Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 01:16

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:03

KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Yesterday at 16:45

KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22

NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20

KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08

Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54

Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10

7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10

Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07

Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36

Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09

Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46

Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06

Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04

DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19

Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37

Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34

TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17

CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05

Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41

Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6  Next
Tác giảThông điệp
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: 28 – VỤ ÁN ĐỖ ANH VŨ   Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 I_icon13Mon 11 Oct 2010, 01:22

28 – VỤ ÁN ĐỖ ANH VŨ


Đỗ Anh Vũ là quan thái úy phụ chính thời Lý Anh Tông. Vua Anh Tông lên ngôi năm 1138, lúc chỉ mới được hai tuổi, chính sự trong nước vì thế mà gần như đều do Đỗ Anh Vũ quyết đoán cả. Phụ hoàng của Lý Anh Tông là Lý Thần Tông mất lúc mới 22 tuổi, bởi thế, các hoàng hậu và phi tần phải chịu cảnh góa bụa lúc còn quá trẻ. Đỗ Anh Vũ muốn nhân cơ hội đó tư thông với các bà hoàng, gây chuyện dâm loạn trong cung đình. Vì việc này mà một vụ án lớn đã xẩy ra vào năm Canh Ngọ (1150). Năm ấy, vua Lý Anh Tông 14 tuổi. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 4, tờ 7 a-b) đã chép về vụ án này như sau:

“Trước đó, Vua còn trẻ thơ, mọi việc chính sự lớn nhỏ đều ủy thác cho Đỗ Anh Vũ cả. Anh Vũ sai vợ là Tô thị ra vào cung cấm hầu hạ Đỗ Thái hậu, nhân đó mà tư thông với Lê Thái hậu (mẫu hậu của AnhTông), và vì thế mà càng kiêu rông, ở triều đình thì khoát tay lớn tiếng, sai bảo quan lại thì hất hàm ra hiệu, mọi người liếc nhau chứ không ai dám nói. Quan Điện tiền đô chỉ huy sứ là Vũ (Cát) Đái, chức Hỏa đầu đô Quảng Vũ là Lương Thượng Cá, chức Hỏa đầu đô Ngọc Giai là Đồng Lợi, chức Nội thị là Đỗ Ất, cùng với bọn Trí Minh Vương, Bảo Ninh Hầu, Phò mã lang Dương Tự Minh... cùng hợp mưu bắt giam Anh Vũ. Bàn tính xong, bọn Đái đem quân lính đến ngoài cửa Việt Thành hô to lên rằng:
- Anh Vũ ra vào cấm đình, làm nhiều điều ô uế, tiếng xấu đồn ra ngoài, không tội gì to bằng. Bọn thần xin sớm trừ đi, khỏi để mối lo về sau.
(Vua) bèn xuống chiếu sai cấm quân đến bắt Anh Vũ, trói giam ở hành lang Tả Hưng Thánh và giao cho đình úy xét việc. Thái hậu sai người mang cơm rượu cho Anh Vũ, ngầm để vàng vào đồ đựng thức ăn để đút cho Vũ Đái và các người canh giữ. Hỏa đầu đô Tả Hưng Thánh là Nguyễn Dương nói:
- Các ông tham của đút, tôi với các ông tất không thoát khỏi tay Anh Vũ đâu, chi bằng cứ giết trước đi cho khỏi tai họa về sau.
Nói rồi, cầm giáo định đâm. Đô Tả Hưng (Thánh) là Đàm Dĩ Mông ôm Dương, cướp lấy giáo, nói ngăn rằng:
- Điện tiền bảo Anh Vũ tội đáng chết nhưng còn phải đợi mệnh vua, không nên tự tiện.
(Nguyễn) Dương giận, chửi rằng:
- Điện tiền Vũ Cứt Đái chứ chẳng phải Vũ Cát Đái (hai chữ Cát Đái đọc theo âm chữ Nôm là Cứt Đái). Hắn sao mà tham của đút đến quên cả mạng mình!
Nói xong, tự biết không khỏi chết, bèn nhảy xuống giếng tự tử.

Bấy giờ, Vua xử án Anh Vũ, đày Anh Vũ làm Cảo điền nhi (tức là đày đi là người cày ruộng cho nhà nước ở vùng Cảo Xã, nay thuộc đất Từ Liêm, Hà Nội). Thái hậu lo buồn, cố nghĩ cách để phục hồi chức tước cho Anh Vũ, bèn mở hội lớn nhiều lần để Vua ân xá cho tội nhân, mong rằng Anh Vũ cũng được dự vào đấy. Anh Vũ sau nhiều lần được ân xá tội lại giữ chức thái úy như cũ, càng được yêu dùng hơn, do vậy càng làm oai làm phúc, sát hại mọi người, lúc nào sự thù hằn cũng lộ rõ ra ngoài. (Hắn) còn sợ bọn lính đi bắt bớ thi hành lệnh không được như ý, mới dâng vua hơn một trăm thủ hạ, lập làm đô Phụng Quốc Vệ, hễ ai phạm tội cũng giao cho lính ở đô Phụng Quốc Vệ đi bắt. Anh Vũ tâu Vua rằng:
- Trước kia bọn Vũ (Cát) Đái tự tiện đem cấm quân xông vào tận cung đình, tội ấy không gì to bằng, nếu không sớm trừng trị, sợ một ngày kia sinh biến, không thể lường trước được.
Vua chẳng biết gì cả, bèn y lời tâu.  Anh Vũ sai đô Phụng Quốc Vệ đi bắt bọn Vũ Đái giam vào ngục để trị tội. (Vua) xuống chiếu giáng Trí Minh Vương làm tước hầu, Bảo Ninh Hầu làm tước Minh tự, Bảo Thắng hầu làm Phụng chức, nội thị là bọn Đỗ Ất gồm 4 người bị “cưỡi ngựa gỗ” (đem đóng đinh lên ván, bêu ở chợ rồi sau mới tùng xẻo da thịt), bọn Hỏa đầu đô Ngọc Giai là Đồng Lợi gồm 8 người bị chém ở chợ Tây Giai, bọn Điện tiền đô chỉ huy Vũ (Cát) Đái gồm 20 người bị chém bêu đầu ở các bến sông, bọn Phò mã lang Dương Tự Minh gồm 30 người bị tội lưu ở nơi xa độc, những người dự mưu đều bị tội đồ làm điền hoành, khao giáp ... quả y như lời nói của (Nguyễn) Dương”.

Lời bàn:

Vũ Cát Đái và những người đồng mưu bắt Đỗ Anh Vũ chẳng qua chỉ vì muốn giành những gì béo bở mà địa vị của Đỗ Anh Vũ có thôi. Có thế họ mới thản nhiên ăn của đút, bất chấp cả sự giận dữ của Nguyễn Dương. Ôi, vua nhỏ tuổi, thái hậu dâm loạn, quyền thần gian tà thi nhau lũng đoạn, phép nước chẳng còn ai lưu tâm tới nữa... nước chẳng có giặc mà thực là như đang có giặc, nguy lắm thay!

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: 29 - CÁI CHẾT CỦA NGUYỄN QUỐC DĨ   Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 I_icon13Mon 11 Oct 2010, 01:25

29 - CÁI CHẾT CỦA NGUYỄN QUỐC DĨ


Nguyễn Quốc Dĩ (cũng có sách chép là Nguyễn Quốc) vốn người có tài, từng nhận mệnh vua Lý Anh Tông đi sứ sang nhà Tống. Tuy nhiên, con người vốn có tài ấy lại chết một cách tức tưởi vào năm Mậu Dần (1158). Sách Đại Việt sử lược (quyển 3, tờ 6-a) chép rằng:
“Viên tạ ti Nguyễn Quốc Dĩ đi sứ nhà Tống về. (Ông) tâu vua:
- Thần đến nước Tống, thấy ở giữa sân (triều đình) có cái hòm bằng đồng để thu nạp những tờ sớ của bốn phương. Thần xin bệ hạ phỏng theo cách đó (mà làm) để thấu rõ được dân tình.
Vua lấy làm phải, sai làm hòm để ở trước triều đình và lệnh rằng;
- Ai muốn nói việc gì thì làm giấy bỏ vào hòm đó.
Khoảng chừng một tháng, các thư sớ đã đầy hòm, trong đó có một tờ sớ nặc danh, bỏ trộm vào hòm, viết rằng: “Thái úy Đỗ Anh Vũ định đem binh vào cung làm loạn”. Kẻ nhận thư bèn đưa cho Anh Vũ. Anh Vũ  nói:
- Ông hãy vì ta mà tâu vua xin xét việc đó.
Đến khá lâu sau vẫn không tìm ra kẻ viết thư, Anh Vũ bèn tâu vua rằng:
- Thư ấy tất do người đề xướng việc làm hòm viết ra.
Vua lấy làm phải, sai bắt Quốc Dĩ và em gái là Nghi giao cho quan xét xử, bày đặt buộc tội cho Quốc Dĩ rồi đày Quốc Dĩ lên trại Quy Hóa. Được ít lâu, vua tính triệu Quốc Dĩ về, Anh Vũ sai người đem thuốc độc cho Quốc Dĩ và nói:
- Uống thuốc này thì có thể tránh được chướng khí. Quốc Dĩ biết rằng không thể thoát được, bèn uống thuốc độc mà chết”.

Lời bàn:

Nguyễn Quốc Dĩ muốn bắt chước thiên triều nên mới tâu xin vua đặt cái hòm bằng đồng ở giữa sân rồng. Nhưng ở thời quyền thần lũng đoạn và vu hãm lẫn nhau, vua thì bạc nhược và u mê, thử hỏi cái hòm kia phỏng có ích gì? Xót thay, cái hòm ấy chỉ để chôn Nguyễn Quốc Dĩ với những ý định tốt đẹp của ông mà thôi!

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: 30 - THÁI TỬ LÝ LONG XƯỞNG BỊ PHẾ   Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 I_icon13Mon 11 Oct 2010, 01:28

30 - THÁI TỬ LÝ LONG XƯỞNG BỊ PHẾ


Lý Long Xưởng sinh năm Tân Mùi (1151) là con trưởng của vua Lý Anh Tông, được Anh Tông cho lập làm Đông cung Thái tử. Với Thái tử Long Xưởng, ngôi vị Hoàng đế Đại Việt tương lai kể như đã cầm chắc trong tay. Thế nhưng, từ khi được lập làm thái tử, Lý Long Xưởng chỉ lo hoang chơi.
Sự thể quả đúng là “giỏ nhà ai, quai nhà nấy”, vua Anh Tông cũng nổi tiếng ăn chơi một thời. Trong Việt sử tiêu án, sử gia Ngô Thì Sĩ đã phải thốt lên rằng: “Ơn trạch của họ Lý đến đây tiêu ma hết cả”. Thế nhưng, kẻ nổi tiếng ăn chơi này cũng phải chào thua con mình. Long Xưởng hơn hẳn vua cha ở chỗ, không chỉ ăn chơi mà còn hoang dâm vô độ, đến nỗi bất chấp cả sự loạn luân. Năm Giáp Ngọ (1174), Long Xưởng thông dâm với cả cung phi của Anh Tông. Sách Đại Việt sử lược (quyển 3, tờ 8 - a) chép rằng:
“Long Xưởng có tính hiếu sắc, trong cung có những cung nữ được vua yêu dấu, Long Xưởng đều tư thông với họ. Vua lại ghét Long Xưởng vô lễ. Bà Nguyên phi Từ thị được Vua yêu, Hoàng hậu bèn sai Long Xưởng ngầm giở ngón tư tình để mê hoặc Từ thị, muốn cho bà Từ thị đó bị Vua nhạt tình. Từ thị đem hết việc đó tâu vua, Vua nhân đó mà giận dữ, phế Long Xưởng đi”.
Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 4, tờ 15 - b) còn cho biết thêm là Long Xưởng bị phế làm thứ dân và bị bắt giam một thời gian. Sau, đến đời vua Lý Cao Tông, vào năm Tân Sửu (1181) Long Xưởng ra tù, lại tụ họp bọn bất lương cướp bóc bừa bãi.

Lời bàn:

Thời Tiền Lê có Long Đĩnh, thời Lý lại có Long Xưởng, đất nước phải hai phen kinh hoàng. Nhưng, khác hẳn với thời Tiền Lê, thời vua Lý Anh Tông quả là vô cùng khéo góp: Vua cha hoang chơi, Thái tử hoang dâm, Hoàng hậu thì vì chút lợi riêng mà đang tâm xúi con mình làm điều vô đạo. Cha ấy, mẹ ấy thì con ấy, nào có lạ gì đâu. Vua Lý Anh Tông phế Long Xưởng xuống hàng thứ dân, thế là trong cái sai, còn có thêm cái sai nữa, bởi vì làm thứ dân mà thất đức cũng không thể làm nổi.


_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: 31 - LÝ LONG TRÁT ĐƯỢC LẬP LÀM THÁI TỬ NHƯ THẾ NÀO?   Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 I_icon13Mon 11 Oct 2010, 23:54

31 - LÝ LONG TRÁT ĐƯỢC LẬP LÀM THÁI TỬ NHƯ THẾ NÀO?


Sau khi Lý Long Xưởng bị phế, ngôi Đông cung Thái tử của triều Lý vẫn còn tạm để trống, hoàng tộc cũng như triều đình Lý Anh Tông đều lấy đó làm mối lo. Bấy giờ, Lý Anh Tông tuy chưa đầy 40 tuổi, nhưng sức khoẻ lại quá yếu, sống chết chưa biết thế nào.
Đang khi Anh Tông buồn giận thì bà Đỗ Thuỵ Châu (mẹ đẻ của hoàng tử Lý Long Trát) sai bà nhũ mẫu bế Long Trát tới. Bấy giờ, hoàng tử Long Trát mới được hơn một tuổi, trông bụ bẫm và rất kháu khỉnh. Chính sự ngây thơ trong trắng của vị hoàng tử tí hon này đã lấy lại sự quân bình cho nhà vua. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 4, tờ 16-a) chép rằng:
“Bấy giờ có nội nhân ẵm Long Trát ra. Long Trát thấy vua đội mũ, liền khóc đòi đội. Vua chưa kịp tháo mũ đưa cho thì càng khóc to hơn. Vua bèn tháo mũ đội cho, Long Trát cả cười. Vua càng lấy làm lạ, bèn quyết ý lập Long Trát làm thái tử”.
Thực ra, ý định lập Long Trát đã có từ trước. Cũng sách trên (tờ 15-b) chép:
“Một hôm, vua gọi tể tướng đến bảo rằng: Thái tử là gốc lớn của nước, Long Xưởng đã làm điều trái đạo, trẫm muốn cho Long Trát nối giữ nghiệp lớn, nhưng nó còn nhỏ tuổi, sợ không đương nổi, mà đợi nó lớn thì trẫm đã già yếu, biết làm thế nào?”.
Có lẽ lời ấy đã bay đến tai bà Đỗ Thụy Châu nên mới có sự sắp đặt khôn khéo như đã kể trên chăng?

Lời bàn:

Vua Lý Anh Tông một đời nhu nhược, hoang chơi và lầm lỗi. Phế Long Xưởng để lập Long Trát thì nào có khác gì đổi sự đau khổ này lấy sự bất hạnh khác? Song, cái gọi là giềng mối chính thống của hoàng tộc vốn đã bó buộc tư duy cả một thời, Anh Tông không lập Long Trát cũng khó mà yên được. Vua cha còn không giữ được sự sạch sẽ cho ngai vàng huống chi là Long Trát sau này lên ngôi lúc chỉ mới được ba tuổi. Xem ra, đời con còn có chỗ hơn đời cha, Lý Long Trát (tức Lý Cao Tông) chẳng những làm dơ ngai vàng mà còn làm dơ cả những trang sử cuối của triều Lý. Kẻ phải chịu đựng sự dơ bẩn ấy, bao giờ cũng chỉ có dân mà thôi!

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: 32 - CHIÊU LINH HOÀNG THÁI HẬU HỐI LỘ TÔ HIẾN THÀNH   Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 I_icon13Mon 11 Oct 2010, 23:57

32 - CHIÊU LINH HOÀNG THÁI HẬU HỐI LỘ TÔ HIẾN THÀNH


Tháng 7 năm 1175, vua Lý Anh Tông mất. Trước đó một năm, con trưởng của Anh Tông là Long Xưởng, do ăn ở vô đạo nên đã bị truất ngôi Thái tử, con thứ sáu của Anh Tông là Long Trát, bấy giờ mới hơn một tuổi, được vua cha cho thay anh giữ ngôi vị này. Mẹ của Long Xưởng là Chiêu Linh tuy buộc phải vâng mệnh nhưng trong lòng vẫn còn rất ấm ức. Đến khi Lý Anh Tông trở bệnh nguy kịch. Bà lại tìm cách thuyết phục Anh Tông thêm một lần nữa. Bởi sự việc này mà đã có một cuộc đối đáp rất đáng ghi nhớ giữa một bên là vua Anh Tông và quan quyền nhiếp chính là Tô Hiến Thành với một bên là bà Chiêu Linh.

Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 4, tờ 16-b) chép rằng:

“Trước đó, khi Vua ốm nặng, Hoàng hậu Chiêu Linh lại xin lập Long Xưởng.
Vua nói:
- Làm con bất hiếu thì trị dân làm sao được?
(Nhà vua bèn để) di chiếu cho Tô Hiến Thành giúp đỡ Thái tử, công việc quốc gia đều phải theo phép cũ mà làm. Bấy giờ, Thái hậu (Chiêu Linh) muốn làm chuyện phế lập, nhưng lại sợ Tô Hiến Thành không nghe, bèn đem vàng bạc đút cho vợ (của Tô Hiến Thành) là bà Lữ Thị. Hiến Thành (biết được), nói rằng:
- Ta là đại thần nhận mệnh của tiên đế lo giúp đỡ vua còn bé, nay lại ăn của đút mà làm chuyện phế lập, thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở suối vàng?
Thái hậu lại gọi Hiến Thành đến dỗ dành trăm cách, nhưng Hiến Thành vẫn một mực nói rằng:
- Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có chịu làm, huống chi lời của Tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc Y Doãn, Hoắc Quang hay sao? Thần không dám vâng lệnh”.
Trong câu trả lời của mình, Tô Hiến Thành có nhắc đến hai nhân vật của Trung Quốc, đó là Y Doãn và Hoắc Quang để tự nhấn mạnh mình là bậc trung thần, không thể bị mua chuộc. Y Doãn là bề tôi của nhà Thương, nhận mệnh vua Thành Thang giúp đỡ vua còn nhỏ tuổi là Thái Giáp. Thái Giáp thất đức, Y Doãn liền bắt đi đày ở Đồng Cung, sau Thái Giáp hối cải, Y Doãn lại đón về tôn lên ngôi vua như cũ. Hoắc Quang là bề tôi của nhà Hán, nhận mệnh Hán Võ Đế giúp đỡ vua trẻ là Phất Lăng. Sau, Phất Lăng lên nối ngôi, đó là Hán Chiêu Đế. Bấy giờ, con trưởng của Hán Võ Đế là An Vương Đản cùng bọn Thượng Quan Kiệt, Tăng Hoằng Dương mưu giành ngôi, bị Hoắc Quang giết chết.

Lời bàn:

Chiêu Linh xúi Long Xưởng làm chuyện vô đạo, gây mối loạn luân trong cung đình, đó là một lần lỗi. Chiêu Linh biết Long Xưởng vô đạo mà vẫn cố tìm cách xin vua Anh Tông cho Long Xưởng được làm thái tử và lên nối ngôi, đó là hai lần lỗi. Chiêu Linh đường đường là thái hậu mà định lợi dụng bà Lữ Thị để hối lộ quan phụ chính là Tô Hiến Thành, đó là ba lần lỗi. Ba lần lỗi lớn ấy đủ để tiêu hủy danh vọng một đời, vậy mà sau Chiêu Linh vẫn chưa tỉnh ngộ. Gớm thay!
Tô Hiến Thành nghiêm tuân mệnh vua, không tham giàu để lấy của hối lộ bất nghĩa, quan lại như ông, quả là không phải nhiều, Tô Hiến Thành đọc sử để tự răn mình, hậu thế có lẽ cũng nên noi gương ông, đọc sử để biết đạo lí cổ nhân mà lo tích đức vậy.

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: 33 - MƯU PHẾ LẬP CUỐI CÙNG CỦA THÁI HẬU CHIÊU LINH   Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 I_icon13Sat 16 Oct 2010, 15:50

33 - MƯU PHẾ LẬP CUỐI CÙNG CỦA THÁI HẬU CHIÊU LINH


Năm Giáp Ngọ (1174), Long Xưởng vì làm chuyện vô luân nên bị truất ngôi thế tử. Lỗi lớn này của Long Xưởng thực đã có gốc ở Chiêu Linh, bởi trước đó, chính Chiêu Linh vì ghen tuông mà ngầm sai Long Xưởng tư thông với các phi tần của vua cha là Lý Anh Tông. Từ khi Long Xưởng mất ngôi thế tử, Chiêu Linh ngày đêm lo lắng, cố tìm đủ mọi cách để Long Xưởng được phục chức. Hết nài nỉ vua Anh Tông khi Anh Tông lâm bệnh nguy kịch, Chiêu Linh lại xoay sang mua chuộc và hối lộ quan thái úy phụ chính là Tô Hiến Thành. Bị thất bại, Chiêu Linh vẫn không nản. Đến năm Mậu Tuất (1178), Chiêu Linh thái hậu quyết định giở ngón bài cuối cùng. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 4, tờ 18-a) đã chép rằng:

“Hết quốc tang. Chiêu Linh hoàng thái hậu ban yến cho các quan ở cung điện riêng rồi nhân đó bảo rằng:
- Hiện nay Tiên đế đã chầu trời, vua nối còn thơ ấu, nước Chiêm Thành thất lễ, người phương Bắc thì cướp phá biên cương. Các khanh chịu ơn nặng của triều đình thì hãy nên lo việc của nước nhà. Kế sách ngày nay không gì hay bằng lập lại Thái tử (chỉ việc lập lại Long Xưởng - ND) để vận nước được lâu, lòng dân cũng được yên.  
Các quan đều chấp tay, cúi đầu nói:
Thái phó (chỉ Tô Hiến Thành) nhận mệnh lệnh rõ ràng của Thiên tử. Bệ hạ cũng đã nhiều lần dỗ bảo rồi. Bọn thần không dám trái lệnh.
Nói xong đều lạy tạ mà lui ra. Hiến Thành lãnh cấm binh, nghiêm hiệu lệnh, thưởng phạt công bằng, người trong nước đều quy phục”.

Lời bàn:

Khéo khen cho Chiêu Linh giỏi nuôi mưu phế lập, đã thế, còn dám lấy lòng yêu nước thương dân để tô vẽ cho mưu đen của mình. Hối lộ bậc lương đống trung thần như Tô Hiến Thành không xong, Chiêu Linh xoay qua mua chuộc các quan dưới trướng Tô Hiến Thành, những tưởng quan nhỏ dễ khiến, ngờ đâu không một ai chịu nghe lời. Bởi lòng thành ấy của trăm quan mà khi Tô Hiến Thành mất (1179), Chiêu Linh cũng không dám mua chuộc họ nữa. Ngón bài cuối cùng của Chiêu Linh thất bại, song Chiêu Linh vẫn vô sự. Chiêu Linh có thể làm chuyện càn quấy là bởi phép nước không nghiêm đó thôi.

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: 34 - LÝ LONG XƯỞNG VỪA SỢ VỪA THẸN   Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 I_icon13Sat 16 Oct 2010, 15:52

34 - LÝ LONG XƯỞNG VỪA SỢ VỪA THẸN


Chiêu Linh Thái hậu biết thuyết phục Tô Hiến Thành hợp mưu phế Long Trát để lập Long Xưởng là không thể được, nhưng vẫn cố nói lần cuối cùng. Đây là lần căng thẳng nhất và ngay sau đó thì chỉ chút xíu nữa là có chuyện thanh toán lẫn nhau. Sách Đại Việt sử lược (quyển 3, tờ 9-a) chép rằng:

“Thái hậu biết rằng âm mưu của mình không thành, song vẫn quyết không chịu đổi ý. Bởi vậy, bà cho mời Tô Hiến Thành đến và bảo rằng:
- Ông đối với nước có thể gọi là trung đấy. Song, tuổi ông cũng đã về chiều, vua ông đang thờ thì tuổi còn nhỏ, những việc ông làm rồi ai sẽ biết cho? Chi bằng lập trưởng quân (chỉ Lý Long Xưởng) thì người đó sẽ mang ơn ông mà cho ông được giàu sang lâu dài, thế có phải là hay hơn không ?
Hiến Thành đáp:
Bất nghĩa mà được giàu sang, đó không phải là việc mà bậc trung thần nghĩa sĩ chịu làm. Huống chi, di chúc tiên vương còn văng vẳng bên tai, công luận sẽ nói như thế nào ? Thần không dám phụng chiếu.
(Nói xong thì) đi nhanh ra ngay. Thái hậu bèn sai người mời Bảo Quốc Vương (tức Lý Long Xưởng) đến gấp. Bảo Quốc Vương nửa mừng nửa sợ, lấy thuyền nhỏ mà theo sông Tô Lịch vào kinh. Hiến Thành bèn mời các quan chức tả hữu đến, dụ bảo rằng:
Tiên vương thấy ta và các ngươi hết sức phò vua, không ở hai lòng nên mới phó thác ấu chúa cho chúng ta. Nay Bảo Quốc Vương nghe lời thái hậu, muốn phế bỏ Chúa thượng để tự lập làm vua các ngươi phải hết lòng cố gắng, nghe mệnh ta truyền bảo, ai vâng mệnh ta, ta thưởng cho suốt đời, ai trái lệnh ta, ta sẽ giết ở chợ. Các ngươi nên gắng sức.
Các quan ai nấy đều nghe mệnh. Lát sau, Bảo Quốc Vương đến cửa Ngân Hà. Thái hậu cho mời gấp lắm. Bảo Quốc Vương toan vào nhưng bị các quan ngăn lại, nói rằng:
- Chúng tôi chưa được nghe chiếu chỉ nên không dám phụng mệnh. Nếu Vương cứ cố mà vào thì kẻ phạm đến vương không phải là chúng tôi mà là quân lính đấy.
Bảo Quốc Vương nghe nói thế, vừa sợ vừa thẹn mà bỏ đi”.

Lời bàn:

Sự đối nghịch giữa Chiêu Linh và Tô Hiến Thành nào phải chỉ là sự đối nghịch trong một ý kiến cụ thể. Thực ra, đây là sự đối nghịch của hai nhân cách, của thấp hèn và cao thượng, của gian tà và trung nghĩa, của ích kỉ với chí công... Long Xưởng và Chiêu Linh gặp nhau ở sự thấp hèn, gian tà và ích kỉ, ở sự công khai chống đối quyết liệt vì những mục đích cá nhân của mình. Song, điều đáng nói ở đây chính là việc sử đã chép rõ Long Xưởng vừa sợ vừa thẹn. Kẻ nổi danh ngang tàng vì sao lúc này lại sợ ? Ấy là bởi hơn ai hết, Long Xưởng tự biết mình bất nghĩa. Kẻ to gan từng làm chuyện loạn luân nhơ nhuốc ở trong cung đình, vì sao lúc này lại thẹn ? Ấy là bởi, chút nhân bản cực kì hiếm hoi đã xuất hiện trong con người Long Xưởng. Long Xưởng tự biết mình vô đạo quá mức. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng thấy sử chép việc Long Xưởng vừa sợ vừa thẹn. Dẫu ít ỏi đến mức chỉ có một lần, nhưng thế còn hơn là không.

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: 35 - SỰ VÔ TƯ VÀ TRUNG THỰC CỦA TÔ HIẾN THÀNH   Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 I_icon13Sat 16 Oct 2010, 15:59

35 - SỰ VÔ TƯ VÀ TRUNG THỰC CỦA TÔ HIẾN THÀNH


Tô Hiến Thành sinh năm nào không rõ, chỉ biết thời trị vì của Lý Anh Tông, ông đã là một bậc lão thần của nhà Lý và thời Lý Cao Tông, ông được quyền thay vua nhỏ tuổi nhiếp chính sự. Tô Hiến Thành mất vào tháng 6 năm Kỉ Hợi (1179). Đó là một tổn thất lớn cho triều Lý, bởi lúc bấy giờ, vua Lý Cao Tông mới 8 tuổi, chưa thể tự quyết đoán được mọi việc phức tạp của nước nhà, trong lúc đó, bà Chiêu Linh Thái hậu vẫn chưa chịu từ bỏ mưu đồ truất phế Lý Cao Tông để đưa Lý Long Xưởng là tên vô đạo lên thay. Cả triều đình lấy đó làm mối lo lớn, nhất là bà Đỗ Thái hậu (tức bà Thụy Châu Thái hậu, mẹ đẻ của vua Lý Cao Tông).
Lúc Tô Hiến Thành trở bệnh nguy kịch, có một câu chuyện rất cảm động, phản ánh nhân cách khả kính của ông, đã được sách Đại Việt sử lược (quyển 3, tờ 10-a) chép lại như sau:

'Trước đây, khi Hiến Thành ở trên giường bệnh, chỉ có quan Tham tri chính sự là Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ ở bên cạnh, quan Gián nghị đại phu là Trần Trung Tá vì nhiều công việc bận, không có thời giờ rảnh rỗi tới thăm Hiến Thành được. Khi bệnh tình đã thành nguy kịch, Bà Thái hậu (đây chỉ Đỗ Thái hậu - ND) tới thăm và hỏi Hiến Thành rằng :
- Nếu có mệnh hệ nào thì ai thay ông được ?
Hiến Thành đáp :
- Người mà bình nhật thần biết chỉ có Trung Tá mà thôi.
Thái hậu nói :
Tán Đường ngày ngày hầu hạ thuốc thang cho ông, ông không nói tới là làm sao ?
Hiến Thành đáp :
- Bệ hạ hỏi ai có thể thay thần nên thần mới nói đến Trung Tá, còn nếu như Bệ hạ hỏi người hầu hạ phụng dưỡng, thì phi Tán Đường ra, còn ai nữa.
Thái hậu tuy khen Hiến Thành là trung, nhưng rồi cũng không nghe lời ông, Lấy Đỗ An Thuận (các sách khác chép là Đỗ An Di, có lẽ do Di và Thuận mặt chữ Hán gần giống nhau nên chép lầm. Đỗ An Thuận là em ruột của Đỗ Thái hậu - ND) trông coi việc triều chính".
Xin nói thêm : Tô Hiến Thành mất, Vua bãi chầu 7 ngày, ăn chay 3 ngày để tỏ rõ sự đặc biệt kính trọng.
Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 4), sau khi lược chép lại chuyện này, đã trân trọng ghi lại lời bàn của sử thần Ngô Sĩ Liên như sau :
Tô Hiến Thành nhận việc kí thác con côi, hết lòng trung thành, khéo xử trí khi có biến cố, tuy bị gió lay sóng dập mà vẫn đứng vững như cột đá giữa dòng, khiến trên yêu dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần ngày xưa. Huống chi, đến lúc sắp chết còn vì nước tiến cử người hiền, không hề vì ơn riêng. Thái hậu không dùng lời nói này của Hiến Thành là việc không may cho nhà Lý vậy”.
Các tác giả sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 5, tờ 20) thì bàn rằng : "Sau Gia Cát Vũ Hầu (tức Khổng Minh Gia Cát Lượng - ND) chỉ có người này mà thôi".

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: 36 - NGUYỄN ĐA CẨM BỊ CẮN . . . .   Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 I_icon13Sat 16 Oct 2010, 16:01

36 - NGUYỄN ĐA CẨM BỊ CẮN....


Sang nửa sau thế kỉ XII, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân chống lại nền thống trị của triều Lý liên tiếp bùng nổ, triều Lý đã phải nhiều phen xuất quân đi đánh dẹp. Có những trận, quân đội nhà Lý do đích thân các vị đại thần hoặc thân vương trực tiếp chỉ huy. Năm Ất Tị (1185), đồng bào các dân tộc ít người ở Sách Linh (nay chưa rõ là nơi nào) đã nổi dậy. Cầm đầu lực lượng của họ lúc ấy là thủ quân Đinh Vũ và quan lang Đinh Sáng. Triều đình Lý Cao Tông rất lấy làm lo sợ, vội sai Kiến Ninh Vương Long Ích đem hơn một vạn quân đi đàn  áp. Long Ích cho quân đến đóng ở Đỗ Gia Thôn (một địa điểm ở gần Sách Linh) và liên tục chiêu dụ thủ lĩnh của lực lượng nổi dậy này đầu hàng. Thấy khó bề chống đỡ, Đinh Vũ và Đinh Sáng ra hàng. Nhưng, cả hai vừa ra đến nơi thì lập tức bị Long Ích sai quân bắt trói lại.
Quá bất ngờ vì bị ngược đãi, cả Đinh Vũ lẫn Đinh Sáng đều kêu la và đúng lúc ấy, một chuyện chẳng hay ho gì đã xảy ra. Sách Đại việt sử lược (quyển 3, tờ 11-a) cho biết rằng, tùy tướng của Long Ích là Nguyễn Đa Cẩm thấy Đinh Vũ và Đinh Sáng đã bị bắt trói thì nghĩ rằng họ tất phải sợ oai, quyền sinh sát ở trong tay mình, mình muốn làm gì mà chẳng được. Nghĩ vậy, Nguyễn Đa Cẩm vừa không ngớt chửi rủa, vừa tiến lại gần sát để tiểu tiện vào miệng của Đinh Vũ và Đinh Sáng. Thế cùng, Đinh Vũ bèn cắn nghiến ngọc hành của Nguyễn Đa Cẩm. Đau quá, Nguyễn Đa Cẩm lấy hết sức thoi thật mạnh vào Đinh Vũ, lúc ấy Đinh Vũ mới buộc miệng nhả ra. Nguyễn Đa Cẩm rút được của quý ra nhưng cũng bị ngã xuống đất ngất xỉu. Bấy giờ, Long Ích bèn sai người làm con cá bằng gỗ để khóa miệng Đinh Vũ và Đinh Sáng lại rồi đánh cho đến chết, xong, đem thây phơi ra đường để trấn áp tinh thần dân Sách Linh.

Lời bàn:

Dân có nổi dậy thì đó cũng chẳng qua là chuyện chẳng đặng đừng, mọi thời chính sự suy vi đều thấy cả. Long Ích đường đường là thân vương của triều đình mà thất hứa với hai thủ lĩnh nhỏ của dân, làm chuyện ngược đãi kẻ qui thuận, lỗi ấy thật khó bỏ qua. Nguyễn Đăng Cẩm cậy thế kẻ thắng, chửi mắng đã thô tục, tiểu tiện vào miệng tù nhân lại còn thô tục hơn. Sự xúc phạm nhân phẩm thô bạo ấy, chỉ mới nghe qua đã lấy làm xấu hổ. Đinh Vũ ở thế cùng thì phải xử theo kiểu thế cứng, cắn Nguyễn Đa Cẩm cũng là điều dễ hiểu.

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: 37 - NHÀ SƯ XỨ TÂY VỰC VỚI PHÉP GIÁNG HỔ   Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 I_icon13Sat 16 Oct 2010, 16:02

37 - NHÀ SƯ XỨ TÂY VỰC VỚI PHÉP GIÁNG HỔ


Sách Đại Việt sử lược (quyển 3, tờ 11-b) có chép một mẩu chuyện xảy ra ở nước ta vào mùa thu năm Đinh Mùi (1187), dưới thời trị vì của vua Lý Cao Tông như sau :

“Mùa thu, có một nhà sư người xứ Tây Vực đến (nước ta). Vua hỏi Nhà sư có biết làm phép gì lạ không. Nhà sư trả lời là biết làm phép giáng hổ. Vua sai tên Chi hầu phụng ngự là Lê Năng Trường đem Sư về nhà công quán ở rồi sai người bắt hổ để thử phép thuật của Nhà sư. Sau hơn một tuần, Nhà sư ấy nói với Năng Trường là đã có thể phục hổ được. Năng Trường tâu Vua. Vua sai dựng chuồng cọp ở gác Vĩnh Bình rồi bảo Nhà sư vào chuồng. Sư vừa ren rén đi vừa đọc thần chú rồi bước về phía hổ, lấy gậy đánh vào đầu hổ. Hổ chồm tới vồ lấy gậy. Sư nhân đó tâu Vua rằng, có người ác đã giải mất phép thuật của thần, xin cho thần lại được lập đàn cầu Phật, sau sẽ thi hành phép thuật. Vua y lời. Sư lập đàn cầu đảo khá lâu. Nhà vua cũng muốn thử phép thuật đến cùng, nên một hôm, Vua lại sai Nhà sư vào chuồng hổ. Hổ nhảy chồm lên cào thét. Sư sợ hãi lùi lại, rồi không biết thế nào, đã tựa vào chuồng mà chết".

Lời bàn :

Các nhà sư ngao du đó đây để tìm cách hoằng dương Phật pháp, đó vẫn là chuyên thường, xưa nay nhiều nơi vẫn có. Nhưng sống với đời mà không trung thực thì dẫu việc nhỏ cũng không làm được, nói gì đến chuyện cực khó như thoát tục để đi tu. Nhà sư xứ Tây Vực nói trên chẳng rõ là do lòng phàm chưa dứt hay chỉ là kẻ vô đạo mượn áo cà sa để làm chuyện lừa bịp, quả là đáng trách vô cùng. Không thấy sử chép tên Sư, và cũng chẳng biết pháp danh của Sư là gì, triều Lý hồi đó ắt là rất khó khăn khi thông báo tìm thân nhân người bị nạn !
Cái chết khác thường của Nhà sư âu cũng là lời cành tỉnh tất cả những ai muốn lợi dụng việc tu hành để mưu cầu việc riêng vậy.

_________________________
Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Sponsored content




Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần    Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần  - Page 4 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Việt Sử Giai Thoại - Tập 2 - Nguyễn Khắc Thuần
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 3 - Nguyễn Khắc Thuần
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 5 - Nguyễn Khắc Thuần
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 4 - Nguyễn Khắc Thuần
» Giai thoại văn học Việt Nam
Trang 4 trong tổng số 6 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6  Next

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: TRÚC LÝ QUÁN :: Lịch Sử-