thành, Nghệ Tông cùng triều thần lập con trưởng của Duệ Tông là Thái tử Hiện lên ngôi, ấy là vua Trần Phế Đế (1377 - 1388). Tháng 12 năm Mậu Thìn (1388), chính Nghệ Tông đã bắt giam và sau đó ép Phế Đế phải thắt cổ tự tử để rồi lập con út của mình là Ngung lên ngôi vua, ấy là Trần Thuận Tông (1388 - 1398). Tháng 12 năm Giáp Tuất (1394) Trần Nghệ Tông mất, thọ 73 tuổi, là vua thọ nhất trong tất cả các vua triều Trần.

Lời bàn :

Khi trong triều có loạn Nhật Lễ, Nghệ Tông là người cao chạy xa bay trước nhất. Khi lên ngôi báu, Nghệ Tông không biết trọng người hiền, giao quyền cao cho Nguyễn Nhiên là kẻ mù chữ. Giặc ngoài tới, Nghệ Tông bỏ mặc kinh sư và triều thần, lo giữ thân, bất chấp cả lời khuyên của học trò Nguyễn Mộng Hoa. Sau, Nghệ Tông lại giết cháu ruột là vua Phế Đế để đưa con mình lên ngôi. Nghệ Tông thực đã tiếp loạn cho loạn vậy. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói :
“Bọn loạn thần tặc tử mà thực hiện được mưu kế của chúng nguyên nhân nào phải một sớm một chiều. Việc ấy có ngọn nguồn và phải hình thành dần dần từ lâu trước đó. Cho nên thánh nhân phải nhận biết âm mưu từ sớm, và thận trọng phòng giữ ngay. Họ Hồ cướp ngôi nhà Trần, chẳng những vì Nghệ Tông không thận trọng trước âm mưu của nó, mà còn vì (Nghệ Tông) cũng đã gây ra đầu mối nữa”.
Ngày tàn lụi của họ Trần trên chính trường đã bắt đầu từ đây rồi chăng ?
Ôi, trong trường hợp này, thọ mà làm gì !

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Empty
Bài gửiTiêu đề: 65 – NGUYỄN MỘNG HOA KHUYÊN CAN VUA TRẦN NGHỆ TÔNG   Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 I_icon13Sun 12 Dec 2010, 21:56

65 – NGUYỄN MỘNG HOA KHUYÊN CAN VUA TRẦN NGHỆ TÔNG

Tháng 6 năm Quý Hợi (1383), quân Chiêm Thành do Chế Bồng Nga cầm đầu lại tấn công Đại Việt. Giặc mới đến Quảng Oai (vùng Ba Vì, Hà Tây ngày nay), kinh sư đã nháo nhác lo sợ. Tướng Lê Mật Ôn đem quân ra chống giữ nhưng chẳng may bại trận, bị giặc bắt, triều thần càng lắm kẻ hoảng hốt hơn.
Trong lúc vận nước lâm nguy, dân cần có người trấn an thì Thượng hoàng Trần Nghệ Tông đã vội vã lên thuyền ngự, bỏ chạy lên mạn Đông Ngàn (Bắc Giang). Có người học trò tên là Nguyễn Mộng Hoa thấy vậy thì tức lắm, liền liều mạng mặc nguyên áo mũ mà lội xuống nước, đưa tay giữ thuyền ngự, khẩn thiết xin Thượng hoàng Nghệ Tông ở lại chỉ huy quan quân đánh giặc, chớ nên vội đi lánh nạn mà làm nản lòng người. Thượng hoàng Nghệ Tông vẫn cho thuyền đi gấp, không đếm xỉa gì đến lời của Nguyễn Mộng Hoa. Mãi đến sáu tháng sau, Thượng hoàng Nghệ Tông mới trở về. Trong khoảng thời gian sáu tháng đó, Nghệ Tông vui thú ở vùng Tiên Du (Bắc Ninh), cùng đám hầu cận viết bộ sách Bảo Hòa dư bút gồm đến tám quyển, nói là để dùng vào việc dạy bảo quan gia (tức vua Trần Phế Đê). Nghệ Tông lo dạy dỗ Phế Đế thế nào không rõ, chỉ biết là đến tháng chạp năm Mậu Thìn (1388), Nghệ Tông đã bắt giam và sau đó ép Phế Đế phải thắt cổ tự tử.

Lời bàn :

Kẻ nhát gan lại viết sách dạy đời, nào có khác chi kẻ thất đức lại giảng dụ về đạo hạnh hoặc kẻ mù chữ lại muốn khắp thiên hạ phải gọi mình bằng thầy. Đáng khen thay người học trò như là Nguyễn Mộng Hoa. Đáng trách thay thượng hoàng Trần Nghệ Tông yếu bóng vía. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 6b) có ghi lời bàn về việc này của Ngô Sĩ Liên như sau :
“Nghệ Tông thiếu can đảm. Giặc chưa tới đã lánh trước thì người trong nước sẽ ra sao? Mộng Hoa tuy chỉ là một học trò mà còn biết giữ Nghệ Tông lại, những kẻ ăn thịt (chỉ đám quan lại giàu có - ND) thật đáng khinh thay”.

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Empty
Bài gửiTiêu đề: 66 - THÁM HOA TRẦN ĐÌNH THÁM ĐI SỨ   Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 I_icon13Wed 22 Dec 2010, 22:53

66 - THÁM HOA TRẦN ĐÌNH THÁM ĐI SỨ

Trần Đình Thám sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết ông người làng Phúc Đa, huyện Đông Triều (nay thuộc Hải Dương), đậu Thám hoa trong khoa thi năm Giáp Dần (1374) đời vua Trần Duệ Tông (1372 – 1377). Tháng 9 năm Đinh Tị (1377), ông được triều Trần cử làm sứ giả sang Trung Quốc để báo việc Duệ Tông mất và việc con trưởng của Duệ Tông là Thái tử Hiện lên ngôi. Về chuyến đi sứ này của Trần Đình Thám, sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 46 a-b) chép như sau :

“Sai Trần Đình Thám sang cáo phó với nước Minh, nói là Duệ Tông đi tuần biên giới bị chết đuối và báo tin lập vua nối ngôi. Người Minh từ chối (việc đến viếng), lấy cớ rằng có ba thứ chết không có lễ viếng, đó là chết vì sợ, chết vì bị đè và chết đuối. Đình Thám cãi lại, nói rằng người Chiêm gây loạn quấy nhiễu ở biên cương, còn Duệ Tông có công chống nạn cứu dân, sao lại không viếng? Nhà Minh nghe vậy mới sai sứ đi điếu. Bấy giờ vua Minh đang có âm mưu muốn thôn tính nước ta, định lợi dụng sơ hở đó (để xua quân sang). Thái Sư Lý Thiện Trường can rằng, em chết vì nạn nước mà anh lập con của em lên, xem việc người như vậy thì có thể biết được mệnh trời. Việc ấy bèn bỏ đi. Đình Thám từ Thám hoa lang, trải làm Trung thư Thị lang, kiêm Tri thẩm hình viện sự. Khi họ Hồ cướp ngôi, ông giả cách làm tai điếc, bị trung thừa là Đồng Thức hặc tội, phải giáng làm Đồng giám tu Quốc sử bí thư giám”.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : kẻ sĩ lúc bé đi học là muốn biết những điều lớn lên mình sẽ làm, rồi lớn đi làm tức là làm những điều mình đã học, học ba trăm bài thơ trong Kinh Thi đi sứ bốn phương không làn nhục mệnh vua (lời Khổng Tử trong sách Luận Ngữ - ND). Đình Thám là người được như thế đó. Huống chi gặp thời (gian thần) tiếm vị, cướp ngôi, lại biết tự giấu mình để tránh quyền vị, thực đáng gọi là kẻ sĩ, không phụ với học vấn của mình vậy.

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Empty
Bài gửiTiêu đề: 67 - CHỨC TƯỚC CỦA NGUYỄN NHIÊN   Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 I_icon13Wed 22 Dec 2010, 22:56

67 - CHỨC TƯỚC CỦA NGUYỄN NHIÊN

Nguyễn Nhiên chữ nghĩa ít ỏi đến độ kể như mù chữ, vậy mà tháng 10 năm Canh Tuất ( 1370), đang ở chức Chi hậu nội nhân Phó chưởng, Nguyễn Nhiên được đưa lên làm Hành khiển, đường đường là quan đầu triều. Chưa hết, đến tháng 5 năm Nhâm Tí (1372), Nguyễn Nhiên được vua cho kiêm luôn chức Tri khu mật viện Chánh chưởng, và đến tháng 9 năm Tân Dậu (1381), Nguyễn Nhiên lại được thăng làm Nhập nội Hành khiển Hữu ti. Giao chính sự cho kẻ mù chữ, có phải là bấy giờ, nhân tài đất nước cạn hết rồi chăng? Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 32 b và 33a) chép rằng :
"Khi Vua chưa ra đi (đây chỉ việc Nghệ Tông chạy loạn Nhật Lễ- ND), Chi hậu nội nhân Phó chưởng là Nguyễn Nhiên khuyên ngài: "Người ta muốn làm hại ông (lúc này Nghệ Tông chưa lên ngôi nên Nguyễn Nhiên gọi bằng ông như vậy - ND), sao ông lại không xem thời cơ mà hành động trước". Đến khi Vua lên ngôi, lấy Nhiên làm Hành khiển, thăng làm Tả tham tri chính sự. Nhiên chữ nghĩa ít, khi phê giấy tờ, Vua thường bảo vẽ các nét chữ đưa cho Nguyễn Nhiên xem.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói : báo cho Vua tai nạn là ơn riêng, ban tước cho người giữa triều là việc công. Vua nhớ ơn Nguyên Nhiên, đền đáp bằng vàng lụa thì được, còn cho làm Hành khiển là chức quan trọng thì không thể được. Chức Hành khiển thời bấy giờ cũng như "lục khanh" đời Chu, là các quan chức điều hành chính sự của đất nước, mà lại để cho người không biết chữ làm thì không phải chọn người vì việc công vậy".

Lời bàn :

Nghệ Tông nổi tiếng nhát gan, giặc chưa đến đã lo chạy, nhưng trong việc phong chức ban tước cho Nguyễn Nhiên thì xem ra lại quá liều. Nghệ Tông đã liều mà Nguyễn Nhiên còn liều hơn. Mới hay, những kẻ tầm thường vẫn luôn có chỗ để gặp nhau.

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Sponsored content




Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần   Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần - Page 7 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 4 - Nguyễn Khắc Thuần
» Giai thoại văn học Việt Nam
Trang 7 trong tổng số 8 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8  Next

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: TRÚC LÝ QUÁN :: Lịch Sử-