Bài viết mới | Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 06:59
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:17
KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45
KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30
SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22
Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22
NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20
KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08
Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54
Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10
7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10
Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21
Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52
Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28
Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13
Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07
Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36
Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09
Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46
Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06
Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04
DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19
Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37
Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34
TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17
CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05
Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04
Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41
Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16
|
Âm Dương Lịch |
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
|
|
| Chữ Ăn: Cái thú đoạn trường - Hàn Lệ Nhân | |
| Tác giả | Thông điệp |
---|
Việt Đường
Tổng số bài gửi : 2141 Registration date : 21/08/2009
| Tiêu đề: Chữ Ăn: Cái thú đoạn trường - Hàn Lệ Nhân Sun 18 Oct 2009, 01:13 | |
| Chữ Ăn: Cái thú đoạn trường Hàn Lệ Nhân (Sưu tầm, lược soạn)
Ăn mới thực văn nhân tài tử, Ăn nguyên là văn tự quốc gia. «Trăm năm trong cõi người ta», Không ăn thiên hạ cho là dở hơi. (Đào Trọng Đủ) Trong loạt bài Miệng lưỡi đa sự ký, tôi đã tản mạn qua-loa-rơ-măng về chữ Ăn. Trong bài Tiếng Việt tình tôi, khi trích lại bản sơ kết về chữ Cả trong tiếng nước ta, tôi đã đã nhưng chợt nghĩ lại chữ Ăn, so với chữ Cả, sự kỳ diệu của nó thật thụ gấp vài trăm lần, nên có bài này. Tôi e chữ Ăn trong tiếng Việt là thêm một quái chiêu đáng khoe ra với thiên hạ – ngoài hào quang trong chiến tranh, phở Hà Nội, bún bò Huế, nước mắm Phú Quốc và hai chữ triệu phú dĩ nhiên.
Mở đầu : Ai mở cuộc thi [ Vào khoảng tháng 5 tháng 6 năm 1951, một tuần báo xuất bản tại Sài-Gòn tổ chức một cuộc thi Trau giồi tiếng Việt. Bài thi có bốn câu hỏi:
1. Tìm một chữ Việt Nam rất thông thường, dùng được rất rộng và có hàng chục nghĩa và giảng hết nghĩa của chữ ấy. Cắt nghĩa tường tận hai bài thơ của Hồ Xuân Hương mà ban tổ chức gọi là Bà Chúa thơ nôm: bài Chùa Quán sứ và bài Hờn duyên (Tự tình 2)
2. Tiếng Việt Nam có tính cách tượng thanh nên có nhiều trạng từ rất hay, đọc lên đủ làm cho người ta tưởng tượng được nghĩa của nó. Tỉ dụ: say chuếnh choáng, treo tòn ten, cúi lom khom, trắng phau phau…
3. Xin các bạn tìm những trạng từ tiếng gấp đôi (như các tỉ dụ trên) có thể dùng sau các hình dung từ hay động từ sau đây: Nhai, nỗi, gõ, vỗ, rộng, tròn, sâu, cười, dài, treo, lo, quạt, gầy, mừng, vừa, kêu, khấn, rét, im, chối, tươi, say, chạy, đứng, cao, nhiều, gọi, đi, yêu, thơm.
Nếu tìm được nhiều trạng từ khác 30 tiếng trên, các bạn có thể ghi thêm vào càng hay.
4. Vấn đề thống nhất Việt ngữ: Thí sinh phải đọc bài : Vài đề nghị thống nhất Việt ngữ (*) của Phan Hữu và giả nhời ba câu hỏi sau: a/ Có nên thống nhất triệt để ? b/ Nên đặt nguyên tắc theo đề nghị của ban tổ chức hay không ? c/ Nếu không nên thì cần thay đổi nguyên tắc thế nào cho tiếng Việt thống nhất hoàn toàn ?] ************ ******** Tôi (tác giả Cô Đào Đào Trọng Đủ) yêu tiếng Việt, lẽ tất nhiên là phải dự thi. Bài tôi làm cũng chia làm 4 đoạn, nhan đề của mỗi đoạn có 4 chữ, ghép 4 câu thành ra bài Tứ ngôn như sau: Ai mở cuộc thi để tôi kiêu ngạo, tôi trêu giám khảo, tôi nhạo chàng Phan. Cuộc thi không thành, vì được ít lâu tờ Điện Báo phải đình bản. Thế là bài thi hài hước của tôi cứ việc nghỉ ngơi trong tủ sách.
Rồi đến một Tết nào đó, lâu ngày tôi quên, tôi trích ra 2 đoạn nói về chữ Ăn và chữ Đánh, được một tờ báo Xuân xuất bản ở Nam vang đăng, nhưng lại bị kiểm duyệt… Mãi về sau, Cam-pu-chia cho tự do thêm, một báo tiếng Việt mới được phép đăng cả bài. Rồi tuần tự nhi tiến, bài thơ Ăn của tôi đi đến đài Pháp-Á, rồi ra tới Hà Nội, lại được Bộ Quốc Gia Giáo Dục cho đăng vào tạp chí Văn Hoá… Sau cùng, vào năm 1964-1965, khi báo Trung Lập ra đời tại Nam Vang, bài thơ Ăn lại được đăng một lần nữa và do đó, được theo một bạn yêu thơ đem sang tận Pháp cho nhiều đồng bào thưởng thức… Tôi cũng phấn khởi và trẻ lại được phần nào, rồi đem bản sao ra chép lại cho khỏi thất lạc. Mà cũng may có chép lại, tôi mới nhận thấy 28 năm về trước, tôi ngây thơ…không đoán ra chữ nhà báo đã in nhầm là Nỗi (dấu Ngã) cho nên dạo ấy tôi đã viết :Còn chữ Nỗi văn chương quá Nỗi Khuya rồi mà nghĩ mãi không ra ! Thì ra, tôi đợi 28 năm giời mới nhận thấy chính là chữ Nổi (dấu Hỏi) mà thợ xếp chữ đã xếp lầm ra chữ Nỗi (dấu Ngã). Vậy câu thơ ngày trước xin đổi lại như sau : Còn chữ Nổi lênh đênh quá nỗi Khuya rồi mà nghĩ mãi mới ra ! Sửa lại có thế thôi, còn cả bài thơ 28 năm trước thế nào, bây giờ vẫn thế ấy, mặc dầu bản thân tôi có đổi, cũng như quan niệm tôi đối với đời cũng có khác trước một phần nào… Tôi chắc mười mươi các bạn cũng thừa hiểu rằng 55 {tuổi} phê bình thế nào chả khác 83 {tuổi}.
Antony ngày 28-6-1979 Cô Đào Để tôi kiêu ngạo (Chữ Ăn) Cô Đào Đào Trọng Đủ
Các ngài mở cuộc thi đặc biệt, Thời tôi đây xin viết một bài. Trước là kính tặng các ngài, Sau là khoe món khôi hài của tôi.
Câu thứ nhất lôi thôi quá đỗi, Khách văn phòng nhiều nỗi phân vân, Đang khi tẩn ngẩn, tần ngần Tiếng rao ngoài phố: Ai Ăn bánh mì ?
Tôi nghe thấy, cười khì một cái, Chữ Ăn rồi, ngài cãi hay sao ? Chữ Ăn ý nghĩa dồi dào, Tha hồ thi sĩ nghêu ngao, ỡm ờ.
Bị Ăn cắp, ngồi trơ mắt ếch, Vì Ăn tham nên mếch lòng nhau. Ăn thua vang vẻ gì đâu ? Ăn gian, Ăn lận của nhau bấy rầy.
Người túng bấn Ăn vay từng bữa, Kẻ giàu sang Ăn bửa từng xu. Ăn chơi quen thói lu bù, Ăn tiền hối lộ như Vu (1) mới là.
Ông ốm nghén vì bà Ăn rở, Cậu đi tu để mợ Ăn chay. Trước khi Ăn tiệc mày đay,(2) Học cho biết cách Ăn mày huy chương.
Chồng cặm cụi Ăn lương nhà nước, Vợ ung dung hút thuốc Ăn trầu. Tổ tôm, ông phải ngồi chầu, Cài khàn không phỗng mặc dầu bà Ăn.
Mong chóng đến ngày Xuân: Ăn Tết, Vợ chồng ai Ăn kết xe điều. Bánh chưng, bánh tét cho nhiều, Để dành Ăn giỗ bao nhiêu cho vừa.
Ba ngày Tết, Ăn bừa, Ăn bãi, Tết xong rồi họ lại Ăn chơi. Khi âm nhạc, lúc cờ người, Nhạc thời Ăn nhịp, cờ thời Ăn quân.
Người lao động cởi trần, Ăn nắng, Khách phòng khuê da trắng như ngà Thiên nhiên sẵn đúc một toà Để cho Ăn ghét, chẳng ma nào thèm. (3)
Vãi nào vãi Ăn khem suốt tháng, Sư nào sư Ăn mặn quanh năm. Ăn ngồi rồi lại Ăn nằm, Ăn kham mặc khổ, Quan âm độ trì.
Ăn hương hoả thiếu gì sung sướng, Ăn hoa hồng, tôi tưởng bền hơn. Ăn thề là để rửa hờn, Nhân dân đầy đủ, giang sơn vững vàng.
Kẻ xấu thói Ăn lường, Ăn lận, Người quen mui Ăn bẩn, Ăn bây, Ăn lời, Ăn lãi không đầy, Bụng ta cũng vậy, bụng Tây khác gì ?
Người Ăn xổi, ở thì vô số, Kẻ Ăn không nói có gia-na, (4) Ăn non lại được Ăn già, Ăn bây cờ bạc mới là người ngoan.
Ai chẳng biết làm quan Ăn lễ, Ai không hay lính lệ Ăn bòn, Ăn quèo, Ăn quịt mới ngon, Ăn quanh, Ăn quẩn hãy còn ngô nghê.
Ăn lót dạ tỉ tê rồi đói, Ăn thông lưng sành sỏi càng no, Ăn chung đổ lộn tự do, Ăn cầm chừng để vừa cho có chừng.
Trai cướp vợ Ăn mừng ỏm tỏi, Gái tranh chồng Ăn hỏi linh đình. Ăn thua có một chữ tình, Để người Ăn cắp rồi mình Ăn năn. (5)
Cô Đào Đào Trọng Đủ (gồm 53 chữ Ăn kép) Chú thích bài Để tôi kiêu ngạo, phần chữ Ăn: (*) Cuốn này đã thất lạc. (1) Vu, tiếng Pháp: Vous = Ông, bà ; quý ông, quý bà. (HLN ghi thêm) (2) Mày đay, tiếng Pháp: Médaille = Huy chương (3) Việt Nam Tự Điển quên chữ Ăn nắng và Ăn ghét. (4) Gia-na, tiếng Pháp: Il y en a = có (HLN ghi thêm) (5) Về chữ Ăn, cụ Đào dứt bài thơ với 4 câu mưỡu bài này. Phần kế tiếp là nói về chữ Đánh nên không ghi ra đây, tôi (HLN) để dành cho mục khác ; ngoài ra cụ còn nói về câu hỏi 2 và 4.
Trong bài thơ trên có 53 chữ Ăn kép: hai chữ Ăn cắp, Ăn chơi, Ăn lận được dùng hai lần, tôi (HLN) cho là có hơi phá cách:
1) Ăn bãi (tiếng đệm: Ăn bừa ăn bãi) 2) Ăn bẩn (ăn hối lộ, Ăn quịt v.v. một cách đê tiện) 3) Ăn bây (cờ bạc: vơ lấy tiền người khác mà đánh, lối đánh cù nhây không hợp lệ) 4) Ăn bòn (ăn mót) 5) Ăn bừa (ăn lung tung, bạ gì ăn nấy, ăn xàm) 6) Ăn cầm chừng (ăn cầm hơi) 7) Ăn cắp (lén lấy của người khác: móc túi chẳng hạn) 8) Ăn chay (ăn hoa quả đạm bạc của Phật giáo đại thừa, tục gọi ăn lạt) 9) Ăn chơi (ăn chơi phóng túng) 10) Ăn chung (khác với ăn riêng ; cờ bạc : ăn thì lấy, thua thì trả) 11) Ăn ghét (chất bẩn bám vào da) 12) Ăn già (ăn già ăn non) 13) Ăn gian (Cờ bạc gian lận) 14) Ăn giỗ (ăn kỵ, ăn cỗ) 15) Ăn hoa hồng (hưởng phần lợi nhuận khi làm trung gian) 16) Ăn hỏi (lễ, tiệc trước khi làm đám cưới) 17) Ăn hương hoả (hưởng phần gia tài của cha mẹ, ông bà để lại) 18) Ăn kết (cờ bạc: thắng bộ đôi hay bộ ba cuối một ván bài Tam cúc, ăn trút kết) 19) Ăn kham (ăn uống kham khổ) 20) Ăn khem (ăn kiêng, ăn cử) 21) Ăn không nói có (dựng chuyện nói điêu) 22) Ăn lãi (ăn lời) 23) Ăn lận (ăn gian) 24) Ăn lễ (ăn mừng ngày nghỉ lễ ; nghĩa bóng: Ăn phong bì) 25) Ăn lời (ăn lãi) 26) Ăn lót dạ (ăn đở, ăn để khỏi đói) 27) Ăn lường (như ăn quịt) 28) Ăn lương (ăn lộc) 29) Ăn mặn (khác với ăn nhạt) 30) Ăn mày (ăn xin) 31) Ăn mừng (ăn khao) 32) Ăn nằm (vợ chồng ăn nằm với nhau: chung đụng xác thịt) 33) Ăn năn (hối hận việc đã làm, tự hối) 34) Ăn nắng (dễ bắt nắng) 35) Ăn ngồi (đỉnh chung sao nỡ ăn ngồi cho an, Kiều) 36) Ăn nhịp (có sự hoà hợp về nhịp điệu, tiết tấu) 37) Ăn non (cờ bạc: thắng được là thôi chơi) 38) Ăn quanh (kiếm ăn quanh quẩn trong họ, trong vòng thân hữu) 39) Ăn quân (cờ tướng : ăn xe, ăn pháo) 40) Ăn quẩn (như ăn quanh) 41) Ăn quèo (tiếng đệm: ăn quèo ăn quịt) 42) Ăn quịt (ăn lận) 43) Ăn rở (ăn dở: đàn bà mới có thai thèm ăn thức chua hoặc một vài món khác thường. 44) Ăn Tết (ăn chơi ngày đầu năm) 45) Ăn tham (ăn nhiều) 46) Ăn thề (hẹn thề với nhau) 47) Ăn thông lưng (thông đồng) 48) Ăn thua (tranh hơn thua) 49) Ăn tiệc (ăn cỗ) 50) Ăn tiền (ăn tiền công, tương đương với ăn bạc ăn tiền) 51) Ăn trầu (nhai trầu) 52) Ăn vay (mượn ăn từng bữa) 53) Ăn xổi (ăn cấp kỳ: muối dưa ăn xổi ; nghĩa bóng: không biết làm ăn lâu dài)
Đến nay tôi sưu tầm được:
1/ Sáu trăm mười chín (619) chữ Ăn đứng đầu câu hay đầu từ kép (5) ;
2/ Hàng ngàn chữ Ăn hoặc hàm nghĩa Ăn như Hốc, Tọng, Táp, Đớp… nằm trong câu của ca dao, tục ngữ, thành ngữ, ví dụ : Thợ may Ăn rả, thợ mã Ăn hồ, thợ mộc Ăn giăm khô, thợ rèn Ăn cứt sắt...v.v. Phần 2 này sẽ được đưa ra trong một đề tài khác.
Để bổ túc cho bài thơ trên của cụ Cô Đào Đào Trọng Đủ, tôi viết tiếp : Chữ Ăn: Cái thú đoạn trường
Văn nhân quả khéo Ăn độ thế, Hậu sinh xin Ăn ké lai rai. Trước Ăn chữ, nay trả bài, May ra Ăn mót thêm vài thứ chăng.
Gần cuối tháng Ăn banh tiền chợ, Lòng lo lo: Ăn xớ đâu đây ? Thăm bạn Ăn gọ dăm ngày, Xoay vô cửa Phật Ăn nhây cũng rồi !?
Ăn để sống, ngàn đời thuyết vậy, Sống để ăn tôi thấy đúng hơn: Bởi chưng Ăn diện, Ăn ngon Là mầm Ăn chẹt, Ăn luồn, Ăn xôi.
Nếu Ăn uống, no rồi là đủ Thì làm chi có lũ Ăn người, “Nói lời rồi lại Ăn lời” Ăn cháo đái bát mười mươi thế này.
Nào cái bọn Ăn tay, Ăn rập, Ăn phong bì, Ăn đất của dân ; Ăn sắt, Ăn thép của công, Bề trên bề dưới Ăn không (1), Ăn phàm.
Phường tuồng đó, Ăn giành thuở trước: Nguyện một lòng vì nước Ăn thừa, Ăn chạc, Ăn báo, Ăn bưa Để Ăn gánh chuyện đuổi lùa xâm lăng !
Mãn chầu hát Ăn thông Bến Hải, Ai là ai, Ăn hại là ai ? Ăn chằng, Ăn hiếp, Ăn xài, Ăn không kịp nuốt rạc rài núi sông.
Ăn như hạm lại không biết thẹn, Cứ tơn tơn hoác miệng Ăn-ten: Ăn ở cần kiệm chính liêm… Ăn tục nói phét xứng tên phường chèo !
Ăn phải đũa, ăn theo ai đấy, Ăn bẫm vậy, múa gậy làm sao ? Ăn trăng nói gió tầm phào, Ai Ăn bánh vẽ, lại gào khen ngon !
Ăn ấy ấy hãy còn nhiều lắm, Nhưng mà thôi, Ăn khảnh bấy nhiêu Đủ quyền Ăn nói đôi điều, Chuyển qua Ăn mặc, Ăn tiêu thường thường.
Ăn là thú đoạn trường nhân thế, Ai Ăn không (2) đặt để lăng nhăng: Loài Ăn sương, cỏ: sống nhăn Khác loài muốn sống có làm mới ăn.
Vừa đầy tuổi Ăn xam đúng bữa, Rồi Ăn học sạch của mẹ cha… Có tiền Ăn tiệm, Ăn nhà, Ăn khách, Ăn khín đều là miếng Ăn.
Ăn kiểu Việt còn hàng trăm thứ: Ăn lua láu, Ăn ngữ, Ăn phần, Ăn đẽo, Ăn tạp, Ăn xàm, Ăn chõm, Ăn boóng, Ăn dầm, Ăn loang.
Ăn bốc hốt, Ăn hoang, Ăn hổn, Ăn thâm vốn, Ăn ngốn, Ăn tươi, Ăn vã, Ăn vặt, Ăn vòi, Ăn bẻo, Ăn bĩnh, Ăn bồi, Ăn hôi !
Ăn vòng ngoài đố ai chịu được, Thời này thời Ăn trước trả sau. Ăn hớt mãi phải Ăn sâu, Ăn vụng được cái no mau, nhớ hoài.
Ăn cướp dở không tày Ăn trộm, Đã Ăn đút: Ăn ngọn mới khôn. Ăn mòn miệng, điếng lỗ trôn, Ăn quen khó nhịn, Ăn luôn đồng bào:
Có giống người Ăn nhau quá đẹp, Trăm năm nay, Ăn thiệt ăn thà. Ăn trầu gẫm, gẫm non già: Ăn thịt đồng chủng mới là khéo Ăn !
Hàn Lệ Nhân (gồm102 chữ Ăn kép)
(1) Ăn không của dân bằng mánh khoé lưu manh. (2) Hoá công Ăn không ngồi rồi nên vẽ vời ra loài vật-người là tác phẩm duy nhất phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có thể sống để Ăn ngon-mặc đẹp, chứ nếu chỉ Ăn để sống, mặc cốt bền thì đâu mà sinh sự sự sinh lắm thế !
54) Ăn ấy ấy (ăn thứ không nên ăn) 55) Ăn banh (giọng Nam, en panne = bị trục trặc) 56) Ăn bánh vẽ (bị lừa bịp: Quẳng đi cái có khổ vì cái không – Nguyễn Chí Thiện) 57) Ăn báo (ăn báo cô) 58) Ăn bẫm (ăn khoẻ, ăn tham cách thô tục) 59) Ăn bẻo (ăn bớt tiền của người khác một cách nhỏ nhen) 60) Ăn bĩnh (không chịu dam tiền khi thua bạc) 61) Ăn boóng (đi theo người khác để ăn nhờ) 62) Ăn bốc hốt (chụp giật) 63) Ăn bồi (ăn thêm) 64) Ăn bưa (ăn vừa để khỏi đói) 65) Ăn chạc (ăn nhờ, ăn khỏi trả tiền) 66) Ăn cháo đái bát (phản bội) 67) Ăn chằng (ăn bớt) 68) Ăn chẹt (lợi dụng lúc người ta gặp thế bí để kiếm lợi) 69) Ăn chia (làm ăn theo lối chia phần trăm lợi nhuận ; nghĩa bóng: mánh mung chia chác của công) 70) Ăn chõm (ăn vào phần của người khác, ăn ghẹ) 71) Ăn chữ (đọc sách, báo) 72) Ăn cướp (giật của người rồi bỏ chạy) 73) Ăn dầm (ăn dầm ở dề) 74) Ăn diện (chưng diện) 75) Ăn đất (cướp đất của người khác) 76) Ăn đẽo (lợi dụng người ta để thu lợi về cho mình, nay một ít mai một ít ; đẽo lần hồi) 77) Ăn độ (ăn cuộc, ăn cá. Ở đây cụ Đào dự cuộc thi Trau giồi tiếng Việt) 78) Ăn đút (ăn hối lộ) 79) Ăn gánh (chịu đựng công việc, ăn gánh việc làng, việc nước) 80) Ăn giành (giành ăn một mình, nghĩa bóng: tự ban bố nhiệm vụ) 81) Ăn gọ (ăn gẫu) 82) Ăn hại (ăn tốn kém của người mà chẳng làm được việc gì: Ăn hại đái nát) 83) Ăn hiếp (cậy quyền, ỷ mạnh để ức hiếp kẻ khác) 84) Ăn hoang (ăn uống phung phí: Giàu cách mấy ăn hoang cũng hết) 85) Ăn học (vừa ăn, vừa học: Cha mẹ nuôi con cái ăn học) 86) Ăn hớt (ăn bớt trước của người khác) 87) Ăn hôi (ăn bẩn) 88) Ăn hổn (ăn trước người lớn) 89) Ăn ké (ăn có) 90) Ăn khách (ăn cơm khách) 91) Ăn khảnh (ăn kiểng, ăn cảnh, ăn qua loa) 92) Ăn khín (ăn nhờ chút đỉnh) 93) Ăn không (đoạt của người bằng mánh khoé) 94) Ăn không kịp nuốt (ăn như hạm) 95) Ăn không ngồi rồi (Ăn dưng ngồi rồi) 96) Ăn không rỗi nghề (như trên) 97) Ăn loang (ăn lấn) 98) Ăn lời (nuốt lời hứa) 99) Ăn lua láu (ham ăn, sợ người khác giành mất) 100) Ăn luôn (ăn cả thứ không nên ăn) 101) Ăn luồn (nghĩa bóng = Ăn luồn lẹo) 102) Ăn mặc (ăn bận) 103) Ăn mòn (Ăn mòn kim loại ; nghĩa bóng : Ăn mòn gia sản) 104) Ăn mót (mót thức ăn rơi rớt còn lại) 105) Ăn ngọn (tự chiếm lấy trước một phần lợi của người khác ; ăn bớt, ăn hớt) 106) Ăn ngốn (ăn nhanh, nuốt chửng) 107) Ăn ngữ (ăn chịu, ăn trước trả sau) 108) Ăn người (giành lấy về mình phần lợi hơn người bằng sự tinh ranh ; ức hiếp trù dập người thấp cổ bé miệng) 109) Ăn nhà (ngược lại với ăn tiệm) 110) Ăn nhau (tranh hơn thua, giết nhau) 111) Ăn nhây (Ăn nhây, nói trây) 112) Ăn như hạm (tham ăn quá độ, tham lam quá chừng) 113) Ăn nói (được nói chẳng được ăn: hai thương ăn nói mặn mà có duyên) 114) Ăn ở (thói đời ăn ở, cách cư xử trong xã hội nói chung) 115) Ăn phải đũa (ăn phải bả: bị nhiễm thói xấu của người khác) 116) Ăn phàm, nói tục 117) Ăn phần (đi buôn ăn phần ; nghĩa bóng: Vấy máu ăn phần, trây máu ăn phần) 118) Ăn phong bì (ăn của đút lót, mua chuộc) 119) Ăn quen (quen thói cũ) 120) Ăn sắt (rút ruột công trình) 121) Ăn sâu (ăn thấu vào trong) 122) Ăn sương (cây cỏ ăn sương ; nghĩa bóng: gái ăn sương, trai ăn trộm) 123) Ăn tạp (ăn xàm, ăn sam sưa đủ thứ không kiêng cử) 124) Ăn tay (nước ăn tay ; nghĩa bóng: mưu mô toa rập để chia lợi) 125) Ăn ten (giọng Nam: antenne = Dây bắt điện của máy phát thanh ; nghĩa bóng = chỉ điểm) 126) Ăn thâm vốn (ăn lậm vào vốn) 127) Ăn theo (hùn hạp, nghĩa bóng: nghe lời xúi bậy của kẻ khác) 128) Ăn thép (Ăn nhờ chút đỉnh) 129) Ăn thép (rút ruột công trình) 130) Ăn thịt (ngược lại ăn chay ; nghĩa bóng: đày đoạ, ức hiếp) 131) Ăn thiệt (ngược với ăn chơi) 132) Ăn thông (bên này ăn thông sang bên kia, không bị ngăn cách) 133) Ăn thừa (ăn thức ăn còn dư của kẻ khác) 134) Ăn tiệm (khác với ăn nhà) 135) Ăn tiêu (nói về sự tiêu dùng) 136) Ăn trăng nói gió (ba hoa thiên địa) 137) Ăn trầu gẫm (ngậm miếng trầu mà nghĩ ngợi lan man đến việc khác) 138) Ăn trộm (lén lút vô nhà người lấy của, vô công trường, công sở chôm vật liệu) 139) Ăn trước trả sau (có ăn có chịu ; nghĩa bóng: “tiền trãm hậu lễ”) 140) Ăn tục nói phét (thuyết giảng những điều không tưởng) 141) Ăn tươi (nuốt chửng) 142) Ăn uống (nói chung về sự ăn, sự uống) 143) Ăn vã (chỉ ăn thức ăn, không đụng đến cơm) 144) Ăn vặt (chốc chốc ăn một ít) 145) Ăn vòi (nằng nặc đòi ăn bằng được) 146) Ăn vòng ngoài (âu yếm sơ sơ, ngược với Ăn sâu vô trong) 147) Ăn vụng (ăn chùng, ăn lén) 148) Ăn xài (tiêu pha) 149) Ăn xam (Trẻ con vừa bú mẹ, vừa ăn thức ăn đặc chế khác) 150) Ăn xàm (ăn tạp, ăn xàm xạp như heo: ăn xàm nói bậy) 151) Ăn xớ (ăn bớt) 152) Ăn xôi (chịu đấm ăn xôi: chức quyền do ‘chạy’ mà lên nên mặt trơ bám trụ hầu gở vốn gạc lời, bất chấp dị nghị) 153) Ăn cướp dở không tày ăn trộm 154) Ăn mòn miệng, điếng lỗ trôn 155) Ăn quen nhịn không quen
Viết tới đây tôi bí tịt, nhưng tài sản còn nhiều quá. Vậy kính mong quí «ngoạ hổ tàng long» nhín chút thời giờ phụ một tay Ăn tiếp. Và xin vui lòng tôn trọng nguyên tắc:
1/ Thể thơ phải là Song thất lục bát (như hai bài thơ Ăn trên) ; 2/ Chỉ dùng 1 lần duy nhất chữ Ăn trong số từ kép hay câu còn lại dưới đây (hoặc tự tìm ra chữ Ăn khác càng hay). 155 chữ đậm trên kia là những chữ đã bị Ăn mất rồi.
156) Ăn ảnh (ăn hình: Người mặt rỗ chụp hình dễ ăn ảnh => đẹp hơn ở ngoài) 157) Ăn ba bứa (ăn qua quýt: Có vợ được Ăn ra {ba}bữa, không vợ Ăn ba bứa) 158) Ăn ba hột (Ăn ít, ăn dằn bụng) 159) Ăn bạc (cờ bạc: được bạc ; làm việc có tiền công ; làm quấy mà ăn của người) 160) Ăn bạc ăn tiền (đồng nghĩa với tham nhũng, hối lộ) 161) Ăn bám (không chịu đi làm, ăn bám cha mẹ) 162) Ăn bát cơm dẻo, nhớ nẻo đường đi 163) Ăn bát mẻ, nằm chiếu manh 164) Ăn biếu (ăn biếu ngồi chiếu hoa) 165) Ăn bo bo lo việc nước 166) Ăn bóc, đái đứng 167) Ăn bơ làm biếng 168) Ăn bớt (ăn hớt) 169) Ăn bốc (bốc bằng tay, không cần dùng thià, đũa) 170) Ăn bổng (ăn lộc, ăn bổng lộc) 171) Ăn bù (ăn trả bữa) 172) Ăn búa (bị phang bằng búa) 173) Ăn bữa giỗ, lỗ bữa cày 174) Ăn bữa hôm lo bữa mai (thiếu trước hụt sau) 175) Ăn bữa sáng, lần bữa tối (như trên) 176) Ăn cạ (ăn chằn: chữ dùng trong đánh chắn) 177) Ăn cá bỏ lờ 178) Ăn cá bỏ vây 179) Ăn cá nhả xương, ăn đường nuốt chậm 180) Ăn cám (Chẳng làm được việc gì: Cứ nó thì chỉ có mà Ăn cám) 181) Ăn cám sú (lú lẫn quên sạch kiếp trước) 182) Ăn cám trả vàng 183) Ăn canh cá cặn 184) Ăn cánh (vào hùa với nhau để kiếm lời, để làm điều bất chính) 185) Ăn cay dễ bưng tai 186) Ăn cầm hơi (ăn cầm chừng) 187) Ăn cân ký (ăn hoa hồng) 188) Ăn cần ở kiệm (ăn ở cần kiệm) 189) Ăn cắp ăn nảy (Sinh thói ăn cắp ăn nảy) 190) Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt 191) Ăn cắp vặt (lén lấy đồ lặt vặt của người) 192) Ăn câu (cá mắc câu, câu được nhiều cá) 193) Ăn cây nào rào cây nấy 194) Ăn cây táo rào cây soan đào 195) Ăn cháo đái bát 196) Ăn cháo, để gạo cho vay 197) Ăn cháo đòi ói, ăn rau xanh ruột 198) Ăn chay nằm đất 199) Ăn chắc (tin tưởng sẽ thắng) 200) Ăn chắc mặc bền 201) Ăn chặn (ăn chận: giữ lại để hưởng cái thuộc phần lợi của người khác, dựa vào địa vị của mình) 202) Ăn chân (nước ăn lở da chân) 203) Ăn chẳng bõ nhả (ăn chẳng đáng) 204) Ăn chẳng có, khó đến mình 205) Ăn chẳng hết, thết chẳng khắp 206) Ăn chẳng nên đọi nói chẳng nên lời 207) Ăn chanh ngồi gốc cây chanh / Ăn rồi lại ném ngũ hành tứ tung 208) * Ăn sung ngồi gốc cây sung / Ăn rồi lại ném tứ tung ngũ hành 209) Ăn chầu, ăn chực 210) Ăn chè (nghĩa đen và nghĩa bóng) 211) Ăn chịu (ăn trước trả tiền sau, ăn ghi sổ) 212) Ăn cho đều, kêu cho sòng 213) Ăn chó cả lông 214) Ăn chọn nơi, chơi chọn bạn 215) Ăn chờ ăn chực 216) Ăn chơi (ngược lại với ăn thiệt) 217) Ăn chơi chơi (ăn qua loa) 218) Ăn chơi có qua có lại mới toại lòng nhau 219) Ăn chùng (ăn vụng) 220) Ăn chung mùng riêng 221) Ăn chuối không biết lột vỏ 222) Ăn chưa no lo chưa tới 223) Ăn chưa sạch, bạch chưa thông 224) Ăn chực (ăn nhờ vào phần của người khác, ăn chực ăn chờ) 225) Ăn chực nằm chờ 226) Ăn có (ăn ké) 227) Ăn có chỗ, đổ có nơi 228) Ăn có giờ, làm có buổi 229) Ăn có mời , làm có khiến 230) Ăn có nơi, làm có khiến 231) Ăn cố (ăn ráng) 232) Ăn cỗ (ăn giỗ, ăn kỵ) 233) Ăn cốc (ăn cú) 234) Ăn cơm (ăn xôi, ăn phở, ăn bún…) 235) Ăn cơm bữa (bị đòn như ăn cơm bữa) 236) Ăn cơm bụi (đến bữa bạ đâu ăn đó) 237) Ăn cơm chúa múa theo rầy xe lửa 238) Ăn cơm chúa, múa tối ngày 239) Ăn cơm đảng, nói sảng không biết ngượng 240) Ăn cơm đen (hút thuốc phiện) 241) Ăn cơm hớt (thà ăn cơm hớt, điếu tàn vui hơn (Tú Xương) ; nghĩa bóng: tật cướp lời nói) 242) Ăn cơm khách (ăn cơm nhà người khác) 243) Ăn cơm không biết trở đầu đũa 244) Ăn cơm không rau như nhà giàu chết không kèn trống 245) Ăn cơm lừa thóc, ăn cóc bỏ gan 246) Ăn cơm mới, nói chuyện cũ 247) Ăn cơm nguội, nằm nhà ngoài 248) Ăn cơm nhà vác ngà voi (– vác tù và hàng tổng) 249) Ăn cơm nhà nước, uống nước nhà máy 250) Ăn cơm quán (ăn cơm hàng quán) 251) Ăn cơm Sài-Gòn, đi ngoài Hà Nội 252) Ăn cơm tháng (nghĩa bóng: ăn dầm ở dề nhà người khác) 253) Ăn cơm thừa cá gạn 254) Ăn cơm tù (lối thông đồng trấn lột kiểu mới của một số quán ăn dọc các tuyến xe đò ở VN) 255) Ăn cơm tuần 256) Ăn cơm với cáy ngáy o o / Ăn cơm với bò lo ngay ngáy 257) Ăn cơm với mắm thì ngắm về sau / Ăn cơm với rau, ngắm sau ngắm trước 258) Ăn công (làm việc được trả tiền công) 259) Ăn của ngon, mặc của tốt 260) Ăn cùi chỏ (bị người khác thụi bằng cùi chỏ) 261) Ăn cùng chó, ngồi xó cùng ma 262) Ăn cụng (đồng loã hoà nhau, không ăn thua với nhau trong giới cờ bạc) 263) Ăn cuộc (ăn độ, ăn tiền đặt đố) 264) Ăn cực (ăn kham khổ) 265) Ăn cưới (buổi tiệc ăn mừng trai gái lấy nhau) 266) Ăn cướp cạn (ăn cướp lặt vặt chẳng bõ công) 267) Ăn da (da bị lở: nắng ăn da, nước biển ăn da) 268) Ăn dao (bị đâm, bị chém bằng dao) 269) Ăn dạo (không ăn cơm ở nhà mình) 270) Ăn dằn bụng (ăn lót dạ) 271) Ăn dè (ăn nhít nhít vì sợ hết) 272) Ăn dõi (hưởng lộc dài lâu) 273) Ăn dơ, ở bẩn 274) Ăn dối (ăn khách, ăn gượng gạo) 275) Ăn dỗ (dụ khị để được ăn) 276) Ăn dỗ mồi (ăn vã, Nam : ăn phá mồi) 277) Ăn đám cười (ăn đám cưới) 278) Ăn đám khóc (ăn đám ma) 279) Ăn đàn anh, làm đàn em 280) Ăn đàng sóng, nói đàng gió 281) Ăn đạn (trúng đạn) 282) Ăn đắm (ăn đắm ăn đuối, ăn hau háu) 283) Ăn đắt (ngược lại ăn rẻ) 284) Ăn đấm (ăn thoi) 285) Ăn đất (chết) 286) Ăn đấu trả bồ 287) Ăn đầy tháng, ăn đầy tuổi (Ăn thôi nôi) 288) Ăn đèn (như ăn ảnh, ăn phấn: hình, người đẹp hơn ngoài nhờ ánh đèn) 289) Ăn để sống, chứ không sống để ăn 290) Ăn đêm (khác với ăn ngày, chim ăn đêm ; nghĩa bóng: gái ăn đêm) 291) Ăn đệm (ăn kèm) 292) Ăn đến nơi, làm đến chốn 293) Ăn đi trước lội nước đi sau 294) Ăn đói (khác với ăn no) 295) Ăn đòn (bị đánh đòn, bị đập) 296) Ăn đong (mua từng lon gạo cho từng bữa, gia cảnh nghèo) 297) Ăn đong cho đáng ăn đong / Lấy chồng cho đáng tấm chồng hẳn hoi! 298) Ăn đời ở kiếp 299) Ăn độn (ăn cơm trộn với khoai, sắn…) 300) Ăn đụng (chung tiền mổ heo, mổ bò rồi xẻ ra chia phần ; ăn đụng heo, ăn đụng bò) 301) Ăn được (tàm tạm, giữa ngon và dở) 302) Ăn được làm nên 303) Ăn được ngủ được là tiên / Ăn ngủ không được là tiền vứt đi 304) Ăn được nói nên 305) Ăn đường (đường này ăn về đâu ; xe đò ngừng để hành khách ăn, nghỉ giữa hành trình dài) 306) Ăn đứt (ăn chắc không hoàn lại ; giỏi không ai bì) 307) Ăn gạo (Mua gạo. Ghe, tàu đi ăn gạo) 308) Ăn gấp năm, vơ mười 309) Ăn gẫu (ăn gọ: tán tỉnh người ta để ăn nhờ)) 310) Ăn gầy (hưởng của dưỡng lão. Khi chia gia tài giữ lại một phần để dưỡng tuổi già) 311) Ăn ghé (ăn nhờ) 312) Ăn ghẹ (ăn ghé) 313) Ăn ghém (ăn rau quả kèm với thức ăn khác) 314) Ăn giá (đã thuận giá trong mua bán) 315) Ăn già ăn non (ăn già ăn non, cái mồm thỏm lẻm) 316) Ăn giải (đoạt giải) 317) Ăn gian, nói dối 318) Ăn giấy (công chức văn phòng: nghề ăn giấy) 319) Ăn giỗ nắm phần 320) Ăn gió nằm sương (– nằm mưa) 321) Ăn giỗ nói chuyện đào ao 322) Ăn giọng (hợp giọng, giọng ca cô X rất ăn giọng với nhạc của nhạc sĩ Y) 323) Ăn giũa (tiếng chuyên môn nghề bạc: giũa ngon tay) 324) Ăn gỏi (nghĩa bóng: thắng hay hơn nhau một cách dễ dàng) 325) Ăn gỏi không lá me 326) Ăn gọt (ăn sạch trơn) 327) Ăn gửi (ăn gởi ở nhờ) 328) Ăn hại đái nát 329) Ăn ham chắc, mặc ham bền 330) Ăn hàng (chất hàng hoá lên tàu, lên xe ; nghĩa bóng: ăn vụng, buôn lậu) 331) Ăn hàng vặt (ăn quà vặt) 332) Ăn hau háu (ăn ngấu ăn nghiến) 333) Ăn hết nhiều, ở hết bao nhiêu 334) Ăn hiếp gió (ăn hiếp nhỏ nhặt) 335) Ăn hoa màu (đồng nghĩa với ăn vườn) 336) Ăn hơn hờn thiệt, đánh biệt cất đi, làm chi thì làm 337) Ăn hối lộ (ăn của đút và người ta chỉ hối khi bị lộ) 338) Ăn hột vịt (ăn trứng ngỗng, nghĩa bóng = bài vở bị không điểm) 339) Ăn hút (ăn chơi, hút ma túy) 340) Ăn hương ăn hoa (ăn thanh cảnh, ăn kiểng) 341) Ăn iếc gì (việc ấy ăn iếc gì, khéo lo mất công) 342) Ăn ít ngon nhiều 343) Ăn ít no lâu, ăn nhiều chóng đói 344) Ăn kẹ (ăn ghé, ăn nhờ) 345) Ăn keo (có tiền mà không muốn tiêu, chỉ chực ở người khác) 346) Ăn khách (ăn nhít nhít, ăn không thật lòng) 347) Ăn khách (đông khách hàng) 348) Ăn khao (ăn mừng một sự kiện nào đó) 349) Ăn khít (ăn khớp) 350) Ăn khoả (ăn khoẻ) 351) Ăn khoẻ như voi 352) Ăn không, ăn hỏng (dùng mánh khoé để lấy của người khác) 353) Ăn không biết no (nghĩa bóng: Tham nhũng vô độ) 355) Ăn không ngồi rồi (ăn xổi ở thì) 356) Ăn không rau, đau không thuốc 357) Ăn khuya (ăn bữa cuối trong ngày) 358) Ăn khuyết 359) Ăn kiêng (ăn khem) 360) Ăn kỹ no lâu, cày sâu tốt lúa 361) Ăn la ăn lết 362) Ăn la sấm la sét (ăn la sét = Dessert : Ăn tráng miệng) 363) Ăn lái (thuyền ăn lái: chạy nhanh) 364) Ăn làm (làm ăn) 365) Ăn lan ra (như dầu mỡ ăn lan ra) 366) Ăn lắm hay no, cho lắm hay phiền 367) Ăn lắm hết ngon, nói lắm hết lời khôn 368) Ăn lắm trả nhiều 369) Ăn lậm (ăn thâm vào phần để dành, phần của người khác) 370) Ăn lấn (ăn lan qua chỗ khác) 371) Ăn lấy đặc, mặc lấy bền 372) Ăn lấy đời chơi lấy thời 373) Ăn lấy thảo (ăn qua loa) 374) Ăn lấy thơm tho, chứ không ai ăn lấy no, lấy béo 375) Ăn lấy vị chứ ai lấy bị mà mang 376) Ăn lẽ (ăn đút) 377) Ăn lén (ăn vụng, ăn chùng) 378) Ăn léo (làm khôn khéo mà ăn của người cũng là ăn léo) 379) Ăn lên (được tăng lương, tăng bổng) 380) Ăn liền (ăn cấp kỳ) 381) Ăn loi (bị thoi vào ngực) 382) Ăn lời (chịu lời, vâng lời) 383) Ăn lộc (ăn bổng, ăn lương, ăn lộc Phật) 384) Ăn lông ở lỗ 385) Ăn lúc đói, nói lúc say 386) Ăn mảnh (xé rào, lén lút đi hưởng riêng một mình, bỏ bạn bè đi ăn mảnh) 387) Ăn máu uống thề (ăn huyết thệ, ăn thề) 388) Ăn mày cầm tinh bị gậy 389) Ăn mày chả tày giữ bị 390) Ăn mày đánh đổ cầu ao 391) Ăn mày là ai ? - Ăn mày là ta / Đói cơm, rách áo hoá ra ăn mày 392) Ăn mày nơi cả thể, làm rể nơi nhiều con 393) Ăn mày quen ngõ 394) Ăn mày vòi xôi gấc 395) Ăn mặc (ăn bận) 396) Ăn mắm, mút dòi (hà tiện) 397) Ăn mặn nói ngay, ăn chay nói láo 398) Ăn mặn uống nước (cha ăn mặn, con uống nước, cháu đi tiểu) 399) Ăn mặn uống nước đỏ da / Nằm đất, nằm cát cho ma nó hờn 400) Ăn mận trả đào 401) Ăn mất (bị người khác ăn phần mình) 402) Ăn mật trả gừng 403) Ăn miếng chả, trả miếng bùi 404) Ăn miếng ngon, chồng con trả người 405) Ăn miếng trả miếng 406) Ăn miếng xôi, lôi miếng chả, trả miếng bánh 407) Ăn mộng (Mộng cửa đẽo vừa vặn để lắp vào một lỗ đục ở miếng gỗ khác) 408) Ăn một chắc thời tức, làm một chắc thời bực (một chắc = một mình) 409) Ăn một đọi, nói một lời 410) Ăn một miếng, tiếng để đời 411) Ăn một nén, trả một đồng 412) Ăn muối còn hơn ăn chuối chát 413) Ăn mướp bỏ sơ 414) Ăn nên làm ra (ăn lên làm ra) 415) Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành 416) Ăn ngấu ăn nghiến 417) Ăn ngoẻn ăn ngang (ăn ngang ăn ngoẻn) 418) Ăn nguội (ngược lại với ăn nóng: Ăn pa-tê nguội) 419) Ăn ngược nói xuôi (ăn xuôi nói ngược) 420) Ăn nhạt (ăn lạt) 421) Ăn nhạt mới biết thương mèo 422) Ăn nhằm (không ăn nhằm gì) 423) Ăn nhặt (thu gom của rơi vãi mà ăn) 424) Ăn nhập (không liên quan, ý phủ định) 425) Ăn nhậu (chẳng mắc mớ gì, ý phủ định) 426) Ăn nhậu (rượu chè) 427) Ăn nhiều ăn ít, ăn bằng quả quít cho nó cam lòng 428) Ăn nhín (ăn ít ít, không dám ăn nhiều) 429) Ăn nhịn để dành 430) Ăn nhít nhít (ăn chút đỉnh) 431) Ăn nhỏ nhẻ như mèo 432) Ăn nhờ (ăn chực) 433) Ăn nhơi (nhai uể oải: Biếng ăn) 434) Ăn nhồm nhoàm 435) Ăn như gấu ăn trăng 436) Ăn như hộ pháp cắn chắt 437) Ăn như hủi ăn thịt mỡ 438) Ăn như hùm như hổ 439) Ăn như mèo hửi 440) Ăn như mỏ khoét 441) Ăn như phát tấu 442) Ăn như rồng cuốn, làm như cà-cuống lội ngược 443) Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa 444) Ăn như tằm ăn lên 445) Ăn như thuyền chở mã, làm như ả chơi trăng 446) Ăn như tráng, làm như lão 447) Ăn no đú mỡ (Ăn no đú đởn) 448) Ăn no ngủ kỹ, chổng tỉ lên trời 449) Ăn no tức bụng 450) Ăn no vác nặng 451) Ăn no, giậm chuồng 452) Ăn no, ngủ kỹ 453) Ăn no, trách cả nồi cơm 454) Ăn, nói (vừa được ăn vừa được nói, đôi khi còn được gói đưa về nữa) 455) Ăn nói điêu ngoa 456) Ăn nói trắng trợn (ăn nói toạc móng heo) 457) Ăn nợ (ăn mắc nợ) 458) Ăn nồi bảy quăng ra, ăn nồi ba quăng vào 459) Ăn nồi bảy thì ra, ăn nồi ba thì mất 460) Ăn ong (bắt ong lấy sáp, lấy mật) 461) Ăn ở có nhân, mười phần chẳng khó 462) Ăn ớt sút sít, ăn quít ghê răng 463) Ăn ốc nói mò 464) Ăn ốc nói mò, ăn măng nói mọc, ăn cò nói leo 465) Ăn phải bả (ăn phải đũa) 466) Ăn phải nhai, nói phải nghĩ 467) Ăn phấn (trông đẹp ra vì đánh phấn) 468) Ăn phùng má trợn mắt (ăn cố) 469) Ăn quà (ăn ngoài bữa chính) 470) Ăn quá (ăn quá phần mình) 471) Ăn quả nhả hột 472) Ăn quả nhớ kẻ trồng cây / Ăn gạo nhớ kẻ đâm, xay, giầm, xàng 473) Ăn quen bén mùi 474) Ăn quen chồn đèn mắc bẫy 475) Ăn rằm (ăn mừng ngày rằm) 476) Ăn răng (ăn khớp) 477) Ăn ráo (ăn hết trọi) 478) Ăn rập (toa rập, đồng lõa) 479) Ăn riêng (khác với ăn chung) 480) Ăn rơ (ăn ý) 481) Ăn roi (ăn đòn bằng roi) 482) Ăn rốc (ăn ráo, ăn sạch trơn ; thua rốc: thua sạch bách) 483) Ăn rỗi (ăn khoẻ, ăn tốn: ăn như tằm ăn rỗi) 484) Ăn sạch (ăn hết trơn ; ngược với ăn bẩn) 485) Ăn sái (hút hay nhai sái thuốc phiện ; trai lơ ăn sái nạ dòng, gái tơ ăn sái tấm chồng người ta) 486) Ăn sáng (ăn điểm tâm) 487) Ăn sành (sành ăn) 488) Ăn sau là đầu cất dọn 489) Ăn sỉ (Bắc: mua lẻ ; Nam: Mua sỉ bán lẻ) 490) Ăn sinh nhật (ăn vía) 491) Ăn sơ (ăn sơ sịa) 492) Ăn sống (ngược lại ăn tái, ăn chín) 493) Ăn sống sít (ăn qua quít, ăn qua loa) 494) Ăn sống sít hay đau (ăn trái cây chưa chín thường sinh bệnh) 495) Ăn sốt (ăn khi còn nóng, còn mới) 496) Ăn sung mặc sướng (ăn trắng mặc trơn) 497) Ăn tái (ăn thịt bò nửa chín nửa sống ; nghĩa bóng: Ăn tái nuốt chửng = thắng đối thủ cách dễ dàng) 498) Ăn tái ăn lụi (ăn thịt lụi nửa sống nửa chín) 499) Ăn tái giá (ăn phở chín tái với giá đậu xanh) 500) Ăn tại phủ, ngủ tại công đường 501) Ăn tám lạng, trả nửa cân 502) Ăn tàn (ăn tàn gia bại sản ; theo đóm ăn tàn) 503) Ăn tàn ăn mạt, ăn nát cửa nhà 504) Ăn tanh ở bẩn 505) Ăn táp (ăn như hốc, như đớp, như tọng) 506) Ăn tát (ăn bạt tai) 507) Ăn tay (Bắc: ăn ý ; Nam: như nước ăn chân) 508) Ăn tấm trả giặt (nói về cờ bạc: ăn lắt nhắt như ăn gạo gãy) 509) Ăn tham, thàm làm chốc mép 510) Ăn thảo (thảo ăn ; tiền thảo cho chủ hụi mượn mà không lấy lời) 511) Ăn thật làm giả 512) Ăn thêm (ăn bồi) 513) Ăn thết (có người đãi ăn, mời ăn) 514) Ăn thì ăn những miếng ngon / Làm thì chọn việc cỏn con mà làm 515) Ăn thì cho, buôn thì so 516) Ăn thì cúi trôốc (đầu), đẩy nóc thì van làng 517) Ăn thì ha hả giả thì hi hỉ 518) Ăn thì vùa, thua thì chạy 519) Ăn thọ (tiệc mừng từ 60 tuổi trở về sau) 520) Ăn thu phân (tính số mà ăn, ăn theo độ phân giao ước, ví dụ ăn theo tứ lục: 4/6) 521) Ăn thua đủ (chơi đến nơi, đấu đến chốn) 522) Ăn thua gì (ăn nhằm gì) 523) Ăn thủ chỉ (hưởng quyền lợi của người đứng đầu trong làng về danh vọng) 524) Ăn thúng trả đấu 525) Ăn thuốc (xỉa thuốc khi ăn trầu ; hút thuốc phiện) 526) Ăn thừa, làm thiếu 527) Ăn thừa tự (hưởng phần gia tài của người trước để lại, không con nối dõi, có phận sự tiếp tục việc cúng quải người ấy và tổ tiên người ấy) 528) Ăn thướng (Ăn tiền đặt đàn hoặc vì công việc làm hay hơn kẻ khác) 529) Ăn thưởng (được hưởng tiền thưởng) 530) Ăn tiền (ăn hối lộ ; lời nói ăn tiền: lời nói được việc) 531) Ăn tiếp (ngưng giữa bữa chốc lát rồi ăn tiếp ; phần này ăn tiếp qua phần kia) 532) Ăn to (được lời nhiều) 533) Ăn to nói lớn (huyênh hoang chích choè, một tấc thấu trời) 534) Ăn tối (sau ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều nhưng trước ăn khuya) 535) Ăn tối tăm mặt mũi (ăn hùng hục, ăn lia chia không để miệng mọc da non) 536) Ăn tráng miệng (ăn thức ngọt sau bữa chính, ăn la sét) 537) Ăn trả bữa (ăn giả bữa: ăn bù sau một trận bị bệnh nặng phải kiêng khem) 538) Ăn trắc (giọng Nam, entracte = nghỉ giải lao) 539) Ăn trắng mặc trơn (ăn sung mặc sướng) 540) Ăn trắng mặt trơ 541) Ăn trắt (ăn hột lúa gié rớt ra) 542) Ăn trầu (miệng ăn trầu = bị táng chảy máu mồm ; con gái đã có người dạm hỏi) 543) Ăn trầu cách mắt (ăn ở thiên vị) 544) Ăn trầu có tốt, bà cốt lên tiên 545) Ăn trầu không có rể như ở rể nằm nhà ngoài (như rể chui gầm trạn) 546) Ăn trên ngồi trốc 547) Ăn treo hai, ngồi dai treo một 548) Ăn tro giọ trấu, ỉa cứt ra than 549) Ăn trộm có tang, chơi nganh có tích 550) Ăn trông nồi ngồi trông hướng 551) Ăn trông xuống uống trông lên 552) Ăn trui (nói về cách nướng cá: cá lóc ăn trui là ngon tuyệt) 553) Ăn trưa (buổi ăn giữa ngày) 554) Ăn trứng thúi (ăn trứng thối: Bị phản đối) 555) Ăn tục (ăn nhồm nhoàm thô bỉ) 556) Ăn từ đầu bữa tới cuối bữa 557) Ăn từ trong bếp ăn ra 558) Ăn tươi nuốt sống 559) Ăn uống tìm đến, đánh nhau tìm đi 560) Ăn vạ (Chí Phèo là vua ăn vạ – Vũ Trọng Phụng. Vạ là một thói xấu) 561) Ăn vặt quen mồm 562) Ăn về lâu về dài 563) Ăn vía (ăn mừng ngày sinh) 564) Ăn vóc học hay 565) Ăn vô độ (ăn nhiều) 566) Ăn vôi sôi bụng (có tật giật mình) 567) Ăn vụng chóng no 568) Ăn vụng không biết chùi mép 569) Ăn vườn (sinh nhai bằng nghề làm vườn) 570) Ăn xài huy hoắc (phung phí) 571) Ăn xăng (xe hơi Mỹ có tiếng ăn xăng như rồng uống nước) 572) Ăn xấp (ăn xấp hai: giỏi bằng hai) 573) Ăn xâu ăn đầu 574) Ăn xi đay (gốc Miên: xi = ăn, đay: tay ; miệt Sóc Trăng =>Ăn bốc) 575) Ăn xí phần (giành trước phần về mình) 576) Ăn xì xà xì xụp 577) Ăn xin (ăn mày) 578) Ăn xin cho đáng ăn xin / lấy chồng cho đáng bồ nhìn giữ dưa 579) Ăn xó mó niêu 580) Ăn xôi chùa, ngọng miệng (ăn của người ám úng, muốn nói điều phải mà nói không đặng, dễ ăn khó nói, mở miệng mắc quai) 581) Ăn xổi ở thì (ăn không ngồi rồi) 582) Ăn xung, trả ngáy 583) Ăn xuôi nói ngược 584) Ăn xuýt (nhận vơ của người làm của mình) 585) Ăn xứ Bắc, mặc xứ Kinh 586) Ăn xưa chừa nay (một người nhờ một thuở, trước sướng sau khổ) 587) Ăn ý (ăn rơ, hợp ý) 588) Ăn yến (ăn yến tiệc) 589) Ăn yến (nghề bắt tổ yến) 590) Ăn yếu (ngược với ăn khoẻ, ăn khoả)
Kính mời, Hàn Lệ Nhân (Tiếng Việt tình tôi 2) (08-4-2009)
Bổ túc (09-4-9 / 15-4-09):
591) Ăn chùa (ăn không mất tiền, ăn chạc ; khác với ăn cơm chùa, nhất là ở hải ngoại) 592) Ăn cả ngã về không (Hoặc ăn trọn, hoặc mất hết ; cờ bạc: một chín một bù, rốc vốn) 593) Ăn chung gì (không liên quan, chẳng ăn nhằm gì, ý phủ định ; hàm ý nói lẫy: Đây thì ăn chung gì đối với đấy) 594) Ăn chực nằm chờ 595) Ăn cử (đàn bà ăn khem, ăn kiêng) 596) Ăn dặm (thức ăn dặm: chuẩn bị cho trẻ cai sữa, ăn xam rồi ăn dặm) 597) Ăn dư (ăn thừa) 598) Ăn đắt (ngược lại ăn rẻ) 599) Ăn đói (khác với ăn no) 600) Ăn đồng nào xào đồng nấy (ăn ngoẻn tiền lương chẳng hạn) 601) Ăn khôn (chỉ lựa phần ngon, phần tốt hơn, ý mỉa mai) 602) Ăn lẻ tẻ (làm ăn lẻ tẻ) 603) Ăn lẻm (ăn ngoẻn) 604) Ăn mặn uống nước (cha ăn mặn, con uống nước, cháu đi tiểu) 605) Ăn nay chừa mai (để dành phòng hờ lúc túng thiếu, ví dụ: quỹ tiết kiệm ; ngược lại với Ăn ngoẻn) 606 Ăn no lại nằm (thầy đồ, học trò thời xưa: dài lưng tốn vải ăn no lại nằm) 607) Ăn nốt (ăn cho hết) 608) Ăn oản (giữ chùa thì được ăn oản (ông Từ), mà ăn oản phải quét lá đa) 609) Ăn ớt (dễ như ăn ớt - khó và ít hơn ăn cơm) 610) Ăn phải bùa (ăn phải bả ; bị thư bùa mê) 611) Ăn qua đường (nghĩa bóng, «dùng chán» rồi chê: bỏ) 612) Ăn sách (mọt sách) 613) Ăn tém (ăn gọn) 614) Ăn thả giàn (ăn bao nhiêu cũng được, ăn xài thả giàn: phung phí) 615) Ăn tóm tém (ăn ít ) 616) Ăn trắng (cờ bạc: ăn lận) 617) Ăn uổng (uổng: muốn ăn nhưng tiếc tiền, muốn ăn mà sợ hết) 618) Ăn nhẹ (ăn thức ăn ít thịt thà dầu mỡ) 619) Ăn trái cấm (nam nữ đấu cờ người lần đầu) 620) Ăn thâm (ăn lấn qua phần dự trữ, làm ăn thâm vốn) 621) Ăn trên đầu, trên cổ (chơi tay trên, chơi gác) 622) Ăn tiền già (lảnh lương hưu trí)
Tài liệu tham khảo chính:
* Đại Nam Quốc Âm Tự Vị (Huình Tịnh Của, 1885) có 108 chữ bắt đầu bằng chữ Ăn và 19 chữ Ăn nằm trong câu ; * Dictionnaire Annamite-Franç ais (J.F.M. Génibrel, SG 1898) có 69 chữ Ăn ; * Thi ca bình dân Việt Nam (4 cuốn, Nguyễn Tấn Long và Phan Canh, SG 1969) ; * Việt-Pháp từ điển (Đào Đăng Vỹ, SG 1970) ; * Trau giồi tiếng Việt (Đào Trọng Đủ, Nxb Quê Hương, Canada 1983) ; * Tự vị tiếng Việt Miền Nam (Vương Hồng Sển, SG 1993) ; * Từ điển Bách khoa Việt Nam (HN 1995) có vỏn vẹn 17 chữ Ăn và duy nhất Một chữ Cười (tuồng) ! Tôi may mắn sưu tầm được 161 kiểu cười VN khác nhau (ghi thêm) ; * Từ điển tiếng Việt (VN 1977, 1992, 1994, 2002) có 115 chữ Ăn.
Được sửa bởi Việt Đường ngày Sun 18 Oct 2009, 17:07; sửa lần 4. |
| | | Shiroi
Tổng số bài gửi : 19896 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Re: Chữ Ăn: Cái thú đoạn trường - Hàn Lệ Nhân Sun 18 Oct 2009, 03:00 | |
| "Ăn" đâu mà nhiều quá vậy anh VD ? Đọc thấy hay ghê. Merci anh VD nhiều . |
| | | Việt Đường
Tổng số bài gửi : 2141 Registration date : 21/08/2009
| Tiêu đề: Re: Chữ Ăn: Cái thú đoạn trường - Hàn Lệ Nhân Sun 18 Oct 2009, 04:17 | |
| VĐ rất thích đọc những bài biên khảo của anh Hàn Lệ Nhân. Nếu được, nhờ Shiroi mở dùm 1 mục "Biên Khảo" để thỉnh thoảng VĐ sẽ gởi những bài viết của ảnh vô đó nhé. |
| | | Shiroi
Tổng số bài gửi : 19896 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Re: Chữ Ăn: Cái thú đoạn trường - Hàn Lệ Nhân Sun 18 Oct 2009, 04:21 | |
| dạ, em mở cho anh VD liền |
| | | Sponsored content
| Tiêu đề: Re: Chữ Ăn: Cái thú đoạn trường - Hàn Lệ Nhân | |
| |
| | | |
Trang 1 trong tổng số 1 trang | |
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |