Bài viết mới | Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 06:59
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:17
KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45
KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30
SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22
Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22
NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20
KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08
Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54
Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10
7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10
Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21
Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52
Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28
Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13
Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07
Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36
Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09
Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46
Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06
Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04
DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19
Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37
Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34
TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17
CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05
Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04
Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41
Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16
|
Âm Dương Lịch |
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
|
|
| THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ | |
| |
Tác giả | Thông điệp |
---|
HanSiNguyen
Tổng số bài gửi : 2855 Registration date : 12/10/2009
| Tiêu đề: Re: THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ Sun 08 Aug 2010, 07:14 | |
| Phạm Thư tận nghĩa tận trung Nghĩ mình ăn quả, cố công vun bồi Cúc cung tận tụy ở đời (61) Biết đâu lòng dạ con người hiểm sâu. -2- TU CỔ ĐI SỨ NƯỚC TỀ Ngày kia vua Ngụy khai chầu Bá quan văn võ đứng hầu hai ban Chúa tôi quốc sự luận bàn Phân vân chưa biết liệu toan cách nào An Ấp, Tần muốn đã lâu Ngày nay yêu sách phải giao năm thành Không giao tất xảy chiến tranh Đầu rơi máu chảy, quốc thành tan hoang Thuận lòng chiều lũ sói lang (71) Đem dê nuôi cọp, cọp càng thêm nanh Ngày sau nó lại vồ mình Chi bằng cự tuyệt dứt tình cho xong Tu Cổ bàn kế sang Đông Giao hoà lân quốc mua lòng Tề vương Môi răng liên kết hỗ tương Sách lược hợp nhất, song phương đồng hành Vua rằng:-“Muốn kế ấy thành, Phải cho sứ giả thuyết minh với Tề Gấm trăm đoạn, lụa trăm xe (81) Bạc vàng chẳng tiếc, chỉ e thiếu người Trước sau không có nhân tài Ai người du thuyết giãi bày chủ trương ? Việc giao Tu Cổ đảm đương !” Đại phu vâng lệnh rắp đường Đông du Đem theo cả gã xa phu Trước là giong ngựa sau nhờ trí mưu Hành trang chuẩn bị lao xao Cân phân mọi lẽ, hôm sau đăng trình
Đông thành có Trịnh An Bình (91) Vóc người cao lớn dáng hình oai phong Thân nhau trải mấy thu đông Văn tài điêu luyện võ công hơn người Ngày thường cơm độn ngô khoai Anh em tương kính ngọt bùi sẻ chia Nhân nay có việc sang Tề Xin cùng Tu Cổ cho đi theo hầu Đánh xe dắt ngựa có nhau Mã phu chân ấy ai cầu mà chi Đường xa có bạn có bè (101) Giúp lo rơm cỏ, phòng khi chẳng lành Hôm sau vừa rạng bình minh Một đoàn xe ngựa rời thành Đại Lương Vó câu trực chỉ viễn phương Hai mươi mãnh tướng đường đường oai phong Ba ngày rong ruổi ruổi rong Thoắt đà đến trước cửa Đông nước Tề Điệp văn trình báo mọi bề Cổng thành rộng mở rước về dịch trung Nghỉ ngơi đâu đó vừa xong (111) Vua ban yến tiệc thưởng công sứ thần Rượu ngon say đã bảy phần Tề vương hạ lệnh hai quân tranh tài Tướng văn tướng võ mua vui Thưởng công trăm lượng cho người tài cao Hai mươi mãnh tướng theo hầu Kẻ trước tan tác, người sau quáng quàng Cọp long móng, cua mất càng Khôn nhà dại chợ, bẽ bàng lặng thinh May mà còn Trịnh An Bình (121) Mã phu nổi trận lôi đình ra oai Một phen tráng sĩ trổ tài Tướng Tề đổ máu, gãy tay, vỡ đầu Người sứt trán, kẻ xuôi râu Quan quân hổ thẹn, vương hầu thất kinh Sức thua, thua đã phân minh Lệnh vua lại khiến giao tranh cuộc cờ Thử xem trí giả hiền ngu Danh kỳ Tề quốc so đo sứ thần Tu Cổ tốc chiến mất quân (131) Phạm Thư kiên thủ khó phân thắng hoà Sắp bày địa võng thiên la Trấn biên mai phục, sơn hà tương thông Liên hoàn trận, chiếm thượng phong Kỳ binh tập kích khó mong vãn hồi Vua tôi Tề quốc hỡi ơi Kém anh dắt ngựa, thua người đánh xe Lòng riêng, riêng những não nề Tiếng là thượng quốc, cam bề thất cơ ? An dân, quốc sách, binh cơ (141) Ba câu vấn nạn, sững sờ kinh tâm Mồ hôi Tu Cổ tuôn dầm Rành rành có miệng hóa câm bao giờ May thay còn có Phạm Thư Lẹ làng ứng đối giải trừ khó khăn Dễ dàng định quốc an dân Dụng binh mưu trí quỷ thần cũng thua Tề vương ngơ ngẩn ngẩn ngơ Cười thầm vua Ngụy bỏ lơ nhân tài Rõ là có mắt không ngươi (151) Tài năng thế ấy làm người xa phu ! Thưởng cho vàng lụa gấm tơ Khuyên mời ở lại, dưới cờ lập công.
Bấy giờ đại tiệc vừa xong An Bình chí muốn nghinh phong theo Tề Bàn rằng :-“Cơ cực hàn vi, Bao năm ở Ngụy thảm thê não nùng Tề vương có lượng bao dung Chi bằng ở lại lập công xứ này !” Thư rằng :-“Đạo lý xưa nay (161) Lá rụng về cội, cáo quay về nguồn Dẫu rằng ở Ngụy héo hon Lẽ nào tham lợi mưu toan giúp Tề Mồ cha mả mẹ còn kia Thế nào cũng phải trở về cố hương Ngày nay phụ ý Tề vương Ngày sau Trời sẽ dọn đường cho ta” Bình rằng :-“Trí giả trông xa Một lòng vì nước thật là đáng khen Chỉ e tôi nịnh vua hèn (171) Chuyến này về Ngụy khó yên trong ngoài Trước là cơ hội phí hoài Sau là khổ lụy khiến người cười chê Tốt hơn hãy ở lại Tề !” Thư cười :-“Kẻ sĩ ngại gì dèm pha Lương tâm sáng tựa sao sa Hồ đồ thêu dệt, chẳng qua hồ đồ Mặc cho thiên hạ mưu mô Lẽ nào quân tử bo bo lợi mình Thư này quyết chẳng ham danh (181) Cũng không hám lợi cầu vinh xứ người Chí ta, ta đã quyết rồi Ra tài phụng sự vun bồi quê hương Lâm Tri kim mã ngọc đường Sao bằng tiểu tốt Đại Lương cô thành !” Bình nghe kiên quyết ý tình Thôi thì may rủi tử sinh mặc trời Cam lòng bạn hữu có đôi Cùng về cố quốc buồn vui chung phần Tề, Ngụy kết mối tương thân (191) Sứ đoàn Tu Cổ nhanh chân ra về Môi răng liên kết chở che Mới mong ngăn chặn bánh xe nước Tần Chia tay, vua lại ân cần Chén quỳnh lưu luyến, tần ngần vó câu Ban cho hảo tửu trân châu Đinh ninh từ tạ, mau mau đăng trình.
Được sửa bởi HanSiNguyen ngày Tue 10 May 2016, 09:25; sửa lần 2. |
| | | HanSiNguyen
Tổng số bài gửi : 2855 Registration date : 12/10/2009
| Tiêu đề: Re: THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ Sun 08 Aug 2010, 07:19 | |
| GIẢN CHÚ Đoạn 2 by Nguyễn Phú TU CỔ ĐI SỨ NƯỚC TỀ 1-Khai chầu: Mở một cuộc hội họp (định kỳ) giữa vua và các quan ở ngay tại cung đình.(Khai chầu = khai trào = khai triều) 2-Bá quan : Trăm quan, các quan 3-Chúa tôi : Vua và các bề tôi 4-Quốc sự luận bàn : Thảo luận, bàn bạc về các sự kiện quan trọng trong nước 5-Yêu sách : Đòi hỏi những điều quá đáng, khó thực hiện, khó đáp ứng. 6-Quốc thành : -Kinh thành, thủ đô của một nước -Các thành trì trong nước 7-Lũ sói lang : bọn người độc ác như chó sói, chỉ chực phanh thây xẻ thịt người khác 8-Cự tuyệt : Từ chối dứt khoát, từ chối thẳng thừng. 9-Lân quốc : Nước láng giềng (Như : Lân bang) 10-Hỗ tương : lẫn nhau; giúp đỡ cho nhau 11-Sách lược hợp nhất, song phương đồng hành : Hai nước có chung một chính sách (đối ngoại), thống nhất cùng nhau hành động , cùng đi chung đường với nhau. 12-Thuyết minh : giải thích, trình bày cho rõ ràng một vấn đề nào đó 13-Rắp (đường Đông du) : chuẩn bị sẵn trong đầu (mọi cách thức, mọi đường lối sẽ thực hiện khi sang Tề đi sứ) 14-Hành trang : hành lý, vật dụng mang theo khi đi đường 15-Cân phân : Tính toán tỉ mỉ, chi tiết, rõ ràng, kỹ lưỡng 16-Đăng trình : Lên đường, bắt đầu một chuyến đi 17-Mấy thu đông : Mấy năm 18-Điêu luyện : Cực khéo, cực giỏi 19-Mã phu : Người chăn dắt ngựa 20-Viễn phương : Phương xa 21-Mãnh tướng : Tướng mạnh 22-Điệp văn : văn thư, văn kiện chính thức của nước này gửi cho nước kia, nhằm thông báo một sự kiện quan trọng, hoặc giới thiệu một người nào đó đảm nhận một nhiệm vụ chính thức được phân công. Từ hiện đại gọi là “thông điệp”, “quốc thư”, “uỷ nhiệm thư”. 23-Dịch trung : Nghĩa giống như “quán dịch, dịch quán, dịch đình, dịch đường”. Nơi dành riêng cho các đoàn khách nước ngoài nghỉ ngơi khi đi sứ . Từ hiện đại là “Nhà khách ngoại giao đoàn”, “Lễ tân phủ”. 24-Quáng quàng : Cuống cuồng lên vì tối mắt tối mũi, không còn phân biệt được đông tây nam bắc gì nữa. 25-Nổi trận lôi đình : nổi giận đùng đùng. Ngày xưa ở chốn công đường, khi các quan phụ mẫu nổi cơn tức giận, thường quát tháo ầm ầm như sấm như sét, khiến dân đen thất kinh hồn vía, vì thế mới gọi là “nổi trận lôi đình”. Công đường, nơi xử án, cũng được gọi là “sân lôi đình” vì lẽ ấy. 26-Thử xem trí giả hiền ngu : Thử xem xem những người mưu trí, giỏi hay là dở. -Hiền : giỏi, có tài có đức -Ngu : kém cỏi, vụng dại, ít tài thiếu đức -Trí giả : Người có mưu trí, người có học thức 27-Danh kỳ : Những người đánh cờ giỏi, nổi tiếng. 28-Tốc chiến : đánh nhanh, đánh ào ạt, mục đích muốn thắng nhanh. 29-Kiên thủ : Kiên trì, kiên cường phòng thủ. Thủ ráo riết, chắc chắn, kín kẽ, không để lộ ra sơ hở nào cho đối phương khai thác. 30-Địa võng thiên la : Những tấm lưới bủa giăng khắp trên trời dưới đất, không cho người và chim chóc, muông thú ra thoát. Ý là : “xiết chặt vòng vây”. 31-Trấn biên mai phục : -Mai phục : Giấu quân, không lộ diện, nhằm đánh bất ngờ, mãnh liệt vào đối phương (Như : Phục kích) -Trấn biên : Những vùng biên cương, biên giới, vùng hoang vắng hiểm trở, xa nơi kinh thành. 32-Sơn hà tương thông : Núi và sông thông được với nhau. Ý nói các vùng trong nước đều dễ dàng qua lại, tiếp ứng, cứu viện cho nhau. 33-Liên hoàn trận : Một trận thế trong đó các thành phần quân đội tham gia đều giữ được mối dây liên kết chặt chẽ, sẵn sàng ứng cứu cho nhau, không có thành phần nào bị cô lập, tách rời ra khỏi tổng thể. 34-Thượng phong : Thế trên gió, thế xuôi gió; Nghĩa là “ưu thế, thế thuận lợi”. 35-Kỳ binh : -Chính binh : là quân dàn trận đánh thẳng vào chính diện trận địa đối phương. -Kỳ binh : là quân đánh bất ngờ, từ một hướng phụ không ai ngờ, đột nhiên tham chiến. 36-Tập kích : Từ xa, tiến đến đánh bất ngờ vào địch quân. (Như : Bôn tập) 37-Vãn hồi : Cứu vãn lại một cái đã thua, đã hỏng, đã mất. 38-Thượng quốc : Nước lớn hơn, nước mạnh hơn. 39-Thất cơ : Mất thời cơ, mất tiên cơ, mất thế chủ động, mất ưu thế thuận lợi. 40-An dân, quốc sách, binh cơ : Ba vấn đề lớn của một quốc gia, những sách lược để yên dân, trị nước, tổ chức quân đội. 41-Vấn nạn : Những câu hỏi khó đáp, khó giải quyết; Những vấn đề đau đầu, câu hỏi đố nhằm làm cho người ta phải bế tắc. 42-Kinh tâm : Hoảng sợ đến nỗi tim đập huỳnh huỵch. 43-Ứng đối : Tuỳ theo, nương theo người ta mà có cách đối đáp thích hợp với hoàn cảnh, với tình thế lúc ấy. 44-Giải trừ : Gỡ bỏ, giải thoát 45-Định quốc an dân : Làm cho dân được yên ổn sinh sống, nước được thái bình thịnh trị. 46-Dụng binh : Dùng binh, cầm quân đánh trận. 47-Nghinh phong : Đón gió, đoán trước cơ hội tốt của thời thế mà có cách xử lý thích hợp, mục đích thu được ích lợi nhất cho mình. 48-Cơ cực hàn vi : Đói lạnh, khổ sở. 49-Lượng bao dung : lòng độ lượng, rộng mở, biết tha thứ, không chấp nê, bắt lỗi người khác. 50-Đạo lý : Lẽ phải, đường ngay . Những chuẩn mực đạo đức trong xã hội mà con người phải theo, để xứng đáng gọi là “Người” 51-Cáo quay về nguồn : Do câu tục ngữ “Cáo chết ba năm quay đầu về núi”. Cũng giống như câu “Lá rụng về cội”, đều có chung một ý là “con người phải biết đến cội nguồn, không được quên gốc tích cũa mình” 52-Cố hương : Làng cũ, quê cũ - Cố quốc : Nước cũ. 53-Trí giả : Người có tri thức, có mưu trí, có hiểu biết, có học. 54-Hồ đồ thêu dệt, chẳng qua hồ đồ : Những người thêu dệt chuyện (một cách hồ đồ) nhằm nói xấu người khác, chẳng qua chỉ chứng tỏ bản thân họ là người hồ đồ mà thôi (Hồ đồ : Hàm hồ, bừa bãi, nói lấy được, đặt chuyện không cần biết đến lẽ phải) 55-Quân tử : Người tốt, người hiền, người vị tha bao dung (phản nghĩa của “Tiểu nhân” là “kẻ nhỏ mọn, ích kỷ”) 56-Cầu vinh : mưu toan tìm lấy sự vẻ vang, mưu lợi cho bản thân 57-Kim mã ngọc đường : Nhà bằng ngọc, ngựa bằng vàng. Ý nói nhà cao cửa rộng, giàu có, quyền thế. 58-Tiểu tốt : Lính quèn, người tầm thường, người không có vai vế gì trong cộng đồng. 59-Cô thành : Thành lũy đơn lẻ, không ai trợ giúp. 60-Tử sinh : Chết và sống. 61-Tương thân : thân nhau, hoà hoãn với nhau, thân thiết với nhau. 62-Chén quỳnh : tức “chén quỳnh tương” = chén rượu. 63-Hảo tửu trân châu : Rượu ngon, ngọc quý. 64-Đinh ninh từ tạ : Cám ơn, nhưng nhất định khăng khăng từ chối, không nhân. |
| | | HanSiNguyen
Tổng số bài gửi : 2855 Registration date : 12/10/2009
| Tiêu đề: Re: THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ Sun 08 Aug 2010, 07:23 | |
| LỜI BÀN đoạn 2 (by Nguyễn Hồng Bảy) 1-Thủ pháp phục bút “20 viên mãnh tướng” Khi phái đoàn Tu Cổ chuẩn bị đi sứ nước Tề, người viết đã nhẹ nhàng hạ mấy câu như sau : Hôm sau vừa rạng bình minh Một đoàn xe ngựa rời thành Đại Lương Vó câu trực chỉ viễn phương Hai mươi mãnh tướng đường đường oai phong (106) Đi sứ tất phải có người bảo vệ cho sứ thần và các tặng phẩm vàng lụa, việc 20 viên tướng mạnh đi theo hộ vệ cũng là điều hợp lý. Oai phong cũng là điều hợp lý.
Cái oai phong lẫm liệt ấy thể hiện qua 4 chữ “đường đường oai phong”. Chỉ thế thôi nhưng cũng đủ cho thấy đó là 20 con người cao lớn, hùng dũng, hiên ngang qua tầm vóc của thân xác, qua uy nghi của dáng vẻ, qua rực rỡ của y giáp Chỉ nói vài câu rồi lảng sang chuyện khác. Mười một câu sau đó, ở câu 117-120, ta lại bất ngờ gặp lại 20 viên mãnh tướng ấy, nhưng trong một bối cảnh khác, bối cảnh cuộc so tài ở triều đình Tề, cái “oai phong” của 20 viên tướng mạnh ấy nối tiếp như sau : Hai mươi mãnh tướng theo hầu Kẻ trước tan tác, người sau quáng quàng Cọp long móng, cua mất càng Khôn nhà dại chợ, bẽ bàng lặng thinh Thật là bất ngờ. Đó chính là thủ pháp “Phục bút” : ở đoạn trước nói lướt qua một điều gì đó, tưởng là tầm thường, để rồi ở đoạn khác tiếp nối sau, trở lại điều ấy với những bất ngờ thú vị, thậm chí đảo ngược hoàn toàn tất cả nhãn quan, định kiến trước đó. Té ra cái oai phong của họ chỉ là như thế mà thôi : “Khôn nhà dại chợ !” Phục bút “20 viên mãnh tướng” như thế nhằm mục đích gì ? LAMXT xin được trả lời trong một bài bình khác. 2-Sự xuất hiện từ rất sớm của Trịnh An Bình : Trong Sử ký Tư Mã Thiên và Đông Chu liệt quốc diễn nghĩa, Trịnh An Bình chỉ xuất hiện sau khi Phạm Thư lâm nạn, ra tay cứu sống Phạm Thư, rồi cùng nhau theo Vương Kê sang Tần. Trong truyện thơ TTUHPT, Trịnh An Bình được HSN cho xuất hiện rất sớm, cùng theo Tu Cổ và Phạm Thư đi sứ nước Tề. Hư cấu như vậy hẳn là phải có lý do. Dễ dàng nhận thấy, đoạn phục bút “20 viên mãnh tướng ... thua tơi tả”, cốt để đề cao anh mã phu Trịnh An Bình. Và qua anh mã phu tài giỏi này, đối chiếu những điều họ nghị luận với nhau trong vấn đề “sang Tề” hay “về Nguỵ”, để khắc hoạ ... người xa phu Phạm Thư vậy. Tóm lại, việc cho Trịnh An Bình xuất hiện sớm, cũng như việc phục bút “20 viên mãnh tướng ... đại bại” chỉ nhằm một mục tiêu là giới thiệu các nhân vật chính qua hành động cụ thể mà thôi. Đó cũng chính là một kỹ xảo điện ảnh vậy. H7C |
| | | HanSiNguyen
Tổng số bài gửi : 2855 Registration date : 12/10/2009
| Tiêu đề: Re: THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ Sun 08 Aug 2010, 07:27 | |
| HSN - Đôi điều nói thêm về 6 câu thơ (131-136) trong đoạn 2 : CUỘC CỜ Ở NƯỚC TỀ Tu Cổ tốc chiến mất quân (131) Phạm Thư kiên thủ khó phân thắng hoà Sắp bày địa võng thiên la Trấn biên mai phục, sơn hà tương thông Liên hoàn trận, chiếm thượng phong Kỳ binh tập kích khó mong vãn hồi (136) *Lúc ban đầu , 6 câu này được viết như sau : Tu Cổ ba thứ mất quân (131) Phạm Thư ra trận lại giành tiên cơ Thế như bão táp mưa sa Pháo đầu trực chiến, mã hà giáp công Thông xe tạo thế thượng phong Tốt đầu xung trận khó mong vãn hồi (136) *Khi bản UHPT có 6 câu ấy đến tay bác Bảy H7C Hồng Thất Công, bác Bảy đã cho ý kiến như thế này, HSN xin trích nguyên văn để các bạn đọc chơi cho vui : “Sĩ Nguyên ạ, Bốn câu ấy (133-136) có thể nói là cực hay, mà đồng thời cũng là ... cực dở ! -Cực hay vì chỉ trong 4 câu đơn sơ ấy, cả tứ đẳng liên quân (Xe-Pháo-Mã-Tốt) đều có mặt, mỗi quân phô diễn một thao tác riêng biệt, mang đủ các thuộc tính đặc trưng của chúng (Pháo đầu công chính diện, mã bàn hà trợ chiến, thông xe liên hoàn, tốt đầu độ hà xung kích), lại nói lên được thế cờ áp đảo (bão táp mưa sa, giành thượng phong) khiến cho cục diện bàn cờ không thể đảo ngược. Nói tóm lại là chỉ qua 4 câu ấy thôi, người biết đánh cờ có thể hình dung ra được cả một bàn cờ, cả một thế trận vậy. Nói rằng 4 câu ấy cực hay là vì thế. -Nhưng 4 câu ấy cũng ... cực dở, vì sao chú Nguyên có biết không ? Có lẽ chú đã sơ ý quên mất một điều là bối cảnh cuộc cờ ấy thuộc thời Xuân thu. Cờ thì lúc ấy đã có rồi, nhưng cờ vây thịnh hành, phổ biến, được ưa chuộng nhiều hơn cờ tướng, đặc biệt là ở trong cung đình. Cờ vây (Vi kỳ) là loại cờ trong đó bàn cờ có 19 đường ngang, 19 đường dọc, không có sông ở giữa, quân hai bên vây bủa, tiêu diệt lẫn nhau, hình thế giống như một cuộc tranh giành giữa 2 lực lượng của cùng một nước Cờ tướng (Tượng kỳ) là loại cờ trong đó có 9 đường ngang, 9 đường dọc, ở giữa có một giải phân cách 2 nước, gọi là sông, hình thế cuộc cờ này giống như cuộc chiến tranh giữa 2 nước vậy. Thời Xuân thu thì cờ vây thịnh hành hơn cờ tướng (trái ngược với bây giờ : cờ tướng ưu thế, còn cờ vây gần như đã bị quên lãng hoàn toàn), do đó cuộc cờ trong truyện bàn đến dứt khoát phải là cờ vây (không có sông, không có các quân tứ đẳng chuyên biệt). Như vậy nói Xe pháo mã tốt là ... cực dở, cho mã lên ... hà lại càng thêm dở ! Hơn nữa, trong thực tế lịch sử, đến thế kỷ thứ 13, Thành Cát Tư Hãn Thiết Mộc Chân mới là người đầu tiên sử dụng đến PHÁO. Khái niệm Pháo trong bàn cờ tướng không thể có trước thực tế của xã hội được. Theo lịch sử môn cờ tướng, thì trước kia chỉ có những quân Xe Mã Tốt Thuyền... Mãi đến triều Minh, quân Pháo mới được khai sinh, thêm vào bàn cờ. Và những thế trận nổi tiếng như Bình phong mã, Pháo đầu (Ngũ thất pháo), Liên hoàn giáp mã tấn trung binh, Thuận pháo, chỉ được triển khai rầm rộ từ thời Minh, Thanh mà thôi. Cho Phạm Thư đánh cờ tướng, đánh trận Pháo đầu, tấn trung binh ... e rằng ... sai lầm nghiêm trọng đó chú Nguyên ạ .....” Đọc những lời bình ấy của bác Bảy, HSN quả thật đã toát mồ hôi lạnh. Nhận xét đúng quá. Bác Bảy quả là cao kiến ! Còn HSN thì đã sơ xuất, mắc một sai lầm khủng khiếp ! Hậu quả đương nhiên là phải mau lẹ chỉnh sửa lại đoạn ấy, cuối cùng thì có 6 câu như bây giờ : Tu Cổ tốc chiến mất quân (131) Phạm Thư kiên thủ khó phân thắng hoà Sắp bày địa võng thiên la Trấn biên mai phục, sơn hà tương thông Liên hoàn trận, chiếm thượng phong Kỳ binh tập kích khó mong vãn hồi (136)
Nhân đây, HSN xin một lần nữa cám ơn bác Bảy H7C . Cám ơn vô cùng. Cám ơn về mọi điều bác Bảy ạ HSN |
| | | HanSiNguyen
Tổng số bài gửi : 2855 Registration date : 12/10/2009
| Tiêu đề: Re: THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ Tue 10 Aug 2010, 17:43 | |
| Chia tay, vua lại ân cần Chén quỳnh lưu luyến, tần ngần vó câu Ban cho hảo tửu trân châu Đinh ninh từ tạ, mau mau đăng trình. -3- KẺ ÁC ĐỒNG MƯU
Ba hôm về đến Ngụy thành Đại phu đến trước sân đình báo công Liên minh, ước đã lập xong (201) Từ nay hai nước dốc lòng giúp nhau Kể ra vấn nạn trước sau Những lời đối đáp vơ vào bản thân Vua khen :-“Đáng mặt hiền thần Không làm xấu mặt quả nhân xứ người Tài như khanh, chẳng mấy ai Cố công ra sức vun bồi quốc gia Nay ban gấm vóc ngọc ngà Tước thăng ba cấp, gọi là thưởng công” Tu Cổ hết sức vui mừng (211) Vội vàng sửa lễ hiến dâng quan thầy Ngụy Tề tướng quốc xưa nay Nhiều phen bênh vực, bao ngày chở che Quyền to, lại rất khắt khe Lễ không ra lễ, có bề hại thân Thầy trò một lũ quyền thần Hiền tài xa lánh, gian nhân kéo bè Mặc cho nhà nước suy vi Đàn ca múa hát phủ phê sáng chiều Sinh linh nhà dột cột xiêu (221) Thiên tai nhân họa đủ điều thê lương Cùng đinh trăm họ thảm thương Riêng quan tướng quốc trọn đường vui say. Bấy giờ Tu Cổ ghen tài Nhớ khi mất mặt trước ngai vua Tề Thẹn mình thua gã đánh xe Bừng bừng lửa giận, mê mê oán hờn Nghĩ ra kế độc mưu gian Chẳng e ngậm máu, chỉ toan phun người Vòng ngà xuyến ngọc mười đôi (231) Rượu ngon, gấm tốt, vàng mười trăm cân Trước là tỏ dạ báo ân Khom lưng ton hót, thập phần hổ ngươi Sau là nhân lúc vắng người Dèm rằng họ Phạm có lời khinh khi : -“Chê bai tướng quốc ngu si Ham ăn của đút, giỏi nghe nịnh sàm Tài năng như trẻ lên năm Hung hăng, thô lỗ, cuồng dâm, ác tà Một tội này, đã khó tha (241) Lại còn thêm tội gian ngoa thông Tề Bạc vàng chất đống đầy xe Nhận nhiều châu báu toan bề vinh thân Bao nhiêu bí mật quốc quân Sõng tay bán rẻ chiếm phần lợi tư Quan binh trông thấy ngờ ngờ Rành rành tang chứng, sờ sờ điêu ngoa Không tin cứ việc xét tra” Ngụy Tề nghe nói thoắt đà ứa gan Lửa đâu thiêu đốt tâm can (251) Đùng đùng nổi giận, oang oang thét gầm Định cho bắt đứa ác nhân Đem về xử tội trước sân lôi đình Tu Cổ vội vã tấu trình : -“Việc này việc nhỏ, nhục hình là xong Tối nay mở tiệc mừng công Bá quan văn võ tiệc tùng vui chơi Phạm Thư tất đón đưa tôi Bấy giờ giữa tiệc đông người khảo tra Trước là diệt đứa gian tà (261) Sau là đủ mặt bách gia trông vào Một đòn dằn mặt vương hầu Trị cho tiệt giống cơ cầu dèm pha Từ nay ai dám khinh ta ?” Ngụy Tề đắc chí khen là mưu cao Lệnh cho sắp đặt trước sau Trong lo yến tiệc, ngoài mau đi mời Lại cho chuẩn bị đòn roi Gông cùm, kìm kẹp, nước sôi, lửa hồng Dự mưu trị đứa gian hùng (271) Để cho những kẻ hai lòng khiếp oai.
Nói về họ Phạm thảo ngay Đâu ngờ lửa bén chân mày mà lo Ung dung đọc sách ngâm thơ Vàng cho chẳng cất, bạc cho chẳng màng Bỗng dưng cảm thấy hoang mang Tâm tư xao xuyến, can tràng phân vân Sục sôi như nước đến chân Mắt môi bứt rứt, tinh thần nôn nao Đi ra thôi lại đi vào (281) Lòng buồn man mác, dạ sầu miên man Tay nâng chén rượu thở than Môi khô miệng đắng, tiếng đàn ngẩn ngơ Tai to vạ lớn sẵn chờ Lá vàng trước gió đong đưa phương nào ? Lục bình trôi dạt về đâu ? Ai hay gió thảm mưa sầu chờ ai ? ................................................. [Còn tiếp]
Được sửa bởi HanSiNguyen ngày Tue 10 May 2016, 09:32; sửa lần 2. |
| | | HanSiNguyen
Tổng số bài gửi : 2855 Registration date : 12/10/2009
| Tiêu đề: Re: THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ Tue 10 Aug 2010, 17:47 | |
| GIẢN CHÚ Đoạn 3, trang 23-26 KẺ ÁC ĐỒNG MƯU (by Nguyễn Phú) 1-Hiền thần : bề tôi hiền, giỏi, có tài có đức. 2-Quả nhân : (cũng như “quả vương”, “cô gia”) đều là những tiếng tự xưng một cách nhún nhường, khiêm tốn của vua chúa. Ý nói mình là người kém tài thiếu đức nên lúc nào cũng hiu quạnh, đơn độc (cô, quả), không có ai giúp đỡ, phò tá. 3-Quan thầy : Người đỡ đầu, quan trực tiếp nâng đỡ, che chở. 4-Tướng quốc : Chức quan đầu triều thời xưa. Lục quốc (Triệu, Nguỵ, Hàn, Yên, Tề, Sở) đều gọi là Tướng quốc. Riêng Tần gọi là Thừa tướng. Các chức danh này đều tương đương như “Thủ tướng” ngày nay. 5-Quyền thần : bề tôi chuyên quyền, lấn át quyền của vua. 6-Suy vi : (cũng như suy vong, suy tàn, suy thoái), càng lúc càng yếu kém dần, thoái hoá dần, dẫn tới sụp đổ. 7-Phủ phê : tràn trề, thừa mứa 8-Sinh linh : mọi người và mọi con vật, thường được hiểu như “nhân dân thấp cổ bé miệng” 9-Thiên tai nhân hoạ : -Thiên tai : tai hoạ trời đem lại (Hạn hán, lũ lụt, bão tố, động đất, dịch bệnh v.v...) -Nhân hoạ : tai hoạ do con người tự gây ra cho mình và đồng lọai (Chiến tranh, phá huỷ môi trường sống ...) 10-Thê lương : thảm thiết 11-Cùng đinh : (Đinh : người dân, người thanh niên) -Cùng đinh : dân cùng, dân nghèo khổ, hết đường sinh sống -Bạch đinh : người tay trắng, không có phương tiện lao động, sản xuất -Thuế đinh : Thuế đánh theo đầu người -Tráng đinh : thanh niên khoẻ mạnh 12-Trước ngai vua Tề : Trước mặt vua quan nước Tề (Ngai : Chiếc ghế vua ngồi). 13-Mê mê : Dây dưa không dứt 14-“Chẳng e ngậm máu, chỉ toan phun người” : (E = sợ, ngại – Toan : toan tính, dự định) Do câu tục ngữ : “Hàm huyết phún nhân, tiên ô ngã khẩu” nghĩa là “Ngậm máu phun người, trước bẩn miệng mình”. “Ngậm máu phun người” có nghĩa là “vu cáo, nói xấu, bày đặt chuyện làm tổn thương người khác” 15-Xuyến : loại vòng trang sức, chuyên đeo ở cổ tay, thường là có bản mỏng và dẹp. 16-Vàng mười : vàng ròng, vàng nguyên chất, vàng tốt nhất. 17-Báo ân : Đền ơn, trả ơn. Những câu tục ngữ liên quan : -Thi ân bất cầu báo : Làm ơn cho người, chẳng mong người đền đáp lại. -Dĩ oán báo ân : Lấy oán trả ơn -Cứu vật vật trả ân; cứu nhân nhân trả oán (ơn, cứu nhơn) 18-Hổ ngươi : Xấu hổ, nhục nhã, thẹn thùng. 19-Nịnh sàm : nói càn nói bậy, không đúng sự thực, cốt để lấy lòng người trên, quan trên. 20-Thông Tề : lén lút liên hệ với nước Tề, làm tay sai cho Tề. 21-Ứa gan : Tức căm gan, tức phát điên lên được. 22-Tâm can : Tim và gan; nghĩa rộng là “lòng dạ, trong lòng, trong bụng” 23-Sân lôi đình : nơi xử án của các quan. 24-Nhục hình : hình phạt đánh đập vào xác thịt. 25-Khảo tra : dùng hình phạt nặng nề đánh vào thân xác , buộc người ta phải khai, phải cung xưng. 26-Bách gia : trăm nhà, nhiều người 27-Tiệt : hết sạch, hết nhẵn 28-Đắc chí : (cũng như đắc ý) thích chí, khoái ý, vừa lòng 29-Đứa gian hùng : kẻ gian dối nhưng khôn ngoan, khéo léo, nhiều mưu mô, dễ dàng qua mắt, đánh lừa được mọi người. 30-Kẻ hai lòng : kẻ phản phúc, người “đứng núi này, trông núi nọ”, “ăn cây táo, rào cây sung” 31-Thảo ngay : người thẳng thắn, có lòng tốt. 32-Lửa bén chân mày : Do câu tục ngữ “Như lửa cháy mày” (Mày : lông mày, chân mày), “Như nước đến chân” (Nước : nước lũ), đều có nghĩa là có việc quan trọng, nguy cấp, gây ra tổn thương nhanh chóng 33-Can tràng : gan ruột 34-Lục bình : Bèo (xanh), bèo trôi nổi trên sông.
|
| | | HanSiNguyen
Tổng số bài gửi : 2855 Registration date : 12/10/2009
| Tiêu đề: Re: THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ Tue 10 May 2016, 09:41 | |
| LỜI BÀN đoạn 3 KẺ ÁC ĐỒNG MƯU By NGUYỄN HỒNG BẢY (H7C)
1-Hai cách cư xử
Ở đoạn cuối phần 2, khi tiễn chân phái đoàn Nguỵ sứ ra về, vua Tề đã tỏ lòng trân trọng, quý mến Phạm Thư, ban cho nhiều tặng vật
Chia tay, vua lại ân cần Chén quỳnh lưu luyến, tần ngần vó câu Ban cho hảo tửu trân châu Đinh ninh từ tạ, mau mau đăng trình.
Kẻ góp nhiều công lao có tính quyết định đến đại cuộc “liên minh Tề-Nguỵ” là Phạm Thư lại chỉ “Đinh ninh từ tạ ...”, rồi sau đó thì “mau mau đăng trình”
Trong khi đó ở đầu phần 3, lúc vua Nguỵ khen thưởng, gã bất tài vô tướng Tu Cổ lại có một cách xử sự khác hẳn. Trước hết là nhận vơ phần công lao của kẻ khác về mình :
Kể ra vấn nạn trước sau Những lời đối đáp vơ vào bản thân
Kế đến là ưỡn ngực ra, vênh vang nhận lãnh những lời ngợi khen, cũng như những tặng vật quý giá vua Nguỵ hàm hồ ban thưởng :
Vua khen :-“Đáng mặt hiền thần Không làm xấu mặt quả nhân xứ người Tài như khanh, chẳng mấy ai Cố công ra sức vun bồi quốc gia Nay ban gấm vóc ngọc ngà Tước thăng ba cấp, gọi là thưởng công” Tu Cổ hết sức vui mừng (211) Vội vàng sửa lễ hiến dâng quan thầy
Quả là hai cách cư xử trái ngược hoàn toàn, việc tuy nhỏ nhưng cũng đủ để phơi trần tâm địa, bản chất hai con người ấy khác nhau, khác nhau xa lắm vậy. -----------------
2-Tu Cổ : một biểu tượng của kẻ tiểu nhân vô sỉ .
Chúng ta hãy điểm qua nhân cách của đại phu Tu Cổ :
-Về mặt khả năng : đó là một con người nhạy bén, biết tận dụng kẻ dưới, khai thác rút tỉa lấy những tinh hoa của người ta, mưu ích cho ... bản thân mình ! Qua 2 câu :
Đón đưa Tu Cổ đại phu Việc công góp ý, việc tư lo lường (52)”
Ta thấy Phạm Thư không chỉ là một gã xa phu đưa đón chủ bình thường, mà còn kiêm nhiệm nhiều chức năng lo liệu, kế hoạch, cố vấn cho họ Tu nữa. Hẳn là cái kế hoạch “liên minh Tề Nguỵ” cũng chẳng phải họ Tu đủ tài nghĩ ra đâu ! Ngay cả khi đi sứ nước Tề, Tu Cổ cũng không quên đem theo cái gã đánh xe “đa năng, đa nhiệm” ấy
Đem theo cả gã xa phu Trước là giong ngựa sau nhờ trí mưu (88)
-Về cá tính riêng, đó là một con người bộp chộp, nóng nảy, chỉ muốn thành công ngay, điều ấy thể hiện qua cách đánh cờ :
Tu Cổ tốc chiến mất quân (131)
Khi gặp gian nan, khó khăn thì hoảng hốt, thậm chí tê liệt, hết biết cách đối phó :
........................., sững sờ kinh tâm Mồ hôi Tu Cổ tuôn dầm Rành rành có miệng hóa câm bao giờ (144)
-Về bản chất, đó là một kẻ tiểu nhân hèn mọn, ganh hiền ghét ngỏ, ngoài mặt thì ra vẻ tử tế, nhưng trong lòng chất chứa nọc độc, sẵn sàng hại người bằng đủ mọi hình thức :
Miệng Cổ không ngớt ngợi khen Lòng Tu đố kỵ ghét ghen chất chồng (58)
Thẹn mình thua gã đánh xe Bừng bừng lửa giận, mê mê oán hờn Nghĩ ra kế độc mưu gian Chẳng e ngậm máu, chỉ toan phun người (230)
-Về tâm địa, đó là một kẻ đê tiện, vô sỉ, nhận vơ tranh công của người, đắc chí vênh vang khi được ban thưởng, dẫu rằng bản thân y cũng thừa biết mình chẳng có một chút công cán gì :
Kể ra vấn nạn trước sau Những lời đối đáp vơ vào bản thân (204)
Tu Cổ hết sức vui mừng Vội vàng sửa lễ hiến dâng quan thầy (212)
-Về hành động : giỏi kéo bè kéo cánh, núp bóng quan thầy, hình thành đảng nịnh, mưu cầu vinh hoa, lợi ích cá nhân, bất chấp cảnh khổ của dân, bất chấp thế suy của nước, lại giỏi tài dèm pha, thóc mách, dựng chuyện ngọt xớt, miệng lưỡi nanh nọc :
Thày trò một lũ quyền thần Hiền tài xa lánh, gian nhân kéo bè Mặc cho nhà nước suy vi Đàn ca múa hát phủ phê sáng chiều (220)
Trước là tỏ dạ báo ân Khom lưng ton hót, thập phần hổ ngươi Sau là nhân lúc vắng người Dèm rằng họ Phạm có lời khinh khi : -“Chê bai tướng quốc ngu si Ham ăn của đút, giỏi nghe nịnh sàm Tài năng như trẻ lên năm (239)
Chúng ta sẽ còn gặp lại nhân vật này ở các chương sau.
Tóm lại, đây là một nhân vật xấu xa trong số các nhân vật phản diện (Tu Cổ, Nguỵ Tề, Tuyên thái hậu, Triệu Quát v.v...) nhưng được khắc hoạ rất lý thú vậy. ---------------------- |
| | | HanSiNguyen
Tổng số bài gửi : 2855 Registration date : 12/10/2009
| Tiêu đề: Re: THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ Tue 10 May 2016, 09:45 | |
| .......................... Tai to vạ lớn sẵn chờ Lá vàng trước gió đong đưa phương nào ? Lục bình trôi dạt về đâu ? Ai hay gió thảm mưa sầu chờ ai ? -4- PHẠM THƯ LÂM NẠN
Mặt trời vừa xế non Đoài
Đại phu ra lệnh đưa ngài nhập cung Đến ngay tướng phủ Nguỵ công (291) Để cùng dự tiệc ăn mừng Đông du Lòng ngay chẳng chút ưu tư Phạm Thư vội vã đón đưa tận tình Xe vừa vào đến trung dinh Lệnh cho chờ đợi bên đình phía tây Bá quan văn võ vui vầy Thịt cao lấp núi, rượu đầy loang sông Cười cười nói nói ung dung Ca nhi múa hát, tơ đồng reo vui Rượu say nghiêng ngả đất trời (301) Bấy giờ mới liệu cuộc chơi khảo tù Truyền cho bắt gã xa phu Đưa vào chính điện công tư nghiêm hình Phạm Thư chưa hiểu nội tình Thoắt đà ngã gục tan tành thịt xương Một là phản bội quân vương Hai là cấu kết ngoại bang mưu đồ Ba là tiết lộ quân cơ Bốn là bôi bác nhuốc nhơ triều đình Trăm ngàn con mắt thất kinh (311) Chỉ e liên luỵ đến mình mà thôi Hết cùm kẹp, lại đòn roi Máu loang mặt đất chưa vơi nhục hình Phạm Thư vía bạt hồn kinh Nhất thời chỉ biết vật mình kêu than Trời cao cách biệt nhân gian Không bênh không vực để oan người hiền Ngụy Tề càng đánh càng điên Men say càng bốc, ghét ghen càng nồng : -“Đánh cho chết đứa cuồng ngông (321) Đánh cho hết kẻ ám thông nước ngoài Đánh cho tiệt nọc tay sai Đánh cho trắng mắt những loài dèm pha” Bá quan văn võ ngẩn ngơ Hồn ai nấy giữ, cốt ngừa sát thân Tu Cổ bạc ác bất nhân Con ngươi trắng dã, lưỡi lằn đẩy đưa : -“Oán thù chớ để dây dưa Chẳng may cọp dữ Phạm Thư thoát nàn Mưu thần chước quỷ đa đoan, (331) Nhổ cỏ sạch rễ, vạn toàn về sau Một đao giết nó cho mau Dưỡng hổ di họa, ngày sau khó lòng !” Ngụy Tề chẳng nghĩ sâu nông Lệnh :-“Mau đánh chết, quẳng trong nhà cầu Từ quan cho chí lính hầu Luân phiên tiểu tiện lên đầu tội nhân Đáng đời mi, kẻ phản thần Nêu gương cho lũ gian nhân soi vào” Đầy sân vương vãi máu đào (341) Xương tan thịt nát, cuộn vào chiếu thâm Hồn trung phách dũng xa xăm Lững lờ quanh quất, âm thầm phiêu du Vật dơ nước uế tưới vô Giật mình lai tỉnh, giả vờ còn mê Nhục hình chịu đã ê chề Người người trở lại rượu chè đàn ca Quân canh còn chú lính già Phạm Thư khẽ cựa, thiết tha khẩn cầu : -“Ngụy Tề kết oán quá sâu, (351) Một khi tan yến lẽ nào chịu dung Bây giờ nhân lúc tiệc nồng Giúp ta, ta sẽ dốc lòng đền ơn Cứu người nghĩa trọng bằng non Theo chi kẻ ác, tiếng hờn muôn thu Dẫu xây chín dặm phù đồ Không bằng làm phúc cứu cho một người Vào thưa xác đã bốc mùi Xin đem vứt bỏ ra nơi cánh đồng Bấy giờ ta trốn mới xong (361) Tử sinh hai ngả cậy trông nơi người”. Lính già nhân hậu cả đời Yêu người công chính, ghét loài vô lương Oan mờ trời đất thì thương Vâng theo kế ấy trọn đường thiện nhân Ngụy Tề say đã bảy phần Mải vui không nghĩ xa gần thực hư -“Mau mau vứt xác Phạm Thư Xương cho cầy cáo, thịt cho quạ diều Làm gương răn lũ dân điêu (371) Thử xem còn dám làm liều nữa không ?” Được lời như cởi tấc lòng Đưa ngay bó chiếu ra đồng mà quăng Lôi lôi kéo kéo lăng xăng Tay năng hành thiện, lòng vâng ý trời U minh thiên lý rạng ngời Người hiền tất sẽ có người chở che Lính già cuốn chiếu đem đi Trời đêm hiu hắt, đường khuya miệt mài Phạm Thư thoát được nạn tai (381) Dập đầu bái tạ, ơn tày tái sinh : -“Xin người cho biết tính danh Ngày sau báo đáp ân tình hôm nay” -“Sá gì việc cỏn con này Mau đi cho chóng thoát tay Ngụy Tề Kẻ kia vốn dĩ đa nghi Thế nào cũng đuổi cũng truy đến cùng Miễn là thoát được lao lung Ngày sau hội ngộ tương phùng có phen Gọi ta là “Gã lính quèn” (391) Là “Người cuốn chiếu”, họ tên quên rồi !” Chia tay lòng những bồi hồi Miệng hùm hang sói, thương ôi nghĩa tình Mới hay áo rách lòng lành Thẹn thay những kẻ tham danh hại người Lê thân một quãng đường dài Máu ra lai láng, khắp người mỏi mê Kêu to ba tiếng não nề Phách rời thể xác, hồn lìa nhân gian. [Còn tiếp] |
| | | HanSiNguyen
Tổng số bài gửi : 2855 Registration date : 12/10/2009
| Tiêu đề: Re: THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ Tue 10 May 2016, 09:48 | |
| GIẢN CHÚ đoạn 4 PHẠM THƯ LÂM NẠN By NGUYỄN PHÚ
1-LÂM NẠN : vương vòng hoạn nạn, vướng phải tai nạn, mắc nạn 2-NON ĐOÀI : Ngọn núi phía Tây 3-NHẬP CUNG : Vào cung 4-TƯỚNG PHỦ : Dinh tướng quốc; nghĩa rộng là dinh của một vị tướng nào đó. 5-ƯU TƯ : Lo âu, nghĩ ngợi 6-TRUNG DINH : Dinh giữa, dinh chính, toà nhà chính trong dinh (nghĩa khác : doanh trại chính trong quân) 7-CHÍNH ĐIỆN : Căn phòng chính, nơi dùng để hội họp, hoặc tiếp đãi quan khách, hoặc thờ cúng 8-CÔNG TƯ NGHIÊM HÌNH : Dùng hình phạt nghiêm khắc trừng trị cả tội công lẫn tội tư 9-NỘI TÌNH : Những tình tiết bên trong, những điều bí ẩn đàng sau một sự kiện nào đó không được nói ra công khai. 10-ÁM THÔNG : Lén lút thông đồng, quan hệ với ai. 11-CON NGƯƠI TRẮNG DÃ : Do câu tục ngữ “Mắt trắng, môi thâm” chỉ những người gian giảo độc ác 12-LƯỠI LẰN ĐẨY ĐƯA : Do câu tục ngữ “Miệng lằn, lưỡi mối” chỉ những kẻ miệng mồm nanh nọc, hay bày đặt chuyện để hại người. 13-THOÁT NÀN : thoát nạn 14-NHỔ CỎ SẠCH RỄ : (Trảm thảo trừ căn) Nhổ cỏ mà không sạch rễ ắt là cỏ sẽ mọc lại, ý nói làm việc gì cũng phải dứt khoát, làm đến nơi đến chốn, không để phát sinh tai hoạ về sau. 15-DƯỠNG HỔ DI HỌA : Nuôi cọp ắt là để lại tai hoạ về sau. Khi cọp lớn lên, hoặc khi lành vết thương, cọp sẽ vồ mình. 16-LAI TỈNH : tỉnh lại sau một cơn hôn mê. 17-PHÙ ĐỒ : đường nổi, tức là cầu. Ca dao có câu : “Dù xây chín dặm phù đồ, Không bằng làm phúc cứu cho một người” Xây đền , dựng chùa, làm đường, bắc cầu ... đều là những việc công quả, làm phúc, giúp người, giúp đời. Nhưng không có việc phúc đức nào to lớn bằng việc “cứu người mắc nạn”. 18-NHÂN HẬU : đầy lòng nhân ái (yêu người). 19-CÔNG CHÍNH : (công bình chính trực) người ngay thẳng, không thiên lệch. 20-VÔ LƯƠNG : (vô lương tâm) không có lòng tốt (Lương = tốt) 21-THIỆN NHÂN : người ăn ở hiền lành, không gian dối độc ác. 22-DÂN ĐIÊU : những kẻ điêu ngoa, ăn không nói có, ăn đứng dựng ngược, bịa chuyện nói càn nói bậy. 23-NĂNG HÀNH THIỆN : Thường xuyên làm việc thiện 24-U MINH THIÊN LÝ RẠNG NGỜI : Trong cõi u minh, ở chốn tối tăm cũng vẫn có lòng trời - Lẽ trời (“Ở hiền gặp lành” chẳng hạn) vẫn sáng ngời, rạng rỡ ở khắp mọi nơi, kể cả ở những nơi tối tăm đầy bất công áp bức. 25-BÁI TẠ : Vái lạy cám ơn 26-ƠN TÀY TÁI SINH : Công ơn này sánh bằng công sinh ra một lần nữa. Ví ngang với công cha mẹ sinh thành ra mình. 27-LAO LUNG : (Lao : nhà ngục – Lung : chiếc lồng) : Những chốn giam giữ, nơi cầm tù. 28-HỘI NGỘ TƯƠNG PHÙNG : gặp lại nhau 29-MIỆNG HÙM HANG SÓI, THƯƠNG ÔI NGHĨA TÌNH : Nghĩ mà thương cho người lính quèn có nghĩa có tình, sau khi làm phúc cứu người, không hiểu sẽ ra sao khi trở lại dinh Nguỵ Tề, là hang ổ của lũ hùm sói hung ác. 30-PHÁCH RỜI THỂ XÁC, HỒN LÌA NHÂN GIAN : Theo quan niệm xưa, trong mỗi người sống có tồn tại “ba hồn bảy vía (phách)”, giúp cho có tri thức, biết hoạt động, không vô tri bất động như cỏ cây gỗ đá. Cả câu có nghĩa là “chết”, hoặc ít ra thì cũng là “bất tỉnh, hôn mê” |
| | | HanSiNguyen
Tổng số bài gửi : 2855 Registration date : 12/10/2009
| Tiêu đề: Re: THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ Tue 10 May 2016, 09:54 | |
| BÌNH CHÚ đoạn 4 PHẠM THƯ LÂM NẠN By NGUYỄN HỒNG BẢY (H7C)
1-Người ngay mắc nạn
Ở đời, sẽ chỉ là một điều bình thường thôi nếu kẻ độc ác gian xảo mắc phải nạn tai, việc ấy hợp với logic nhân quả : gieo nhân nào được quả nấy, và “kẻ ác lâm nạn” thường cũng chỉ nhận được hai tiếng “Đáng đời”
Khốn thay, kẻ ác lại hiếm khi ... lâm nạn, trong tay một khi đã có dồi dào tiền bạc, thế lực, sức mạnh thì quả là cũng khó mà lâm nạn thật.
Ngược lại, kẻ thường xuyên vướng phải trắc trở, rủi ro, tai ương, hoạ kiếp lại chính là những người thân cô thế cô, thấp cổ bé miệng, nghèo khó yếu đuối, thế lực của họ chẳng khác nào thế lực của đứa trẻ lên ba : mỏng manh như bọt bèo, dễ vỡ như bong bóng. Tất cả những tai ương ấy được quy về cho vận số, cho thiên mệnh như một lời giải thích đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu để mà yên lòng ... chấp nhận !!!
Đến trường hợp của những người như Nhạc Phi đời Tống, đại tướng chỉ huy cả toàn quân, được nhân dân yêu mến, lòng trung chói lọi như vầng thái dương, dũng khí cao ngất tận trời xanh, tài cầm quân nghiêng sông lật núi ... vậy mà cuối cùng cũng lâm nạn, chịu chết ở Phong ba đình. Có phải là Nhạc Phi cô thân cô thế đâu, có phải là Nhạc Phi thấp cổ bé miệng đâu, sao cũng vương vào tai ương, hoạ kiếp ? Câu giải thích cũng lại được quy về cho ... thiên mệnh !!!
Người ngay lâm nạn thường được đại đa số quần chúng nhân dân tỏ ra đồng cảm. Xót xa cho họ mà cũng xót xa cho chính bản thân mình chăng ? Mơ ước “thiên lý phục hồi, nhân quả báo ứng” là mơ ước cho họ mà cũng là mơ ước cho bản thân mình vậy !
Phạm Thư, một người tài trí nhưng xuất thân hàn vi, vốn chỉ là một gã xa phu đánh xe cho chủ, giả như biết cam chịu “Gối rơm theo phận gối rơm, có đâu dưới thấp lại chồm lên cao” thì hẳn là đã không ... rách việc !
Tài hoa mà chi, sắc sảo mà chi, để cho chúng nhân ghét ghen, đố kỵ lắm vậy !
Lúc ở Tề, nếu Phạm Thư suy nghĩ theo kiểu Tu Cổ (thấy lợi là vồ ngay lấy), hoặc hành động theo kiểu Trịnh An Bình (thực tế hơn, ít lý tưởng hoá hơn) thì hẳn là cũng không mắc nạn. Tấm lòng hiếu thảo với mẹ cha, tấc dạ thuỷ chung với quê hương, ý chí chân thành trung quân báo quốc, dẫn tới một hành động TRỞ VỀ. Và vừa trở về là tức khắc mắc nạn.
Đọc qua những diễn biến ấy, người đời sau không khỏi cảm thấy đôi chút chua xót, bùi ngùi vậy.
2-Áo rách lòng lành
Người xưa có câu :”Đồng bệnh tương lân” (Cùng mang một căn bệnh như nhau, dễ nảy sinh ra lòng thương xót lẫn nhau). Quả thật như vậy, có thể nói không sợ sai ngoa rằng chỉ có những người đã từng kinh qua trăm ngàn khổ cực, khốn cùng mới biết xót thương những người cùng khổ mà thôi. Chính vì vậy mà những người áo rách lòng lành thời nào cũng có, ở đâu cũng có Nhân khi lạm bàn về hai chữ “Rách-Lành”, có thể tạm thời phân chia người đời ra thành bốn hạng :
-Kẻ áo lành lòng ... rách, bản thân no cơm ấm áo nhưng lại làm ngơ trước những khốn khó của những người cùng khổ, ốm đau, hoạn nạn chung quanh. Họ bưng tai bịt mắt mình lại để khỏi thấy, khỏi nghe tha nhân rên siết. Còn đâu là tình người nữa ? Hạng người này thực tế chỉ là những kẻ bỏ đi, chẳng có gì đáng phải luận bàn.
-Kẻ áo rách lòng ... rách: cũng tương tự như vậy, nhưng còn có điểm để mà giải thích, phân bua, hoặc nguỵ biện rằng : Bản thân tôi cũng khốn cùng đây, còn cưu mang cho ai được nữa ??? Với quan niệm ấy, họ có thể tự ru ngủ mình, yên lòng nhắm mắt bịt tai, giả mù giả điếc trước những lời kêu cứu thống thiết của tha nhân. Tuy vậy, xét cho cùng, thực sự cũng chỉ đáng tiếc cho hạng người này mà thôi, chứ họ cũng không đáng trách cho lắm, bởi vì “Ốc không lo nổi cho Ốc, còn mong gì cứu vãn cho ai ???”
-Kẻ áo lành lòng lành: Bản thân được no cơm ấm áo, nhưng còn biết chia sẻ với tha nhân, rộng tay giúp đỡ người cùng khổ. Được như thế đã là biết phát huy những phẩm chất tốt đẹp của CON NGƯỜI lắm rồi
-Kẻ áo rách lòng lành: Bản thân họ ăn bữa nay lo bữa mai, cái nghèo cái khổ luôn luôn chực chờ rình rập, nhưng biết mở rộng tay rộng lòng cùng những người khốn khổ chung quanh . Còn gì quý hơn những hành động nhịn bớt phần ăn ít ỏi của mình sẻ chia cho người ? Còn gì quý hơn những hành động đem manh áo vá duy nhất của mình cho người khác đắp lúc trời giá rét ? Những hành động đại loại như thế có thể nói là cực trân cực quý, và những kẻ áo rách ấy đáng mến, đáng trọng hơn những người trưởng giả rất nhiều vậy.
“Gã lính quèn”, “Người cuốn chiếu” trong đoạn thơ này chính là thuộc về cái tầng lớp ... “Bồ Tát dưới lốt Ăn Mày” ấy vậy ! Và cái hình ảnh “áo rách lòng lành” ấy đặt bên cạnh những vị quan đầu triều như Nguỵ Tề độc ác, như Tu Cổ gian giảo mới tương phản làm sao ! Chua chát làm sao !!!
Hồng Thất Công |
| | | Sponsored content
| Tiêu đề: Re: THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ | |
| |
| | | |
Trang 2 trong tổng số 8 trang | Chuyển đến trang : 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 | |
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |