Bài viết mới | 7 chữ by Tinh Hoa Today at 05:26
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 19:43
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 06:59
KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45
KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30
SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22
Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22
NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20
KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08
Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54
Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10
Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21
Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52
Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28
Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13
Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07
Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36
Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09
Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46
Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06
Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04
DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19
Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37
Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34
TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17
CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05
Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04
Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41
Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16
|
Âm Dương Lịch |
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
|
|
| Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần | |
| |
Tác giả | Thông điệp |
---|
Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần Mon 15 Mar 2010, 01:54 | |
| DANH TƯỚNG VIỆT NAM
tập 4
DANH TƯỚNG TRONG SỰ NGHIỆP ĐẤU TRANH CHỐNG ÁCH ĐÔ HỘ CỦA PHONG KIẾN TRUNG QUỐC Tác giả : Nguyễn Khắc Thuần Nhà xuất bản Giáo dục 06/2005 Khổ 13 x 19. Số trang : 276 TRÊN HIỂU THIÊN VĂN, DƯỚI THÔNG ĐỊA LÝ, GIỮA RÕ NHÂN SỰ, COI NGƯỜI BỐN PHƯƠNG NHƯ ANH EM MỘT NHÀ... ĐÓ LÀ TƯỚNG CỦA TẤT CẢ THIÊN HẠ, KHÔNG AI CÓ THỂ ĐỊCH NỔI.
Hưng Đạo Đại Vương TRẦN QUỐC TUẤN (BINH THƯ YẾU LƯỢC) LỜI NÓI ĐẦU Bạn đọc yêu quí !
Đây là tập thứ tư của bộ sách năm tập cùng mang lên gọi chung là DANH TƯỚNG VIỆT NAM. Tương tự như các tập trước, tập thứ tư cũng có một tên gọi riêng, đó là Danh tướng trong sự nghiệp đấu tranh chống ách đô hộ của phong kiến Trung Quốc. Hẳn là hầu hết bạn đọc đều đã rõ rằng lịch sử Việt Nam có hai thời kì bị các triều đại phong kiến Trung Quốc đô hộ (1).
- Thời kì thứ nhất bắt đầu từ năm 179 trước Công nguyên (TCN, năm An Dương Vương bị Triệu Đà đánh bại) cho đến năm 905 (năm Khúc Thừa Dụ thành lập chính quyền độc lập và tự chủ), tổng cộng hơn 1000 năm. Sử thường gọi đó là thời Bắc thuộc. Tất nhiên là không phải ai ai cũng đồng ý, nhưng dẫu sao thì tính phổ biến và sự thông dụng của khái niệm thời Bắc thuộc là một thực tế không thể nào phủ nhận được.
- Thời kì thứ hai bắt đầu từ năm 1407 (năm nhà Hồ đại bại trước cuộc xâm lược của nhà Minh) và chấm dứt vào năm 1427 (năm cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại do Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo kết thúc toàn thắng), tổng cộng là 20 năm. Sử thường gọi đây là thời thuộc Minh.
Tập thứ tư này xin được trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc gần xa cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến lớn lao của các bậc danh tướng trong cả hai thời kì bị đô hộ nói trên. Nếu chỉ đơn giản xếp theo diễn tiến của thời gian thì Lam Sơn cũng thuộc phạm vi của thời kì thứ hai, nhưng xét về quy mô, đặc trưng và tầm vóc thì Lam Sơn lại có một vị trí hoàn toàn khác hẳn, do vậy, chúng tôi đã dành trọn tập hai để giới thiệu Danh tướng Lam Sơn chứ không xếp chung với các danh tướng của thời thuộc Minh.
Đặc điểm chung về sự nghiệp của các bậc danh tướng được giới thiệu trong tập thứ tư này là không một ai trong số họ có may mắn được chứng kiến thắng lợi trọn vẹn và bền lâu của mình. Trước sau, sớm muộn tuy có khác nhau nhưng tất cả đều anh dũng ngã xuống trong cuộc chiến đấu ngoan cường với quân cướp nước. Mỗi cuộc đời là một bức thông điệp trang nghiêm về khí phách hiên ngang, về ý chí quật cường và về quyết tâm giành lại cho bằng được độc lập và chủ quyền của đất nước. Họ là tinh hoa của lịch sử (...)
So với những danh tướng đã được giới thiệu trong ba tập đầu, các danh tướng ở tập thứ tư này đều chịu chung một thiệt thòi rất lớn, đó là hệ thống tư liệu hiện còn rất ít ỏi. Phải đến gần bốn thế kỉ sau khi thời Bắc thuộc kết thúc, nền sử học của nước nhà mới chính thức ra đời. Các sử gia lỗi lạc của thế hệ tiên khởi dù cầm bút với trọn vẹn tâm thanh và chí cả vẫn không sao có thể viết nhiều hơn và đầy đủ hơn. Dưới thời thuộc Minh, hàng loạt những di sản văn hoá vô giá của tổ tiên ta (trong đó có rất nhiều sách vở) bị kẻ thù huỷ hoại hoặc tịch thu, hậu thế khổ công sưu tầm suốt bao thế kỉ nay rồi mà cũng chỉ tìm lại được một phần rất nhỏ. Thực tình mà nói, kho thư tịch cổ của Trung Quốc không phải là nhỏ và trong đó cũng có không ít những nội dung liên quan tới nước ta. Nhưng xét về bản chất chung thì tất cả những thư tịch cổ này đều phản ánh ý chí xâm lăng và đô hộ của Trung Quốc đối với nước ta. Chân dung các đấng hào kiệt dám quả cảm vùng lên "khuấy nước chọc trời" và dám làm cho "kinh thiên động địa" đều bị các sử gia Trung Quốc tìm cách bóp méo hoặc ra sức xuyên tạc. Trong điều kiện đặc biệt khó khăn như vậy, việc tìm kiếm tư liệu đã khó, việc đối sánh, xác minh và chỉnh lí tài liệu lại còn khó hơn.
Để dựng lại (dù chỉ là rất gian lược) lí lịch cuộc đời các bậc danh tướng trong sự nghiệp đấu tranh chống ách đô hộ của phong kiến Trung Quốc. ngoài các bộ chính sử và dã sử, chúng tôi cố gắng khai thác thêm hai nguồn tư liệu quan trọng khác, đó là thần tích và văn học dân gian. Thần tích (tờ ghi chép về sự tích của các thần) bao giờ cũng có ngôn ngữ diễn đạt riêng của thần tích, đọc được và quan trọng hơn nữa là hiểu được, qủa thật không dễ dàng một chút nào cả. Tương tự như vậy, văn học dân gian cũng có ngôn ngữ diễn đạt riêng của văn học dân gian, phải cẩn trọng tìm tòi và suy gẫm thì may ra mới có thể phát hiện được những cốt lõi thật của lịch sử ẩn chứa kín đáo ở đó. Tóm lại, khối lượng công việc vừa lớn lại vừa đầy khó khăn, cho nên, sức lực cũng như trí lực cá nhân của một nhà giáo về hưu đã khá lâu thật khó có thể đủ để hoàn tất đúng như ý nguyện. Xuất phát từ thực tế đó, tác giả xin bạn đọc gần xa ân cần chỉ cho những chỗ còn bất cập của sách.
Khi tập thứ tư này bắt đầu được khởi thảo thì tập thứ nhất và tập thứ hai của bộ DANH TƯỚNG VIỆT NAM đã được tái bản đến lần thứ tám, còn tập thứ ba cũng vừa được tái bản tới lần thứ sáu. Đó thực sự là một hạnh phúc nghề nghiệp rất lớn lao mà tác gia đã may mắn có được. Tự đáy lòng mình, tác giả xin được chân tình bày tỏ lòng biết ơn đối với bạn đọc gần xa (những người đã hào hiệp động viên và cổ vũ cho tác gia trong nhiều hình thức khác nhau), chân thành cảm ơn Nhà xuất bản Giáo dục đã ưu ái dành cho tác giả sự ân cần chăm sóc và những tình cảm thật nồng hậu.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 11 năm 2004
NGUYỄN KHẮC THUẦN ------------------------------------------------------ (1) Thực ra, suy cho cùng thì cũng còn có những lúc chính quyền tự chủ ở nước ta bị sụp đổ bởi sự xâm lăng của Trung Quốc (ví dụ như chính quyền Khúc Thừa Mỹ bị quân Nam Hán đánh đổ vào năm 930), nhưng thời gian bị mất độc lập của ta không đáng kể và dấu ấn đô hộ của Trung Quốc cũng rất mờ nhạt, cho nên sử thường nói Việt Nam có hai thời kì bị phong kiến Trung Quốc đô hộ._________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: Re: Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần Mon 15 Mar 2010, 02:06 | |
| Chương thứ nhất
DANH TƯỚNG TRONG CUỘC CHIẾN ĐẤU BỀN BỈ VÀ NGOAN CƯỜNG, CHỐNG CÁC TRIỀU ĐẠI PHONG KIẾN TRUNG QUỐC ĐÔ HỘ (từ năm 179 TCN đến năm 905)Thế thượng thiên tân hòa nạn khổ Mạc như thất khước tự do quyền
HCM (1) I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ MỚI 1. ÂU LẠC BỊ TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC VÀ ĐÔ HỘ :
Vào cuối thời Tây Chu (2), một nhân vật tên là Trọng (3) đã lập ra nước Tần. Sự kiện này xảy ra vào năm 841 TCN. Sau hơn sáu thế kỉ tồn tại và truyền nối được 34 đời, từ một nước chư hầu rất bình thường nằm ở phía tây của nhà Tây Chu (sau đó là nhà Đông Chu) (4), nước Tần đã trở thành một trong số bảy nước chư hầu mạnh nhất, sử thường gọi đó là Chiến Quốc thất hùng (5). Cuối cùng, chính nước Tần đã lần lượt tiêu diệt hết các nước chư hầu, thống nhất Trung Quốc và lập ra một đế chế rất hùng mạnh, đó là nhà Tần. Người đặt nến móng đầu tiên cho sự ra đời của nhà Tần là Tần Trang Tương Vương (tức Tử Sở) (6), nhưng, người chính thức khai sinh ra đế chế Tần lại là Tần Thuỷ Hoàng (7).
Năm 221 TCN, tức là ngay sau khi vừa lập ra đế chế Tần và xưng là Tần Thuỷ Hoàng, chính Tần Thuỷ Hoàng đã huy động đông đảo tướng lĩnh cùng với hàng chục vạn quân, ồ ạt đánh xuống vùng Lĩnh Nam, mở dầu cho cuộc Nam chinh tàn bạo chưa từng thấy (8). Nền độc lập còn non trẻ của nhà nước Văn Lang bé nhỏ bị uy hiếp một cách nghiêm trọng.Trước những diễn biến rất nguy hiểm của tình hình như vậy, đông đảo binh sĩ Văn Lang đã tình nguyện tiến lên phía Bắc, sát cánh với nhân dân vùng Lĩnh Nam chiến đấu chống kẻ thù chung. Cuộc hợp lực để chống trả quyết liệt ngoan cường và đầy hiệu quả đó đã khiến cho 50 vạn quân Tần bị sa lầy, đúng như nhận xét của nhà sử học Tư Mã Thiên : “Lúc bấy giờ, nhà Tần ở phía Bắc thì mắc hoạ với người Hồ, ở phía Nam thì mắc hoạ với người Việt, đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được, thoái cũng không xong, trải hơn mười năm, đàn ông phải mặc áo giáp, đàn bà phải chuyên chở, khổ không sống nổi, người ta thắt cổ chết trên cây dọc đường, người chết trông nhau” (9)... Để cứu nguy cho Đồ Thư, Tần Thuỷ Hoàng liền sai Nhâm Ngao và Triệu Đà đem thêm mười vạn quân xuống Lĩnh Nam. Chính hai viên tướng này là những kẻ đã vạch mưu kế đánh xuống Văn Lang hòng chặn đứng sự chi viện của Văn Lang đối với vùng Lĩnh Nam. Năm 214 TCN, từ Tượng Quận, quân Tần đã mở những cuộc tấn công rất dữ dội vào lãnh thổ của Văn Lang. Lúc bấy giờ, Hùng Vương đã tỏ ra bất lực trước thử thách cam go này, vì thế nhân dân ta đã phải tự tổ chức lấy cuộc chiến đấu của mình. Hoài Nam Vương Lưu An cho biết rằng : “Người Việt đều vào rừng, ở với cầm thú, không ai chịu để cho quân Tần bắt” và "họ cùng nhau cử người tuấn kiệt lên làm tướng, đêm đêm ra đánh phá quân Tần”. Kết quả là họ đã : "Đại phá quân Tần, giết chết được Đồ Thư” (10). Năm 210 TCN, Tần Thuỷ Hoàng qua đời, nhà Tần đã buộc phải huỷ bỏ cuộc Nam chinh. Trong truyền thuyết dân gian của ta có chuyện Lý Thân tức Lý Ông Trọng. Có lẽ Lý Thân chính là một trong số những "người tuấn kiệt” của cuộc chiến đấu gian nguy này (11). Thành quả lớn nhất của cuộc kháng chiến chống Tần chính là sự thay thế Văn Lang bằng quốc gia Âu Lạc mạnh mẽ hơn (năm 208 TCN) và sự chuyển giao quyền lực rất tự nhiên từ Hùng Vương sang An Dương Vương.------------------------------------------------------- (1) Đây là hai câu đầu của bài II : Cảnh binh đảm chư đồng hành (Lính gác khiêng heo cùng đi) ... . Hai câu ấy có nghĩa là : trên cõi đời này có đến ngàn điều đắng cay và vạn điều đau khổ, nhưng chẳng có đắng cay đau khổ nào bằng mất quyền tự do. (2) Nhà Tây Chu thành lập năm 1027 TCN và bị diệt vong vào năm 771 TCN. (3) Lúc này, người Trung Quốc cũng chỉ mới có tên chứ chưa có họ. Tần Trọng (như ghi chép của thư tịch Trung Quốc) không phải là họ và tên mà chỉ có nghĩa là ông Trọng ở đất Tần. (4) Lịch sử nhà Chu gồm hai giai đoạn khác nhau. Giai đoạn thứ nhất là Tây Chu (từ năm 1027 TCN đến năm 771 TCN) và giai đoạn thứ hai là Đông Chu (từ năm 770 TCN đến năm 256 TCN). (5) Nhà Đông Chu được sử cũ chia làm hai chặng khác nhau. Chặng thứ nhất (từ năm 770 TCN đến năm 476 TCN) gọi là thời Xuân Thu, chặng thứ hai (từ năm 475 TCN dấn năm 256 TCN) gọi là thời Chiến Quốc. Thời Chiến Quốc là thời tranh hùng tranh bá của bảy nước mạnh, đó là Tần, Sở, Ngụy, Tề, Triệu, Yên và Hàn. (6) Tần Trang Tương Vương là vua đời thứ 33 của nước Tần, làm vua từ năm 249 TCN đến năm 247 TCN. (7) Thư tịch cổ của Trung Quốc thường gọi Tần Thuỷ Hoàng (vị Hoàng Đế đầu tiên của nhà Tần) là Triệu Dinh Chính nhưng thực ra thì Dinh Chính cũng chưa hề có họ. Thân sinh của Dinh Chính là Tử Sở từng phải đi làm con tin ở nước Triệu và sinh Dinh Chính ở nước Triệu, nhân đó cho Dinh Chính lấy họ Triệu. (8) Về cuộc Nam chinh này, các thư tịch cổ của Trung Quốc như HOÀI NAM TỬ (của Hoài Nam Vương Lưu An), SỬ KÍ (của Tư Mã Thiên), TIỀN HÁN THƯ (của Ban Cố)... đều có chép đến. (9) Tư Mã Thiên : SỬ KÍ TƯ MÃ THIÊN, Quyển 112. (10) Hoài Nam Vương Lưu An : HOÀI NAM TỬ. (11) Chuyện Lý Ông Trọng được Vũ Quỳnh chép trong LĨNH NAM CHÍCH QUÁI. Ngoài ra thần tích Đức Thánh Chèm và Từ Liêm huyện Lý Thiên Vương sự tích cũng chép chuyện này khá rõ._________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: Re: Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần Mon 15 Mar 2010, 02:16 | |
| Tư Mã Thiên cho hay rằng : “kịp khi Tần Thủy Hoàng chết thì cả thiên hạ nổi lên chống" (1) và, trong số những người của "thiên hạ nổi lên chống” ấy, ở vùng trung nguyên của nhà Tần thì mạnh nhất là thế lực của Lưu Bang (2), còn ở khu vực phía Nam của nhà Tần thì hùng hậu nhất vẫn là thế lực của Triệu Đà (3). Cùng trong năm 206 TCN, Lưu Bang đã lập ra nhà Hán còn Triệu Đà thì lập ra nước Nam Việt. Nhìn từ bất cứ góc độ nào thì thực lực của Lưu Bang cũng mạnh hơn Triệu Đà. Trong mối tương quan thế và lực rất không có lợi như vậy, con đường duy nhất của Triệu Đà là phải tìm cách mở rộng lãnh thổ để từng bước xoá dần khoảng cách thế và lực với Lưu Bang. Nước Âu Lạc láng giềng trở thành mục tiêu bành trướng của Triệu Đà. Năm 183 TCN, tức là ngay khi vừa xưng Đế, Triệu Đà đã cho quân tràn xuống Âu Lạc, nhưng, tất cả các cuộc tấn công của Triệu Đà trước sau đều bị chặn đứng. Quân dân Âu Lạc thì kiên cường, thành Cổ Loa thì vững chắc, kế sách chống đỡ của An Dương Vương thì rất có hiệu quả, cho nên, quân Nam Việt xâm lăng buộc phải rút lui. Thấy không thể đè bẹp Âu Lạc bằng vũ lực Triệu Đà bèn tìm mọi biện pháp để sắp đặt cho con trai là Trọng Thuỷ kết hôn với con gái của An Dương Vương là Mị Châu. Sau đó, Triệu Đà lại khôn khéo thuyết phục để cho Trọng Thuỷ được đến ở rể ngay trong kinh thành Cổ Loa. Cuộc hôn nhân này đã khiến cho An Dương Vương và Mị Châu mơ hồ, mất cảnh giác. Năm 179 TCN, Triệu Đà đã bất ngờ cho quân ào ạt tấn công vào Âu Lạc. An Dương Vương bị đại bại và nền đô hộ của chính quyền phong kiến Trung Quốc đối với nước ta bắt đầu được thiết lập kể từ đó. Trả giá cho sự mơ hồ và mất cảnh giác của An Dương Vương là cả một quá trình liên tục chiến đấu và hi sinh tài sản cũng như xương máu của không biết bao nhiêu thế hệ, kéo dài đằng đẵng đến hơn một ngàn năm (từ năm 179 TCN đến năm 905). Chuyện nỏ thần được mãi mãi lưu truyền bởi vì chính đó là một bài học lớn của lịch sử :
Tôi kể ngày xưa, chuyện Mị Châu, Trái tim lẫm chỗ để trên đầu. Nỏ thần vô ý trao tay giặc, Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu.
(Tố Hữu)
Từ năm 179 TCN đến năm 905, Âu Lạc liên tiếp bị 9 triều đại Phong kiến Trung Quốc đô hộ (4). Đành rằng triều đại nào cũng có những bước thăng trầm và không phải lúc nào chúng cũng kiểm soát được Âu Lạc một cách chặt chẽ, nhưng trên đại thể, chúng ta cũng có thể liệt kê một danh sách các triều đại cụ thể như sau :
1. Nam Việt : do Triệu Đà lập ra vào năm 206 TCN, truyền được tất cả 95 năm (từ năm 206 TCN đến năm 111 TCN) với 5 đời nối nhau trị vì. Năm 179 TCN, Nam Việt đã đánh tan chính quyền của An Dương Vương rồi thống trị Âu Lạc liên tục trong 68 năm (từ năm 179 TCN đến năm 111 TCN).
2. Tiền Hán (cũng tức là Tây Hán) : do Lưu Bang (tức Hán Cao Tổ) lập ra vào năm 206 TCN, truyền được 214 năm (từ 206 TCN đến năm 08) với 13 đời nối nhau trị vì. Năm 111 TCN, nhà Tiền Hán đã lật nhào được cơ đồ của Nam Việt và thay Nam Việt thống trị Âu Lạc liên tục trong 119 năm (từ năm 111 TCN đến năm 08).
3. Nhà Tân : do Vương Mãng lập ra năm 08, truyền được 17 năm với hai đời nối nhau trị vì. Nhà Tân đã thay nhà Tiền Hán thống trị Âu Lạc trong 17 năm (từ năm 08 đến năm 25).
4. Hậu Hán (cũng tức là Đông Hán) : do Lưu Tú (tức Hán Quang Vũ) lập ra năm 25 (sau khi tiêu diệt được nhà Tân), truyền được 195 năm với 13 đời nối nhau trị vì. Nhà Hậu Hán thay nhà Tân thống trị Âu Lạc trong 195 năm (từ năm 25 đến năm 220).
5. Nhà Ngô : do Tôn Quyền (Ngô Đại Đế) lập ra năm 222, truyền được 58 năm với 4 đời nối nhau trị vì. Ngô là một trong ba nước của thời hỗn chiến Ngô-Thục-Ngụy (sử thường gọi đó là thời Tam Quốc). Trên danh nghĩa thì nhà Ngô đã thay Hậu Hán (tức Đông Hán) thống trị Âu Lạc liên tục trong 58 năm (từ năm 222 đến năm 280).
6. Nhà Tấn : do Tư Mã Viêm (Tấn Vũ Đế) lập ra năm 265 nhưng phải đến năm 280 mới thực sự nắm được quyền chi phối phần lớn lãnh thổ Trung Quốc. Tuy không liên tục nhưng nhà Tấn cũng truyền được 155 năm với 15 đời nối nhau trị vì. Trên danh nghĩa thì nhà Tấn đã thay nhà Ngô thống trị Âu Lạc liên tục trong 140 năm (từ 280 đến 420). Lịch sử nhà Tấn cũng có hai thời kì khác nhau, đó là Tây Tấn (265-316) và Đông Tấn (317-420).
7. Nam triều : là các triều ở vùng phía Nam Trung Quốc trong cuộc hỗn chiến Nam-Bắc triều (420-581). Nam triều gồm có tất cả 4 triều : Tống (420-479), Tề (479-502), Lương (502-557) và Trần (557-589) (5). Trên danh nghĩa thì Nam triều đã thay nhà Tấn thống trị Âu Lạc liên tục trong 122 năm (từ năm 420 đến năm 542).
8. Nhà Tuỳ : do Dương Kiên (Tuỳ Văn Đế) lập ra năm 581, truyền được 37 năm (581-618) với ba đời nối nhau trị vì. Nhà Tuỳ đã đánh bại Lý Phật Tử, chiếm nước Vạn Xuân rồi thiết lập chính quyền đô hộ trong 16 năm (từ năm 602 đến năm 618).
9. Nhà Đường : do Lý Uyên (Đường Cao Tổ) lập ra năm 618, truyền được 289 năm (618-907) với tất cả 21 đời nối nhau trị vì. Trên danh nghĩa, nhà Đường đã thay nhà Tuỳ thống trị nước ta trong 287 năm (từ năm 618 đến năm 905) (6).
Như vậy là từ năm 179 TCN đến năm 905, Âu Lạc luôn bị các triều đại phong kiến Trung Quốc đô hộ. Trong khoảng thời gian dài đằng đẵng hơn một ngàn năm đó, cũng đã có không ít lần nhân dân Âu Lạc quả cảm vùng lên đấu tranh và cũng đã từng có không ít lần giành được độc lập, nhưng nhìn chung thì tất cả cũng chỉ là những thời gian ngắn ngủi. Gần đây, trên cơ sở phân tích "lực li tâm chính trị” của các guồng máy chính quyền đô hộ ở Âu Lạc với chính quyền của triều đình phong kiến trung ương ở Trung Quốc, một số nhà sử học (cả trong cũng như ngoài nước) đã nêu ra một kết luận rất mới mẻ và cũng rất đáng lưu ý, rằng lịch sử Việt Nam không hề có hơn một ngàn năm bị Bắc thuộc, mà thời gian thực sự là Bắc thuộc theo đúng nghĩa của từ này chỉ kéo dài khoảng hơn năm trăm năm. Theo chúng tôi thì “lực li lâm chính trị” là một thực tế lịch sử và chính thực tế đó đã khiến cho khá nhiều guồng máy chính quyền đô hộ được thiết lập trên đất nước ta không còn phản ánh nguyên vẹn ý chí của triều đình phong kiến trung ương bên Trung Quốc nữa, nhưng, đó cũng quyết không phải là chính quyền phản ánh ý chí cũng như tâm nguyện của xã hội Âu Lạc. Cho nên, vấn đề khung niên đại cụ thể của thời Bắc thuộc là rất cần được xác định lại cho thật đúng, nhưng nếu nói rằng gần như toàn bộ thời gian kéo dài hơn một ngàn năm (từ năm 179 TCN đến năm 905) là thời Âu Lạc mất độc lập và chủ quyền thì lại hoàn toàn chính xác. Nói khác hơn, cho dẫu có không ít lúc chính quyền đô hộ trên đất Âu Lạc không thật sự là của Trung Quốc thì cũng chớ vì thế mà vội vã kết luận rằng đó là chính quyền của người Âu Lạc. Ở đâu và của ai bao giờ cũng là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
------------------------------------------------------ (1) Mã Thiên : SỬ KÍ TƯ MÃ THIÊN, Quyển 112 (2) Lưu Bang tức Hán Cao Tổ lập ra nhà Tiền Hán năm 206 TCN, ở ngôi Vương 4 năm (206 TCN - 202 TCN), ở ngôi Hoàng Đế 8 năm (202 TCN - 195 TCN) mất năm 195 TCN, hưởng thọ 61 tuổi (256 TCN - 195 TCN). (3) Triệu Đà tức Triệu Vũ Đế, lập ra nước Nam Việt năm 206 TCN, ở ngôi Vương 23 năm (206 TCN- 183 TCN), ở ngôi Hoàng Đế 46 năm (183 TCN- 137 TCN), mất năm 137 TCN, hưởng thọ 120 tuổi (257 TCN- 137 TCN)! (4) Niên đại tồn tại của các triều đại ghi dưới đây chỉ là niên đại danh nghĩa, niên đại thực tế thì có khác hơn một chút. Về thế thứ cụ thể của các triều đại, xin vui lòng tham khảo thêm Nguyễn Khắc Thuần : CÁC ĐỜI ĐẾ VƯƠNG TRUNG QUỐC, Nxb Giáo dục, 2002. Sách đã được tái bản lần thứ nhất. (5) Nhà Trần tuy vẫn còn tồn tại lay lắt thêm mấy năm nữa nhưng cục diện Nam-Bắc triều thì kể như đã hoàn toàn kết thúc kể từ năm 581 - năm nhà Tuỳ được dựng lên. (6) Đến năm 907 thì nhà Đường mới hoàn toàn sụp đổ, nhưng nền đô hộ của nhà Đường ở trên đất nước ta thì bị xoá bỏ từ năm 905. _________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: Re: Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần Tue 16 Mar 2010, 01:34 | |
| 2. CHÍNH SÁCH THỐNG TRỊ CỦA PHONG KIẾN TRUNG QUỐC
a) Về chính trị :
Chính sách chủ yếu nhất, bao trùm nhất và xuyên suốt nhất của phong kiến Trung Quốc là tìm đủ mọi cách để nhằm xoá bỏ đến tận gốc dấu ấn của nền độc lập và chủ quyền từng in đậm trong tâm khảm của các thế hệ nhân dân ta. Đất đai của Âu Lạc bị coi là một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc và được cắt đặt thành những đơn vị hành chánh mới :
- Thời thuộc Tiền Hán (206 TCN-08) : Đất đại của Nam Việt và Âu Lạc được nhà Tiền Hán gộp lại và gọi chung là Giao Châu. Giao Châu quản lãnh 9 quận, trong đó đất Âu Lạc được chia làm 3 quận là Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Tuy chỉ có ba quận nhưng Âu Lạc lại có vị trí quan trọng nhất đối với toàn cõi Giao Châu. Bấy giờ, chức quan đứng đầu Giao Châu là Thứ Sử và chức quan đứng đầu mỗi quận là Thái Thú. Xét về cấp bậc thì chức Thái Thú nhỏ hơn chức Thứ Sử, nhưng, chính Thái thú mới là kẻ trực tiếp nắm quyền sinh sát đối với dân.
Đất đai của quận giao Chỉ thời Tiền Hán nay đại để tương ứng với vùng từ tỉnh Ninh Bình trở ra. Bấy giờ, quận Giao Chỉ có tất cả 10 huyện với 746.237 suất đinh (1). Đất đai của quận Cửu Chân thời Tiền Hán nay đại để tương ứng với tỉnh Thanh Hoá và khu vực phía Bắc của tỉnh Nghệ An. Quận Cửu Chân có tất cả 7 huyện với 166.113 suất đinh (2). Đất đai quận Nhật Nam nay đại để tương ứng với vùng từ Nghệ An trở vào Nam (3). Quận này quản lãnh 5 huyện với 69.485 suất đinh (4).
- Thời thuộc Tấn (280 - 420) : Địa giới của toàn cõi Giao Châu bị thu nhỏ lại, chỉ có một phần của Nam Việt cũ cộng với Âu Lạc và gọi là Giao Châu. Phần này được chia lại thành 7 quận (5), đó là :
Hợp Phố : (quản lãnh 06 huyện).
Giao Chỉ : (quản lãnh 14 huyện).
Tân Xương : (quản lãnh 06 huyện). Vũ Bình : (quản lãnh 07 huyện).
Cửu Chân : (quản lãnh 07 huyện).
Cửu Đức : (quản lãnh 08 huyệt).
Nhật Nam : (quản lãnh 05 huyện).
- Thời thuộc Nam triều (420 - 542) : Lưu Dục (Tống Vũ Đế : 420-422) đã cắt đặt tại các đơn vị hành chánh, theo đó thì đất đai của Âu Lạc cũ từ chỗ chỉ có ba quận đã được chia lại thành tám quận. Tám quận đó là : Giao Chỉ, Long Biên, Vũ Bình, Cửu Chân, Cửu Đức, Nhật Nam, Nghĩa Xương và một quận nữa thư tịch cổ của Trung Quốc chép là khuyết danh nên chưa rõ đó là quận nào.
- Thời thuộc Tuỳ (602 - 618) : Toàn bộ đất đai Âu Lạc cũ cũng được nhà Tuỳ chia thành bảy quận nhưng địa giới cũng như tên gọi của từng quận cũng có khác hơn so với các triều đại trước. Theo ghi chép của thư tịch cổ Trung Quốc thì tên gọi và số hộ dân cụ thể của cả 7 quận này như sau (6) :
Giao Chỉ : (quản lãnh 9 huyện với 30.056 hộ).
Cửu Chân : (quản lãnh 7 huyện với 16.135 hộ).
Nhật Nam : (quản lãnh 8 huyện với 9.915 hộ).
Tị Ảnh : (quản lãnh 4 huyện với 1.815 hộ).
Hải Âm : (quản lãnh 4 huyện với 1.100 hộ).
Lâm Ấp : (quản lãnh 4 huyện với 1.220 hộ).
Ninh Việt : Chưa rõ số huyện và số hộ.
- Thời thuộc Đường : Vào năm 622, triều đình Lý Uyên (Đường Cao Tổ : 618-626) đã bãi bỏ toàn bộ hệ thống quận huyện cũ và lập ra Giao Châu Đô hộ Phủ. Năm 679, triều đình Lý Trị (tức Đường Cao Tông : 649-683) đổi Giao Châu Đô Hộ Phủ thành An Nam Đô Hộ Phủ. Bấy giờ, An Nam Đô Hộ Phủ lãnh 12 châu vùng đồng bằng cùng 41 châu vùng rừng núi và trung du (gọi là châu Ki Mi - châu ràng buộc lỏng lẻo). Danh sách 12 châu vùng đồng bằng cụ thể như sau (7) :
Giao Châu Trường Châu Diễn Châu Hoan Châu Vũ An Châu Thang Châu | Phong Châu Ái Châu Phúc Lộc Châu Lục Châu Vũ Nga Châu Chi Châu |
Trong 12 châu đồng bằng nói trên, có bốn châu nay thuộc lãnh thổ của Trung Quốc, đó là : Vũ An Châu, Vũ Nga Châu, Thang Châu và Chi Châu. Về các châu Ki Mi, rất tiếc là chúng tôi chỉ thống kê được danh sách dựa theo ghi chép của thư tịch cổ chứ chưa xác định được vị trí cụ thể so với bản đồ hiện nay. Danh sách 41 châu Ki Mi cụ thể như sau (8) :
Bàng Châu Tư Nông Châu Lâm Tây Châu Long Châu Môn Châu An Đức Châu Quy Hoá Châu Vũ Vân Châu Đô Kim Châu Lộc Châu Kim Long Châu Kim Quách Châu Cam Đường Châu Lạng Châu Nam Bình Châu Kha phú Châu Đề Thượng Vi Châu Vũ Lục Châu Tây Bình Châu Thượng Tư Châu. | Long Vũ Châu Tân An Châu Vũ Định Châu Tư Lăng Châu Phàn Đức Châu Nam Đăng Châu Tây Nguyên Châu Tư Quách Châu Thử Châu Dư Châu Đức Hoá Châu Quận Châu Quy Châu Bình Nguyên Châu La Phục Châu Lang Mang Châu Vạn Kim Châu Kim Bưu Châu Tín Châu Thiêm Lăng Châu |
Từ sau năm 619, nhà Đường còn tiến hành chia đặt lại đơn vị hành chánh khá nhiều lần nữa, nhưng, do sự thay đổi không lớn nên không cần thiết phải liệt kê ra. Như vậy là với việc xoá hẳn quốc hiệu và liên tiếp cho chia đặt lại các đơn vị hành chánh, các triều đại phong kiến Trung Quốc đã bộc lộ rất rõ ý định quyết thủ tiêu hoàn toàn nền độc lập của nhân dân ta, quyết biến nước ta thành một địa phương của Trung Quốc. Có thấy hết bản chất xấu xa của mưu đồ chính trị này chúng ta mới có thể thấy hết tài năng phi phàm của các bậc danh tướng thời Bắc thuộc - những người con ưu tú đã biết khơi dậy ý thức về cội nguồn của xã hội ngỡ như đã vĩnh viễn bị chôn vùi.
Để tăng cường sức mạnh chính trị cho các chính quyến đô hộ, luật pháp Trung Quốc đã nghiễm nhiên được áp dụng ở Âu Lạc. Thứ luật pháp áp đặt và hoàn toàn xa lạ đó luôn luôn được giai cấp thống trị coi là vũ khí lợi hại của chúng đối với toàn thể xã hội ta lúc bấy giờ.
------------------------------------------------------- (1) Ban Cố (Trung Quốc) : TIỀN HÁN THƯ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán. (2) Ban Cố (Trung Quốc) : Sách đã dẫn. (3) Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, vùng cực Nam của quận Nhật Nam ở vào khoảng đèo Hải Vân, có lan sang chút ít của Quảng Nam. Cũng có người nói cực Nam của quận Nhật Nam kéo đến đến Phú Yên ngày nay, tuy nhiên, sức thuyết phục của ý kiến này không cao. (4) Ban Cố (Trung Quốc) : sách đã dẫn. (5) Phòng Kiều (Trung Quốc) : TẤN THƯ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán. (6) Ngụy Trưng (Trung Quốc) : TUỲ THƯ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư quán. (7) Âu Dương Tu - Tống Kỳ (Trung Quốc) : TÂN ĐƯỜNG THƯ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán. (8) Âu Dương Tu - Tống Kỳ (Trung Quốc) : TÂN ĐƯỜNG THƯ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán. _________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: Re: Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần Tue 16 Mar 2010, 01:53 | |
| b) Về quân sự
Chính sách quan trọng nhất và xuyên suốt nhất của các triều đại phong kiến Trung Quốc đô hộ là sẵn sàng đàn áp mọi phong trào đấu tranh của nhân dân ta một cách đẫm máu. Để thực hiện chính sách này, hai biện pháp lớn đã được các chính quyền đô hộ gấp rút tiến hành. Một là xây dựng một hệ thống thành luỹ thật dày đặc. Vì lẽ này mà vào năm 40, Hai Bà Trưng đã đánh tan quân đô hộ nhà Đông Hán và chiếm được những 65 thành trì. Hai là duy trì một đội quân thường trực thật hùng hậu. Đầu thời Đông Hán, dù toàn cõi Âu Lạc cũ chỉ mới có khoảng một triệu suất đinh (1) nhưng tổng số quân đội thường trực của chính quyền đô hộ đã lên tới tổng số 12.000 tên. Các triều đại phong kiến Trung Quốc sau nhà Đông Hán cũng đều quyết tâm duy trì một lực lượng quân đội thường trực hùng hậu tương tự như thế. Cũng cần nói thêm rằng, quân đội thường trực đã quá đông mà mỗi khi cần tiến hành đàn áp bất cứ một cuộc khởi nghĩa nào, chính quyền đô hộ ở Âu Lạc lại còn nhanh chóng được nhận thêm đông đảo viện binh do triều đình trung ương điều động từ Trung Quốc đến. Xin nêu hai ví dụ cụ thể :
- Năm 43, triều đình Hán Quang Vũ (25-57) sai Mã Viện đem 20.000 quân đi đàn áp nghĩa binh của Hai Bà Trưng (2).
- Năm 248, triều đình Ngô Đại Đế (229-252) đã sai Lục Dận đem 8.000 quân đi đàn áp nghĩa binh của Bà Triệu (3).
- Nhà Lương (502-557) khi đàn áp cuộc khởi nghĩa của Lý Bí và nhà Đường (618-907) khi đàn áp các cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Tiên và Đinh Kiến, của Mai Thúc Loan, Phùng Hưng hay Dương Thanh cũng đều điều động những lực lượng đi cứu viện có quân số áp đảo.
Nhìn chung, chính quyền đô hộ là chính quyền quân sự. Rất nhiều quan đô hộ cũng chính là những tướng lĩnh từng trực tiếp cầm quân và giàu kinh nghiệm trận mạc. Sức mạnh của các chính quyền đô hộ đều được xây dựng chủ yếu là dựa vào sức mạnh của vũ khí và của lực lượng vũ trang. Các biện pháp thống trị cũng đều mang nặng kiểu cách quân sự.
c) Về kinh tế
Chính sách chung nhất của tất cả các triều đại phong kiến Trung Quốc đô hộ là ra sức vơ vét tài nguyên và của cải trên đất nước ta. Phương thức thực hiện phổ biến và lâu dài nhất của chúng chính là thu cống phẩm. Từ những gì quý nhất, hiếm nhất, tốt nhất và đẹp nhất... cho đến những gì dẫu là bình thường nhưng thiết thực thì cũng đều bị coi là sản phẩm buộc phải cống nạp. Ở vùng rừng núi và trung du, đó là gỗ quý, khoáng sản, hương liệu, chim lạ thú hiếm. Ở vùng đồng bằng, đó là những đặc sản nông nghiệp và thủ công nghiệp. Ở vùng ven biển và hải đảo, đó là các loại hải sản quý, san hô, ngọc trai... Ngoài ra, chính bản thân con người (nhất là thợ thủ công lành nghề, tráng đinh khoẻ mạnh và phụ nữ) cũng nằm trong danh sách các loại cống phẩm nhất thiết phải có. Để có căn cứ phục vụ cho việc thu cống phẩm, chính quyền đô hộ đã tiến hành kê biên hộ khẩu và thống kê dân đinh. Ngay dưới thời Triệu Vũ Đế (tức Triệu Đà), tổng số dân đinh của riêng hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân đã được ghi rõ là 400.000 người. Từ thời Hán trở đi, tất cả những gì là đặc sản luôn được chú ý vơ vét nhiều nhất. Xin được nêu vài ví dụ cụ thể :
- Nhà Hán đặt hai chức quan mới, đó là Tu Quan (chuyên thu hoa quả cùng các thứ thực phẩm ngon) và Quất Quan (chuyên thu cây quýt và quả quýt).
- Hán Vũ Đế (141-87 TCN) còn cho quan lại sang Giao Chỉ để thu giống cây quý đem về Trung Quốc trồng. Chính Hán Vũ Đế đã Cho xây Phù Lệ Cung (cung điện có vườn dành riêng để trồng cây vải lấy từ Giao Chỉ về) nhưng, trồng được 100 cây thì chẳng mấy chốc, cả 100 cây đều chết.
- Vào năm 262, Ngô Cảnh Đế (258-264) buộc dân ta phải nạp 3000 con chim công, khiến cho thiên hạ ai ai cũng oán hận.
Từ thời Đường trở đi, phép Tô - Dung - Điệu được áp dụng. Tô là phần sản phẩm nông nghiệp mà những dân đinh cày ruộng công phải đóng góp. Dung là số ngày đi làm không công (chủ yếu là tạp dịch) mà tất cả mọi người phải thực hiện. Điệu là số sản phẩm thủ công mà xã hội ta phải dâng tiến (thường được quy theo giá tương ứng với tơ hoặc lụa).
Về hình thức, phép Tô - Dung - Điệu tuy chưa rạch ròi như chế độ thuế khoá nhưng cũng có vẻ như đã có phần tiến bộ hơn việc thu cống phẩm, tuy nhiên, đó chỉ là về hình thức. Về thực chất thì lúc bấy giờ, phép Tô - Dung - Điệu dược đồng thời áp dụng chứ không hề thay thế cho chế độ thu cống phẩm. Mức đóng góp của nhân dân vì thế mà ngày càng trở nên nặng nề. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp và cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự bùng nổ của hàng loạt những cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ. ----------------------------------------------------------------- (1) Vào cuối thời Tây Hán, nếu tổng hợp những con số theo khi chép của Ban Cố (Trung Quốc) trong TIỀN HÁN THƯ (Sách đã dẫn) thì ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam có tất cả 918.835 suất đinh. Từ cuối Tây Hán đến đầu Đông Hán là một khoảng thời gian ngắn, cho nên, chúng tôi ước đoán là toàn cõi Âu Lạc lúc này chỉ có khoảng một triệu suất đinh. (2) Lịch Đạo Nguyên (Trung Quốc) : THỦY KINH CHÚ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán. Ngoài số quân đông đảo này, Mã Viện còn được mang theo đến 2.000 xe, thuyền có loại lớn nhỏ nữa. (3) Trần Thọ (Trung Quốc) : TAM QUỐC CHÍ (Ngô Chí). Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán. _________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: Re: Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần Tue 16 Mar 2010, 01:56 | |
| d) Về xã hội
Vào thời Bắc thuộc, hàng loạt người Trung Quốc đã tìm đường di cư đến nước ta. Họ ra đi bởi những lí do rất riêng của mình nhưng điều đáng nói là chính quyền đô hộ đã tỏ ra rất thống nhất trong chính sách chung là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những cuộc di cư đó. Nếu cần phân loại để dễ theo dõi thì chúng ta có thể chia dân Trung Quốc di cư đến nước ta trong thời Bắc thuộc thành ba nhóm chính :
- Nhóm thứ nhất gồm khá đông dân nghèo của Trung Quốc, do không chịu nối ách áp bức bóc lột nặng nề của giai cấp phong kiến thống trị nên họ đành phải từ bỏ quê cha đất tổ để đi kiếm sống. Một bộ phận không nhỏ của nhóm thứ nhất này đã định cư tại Âu Lạc và dần dần bị Việt hoá, họ tự nhận mình là người Việt và thực tế cũng cho thấy là phần lớn trong số họ đã sống đầy trách nhiệm với xứ sở mới như tất cả những người Việt khác. Đại diện tiêu biểu cho nhóm thứ nhất này có lẽ là Lý Bí (hay Lý Bôn).
- Nhóm thứ hai gồm đội ngũ những Nho sĩ Trung Quốc do bất đắc chí nên đã tự tìm đường đến Âu Lạc và coi Âu Lạc chính là đất dung thân. Vào thời nhà Hán, có lúc: "Danh sĩ nhà Hán tìm đường lánh nạn đến nước la đông ước chừng cả trăm người" (1). Nhân vật xứng đáng đại diện cho nhóm thứ hai này có lẽ là Sĩ Nhiếp (đến lánh nạn vào khoảng cuối thế kỉ (II). Sĩ Nhiếp người Thương Ngô, đỗ Mậu Tài (tức Tú Tài), một thời gian sau khi đến lánh nạn, Sĩ Nhiếp được nhà Hậu Hán bổ làm Thái Thú quận Giao Chỉ.
- Nhóm thứ ba gồm các nhà tu hành Phật giáo và Đạo giáo, họ đã dừng chân ở Âu Lạc để quảng bá đức tin. Không ít người trong số họ đã gắn bó phần lớn cuộc đời tu hành của mình với lãnh thổ và với nhân dân Âu Lạc. Về đại diện tiêu biểu cho các nhà tu hành của Phật giáo, chúng ta có thể kể đến Thiền Sư Vô Ngôn Thông, người đã đến Âu Lạc vào năm 820 và đã khai sáng ra dòng Thiền Tông Vô Ngôn Thông (2). Về đại diện tiêu biểu cho các nhà tu hành theo Đạo giáo, chúng ta có thể kể đến Đổng Phụng và Cát Hồng. Đổng Phụng người Phúc Kiến, đến Âu Lạc vào khoảng cuối thế kỉ II. Chính Đổng Phụng là người đã cứu Sĩ Nhiếp thoát khỏi cơn bạo bệnh. Cát Hồng (284-364) (3) là tác giả của BÃO PHÁC TỬ NỘI NGOẠI THIÊN - một tác phẩm rất có giá trị của Đạo giáo. Cho dẫu những người thuộc nhóm thứ ba đều chỉ biết trọn đời hi sinh cho lí tưởng tu hành thì trong cuộc sống thực tiễn họ vẫn tham gia một cách rất tự nhiên vào quá trình từng bước làm thay đổi đần kết cấu xã hội người Việt.
Về xã hội, điều quan trọng nhất không phải là quá trình không ngừng thay đổi về kết cấu mà chính là quá trình liên tục phân hoá và phân cực diễn ra ngày một sâu sắc. Bấy giờ, hai cực đối kháng đã hình thành và ngày càng không thể dung hợp với nhau. Cực thứ nhất bao gồm gần như toàn bộ xã hội người Việt bị mất nước, bị áp bức và bị bóc lột rất nặng nề. Cực thứ hai gồm tất cả quân cướp nước và bè lũ tay sai tham tàn. Từ hai cực đối kháng rất gay gắt này, hai dòng lịch sử hoàn toàn khác nhau về chất cũng đã đồng thời xuất hiện và tồn tại. Dòng thứ nhất là dòng Bắc thuộc, dòng phản ánh bản chất bành trướng và xâm lăng tàn bạo, dòng bộc lộ rõ ràng tham vọng thiết lập và duy trì cho bằng được nền đô hộ của tất cả các triều đại phong kiến Trung Quốc đối với toàn cõi Âu Lạc. Dòng thứ hai là dòng chống Bắc thuộc, dòng phản ánh tinh thần quật khởi rất ngoan cường của toàn thể xã hội người Việt yêu nước, dòng bừng bừng khí thế quyết tâm xả thân cứu nước của hàng loạt những thế hệ khác nhau, dòng kết tinh khí phách hiên ngang thể hiện trong lời của Hai Bà Trưng :
Một xin rửa sạch nước thù, Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng. (Thiên Nam ngữ lục)
Đây chính là hai dòng nổi bật nhất, cũng là hai dòng xuyên suốt nhất. Nắm được diễn tiến chung của cả hai dòng này cũng có nghĩa là đã nắm được những nội dung mang tính bản chất nhất của lịch sử thời Bắc thuộc. Với ý nghĩa là một trong những tập của bộ sách mang tên chung là DANH TƯỚNG VIỆT NAM, tập thứ 4 này chỉ xin dừng lại trong phần việc chủ yếu là giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của những tướng lĩnh xuất chúng, những đại biểu sáng giá nhất của dòng lịch sử thứ hai - dòng chống Bắc thuộc. Mỗi người sinh ra và lớn lên trong những thời điểm khác nhau nhưng điểm chung nhất của tất cả những người con ưu tú ấy là ở chỗ : họ sống chỉ một đời mà danh thơm thì lưu truyền mãi mãi đến muôn đời.
--------------------------------------------------------------- (1) ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ (Ngoại kỷ, quyển 3, tờ 8-b) (2) Về dòng Vô Ngôn Thông, xin vui lòng tham khảo thêm : Nguyễn Khắc Thuần : ĐẠI CƯƠNG LỊCH SỬ VĂN HÓA VIỆT NAM (Tập II), Nxb Giáo dục. (3) Về nhân vật Cát Hồng, xin vui lòng tham khảo thêm : Nguyễn Khắc Thuần : ĐẠI CƯƠNG LỊCH SỬ VĂN HÓA V _________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: HAI BÀ TRƯNG Wed 17 Mar 2010, 02:09 | |
| II - HAI BÀ TRƯNG - HAI BẬC NỮ DANH TƯỚNG ĐẦU TIÊN CÓ CÔNG GIƯƠNG CAO NGỌN CỜ CHỐNG CHỦ NGHĨA BÀNH TRƯỚNG ĐẠI HÁN Chị em nặng một lời nguyền Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân Ngàn Tây nối áng phong trần Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên Hồng quần nhẹ bước chinh yên Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành (Đại Nam quốc sử diễn ca) 1. GỐC TÍCH HAI BÀ TRƯNG TRONG GHI CHÉP CỦA THƯ TỊCH CỔ
Thư tịch cổ nhất của nước ta có chép chuyện Hai Bà Trưng là bộ ĐẠI VIỆT SỬ LƯỢC. Sách này cho hay : "Trưng Trắc người huyện Mê Linh, con gái của quan Lạc Tướng vùng này. Trưng Trắc lấy chồng người huyện Chu Diên, tên là Thi Sách. Người vợ tính rất hùng dũng, (Thi sách) làm việc có sai phạm nên bị Thái Thú Tô Định dùng pháp luật để trừng trị. Trưng Trắc giận quá, bèn cùng với em gái là Trưng Nhị khởi binh ở Phong Châu, đánh phá các quận huyện. Dân ở hai quận Cửu Chân và Nhật Nam đều hưởng ứng cả. Bà chiếm được 65 thành ở ngoài phía Nam của nhà Hán rồi tự lập làm Vua, đóng đô ở huyện Mê Linh".
Thư tịch cổ thứ hai của nước ta có chép chuyện Hai Bà Trưng là bộ ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ do Tiến Sĩ Ngô Sĩ Liên và các sử thần thời Lê biên soạn. Sách này có mấy đoạn rất đáng chú ý :
- "Năm Kỉ Hợi, đời Hán Quang Vũ Lưu Tú, niên hiệu Kiến Vũ năm thứ 15,Thái Thú quận Giao Chỉ là Tô Định, chính sự tàn tạo và tham lam, Trưng Nữ Vương liền dấy binh để đánh (1).
"(Vua) tên quý là Trắc, họ Trưng, nguyên họ Lạc, con gái của Lạc Tướng huyện Mê Linh (Phong Châu), vợ của Thi Sách ở huyện Chu Diên. Thi Sách cũng là con Lạc Tướng. Con hai nhà Lạc Tướng kết hôn với nhau".
"Mùa xuân, tháng 2 (năm Canh Tí 40-NKT), Vua khổ vì Thái Thú Tô Định dùng pháp luật trói buộc, lại thù Tô Định giết chồng mình, mới cùng với em gái là Nhị nổi binh đánh hãm trị sở các châu. (Tô) Định chạy về nước. Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố đều hưởng ứng. (Trưng Trắc) lấy được 65 thành rồi tự lập làm Vua, xưng là họ Trưng".
Từ hai thư tịch cổ nói trên, chúng ta có thể rút ra được mấy vấn đề chung nhất và nổi bật nhất vế lí lịch cuộc đời của Hai Bà Trưng như sau : - Hai Bà người họ Trưng mà nguyên lại là họ Lạc. - Quê quán : huyện Mê Linh. - Thành phần gia đình : cha là Lạc Tướng của huyện Mê Linh. - Trưng Trắc là vợ của Thi Sách mà Thi Sách là con trai của Lạc Tướng huyện Chu Diên. - Thái Thú Tô Định tham lam và tàn bạo, giết chết Thi Sách nên Trưng Trắc cùng với Trưng Nhị khởi binh đánh cho đại bại. Hai Bà giành được thắng lợi, chiếm 65 thành rồi xưng Vương.
Sau ĐẠI VIỆT SỬ LƯỢC và ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ, các thư tịch cổ của ta như KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC và một số bộ dã sử khác cũng chép chuyện Hai Bà Trưng nhưng nói chung là không có gì mới mẻ. Thư tịch cổ của Trung Quốc (ví dụ như HẬU HÁN THƯ chẳng hạn) tuy có vài dòng về Hai Bà Trưng nhưng không bàn đến gốc tích của Hai Bà.
Đọc các thư tịch cổ viết về Hai Bà Trưng, cảm giác đầu tiên thường có ở hầu hết mọi người là : chừng như tất cả chỉ mới dừng lại ở mức độ sơ bộ nhắc nhở về những sự kiện gắn liền với Hai Bà Trưng chứ chưa đủ để làm thoả mãn ý nguyện hiểu biết của hậu thế về hai nhân vật lịch sử kiệt xuất này. Sự bất nhất và sự giản lược của thư tịch cổ khiến cho người đọc lấy làm tiếc. Không còn cách nào khác, phương pháp phổ biến của giới sử học hiện đại vẫn là kết hợp chặt chẽ giữa việc phân tích và xử lí thư tịch cổ với việc tổ chức khảo sát trên một bình diện ngày càng rộng để tìm kiếm thêm các tài liệu có liên quan đến Hai Bà Trưng. Hai nguồn tài liệu mới hơn được các nhà sử học đặc biệt chú ý, đó là các tờ thần tích và truyền thuyết dân gian.
---------------------------------------------------------------- (1) ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ. (Ngoại kỉ, quyển 3, tờ 1-b). Tác giả xin được chú thích thêm : Hán Quang Vũ (Lưu Tú) là người khai sáng ra nhà Hậu Hán (cũng tức là Đông Hán : 25-220), ở ngôi 32 năm (25-57), mất năm 57, hưởng thọ 63 tuổi (06 TCN-57). Trong thời gian ở ngôi, Hán Quang Vũ sử dụng hai niên hiệu, đó là Kiến Vũ (25-56) và Kiến Vũ Trung Nguyên (56-57)._________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: HAI BÀ TRƯNG Wed 17 Mar 2010, 02:13 | |
| Thực ra, ngay từ sơ kì của thời đồ đá mới 1, cư dân tiền sử trên đất nước ta đã biết tới kĩ thuật đan lát với trình độ khá cao. Đến trung kì của thời đồ đá mới 2, nghề dệt đã xuất hiện. Tất nhiên, sợi dệt lúc đầu được khai thác chủ yếu từ vỏ cây. Sang thời sơ sử, nghề trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa được khai sinh mà người được tôn làm tổ sư của nghề này chính là Thiều Hoa - một trong những người con gái của Hùng Vương. Truyền thuyết dân gian kể rằng : "Công Chúa Thiều Hoa là người rất xinh đẹp, lại có biệt tài hiểu được và nói chuyện được với muôn loài. Ngày nào cô vào rừng chơi là ngày đó muôn loài lại nô nức chào đón. Chim hót cho cô nghe, bướm bay lượn khoe màu cho cô vui mắt. Một ngày nọ, nhân ngày hội của các loài bướm, Công Chúa Thiều Hoa vào rừng. Hôm đó, Thiều Hoa bỗng thấy loài bướm nâu xấu xí chỉ lặng lẽ đậu trên cành cây quan sát chứ không hề bay lượn như những loài bướm khác. Nghe Công Chúa Thiều Hoa hỏi, bướm nâu bèn trả lời rằng :
- Em không thích bay lượn. Không giống như tất cả những loài bướm khác, em đẻ trứng rồi trứng ấy nở thành sâu chứ chẳng nở thành bướm. Sâu ấy chỉ ăn lá dâu chớ không hề phá hoại mùa màng. Ăn lá dâu rồi sẽ nhả ra những sợi óng ánh rất đẹp...
Bướm nâu vừa kể vừa bay dẫn đường cho Thiều Hoa Công Chúa đến một nơi có rất nhiều cây dâu. Ở đó, cô say mê ngắm những sợi nhỏ óng ánh được những con sâu cuốn lại thành từng cuốn, treo khắp cả rừng dâu. Và cô thận trọng gỡ từng sợi mỏng mảnh ấy ra, đan thành vải rồi đem may thành áo, khiến cho bất cứ ai trông thấy cũng phải ưa. Từ đấy, Thiều Hoa Công Chúa đặt tên cho loài bướm nâu ấy là bướm ngài, trứng do bướm ngài đẻ ra thì gọi là trứng ngài, loài sâu nở ra từ trứng ngài thì gọi là tằm và những sợi óng ánh do tằm nhả ra thì gọi là sợi tơ. Vải dệt từ sợi tơ thì gọi là lụa. Để có thật nhiều lụa, Thiều Hoa Công Chúa bèn tâu xin cha là Hùng Vương cho di dân đến bãi đất ven sông Hồng để làm nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Chính cô là người đã lập ra làng lụa Cổ Đô lừng danh 3.
Thật ra, trong kho tàng truyền thuyết dân gian, Thiều Hoa Công Chúa không phải là người duy nhất mà chỉ là một trong số không ít những người được tôn làm tổ sư của nghề dệt, nhưng, điều đáng nói là phần lớn những bậc được tôn làm tổ sư của nghề dệt đều là người Mê Linh hoặc là người quê ở vùng kế cận đất Mê Linh. Nói khác hơn, quê hương Hai Bà Trưng cũng chính là quê hương của nghễ trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Ở đó, loại trứng ngài nào tốt thì được gọi là trứng chắc, loại nào kém hơn thì được gọi là trứng nhì. Tương tự như vậy, tổ kén nào tốt thì gọi là kén chắc, tổ nào kém hơn thì được gọi là kén nhì. Thuở xưa, khi mà chữ Hán chưa được truyền bá hoặc chưa có điều kiện để thấm sâu vào nhận thức của xã hội thì xu hướng chung của cách đặt tên người là rất giản dị và mộc mạc, thể hiện rất rõ sự gắn bó thiết tha với cuộc sống đời thường. Từ thực tế sinh động của xu hướng đặt tên chung này, chúng ta có thể suy luận rằng Hai Bà Trưng chẳng những thuộc lớp người hoàn toàn chưa có họ mà ngay cả tên gọi cũng mang âm hưởng rất thân quen của nghễ trồng dâu, nuôi tằm, dệt luạ 4. Những chữ trứng chắc và trứng nhì vốn để chỉ hai loại cao thấp khác nhau của trứng ngài, có lẽ đã được dùng làm tên cho hai chị em hơn kém nhau về tuổi tác. Sau, tên gọi của Hai Bà được phiên âm Hán Việt thành Trưng Trắc và Trưng Nhị. Như trên đã nói, xu hướng đặt tên người theo cách này còn tiếp tục được duy trì rất lâu dài ở những vùng chữ Hán chưa có điều kiện để thấm sâu vào nhận thức của xã hội. Khảo sát cách đặt tên người ở một số địa phương, chúng tôi còn thấy khá rõ dấu ấn của điều này. Ví dụ :
- Cha mẹ làm ruộng thì thường đặt tên con là : Trần Văn Cày, Trần Văn Bừa, Trần Thị Liềm, Trần Thị Hái...
- Cha mẹ làm nghề thợ mộc thì thường đặt tên con là : Lê Văn Dùi, Lê Văn Đục, Lê Thị Bào, Lê Thị Cưa...
- Cha mẹ làm nghề thợ rèn thì thường đặt tên con là : Ngô Văn Bễ, Ngô Văn Đe, Ngô Thị Lò, Ngô Thị Than...
Giữa mênh mông cuộc đời, không ai phải chịu trách nhiệm về tên gọi hay dở của mình cả, nhưng, bất cứ ai cũng phải chịu trách nhiệm về mọi hành trạng của chính mình. Ranh giới giữa tốt và xấu, giữa anh hùng và phản bội, giữa cao thượng và thấp hèn... chỉ bắt nguồn từ ý thức và năng lực chịu trách nhiệm về mọi hành trạng này.
Tóm lại, Trưng Trắc và Trưng Nhị không phải là họ và tên như suy đoán của sử cũ, Hai Bà Trưng cũng không phải nguyên là người họ Lạc như một số thư tịch cổ đã ghi. Thời của Hai Bà là thời dân ta chưa có họ. Ngay ở Trung Quốc, đến cả các bậc Thiên Tử cũng chỉ mới thấy thư tịch cổ của Trung Quốc chép đầy đủ cả họ và tên từ thời nhà Chu 5. Tuy nhiên, hiện tượng này chưa phải là đã thật sự phổ biến : Sau đó, ngay cả Hoàng Đế đầu tiên của Trung Quốc là Tần Thuỷ Hoàng cũng chưa hề có họ theo đúng nghĩa của từ này 6.
Các dòng họ trong lịch sử nước ta xuất hiện muộn hơn ở Trung Quốc và trong bối cảnh chung đó, những nhân vật sống ở đầu Công nguyên như Trưng Trắc và Trưng Nhị, nếu chưa có họ thì cũng là lẽ tự nhiên. Một loạt các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng, những người đã từng sát cánh chiến đấu đầy hiệu quả với Hai Bà và đã lập nên công trạng lớn như : Ả Di, Ả Tắc, Thánh Thiên, Bát Nàn, Cư Ông, Đô Dương, Ích Xương, Ông Trọng... cũng đều là những người hoàn toàn chưa có họ.
----------------------------------------------------------------- (1) Với nền văn hoá tiêu biểu là Bắc Sơn (nay thuộc tỉnh Lạng Sơn). (2) Với nền văn hoá tiêu hiểu là Bàu Tró (nay thuộc tỉnh Quảng Bình). (3) Xin vui lòng tham khảo thêm : Nguyễn Khắc Thuần - TRÔNG LẠI NGÀN XƯA (tập 2- phần Lược truyện các bậc tổ sư, Nxb Giáo dục.1998. Làng Cổ Đô xưa nay thuộc xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. (4) Theo thần tích làng Lâu Thượng (nay thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) thì gia đình Hai Bà Trưng chuyên làm nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Ở đó, tổ kén tốt thì gọi là kén chắc, kén kém hơn gọi là kén nhì, loại trứng ngài nào tốt thì được gọi là trứng chắc, loại nào kém hơn thì được gọi là trứng nhì... Vì lẽ này cha mẹ đặt tên cho Hai Bà là Chắc và Nhì. Theo thần tích làng Hạ Lôi thì Trưng Trắc và Trưng Nhi là hai chị em sinh đôi. (5) Xin vui lòng tham khảo thêm : Nguyễn Khắc Thuần : CÁC ĐỜI ĐẾ VƯƠNG TRUNG QUỐC, Nxb Giáo dục, 2002. Sách đã được tái bản lần thứ nhất. (6) Cha của Tần Thủy Hoàng là Tử Sở, vì từng phải làm con tin ở nước Triệu nên lấy họ Triệu chứ thực ra thì không phải là người họ Triệu. _________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: HAI BÀ TRƯNG Wed 17 Mar 2010, 02:18 | |
| 3. QUÊ HƯƠNG, GIA ĐÌNH VÀ NHỮNG TRANG LÍ LỊCH ĐẦU TIÊN
Tác phẩm sử học cổ nhất của nước ta hiện còn lưu giữ được là ĐẠI VIỆT SỬ LƯỢC viết : "Trưng Trắc người huyện Mê Linh". Bộ ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ ghi rõ : "Trưng Trắc là con của Lạc tướng huyện Mê Linh". Và, bộ KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC cũng viết tương tự... Nói cách khác, các thư tịch cổ đều ghi rõ quê quán của Hai Bà Trưng là huyện Mê Linh. Như đã trình bày ở trên, đất Mê Linh xưa rất rộng lớn, vậy, sinh quán cụ thể của Hai Bà là vùng nào ? Về vấn đề này, kết quả của các cuộc khảo sát thực tế đã cung cấp cho chúng ta những chi tiết mang tính bổ sung rất đáng chú ý, theo đó thì quê nội của Hai Bà là làng Hạ Lôi còn quê ngoại của Hai Bà là làng Nam Nguyễn.
Hạ Lôi nguyên xưa là một làng của huyện Yên Lãng, thuộc phân phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây 1. Sau năm 1975, có lúc làng này thuộc huyện Mê Linh (Hà Nội). Nay, làng Hạ Lôi thuộc huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Hạ Lôi là một trong những làng có truyền thống trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa rất lâu đời. Thân sinh của Hai Bà từng là Lạc Tướng của huyện Mê Linh. Sấy giờ, hầu như tất cả các Lạc Tướng đều xuất thân từ đội ngũ quý tộc bộ lạc cũ và thân sinh của Hai Bà cũng là hậu duệ của đội ngũ này. Nhìn chung thì trong thời Bắc thuộc, chính quyền đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Quốc tuy đã hoàn toàn xoá bỏ được guồng máy nhà nước của Âu Lạc nhưng chúng vẫn chưa thể nào chi phối được tất cả các hoạt động của tổ chức xã hội cơ sở. Trong bối cảnh đó, dư âm quyền lực của đội ngũ quý tộc cũ vẫn còn rất cao, và do vậy, ngoài uy tín cá nhân lớn lao của chính mình, Hai Bà Trưng còn may mắn được thừa hưởng uy tín của cha. Tuy qua đời sớm nhưng bản lĩnh và khí khái của Lạc Tướng Mê Linh vẫn có ảnh hưởng rất sâu sắc đối với con gái mình.
Làng Nam Nguyễn nay thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Truyền thuyết dân gian và các tờ thần tích ở đây đều khẳng định rằng làng Nam Nguyễn là quê ngoại của Hai Bà Trưng. Làng Nam Nguyễn có Miếu Mèn là nơi thờ bà Man Thiện - thân nẫu của Hai Bà 2, có Mả Dạ (hay Mộ Da) tương truyền là mộ của bà Man Thiện. Trong tiếng Việt cổ, Dạ là từ dùng để chỉ người phụ nữ lớn tuổi mà được kính trọng, trái nghĩa với Ẩu là từ dùng để chỉ người phụ nữ trẻ tuổi mà bị coi thường. Ở huyện Ba Vì, ngoài Miếu Mèn và Mả Dạ thì đình làng Nam Nguyễn cũng là nơi kính thờ bà Man Thiện cùng Hai Bà Trưng và một số tướng lĩnh của Hai Bà. Hạ Lôi và Nam Nguyễn ngày nay là hai làng thuộc hai tỉnh khác nhau nhưng khoảng cách hai làng lại không xa lắm. Xưa, Hạ Lôi và Nam Nguyễn đều thuộc Phong Châu (cách đây khoảng vài chục năm, cả hai đều thuộc Hà Nội). Như trên đã nói, thân sinh Hai Bà Trưng là hậu duệ của một trong những quý tộc bộ lạc cũ. Từ khi đô hộ và nuôi mưu toan biến nước ta thành quận huyện của Trung Quốc, nhà Hán đã đặt các chức như Huyện Lệnh hoặc Huyện Thừa và trao chức này cho không ít quý tộc bộ lạc cũ. Tuy nhiên, dân đương thời vẫn thường gọi theo chức danh mang đậm dấu ấn tình cảm sâu sắc là Lạc Tướng. Từ thực tế này, chúng ta có thể suy luận rằng thân sinh của Hai Bà Trưng có lẽ nguyên là Huyện Lệnh (hoặc Huyện Thừa) của huyện Mê Linh nhưng vì giàu công đức nên được dân yêu quý gọi là Lạc Tướng.
Cũng theo các truyền thuyết dân gian và khá nhiều tờ thần tích thì thân mẫu của Hai Bà Trưng là cháu chắt nhiều đời bên ngoại của Hùng Vương. Lúc bấy giờ, chế độ phụ quyền và gia đình phụ hệ tuy đã được thiết lập và khẳng định một cách chắc chắn từ khá lâu trước đó, nhưng ảnh hưởng của dòng họ ngoại (nhất là dòng họ ngoại thuộc hàng giàu quyền thế và ảnh hưởng xã hội rộng lớn như dòng Hùng Vương) vẫn còn rất mạnh mẽ. Nguồn gốc xuất thân đó đủ để thân mẫu của Hai Bà Trưng được dân đương thời bày tỏ sự kính trọng. Và hơn thế nữa, điều đáng nói là bà Man Thiện đã nuôi dạy hai người con gái của mình theo những tiêu chí đánh giá đại đạo làm người rất đặc biệt. Nhờ sự nuôi dạy của người mẹ khả kính ấy, những tố chất anh hùng đã liên tục được nhen nhúm trong tình cảm cũng như nhận thức của Hai Bà Trưng : thiết tha yêu nước và thương nòi, sục sôi lòng căm thù giặc, bừng bừng tinh thần thượng võ và ý thức nuôi chí cả để tập hợp bốn phương thiên hạ vùng dậy cứu nước và cứu dân 3. Các bộ chính sử của Trung Quốc cũng đã phải thừa nhận thực tế này. Hai Bà Trưng được thư tịch cổ cua Trung Quốc mô tả là "rất hùng dũng", "can đảm và dũng lược" 4. Ở chừng mực nhất định nào đó, chúng ta cũng có thể nói rằng chính thân mẫu của Hai Bà Trưng là linh hồn đầu tiên của quá trình chuẩn bị khởi nghĩa. Biệt danh Man Thiện tuy rất giản dị nhưng cũng đủ để hàm chứa thái độ thực sự cảm phục và trân trọng của hậu thế đối với Bà. Hiện chưa rõ Trưng Trắc và Trưng Nhị sinh vào năm nào, nhưng căn cứ vào những sự kiện lớn trong cuộc đời của Hai Bà, chúng ta có thể ước đoán Hai Bà sinh vào khoảng cuối thời nhà Tân 5. Trước khi dựng cờ khởi nghĩa (năm 40), Trưng Trắc đã kết hôn. Chồng của Trưng Trắc tên là Thi Sách 6, con trai của Lạc Tướng huyện Chu Diên. Vào đầu thời Hậu Hán, địa giới của huyện Chu Diên là vùng ngày nay đại để tương ứng với khu vực kéo dài từ huyện Đan Phượng của tỉnh Hà Tây về đến huyện Từ Liêm của Hà Nội. Như vậy, đất đai của huyện Chu Diên tiếp giáp với đất đai của huyện Mê Linh. Đây là hai huyện lớn, nằm án ngữ ngay ở khu vực trung tâm lại có dân cư đông đúc và kinh tế rất phát đạt, do vậy, cuộc hôn nhân của hai gia đình Lạc Tướng Chu Diên và Mê Linh dẫn đến sự liên kết tự nhiên nhưng cũng rất chặt chẽ giữa hai huyện có tiềm lực mạnh mẽ này đã khiến cho chính quyền đô hộ của nhà Hậu Hán đương thời dù đang hồi cường thịnh nhất vẫn luôn cảm thấy thật sự lo sợ. Đây vừa là thuận lợi rất to lớn lại cũng vừa là khó khăn rất nặng nề đối với Hai Bà Trưng trong sự nghiệp phát động nhân dân khắp cõi vùng lên khuấy nước chọc trời. Thuận lợi vì nhân dân (mà trước hết là nhân dân hai huyện Chu Diên và Mê Linh) sẵn sàng đồng lòng ủng hộ Hai Bà, nhưng khó khăn là vì quân đô hộ thừa biết diễn tiến tất yếu của mọi việc nên nhất định sẽ chủ động đối phó.
----------------------------------------------------------------- (1) Xin vui lòng tham khảo mục 2.Giải mã một cách đặt tên (cũng thuộc phần II này) (2) Hai chữ Man Thiện có lẽ cũng không phải tên gọi mà chỉ là một vinh hiệu, nghĩa là người man di tốt. Đời sau vì kính phục mà gọi thế chăng? (3) Truyền thuyết dân gian vùng Hà Tây có chuyện Đỗ Năng Tế, theo đó thì Đỗ Năng Tế người ở vùng nay thuộc huyện Quốc Oai, khoẻ mạnh, nhiều cơ mưu và đặc biệt là rất giỏi võ nghệ. Bà Man Thiện đã mời Đỗ Năng Tế về dạy cho hai người con gái của mình. (Tác giả xin được chú thích thêm rằng, việc bà Man Thiện mời thầy dạy võ nghệ cho con là điều rất phù hợp với tất cả các truyền thuyết khác, còn như nhân vật có đầy đủ họ và tên là Đỗ Năng Tế thì ắt hẳn là do người đời sau thêm vào cho dễ nghe chứ thời Hai Bà Trưng, dân ta chưa có họ). (4) Phạm Việp (Trung Quốc) : HẬU HÁN THƯ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán. (5) Nhà Tân do Vương Mãng lập ra năm 08 và tồn tại trước sau tổng cộng 17 năm (từ năm 08 đến năm 25), truyền nối được hai đời. Trong suốt thời gian tồn tại, nhà Tân đã thay nhà Tiền Hán để đô hộ nước ta. (6) Hầu hết thư tịch cổ của ta và Trung Quốc đều chép tên chồng của Trưng Trắc là Thi Sách, duy chỉ có Lịch Đạo Nguyên (Trung Quốc) trong THUỶ KINH CHÚ (Quốc Học Cơ Bản Tùng Thư, Thương Vụ Ấn Thư Quán) chép là Thi. Tờ 62, quyển 37 của THUỶ KINH CHÚ viết rằng : Chu Diên Lạc Tướng tử danh Thi, sách Mê Linh Lạc Tướng nữ danh Trưng Trắc vi thê. Câu này chỉ có thể dịch là con trai của Lạc Tướng Chu Diên tên là Thi hỏi cưới con gái của Lạc Tướng Mê Linh tên là Trưng Trắc làm vợ. Chữ sách ở đây phải dịch là hỏi cưới, không thể dịch thành tên là (Thi) Sách. Tuy nhiên trong sách này, chúng tôi vẫn theo cách gọi quen thuộc và phổ biến vốn có từ muôn dời nay mà chép tên chồng của Trưng Trắc là Thi Sách. _________________________ |
| | | Y Nhi Admin
Tổng số bài gửi : 3173 Registration date : 22/11/2007
| Tiêu đề: HAI BÀ TRƯNG Wed 17 Mar 2010, 02:20 | |
| 4. DỰNG CỜ XƯỚNG NGHĨA
Một trong những nhân vật lừng danh của lịch sử Trung Quốc là Hán Quang Vũ. Hán Quang Vũ tên thật là Lưu Tú, cháu 9 đời của Lưu Bang (tức Hán Cao Tổ, người sáng lập ra nhà Tiền Hán vào năm 206 TCN). Lưu Tú sinh năm 06 TCN, lật đổ nhà Tân và khai sinh ra nhà Hậu Hán (cũng tức là Đông Hán) vào năm 25, ở ngôi Hoàng Đế 32 năm (25-57), mất năm 57, hưởng thọ 63 tuổi. Thời Hán Quang Vũ, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với bốn phương rất rộng lớn và mạnh mẽ. Bởi lẽ này, sử sách của Trung Quốc đã không ngớt lời ca ngợi Hán Quang Vũ. Dựa vào uy thế đó, bọn quan lại đô hộ ở Âu Lạc đã ra sức tìm đủ mọi cách để vơ vét tài nguyên và của cải. Nổi bật nhất trong số những tên đô hộ tham tàn chính là Tô Định 1.
Theo ghi chép của ĐÔNG QUAN HÁN KÍ thì Thái Thú Tô Định là tên rất khắc nghiệt, luôn mượn cớ nghiêm giữ phép nước để tìm cách hà hiếp dân lành và hễ "thấy tiền là giương mắt lên, thấy địch thì cụp mắt xuống" 2. Lo sợ trước cuộc hôn nhân rất dễ có khả năng dẫn đến sự liên kết chặt chẽ giữa Chu Diên và Mê Linh, Tô Định đã giết chết Thi Sách và hi vọng là với đòn phủ đầu ấy, chính quyền đô hộ có thể nhanh chóng triệt tiêu hoàn toàn mầm mống của sự phản kháng nhất định sẽ bùng lên ở vùng đất trung tâm vốn có tiềm lực rất mạnh mẽ này 3. Nhưng, Tô Định và quân đô hộ nhà Hậu Hán đã nhầm. Bà Man Thiện đã cùng con gấp rút chuẩn bi một cuộc khởi nghĩa lớn. Quyết tâm của bà Man Thiện và của Hai Bà Trưng đã lập tức nhận được sự cổ vũ và ủng hộ mạnh mẽ của cả xã hội. Từ đất Mê Linh, một cơn bão lửa quật khởi đã nhanh chóng hình thành. Dân bốn phương nườm nượp kéo về Mê Linh để cùng tề tựu dưới ngọn cờ cứu nước của Hai Bà Trưng. Truyền thuyết dân gian vùng Hà Tây và một số bộ dã sử cho hay rằng, trước khi quả cảm phất cờ khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã long trọng tổ chức một cuộc hội thề rất lớn.tại vùng Hát Môn 4. Theo THIÊN NAM NGỮ LỤC thì trước ba quân tướng sĩ, Hai Bà đã tuyên thệ quyết tâm thực hiện cho bằng được bốn mục tiêu :
Một xin rửa sạch nước thù, Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng. Ba kẻo oan ức lòng chồng, Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này.
Về cuộc hội thi tổ chức tại đất Hát Môn, Hoàng Giáp Ngô Thì Sĩ (1725-1780) 5 viết rằng : "Khi (Trưng) Trắc ra quân, dù chưa hết tang chồng nhưng Bà vẫn ăn mặc đẹp, các tướng hỏi, Bà bèn nói rằng :
- Việc binh phải tòng quyền, nếu cứ giữ lễ làm cho dung nhan xấu xí thì có khác gì là làm giảm nhuệ khí, cho nên, ta mặc đẹp như vậy để làm cho thế quân hùng tráng. Vả chăng, lũ giặc kia trông thấy, lòng sẽ không yên nên sẽ nhụt bớt chí khí chiến đấu, như thế thì ta sẽ thêm phần dễ thắng.
Mọi người nghe vậy đều vái tạ mà nói là họ không thể nào nghĩ kịp cách nghĩ của Bà" 6.
------------------------------------------------------------------ (1) Tô Định làm Thái thú Giao Chỉ từ năm 34, tức là 9 năm sau khi nhà Hậu Hán được dựng lên. (2) Phạm Việp (Trung Quốc) : HẬU HÁN THƯ. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán. (3) Về nhân vật Thi Sách, THỦY KINN CHÚ của Lịch Đào Nguyên (Trung Quốc) viết rằng chính Thi Sách đã cùng với Hai Bà Trưng khởi xướng và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống ách thống trị của nhà Hậu Hán. Tuy nhiên, phần lớn các thư tịch cổ (của ta và của Trung Quốc), đặc biệt là hàng loạt những truyền thuyết dân gian đều khẳng định rằng Tô Định đã giết Thi Sách trước khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa. (4) Hát Môn : cửa sông Hát, nay thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây. (5) Ngô Thì Sĩ (thân sinh của Tiến Sĩ Ngô Thì Nhậm) người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, nay là thôn Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội, đỗ Hoàng Giáp năm 1766, làm quan được trải phong dần tới chức Đốc Đồng, Ngô Thì Sĩ là tác giả của một loạt tác phẩm rất có giá trị như : ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TIỀN BIÊN, VIỆT SỬ TIÊU ÁN, NGỌ PHONG VĂN TẬP, ANH NGÔN THI TẬP, NGHỆ AN THI TẬP, HẢI ĐÔNG CHÍ LƯỢC... (6) VIỆT SỬ TIÊU ÁN - Trưng Nữ Vương. _________________________ |
| | | Sponsored content
| Tiêu đề: Re: Danh tướng Việt Nam 4 - Nguyễn Khắc Thuần | |
| |
| | | |
Similar topics | |
|
Trang 1 trong tổng số 7 trang | Chuyển đến trang : 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 | |
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |