Bài viết mới | Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:03
KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Yesterday at 16:45
KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30
SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Wed 20 Nov 2024, 15:40
Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22
NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20
KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08
Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54
Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10
7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10
Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21
Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52
Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28
Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13
Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07
Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36
Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09
Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46
Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06
Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04
DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19
Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37
Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34
TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17
CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05
Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04
Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41
Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16
|
Âm Dương Lịch |
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
|
|
| Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần | |
| |
Tác giả | Thông điệp |
---|
Shiroi
Tổng số bài gửi : 19896 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: 17- Triệu Việt Vương Đã Đánh Giặc Như Thế Nào? Fri 10 Sep 2010, 03:27 | |
| 17- TRIỆU VIỆT VƯƠNG ĐÃ ĐÁNH GIẶC NHƯ THẾ NÀO?
Triệu Việt Vương húy là Triệu Quang Phục, con của Triệu Túc, người đất Chu Diên. Đất Chu Diên thời Lương, nay là một phần của tỉnh Hải Dương. Nhiều người cho rằng, quê của Triệu Quang Phục, nay có lẽ là vùng huyện Phả Lại (tỉnh Hải Dương). Năm 542, Triệu Quang Phục cùng với cha là Triệu Túc tham gia cuộc khởi nghĩa do Lý Bí phát động và lãnh đạo. Năm 544,khi Lý Bí lên ngôi, xưng là Lý Nam Đế thì Triệu Túc được phong làm Thái Phó, còn Triệu Quang Phục được phong làm tướng cầm quân. Năm 546, khi Lý Nam Đế đại bại ở trận Điển Triệt, Triệu Quang Phục được ủy thác quyền trông coi việc nước và chỉ huy việc đánh quân xâm lược nhà Lương. Triệu Quang Phục là người cầm quân rất linh hoạt. Chính ông là người đã có công quét sạch quân xâm lược nhà Lương ra khỏi bờ cõi, góp phần làm rạng rỡ truyền thống ngoan cường và làm phong phú kho tàng nghệ thuật quân sự của tổ tiên. Về cuộc chiến đấu của Triệu Quang Phục, sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 4, tờ 17a-b) chép như sau : ‘Triệu Quang Phục chống nhau với Trần Bá Tiên, chưa phân thắng bại, nhưng quân của Trần Bá Tiên rất đông, Triệu Quang phục liệu thế không chống nổi, bèn rút về đầm Dạ Trạch (đầm này cũng gọi là đầm Nhất Dạ Trạch hay bãi Mạn Trù, nay thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên - NKT - Xem giai thoại 16). Đầm này Ở huyện Chu Diên, chu vi rộng lớn không biết bao nhiêu là dặm, trong cỏ cây um tùm, bụi rậm kín mít. Ở giữa đầm có khu đất cao có thể ở được, nhưng bùn đất lầy lội, người ngựa khó đi chỉ có thể dùng thuyền độc mộc loại nhỏ, chống sào lướt cỏ mới di chuyển được. Vào đó, nếu không thông thuộc đường lối thì lạc, chẳng biết sẽ về đâu, đã thế, nếu lỡ rơi xuống nước thì sẽ bị rắn độc cắn chết. Triệu Quang Phục thuộc hết mọi lối, đem hơn hai vạn quân vào đóng ở khu đất nổi trong đầm, ban ngày thì tuyệt đối không để lộ khói lửa, ban đêm dùng thuyền độc mộc đưa quân ra đánh phá doanh trại của quân Trần Bá Tiên, giết và bắt sống được rất nhiều tên, lấy được không ít lương thực để có thể cầm cự lâu dài. (Trần) Bá Tiên cố theo dấu tìm đánh nhưng không sao đánh được. Người trong nước gọi (Triệu Quang Phục) là Dạ Trạch Vương. "Nhà vua (chỉ Triệu Quang Phục - NKT) ở trong đầm, thấy quân nhà Lương không chịu rút lui, bên đốt hương cầu đảo, khẩn thiết kính cáo với trời đất quỷ thần. Thế rồi điềm lành hiển hiện, vua được mũ đâu mâu có móng rồng dùng để đi đánh giặc. Thế quân từ đó ngày một mạnh mẽ, không ai địch nổi. Tục truyền : Thần nhân trong đầm chính là Chử Đồng Tử. Lúc ấy, Chử Đồng Tử cưỡi rồng vàng từ trên trời xuống, trút móng rồng trao cho Nhà vua, bảo Vua đem cài lên mũ đâu mâu mà đi đánh giặc". …Trần Bá Tiên mưu tính cấm cự lâu ngày, khiến cho quân của Nhà vua hết lương thì có thể phá được. Nào ngờ lúc ấy nhà Lương có loạn Hầu Cảnh, phải gọi Trần Bá Tiên về. Trần Bá Tiên ủy thác cho Dương Sàn đánh nhau với Nhà vua. (Dương) Sàn chống cự không nổi, bị giết, quân nhà Lương tan vỡ, tháo chạy về Bắc. Nước nhà lại được yên. Nhà vua vào thành Long Biên ở".
Lời bàn :
Binh pháp cổ thường nhấn mạnh đến yếu tố địa lợi, coi đó như một trong những nguyên nhân quan trọng của thắng lợi cuối cùng. Triệu Quang Phục bám lây đầm Dạ Trạch, tức là đã bám lấy được yếu tố địa lợi rồi vậy. Đó chưa phải là tất cả địa lợi của nước ta đương thời, nhưng đó rõ ràng là tất cả những gì thuộc về địa lợi mà nghĩa quân của ông có thể bám được và biến được thành sức mạnh của chính mình. Ở đời, mọi sự hay không phải chỉ ở chỗ nó thực sự hay, mà còn ở chỗ, sự ấy ta hoàn toàn có thể làm được, hoàn toàn trong tầm tay của ta. Trần Bá Tiên đem quân đi đánh đất người, vậy mà tính kế cầm cự lâu ngày, tức là đã cố làm điều không thể làm vậy. Ngược lại, đội quân của Triệu Quang Phục kiên quyết bám đầm Dạ Trạch để chờ thời, tức là làm điều hoàn toàn có thể làm được. Cho nên, quân Triệu Quang Phục thắng lợi, chuyện có gì là lạ đâu. Đầm Dạ Trạch có thần chăng ? Sử cũ dành cho Chử Đồng Tử và Tiên Dung những lời thật trang trọng. Ngàn năm vật đổi sao dời, nhưng phàm đã là thần nhân sông núi, có đâu lại không phù hộ chí lớn của những người quả cảm cứu nước, cứu dân. Người xưa tin là có thần, một lòng thành kính thờ thần, cho nên, dân bao giờ cũng muốn và cũng tin là thánh thần luôn ở bên cạnh các vị hào kiệt của họ, bên cạnh việc đại nghĩa của họ. Triệu Quang Phục dũng cảm và bền chí bám đầm Dạ Trạch đến cùng để đánh giặc. Việc làm phi thường ấy, hẳn nhiên phải được diễn đạt bằng những lời phi thường. Biết làm sao hơn được, xưa mà !
|
| | | Shiroi
Tổng số bài gửi : 19896 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: 18 - Triệu Việt Vương Đã Chết Như Thế Nào? Fri 10 Sep 2010, 03:28 | |
| 18 - TRIỆU VIỆT VƯƠNG ĐÃ CHẾT NHƯ THẾ NÀO?
Năm 546, sau trận thua ở hồ Điển Triệt, Lý Bí đánh vào động Khuất Lão, ủy quyền trông coi việc nước và chỉ huy cuộc chiến đấu chống quân nhà Lương xâm lược cho Triệu Quang Phục. Nhận sự ủy thác ấy, Triệu Quang Phục đem lực lượng về bám đầm Dạ Trạch, tổ chức chiến đấu lâu dài và cuối cùng, đã giành được thắng lợi. Tuy nhiên, cũng ngay khi Lý Bí lánh vào động Khuất Lão, một vị tướng khác của Lý Bí là Lý Thiên Bảo, đem một bộ phận binh sĩ, gồm đến ba vạn người, chạy vào Cửu Chân (tức là vùng Thanh Hóa ngày nay). Tại đây, Trần Bá Tiên đuổi theo đánh, Lý Thiên Bảo đã chạy sang động Dã Năng. Đất này thuộc lãnh thổ của Lào. Dã Năng là một vùng khá trù phú, Lý Thiên Bảo bèn cho xây thành để ở, tính kế cư ngụ lâu dài. Ông xưng là Đào Lang Vương, lấy tên động Dã Năng làm tên nước! Năm 555, Đào Lang Vương Lý Thiên Bảo qua đời, không có con nối dõi, một vị tướng khác, người cùng họ với Lý Bí là Lý Phật Tử được đưa lên nối nghiệp. Bấy giờ, Triệu Quang Phục đã đánh đuổi được quân nhà Lương và xưng là Triệu Việt Vương, đóng trong thành Long Biên. Năm 557, Lý Phật Tử liền đem quân đánh… Triệu Việt Vương. Sự kiện đau xót này được sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 4, từ tờ 19-b đến tờ 21-b) chép lại như sau: “Lý Phật Tử đem quân xuống vùng Đông Bắc, đánh nhau với Nhà vua (chỉ Triệu Việt Vương) tại Thái Bình, năm trận liền vẫn chưa phân thắng bại. Quân của Lý Phật Tử hơi nao núng, ngờ là Nhà vua có phép thuật lạ, bèn xin giảng hòa, thề thân thiện với nhau. Nhà vua nghĩ rằng, (Lý) Phật Tử là người cùng họ với Lý Nam Đế, cho nên, không nỡ cự tuyệt, bàn lấy bãi Quân Thần ở hai xã Thượng Cát và Hạ Cát của huyện Từ Liêm (ngoại thành Hà Nội) làm địa giới. Từ đó trở về phía Tây thì nhường cho Lý Phật Tử. Lý Phật Tử dời về đóng tại thành Ô Diên (xã Hạ Mỗ, Từ Liêm có đền thờ Bát Lang, tức là đền thờ Nhã Lang vậy). Sau, Lý Phật Tử có con trai là Nhã Lang. Nhã Lang xin cưới con gái của Nhà vua là Cảo Nương làm vợ. Nhà vua bằng lòng. Từ đó, hai bên thành thông gia. Nhà vua rất yêu quý Cảo Nương, bèn cho Nhã Lang được ở rể'' Nhã Lang ở rể vừa được ba năm thì biến cố lớn đã xảy ra, mà với biến cố này, Nhã Lang vừa là thủ phạm, lại cũng vừa là nạn nhân. Sách trên (tờ 20-a) khi chép chuyện năm Canh Dần (570) cho biết như sau: “Nhã Lang nói với vợ rằng: - Trước kia, cả hai vua cha cùng thù oán nhau, vậy mà nay lại kết nghĩa thông gia, sự thể quả là rất hay. Nhưng, vua cha của nàng có thuật gì hay mà đẩy lùi được quân của vua cha ta? Cảo Nương không hề hay biết ẩn ý của chồng, bèn bí mật lấy mũ đâu mâu có gắn móng rồng cho chồng xem. Nhã Lang nhân đó, tráo cái móng rồng ấy, rồi nói với Cảo Nương rằng: - Ta nghĩ, ơn sâu của cha mẹ lớn kể như trời đất. Nay, vợ chồng yêu quý nhau, không nỡ xa cách, nhưng ta cũng quyết phải tạm dứt tình để về thăm cha mẹ. Nhã Lang trở về, cùng với cha, bàn mưu đánh chiếm nước của Triệu Việt Vương'' . …” Nhà vua (đây chỉ Lý Phật Tử) phụ lời thề ước, đem quân đánh úp Triệu Việt Vương. Lúc đầu, Triệu Việt Vương chưa rõ cơ sự, vội đem quân và đội mũ đâu mâu đứng chờ. Quân của Nhà vua ào ạt tiến đến, Triệu Việt Vương tự biết yếu thế không sao chống cự nổi, bèn đem con gái chạy về phía Nam, tính tìm đất hiểm để có thể ẩn náu mà mưu sự lâu dài. Nhưng, chạy tới đâu cũng bị quân của Nhà vua đuổi theo sát gót. Triệu Việt Vương phi ngựa về cửa biển Đại Nha (nay là cửa Liêu, thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định). Khi thấy biển chắn trước mặt, Triệu Việt Vương than rằng: - Ta hết đường chạy rồi! Nói xong thì nhảy xuống biển tự tử. Nhà vua đuổi đến nơi, thấy trước mặt chỉ có biển mênh mông, không rõ Triệu Việt Vương chạy đường nào, bèn quay trở lại. Họ Triệu đến đó thì mất nước. Người đời sau thấy có nhiều chuyện linh thiêng dị thường, bèn lập đền thờ ở cửa biển Đại Nha''.
Lời bàn :
Kế cũ của Triệu Đà, đến đây được Lý Phật Tử lặp lại, lạ lùng chăng thì cũng chỉ là ở chỗ, bậc đa mưu túc trí như Triệu Việt Vương vẫn cứ bị trúng kế một cách thảm hại đó thôi. Hẳn nhiên là Triệu Việt Vương cũng có chỗ khiếm khuyết của mình, nhưng trách ông thì quả là chẳng thể. Một đời ông canh cánh nỗi lo cảnh giác với kẻ thù, thế là đã quá đủ, lẽ đâu bắt ông còn phải thường xuyên cảnh giác với thông gia, với con rể của mình? Có những thứ lỗi rất khó khắc phục, và quả là cũng chẳng muốn khắc phục, đại để như lỗi cả tin của Triệu Việt Vương. Ngẫm mà xem! Có những thắng lợi không hề đem lại vinh quang, ngược lại còn bị sử sách nghiêm phê nữa. Thắng lợi của Lý Phật Tử thuộc loại này. Xin dẫn hai lời nghiêm phê của Ngô Sĩ Liên để thấy rõ hơn sự công minh của sử thần thuở trước. Cả hai lời nghiêm phê này đều được sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 4) ghi lại. - Lời thứ nhất : “Con gái lấy chồng thì gọi là quy, vậy, nhà chồng tức là nhà mình vậy. Con gái của Nhà vua đã gả cho Nhã Lang, thì hà cớ gì không cho về nhà chồng mà lại bắt chước theo tục ở rể của nhà Doanh Tần để đến nỗi bại vong” (Tờ 20-b). - Lời thứ hai : “Lấy thuật tranh bá mà xét thì Hậu Lý Nam Đế (tức Lý Phật Tử) đánh Triệu Việt Vương là đắc kế, song, lấy đạo của bậc làm vua mà xét thì việc ấy không bằng cả lũ chó, heo. Vì sao? Khi Tiền Lý Nam Đế (chỉ Lý Bí) ở động Khuất Lão đã đem các việc quân quốc ủy cho Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương thu nhặt tàn quân, bám giữ đất hiểm là đầm Dạ Trạch bùn lầy nước đọng để đương đầu với người hùng một thời là Trần Bá Tiên, cuối cùng bắt được tướng của hắn là Dương Sàn, người phương Bắc buộc phải lui quân. Khi ấy, Vua (chỉ Lý Phật Tử) trốn trong đất Di Lão, chỉ cầu mong thoát khỏi miệng hùm mà thôi. May được Trần Bá Tiên về Bắc, Lý Thiên Bảo qua đời, Vua mới có cơ hội đem quân đi đánh Triệu Việt Vương, gian trá dùng mưu xin hòa và kết mối thông gia để hại người. Triệu Việt Vương đã lấy lòng thành mà đối đãi, lại còn cắt đất cho mà ở, như thế, mọi việc đều chính nghĩa, giao hảo rất phải đạo, thăm viếng cũng phải thời, đó há chẳng là đạo trị yên lâu bền hay sao? Thế mà (Lý Phật Tử) lại dùng mưu gian của Nhã Lang, vứt bỏ cả nhân luân chính đạo, tham lợi mà vong ân, tuy đánh cướp được nước nhưng Nhã Lang thì phải chết còn thân mình thì sau phải vào tù (chỉ việc Lý Phật Tử bị nhà Tùy bắt năm 602), phỏng có ích gì đâu''. Hai lời bàn của sử thần Ngô Sĩ Liên, đúng sai tùy đời thẩm định, nhưng đáng sợ thay, nếu có ai đó đồng cảm và đồng tình với việc làm phản trắc của Nhã Lang và của Lý Phật Tử. Buồn thay, tên người và hành vi của người chẳng chút giống nhau.
|
| | | Shiroi
Tổng số bài gửi : 19896 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: 19 – Nỗi Lòng Khương Công Phụ Fri 10 Sep 2010, 03:29 | |
| 19 – NỖI LÒNG KHƯƠNG CÔNG PHỤ
Khương Công Phụ người xã Sơn Ôi, huyện Yên Định (Thanh Hoá). Ông sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết ông đỗ Tiến sĩ vào năm Canh Thân (780) và làm quan cho nhà Đường, tức là người của cuối thế kỉ thứ VIII đầu thế kỉ thứ IX. Em của Khương Công Phụ là Khương Công Phục, cũng đỗ Tiến sĩ, làm quan cho nhà Đường, được phong tới chức Lang Trung bộ lễ. Như vậy, họ Khương là dòng họ đại khoa bảng rất hiếm hoi của nước ta thời Bắc thuộc. Tuy cũng là đỗ Tiến sĩ như mọi người, nhưng sử cũ cho biết, vì bài chế sách của ông viết rất xuất sắc, cho nên, ông được vua Đường là Đường Đức Tông đặc cách, cho làm tới chức Hữu thập di Hàn lâm Học sĩ, kiêm Kinh triệu Hộ Tào tham quân. Sinh thời, Khương Công Phụ là người cương trực và trí lực rất mạnh mẽ. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 5, tờ 5a-b) chép về ông như sau: “(Khương Công Phụ) từng xin vua Đường giết Chu Thử nhưng vua Đường không nghe. Chẳng bao lâu sau đó thì kinh sư của nhà Đường có biến loạn, vua nhà Đường theo cửa Thượng Uyển để lánh ra ngoài, (Khương) Công Phụ giữ ngựa lại, can rằng: - Chu Thử từng làm tướng ở đất kinh sư, rất được lòng binh sĩ. Vừa rồi, vì Chu Thao làm phản nên (Chu Thử) mới bị Nhà vua thu hết binh quyền. Thường ngày, hắn vẫn lấy đó làm điều uất ức. Vậy, nay xin bắt hắn đi theo, chớ để cho bọn hung ác đón mất. Vua Đường đang lúc vội vã, không kịp nghe. Dọc đường đi, Nhà vua lại muốn dừng ở Phượng Tường để nương nhờ Trương Dật. (Khương) Công Phụ can rằng: - (Trương) Dật tuy là bề tôi đáng tin cậy nhưng là quan văn, vả lại, quân mã do ông ta quản lĩnh vốn là tay chân cũ của Chu Thử ở kinh sư. Nếu Chu Thử làm loạn ở kinh sư thì kế này chẳng vẹn toàn được. Vua nhà Đường vì thế mà chạy sang Phụng Thiên. Bấy giờ, có người báo tin (Chu) Thử làm phản, xin Vua hãy phòng bị. Vua nhà Đường nghe lời của Lư Kỷ, xuống chiếu cho quân các đạo hãy đóng cách xa thành khoảng một xá (mỗi xá 30 dặm, tức là tương đương với khoảng 15km), có ý đợi (Chu) Thử tới đón. Khương Công Phụ nói: - Bậc vương giả không nghiêm giữ võ bị thì làm sao có thể khiến cho người ta trọng oai linh của mình? Nay, cấm binh đã quá ít mà lại xuống chiếu cho quân mã đóng cách xa ở ngoài, thần lấy làm nguy cho bệ hạ lắm. Vua nhà Đường khen là phải, bèn cho triệu hết quân sĩ phía ngoài vào thành. Sau, quân của (Chu) Thử quả nhiên kéo đến, y như lời dự đoán của Khương Công Phụ. Vua nhà Đường bèn thăng cho Khương Công Phụ chức Gián nghị Đại phu, Đồng trung thư môn hạ Bình chương sự. Về sau, Khương Công Phụ vì can Vua tổ chức an táng cho Đường An Công Chúa quá hậu, dẫu đã được đồng liêu là Lục Chí tâu xin gỡ tội cho, vẫn bị vua Đường tức giận biếm chức”.
Lời bàn:
Thời ấy, học và đỗ đạt đến mức ấy, làm quan được thăng đến chức ấy... Khương Công Phụ không phải là trường hợp duy nhất nhưng quả đúng là trường hợp rất hiếm hoi. Sử trân trọng chép về ông là chí phải. Lần thứ nhất ông can ngăn, bảo là vua nhà Đường đang lúc vội vã nên không kịp nghe cũng được, mà bảo là Nhà vua chưa thấy hết số phận bi thảm của mình nên vẫn coi thường những người đại loại như ông cũng được. Lần thứ hai ông can ngăn, bảo là Nhà vua nghe theo ông vì thấy ý kiến của ông đúng cũng được, mà bảo là lúc ấy, Nhà vua mất cả hồn vía, chỉ đâu chạy đó cũng được. Đến lần thứ ba, Nhà vua giật mình thấy rằng, kẻ một lòng trung thành đi theo Nhà vua là ông, mà lời khuyên của ông, ít ra cũng có hai lần đúng, cho nên Nhà vua đã vui vẻ nghe theo. Lời khen của Nhà vua còn thiếu một cái gì đó thuộc về chiều sâu của trí tuệ phân tích. Xưa nay vẫn thế, có khi được khen mà lòng ta tê tái buồn, có khi bị chê mà lòng ta sung sướng, bởi vì điều quan trọng không phải là khen chê, mà là ai khen, ai chê và lời khen chê ấy như thế nào. Lần thứ ba, vua nhà Đường khen Khương Công Phụ, bởi vì lúc đó không thể không khen, sau, chỉ một việc cỏn con mà vua Đường vẫn cứ biếm chức của Khương Công Phụ, bởi vì vua Đường là… vua. Quan thì không phải lúc nào cũng là quan, song, vua thì bao giờ cũng là vua, quên điều đó cũng có nghĩa là chẳng nhớ gì cả. Điều này chỉ có trong sách đời, chẳng có trong sách vở cử nghiệp, có đọc đến thiên kinh vạn quyển của sách cử nghiệp cũng chẳng thấy đâu.
|
| | | Shiroi
Tổng số bài gửi : 19896 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: 20 - Sự tích đền bạch mã Fri 10 Sep 2010, 03:30 | |
| 20 - SỰ TÍCH ĐỀN BẠCH MÃ
Đền Bạch Mã nằm ở phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương (nay thuộc Hà Nội). Đền này được lập ra vào khoảng cuối thế kỷ thứ IX. Sách Đại Nam nhất thống chí (quyển 13) khi giới thiệu về đền miếu của Hà Nội, đã dẫn sách Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên, viết rằng: “Vào đời Đường Hàm Thông, (quan đô hộ của nhà Đường ở nước ta là Cao Biền) đã cho đắp thành Đại La. Một hôm, Cao Biền ra chơi ngoài cửa Đông của thành, chợt thấy trong chỗ mây mù tối tăm, có bóng người kì dị, mặc áo hoa, cưỡi rồng đỏ, tay cầm thẻ bài màu vàng, bay lượn mãi theo mây. (Cao) Biền kinh sợ, định lấy bùa để trấn yểm. Bỗng đêm hôm ấy thấy thần báo mộng rằng: - Ta là tinh anh ở Long Đỗ, nghe tin ông đắp thành nên đến để hội ngộ, việc gì mà phải trấn yểm? (Cao) Biền lấy làm kỳ lạ, bèn lấy vàng, đồng và bùa chôn xuống để trấn yểm. Chẳng dè, ngay đêm đó mưa gió sấm sét nổi lên dữ dội, sáng ra xem, thấy vàng, đồng và bùa (trấn yểm) đều đã tan thành cát bụi. Cao Biền sợ hãi, bèn lập đền thờ ở ngay chỗ ấy và phong cho thần là thần là Long Đỗ. Đến đời Lý Thái Tổ (húy là Lý Công Uẩn, vua đầu tiên của nhà Lý, làm vua từ năm 1010 đến năm 1028), dời kinh đô đến đấy, đổi gọi (Đại La) là Thăng Long. Nhà vua sai đắp lại thành, nhưng hễ thành đắp xong lại lở, bèn sai người đến cầu đảo (ở thần Long Đỗ). Chợt, (người) cầu đảo thấy có con ngựa trắng từ trong đền đi ra, dạo quanh thành một vòng, đi tới đâu, để vết chân rành tại đó, và cuối cùng, vào đền rồi biến mất. Sau nhà vua cứ theo vết chân ngựa mà đắp thành thì thành không lở nữa, bèn nhân đó, phong làm thành hoàng của Thăng Long. Các vua đời sau cũng theo đó mà phong tới Bạch Mã Quảng Lợi Tối Linh Thượng Đẳng Thần”.
Lời bàn:
Thời Bắc thuộc, Cao Biền được coi là một trong những nhân vật rất có máu mặt: quan cai trị có tài cũng là Cao Biền mà đạo sĩ có nhiều phép thuật lạ cũng là Cao Biền. Triều đình nhà Đường trên bước đường sụp đổ, muốn tạo dựng cho Cao Biền một lý lịch khác thường để có thể vực dậy một chính quyền đô hộ cũng đang có nguy cơ tan rã. Cho nên trong sử, Cao Biền bỗng có thêm nhiều thứ mà thực sự Cao Biền chưa hề có bao giờ. Tuy nhiên, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, nhân dân ta cũng có cách đấu tranh thông minh theo kiểu riêng của nhân dân ta, lúc bấy giờ. Việc Bạch Mã thần coi thường mọi phép thuật của Cao Biền, lại còn làm cho mọi thứ trù yểm của Cao Biền phút chốc biến thành cát bụi, có khác nào một lời nhắc nhở âm thầm mà mạnh mẽ rằng: hãy vững tin, chúng ta nhất định thắng vì thần linh sông núi luôn ở bên cạnh chúng ta! Trông lại ngày xưa, suy ngẫm việc thờ thần của cổ nhân mới rõ, đền miếu và hương khói, tượng thờ và bài vị... tất cả chỉ là hình thức, một hình thức huyền ảo mà dễ nhận, cốt để chuyển tải đến muôn đời sự tôn vinh những giá trị tốt đẹp của thế tục đó thôi.
|
| | | Shiroi
Tổng số bài gửi : 19896 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: 21 - Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng Fri 10 Sep 2010, 03:31 | |
| 21 - BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG PHÙNG HƯNG
Phùng Hưng quê ở Đường Lâm. Đất quê ông nay thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Phùng Hưng sinh năm nào chưa rõ, chỉ biết ông mất vì bệnh vào năm Kỷ Tỵ (789). Sinh thời, Phùng Hưng là người khoẻ mạnh và dũng lược. Chính ông đã phát động và lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa rất lớn, đập tan chính quyền đô hộ của nhà Đường, xây dựng nền độc lập tự chủ trong một thời gian khá dài. Trong Việt điện u linh tập, Lý Tế Xuyên đã dựa vào ghi chép của Triệu Vương Giao Châu kí mà chép chuyện về Phùng Hưng như sau: “Vương họ Phùng, huý là Hưng, ông và cha của Vương đều nối đời làm tù trưởng của đất Đường Lâm. Chức tù trưởng bấy giờ gọi là Quan Lang. Tục gọi như thế, hiện nay ở mạn ngược vẫn còn. Vương con nhà giàu nhưng hay giúp đỡ kẻ nghèo, đã thế, Vương lại khoẻ mạnh, có thể đánh được hổ, vật được trâu. Em Vương là (Phùng) Hãi cũng có sức mang nổi ngàn cân, cõng được thuyền chứa ngàn hộc mà đi luôn mười dặm. Gần xa nghe tiếng đều lấy làm sợ. Thời niên hiệu Đại Lịch của nhà Đường, nước ta rối loạn, Vương cùng em đem binh đi chinh phục khắp các vùng ở lân cận. Vương đổi tên là Cự Lão và xưng là Đô quân, còn em Vương thì đổi tên là Cự Lực và xưng là Đô bảo, anh em cùng nhau làm theo kế sách của một người cùng làng, tên là Đỗ Anh Luân, đem đại binh đi tuần thú khắp các châu Đường Lâm và Trường Phong, uy danh lừng lẫy, khiến ai cũng phải theo phục. Vương cho phao tin rằng sẽ đánh phủ đô hộ. Quan đô hộ của nhà Đường là Cao Chính Bình đem quân đi đánh, bị thua, sợ quá phát bệnh mà chết. Vương vào phủ đô hộ, nắm quyền trị dân được bảy năm thì mất. Bấy giờ, nhiều người muốn lập em của Vương là Phùng Hãi lên thay, nhưng quan Đầu Mục có sức khoẻ lạ thường là Bồ Phá Cần lại quyết chí không cho, bắt phải lập con Vương là Phùng An. Phùng An lên nối ngôi, bèn đem quân đánh Phùng Hãi. Phùng Hãi sợ Bồ Phá Cần nên lánh vào động Chu Nham, sau không biết là đi về đâu. Phùng An tôn Vương làm Bố Cái Đại Vương. Nước ta gọi cha là bố, gọi mẹ là cái nên Phùng An mới tôn Vương làm Bố Cái Đại Vương như vậy. Hai năm sau đó, vua Đường Đức Tông sai Triệu Xương sang làm đô hộ nước ta. Triệu Xương tới nơi, trước hết, cho sứ giả mang lễ vật đến dụ dỗ Phùng An. Phùng An xin hàng phục. Từ đó, họ Phùng tản mác mỗi người một nơi. Sau khi mất, Bố Cái Đại Vương rất hiển linh. Dân các làng thường nghe có tiếng ngựa xe đi lại ầm ầm trên nóc nhà hoặc trên ngọn cây cao, ngẩng trông thì thấy ẩn hiện trong những đám mây là cờ ngũ sắc và kiệu vàng rực rỡ, lại có cả tiếng nhạc văng vẳng nữa. Bấy giờ, nếu có việc lành hay dữ sắp xảy ra thì thế nào đêm đến cũng sẽ có dị nhân báo cho các vị hào trưởng biết để thông tin cho cả làng hay, cho nên, ai cũng lấy làm lạ, bèn cùng nhau lập đền thờ Vương ở phía tây của phủ đô hộ. Đền thờ Vương rất linh thiêng, mọi việc cầu mưa, cầu tạnh đều được linh ứng. Ai gặp việc khó khăn như bị kẻ xấu lấy trộm hoặc giả là muốn cầu tài, đến lễ thần đều được như ý. Bởi vậy, người đến lễ rất đông, khói hương chẳng lúc nào dứt. Khi Ngô Tiên Chủ (chỉ Ngô Quyền) dựng nước, bọn giặc Nam Hán sang cướp nước ta. Ngô Tiên Chủ ngày đêm lo nghĩ tìm cách chống đánh. Thế rồi một đêm, Ngô Tiên Chủ nằm mơ, thấy có một cụ già áo mũ chỉnh tề, đến nói rõ họ tên của mình và bảo rằng: - Tôi đã trù tính, sắp sẵn các đội thần binh để giúp sức nhà vua, xin nhà vua hãy gấp tiến binh, đừng lo nghĩ gì cả. Đến khi Ngô Tiên Chủ ra đánh giặc ở sông Bạch Đằng, nghe trên không có tiếng binh mã ầm ầm, và quả nhiên trận ấy được đại thắng. Ngô Tiên Chủ lấy làm lạ, liền sai sửa sang ngôi đền, khiến cho đền rộng rãi và lịch sự hơn xưa. Xong, Ngô Tiên Chủ thân đem các thứ lễ vật cùng cờ quạt chiêng trống đến để tế lễ. Sau, các triều quen dần thành lệ. Thời Trần, vào năm Trùng Hưng thứ nhất (1285), nhà vua sắc phong là Phù Hựu Đại vương. Năm Trùng Hưng thứ tư lại gia phong thêm hai chữ Chương Tín. Năm Hưng Long thứ 20 (tức năm 1312) vua (Trần Anh Tông) gia phong thêm hai chữ Sùng Nghĩa nữa. Đến nay, sự linh thiêng vẫn được sùng phụng như xưa”.
Lời bàn:
Một nhà, anh em, cha con cùng dốc chí dựng nền tự chủ nhưng rốt cuộc, người có tên tuổi bất diệt với ngàn đời thì chỉ là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng mà thôi. Phùng Hãi có gan đi theo kẻ mạnh để chống kẻ mạnh mà chưa có gan tự mình chống lại kẻ mạnh. Bóng ông mờ nhạt trong sử sách, ấy cũng là lẽ tự nhiên. Bồ Phá Cần xử sự quả là xa lạ với lẽ thường. Gạt Phùng Hãi đã có chút từng trải để đưa Phùng An còn non nớt lên thay, bản tâm của Bồ Phá Cần phải chăng là mong mỏi kẻ ở ngôi cao phải yếu kém để mình dễ bề thao túng? Việc làm ấy, nếp nghĩ ấy, lợi cho riêng mình một đời nhưng lại hại cho xã tắc một thuở, giận thay! Phùng An cùng Bồ Phá Cần đi đánh Phùng Hãi, cái thu được chẳng đủ bù cho cái mất đi, mà cái mất đi nào phải chỉ có con người và của cải? Xót xa hơn cả vẫn là thế nước mà cha đã dựng lên, là đạo lý mà tổ tiên để lại, mất hai thứ đó cũng có nghĩa là mất tất cả đó thôi. Hẳn nhiên, không ai quyết rằng Ngô Quyền thắng trận Bạch Đằng là nhờ oai linh của Bố Cái Đại Vương giúp sức, nhưng, Ngô Quyền cũng như bao vị dũng tướng ngàn xưa ra trận, vẫn luôn tin rằng thần linh sông núi luôn luôn sát cánh với mình, và ai dám bảo rằng, niềm tin ấy không phải là một phần rất quan trọng của sức mạnh? Phùng Hưng, sinh vi tướng, tử vi thần, dẫu bạn hoàn toàn là người vô thần,cũng xin bạn hãy thành kính thắp nén hương để tưởng nhớ, bởi vì chính nhờ có những con người phi thường ấy, chính nhờ niềm tin vào linh khí của những con người ấy, bạn mới có thể thanh thản mà nói một cách tự nhiên rằng: ta là người vô thần.
|
| | | Shiroi
Tổng số bài gửi : 19896 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: 22 - Tô Lịch Đại Vương Fri 10 Sep 2010, 03:32 | |
| 22 - TÔ LỊCH ĐẠI VƯƠNG
Đất Thăng Long xưa có con sông tên là Tô Lịch. Ven sông này lại có làng mang tên là làng Tô Lịch. Sông Tô Lịch và cả tên làng Tô Lịch nay đều không còn nữa, nhưng trong sử sách, con sông ấy, ngôi làng ấy lại được nhắc đến khá nhiều. Điều đáng nói là tên sông và tên làng này lại có nguồn gốc từ tên của một con người: ông Tô Lịch, người sống vào khoảng cuối thế kỷ thứ III đầu thế kỷ thứ IV, sau được tôn làm thần và được phong tới hàm Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương (vị Đại Vương là Thành hoàng của kinh đô nước nhà là Thăng Long). Sách Việt Điện u linh tập chép về Tô Lịch Đại vương như sau: “Vương họ Tô, huý là Lịch, sinh thời từng làm quan ở Long Đỗ, tiên tổ cư ngụ ở đó đã lâu đời, dựng làng bên bờ một con sông nhỏ. Gia đình của Vương lấy sự thanh bạch và hoà thuận, hiếu thảo làm trọng, ba đời cùng nhân nhượng mà ở chung với nhau, không chút riêng biệt. Thời nhà Tấn (đô hộ), triều đình xét những nhà có hiếu, gia đình Vương được khen. Gặp năm mất mùa đói kém, nhà Vương sẵn lòng cho dân vay thóc, triều đình lại ban khen, nhân đó, cho lấy hai chữ Tô Lịch làm tên làng. Đời vua Đường Mục Tông, niên hiệu Trường Khánh năm thứ ba (tức là năm 823), Lý Nguyên Gia được sai sang làm quan đô hộ nước ta. Lý Nguyên Gia thấy phía Bắc thành Thăng Long có dòng nước chạy ngược, địa thế rất xinh đẹp, bèn cắm đất xây thành, dời phủ trị đến đó. Thành có nhiều cửa, phía trong có nhiều dinh thự. Phủ trị này dựng trên nền nhà cũ của Vương. Lý Nguyên Gia sai giết trâu bò, mở tiệc mời các bậc kì lão trong làng tới dự, nhân đó, hỏi chuyện về Vương, có ý muốn thờ Vương làm Thành hoàng. Mọi người thuận theo, cùng nhau xây dựng một ngôi đền rất tráng lệ. Lễ khánh thành được tổ chức nhộn nhịp khác thường. Đêm hôm đó, Lý Nguyên Gia nằm nghỉ, chợt thấy có trận gió mát thổi vào, bức mành lay động, có một người cưỡi con hươu trắng từ trên không xuống, râu tóc bạc phơ, áo quần lịch sự, bước đến nói với Lý Nguyên Gia rằng: - Cám ơn sứ quân đã tôn tôi làm Thành hoàng đất này. Nhân đây, tôi xin khuyên sứ quân rằng: nếu ngài hết lòng dạy dỗ cho dân cư trong thành thì mới là người xứng chức và có lòng nhân chính. Lý Nguyên Gia chắp tay vái tạ và xin vâng rồi dò hỏi họ tên nhưng cụ già không đáp. Lý Nguyên Gia giật mình thức giấc và mới biết đó là mộng. Sau, đến thời Cao Biền đắp thành Đại La, cũng nghe tiếng anh linh của Vương, bèn sắm sửa lễ vật tới tế, tôn vương làm Đô phủ Thành hoàng Thần quân. Vua Lý Thái Tổ dời kinh đô ra thành Đại La, đổi gọi Đại La là Thăng Long. Nhà vua thường nằm mơ thấy một cụ già đầu bạc, đứng trước bệ rồng mà tung hô vạn tuế. Nhà vua gạn hỏi họ tên, Vương mới thực lòng tâu lên. Nhà vua cười nói: - Tôn thần muốn giữ hương khói mãi mãi hay sao? Vương đáp: - Chỉ mong thánh thọ bền lâu, cơ đồ vững chắc, trong ngoài yên vui. Đó chính là hương khói đời đời rồi vậy. Vua tỉnh dậy, sai quan đến tế, phong Vương làm Quốc đô Thăng Long Thành hoàng Đại vương. Từ đó, dân cư trong vùng đến cầu đảo hoặc thề nguyền, hết thảy đều linh ứng. Năm Trùng Hưng thứ nhất (tức năm 1285), nhà vua (Trần Nhân Tông) gia phong hai chữ Bảo Quốc, đến năm Trùng Hưng thứ tư (tức là năm 1288), gia phong hai chữ Hiển Linh và sau, đến năm Hưng Long thứ hai mươi mốt (tức năm 1313), vua (Trần Anh Tông) lại gia phong thêm hai chữ Định Bang nữa”.
Lời bàn :
Trong trường hợp đại loại như thế này, hiểu được lai lịch tên làng và tên sông, không phải chỉ đơn giản là hiểu thêm được một tên gọi thân thương nào đó. Tên sông và tên làng ấy là biểu tượng của lòng nhân ái và nghĩa khí ở đời, kính cẩn tôn thờ là chí phải. Tiếng nói nửa như nhắc nhở, nửa như cảnh cáo của cụ già trong giấc mơ của Lý Nguyên Gia, nào có khác gì tiếng nói của trăm họ bị trị đương thời? Sau Lý Nguyên Gia, đến cả những quan đô hộ khét tiếng như Cao Biền cũng phải sắm sửa lễ vật và thân hành tới tế. Hư thực ra sao khoan bàn, chỉ biết dân mong như vậy và... bắt chuyện này phải kể như vậy. Các vị đế vương của nước nhà thời độc lập và tự chủ, nối nhau tôn vinh và gia phong cho thần Tô Lịch, ấy cũng là sự thường.
|
| | | Shiroi
Tổng số bài gửi : 19896 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: 23 - Chuyện Sái Kinh Và Sái Tập Fri 10 Sep 2010, 03:33 | |
| 23 - CHUYỆN SÁI KINH VÀ SÁI TẬP
Sái Kinh và Sái Tập là hai viên quan của nhà Đường, sinh năm nào không rõ, chỉ biết Sái Kinh bị buộc phải tự tử vào tháng 7 năm Nhâm Ngọ (862), còn Sái Tập thì bị chết trận vào tháng giêng năm Quý Mùi (863). Chuyện về hai viên quan họ Sái, thực ra lại có gốc gác từ chuyện viên quan đô hộ trước đó là Lý Trác, vì tham lam quá mức, đã gây ra cuộc xung đột với Nam Chiếu. Bấy giờ vùng Tây Nam Trung Quốc và một phần vùng Tây Bắc nước ta là lãnh thổ của nước Nam Chiếu. Sử cũ chép rằng, Lý Trác tham lam tàn bạo, ức hiếp để mua rẻ bò và ngựa của đồng bào các dân tộc ít người, mỗi con chỉ trả cho họ một đấu muối, đã thế, lại giết tù trưởng của họ là Đỗ Tồn Thành, bởi vậy, họ tức giận, dẫn đường cho quân Nam Chiếu vào cướp phá. Từ đấy, Nam Chiếu trở thành nỗi bận tâm lớn nhất của nhà Đường. Đã có lúc, toàn bộ các quan trong guồng máy đô hộ của nhà Đường bị Nam Chiếu đánh cho tan tác, phải tháo chạy thục mạng về Trung Quốc. Năm Tân Tỵ (861), quan đô hộ của nhà Đường là Vương Khoan lại đem quân đi đàn áp đồng bào các dân tộc ít người và giết chết tù trưởng của họ là Đỗ Thủ Trừng. Một lần nữa, đồng bào các dân tộc ít người đi cầu cứu Nam Chiếu. Tình hình nước ta trở nên rất căng thẳng. Vua nhà Đường vừa cử Sái Kinh sang làm đô hộ nước ta, vừa sai Sái Tập đem quân sang để đánh nhau với Nam Chiếu. Nhưng, tình hình chẳng nhờ thế mà tốt đẹp hơn, ngược lại, đã trở nên hết sức tồi tệ, mà nguyên nhân do chủ yếu lại bởi những suy nghĩ hết sức lạ lùng của Sái Kinh. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (ngoại kỷ, quyển 5, từ tờ 10b đến tờ 11b) chép rằng: “Mùa hạ, tháng 5 (năm Nhâm Ngọ 862), quan giữ chức Lĩnh Nam Tiết độ sứ là Sái Kinh thấy Sái Tập chuẩn bị đem quân các đạo tới chống cự với quân Man (chỉ chung quân Nam Chiếu và dân binh các dân tộc ít người), sợ rằng Sái Tập sẽ lập được công to, lòng những ghen ghét, bèn tâu với vua (nhà Đường) rằng: - Quân Man đã trốn xa, biên giới nay chẳng còn gì phải lo nữa. Kẻ vũ phu kia chỉ cầu công danh, xin càn quân sĩ đi đóng ở nơi biên ải, tốn phí quân lương và mệt nhọc chuyên chở, vả chăng, chốn hiểm yếu xa xôi thật khó bề kiểm soát, sợ có sự gian trá sẽ xảy ra, vậy, xin cho (Sái Tập) bãi binh, quân thuộc đạo nào xin trả về đạo ấy. Vua Đường nghe theo. (Sái) Tập nhiều lần tâu rằng: - Quân Man chỉ nhằm lúc sơ hở để đánh, ta không thể lơ là việc phòng bị. Vậy, xin cho được giữ lại năm ngàn quân để lo đóng giữ. Vua Đường không nghe. (Sái) Tập nghĩ rằng, quân Man thế nào cũng sẽ tiến đánh mà mình thì quân ít, lương thiếu, trí và lực đều yếu, bèn làm tờ thập tất tử trạng (tờ tâu về mười tình trạng tất yếu phải chết) trình lên toà Trung Thư, nhưng quan tể tướng lại tin vào lời tâu của Sái Kinh nên không thèm xét đến lời tâu của Sái Tập. Mùa thu, tháng 7 (năm Nhâm Ngọ 862), Sái Kinh vì làm việc hà khắc, khắp cõi đều oán, quân sĩ nổi giận mà đuổi hắn đi. (Triều đình) biếm hắn làm chức Tư hộ ở châu Nhai. Hắn không chịu đi nhận chức nên vua Đường xuống chiếu bắt phải tự tử. Mùa đông, tháng 10 (năm Nhâm Ngọ 862), người Man cùng Nam Chiếu đem năm vạn quân đến đánh, (Sái) Tập cáo cấp về triều đình. Vua nhà Đường sai lấy quân lính của hai đạo Kinh Nam và Hồ Nam (hai đạo này đều thuộc Trung Quốc), gồm tất cả hai ngàn, cộng với nghĩa chinh (quân ứng nghĩa đi đánh trận) ở Quế Quản (Trung Quốc) khoảng ba ngàn nữa, cùng kéo đến Ung Châu (Trung Quốc), đặt dưới quyền chỉ huy của tướng Trịnh Ngu để đi cứu (Sái) Tập. Tháng chạp năm ấy, (Sái) Tập lại xin thêm quân. Vua nhà Đường bèn ra lệnh cho đạo Sơn Nam (Trung Quốc) đem một ngàn người giỏi bắn cung nỏ sang. Bấy giờ, quân Nam Chiếu đã bao vây phủ thành (của Sái Tập), cho nên, quân cứu viện không sao đến được. Sái Tập đành cố thủ mà thôi”. ... “Mùa xuân tháng giêng (năm Quý Mùi 863), quân Nam Chiếu đánh chiếm được phủ thành, các tướng tả hữu của (Sái) Tập đều chết cả. (Sái) Tập chạy bộ, cố sức đánh, thân mình bị trúng những mười mũi tên. Sái Tập muốn nhảy xuống thuyền của viên Giám quân để chạy trốn, nhưng thuyền đã chạy ra xa bờ, bèn cùng với cả nhà, gồm bảy chục người, nhảy xuống biển mà chết. Bọn liêu thuộc của Sái Tập là Phàn Xước đem ấn tín và binh phù của Sái Tập sang sông từ trước nên thoát được. Bọn tướng sĩ ở các châu Kinh Nam, Giang Tây, Ngạc, Nhạc và Tương (tất cả đều thuộc Trung Quốc) tất cả hơn bốn trăm người đều chạy về phía đông của thành, chỗ tiếp giáp với con sông. Quan Ngu hầu của châu Kinh Nam là Nguyễn Duy Đức nói với quân sĩ rằng: - Bọn ta không có thuyền, xuống nước tất phải chết, vậy, chi bằng ta hãy quay lại đánh nhau với bọn người Man, ta lấy một chọi hai, hẳn cũng có lợi chút ít. Nói rồi, bèn cùng nhau trở lại thành, vào phía cửa Đông của La Thành. Khi ấy, người Man không phòng bị. Bọn (Nguyễn) Duy Đức tung quân đánh mạnh, giết được hơn hai vạn quân Man. Đến đêm, tướng của người Man là Dương Tự Tấn từ trong thành đem quân ra cứu. Bọn (Nguyễn) Duy Đức đều bị giết cả. Như vậy, Nam Chiếu hai lần đánh chiếm Giao Châu, vừa giết vừa bắt đi tổng cộng gần mười lăm vạn người”.
Lời bàn :
Lý Trác, Sái Kinh, Sái Tập, Trịnh Ngu hay Nguyễn Duy Đức... tất cả đều là quan lại và tướng lĩnh của triều đình nhà Đường, đều là những kẻ từng có một thời tác oai tác quái trên đất nước ta. Song, chuyện của họ nào phải do sử gia vô tình chép lại mà có? Một Lý Trác tham của khiến cho sinh linh cả một phương điêu đứng, loạn li chết chóc mấy năm không dứt, khiếp thay! Mới hay, việc chọn quan can hệ đến vận mệnh của trăm họ biết ngần nào. Một Sái Kinh nhỏ nhen và ganh ghét, đủ để khiến cho tướng Sái Tập cùng quân sĩ và gia quyến phải bỏ mình, đủ để khiến cho sau đó, cả tướng Nguyễn Duy Đức cùng bộ hạ phải thiệt mạng. Mới hay, sự nhỏ nhen của đồng liêu, đôi khi còn khủng khiếp hơn cả một đạo quân hung hãn của đối phương. Làm vua mà dung nạp bọn nhỏ nhen ấy thì cũng có nghĩa là tự chặt bớt tay chân của mình vậy. Biết thế, nhưng vua Đường là vua Đường, làm sao khác được!
|
| | | Shiroi
Tổng số bài gửi : 19896 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: 24 - Tâm Địa Lý Duy Chu Fri 10 Sep 2010, 03:34 | |
| 24 - TÂM ĐỊA LÝ DUY CHU
Lý Duy Chu là một võ quan cao cấp của nhà Đường. Năm Ất Dậu (865), Lý Duy Chu giữ chức Giám quân, quyền thế rất lớn. Cũng vào năm này, một chuyện chẳng hay đã xảy ra giữa Lý Duy Chu với quan Đô hộ Tổng quản Kinh lược Chiêu Thảo sứ là Cao Biền, nhờ đó, bá quan của nhà Đường lúc ấy mới rõ được tâm địa của Lý Duy Chu. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 5, tờ 13a-b) chép rằng : “Năm Giáp Thân, niên hiệu Đường Hàm Thông năm thứ 5 (tức là năm 864 - NKT), vua nhà Đường sai quan giữ chức Tổng quản Kinh lược sứ là Trương Nhân kiêm giữ các việc ở Giao Châu, đồng thời, tăng quân số ở trấn Hải Môn (Trung Quốc) lên cho đủ số hai vạn năm ngàn người, giao cho Trương Nhân tiến đánh để lấy lại phủ thành (là Giao Châu đã bị Nam Chiếu chiếm mất trước đó). Mùa thu, tháng bảy (năm 864 - NKT), Trương Nhân tỏ ý dùng dằng không dám tiến quân. Có viên quan tên là Hạ Hầu Tư tiến cử Kiêu vệ Tướng quân là Cao Biền lĩnh thay việc này. Vua nhà Đường bèn phong cho Cao Biền chức Đô hộ Tổng quản Kinh lược Chiêu thảo sứ và lấy hết quân sĩ của Trương Nhân giao cho Cao Biền. Cao Biền lúc nhỏ có tên là (Cao) Thiên Lý, cháu của Nam Bình Quận .vương là (Cao) Sùng Văn, người được đời đời giữ chức trông coi cấm binh. (Cao) Biền để chí ở việc học, thích bàn chuyện kim cổ, trong quân, ai ai cũng khen ngợi. Lúc trẻ, (Cao) Biền từng theo giúp tướng Chu Thục Minh. Một hôm, thấy có hai con diều hâu sóng đôi bay trên trời, Cao Biền liền lấy cung ra để bắn. Trước khi bắn, Cao Biền khấn rằng : - Nếu quả sau này ta được quý hiển thì xin cho mũi tên này trúng đích. Chẳng dè, Cao Biền bắn một phát, hạ được cả hai con diều hâu. Mọi người đều kinh sợ, nhân đó gọi (Cao Biền) là Lạc điêu Thị ngự sử (quan Thị ngự sử bắn rơi con diều hâu). Sau, (Cao) Biền được thăng dần lên chức Hữu thần sách đô Ngu Hầu. Bấy giờ, có người ở Đảng Hạng làm phản, (Cao) Biền đem hơn một vạn cấm binh đến đóng ở Trường Vũ, nhiều lần lập công, được thăng tới chức Tần châu Phòng ngư sử. Và, Cao Biền lại tiếp tục lập công. Đúng lúc ấy, quân Nam Chiếu chiếm nước ta, Cao Biền được cử thay Trương Nhân sang đánh. Năm Ất Dậu, niên hiệu Đường Hàm Thông năm thứ sáu (tức là năm 865 - NKT), mùa thu, tháng bảy, Cao Biền chuẩn bị quân ngũ ở trấn Hải Môn (Trung Quốc. - NKT) nhưng chưa tiến đánh ngay. Quan giữ chức Giám quân là Lý Duy Chu ghét Cao Biền, muốn tìm cách tống khứ Cao Biền đi, nên cứ liên tục giục giã. Cao Biền bèn đem hơn năm ngàn quân vượt biển đi trước, hẹn (Lý) Duy Chu cho quân ứng viện sau. Cao Biền đi rồi, (Lý) Duy Chu giữ quân lại, không cho tiến. Tháng chín năm ấy, Cao Biền đến Nam Định (vùng Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh ngày nay - NKT), đánh đến Phong Châu (vùng tiếp giáp giữa Hà Tây, Phú Thọ và Vĩnh Phúc - NKT). Bấy giờ, gần năm vạn quân Man đang gặt lúa, bị Cao Biền đánh úp, tan tác bỏ chạy. Cao Biền chém được tướng của người Man là Trương Thuyên, đồng thời, thu hết số lúa đã gặt được đem về nuôi quân. Năm Bính Tuất, niên hiệu Đường Hàm Thông năm thứ bảy ( tức là năm 866 - NKT), mùa hạ, tháng tư, vua Nam Chiếu thăng cho Đoàn Tù Thiên chức Tiết độ sứ Thiện xiển - chức đứng đầu lực lượng Nam Chiếu vùng Tây Bắc Giao Châu (nay là vùng Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc - NKT). Vua Nam Chiếu cũng sai Trương Tập giúp Đoàn Tù Thiên đi đánh Giao Châu, lại cho Phạm Nật Ta giữ chức Đô thống Phù ta và Triệu Nặc Mi làm Đô thống Phù da đi theo hỗ trợ. Bấy giờ, nhà Đường sai Vi Trọng Tể đem hơn bảy ngàn quân đến Giao Châu, cùng với Cao Biền tiến đánh Nam Chiếu, thắng mấy trận liền. Nhưng, khi Cao Biền gởi tờ tâu thắng trận về, qua trấn Hải Môn thì bị (Lý) Duy Chu lấy giấu đi. Suốt mấy tháng đợi chờ tin chẳng thấy, vua nhà Đường bèn hỏi (Lý) Duy Chu thì (Lý) Duy Chu tâu rằng : - Cao Biền đóng quân ở Phong Châu, ngồi nhìn giặc chớ nào có chịu tiến đánh. Vua Đường tức giận, sai Hữu vũ Vệ tướng quân là Vương Án Quyền đến thay (Cao) Biền, bắt Cao Biền phải gấp trở về kinh đô, có ý sẽ phạt tội thật nặng. Nhưng cũng tháng ấy, (Cao) Biền đánh tan quân Nam Chiếu, giết và bắt sống được rất nhiều tên. Nam Chiếu thu nhặt tàn quân, cố chạy vào trong thành để lo chống giữ. Mùa đông, tháng mười, (Cao) Biền vây thành đã hơn mười ngày, khiến cho quân Man rất khốn quẫn. Đến khi thành sắp hạ được thì (Cao) Biền nhận được thư của Vương Án Quyền cho biết là đã cùng với (Lý) Duy Chu xuất đại binh đi. (Cao) Biền liền giao mọi việc quân cơ cho (Vi) Trọng Tể rồi cùng với hơn một trăm bộ hạ trở về Bắc. Trước đó, (Vi) Trọng Tể đã sai viên tiểu sứ là Vương Tuệ Cán và Cao Biền sai viên tiểu hiệu là Tăng Cổn, cả hai cùng mang thư báo tin thắng trận về triều đình nhà Đường. Khi hai người mang thư về đến gần bờ biển (Trung Quốc) thì thấy có cờ xí quân đội kéo sang phía Đông (tức là kéo sang nước ta - NKT), hỏi thì biết là cờ xí của quan Kinh lược sứ (đây chỉ quan Kinh lược sứ Giao Châu là Tống Nhung - NKT) và quan Giám quân (tức Lý Duy Chu - NKT). Họ bèn nói với nhau rằng : - Nếu biết, thế nào (Lý) Duy Chu cũng sẽ lấy cướp tờ biểu tâu tin chiến thắng và tìm cách giữ chúng ta lại. Nói rồi, cả hai cùng nấp kín, chờ cho thuyền của Lý Duy Chu băng qua rồi mới đi gấp về kinh đô. Vua Đường được tờ tâu thì cả mừng, bèn thăng cho Cao Biền chức Kiểm hiệu Công bộ Thượng thư và sai (Cao) Biền tiếp tục đi đánh người Man. Vì lẽ ấy, (Cao) Biền vừa về đến trấn Hải Môn đã phải vội trở lại. (Vương) Án Quyền là kẻ ngu hèn, việc gì cũng phải xin lệnh của (Lý) Duy Chu. (Lý) Duy Chu là kẻ hung bạo và tham lam cho nên các tướng không mấy ai chịu giúp. Bọn họ bèn mở vòng vây, khiến quân Man chạy thoát được quá nửa. (Cao) Biền đến nơi, lại phải đốc thúc tướng sĩ đánh lấy được thành, giết được Đoàn Tù Thiên và kẻ dẫn đường cho quân Nam Chiếu là Chu Cổ Đạo, chém được hơn ba vạn thủ cấp. Quân Nam Chiếu bỏ chạy, (Cao) Biền phá được ai động người Man từng theo quân Nam Chiếu, giết được tù trưởng của họ, khiến người Man kéo tới qui phục đông tới một vạn bảy ngàn người”.
Lời bàn :
Kẻ nhỏ nhen thường không bao giờ chỉ nhỏ nhen một lần. Như Lý Duy Chu, để hại Cao Biền, chỉ trong một thời gian rất ngắn, hắn cũng đã mấy phen thi hành quỷ kế gian manh đó thôi. Cho nên, phàm là tướng thời loạn, trước khi ra trận. vừa phải tính toán kế sách để mong toàn thắng đối phương đã đành, lại còn phải cẩn trọng đề phòng kẻ bất lương nhưng lại cùng chiến tuyến đang chờ dịp đâm lén mình ở phía sau nữa. Mưu gian của Lý Duy Chu, rốt cuộc có che giấu được ai đâu. Mới hay, dưới ánh mặt trời, chẳng có gì hoàn toàn bị che khuất. Kẻ gian tà hiểm ác, sống một đời mà nhục đến muôn đời, khinh thay ! Hẳn nhiên, Cao Biền cũng là quan đô hộ của nhà Đường, nghĩa là cũng chẳng phải tốt đẹp gì đối với sinh linh trăm họ của nước ta thuở ấy, song, chẳng thể vì vậy mà hậu thế bớt coi khinh Lý Duy Chu. Vua Đường xét tội Cao Biền, bất quá cũng chỉ là nghe và tin theo lời tâu của Lý Duy Chu. Vua Đường khen ngợi rồi ân thưởng cho Cao Biển, bất quá cũng nhờ lời tâu của Vương Tuệ Cán và Tăng Cổn. Hai sự ấy tỏ rằng Nhà vua chỉ biết nghe bằng lỗ tai của kẻ khác, đúng sai chẳng qua chỉ là sự may rủi mà thôi. Làm vua kiểu ấy, thì cái khó là làm sao để được làm chứ không phải làm sao để làm được. Cứ đà ấy nghe bằng tai của kẻ khác, nhìn bằng mắt của kẻ khác, làm bằng tay của kẻ khác, cuối cùng, nói bằng miệng của kẻ khác, nghĩ bằng đầu của kẻ khác... thì muôn tâu thánh thượng. khủng khiếp thay ! Lý Duy Chu sở dĩ là ... Lý Duy Chu. chừng như cũng bởi một phần là vì trên Lý Duy Chu, trên cả bá quan văn võ lúc ấy còn có vua Đường. Có phải là ở bất cứ chỗ nào, nấm độc cũng mọc được đâu.
|
| | | Shiroi
Tổng số bài gửi : 19896 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: 25 - Chân Dung Ngô Quyền Fri 10 Sep 2010, 03:35 | |
| 25 - CHÂN DUNG NGÔ QUYỀN
Ngô Quyền sinh năm Mậu Ngọ (898), mất năm Giáp Thìn (944), hưởng thọ 46 tuổi. Ông là một trong những nhân vật lừng danh vào hàng bậc nhất của lịch sử nước nhà. Chân dung Ngô Quyền được sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển 5) mô tả đại lược như sau: “Vua là người mưu sâu, đánh giỏi, công tái tạo thật đáng đứng đầu các vua. Vua họ Ngô, húy là Quyền, người Đường Lâm (nay thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây), con nhà đời đời là quý tộc. Cha của vua là Ngô Mân, làm chức Châu mục châu Đường Lâm. Khi vua chào đời, trong nhà vua bỗng có ánh sáng lạ tràn ngập. Vua có dung mạo khác thường, lưng có ba nốt ruồi. Các thầy tướng cho là lạ, ông có thể làm chủ cả một phương, nhân đó (Ngô Mân) mới đặt cho vua tên húy là Quyền. Khi vua lớn lên, tướng mạo khôi ngô mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, trí dũng hơn người, sức có thể nâng được vạc. Sau, (Vua) từng làm nha tướng cho Dương Đình Nghệ, được Dương Đình Nghệ gả con gái cho, lại cho được quyền quản lĩnh Ái Châu (nay thuộc Thanh Hóa)” (tờ 20-b). “Mùa xuân, tháng 3 (năm Đinh Dậu, 937), nha tướng của Dương Đình Nghệ là Kiều Công Tiễn (Kiều Công Tiễn cũng là con nuôi của Dương Đình Nghệ) đã giết chết Dương Đình Nghệ để đoạt chức. Mùa đông, tháng chạp, nha tướng của Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền từ Ái Châu đem quân ra hỏi tội Kiều Công Tiễn. Kiều Công Tiễn sợ, bèn sai sứ sang đút lót để cầu cứu quân Nam Hán. Vua Nam Hán lúc bấy giờ là (Lưu) Cung muốn nhân nước ta có loạn mà đem quân đánh chết, bèn sai con là Vạn Thắng Vương Hoằng Thao, lĩnh chức Tỉnh hải quân Tiết độ sứ, nhận tước Giao Vương, đem quân đi cứu Kiều Công Tiễn. Vua Nam Hán tự làm tướng, đóng quân tại Hải Môn (Trung Quốc) làm thanh viện. Tại đây, vua Nam Hán hỏi kế của quan giữ chức Sùng Văn Sứ là Tiêu Ích. Tiêu Ích nói: - Nay, trời mưa dầm tính đã mấy tuần, đường biển thì xa xôi và nguy hiểm, đã thế, Ngô Quyền là người kiệt hiệt, ta không thể coi thường được. Đại quân nên tiến thật thận trọng, dùng nhiều người dẫn đường, hỏi kĩ rồi mới nên tiến. Vua Nam Hán không nghe, sai Hoằng Thao đem thật nhiều các loại thuyền chiến, theo sông Bạch Đằng mà tiến vào nước ta để gấp đánh Ngô Quyền, nhưng trước đó, Ngô Quyền đã giết chết bọn Kiều Công Tiễn rồi. Nghe tin Hoằng Thao sắp đến, Ngô Quyền nói với các tướng của mình rằng: - Hoằng Thao bất quá chỉ là đứa trẻ dại khờ, phải đem quân từ xa tới, đã mỏi mệt lại nghe tin Kiều Công Tiễn bị giết chết rồi, hắn mất kẻ nội ứng thì tất nhiên hồn vía chẳng còn nữa. Ta lấy sức đang khỏe để địch với quân mỏi mệt, tất sẽ phá được. Nhưng, bọn chúng hơn ta ở chỗ nhiều thuyền, nếu ta không phòng bị cẩn thận trước thì thế được thua chưa thể nói ngay được. Nay, nếu ta sai người đem cọc lớn vạt nhọn, đầu thì bịt sắt, ngầm đóng xuống trước ở cửa biển, dụ cho thuyền của chúng theo nước triều lên mà vào phía trong của hàng cọc thì ta hoàn toàn có thể chế ngự chúng, quyết không cho chiếc nào tẩu thoát. Định đoạt mưu kế xong, (Ngô) Quyền bèn sai đem cọc đóng xuống ở hai bên bờ cửa sông. Khi nước triều lên, (Ngô) Quyền sai quân đem thuyền nhẹ ra khiêu chiến rồi giả thua để dụ địch đuổi theo. Quả nhiên, Hoằng Thao trúng kế. Khi binh thuyền của chúng lọt vào vùng cắm cọc, đợi nước triều rút, cọc nhô dần lên, (Ngô) Quyền bèn tung quân, liều chết mà đánh. Hoằng Thao bị rối loạn quân ngũ, nước triều lại xuống gấp, thuyền vướng cọc mà lật úp, binh sĩ chết đến quá nửa. (Ngô) Quyền thừa thắng đuổi đánh, bắt và giết Hoằng Thao. Vua Nam Hán được tin, thương khóc mãi rồi thu nhặt tàn quân (của Hoằng Thao) còn sót lại rồi rút về. Từ đó, vua Nam Hán cho rằng, tên húy là Cung (vua Nam Hán họ Lưu, tên là Cung) thật đáng ghét lắm” (tờ 19a-b).
Về Ngô Quyền, hai sử gia lỗi lạc của dân tộc ta là Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên đã có hai lời bàn. Sách trên đã trân trọng ghi lại cả hai lời bàn ấy. Xin giới thiệu lại như sau: - Lời bàn của Lê Văn Hưu: “Tiền Ngô Vương (chỉ Ngô Quyền) có thể lấy quân mới nhóm họp của nước Việt ta mà đánh tan được cả trăm vạn quân của Lưu Hoằng Thao, mở nước và xưng vương, khiến cho người phương Bắc không dám bén mảng đến nữa, cho nên, có thể nói là một lần nổi giận mà khiến cho dân được yên, mưu sâu đánh giỏi lắm vậy. Tuy (Ngô Quyền) chỉ mới xưng Vương chứ chưa lên ngôi Hoàng đế, cũng chưa đặt niên hiệu, nhưng, quốc thống của nước nhà chừng như đã nối lại được rồi vậy” (tờ 21-a). - Lời bàn của Ngô Sĩ Liên: “Lưu Cung tham đất của người, muốn mở rộng bờ cõi, nhưng đất đai chưa lấy được mà đã tự làm hại mất đứa con của mình, lại hại cả dân nước mình. Mạnh Tử nói, đem cái không yêu mà hại cái mình yêu, đại để là như thế này chăng? (tờ 20-a).
|
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: 26 - Loạn Dương Tam Kha Sat 11 Sep 2010, 01:36 | |
| 26 - LOẠN DƯƠNG TAM KHA
Dương Tam Kha là con của Dương Đình Nghệ. Có sách nói Dương Tam Kha là anh, nhưng cũng có sách nói Dương Tam Kha là em vợ của Ngô Quyền. Lí lịch Dương Tam Kha còn có nhiều chỗ chưa rõ, nhưng loạn Dương Tam Kha thì ai cũng tỏ tường. Chuyện chẳng hay này được sách Đại Việt sử kí toàn thư. (ngoại kỉ, quyển 5, từ tờ 21-b đến tờ 23-a) chép lại như sau: “Trước, Tiền Ngô Vương (chỉ Ngô Quyền) bị bệnh nặng nên có lời di chúc, giao cho (Dương) Tam Kha việc giúp con mình nối ngôi. Đến khi Vương (chỉ Ngô Quyền) mất, (Dương) Tam Kha cướp ngôi con trưởng của Vương là Ngô Xương Ngập. Ngô Xương Ngập sợ, chạy lánh về Nam Sách Giang (vùng đất nay thuộc hai huyện Chí Linh và Nam Sách của tỉnh Hải Dương), trú ngụ trong nhà của Phạm Lệnh Công, người ở Trà Hương.(Chỗ này hơi tối nghĩa, vì Trà Hương thuộc vùng Kinh Môn, tỉnh Hải Dương ngày nay). Dương Tam Kha bèn nhận con thứ của Vương là (Ngô) Xương Văn làm con mình. Những người con khác của Vương như Nam Hưng và Càn Hưng thì còn bé nên đều theo về ở với Quốc Mẫu (chỉ vợ Ngô Quyền, con gái của Dương Đình Nghệ). Ít lâu sau, Dương Tam Kha sai các tướng là Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc đem quân đến nhà (Phạm) Lệnh Công đòi bắt (Ngô) Xương Ngập, nhưng cả ba lần đi đều về không. Phạm Lệnh Công lo sợ, bèn đem Ngô Xương Ngập giấu vào trong động núi. Dương Tam Kha hay tin, lại đến đòi bắt như trước nhưng không đươc”. ... “Năm 950, Dương Tam Kha sai (Ngô) Xương Văn cùng hai tướng họ Dương (chỉ Dương Cát Lợi) và họ Đỗ (chỉ Đỗ Cảnh Thạc) đem quân đi đánh hai làng là Đường và Nguyễn ở Thái Bình( vùng đất nay nằm tiếp giáp giữa Hà Tây và Vĩnh Phúc). Khi quân đến Từ Liêm, (Ngô) Xương Văn nói với hai tướng rằng: - Đức lớn của Tiên vương ta đã thấm vào tận lòng dân, cho nên, chính lệnh ban ra, không ai là không thuận nghe theo. Nay, không may Tiên vương đã lìa bỏ quần thần, Bình Vương (đây chỉ Dương Tam Kha) làm việc bất nghĩa, cướp ngôi của anh ta, tội thật không có gì lớn bằng. Giờ đây, Bình Vương lại sai chúng ta đi đánh hai làng vô tội. Nếu may mà thắng được thì chẳng nói làm gì, còn như họ không chịu hàng phục thì ta biết làm sao được? Hai tướng cùng nói: - Chúng tôi xin theo lệnh của ông. Ngô Xương Văn lại nói: - Ta muốn đem quân quay lại đánh úp Bình Vương để khôi phục cơ nghiệp của Tiên Vương ta, như thế có nên chăng? Hai tướng cùng cho là hay, bèn quay về đánh úp Dương Tam Kha. Mọi người muốn giết Dương Tam Kha đi, nhưng Ngô Xương Văn nói: - Bình Vương đối với ta có ơn (chỉ việc Dương Tam Kha đã nhận Ngô Xương Văn làm con nuôi), tại sao lại nỡ giết? Nói rồi, bèn giáng Dương Tam Kha làm Chương Dương Công, ban cho đất làm thực ấp (nay là bến Chương Dương)”.
Lời bàn :
Thời ấy, ngôi chí tôn là ngôi cha truyền con nối và Ngô Quyền cũng đã nói rõ quyết định truyền ngôi cho con trai trưởng của mình là Ngô Xương Ngập. Vậy thì việc làm của Dương Tam Kha, cho dẫu là vì bất cứ lí do khó nói nào đi nữa, cũng đều bị coi là trái với đại đạo ở đời. Lòng ghét bỏ Dương Tam Kha nào phải chỉ có riêng một thuở, bởi vì kẻ tranh đoạt chức quyền của người khác, xưa nay đâu dễ được ai rộng lượng dung tha. Việc làm của Dương Tam Kha, trước là hại cho thân danh, sau là nguy cho xã tắc, giận thay! Sử gia Lê Văn Hưu đã có lời bàn về sự kiện này, nguyên văn như sau: “Đuổi con vua để tự lập làm vua, đó là tội lớn đối với nước, còn như việc nhận con của vua làm con nuôi của mình và ban cho cả thực ấp nữa, thì đấy chỉ là ơn riêng đối với một nhà. Dương Tam Kha dám đuổi Ngô Xương Ngập để tranh đoạt ngôi vua, đó là bề tôi phản nghịch, theo nghĩa thì quyết không thể tha tội chết. Vậy mà, Hậu Ngô Vương (chỉ Ngô Xương Văn, em của Ngô Xương Ngập) không trị tội, còn ban ơn riêng để nuôi dưỡng chứ không nỡ gia hình, lại ban cho cả thực ấp nữa, thế thì há chẳng phải là lầm to rồi hay sao?” (Tờ 23-a). Đọc lời trên, hậu sinh dẫu có chỗ nghĩ khác hơn, vẫn gật gù gõ cán bút xuống bàn mà nói rằng: Chí lí thay!
_________________________ |
| | | Sponsored content
| Tiêu đề: Re: Việt Sử Giai Thoại - Tập 1 - Nguyễn Khắc Thuần | |
| |
| | | |
Similar topics | |
|
Trang 3 trong tổng số 6 trang | Chuyển đến trang : 1, 2, 3, 4, 5, 6 | |
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |