Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Today at 20:24

Lục bát by Tinh Hoa Today at 16:48

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Today at 15:43

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Today at 15:37

Tranh thơ Tú_Yên by Tú_Yên tv Today at 15:31

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 01:29

7 chữ by Tinh Hoa Yesterday at 05:26

KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45

KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22

NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20

KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08

Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54

Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07

Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36

Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09

Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46

Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06

Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04

DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19

Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37

Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34

TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17

CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05

Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Việt Điện U Linh Tập

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6  Next
Tác giảThông điệp
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Điện U Linh Tập - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Chuyện Lê Phụng Hiểu   Việt Điện U Linh Tập - Page 3 I_icon13Sat 17 Oct 2009, 17:26

6. ĐÔ THỐNG KHUÔNG QUỐC TÁ THÁNH VƯƠNG
(Chuyện Lê Phụng Hiểu)


Vương họ Lê tên Phụng Hiểu, người làng Bang Sơn (có chỗ gọi là Băng Sơn, bây giờ là xã Dương Sơn, huyện Hoàng Hỏa) phủ Thanh Hóa (nay là tỉnh Thanh Hóa). Có người bảo Vương là cháu Định Phiên Hầu Đính; Vương thân hình cao đại, kỳ vĩ, mày râu dài và rậm, sức mạnh hơn người. Thời ông còn nhược quán, có kẻ nhà giàu ở Lương Giang mướn người có sức mạnh để giành ruộng Vương lấy tay nhổ cả khóm trúc mà đánh không một người nào dám chống cự.

Sách Việt sử Bổ Di có chép: thiếu thời, Vương hùng dũng có hai làng Cổ Bi và Đàm Xá tranh nhau địa giới, dùng đến gươm giáo đánh nhau. Vương xắn tay áo bảo người làng Cổ Bi rằng:

- Chỉ một mình ta có thể địch hàng vạn đứa.

Các phụ lão cả mừng mới dọn nhiều cơm rượu mời Vương ăn uống no say. Vương ăn rất khoẻ, cơm dùng đến ba mươi nồi đồng mới no, rượu uống nhiều không kể được. Ngày ấy, các bác phụ lão khoản đãi Vương ăn uống no say rồi, lập tức ra khiêu chiến với người làng Đàm Xá. Hai thôn giáp chiến, Vương xông mình đến trước, nhổ cả gốc cây, giơ tay chỉ huy đến chỗ nào thời chỗ ấy bị tan tành; chúng bị thương rất đông, người làng Đàm Xá cả kinh, trả ruộng lại cho làng Cổ Bi.

Lý Thái Tổ tuyển mộ hạng người dũng lực để sung vào quân Túc Vệ Cấm Bình; Vương ra ứng mộ đầu tiên, cần lao đắc lực, rất hợp lòng vua nên được thăng chức Võ Vệ Tướng quân, cùng với Đàm Thản, Quách Thịnh Dật, Lý Huyền Sư ngang hàng.

Thái Tổ băng, Thái Tông phụng di chiếu tức vị, Dực Thánh, Võ Đức, Đông Chinh ba vương đều đem binh đến mưu phản, đem vệ binh của doanh mình kéo thẳng đến Đại Nội, chia cửa tranh nhau vào trước, đánh nhau hỗn loạn; sự thế càng bức, Thái Tông hoảng sợ, không biết tính làm sao bèn uỷ mệnh đại sự cho Vương, bảo rằng:

- Trẫm nay tiến thối lưỡng nan, cho phép Khanh được tiện nghi hành sự.

Vương phụng mệnh đem vệ binh trong cung phủ kéo ra cửa cung Đại nội giáp chiến, quân lính hai bên đã giáp nhau, thắng phụ chưa quyết; Vương phẫn nộ tuốt gươm đến cửa Quảng Dương, lớn tiếng bảo Võ Đức Vương rằng:

- Bọn Vương dòm dỏ Thần khí, miệt thị Tự quân, trên thì vong ân tiên đế, dưới lại bội nghĩa thần tử, thần là Phụng Hiểu xin đem gươm đến hiến.

Nói đoạn, chém ngay chân ngựa Võ Đức Vương. Võ Đức Vương giục ngựa muốn đến đánh nhưng ngựa đã què, bị Vương chém đầu. Binh ba phủ thua chạy, quan quân đuổi giết không còn một mống, duy chỉ Đông Chính Vương, Dực Thánh Vương một mình thoát nạn.

Vương trở về tấu tiệp trước linh cữu vua Thái Tổ, và đến điện Càn Nguyên báo tin thắng lợi.

Thái Tông uỷ lạo và bảo rằng:

- Ta sở dĩ đội được nghiệp cả của tiên đế, toàn được di thể của cha mẹ, đều nhờ sức của khanh. Ta thường đọc sử nhà Đường, thấy Uất Trì Kỉnh Đức giúp nạn vua, tự bảo nhân thần đời sau không ai sánh kịp, bây giờ khanh đây trung dũng lại vượt quá Kỉnh Đức xa lắm.

Vương lại khóc mà than rằng:

- Bệ hạ đức cảm trời đất, oai dậy biên thuỳ, triều nội trong ngoài theo gió mà lướt, các Vương manh tâm dị đồ, quỷ thần trên dưới đều có thể giết được cả, bọn thần có sức gì đâu?

Vua bèn phong cho làm Đô Thống Thượng Tướng Quân, phong tước Hầu. Đến giữa năm Thiên Cảm Thánh Võ, Thái Tông nam chinh Chiêm Thành, Vương lãnh chức tiên phong đại phá binh giặc, tiếng dậy nước Phiên. Sau khi khải hoàn, vua định công hành thưởng, chiếu lấy hơn nghìn mẫu công điền ở núi Băng Sơn, cấp cho Vương làm tư điền, miễn cho thuế lúa chước đao.

Sử chép: Sau khi bình Chiêm về, Phụng Hiểu không muốn tước thưởng, chỉ nguyện vua cho phép đứng trên núi Băng Sơn, quăng đai đao một cái, hễ đao cắm đến chỗ nào thì cho làm biệt nghiệp đến đấy. Vua nghe lời, Vương mới trèo lên chóp núi Băng Sơn, xách dao ném một cái, dao đi xa hơn mười dặm, cắm vào địa phận làng Đa Mê. Vua liền y cho Vương tha thuế chước đao. Cho nên châu Ai về sau có ruộng thưởng công, đều gọi là ruộng chước đao, là do tự Vương làm trước vậy.

Vương tận trung thờ chúa, biết được điều gì là nói hết; đi chinh phạt chỗ nào cũng thắng địch. Vương được bảy mươi bảy tuổi mới chết; thổ nhân truy niệm công đức, lập miếu thờ làm Phúc Thần; thôn dân cầu đảo lập tức thấy linh ứng.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Đô Thống Vương, năm thứ tư gia phong hai chữ Khuông Quốc. Năm Hưng Lơn thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Tá Thánh, đến nay miếu vũ nguy nga, hương hỏa không dứt.

Tiếm bình

Vương sinh ra đã dĩnh dị, ôm sẵn kỳ tài, sức mạnh hơn người, thấy trong Sử đã chép tưởng chưa dễ đã có mấy người sánh kịp. Xem cái sức mạnh lúc tuổi trẻ, lúa gặt ba mẫu mà chỉ gánh một gánh, bữa cơm hai mươi người ăn mà chỉ ăn một bữa thì cái dị lực của Vương ra làm sao! Nước ta có Lê Quang Hổ ăn nhiều và sức mạnh, có thể so sánh với Vương như anh em. Công nghiệp của Vương chép ở sử nhà Lý, thời giỏi hơn Uất Trì Kỉnh Đức vậy.

Vương sinh tiền có điền tứ ở Băng Sơn, đủ nêu lên một sự gặp gỡ không đời nào có, tha thuế chước đao, mông đội vinh sủng, đến lúc chết thì có chiếu phong Phúc Thần, dư linh muôn đời bất hủ, miếu mạo trường tồn, tên tuổi rực rỡ trong tự điển. Kinh thư nói rằng: “Công lớn thưởng lớn”, há chẳng phải thế ru!

Bây giờ làng Tiên Phong, làng Bạch Hạc thôn dân đều có phụng tự, hoặc giả thái ấp của Vương đang còn di tích chăng?

_________________________
Việt Điện U Linh Tập - Page 3 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Điện U Linh Tập - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Chuyện Mục Thận   Việt Điện U Linh Tập - Page 3 I_icon13Sat 17 Oct 2009, 17:28

7. THÁI UÝ TRUNG TUỆ VÕ LƯỢNG CÔNG
(Chuyện Mục Thận)


Xét Sử ký và đời truyền: Ông họ Mục tên Thận, lấy việc chài lưới bắt cá làm nghề sinh nhai.

Thời xưa Lý Thái Tông có quan Thái sư Lê Văn Thịnh nuôi được một người gia nô người Đại Lý, giỏi về thuật chú ảo, hay biến hóa mây mù, khiến người thực hóa ra hình beo, cọp. Văn Thịnh dỗ dành nó mà học được thuật ấy rồi thiết kế giết đứa ở ấy đi, mưu tính viêc tiếm ngôi vua.

Một hôm vua Nhân Tông ngự ra Dâm Đàm xem cá; thuyền rồng thung dung, mái chéo khoan nhặt, lượn chơi trên hồ rất vui vẻ, hốt nhiên thấy mây ù kéo đến trên mặt hồ mù mịt, đối diện không trông thấy nhau, vẳng nghe tiếng cọc chèo vùn vụt lướt mù tiến đến, thấp thoáng có một con hổ lớn đang há mồm nhe răng như muốn cắn, vua trông thấy cả kinh. Lúc bấy giờ Mục Thận đang vung lưới bắt cá, trông thấy rõ ràng mới nói “việc gấp rồi”, lập tức vung lưới chụp bắt được con hổ lớn, lại hóa ra là Lê Văn Thinh. Vua truyền lấy giây sắt trói lại, cũi gỗ giam vào, rồi đẩy lên thượng lưu sông Thao.

Vua khen Mục Thận có đại công bảo hộ, phong ông làm Đô Uý Tướng Quân, quan giai lần lần tới Phụ Quốc Tướng Quân. Ông mất, vua tặng chức Thái Uý, dựng từ đường và tạc tượng ông mà phụng sự.

Đền thờ ông rất linh dị, có con mãng xà ở trong lỗ cột đền, mỗi khi đến ngày sóc vọng có kỳ tế lễ, nó từ dưới đá tảng bò lên, khoanh tròn mà nằm; nhân dân vãng lai chẳng lấy gì làm kinh hãi, nhưng người nào tà uế mà vào trong đền thì liền bị nó cắn; đêm tối, nó lại chui xuống lỗ cột mà ở. Đến nay, từ vũ thêm trang nghiêm, thôn dân phụng làm Phúc thần.

Niên hiệu Trùng Hưng năm thứ tư, sắc phong Trung Tuệ Công. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Võ Lượng.


Tiếm bình

Hồ này ở đời nhà Hán gọi là hồ Lãng Bạc; đời nhà Lý, nhà Trần gọi là hồ Dâm Đàm. Triều Lê tránh tên huý vua đổi ra là Tây Hồ, một đầm nước lớn ở thành Đại La vậy. mỗi khi đến mùa thu, nước lụt đã rút thì nước hồ trong xanh, cùng với trời một sắc; rải các triều đều lấy hồ ấy làm nơi du ngoạn. Đang khi mù phép đầy trời, long nhan thất sắc, dầu cho có nghìn cỗ xe, muôn thớt ngựa, cũng khó bề đối phó. Mục Lang chỉ là một người kẻ chài, đối với quốc gia chưa từng được hưởng một chức quan nhỏ, một hột lương kho, mà đến khi Thiên tử lâm nạn thì hăng hái chẳng nghĩ đến mình, bắt hồ mạnh giữa sóng to, quét mù yêu ở mờ tối, khiến cho ông vua có dị tướng, dưới trán có hai chữ “thất tinh”, được dũ áo trở mặt phương nam bảy mươi năm, thì công khó của ông biết chừng nào vậy.

Lấy tư cách một kẻ giang hồ nhàn tản, sinh sống bằng nghề chài lưới, một mai từ chỗ thôn quê lên chỗ miếu đường, ông cởi tơi nón mà đội mão hiên miễn. Sống thì làm quan Thái Uý, chết thì được phong Phúc Thần, há chẳng phải rồng mây gặp hội, cá nước vầy duyên, nghìn năm một thưở, vua sáng tôi ngay hay sao? Nên chi khuất phục được con mãng xà lớn ở gốc đại thụ, sáng chầu tối nghỉ thì cũng chẳng lấy gì làm lạ vậy.

Nay miếu ở trong hạt huyện Quảng Đức, phường Võng Thị, đền thờ chính túc, đồ thờ sum nghiêm, cùng với đền Kim Ngưu phường Tây Hồ đối diện.

Triều nhà Lê vẫn để quốc tế, gần đây có Phạm Tiến Sỹ ở Đông Bình, soạn thảo lời Sắc gia phong, có câu: “Vãi lưới dày ở trong hồ, hóa hổ, kẻ gian thần nát óc. Quét mây mù ở trên đỉnh, cỡi rồng, vị thiên tử mở mày”, truyền nhau lấy làm một câu hay, nhưng đó cũng chỉ chép việc thực mà thôi.

Lê Văn Thịnh tội nên xử trảm, vua lại tha mà chỉ phạt lưu, chính hình như thế thật là lầm lỗi. Người đời sau có bài thơ rằng:

Quăng lưới rồi hay bắt hổ thần.
Trong người chẳng sợ đứa gian nhân.
Nghìn tầng mù đặc ngang thuyền quét;
Một chú hùm yêu dọc mái vần.
Tiếng sóng muôn đời hào dũng khái;
Công đầu một thưở vọng minh quân.
Đến nay di miếu còn oanh liệt.
Hương hỏa nghìn thu thượng đẳng thần.


_________________________
Việt Điện U Linh Tập - Page 3 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Điện U Linh Tập - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Chuyện Trương Hống và Trương Hát   Việt Điện U Linh Tập - Page 3 I_icon13Sat 17 Oct 2009, 17:29

8. KHƯỚC ĐỊCH THIỆN HỰU TRỢ THUẬN ĐẠI VƯƠNG và UY ĐỊCH DŨNG CẢM HIỂN THẮNG ĐẠI VƯƠNG
(Chuyện Trương Hống và Trương Hát)


Xét Sử ký của Đỗ Thiện chép thì hai Vương là hai anh em. Thời Nam Tấn Vương nhà Ngô đi đánh giặc Lý Huy ở Long Châu, đóng quân ở cửa Phù Lan, đêm ngủ mộng thấy hai người y quan kỳ vĩ, diện mạo khôi ngô, đến ra mắt vua và thưa rằng:

- Bọn nghịch tặc hoành hành đã lâu lắm, chúng tôi xin tòng quân trợ chiến.

Vua lấy làm lạ, hỏi rằng:

- Bọn khanh là người nào. Cô này chưa hề biết mặt; đã có lòng thông cảm thì nên cho biết tính danh.

Hai người đều sụp xuống lạy, thưa rằng:

- Bọn thần là anh em, vốn người Phù Lan, nguyên họ Trương, anh tên là Hống, em tên là Hát, đều làm tướng của Việt Vương. Việt Vương bị Lý Nam Đế đánh bại, Nam Đế đem lễ vật đến rước bọn thần có ý muốn cho làm quan. Bọn thần thưa lại rằng: Tôi trung chẳng thờ hai vua, gái trinh chẳng đổi hai chồng, huống hồ ngươi là người bội nghĩa mà còn muốn khuất cái tiết bất di dịch này ư? Mới trốn vào ở núi Phù Long; Nam Đế nhiều lần cho người đến truy nã không được, mới treo ngàn vàng cầu người bắt. Bọn thần không còn đường tiến thối nên đều uống thuốc độc mà qua đời. Thượng đế thương bọn thần vô tội chết chẳng phải mệnh, sắc bỏ chức Than Hà Long Quân Phó Sứ, tuần hai sông Vũ Bình và Lạng Giang đến tận trên nguồn, hiệu là Thần Giang Đô Phó Sứ. Trước kia Tiên Chúa trong chiến dịch Bạch Đằng, bọn thần đã hiệu lực trợ thuận.

Vua tỉnh dậy, bảo đem cỗ rượu đến điện tế, khấn rằng:

- Quả có anh linh, hãy phù trợ chiến dịch này, nếu được thắng lợi, tức thì dựng miếu và phong tước, hương hỏa đời đời.

Vua mới tiến quân vây núi Côn Lôn, giặc ỷ thế hiểm trở, không ai có thể vịn trèo mà lên được. Đóng đồn lâu quá, quân sĩ đều có ý trở tâm. Đêm ấy vua mộng thấy hai Vương đốc binh, bộ ngũ liên thuộc đều có mặt mày như quỷ thần cả, hàng ngũ rất nghiêm, bộ lạc rất chỉnh tề hội tại cửa Phù Lan. Binh ông anh đóng từ sông Vũ Bình đến sông Như Nguyệt tiến đến đầu nguồn sông Phú Lương; Binh ông em đi từ men sông Lạng Giang vào sông Nam Bình.

Vua tỉnh dậy bảo với tả hữu, quả nhiên trận ấy được toàn thắng. Bình xong giặc Tây Long, vua sai Sứ chia chỗ lập đền thờ, đều phong làm Phúc Thần một phương, chiếu phong anh là Đại Đương Giang Đô Hộ Quốc Thần Vương, lập đền ở cửa sông Như Nguyệt. Còn em là Tiểu Đương Giang Đô Hộ Quốc Thần Vương, lập đền ở cửa sông Nam Bình.

Thời vua Nhân Tông nhà Lý, binh Tống nam xâm kéo đến biên cảnh; vua sai Thái uý Lý Thường Kiệt dựa bờ sông đóng cừ để cố thủ.

Một đêm kia quân sĩ nghe trong đền có tiếng ngâm to rằng:

Sông núi nhà Nam Nam đế ở
Phân minh trời định tại thiên thư.
Cớ sao nghịch lỗ sang xâm phạm?
Bọn chúng rồi đây sẽ bại hư.

Quả nhiên quân Tống chưa đánh đã tan rã. Thần mộng rõ ràng, mảy lông sợi tóc chẳng sai.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Như Nguyệt Khước Địch Đại Vương, năm thứ tư gia phong Thiện Hựu Dũng Cảm.


Tiếm bình


Hơn thua được mất là một lý mà cũng là một thế vậy. Điềm lành, điềm xấu là khí vậy. lý thế ở đâu thì khí cũng theo đó mà gây nên, nên khi họ Trí Bá sắp mất thì thần Hoác Sơn lấy thẻ tre trao cho Trương Tử, mọi Khiết Đan sắp bị diệt thì thần Ap Giang lấy đầu lâu trao cho Hoàng Nhan, đó chẳng quá là cái lý về sự phúc của kẻ thiện, cái họa của kẻ dâm.

Hai họ Trương đây là tôi Việt Vương, không chịu khuất phục vua Nam Đế, cái khí trung nghĩa hạo nhiên thường phảng phất ở khoảng trời đất, không nên lấy tý lông mảy vết mà bàn luận vậy. Sống làm danh tướng, chết là danh thần, cho vua Tấn Vương nằm thấy mà giặc Côn Lôn phá tan, ngâm bài thơ Nam Quốc mà quân nhà Tống không bị đánh tự tan vỡ, lấy sự báo ứng như thế, phong làm Phúc Thần, hưởng được cúng vái nghìn xưa, đội ân vinh phong tặng ở cửu trùng, hai đền thờ ngày nay vẫn còn, người ở hai bên sông đều tránh tên huý, gọi hát bằng xướng. Tinh anh đầy dẫy, nghìn trăm năm vẫn thường như một ngày, khiến cho đương thời, những kẻ cam lòng đầu giặc, mưu cầu phú quý một thời, đâu được trổi thơm muôn đời, khiến cho người ta thán mộ mà hăng hái lên như hai Vương này vậy.

_________________________
Việt Điện U Linh Tập - Page 3 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Điện U Linh Tập - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Chuyện Lý Phục Man   Việt Điện U Linh Tập - Page 3 I_icon13Sat 17 Oct 2009, 17:31

9. CHỨNG AN MINH ỨNG HỰU QUỐC CÔNG
(Chuyện Lý Phục Man)


Xét Sử Đỗ Thiên chép rằng: Vương họ Lý tên Phục Man. Vua Lý Thái Tổ đi tuần phương đến sông Sở Bộ Đầu, thấy giang sơn tù khí, phong cảnh thắng du, nhà vua tâm thần cảm hứng, mới rót ly rượu đổ xuống tràng giang, vái rằng:

- Trẫm xem chỗ này non xanh nước biếc khác hẳn mọi nơi, nếu có nhân kiệt u linh, xin hưởng.

Đêm ấy vua mộng thấy một dị nhân cao đại, mặt hổ râu rồng, y phục trang nghiêm, cân hài tề chỉnh, đến trước nhà vua cúi đầu lạy hai lạy mà tâu rằng:

- Thần vốn là người ở làng này, họ Lý tên Phục Man, giúp Lý Nam Đế làm Tướng quân, nhờ sự trung liệt được vua biết tên, mới sai trấn thủ hai giải sơn hà Đỗ Động và Đường Lâm, mọi lào đều sợ không dám phạm biên, một phương yên ổn. Đến lúc chết, Thượng đế thương kẻ trung nên cho giữ chức như cũ. Nay thần xin kể một vài chuyện để Bệ hạ nghe thử. Thời vua Tương Vương nhà Đường, thần thường đem quỷ binh theo Khâu Hòa phá được nghịch tặc là Nịnh Tràng Chân ở cửa Giáp Sơn, thời vua Túc Tông lại phá được giặc Đại Thực Ba Tư ở cửa Thần Thạch, thời vua Đại Tông lại phá giặc Côn Lôn Đồ Bà ở Chu Diên. Cao Vương phá nước Nam Chiếu; Ngô Tiên Chúa phá nước Nam Hán, vua Lê Đại Hành phá Tống Binh, mỗi lần xuất binh chinh phạt, thần ở trên không đem quỷ binh ám trở, thảy đều có công. Thần lại thường thống suất quân binh quỷ thần, vâng theo mệnh Thiên đế phá giặc Chiêm Thành ở trấn Giáp Sơn. Đến khi thần mệnh một, u linh không tán, thôn dân kính mến, lại sợ không ai phòng thủ, mọi lào đến cướp bóc, nhân đó lập đền thờ phụng; bởi vậy, thần thường phảng phất ở khoảng trời mây, phàm gặp khi có dụng binh, thần ở trên không ám hộ, nghịch lỗ nhập khấu thì đều hãn ngự được. Bấy giờ gặp Bệ hạ loan giá quang lâm, thần xin đến bái yết.

Nói đoạn, ngâm bốn câu thơ rằng:

Thiên hạ toàn mông muội
Hãy tạm ẩn thanh danh,
Giữa trời nêu nhật, nguyệt,
Quang diệu ấy chân hình.


Ngâm xong liền biến mất; vua chưa kịp đối đáp, hốt nhiên tỉnh dậy, nói lại với tả hữu; quan Ngự sử Đại Phu Lương Văn Nhậm nói:

- Đó là lời thần muốn hiển linh để lập hình tượng.

Vua sai người xin keo, quả nhiên lập ứng.

Vua sắc cho người trong châu lập đền thờ, tạc tượng thần y như đã trông thấy trong mộng, miếu mạo sum liệt, làm Phúc thần một phương.

Trong thời Nguyên Phong, Thát Đát nhập khấu, đến biên cảnh thì ngựa què không tiến được; thôn dân biết có sức thần ám trợ mới đem dân chúng ra cự chiến, chém được đầu giặc rất nhiều; giặc thua chạy tán loạn, không dám trở lại dòm dỏ bờ cõi nữa. Khấu tặc bình xong, sách phong Chứng An Nam Quốc Công, chiếu cho thôn ấy đổi tên là Hộ Xá Chứng An.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, giặc Bắc lại vào ăn cướp, mấy chỗ khác đều bị đốt cháy cả, duy có ấp này như có phòng hộ, một mảy lông mùa thu cũng không bị phạm tới.

Giặc bình xong, sắc phong Chứng An Vương, năm thứ tư gia phong hai chữ Minh Ứng, năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Tá Quốc, càng ngày càng thêm linh ứng vậy.


Tiếm bình


Cái khí tinh hoa của sông núi, kết lại hóa ra vàng ngọc châu báu, như ngọc bích ở Lam Điền, ngọc châu Dạ Quang, vốn là có tiếng quý giá xưa nay. Còn đến như con người cũng thế, thiện nhân quân tử là tinh hoa của cái khí ấy. Sông Sở Bộ Đầu, sơn kỳ thuỷ tú, người tài đất linh, Lý Tướng quân thực là vun đức ở đây, kịp đến lúc thờ vua Nam Đế làm Tướng quân, oai nghiêm làm rào ngăn cho hai xứ Đỗ Động và Đường Lâm. Thân cỡi đuôi sao Cơ, quanh vùng biết tiếng, cái khí anh sản thường tụ lại, cái công võ liệt thêm kỳ. Phá Trường Chân ở Giáp Sơn, giết Đồ Bà ở Châu Diên, bỉnh nước Nam Chiếu, định nước Nam Hán, đuổi binh nhà Tống, Thần chăc không nói dối ta vậy. Trong bài thơ, lời ý du dương, quý tính tôn danh, không muốn nói với thôn dân khách tục, dựng đền đúc tượng, dung mạo tôn nghiêm, kẻ chợ dân mường đều kính ngưỡng. Xem như rợ Thát Đát rất mạnh, mang cung đến đâu, tỉ dụ đến nhà Liêu Hạ, nhà Kim, nhà Tống các nước lớn ấy cũng đều trông gió mà xếp gươm giáo, huống chi chúng kéo sang Nam như gió cuốn mây ùn, sấm gào chớp nhoáng, thế mà ông lấy sức thần lui được binh giặc, khiến cho nhân dân được ăn yên ở yên như xưa. Ở chỗ bình nguyên hễ có công đức với dân thì được phụng sự, thế thì công đức của ông biết chừng nào vậy.

Miếu nay ở làng Cổ Sở huyện An Phụng, chế độ rất chỉnh, lễ bộ rực rỡ, mỗi năm lễ nghinh yết có xướng hát, làm một cảnh đại đô hội ở sông Hát Giang, triều trước đời nào dân cũng đuợc tha thuế, đối với đền Phù Đổng, đền Bạch Đằng cùng ngang hàng nhau, rất là thịnh vượng.

Tục truyền rằng ông tiến sĩ làng Ninh Xá tên là Nguuyễn Mại trấn tỉnh Sơn Tây thường phụng mạng đem lễ đến cúng, ngủ lại trong đền làng Cổ Sở, mộng thấy một người đàn bà đeo ngọc, mão vàng, áo gấm, giầy thêu, xiêm lụa, có cái dáng điệu hoa ghen nguyệt thẹn, cái nhan sắc mặt ngọc da hồng, tay cầm một nhánh hoa mai phe phẩy đến trước chỗ ngồi, gió thanh mát mặt, hương khí ngát người; người đàn bà ấy thưa rằng:

- Từ khi lang quân thiếp đi vắng, trướng hồ vắng vẻ một mình không người săn sóc, nay Tôn giả đến đây, đền thờ không lấy gì làm quang khiết. Sứ quân có lòng tốt, xin nhờ trùng tu lại cho.

Nguyễn Mại hỏi lại rằng:

- Vậy chớ lang quân tên họ là gì?

Nàng nói:

- Lang quân thiếp tên là Lý Tướng quân, kim sinh tức là ông tiến sĩ làng Thanh Mai tên là Lê Anh Tuấn, hiện nay đang đi sứ Tàu, xin trình Sứ quan rõ.

Hốt nhiên gió động lan can, Nguyễn Mại tỉnh dậy, thì ra là một giấc mộng kê vàng, mới đem câu chuyện trong mộng thuật lại cho người làng nghe, và bảo sửa sang đền thờ lại cho tử tế. Khi đi sứ về, Lê Anh Tuấn thường qua lại nhà Nguyễn Mại đi lại trò chuyện. Nguyễn Mại gọi người nhà đến chỉ Lê Anh Tuấn mà bảo rằng:

- Ông này là Chứng An Vương đến Cổ Sở đó.

Lê Công giỏi văn học, làm quan đến Thượng thư, quyền thế lừng lẫy. Tuy là chuyện mộng mi chưa dám tin chắc, nhưng qua lại thầm kín, đôi khi cũng hở mối manh. Ông Phạm Trọng Yêm với Đạo nhân Côn Lôn đời trước, ông Phú Bật với thầy chùa Xung Hư Quán cũng phảng phất giống như vậy.

_________________________
Việt Điện U Linh Tập - Page 3 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Điện U Linh Tập - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Chuyện Lý Đô Uý   Việt Điện U Linh Tập - Page 3 I_icon13Sat 17 Oct 2009, 17:32

10. HỒI THIÊN TRUNG LIỆT UY VŨ TRỢ THUẬN VƯƠNG
Ở CỬA SÔNG THIÊN MẠC
(Chuyện Lý Đô Uý)



Tục truyền Vương hiệu Lý Đô Uý, không biết ngừơi đời nào, cũng chẳng biết tên họ là gì, nhân qua sông gặp gió bão chìm thuyền mà chết, u vân chẳng tan, thường ở sông bến, gặp lúc gió mát trăng thanh, nghe tiếng nói cười ở trên không, lại có tiếng đờn ca nữa.

Một hôm trong thôn nghe chó sủa vang, hiện vào một người trai tráng, cáo với thôn dân rằng:

- Ta đội ơn Thượng đế sắc phong làm thần Cửa Sông.

Thôn dân rất kinh dị, lập đền phụng sự, mỗi tháng đến ngày rằm, có con rắn mão vàng từ dưới vực bò lên vào đền thờ khoanh tròn nằm ở đó; thôn dân tôn làm Minh Chủ Phúc Thần.

Khoảng năm Nguyên Phong, giặc Thát Đát nhập khấu hãm kinh sư; xa giá vua phải ngự ra ngoài, thuận theo dòng sông mà đi, đến chỗ sông ấy cấm thuyền mà ngủ.

Đến đêm, thần cho vua chiêm bao rằng:

- Bệ hạ không nên ngự đi xa.

Vua tỉnh dậy, bảo quan Trung sứ lên trên đền để đốt hương vái thần xin đừng cho giặc đến. Quả nhiên giặc không đến.

Giặc đã yên rồi, bèn sắc phong Hồi Thiên Thần Vương.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, gia phong hai chữ Trung Liệt, năm thứ tư, gia phong bốn chữ Uy Vũ Trợ Thuận.


Tiếm bình

Vị thần này không có làng mạc; tên họ cũng không, qua sông bị gió làm chìm thuyền, thác mộng cho dân thôn, mới có đền thờ, đền thờ lại có rắn, ý giả vị thuỷ thần ra đời, chưa hết nhân xưa mà thế chăng?

Một giấc mộng đời Nguyên Phong đường hoàng có Loan thư phong tặng, nhưng mà chữ thuỵ hiệu xưng là Hối Thiên Trung Liệt thời giống như các bậc danh thần như ông Nguỵ Văn Trinh, Khẩu Trung Mẫn thường xưng Thiên Mạc Giang Khẩu Hiển Linh Thần Vương, ngõ hầu mới xác thực.

Vả lại, Vệ Linh Sơn Thần mà xưng là Sóc Thiên Vương, Thiên Mục Giang Thần mà xưng là Lý Hiệu Uý, thì cái danh hiệu so với Phù Đổng Ứng Thiên Vương, Thuỵ Hương Uy Mãnh Vương cùng rõ ràng, người nghe phải nên cho rõ.

_________________________
Việt Điện U Linh Tập - Page 3 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Điện U Linh Tập - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Chuyện Cao Lỗ   Việt Điện U Linh Tập - Page 3 I_icon13Sat 17 Oct 2009, 17:34

11. QUẢ NGHỊ CƯƠNG CHÍNH UY HUỆ VƯƠNG
(Chuyện Cao Lỗ)



Xét sử Đỗ Thiện dẫn Giao Chỉ Ký thì Vương vốn tên là Cao Lỗ, một lương tá của An Dương Vương, tục hiệu là Đô Lỗ hoặc Thạch Thần. Ngày xưa, Cao Vương bình giặc Nam Chiếu, rồi đem binh đi tuần châu Vũ Ninh, đến địa đầu, mộng thấy một dị nhân, thân dài chín thước, y quan chỉnh túc, ngôn mạo lăng tằng, lấy dùi búi tóc, gài dao làm trâm, lưng dắt gậy đỏ, bạch vua rằng:

- Thần vốn tên là Cao Lỗ, ngày xưa giúp An Dương Vương làm Đại tướng quân, có đại công khước địch, sau vì có kẻ Đại thần là Lạc hầu gièm pha nên bị giết; Thượng đế thương người ngay thẳng, sắc cho quản lãnh một giải giang sơn, hiệu là Đô thống tướng quân, phàm những việc dẹp giặc hoặc gặt hái đều có chủ trương của thần như của vị Phúc thần một phương. Ngày nay Minh Công thảo bình nghịch lỗ, hoàn vũ thái hòa nên phục hoàn bản bộ, nhược không cáo tạ, ắt phi lễ vậy.

Cao Vương hỏi rằng:

- Lạc hầu việc gì đố kỵ mà sinh ra gièm pha?

Vương nói:

- Việc ở u minh không muốn tiết lậu.

Cao Vương lại hỏi một lần nữa. Vương đáp rằng:

- An Dương Vương tức là tinh Kim Kê, Lạc hầu là tinh Bạch Viên, còn mỗ là tinh Giáp Mão Thạch Long, gà với vượn tương hợp còn với rồng thì tương khắc cho nên ra thế.

Nói đoạn biến mất. Cao Vương tỉnh dậy, đem câu chuyện nói với kẻ liêu tá, rồi hoan hỉ ngâm bài thơ rằng:

Đất Giao Châu tốt đẹp.
Muôn thưở được lâu dài.
Hiền xưa được tiếp kiến,
Mới chẳng phụ Linh Đài.


Lại ngâm:

Bách Việt yên bờ cõi,
Nhị Hán định núi sông,
Thần linh đều giúp thuận.
Lý Đường cảnh phúc chồng.


Có kẻ tuỳ thần vua Cao Vương tên là Tăng Cổn khen vua Cao Vương rằng:

Đất Việt núi non xưa
Nhà Đường nhân vật mới.
Người cao chí khí cao,
Động, tĩnh Long Thần tới.


Lại nói rằng:

Nam quốc núi sông đẹp,
Long Thần gặp đất linh.
Giao Châu thôi chật vật,
Ngày sau thấy thăng bình.


Tục truyền: Sông Đại Than là cung quật của Long Vương hay hưng phát vân vũ, cổ lộng ba đào, thuyền nào gặp phải thường bị trầm nịch. Nếu ai có biết thì đem lễ cáo yết trước, tuy ở giữa sông, gặp phong ba mà vẫn an nhiên vô sự.

Năm đầu Trùng Hưng, sắc phong Quả Nghị Vương, năm thứ tư gia phong hai chữ Cương Chính. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Uy Huệ.


Tiếm bình

Hai con giao không thể ở trong một vực sâu; hai con chim trống không thể đậu trên một cành, thế lực ngang nhau thì dễ sinh hiềm khích, mưu lược như nhau thì dễ khởi họa, vì vậy cho nên Lạc hầu sở dĩ không dung được Thạch Thần là tại đó. Gà, vượn hợp nhau nên chi rồng tương khắc, lời nói thật không kê cứu. Từ chỗ cài dao, tóc dùi cho nằm thấy ở Võ Ninh mà đến ấy mới được nghiêm nhã tôn nghiêm, hương hỏa đời đời chẳng dứt.

Khoảng năm Định Vỵ, quân Tây Sơn tràn đến Kinh đô, ké thổ hào ở Đại Nam có Diêu Vũ người có sức mạnh suất gia đình chống đánh, ông Vũ thông hiểu binh pháp Tôn Ngô, hay lấy ít chế được đông, thần xuất quỷ một, không ai dò được binh cơ, quân Tây Sơn đánh mãi không hơn, trở lại bị ông Vũ đuổi đánh chém được rất nhiều, lấy được khí giới của cải kể không xiết được. Người Tây Sơn sợ như cọp, kịp lúc vua Chiêu Thống ở Tàu về, nhân ông Vũ có công đánh hãm được Bắc Trấn, trao chức Kinh Bắc Hành Trấn Thú, tước Định Lãnh Hầu. Sau khi loan giá vua Chiêu Thống trở lại Tàu, ông Vũ không chịu làm tôi Tây Sơn, vẫn đánh mà vẫn hơn luôn.


Người Tây Sơn dùng vàng lụa lễ vật, trăm cách dụ dỗ ông, nhưng cũng không được. Sau vì xuất kỳ bất ý bị Tây Sơn bắt được.

Có người cho rằng Vương là hậu thân của Thạch Thần, chưa dám lấy gì làm tin chắc lắm, song trong quần chúng mà có hạng người hào hiệp như thế, tưởng cũng là hậu khí tinh hoa un đúc mà thành vậy.

_________________________
Việt Điện U Linh Tập - Page 3 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Điện U Linh Tập - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: PHỤ LỤC SỰ TÍCH ĐỀN THỜ THẦN XÃ AN SỞ   Việt Điện U Linh Tập - Page 3 I_icon13Sat 17 Oct 2009, 17:35

PHỤ LỤC SỰ TÍCH ĐỀN THỜ THẦN XÃ AN SỞ


Xét Đại Việt Ngoại Sử chép rằng: Gia Thông Đại Vương vốn là người làng Cổ Sở (sau đổi ra An Sở). Lúc bấy giờ thiên hạ loạn ly, kẻ hào kiệt dấu họ dấu tên để tránh nạn.

Thưở nhỏ, Đại Vương phong tư hơn người, tài nghệ xuất chúng, nhất là cỡi ngựa bắn cung lại là sở trường, rất có uy đức, sức mạnh voi cũng chịu thua; đến khi thờ Lý Nam Đế (đồng thời với vua Lương Võ bên Tàu) vua trông thấy người khí vũ hiên ngang, thật là một bậc Đại trượng phu, có thể đương nổi một phương, mới bảo vương theo quân ngũ; Vương hằng lập được nhiều kỳ công. Sau vua cho một cõi Đỗ Động là đất biên viễn hiểm trở, nếu không phải là tay Vương thì chẳng ai trị nổi, rồi phong cho Vương chức Đại tướng quân, bảo qua trấn thủ ở đó; mỗi khi có hiệu lệnh của Vương ra thời các kẻ hùng cứ trốn xa, giặc cướp đều đến đầu hàng, nhân dân được an cư lạc nghiệp, trong cõi yên ổn, già trẻ đều mến đội ân đức của Vương.

Kịp đến lúc nước Lâm Ap (tức là Chiêm Thành) vào ăn cướp châu Cửu Đức, biên thư cáo cấp, triều đình bàn kế xuất chinh, các quan đều nói rằng:

- Không có quan Tướng quân Đỗ Động thì không thể đánh bại giặc ấy được.

Vua mới tuyên chiến triệu Vương thống suất các tướng lãnh đi đánh, đại phá quân Lâm Ap ở Cửu Đức. Tin thắng trận về đến kinh đô, vua thán thưởng giây lâu rồi báo quan thị thần rằng:

- Gặp đến rễ quanh đốt cứng mới biết được đồ dùng sắc, nay quan Đỗ Động tướng quân chỉ bắn vài mũi tên mà cả phá được giặc mạnh, thực là kẻ hào kiệt ở Sơn Tây, những bậc can thành đời xưa cũng chẳng lấy gì làm hơn được, nên phải có trọng thưởng mới xứng công lao.

Vua mới lục những công phục biên, tứ tính là họ Lý, gả một vị Công chúa tức là Lý Nương và thăng lên chức Thái Uý. Từ đấy ân sủng càng ngày càng thêm, lại khiến làm chức Tham hộ phủ nghi, giám thị cả trăm quan.

Quan Lý Thái uý thiên tư trung hậu, tính vốn thanh liêm, mỗi khi có kiến nghị điều gì thì chuyên lo ngay thẳng, ở trong triều nếu có ai lỗi, trước mặt thì bắt bẻ, giữa triều thì can gián chẳng dung tha một ai, cả đến những kẻ quyền quý xin vô việc riêng. Tiếng tăm lừng lẫy, trong ngoài đều gọi là Phục Man Tướng công, kính mến người có đức.

Lúc bấy giờ vua Nam Đế chủ tâm việc biên phòng, khiến quan Thiếu uý ra trấn Đường Lâm, binh quyền ở tay, uy lệnh xa khắp, làm lặng bụi trần sa mạc, làm tiêu tan lòng sợ hãi chiến tranh. Nào ngờ trời chán nghiệp nhà Lý, gió đưa binh nhà Lương đến, năm At Sửu thứ hai, Trần Bá Tiên đem binh đi đánh ở quận Châu Diên, sông Tô Lịch, lần lượt dẹp yên.

Năm Đinh Mão thứ tư (năm đầu vua Lương Văn Trị), binh nhà Lương thừa thắng, đi đến đâu là chỗ đó không có người.

Vua tôi triều Lý đâu thất sắc, tan rã như ngói vỡ đất lở, chẳng biết tính làm sao, toan muốn triệu Thái uý.

Thái uý ở động Khuất Liệu, nghe được tin ấy, ngậm ngùi than thở, lòng trung kích thích, mới sai người cẩn thủ các nơi yếu hại của dinh đồn. Hốt nhiên, đang đêm lửa cháy đỏ rực cả bốn mặt, đầy đường binh Lương đã bức gần đến trước sân, mới hay lòng người nham hiểm, mệnh trời khôn lường. Vương bèn đem gia tướng đánh thoát vòng vây để tính bề khôi phục. Nhưng đất cùng đường xa, tớ lui không ngõ, Thái uý đành phải chỉ trời vạch đất, thản nhiên uống thuốc tự tận. Người nhà phụng linh cữu đưa về bến Hồ Mã (tức nay là chùa Ngọc Tân, tên sông của bản xã) chôn cất và đắp mộ ở ngoài bãi bản xã.

_________________________
Việt Điện U Linh Tập - Page 3 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Điện U Linh Tập - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Chuyện Hậu Thổ Phu Nhân   Việt Điện U Linh Tập - Page 3 I_icon13Mon 19 Oct 2009, 00:08

Chương III. HẠO KHÍ ANH LINH


1. ỨNG THIÊN HÓA DỤC NGUYÊN TRUNG HẬU THỔ ĐỊA KỲ NGUYÊN QUÂN

(Chuyện Hậu Thổ Phu Nhân)


Truyện Báo Cực chép rằng: Nguyên Quân tức là Nam Quốc Chủ Đại Địa Thần.

Xưa kia, Lý Thánh Tông nam chinh Chiêm Thành, đến cửa biển Hoàn Hải thoắt bị gió to mưa lớn, sóng cuộn ầm ầm, long thuyền dao động cơ hồ muốn chuyển; nguy cấp không ngờ, vua rất lo sợ.

Giữa lúc đang bàng hoàng, vua bỗng thấy một người con gái ước độ hai mươi tuổi, mặt tựa hoa đào, mày đậm màu dương liễu, mắt sáng như sao, miệng cười như hoa nở; nàng mặc áo trắng, quần lục, lưng mang đai, dịu dàng bước đến bạch với vua rằng:

- Thiếp là tinh của đại địa Nam Quốc, thác cư ở làng Thuỷ Vân đã lâu lắm, xem thời mà ra nếu gặp được lúc tốt. Bây giờ gặp được Long nhan, chí nguyện sinh bình được thỏa, cúi xin Bệ hạ chuyến đi này nên hết sức mẫn cán, toàn thu hoạch thắng lợi. Thiếp tuy là bồ liễu mong manh cũng nguyền đem sức mọn mặc nhiên phù tá Bệ hạ; ngày khải hoàn, thiếp xin chực đây để bái yết.

Nói đoạn biến mất.

Vua kinh hãi tỉnh giấc, nhưng lại hoan hỉ ngay mới triệu tả hữu đến, thuật chuyện trong mộng cho mọi người nghe; tăng thống Huệ Lâm Sinh tâu rằng:

- Thần có nói là thác sinh trên cây, ở làng Thuỷ Vân, bây giờ nên tìm ở cây hoặc giả có linh nghiệm gì chăng?

Vua cho là phải, mới bảo ngừơi tuỳ tùng đi tìm ở các bãi sông quả nhiên được một cái cây, đầu rất giống người, hình như có dấu sơn cũ giống như đã trông thấy trong mộng.

Vua mới lập hiệu là Hậu Thổ Phu Nhân, đặt hương án ở trong ngự thuyền, tự nhiên sóng gió êm lặng, cây cối hết lay chuyển.

Kịp lúc vua đến Chiêm Thành, trong khi giáp trận như có Thần giúp, quả được đại thắng. Ngày khải hoàn, ngự thuyền đậu lại chỗ cũ, sắc lện lập đền, gió mưa lại nổi lên như xưa. Sư Huệ Lâm tâu:

- Để xin một keo, về Kinh Sư sẽ lập đền.

Xin một keo liền được ngay; gió mưa lại êm lặng.

Về đến kinh đô, vua bảo thầy xem đất, xây đắp đền thờ ở làng An Lãng, rất có linh ứng, hễ có người nào phỉ báng nguyền rủa, lập tức mắc phải tai họa.

Thời vua Anh Tông, nhân trời đại hạn, quần thần xin đắp một cái đàn hình tròn ở Nam Giao để tế trời, thỉnh Nguyên Quân làm đàn chủ.

Nguyên Quân cho vua nằm thấy rằng:

- Bản bộ có thần Câu Mang làm mưa rất giỏi.

Vua lấy làm mừng mới hội nghị quần thần lại, định rước thần Hậu Tắc phồi với trời, thần Hậu Thổ phối với đất, lập đàn ở Nam Giao mà đảo. Quả nhiên được mưa to xối xả.

Vua cả mừng, sắc hạ rằng:

- Hậu Thổ Phu Nhân có Câu Mang Thần Quân là chủ về việc mùa xuân; từ nay về sau phàm đến lễ Lập Xuân có con trâu đất phải đem về nạp ở đền thờ.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Hậu Thổ Thần Địa Kỳ Nguyên Quân. Năm thứ tư, gia phong hai chữ Nguyên Trung. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong bốn chữ Ứng Thiên Hóa Dục.


Tiếm bình

Trước khi vua nhập mộng thì mé biển một gốc cây khô. Một ngày tìm đến thuyền vua mà hiệu linh, thu góp gió mưa, đuổi êm sóng cả, giúp võ công ở Lâm Ap, khởi đền thờ ở Lãng Hương, làm Hoàn Khẩu đàn chủ, làm Hậu Thổ Phu Nhân, nhưng xét đến lai lịch, chỉ xưng là Đại Địa Chi Tinh, danh tịch mịt mờ, không được rõ ràng cho lắm, sự tích rất là khó hiểu. Mà sao anh linh rõ rệt, vang dội cõi trần, hễ có cầu tạnh, đảo mưa, lập tức hiệu nghiệm, thời được vua phong hưởng cũng là rất phải. Còn chiếu phụng bao phong các chữ đó thì kín đáo, duy có hai chữ “Nguyên Trung” không hiểu ra làm sao.

_________________________
Việt Điện U Linh Tập - Page 3 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Điện U Linh Tập - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Chuyện Thần Đồng Cổ   Việt Điện U Linh Tập - Page 3 I_icon13Mon 19 Oct 2009, 00:10

2. MINH CHỦ LINH ỨNG CHIÊU CẢM BẢO HỰU ĐẠI VƯƠNG

(Chuyện Thần Đồng Cổ)



Truyện Báo Cực chép rằng: Vương vốn là thần núi Đồng Cổ (núi ấy ở tỉnh Thanh Hóa, tục danh là núi Khả Phong). Ngày xưa, thời Lý Thái Tông đang làm Thái tử, Thái Tổ sai đem quân đi đánh Chiêm Thành, quân kéo đến Tràng Châu, đêm đóng quân nghỉ lại. Chừng khoảng canh ba, giữa lúc mông lung bỗng thấy một người kỳ dị, thân dài tám thước, tu mi như kích, y quan nghiêm nhã, mình mặc nhung phục, tay cầm binh khí, cúi đầu khép nép tâu rằng:

- Thần là chủ núi Đồng Cổ, nghe Quân Thượng nam chinh chẳng nề nguy hiểm, xin theo trợ thuận vương sư, sau là có thể khiếp phục được hồ man, lập chút công mọn.

Thái Tông cả mừng, vỗ tay cho ngay, hốt nhiên thức dậy thì ra là một giấc mơ. Trận đánh ấy quả được đại tiệp. Thái Tông khải hoàn, đem lễ phẩm đến tạ ơn, nhân đó xin rước thần về Kinh Sư để bảo quốc hộ dân. Vua sai người đi xem chỗ để lập đền thì từ phía ngoài kinh kỳ chưa có chỗ nào quyết định là tốt. Đêm ấy, Vương thác mộng cho vua xin chỗ đất trong Đại nội, bên hữu chùa Thánh Thọ sau nói rằng:

- Chỗ ấy tinh khiết, trông vào lộng lẫy, xét cho tường tận hẳn là có túc nhân vậy.

Vua liền nghe theo, chọn ngày khởi công, chẳng bao lâu mà hoàn thành. Thái Tổ băng, Thái Tôn tức vị. Đêm đó, Vương lại thác mộng tâu Thái Tông rằng:

- Ba Vương lâu nay hoài bảo dị chí, muốn huy động binh giáp, xin vua sớm lo phòng bị hầu khỏi hậu hoạn.

Vua tỉnh dậy cũng chưa lấy gì làm tin chắc. Đến lúc trời mờ sáng, quả nhiên đúng như lời nói trong mộng.

Thái Tông kinh dị, chiếu phong làm Thiên Hạ Minh Chủ Thần, thêm tước Đại Vương.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Linh Ứng Đại Vương. Năm thứ tư, gia phong hai chữ Chiêu Cảm. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Bảo Hựu.


Tiếm bình

Đại Vương là vị danh thần núi non, bẩm thụ Sắc mệnh của Thượng đế, oai đức lừng lẫy đã lâu giữa trời đất, không đợi đến Thời quân Thế chủ bao phong mới rõ linh dị.

Duy thương cõi đời chìm đắm, lòng trần tối tăm, nếu mà lặng lẽ không thèm chỉ vẽ đường mê thì Thế chủ trọn đời không tỉnh ngộ. Nên chi hằng thác mộng để cáo rõ, mở đường mới. Khi đó, Thế chủ mới tôn, mới kính, mới lập đền thờ phụng, rồi lại theo mà phong tặng nữa.

Nếu không phải thế thì các vị danh thần ở trong nhân hoàn, làng nào lại không thờ, người nào lại không lạy, cầu đảo đính lễ, mà sao cứ mịt mịt mù mù, luống hưởng hương hỏa của nhân gian mà họa phúc không nghe có báo ứng, chỉ chuyên trang sức bề ngoài, lâu đài cho tráng lệ, đồ thờ cho rực rỡ rồi nghiễm nhiên ngồi ngửa trong ấy thì ra làm cái trò gì vậy?

_________________________
Việt Điện U Linh Tập - Page 3 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Việt Điện U Linh Tập - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Chuyện Thần Long Độ   Việt Điện U Linh Tập - Page 3 I_icon13Mon 19 Oct 2009, 00:11

3. QUẢNG LỢI THÁNH HỰU UY TẾ PHU ỨNG ĐẠI VƯƠNG

(Chuyện Thần Long Độ)


Ngày xưa, Cao Vương đắp thành Đại La, một ngày đang trưa, vua đi bộ dạo chơi đến cửa Đông, bỗng chốc thấy mây mù nổi lên tứ phía; trong đám mù, có một chòm mây năm sắc từ mặt đất ùn lên, tia sáng bắn lên sao Đẩu chói lòa cả mắt, khí lạnh buốt người. Trong chòm mây ngũ sắc, có một người Tiên cỡi rồng vàng, đầu đội mão xích hoa, thân mặc áo tử hà, xiêm là, giày đỏ, bay lượn ở trong mây mù, hương lạ thơm lừng, đàn sáo hợp tấu, lững lờ uyển chuyển, lúc thấp lúc cao, lâu ước độ hai khắc rồi bỗng nhiên tan mất.

Cao Vương kinh dị, ngờ là quỷ mỵ hiện ra yêu linh để cầu nhân gian cầu đảo, chứ cũng chẳng biết gì. Vừa đến đêm ấy, vua đang ngồi chơi không làm gì rồi ngủ thì mộng thấy một người y như quang cảnh ban ngày đã thấy, đến trước cáo với vua rằng:

- Tôi là Long Độ Vương Khí Quân đây, nghe ông mới làm nhà cửa, xây đắp đô thành, thân đến tương kiến xin ông đừng nghi gì.

Cao Vương tỉnh dậy, hội nghị than thở giây lâu rồi nói rằng:

- Ta không biết làm chính trị nên quỷ thần vượt mặt ta, sự này là điềm lành hay điểm gở?

Người ngoài có kẻ bàn nên lập đền, tạc tượng rồi lấy đồng, lấy sắt mà trấn yểm đi. Cao Vương nghe lời ban thì làm y như vậy, hốt nhiên gió mưa ào đến làm cho bay cát đổ cây, sập nhà lở đất, lôi cả đồng sắt lên mà nghiền tan ra như tro bụi; Cao Vương giận, nói rằng:

- Ta biết rồi, thế nào cũng phải về Bắc đây.

Quả nhiên như vậy.

Lý Thái Tổ cũng lại đóng đô ở chỗ ấy; chợ Đông mở rộng thêm, buôn bán tấp nập, bức cận đền thần rất là huyên náo; vua muốn dời đền thần đến chỗ thanh tĩnh, nhưng rồi lại bảo:

- Xưa lập ở đây, nay không nên dời đi chỗ khác.

Bèn sửa lại rường cột dọc theo giãy phố, nhưng chừa ra một khoảng là chỗ đền thần.

Đến đêm, thần lập tức hiển linh, gió bấc nổi lên, cát bay đá chuyển, cây gẫy nhà sập, một dãy phố dài đều sụp đổ xuống đất, duy chỉ một tòa đền thần y nhiên đứng sững như cũ.

Thái Tông kinh dị, xét hỏi lai do, có người biết chuyện tâu rõ đầu đuôi. Vua mừng bảo rằng:

- Ấy là thần chủ sự đó.

Chiếu đem lễ vật đến điện tế, định tân niên mới làm lễ tế Đại Kỳ Phúc, từ đây giữ làm lệ thường, sắc phòng làm Quảng Lợi Vương.

Trước kia, chợ Đông ba lần bị thất hỏa, gió đưa ngọn lửa, phố xá nhà cửa đều cháy ra tro, duy một mình thần từ nghiễm nhiên không mảy may tổn hại.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong hai chữ Thánh Hựu. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Phu Ứng, tấn tước Đại Vương, phẩm trật Thượng Tướng Thái Sư.

Trần Quang Khải đề một bài thơ ở miếu rằng:

Xưa nghe người nói Đại Vương linh
Nay mới biết rằng quỷ mỵ kinh
Lửa cháy ba lần thiêu chẳng hết.
Gió bay một trận thổi không chênh.
Chỉ huy vọng quỷ ba nghìn chúng.
Đàn áp yêu ma trăm vạn binh
Xin cậy uy thừa trừ giặc Bắc,
Khiến cho bờ cõi hưởng thăng bình.
Bây giờ từ vũ nguy nga và linh ứng.



Tiếm bình

Đức Khổng nói: “Cái đức của quỷ thần rất là thịnh vậy”. Đương lúc mây mù ở cửa Đông, người tiên bận áo tử hà, cỡi rồng vàng đội mão xích hoa, có thể trông mà thấy rõ. Cao Vương cho là loài ma núi, quỷ biển.

Kịp đến lúc Thần nhập mộng cho Cao Vương mà đồng sắt cũng không thể yếm được sự linh thiêng, lên đền thờ họ Lý mà lửa hồng cũng không cháy nổi sự oanh liệt. Thần từ đồ sộ cùng với Hoàng đồ, điện Cự Lộc đều được tôn trọng như nhau. Than ôi! Thịnh lắm thay!

Gần đây quan Nguyễn Hiệu Thảo ở Phú Thị có đặt cho người ở phố đó một câu đối rằng:

Giập tắt Chúc Dung ba bận lửa
Đập tan Đô Hộ vạn cân vàng.


Người ta đọc lấy làm hay tuyệt.

_________________________
Việt Điện U Linh Tập - Page 3 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Sponsored content




Việt Điện U Linh Tập - Page 3 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Việt Điện U Linh Tập   Việt Điện U Linh Tập - Page 3 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Việt Điện U Linh Tập
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Long Phụng Khúc (Karaoke) - Vũ Linh , Tài Linh
» Lưu bút ngày xanh - Linh Tâm, Tài Linh
» Tương tư chiều - Xuân Diệu
» Bánh Phục Linh
» Thế giới Tình yêu
Trang 3 trong tổng số 6 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6  Next

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: TRÚC LÝ QUÁN :: Lịch Sử-